Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Tạp văn

post Jan 22 2002, 12:46 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1




Nhóm:
Số bài viết: 0
Tham gia từ: --
Thành viên thứ: 0

Nói bậy: (0%) -----


Các bạn thân mến.
Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan là người Huế. Chị cùng thế hệ với cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bấy nay tuy sống tại Đức- München- nhưng TKL vẫn luôn luôn hướng về văn hoá cội nguồn và có nhiều công sức đóng góp vào việc lưu giữ văn hoá cung đình tại Huế. Gần đây chị đã tài trợ cho việc dựng lại những vở tuồng cổ tại Việt Nam.
Hơn một năm TKL lại viết văn xuôi. Nhwung bài viết của chị về người bạn cũ Trịnh Công Sơn được bạn bè văn chương trong và ngoài nước ái mộ, bởi tính chân thực, tình người và mang đậm phong cách một người thấm nhuần triết học Tây Âu nhưng lại hết sức đề cao cái thâm sâu của Phật học.
Tôi đã đọc bài tuỳ bút của chị viết về Yên Tử, nay lại được đọc thêm bài Nắng Huế. Một cái nhìn mong manh như tơ sương, nhưng bình tĩnh " vẳng lặng như bồ đề". Những dòng chữ của chị vẽ lại Huế, khí hậu, hoa hải đường, trái giáng châu thực sự chứng tỏ lối quan sát tinh tế và cảm nhận sâu sắc.
Xin trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm sau đây của chị, của người đàn bà xứ Huế mặn mòi này.
Nguyễn Văn Thọ.

----------

[glow=red,2,300]NẮNG PHÚ XUÂN[/glow]
Thái Kim Lan

Giữa những cơn nắng oi nồng của hạ trắng và những chuỗi mưa lê thê của đông sầu, Huế có những ngày mà không gian và thời gian tuồng như là “ảo“, cảnh vật, con người cứ lung linh chập chờn nửa có nửa không, ấy là khi ánh nắng đầu tiên trở về sau mấy mươi ngày mưa ủ rũ.
Rét mướt nhiều ngày đã làm tê cóng gương mặt có màu da trắng xanh, mịn và mát lạnh hơi mưa của mỗi con người Huế . Người đi cứ lầm lũi gồng mình chống lạnh như những pho tượng cứng nhắc xê dịch trên các nẻo đường. Rồi có một ngày không hẹn truớc, bỗng đâu giữa cầu Trường Tiền, nơi khúc sông Hương lộng gió, từ phía núi Kim Phụng đưa về những tia báo chuyển mùa. Như từ một cõi xa mô đó, ánh nắng rớt trên vai trên nón ngỡ ngàng, nhẹ như tơ, như một mảnh lụa the choàng phớt qua, và gương mặt, dáng đi của mỗi người bỗng trở thành nhẹ nhõm như khói như sương, xuống cầu chia nhau về những con đường rộn ràng hỗn độn của Huế hôm nay...
Nắng mới đến Huế như không đi bằng bước chân gay gắt mà bằng đôi cánh mỏng của sương mù Thuận An pha lẫn với hơi rừng Trường Sơn. Sáng cũng như trưa, trưa cũng như chiều, nắng lãng đãng không thay sắc màu, cứ như một vùng ánh sáng đã được lọc qua nhiều tầng sương, mây, gió, mờ nhạt mông lung giăng trải lên cảnh vật.
Buổi sáng, khu vưởn Huế còn lặng yên ướp lạnh trong hơi đông giá, bỗng nghe ấm một chút thoảng hương hoa mộc, - một chút thôi ! không nồng đượm như giữa mùa hè -, như cùng một nháy mắt với tia lấp lánh trên chùm cau già cỗi đông thì, - dấu báo của một ngày không mưa - Trong khoảnh khắc sau, cả vườn cây như lay động chuyển mình đón nắng, một cách sẻ sàng, tế nhị, gần như e ngại mỗi tiếng chào niềm nở ồn ào sẽ làm cho nắng tan biến đi. Hương ấm của hoa- của trời hiếm hoi trong muà lạnh giá - như vừa đủ để tan sương trên lá của những cây trong khu vườn, nghe hơi nước luân lưu chuyển đi trong các mạch âm giai đầy tiết điệu uyển chuyển của màu xanh.
Có phải đây là dấu hiệu của muà xuân đang trở về ? Xin đừng đặt một câu hỏi rộn ràng như thế trong nỗi tĩnh lặng ban mai của vườn cây ở Huế ! Hãy lắng nghe tiếng tơ của nắng đang nhỏ giọt từ cành ! Và hãy nhận đi ! giờ phút nắng về như một tình cờ, như một cơn may mắn theo kiểu “may mà“, “may mà tới Huế gặp ngày không mưa!“ trong những ngày tháng chạp.
Người Huế hay kiêng, không dám gọi tên những điều, những tình cảm mình trân trọng yêu dấu, sợ một lần lên tiếng là một lần “mất thiêng“, tình cảm, sự vật sẽ tan loãng, biến mất...Mỗi hiện tượng đều là một diễm phúc bí ẩn của trời cho ! Cho nên cả khu vườn rậm rạp um tùm cỏ cây đón ánh nắng bằng sự diệu kỳ của thuật tàng hình“ biến có thành không“ : êm ả không lời khu vườn bất động vô hình trong giây phút nắng lên, để cho tất cả thành một sự đợi chờ vô định nào đó, có lẽ là một cuộc tái sinh hay hồi sinh hay một bước đi vào cõi thường hằng... Xin đừng nói rõ ! Ngay cả cỏ cây cũng không dám hé lời lao xao, để mặc cho màu xanh chảy hòa với ánh nắng luân lưu chuyển thể sang màu xanh lam u mặc mơ hồ... Đang là lá là cây đa dạng đa hình, trong phút chốc khu vườn trở thành một mảng không gian xanh bồng bềnh trong một thứ ánh sáng hư ảo...Trong giây phút mầu nhiệm ấy, chủ nhân khu vườn, khi mở cánh cửa đón nắng sớm, thoáng chốc tưởng như đang bước chân trong cõi mộng...
Nhưng xin đừng vội vàng tin ngay rằng ánh nắng hôm nay chỉ là cơn mộng, - những giấc mộng làm cho Huế “tộng bộng“ hai đầu, không đủ dấy lên một chút hơi xuân ! Hãy lắng nghe tiếng động của quả Giáng Châu (1) đang rơi trong vuờn, để đừng hất hủi không về với Huế nghèo nàn trong buổi cuối đông. Giáng châu trên cành dù cho chín tới vẫn chưa phải là giáng châu, phải đợi một thời điểm nồng ấm vừa tầm - như tiếng nhắc nhở của nắng sớm qua hương hoa mộc - giáng châu rơi xuống, chạm đất - phải “rơi và chạm“ như một nghi lễ hành thâm, như sự cúi xuống của giọt nắng đầu tiên - đó là bí mật vị ngọt thanh khiết vô song của những múi giáng châu trinh nguyên, hái trên cành không chạm đất giáng châu vẫn còn giữ một vị chua chưa đủ xứng danh là viên ngọc của trời riêng tặng cho đất (2)
Nếu chính trong lòng nắng không ấm không nồng làm sao giáng châu trở thành một giáng tiên trong muà đông ở Huế ? Nếu nắng không thực là thực thì làm sao có được một quả ngọt trái mùa không có ở Bắc Nam mà chỉ có trong vườn Huế như trái giáng châu ? Và sẽ không đủ hai mắt để ngắm cho hết màu hồng rực rỡ của hoa hải đường trước khi lả ngọn đêm xuân đang nở rộ trong vườn Kim Long, Xuân Hoà, Vĩ Dạ, Thủy Xuân...Có lẽ phải biến thành con sâu hoa hay một nàng Uùt như trong chuyện thần tiên chui vào nằm giữa những cánh hoa để thấy được hết vẻ lộng lẫy màu hồng thắm của đoá hải đường, để thấu rõ cội nguồn của giọt nắng mong manh trong vườn vốn dĩ là một hỏa diệm sơn, đã được mây gió của Huế như những người thợ thủ công tinh xảo mài dũa thanh lọc làm thành những tác phẩm tuyệt vời cho Huế.
Có ai đến Huế mà không qua cầu Trường Tiền, dừng lại một giây nhìn sông núi, với một chút khát khao được ngắm ánh sáng đùa giỡn với sóng nước sông Hương, sẽ thấy nỗi ngạc nhiên theo liền sau niềm thất vọng. Không có những phút sông Hương rực rỡ chói lói trong muà hè với vô vàn lớp lớp ánh bạc ánh vàng, hay tím ngát đến rùng mình trong mùa thu. Chỉ có một giòng Hương đang hòa mình vô tận trong ánh sáng xanh lơ, chỉ sáng hơn ánh trăng một gam màu rất nhẹ, trời nước phân cách nhau bằng một nét nhạt mờ giữa “lơ lững mây trôi ngừng lại“ và“lao xao sóng nước cuốn đi“, ở đó như có một tay thợ bạc lâo thành còn sót lại của thời xưa, thủ xảo đã đến độ xuất thần, đưa bàn tay tài hoa tung rãi một lớp nhủ bạc trên giòng sông, thay mặt nước bóng loáng bằng một lớp nhủ mờ trầm mặc, để cho sông trở lại được với trời mây thành một giang thủy cọng trường thiên nhất sắc !
Tôi về Huế giữa mùa đông chí, những nghĩ rằng buồn tẻ là xứ Huế mùa đông ! Giác quan và tâm thức đã chuẩn bị trứơc những vị chua cay của “chột nưa“, “cải cay“, “dưa môn“, “mắm cà“ của những buổi ăn chiều đạm bạc trong cơn mưa dầm. Bỗng “gặp may“ trời đang ươm nắng ! Bắt gặp trái giáng châu đang rơi, nghe hoa hải đường lộng lẫy trong nắng, hoa mộc thơm hương trong vườn...
Khi đưa cũng như khi đón, người em trai nói “ may quá, trời hôm ni nắng, cả tháng Huế mưa!“ và “may quá, trời hôm ni nắng, có máy bay đi !“ với một nụ cười nửa miệng rất Huế. Khi đến cũng như khi đi thấy nụ cười con trai Huế giống như bóng núi chạy qua nơi sân Phú Bài, dáng núi rất thân rất gần gủi, đã từng như ôm vai tôi ngay khi chân vừa đặt lên tâng cấp thứ nhất xuống tàu, bên ni triền núi là mây mờ, bên kia triền núi nắng đang lên, như nụ cười nửa miệng... Bỗng nghe lạnh bờ vai trong chiếc ghế ...Có chi an ủi trong chuyến tiễn biệt này ? Tôi bỗng nhớ có lần mình đã được an ủi vô cùng khi trở lại xứ người lần thứ nhất bắt gặp mấy câu thơ của Hoelderlin : “ta sẽ trở về...ôi rặng núi thân thương đã chở che ta những ngày xưa ấy...“ (3)
Có phải núi Kim Phụng vẫn còn thủy chung đứng đó đón nắng cho sông Hương mang đi...biền biệt ?

Huế Đông chí Tân Tỵ - Muenchen 16. 01. 2002 - Thái Kim Lan

Ghi chú :
1. Trái Giáng Châu : người Nam gọi là trái măng cụt, người Huế đặt tên “Giáng Châu“, tiếng la-tinh Giáng Châu có tên là “garcinia mangostana“
2. Theo lời kể của chủ nhân các vườn ở Kim Long - Huế, nơi trồng nhiều cây Giáng Châu, về đặc tính của trái Giang Châu.
3. Trích từ bài thơ “Die Heimat“ ( Quê Hương) của Friedrich Hoelderlin, văn hào Đức, 1770 - 1843



User is offline
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC