Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

2 Trang < 1 2 

· [ ] ·

 Quy Chế đặc Biệt Cho Tp Hồ Chí Minh

Skywalker
post Apr 21 2016, 09:10 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #11

Elite Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 1.896
Tham gia từ: 4-February 06
Đến từ: Hà Nội
Thành viên thứ: 2.280

Tiền mặt hiện có : 47.996$
Số tuần chưa đóng thuế : 6

Bình chọn :



@bác Phó:

Đúng rồi bác ạ, giá đất tại HN đã và vẫn đang cao hơn Tp. HCM vì HN yếu hơn về cơ cấu đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng thị trường tài sản của 2 TP này đều cùng mục đích chuyển hóa dòng vốn. Tư bản tư nhân không bao giờ có chuyện cố định ở một chỗ mà người này ra, người kia vào trong vô số lĩnh vực đầu tư ... mà dòng chảy chỉ là cách lấy tổng bình quân. Kinh tế thị trường có gốc rễ là tư nhân, là con người chính là từ bản chất, còn Marx tính toán nhóm nọ nhóm kia, đồng vốn này đồng lãi kia luôn chỉ là ước lượng số lớn và không thể theo kịp sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường.

Trở lại với chính sách vĩ mô và kinh tế Tp. HCM thì một điều có lẽ nên ngẫm nghĩ đó là số vốn mà các ngân hàng thương mại VN (thực chất là tiền gửi ngắn hạn của người dân) dùng để mua trái phiếu chính phủ. Con số này lên tới 80% lượng trái phiếu chính phủ bán ra trong năm 2015, đồng nghĩa với sự bế tắc lớn của dòng vốn xã hội. các lĩnh vực tư nhân không còn mấy doanh nghiệp sinh lời và nhà đầu tư dồn mọi con mắt vào chính phủ, con nợ uy tín nhất thị trường.

Nhưng, theo báo VnEconomy thì 10 năm nay, chính phủ VN vẫn vật lộn với các khoản chi thường xuyên và trả nợ luôn ở mức tăng dần khiến bội chi, thâm hụt ngân sách đã ở ngưỡng cảnh báo (65%GDP mà Quốc Hội đặt ra). Đầu tư công thua lỗ, không hiệu quả (kinh tế tượng đài) cộng với bộ máy phình to là nguyên nhân, mà ở VN thì 2 vấn đề này chính là chính trị, là cơ cấu nhà nước.

Bởi vậy, có người đánh giá việc Tp. HCM đòi tự chủ lớn hơn thì có một đề mục quan trọng chính là khoán ngân sách, tức là quỹ lương cho bộ máy của thành phố được giao trọn cho cấp lãnh đạo trực tiếp để tạo điều kiện cho sàng lọc nguồn nhân lực, tinh gọn, hiệu quả hơn.

Công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" (có nhận định là 30%) sẽ bị ảnh hưởng nếu chính sách này được thông qua.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Apr 22 2016, 04:09 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #12

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



@Sky,
Những điều mà Sky nói ở trên đều đúng nhưng nó là những vấn đề khác nhau và không liên quan với nhau. Tương tự như vậy, khi dùng chủ nghĩa Mác thì không có nghĩa là lại bị “ám ảnh” bởi nó. Chủ nghĩa Mác là học thuyết nối liền chính trị xã hội kinh tế, nó cho người ta cái nhìn tổng quan, như xây nhà thì phải có bản thiết kế, nhưng biết cửa sổ nằm ở chỗ nào, cửa ra vào chỗ nào..v..v..thì muốn lắp cửa sổ cũng phải có kiến thức về lắp cửa sổ chứ không thể giơ cái bản thiết kế hô “biến” là nó thành.
Theo tôi toàn cảnh kinh tế VN nó như thế này. Nền kinh tế thực ra bị chia làm đôi. Có hai khu vực. Một khu vực là “kinh tế tự sống” (52% người Việt, 2%PNB), một khu vực kinh tế là “động lực” (FDI, Công ty nhà nước lớn, rải rác tư nhân VN). Trong phần kinh tế “động lực”, thì FDI là chủ yếu, còn lại là Nhà nước + Tư nhân VN. Về cấu trúc, kinh tế VN không khác với kinh tế Nhật, Hàn. Trong đó có một bộ phận tự sống, và một động cơ xuất khẩu toàn cầu, chỉ khác là cái động cơ này là của nó. Và điều này làm thay đổi hẳn tính chất nền kinh tế. Ai đã sang Nhật chẳng hạn, thì sẽ thấy ngoài những cơ sở kinh tế cực kỳ hiện đại, các cơ sở kinh tế nhỏ, buôn bán tiểu thương, trông rất xập xệ vẫn tồn tại. Cái bộ phận này, chính là bộ phận có thể gia giảm tuỳ theo nhu cầu của cái động cơ kia cần.
Nếu so với phương Tây, ví dụ Pháp hay rõ rệt nhất là Mỹ, thì cái phần “kinh tế tự sống” này không có. Vì nó đặt cái phần này ở nước ngoài, trong “thuộc địa” của nó.
Điều đặc biệt ở VN, là cái động cơ kinh tế này không phải của ta mà là của Tây (da vàng: Đài, Sing, Hàn là chủ yếu). Do động cơ không phải là Ta, nên ở VN, cái động cơ này chỉ mang lại lợi ích qua tiền lương. Mà tiền lương thì nó phải bắt chẹt để càng ngày càng giảm. Trong trường hợp như thế thì không thể có xã hội tiêu thụ. Vì người sản xuất và người mua không phải là một. Không những thế mà có thể xẩy ra tình trạng, để câu FDI vào, phải tạo ra thuận lợi cho nó (giá năng lượng, điện nước, nhân công). Cái thuận lợi này có thể phải bù giá bằng thuế (ví dụ điện bán cho nó rẻ hơn giá sản xuất). Kết quả lãi của nó (FDI) là lỗ của mình. Tức là càng làm càng nghèo. Đây chính là câu trả lời cho lời than vãn của Blackberry tại sao có hàng mà không có tiền mua. Và đây chính là vấn nạn của tất cả các nước đang phát triển.
Tất nhiên vẫn có một phần tích luỹ lọt vào túi mình. Và ở đây đặt ra vấn đề là sử dụng nó như thế nào. Hiện tại theo như tôi hiểu thì ở VN phần tích luỹ này là bằng không. Và đây chính là yếu điểm 10 cầm quyền của ông Dũng. Còn lại vấn đề là chi tiêu của chính phủ, nhà nước (tức là ngân sách) cũng có thể dùng để tạo phát triển. Và chính cái phần này bị ăn, bị ảnh hưởng lớn nhất bởi tham nhũng. Một phần nữa là tích luỹ của xã hội, nằm ngoài nhà nước. Cái tiền này là tín dụng đen, hay được giấu dưới sàn nhà, hay được gửi vào các ngân hàng thương mại mới được lập trong vòng 10 năm qua. Tích luỹ xã hội, thì tất nhiên người ta muốn an toàn, vì tiền họ tiết kiệm không phải để kinh doanh mà để phòng ngừa rủi ro trong đời sống. Như vậy vai trò của ngân hàng thương mại rất lớn trong định hướng đầu tư (vì nó là nơi gom tiền về, tích tiểu thành đại). Vấn đề là nó không có cửa để kinh doanh. Nên cửa ra chỉ có trái phiếu hay bất động sản.
Nói một tí về tham nhũng. Tham nhũng có nhiều ảnh hưởng xấu, nhưng nếu nó vẫn nằm trong các ngân hàng thương mại, thì sự thiệt hại mới chỉ một nửa. Nó chỉ thực sự là thiệt hại, khi tiền bị mang đi mất.
Trước đây khi hệ thống ngân hàng chưa có thì “cởi trói”, “phá rào” cho kinh doanh tư nhân giúp sử dụng được tín dụng đen. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải có kế hoạnh phát triển (kế hoạch không phải như cái bản báo cáo vớ vẩn được đưa tin ầm ĩ trên báo do WB và Hàn quốc tài trợ, VN năm 2030 gì đó, mà là định hình được đầu tư vào đâu, chiến lược nào nhằm vào công nghiệp nặng, và công nghiệp chế tạo).
Có những nghành nghề mà VN có thể ưu tiên, nó bao gồm công nghệ khai thác dầu khí, công nghiệp quân sự, chế biến nông sản, giảm xuất khẩu thô, dịch vụ (ví dụ VN airline, Viettel) các “hòn gạch cơ bản” của công nghiệp nặng: lọc dầu, luyện kim…
TP HCM (và vùng phụ cận) có lợi thế để trở thành một trong những trung tâm cho những ngành nghề ấy.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 22 2017, 11:43 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #13

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Hôm nay lại lôi cái chủ đề này lên, vì hôm qua tôi vừa đọc được mấy cái tin về quốc hội tranh luận về vấn đề quy chế đặc biệt cho thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có mấy ý kiến đáng chú ý:
1- Ý kiến của chủ tịch quốc hội, tứ tứ trụ (tức là cái cột thứ 4) của chính trị VN, nói tới việc không thể cào bằng các địa phương, để chúng “cùng sắp hàng ngang đi với nhau”. Từ ý này suy ra là nếu thành phố HCM có quy chế đặc biệt thì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
2- Ý kiến của nhà sử học (dân biểu) Dương Trung Quốc, nói chuyện này đã “chín mõm”, mà vẫn không được giải quyết.
3- Thông tin về việc đóng góp của thành phố cho ngân quỹ nhà nước, nhiều hơn rất nhiều số tiền được giữ lại, trong khi thành phố có nhiều vấn đề phải giải quyết về giao thông, triều cường, nhà ở,..

Tôi sẽ lần lượt phân tích từng ý. Chủ đề này đã có từ trước, viết tiếp vào đây, tôi cũng không đọc lại, vì thế có thể sẽ có việc nói lại, hay nói ngược ý (điều này thì hơi khó về nguyên tắc, vì tư duy của tôi chỉ có một, nhưng khả năng có sự mâu thuẫn là có thể).
1- Về ý một. Điều của chủ tịch quốc hội nói, thực ra chỉ đúng một nửa. Bởi vì một địa phương, ví dụ như thành phố HCM, nếu nó nổi trội lên, thì không phải chỉ đơn giản là do chính nó, mà còn là vấn đề nó hút “máu mỡ” cuả các vùng xung quanh mà tạo nên. Một thành phố không bao giờ chỉ sống bằng chính nó, mà bởi vì nó là điểm hội tụ, trao đổi của cả một vùng đất, có cái sân sau đằng sau. Thành phố HCM hút máu mỡ lục tỉnh Nam kỳ, miền đông Nam bộ, Nam Tây nguyên. Tương tự như vậy, Hà nội hút máu mỡ nhân lực đồng bằng bắc bộ.
Hiện tại, do có vấn đề toàn cầu hoá, dẫn tới việc tan vỡ nhà nước, khoét sâu mâu thuẫn vùng miền (như tôi đã đề cập trong chủ đề “xã hội công nghiệp hoá cao độ”), một thành phố có thể không còn cần tới cái sân sau nữa, nhưng điều này chưa hoàn toàn xẩy ra ở VN. Và nếu nó xẩy ra, thì việc đặt ra quy chế đặc biệt còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm hơn nữa về cát cứ.
Sự phát triển một vùng địa phương, không chỉ là việc của chính quyền địa phương, mà nó còn là việc của chính quyền trung ương. Cho nên kiểu đánh giá TP HCM hay Hà nội chịu thiệt thòi, là không đúng. Ví dụ, những việc xây dựng mở mang cảng mới (vũng mép hay thị mép gì đó, tôi không nhớ tên), hay việc sắp tới xây sân bay Long thành, mà cái giá của nó có thể thổi bay nhà nước dẫn đến vỡ nợ, thực ra là có lợi trực tiếp cho thành phố HCM, dù nó không được xây trên đất thành phố.
2- Việc có ý kiến đòi tự trị cho TP HCM đã có từ lâu. Chủ đề này tôi mở ra đã lâu, và vấn đề này đã có từ chục năm nay. Nhưng ở đây, ông Dương Trung Quốc đã nhầm thời gian vấn đề đặt ra và điều kiện để có thể thoả mãn nó. Nếu có điều kiện để thoả mãn nó, mà không làm thì mới gọi là “chín mõm”, còn không thì không phải. Đối với tôi, điều kiện để có thể thoả mãn yêu cầu này của TP HCM là không có, có nghĩa là nó vẫn còn xanh, mà chưa chín. Tại sao ?
Bởi vì hiện tại cơ cấu nhà nước Vn chưa hoàn thiện. Sự chưa hoàn thiện này tôi đã nói tới khi bình luận về việc bãi nhiệm chủ tịch Đà nẵng chưa xong. Hiện tại như tôi đã nói, cơ cấu Đảng- Chính phủ ở VN chưa chặt, chưa đủ. Đảng là bệ phóng để người ta có vị trí trong nhà nước, nhưng khi Đảng kiểm tra giật ông xuống, thì ông lại “bám trụ” vào cơ chế chính phủ ngồi ỳ ra. Kết quả không có sự việc sai phạm nào được giai quyết triệt để thoả đáng. Trong một cơ chế như thế, ông càng phân quyền cho địa phương, dưới dạng “đặc biệt” thì càng chết, càng loạn, càng tạo nhiều sứ quân. Chính vì thế mà điều kiện để có thể giao đặc trách cho một địa phương chưa nên làm. Nó chỉ có thể làm khi đã có cơ chế kiểm tra, lột lon cách chức quan chức nhà nước được hoàn thiện hoá, thành cơ chế hiệu quả. Đây là điều phải làm trước tiên, trước khi phân quyền tiếp.
Thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, VN đã phân quyền cho các địa phương để thi đua xếp hạng cạnh tranh, kết quả có ra gì đâu, ngoài một đống sai phạm. Còn chính sách phát triển thì đua nhau, làm giống nhau. Ví dụ vụ đua nhau làm nhà máy lọc dầu là ví dụ. Dẫn đến việc tỉnh Bình Định, kiếm được đối tác cha căng chú kiết nào chẳng rõ, đòi làm một cái tượng đài "nhà máy lọc dầu" tới 20 tỉ đô, điều mà một hãng đa quốc gia có tiếng như Mobile, Total còn không có khả năng, thế mà ông cứ nằng nặc đòi là được, đòi kinh phí (may mà dẹp được), chứ để nó mở ra thì khác gì đổ tiền xây một cái tượng vĩ đại để chơi.
3- Hiện nay đúng là thành phố HCM đối mặt với nhiều thách thức, nhưng sẽ là một sai lầm nếu coi đó là thách thức chỉ của TP HCM. Nó là thách thức vùng, triều cường, giao thông, nhà ở không thể chòm chõm quy hoạch trong thành phố. Ví dụ, về nhà ở nếu chỉ nhìn hạn hẹp trong thành phố thì bắt buộc phải xây cao, đầu tư tốn kém, trong khi nhà ở có thể xây trong các thành phố vệ tinh thuộc vào các tỉnh xung quanh. Nếu muốn không chế triều cường thì phải nhìn cả vùng, chứ triều cường đâu có chỉ nhìn vào duy nhất TP HCM để gây ngập lụt. Tương tự như vậy với giao thông công cộng.
Như vậy, cho phép TP HCM giữ lại nhiều phần trăm tiền đóng góp là cách giải quyết. Với tôi nó không phải là cách tốt nhất. Cách tốt nhất là số tiền nhà nước thu về, không cào bằng hết mà để một phần làm một cái quỹ phát triển. Và các địa phương có thể tuỳ theo thời hạn được quyền đặc biệt sử dụng. Người ta có thể quy thành luật, để địa phương được ưu tiên có quyền sử dụng cái quỹ đó trước theo một thời hạn nhất định (kiểu như chơi họ).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 23 2017, 06:39 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #14

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tóm lại cách thức giải quyết tốt nhất vấn đề tránh “dàn hàng ngang đi dung dăng dung dẻ” trong ngân sách, thì không phải là “chia lại không đồng đều, có đặc cách”, mà phải thay đổi cách sử dụng ngân sách đưa về Trung ương ra sao. Cái ngân sách T.Ư. này nên để ra một khoản lập quỹ, để các địa phương, mà đầu tiên là TP HCM có việc được sử dụng. Gọi là lập quỹ, nhưng không phải là lại nhân cơ hội đó, tạo ra một hệ thống ban bệ đầy ắp người, lấy cớ quản lý nó rồi rút tiền ăn chơi sạch sẽ kiểu làm tượng đài. Thực ra nó chỉ là một chức năng thêm của bộ tài chính. Và cách sử dụng nó nên đưa vào luật. Ví dụ có thể ra luật cho phép TP HCM được dùng nó trong một thời hạn 5 năm (ví dụ) để giải quyết những việc mà TP cần làm ngay. Hết thời hạn rồi, thì các tỉnh các thành phố khác có thể sử dụng, nếu việc chưa xong thì có thể thêm hạn v..v... Cũng nên khuyến khích các tỉnh, thành phố gần kề nhau liên minh với nhau cùng giải quyết. Ví dụ. Nếu TP HCM dùng thì nên liên minh với tỉnh bạn, thành phố bạn dùng quỹ đó để giải quyết triều cường, giao thông, ..
Hiện nay, Tổng Bí thư đã đưa ra ý kiến chỉ đạo là giảm nhân sự nhà nước (ngày xưa gọi là giảm biên chế). Đây cũng là cơ hội rất tốt, để có thể lập quỹ, vì ngân quỹ đưa về, một phần rất lớn là để trả lương công nhân viên chức nhà nước. Nếu làm tốt giảm biên chế, thì phần tiết kiệm được có thể lập quỹ kiểu này.
Việc một nước có một thành phố, một vùng kinh tế đóng vai trò đầu tầu cho nhà nước không phải là việc hiếm có trên thế giới, mà thực ra là chuyện rất thường tình. Hầu như một nền kinh tế phát triển nào, lãnh thổ của nó cũng có vấn đề như vậy. Ví dụ Paris và phụ cận với Pháp, Vùng Baden-Wuttemberg với Đức, Luân đôn với Anh, Tokyo với Nhật, New York với Mỹ.. Sao Paulo với Brazil, BomBay với Ấn độ, Thượng Hải với TQ..
Vậy ở những nước này, người ta giải quyết thế nào việc “dung dăng dung dẻ”. Việc đầu tiên đập vào mắt người ta, là không ở đâu họ đặt ra vấn đề đặc khu, để chính quyền địa phương có nhiều quyền hơn, mà lại tìm cách hạn chế nó.. tại sao lại thế, vì họ sợ cát cứ. Lấy ví dụ Paris ở Pháp, thành phố này có tất cả 20 ông thị trưởng cộng với 1 thị trưởng của Paris, nhưng vai trò thị trưởng này bị hạn chế về hành chính. Do là thủ đô, nên các chế tài cứng của nhà nước (an ninh, kiểm soát) là do nhà nước Trung ương đảm nhiệm. Trước năm 1945, Paris còn nằm trong một department (tức là cấp huyện, vì cơ chế hành chính toàn nước Pháp là theo huyện), và Paris là một thành phố của huyện này. Sau năm 45, do vùng ngoại thành Paris, đảng cộng sản Pháp chiếm đa số phiếu, mà nước Pháp không muốn thủ đô được đại diện bởi đảng cộng sản Pháp, nên nó lại chia nhỏ cái huyện này thành 5 huyện, mà người ta thấy tới bây giờ bao gồm : Paris(75), Haut de Seine (92), Saint Denis (93), Val-de-Marne(94), Esson(91). Từ thời tổng thống Sarkozy, thì họ lại thống nhất lại thành cái gọi là “Đai Paris” (grand Paris), nhưng nó cũng không có một ông thị trưởng chung, và không có quyền đặc biệt.
Ở Anh, Từ thời bà đầm thép Thatcher, thì thị trưởng Luân đôn cũng bị hạ bệ, chỉ có vai trò biểu tượng rất hạn chế. Chính vì thế mà thành phố này vừa bầu cách đây vài năm một ông thị trưởng người Hồi giáo, mà chẳng sao cả..vì có quyền gì đâu. Nhưng nó có một đặc khu tôi sẽ nói sau.
Ở Nhật, (tôi chỉ có thông tin có tính lịch sử, vì không có tư liệu cập nhật), cho tới những năm 90 (bây giờ thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn sự thay đổi không nhiều), hệ thống nhà nước Nhật dựa trên hệ thống tỉnh, dẫn đến việc các vùng nông thôn chiếm tỉ số áp đảo về dân biểu so với các thành phố. Do ở Nhật dân thành thị là chủ yếu, việc này đã dẫn tới việc hệ thống chính trị Nhật bị áp đảo bởi các chính trị gia “nông thôn”, từ đó mà họ hạn chế quyền lực chính trị thành thị, trong đó có Tokyo. Trong khi thành thị Nhật, đặc biệt là Tokyo là đầu tầu đóng góp chủ yếu cho ngân sách Nhật.
TP HCM hơi đặc biệt so với những thành phố tôi nói ở trên, vì nó không phải là thủ đô. Có những nước có thành phố kiểu này như New York, San Paolo, Bom Bay.. nhưng Mỹ, Ấn, Brazil lại là những nước rất lớn về diện tích và họ lại theo chính thể Liên bang. Vì thế New York cũng là một bang, San Paolo cũng là thành phố một bang, Bom bay cũng vậy. Nhưng VN không có cơ chế này.
Còn lại một thành phố có nhiều điểm tương đồng với TP HCM là Thượng hải. Nhưng đáng tiếc là tôi không có thông tin nhiều về nó. Tôi chỉ có nhận xét rằng, thường những nhân vật lãnh đạo tối cao của TQ, thông thường đều từ Thượng Hải lên. Cái này báo chí tư sản phương Tây hay quy chụp là “bè nhóm Thượng Hải”, nhưng điều này cũng có thể hiểu được vì Thượng Hải là thành phố đi đầu ở TQ (bây giờ có lẽ nó bị cạnh tranh bởi nhiều thành phố khác: Bắc kinh, Vũ Hán, Trung Khánh, Đặc khu Hồng Công..) nên nhân sự của nó cũng có tầm nhìn rộng hơn, có khả năng hơn. Nhưng cũng có những lãnh đạo TQ không đi qua cửa này, ví dụ ông Hồ Cẩm Đào.



--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 30 2017, 11:13 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #15

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Quy chế mới của TP HCM đã được quốc hội thông qua. Trong đó có ba điều đáng chú ý là:
1- Thành phố được đặt thêm thuế.
2- Thành phố được quyền vay nợ nước ngoài tới mức 90% thu nhập.
3- Thành phố được tuỳ quyền dùng quỹ đất dưới 10 héc ta.
Như vậy là nó ngược với suy nghĩ của tôi, là trích từ trong cái khoản thuế hiện tại để tạo quỹ phát triển. Hiện nay thì chưa thể biết tác dụng của những biện pháp này thế nào. Trong ba biện pháp ấy, thì biện pháp thứ hai đáng sợ nhất và nó cũng là điều hấp dẫn nhất trong 3 điều trên với những người lãnh đạo thành phố. Vì sao ? bởi vì tăng thuế phụ thu thì thành phố sẽ bớt hấp dẫn, quỹ đất thành phố không phải vô hạn, và cũng bởi khi đi vay, một pháp nhân bao giờ cũng được hệ thống tài chính đánh giá khả năng chi trả. Do là đầu tầu kinh tế, TP có khả năng vay dễ dàng hơn các địa phương khác, nhưng nó cũng tiềm ẩn sự đổ bể, nếu quản lý không chặt. Khi đổ bể, nó sẽ dẫn tới nhưng kiểu sau:
1- Thành phố bắt buộc phải thu thêm thuế phụ thu để trả nợ, điều đó đồng nghĩa với giảm tính hấp dẫn kinh tế của thành phố.
2- Nợ thành phố, được nhà nước bảo đảm, sẽ dẫn tới việc nó trở thành nợ nhà nước.
3- Hoặc thành phố sẽ phải giảm đóng góp thuế cho nhà nước để trả nợ, điều này cũng sẽ tương tự như điều 2.
Với quy chế này, trong tương lai, có thể TP HCM trở thành cục nợ khổng lồ cho nhà nước hơn là đầu tầu kinh tế như hiện nay, khi nó sẽ vay thả dàn như Vinashin, vì có cớ chế nào ngăn cản thành phố vay thả dàn, do quy chế đặc biệt.
Chỉ có điều đáng chú ý trong việc thông qua cái quy chế này, đó là Quốc hội đã áp đặt cái khung quản lý cho chính phủ, vì những điều mà TP HCM được ưu tiên, là giật quyền từ tay thủ tướng, mà chính phủ không thể phản đối được.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Dec 8 2017, 06:38 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #16

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Vừa được quốc hội thông qua, TP HCM đã bắt đầu rập rịch sử dụng cơ chế mới này. Và cách tiếp cận của TP có lẽ chưa chắc là cách tiếp cận hay nhất, bởi TP định thực hiện 2 biện pháp, có liên quan tới nhau:
1- Tăng thuế trên các mặt hàng rượu, thuốc lá.
2- Chỉnh sửa, tăng thang bậc lương cho viên chức thành phố.
Nếu hai biện pháp này được thực hiện, thì thực ra không có sự phát triển nào cả, bởi vì tiền thu được không được dùng để đầu tư, tạo ra những nghành nghề mới cho TP, mà lại được đưa vào lương bổng, tức là phần tiền chi phí hoạt động.
Một ngân quỹ bao giờ cũng có thể chia nó làm hai phần. Phần chi phí hoạt động (lương bổng, giá chi trả hoạt động cho các cơ quan quản lý) và phần đầu tư. Phần đầu tư này lại có thể chia làm hai phần: phần dành cho hạ tầng cơ sở , và phần tạo ra công cụ sản xuất.
Là bộ máy quản lý hành chính, tất nhiên quan chức địa phương thấy ngay nhu cầu của chi phí hoạt động, còn phần đầu tư tạo ra công cụ sản xuất thì phải có tầm nhìn và đồng thời nó cũng không hẳn là nhiệm vụ trực tiếp của TP, vì ở VN đâu còn cơ chế bao cấp mà la thị trường tự do. Còn lại phần hạ tầng cơ sở (giao thông, đường xã, cống rãnh, quỹ nhà ở..). hiện nay hạ tầng cơ sở ở TP cũng có vấn đề (tắc đường, ngập lụt, nhà ở xuống cấp, ..) thì việc này nhiều khi cũng liên quan tới vùng. Có thể những điều đó đã khiến cơ chế mới được hướng vào hai điều trên.
Việc thu thuế trên các mặt hàng nói trên có thể chấp nhận được (về nguyên tắc) còn về kỹ thuật để làm sao thu được nó lại là vấn đề khác, tương đối nan giải. Nhưng số tiền phụ thu này nên nhằm vào hạ tầng cơ sở, quỹ nhà cửa, giao thông.. hơn là chi dùng cho lương bổng.
Thành phố cũng có thể dùng nó để chi dùng cho phát triển nghành nghề, văn hoá. Một trong những hướng đi của những thành phố có tầm cỡ thế giới như TP HCM là đầu tư cho các công trình văn hoá, tạo lập biểu tượng : bảo tàng tầm cỡ quốc tế, công nghiệp phim ảnh, thời trang, thể thao, du lịch,thị trường tài chính, thị trường sản phẩm nông nghiệp : cà phê, hoa quả nhiệt đới ..
Do là thành phố cảng, TP HCM có thể phát triển các ngành nghề cơ khí, dịch vụ liên quan tới vận tải đường biển, rồi công nghiệp quốc phòng (điều này thì có lẽ vượt khỏi tầm thành phố).
Việc chỉnh sửa thang bậc lương không nên lấy tiền dư này tiêu dùng, mà nên gắn nó với cải cách hành chính, giảm số lượng công nhân viên chức, rồi lấy số tiền tiết kiệm được từ đó mà tăng lương. Cải cách hành chính này có thể làm đồng thời với việc “tin học hoá” hành chính, qua chính phủ điện tử hay các dạng tương tự, rồi từ đó có thể giảm biên chế.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Thời Sự · Bài mới tiếp theo »
 

2 Trang < 1 2
Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC