Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

40 Trang « < 2 3 4 5 6 > »  

· [ ] ·

 Chuyện Làng Ven, Ngày xửa ngày xưa...

FR
post Jun 8 2003, 08:12 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #31

Unregistered









Hi hi, bác Root cheers.gif

5.

Lại nói chuyện cu Xít...

Cu Xít lúc bé suốt ngày lê la ngoài đồng chăn trâu cắt cỏ. Nó cứ kiếm bãi cỏ nào xanh nhất, thả trâu ở đấy rồi chui vào vườn cụ Mí lù bắt bọ xít chơi. Lũ con Khoai, con Chip cứ thấy nó là nheo nhẻo hát:

" Một bày tang tình con xít
Một bày tang tình con xít
Ớ mấy lội ớ lội ớ lội ớ ờ ơ sông
Ớ mấy đi ì i í tìm
Em nhớ thương ai
Đôi con mắt ớ mấy lìm í ì i dim
Đôi con mắt ớ mấy lìm í ì i dim"

Hát đến đó, con Khoai và con Chip nhấp nháy mắt liếc liếc thằng cu Xít rồi phá lên cười khanh khách. Thằng Xit đỏ bừng mặt không nói gì. Nó vơ lũ bọ xít chạy mất. Cụ Mí lù thấy ồn ào lại lạch cạch đi ra, giương mục kỉnh mắng hai con bé kia là quỉ sứ.

Rồi tới lúc biết đến trò chơi điện tử, thằng Xit cứ hở ra là chạy lên phố xem bọn trẻ con chơi. Nó thèm chơi lắm mà không có tiền. Nó cứ ngẩn tò te nhìn bọn trẻ nhà giàu đi cứu công chúa. Mà không hiểu sao, bọn trẻ con trên phố dốt thế, cứu mãi công chúa không nổi. Nó nghĩ thầm, thực ra công chúa cũng chả xinh mấy, không cứu được cũng chả tiếc, có điều thấy lũ kia vụng về, nó ngứa mắt lắm, chỉ muốn thử một phen. Thằng Xít sáng dạ nên học lỏm rất nhanh. Không được sờ vào máy lần nào, nhưng nó biết muốn nhảy lên đớp nấm thì bấm nút nào, muốn cho xe tăng quay đầu thì bấm ở đâu...

Có lần, nó dành dụm tiền mót khoai chơi được 1 lần. Nó cứu ngay được công chúa. Bọn trẻ trên phố vỗ tay đồm độp, bảo mày nhà quê mà chơi giỏi nhể. Từ đó, mỗi lần chơi bắn nhau, lũ trẻ toàn giành thằng Xit về phe mình. Thằng Xit không phải trả đồng nào mà lại được chơi thả cửa.

Sau này lúc lớn lên, con Chip mở quán trò chơi điện tử đầu làng, thằng Xit cũng hay ra đấy ngồi. Nó hay ra buổi tối, giờ lũ trẻ làng phải về nhà ăn cơm. Không lẽ ban ngày ra tranh với lũ trẻ thì cũng buồn cười. Tính nó lầm lũi, ra chỉ chào chị Chip một câu rồi ngồi im chơi, chả mở mồm tán gẫu câu nào. Con Chip thì mồm miệng đon đả, nhưng vài ba lần thấy thằng Xit chả đáp lại câu nào, nó cũng chán, thở dài đánh thượt rồi ngồi sơn móng tay tiếp.

Thằng Xit cứ ngồi ì ở quán, con Chip giục về cho chị đóng quán, nó cũng chẳng đứng lên. Nó bảo chị cứ để quán đấy em trông cho, em không ăn cắp gì đâu. Con Chip cũng tin nên bỏ mặc thằng Xit với cái quán cóc, xách giỏ trứng vịt Lão chăn vịt bán rẻ cho đi về. Thằng Xit kéo cửa quán lại rồi ngồi chơi, có khi đến sáng.

Thày u thằng Xit sốt ruột lắm, bảo mày không chịu học hành làm lụng, suốt ngày đâm đầu vào mấy cái trò chơi "tự tử". Sáng nào cũng thất thểu về nhà, nằm lăn ra chõng ngủ đến trưa, ươn cả người. Thày u nó bàn nhau, không để thế được, phải nhờ vả bác Rút thôi. Bác ấy lên Sài gòn làm ăn, nghe đâu làm về vi tính vi tiếc gì đấy. Có gì gửi thằng Xít theo bác Rút, bác ấy giúp cho nên người.



Go to the top of the page
+
FR
post Jun 8 2003, 08:40 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #32

Unregistered









6.

Nhà bác Rút ngày xưa ở gần cái đầm nước người ta hay thả rau rút. Thứ rau này người trên phố không biết ăn, cứ kêu là tanh, là ngái, nhưng người nào thích ăn thì mê lắm. Cả mớ rau rút, bông xốp trắng nõn, thế mà tước ra được có một nhúm. Được cái mùa hè, có bát canh cua rau đay, mùng tơi, thả thêm một nhúm rau rút vào thì thơm phải biết. Nhà nào nghèo thì cứ luộc rau muống, lúc sắp vớt rau ra, bỏ mấy cọng rau rút vào nồi, nước cứ gọi là thanh, là mát. Trên phố người ta cầu kỳ hơn, sang hơn. Người ta mua khoai sọ hầm với sườn cơ, rồi mới bỏ thêm rau muống và rau rút vào sau.

Bác Rút lên Sài gòn làm ăn, toàn là tiếp xúc với máy vi tính, với chương trình này nọ, phần cứng, phần mềm đủ cả. Người nhà quê mà tiếng Anh cứ vù vù, chả sợ thằng Tây mắt xanh mũi lõ nào cả. Bác Rút bảo, cái tiếng Anh nó cũng đơn giản, thằng nào cũng gọi là You xưng I hết, chứ chả như cái tiếng Việt, cứ bác bác em em, rồi lại cụ cụ cháu cháu, Tây cứ gọi là rối cả đầu nhé. Bác Rút nói thế rồi cười khà khà, cầm lon Pepsi tợp một ngụm, đặt cái choẹt lên chiếc bàn kính. Bác bảo, Pepsi là cứ phải cầm lon ngửa cổ lên mà uống, như là uống chè xanh ấy, thế nó mới ngon. Chả như mấy cái cô đỏng đảnh ở phố, lại còn cắm que vào rồi chúm môi mút mút, trông đến là ngứa mắt. Ấy là bác Rút nói thế, chứ thằng Xit biết có một cô đỏng đảnh mà bác Rút cứ thích mê đi, chả thấy bác ngứa mắt bao giờ.

Bác Rút thì kín đáo lắm, nhưng khổ nỗi, thằng Xit nó cũng tinh, cũng ranh ma cơ. Nó thấy hết, có điều nó cũng chả nói lại với ai. Chứ phải như cô Cỏ thì có mà trong làng ngoài ngõ tường tận hết từ lâu. Thế nên tỉnh thoảng buồn buồn, bác Rút lại ngồi tỉ tê với nó. Nhờ đó mà nó cũng biết thêm khối chuyện.

Cô ấy người trên phố, đỏng đảnh lắm cơ. Được cái người cũng mảnh mai yểu điệu, mắt lại hay lúng liếng nên cũng lắm người nhòm ngó. Có lần cái máy tính nhà cô ấy bị hỏng, cô ấy nghe tiếng bác Rút nên nhờ bác ấy tới sửa hộ. Thế là bác Rút đến nhà cô ấy, trèo lên tầng hai, bê cái máy ra xem nó mắc bệnh gì mà trở chứng. Cô Babyqueen cứ luẩn quẩn ngó nghiêng bên cạnh làm bác Rút đỏ bừng hết cả mặt mũi, chân tay lóng ngóng suýt thì gạt đổ cả cái lon Pepsi cô ấy mời. Mà cũng từ hôm đó bác Rút mới biết Pepsi là cái gì, rồi mới nghiện đấy chứ. Gớm, lúc đầu bác ấy chê nào là vô duyên, nào là ngọt, nào là uống chả ra gì mà những mười mấy nghìn một lon. Thế mà giờ không có Pepsi xem, lại chả như người nghiện thuốc lá, cứ bấn lên khó chịu vì thiếu thuốc.

Lại nói chuyện cô babyqueen. Cô ấy tên Kim. Bác Rút bảo Kim là vàng đấy, quí lắm. Thế nên gọi cô ấy là hoàng hậu nhỏ của lòng tôi. Bác Rút từ khi lên Sài gòn, tiếng Anh cứ là nhoay nhoáy. Ngay cả ký văn bản, hợp đồng gì với Tây, bác ấy có ký là "Rút" đâu, mà ký là "Root" nhé. Tiếng Anh đâu như là rễ riếc gì thì phải.



Go to the top of the page
+
Chitto
post Jun 8 2003, 10:39 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #33

Sư cọ chùa mốc
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.904
Tham gia từ: 20-August 02
Thành viên thứ: 190



9.

Nhưng mụ ấy cũng không phải là người giận lâu. Mà rốt cục người nào thắt thì người ấy cởi thôi. Cái cô Cam nhanh mồm nhanh miệng, khéo léo, cứ cười nói cả ngày, thực ra cô ấy cảm ơn lão thế thôi, chứ cô ấy thích anh cu Tỏi, người xóm dưới. Cô ấy cũng là người có tình nghĩa đấy, thấy lão cứ hay đi một mình thì mới quan tâm, chứ lão hơi dỗi là cô ấy cũng thôi, mà cũng không giận lão.
Rồi thì người ta cũng biết, mà mụ ấy thì cũng phải biết. Cô ấy hay đến nhà anh cu Tỏi lại bằng mấy lần đến nhà lão ấy à, sau khi lão tránh cô ấy. Anh cu Tỏi cũng xinh giai, nhanh nhẹn lắm, kể ra thì làng này cũng mấy cô thích cơ, nhưng mà cùng với cô Cam là hợp duyên rồi. Đấy, cứ nghe anh ấy ra đồng trêu cô Cam, gọi
“Mướp bí là mướp bí ơi,
“Anh hái anh nấu một nồi mới cam
,vui thế thì làm gì cô ấy chả thích, cô ấy mới hò lại
“Anh hái thì nhớ nhẹ tay
“Còn để dây này cho nó lên cây.
Rồi hai bên ruộng cười rũ ra, mấy bà già dưới ruộng, già còng lưng rồi, mà cũng cười phô hàm răng đen xì ra, bảo “chúng mày xấu dây tốt củ cả”.

Lão nghe thấy mà thấy mình ngố thế, chả bao giờ biết nói những câu duyên dáng ý nhị như thế với mụ, chỉ cứ toàn “Đấy có thích ổi vườn ông lang không ? Đây trèo hái trộm cho”, thế thì làm sao cô Cam cô ấy thích được. Nhưng hình như mụ lại thích thế.
Cứ nghĩ lan man mãi. Ừ, rồi mụ ấy cũng giận lão một thời gian đấy. Phải cái tính lão cũng ngang phè ra, hai bên cùng chả nói, cho nên lão cứ cắm cúi, có lúc nhìn thấy mụ đi qua cũng cố tình ngoảnh đi, ròi lén nhìn thấy mụ đứng lại giả vờ sửa cái nón, có ý chờ lão đến, thì lão lại nghênh nghênh đi như không có chuyện gì.
Cho đến khi cô Cam với anh cu Tỏi hò với nhau dưới sông
“Anh đi bể, em cũng đi sông
“Anh trồng cây vải, nhãn lồng em chăm
“Em dệt lụa, anh sẽ lên non
“Tìm chim loan phượng dù mòn đôi chân
(Xin lỗi các bác em bịa, chứ làm quái gì có cái dân ca nào thế này laugh1.gif )
Ấy là họ hứa hẹn với nhau, như loan như phượng , đi sông đi bể cũng có nhau. Mụ nghe thấy, chỉ tủm tỉm cười, chả hiểu mụ cười cái gì, nhưng rồi với lão lại như xưa.

Lão cũng vui khi thấy cô Cam với anh cu Tỏi thân thiết thế. Lạ nhỉ ? Lão thấy sướng hẳn lên khi họ đi cùng nhau ra ngoài đồng. Lão ấy với mụ cũng thế, nhưng mụ hay xấu hổ, toàn dấu mọi người, cho nên cũng không nhiều người biết.

Cho đến khi ông giáo Linh về làng……


Bài viết này được sửa chữa mông má bởi chitto: Jun 8 2003, 11:32 PM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 10 2003, 07:33 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #34

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



I
« Dù sao thì cái thời con gái cũng vụt đi như hoa gạo rồi, nhưng Em ơi đừng nản lòng yêu! »
Làng Khoai ở vùng Kinh Bắc, có tiếng là văn vật. Con gái vùng nay đẹp lắm. Da trắng, người tròn trĩnh, lại có tiếng khéo chiều chồng. Người ta đồn rằng con gái vùng này lai. Lai người Thái, lai người TQ định cư từ thời Bắc thuộc. Chẳng thế mà bà chúa Chè, Đặng thị Huệ, đẹp có tiếng, cũng người vùng này. Đây cũng là vùng có truyền thống văn hoá nhất nước. Bất cứ gốc cây ngọn cỏ nào cũng đậm truyền thuyết. Làng có cây gạo to, gốc lớn bằng mấy người ôm, không biết có từ đời nào. Người đi từ xa đã nhìn thấy. Hoa gạo đỏ, bốc lửa một góc trời. Các cụ truyền lại rằng trên cây gạo có con yêu thần xanh mỏ đỏ. Con gái ban đêm qua đó, nó thích, nó bắt lấy hồn, lột bay cả quần áo. Về đến nhà còn run rẩy, giẫy dụa, sinh ra tương tư, mòn mỏi không có thuốc nào chữa được. Nhưng đêm mưa gió. Có tiếng hú vọng về như cặp trái gái tình tự.
Khoai mang chuyện đó hỏi bác Phó, vốn là người say mê những chuyện bí ẩn kì lạ trong VNE, ông lại nói rằng, đấy là mê tín. Ông bảo. Hoa gạo là hoa duy nhất có cánh rất dầy, mọng đỏ như vật quý của người con gái. Các cụ do vô thức mà tưởng tượng ra biểu tượng phồn thực. Do Nho giáo cấm ngặt quan hệ trai gái, mà người ta đẩy nó ra thành huyền thoại. Tôn giáo vốn là biểu hiện vô thức của sinh lý, Freud vẫn bảo như thế. Rồi ông dẫn ra một loạt ví dụ gì nữa, Tây ta lẫn lộn, rất rắc rối, khó hiểu. Chẳng biết thế nào.
II
Có ai ngô nướng không?
Ăn rồi bỏ cơm, có đứa sẽ bị ăn mắng
Có ai đi dancing không?
Dancing rồi về mà ngủ muộn, có đứa sẽ bị la oai oái!
Thế nhưng ăn ngô mất rồi! ??? Ai dụ em ấy nhỉ?
Thôi cho em đi dancing béng đi, em về chịu tội một thể nhé
Em ngoan mà!
Ăn măm măm xong chưa? Sẵn sàng chưa?

Bà kể, thời con gái, có ông lý đầy thế lực, ruộng đất khắp làng, cứ nhất định đòi đánh tiếng cưới bà. Nhưng Bà không chịu. Bà chỉ thích ông. Lúc bây gìơ, ông là ngườI duy nhất lên tỉnh học, đỗ bằng thành chung. Ông đang chuẩn bị thi tú tài, thì đánh tiếng cướI Bà. Bà đồng ý. Khoai hỏI “Thế bà có biết mặt ông không ?” Bà bảo “Không, Bà chỉ nghe tiếng. Không gặp bao giờ, nhưng ngườI có học thì không bao giờ là ngườI xấu được”. Khoai lạI hỏI “Nhưng làm thế nào mà Ông biết bà ?” Ông cườI “Cũng là tình cờ”. RồI ông kể. Đó là đầu mùa hè, ông về quê chuẩn bị ôn thi. Ra đầu làng ngồI dướI bóng cây gạo học cho mát. Lúc đó mùa hoa gạo. Hoa rụng đỏ cả ao làng. Hoa trôi trên nước, như trăm ngàn chiếc đèn lồng đêm hoa đăng. Ông thây bà ra giặt chiếu, quần xắn đến gối. Ông chỉ nhìn trộm thấy phần đùi ngườI con gái trắng như khúc sắn luộc, mịn màng mà cảm. Bà bảo ông “Ông già rồI nói thế không sợ làm hư cháu à” Ông cườI “Thì già rồI mớI dám nói, chẳng nhẽ tôi lạI nói thích bà vì hoa gạo rụng”. RồI ông cườI rung chòm râu bạc như cước.
III
Ông đỗ xong tú tài thì đi dậy học ở Hà nội. Bà cũng từ giã làng đi theo. Lúc đó là thời Tây, cả Hà nội chỉ có vài trường lèo tèo. Nhưng nghề giáo rất được trọng. Lương ông làm đủ kiếm nuôi cả nhà sung túc. Nhưng Bà đảm đang không chịu ngồi không. tiền ông giành dụm được, bà đem mua một xạp vải, buôn bán trong chợ Đồng Xuân. Rồi kháng chiến, rồi giải phóng thủ đô. Lúc bây giờ Cải cách ruộng đất, cả làng vào hợp tác xã. Thế lực ông lý cũng không cánh mà bay. Ở Hà nội ông cũng mất việc. Tiếng Pháp không còn được trọng. Trường Lít xê cuối cùng của Pháp đóng cửa. Nhờ có vốn chữ Hán. Thi tú tài bản địa phảI học cả chữ Nho lẫn chữ Pháp. Ông chuyển qua nghiên cứu thuốc ta, bốc thuốc. Cuộc sống không dư giả, nhưng cũng tạm đủ. Ông cưòi “ở trên đờI, học là khó nhất. Có chữ thì thờI nào cũng sống được”. Bà cũng mất xạp vảI, trong cảI cách tiểu thương nghiệp, ở nhà giúp ông làm thuốc.
IV
Có chú Dụ ở nhà bên, đi kháng chiến về, mang sách sang nhờ ông kèm chữ Nho để đi học chuyên tu Trung Quốc. Ông lật giở mấy quyển sách giáo khoa, ngoài bìa có vẻ hình cô bé Tầu tóc tết đuôi xam, má đỏ hây hây lắc đầu “ Tôi chịu, tôi chỉ biết chữ Thánh hiền là chữ Nho, còn đây là Trung văn”. Chú Dụ gặng hỏI. Ông bảo “Tôi phát âm theo tiếng Việt, trung văn phát âm theo giọng Bắc kinh. Tôi viết chữ dùng “chi hồ giả giã”, đây lạI là bạch thoạI” LạI nói. “Đây này. Chữ Quốc, vốn dĩ nó có hình ngườI cầm cung, ý nói bảo vệ đất nước. Chữ cảI cách, nó thành chữ vương, ý nói nước của Vua. Tôi chịu”. Chú Dụ đi sang Trung Quốc học được mấy tháng thì về. Bên đó họ làm cách mạng văn hoá. Sinh viên nước ngoài phảI về hết. Giáo sư đạI học bị độI mũ lừa, đeo biển đen trắng đi riễu ngoài đường. Tất cả chỉ còn độc quyển Mao tuyển. Thế là trường học phải đóng cửa”. Ông bảo “Thiên hạ đại loạn”.

(Còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 10 2003, 07:34 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #35

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



V
" Mẹ muốn con đừng mơ chuyện lạ
Chỉ hoài giấy bút với hoa thôi"

Sao mẹ quên không dặn con tránh xa mắt nâu?
Mẹ con mình chẳng nhỏ to với nhau nhiều lắm, mẹ nhỉ nhưng có dặn, chắc mẹ cũng chẳng dặn con chừa mắt ai... mà nhân gian chỉ sợ mắt đen hút hồn người thôi...
Con không sợ, mẹ biết không, con không sợ... chỉ buồn, buồn mà chẳng chìm vào mắt nâu... bao lâu rồi không nhìn thấy bóng mình trong đó...
ghét à, ghét ơi!

Bố mẹ quen nhau thời sơ tán. Mẹ kể lúc đó trường của Mẹ và Bố cùng ở trong một huyện. Hai trường lập chung một đội văn nghệ. Bố chơi đàn ghi ta, còn mẹ thì ở trong tốp ca của khoa. Mẹ bảo, mẹ để ý bố từ lúc đó. Nhưng hồi đó luật lệ đoàn đội nghiêm ngặt lắm. Luật cấm được yêu. Không thể gặp nhau riêng được. Mẹ còn nhớ bài đồng ca hồi đó. Bài ca Hi Vọng. Hát rằng
“Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây trắng.
Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương.
Nếu là Chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng.
Nếu là ngườI tôi sẽ chết cho quê hương. “
Bây giờ thì chẳng mấy ai nói tớI lý tưởng. May ra chỉ có mấy ông đạo khùng. Còn bố thì bảo. Bố để ý đến mẹ hôm ở bến đò sông Đuống. Hôm đó mọI ngườI cùng chờ Phà sang sông để về Hà nộI, nhân dịp ngừng bắn. Mẹ mặc áo hoa, quần đen. Chân đi dép cao xu. Bên bờ sông cũng có một cây gạo. Lại cũng đúng mùa hoa. Mẹ sắn quần lội xuống nước, cùng mấy cô bạn vớt hoa gạo lên chơi. Bố bảo. Chỉ ngạc nhiên là sao chân mẹ trắng thế, cổ chân tròn mũm mĩm. Chân con gái Hà Thành, đi sơ tán mà vẩn trắng. Bố còn nhớ. Lúc lên trên đò. Mẹ vắt chân lên thành để hong khô. Nước đọng long lanh như hạt ngọc,trên bắp chân trắng như trứng gà bóc. Mẹ bảo « ông nói thế làm hư con đấy. già rồi ». Bố cười bảo « Lỗi tại mẹ mày xuống nhặt hoa gạo đấy thôi ». Bố cười, mái đầu hoa râm rung rung.
VI
Rồi chiến tranh ác liệt. Bố cũng trúng tuyển quân đi B, vào Nam. Hai người chưa kịp cưới nhau. Hôm đi, chia tay trên sân trường vào đầu hè. Hoa gạo đỏ thắm, rực lửa một góc trờI, như tim rỏ máu. Ông âm thầm không nói. Bà chỉ niệm Phật. Ông vẫn bốc thuốc. Còn Bà từ đó mỗi tháng ăn chay hai lần. Lần nào cũng mua hoa đĩa. Hoa ngâu hoa soi, hoa hoàng lan cúng Phật. Cúng xong, ông lấy xuống ướp trà, thứ trà 3 hào, nhiều vụn, chỉ có mầu. Ngày nay chẳng ai biết tới.
Đất nước thống nhất. Bố trở về. Không làm sao cả. Bố vào tận miền đông nam bộ, sát Sài gon. Do có kiến thức kỹ thuật, Bố là kỹ sư, nên làm trong pháo binh. Rồi sau do biết tiếng Pháp, học từ hồi trước khi giải phóng thủ đô, mà làm trong quân báo. Bố mẹ lấy nhau. Sinh ra Khoai. Đời sống rất chật vật. Tự nhiên hồi đó có vụ đi chuyên gia châu Phi. Bố ôn lại tiếng Pháp, học tiếng Bồ, đi chuyên gia Ang gô la. Lúc đó, 1 Đô la cũng là quý. Tiền chắt chiu giành dụm được, Bố mẹ mua đất làm nhà. Bố cũng bảo « Đời không có gì quý hơn chữ. Chữ nuôi mình, hộ mạng mình, lại giúp mình đi chu du thiên hạ nữa ». Mẹ bảo « Thế còn tôi thì sao ? » Bố nói « Mẹ là nhất, phụ nữ là nhất. Đàn ông không thể sống thiếu đàn bà, không thể thiếu tình yêu ». Bà chửi yêu « Cha mày, không có đức Phật phù hộ, nhà mình tu nhân tích đức, thì còn ngồi đó mà nói nhảm ».

(Còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 10 2003, 07:36 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #36

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



VI
Ghét anh làm em vụng về những lúc lòng em dịu dàng, chẳng biết tại sao..
Ghét anh chẳng để cho em ghét anh được lâu lâu, dù chỉ là trên mạng... anh vừa Dt gọi em mất rùi???
Em đây, có em đây! Mắt ướt ới ời ơi!
Ghét vừa vừa thôi, hôm nay không la lên ghét quá được !
Em còn bận ôm chặt lấy áo anh, hít thở không khí bên cạnh anh, khịt khịt vai áo khét lẹt mùi khói xe mỗi chiều tắc đường của anh!
Em cắm cho mắt ướt 3 bông hồng, em khoe rồi phải không? anh biết tại sao em cứ có cảm giác như hoa lẩn quất ngay sát đây không?
Trả lại anh mấy cái hôn dấm dớ từ hôm qua đến hôm nay! Còn hơn cả ghét nữa

Khoai lớn lên, trúng tuyển vào khoa tiếng Pháp, đại học ngoại ngữ. Bố bảo « sao con không học tiếng Nga. Nước mình vào COMECOM, giờ chỉ có tiếng Nga là thông dụng ». Mẹ bảo « Kệ nó. Con gái học gì chả được ». Ông thì bảo « Học gì cũng cần học cẩn thận, nhất nghệ nhân, nhất thân vinh. Học chữ cũng là học làm người ». Khoai không hiểu học làm người là thế nào. Chắc có lẽ là môn giáo dục công dân. Nhưng đúng là chữ ảnh hưởng đến người. Trong trường, bọn con gái học khoa Nga « bôn » cực, ngoan nhất trường. Chúng nó phải cố gắng lấy điểm lấy hạnh kiểm, để kiếm một xuất thực tập ở Nga. Đưa nào về cũng có một cái xe Cuốc, cái nồi điện, rồi bàn là, dây may xo. Bọn khoa Anh học hành phớt ăng lê, A ma tơ nhất. Các thầy có bảo, thì chúng nói « Bọn E làm sao mà đi thực tập được Anh Mỹ mà phải cố gắng ». Thế là chịu. Còn các cô khoa Pháp, thì õng ẹo, giọng ngọt sớt như đường.
VII
Anh ơi hôm nay E mệt quá, đánh vật với mấy cái hợp đồng tiếng Anh vẫn chưa xong. Em không hiểu gì cả. Em cũng không hiểu cả Anh nữa. Ngày nào nếu Em không buôn chuyện thì Anh chỉ biết nói duy nhất một câu. « Anh yêu Em ». Trời oi bức qua. Anh nói gì đi chứ. Nói yêu cũng được, nói ghét cũng được, giận dỗi cũng được . Con cáo già của Em.

Lúc Khoai ra trường, cũng đúng là lúc đổi mới vào cầu. Các hãng nước ngoài, bắt đầu vào VN tìm thị trường. Ai học tiếng Anh tiếng Pháp lại có giá. Khoai nhờ vậy mà kiếm được việc tốt. Rồi mở cửa kéo theo Internet, Khoai cùng bạn bè vào mạng, giao lưu. Và Khoai gặp Anh. Con cáo già, hạt đậu bé nhỏ, dòng sông cạn kiệt (Deadriver). Ừ, mà ai vắt nước cho nó cạn kiệt được nhỉ. Phải càng vắt nó càng ra nhiều chứ.
Khoai hỏi « Lúc nào Anh bắt đầu yêu Em ? » Anh trả lời. Đấy là hôm cả bọn offline đi nghe nhạc recital Tây ban nha. Em ríu rít đi trong lũ bạn. Em mặc một cái váy dài, kiểu váy Lào dài chấm mắt cá chân, xẻ tà. Em đi, mà Anh tưởng Em nhẩy điệu flammengo. Gói thổi tà váy bay. Chân Em thấp thoáng trắng ngần trong gió, làm Anh phát điên lên vì yêu. Khoai lại hỏi „Nếu thế, Em mặc áo hai dây, rồi váy mini ngắn, hay quần sóc thì Anh yêu Em hơn ?“ Anh bảo „Không, Anh thích cái gì mập mờ. Mập mờ mới hấp dẫn“. Rồi Anh thú nhận „Anh hay ghen, không muốn ai nhìn mòn mất của Anh“.
Đêm Khoai nằm mơ. Khoai nằm mơ trốn Mẹ dắt tay Anh đi trong 36 phố cổ Hà nội. Mà tại sao Khoai lại phải trốn mẹ nhỉ. Chắc cho nó bí mật, vì mẹ có cấm Khoai bao giờ đâu. Lạ quá, đi tới đâu hoa gạo bay tới đó. Hoa bay như mưa ngâu, lơ lửng nhưng không rơi. Cách hoa dầy, đỏ mọng, ướt át, nóng hổI như nụ hôn. Tít trên tầng xanh, có một thiên thần, đang vỗ canh bay, tay cầm cung. Thiên thần hát rằng
« Là lá la.
Em mãi tuổI mườI tám
Anh mãi tuổI xuân xanh
Hãy giữ trọn tình yêu cho đẹp.
Là lá la. »

HET


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Chitto
post Jun 10 2003, 08:08 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #37

Sư cọ chùa mốc
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.904
Tham gia từ: 20-August 02
Thành viên thứ: 190



Hic, hic, hic. Đáng ra không được đọc bài bác PTN trước khi viết. Nhưng lỡ rồi. Tiếp vậy

10.

Rồi đến ngày ông giáo Linh về làng.

Ông giáo Linh cũng chỉ ngang lão thôi, nhưng là ông giáo đi học ở tận trên Thủ đô nên cả làng cứ gọi là ông. Thủ đô xa lắm, trong làng có mấy người ra được đến đấy đâu. Thế mà ông giáo ở những hơn mười năm, lấy hết cái chữ của chúng nó. Rồi vì sao đó ông giáo về làng, không nói ra bao giờ nên cũng không ai biết tại sao. Hình như tình duyên dở dang sao đó. Đoán mò thế thôi.

Hồi ông giáo mới về, cái nhà cũ của gia đình ông ấy chỉ còn cái nền, nên ông từ mắt toét cho ông ấy ở trong một gian trái đình làng. Ông từ cũng yếu lắm rồi, có người ở cùng cũng đỡ.
Ông giáo có học có khác, nói đâu ra đấy, lúc đầu người làng hơi ngại, nhưng sau quí ông giáo lắm. Mà không như những ông Tây học khác toàn nhạo Thành hoàng, ông giáo khi mới về đã bưng mâm xôi gà thắp hương lễ Thánh, không bái lạy như các bà, nhưng chắp tay cung kính lắm. Lại còn nói vanh vách sự tích của đức Thành làng nữa. Ông từ chỉ biết có chắp tay vái, với lại ê a mấy bài văn tế thổ địa, chứ đâu biết nhiều như ông giáo. Thế nên ông giáo mới được ở chái của đình làng.

Rồi mỗi khi có dịp, ông giáo lại nói chuyện, ừ toàn chuyện khoa với học, hay lắm, ông ấy có duyên, chỉ cây tre, cây đa gì cũng nói được. Bọn thanh niên càng về sau càng khóai. Lão cũng thấy hay hay. Mụ ấy cũng hay hỏi ông giáo nhiều thứ lắm.

Rồi một chiều, lão ra sông.
Một đám gái làng bơi ở sông như mọi ngày. Nhưng.
Quái, ai như mụ đang bơi ở đó ?
Lạ thật.

Sông mùa này nước lặng, nhiều người vẫn bơi là chuyện thường, nhưng mụ ấy bơi thì chuyện lạ lùng thật. Lão biết mụ bơi cũng giỏi, tuy vậy chỉ bơi trong ao, trong đầm thôi, chứ từ hồi ông từ kể chuyện Bà Thủy thì mụ cấm có bao giờ ra sông nữa. Mụ bảo người nhà mụ có huông chết nước, bà tổ cô bị Bà Thủy dìm, mấy đời rồi, nên trong nhà mụ không ai được bơi sông, chỉ bơi ao chuôm thôi.
Thế mà hôm nay mụ dám bơi sông.

Lão ngạc nhiên, lạ quá.
Đến khi mụ lên bờ chỗ góc bụi tre xa xa, là nơi bọn con gái thay đồ ướt, (đã thành lệ, chỗ ấy dành riêng cho các bà các cô, trai làng cấm bén mảng, đứa nào xớ rớ, các bà trong làng chửi cho từ sáng đến tối), thì lão đứng chờ.
Gặp mụ, lão hỏi sao dám bơi, từ xưa đến nay có bao giờ thế đâu, không sợ Bà Thủy à.
Mụ cười bảo "Có Bà Thủy nào đâu, chẳng qua mọi người cứ nói thế, chứ ông giáo bảo không có đâu, mà ông giáo cũng bào làm gì có huông chết nước...."

Lão chẳng nhớ được lúc đấy lão nói gì nữa. Lão già rồi nên cũng quên nhiều. Nhưng mà bao nhiêu lần lão kéo mụ ấy ra sông, cho mụ không sợ Bà Thủy, bao lần bảo mụ cứ xuống, có gì lão đỡ, cũng bao lần nói làm gì có huông chết nước, nhưng mụ vẫn không xuống, không chịu tin. Lão mà kéo là mụ hét ầm lên rồi giận lão, nên lão không dám nữa.

Còn giờ, ông giáo Linh chỉ nói thế thôi, mụ ấy đã ra sông bơi rồi.
Ừ, mụ ấy tin ông giáo hơn tin lão. Lão nghĩ thế.
........




Bài viết này được sửa chữa mông má bởi chitto: Jun 10 2003, 08:10 PM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
khoaitayran
post Jun 11 2003, 06:26 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #38

Chị Khoai có chồng zồi


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 4.909
Tham gia từ: 22-August 02
Đến từ: Từ những phố xưa tôi về...
Thành viên thứ: 226

Tiền mặt hiện có : 98.642$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



stretcher.gif hypocrite.gif v.gif clap.gif cheers.gif

( Xin phép cho em kâu bài iswear.gif đang con gà tây rồi leuleu.gif )


--------------------
Thôi em, nước mắt
Đừng rơi lã chã

Già xấu béo thì đã làm sao nào?

Em mãi là hai mươi tuổi
Anh mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp

Không có gì là vĩnh viễn



Member of ePi Sys Dev Group


user posted image




User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
FR
post Jun 12 2003, 10:45 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #39

Unregistered









7.

Ông giáo Linh tính tình hiền lành, ít nói. Chỉ thấy ông ấy mủm mỉm cười, chứ trong làng chưa ai nghe thấy tiếng cười của ông ấy bao giờ. Nhà ông giáo Linh sạch sẽ, thoáng mát, cũng chả có đồ đạc gì ngoài cái kệ sách to đùng, sách to sách nhỏ đủ cả. Đông Tây kim cổ có hết, lại cả mấy cái thứ tiếng nước ngoài. Quyển thì mạ vàng, quyển thì cũ mốc. Được cái ông giáo nâng niu mấy quyển sách ấy lắm nên quyển nào quyển nấy cứ tinh tươm. Cái kệ sách cũng được lau chùi cẩn thận, đố mà thấy có tí bụi nào. Thì dân làng cũng quí ông giáo, nên người thì đem cho mấy thanh gỗ, người cho mấy cái đinh, bác Phó chỉ việc cặm cụi bào bào, gõ gõ tới chiều là đã có cái kệ sách đem biếu ông giáo.

Đôi khi, ông giáo Linh cũng ra quán cô Chip nhâm nhi bát nước vối, tay thì lật lật mấy trang sách, trán nhíu lại đăm chiêu. Cô Chip thì cứ len lén nhìn ông giáo Linh, thi thoảng lại rót thêm nước, không thì lấy khăn lau cái mặt bàn chỗ ông giáo ngồi. Cô Chip mồm mép nhanh nhẩu thế, chứ gặp lúc ông giáo Linh ngẩng lên cũng chỉ cười bẽn lẽn, rồi lúng túng hỏi ông giáo có muốn xơi thêm miếng chè lam cho thơm miệng không. Cô ấy chả chịu lấy tiền nước lần nào, nhưng ông giáo lần nào cũng trả. Ông ấy cứ để tiền lên mặt bàn, chào cô Chip rồi đi. Cô Chip lại phải chạy vội ra nhặt tiền cất vào cái ngăn kéo rồi khóa lại, không có đứa nào lớ xớ nó cuỗm mất thì toi cơm, nhịn cả quả trứng vịt ấy chứ ít à.

Là cả làng vừa nể, vừa quí ông giáo, có điều cũng chả mấy người dám sang làm phiền ông giáo. Duy chỉ có cô Cỏ là chả ngại gì sất. Cô ấy mê sách từ nhỏ. Giờ thấy ông giáo Linh có cả một kho sách, cô ấy cứ tíu tít cả lên, mượn hết quyển này đến quyển khác. Cô Cỏ người mảnh dẻ, đi đứng lúc nào cũng yểu điệu. Mắt thì đến là sắc, mà cả cái miệng cũng sắc nữa. Có mấy thằng làng bên cạnh vô phúc trêu phải cô ấy, cô ấy chỉ tay chửi cho mất mặt. Lần sau cứ thấy bóng cô ấy là chúng nó lủi đi mất, chả dám ọ oẹ câu nào.



Go to the top of the page
+
FR
post Jun 14 2003, 05:28 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #40

Unregistered









8.

Cô Cỏ theo nghề phê bình văn học. Cô ấy không viết quyển sách nào, truyện ngắn, thơ cũng chả viết, ấy thế nhưng có ai vừa ra sách là cô ấy đọc hết, rồi chăm chú nghiền ngẫm, phân tích, khen có, chê có, giọng văn cứ sắc lem lẻm. Ông nào có sách mới ra là thoi thóp chờ đợi bài của cô Cỏ đăng trên Tạp chí Quác quàng quạc. Cô ấy mà đặt bút khen cho một câu là cứ sướng rơn, cấm tờ báo phơ phất chạy đi khoe làng trên xóm dưới. Cô ấy mà chê thì đúng là cũng chả dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Gớm, người đâu mà sắc sảo!

Cô Cỏ làm trên tỉnh, quen đến là nhiều người, mà toàn là dân văn nghệ văn gừng như cô ấy. Cô Cỏ hay dắt bạn bè đến tiệm ăn của cô Khoai và cô Ếch. Tiệm ấy được cái ngon, lại là người cùng làng, đâm ra cũng không sợ bị chém đẹp. Có khi lại còn được khuyến mại thêm ly trà Lipton. Dân nghệ sĩ cũng thích đến cái quán ấy. Cô Khoai chủ quán, tính tình cũng dễ chịu, mà cũng hay bốc đồng y như giới nghệ sĩ bọn họ. Hứng lên là cũng làm thơ rào rào, cũng cụng ly cụng chén trăm phần trăm. Anh họa sĩ Ưu Ưu thì mê món gà rán tẩm bột ở đây. Anh phóng viên Gia thì mê món đùi Ếch chiên bơ. Hồi bé anh Gia chuyên lội đồng mò cua bắt ếch. Trời nắng chang chang, anh cu cởi trần, đánh cái quần xà lỏn lụi hụi cả buổi. Cũng bắt được khối cua, khối ếch, nhưng da dẻ thì cứ nứt toác ra. Thế nên tên là Gia mà bọn trẻ nó cứ gọi là thằng Da nứt (Janus, hi hi). Giờ lớn lên, thanh niên trai tráng da lại trắng trẻo, chả thấy nứt ở đâu nữa. Anh Gia đi đâu cũng đóng đủ lệ bộ: kính trắng trông rất trí thức, một cái ca-táp đeo chéo qua vai, trong đựng toàn tạp chí in hình các cô đầm mắt xanh tóc vàng, mặc váy ngắn cũn cỡn, và cái xe đạp mới tinh, lau chùi bóng loáng. Anh Gia đi đến đâu cũng bấm chuông inh ỏi, mặt vênh vênh tự hào. Có lần húc phải ổ gà, loạng choạng suýt ngã, may mà chân dài nên chống được. Các cô trong làng cũng thích cái xe của anh Gia lắm, vì anh Gia lãng mạn, buộc thêm một bông hồng bằng nhựa màu đỏ ở chỗ dây phanh. Lúc đạp xe, bông hoa nhựa đỏ rung rung trông cũng ngộ ngộ, vui mắt. Cô Mưa tổng biên tập Tạp chí Quác quàng quạc lại mê món cơm rang. Cái nhà cô ấy đã béo nứt ra rồi mà cứ thích xơi mấy món đầy mỡ, béo ngậy. Chả thấy kiêng khem giữ eo giữ ót gì cả. Người cứ tròn quay như cái bánh mì.



Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Loa phóng thanh của làng Ven · Bài mới tiếp theo »
 

40 Trang « < 2 3 4 5 6 > » 
Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC