Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Chiếc Lá đầu Tiên - Thơ Hoàng Nhuận Cầm

Phó Thường Nhân
post Apr 21 2021, 04:31 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Chiếc lá đầu tiên:

Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong hơi thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu, xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
"Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
"Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi!
Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.

Tôi không biết nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, và đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ ông, mặc dù theo như trong báo nói, thì đây là bài thơ « gối đầu giường » của tầng lớp thanh niên học sinh vào đời vào cuối thập niên 70. Tôi chép lại ở đây để lấy nó làm minh chứng cho điều tôi nói về văn học VN thời 70,80 chủ yếu ở ngoài Bắc, mà với tôi nó là điểm đỉnh của văn chương VN về nghệ thuật. Các tác phẩm văn học không còn chịu ảnh hưởng của Pháp, lẫn của TQ nữa. Tôi nói điều này trong chủ đề nói về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Bài thơ này là một minh chứng, vì nó được viết rất hay, hoan toàn thuần việt và cũng nói đến một hiện tượng mà chỉ có ở VN mới có. Đó là cảm nhận chia tay lúc tan năm học phổ thông của học sinh.
Tôi không rõ trong Nam sau năm 1975, khi thống nhất đất nước rồi, thì hiện tượng này có ở trong các trường học ở đây không, cũng không rõ bây giờ ở VN, học sinh còn giữ lại hình thức chia tay này không, nhưng vào thời tôi, còn sau cả thời của nhà thơ, thì hiện tượng này vẫn còn.
Hiện nay, khi sống ở nước ngoài, tôi để ý thấy trẻ con ở đây không có sinh hoạt kiểu này. Chúng không có quan hệ học trò như vậy. Học xong ra khỏi lớp, đường ai nấy đi, lấy đâu ra việc viết sổ lưu niệm, chép thơ nữa.
Một điều đặc biệt nữa, ở VN « Thủa ấy », lúc chia tay nhau là lúc .. thể hiện tình cảm thật, mà cả năm học ở trường với nhau không dám nói. Sự thể hiện ấy, cũng qua sổ lưu niệm. Việc này cũng không tồn tại ở nước ngoài, và ở VN ngay nay tôi cũng không rõ, vì cuộc sống bây giờ .. « mỳ ăn liền » hơn.
Bài thơ của tác giả nói lên được tất cả những cảm giác này, và khi đọc nó, dù thời gian đã trôi xa, tôi cũng cảm được nó ngay. Điều thú vị là nhà thơ chọn chữ rất kỹ. Hầu như câu thơ nào cũng có sự cô đặc của cảm nhận rất cao (ngoài trừ phần nói về 10 chú lùn, như là một đoạn văn tả)
Tình yêu- Tuổi thơ – Chia tay. Chia tay tuổi thơ bước vào đời cũng là bắt đầu và cũng là sự chia tay của tình yêu học trò.
Quả thực bài thơ rất thú vị.
Cách bắt vần của bài thơ cũng thú vị, thường làm thể thơ tự do kiểu này, người ta hay chắp 4 câu một như một khổ, trong đó câu 2 và câu 4 vần với nhau. Bài thơ này không chia khổ như vậy được, vì chúng bắt vần tùy theo cảm hứng và tình cảm của tác giả. Kết quả người ta có cảm giác đọc liền một hơi, như một thứ tự sự trào dâng không thể dừng. Sự trào dâng cảm hứng này, bình thường người ta phải viết liền mạch, trong một khoảng khắc thi hứng. Nhưng theo bài báo viết giới thiệu, thì thời gian làm bày này của nhà thơ những mấy năm. Có nghĩa là sự lựa chọn từ ngữ ở đây duy lý hơn bình thường, nhưng tác giả vẫn giữ được mạch, vẫn làm người đọc có cảm giác liên tục « xuất kỳ bất ý », không có cảm giác chênh nhau về thời gian, đây cũng là điều thú vị của bài thơ.



--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
biendep
post Apr 24 2021, 03:44 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Hay té ghế do cười vật vã
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 2.873
Tham gia từ: 14-November 03
Đến từ: chi bộ Ba Lê
Thành viên thứ: 1.293

Tiền mặt hiện có : 107.365$
Số tuần chưa đóng thuế : 6

Bình chọn :



Em có thể trả lời bác là trong miền nam sau 75 thời chúng em vẫn có chép thơ chép nhạc, và viết lưu bút cho nhau, viết báo tường, ... mỗi năm học, mỗi mùa hè chia tay, và nhất là những năm cuối cấp, đây gọi là "hiện tượng" cũng được, như ngày nay giới trẻ hay dùng từ trend cho 1 trào lưu nào đó. Đến thời điểm đó tự khắc trao nhau quyển lưu bút để bạn bè viết vào đấy mấy dòng tâm sự lâm li.
Bài thơ này có câu sau đây hay được trích viết trong lưu bút :
"Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?"

Trích thế thôi chứ ko biết thơ ai và cả bài thế nào, vì truyền nhau mãi mà thuộc thôi.

Nay được đọc cả bài thơ, thấy bâng khuâng vì từ ngữ đẹp, hình ảnh cũng tràn đầy tình cảm với trái tim trong sáng quyến luyến tuổi học trò.


--------------------
Bình yên để sóng nâng niu bờ, chờ nghe tình vỗ lên tim mình ...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC