Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

5 Trang < 1 2 3 4 5 > 

· [ ] ·

 Bàn về Trần Đức Thảo và triết học...

Hoang Yen
post Jun 11 2004, 05:42 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #21

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Michel Kail
Tưởng niệm Trần Đức Thảo
Cao Việt Dũng dịch và chú thích



Sau khi Trần Đức Thảo mất không lâu, tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 (năm thứ 49) có dành mấy chục trang tưởng niệm một trong số rất nhiều người từng lên tiếng tranh luận với J. P. Sartre, trong đó có bài của Michel Kail về Trần Đức Thảo, bài về niên biểu cuộc đời Trần Đức Thảo do chính ông viết và ba chương đầu của tác phẩm bỏ dở Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant).

Người dịch


Do tình cờ Trần Đức Thảo sinh ra là người Việt Nam, do lựa chọn ông trở thành lý thuyết gia của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chiến sĩ cho độc lập dân tộc. Ông mất - một trong những trạng thái hiếm hoi luôn được chia ở thời hiện tại - ngày 24 tháng Tư năm 1993, ở tuổi 76, ở bệnh viện Broussais, Paris. Chúng ta cần thêm rằng ông là "bạn đường" của tạp chí, một cách nói mà tính hợp thức đã từng bị đặt vấn đề bởi một số người trong một số giai đoạn. Quả thực những bài báo đầu tiên của ông đã xuất hiện trên Les Temps Modernes.

Vincent von Wroblewsky, bạn của Trần Đức Thảo, muốn trao cho chúng ta những văn bản chưa từng được công bố, và do đó cho phép chúng ta tưởng nhớ ông bằng cách tốt nhất là xuất bản hai trong số những văn bản đó. Một Niên biểu về chính mình (Note bibliographique) do Thảo viết ngày 1 tháng Hai năm 1984, và văn bản cuối cùng của ông, ba chương đầu tiên của một tác phẩm có tên Logique hiện tại sống động (La Logique du présent vivant), do tác giả viết vào năm 1993, dưới dạng một bản polycopie. Trong một bức thư gửi kèm văn bản này cho Vincent von Wroblewsky, ông viết:

"Tôi vui mừng gửi cho anh kèm theo đây ba phần đầu tiên của tác phẩm mới của tôi, Logique hiện tại sống động.

Tôi hy vọng tiếp tục được nhanh chóng, để từ đây đến cuối năm có thể đến được vấn đề cá nhân tính, về xã hội và nhân tính con người.

"Như anh sẽ thấy qua phần mở đầu này, cách nhìn (mes positions) triết học của tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Tôi muốn kể lại, như anh đã đề nghị tôi vào năm 1982, những kỷ niệm của tôi về những năm tháng tuổi trẻ ở Paris. Năm 1982, điều này là không thể. Ký ức đã tê liệt, vì những lý do mà anh cũng hiểu."

(Thư được gửi từ Paris, ghi ngày 8 tháng Ba năm 1993).

Đọc hai văn bản mà chúng tôi giới thiệu hẳn cho phép đoán định được thay đổi mà Thảo thông báo trong bức thư này. Niên biểu có cái gì đó mang tính chính thức và không ngần ngại vay mượn "ngôn ngữ lòng vòng" [1] ; nó miêu tả chặng đường tiêu biểu của người trí thức chiến đấu, người biết tự thay đổi (se défaire), dưới ảnh hưởng của cuộc chiến chống thực dân, từ dấu ấn Husserl và của chủ nghĩa hiện sinh để xâm nhập thực tế mác-xít. Ngược lại, những chương đầu tiên của La Logique hiện tại sống động cho thấy những yếu tố mới của một nghiên cứu triết học nghiêm nhặt. Từ quan điểm này, hai văn bản trên có được ý nghĩa tài liệu, và nêu bật được thân phận của lao động trí thức.

Dù có thế nào đi nữa, Trần Đức Thảo trong suốt cuộc đời mình vẫn là một nhà nghiên cứu triết học. Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique - Minh Tân, Paris, 1951), sẽ có một tầm ảnh hưởng quan trọng và sẽ được chào đón từ cả hai phía các nhà hiện tượng luận và các nhà mác-xít. Paul Ricoeur [2] tóm tắt chính xác tầm vóc tác phẩm của ông khi viết:

"Phần đầu tiên cuốn sách đáng chú ý của Trần Đức Thảo, được viết từ năm 1942 đến năm 1950, là một phân tích mang tính lịch sử và phê bình tư tưởng Husserl; được tư duy (conçue) theo đúng những hướng (perspectives) của chính Husserl, nó đã dẫn đến việc nhận ra một đối nghịch bên trong chính tác phẩm. Phần thứ hai, hoàn thành năm 1951, hoàn toàn bước sang lĩnh vực duy vật biện chứng; ở đó hiện tượng luận hiện ra như gương mặt cuối cùng của chủ nghĩa duy tâm đang tưởng nhớ đến thực tế (réalité); hiện tượng luận chạy sau cái bóng của thực tế trong ý thức; chỉ chủ nghĩa Marx mới nắm được thực tế thực sự (effective) của vật chất con người; nhưng hiện tượng luận không đơn giản tự bị loại trừ, như toàn bộ chủ nghĩa duy tâm trong chủ nghĩa Marx, nó còn hiện thực hoá ở đó ý nghĩa của các phân tích cụ thể của cái sở nghiệm do Husserl tiến hành, với một sự chăm chút và một sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ, dù triết học duy tâm chính là khởi điểm cho chúng [3] . Những phân tích cụ thể này, "nội dung thực tế thực sự" (contenu effectivement réel) của hiện tượng luận tìm thấy chân lý của chúng trong một triết học của lao động" (Paul Ricoeur, Sur la phénoménologie, Esprit, 12/1952, p. 827 [4] ). Sự đánh giá cao của J.-F. Lyotard, khi đó còn là nhà mác-xít, rất gần với P. Ricoeur, ngay cả khi về nền tảng hai đánh giá này không đồng ý kiến về hiện trạng (statut) với triết học mác-xít: "Để tích hợp và vượt qua những kết quả của chủ nghĩa duy tâm siêu vượt, cần phải kéo dài nó bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng, cái cứu nó khỏi hấp dẫn lực (tentation) cuối cùng của nó [chủ nghĩa duy tâm]: sự quay lại một chủ nghĩa hoài nghi có tính huỷ diệt, như người ta đã thấy ló hiện (transparaitre) trong bài viết của Husserl (Ursprung der Geometrie) và là không tránh được nếu người ta không trở về với tính chủ quan "những tính chất (prédicats) của thực tế".

"Chúng ta có thể nhấn mạnh xuống quyển sách đáng chú ý của Thảo. Nó đặt ra một cách rõ ràng tính bất khả quy (irréductibilité) của hai luận đề, bởi vì nó chỉ có được với cái giá là một sự định hình hoá (identification) của tính chủ quan khởi nguyên như vật chất mà chủ nghĩa mác-xít tự cho là đã tích hợp được hiện tượng luận khi vượt gộp [5] nó." (J.-F. Lyotard, La Phénoménologie, Paris, PUF, Que sais-je no 625, 1954, p. 112-113 [6] ).

Như vậy, chủ nghĩa Marx của Thảo có chủ đích đưa hiện tượng luận về với chân lý. Một chủ đích mà thời nay sẽ chứng tỏ là không thể khác (péremptoire). Không nghi ngờ gì nữa! Chỉ có điều chúng ta chưa biết cách tự định vị một cách thanh thản trong mối liên quan với chủ nghĩa Marx. Sự rút phép thông công hay sự mỉa mai cao ngạo là vô ích. Bằng những cách đó [rút phép thông công - hay là loại trừ luôn - và mỉa mai cao ngạo] tư tưởng phê phán sẽ không làm được gì nhiều. Sự coi trọng nghiêm túc các công trình của Thảo, hay của Lukács, chẳng hạn như Nicolas Tertulian (N. Tertulian, Georg Lukács et le stalinisme, Les Temps Modernes, tháng Sáu 1993, p. 1-45) đã chứng tỏ, hẳn có thể giúp chúng ta phát hiện chính xác những sai lầm của chủ nghĩa Marx, và do đó một trong những hình thức của tư tưởng phê phán.

© 2004 talawas



--------------------------------------------------------------------------------
[1]langue de bois - chỉ cách nói không đi thẳng vào vấn đề, mà cứ vòng vo, ý Kail nói là Trần Đức Thảo dường như sợ cái gì đó mà không dám nói hết.
[2]Một trong những nhà triết học đương đại lớn nhất của Pháp, đi từ hiện tượng luận sang chú giải học (herméneutique), một truyền thống rất châu Âu từ Shleismacher và Dilthey
[3]Những phân tích của Husserl
[4]Esprit là tạp chí ra đời những năm 40 hay 50, do Emmanuel Mounier, một trong những người khởi xướng Nhân cách luận (personnalisme, theo cách dịch của Phan Ngọc.), chủ trương.
[5]Mượn một thuật ngữ của Phan Ngọc
[6]Jean-François Lyotard cũng xuất phát từ hiện tượng luận, nhưng sau lại cùng Jean Baudrillard khai phá khái niệm hậu hiện đại - postmodernisme, còn Que sais-je là bộ sách rất nhỏ về mặt hình thức nhưng rất lớn về mặt dung lượng kiến thức của PUF, Presses Universitaires de France, tập hợp những người nghiên cứu hàng đầu của các ngành, viết ngắn gọn dễ hiểu cho nhiều đối tượng một lúc; bộ sách này bao gồm rất nhiều đầu sách.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hoang Yen
post Jun 11 2004, 05:45 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #22

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Nguyễn Bản
Trần Đức Thảo - Sự ngơ ngác của người lữ hành vất vả
(Nhân đọc bài "Trần Đức Thảo, người lữ hành vất vả" của Nguyễn Đình Thi trong Những người lao động sáng tạo thế kỉ - Tập I, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, 2001)


Không phải đợi đến khi là sinh viên trường Đại học Sư phạm Văn khoa, học bộ môn "lịch sử tư tưởng nhân loại" tôi mới biết giáo sư Trần Đức Thảo, mà từ năm 1952, tôi đã là một trong những người đón ông ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, trên đường ông về nước tham gia kháng chiến. Nhưng trong số hơn nghìn người mít tinh đón ông, có lẽ không nhiều người như tôi lại đã từng đọc bài viết rất xúc động của ông thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp bày tỏ nhiệt tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập hồi tháng 8 -1945. Bài viết, đúng hơn là thư gửi về Tổ quốc được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, in rất đẹp, giấy trắng tinh, chữ Cờ giải phóng màu đỏ tươi, in ở nhà in IDEO, Tràng Tiền, và theo tôi nhớ chỉ ra được sáu bảy số rồi thay bằng Sự thật của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác.

Ông Nguyễn Đình Thi viết: "Mấy năm sau, những ngày về Hà Nội, tôi được biết anh Trần Đức Thảo làm Trưởng khoa Trường đại học của ta", người ta cũng gọi ông là Chủ nhiệm khoa Sử! Chiếc thẻ sinh viên năm thứ ba ban Văn học năm học 1955-1956, tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, với chữ ký của giáo sư Trần Đức Thảo với chức danh Phó giám đốc trường Đại học Sư phạm Văn khoa, một chữ ký giản dị, không kèm theo họ, chữ "t" ký như chữ "t" viết thường chứ không viết hoa, đủ chứng minh sự lầm lẫn của ông Thi. Vậy đó, giáo sư Trần Đức Thảo là Phó giám đốc trường Đại học Sư phạm Văn khoa bên cạnh giáo sư Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Tường chứ không phải là trưởng khoa. [1] Cũng xin nói thêm, "trường đại học của ta" trong câu trích của Nguyễn Đình Thi rất mơ hồ, cả nước (miền Bắc) lúc đó mới chỉ có ba trường đại học, Đại học Văn khoa do giáo sư Đặng Thai Mai làm giám đốc, Đại học Sư phạm khoa học, giám đốc là giáo sư Lê Văn Thiêm và Đại học Y dược khoa giám đốc là giáo sư bác sĩ Hồ Đắc Di. Tới khi hai lớp Văn ba và Sử ba chúng tôi tốt nghiệp tháng 7 - 1956, tháng Chín, tháng Mười năm đó mới có thêm ba trường đại học Tổng hợp, Bách khoa và Nông lâm.

Cái ấn tượng sinh viên lớp chúng tôi nhớ mãi là sau mỗi bài giảng, giáo sư Trần Đức Thảo thường nhún vai, khoát tay, nở một nụ cưới ngơ ngác như có ý nói: "Thế đấy, lịch sử phát triển của tư tưởng nhân loại nó như thế đấy, thật chẳng hề đơn giản chút nào!" Thầy dành nhiều thì giờ nhất để giảng về Hegel, và ở Hegel chủ yếu là hạt nhân duy lý: Cái gì có lý, cái ấy tồn tại, cái gì tồn tại, cái ấy có lý (ce qui a raison, existe, ce qui existe a raison). Có lẽ người lữ hành vất vả cũng như một số môn đệ của thầy ở lớp Văn ba chúng tôi suốt đời vẫn ngơ ngác về cái mệnh đề xem ra vô cùng đơn giản mà lại hóa ra hết sức phức tạp này, dẫu cả thầy và một số học trò đã phải đi thực tế ở nông trường hoặc hợp tác xã, ít nhất cũng dăm ba tháng, nhiều tới một vài năm để thể nghiệm cái mệnh đề đó.

Ông Nguyễn Đình Thi viết: "Những năm 60, tôi thấy anh Thảo vất vả nhiều, và anh còn gặp một nỗi buồn trong đời tư". Vất vả thì khỏi phải nói rồi. Một lần khoảng năm 66-67 gì đó, tôi thấy thầy ở chợ Hàng Da. Thầy đi chiếc xe đạp Peugeot con vịt, chúng tôi vẫn gọi đùa chiếc xe trẻ con Liên Xô thầy đi bằng cái tên như thế, vì người thầy cao lớn như Tây, đi chiếc xe trẻ con trông rất ngộ. Thầy đang mặc cả mua một bó củi nứa to bằng chiếc vỏ phích, nứa chẻ đôi xếp quay lưng vào nhau rỗng như một ổ rốc két. Tôi lặng lẽ quan sát người lữ hành mặc cả: "Hào rưỡi có được không?" "Cái ông này, củi nứa chứ báu ngọc gì mà nói thách". Cuối cùng, sau những ngày đi thực tế, chẳng biết đầu óc người lữ hành có thực tế hơn chút nào không, nhưng cũng đành chấp nhận giá hai hào, tuy chỉ mua một bó (có thể chỉ đủ tiền mua một bó, hay là vẫn hi vọng đun hết, mua ở chợ khác được giá hào rưỡi chăng?). Nhìn nét mặt ngơ ngác của thầy giữa cái có lý và đang tồn tại, tôi quyết định thôi không đến chào thầy nữa, thầy đi đằng thầy rồi, tôi đi đằng tôi. Lúc này, tôi đã bỏ nghề viết văn được ba bốn năm, lòng lại bỗng thấy trăm mối tơ vò, lại muốn vồ ngay lấy bút ngồi vào bàn viết.

Còn nỗi buồn riêng của thầy mấy năm cuối thập kỷ năm mươi lẽ ra chẳng nên khơi lại làm gì nhưng vì ông Thi đã đụng tới nó và nó lại có đoạn kết thúc hơi bi hài, ít người biết, thiết tưởng cũng nên nói ra. Nỗi buồn riêng, đó là đứa con mới sinh ít lâu bị chết, vợ bỏ đi lấy một người khác ở vị thế chắc chắn hơn, nhiều ánh hào quang hơn. Tới khi người lữ hành vất vả đã đi trọn con đường của mình, lọ tro hài cốt từ bên Pháp gửi về được quản ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, người vợ cũ chẳng hiểu sao bỗng nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, khăng khăng kiến nghị đòi đưa lọ tro vào nghĩa trang Mai Dịch, chẳng hiểu do động lòng thương xót hay muốn nhân đó phủ thêm chút hào quang lên nhân cách của mình. Nhưng cái lý do đó có thể tồn tại. Muốn vào Mai Dịch, phải có Huân chương Độc lập hạng Nhất hoặc cao hơn hoặc theo tiêu chuẩn khác, Tang chế chí đã ghi rõ, trong khi đó người lữ hành vất vả chỉ được huân chương độc lập Hạng Ba. Dùng dằng hơn bốn mươi ngày lưu lại ở 125 Phùng Hưng cuối cùng lọ tro đành đưa ra khu A nghĩa trang Văn Điển.

Nếu quả thực con người có linh hồn và sau khi chết đi, linh hồn vẫn còn tồn tại, tôi tin chắc linh hồn người lữ hành vất vả vẫn chưa hết ngơ ngác trước đoạn cảnh "Thế là finita la comedia" này.

Kỷ niệm một chuyến đi Sài Gòn.


Văn Nghệ số 44 ngày 1.11.2003



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
tao_lao
post Mar 5 2008, 09:54 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #23

Senior Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 591
Tham gia từ: 26-April 05
Thành viên thứ: 1.682

Tiền mặt hiện có : 6.392$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



câu topic này lên cái, hiện có 1 số bài của TDT do Phạm Trọng Luật dịch ra tiếng Việt:
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/TranDu...nDucThaoTab.htm



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
tsbm
post Jul 14 2009, 03:51 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #24

Regular Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 110
Tham gia từ: 27-March 04
Thành viên thứ: 1.413

Tiền mặt hiện có : 5.902$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Ông Trần Đức Thảo có tác phẩm "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức". Nó là một tác phẩm khó đọc với giới ngoại đạo nhưng tựu chung là "ý thức" bắt nguồn từ cái "chỉ tay" của mấy con khỉ để phân biệt chủ thể và đối tượng và nhận biết ra chính mình. Xem ra thì rất duy vật và có lẽ là kha khá đúng. Nhưng tôi không tin là như vậy vì ý thức phức tạp hơn nhiều.

Nhưng dù sao đây cũng là một quan điểm triết học, giống các quan điểm khác.

Còn chuyện đời riêng thì quả tiếc cho ông vì đó không phải là những năm 90 mà là những năm 50, đất nước bị chính trị hóa cao độ và số phận của ông cũng giống nhiều người khác.

Không phải là "chuyên chính vô học" mà là "phông văn hóa" ở Việt Nam nó thấp, bây giờ vẫn thấp dù có khá hơn.


--------------------
...More Tears



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Jul 14 2009, 04:32 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #25

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



QUOTE(tsbm @ Jul 14 2009, 03:51 PM)
Ông Trần Đức Thảo có tác phẩm "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức". Nó là một tác phẩm khó đọc với giới ngoại đạo nhưng tựu chung là "ý thức" bắt nguồn từ cái "chỉ tay" của mấy con khỉ để phân biệt chủ thể và đối tượng và nhận biết ra chính mình. Xem ra thì rất duy vật và có lẽ là kha khá đúng. Nhưng tôi không tin là như vậy vì ý thức phức tạp hơn nhiều.

Nhưng dù sao đây cũng là một quan điểm triết học, giống các quan điểm khác.

Còn chuyện đời riêng thì quả tiếc cho ông vì đó không phải là những năm 90 mà là những năm 50, đất nước bị chính trị hóa cao độ và số phận của ông cũng giống nhiều người khác.

Không phải là "chuyên chính vô học" mà là "phông văn hóa" ở Việt Nam nó thấp, bây giờ vẫn thấp dù có khá hơn.
*



Trong cuốn sách đó thì tác giả có định nghĩa thế nào là ngôn ngữ và ý thức không hả bác Mìn?


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NguoiVN
post Jul 15 2009, 11:25 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #26

Irreplaceable Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 3.804
Tham gia từ: 15-October 02
Thành viên thứ: 472

Tiền mặt hiện có : 112.186$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



cha đó là mìn à, choán. Thôi chắc trí tuệ việtnam 6x, 7x cao quá em phải từ biệt thôi , đi kiếm nhi đồng chơi cho nó vui


--------------------



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Jul 16 2009, 09:45 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #27

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



QUOTE(NguoiVN @ Jul 15 2009, 11:25 AM)
cha đó là mìn à, choán. Thôi chắc trí tuệ việtnam 6x, 7x cao quá em phải từ biệt thôi , đi kiếm nhi đồng chơi cho nó vui
*



Em nhầm đấy. Bác đó không phải là Mìn


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Kim Sinh
post Feb 4 2010, 08:57 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #28

Regular Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 189
Tham gia từ: 25-April 09
Thành viên thứ: 8.714

Tiền mặt hiện có : 1.285$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Trần Đức Thảo và Phật giáo – Điểm gặp nhau bất ngờ.

Hồ Trung Tú

Ý thức của con người từ đâu mà có ? Đụng đến câu hỏi này là đụng đến những vấn đề cơ bản nhất của triết học; hơn nữa, là câu hỏi mà hàng ngàn năm qua nhân loại không ngừng đi tìm câu trả lời và xem ra vẫn chưa có hồi kết. Đó không chỉ là công việc của các tôn giáo, của các triết gia mà thậm chí đó còn là câu hỏi thường trực với mỗi người khi trong từng giây từng phút một mỗi người chúng ta vẫn không ngừng suy tư, nghĩ ngợi. Các ý nghĩ ấy từ đâu mà có ? Người thì bảo đó là do linh hồn, kẻ khác thì bảo đó là một chuỗi của những nhân quả, nghiệp chướng; người khác nữa thì bảo sản phẩm của bộ não, kẻ kia thì lại khẳng định đó là sản phẩm của một trường vũ trụ nào đó ...

Chủ nghĩa duy vật biện chứng thì bảo rằng chính từ lao động mà ý thức hình thành. Trần Đức Thảo sau khi từ bỏ con đường Hiện tượng luận, ngã hẳn về phía chủ nghĩa duy vật biện chứng của chủ nghĩa Marx, đã dành hầu hết sự nghiệp đời mình để đi sâu, tìm hiểu kỹ kết luận quan trọng này của Marx bằng công trình “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” và từ đây ông đã đi đến một trong những xác định quan trọng, đó chính là con người chỉ có ý thức khi thực sự có ngôn ngữ. Chúng ta không thể tư duy khi không có công cụ ngôn ngữ. Chúng ta không thể nghĩ về Chúa, về cái sống cái chết, tình yêu hoặc bất cứ chuyện gì khác một khi không có ngôn ngữ. Như các động vật khác, khi không có ngôn ngữ nó có thể có cảm xúc, tình cảm nhưng tư duy hoặc ý thức thì không thể. Bằng lao động cơ bản nhất của người tiền sử là săn bắt có phân công có tổ chức, những chỉ trỏ ban đầu đã dần hình thành nên những ký hiệu âm thanh đầu tiên, và khi ngôn ngữ đã đủ thì tư duy cũng hình thành.

Đó là xét về mặt lịch sử hình thành của ý thức, Trần Đức Thảo còn đi xa hơn khi đi tìm sự hình thành của ý thức ngay chính trong hoạt động của bộ não con người. Bằng những kết luận của các nhà sinh học, tâm lý học trẻ em như : Quá trình hình thành của mỗi cá thể lặp lại quá trình lịch sử hình thành của giống loài, quan sát sự hình thành ngôn ngữ và ý thức của của trẻ con Trần Đức Thảo cũng đã chạm đến những vùng sâu kín nhất trong việc hình thành ý thức của mỗi con người. Tại sao ta nghĩ điều này mà không nghĩ điều kia ? Tại sao cũng một sự vật mà mỗi người lại có những cách nhìn cách nghĩ khác nhau ? Tạo sao ta lại có tính cách này mà không là tính cách khác ? Tại sao ta thích thứ này mà không thích thứ kia, tại sao con người lại sợ rắn, chuột, gián ? Tại sao đàn ông thích suy tư còn đàn bà thì lại thích mua sắm... ?

Các công cụ, phương pháp nghiên cứu tâm lý, tính cách hiện đại đã ngày càng đi đến kết luận rằng tất cả những điều đó đều có xuất phát từ cuộc sống xưa của tổ tiên loài người và phần lớn hành vi, tính cách, quyết định của chúng ta lại có xuất phát từ những hoạt động sinh tồn của tổ tiên mà không tự biết. Có nghĩa rằng cái mà ta gọi là ý thức của ta, ý nghĩ của ta, tư duy của ta lại không hoàn toàn độc lập mà lại bị phụ thuộc rất nhiều vào những bản năng, vô thức đã được hình thành từ thời xa xưa, thuở ông bà tổ tiên còn ăn lông ở lổ, thậm chí thời còn là động vật thô sơ. Bằng chứng của điều này chính là những bản năng cơ bản như bản năng sinh tồn, bản năng tính dục, bản năng, sợ hãi của con người hiện đại xem ra cũng chẳng khác mấy với các động vật ta xem thường nhất. Chàng trai được nhiều cô gái chọn nhất lại là chàng trai có nội tiết tố nam testosterone cao nhất, và ngược lại, cô gái quyến rũ càng chàng trai nhất lại là những cô gái có nhiều tiết tố nữ bảo đảm cho cuộc sống của những đứa con nhất.

Lý thú nhất của điều này là ta lại thấy trong bộ kinh cơ bản nhất của Phật Thích Ca, bộ kinh mà tất cả các tông phái cũng như các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là bộ kinh do chính đức Phật thuyết, kinh “Mười hai Nhân duyên”, cũng đã nói đến điều này từ 2.500 năm trước: “Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập (các giác quan), Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, hữu sinh Lão Tử”. Tạm gác những logic của các mối tương sinh kể từ sau Thức, chúng ta hãy xét ba mối tương sinh đầu là Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức.

Có rất nhiều, nếu không nói quá nhiều, cách hiểu cũng như cách giải thích về thập nhị nhân duyên của Phật Thích Ca. Cách hiểu được nhiều người công nhận thì cho rằng đó chính là quy luật về nhân quả, luân hồi của đời sống tâm linh của con người và vạn vật. Tạm gác qua cách hiểu này, sau khi đọc “Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức” của Trần Đức Thảo, chúng tôi bỗng chợt vỡ ra một cách hiểu khác về Lý nhân duyên của Phật giáo. Rõ ràng trước khi có Thức, tức khi con người có ý thức, tức khi con người còn là những động vật vượn người, hoàn toàn chưa có ý thức; thì, dẫn dắt mọi hành vi hoạt động của con người chỉ là những HÀNH, tức những hoạt động, lao động kiếm sống, sinh tồn và truyền giống. Cái HÀNH này không khác mấy các con chó, heo hoặc con giun, con kiến. Vậy trước khi có HÀNH thế giới này có gì ? Đây là chỗ Trần Đức Thảo dừng lại nhưng Phật Thích Ca thì không, và theo kinh Mười hai nhân duyên thì đó chính là Vô minh. Xem các phim khủng long, thế giới 100 triệu năm trước hình như chỉ có những tiếng hú tiếng rống hoang dại, u minh. Các nhà sinh vật đã chứng minh được bào thai con người đã phát triển trải qua tất cả các qua trình trước đây loài người đã tồn tại. Đầu tiên giống loài cá rồi có đuôi, có lông... Hình như cái Vô minh từ vài trăm triệu năm trước ấy vẫn cứ theo con người từ lúc bào thai hình thành, và nó vẫn theo ta trong từng hành vi mà ta không tự biết. Nhà Phật có một thuật ngữ phản ảnh chính xác khái niệm này một cách đến rợn người “vô thuỷ vô minh”. Cái Vô minh có từ thời vô thuỷ, thời xa xưa, hình dung mơ hồ siêu hình thì ngàn vạn kiếp trước, hình dung duy vật một chút thì đó là những bản năng, tập tính di truyền hết thế hệ này đến thế hệ khác nằm trong những nhiễm sắc thể, bộ gen của ông bà cha mẹ truyền trao. Ta giống cha hoặc mẹ đến cả dáng đi, chữ viết há nào ta không giống cách nghĩ cách suy ? Nếu thật vậy thì cái mà ta đang nghĩ, đang yêu đang ghét hoá ra là cha mẹ ông bà, tổ tiên ta nghĩ và yêu ghét chứ đâu phải hoàn toàn là ta ?

Quả thật còn quá nhiều điều để các khoa học khám phá cuộc sống tinh thần của con người. Công cuộc này xem ra đang phát triển theo hướng tích cực nhờ các máy quét hoạt động của bộ não cũng như các phân tích hành vi dựa trên những bản năng, vô thức từ xa xưa còn lại trong bộ não con người. Và sự đóng góp của Trần Đức Thảo vào định hướng này là vô cùng lớn. Trong nước chúng ta ít biết về Trần Đức Thảo nhưng ở nước ngoài công trình về “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” của ông đều được các sinh viên ngành triết, tâm lý và sinh vật tìm đọc. Đơn giản một điều rằng, có nói đông nói tây gì đi nữa, thế giới này hữu hạn hay vô hạn gì đi nữa, thì cuối cùng con người cũng phải đối diện với câu hỏi đầu tiên và cũng là cuối cùng của mọi vấn đề: ý thức con người từ đâu mà có, ý nghĩ trong đầu ta từ đâu khởi sinh ?


Hồ Trung Tú

http://www.viet-studies.info/TDThao/TDThao_HoTrungTu.htm
(@click here)

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Kim Sinh: Feb 4 2010, 11:04 AM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Skywalker
post Feb 4 2010, 02:58 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #29

Elite Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 1.896
Tham gia từ: 4-February 06
Đến từ: Hà Nội
Thành viên thứ: 2.280

Tiền mặt hiện có : 47.996$
Số tuần chưa đóng thuế : 6

Bình chọn :



QUOTE(Kim Sinh @ Feb 4 2010, 08:57 AM)
cuối cùng con người cũng phải đối diện với câu hỏi đầu tiên và cũng là cuối cùng của mọi vấn đề: ý thức con người từ đâu mà có, ý nghĩ trong đầu ta từ đâu khởi sinh ?
*



“Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập (các giác quan), Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, hữu sinh Lão Tử”. sp_ike.gif sp_ike.gif sp_ike.gif



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Kim Sinh
post Feb 6 2010, 01:05 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #30

Regular Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 189
Tham gia từ: 25-April 09
Thành viên thứ: 8.714

Tiền mặt hiện có : 1.285$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE(Skywalker @ Feb 4 2010, 02:58 PM)
QUOTE(Kim Sinh @ Feb 4 2010, 08:57 AM)
cuối cùng con người cũng phải đối diện với câu hỏi đầu tiên và cũng là cuối cùng của mọi vấn đề: ý thức con người từ đâu mà có, ý nghĩ trong đầu ta từ đâu khởi sinh ?
*



“Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc, Danh sắc sinh Lục nhập (các giác quan), Lục nhập sinh Xúc, Xúc sinh Thọ, Thọ sinh Ái, Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu, hữu sinh Lão Tử”. sp_ike.gif sp_ike.gif sp_ike.gif
*




Sky thấy hay chỗ nào mà cười vậy ?
Thức tồn tại dưới dạng một niệm. Không có thức không không. Mà một niệm thành thì NGÃ liền lập (danh sắc), từ đó mà sinh sơn hà đại địa.
Kinh 12 nhân duyên hay lắm đó. Từ kinh này mà Thiền Tông đề ra pháp hành của mình đó.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · CLB Văn Hoá - Lịch sử · Bài mới tiếp theo »
 

5 Trang < 1 2 3 4 5 >
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC