Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Mấy suy nghĩ về tiểu thuyết

Milou
post Jun 26 2002, 12:29 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

ngừ dzẹp vô tình
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.152
Tham gia từ: 3-February 02
Đến từ: trên trời dưới đất
Thành viên thứ: 26

Tiền mặt hiện có : 2.264.697$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Mấy suy nghĩ về tiểu thuyết

Ma văn Kháng

Tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Đồng bạc trắng hoa xòe với nỗi đam mê tưởng đến điên rồ của cả thể xác lẫn tinh thần! Đó là nỗi ham mê của một thời khi mọi sự hiểu biết còn đang sơ sài lỗ mỗ, nhưng con người thì luôn ở trong trạng thái bốc men say lý tưởng, không biết đến sự thiểu năng, coi tiểu thuyết như một lục địa văn chương mênh mông đầy ánh hào quang phải đến bằng được! Thành ra dẫu có thiếu ăn và mất ngủ, dẫu là dưới ánh đèn dầu tù mù, trong hoàn cảnh chiến tranh bận rộn, thiếu thốn đủ mọi thứ, ngòi bút sắt chấm mực vẫn miệt mài cậm cạch ngày này qua ngày khác, lấp kín cả nghìn trang. Đã ở tuổi bốn mươi, nghĩa là đã từng trải, đã đọc cả loạt sách của các bậc thầy văn học Nga, Pháp, Việt Nam, với đối tượng miêu tả đã có độ lùi xa, bấy nhiêu yếu tố được coi là điều kiện đủ để viết tiểu thuyết lúc bấy giờ, thì tại sao không dám bước vào cuộc thử thách? Nghĩ vậy, tôi bắt tay vào công việc viết tiểu thuyết với tất cả niềm tin hồn nhiên, thậm chí giản đơn, ngây thơ và vụng dại.

Hiểu biết, chỉ là hiểu biết thật sự khi tự mình khám phá. Mày mò trong thực tế viết lách và trên trang sách của các nhà văn lớn, nhiều năm sau, tôi mới vỡ vạc dần, theo cách hiểu của mình, dần dần mới nhận ra, rằng tiểu thuyết, cỗ đại bác chủ lực của trận đánh, sở dĩ không có nó thì không có nền tảng của một nền văn học, không phải chỉ vì tiếng nổ nó lớn, tầm bắn xa; không phải chỉ vì chuyên chở một dung lượng chất liệu nghệ thuật lớn, phản ánh một hiện thực lớn, miêu tả những xung động lớn, những bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và thời đại, mà còn là, hơn nữa, chủ yếu còn là, vì nó đặt ra được những vấn đề thiết cốt của nhân sinh, nhân quần, nó tái hiện số phận con người và cuộc sống; và do vậy gây hứng thú lâu dài, làm giàu có nhân tâm, làm phong phú đời sống tinh thần và gây rung động tâm hồn tư tưởng con người; đạt tới cõi bí ẩn của văn xuôi là tạo được một âm hưởng sâu xa.

Kiêu hãnh và lo sợ làm sao khi nhà tiểu thuyết nhận trách nhiệm quan tâm tới số phận con người và cuộc sống! Vì đảm đương trách nhiệm này cũng có nghĩa là tự nguyện đem toàn bộ sức lực, tài năng, tinh thần ra mà tận dâng, tận hiến. Bởi vì, trong công cuộc này, có thể chấp nhận sự thô kệch bồng bột, thậm chí ấu trĩ, nhưng tuyệt đối không thể là vay mượn, dựa cậy, ăn theo vốn liếng tinh thần tư tưởng. ở tiểu thuyết, phải là của chính anh, của cái tôi chân thực được huy động với tất cả sự nồng nhiệt chân thành. Phải nồng nhiệt chân thành lắm lắm thì mới có thể động chạm tới cõi sâu xa của lòng người. Công việc viết tiểu thuyết dạy tôi vậy; phải đầy đặn bản lĩnh, tự tin và quả cảm. Tiếng vỗ tay hiện hữu không phải chỉ vì có cả hai bàn tay, mà ở mức hiểu biết cao hơn, phải có được tiếng vỗ nhiệt thành.

Coi đối tượng là duy nhất, trực tiếp trong miêu tả, không cần dựa vào phông màn phối cảnh và các vật phụ gia khác, để làm nổi bật thêm chủ đề của cuốn sách, là cách viết của một tài năng đặc sắc. Tôi tự nhận thấy mình không thuộc loại này. Chân lý mở cửa cho mỗi người mỗi cách. Tôi thích mỗi sự vật nên có cái bóng, cái khúc xạ của nó. Tôi nghĩ có thể nhờ vậy, mà hình tượng văn học có thêm cái bảng lảng, nhòe mờ, cái chiều sâu gợi mở mỹ cảm của nó. Thông thường, một cốt truyện, một hình ảnh nhân vật đến cùng với cái bóng của nó khi tôi dự định viết một cuốn sách, để hình thành cái mà tôi tạm gọi là một kết cấu kép, một kiểu tư duy nghệ thuật cổ điển, một yêu cầu bó buộc với tôi mà tôi phải loay hoay tốn nhiều công sức mới có được. Trong những cuốn sách tôi đã viết, vì vậy thường có cái lộ diện đi song song với cái thấp thoáng, như hai bình diện nghệ thuật bổ sung cho nhau. Khi thì là một cuộc sống hiện thực gay gắt và một huyền thoại lấp ló sau nó. Khi thì là những biến động trong đời sống con người và sự vần chuyển của thời gian và tự nhiên. Khi thì là những ngày đang sống đây và bóng dáng những câu chuyện cổ xưa. Có thể thấy điều đó trong những cuốn sách viết của tôi, như Đồng bạc trắng hoa xòe, Trăng non, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn...

Tiểu thuyết là một thể loại đủng đỉnh. Tôi rất thích ý kiến này của José Ortega Y.Gasset, nhà tiểu thuyết lớn Tây Ban Nha. Sao lại đòi hỏi tăng tốc khi đã có cả một lượng thời gian với cuốn sách dày dặn trên tay! Không có món mì ăn liền ở đây.

Sự đủng đỉnh của tiểu thuyết phần nào gắn liền với sự đậm đặc của các chi tiết trong nó. Đọc những tiểu thuyết hay những năm gần đây, có cảm tưởng như được tiếp chuyện với một người đàn bà có trí nhớ tẩn mẩn phi thường. Nhưng thông thường, cái câu chuyện một trăm phần trăm sự thật mà người nọ kể, giỏi lắm thì cũng chỉ cho ta những đường nét chính của một cốt truyện; từ đó đi đến những trang văn của một cuốn tiểu thuyết còn biết bao công việc khó nhọc phải làm, trong đó việc xác lập hệ thống ngôn ngữ sẽ sử dụng là dấu hiệu của tài năng đặc biệt cộng với công phu học tập, kiếm tìm.

Công việc viết tiểu thuyết đáng được xếp hạng lao động bậc nhất. Tuy vậy, lại giống như công việc của người đào giếng thủ công, trước mắt là những địa tầng câm luôn chập chờn ảo ảnh một nguồn mạch trong trẻo. Tiểu thuyết hiện diện trong giấc mơ của mỗi nhà văn. Mỗi nhà văn, từ trong sâu thẳm, đều có cảm giác còn đang mắc nợ với cuộc sống và nghệ thuật; một cuốn tiểu thuyết tầm cỡ, thể hiện bản lĩnh của nhà văn, nói được nhiều nhất những điều cần nói sẽ là một công cuộc sáng tạo lớn lao.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC