Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

5 Trang  1 2 3 > »  

· [ ] ·

 Bàn về Trần Đức Thảo và triết học...

Hoang Yen
post May 9 2004, 02:14 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Trần Đức Thảo (1917-1993)
Niên biểu

Cao Việt Dũng dịch và chú thích



Sau khi Trần Đức Thảo mất không lâu, tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 (năm thứ 49) có dành mấy chục trang tưởng niệm một trong số rất nhiều người từng lên tiếng tranh luận với J. P. Sartre, trong đó có bài của Michel Kail về Trần Đức Thảo, bài về niên biểu cuộc đời Trần Đức Thảo do chính ông viết và ba chương đầu của tác phẩm bỏ dở Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant).

Người dịch


Sinh ngày 26 tháng Chín năm 1917

1923 - 1935: Học trường trung học Pháp tại Hà Nội

1935 - 1936: Năm đầu luật tại Hà Nội

1936: Đến Paris học dự bị để thi vào trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm

1936 - 1939: 1re Supérieure ở Louis-le-Grand và Henri IV [1]

1939: Vào Rue d'Ulm [2]

1939 - 1941: Bằng Licence Triết [3]

Hè 1940: Trú (réfugié) ở Bagnères-de-Bigorre [4]

Tháng Mười 1940 - tháng ba 1941: Trú ở Khoa Văn chương ở Clermond-Ferrand [5] , nơi khoa của Strasbourg cũng di về. Chính tại đây tôi đã gặp Jean Cavaillès người đã hướng dẫn tôi đọc Husserl [6] .

Tháng Ba 1941 - tháng Chín năm 1944: ở nội trú tại trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm.

1942 - 1943: Bằng agrégation Triết [7]

1943 - 1944: Nghiên cứu ở Phố Ulm để làm luận án tiến sĩ Nhà nước về hiện tượng luận của Husserl.

Đầu năm 1944: Ở ngắn ngày tại Bỉ, trung tâm lưu trữ Husserl ở Louvain. Edmund [Husserl] đã mất năm 1937 ở Đức sau khi bị bọn phát xít đuổi (radier) khỏi Đại học. Bà Husserl phải đi lánh nạn ở Bỉ, nơi Đại học Louvain đã tạo ra một khoa đặc biệt dưới cái tên Lưu trữ - Husserl (Archives-Husserl), để tiếp nhận thư viện, các ghi chép và bản viết tay của Edmund Husserl.

Những nghiên cứu mà tôi thực hiện ở đó đầu năm 1944 đã cho phép tôi chính xác hoá những điều tôi đã vạch trước trong luận văn (mémoire de diplôme): cần biết rằng trái ngược với những diễn giải thông thường đã biến hiện tượng luận Husserl thành một học thuyết của các bản chất (essence) vĩnh cửu, những phân tích thực tế (effective) của Husserl hướng về một triết học về thời gian, về con người lịch sử và lịch sử phổ quát (universelle), "thời gian tính, temporalité, Husserl nói, là thời gian tính phổ quát, omnitemporalité, mà bản thân nó chỉ là một dạng của thời gian tính."

Chính từ đó mà tôi đã đi đến Hiện tượng học tinh thần (Phénoménologie de l'Esprit) của Hegel mà tôi đã từng phải bình luận trong bài báo của mình trên Les Temps Modernes (tháng Chín năm 1948).

Tháng Mười năm 1936 - tháng Chín năm 1944: Được nhận học bổng của Bộ thuộc địa.

Tháng Mười 1944 - tháng Chín 1946: Tuỳ viên (attaché des recherches) nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia) [8] .

Tháng Mười hai 1944: Báo cáo (rapporteur) chính trị tại Hội nghị (Congrès) Đông dương tại Avignon, nơi tôi đã giới thiệu một chương trình xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương.

Tôi đã được chọn để thực hiện báo cáo chính trị, vì mọi người đều biết tôi không hề có quan hệ gì với bọn phát-xít. Sau ngày Giải phóng, đó là điều kiện đầu tiên để có thể nói đến chính trị. Hội nghị được tổ chức tại phòng khánh tiết của Toà thị chính Avignon [9] ; thị trưởng là một người cộng sản.

Tôi được bầu làm thành viên Tổng Phái đoàn của người Đông Dương ở Pháp (Délégation générale des Indochinois en France), và phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị.

Đầu năm 1945: Tôi có một cuộc gặp, nhân danh Tổng Phái đoàn của người Đông Dương, với Maurice Thorez tại trụ sở của Uỷ ban trung ương đảng cộng sản Pháp. Nhất trí về đại thể cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc: cuộc chiến giành độc lập dân tộc này cần phải dẫn tới, vì lý do những điều kiện khách quan của thế giới hiện nay, chủ nghĩa cộng sản. Lời hứa của Maurice Thorez [10] về một giúp đỡ cụ thể cho các tổ chức của đảng cộng sản Pháp cho các nhóm địa phương khác nhau được đại diện bởi Tổng Phái đoàn của người Đông Dương sống ở Pháp. Lời hứa này đã hoàn toàn được giữ.

Tháng Chín năm 1945: Các truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong một bài báo trên tờ Le Monde liên quan đến cuộc họp báo của tôi, người ta đã trích dẫn câu trả lời của tôi dành cho câu hỏi của một nhà báo hỏi tôi người Đông Dương sẽ làm gì khi đội quân viễn chinh tới, tôi trả lời: "Bằng những phát súng" (A coups de fusils!) Câu trả lời này đã khiến tôi bị bắt và bị giam ở Nhà tù Prison de la Santé từ đầu tháng Mười đến cuối tháng Chạp năm 1945 vì "tấn công vào sự ổn định của Nhà nước Pháp trong những lãnh thổ mà nước Pháp nắm quyền" (Xem Les Temps Modernes số 5, tháng Hai năm 1946, tr. 878). Trong khi tôi bị giam giữ, báo L'Humanité đã đăng một bài báo đòi trả tự do cho tôi.

Maurice Merleau-Ponty, tổng biên tập tờ Les Temps Modernes đã đứng ra lập một tờ đơn quy tụ các trí thức theo cùng một mục đích [11] .

Ở Phố Ulm, mọi người bị chia rẽ. Những người cộng sản và cảm tình cộng sản (trong số đó thời đó phải kể đến những người theo hiện sinh) đòi trả tự do cho tôi. Rất quan trọng cần nhận xét rằng trong thời Đức chiếm đóng, nhóm Pháp tham gia Kháng chiến chống phát-xít có quan hệ với bên cộng sản. Sartre rẽ nhánh trực tiếp từ Husserl, và ông đã chịu ảnh hưởng về mặt triết học của Heidegger, nên giữ khoảng cách từ xa.

Các học sinh khác hoặc cựu học sinh của trường Cao đẳng Sư phạm phản đối việc bắt giam tôi, chỉ đơn giản do tinh thần dân chủ.

Một nhóm nào đó còn do dự, vì lý do họ có quan hệ với Tập hợp nước Pháp (Union française). Cuối cùng còn có những người ủng hộ Bộ thuộc địa. Những chia rẽ này đã ngăn cản sự thực hiện một sự phản đối tập thể do bên cộng sản khởi xướng.

Tuy nhiên, độc lập với vấn đề tự do của tôi, các sự việc dần đã trở nên sáng tỏ: tôi vẫn tiếp tục là học sinh nội trú tại trường Cao đẳng Sư phạm kể từ khi từ Clermond-Ferrand trở về (tháng Ba năm 1941) cho đến ngày Paris được giải phóng. Nơi này không khoan nhượng chủ nghĩa phát-xít. Các học sinh có cảm tình với quân chiếm đóng đều là sinh viên ngoại trú, và thực tế là không bao giờ đến trường cả.

Tôi không biết có ai ở Phố Ulm ủng hộ những lời vu cáo phi lý về những tờ báo vu cho tôi có quan hệ với quân phát-xít. Có thể có, điều đó không thể loại trừ, vì lẽ hoàn toàn không có những can thiệp thuần tuý. Tôi là chuyên gia về Husserl, người từng bị đuổi khỏi Đại học tại Đức ngay khi bọn phát-xít lên nắm quyền. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu hiện tượng luận Husserl nhờ Jean Cavaillès hướng dẫn, người tham gia Kháng chiến kể từ khởi đầu cuộc Chiếm đóng.

Tổng Phái đoàn của những người Đông Dương đã định khởi kiện lời vu khống của những tờ báo vu tôi có quan hệ với bọn phát-xít. Những tờ báo này đã ngay lập tức chấm dứt những lời vu khống, vì thấy rằng chúng hoàn toàn không có cơ sở nào hết.

Tháng Hai năm 1946: Những bài báo Về Đông Dương được xuất bản trong số 5 tờ Les Temps Modernes, với mở đầu là một dòng chú thích của biên tập có nhắc đến những tờ báo vu khống, do Bộ Thuộc địa giật dây:

"Về Đông Dương"

"Đầu tháng Mười, quân cảnh (la justice militaire) đã bắt giữ khoảng năm mươi người Đông Dương sống ở Paris. Lúc đó một số tờ báo đưa tin những người Đông Dương bị bắt là do đã từng hợp tác với chính quyền Đức và Nhật. Trên thực tế, toà án (la justice) đã không hề kết án họ về tội này và những tờ báo vu khống giờ đây đã bị truy tố vì vu cáo. Điều mà toà án chê trách ở những người Đông Dương bị bắt là đã gây nguy hại đến ổn định của Nhà nước Pháp tại các lãnh thổ mà Nhà nước nắm quyền" (Les Temps Modernes, số 5, tháng Hai năm 1946, tr. 878). N.D.L.R.

Tôi viết bài báo Về Đông Dương trong xà lim nơi tôi bị giam giữ một mình tại nhà tù Prison de Santé.

Tôi đã sử dụng sự giải trí bị bắt buộc (ces loisirs forcés) này để rà soát lại nhận thức hiện tượng học của mình. Bài báo của tôi theo hướng hiện sinh. Nhưng tình hình khách quan tôi ở vào, với sự đối nghịch sâu sắc giữa dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa tư bản đế quốc, đã hướng tôi đến con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin. Định hướng này sau đó đã được hiện thực hoá trong cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1951).

Cuối năm 1946 (hoặc đầu năm 1947): Bài báo trên Les Temps Modernes đã đả kích gay gắt những lời vu cáo do tay trốtkít Claude Lefort tung ra chống Việt Minh và đảng cộng sản Đông Dương.

1947: Bài báo trên tờ La Pensée đả kích sự trấn áp của thực dân chống Việt Nam.

1947: Loạt hội thảo dành cho học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm về hiện tượng luận của Husserl.

1947 (hoặc đầu năm 1948): Bài báo trên Revue de métaphysique et de morale (Tạp chí siêu hình học và đạo đức) về triết học mác-xít và lịch sử, trong đó tôi tán thành các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

1947 - 1948: Loạt hội thảo ở trường Cao đẳng Sư phạm Sèvres về Husserl, Kant, Hegel.

Tháng Chín năm 1948: Bài báo trên Les Temps Modernes, số 36 Về Hiện tượng luận tinh thần và nội dung thực tế của nó nhân dịp xuất bản giáo trình của Alexandre Kojève về Hiện tượng luận tinh thần của Hegel. Giáo trình này, được giảng dạy trước chiến tranh, đã có các học sinh theo học như là J.-P. Sartre, J. Hippolyte, M. Merleau-Ponty v.v..., điều này khiến nó có được một ảnh hưởng đáng kể lên triết học Pháp. Chủ yếu nó được cấu tạo để chống lại chủ nghĩa duy vật biện chứng. Vì Merleau-Ponty yêu cầu tôi viết một bài điểm sách cho Les Temps Modernes, tôi đã thực hiện thông qua một nghiên cứu cụ thể về tác phẩm của Hegel. Và tôi đã đi đến kết luận rằng chỉ biện chứng duy vật mới cho phép hiểu nội dung thực tế (contenu réel), và do đó, ý nghĩa chân thực của Hiện tượng luận Hegel.

Bài báo của tôi, được viết để chống lại cách diễn giải hiện sinh luận Hegel của Kojève, đã cho phép tôi đồng thời giải phóng khỏi cách nhìn mang tính duy tâm của Husserl. Nó là "chiếc cầu" dẫn tôi đi từ hiện tượng luận Husserl đến chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Cuối năm 1948 (hoặc đầu năm 1949): tôi ký tên vào một tuyên bố của giới trí thức (xuất bản trên tờ l'Humanité) phản đối sự trấn áp của tên phản bội Tito lên những người dân chủ Nam Tư.

Cuối năm 1949 - đầu năm 1950: Năm cuộc tranh luận có ghi tốc ký với Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh.

Sartre đã mời tôi đến những cuộc gặp gỡ này vì ông tính chứng tỏ ở đó rằng chủ nghĩa hiện sinh có thể tồn tại hoà bình rất tốt về mặt học thuyết với chủ nghĩa Marx. Việc ghi tốc ký có mục đích là để chuẩn bị cho việc xuất bản chung dưới dạng trao đổi [12] .

Sartre chỉ công nhận giá trị của chủ nghĩa Marx về mặt chính trị và lịch sử xã hội. Ông không coi trọng triết học mác-xít lắm. Ông đề nghị một chia sẻ (un partage) tại đó chủ nghĩa Marx có quyền (compétent) trong một khuôn khổ nào đó về những vấn đề xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh sẽ có giá trị trong triết học...

Trong năm cuộc gặp gỡ tôi đã chỉ cho ông rằng chính xác là phải coi trọng chủ nghĩa Marx cả về triết học. Về điều đó, Sartre đã kết thúc tranh luận, thấy rằng không thể hy vọng thêm được nữa. Kết luận cuối cùng khi chúng tôi chia tay là sẽ không đặt ra vấn đề này nữa, ở cả hai phía. Về lời hứa hai bên này, Sartre và nhất là những người thân cận của ông đã lan truyền những đồn đại đổ lên tôi trách nhiệm của thất bại. Vì tôi chỉ có một mình, tôi không có cách nào khác để chấm dứt những đồn đại thất thiệt này ngoài việc đâm đơn kiện Sartre. Và trên thực tế chiến dịch bẩn thỉu (insidieuse) mà các học trò của ông đã bắt đầu, đã kết thúc ngay lập tức.

Năm 1952, Sartre đã quyết định tham gia tích cực vào Phong trào Hoà bình. Có thể những trao đổi về mặt quan điểm hồi mùa đông 1949 - 1950 đã đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến triển của ông về hướng cộng tác với chủ nghĩa cộng sản [13] ?

Với tôi những cuộc gặp gỡ này đã dẫn đến sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh, sự đoạn tuyệt đã bắt đầu với bài báo của tôi tháng Chín năm 1948 chống lại bình luận Hiện tượng luận tinh thần Hegel của Kojève.

Tháng Tám năm 1951: Xuất bản cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng tại nhà xuất bản Minh Tân [14] .

Cuốn sách này đánh dấu bước phát triển của tôi từ Hiện tượng luận đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đến ngưỡng cửa chủ nghĩa Marx. Tôi đã công nhận tính đúng đắn của các nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà không hề có hiểu biết đầy đủ về các văn bản kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong các phân tích cụ thể của phần hai cuốn sách của tôi, phương pháp muốn là Marxit, đã lạc đường chao đảo giữa hiện tượng luận Husserl và Hegel.

Tuy nhiên các vị thế nguyên tắc, đã được khẳng định rõ ràng, là đủ để tôi quyết định trở về Việt Nam. Cần phải làm cho cuộc đời ăn nhập với triết học, thực hiện một hành động thực tế (acte réel), điều đáp trả lời những kết luận lý thuyết của cuốn sách của tôi.

Từ khi tôi đoạn tuyệt với nhóm Les Temps Modernes vào đầu năm 1950, những người bạn tuyệt vời của tôi đã có lý khi gợi ý với tôi là không còn hy vọng gì trông chờ một cuộc cách mạng ở Paris. Vì tôi đồng ý với điều đó, tôi đã nhanh chóng hoàn thành cuốn sách của mình đã được thông báo từ cuối năm 1943, năm tôi đăng ký làm một luận văn về Husserl. Lúc đó nhẽ ra tôi sẽ làm cho Sorbonne [15] , nhưng tôi cũng cần tự giải thoát về mặt triết học. Cuốn sách được xuất bản, chỉ dày 368 trang vì lý do thiếu thời gian.

Trước khi rời Paris, tôi đã nhờ Nguyễn Văn Chi (Chỉ/Chí?), người phụ trách giao thiệp với bên Les Temps Modernes, lo việc chấm dứt, nhân danh tôi, vụ kiện Jean-Paul Sartre.

Cuối năm 1951 - đầu năm 1952: Trở về Việt Nam qua đường Praha, Matxcơva, Bắc Kinh.

1952: Nghiên cứu về hai xưởng công nghiệp ở Việt Nam, Báo cáo cho Trung ương - Điều tra về thực trạng các trường học ở Việt Nam. Báo cáo cho Bộ Giáo dục.

Mùa xuân năm 1953: Dịch các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh trong các văn phòng của Tổng bí thư.

Mùa hè năm 1953: Tham gia Chỉnh Huấn. Thành viên Ban Văn-Sử-Địa.

Mùa thu năm 1953 - đầu năm 1954: Tham gia cải cách ruộng đất với tư cách chiến sĩ cơ sở ở Phú Thọ.

1954: 9 bài báo về lịch sử và văn học Việt Nam, xuất bản trên tạp chí Văn-Sử-Địa
Mùa thu năm 1954: Giáo sư ở Đại học Hà Nội.

1954 - 1955: Dạy Lịch sử cổ đại.

1955 - 1958: Dạy Lịch sử triết học [16]

1956 - 1958: Trưởng khoa Lịch sử

1955 - 1956: nhiều bài báo đăng trên Tập san Đại học Sư phạm và trên Tập san Đại học (Văn khoa).

Cuối năm 1956: 2 bài báo đăng trên Nhân Văn và Giai Phẩm nơi tôi đã nhầm lẫn dân chủ xã hội và dân chủ tư sản, chủ nghĩa nhân văn mác-xít và chủ nghĩa nhân văn tư sản.

1958 - 1961: Nghiên cứu các văn bản kinh điển chủ nghĩa Mác-Lê.

1961 - 1973: Tham gia dịch các tác phẩm của Marx - Engels tại Nhà xuất bản Sự Thật [17] .

1965: Bài báo trên tờ La Pensée: Hạt nhân duy lý của biện chứng Hegel (dịch một bài báo viết bằng tiếng Việt đăng năm 1956 trên Tập san Đại học (Văn khoa).

1965: Bài báo trên tờ La Pensée: Chuyển động của chỉ dẫn như dạng nguyên thuỷ của sự chắc chắn cảm thấy được (Le mouvement de l'indication comme forme originaire de la certitude sensible)

1969 - 1970: Bài báo đăng ba kỳ trên La Pensée: Từ cử chỉ chỉ trỏ đến hình ảnh đặc thù (Du geste de l'index à l'image typique)

1973: Xuất bản Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức (Recherches sur l'origine du langage et de la conscience" tại Editions Sociales.

Tháng Giêng và tháng Chín năm 1975: Bài báo đăng hai kỳ trên La Nouvelle Critique (Phê bình mới): Từ hiện tượng luận đến biện chứng duy vật của ý thức (De la phénoménologie à la dialectique matérialiste de la conscience)

Tháng Năm năm 1981: bài báo trên tờ La Pensée: Chuyển động của chỉ trỏ như là sự hình thành sự chắc chắn nhận thấy được (Le mouvement de l'indication comme constitution de la certitude sensible)

Tháng Giêng năm 1983: Phần tiếp theo của bài báo

Tháng Bảy năm 1984: Bài báo trên tờ La Pensée: Biện chứng logique trong sự hình thành Tư bản luận

Trong tiến trình của mình, tôi đã được dẫn đến với chủ nghĩa Marx bằng hai con đường: một là cuộc đầu tranh giành độc lập dân tộc dẫn tới chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, nghiên cứu triết học và lịch sử đã chỉ cho tôi thấy rằng chỉ chủ nghĩa Mác-Lênin mới cung cấp giải pháp đúng đắn cho những vấn đề chung của lý thuyết khoa học.

Trong những năm sau chiến tranh, khi tôi làm quen lần đầu tiên với các tác phẩm của chủ nghĩa Marx, tôi đã chấn động vì nhận xét thấy Tuyên ngôn của đảng cộng sản về khả năng một bước chuyển một phần của các trí thức tư sản sang vô sản, trong giai đoạn khủng hoảng chung của chủ nghĩa tư sản nhờ vào nguyên cứu lịch sử phổ quát (universelle). Nhận xét này đã đưa tôi đến chỗ hướng các nghiên cứu của mình, những nghiên cứu cho đến lúc đó chỉ thuần tuý ở mức trừu tượng, sang một suy nghĩ toàn thể về thực tế của chuyển động lịch sử, về bản chất lý-hoá đến cuộc sống, xã hội và ý thức.

"Vào các thời kỳ khi đấu tranh giai cấp tiến đến gần hồi quyết định, tiến trình phân rã bên trong của giai cấp thống trị bên trong toàn bộ xã hội cũ, có một tính chất tàn bạo và mãnh liệt đến nỗi một mảnh nhỏ của giai cấp thống trị sẽ tách khỏi giai cấp của mình và gắn với giai cấp cách mạng, giai cấp nắm tương lai trong tay mình. Cũng vậy, ngày xưa một phần giai cấp quý tộc đã chuyển sang tư sản, thì ngày nay một phần tư sản cũng chuyển sang vô sản, nhất là một phần các nhà tư tưởng tư sản, do công việc của mình, đã tự hiểu được lý thuyết toàn thể tiến trình của lịch sử."


Hà Nội ngày 1 tháng Hai năm 1984
Trần Đức Thảo


© 2004 talawas



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Hai trường lycée nhưng là lycée đặc biệt, nằm gần Panthéon và Sorbonne, đặc biệt có các lớp préperatoire hay gọi tắt là prépa cho các học sinh ưu tú ôn luyện để thi vào các trường lớn, Grandes Ecoles, của Pháp. Học về tự nhiên và xã hội, thường là hai năm, bên xã hội năm đầu gọi là hypokhâgne, năm hai gọi là khâgne (theo tiếng Lyon là câgne), người học gọi là khâgneux. Học xong hai năm này thì thi, đỗ rất ít, nhưng trượt thì vào đại học học luôn deuxième cycle khỏi phải qua đại cương.
[2]Tức là thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm
[3]Là năm đầu tiên của deuxième cycle, năm thứ hai là maitrise. Học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phải học thêm một trường đại học khác nếu muốn lấy bằng.
[4]Vì lý do chiến tranh
[5]Tức là ở miền Trung nước Pháp, quê của Blaise Pascal và là cái nôi của hãng lốp xe Michelin rất nổi tiếng.
[6]Jean Cavaillès là một trí thức dấn thân kháng chiến, hy sinh trong chiến tranh. Cựu học sinh Ulm, hiện tại Ulm có cái tượng kỷ niệm những học sinh chết vì đất nước, có tên Cavaillès và một phòng học khá to ở tầng hai mang tên ông.
[7]Một bằng đặc biệt của ngành Giáo dục, dành cho những người muốn trở thành giáo viên. Đây là một kỳ thi rất khó, gồm nhiều bài thi nhỏ, cả viết và vấn đáp.
[8]Trung tâm tập trung gần hết các nhà nghiên cứu giỏi nhất của Pháp, có không ít người Việt, chẳng hạn Nguyễn Quang Riệu từng là giám đốc nghiên cứu - directeur de recherches - ở đây.
[9]Avignon là một thành phố nhỏ của Pháp, nhưng có lịch sử rất oanh liệt vì là nơi duy nhất ngoài Vatican từng có trụ sở của Toà Thánh.
[10]Thorez là anh cả đỏ của Pháp, ngoài gặp Trần Đức Thảo trước đó ông cũng đã gặp Hồ Hữu Tường là người ủng hộ Đệ Tứ.
[11]Chuyện này rất giống với vào những năm 60, Camus đã tập hợp đông đảo trí thức trên thế giới ký đơn đòi chính quyền Ngô Đình Diệm không được xử tử Hồ Hữu Tường.
[12]Tức loại sách entretiens, rất thông dụng ở Pháp, thường là hai hoặc nhiều người bàn luận về một hay nhiều vấn đề, rồi chép lại và in thành sách.
[13]Sau này Sartre còn ngồi ghế Thư ký cho Toà án chiến tranh Việt Nam của Chánh án Bertrand Russell tổ chức tại Thuỵ Điển.
[14]Ai từng đọc các tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn như La Sơn Phu Tử hoặc Lý Thường Kiệt chắc đã biết đến NXB này. Cũng những năm 50, họ đã xuất bản Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh bằng phương pháp sao chụp, ở trang đầu có đăng thư ngỏ của ông Nguyễn Ngọc Bích thanh minh in sách mà không có điều kiện hỏi ý kiến tác giả trước.
[15]Có thể Trần Đức Thảo cũng đã theo học Triết ở Sorbonne là nơi cách Ulm khoảng 10 phút đi bộ.
[16]Ở Việt Nam có một quyển sách tập hợp các bài giảng của Trần Đức Thảo về môn này, do học trò ghi lại và cho in.
[17]Không thấy Trần Đức Thảo nói đến chuyện dịch Perspectives de l'homme của Roger Garaudy, triết gia mác-xít của Pháp, giờ vẫn còn bản ronéo ở Thư viện Quốc gia Việt Nam.

(nguồn Talawas)



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post May 9 2004, 02:19 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Đặng Phùng Quân
Đọc lại Trần Đức Thảo (2/2)


Cấu trúc luận và chủ nghĩa Mác

Quan hệ giữa ý thức và ngôn ngữ đã trở thành vấn đề cơ bản trong hành trạng tư tưởng của Trần Đức Thảo. Ngay từ PMD, khi đi giải thích sự xuất hiện của ý thức qua những giai đoạn sơ khai của con người, ông ghi nhận từ tiếng hú của loài vật qua ngôn ngữ con người đã phối hợp trên cấu trúc của lao động sản xuất.

Thật sự Trần Đức Thảo vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm của hiện tượng luận. Sau Husserl, Merleau-Ponty đã đặt trọng tâm vào ngôn ngữ, khởi từ bài giảng "La conscience et l'acquisition du langage" năm 1949, ở đó ông chỉ ra sự khác biệt giữa truyền thống triết học Descartes và triết học hiện đại chung quanh vấn đề ý thức và ngôn ngữ: trong truyền thống Descartes không có sự gặp gỡ giữa ý thức và ngôn ngữ trên cùng một bình diện, nói khác đi triết lý coi ngôn ngữ như một sự vật ở ngoài ý thức. Merleau-Ponty đưa ra một đề cương tìm hiểu bản thể ngôn ngữ, bao gồm việc nghiên cứu sự phát triển tâm lý của trẻ con, sự đóng góp của khoa ngữ học và những kinh nghiệm văn chương. Khi đi tra hỏi ngôn ngữ, ông đã phát hiện ra ngữ học có thể là một điển hình nguyên lý làm cơ sở cho việc phát triển một luận lý về những khoa học nhân văn, từ đó có thể thiết lập một khoa nhân loại học triết lý, phổ biến.

Ðó cũng là khởi đầu cấu trúc luận và người ta đọc lại nguồn gốc ngôn ngữ của Rousseau, Herder và Saussure.

Những tiểu luận mới của Trần Đức Thảo xuất hiện trên tạp chí cộng sản Pháp La Pensée vào năm 1966 sau nhiều năm im lặng đặt trọng tâm nghiên cứu về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ mang chiều hướng này. Trong khoảng thời gian vắng tiếng, ông đã có cơ hội học tiếng Nga để đọc những tư liệu dân tộc học và khảo cổ học của các nhà khoa học Liên Xô.

Những công trình nghiên cứu của ông được phép xuất hiện ở ngoài nuớc có thể giải thích được hai lý do: phù hợp với sự phát động cuộc chiến tâm lý tuyên truyền ra thế giới của đảng cộng sản Việt Nam và Trần Đức Thảo đã trở thành một người Mácxit-Lêninit chính thống.

Những tiểu luận này đựơc in lại trong tác phẩm "Nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức" xuất bản năm 1973 [1] . Trần Đức Thảo đã dẫn chứng Lenin và hoàn toàn dựa trên những lý luận kinh điển "ngôn ngữ là ý thức thực", mà "ý thức trước hết là một sản phẩm xã hội" (Mác) phát triển trong sinh hoạt và những quan hệ vật chất mà "vật chất là một thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức của chúng ta". (Lenin)

Ði tìm nguồn gốc của ý thức, trước hết ông tránh rơi vào một nghịch lý quan niệm ý thức là vật chất vì như vậy lẫn lộn giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật vì người ta có thể đảo ngược lại quan niệm vật chất là ý thức.

Ý thức ở lúc khởi đầu của nhân loại có thể đánh dấu từ sự xuất hiện của công cụ đầu tiên. Hoạt động của con người chính là một hình thái sơ đẳng của ý thức. Những điều tra nhân loại học Mácxit xác định khởi đầu của ý thức phải xét từ giai đoạn trung gian trước khi con người tối cổ xuất hiện. Ðó là giai đoạn trước khi có con người, loài vượn đã vượt lên khỏi tính cảm thụ để có tập quán lao động thích nghi. Ý thức như vậy được nghiên cứu trong "thực tại trực tiếp" của nó: ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ diễn đạt bằng cử chỉ và ngôn ngữ diễn đạt bằng lời.

Nguồn gốc ngôn ngữ được cấu thành trên sự vận động của lao động thích nghi ngay từ cấp độ vượn người. Trần Đức Thảo dẫn lời Engels: "Trước tiên là lao động rồi sau đó và đồng thời ngôn ngữ. Ðó là hai động lực chủ yếu tác động bộ óc của loài vượn dần dà biến thành bộ óc của con người."

Lịch sử đã chứng tỏ là trí khôn loài vật chưa đạt tới mức độ ý thức, vì ở loàì vật thiếu quan hệ ý thức với sự vật như ngôn ngữ có thể diễn đạt. Và dấu hiệu ngôn ngữ sơ đẳng nhất là động tác của dấu chỉ diễn đạt mọi quan hệ với sự vật bên ngoài, ở đó ý hướng tính cơ bản của ý thức là ý thức về sự vật, khác vơí cơ chế tâm linh thuần túy cảm xúc máy móc nơi loài vật. Khi mô tả những hoạt động sơ đẳng, động tác của dấu chỉ là một cách gọi lao động trên đối tượng được chỉ. Ý chí trước hết phải được cấu thành dưới một dạng khách quan trong vận động nguyên ủy của ngôn ngữ khi vận động này đột phát những quan hệ vật chất của đời sống xã hội, điều Mác gọi là ngôn ngữ của đời sống thực:


"Sản xuất những ý tưởng biểu hiện và ý thức trước hết một cách trực tiếp và riêng biệt lẫn vào các hoạt động vật chất và giao dịch vật chất của con người, nó chính là ngôn ngữ của đời sống thực. Những biểu tượng, tư tưởng, giao dịch trí thức của con người xuất hiện ở đây như" khởi sinh trực tiếp của ứng xử vật chất (direkter Ausfluss ihres materiellen Verhaltens) nơi con người" [2]

Ðến đây Trần Đức Thảo muốn chỉ ra hướng nghiên cứu qua lối đặt vấn đề khởi từ một ý nghĩa tuyệt đối tự căn cơ ở trong ngôn ngữ của đời sống có thực có trước mọi ý thức nói chung, và chỉ từ khi có chủ thể hoá mới xác định ra ý thức nguyên ủỵ. Trong mọi bước tỉ mỉ mô tả những động tác dấu chỉ của con người nguyên thủy, ý nghĩa này được giả định ở mọi giai đoạn tiếp theo như những điều kiện tiên quyết của thao tác ngôn ngữ hay tư tưởng.

Hướng nghiên cứu này hoàn toàn theo quan điểm duy vật vì ý nghĩa của dấu chỉ liên hệ một cách trực tiếp và duy nhất tới chính sự vật trong hiện hữu ngoại tại, coi như độc lập với chủ thể, hay nói một cách khác, sự vật trong hiện hữu vật chất. Chính khởi từ hình thái khách quan của dấu chỉ đã đắc thủ mới có hình thái chủ quan xác định mối quan hệ đầu tiên có ý hướng của chủ thể đối với khách thể. Cho nên Mác xác định ý thức không có gì khác hơn cái hữu thể có ý thức (das bewusste Sein). Có thể nói, ngôn ngữ là chính ý thức trong thực tại trực tiếp của nó, thì ý thức là ngôn ngữ mà chủ thể nói với chính mình, nói chung dưới dạng "ngôn ngữ bên trong".

Vận động vật chất hàm ngụ trong ý thức là chính ngôn ngữ, nói khác đi tín hiệu ngữ học là vận động vật chất của hành vi chỉ thị. Trong Grundrisse, Mác quan niệm ngôn ngữ là hiện thể của cộng đồng, nên mối quan hệ giữa cá thể và ngôn ngữ chỉ xác định khi cá thể là một thành viên tự nhiên của cộng đồng con người. Trong phần nghiên cứu thứ hai của tác phẩm Recherches sur l'origine du langage et de la conscience (ROLC), dưới nhan đề: ngôn ngữ hỗn tạp (Le langage syncrétique), Trần Đức Thảo mở đầu từ một khái niệm của Jakobson: "Ý nghĩa của một tín hiệu là một tín hiệu khác, nhờ đó tín hiệu mới được thông diễn" và phê phán: Nếu tất cả ý nghĩa của những tín hiệu là đi từ tín hiệu này qua tín hiệu khác, chứ không bao giờ liên hệ trực tiếp với sự vật thì như vậy, một cách thực tiễn, chúng ta bị vây kín trong thế giới những tín hiệu và không thể thấy được sự vật muốn nói gì. Ðó là một sai lầm nghiêm trọng vì ngay trên bình diện phân tích những tín hiệu, không thể chối bỏ sự hiện hữu của một tín hiệu cơ bản, mà ý nghĩa rõ ràng xác minh "một liên hệ trực tiếp giữa từ ngữ và sự vật": đó là tác động của dấu chỉ (le geste de l'indication), ở đó chúng ta chỉ ngón tay trên chính sự vật. Khi Lenin định nghĩa cảm giác là dây liên lạc trực tiếp của ý thức với ngoại giới, ông muốn chỉ ra rằng khái niệm vật chất đối với con người là vấn đề tín nhiệm vào những dấu chỉ (pokasaniiam) của những giác quan, vấn đề và những nguồn gốc của nhận thức nơi con người [3] . Toàn bộ những nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức khởi đi từ vấn đề vận động của dấu chỉ.

Dựa vào quan điểm duy vật, ông xác động tín hiệu của tín chỉ phát triển theo sự vật trong vận động của nó. Lý luận phản ánh bắt nguồn từ Mác, quan niệm "vận động của tư duy chỉ là phản ánh của vận động thực được vận chuyển vào trong bộ óc của con người." Khi đi tìm hình thái nguyên ủy của ý thức thông qua quá trình tiến hóa từ loài vượn lên loài người, rồi từ loài vượn người qua loài người khéo léo (homo habilis), chúng ta thấy hàm mặt đã thanh tú hơn và bộ óc tăng trưởng chứng tỏ sự phát triển đầu tiên của ngôn ngữ và ý thức. Dựa vào khả năng của giác quan, Trần Ðức Thảo nhận xét: Ý thức xuất hiện ở khởi đầu của sự phát triển nơi loài vượn bằng chủ quan hoá tín hiệu của dấu chỉ dưới dạng thái xác thực khả xúc của thực tại khách quan của sự vật được tri giác [4] .

Từ quan điểm của Engels: "Cũng như lịch sử tiến hóa của thai nhi trong bụng mẹ chỉ biểu hiện một sự lặp lại thu gọn lịch sử hàng triệu năm tiến hoá thể chất của tổ tiên động vật của chúng ta, bắt đầu từ loài loài sâu, sự tiến hoá trí khôn của trẻ con cũng là một sự lập lại thâu tập sự tiến hoá trí khôn của những tổ tiên này, ít ra là những tổ tiên gần dạng người" [5] toàn bộ đề cương nghiên cứu trong PMD tìm hiểu khởi sinh những cấu trúc của ý thức từ khảo sát nguồn gốc sinh vật của con người về mặt phát triển cá thể và chủng loại đối chiếu sự phát triển nơi trẻ sơ sinh với sự phát triển cơ xúc từ loài sâu đến loài vượn đến ROLC hướng đi vẫn không thay đổi.

Những tư liệu tâm lý học về trẻ em trong ROLC phần lớn dựa trên công trình của những nhà tâm lý học Liên Xô như Gvosdev, Konnikova và nhất là Piaget (người Thụy Sĩ, rất gần với quan điểm Mác-xít, như Goldman nhận định), còn những tư liệu nhân loại học trong ROLC dự trên những công trình của Iakimov, Spirkine, Kotchetkova nhằm mô tả vận động biện chứng của những dấu chỉ phát triển ở các loài vượn người và trẻ em, khởi thủy của ngôn ngữ và ý thức.

Vận động của dấu chỉ về mặt duy vật biện chứng khởi sinh từ lao động tập thể thích nghi được phát triển từ trình độ vượn người. Quá trình tiến hóa từ vượn người lên loài người đánh dấu từ khi đứng và đi thẳng bằng hai chân, giải phóng bàn tay để có thể tập thói quen biết sử dụng phương tiện . Một sự phát triển như vậy giả định tín hiệu của dấu chỉ trong hình thái sơ đẳng nhất sử dụng phương tiện tập thể, đồng thời cũng đắc thủ được trong tổ chức thần kinh, giải phóng bộ óc qua những hoạt động cao cấp: ngôn ngữ và ý thức, vượt khỏi những hạn chế của hoàn cảnh. Từ phương tiện tự nhiên, đến sửa soạn phương tiện như biết mài cạnh đá cuội, phát triển phương tiện (ở giai đoạn Kafouen và Olduvai), cho dến khi thực sự tạo ra công cụ là quả là một quá trình từ con người được thành hình (tác nhân sản xuất ra phương tiện) cho đến khi con người hoàn tất (tác nhân sản xuất ra công cụ).

Khi đi phân tích tín hiệu của dấu chỉ phát triển, nơi loài người sơ khai sống thành đoàn nhóm săn bắt mồi, lấy hình ảnh người săn thấy con mồi ở phía xa và chỉ cho những nguời khác bằng một cử chỉ của bàn tay dang ra về phía trước, nơi trẻ sơ sinh 14 tháng biết ra tín hiệu bằng cử chỉ, Trần Ðức Thảo diễn tả ý chí của động tác dựa trên một ảnh tượng được phát biểu "cái này trong một vận động trong hình thái chỉ cách xa "bằng công thức CME, phát biểu một cách chung là "cái này trong một vận động trong hình thái" bằng công thức CMF, gọi là công thức của dấu chỉ phát triển bao gồm một số những khả năng tiến hóa để có thể hiểu tính đa nghĩa của tiếng dựa trên cử chỉ [6] , phân tích cho đến tận cùng, đó là toàn bộ vận động diễn đạt bằng cử chỉ, sơ bộ hay hoàn tất, tạo thành ý nghĩa của tiếng.

Nhận thức được tín hiệu của dấu chỉ phát triển chỉ có được khi chủ thể có thể nói với chính nó : Khi tín hiệu được dội trở lại chính nó nơi trẻ con dưới hình thức chơi đùa, trên thực tế là những điều kiện nguyên thủy trong thực tiễn lao động tập thể. Lao động vượn người đã trao đổi lẫn nhau cùng dấu chỉ phát triển về một đối tượng của hình thái CMF. Trong thí dụ nêu trên, khi những người săn trong nhóm trao đôåi dâáu chỉ này, nghĩa là trao đổii với nhau và với chính mình khi đồng nhất với tiếng gọi của người tiền phong, tín hiệu mới mang chính ảnh tượng nhờ đó những người săn gọi nhau theo bắt con mồi, vận động của một nhận biết như vậy tạo hình thái của cải sinh động đó như là hành vi mang ý nghĩa vật chất gọi là ý thức [7] .

Những phân tích cụ thể về biểu tượng cho thấy ý thức chân chính của sự vượt qua khi minh giải nội dung thực kỳ thành của nó, tức là cái nội dung xã hội, chứng tỏ sự hiện diện thực cùng khắp của lao động tập thể, sinh ra sự hiện diện cùng khắp lý tưởng của ý thức. Sự phát triển qua lao động tập thể do sự phát triển ra phương tiện tiến đến sự phát triển phân bố công tác trong khuôn khổ thông tin mở rộng là một bước tiến bộ trong cấu trúc ngôn ngữ. Mâu thuẫn khách quan giữa những quan hệ mới trong lao động tập thể do sự phát triển những lực lượng phương tiện và hình thái đắc thủ của ngôn ngữ tạo cho một cấu trúc ngữ học mới phát sinh. Quan hệ song hành cơ bản của cử chỉ và tiếng tạo ra nhóm từ có tính chức năng là một bước tiến bộ nhất định trong sự tiến bộ của nhận thức. Nhóm từ về mặt chức năng xuất hiện vào cuối giai đoạn hai của loài vượn người đánh dấu hình thái ngữ học mới cho đoàn nhóm tương ứng với nhận thức của tập thể.

Ở buổi đầu, ngôn ngữ của loài vượn người cũng như nơi trẻ sơ sinh còn là thứ ngôn ngữ hỗn tạp. Vượt qua giai đoạn ngôn ngữ hỗn tạp, vươn lên khỏi hình thái và sự khai sinh ra từ biểu tượng phân biệt của hình thái. Từ có một vị thế nhất định, không còn là thứ tiếng hỗn tạp nữa. Do ước lệ xã hội, tương ứng với kinh nghiệm về nhiều mặt đối tượng vượt khỏi những khả năng trực tiếp của sự phát triển của hoàn cảnh hiện tại. Dấu chỉ của đối tượng ở đây tương ứng với lối gọi tên điển hình đánh dấu một bước mới nhất định trong sự tiến bộ của nhận thức. Cấu tạo điển hình này đánh dấu một bước đầu của lao động sản xuất nơi người khéo léo (Homo habilis).

Sau giai đoạn ngôn ngữ hỗn tạp, nhóm từ được hình thành, có nghĩa là sự biện biệt hóa chủ từ kéo theo sự xuất hiện những câu được phát biểu đúng nghĩa với những quan hệ giữa chủ từ và động từ. Ðộng từ chỉ xuất hiện sau cùng, tiếp nối túc từ ở trẻ con đã được 23 tháng (nơi quá trình lịch sử con người sau thời đại Prehominien) [8] . Trong Tiết III của phần hai nghiên cứu về ngôn ngữ hỗn tạp, dưới tiểu đề "tổ biện chứng nhận thức" (l'alvéole de la dialectique de la connaissance), Trần Ðức Thảo muốn chỉ ra rằng từ quá trình tìm hiểu ý nghĩa hỗn tạp của dấu chỉ đã cho thấy những mầm mống của mỗi thành tố biện chứng của nhận thức như một tái sản xuất lý tưởng cải biến chung của sự vật. Những mâu thuẫn của biến chứng sự vật ở trạng thái tiềm ẩn đã tuần tự xuất hiện trong sự phát triển của thực tiễn xã hội, tạo thành những hình thái mới của ngôn ngữ và ý thức, ở đó cấu trúc ngữ nghĩa nguyên ủy làm cho những tác động ngữ học được phong phú lên dựa trên mô hình của sinh hoạt vật chất và những tương giao vật chất giữa những người lao động, và khi diễn đạt tượng trưng bằng lời đã tạo thành một hình ảnh càng lớn và rõ hơn về ngoại giới. Ở vào kỷ thứ ba và thứ tư, tín hiệu của dấu chỉ phát triển tương ứng với sự phát triển của lao động thích nghi đơn giản, nghĩa là biết sử dụng phương tiện tự nhiên và phương tiện được sửa soạn trở thành ứng xử bình thường nhờ ở bàn tay được giải phóng. Sự nhảy vọt từ phát triển về lượng sang phát triển về chất với sự trao đổi những thông tin trong đoàn nhóm, trong sự hợp tác lao động tập thể khi đã có dấu chỉ biểu tượng về "cái này"' vắng mặt, khi đã vượt qua được mâu thuẫn giữa đối tượng và vận động trong hình thái sơ đẳng nhất, nghĩa là khi đối tượng biến khỏi trường tri giác hiện tại. Bước tiến bộ về chất này trong sự phát triển của ngôn ngữ và ý thức lần đầu tiên đã cho phép chủ thể vượt qua một cách lý tưởng những hạn chế chật hẹp của dữ kiên hiện tại, chính là giải phóng được bộ óc. Ở giai đoạn Kafouen (thời đầu kỷ Pleistocene thứ cấp) con người biết sửa soạn phương tiện bằng sự điều động trực tiếp chất liệu với sự phát triển lao động nhờ một phương tiện thứ hai (dùng hai hòn cuội, một là đối tượng lao động, một là phương tiện lao động). Sử dụng phương tiện phát triển làm cho đoàn nhóm phân biệt thành những đôi đắc thủ, tạo cho lao động thành hình thái lao động thích nghi phức tạp. Những mâu thuẫn mới lại xuất hiện ở trình độ hoạt động và những tương giao vật chất giữa những người lao động, được phản ánh trong ngôn ngữ bằng một loạt những ngộ nhận, như khi một tiếng được dùng để chỉ vận động của một đối tượng nhất định nơi người này đối với người nghe lại biểu tượng vận động này trên một đối tượng khác. Mâu thuẫn ấy chỉ được giải đáp trong hình thành nhóm từ có chức năng sơ đẵng. Với một cấu trúc mới của ngôn ngữ và ý thức lao động triển khai dựa trên một ảnh tượng điển hình lý tưởng của hình thái phương tiện mang một cách thế chung cho mỗi người lao động. Tác động ngữ học mới chỉ định hình thái của hành vi lao động, mà nhận thức làm xuất hiện kỹ thuật sản xuất, ở đó sự thực hiện chính xác ảnh tượng điển hình của hình thái phương tiện được đảm bảo trong sự xác định có ý thức về những vận động của sự điều động chất liệu, như Mác nhận định:


"Con vật chỉ là một với hoạt động sống. Nó không tách rời mà chính là hoạt động sống này. Con người làm cho hoạt động sống thành đối tượng của ý chí và ý thức của con người. Con người có một hoạt động sống có ý thức. Ðó không phải là một xác định đơn giản mà con người nhập vào một cách trực tiếp. Hoạt động sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sống thú vật. Con người một cách minh thị ở đó hiện hữu như một chủng loại" [9]

Chính qua đắc thủ và nhận thức được tín hiệu dấu chỉ của hình thái vận động trên đối tượng mà hoạt động sống có ý thức là một lao động sản xuất. Khi lao động đã hoàn toàn thuộc về con người, đó là lúc loài người Homo xuất hiện. Tuy vậy sự sản xuất vào thời kỳ này vẫn còn ấu trĩ vì hạn chế trong phần hữu dụng của phương tiện. Khi con người sản xuất ra công cụ, nghĩa là chế tạo toàn bộ chất liệu theo một hình thái điển hình toàn diện, phác họa từ trong đầu một kế hoạch hoạt động, đó là lúc người lao động có thể chỉ định cho chính mình một loạt những khai triển hình thái điển hình nhất định, ngôn ngữ đã có sự phân biệt động từ. Từ sản xuất ra phương tiện ở vào lúc nhân loại ví như một thai nhi ở giai đoạn cuối hình thành, cho nên Engels gọi là con người đang hình thành (der werdende Mensch), sang đến giai đoạn sản xuất ra công cụ, hàm ngụ sự cấu thành nhóm từ trong ngôn ngữ thực hiện đồng thời với biện chứng nguyên ủy của lực lượng và quan hệ sản xuất trong sự phát triển từ con người khéo léo sang con người lao động (Homo faber), con người đã hoàn toàn là người (der fertige Mensch). Loài người lúc đó như rời khỏi bụng mẹ thiên nhiên để bước sang một thế giới mới, thế giới văn hóa. Con người đi từ lao động nguyên thủy (Homo faber primigenius) đến con người hiện tại, có lao động trí thức (Homo faber sapiens).

Từ công thức cơ bản CMF biểu hiện công thức của dấu chỉ phát triển, Trần Ðức Thảo đã chịu ảnh hưởng của cấu trúc luận không phải như một hệ thống mà như một phương pháp để nghiên cứu quá trình biến chuyển của những tín hiệu biểu tượng tới sự hình thành nhóm từ chức năng của ngôn ngữ, nhưng ông xác định là chưa bàn tới hình thành nhóm từ đúng nghĩa, kế tiếp giai đoạn ngôn ngữ hỗn tạp. Tác phẩm ROLC vẫn chỉ là một công trình khởi thảo chưa hoàn tất.


Phân tâm học và chủ nghĩa Mác

Phân tâm học là một trong những nguồn tư tưởng lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt trí thức nói chung của thế kỷ. Cùng với cấu trúc luận, phân tâm học trở lại sinh động sau biến động 68 ở châu Âu và là đối tượng phê phán của người Mácxit. Cho nên trong phần thứ ba của tập Nghiên cứu, Trần Ðức Thảo đã dành gần một trăm trang để đối chiếu "chủ nghĩa Mác và phân tâm học" với mục đích khai phá "hạt nhân hợp lý" trong những quan sát khoa học thành tựu của phân tâm học. Ông khẳng định:


"Chỉ có chủ nghĩa duy vật lịch sử khi phát triển lý luận về những hình thái lịch sử xã hội của cá thể, mới lý giải đứng đắn chất liệu phong phú của những dữ kiện khách quan mà phân tâm học tích lũy được" [10]

Khác với những người Mácxit giáo điều, Trần Ðức Thảo cũng như một số ít người Mácxit khác nhìn nhận mối quan hệ và kế thừa những thành quả khoa học của cấu trúc luận và phân tâm học. Mục tiêu nghiên cứu như đề ra trong tiểu đề là "những nguồn gốc của khủng hoảng Oedipe". Mặc cảm Oedipe như André Green đã chỉ ra là một "định tố sơ cấp" mặc dầu gắn liền với những hình thái xã hội của mọi thời đại, nhưng độc lập với tính lịch sử này. Mặc khác Oedipe như Moustafa Safouan xác định:


"Oedipe không phải là huyền thoại... mà là một cấu trúc theo đó dục vọng sắp đặt thế nào để cấu thành một hiệu quả trong quan hệ của tồn tại của con người, không phải với tính xã hội nhưng với ngôn ngữ" [11] .

Tuy không đồng quan điểm với những nhà phân tâm học coi mặc cảm Oedipe là phổ quát định vị dục vọng, nhưng Trần Ðức Thảo cũng khởi đi từ ý hướng tìm hiểu Oedipe trong vận động của ngôn ngữ. Ông cũng không phủ nhận mặc cảm Oedipe như Deleuze và Guattari [12] và nghiên cứu về khủng hoảng Oedipe đóng góp vào cuộc tranh luận diễn ra trong thời điểm cấu trúc luận này. Quan điểm của ông cũng gần với André Green khi chú trọng đến phương thức cơ bản của mặc cảm Oedipe trong mối quan hệ với người sản xuất.

Trong khi phân tâm học quan niệm mặc cảm Oedipe là phổ quát. Nghĩa là con người sinh ra mang một mặc cảm huyết tộc diễn ra trong mối quan hệ tam giác xung đột (cha - mẹ - tôi), Trần Ðức Thảo nhận định cấu trúc Oedipe không phải là một dữ kiện trực tiếp mà cấu thành như hậu quả của toàn sự phát triển. Ngay chính Freud cũng nhìn nhận ở con gái, mặc cảm Oedipe chỉ là hình thái thứ yếu. Như vậy, trước khi có mặc cảm Oedipe, phải xét đến nguồn gốc của giai đoạn tiền Oedipe, mối liên lạc xã hội đầu tiên của con người. Sự phát triển lao động theo Engels thiết yếu đã góp phần vào việc xiết chặt những dây liên lạc giữa những thành viên của xã hội, khi gia tăng những hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chung và khiến cho mọi thành viên ý thức được tiện lợi của sự hợp tác này. Ở khởi điểm nguồn gốc gia dình, lực lượng thống nhất và hoạt động tập thể của đoàn nhóm đã thấy khả năng tự vệ không đầy đủ của cá nhân. Thực tiễn lao động tập thể đã đưa đoàn nhóm nguyên thủy này thủ tiêu "tính cá nhân thú vật" trong tập thể thú vật này để bước sang xã hội người, cũng như trấn áp được tính ghen tuông tìm thấy nơi động vật. Theo Lenin, đây là một bước quyết định của "công xã nguyên thủy" trong quá độ từ tự nhiên lên văn hóa.

Như vậy khởi sinh của khủng hoảng Oedipe bắt nguồn từ chỗ nào? Khủng hoảng này hàm ngụ hình thái đối lập của một sự xung đột dữ dội giữa những thế hệ, nghĩa là những người con bị dồn ép trong dục vọng bị cấm đoán hướng về những người mẹ và đương đầu một cách phạm tội đối với những mgười cha. Sự ghen tuông chỉ có thể xảy ra trên một cơ sở xã hội. Tuy nhiên, trước hết phải xét đến "bi kịch của người đàn bà về mặt sinh vật" tạo ra những điều kiện của một bi kịch xã hội thực. Ðó là giai đoạn từ thời đồ đá cũ thứ cấp, khi con người đã trở nên con người lao động nguyên thủy: người đàn bà đã ở dạng đứng thẳng, chuyển động bước đi bằng hai chân đã phát triển, cấu tạo hông điều chỉnh lại khiến cho số tử vong vì tai nạn mang thai và sinh đẻ tăng lên khiến số đàn bà ít hơn đàn ông. Dựa vào tư liệu của Nemilov [13] , ở thời Mousterien, tuổi tối đa của đàn bà là 30 trong khi đàn ông sống tới 45 và đàn bà lấy chồng vào tuổi 15 đến 30. Như vậy, quan hệ hôn nhân trai gái trong thời đại này tương ứng theo biểu đồ: về phía nữ, thời con gái bắt đầu từ 0 đến 14 và thời làm mẹ từ 14 đến 30, về phía nam, thời làm con từ 15 đến 29 và làm cha từ 29 đến 45. Mối tương giao tam giác Oedipe như phân tâm học chỉ ra chỉ có ý nghĩa về mặt vận động ngôn ngữ, và cái loạn luân Oedipe về mặt thực tiễn không thể nào xảy ra vì hầu như những con trai bao giờ cũng là những đứa trẻ mồ côi mẹ trước khi đến tuổi dậy thì; nói khác đi cái quan hệ tam giác cha/mẹ/tôi không có gì chung với những quan hệ thân tộc thực, nó chỉ diễn đạt sự mâu thuẫn của những quan hệ xã hội bị chế tài bởi ngôn ngữ [14] .

Sau hàng triệu năm phát triển ngôn ngữ và ý thức trong vận chuyển của lao động và những quan hệ xã hội, con người hình thành đắc thủ được những tập quán hợp nhất và đoàn kết, giải phóng lao động sản xuất khỏi quy luật động vật để tạo ra những quan hệ xã hội mới. Cùng với sự tiến hóa tận cùng của con người Homo habilis, với bi kịch sinh đẻ, người đàn bà không còn theo đàn ông đi săn nữa mà trông nom con cái, cùng với nhóm đàn ông ở nhà để bảo vệ chống thú dữ. Thành ra lần đầu tiên có một sự phân công lao động với sự xa cách nhất thời giữa hai đoàn nhóm. Người đàn bà ở nhà làm nội trợ và những nhân tố đầu tiên của những lực lượng sản xuất công cụ đòi hỏi tiêu thủ tính cá nhân thú vật; chúng ta có thể coi toàn bộ vận động này như sự khai mào quy luật cơ bản của toàn xã hội con người: quy luật tương ứng tất yếu giữa những lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất.

Con người đã biết sử dụng lửa và những dụng cụ nhỏ tạo thành công nghiệp gia đình đòi hỏi phần vụ đặc biệt của người đàn bà, không thích hợp với những phong tục phóng túng của truyền thống trong cộng đồng nguyên thủy. Do đó có một mâu thuẫn sâu sắc giữa tất yếu xã hội đình hoãn mọi quan hệ tình dục với những đàn bà lo công tác lao động nội trợ tập thể với tự do phóng túng về quan hệ tình dục. Những điều kiện sử dụng lửa nơi người thời Acheuléen chưa biết cách tạo ra lửa theo ý muốn đòi hỏi một trong những nhiệm vụ chính của đàn bà là lo canh gác lửa, tạo ra một cấm đoán tình dục, dưới hình thức cấm tuyệt đối đàn ông giao tình với đàn bà, và khi phạm lỗi có thể bị thẩy vào lửa, tạo ra nghi lễ ăn thịt người, và có thể là khởi đầu của mọi nghi lễ hy sinh của tôn giáo. Cũng chính ở nơi người thời Acheuléen này khởi sinh ảo tưởng của người đàn bà có dương vật (giữ một vai trò đáng kể trong lý luận phân tâm học về mặc cảm Oedipe). Theo Freud, giai đoạn Oedipe nơi trẻ con tương con tương ứng với "sự cấu tạo dương vật" phát triển ở cả hai phái với sự tin tưởng tiền định là mọi người, đàn bà cũng như đàn ông đều có cơ quan sinh dục đàn ông: "Giai đoạn dương vật này đồng thời cũng là giai đoạn của mặc cảm Oedipe" [15] . Tuy nhiên, theo Trần Ðức Thảo, giai đoạn dương vật bắt đầu sớm hơn. Ông đặt bước khởi đầu ảo tưởng của đàn bà có dương vật trong sự phát triển của đứa trẻ ba tuổi tương ứng với người Acheuléen về mặt phát sinh chủng loại. Người đàn bà Acheuléen mang dương vật giả trong khi lo phụng vụ lửa tập thể với nghĩa: "Người đàn bà này, trong khi thi hành nhiệm vụ xã hội phải được kính nể như một người đàn ông" [16] nhằm ngăn cản công việc yêu đương. Tín hiệu của người đàn bà mang dương vật có lẽ được khái quát suốt từ thời tiền và hậu Acheuléen, tăng cường sự tuân thủ cấm đoán tình dục với người nội trợ, ổn định phân công lao động giữa hai phái, khiến lực lượng lao động tiến bộ. Tuy nhiên sự phát triển sản xuất tạo ra những quan hệ mới, dẫn đến những xung đột mới. Khi sử dụng lửa đã tiến tới cá nhân hóa, công việc nội trợ tập thể trở thành nội trợ lứa đôi, như với biểu đồ hôn nhân đã đề cập nơi trên, thiết yếu dẫn tới sự cấm đoán quan hệ tình dục cho tất cả thế hệ trẻ nam, tạo cho thế hệ cha ưu thế và thế hệ con bị dồn ép:


"Trong ngôn ngữ của đời sống thực dựa trên mẫu bi kịch xã hội này, những tác động ngữ học mới đem lại cho những từ cha, mẹ, con đã hình thành trong thời kỳ trước một nội dung ngữ nghĩa mâu thuẫn" [17] .

Ở thời kỳ đồ đá cũ, quan hệ giữa người mẹ thực hay những người đàn bà đồng lứa với con trai là quan hệ dưỡng dục, còn ở thời kỳ mà tín hiệu dương vật người đàn bà mang trong công việc nội trợ nhằm tiêu diệt mọi hàm ngụ tình dục trong quan hệ. Những người thanh niên ở tuổi dậy thì đã mất những người mẹ thực, bắt buộc có quan hệ này với những người đàn bà cùng trang lứa mà y phải coi là mẹ, vì họ lấy cha và chính y sẽ lấy một trong những người con gái của họ. Cho nên nội dung ngữ nghĩa nguyên thủy của Mẹ coi như "mẹ nuôi dưỡng giúp đỡ và mang dương vật", còn mang ý nghĩa mâu thuẫn là "me, đối tượng của dục vọng", cũng như "người cha dưỡng dục" còn mang ý nghĩa mâu thuẫn là "cha, đối thủ với con trai".

Trong những cộng đồng ở thời đồ đá cũ cao cấp, nhóm người lớn tuổi mặc dù là thiểu số tạo thành một tầng lớp xã hội đặc biệt, nhờ kinh nghiệm tạo những tiến bộ kỹ thuật về công nghệ đánh dấu sự xuất hiện của con người lao động trí thức. Có thể chính tầng lớp này nắm quyền xã hội và nguồn gốc của tục cắt da qui đầu thực hiện trong những lễ nghi dẫn vào tuổi dậy thì bắt đầu từ thời kỳ này, nhằm bắt trẻ dậy thì từ bỏ dục vọng tình dục cho đến tuổi được kết hôn. Ðiều này tương ứng với những mặc cảm thiến hoạn nơi trẻ con năm tuổi. Biểu tượng thiến hoạn nhằm củng cố quyền lực của người lớn tuổi cũng thủ tiêu tín hiệu tạo ra ý nghĩa cơ bản của mặc cảm này nơi ảo tưởng của đàn bà có dương vật. Biểu tượng này thể hiện trong những nghi lễ phá trinh những cô gái, không phải chỉ chọc thủng màng trinh, còn cắt tiểu âm thần và đôi khi cắt cả mồng đóc. Vào thời đại này, tuổi thọ đã tăng và do sự bất quân bình giữa hai phái, những người đàn ông góa lớn tuổi có quyền ưu tiên cưới những cô gái đến tuổi lấy chồng. Ðó là lý do tầng lớp người già dùng sự thiến hoạn tượng trưng để củng cố quyền hạn trong hôn nhân, khiến những thiếu nữ phải lấy chồng vào tuổi lứa tuổi cha họ. Ðiều này có thể giải thích luận điểm của Freud là: trong khi mặc cảm Oedipe nơi con trai lặn đi dưới mặc cảm thiến hoạn , lại có khả năng diễn ra do mặc cảm thiến hoạn nơi con gái. Freud coi sự khác biệt này là một hệ quả tự nhiên của sự phân biệt cơ quan sinh dục và hoàn cảnh tâm linh; Trần Đức Thảo quan niệm sự khác biệt này chủ yếu có nguồn gốc xã hội. Trong điều kiện người già thống trị, những người "cha" lợi dụng để lập chế độ đa thê, cưới những cô gái trẻ làm vợ thứ, và kết qủa là trong những gia đình đa thê, người chồng và người vợ đầu ở tuổi cha mẹ của những người vợ mới, và người này dễ dàng trở nên ghen với "mẹ" cùng chung chồng, ở vào địa vị người "cha" của mình. Trần Đức Thảo nhìn nhận mặc cảm Oedipe được cấu thành, trong những điều kiện của thời đồ đá cũ cao cấp này, mặc cảm Oedipe nơi phái nữ có thể coi như sự hình thành cuối cùng có tính cơ tâm linh phản ứng một cách tiền định trong thời tiền sử âú trĩ. Sự cắt da qui đầu là tín hiệu cấm đoán loạn luân giữa "con trai" với "mẹ" nhưng mở đường cho sự loạn luân giữa "cha" và "con gái". Sự loạn luân, nói chung chỉ bị cấm đoán khi xã hội có lệ ngoại hôn. Ở những xã hội ngoại hôn này, cắt da qui đầu mang ý nghĩa một sự cấm đoán toàn diện về loạn luân.

Ðó là thời đồ đá trung, bi kịch sinh vật nơi người đàn bà đã kết thúc, chấm dứt tiến hoá sinh vật - xã hội với thiết lập chế độ ngoại hôn như bước đầu của lịch sử xã hội. Khi cấu trúc kết hôn ngoại tộc đã hình thành cấu trúc thực sự của những quan hệ tình dục của con người thì mặc cảm thiến hoạn thì không còn tuyệt đối giữ vai trò cấu trúc hóa của những cơ quan hệ tình dục nơi con người nữa. Những hình thái tâm linh liên hệ đến mặc cảm Oedipe chỉ là những hình thái ngữ nghĩa từ nguyên ủy ở trong thời tiền sử của nhân loại do vận động vật chất của dấu chỉ bằng cử chỉ và bằng lời đựơc tạo theo khuôn khổ của biện chứng sinh vật-xã hội trong thời kỳ khởi sinh của nhân loại. Những vận động cơ bản của khởi sinh nhân loại bao gồm sự phát triển lao động, ngôn ngữ và ý thức và những quan hệ xã hội, do đó khủng hoản Oedipe trong những quan hệ hôn nhân, ngôn ngữ và ý thức chỉ là biến trạng của sự phát triển, tuyệt đối không phải là một "giai đoạn tất yếu" trong sự phát triển của loài người Homo [18] .

Trần Đức Thảo nhận định phân tâm học có tác dụng chữa bệnh vì tâm bệnh biểu hiện nơi mặc cảm Oedipe là một bệnh của ngôn ngữ, do đó có khả năng của một sự điều trị bằng chính ngôn ngữ. Tuy nhiên lý luận phân tâm học chỉ mang những khái niệm chung có tính miêu tả, gồm một số chất liệu phong phú những sự kiện cụ thể, nhưng không có khả năng lãnh hội chung trong những xác định cụ thể và chỉ có chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có những khái niệm khoa học thiết yếu để đi sâu vào nội dung nhất định của những hiện tượng tâm linh và đem lại một lý giải rõ ràng. Từ quan điểm này, xung động Oedipe mang mâu thuẫn biện chứng được xác định qua lịch sử giữa hai quy luật: quy luật nguyên thủy của cộng đồng đàn bà bảo đảm sự thống nhất và liên đới tất yếu trong khởi đầu sản xuất ra công cũ và qui luật mới của hôn nhân lứa đôi đề ra trong sự tiến bộ của những lực lượng sản xuất, nhất là sự phát triển công nghệ gia đình ở thời Mousterien [19] . Mâu thuẫn của hai quy luật này mang hình ảnh của một sự xung đột sâu sắc giữa các thế hệ, biểu hiện bi kịch xã hội diễn ra trong bi kịch tâm 1ý trẻ con và người bị loạn thần kinh. Sự phát triển nhân cách theo Trần Đức Thảo không thông qua mặc cảm Oedipe vì từ ba tuổi, đứa trẻ trải qua hai con đường: mối liên hệ đồng nhất không đối nghịch với cha mẹ xảy ra vào hai tuổi và dục vọng ghen tị chỉ bắt đầu vào ba tuổi, nhưng chỉ có con đường thứ nhâát mới có một tương lai thực và hoàn tất một cách hưũ hiệu chuyển biến của con người. Con đường dục vọng chỉ là một biến thể, xác định với mặc cảm thiến hoạn, giảm trừ Oedipe vào hiện hữu ngầm của vô thức: vô thức trong nội dung Oedipe chỉ là tồn tại của một ngôn ngữ bị bóp méo ngay tự nguồn. Tóm lại, mặc cảm Oedipe ở bất cứ cấp độ nào cũng không thấy ở nguồn gốc của bản ngã trẻ con; nó đối lập ngay từ đầu với cấu trúc sâu sắc nhất của hiện hữu cá nhân, và như vậy mở đường cho bêänh loạn thần kinh phá hũy bản ngã. Nó là ngôn ngữ tha hóa, bị bủa vây trong bất lực để khuấy động triền miên trong sự bế tắc khủng hoảng của những giấc mộng và ác mộng, ám ảnh và ảo ảnh [20] .


Người Mácxít Việt Nam duy nhất

Qua hai tác phẩm chính PMD và ROLC của Trần Đức Thảo, lý thuyết nhất quán xuyên suốt là quy luật tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xác định sự chuyển biến của lịch sử con người. Khi đọc Husserl qua Ideen II, Trần Đức Thảo đã chú ý đến thái độ n



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
alpha
post Jun 1 2004, 04:58 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Unregistered









Ế, thì vừa đọc talawas được mấy bài chúng nó chửi Trần Đức Thảo. Thôi thì ngu vãi cả đái. Ế, sao lại có thằng ngu như Khắc Thành.



Go to the top of the page
+
a guy
post Jun 1 2004, 05:01 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Unregistered









Talawas hinh nhu da bi firewall vi dang len mot so bai su that ve Tran Duc Thao. Bai cua bac Khac Thanh la mot bai chui Tran Duc Thao theo tinh than thoi diem 1958, con nhung bai con lai la van te cho ong duoc viet gan day. Trong vong it nhat la 50 nam nua ke tu thoi diem nay- Tran Duc Thao se la tuong dai bieu tuong cho tri thuc Viet Nam chu khong phai bat ky ai khac. Nguoi ta se con noi nhieu, ban nhieu, danh nhau nhieu de dap len tuong dai nay that to lon hoanh trang. Su khong the phu nhan cua thuc te la: tri thuc VN trong vong nua the ky qua kem den noi chi co duy nhat Tran Duc Thao duoc Tay coi la tri thuc. 50 nam vua qua la thoi gian tham hoa cua tri tue VN, noi theo mot cach khac.
Da la thanh nien VN khong bi mu chu, thi can phai vao Talawas doc ngay cac bai viet ve Tran Duc Thao. pirate.gif

http://talawas.org



Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 1 2004, 09:18 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Chú « A guy » có lẽ nói hơi vớ vẩn. Thân phận của người trí thức, đặc biệt là trí thức các ngành khoa học nhân văn như triết học, vốn để cho người ta « đấu đá », « mổ xẻ ». Các tư tưởng thường được xây dựng trên việc đả phá, phân tích những gì người đi trước nói. Marx không thể có nếu không có Hegel, Phật Thích Ca không thể có nếu không có đạo Bà la môn. Như vậy việc phê bình học giả Trần Đức Thảo cũng chẳng là cái gì cả. Điều quan trọng không phải là người phê bình, phân tích mà là người đọc. Người đọc phải biết phân biết, theo nhận thức của mình cái gì chấp nhận được cái gì không chấp nhận được.
Với tôi, thì học giả Trần Đức Thảo nổi tiếng vì đã dùng tư tưởng Marxist phân tích, đả phá tư tưởng của Jean-Paul Sartres, một nhà tư tưởng Pháp nổi tiếng vào những năm 60,70 ở Pháp, cha đẻ của thuyết hiện sinh (existencialisme). Ông này cũng chịu ảnh hưởng Marxist. Chỉ có điều Sartres có một cái nhìn cá nhân. Còn Trần Đức Thảo thì có một cái nhìn 100% duy vật biện chứng. Thế là thế nào ? Sartres chủ trương các hiện tượng tự nhiên xã hội tự nhiên là thế, nhưng con người dùng trí tuệ của mình đặt cho nó một ý nghĩa. Như vậy sự tồn tại (existences) có trước ý nghĩa (sense), người ta gán cho nó. Đây là một cái nhìn không hoàn toàn duy vật, nhưng so với tư tưởng phương Tây vốn chịu ảnh hưởng của thiên chúa vốn coi mọi chuyện đều an bài theo ý chúa, có nghĩa là sự kiện có ý nghĩa trước khi nó xẩy ra, vì nó phải có trong ý chúa trước khi nó thành hiện thực, thì « phát hiện » của Sartres thực là vĩ đại. Tại sao Sartres lại nổi tiếng ? bởi vì nếu hiểu mọi việc như Sartres, thì lịch sử không thể định hình trước như chủ nghĩa Marx được dậy ở Liên xô tiên đoán, có nghĩa là không có việc xã hội tư bản thành xã hội cộng sản như đinh đóng cột, vì việc tiên đoán, khẳng định này chỉ là việc ghán ghép một ý nghĩa vào một sự việc có thể xẩy ra. Và việc gán ý nghĩa cho một sự kiện, hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân người đánh giá. Tôi nói cái nhìn của Sartres cá nhân là ở chỗ đó.
Ngược lại Trần Đức Thảo, trong các bài tranh luận với Sartres, ông nổi tiếng bắt đầu từ đây, đã sử dụng quan niệm duy vật triệt để để đả phá Sartres. Với Trần Đức Thảo, thì không có việc ý nghĩa (sense) tồn tại độc lập được gắn vào thực tế, mà chính thực tế, (tức là điều kiện vật chất ,không có chủ thể cá nhân), quyết định ý nghĩa. Như vậy tư tưởng của Trần Đức Thảo là một tư tưởng Marxist chính thống, dù nó có mang một tí mầu sắc trí thức phương Tây do ảnh hưởng của « mái trường Pháp » ông học.
Hiện giờ thì Sartres ở Pháp cũng đi vào lịch sử. Chẳng mấy ai đọc ông ta nữa. Trần Đức Thảo, nếu ông còn sống và nếu vẫn tiếp tiếp tục bảo vệ quan điểm của ông như hồi trước, thì ông cũng đi vào lịch sử như vậy thôi.
Với tôi, một người châu Ấ điều thú vị của Sartres là sự khẳng định con người cá nhân như một chủ thể gán ý nghĩa cho mội hiện tượng là một điều mới. Còn ở châu Ấ, từ thời Khổng tử người ta đã không quan niệm chúa trời là một con người mà chỉ là những quy luật ngấm ngầm điều khiển vũ trụ, thì việc khẳng định sự tồn tại thực tế , « vô thuỷ vô chung », như Sartres nói chỉ là một điều mà ai cũng biết.
Còn học giả Trần Đức Thảo ? có lẽ điều đáng quý là cuộc đời ông. Ông đã từ bỏ cuộc sống học thuật tranh luận sôi nổi ở phương Tây để về VN tham gia kháng chiến. Nhưng có lẽ ông quá ngây thơ, vì từ triết học, dù là triết học « duy vật » như ông tôn sùng, đến thực tế đời thường duy vật chất (xã hội, chính trị) khoảng cách của nó có lẽ rộng, dài như đường bay Paris-Hà nội cách nhau cả 12.000 km.
Còn một điều nữa đáng nói. Nếu ai thích, yêu Trần Đức Thảo thì nên tìm cách đọc các tác phẩm của ông, tự tìm điều mình tâm đắc chứ đừng nên lấy dẫn chứng « Học giả duy nhất được phương Tây tôn sùng » để làm thước đo ông. Tôi nghĩ nếu ông có sống lại thì ông sẽ rất buồn về điều đó.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Jun 1 2004, 10:31 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE
Hiện giờ thì Sartres ở Pháp cũng đi vào lịch sử. Chẳng mấy ai đọc ông ta nữa. Trần Đức Thảo, nếu ông còn sống và nếu vẫn tiếp tiếp tục bảo vệ quan điểm của ông như hồi trước, thì ông cũng đi vào lịch sử như vậy thôi.


Điều này thì tôi cũng đồng ý với bác Phó ( nhưng lưu ý viết tên Sartres cho đúng nhé, hihihi... ).
Nhưng đối với tôi, chẳng những Sartre mà Marx cũng đã đi vào lịch sử, nếu không muốn nói là cả Hegel cũng đã lỗi thời. Duy Lý và Biện Chứng - hai trong những bản sắc của tư tưởng phương Tây - đã cáo chung. Điều này cho thấy Nietzsche là một khuôn mặt khá đặc sắc của triết học Tây phương hiện đại khi ông đã thấy trước được ngõ cụt mà phương Tây sẽ đi vào. Ông là người đã dự đoán được sự xuất hiện của một giai đoạn Hư Vô chủ nghĩa, với cái chết của Thượng Đế, cái chết của siêu hình, đồng thời sự bất lực của khoa học không đưa ra được một chân lý tuyệt đối....

QUOTE
50 nam vua qua la thoi gian tham hoa cua tri tue VN, noi theo mot cach khac.


Chú A Guy cũng nói đúng, hiểu theo một cách nào đó. Ngoài ra, ở một khía cạnh khác có lẽ phải dùng từ Tha Hoá mới chính xác. Trí tuệ Việt Nam nửa thế kỷ qua lâm vào thảm hoạ vì đã bị tha hoá. Chẳng những không có mấy ai dám làm Galilée , mà lại có rất nhiều kẻ xun xoe nịnh bợ giáo hội....đấy quả là một sự tha hoá trí tuệ...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Ubu
post Jun 2 2004, 02:03 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

Unregistered









Quả thật thì em đọc bài của ông Khắc Thành em chịu không nổi. Mở đầu đã là cái giọng điệu "trăm bài như một, ngàn chữ như một" của cái thời nói câu gì cũng :"a a thằng phản cách mạng" ấy. Không có cách gì để chịu được tại sao những người cũng biết chữ lại có thể viết những bài chỉ trích theo cái giọng chụp mũ dập khuôn kỳ quặc ấy. May mà sau khỏang 5 câu đầu tiên em đã dừng lại, chứ nếu đọc hết bài ông Khắc Thành viết thì đêm nay chắc chắn vào WC vài lần.
Việc người ta (trí thức VN) sẽ lấy ông Trần Đức Thảo ra phong thánh em nghĩ là việc sẽ sảy ra- vì trong vòng gần một thế kỷ qua VN đào đâu ra một nhà tư tưởng ra hồn, ngòai ông Thảo. Bởi vì người ta đang cần một tấm gương làm chuẩn mực để cùng noi theo và cổ động cho việc mở cửa rộng rãi tri thức, thông tin, khi mà ít nhiều người ta cũng đã được/dám nói tiếng nói của mình.

Hai cuốn của Trần Đức Thảo viết do nhà xuất bản Boston phát hành em cũng đang có ở nhà, nhưng thời gian này thì không thể nghĩ đến việc đọc sách triết được vì ngập cổ tòan là mấy thứ vớ vẩn trong tin học. Trong thời gian từ giờ đến hè chắc em cũng sẽ cố đọc hết đựơc sơ lược một cuốn.



Go to the top of the page
+
yuyu
post Jun 4 2004, 02:29 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #8

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Bi kịch trong cuộc đời của Trần Đức Thảo là một minh chứng cho một trí thức Marxiste uyên bác về học thụât, nhưng ngây thơ về chính trị.
Như một tiền duyên oan nghiệt, trong lụân văn tốt nghiệp trước kia của ông không nhắc đến Lénine, nên người ta có thể đoán là chắc ông không hiểu rõ lắm về Lê Nin và càng không hiểu Staline !
Hoài bão của ông khi chọn dấn thân theo con đường của Việt Minh là muốn làm một Lý Thuyết Gia Marxiste của ĐCS, nhưng ông đã nhầm, ông bị vỡ mộng, vì đó không phải là phong trào Marxisme thuần tuý, thậm chí cũng không phải là Marxisme-Léninisme, mà thực chất là Stalinisme pha Maoisme ! Nói cách khác, Trần Đức Thảo là nhà Marxiste chính thống duy nhất của VN ! Bởi thế, ở đó ông hoàn toàn cô đơn ...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 4 2004, 05:07 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #9

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Về tư tưởng của học giả Trần Đức Thảo thì tôi cũng hiểu lơ mơ thôi, nên không dám bàn. Nhưng nói đến ông thì người ta hay nói đến 2 chuyện. 1. Tranh luận học thuật ở Pháp, mà có thể tạm tự hào là "Ta giỏi hơn tây". 2 Đi về tham gia kháng chiến, nhưng không làm được gì. Từ hai điều này suy ra là VN không biết dùng người giỏi, huặc là Trần Đức Thảo uyên bác nhưng quá ngây thơ. Cả hai điều này đều là bi kịch của cuộc đời.
Việc VN không biết dùng người giỏi, thì trường hợp của Trần Đức Thảo không phải là duy nhất, cũng không phải là đặc trưng nhất. Vì triết học, đặc biệt là triết học Marxiste là một triết học chính trị, không hoàn toàn thuần túy là khoa học. Ở VN thiếu gì những tiến sĩ toán, được đào tạo ở Đông Âu, Liên xô về mà phải làm những việc vớ vẩn để kiếm sống, hay phải tìm cách trở lại châu Âu đi buôn. Như vậy xoay sở được trong cuộc đời chỉ có học không thì không đủ. Nó mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là môi trường, hoàn cảnh, nhu cầu thị trường, may mắn ... Trăm thứ khác.
Việc Trần Đức Thảo quá ngây thơ thì rõ ràng quá. Nhưng như tôi đã nói, triết học marxiste là một triết học chính trị. Nếu không ứng dụng được nó trong chính trị, thì giống như người mới thi được lý thuyết nhưng thiếu hẳn phần thực hành. Chủ nghĩa Marx mà học giả Trần Đức Thảo được học, thường được người ta gọi là Marxist châu Âu, dạng như Gramsi ở Ý hay Georges Lukacs ở Hung. Ở Nga nó cũng phải khác, ở Trung Quốc, VN lại càng khác nữa. Không có chủ nghĩa Marx thực thụ hay không thực thụ, chỉ có chủ nghĩa Marx được ứng dụng khác nhau. Học giả Trần Đức Thảo đã không tìm được chìa khóa của sự úng dụng đó ở VN.
Riêng tôi, trong các học giả Marxiste ở VN, Tôi kính trọng Nguyễn Khắc Viện hơn. Ông cũng là người học ở Pháp, cũng có trí thức, có phong cách sống đáng quý, và đặc biệt ông đóng góp được trong những điều kiện có thể ở VN. Còn Trần Đức Thảo thì Tây quá.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Jun 4 2004, 05:50 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #10

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Triết học Marx về Duy Vật Lịch Sử và Kinh Tế Chính Trị thì ở đâu cũng thế cả thôi. Để hình dung thì nó gần giống như học thuyết của các đảng cánh tả Xã Hội-Dân Chủ ở các nước châu Âu hiện nay, nghĩa là chủ trương một thứ CNXH Nhân Bản. Nhưng đến Lê Nin thì khác. Lê Nin thiên về Triết Học Chính Trị, với những lụân điểm nổi tiếng " Bạo lực là bà đỡ cho mọi cuộc cách mạng", " CNĐQ là đêm trứớc của CMVS", đến Kỷ Luật Sắt và kỹ thuật tổ chức hội kín để làm cái việc mà " giai cấp thống trị không bao giờ chịu tự nguyện bước khỏi vũ đài chính trị, nếu không bị đánh đổ "..., Đến Stalin lại khác nữa, đó là " chuyên chính vô sản, " để "tiêu diệt kẻ thù của nhân dân " và làm " kinh tế kế hoạch hoá, tập trung, chỉ huy ", còn đến Mao thì thì " chính quyền trên đầu ngọn súng " và " trí thức là cục phân "....Nghĩa là không còn gì là Marx chân chính nữa, nếu không muốn nói là phản lại Marx....
Thoạt đầu, Trần Đức Thảo có lẽ chỉ là một nhà Marxiste mơ mộng và lý tưởng hoá, tât nhiên là không có thực hành, nên ông mới có hoài bão ngây thơ là muốn làm một " lý thuyết gia Marxiste ", có nghĩa là ông muốn làm người thầy rao giảng và chú giải Kinh Thánh....khi tiếp xúc với thực tế phũ phàng ông mới biết là mình nhầm, hiểu rõ thân phận mình là ai : Ông định dạy người ta thì người ta dạy lại ông cho biết thế nào là lễ độ, và khi đó ông mới thực sự hiểu và nghiệm thấy Maoisme còn đáng sợ hơn Stalinisme ,qua câu nói nổi tiếng " Xem ra chuyên chính vô sản không đáng sợ bằng chuyên chính vô học"....Mặc dù người nói ra câu này hình như là Nguyễn Khắc Viện. Còn ông Viện dĩ nhiên đã biết sợ , vả lại cũng không đủ Tài bằng ông Thảo nên đỡ bị ....Giời ra Tai hơn ! (Một ông Tài khác là Nguyễn Mạnh Tường thì cũng lãnh đủ Tai, có kém gì ông Thảo mấy đâu...Nghĩ đến câu của Trần Mạnh Hảo : " Nếu anh không có chức, có quyền lại cả gan có tài thì sẽ rước hoạ vào thân " thật là thâm...Ttất nhiên trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, triết học, khoa học xã hội, v.v....nguy cơ cao hơn nhiều là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. v.v.. )



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · CLB Văn Hoá - Lịch sử · Bài mới tiếp theo »
 

5 Trang  1 2 3 > » 
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC