Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

8 Trang < 1 2 3 4 5 > »  

· [ ] ·

 Phản đối đặt Tên đường Alexandre De Rhodes?

Phó Thường Nhân
post Dec 23 2019, 06:36 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #21

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tôi viết tiếp rồi bình cái sự việc đặt tượng ở TP HCM kia sau, lúc tôi nói về lịch sử VN liên quan tới quân cờ đen, Lưu vĩnh Phúc, và hiệp định Thiên Tân giữa Pháp và nhà Thanh, cho nó tiện.
Thái độ của trí thức VN thời Pháp thuộc, có thể lấy dân chứng ngay trong mấy mẩu trích đoạn nhỏ mà tôi và NVT cóp pi trong chủ đề này. Ví dụ trích dẫn của tôi về ông Hoa Bằng, thông qua một đoạn của lề trái thực ra là đặc trưng của loại trí thức phò Pháp này. Và để phò thực dân Pháp, ông này đã không ngần ngại bóp méo linh tinh, nguỵ biện lính pháp thành linh mục Pháp, như tôi đã bình ở trên. Họ cũng có thái độ thán phục văn minh phương Tây một cách tuyệt đối, kiểu như nghị Quế trong truyện tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố “Đồng hồ Tây có bao giờ sai”. Nhưng điều Hoa bằng thán phục giáo sĩ Pháp thật là nực cười, nhưng nó cũng nói lên cái khía cạnh, tại sao người Vn lúc đó theo đạo Thiên chúa. Nó không phải là vì tâm linh, đạo thiên chúa hay hơn các tôn giáo khác đã tồn tại ở Vn, mà nó hấp dẫn bởi “văn minh phương Tây”, vì khoa học kỹ thuật. Nhưng vấn để là đạo Thiên chúa, nếu là văn hoá phương Tây thì lại không phải là khoa học kỹ thuật, mà ngược lại để phát triển khoa học kỹ thuật mà các nước phương Tây đã chống tôn giáo. Alexandre de Rhode được chúa Trịnh và chúa Nguyễn cho truyền đạo, vì các chúa muốn mua súng hoả mai của người Bồ, nhưng sau đó thấy ông này .. không làm thương mại , nên mới đuổi đi. Câu chuyện xẩy ra tương tự như vậy với các triều đại TQ, Nhật bản đương thời.
Còn nếu đọc kỹ cái văn bia của cụa Tố, mà NVT dẫn lên, nếu tinh ý thì người ta chắc không bao giờ dựng tượng ông này. Tại sao ? vì trong lời văn bia, có một “cú đá xéo”, mà bình thường người ta phải nhận ra. Đó là khi nói tới tình yêu của Alexandre de Rhode với VN, cụ Tố có viết là (trích lại ở đây) :
“Người truyền giáo có kết quả lớn-lao sau muốn bảo-tồn cái kết quả ấy và muốn dựng nên thánh-giáo chắc-chắn cho giáo-đồ Việt-nam. Người được phép Toà-Thánh cho đặt các chức giám-mục chọn toàn người Pháp (1652). »
Nếu ai có một chút nhận thức về vấn đề thiên chúa giáo ở VN, thì cái dòng trích ở trên đã nói rõ lý do « ngấm ngầm » tại sao Alexandre de Rhode được thực dân Pháp thời thuộc địa coi là ông tổ chữ quốc ngữ, theo cụ Tố, vì những lời trên là lời cụ viết.
Nó có hai ý. Ý một. Đó là nhờ Alexandre de Rhode mà về sau các chức giám mục ở VN đều là người Pháp. Dể tìm hiểu sâu điều này, nên xem lại lịch sử một chút, nếu người ta đặt câu hỏi, tại sao những nhà truyền đạo thiên chúa đầu tiên ở VN, Nhật bản, TQ lại là người Bồ mà không phải là dân một nước theo đạo thiên chúa khác ? Bởi nó là một thoả thuận giữa giáo hoàng La mã với Bồ đào Nha và Tây Ban Nha, vào khoảng giữa thế kỷ XV. Vì người Bồ và người Tây ban Nha là những người châu Âu đầu tiên đi tham hiểm ở những châu lục khác. Theo thoả thuận đó, thì người Bồ được phép truyền đạo và sở hữu đất của đông bán cầu, và Tây ban Nha Tây bán cầu. Biên giới của nó là vĩ tuyến chạy qua giữa biển Đông vì có một ngoại lệ là Philipines. Phi lipines được Tây ban Nha truyền đạo và .. biến thành thuộc địa của mình, dù ở Đông bán cầu như VN. Còn người Bồ thì truyền đạo ở VN, TQ, Nhật, Ấn độ. Sự xuất hiện đặc biệt của Alexandre de Rhode (một người có gốc gac ở bán đảo Tây ban Nha, nhưng sau lại sống ở Nam Pháp và là thần dân của Pháp), đã giúp Pháp có được ngoại lệ « thay Bồ truyền đạo ở VN » này.
Như vậy, công lao gây dựng thuộc địa của Alexandre de Rhode với Pháp đã được nói rõ.
Nhưng nó có một ý hai nữa, mà người nào tìm hiểu tổ chức và sự phát triển của công giáo VN sẽ thấy. Đó là cấu chúc nhân sự của nó ngay từ khởi điểm đã có mầu sắc « thuộc địa » rất rõ. Vì các linh mục, chức sắc cao cấp đều là người phương Tây(chủ yếu là Pháp, vì VN được hội truyền giáo nước ngoài của giáo hội Pháp quản lý), còn giáo dân người Việt chỉ leo tới chức « trùm đạo » là hết đất. Chức trùm đạo này (giống như dạng tổ trưởng dân phố,so với linh mục là cán bộ phường, quận, thành phố) chỉ tồn tại ở VN. Đây cũng chính là một lý do, tại sao thực dân Pháp có thể lợi dụng được đạo này để xâm lược. Phải tới thời Ngô Đình Diệm, thì mới có người Việt làm các chức sắc cao hơn. Nhưng chức hồng y giáo chủ, tức là giáp giới với Giáo Hoàng, thì phải đợi tới thời tổng bí thư Đỗ Mười mới có người việt nam có được chức này. Nếu tôi không nhầm thì người đầu tiên là Hồng Y Trịnh văn Căn.
Điều thú vị là cứ mỗi khi cách mạng Vn thắng lợi, thì người gốc Việt lại được thêm một ít chức quyền trong tổ chức công giáo này, trong khi nó là một tổ chức không ủng hộ cách mạng thời kỳ này (còn giáo dân như một cá nhân theo cách mạng thì vẫn có, ví dụ như học giả Trần Văn Giầu). Giống như một sự chạy đua với cách mạng VN. Cũng tương tự như vậy, vào khoảng những năm 90, giáo hội La mã cũng công nhận 70 người VN thành thánh, là những người đã bị chính quyền nhà Nguyễn xử tử trong cách cuộc « bình tây sát tả » (trừ quân Pháp, diệt tà đạo tức là đạo Thiên chúa) , do có nhiều người công giáo làm tay sai cho thực dân Pháp, đi lính, làm thông ngôn, chỉ điểm .. nên toàn bộ đạo này bị trù dập.
Sự lạ lùng này thực ra là dễ hiểu, vì nó có lý do chính trị. Sự ngược đời này cũng đúng với .. chính quyền Sài gòn cũ. Chính quyền « quốc gia » này ra đời vì Pháp biết không tiêu diệt được Việt Minh, vì thế nó được nặn ra vào năm 1948. Chính quyền miền Nam độc lập nhất, độc lập thực sự là ..sau hiệp định Pa ri 1973, bởi Mỹ đã chán hẳn rút quân, để cho nó bơ vơ. Như vậy cứ mỗi khi các lực lượng can thiệp bên ngoài thua, thì tay chân của nó lại được ..độc lập hơn, để rồi không thể tự sống được và nghẻo. Nhưng đây cũng là hòn đá thử vàng để xem nó có đúng là quốc gia thực sự không hay là Fake.
Hiện nay quan hệ giữa Va ti căng và VN có vẻ tốt hơn, và tôi nghĩ về khách quan nó chỉ có thể tốt hơn, do vị thế hiện tại của giáo hội công giáo này thay đổi, cái này tôi sẽ nói sau.
Trở lại với tấm bia của cụ Tố. Nếu người ta thực sự tìm hiểu, không nguỵ biện, ăn theo, hay cố tình vu vạ như lề trái, thì bản thân nó đã nói lên được tâm sự của các trí thức VN yêu nước (nhưng chưa theo cách mạng) thời Pháp thuộc. Tâm tư của họ lại một lần nữa nói lên việc tung hô Alexandre de Rhode này thực ra là một tuyên truyền chính trị văn hoá của thực dân Pháp, chứ không phải là sự thật.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 23 2019, 10:34 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #22

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bây giờ tôi sẽ phân tích phần « đồng sàng dị mộng » nhu cầu sử dụng chữ quốc ngữ giữa thực dân pháp, các tay sai theo họ một bên và người việt nam bình thường một bên.
Đầu tiên ta có thể khẳng định được rằng, việc tuyên truyền cho chữ quốc ngữ đầu tiên là thực dân Pháp, qua tạp chí Nam phong, mà Phạm Quỳnh là chủ biên phần chữ quốc ngữ. Tap chí này là do phòng chính trị của sở mật thám Đông Dương Pháp tài trợ. Và như vậy phải hiểu là Pháp làm, lý do đầu tiên là về an ninh chính trị cho họ. Việc này đối với hệ thống chính trị Pháp là thông lệ. Ngay cả hiện nay, ở Pháp, bộ trưởng bộ công an cũng là bộ cai quản tất cả các vấn đề tôn giáo,tín ngưỡng, văn hoá. Cho đến sau đại chiến II, thì ở Pháp (từ năm 1958) mới có bộ văn hoá, nhưng nó cũng không coi phần này mà nặng về phần bảo tồn văn hoá, di tích. Còn sở mật thám chính trị thì ngay ở Pháp cũng tồn tại cho đến ngày nay (ở pháp nó được gọi là RG : renseignements généraux). Chính nhờ các thông tin theo dõi của nó hồi đầu thế kỷ XX còn giữ lại, mà người ta mới biết Bác Hồ lúc ở bên Pháp thế nào, ở đâu , làm gì .
Tại sao vấn đề này lại là một vấn đề chính trị quan trọng, bởi khi Pháp xâm lược VN, thì vấp phải sự chống lại của tầng lớp văn thân, tức là các nhà Nho. Từ trong Nam (thủ khoa Huân), đến ngoài miền Trung, miền Bắc (phong trào cần vương).
Không kể chữ Nho là cái cầu nói quan trọng với văn hoá Trung Hoa. Theo quan niệm của Pháp lúc đó, quan niệm này thực ra là sai lầm, Pháp đã hiểu sai mối quan hệ ngoại giao giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh, coi nhà Nguyễn như một dạng « chủ quyền hạn chế » của nhà Thanh. Khi Pháp đánh ra Bắc Kỳ thì Pháp ngoài quân đội nhà Nguyễn, còn gặp phải quân cờ đen, rồi quân Thanh (quân Pháp và quân nhà Thanh giao chiến với nhau ở Thành Lạng sơn, và trong trận này Pháp đã thua). Những điều này càng khẳng định thêm quan niệm sai lầm của Pháp.
Sau hoà ước Thiên Tân, giữa nhà Thanh với Pháp, thì nhà Thanh đã công nhận chủ quyền của Pháp ở VN. Lúc này Pháp đã nấu chẩy cái ấn vàng mà nhà Thanh trao cho nhà Nguyễn, khi Vua Gia Long đưa biểu xưng vương. Cái ấn vàng này nặng gần 1kg, và được Pháp nấu châỷ ra đóng thành thoi vàng đưa vào ngân khố Pháp. Khi Pháp chiếm thành Huế (sau khi Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến của nhà Nguyễn thất bại khi định đánh úp đồn Mang Cá ở Huế) , thực dân Pháp đã có rất nhiều cố gắng để thu thập vàng bạc của nhà Nguyễn. Hiện tại số lượng vàng này vẫn nằm trong ngân khố Pháp. Cách đây cỡ 1,2 năm. Tình cờ tôi mua được một quyển sách của pháp, nói về câu chuyện « vàng An nam » này., nhưng tên sách thì tôi không nhớ được để viết vào đây cho bác nào biết tiếng pháp, lại quan tâm tìm đọc. Quển sách này vẫn trên kệ sách của tôi, nhưng tôi không biết nó ở chỗ nào. Mà đi tìm thì cũng ngại.
Như vậy nhu cầu lớn nhất của Pháp về an ninh là làm sao cắt đứt cái mối quan hệ này.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 24 2019, 06:25 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #23

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Một nhu cầu lớn thứ hai nữa, có tính quyết định, đó là tạo ra được một tầng lớp người làm trung gian cho việc quản lý, khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Những người này có nhiệm vụ làm thông ngôn, thi hành các chính sách của Pháp. Họ phải biết tiếng Pháp, nhưng học nó từ đâu ? không thể học từ chữ nho.
Ở miền Nam, đặc biệt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (quanh vùng Sài gòn chợ lớn hiện thời), thì những người đầu tiên đảm nhiệm việc này là ngừơi theo đạo Thiên chúa (tức là cơ đốc, vì lúc này đạo tin lành chưa vào VN. Tin lành chỉ vào VN khi VN đã là thuộc địa Pháp). Lấy ví dụ Trương Vĩnh Ký, người làm thông dịch cho Pháp, tham gia viết tất cả các hoà ước đầu hàng của nhà Nguyễn với Pháp. Ông này đã được các giáo sĩ cơ đốc đưa sang nhượng địa của Bồ ở Mã Lai (malaysia) học trường đạo ở đây, vì thế ông ta biết tiếng la tinh, Bồ, Pháp.
Quá trình truyền đạo của Pháp ở VN như vậy là có ý đồ xâm lược rõ rệt, nhằm đào tạo một lớp người trung gian để xâm lược, chứ không phải là truyền đạo thông thường. Và phương pháp này không phải chỉ được dùng ở VN. Ví dụ, khi Pháp muốn thâm nhập Nhật bản vào đầu thế kỷ XIX, thì việc đầu tiên là tìm được người nói được tiếng Pháp và tiếng Nhật. Do Nhật cấm cửa truyền đạo từ thế kỷ XVI, cho nên hội truyền đạo nước ngoài Pháp chuyển sang truyền đạo ở đảo Ô Ki na oa, vào thời điểm này, quần đảo này chưa thuộc hoàn toàn vào Nhật, mà vẫn có triều đình riêng (các cụ ở ta gọi là Lưu cầu), do quần đảo này có quan hệ buôn bán với Nhật, và từ đó có dân gốc Nhật, mà hội truyền đạo Pháp này mộ được 2 người, tức là tương lai sẽ là một loại « Trương Vĩnh Ký Nhật » của Pháp. Hay hơn nữa, khi Pháp ép được Nhật phải mở cửa giao thương, vào giữa thế kỷ XIX , thì Pháp lại phát hiện được ở đảo cực nam của Nhật (nơi có thành phố Na ga sa ki) có những người Nhật vẫn còn theo đạo cơ đốc bí mật. Nhưng người này đã cải đạo theo cơ đốc từ thế kỷ XVI, cùng thời với Alexandre de Rhode sang VN, nhưng sau đó do chính quyền Mạc Phủ (Shogun) Nhật cấm, họ vẫn còn tiếp tục theo đạo này, nhưng bí mật. Lúc ấy Pháp mừng hú, và cũng muốn phát động một cuộc chiến tranh nhân danh bảo vệ đạo thiên chúa để xâm lược như ở VN. Nhưng vì Nhật mạnh hơn nhà Nguyễn nên không làm được. Không những thế, những người cơ đốc giáo bí mật này (hidden christian) không chịu công nhận thứ cơ đốc giáo mà Pháp mang tới vì họ vẫn giữ những nghi lễ bằng tiếng Bồ mà tổ tiên họ đã nhận từ các giáo sĩ Bồ cách đó hơn ..200 năm nên kế hoạch bị phá sản.
Trở lại với chủ đề, nhưng khi Pháp chiếm được Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thì nhu cầu đào tạo một lớp người Việt làm điều này càng trở nên cấp bách, không thể trông cậy vào giáo dân không. Vì thế Pháp lập ra trường hậu bổ để đào tạo thông ngôn. Vì thế trong tiếng Việt thời thuộc địa, mới có các từ « quan thông, quan phán ». Quan thông tức là thông ngôn, còn phán, tức là chân chạy việc giấy tờ bưng bê nước ở các toà án mà Pháp lập ra. Tức là chỉ là những thứ mạt rệp chứ không hay ho gì, nhưng được coi như nhà Nho. Oai như cóc. Và mới có bài thơ chua chát của Tú Xương « chi bằng ta học làm ông phán, sớm rượu sâm banh tối sữa bò ». Trong loại trường hậu bổ này, học sinh vẫn phải biết chữ Nho, nhưng học cả chữ quốc ngữ, và tiếng Pháp. Số lượng người học này cũng hạn chế, vì cả VN chỉ có một trường.
Nhu cầu thứ ba, hay đúng hơn là mục đích Pháp tới VN để khai thác thuộc địa, kiếm lợi, cho nên nó phải quản lý thế nào để « mỡ nó rán nó » chứ nếu nó phải chi nhiều hơn được thì ..móm. Vì thế chế độ thuộc địa Pháp là một chế độ đầy mâu thuẫn, do nhu cầu khai thác mà Pháp phải đưa một số tiến bộ khoa học kỹ thuật phương Tây vào, nhưng nó lại không muốn có một tầng lớp người việt mới phát sinh ra từ đây, mà muốn « đóng băng » xã hội VN trong một hình thức văn hoá cổ hủ, truyền thống, để đỡ phải chi tiêu.
Chính vì thế mà có điều kỳ quặc là, với bảng chữ quốc ngữ, học tiếng việt đơn giản hơn học qua chữ Nho hay chữ Nôm (thực ra biết chữ Nôm thì phải biết chữ Nho trước). Đây có lẽ là ưu điểm duy nhất của chữ quốc ngữ, nhưng cho tới năm 1945, hơn 80% dân VN mù chữ. Số lượng người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ không hơn số lượng người đọc được chữ Nho chữ Nôm trong quá khứ. Phải sau cách mạng tháng 8, khi có phong trào bình dân học vụ, học chữ quốc ngữ qua phát âm « i tờ », thì cái ưu điểm « học nhanh » này của chữ quốc ngữ mới có tác dụng. Còn tại sao lại lại có chuyện học qua « i tờ » thì nó thế này. Mặc dù có bộ chữ quốc ngữ, nhưng khi đọc riêng từng chữ cái một thời thuộc địa, người ta vẫn đọc theo kiểu « A,B,C » (đọc là A bê xê). Đây là cách đọc kiểu la tinh, giống như người châu Âu đọc, nó không chuẩn thực sự với âm việt nam, khiến việc ghép vần khó hơn. Vì nếu phát âm theo ta, thì nó phải là « A bờ sờ », tức là kiểu « i tờ », thì việc ghép vần tiếng việt dễ hơn nhiều, dù nó « nôm na mách qué » lại có mùi vị .. sexy. Kiểu phát âm này xuất phát từ phong trào bình dân học vụ sau cách mạng tháng 8.
Ngược lại nước Nhật, sau cách mạng Minh Trị 1868, họ đã tổ chức giáo dục phổ thông, vì thế phổ cập giáo dục ở Nhật có từ cuối thế kỷ XIX, dù bộ chữ của họ phức tạp hơn chữ quốc ngữ nhiều lần.
Nhưng yêu cầu này của Pháp với chữ quốc ngữ, đều được Phạm Quỳnh thực hiện đầy đủ. Tôi sẽ nói tiếp sau.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 26 2019, 06:45 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #24

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Trường hợp của Phạm Quỳnh, một nhân vật nửa nạc nửa mở, có lẽ là một nhân chứng, một « case study » điển hình về sự mập mờ giữa yêu nước và phản bội dân tộc này của trí thức VN thời Pháp thuộc. Bởi những nhân vật kiểu này có đóng góp về văn hoá, trong khuôn khổ và ý muốn của thực dân Pháp thời thuộc địa, nhưng về mặt chính trị thì lại là một nhân vật phản động. Hiện nay, người ta chỉ nhắc tới ông ta như một « nhà văn hoá », và lờ đi việc ông ta là thượng thư triều đình Huế thời Pháp thuộc. Thượng thư tương đương với chức thủ tướng bây giờ. Ở chức vụ này, Phạm Quỳnh là nhân vật gần gũi nhất với thực dân Pháp. Còn hơn cả Bảo đại, vì Bảo đại chỉ là bù nhìn, còn ở chức vụ mình, Phạm Quỳnh là người thực thi chính sách của thực dân Pháp ở Trung Kỳ, Bắc kỳ tức là tay sai. Tay sai thì chắc chắn là nguy hiểm hơn bù nhìn, bởi thế Bảo đại, trong hồi ký của mình « con rồng an nam », cũng không khoái gì Phạm Quỳnh vì thấy ông này « ton hót » với chủ Pháp ghê quá. Ông ta cũng bị xử tử vào năm 1945 sau cách mạng tháng tám, không phải vì là một « nhà văn hoá », mà vì có bằng chứng ông ta liên lạc với quân Pháp khi Pháp đánh chiếm lại cố đô Huế sau cách mạng. Phạm Quỳnh nổi tiếng với câu nói « Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn », nghe rất là yêu nước.Vậy làm sao giải thích được cái mâu thuẫn này. Cái điều này thực ra không có gì là bí mật cả, chỉ cần tìm hiểu chính sách văn hoá tuyên truyền của thực dân Pháp thời thuộc địa là người ta sẽ rõ.
Trong sách giáo khoa phổ thông ngày nay, trong phần văn học ta vẫn có phần văn thơ yêu nước và cách mạng. Trong phần văn thơ yêu nước, vẫn có những bài viết của các nhà Nho như Phan bội Châu, Phan Chu Trinh và nhiều người khác nói về lòng tự hào dân tộc, con rồng cháu tiên.. Việc này khiến người ta có cảm nhận Pháp cấm người VN nói những điều này. Trong thực tế, chính sách của Pháp thâm thuý hơn nhiều. Pháp hoàn toàn không cấm người việt nam nói về truyền thống, nhưng để đóng băng xã hội VN trong một quan hệ phong kiến, quan lại.. Giống như kiểu một dạng ao tù nước đọng. Ngược lại nếu hiểu truyền thống như một sự kế thừa, phát triển như trong câu thành ngữ « con sông trung thành với nguồn thì phải chẩy ra biển », thì mới bị cấm. Nói một cách thậm xưng hơi quá, thì nếu bảo vệ truyền thống kiểu như người da đỏ trong các khu đặc cư (reserve) ở Mỹ, yêu truyền thống nhẩy nhót quanh đống lửa, hò hét « u..u.. a .. a.. » thì cứ tự nhiên đi. Ngược lại nếu giành quyền lợi về kinh tế, chính trị .. thì mới không được. Chính sách văn hoá thời Pháp thuộc y như vậy. Với Pháp việc bảo tồn văn hoá này chỉ như một dạng .. sở thú, vườn bách thảo, bảo tồn động thực vật. Chính vì thế văn chương cách mạng của Phan Bội Châu nói tới nhục mất nước, Đông kinh nghĩa thục muốn cải cách xã hội, tân văn .. thì mới bị cấm và đàn áp. Còn kiểu Phạm Quỳnh thì cứ …thoải mái đi. Nó cũng chỉ là dạng nhảy nhót quanh đống lửa « u .. u.. a..a.. » thôi.
Chính sách này của Pháp, đã khiến cho một số người Vn yêu nước, ví dụ cụ Phan Chu Trinh, lại muốn Pháp trực trị hết, bỏ kiểu bảo hộ như ở Bắc Kỳ, Trung kỳ đi, để cả nước đều là ..thuộc địa như Nam kỳ. Tại sao có cái nghịch lý này. Bởi vì thông qua chính quyền phong kiến bù nhìn mà Pháp giữ lại, Pháp có thể quản lý VN ít phải chi phí hơn, « lấy lạt buộc tre ». Như tôi đã nói tới số lượng quân sự của Pháp ở Đông Dương ở trên, nó rất là nhỏ. Pháp không thể làm được điều này nếu không có những nhân vật như Phạm Quỳnh. Chính vì cụ Phan Chu Trinh muốn Pháp trực trị, điều mà Pháp sẽ không làm bao giờ, nhưng để lấy tiếng Pháp đã can thiệp để cụ được thả, và đưa cụ sang Pháp. Khi cụ về nước, cụ đã yêu cầu .. phải được vào làng Tây mới về. Chính vì thế, lúc cụ Phan Chu Trinh về nước, cụ về Sài gòn chứ không về miền trung. Vì chế độ cai trị của Pháp ở Nam kỳ, với quy chế thuộc địa vẫn dễ thở hơn là chế độ nhà Nguyễn bù nhìn ở Trung kỳ và Bắc kỳ.
Việc Phạm Quỳnh ra tờ báo Nam Phong cũng nằm trong chính sách này của thực dân Pháp. Với Pháp chữ quốc ngữ chỉ là một dạng chữ chung chuyển, chứ điểm tới cuối cùng của văn hoá phải là tiếng Pháp. Vì thế chế độ giáo dục cấp thấp (tôi không muốn dùng từ giáo dục phổ thông như hiện tại, bởi chữ phổ thông có hàm ý là phổ cập giáo dục, điều mà thời Pháp thuộc hoàn toàn không có), cho tới Lycée, tức là tương đương với cấp 3 bây giờ, thì sách học là chữ quốc ngữ (Phạm Quỳnh có đóng góp vào việc biên soạn này), nhưng đến Lycée thì học bằng tiếng Pháp, và đại học thì chỉ có tiếng Pháp.
Nhưng có điều kỳ lạ là, người Việt muốn thi tú tài (tức là tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông bây giờ, tất nhiên lúc đó nó quý hiếm hơn, và người ta có thể đi làm khi có bằng này), thì bằng tú tài thuộc địa lại khó hơn bằng tú tài Pháp ở chính quốc, bởi học sinh VN phải học cả .. chữ Nho. Tại sao lại có cái nghịch lý này. Pháp muốn dùng chữ quốc ngữ để chống ảnh hưởng TQ thì tại sao lại bắt học chữ Nho ? Câu trả lời để cho nó khó hơn, để không phải là phổ cập giáo dục. Bởi người Vn tốt nghiệp tú tài, và có học cao nữa thì cũng không có việc. vì thế mới có chuyện, cụ Hoàng Xuân Hãn tốt nghiệp bách khoa Pháp (polytechnique), cũng không thể làm quan huyện, dù học sinh Pháp tốt nghiệp trường này thì thành bộ trưởng, thủ tướng, ..Nhà thơ Xuân Diệu, tốt nghiệp kỹ sư canh nông (đại học nông nghiệp bây giờ) thì thành .. nhà thơ. Cụ Nguyễn Đăng Thục, là kỹ sư hoá chất, thì thành .. triết gia phật giáo. Ngược lại những người Pháp sang VN làm việc trong chính quyền thuộc địa, thì thường là loại dân mạt hạng, làm gì có bằng cấp. Nếu ở Pháp thì là loại khố rách áo ôm, sang thuộc địa mới lên hương.
Hiện nay, nhưng điều tôi nói ở trên, người Vn hiện tại không cảm nhận được, và dễ đánh đồng cái nhìn xã hội hiện tại để nhìn quá khứ, khiến nhận xét nhầm, và các dạng lề trái triệt để lợi dụng điều này. Ví dụ. Nếu hiện tại, đọc cái câu của Phạm Quỳnh « Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn » lại thấy đúng quá. Vì xã hội hiện tại, mở cửa hội nhập, điều tốt cũng có, điều xấu cũng nhiều, lộn tung phèo, thì cảm nhận về bảo vệ truyền thống có gì là sai, có gì không yêu nước. Nhưng cánh nhìn như vậy là không chuẩn, vì phải đặt câu chuyện vào hoàn cảnh của nó.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 26 2019, 10:12 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #25

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tôi biết tới tên Phạm Quỳnh từ lúc còn học cấp một, do đọc các giáo trình đại học văn của đại học tổng hợp Hà nội nên biết. Còn tại sao đọc thì đơn giản là lúc bé, không như trẻ con bây giờ có nhiều thứ để chơi, kiểu như trò chơi điện tử, nên thấy quyển sách nào cũng đọc. Đây là giáo trình thời đầu giải phóng thủ đô, tức là giai đoạn « cấp tiến nhất » của cách mạng VN, có việc sinh hoạt các tổ « tam tam », đi đâu cũng phải đi hai người, liên tục có « phê bình và tự phê bình » hàng tuần, hình mẫu con người cách mạng là « Ruồi Trâu » hay như « Thép đã tôi thế đấy », nhưng ngay lúc ấy người ta cũng chỉ nói tới Phạm Quỳnh trong việc ra đời chữ quốc ngữ, còn « hoạt động chính trị » của ông này thì không được đề cập tới. Rất lâu sau, tôi mới mua được một cuốn sách của ông, đó là cuốn « Thượng chi văn tập », trong đó có bút ký « đi Tây » kể về chuyến sang Pháp của ông ta, và các bài viết liên quan tới dịch từ vựng ra chữ quốc ngữ, trong các cuộc tranh luận giữa các trí thức VN bấy giờ giữa các miền với nhau. Đặc biệt là sự khác biệt giữa Nam Kỳ so với hai miền còn lại, Nam kỳ là nơi mà tiếng Pháp được coi là thứ tiếng hành chính, chế độ thi cử Nho giáo đã bỏ từ khi Pháp xâm lược năm 1872, trong khi ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nó được giữ tới đầu thế kỷ XX. Từ đó mà có hai kiểu dịch ra tiếng Việt, hoặc dịch nôm, hoặc dịch qua chữ Nho. Ví dụ, miền nam, trụ sở hành chính được gọi là nhà hội đồng, trong khi ngoài miền bắc, miền trung gọi là uỷ ban. Quyển sách này, tôi bị mất (do cho bố mượn) và không tìm mua lại được. Không rõ nó có được xuất bản ở VN không, đã xuất bản chưa. Nó là một tài liệu có giá trị về buổi « thơ sinh » của chữ quốc ngữ.
Gần đây nhất, đọc trên báo VN, mới biết nhạc sĩ Phạm Tuyên là con Phạm Quỳnh, và cách đây mấy năm gia tộc nhà ông ta mới xây lại mộ và đặt tượng ở Huế. Tất nhiên ông ấy cũng được giới thiệu như một « nhà văn hoá ».
Từ khi VN mở cửa, đổi mới, thì các sinh hoạt văn hoá được xã hội hoá, tức là sự tự động của người dân tạo ra, đặc biệt các hoạt động truyền thống theo kiểu dòng họ, tìm hiểu gia phả, xây nhà từ đường, nhà thờ tổ .. rất phát triển. Bản thân trong họ nhà tôi cũng làm điều này, dù dòng họ chỉ là nông dân. Trong cái kiểu tự hào dòng họ này, người ta không quan tâm tới vai trò chính trị của nhân vật trong họ, chỉ thấy « vinh hiển, làm quan » là sung sướng, tự hào bất chấp chính tà. Vì thế ví dụ Quảng bình có thể tự hào là có Ngô Đình Diệm và Võ Nguyên Giáp.Huế ..tự hào là có Phạm Quỳnh, dù ông ta sinh ở ngoài Bắc, cùng với Phan Bội Châu. Sự vinh danh kiểu « thôn xóm, họ tộc » này khiến người ta dễ đánh giá nhầm, từ việc của dòng họ lại quy nó ra là vinh danh của nhà nước. Vì thế phải phân biệt rõ ràng hai điều này. Việc vinh danh của giòng họ liên quan tới quan niệm chữ hiếu,muốn tổ tiên có mồ yên mả đẹp, theo truyền thống đạo Nho. Ngược lại sự đánh giá của nhà nước dân tộc là tuỳ theo sự cống hiến, công lao của họ. Chúng không giống nhau.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 30 2019, 10:31 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #26

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Ở trên tôi đã nói về mục đích chữ quốc ngữ của thực dân Pháp, tóm gọn lại, thì thực dân Pháp chỉ muốn dùng thứ chữ ấy như một dạng chung chuyển, như một loại thổ ngữ, chứ không muốn thứ chữ này trở thành một dạng chữ dân tộc. Và các tầng lớp trí thức tay sai của Pháp (dạng Phạm Quỳnh), sử dụng chữ quốc ngữ để tôn vinh quá khứ kiểu « ao tù nước đọng », quá khứ « ao tù nước đọng » này lại được sử dụng như nguyên tắc để đóng băng xã hội VN thời thuộc địa lại không cho nó phát triển. Vì thế dù Pháp cai quản VN từ năm 1872 (lúc chiếm Nam kỳ) tới năm 1945, xã hội VN về cơ bản vẫn là phong kiến phản động, tay sai cho thực dân Pháp, mà đại diện điển hình là gia đình Ngô Đình Diệm. Phải tới năm 1963, trước sức ép của cách mạng, Mỹ phải « thay ngựa giữa dòng », khiến chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, thì vai trò của phong kiến phản động VN mới chấm dứt. Ở miền Bắc, nó đã hết từ năm 1954, sau cải cách ruộng đất. Ở miền Nam, chế độ này đổ vì sức ép cách mạng của Đồng khởi (1960), nhưng Mỹ lại dựng nên ở trong vùng chiếm đóng, một dạng quân phiệt tay sai, mà điển hình là Nguyễn Văn Thiệu, cho đến năm 1975 mới chấm hết.
Ngày này, ta vẫn có thể sử dụng những tạp chí như Nam phong, các bài viết của Phạm Quỳnh để nghiên cứu xã hội VN vào thời thuộc địa, vì nó cũng là một giai đoạn của lịch sử VN, đây là điều tôi vẫn làm (cho sự tìm hiểu cá nhân của tôi). Vì việc đóng băng xã hội VN không còn là vấn đề thời sự nữa, nên người ta dễ có thiện cảm hơn, và dễ lầm tưởng. Nhưng điều đó là nhầm lẫn.
Vậy người VN bình thường có thái độ thế nào với chữ quốc ngữ. Điều thú vị là chữ quốc ngữ được sự ủng hộ của mọi tầng lớp người từ nhà Nho, người bình thường, tới ..tay sai của thực dân Pháp. Và chính vì thế nó mới trở thành quốc ngữ như bây giờ được. Tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế ?
Bởi vì.
Với nhóm tay sai của thực dân Pháp (dạng Phạm Quỳnh), thì chữ quốc ngữ cũng đồng quyền lợi với họ. Xuất thân từ những kẻ làm thông ngôn cho thực dân Pháp, chữ quốc ngữ sẽ giúp họ có ..thị trường phiên dịch mãi mãi cho quan thầy, nói theo kiểu hiện đại. Hãy tưởng tượng người VN học tiếng Pháp, đặc quyền của nhóm này hết .. thì móm, hết mánh kiếm ăn. Nhưng Pháp cũng không muốn người VN học tiếng Pháp, vì chi phí cho việc này quá tốn, vượt khỏi nhu cầu khai thác thuộc địa của Pháp. Vì thế ở VN, chữ quốc ngữ hay không, hơn 80% dân mù chữ, tính tới cách mạng tháng 8 năm 1945. Để so sánh, Nhật chiếm Đài loan vào năm 1894-1895, sau khi đánh bại hải quân Nhà Thanh ở Đại Liên (vùng biển Bột Hải gần Bắc Kinh), tức là đồng thời với thời điểm Pháp xâm lược Bắc Kỳ, chiếm đóng toàn bộ VN, nhưng ở Đài loan tính tới năm 1945, 75% dân biết đọc biết viết, dù là chữ Nho hay chữ Nhật. Bởi Nhật có chính sách đồng hoá và khai thác thuộc địa qua phát triển công nghiệp. Điều mà tư sản cho vay lãy như tư bản Pháp không cần. Tất nhiên khi so sánh, tôi đã bỏ qua sự dã man của chế độ thuộc địa dù là thuộc địa Nhật hay Pháp.
Với một người VN bình thường, gia đình có điều kiện để cho đi học, thì cũng như thời học chữ Nho, học để kiếm sống. Với những người này, học để làm quan, để có điều kiện làm việc tốt hơn..thì chữ Nho hay quốc ngữ là như nhau. Vào thời điểm đầu tiên, tức là cuối thế kỷ XIX, người ta vẫn học chữ Nho ở Trung Kỳ và Bắc kỳ, vì chế độ quan lại ở đây vẫn được giữ. Thi đình đến năm 1915 mới hết. Rất nhanh chóng, người ta hiểu là học chữ Nho là vô ích, muốn sinh sống trong chế độ thuộc địa bằng trí thức thì cần chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Nhưng tuỳ vùng mà sự ra đi của chữ Nho nhanh hay chậm. Lấy một ví dụ ,ngay trong gia đình tôi, cụ ngoại của tôi vẫn còn đỗ tú tài, nhưng ở nhà làm thuốc. Ông ngoại tôi đã tây học, tức là học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, không còn biết chữ Nho. Ngược lại ông nội tôi thì vẫn biết chữ Nho , chữ Nôm và cũng làm thuốc. Hiện tại tôi vẫn còn giữ được một quyển sách thuốc bằng chữ Nho do ông nội viết.May mà cứu được nó, chứ không thì nó đã bị lấy ra để quấn thuốc lào..vì giấy bản mà dùng để hút thuốc lào thì tuyệt, hơn đứt giấy báo có chất hoá học bây giờ.
Sự cập kênh thế hệ biết chữ Nho trong gia đình tôi này (và rất nhiều gia đình VN khác), có lý do là quê nội tôi ở miền Trung, chế độ nhà Nguyễn cai trị trực tiếp (được gọi là An Nam). Trong khi nhà ngoại lại ở Đồng bằng bắc bộ, gần Hà nội, ngoài bắc chế độ là Bảo hộ (Pháp gọi là tonkin, do nói ngọng từ Đông kinh tức là Hà nội ngày nay mà ra).
Nhìn về tổng thể, thì chữ Nho rút lui đầu tiên ở Nam bộ, vì đây là thuộc địa của Pháp, cũng là nơi chế độ cai trị của Pháp kéo dài nhất. Thứ đó đến Bắc Bộ, rồi tới Trung Bộ. Chữ Nho rút lui nhưng điều đó không có nghĩa là đạo Nho suy tàn hẳn, mà nó còn khiến xẩy ra một điều đặc biệt, đó là đạo Nho ở trong Nam bộ lại gần với một đạo (tôn giáo) hơn, bởi một khi tầng lớp Nho sĩ không còn tồn tại, thì việc học chữ Nho để làm quan không còn, trong khi đó các giá trị luân lý của đạo Nho vẫn tồn tại như một tôn giáo. Nam Bộ còn có một đặc điểm nữa, đó là ảnh hưởng của người Việt gốc Hoa. Ảnh hưởng văn hoá này có tác dụng bù trừ đi một phần việc Nho giáo như một hệ thống hành chính bị xoá bỏ, không còn nhà Nho. Vì dụ ta có thể lấy dẫn chứng cụ Ngô Văn Chiêu (người sáng lập ra đạo cao đài). Cụ vốn là một công chức của Pháp, trong chính quyền thuộc địa Pháp, nhưng đạo cao đài lập nên lại trộn lẫn cả Nho, Lão, và đạo Thiên chúa. Phần Nho, Lão là do môi trường tiếp xúc của cụ ở Nam Bộ với người Minh hương tạo ra.
Ở Bắc bộ và Trung bộ, thì đạo Nho còn lại trong các tập tục ứng xử xã hội, cũng như các tín ngưỡng như thờ tổ tiên, thành hoàng, thờ thần ..chứ không có mùi vị như một tôn giáo như ở Nam bộ.
Với tầng lớp nhà Nho, việc đưa chữ quốc ngữ vào cũng không gây nên một sự phản đối quyết liệt, bởi có ba loại nhà nho : Nho tiểu nhân (tức là loại theo thực dân Pháp như Phạm Quỳnh..), Nho yêu nước (như Đông kinh nghĩa thục ..), Nho nhân dân (tức là nhà nho không làm quan, mà kiếm sống bằng các nghề cần chữ : làm thuốc, dậy học, ..), thì cả ba loại này đều thấy chữ quốc ngữ có lợi cả. Với các nhà nho yêu nước, thì chữ quốc ngữ là một phương tiên cực tốt để tuyên truyền lòng yêu nước. Nho tiểu nhân thì nghe lời Pháp rồi, còn các nhà Nho nhân dân thì thực ra Nho giáo là một công cụ trí thức để học hỏi. Vào thời điểm đầu thế kỷ, thì nguồn học mới (tân học) các cụ thấy từ phương Tây, chứ không phải từ TQ.
Nhưng về lối sống, thì nhà Nho vẫn là nhà Nho, và nhà Nho như một lối sống, ứng sử vẫn được xã hội trọng vọng. Sau cách mạng Tân Hợi ở Trung quốc (1911), nhà Thanh bị lật đổ, thay vào bằng chính phủ Trung Hoa dân quốc (tức là chế độ quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn), thì bản thân ở TQ, đạo Nho với hệ thống thi cử của nó cũng bị xoá bỏ. Càng khiến việc học chữ quốc ngữ không tạo ra cái tâm lý nuối tiếc gì cả.
Như vậy ở TQ, VN.. truyền thống nhà Nho đi đâu ? Vào khoảng giữa thập niên 90, có một học giả gốc Việt, dậy đại học ở Monpellier (Pháp), tên là Trịnh Xuân Thao (hay Trinh văn Thao, tôi không nhớ rõ) có ra một quyển sách tựa đề « từ Nho giáo tới chủ nghĩa cộng sản » bằng tiếng Pháp , bằng cách nghiên cứu tư liệu kiểu điền dã, lần theo nguồn gốc gia đình của các trí thức VN theo cách mạng, mà tác giả lần ngược lên như tìm hiểu gia phả, đã khiến cho người ta thấy người có cảm nhận Nho giáo, truyền thống Nho giáo dễ gần gũi với tư duy của chủ nghĩa Mác. Tôi thì còn đi xa hơn nữa để khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác ở VN thực ra được hiểu theo văn hoá Nho giáo. Ta đã dùng Nho giáo để tiếp cận chủ nghĩa Mác. Nhưng chuyện này đi vượt chủ đề này, nên tôi không phát triển tiếp.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 31 2019, 06:09 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #27

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bây giờ ta hãy tính tới yếu tố kỹ thuật được hay mất khi dùng bảng ký tự chữ quốc ngữ thay bằng chữ Nho để viết tiếng Việt.
Trong tiếng Việt có hai bộ phận, những từ tiếng việt truyền thống, thuần việt, và những từ Hán-Việt. Việc một ngôn ngữ có hai nguồn như thế này không phải là điều gì đặc biệt, mà là tình trạng chung của các ngôn ngữ trên thế giới bây giờ. Các bác nào biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì đều thấy rằng hai tiếng này có nhiều từ giống nhau, bởi chúng đều xuất phát từ cái phông từ vựng la tinh. Từ vựng Hán-Việt cũng vậy, nó đảm nhận vai trò « chữ la tinh » cho các ngôn ngữ VN, TQ, Nhật, Hàn, Triều tiên, vì các nước này đều nằm trong vùng ảnh hưởng của Nho giáo. Dùng chữ quốc ngữ viết từ tiếng việt thuần chủng thì không có vấn đề gì, bởi VN có một điều lợi so với 4 nước còn lại trong văn hoá Nho giáo, đó là ngôn ngữ vùng miền ở VN không xa tới mức không hiểu được theo phiên âm (ngoại trừ tiếng Quảng ở Quảng Nam, nhưng số người dùng nó không nhiều, chỉ có mấy chục ngàn người trên một tổng số người Kinh gần 90 triệu), dù phiên âm miền trung, nam, bắc có dị biệt.
Sự phát âm dị biệt này chính là điều TQ mắc phải. Vì thế, khi cách mạng TQ thắng lợi, TQ cũng đặt ra ký tự la tinh, và họ dùng nó để phiên âm tiếng TQ như người Bắc kinh nói. Nhưng nói như người Bắc kinh, thì chỉ có người TQ ở lưu vực sông Hoàng Hà là hiểu được, còn mang nó xuống vùng Giang Nam thì chịu chết. Mỗi tỉnh ở đây, giọng nói đều dị biệt dẫn đến không hiểu được nhau, và hiển nhiên, nếu viết bằng ký tự phiên âm, thì chúng lại thành các từ khác nhau. Ngay cả khi Mao trạch Đông, là người Hồ Nam nói, thì người bắc sông trường giang chưa chắc đã hiểu. Còn nếu nói giọng Quảng Đông, phúc kiến thì « thôi rồi lượm ơi », không thể hiểu nhau được. Chính vì thế TQ muốn dùng ký hiệu phiên âm cũng không được.
Điều thứ nhì nữa là có nhiều từ vựng đồng âm khác nghĩa. Chính vì vấn đề đồng âm khác nghĩa này, mà người Nhật vẫn dùng chữ Nho (họ gọi là kanji, mà nếu đọc tiếng việt nghĩa là hán tự, tức là chữ Nho). Ta có thể thấy điêù này ngay trong từ Hán-Việt, vì nó cùng đồng một gốc. Ví dụ chữ Nhân. Chữ này có ít nhất ba nghĩa 1. Nhân nghĩa là người, 2. Nhân nghĩa là nguồn gốc lý do xẩy ra sự việc, 3. Nhân là một khái niệm về quan hệ con người. Vậy làm sao phân biệt được chúng khi viết bằng ký tự phiên âm. Với tiêng việt thì ta thêm một từ vào, vì tiếng việt là nhị âm như tôi đã nói. Khái niệm đầu trở thành nhân dân, khái niệm hai trở thành nguyên nhân, khái niệm ba trở thành nhân đạo.
Nhưng khi ngay chuyển thành nhị âm, nhiều khi ta cũng không thể hiểu được định nghĩa của từ. Ví dụ
Vẫn lấy chữ Nhân ở trên, nếu viết từ « nhân bản » thì phải hiểu thế nào đây. Nếu dùng hiểu chữ Nhân như nhân dân, thì nhân bản có nghĩa là bản chất con người. Nếu dùng chữ nhân như nguyên nhân thì nhân bản trở thành cái bản chất tận cùng của sự việc, nếu dùng như Nhân đạo, thì nghĩa lại trở thành bản chất của lòng yêu thương. Vậy tiếng việt hiện đại dùng chữ quốc ngữ, giải quyết việc này như thế nào ? vì không có cách nào phân biệt nó cả. Trong thực tế, người ta sẽ hiểu theo nghĩa một là bản chất con người là chính, giỏi lắm thì hiểu theo nghĩa thứ ba. Như vậy là đã nghèo đi. Đây chính là lý do vì sao, tiếng Nhật vẫn dùng chữ Nho.
Tất nhiên với chữ quốc ngữ, tôi vẫn có thể diễn tả được những khái niệm không còn từ vựng kia. Nhưng lúc bấy giờ phải dùng một câu, một cụm từ lớn, để diễn tả nôm nó ra. Điều này làm cho ngôn ngữ mất sự uẩn súc, tinh tế đi. Không kể từ ngữ còn có âm thanh. Khi chắp nó thành câu thì có nhịp điệu. Âm thanh, nhiệp điệu, mức độ súc tích .. cũng là đặc trưng của ngôn ngữ. Chính vì thế, khi tôi đọc kinh Phật, nếu để hiểu thì tôi đọc dịch thuật tiếng việt, nhưng nếu để cảm nhận sự thiêng liêng, tâm linh thì phải đọc bằng từ hán việt. Nếu không tin, các bác có thể làm một thử nghiệm, đó là tụng (hay đọc) kinh tiểu A di đà một đoạn thì sẽ thấy. Bộ kinh này trong quyển « chư kinh nhật tụng » nào cũng có, và thường nó có phần phiên âm hán-việt và phần dịch nghĩa. Nếu đọc to thành âm thì càng dễ chiêm nghiệm điều này. Chính vì thế, mà chẳng mấy ai tụng kinh tiếng việt hoàn toàn, mà thường tụng Hán-Việt.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jan 10 2020, 08:10 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #28

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Như vậy chữ quốc ngữ là một sự tiến bộ văn minh ? Với tôi, câu hỏi đó không đặt ra, vì nó chỉ là một bộ ký tự không hơn không kém. Nếu trước đó người Việt không có chữ viết, thì trong trường hợp này nó sẽ là một sự tiến bộ, không phải nghi ngờ gì cả. Nhưng vì nó thay một bộ ký tự khác, thì có điêù được điều mất. Như vậy điều quan trọng hiện nay là làm sao khắc phục được những cái nó làm mất, chứ không phải là tung hô ca ngợi nó, vì không có nó VN đâu có chết. Đặc biệt khi tìm hiểu tỉ mỉ hơn, như tôi đã làm một phần ở trên, thì ta có thể thấy rằng, sự biến đổi của tiếng việt hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường văn hoá của nó với các nước Nho giáo, chứ không phải với người Pháp, văn hoá Pháp.. càng không phụ thuộc vào bộ chữ.
Lợi ích nhãn tiền đập vào mặt người ta ngay đó là khả năng dễ đọc dễ viết. Nhưng như tôi đã nói, thời thuộc Pháp hơn 80% dân mù chữ. Phổ cập giáo dục chỉ có sau khi độc lập. Và sự hoàn thiện cuối cùng của nó tức là được dùng để giảng dậy trong trường đại học, trở thành ngôn ngữ hành chính, văn hoá, nghệ thuật hoàn thiện cũng chỉ sau cách mạng tháng 8. Lấy ví dụ đại học cho các bác thấy.
Thời thuộc Pháp, nếu học đại học thì phải sang Pháp, ở Hà nội chỉ có một vài khoa, trong đó có luật, Y khoa, nhưng cũng học bằng tiếng Pháp. Khi kháng chiến bùng nổ vào năm 1946, có một bộ phận trí thức Vn theo cách mạng tản cư về nông thôn. Chủ yếu là vào khu 4 (Thanh Hoá, Nghệ An) hay lên Việt Bắc. Đến khi cách mạng TQ thắng lợi, chiến dịch biên giới (vào năm 1950) mở thông biên giới Việt Bắc với TQ, thì các trí thức VN vùng giải phóng được đưa sang Nam Ninh (Quảng Tây) để lập các trường học cỡ Trung cấp trở nên. Đây là trường của người Việt nam, thầy VN, dậy tiếng Việt nam, và hiển nhiên chương trình của nó dậy bằng chữ quốc ngữ.
Khi giải phóng thủ đô (1954), giáo viên, trí thức dậy hay được đào tạo ở đây trở thành đội ngũ giáo viên của trường Bách Khoa (do Liên Xô viện trợ) và trường Tổng Hợp (TQ viện trợ). Vì thế kiến trúc trường Bách Khoa kiểu Liên Xô, còn trường tổng hợp lại là TQ, tất nhiên là những công trình cũ, chứ không phải là cơi nới làm thêm bây giờ. Trường cấp 3 đầu tiên ở Hà nội không có gốc là trường lycée tây cũ kiểu như trường Chu văn An, do các giáo viên học ở Nam ninh lập ra là trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều bên Gia Lâm, nơi mà bác Trọng học, nên có thể nói bác ấy là tổng bí thư đầu tiên, hoàn toàn được nước VN mới đào tạo mà không có quá khứ « trí thức Tây ». Nhà nước VN hiện tại, nước Việt nam mới thực ra là rất trẻ, bởi bây giờ mới có lớp người về hưu đầu tiên hoàn toàn sống trong chế độ VN dân chủ cộng hoà, và điều đó cũng chỉ đúng ở ngoài Bắc.
Khi Pháp rút khỏi miền Bắc (1954), thì họ tìm cách đập phá hết, mang hết nhân sự vào Nam. Điều này thì cũng dễ hiểu. Vì thế miền Nam, nhân sự của nó chính là bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp cũ. Về văn hoá là cái đuôi của Pháp, Mỹ. Khi tôi sưu tập sách của các tác giả miền Nam cũ, không phải vì nó đúng, mà vì muốn tìm hiểu văn hoá thuộc địa Vn thế nào, họ cảm nhận thế nào văn hoá phương Tây. Phải tới năm 1956, thì Pháp mới rút hết ở miền Nam. Vì Ngô Đinh Diệm tuyên truyền là có công «Ngô Tổng Thống đuổi pháp, giành độc lập », nên ở miền Nam, các trường đại học cũ của Pháp để lại : luật, y mới chuyển sang dậy bằng chữ quốc ngữ từ thời kỳ này.
Vì thế hệ đại học chữ quốc ngữ đầu tiên chính là hệ cách mạng, ra đời từ cách mạng tháng tám, khiến ở VN có lẽ là thuộc địa duy nhất của Pháp dậy đại học bằng tiếng dân tộc.
Như vậy nếu so sánh một cách hóm hỉnh, thời sự, thì có thể coi nó như tên lửa Sam 2, mà người VN dùng nó vít cổ được B52 xuống, khi quả tên lửa này đươc được chế ra không phải để làm điều đó. Tương tự như vậy, bộ chữ quốc ngữ được người Bồ sáng chế để học tiếng Việt, đã vượt khỏi ý tưởng, dự định ban đầu của cả giáo sĩ Bồ và thực dân Pháp trở thành công cụ của người VN. Vì thế người Vn có thể hoàn toàn tự hào về chữ quốc ngữ, nhưng đừng gán cho sự phát triển của ngôn ngữ VN, quy công lao của thực dân một cách quá đáng, vì họ không đóng góp gì mấy cả. Đây cũng chính là đặc sắc của văn minh VN, biến cái của người thành của mình. Còn trong giả thiết, VN không có chữ quốc ngữ, thì mình vẫn là một dân tộc văn hiến, có chữ viết, và chưa chắc sự phát triển của VN sẽ dở hơn vì không có chữ quốc ngữ. Điều này thì không ai biết được.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Jan 13 2020, 01:36 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #29

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



QUOTE
Trường cấp 3 đầu tiên ở Hà nội không có gốc là trường lycée tây cũ kiểu như trường Chu văn An, do các giáo viên học ở Nam ninh lập ra là trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều bên Gia Lâm, nơi mà bác Trọng học, nên có thể nói bác ấy là tổng bí thư đầu tiên, hoàn toàn được nước VN mới đào tạo mà không có quá khứ « trí thức Tây ». Nhà nước VN hiện tại, nước Việt nam mới thực ra là rất trẻ, bởi bây giờ mới có lớp người về hưu đầu tiên hoàn toàn sống trong chế độ VN dân chủ cộng hoà, và điều đó cũng chỉ đúng ở ngoài Bắc.


TBT Nông Đức Mạnh thì có quá khứ "tri thức Tây" thế nào hả bác Phó?


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jan 13 2020, 10:55 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #30

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



NVT nói đúng, còn có bác Nông Đức Mạnh nữa, nhưng nhiệm kỳ của bác ấy mờ nhạt quá. Vị trí như vua Lê bị chúa Trịnh lấn át hết nên tôi quên mất.
Tới đây thì có thể tạm kết luận về vấn đề bảng chữ quốc ngữ và Alexandre de Rhode được rồi.
Tôi chỉ tòm tắt mấy ý ở đây, nhưng ai đọc chủ đề này thì cũng rút ra được kết luận như vậy thôi.

Alexandre de rhode không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, nên không có lý do gì để tôn vinh ông ta cả. Còn lý do tại sao tên ông này được gán cho việc tạo chữ quốc ngữ thì là do tuyên truyền của thực dân Pháp nhằm đánh bóng mạ kền công cuộc « khai hoá văn minh » của họ ở VN, trong thời điểm thất thế cần ve vãn người Việt của họ. Do VN trong lịch sử hiện đại có những chính quyền mà thực dân Pháp dựng lên(chế độ miền Nam ngày trước), nên tên ông này đã được đặt cho một số đường phố ở VN, hay có bia tưởng niệm trong chế độ cũ (thời thực dân). Nó là sự đã rồi, chứ ông ta không có công cán gì cả.

Trong lịch sử Vn hiện đại, cũng như các nước khác ở châu Á, hay trên thế giới, sự tiếp xúc với văn minh phương Tây đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong ngôn ngữ bao gồm từ vựng, ngữ pháp, văn phong.. Trong quá trình này tiếng việt chịu tác động của các ngôn ngữ có cùng cội nguồn nho giáo nhiều hơn là tiếng Pháp, mà việc dùng chữ quốc ngữ không có tác động quyết định làm thay đổi. Nói một cách khác, nếu không có chữ quốc ngữ thì những việc này vẫn xẩy ra, và có chữ quốc ngữ hay không không có tác động quyết định tới sự hiện đại hoá của VN.

Sự cổ vũ cho chữ quốc ngữ được thực dân Pháp đưa ra, nhưng sự phát triển của nó trong đà phát triển của tiếng Việt vượt ngoài ý định của thực dân Pháp, dẫn đến việc tiếng việt với chữ quốc ngữ trở thành công cụ văn hoá của người Việt. Nếu tôn vinh chữ quốc ngữ thì nên tôn vinh những nhà văn việt nam đã phát triển tiếng việt, chuyển dịch từ vựng ngôn ngữ, sáng tạo các thể loại văn.
Sự tiện lợi của chữ quốc ngữ chỉ có tác dụng thật sự sau cách mạng tháng tám, khi có các phong trào xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ, phổ cập giáo dục, sử dụng tiếng việt ở trường đại học.

Nhưng điều này không xẩy ra thời thuộc Pháp. Thời kỳ này dân mù chữ vẫn là chủ yếu. Điều này càng khẳng định chữ quốc ngữ phát triển như ngày này là hiện tượng « Sam hai bắn bê năm hai » (tức là tài năng của người sử dụng tạo ra chứ không phải là ý đồ đầu tiên).

Mặc dù vậy, chữ quốc ngữ cũng làm nghèo đi từ vựng VN, thành một bước cản để tiếp xúc với văn hoá cổ truyền, với truyền thống. Vì thế vấn đề hiện tại với chữ quốc ngữ là làm sao khắc phục được điều này, chứ không phải hoênh hoang sự tiện lợi của nó. Chuyện này tôi sẽ nói sau.

Câu chuyện chữ quốc ngữ này có lẽ cũng là bài học cho những người Vn nào quan tâm tới lịch sử, sưu tập sử dụng tài liệu thời thuộc pháp, thời VN cộng hoà, các tài liệu phương Tây. Những tài liệu này không phải là sự thật, mà trong đó nó còn hàm chứa các yếu tố tuyên truyền của các chế độ này vào thời điểm đó, sự hạn chế khách quan của khoa học nhân văn vào thời điểm đó, định kiến của các học giả vào thời điểm đó. Như vậy phải nhìn nó, sử dụng nó có phê phán, đặt câu hỏi chứ đừng chấp nhận nó mù quáng.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · CLB Văn Hoá - Lịch sử · Bài mới tiếp theo »
 

8 Trang < 1 2 3 4 5 > » 
Topic Options
4 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (4 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC