Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

2 Trang  1 2 > 

· [ ] ·

 Khánh Ly- Tôi Chỉ Là Cái Bóng Theo Anh Sơn, đến cuối đời

Mr. Smith
post Oct 1 2005, 11:11 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

ma
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 5.622
Tham gia từ: 12-March 02
Thành viên thứ: 49

Tiền mặt hiện có : 78.619$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Bài phỏng vấn này hay, tớ thích. Đọc trả lời phỏng vấn hay các bài Khánh Ly viết, có thể thấy cô là người rất thông minh.
Nguồn talawas


Khánh Ly
Tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời
Bùi Văn Phú thực hiện


Khánh Ly, tháng 7.2004 (ảnh: Bùi Văn Phú)
Vào một buổi chiều cuối tháng Bảy năm 2004, tôi được chị Khánh Ly đón tiếp tại nhà riêng của chị - và của phu quân là anh Nguyễn Hoàng Ðoan - ở thành phố Cerritos, nằm khoảng giữa đường từ Los Angeles xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ.

Ngôi nhà của chị Khánh Ly không mới và cũng không to. Nhưng gần một phần tư thế kỷ qua nơi đó đã là tụ điểm gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại. Sân trước có cây hoa ngọc lan cao, nhiều loại hoa lá khác và một giếng nước với bờ gạch đỏ và tay quay, làm cảnh.

Bên trong, giữa phòng khách có treo một bức tranh sơn mài lớn. Hai bức nhỏ hơn của họa sĩ Ðằng Giao ở hai góc khác. Chiếc máy đánh chữ màu bạc, hiệu Brother, có lẽ cũng đã 20 tuổi, nằm trên sàn nhà mà chị Khánh Ly nói là dùng để viết bài, rồi bỏ dấu bằng tay. Con chó Lingling, 2 tuổi, thấy khách thì sủa tíu tít và cứ đòi hôn khách. Nơi phòng ăn có tranh của Ðinh Cường, có hình Trịnh Công Sơn ôm đàn ghi-ta hát trong một buổi ca diễn ở Hà Nội, có chân dung nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cùng nhiều tượng Ðức Mẹ lớn bé, trong đó có Ðức Mẹ La Vang.

Vườn sau nhà chị có những cây soài, cây khế, có cây ớt thật cao, với tay không đến được ngọn. Trong vườn cũng có một cây hoa ngọc lan to, cao; có núi đá với tượng Ðức Mẹ và hồ nước róc rách.

Buổi nói chuyện với chị dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị Khánh Ly, châm thuốc lá liền tay với một hộp quẹt zip-pô, nhưng hút thì ít. Giọng chị vẫn Bắc kỳ '54, có lúc phảng phất buồn trong lời nói, qua ánh mắt. Có khi chị tự nhiên cất giọng với những lời ca, vẫn đặc thù là của Khánh Ly, nhưng ít "liêu trai" hay "nhừa nhựa" hơn là Khánh Ly của thế hệ trước.



*


Bùi Văn Phú (BVP): Cuối tháng Tám có chương trình nhạc "Rừng xưa đã khép" ở Nam California, chương trình này do chị tổ chức?

Khánh Ly (KL): Nhà tôi làm biếng lắm. Làm để lấy tiền thì anh ấy không làm. Anh ấy nói Chúa cho mình hằng ngày dùng đủ, thì giờ mình có đủ rồi. Giờ có tiền để làm gì? Tuổi đã tròm trèm 60. Nếu có chết cũng đâu mang theo được gì. Việc tổ chức này là do một số các em sinh viên Việt Nam ở đây làm để gây quỹ từ thiện.

Chủ đề này là do chị chọn?

Vâng. Cách đây hai năm tôi lấy chủ đề "Rơi lệ ru người" và bây giờ là "Rừng xưa đã khép." Hoàng Trọng Thụy hỏi sao chọn chủ đề buồn thế. Tôi nói đó mới là cuộc đời. Vì nếu cuộc đời lúc nào cũng vui cả, ai ai cũng cười thì như vậy đâu có gọi là cuộc đời.

"Xưa" là những điều đã qua rồi, thuộc về quá khứ, chị muốn những điều đó thực sự "khép" lại sao?

Anh hỏi, nhưng anh hiểu nhạc Trịnh Công Sơn còn nhiều hơn tôi nữa. Thì anh nghĩ sao cũng được.

Hay đây là một sô sau cùng, rồi chị không hát nhạc Trịnh Công Sơn nữa?

Không đâu anh. Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Tôi rất mê hát. Nói đến giải nghệ thì tôi không dám nghĩ đến, có một cái gì buồn bã lắm. Vả lại tôi nghĩ cuộc đời buồn nhiều hơn vui thì mình không nên làm nó buồn hơn nữa. Lúc nào còn hát được thì mình cứ hát.

Trong phần quảng cáo cho chương trình có những câu thơ, hay văn, không biết do ai viết nhưng chị đã dùng nó ít nhất hơn một lần: "Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, và đời người hãy thả trôi đi những niềm đau." Nhìn lại cuộc đời, có giây phút nào đã làm chị đau khổ nhất?

Anh Sơn viết câu đó. Ðối với Khánh Ly thì những điều anh Sơn nói, nói thì có vẻ quá đáng, nó là những khuôn vàng thước ngọc. Vì anh Sơn không hề nói những điều gì không phải về một người khác, về một người thứ ba. Anh Sơn không phê bình ai, không chê trách ai. Lúc nào anh Sơn cũng nói hãy làm những điều tử tế, rồi hát cũng phải tử tế, phải trân trọng những điều mình làm. Sống trong đời sống này điều quan trọng nhất là phải tử tế với nhau.

Nghĩ về đời mình, có giây phút nào là đau khổ nhất mà chị còn ghi khắc trong lòng?

Lúc nào tôi cũng buồn cả. Tính tôi dẫu là tính tình của một người đàn ông, thẳng thắn và sống bất cần đời. Sống thì sống, chết thì chết. Có tiền thì xài, không có thì nghỉ xài. Nhưng tôi là người rất dễ vỡ, rất mong manh. Tôi rất dễ khóc. Thành ra mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ thì bao giờ tôi cũng là người sau cùng đi ngang hình của anh Sơn và ông [Trầm Tử] Thiêng, bao giờ tôi cũng hôn gió hai ông, để chào hai ông. (Giọng trở nên nhiều cảm xúc.) Nhưng tôi phải đi thật nhanh vì nếu không tôi sẽ khóc. Có nhiều đêm tôi nằm khóc một mình, không ai biết cả. Nhiều khi coi chương trình truyền hình mà ông xã tôi làm, chỉ cần nghe một câu thôi cũng làm tôi chảy nước mắt. Tôi cũng không hiểu sao con người của tôi có nhiều cái mâu thuẫn lắm.

Có thể chị là người quá nhạy cảm.

Nhưng mà nhạy cảm vừa vừa thôi thì còn dễ sống. Tôi nghĩ tôi là một người can đảm. Tôi may mắn và tôi lại can đảm nữa thì tôi mới đủ sức đương đầu với tất cả những điều xảy đến trong cuộc đời mình.

Còn niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời của chị?

Vui thì thực ra chính mình tạo ra niềm vui. Tôi thấy ngay cả ông xã tôi là người lúc nào cũng muốn làm cho tôi vui, làm những điều tốt đẹp cho tôi, từ băng nhạc, băng vi-đi-ô, lo lắng cho tôi đủ mọi thứ. Ðối với tôi gần như là những điều đó chưa đủ. Hay tại tôi đòi hỏi nhiều quá chăng? Hay tôi là một người sống không thực tế. Tôi sống ở ngoài cái thế giới của mình, thế giới mà mọi người đang sống. Tức là tôi đòi hỏi một cái gì hơn cả sự tuyệt đối nữa. Nó phải thơ mộng, phải đẹp như thời mình 15, 16 tuổi, rất romantic, như một bông hoa, mình ngắm nhìn nó từ khi còn là cái nụ, rồi sắp nở, khi nó bung ra thì lại không muốn nhìn thấy nó tàn. Thành ra niềm vui tôi có là do tôi tự tạo ra. Khi tôi đi hát ở xa về, ra khỏi máy bay bao giờ cũng thấy nhà tôi cầm một ly cà phê sẵn cho tôi, câu đầu tiên nhà tôi hỏi cũng là: "Có vui không em?" Bao giờ tôi cũng nói là vui, mặc dù có những điều tôi giấu. Vì tôi nghĩ là mình đã chịu đựng những cái không vui, hay những trục trặc nho nhỏ trong buổi hát, những va chạm, thì mình chịu đựng được, còn bắt chồng mình chịu đựng nữa làm cái gì. Trong khi ông ấy không thể chia sẻ được, không làm được cái gì cho mình thì thôi mình ráng chịu đi, và biến cái đó thành một niềm vui.

Chị sinh ra là người Công giáo hay chị tin vào Chúa sau này?

Thực ra tôi được rửa tội theo đạo năm 18 tuổi.

Tại sao lúc đó?

Lúc đó tôi lập gia đình lần đầu tiên. Thôi, chuyện tôi lấy chồng toàn là những phút bốc đồng, lầm lỡ. Toàn những chuyện mà cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là lầm lỡ.

Năm nay chị có đi dự Ðại hội Thánh Mẫu (ở Missouri) không?

Ðại hội Thánh Mẫu năm nay dời lại một tuần nên ngày đó tôi lại đi [Calvary] để gây quỹ cho cha Dụng.


Chị có một niềm tin và lòng sùng kính Ðức Mẹ rất cao, có biến cố nào trong đời đã khiến chị có niềm tin như thế?

Nếu tôi có một niềm tin thì đó là đức tin của tôi đối với tôn giáo mà tôi theo đuổi. Không phải là từ sau khi được rửa tội. Hồi nhỏ tôi học trường dòng và lúc đó tôi muốn trở thành bà sơ. Tại vì tôi thấy hình ảnh của các sơ đẹp quá.

Chị học trường dòng ở Ðà Lạt?

Không. Ở Hà Nội. Tôi học nội trú trường Saint Mary. Năm 6, 7 tuổi tôi đã lên sân khấu lần đầu tiên. Tôi đóng vai một con thỏ trong vở tuồng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Năm 9 tuổi, trước khi di cư, người Pháp có tổ chức hội chợ, lúc đó tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi cũng leo lên sân khấu hát đại. Tôi hát bài "Thơ ngây" của nhạc sĩ Anh Việt. Mẹ tôi cũng đã từng được bầu làm hoa khôi hội chợ ở Hà Nội trong những năm 1941, 1942 khi tôi chưa ra đời.

Chị phải là đứa bé bạo dạn lắm.

Có lẽ tại tính tôi giống con trai. Tôi không có bạn gái. Tôi có nhiều bạn trai, thứ bạn mày tao, chứ không phải bồ.

Chị có nhớ gì về ngày chị rời bỏ miền Bắc vào Nam không?

Tôi không nhớ, cũng như năm 1975 vậy.

Sao vậy?

Vâng, tôi không nhớ vì mình ra đi trong tâm trạng hoang mang quá. Năm 1954 thì còn quá nhỏ. Lại được tin ông cụ mới mất. Rồi bỏ trường đi theo mẹ và được mẹ cho biết sẽ có bố dượng mới nên tôi bị dằn vặt, không nhớ thương, lưu luyến Hà Nội nhiều. Có điều tôi nhớ Hà Nội là cây muỗng, tức cây soài trong Nam, là cây độc nhất trong sân trường của tôi. Và ở ngã tư Hàng Bông và Hỏa Lò có tiệm bán bánh mì patê gan cháy. Ðó là những gì tôi nhớ về Hà Nội.

Chị có dịp về lại Hà Nội chưa?

Chưa anh. Tôi nghĩ Hà Nội giờ thay đổi nhiều lắm. Tôi muốn trở về nếu được nhìn thấy lại những điều như tôi đã nhìn thấy ngày tôi 9 tuổi thì có lẽ hạnh phúc hơn. Nhưng có lẽ điều đó chẳng bao giờ xảy ra.

Cuộc đời luôn thay đổi mà chị.

Ðúng vậy. Và ngay cả con người cũng thay đổi.

Chị cũng không nhớ gì nhiều về ngày chị rời Việt Nam vào tháng 4. 1975?

Anh có thể tưởng tượng được là tôi không nghĩ được gì trong lúc đó, bởi vì mình có quá nhiều lo âu. Bỏ đi một cách bất thần như vậy, sự thực tôi đâu nghĩ là tôi đi Mỹ. Chả ai nghĩ, cứ đâm đầu ra biển mà không biết mình đi đâu cả. Tôi có đeo một đứa con 2 tuổi trên người. Tức là nếu tôi chết thì con tôi chết, mà con tôi chết thì tôi chết theo. Hai đứa con lớn thì gửi bên nội. Tôi định ở lại. Sau cùng đến ngày 29 tháng 4 ông anh tôi đến kéo mấy chị em tôi đi. Tôi còn kẹt lại một bà chị, một cô em và bố mẹ. Tôi đi được với một ông anh, hai cậu em trai và một cô em gái. Ði bằng tàu kéo, tên Song Long thì phải. Tàu đó rộng lắm. Nếu mà tôi biết mình đi Mỹ thì tôi đã kêu tất cả bạn bè cùng đi. Lúc đó giới nghiêm. Khoảng 3 giờ chiều, hai đứa con, của chồng trước li dị đã lâu, đi rồi, tôi và bà chị còn mua dưa hấu ngồi ăn tỉnh bơ. Khi tôi ra khỏi nhà với đứa con trên vai là 5, 6 giờ chiều.

Ngày 30 tháng 4. 1975, chị có nghe Trịnh Công Sơn hát "Nối vòng tay lớn" trên đài không?

Nghe. (Giọng chị trùng xuống, mắt long lanh ướt.) Khi tôi nghe giọng anh Sơn, lúc đó thì thực sự mà nói nếu không có đứa con thì tôi đã nhảy xuống biển rồi. Tôi không hiểu nổi.

Chính chị đã hát bài đó trong một băng nhạc nổi tiếng. Mà lúc đó lại không có Khánh Ly bên cạnh Trịnh Công Sơn để cùng hát.

Ðúng anh. Có thể là tôi nghĩ tôi mất anh Sơn vĩnh viễn. Có thể là tôi nghĩ sao không có mình cùng anh Sơn cất tiếng hát. Có thể tôi nghĩ là tôi ra đi và không bao giờ còn gặp nhau nữa và bây giờ chỉ còn nghe lại tiếng hát đó thôi.

Cuộc sống của chị những năm đầu ở Mỹ ra sao?

Tôi đi làm janitor (người lau chùi dọn dẹp), đi chùi cầu tiêu, tôi làm đủ mọi thứ. Hai mươi mấy năm nay tôi vẫn hoàn toàn là người Việt Nam. Cũng lo cơm nước, lo cho chồng con đầy đủ. Chồng tôi vẫn tinh thần gia trưởng. Bắc kỳ di cư, công giáo, Hố Nai (cười).

Anh chị ở đây từ năm 1975?

Từ năm 1980 thì ở căn nhà này. Những năm trước cũng ở California. Tụi tôi sống bình an lắm. Cả hai đều không có gì giấu giếm nhau. Ông ấy đã bao nhiêu vợ, bao nhiêu bồ, tôi mấy đời chồng, bao nhiêu bồ, chúng tôi biết nhau hết. Chúng tôi là một đại gia đình, không có sự phân chia con tôi, con anh. Chúng tôi giờ là hai người bạn già sống thoải mái. Tôi chỉ nói với chồng tôi là khi nào anh cảm thấy anh không muốn ở với em nữa, hay là anh thích tự do thì anh cứ nói. Không có gì ràng buộc anh cả.


--------------------
Here comes the sun, here comes the sun.
And I say, it's all right.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Mr. Smith
post Oct 1 2005, 11:12 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

ma
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 5.622
Tham gia từ: 12-March 02
Thành viên thứ: 49

Tiền mặt hiện có : 78.619$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :




Các con của anh chị chắc đã lớn?

Các cháu lớn cả rồi. Nhưng tôi gần với các cháu lắm. Ðó là lý do lớp trẻ quý tôi. Tôi nói chuyện, tâm sự và học được ở họ nhiều điều hay: tính thành thật, thẳng thắn, cái trong sáng. Ngày xưa bố mẹ mình ít có thời giờ để nhắc nhở con cái. Nền giáo dục khắt khe, khép kín quá nên con cái cứ đi từ lầm lỡ này qua lầm lỡ khác. Nhưng mà những lầm lỡ đó không thể trách bố mẹ hết. Mình trách mình thôi. Chính vì thế bây giờ đối với con cái mình phải thay đổi. Dù biết rằng nó đi lấy vợ, lấy chồng là mình mất tiêu rồi. Nhưng phải chấp nhận điều đó.

Ba mươi năm ở Mỹ, quê hương của chị giờ là đâu?

Quê hương ở trong lòng mình. Nhiều người nói chúng ta đi mang theo quê hương. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, có trở thành ông hoàng, bà chúa, có trúng số 2, 3 trăm triệu đô la thì mình cũng là người Việt Nam. Tôi ở đây đã 30 năm nhưng tôi thấy không hội nhập được gì vào đời sống ở đây cả. Tôi cũng muốn hội nhập như mọi người nhưng lòng tôi sao khó quá. Lúc nào tôi cũng thương, cũng nhớ Việt Nam. Nhưng mà cách nhớ của tôi khác. Tôi không nhất thiết là mỗi năm phải mang tiền về đi chơi, đi hưởng. Tôi vẫn nhớ những con đường mà tôi với anh Trịnh Công Sơn, với Nguyễn Ðình Toàn, Duy Trác, Lệ Thu, Sĩ Phú cùng đi bên nhau, nhớ quán Givral, nhớ anh Sơn tập hát cho tôi ở đâu, sân trường đại học nào, nhớ những tiền đồn biên giới xa xôi. Tôi nghĩ nếu mình sống cho tử tế, đến một lúc nào đó nhắm mắt nằm xuống, mình sống và chết một cách tử tế thì đâu cũng là quê hương.

Chị đã về lại Việt Nam rồi?

Tôi về hai lần.

Lần đầu chị về năm nào?

Năm 1997.

Chị về, chị có hát không?

Không. Tôi về với phái đoàn Nhật. Hai lần đều về với phái đoàn Nhật. Lần thứ hai tôi về để hát một bản nhạc chính cho một cuốn phim của Nhật về một ký giả người Nhật chết tại biên giới Việt-Miên.

Chị trở lại quê hương lần đầu trong tâm trạng như thế nào?

Tôi hay đi Âu Châu. Mỗi lần ra phi trường tôi thấy những hàng dài người Việt đi về Việt Nam, tôi hay mơ ước sao mình không có mặt trong hàng người đó. Ðáng lẽ mình phải có mặt chứ. Nhưng khi tôi được về thì y hệt như ngày tôi ra đi. Tôi không nghĩ được gì hết. Khi máy bay vào không phận Việt Nam, tôi có khóc. Nhưng khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, lúc đó tôi hoàn toàn empty (trống rỗng) từ cái đầu cho đến con tim. Lúc tôi ra đi cũng thế, giờ trở về cũng thế. Tôi không cắt nghĩa được điều đó. Dù tôi có bà chị, các cháu ra đón.

Những ngày ở Việt Nam chị làm gì?

Cứ buổi sáng tôi ngồi với anh Sơn, đến nửa đêm thì tôi về.

Ðất nước Việt Nam như ngày nay, chị có thể về đó sống được không?

Hai lần về tôi chỉ sống với anh Sơn. Tôi chưa có nhiều tiếp xúc với bên ngoài nên tôi không biết thực sự đời sống ở đó giờ như thế nào.

Hai lần về Việt Nam, chị ở bao lâu?

Mỗi lần ba tuần. Thoáng qua tôi thấy cuộc sống xô bồ quá.

Chị có mơ ước gì cho Việt Nam?

Tôi mơ ước có một trật tự mới được lập lại và những điều tốt đẹp cho Việt Nam dưới cái nhìn của thế giới, chứ không phải là đĩ điếm, bệnh AIDS, cúm gà. Tôi muốn mọi người nhìn Việt Nam bằng con mắt thiện cảm hơn, khâm phục hơn, như khi họ nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Họ đánh giá Việt Nam đứng đắn như đã đánh giá nhạc của Trịnh Công Sơn.

Tên tuổi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn liền với nhau từ khi những băng nhạc "Hát cho quê hương Việt Nam" với những ca khúc cho hòa bình, ra đời tại miền Nam trước năm 1975. Nhưng thời đó nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn không được Bộ Thông tin cho phép phổ biến, thưa chị có đúng không?

Gần như đa số những bài đó không được phép hát. Nhưng lúc đó người ta vẫn hát khắp nơi.

Chị đã cất tiếng với những bài hát cho hòa bình, khi hòa bình rồi thì chị nghĩ gì?

Tôi rất mơ ước ngày Việt Nam thống nhất, hòa bình, cuộc chiến không còn nữa. Bởi vì tôi đã chứng kiến quá nhiều. Những người thân của tôi, tôi đã mang xác về. Những người bình thường ai cũng mơ ước một đời sống bình thường. Dẫu là nghèo, dẫu là khổ nhưng mà họ có nhau. Có chồng, có vợ. Có mẹ, có con. Có cha con. Ðó cũng là mơ ước không phải của mình anh Trịnh Công Sơn mà là mơ ước của tất cả mọi người. Rồi hòa bình đến, ngày thống nhất đến. Chuyện gì sẽ xảy ra đâu ai biết được. Tôi còn nhiều câu hỏi và tôi sẽ hỏi về những chuyện đã xảy ra sau cái ngày gọi là thống nhất, hòa bình.

Từ khi rời Việt Nam, chị có hát lại những bài hát về hòa bình?

Cũng ít. Thực sự ở bên này bà con thích nghe tình ca. Còn giới sinh viên ngày trước nghe chúng tôi giờ cũng tròm trèm tuổi chúng tôi rồi. Nhắc lại họ đau lòng, mà mình cũng đau lòng nữa. Còn tình ca hát đến ngàn đời, lúc nào cũng làm cho mình cảm thấy ở tuổi thanh xuân, đưa mình trở về kỷ niệm. Tình ca là điều không thể thiếu trong đời sống. Khi cuộc chiến đã tàn, mình có nhắc lại, hát lại cũng chỉ để nhắn nhủ với nhau những gì đã xảy ra, trong đó có cả lầm lỡ, đúng sai. Ðiều đúng mình chấp nhận, nếu có sai thì đừng phạm phải lần thứ hai.

Nhạc Trịnh Công Sơn có phải là nhạc phản chiến?

Thời anh Sơn thì nhạc sĩ nào cũng viết nhạc phản chiến hết. Mọi người lợi dụng chữ "phản chiến" hơi nhiều. Theo Phú nghĩ thì thế nào là phản chiến? Là không thích chiến tranh chứ gì? Thế thì người lính khi họ cầm súng họ có phải là người phản chiến không? Họ cũng muốn chiến tranh chấm dứt.

Anh Sơn có bao giờ tâm tình với chị về việc không đi lính của anh ấy?

Anh Sơn có vào trung tâm tuyển mộ nhập ngũ, rồi thấy anh ấy về. Tôi không nghĩ anh được cho về thăm nhà vì là lính mới, và là Trịnh Công Sơn nữa thì người ta muốn cum anh ấy lại chứ. Ði được ít hôm thì thấy anh ấy về. Rồi anh ấy hay vào căn cứ không quân chơi, lúc đó ông đại tá Lưu Kim Cương còn sống, ông ấy muốn anh Sơn vào lính không quân. Nhưng Trịnh Công Sơn không muốn. Anh ấy không muốn engager (can dự) vào chuyện gì. Anh ấy muốn đứng ngoài để nhìn cả về hai phiá, viết về nỗi lòng gần như của tất cả mọi người Việt Nam một cách trung thực. Bởi vì nếu đi lính, dĩ nhiên phải ở một phe, chống một phe. Nếu cầm súng mà không bắn thì sẽ bị bắn chết. Phú nghe bài "Xin cho tôi" thì thấy. Khi im tiếng súng thì xin được làm người sống còn để ghi lại mọi chuyện khổ đau do bởi chiến tranh gây ra.

Trong số những bài ca của Trịnh Công Sơn, chị ưng ý nhất bài nào?

Tôi thích những Ca khúc Da vàng. Nhất là bài "Lại gần với nhau". (Chị cất giọng hát): "Thù hận xin quên, trên quê hương này, còn gì cho em, không còn gì ..."

Trong một bài viết, Phú đã so sánh nhạc Trịnh Công Sơn với giọng hát Khánh Ly thì như Thánh Kinh và Thập Tự Giá, là những lời kinh cho hòa bình cho Việt Nam.

Anh nói thế sợ xúc phạm đến tôn giáo. Các cha không đồng ý.

Phú thích: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi..." Thật tử tế và đơn giản.

Sau này còn bài "Tình khúc Ơ Bai." Ơ Bai có nghĩa là không được đâu. Tiếng của người thiểu số.

Bài "Tiến thoái lưỡng nan" có phải là niềm trăn trở của Trịnh Công Sơn để lại?

Nhạc Trịnh Công Sơn để lại nhiều trăn trở lắm. Như bài Phú vừa nhắc, (Hát): "Ngày xưa lận đận không biết về đâu... "; còn bài "Có duyên không nợ." Nỗi trăn trở có trong rất nhiều bài hát. Ðể ý thì nỗi trăn trở của anh Sơn đã có từ lâu lắm rồi chứ không phải mới sau này.

Chị nói anh Sơn hay nhắc đến chuyện tử tế với mọi người. Thế thì trong con người anh ấy, có tính tình gì đáng ghét không?

Anh Sơn dễ tin người và dễ tha thứ. Ai nói gì anh ấy cũng tin hết.

Nhiều người đã hát nhạc Trịnh Công Sơn, giọng hát Khánh Ly có một kỹ thuật, hay bí quyết gì để mãi gắn liền với những dòng nhạc đó?

Ðó là ý Bề Trên. Nếu không có tôi thì anh Sơn cũng sẽ nổi tiếng, bằng cách nào mình không biết. Mà không có Trịnh Công Sơn thì chắc chắn là tôi cũng chỉ lình bình thôi. Vì thế tôi phải nói rằng, Trịnh Công Sơn là cái hình, tôi chỉ là cái bóng theo anh Sơn đến cuối đời thôi. Có sống thêm một kiếp nữa tôi vẫn xin làm cái bóng của Trịnh Công Sơn.

Sau khi chị rời Việt Nam, chị liên lạc được với Trịnh Công Sơn lần đầu khi nào và bằng cách nào?

Tôi gửi thư qua bên Tây (Pháp) nhờ gửi về cho anh Sơn, báo cho biết là mình còn sống. Sau 30-4 mọi người đồn là tôi chết ngoài khơi Vũng Tàu cùng với gia đình Phạm Duy, Mai Lệ Huyền, chị Thanh Thuý. Anh Sơn có làm bài "Rơi lệ ru người". Ðó là bài duy nhất chính miệng anh Sơn nói là làm bài này cho Mai (Phạm Thị Lệ Mai là tên thật của Khánh Ly). Còn bình thường anh ấy không bao giờ nói anh ấy làm bài nhạc cho ai cả.

Còn bài "Em còn nhớ hay em đã quên," cũng có suy diễn là Trịnh Công Sơn viết cho chị.

Không biết. Vì anh ấy không nói. (Hát): "Em còn nhớ hay em đã quên..." Em là những người em của anh Sơn, rồi bạn bè của anh Sơn. Trong nhạc Trịnh Công Sơn, mình nhìn đâu cũng thấy có mình hết. Làm như anh Sơn nói về cuộc đời của mình, nói giùm mình những điều mà mình không nói được. Mà thực ra có phải anh ấy viết cho mình hay không mình cũng không biết nữa. Vì anh ấy không bao giờ nói là viết bài này cho người này hay cho người kia. Phú có hỏi, anh Sơn cũng chỉ cười thôi, không bao giờ anh ấy gật đầu, hay lắc đầu.


--------------------
Here comes the sun, here comes the sun.
And I say, it's all right.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Mr. Smith
post Oct 1 2005, 11:13 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

ma
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 5.622
Tham gia từ: 12-March 02
Thành viên thứ: 49

Tiền mặt hiện có : 78.619$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Chị có biết chuyện sau 1975 Trịnh Công Sơn phải đi lao động, đi kinh tế mới.

Có biết.

Bằng cách nào?

Chính anh Sơn viết thư cho tôi khi anh đang trong tình trạng đó.

Anh ấy có than thở gì không?

Anh Sơn không bao giờ than thở một điều gì. Vui anh ấy cũng cười nhẹ nhàng thôi. Buồn thì anh ấy nuốt hết vào lòng. Tôi nghĩ anh là một người gánh trên vai, một đôi vai quá gầy, một hạnh phúc quá lớn và một nỗi thống khổ cũng không kém.

Có một số bài hát anh Sơn viết sau năm 1975, như bài "Em ở nông trường, em ra biên giới." Từng chống chiến tranh, sao giờ lại cổ vũ, đó có phải là Trịnh Công Sơn không?

Anh ấy làm đúng chứ. Anh Sơn viết bài đó, ôm đàn đi hát để an ủi những người đi làm thuỷ lợi, đi ra nông trường biên giới. Họ đâu phải là những người miền Bắc đâu, mà là những sinh viên học sinh miền Nam phải đi đào mìn, đào bom, làm thuỷ lợi. Anh ấy hát để an ủi người ta. Bài đó có câu: "Có những bước chân đi không về..." Với một người ốm yếu như anh ấy, không tiền bạc, quyền lực, thì anh chỉ còn tiếng nhạc với tất cả tấm lòng để làm cho mọi người vui.

Nhạc Trịnh Công Sơn sau 1975 chị thích những bài nào?

Có người cho rằng những bài hát của Trịnh Công Sơn sau này không hay bằng ngày trước. Ngày xưa nào là "trời ươm nắng cho mưa hồng", (Hát): "Ðường phượng bay mù không lối vào / hàng cây lá giao tình với nhau..." Ngày ấy cây lá còn lãng mạn, thơ mộng. Tuổi mình giờ lớn rồi, trải qua bao nhiêu dâu bể, tang thương thì nhạc cũng vậy thôi. Nghe những bài nhạc của anh Sơn sau này phải nghe kỹ, chịu khó suy nghĩ một tí mới hiểu được anh Sơn nhắn gửi điều gì. Như bài "Lặng lẽ nơi này", "Vẫn có em bên đời", hay "Vườn xưa", (Hát): "Vườn xưa vắng, giọt than cuối đông / trời chợt nắng vườn đây lá non / người lên tiếng hỏi người có không / người đi vắng về nơi bế bồng / đừng phai nhé một tấm lòng son..." Tuyệt vời nhất là: (Hát) "Em ra đi nơi này vẫn thế / vẫn có em trong tim của mẹ / vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru / có tiếng em thơ có chút nắng trong tiếng gà trưa..." Ðiều quan trọng nhất là "vẫn có những ước mơ" trong đầu người ta. Phú có đọc được những giấc mơ của một người không? Không. Phú có giết được những giấc mơ của người ta không? Không. Trong nước cấm vì bài này viết cho Khánh Ly. Ngoài này cũng không cho hát.

Còn bài nào nữa không?

(Hát): "Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên / chợt nghĩ quê hương lại nghĩ lại mình / tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống / vì đất nước cần một trái tim..." Ðất nước chỉ cần một trái tim thôi mà không có. (Hát): "và như thế tôi đến trong cuộc đời / tôi sống trong cuộc đời / bằng trái tim của tôi..." Như thế còn muốn cái gì hơn nữa. Ðòi hỏi cái gì hơn nữa ở một người nhạc sĩ đã rút hết tâm trí để nhắn gửi những lời đó.

Ðầu năm nay Trịnh Công Sơn được trao giải Âm nhạc vì Hòa bình, chị có thể cho biết cảm tưởng về sự kiện này?

So sánh những lời nhạc của Joan Baez hay Bob Dylan với Trịnh Công Sơn thì hoàn toàn không nghĩa lý gì, vì Baez và Dylan sống trong một xứ sở tự do, theo dõi tin tức qua truyền hình về những cái chết của những người lính Mỹ từ một nơi xa xôi. Họ không biết gì nhiều. Trong khi anh Sơn viết giữa cuộc chiến, với cái thâm thuý của một người Á Ðông, nên nhạc Trịnh Công Sơn, một câu thôi đã khiến bao nhiêu người suy diễn bao nhiêu cách khác nhau. Thành ra nếu nói về mơ ước hòa bình của một người sống trong một đất nước chiến tranh, thì đó là phần thưởng riêng cho anh Sơn. Tôi mừng vì đây là lần đầu tiên, sau Nhật Bổn, những Ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn đã được đánh giá một cách đứng đắn nhất bởi những thiên tài của âm nhạc thế giới, của Liên hiệp quốc.

Chị nghĩ sao khi mà những ca khúc đó còn bị cấm ở Việt Nam?

Tôi không hiểu. Cái đó Phú phải hỏi nhà nước.

Chị có muốn được hát lại trên quê hương mình?

Tôi muốn. Vì có nhiều người còn nhớ mình. Sau ngày 1 tháng 4 (ngày Trịnh Công Sơn qua đời) giới trẻ trong nước biết về tôi nhiều hơn. Có người ở Bắc viết thư nói, chúng cháu không ngờ chú Sơn và cô nổi tiếng như vậy. Có cháu tuổi 12, 13 viết kể rằng: "khi sinh ra thì cô đã đi rồi, mẹ cháu ru cháu ngủ thì cứ để nhạc của cô". Tôi rất muốn trở về, nhất là khi còn anh Sơn, để đi hát với anh ấy. Nhưng nghĩ lại khi bỏ nước ra đi mình đã phụ lòng những người yêu thương mình ở Việt Nam. Rồi bây giờ nếu mình về thì lại phụ lòng người ở đây nữa. Chẳng lẽ suốt cuộc đời mình cứ phụ mọi người sao. Nhưng nếu nhạc Trịnh Công Sơn, những Ca khúc Da vàng đầy tính nhân bản, được cho phép hát lại ở Việt Nam thì tôi cũng có thể trở về.

Thế hệ ca sĩ trẻ sau này như Hồng Nhung, Quang Dũng, Mỹ Linh cũng thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn, chị có nhận xét gì về những giọng ca đó với nhạc Trịnh Công Sơn?

Tôi rất yêu những người hát nhạc Trịnh Công Sơn. Bởi vì tôi muốn nhạc Trịnh Công Sơn được mãi mãi có người nghe và nhớ đến anh ấy. Một cách tự nguyện, tôi mang ơn những người hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Ở Việt Nam giờ có khu vườn tưởng niệm Trịnh Công Sơn ở Bình Quới, chị có biết gì về nơi đó?

Khu đó họ cho anh Sơn lâu rồi. Anh Sơn tính làm khu nhà tình thương cho bạn bè, những ai không may hay thiếu thốn thì về đó ở. Anh Sơn rất thương bạn. Tiền bạc, quần áo, có là cho bạn. Mỗi lần đi Canada cũng vậy, trước khi về là các em của anh Sơn chia nhau đi mua quà cho bạn của anh ấy. Nhiều ít cũng là tấm lòng. Tôi có nói với anh Sơn là mai mốt em già, em về anh cho em một chỗ em ở.

Ðã sống qua cuộc chiến, nhìn lại chị có được kết luận gì?

Tôi thấy nó vô ích quá, phi lý quá. Cả hai miền bị mất mát quá nhiều mà đáng lẽ những điều đó không nên để xảy ra. Nhưng những người quyền lực hơn mình mà người ta không nói thì mình nói làm gì. Có người bảo tôi: "ca nương bất tri vong quốc hận". Tùy cái lòng của tôi, tôi đau cái nỗi đau chung của quê hương, không ai ép buộc được tôi. Ai cần tôi đóng góp, tôi làm. Tôi làm rất nhiều công tác xã hội, thiện nguyện, nhưng nhiều khi họ trả lại cho tôi bằng những cái tát tai. Tôi thấy cả hai miền đều làm những điều đáng nhẽ không nên làm.

Khi Khánh Ly ra sân khấu hát, có khán giả cho rằng Khánh Ly hay nói dài, đó là Khánh Ly hay chỉ là bản tính của người phụ nữ Việt?

Tại vì thế này. Có những bài nhạc của Trịnh Công Sơn nếu tôi không nói thì không dẫn vào bài được. Một phần những khách của tôi là những người sống với kỷ niệm nhiều. Có nhiều ông nói tôi thích nghe bà này hát, không thích nghe bà ấy nói nhiều. Có bà lại nói tôi thích nghe bà ấy nói, còn nghe hát thì ở nhà thiếu gì CD của bà ấy. Có những điều những bà, những ông gặp cảnh trái ngang không nói được với nhau, tôi nói chuyện của tôi họ thấy giống họ, nên tìm được niềm an ủi, chia sẻ, còn tôi cũng nói ra được điều mà nhiều khi mình không nói với chồng mình được. Lý do thứ hai, là đối với lớp trẻ, họ không dính líu gì đến cuộc chiến, họ không biết gì về quãng đời mà nhiều người chúng ta đã có với nhau rất hạnh phúc. Chúng tôi ca hát, chia sẻ với nhau ở Việt Nam những ngày trước 1975 như thế. Nói cho các em biết. Rồi các em suy nghĩ gì thì tùy. Ðiều quan trọng là mình chia sẻ. Ðó là những lý do mình phải nói. Không phải tôi chỉ có một tầng lớp khán giả, mà có đến ba, bốn lớp khán giả.

Ðối với những người yêu thích giọng hát của chị, chị có gì chia sẻ thêm không?

Tôi chỉ xin mọi người nhận từ nơi tôi sự biết ơn. Bởi vì ba mươi năm qua họ đã chia sẻ đồng lương mà họ làm được để tôi sống. Tức là họ đã nuôi tôi và các con tôi. Một lời cám ơn làm sao đủ. Ðến kiếp sau tôi cám ơn cũng không đủ nữa. Tôi rất biết ơn mọi người.

Chị đã làm bà nội, bà ngoại chưa?

Rồi. Tôi là bà nội rồi. Mà tôi không buồn. Tôi nói với các con của tôi là không bao giờ mẹ xen vào đời sống của các con, các con lấy ai cũng được, Mỹ trắng, Mỹ đen hay Mỹ vàng, Mỹ đỏ cũng được. Nhưng đánh nhau thì ở trong nhà mà đánh nhau. Ðứa nào sa cơ lỡ vận thì về đây bố mẹ nuôi. Cứ luôn nghĩ rằng ở đây còn có mẹ, có bố. Thành ra các con tôi coi tôi như bạn, gần gũi với tôi. Nhưng tôi không giữ cháu. Tôi nói với các con là cuộc đời của mẹ từ lúc 16 tuổi đến giờ mẹ đã phải tự đi làm, làm công việc của một người mẹ và một người bố. Bây giờ là lúc mẹ nghỉ ngơi. Ðể mẹ có thời giờ làm những công việc khác cho người bất hạnh ở Việt Nam. Tôi sẽ không đi xin, nhưng mang sức ra hát, lập một quỹ. Tôi đã xin giấy tờ để lập ra một quỹ gọi là TrịnhCôngSơn-KhánhLy Foundation. Sau này dầu tôi ra đi thì những gì còn lại, các con tôi biết thì chúng bỏ vào quỹ đó để giúp trẻ em mồ côi ở Việt Nam.

Hồi ký của chị sắp ra đời chưa?

Nó không phải hồi ký đâu. Chỉ là ghi lại những kỷ niệm, những điều tôi biết về anh Sơn. Những điều mà chúng tôi nói với nhau, chia sẻ với nhau. Tôi muốn nói đúng, và sửa lại những cái sai mà người ta viết về anh Sơn. Nhiều người đã viết sai cả về chi tiết, về thời gian. Có người không hề là bạn anh Sơn, không hề thân mật tới độ như vậy mà bây giờ cũng nói là bạn anh Sơn, nuôi anh Sơn trong nhà thương, lo cho anh ấy cả tháng trời. Tôi chỉ muốn sửa lại những điều viết sai về anh ấy... Tôi đòi hỏi công đạo cho tất cả mọi người vì thế tôi không kết án ai. Tôi không bao giờ lấy sự may mắn của mình để kết tội những người bất hạnh ở lại. Bởi vì đối với tôi điều đó thiếu văn hoá và vô đạo đức. Mình phải thông cảm hoàn cảnh của người ở lại. Ðó là điều quan trọng nhất mà nhiều người đã quên. Ai cũng cho Tôi là đúng, cái Tôi đáng ghét. Cái Tôi là cái gì mà lên án, phê phán, chỉ trích người nọ, người kia. Sống không thương người ta, chết rồi làm cái gì? Làm văn tế ruồi à. Tôi thấy cái vô lý ở chỗ đó.

Mơ ước của chị trong quãng đời còn lại là gì?

Mơ ước thứ nhất là được đi theo anh Sơn một cách bình an. Như trong một giấc ngủ, sớm chừng nào tốt chừng ấy. Ðiều thứ hai là tôi mơ ước mọi điều tốt đẹp, thực sự tốt đẹp cho Việt Nam, cho những người nghèo khổ ở Việt Nam.


Nguồn: Tạp chí Văn (California) số 92, tháng 8 năm 2004


--------------------
Here comes the sun, here comes the sun.
And I say, it's all right.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
ThụyVũ
post Oct 1 2005, 11:31 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

vô hồn


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 606
Tham gia từ: 3-May 05
Thành viên thứ: 1.698

Tiền mặt hiện có : 17.736$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Tình cờ nhỉ? Bài này em vừa đọc ngày hôm qua. Không biết đang search cái gì ấy, ra link, thế là ngồi đọc luôn.
Hôm qua mua cái CD của Thái Hòa hát nhạc Trịnh, kể cũng hay. Thái Hòa hát chậm, tình cảm, mộc mạc, không theo kiểu ca sĩ chuyên nghiệp nên không cảm thấy bị cái màu mè lấn đi.
Thích nhất là nghe những CD của Khánh Ly hát nhạc Trịnh trước 1975.


--------------------
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
mth
post Oct 2 2005, 07:27 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

Anh giai lụ hậu


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 524
Tham gia từ: 16-June 02
Đến từ: Hà nội
Thành viên thứ: 108

Tiền mặt hiện có : 245.421$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Vừa nghe 3 bài của Trịnh Công Sơn do Thanh Lam. Mặc dù không thích, không sùng bái nhạc Trịnh công Sơn, nhưng mà nghe xong Thanh Lam gầm gừ Biển nhớ mí cả Một cõi đi về thấy sợ quá, tụt cả tai vào bên trong mất.


--------------------
Moi ??? Je m'en fous :)



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Guatamela
post Oct 2 2005, 11:45 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

Newbie


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 77
Tham gia từ: 5-January 03
Thành viên thứ: 673

Tiền mặt hiện có : 727$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Cụ Khánh Ly là siêu sao xạo. Cụ nói những điều người khác muốn nghe.

Tớ thấy Thanh Lam với Lê Minh Sơn chơi cũng khớ đấy chứ. Trình độ nhạc người Việt
kém, nên nghe sẽ khó chịu vì có biết gì đâu mà thưởng thức



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
trai que
post Nov 17 2005, 06:03 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

Newbie


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 22
Tham gia từ: 17-November 05
Thành viên thứ: 2.081

Tiền mặt hiện có : 523$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE(Guatamela @ Oct 2 2005, 02:45 PM)
Cụ Khánh Ly là siêu sao xạo. Cụ nói những điều người khác muốn nghe.

Tớ thấy Thanh Lam với Lê Minh Sơn chơi cũng khớ đấy chứ. Trình độ nhạc người Việt
kém, nên nghe sẽ khó chịu vì có biết gì đâu mà thưởng thức
*


Không nên nói trình độ nghe nhạc của người Việt kém bạn à. Bạn có thể xem bài này để biết trình độ âm nhạc của người Việt Nam bây giờ thế nào nhé.
http://dantri.com.vn/giaitri/amnhac/2005/1...archTerm=Mozart no.gif


--------------------
Sống trên đời cần phải có 1 tấm lòng để cho gió cuốn đi!



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
summoner131
post Dec 5 2005, 07:53 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #8

sức Bác bao la,sức ta có hạn


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 938
Tham gia từ: 14-August 02
Đến từ: Madain Sari
Thành viên thứ: 155

Tiền mặt hiện có : 65.627$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Trình độ vẫn kém , ngay cả cái vị viết ở cái link kia , nghiệp dư lắm, không đủ cơ sở lý luận . Bình luận âm nhạc là việc khó lắm . Tất nhiên là bảo người VN nghe nhạc kém thì cũng không hẳn , vấn đề là đa số dân mình vẫn coi thưởng âm nhạc và hội hoạ theo truyền thống từ xưa , cộng với đời sống gấp gáp , người nghe nhạc không có nhiều thì giờ để nghe nên dễ dãi đà đành , các nhạc sĩ muốn nuôi vợ con cung chiều theo thị hiếu ấy , hậu quả là một nền nhạc nhẹ hết sức bản sắc . Cái bản sắc ấy là sự manh mún, tạp nham , dở ông dở thằng . Nhưng nói đi thì cũng nói lại , dân trí đang khá lên ở các đô thị .


Bài viết này được sửa chữa mông má bởi summoner131: Dec 5 2005, 07:58 PM


--------------------
"Nhà đạo đức học thất nghiệp" - Chiến sĩ dân chủ Trần Mìn

"Hồng vệ binh trẻ mãi không già" - Việt kiều yêu nước Lơ ngơ

"Hồng vệ binh cảm tử nhưng vô trí" - Pháp sư Mật tông 5xu

"...hữu dũng vô mưu giống như côn đồ xóm chợ, hay mấy anh phường đội quèn" - Nhà thiếu năng khiếu viết lách lanminhdang



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Question
post Dec 6 2005, 09:50 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #9

You are not my friend


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 178
Tham gia từ: 5-November 03
Thành viên thứ: 1.282

Tiền mặt hiện có : 787$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



QUOTE(mth @ Oct 2 2005, 07:27 AM)
Vừa nghe 3 bài của Trịnh Công Sơn do Thanh Lam. Mặc dù không thích, không sùng bái nhạc Trịnh công Sơn, nhưng mà nghe xong Thanh Lam gầm gừ Biển nhớ mí cả Một cõi đi về thấy sợ quá, tụt cả tai vào bên trong mất.
*




Chính xác. Ko dến nỗi tụt tai. Nhưng nghe dằn từng từ một. Nhấn nhá từng từ một. Thở từng từ một. Lúc đầu ko thích, sau thấy nó cũng công phu. Và có tìm tòi. Nhất là nghe bài Lặng lẽ nơi này.


--------------------
It's life's illusions I recall.
I really don't know life at all.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Tit
post Jan 23 2006, 05:14 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #10

Mãi mãi là nụ hậu
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 4.620
Tham gia từ: 5-May 05
Thành viên thứ: 1.707

Tiền mặt hiện có : 1.142.641$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Ca sĩ Khánh Ly lại... nhúng chàm

Ngày 10/1/2006, tại bang California, Mỹ, ca sĩ Khánh Ly (KL) đã có cuộc trò chuyện trực tuyến trên mạng Internet do một tờ báo nổi tiếng chống Cộng, tổ chức. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong cuộc trò chuyện này, KL không tuôn ra những lời nói ngược lại hoàn toàn với những gì mà KL đã bày tỏ trong 2 lần về thăm quê nhà...

Tên thật là Nguyễn Lệ Mai, sinh ngày 6/3/1945 tại Hà Nội, đi hát lần đầu tiên năm 1957 và đoạt giải nhì trong một chương trình có tên “Tuyển lựa thiếu nhi tài sắc”, tổ chức tại Sài Gòn. Sau đó, năm 1962, Khánh Ly chính thức xuất hiện trên sân khấu của các phòng trà như Đồng Khánh, Đại Nam, Hòa Bình... với tư cách ca sĩ.

Cuối năm ấy, KL lên Đà Lạt, hát cho Night Club. Năm 1967, KL trở về Sài Gòn và nổi tiếng với những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bài đầu tiên là “Tuổi đá buồn”. Sau ngày 30/4/1975, KL vượt biên, ở đảo Wake hơn một tháng trước khi được cho đi định cư tại Mỹ. Những ngày đầu trên đất Mỹ, KL sống rất cơ cực, thậm chí có lúc phải đi quét dọn nhà vệ sinh để kiếm sống.

Thập niên 80, khi đời sống của phần lớn cộng đồng người Việt trên đất Mỹ đã tạm ổn định, thì nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ bắt đầu phát triển với sự xuất hiện của những trung tâm băng đĩa, những bầu show. Thời điểm này, KL quay lại sự nghiệp ca hát và tích cực tham gia những show hát chống Cộng, kích động lòng hận thù dân tộc, hung hăng kêu gọi ngày “giải phóng” đất nước, ca ngợi cái thây ma Quân lực Việt Nam cộng hòa. Bên cạnh đó, KL còn giữ vai trò xung kích trên mặt trận văn nghệ của nhóm phản động Hoàng Cơ Minh (sau này, trên đường xâm nhập Việt Nam, Hoàng Cơ Minh đã bị Bộ đội Biên phòng Lào bắn chết).

Tuy nhiên, cuối năm 1996, khi KL cùng chồng là Nguyễn Hoàng Đoan (một nhà báo thời chế độ cũ, cũng nổi tiếng không kém KL trong lĩnh vực chống Cộng ở hải ngoại), làm đơn xin phép về Việt Nam thăm gia đình, và đã được Nhà nước chấp thuận. Ngày 8/1/1997, KL nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rồi trong suốt thời gian ở Việt Nam, KL lúc đi thăm chị ruột ở cư xá Kiến Thiết, thăm nhà cũ ở số 12 - 14 Đồng Khởi, lúc đến gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc ra Hà Nội thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn ở số 106, phố Hàng Bông, lúc vào nghe ca nhạc tại hội quán “Những người bạn”. Thời điểm này, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với KL, và được KL cho biết: “Ở bển (ý nói nước Mỹ), người ta tuyên truyền dữ lắm. Nào là nghệ sĩ như tụi tôi về đây, sẽ bị theo dõi 24/24 giờ, bị làm khó dễ, thậm chí có thể... bị bắt” (?!).

Trong buổi tiếp xúc, suốt gần 2 giờ đồng hồ, KL đã thanh minh về những gì mình làm trên đất Mỹ. KL nói: “Tôi rất hối hận, tôi mong muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường”. Trả lời về việc tham gia những đại nhạc hội do nhóm phản động Hoàng Cơ Minh tổ chức, KL cho biết: “Tôi tham gia vì ham vui, vì... có tiền chứ chẳng bao giờ tin vào Hoàng Cơ Minh. Sau khi thấy rõ những chuyện bịp bợm, tôi từ từ rút lui bằng cách mỗi khi “chúng nó” (nguyên văn chữ dùng của KL) mời tôi hát, tôi lại nói bận hát ở chỗ này, chỗ kia rồi”. Nhận định về nhóm Hoàng Cơ Minh, KL thẳng thừng: “Chúng nó điên hết chứ có tỉnh táo gì đâu. Thật ra, tôi chẳng sợ chúng nó, chúng nó chỉ chuyên nghề chụp mũ, đe dọa là tài...”.

Trở về Mỹ, KL tiếp tục nghề ca hát. Nhưng, đầu năm 2000, người ta lại thấy KL xuất hiện trong một cuốn băng video mang tên “Việt Nam - Cuộc đổi đời bi thảm 1954-2000”. Trong cuốn băng này, những bài hát mà KL trình bày, đều mang nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, sau này KL giải thích là do Việt Dũng tự ý lấy băng KL đã làm kỷ niệm 10 năm xa xứ đưa vào, mà nội dung trong đó là không tốt với đất nước, KL đã thấy sai lầm.

Ngày 4/5/2000, KL nhập cảnh Việt Nam lần thứ hai, vẫn với lý do thăm gia đình. Gặp gỡ chúng tôi, KL ra sức bào chữa rằng, dưới sức ép của đám phản động, KL buộc lòng phải hát vì “không hát thì coi như không xác định lập trường... chống Cộng”. Một lần nữa, KL lại “hối hận”, lại “xin tha thứ”, lại “mong trong nước hiểu cho hoàn cảnh của tôi...”. Hỏi về cảm tưởng của KL qua những ngày về thăm quê, KL đáp: “Vui lắm, thoải mái lắm. Chỉ riêng lĩnh vực ca nhạc thôi, ở Mỹ làm sao mà tổ chức được một live show. Hầu hết đều hát trong phòng trà, nhà hàng ăn, trong... sòng bạc, còn ở Việt Nam, tôi thấy ca sĩ làm live show rất tự do. Hôm đi ăn với mấy người bạn tại nhà hàng Bạch Dương trên đường Lê Quý Đôn, nhiều người nhận ra tôi, yêu cầu tôi hát, và tôi đã hát liền một lúc 3 bài...”.

Những tưởng sau lần ấy, KL sẽ nhận ra đâu là chân lý, đâu là trắng và đâu là đen... Nhưng không, trở về Mỹ, năm 2002, KL tham gia vào cái gọi là “Vận động gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Nam cộng hòa”. Trong buổi ra mắt cuộc vận động, KL đã phát biểu: “Tôi chắc là oan hồn của những chiến sĩ Việt - Mỹ muốn theo chúng ta qua bên này, xứ sở của tự do không Cộng sản. Tôi mong muốn mọi người cùng đóng góp xây dựng để chúng ta có nơi thắp hương, và treo lá cờ vàng ba sọc đỏ...”. Đến năm 2003, KL tham gia một nhạc hội phản động, cũng với những bài hát phản động. Ngày 13/1/2004, KL kêu gọi thành lập “Hội Ái hữu ca nhạc”, kêu gọi tẩy chay những nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn. Ngày 20/2/2004, tại khách sạn Capital Hilton, Washington D.C, trong một đại nhạc hội mang tên “Xin đừng quên tôi”, với vai trò người dẫn chương trình, KL đã yêu cầu ca sĩ Bằng Kiều thực hiện hành động phản bội Tổ quốc, để được “cộng đồng người Việt chấp nhận cho ở lại Mỹ”.

Khánh Ly nói gì trong buổi trò chuyện trực tuyến?

Trong buổi trò chuyện trực tuyến vào ngày 10/1/2006, KL nói rất nhiều nhưng chúng tôi chỉ đưa ra vài ví dụ cụ thể. KL bịa đặt: “Việt Nam trả tôi 2 triệu USD tiền cátsê để mời tôi về hát. Nhưng chắc không có chuyện đó đối với tôi”.

Sự thật của "2 triệu USD" này là, khi KL về nước năm 2000, và trong đêm xé rào, hát 3 bài tại nhà hàng Bạch Dương, một bầu show văn nghệ trong nước đã hỏi KL như câu chuyện làm quà: “Mai mốt mời chị về hát, chị có OK không?”. KL nửa đùa nửa thật - mà thật nhiều hơn đùa: “Mời tôi về, cátsê bao nhiêu?”. Bầu show đáp: “Mỗi bài 2 triệu”.

Hai triệu đồng Việt Nam một bài hát, năm 2000 không phải số tiền cátsê lớn nhưng KL đã thổi lên thành 2 triệu USD, thời điểm đó tương đương 26 tỉ - con số mà ngay cả siêu sao nhạc rock Michael Jackson có nằm mơ cũng không thấy được. Điều này nói lên cái máu mê tiền của KL, tất cả chỉ là tiền.

Nghệ sĩ Duy Thanh, một thời được vợ chồng KL coi như em ruột, đã không chịu nổi, nói: “Ông Đoan (chồng KL) xác nhận Việt Nam mời KL về hát với giá 2 triệu USD mà không cần xin giấy phép. Dĩ nhiên sau đó, ông bà sẽ được Hội Điện ảnh Hollywood mời ông bà về Mỹ, nhận 2 giải Oscar nam nữ diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim dài nhiều tập “Những đứa trẻ giàu óc tưởng tượng”.

Cũng cần nhắc thêm rằng ở Mỹ, giới văn nghệ đã đặt cho KL 2 biệt danh là “ca sĩ xù show” và “nữ hoàng nâng giá”. Sở dĩ có chuyện này là vì rất nhiều nhạc hội, mặc dù đã nhận lời nhưng đến phút chót, KL đòi tăng tiền cátsê, không tăng không hát. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, khi môi giới cho KL đi hát tại Philippines với giá 3.000 USD nhưng vài ngày trước khi lên đường, KL đòi thêm 2.000 USD nữa khiến Trầm Tử Thiêng phải móc tiền túi ra bù để giữ uy tín. Chả thế mà trước khi chết, trong di chúc, Trầm Tử Thiêng dặn gia đình cấm cửa KL, không cho phép đến viếng. Trong show “Đêm dạ vũ mùa đông”, tổ chức vào ngày 20/12/2002, KL cũng đòi tăng thêm 2.000 USD mới chịu hát. Bầu show của chương trình này là bà Nga, đã cay đắng: “Khi nghe tôi nói có mời KL, nhiều người khuyên tôi nên cẩn thận. Tôi nghĩ không đến nỗi vì tôi đồng ý với giá tiền mà KL đưa ra, lại thêm Duy Thanh cam kết, bảo đảm nữa. Ai dè...”. Trong một show khác tổ chức ở thành phố Phoenix, ca sĩ Lệ Thu và KL cùng được mời, nhưng KL cho rằng show này do Lệ Thu đứng sau lưng, tổ chức, và Lệ Thu sẽ kiếm lời nhiều nên KL... xù, lấy lý do phải sang Nhật. Lệ Thu nói: “Theo tôi biết thì cô ta không có đi đâu hết, mà do tức nên cô ta xù show”. Bầu Nam ở Atlantic City cũng là nạn nhân của KL: “Năm 2003, tôi và anh Hưng tổ chức một đêm ca nhạc, có mời KL và KL đã đồng ý cátsê là 3.000 USD. Nhưng, trước ngày diễn ra đêm nhạc, KL điện thoại, yêu cầu phải thêm 2.000 USD nữa thì mới hát. Mặc dù trên quảng cáo có in hình ca sĩ hết rồi, nhưng lật lọng kiểu đó tôi không chơi. Tôi cáo lỗi với khán giả là máy bay hủy chuyến, KL không đến được”.

Nhân cách của KL là thế, nên người ta không hề ngạc nhiên lúc nghe KL trả lời một câu hỏi trong buổi trò chuyện trực tuyến rằng, KL nghĩ thế nào về các ca sĩ trẻ hôm nay: “Bất cứ ca sĩ nào cũng có quyền hát những nhạc phẩm họ yêu thích theo kiểu của họ. Không nên bắt người khác phải làm theo ý mình hoặc phải nghĩ như mình. Chỉ có Cộng sản mới như thế thôi”. Năm 2000, khi tiếp xúc với chúng tôi, cũng chính KL nhận định: “Ở bển nghe tuyên truyền dữ lắm, nhưng về đây mới biết họ chỉ tuyên truyền bịp bợm. Trong mấy ngày vừa qua, tôi đi nhiều nơi, và thấy không khí ca nhạc rất sôi nổi. Ngay cả những quán ăn cũng có “hát với nhau”, ai thích hát thì cứ lên hát”. Điều chắc chắn là trong buổi giao lưu trực tuyến này, KL không phải chịu sức ép của một ai để... bày tỏ lập trường chống Cộng như KL đã từng thanh minh trước đây, cũng như không thể nói vì... ham vui, hay vì thiếu nhận thức. Một lần nữa, KL lại... nhúng chàm. Qua buổi trò chuyện trực tuyến này, KL đã tự tay mình, đóng chặt cánh cửa về với mái nhà quê hương, dân tộc...

Theo CAND

Nguồn


--------------------
Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Điện ảnh - Ca nhạc - Giải trí · Bài mới tiếp theo »
 

2 Trang  1 2 >
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC