Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

3 Trang  1 2 3 > 

· [ ] ·

 Truyện Thơ Cổ Tích

Hoang Yen
post Oct 19 2015, 01:51 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



http://1.bp.blogspot.com/-gHbBG8lX_tg/VRi4W0tzcNI/AAAAAAAAA50/eXBGUkTBaVk/s1600/2.jpg

Cuốn Truyện Thơ cổ tích này gồm bảy truyện cổ tích được viết thành thơ lục bát rất dễ đọc đối với học sinh cấp một và hai. Hy vọng sách sẽ giúp các em tăng vốn từ và làm quen với thể loại thơ này.

Sách đang có bán tại Nhà sách Minh Chí (Ms. Vũ Thúy Hoa): số 5 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, mời các bạn đến mua.

Trang page cuốn Truyện Thơ cổ tích ở FB, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của cha mẹ và các em độc giả nhỏ tuổi về cuốn sách, xin chân thành cảm ơn:

https://www.facebook.com/truyenthocotich

Một trích đoạn trong sách, phần mở đầu truyện Bạch Tuyết:

Bạch Tuyết

1.
Ngày xưa, đang giữa mùa đông
Tuyết rơi xuống trắng như bông phủ rào
Trong nhà lò sưởi ấm sao
Bên ô cửa sổ cao cao thẫm mầu
Một bà hoàng hậu ngồi khâu
Mải nhìn tuyết trắng hồi lâu mơ màng
Chẳng may kim chạm tay vàng
Ba giọt máu nhỏ thẳng hàng tuyết bông
Hỡi ôi tuyết trắng máu hồng
Đẹp sao như thể tiên bồng vãng thăm
Hoàng hậu nghĩ bụng nhủ thầm
"Ước gì ta có một mầm gái xinh
Da trắng như tuyết trắng tinh
Môi đỏ như máu lung linh thế này
Và làn sóng sánh tóc mây
Như khung cửa gỗ mun dầy nhức đen"
Ít lâu sự bỗng hiển nhiên
Bà sinh hạ được tươi duyên một nàng
Y như ước mộng dịu dàng
Da trắng như tuyết mơ màng mùa đông
Môi đỏ như máu thắm hồng
Tóc đen như gỗ mun lồng bóng đêm
Hoàng hậu vui sướng đặt tên
Công chúa Bạch Tuyết, gọi lên rạng ngời
Từ đây ở giữa cuộc đời
Có nàng Bạch Tuyết rong chơi vui vầy...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 11 2016, 11:56 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Nhân đọc mấy câu thơ lục bát mà Hoàng Yến chụp ở đây, tôi ngẫu hững tản mạn mấy câu về thơ lục bát. Tôi vốn rất phục những người làm được thơ lục bát vì tôi không biết làm. Thể thơ đặc biệt Việt nam này rất khó, bởi vì nó rất dễ rơi vào sự dễ dãi biến nó thành “nôm na mách qué”. Cái khó là cách bắt vần của nó, theo cảm nhận của tôi. Bởi vần bắt từ cuối câu sáu sang chữ thứ sáu của câu tám, thường là phải bắt vần “huyền” , tức là không được có dấu sắc. Hay lấy ví dụ câu thơ của cụ Đồ Chiểu, trong lục vân tiên:
“Tiên rằng hỡi chú bế con
Cớ chi mà cứ bon bon chạy hoài”
Tôi còn nhớ được câu này vì cách bắt vần hồn nhiên của cụ Đồ chiểu « con / bon bon », đặc biêt, từ « bon bon » khiến tôi cảm tưởng đến cái lốp xe đạp cũ, được mình dùng chơi đánh vòng,nó rất nôm. Và nhờsự « nôm na mách qué » ấn tượng của nó khiến tôi nhớ được đến giờ, dù đã đọc cái câu đó từ hồi học lớp tám lớp chín, thời hệ 10 năm phổ thông. Nhưng nếu bảo đó là cách bắt vần hay thì chắc chắn là không phải.
Thơ lục bát cũng rất được hay dùng để diễn ca, kể chuyện. Nó không hoàn toàn là tiếng lòng, tiếng nói của tâm hôn như thơ bình thường. Điều đó càng làm trầm trọng hơn vấn đề bắt vần, vì thơ bắt buộc phải kể nội dung, không thể bô lô ba la. Tôi nghĩ rằng Hoàng Yến chắc chắn cũng sẽ cảm nhận thấy điều này khi chuyển thể nhưng câu chuyện cổ tích trên ra thơ lục bát.
Trong việc diễn ca này, diễn xuôi nhất, trí tuệ nhất, có lẽ chỉ có truyện Kiều. Nhưng ở đây cụ Nguyễn Du đã sử dụng một khối lượng từ vựng rất lớn, bao gồm rất nhiều từ Hán Việt và từ thuần Việt. Vốn từ vựng lớn thì khả năng tìm từ tương đương bắt vần được càng lớn. Vì thế, để đọc được Kiều bây giờ phải có từ điển chuyện Kiều, để hiểu tích để hiểu từ. Tôi còn nhớ được mấy câu.
« Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao »
Phong trần là từ hán việt dịch chữ đối chữ là gió bui. Nhưng nghĩa rộng của nó là khổ ải. Tôi vẫn tự hỏi, nếu không có từ phong trần, thì cụ Nguyễn Du không thể viết thế được, vì nếu thay nó bằng khổ ải thì không thể bắt vần cho nó xuôi, vì đây là « âm sắc » không phải là « âm huyền ».
Cũng phải thú nhận là nghĩ mãi mớ tìm ra cái nguyên bản của hai câu này, vì câu tôi nhớ nó là câu phiên bản trào phúng :
« Bắt ở trần phải ở trần
Cho may ô mới được phần may ô »
Như vậy là phải thần mặt ra một lúc, để brainstorming, rồi reverse engineering nó thì mới tìm lại được nguyên bản.
Có mấy câu khác cũng của Nguyễn Du, nhưng là trong văn tế thập loại chúng sinh, tôi vẫn nhờ vì nó ngắn gọn mà lại đúc kết được trí tuệ của phật giáo
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Vẫn biết rằng vạn cảnh giai không
Ai ơi lấy phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi
Thực ra mấy câu này không phải là lục bát thuần tuý, mà là song thất lục bát. Ở đây cụ Nguyễn Du đã xoa trộn từ hán việt với từ Việt khiến câu thơ trí tuệ hơn hẳn, và nhiều khi có thể vì lý do bắt vần mà cụ không dùng chữ Hán việt là TÂM, mà lại dịch là “lòng” (câu sáu)để bắt vần với “trong” (câu tám) nhưng câu thơ vẫn hay, tự nhiên .
Nói về kỹ thuật bắt vần của thơ lục bát, không thể quên việc bắt vần hồn nhiên, kiểu phát biểu linh tinh như TRUMP tổng thống mới của Mỹ, của Bút Tre (giả và thật), vì thơ bút tre giả có rất nhiều. Chính vì lẽ đó mà tôi nhớ được mấy câu. Vì người ta dễ nhớ cái linh tinh hơn là cái nghiêm chỉnh. Nhưng nó cũng là bài học của bắt vàn lục bát, hiểu nghĩa negative không nên bắt chiếc.
Ví dụ:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận điện biên lẫy lừng
Ở đây nếu tôn trọng tên đại tướng, để chứ Giáp vào cuối câu sáu, thì có mà bắt vần bằng mắt, vì nó không phải “âm huyền”, vậy thì ta cứ bẻ tên đại tướng, xuống dòng chuyển câu,, để chữ “nguyên” vần với chữ “biên”
Rồi
Em làm công tác bảo tàng
Cũng là nhiệm vụ cách màng giao cho
Câu này cũng gặp y chang vấn đề bắt vần “âm huyền”. Câu sáu có chữ “tàng” được rồi, nhưng cách mạng, chữ mạng là vần sắc. Vậy thì có sao, ta chuyển thể đọc ngọng kiểu dân Ba vì luôn, thành “màng” cho nó có âm huyền mà bắt vần.
Còn câu cuối hay nhất
Anh đi công tác pờ lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Ở đây chữ cuối câu sáu hoàn toàn không vần với câu tám (lây/ngày) nhưng vì nó là vần huyền nên vẫn cảm giác có vần vậy là ổn. Ở đây cũng gặp vấn đề bẻ chữ như trong Võ nguyên / Giáp, nhưng tại sao lại bẻ Plây cu (tên thành phố ở bắc Tây nguyên) như thế, thì tôi để cho mọi người tự đoán ý tác giả.
Tản mạn vấn đề bắt vần trong thư lục bát như thế, mong rằng Hoàng Yên sẽ bắt vần rất hay trong các khổ thơ lục bát của mình.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post Nov 18 2016, 10:28 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Oi, bac Pho viet vui the! Em cung muon gioi thieu cho cac em nho tro choi tho luc bat qua cuon nay, day la doan em viet cho trang FB cua truyen:

"Có một trò chơi mà khi nào các em cũng có thể chơi, cho dù các em chẳng có sân chơi hay đồ chơi đắt tiền. Nào, chúng ta có 14 hòn sỏi cả thảy trong đó có 3 hòn sỏi được nhuộm màu, em nhặt lên tay 6 hòn sỏi thì dưới còn 8, em nhặt 8 thì ở dưới còn 6, đơn giản vậy thôi nhưng khi nhặt 6 em nhớ nhặt một hòn sỏi nhuộm màu và khi nhặt 8 nhớ nhặt hai hòn sỏi nhuộm, dễ quá phải không? Thay sỏi bằng từ ngữ trong đó sỏi nhuộm là các vần thì em sẽ có thơ sáu tám hay còn gọi là thơ lục bát.

Để chuẩn bị cho em cảm thấy thoải mái khi chơi, tôi đã chơi trò đấy suốt cuốn sách bằng cách chơi đơn sơ dễ hiểu chỉ để cho em có thể thấy nó dễ chơi thế nào.

Hy vọng trò chơi sẽ dẫn dắt em qua miền cổ tích, qua những vui buồn của thời xưa cũ và mang tới cho em một niềm vui nhẹ nhàng bình thản, dẫu cuộc đời còn thiếu sân chơi và thừa điều rắc rối bấn loạn đến thế nào.

Bây giờ thì ta cùng chơi em nhé:

Ngày xưa đã lâu lắm rồi
Chẳng còn nhớ được là hồi năm nao..."

Ve phan em viet thi em cam thay truyen nao co nhieu hung thu voi minh thi em viet troi chay hon. Bac inbox cho em email em gui file pdf truyen cho bac doc. Bac co FB thi cho em link luon nhe hihi v.gif



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 18 2016, 10:01 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tôi là ông già âm lịch, nên những phương tiện thông tin hiện đại không dùng, public thì chỉ có chỗ này thôi. Nên nói chuyện trong chủ đề này cũng được. Tôi cũng đã đọc trích đoạn thơ, rồi theo cái link mà Hoàng Yên dẫn đọc thêm những đoạn thơ khác. Tôi không nghĩ là nó đủ để bình về những truyện thơ Hoàng Yên viết. Vả lại người bình quan trọng nhất với những truyện thơ ấy là giới trẻ con, mà tôi lại là ông già. Cho nên tôi chỉ lấy cớ nói chuyện văn chương về thơ lục bát với Hoàng yến và mọi người, và thông qua đó Hoàng Yên cũng sẽ cảm nhận thấy sự bình luận của tôi về những truyện thơ trên ở mức độ nguyên tắc làm thơ, kỹ thuật, theo cảm nhận của tôi.
Tôi luôn có một sự thán phục với Hoàng Yến về khả năng bắt vần. Tôi có cảm tưởng bất cứ chuyện gì Hoàng Yến cũng có thể phiên dịch ra văn vần được. Những gì tôi đọc trích đoạn ở đây càng khẳng định điều ấy. Thơ lục bát bắt vần gượng kiểu “thì là mà” là điều mà người ta rất dễ xa vào, nhưng Hoàng Yến làm rất nuột, rất tự nhiên, đó là điều “khủng khiếp” không phải ai cũng dễ làm được đâu.
Nhưng nếu đã có sức mạnh bắt vần được như thế, thì nên đi xa hơn. Tôi không nói trực tiếp vào những quyển sách Hoàng Yến in, mà tôi muốn nói tới thơ lục bát nói chung. Thơ nói chung, không riêng gì thơ lục bát là tiếng lòng, là cảm nhận, là rung cảm của người làm thơ được “đổ ra giấy”. Chính vì cái bản chất này, mà nó có thể có hiện tượng cực đoan là “thơ không vần”, “thơ là văn xuôi xuống dòng” . Nếu là văn xuôi xuống dòng, thì rõ ràng tiếng lòng, cảm nhận, rung cảm là bản chất của thơ, chứ không thì nó là văn xuôi. Vấn đề là cái quá trình đổ nó ra giấy thế nào. Ví dụ như tôi chẳng hạn, không thể làm thơ mà chỉ có thể viết văn xuôi. Tôi nói làm thơ ở đây là nói ở mức độ khiếm tốn mình làm thơ cho mình, chứ không phải là để thành nhà thơ. Tại sao tôi lại nói về tôi thế, bởi vì cái quy trình “đổ chữ ra giấy” của tôi bắt buộc phải có lô gíc, phải sắp xếp. Cảm nhận của tôi bao giờ cũng phải thông qua một quá trình intellect(tư duy), trong trường hợp như thế thì không thể làm thơ, vì tiếng lòng của tôi đã bị intellect chặn lại, làm méo mó đi. Như vậy có thể hiểu làm thơ là quá trình đổ trực tiếp ra giấy trực tiếp từ cảm nhận. Nó rất giống một quá trình lên đồng, thăng hoa, mà nhiều khi người ta gọi là thi hứng. Nếu không có thi hứng thì không làm được thơ. Và đúng như Hoàng Yến nói ở trên, làm thơ dễ hơn khi có hứng. Nhưng như thế chưa đủ. Mà thơ phải dùng được “chữ đắt”, “hình ảnh đắt giá”. Đắt giá ở đây không chỉ là nghĩa của ngôn từ, mà đặc biệt trong thơ từ còn có tác dụng tạo âm thanh. Cái âm thanh cũng có tác dụng gây cảm xúc trong thơ. Vì thế trong thơ mới có những từ cảm thán “ôi, a, ..”, đây là những từ cảm thán đơn giản, phổ thông hay được dùng. Chính vì thế có nhiều bài thơ rất tối nghĩa, có thể nó có nghĩa với người viết ra bài thơ ấy, nhưng với đọc giả thì không. Nhưng người ta vẫn có thể vận được nó do quá trình “đa ngôn, đa nghĩa”, vẫn cảm nhận được. Thơ là tiếng lòng, thơ là âm thanh, thơ là tối nghĩa (hiểu theo nghĩa đen), nhưng lại đa nghĩa (theo cảm nhận người đọc), chính vì thế thơ gắn chặt với ngôn ngữ. Là đỉnh cao nhất của một ngôn ngữ. Tôi chẳng hạn, dù ở nước ngoài đã lâu, tiếng Pháp không phải là cái gì xa lạ với tôi, vì vẫn phải dùng thường ngày, nhưng tôi không dám tự cho mình là hiểu tiếng Pháp, vì tôi không cảm được thơ tiếng Pháp, dù vẫn hiểu nghĩa, vẫn có thể bình .. nhưng không thể cảm. Người ta chỉ có thể cảm với tiếng mẹ đẻ.
Tôi lấy vài ví dụ “chữ đắt” , “hình ảnh đắt”. ví dụ câu thơ lục bát này của Trần Đăng Khoa, mà tôi còn nhớ:
Bên tường rơi chiếc lá đa.
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.
Đây là hai câu trong một bài thơ Trần Đăng Khoa viết về một ngôi đền (có lẽ là đền thơ Đức Ông, tức là Trần Hưng Đạo), vì quê của Khoa là vùng Nam hà. Cả bài thơ rất hay, nhưng tôi nhớ được câu này vì cái chữ đắt của nó “rơi rất mỏng”, mỏng là như thế nào. Trước đó có lẽ không ai gán từ mỏng cho “sự rơi”, động từ rơi. Cái đắt giá của nó là như thế.
Người có nhiều câu đắt chữ đắt nhất, có thể gọi là quán quân vô địch, chắc chắn là Nguyễn Du. Trích thử vài câu:
Tả mùa hè:
Cuối xuân quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
Quyên ở đây là chim đỗ quyên. Ở đây người ta thấy ngay cái khó khăn kỹ thuật của khổ thơ, vì câu thơ 6 chữ quá ngắn, vì chữ nào cũng có ngữ nghĩa, không có chữ nào có thể bỏ để dùng trọn “đỗ quyên” cho đủ nghĩa, cho câu thơ khỏi tối, khiến cụ Nguyễn Du phải chọn lựa. Nhưng cái đắt của nó là ở hai chữ “lập loè”. Cái hình ảnh hoa “lựu lập loè” cực đắt khiến người ta cảm tưởng hoa như một loài ..động vật, vì nó có hoạt động , lập loè mà. Trong khi hoa lựu là thực vật.
Hay câu
“ngẫm mình phận mỏng cánh chuồn”
Cái câu tám tiếp theo cũng hay, nhưng tôi quên mất không nhớ được. Ở đây cụ Nguyễn Du cũng phải cắt cho nó vừa khổ thơ. Vì cánh chuồn là cánh con chuồn chuồn, nhưng nó không ngăn cản hình ảnh đắt “phận mỏng cánh chuồn” của câu thơ.
Vì Hoàng Yến chuyển thể ra thơ, nên chắc chắn có lúc Hoàng Yến gặp phải khó khăn trong cái mâu thuẫn đảm bảo nội dung cho người ta hiểu với tiếng lòng, như tôi nói ở trên vốn là bản chất của thơ.Và nhiều lúc chắc chắn không thể có tiếng lòng, mà nó chỉ là bảo đảm kỹ thuật bắt vần. Bảo đảm nội dung ngoài việc bắt vần lại là điều khó nữa.
Ở đây cụ Nguyễn Du với Truyện Kiều cũng có thể gợi mở cho người ta nhiều điều. Vì truyện kiều là truyện dịch, hãy xem cụ có trung thành với nguyên bản Kiều của Trung quốc không. Cách đây ít lâu tình cờ tôi tóm được một quyển phân tích Kiều của một học giả tên là Phương Lựu, sách viết từ thời bao cấp. Ông phương Lựu có nguyên bản Kiều bằng văn xuôi chữ Hán, và khi thấy ông ấy dịch trính đoạn, thì thấy cụ Nguyễn Du chỉ trung thành với đại cương nội dung, chứ chi tiết thì hoàn toàn không. Nguyên bản chỉ giúp cho Nguyên Du có cái sườn của câu chuyện, để tạo tác Kiều của mình, chứ cụ không chuyển thể, không làm công tác phiên dịch.
Tại sao lại thế. Có lẽ khi cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều, thì cái điều quan trọng nhất thôi thúc cụ làm việc đó là cảm nhận số phận, mà cụ cảm thấy số phận mình trùng với những nhân vật như Kiều, như Từ Hải, cũng có lúc đó là ưu tư thời thế qua các nhân vật : tú bà, sở khanh…
Cái cảm nhận ấy rất rõ. Ví dụ cảm nhận số phận mình là Từ Hải. cái câu này cũng hay:
“Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình hay không”
Cái cụm “hàng thần lơ láo” thật tuyệt, và nó ám vào đúng thân phận nho sĩ Bắc Hà thời đó không biết theo ai, Nguyễn Huệ, Vua Lê, hay nhà Nguyễn..nó là cảm nhận thân phận của chính Nguyễn Du mà ông Thanh Tâm Tài Nhân là người viết quyển Kiều Trung quốc làm sao mà có, vì nguyên bản nó chỉ là dạng tiểu thuyết lá cải, nếu đánh giá bằng từ ngữ hiện đại.
Hay câu cảm nhận số phận.
“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Nguyên Du là người tài, về văn chương, nhưng cụ không trở thành được đại gia, thậm chí nhiều lúc còn chết đói, “mặt xanh như lá rau”. Ở trên tôi nhớ thiếu câu sáu, chứ không nó còn hay hơn, vì nó cũng có vấn đề kỹ thuật bắt vần. Tại sao? vì cái cụm “ba chữ tài” ở trên. Tại sao lại “ba chữ tài” và nó nghĩa là gì. “Ba chữ tài” nguyên bản là Tam Tài, là một khái niệm triết học nho giáo : gồm Thiên , Địa, Nhân. Ở đây do vấn đề bắt vần mà cụ Nguyễn Du chuyển hẳn thành nôm, từ hai chữ (tam tài) chuyển thành ba chữ (ba chữ tài) để bắt vần. Hiện nay, do thiếu kiến thức cơ bản cổ điển, khó có người nào hiểu thế, mà có lẽ nghĩ là tiền tài danh vọng, và nghĩa ba chữ tài lại thành bí hiểm.
Ngay cả câu đầu tiên trong Kiều, là cái trăn trở rất “triết học”
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau
Như vậy trong Kiều cụ muốn nói lên cái cuộc đấu giữa TÀi và MỆNH này. Và đây là hai chủ thể triết học của đạo Nho. Để rồi cách giải quyết nó là chữ TÂM, tức là phật giáo. Như vậy Kiêù khôngchỉ là cảm nhận số phận, mà còn có phần triết lẩn vào đó, rất tuyệt với. Nhưng đây không phải là chỗ nói về cái đó, nếu tôi không lười thì sẽ nói ở chỗ khác vào lúc khác.
Tóm lại, nếu xét theo truyện Kiều như một ví dụ. thì nội dụng không phải là cái quan trọng, mà chỉ là cái giá đỡ để bộc lộ tâm trạng, thái độ,..tức là tiếng lòng. Chính vì thế mà nội dung có thể rút gọn, thêm bớt, ..giữ được cái cốt để nó nói hộ mình, minh hoạ tiếng lòng mình. Nhưng nó không phải là phiên dịch.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 18 2016, 10:02 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Một ví dụ khác về cái vấn đề nội dung này. Đây không phải là thơ lục bát, nhưng tôi vẫn nói tới nó như một minh hoạ. Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ rất hay về chiến thắng Điện biên Phủ. Với tôi bài thơ đó có thể coi như cái mốc, giống như Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, đánh dấu kết thúc chín năm kháng chiến chống Pháp. Rất lâu về sau, khi ông Tố Hữu đã nghỉ hưu, chẳng còn chức tước gì, khoảng những năm 90, có bài phỏng vấn ông về hoàn cảnh làm bài thơ trên. Ông mới nói rằng những điều ông viết trong thơ nói đến không khí rộn ràng của chiến thắng, như “làng bản đỏ đèn đỏ lửa”, là hoàn toàn không có thật. Tin chiến thắng Điện Biên về tới chiến khu Việt Bắc vào một buổi sáng sớm trầm lắng, làng bản chìm đắm trong sương sớm. Như vậy cái không khí rộn ràng chiến thắng kia chỉ có ở trong tâm ông Tố hữu thôi. Nhưng người vốn có ác cảm với ông, không coi ông ấy là nhà thơ chỉ vì ông yêu Staline trong một bài thơ khác, lại có dịp nhảy xổ lên gào rú “bịa đặt” “giả dối”, nhưng nó cũng đặt ra vấn đề về tính thật sự, tính nội dung của thơ. Nhà thơ có được phép làm thế không. Câu trả lời của tôi là có, thơ không phải là tin thời sự. Đến tin thời sự như bầu cử Trump còn có phần bịa đặt thì sao lại đòi hỏi thơ phải làm điều đó. Nội dung như vậy chỉ là minh hoạ cho tiếng lòng. Cái tiếng lòng có thật không thì mới là điều đáng nói. Nói cách khác, trong thơ chủ thể của nó là chủ quan (subjectivity). Chủ quan là chính, khách quan (objectivity) là phụ.
Trở lại với thơ cổ tích của Hoàng Yến, Hoàng Yến hoàn toàn có quyền và nên làm, là không cần phải nắn thơ theo nội dung câu chuyện. Cái quan trọng là cảm nhận chuyển tải ra sao. Nếu chỉ là chuyển tải nội dung, thì người ta đọc văn vần làm gì, mà sẽ đọc văn xuôi có nội dụng tương tự, vì văn xuôi dễ chuyển tải nội dung hơn. Ngày xưa, trong văn cổ VN có nhiều truyền dài bằng thơ lục bát, bởi vì thơ là cách tán phát dễ dàng qua truyền khẩu, thay thế cho nhà xuất bản bây giờ. Hiện tại, khả năng in ấn ở VN cao hơn rất nhiều , nội dung thì thiếu. Chính vì thế mà công nghiệp in ấn ở VN cứ phải lôi các đầu sách cũ rích từ thời thuộc Pháp, rồi sách vở trước năm 75 ở miền Nam. Những sách này còn có lợi nữa là không phải trả bản quyền, lại càng có lợi. Ngược lại những đầu sách thời bao cấp thì có khi người ta lại không in, tại sao lại thế thì vì ngày xưa ai cũng tự nhận mình là “bần nông”, còn bây giờ thì ai cũng tự nhận mình là “địa chủ”, theo cái nguyên tắc trắng phải bảo là đen, còn đen lại thành trắng.
Ở đây tôi đã trình bầy vấn đề làm sao cho bắt vần trở thành thơ. Tôi chỉ nói được lý thuyết thôi, chứ không làm được. Còn một vấn đề nữa, lý thuyết thơ không tạo ra thơ mà có khi lại giết thơ. Ở trên tôi có nói tới Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa nổi tiếng là nhà thơ trẻ con, nhưng thơ trẻ con của Trần Đăng Khoa lại nói được cái thần của miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ bằng chính sự ngây thơ trong trắng của nó. Chính sự ngây thơ trong trắng này đã làm nên lịch sử. Người VN không thể kháng chiến chống Mỹ thắng lợi nếu thiếu cái niềm tin trong trắng ngây thơ ấy, ngay cả khi có được nhiều súng nhiều đạn hơn nữa. Sau đó Trần Đăng Khoa được học đại học văn khoa, đi học ở Nga. Nhưng khi đã nhồi nhét một đống lý thuyết văn chương vào đầu, thì ông ấy không còn làm thơ được nữa. Ở đây không phải là vấn đề “bị nhồi sọ”, mà chính là điều mà tôi nói về tôi ở trên. Khi có lý thuyết khiến người ta tư duy (intellect) mà đã tư duy thì mất thơ. Vì thế đi học ở Nga, Trần đăng Khoa nhớ được “đùi gái Nga trắng như ngà voi” , nhưng không thể chuyển nó thành vế thơ hay được nữa.
Như vậy làm thơ cuối cùng vẫn chỉ là cảm nhận chiêm nghiệm, lý thuyết về thơ giúp người đọc có thêm công cụ tư duy để đọc một cách thú vị hơn, nhưng chưa chắc đã dùng cho người làm thơ.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post Nov 24 2016, 09:00 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bác Phó viết về nhiều thứ tôi đọc cũng lơ mơ, hỏi bạn Mưa thì bạn ấy ignore chẳng thèm trả lời, chắc là vẫn bực tôi về cái vụ Sisyphus. Tôi dịch cuốn Sisyphus đấy vì một kỷ niệm sâu sắc với một bạn làng Ven và cốt lõi chính là để mình đừng tự sát trong suốt cuộc đời mình cho dẫu nó nặng nề đến đâu. Nỗi niềm cay đắng ấy bao giờ thì bạn ấy hiểu được cho tôi, cũng đành chịu thôi. Bạn Mưa chắc hiểu bác Phó hơn vì sinh hoạt cùng từ thủa mới lập nên làng Ven, tôi thì đọc bác Phó lúc nào cũng lơ mơ nên thôi nghĩ thế nào tôi viết thế vậy.

Trong truyện thơ có lúc tôi cũng cho tâm trạng của mình vào nhưng ít thôi và không phải ai cũng nhận ra. Nếu viết theo tiếng lòng như bác Phó nói thì cũng được dăm bài thơ buồn, những câu thơ kiểu như:
Kiếp người nhỏ bé lạ lùng
Mà sao mang được vô cùng buồn thương

Nhưng rồi vấn đề cũng sẽ dẫn đến là viết về cái gì đây ngoài những tâm trạng riêng tư như vậy? Đến đây là tôi bí đấy bác Phó ạ.

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Hoang Yen: Nov 25 2016, 12:11 AM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 24 2016, 11:22 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



@Hoàng Yến,
Vì thấy Hoàng Yến giới thiệu mấy quyển sách mình viết bằng thơ lục bát, mà lại là truyện thơ, thì tôi vào trao đổi mấy câu về thơ lục bát thôi.
Với tôi làm được thơ lục bát hay rất khó, vì nếu chỉ bắt vần thì nó chỉ đạt đến độ bài vè. Để một bài thơ lục bát hay thì phải có những câu thơ có chữ đắt, người ta gọi là chơi chữ. Tôi cũng trao đổi rằng truyện thơ cũng không nhất thiết phải dịch tất cả nội dung câu chuyện, vì nội dung chỉ là cái để đưa đẩy cảm giác, chứ không phải là điều trọng yếu trong thơ.
Nhưng những lời phân tích như thế, có thể giúp cho người đọc cách cảm thụ thơ, suy nghĩ về thơ, ngược lại khó có tác dụng với người làm thơ, vì quá trình làm thơ không phải là một quá trình suy nghĩ duy lý. Nếu duy lý quá thì không thể làm thơ được.
Tôi cũng không rõ quá trình sáng tạo của Hoàng Yến thế nào trong quá trình làm thơ cổ tích này. Ví dụ khi làm thơ về Nàng Bạch Tuyết và bẩy chú lùn thì cái động lực gì khiến Hoàng Yến thấy thú vị muốn chuyển nó thành thơ ? Hoàng Yên muốn gửi gắm cái gì vào đấy ? Chính cái điều gửi gắm này khiến người ta dẫn tới chọn lọc và trình bầy sự kiện nội dung mà không phải là nô lệ của sự kiện. Nàng Bạch tuyết là gì ? một cô gái ngây thơ được nụ hôn đầu của Hoàng tử cứu thoát, hay là sự trong sạch hiện thân, hay là câu chuyện ác giả ác báo, hay là một cái điềm liên quan tới máu đỏ tuyết trắng .. tuỳ cái cảm nhận của người ta mà câu thơ sẽ khác nhau.
Và thường cái cảm nhận này liên quan tới sự chiêm nghiệm của người viết,điều này không nhất thiết là tâm sự cá nhân, dù nó thường là thế, nhưng cũng có người có thể tài tình nhập vai.
Đấy đại khái là tôi để ý tới những điều đó, và đó cũng là một trong những cách đọc thơ.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post Nov 25 2016, 02:45 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #8

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Viết thơ đối với tôi dễ hơn phân tích cách viết thơ vì cái thứ nhất chỉ cần một cảm xúc một ấn tượng không cần hiểu rõ còn cái thứ hai thì phải dựa vào các phương pháp và phải hiểu rõ đối tượng phân tích. Chẳng hạn như tôi có thể không hiểu hết về bác Phó nhưng vẫn có thể viết thơ về bác:
Bao năm bác Phó Thường Dân
Làng Ven nếp cũ chuyện gần chuyện xa
Chuyện thơ lục bát quê nhà,
Chuyện sản xuất điện thôi là hạt nhân...
Chuyện nào bác cũng ân cần
Dẫn giải tỉ mỉ muôn phần như nhau


Bác thấy đấy, thơ có khi chỉ là những nét phác hoạ thôi mà. Chẳng có từ đắt, đều đều như vè nhưng vẫn có thể nhìn thấy một đôi nét của bác Phó không lẫn được với ai cho dù tôi chưa gặp bác bao giờ.

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Hoang Yen: Nov 25 2016, 08:00 AM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 25 2016, 08:54 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #9

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



@Hoàng Yến,
Ồ tôi xin cám ơn những câu thơ được tặng. Hoàng Yến nói rất đúng là thơ chỉ có thể sử dụng như phác thảo, và sự phác thảo này phụ thuộc vào cảm nhận của người làm thơ.
Tôi cũng đồng ý, như Hoàng Yến nói là làm thơ là quá trình tự nhiên. Vì thế ngay ở trên, tôi đã nói là lý luận về thơ (và cả văn học nói chung) chủ yếu dành cho người đọc, chứ không nhằm vào tác giả. Vì người lý luận cũng là người đọc, chứ không ai lý luận được quá trình sáng tạo. Vì thế tôi mới lấy ví dụ ông Trần Đăng Khoa, hồi trẻ con, chẳng học hành gì thì làm thơ hay, đến lúc học một đống lý luận vào thì lại bí.
Nhưng ngược lại nếu lý luận được chính họ tìm ra chiêm nghiệm, thì nó cũng nâng cấp được thơ lên rất nhiều. Ở đây tôi không có ví dụ trong thơ lục bát, nhưng những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của các thiền sư (vì tôi hay đọc sách phật giáo), ví du như thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Mãn Giác. Bình thường nếu không có kiến thức về Phật thì đọc vẫn thấy hay. Nhưng nếu có cảm nhận Phật giáo thì còn hay hơn, vì mình (người đọc) có thể đồng cảm được với tác giả.
Ở trên, Hoàng Yến có nói về tâm tư của cá nhân trong thơ. Quả thật trong những điều tôi viết có thể hiểu như thế, nhưng có lẽ phải hiểu rộng hơn là sự đồng cảm. Tiếng lòng ở trong thơ có thể là cảm nhận số phận (tức là tâm tư cá nhân) thông qua thơ, qua một câu chuyện. Nguyễn Du trong truyện Kiều là một ví dụ. Nhưng nhiều khi nó là sự đồng cảm, chứ không phải là chuyện đời của người ta.
Lấy một ví dụ. Tôi vừa mua quyển sách tự thuật cuộc đời của Bruce Springsteen. Bruce Springsteen là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Tôi thích nhạc của ông ta, vì nhạc của ông ta giản dị nhưng không đơn giản, và cũng bởi vì ông ta là một trong những nhạc sĩ Rock hiếm hoi có lời bài hát rất hay, có thể coi là thơ. Không giống như nhiều người khác, mà lời bài hát chỉ là cái câu « I love you » dưới những dạng khác nhau. Tất nhiên, tôi phải đọc lời bài hát, chứ trình độ nghe hiểu tiếng Anh của mình thì không nghe trực tiếp được.
Trong lúc lật quyển sách xem qua, tôi tình cờ đọc một chương, ông ta nói tới việc sáng tác bài hát Philadenfia thế nào. Đây là một bài hạt được đặt hàng, là nhạc cho một bộ phim. Bộ phim này nói về chuyện những người bị si đa. Tóm lại, Bruce đã bị ấn định trước về nội dung chủ điểm. Nhưng thái độ cuả ông ta với những vấn đề này, sự đồng cảm đã dẫn tới việc ông ấy sáng tác được bài hát hay. Cảm nhận như vậy không chỉ là cảm nhận qua chính cuộc đời mình, mà là sự đồng cảm.
Khả năng đồng cảm này cũng là điểm xác định tài năng của một nhà thơ một nhà văn.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post Feb 10 2017, 02:33 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #10

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bac Pho, chac bac co biet Phan Viet, truoc gio toi co doc het cac sach cua PV, toi moi doc bai nay, muon hoi xem bac co y kien gi khong a:

http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Toi-xuat-g...ho-xa-hoi-10399



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

3 Trang  1 2 3 >
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC