Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Đặc sắc văn hoá Pà Thẻn

Milou
post Sep 11 2002, 06:06 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

ngừ dzẹp vô tình
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.152
Tham gia từ: 3-February 02
Đến từ: trên trời dưới đất
Thành viên thứ: 26

Tiền mặt hiện có : 2.264.697$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Đặc sắc văn hoá Pà Thẻn

Từ thị trấn Việt Quang của huyện Bắc Quang, Hà Giang, sau 20 phút ngồi trên xe ô tô, chúng tôi đã tới được nơi cần tới. Đó là bản Mĩ Bắc, một trong những nơi có dân tộc ít người Pà Thẻn sinh sống. Hiện lên trước mắt chúng tôi, dưới cái nắng xiên khoai của buổi chiều muộn là những cô gái Pà Thẻn rực rỡ trong trang phục truyền thống. Họ đang trong ngày hội gìn giữ nghề dệt thủ công của mình và đang chuẩn bị cho một lễ nhảy lửa vào buổi tối. Có lẽ chỉ còn mỗi dân tộc Pà Thẻn là còn tồn tại lễ hội đặc biệt mang màu sắc thần bí này.

Chỉ có số dân trên 5000 người, dân tộc Pà Thẻn phần lớn sinh sống ở tỉnh Hà Giang và một phần còn lại ở tỉnh Tuyên Quang. Tại Hà Giang, người Pà Thẻn cũng chỉ tập trung ở một số huyện trong đó nhiều nhất là Bắc Quang. Không giống như một số dân tộc khác phải mượn ngôn ngữ của dân tộc khác để giao tiếp, Pà Thẻn có tiếng nói riêng và theo lời người dân ở đây kể lại, họ còn có cả chữ viết nhưng nay thì đã “ăn cả” nên không còn. Nơi chúng tôi tới là xã Tân Trịnh, huyện Bắc Quang, được xem là “trung tâm” của người Pà Thẻn với hơn 1000 người sinh sống..

Từ những nét hoa văn độc đáo
Điều gây ngạc nhiên cho chúng tôi khi tới đây là bộ trang phục với những nét hoa văn độc đáo của người phụ nữ Pà Thẻn. Những phụ nữ hầu như không cao nếu không nói là thấp nhưng trông lại rất duyên dáng trong bộ y phục thổ cẩm dân tộc truyền thống. Bà Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Trịnh cho chúng tôi hay, tất cả các cô gái Pà Thẻn đều thành thạo trong việc dệt vải và thêu thùa. Hầu như gia đình nào cũng có khung cửi và mỗi cô gái trước khi đi lấy chồng đều phải mang theo một số bộ váy áo nhất định. Chỉ có một loại áo dùng cho cả 4 mùa nhưng cách cắt may và trang trí áo của phụ nữ Pà Thẻn lại không giống với bất kỳ một dân tộc nào khác. Hai thân trước của áo ngắn hơn nhiều so với thân sau, vạt thóp vào, nửa dưới thân sau xoè rộng gần như tà áo dài của người Việt. Cả thân trước vào sau đều đáp nhiều miếng vải nhỏ màu đỏ, trắng và những mảnh thêu hoa văn. Giữa hai bả vai còn được đính các chuỗi tua màu đỏ. Thông qua trang phục, người ta có thể nhận biết ngay đó là phụ nữ có chồng hay còn là con gái chưa chồng.

Nét đặc sắc trong trang phục của người Pà Thẻn có lẽ là màu sắc và những đường trang trí trên y phục cũng như các đồ trang sức. Thoạt nhìn, màu sắc trang phục của người Pà Thẻn khiến chúng ta có cảm giác hoa mắt vì quá nhiều màu nhưng theo nhận xét của bà Võ Mai Phương, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, nếu đặt nó vào trong môi trường rừng núi khắc nghiệt thì màu sắc rực rỡ đó lại tạo nên một sự tương phản hài hoà, làm bừng lên sức sống của con người. Cũng giống như nhiều dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn cũng thích đeo các loại đồ trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay và nhẫn. Những đồ trang sức này thường được dùng cả trong những ngày hội, ngày lễ tết. Màu sắc chưa đủ, người Pà Thẻn còn sử dụng tối đa các vật trang sức cả các chi tiết bằng bạc và hạt cườm để gắn lên mặt vải. Chính vì vậy mà bộ trang phục còn tạo ra âm thanh mỗi khi bước đi.

Những nét hoa văn trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn chủ yếu được dệt bằng chỉ màu. Có một số ít là đường thêu bằng tay. Cũng theo bà Phương, kỹ thuật dệt hoa văn trên vải của người Pà Thẻn cao hơn hẳn so với một số dân tộc khác. Các mô típ hoa văn khá đơn giản thường là các đường gấp khúc, hình thoi, nối tiếp nhau, hình chim, hoa thị... Mặt khác, họ còn rất cẩn trọng trong việc sắp xếp các hoa văn trên vải để làm nổi bật những đường nét hoa văn theo ý muốn. Ngoài các hoạ tiết đường thẳng, đoạn thẳng, người Pà Thẻn còn thành thạo trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong... Những loại họa tiết này đã tạo cho bố cục của mỗi mảng hoa văn trở nên hài hoà hơn và tránh được sự đơn điệu.

Đến lễ hội nhảy lửa thần bí
Suốt từ chiều, ông thầy mo đã ngồi trên một chiếc nghế dài để cúng thần linh. Tiếng gõ từ 2 vật bằng sắt mà tôi không định hình được chính xác là gì đang phát ra những âm thanh gấp gáp, liên tục trong nhiều giờ liền. Với một người bình thường như tôi thì không thể hiểu được tại sao một ông già lại có thể ngồi và gõ liên tục từ 5-7 giờ đồng hồ như vậy. Theo những người dân Pà Thẻn, trước mỗi buổi lễ, thầy mo phải cúng thần linh, để nhập vào những người Pà Thẻn, cho phép họ có được những sức mạnh phi thường để nhảy vào trong đống lửa. Thông thường, việc cúng phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng 4 tiếng. Lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Đống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Sau khi ăn tối và trở lại vào lúc 7 giờ, chúng tôi đã thấy một vòng người vây tròn trên chiếc sân rộng. Đống lửa đã được đốt lên, đang cháy rừng rực ở giữa sân và bên cạnh đó, tiếng gõ của ông thầy mo vẫn vang lên mỗi lúc một gấp gáp hơn. Ban tổ chức đã tắt điện và yêu cầu mọi người tắt hết đèn pin cũng như đề nghị các phóng viên và quay phim không được dùng đèn Flas trong buổi lễ. Nhiều thanh niên Pà Thẻn đã bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo và lần lượt thay nhau ngồi lên đầu chiếc ghế dài của thầy mo. Trong phút chốc, họ rung bần bật, người cúi xuống và bắt đầu nhảy lên từng lần một, cùng lúc bằng cả hai chân. Trong khi đó, một người khác thì chạy vòng xung quanh sân, thỉnh thoảng lại bốc lên tay một viên than hồng và cho vào miệng nhai, nuốt cứ như là đang nhấm nháp một món quả nào đó. Một người đứng cạnh tôi giải thích: trong các lễ nhảy lửa, người này luôn ăn than và chỉ khi đã đến một độ nào đó, ăn đủ mới nhảy và luôn là người nhảy “ác liệt’ nhất.

Những thanh niên Pà Thẻn đã bắt đầu cúi gập người, nhảy lò cò bằng cả hai chân trên cát xung quanh đống lửa. Họ bắt đầu từ việc đưa tay vào bới đống lửa mà không có cảm giác nóng. Bất ngờ hơn nữa, họ đã nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung ra xung quanh. Ngọn lửa như lại bốc cao hơn, ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên. Cứ như thế liên tục, những thanh niên Pà Thẻn, trong tiếng gõ của thầy mo nhảy vào lửa cứ như đang nhảy trên bãi biển và có người còn nằm hẳn trên đống lửa rồi mới nhảy ra ngoài. Trả lời câu hỏi của tôi: “Ai có thể nhảy được”, một cô gái Pà Thẻn cho biết: bất cứ người dân Pà Thẻn nào cũng có thể nhảy vào lửa miễn là thầy mo đã cúng và nhập cho họ một sức mạnh nào đó. Sức mạnh của thần linh sẽ che chở và bảo vệ họ không bị bỏng trước cái nóng mà bất kỳ người nào khác đều có thể bị bỏng và cháy hết cả quần áo. “Lễ hội nhảy lửa chỉ đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả những người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình có sức mạnh và cứ thế, nhảy vào đống lửa mà không hề cảm thấy cái nóng”, cô gái giải thích thêm.

Tiến tới một làng sinh thái-văn hoá
Kết thúc một buổi lễ nhảy lửa đầy ấn tượng, điều còn đọng lại trong tôi là sự tiếc nuối và lo ngại rằng đến mộc lúc nào đó, hình ảnh bộ váy áo truyền thống của người con gái Pà Thẻn cùng những nét văn hoá đặc trưng sẽ không còn. Những thanh niên Pà Thẻn ngày nay đã bắt đầu thích mặc các loại quần áo, sản phẩm của ngành công nghiệp hơn là mặc các trang phục truyền thống. Bộ váy áo chỉ còn được phụ nữ Pà Thẻn mặc trong những ngày hội, ngày lễ, cưới xin, tang ma. Trong khi đó, để dệt được một bộ váy áo lại mất rất nhiều thời gian và công sức. Một phụ nữ cần tới 2 tháng dệt cần mẫn và liên tục mới có thể dệt được một bộ váy áo trong khi giá trị lại không cao. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về văn hoá dân tộc, người Pà Thẻn là một trong số ít những dân tộc còn giữ lại được bản sắc riêng của mình trong những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và trang phục truyền thống. Nhưng cùng với cuộc sống khó khăn, những nét văn hoá đặc sắc này đang có nguy cơ dần biến mất. Chính vì vậy mà cần thiết phải có những biện pháp để giữ lại nghề dệt truyền thống cũng như những nét văn hoá của người Pà Thẻn.

Thế Hào



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · CLB Văn Hoá - Lịch sử · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC