Tạp bản in cho chủ đề

Nhấn chuột vào đây để xem chủ đề ở dạng nguyên thủy

Quán nước đầu làng Ven _ CLB Văn Hoá - Lịch sử _ Một Số Bài Viết Thú Vị Từ Facebook

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 14 2017, 09:22 AM

Do một số bác trên langven không thích Facebook nên em đành phải vào FB để copy ra đây. Có nhiều ý kiến khá hay về đề tài lịch sử, thể hiện cách nhìn phi truyền thống.

Where are Yue from?
( Nộp @Cổ Thư Lâu nhé)!
Mỗi đứa trẻ Việt nam 40 năm trở lại đây lớn lên đều được dạy đến thuộc lòng 2 câu:
1- Chúng ta là Con rồng cháu Tiên.
2- “Các Vua Hùng đã có công dựng nước- Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nhớ và tin được hai câu đấy, coi như đã hiểu được chính sử của thời mà nhiều người viết sử gọi là dã sử, hay là khuyết sử, nghĩa là không có thật.
Câu thứ nhất: Con rồng cháu Tiên, có gì đó sai sai :-). Đúng ra phải là "Con Tiên- Cháu Rồng". Vì bà Âu Cơ sinh ra 100 anh em thì đúng rồi, nhưng ông Long Quân, trước khi làm chồng, ổng đã là bậc chú của vợ tương lai của mình. Chuyện này sách cũ nào cũng chép như thế:
Ông Đế Nghi (Ly)và ông Lộc Tục là hai anh em (I) .Con ông Đế Minh
Ông Đế Nghi sinh ra ông Đế Lai (II) Ông Đế Lai sinh ra cô Âu Cơ (III)- đẹp như Tiên
Ông Lộc Tục ( Tức Kinh Dương Vương ) lại sinh chàng Sùng Lãm- tức Lạc Long Quân (II)- Vua Rồng họ Lạc :-)
Như vậy Lac Long Quân- Rồng là bậc chú- lấy Âu Cơ- Tiên là bậc cháu.
Vì thế, đúng tôn ti trật tự, ta phải gọi là Con tiên cháu Rồng mới đúng.
Mặt khác, câu: Dòng Tiên giống Rồng nên được trích dẫn nguyên câu tiếng Việt :” Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài.”. Bà Âu ở rừng, ông Lạc xuống biển, rồng thành giao long thuồng luồng :-). Nên cần phải hiểu Tiên Rồng ở đây theo nghĩa của bản hit của Sơn Tùng MTV là “Chúng ta không thuộc về nhau”. Đấy cũng là định mệnh tiền định của dân tộc mình :-), khó ăn ở, ly biệt nhau hoài :-)
Về câu nói của Cụ Hồ năm 1954 : “Các vua Hùng đã có công dựng nước.” Chắc cụ không ngờ câu nói truyển cảm hứng yêu nước này của mình có tác dụng đến nền sử học miền Bắc suốt 30 năm sau đấy như thế nào. Cụ Hồ đã nói đích danh tên Vua Hùng, tất nhiên phải tồn tại một triều đại vua có tên là Hùng, nghĩa là có nhà nước ở dạng sơ khai, có luật pháp, có quân đội…. Mà đã chứng minh được có một ông vua tên Hùng, thì nhân tiện xây dựng nó thành hẳn một thời đại, tên là Thời đại Hùng Vương kéo dài hơn 2,000 năm với 18 ông Vua. Một nhiệm kỳ 1 thế kỷ,
Trước năm 1960 thời điểm viện Sử học Việt Nam Dân chủ cộng hòa bắt tay chứng minh sự tồn tại của vua Hùng và thời đại vua Hùng, hai trong các sử gia hàng đầu của Việt nam- nếu không nói là 2 người giỏi nhất: Cụ Trần Trọng Kim và học giả Đào Duy Anh đều không thừa nhận có cái gọi là Vua Hùng và thời Hồng Bàng- nhà nước Văn Lang. Các sử gia ngoại quốc, chủ yếu là Pháp cũng nhận định như thế. Có ông còn bảo là Lạc Long Quân thì phải đẻ ra Lạc Vương, lạc hầu, Lạc dân chứ, sao lại đẻ ra Hùng , đấy là ông Maspero, người Pháp , ông này cho rằng Hùng có khi là do chữ Lạc viết trệch đi mà thành :-).
Ý kiến của cụ Trần Trọng Kim có lẽ là xác đáng nhất :” Nhưng ta phải hiểu rằng, nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích mình ở chỗ thần tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình….”. ( Việt Nam sử lược- phần họ Hồng Bàng)
Sử gia miền Nam- Đại tá Việt Nam Cộng hòa, Phạm Văn Sơn thì cho rằng : Thời Hùng Vương chắc có tầm 600 năm trước CN, trừ đi 200 năm thời ông An Dương Vương, lấy con số này chia cho 18 đời vua, 1 ông ngồi khoảng 20 năm, có khi lại hợp lý về mặt thời gian.
Nghiên cứu đầy đủ về thời kỳ lịch sử này được trình bày trong công trình nghiên cứu tên là “Thời đại Hùng Vương” xuất bản năm 1973- do ông Văn Tân, người được coi là trưởng lão của ngành cổ Sử miền Bắc trước 1975, chủ biên. Nghiên cứu này là một ví dụ thú vị về cách làm sử của giới sử học miền Bắc trước 1975. Xin kể ra một vài điểm:
- Để chứng minh quốc gia Lạc Việt- Nhà nước Văn Lang là có thật, các nhà nghiên cứu bắt đầu chứng minh An Dương Vương là nhân vật lịch sử, và thành Cổ Loa chính là vật chứng không thể chối cãi. An Dương Vương có thật thì đương nhiên kẻ bị ông đánh bại- thủ lĩnh của người Lạc Việt- ông Hùng phải là có thật. Ông An Dương Vương có quân đội, đương nhiên ông Hùng cũng có quân đội: 1 đặc điểm của mọi hình thái nhà nước.
Nói thêm một tý, hiện tại, một số nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ tuổi, có 1 người trong đấy tên là Trần Trọng Dương :-) còn táo tợn hồ nghi Thành Cổ Loa xây muộn hơn rất nhiều, vào tầm thế kỷ 9-10 gì đấy. Không dám bình luận thêm về tồn nghi này :-)
- Có ông Hùng cuối thì ông Hùng đời đầu tất nhiên tồn tại. Việc tại sao có 18 đời vua mà đến khoảng 2500 năm, các sử gia lúc đấy giải thích như sau:” .. Nhưng dù sao giới hạn trên cùng này ( năm 2879 trước CN) ở ta chằng qua cũng chỉ nằm trong phạm vi thời đại đồ đá mới…” ( Trang 53) Sau đấy các bằng chứng về khảo cổ học, dân tộc học được đưa ra nhằm chứng minh, những rìu đá, cày đồng… đào ở di chỉ Phùng Nguyên có niên đại tầm 3,500- 4,000 năm. Từ đó suy ra, nhà nước Văn Lang tức thời đại Hùng Vương tồn tại khoảng 2,000 năm là điều tất nhiên. Hay, 1 ông vua giữ nhiệm kỳ hơn 1 thế kỷ không phải là hoang đường
- Một chứng minh vô cùng sáng tạo nữa trong công trình nghiên cứu này để khẳng định tính đầy đủ của hình thức tổ chức nhà nước Văn Lang, đấy là việc nội suy tài tình về sự tồn tại của pháp luật ở thời Hùng Vương. Theo các sử gia, Mã Viện sau khi đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng ( khoảng năm 43 sau CN tức cách các đời đầu vua Hùng khoảng 2000 năm) đã tâu lên vua Hán rằng: Luật bên đất Giao Chỉ này có khoảng 10 điều khác bên ta. Các sử gia ta căn cứ vào đấy và khẳng định rằng: Thời 2 Bà Trưng đã có luật, luật đấy phải có từ trước đấy -> thời Hùng Vương có luật. :-) . Ngoài ra việc An Dương Vương chém Mị Châu, chứng tỏ, thời đấy đã áp dụng tinh thần luât pháp Quân pháp vị thân. ( trang 164- 165)
-
Với hơn 10 năm nghiên cứu với các chuyên ngành bổ trợ: khảo cổ, dân tộc học, ngôn ngữ so sánh, địa lý học... từ 1960 đến 1970, các sử gia miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc công cuộc chứng minh vua Hùng là có thật, thời đại Hùng Vương 2,000 năm là sự thât lịch sử chứ không phải là huyền thoại hoang đường.
Căn cứ vào kết luận khoa học này, Lời mở đầu Hiến pháp năm 1980 dõng dạc:” Trải qua 4000 năm lịch sử , nhân dân Việt nam lao động cần cù…”
Không hiểu sau đấy Viện sử học có thêm công trình nghiên cứu khác không, mà các Hiến pháp từ năm 1992 về sau sửa lại một tý : “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử,……” :-).
Từ 4 đến mấy, không hiểu cái nào dài hơn :-). Nhưng nếu thật có 2 ngàn mấy trăm năm thời đại Hùng Vương thì cũng tự hào văn minh mình ngang Trung quốc, đồng thời nên xem xét lại: 1 đất nước có mà có 4 ngàn năm văn hiến (3,000 năm không có chữ viết) , 100 năm Đảng quang vinh văn minh lãnh đạo, mà bây giờ vẫn tèn tèn như vậy, thì không thể đổ lỗi cho chế độ, thể chế được. Mà chỉ có thể là do phẩm cấp, level dân tộc mình chỉ ngang đó. Kể cả sử gia có thêm mắm thêm muối gì vào thì nó cũng vậy rồi. Trời cho nhiêu hưởng nhiêu đi!

Tác giả: Trung Tran Lam - FB

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 14 2017, 09:24 AM

Luật sư- who is who?
(Lượm lặt cắt dán cho tiêu hóa nổi buồn Juve tối qua)
Người được gọi là tiến sĩ luật nước ngoài đầu tiên của Việt Nam, có lẽ là ông Nguyễn An Ninh ( Sự thât là ông chưa bảo vệ luận án). Nhị huynh của anh Nguyễn Tất Thành những năm đầu thế kỷ 20 ở Pháp. Trong nhóm Ngũ Long Paris lấy tên Nguyễn Ái Quốc lúc đấy, Nguyễn An Ninh chính là người dạy cho anh Nguyễn tiếng Pháp mà chính tác giả Trần Dân Tiên sau này cũng đã thừa nhận trong cuốn vừa đi đường vừa kể chuyện: Lúc đầu, ông Nguyễn không rành tiếng Pháp lắm nên bài viết được các ông Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền giúp dịch sang tiếng Pháp trước khi anh Nguyễn đem bài đi nộp tòa soạn.
Sống được khoảng hơn 40 năm, Nguyễn An Ninh có 5 lần bị Pháp bắt đi tù với hơn 10 năm thụ án tù vì truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Có những huyền thoại 90% sự thật về ông như khi cha ông bán ruộng để có tiền làm báo La Cloche Fêlée ( Tiếng Chuông rè ) để tuyên truyền lòng yêu nước và đả phá chế độ thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, thực dân Pháp đã làm mọi cách để không cho báo của ông đến tay bạn đọc, bằng cách không bán giấy, cấm nhà in in báo cho ông, truy bắt, đe dọa những người mua báo của ông đọc. Cách đơn giản nhất để họ không cho ông ra báo là bắt ông vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để thưc hiện hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước, thì họ không làm, chính xác là không được làm vì pháp luật thời đấy không cho phép. Đấy là năm 1924, cách đây gần 1 thế kỷ :-)
Ông Nguyễn An Ninh còn nổi tiếng bởi huyền thoại, có thời phải đi bán dầu cù là ở Sài gòn để kiếm sống. Dầu cù là do chính ông làm, người dạy ông làm dầu cù là là hoàng tử Miến Điện, trong một chuyến thăm Sài gòn vào cuối những năm 30 đã truyền lại cho ông quy trình sản xuất. (Theo sách của ông Nguyễn Đức Hiệp viết về Sài gòn những năm trước 45). Cuối đời, khi ở trong tù, ông được người Nhật 2 lần mời ra tham gia chính quyền thân Nhật. Ông say No. 2 lần ủy viên Trung Ương Đảng cộng sản Pháp lẫn 1 trong 5 khai quốc công thần của Đảng Cộng sản Đông Dương, Châu Văn Liêm mời ông tham gia Đảng Cộng sản. Ông cũng say No. Cho dù, hầu hết những quốc phụ của Đảng cộng sản như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thị Minh Khai, kể cả Nguyễn Ái Quốc, đều nhận được sự giúp đỡ, hợp tác đến nơi đến chốn kiểu anh Hai từ ông.
Vị tiến sĩ luật thứ 2, còn xuất sắc hơn về mặt học thuật, và bằng cấp là ông Nguyễn Mạnh Tường. Năm 23 tuổi, ông lấy một lúc hai bằng tiến sĩ, Một luật khoa, 1 văn chương không phải tại chức mà là của đại học Montpellier bên Tây, cùng vào một năm. Một thành tích mà trong lịch sử trường này, ông là người duy nhất. Ông Tường, là người đã đứng vai luật sư bào chữa và phản đối bản án tử hình mà tòa quân sự quân khu 3 của Việt Nam dân chủ Cộng hòa tuyên vắng mặt đối với công dân Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại năm 1951 Ông Tường có lẽ sẽ là một nhà làm luật tâm huyết, một nhà văn hóa, giáo dục xuất sắc cho chế độ, nếu như không có Nhân văn Giai phẩm, vụ án chôn vùi 2 trong số hiếm hoi nhân tài vượt bậc của Việt Nam trong thế kỷ 20: Nguyễn Mạnh Tường ( Tiến sĩ Luật học) và Trần Đức Thảo (Thạc sĩ triết học), người được coi là triết gia duy nhất của Việt Nam. Sau khi ông Tường cho rằng chính trị dù sao cũng không được đứng trên Pháp luật và ông Thảo a dua theo rằng dân chủ cần được tôn trọng trên tờ Nhân văn năm 1956 thì chính phủ Cụ Hồ đi đến kết luận việc có lợi nhất của 2 ông để đóng góp cho công cuộc đánh đổ đế quốc, tư bản, giải phóng miền Nam lúc bấy giờ , là hai ông không nên làm gì , suốt 30 năm sau đấy, ngoài việc hiếm hoi đứng cùng các lãnh đạo Nhà nước trong các dịp đón tiếp thượng khách Phương Tây.
Ông Tường bị phế bỏ năm 1957, cách hết các chức vụ, không cho tham gia giảng dạy Luật và văn chương ở trường Tổng hợp. Năm 1959 Việt nam Dân chủ cộng hòa giải tán luôn bộ Tư pháp. Đồng nghĩa với việc trong chế độ: “Có nơi nào đẹp hơn như thế- người với người sống để yêu nhau” luật sư thì không cần. Đồng nghĩa luôn với việc không nên có một ông tiến sĩ Luật nào.
Về cuối đời cũng như ông Thảo, ông Tường được Đảng và Nhà nước cho đi du lịch Pháp, nơi các ông thành danh lúc trẻ và được nói lời cay đắng lúc về già.
Cả 2 ông đã không xin ở lại như cách phó Tổng biên tập báo QDND – Đại tá Bùi Tín đã làm.
Ông Thảo tập trung vào công trình triết học chứng minh chủ nghĩa biện chứng của Mác là sai lầm, làm sắp xong thì chết vì đau bụng đi ngoài :-(. Còn ông Tường hoàn thành hồi ký dịch ra tiếng Việt là “ Kẻ bị rút phép thông công” bản dịch trên mạng của dịch giả Nguyễn Quóc Vỹ, là một bản dịch rất đáng đọc. Ông Tường mất tại Hà Nội năm 1997.
Ở miền Nam trước 1975, người được coi là giỏi về Luật dân sự nhất, thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đệ nhất Cộng hòa thời ông Diệm, trưởng khoa Luật Đại học Luật Sài gòn, Thẩm phán tòa thượng thẩm Sài gòn, Ông Vũ Văn Mẫu, người biết thành thạo cả tiếng Anh, Pháp lẫn La tinh, cũng chỉ có bằng thạc sĩ Luật học, tức tương đương bằng cấp của cán bộ phòng tư pháp huyện Đông Anh hay Hóc Môn bây giờ. Hay tệ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, nguyên chủ tịch thương viện, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa,người đã từng tham gia bào chữa cho Tổng bí thư thứ 3- Hà Huy Tập, lẫn ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, cũng chỉ là cử nhân luật của trường Luật Hà Nội trước 45, tức bằng cấp tương đương với đa số chuyên viên tư vấn khách hàng công ty Thiên Ngọc Minh Uy hay Vision bây giờ :-)
Người được coi là Luật sư tầm quốc tế đúng nghĩa đương thời, biết 2 ngoại ngữ Anh và Pháp, và là được cho là luật sư duy nhất người Việt nam đủ trình độ tham gia vụ kiện về cá basa, bằng không phải tiếng Việt :-): Luật sư Lê Công Định, người vào năm 2009 đã bị bắt với bằng chứng quay lên ti vi là đã dùng 6 cái điện thoại khác nhau, số lượng nhiều gấp 3 lần số bao cao su, cũng là bằng chứng để một ông tiến sĩ luật khác trở thành nhà bất đồng chính kiến. Ông Cù Huy Hà Vũ, tiến sĩ luật học, đai học Sorbonne, Paris.
Bộ Tư pháp, đã được tái lập vào năm 1981 và hiện đang còn cãi nhau, luật sư có quyền tố cáo thân chủ như thế nào :-)
Số tiến sĩ luật bây giờ ở Việt nam không có con số chính xác, nhưng không thể dưới con số 100, ngôn ngữ luận án lẫn bảo vệ, đương nhiên, được trình bày bằng tiếng Việt giàu đẹp và trong sáng!

Tác giả: Trung Tran Lam - FB

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 14 2017, 09:28 AM

Nhân chuyện Trotsky và một tinh thần cộng sản khác ở một post dưới.
Không biết trong sách giáo khoa văn ở cấp ba có còn bài thơ này:
Đàn ghita của Lorca
(Thanh Thảo)
Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn
(F.G. Lorca)
Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
Lilalilalila
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
lilalilalila...
Lên nghe thử giảng văn bài này trên YouTube, thấy các thầy cô chuyên luyện thi nói đều chưa đã. Lorca là một trong những tài năng thơ lớn nhất ở thời của ông, thời chiến tranh Tây Ban Nha đẫm máu và tàn khốc, khi chế độ độc tài Franco, được sự hỗ trợ của phát-xít Đức và Ý, đàn áp dã man cuộc cách mạng của những người cánh tả trong nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939. Phe cộng sản, được Liên Xô hậu thuẫn, đã thua cuộc chiến vì sự chia rẽ trong chính nội bộ, giữa những tay cộng sản tài tử (la_communista )))) như Lorca, Picasso, Hemingway - những người Trotskist nửa mùa - và một bên là phe cộng sản Stalin. Lorca bị chế độ Franco xử bắn năm 1936. Bài thơ của Thanh Thảo tất nhiên là rất hay, nhưng cũng nên nghe thêm Thế Hiển hát "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta":
https://www.youtube.com/watch?v=cdknFXMROsU
Thơ Lorca, giữa những năm tháng cay đắng và nghiệt ngã nhất của một cuộc cách mạng vừa bị đàn áp, vừa bị bội phản, vẫn chan chứa, lồng lộng, đầy hào khí mà không gượng ép, nhẹ nhàng, phảng phất, là thứ thơ ca hay được trong mọi ngôn ngữ. Mình nhớ khi còn học cấp ba, có biết qua hai bài, hình như đều thuộc phần đọc thêm, mà bài Vĩnh biệt là một trong những bài mình thích nhất:
Nếu tôi chết đi,
Xin cứ để ban-công rộng mở.
Em nhỏ đang ăn quả cam,
Cho tôi còn được thấy.
Người nông dân đang gặt lúa ngoài đồng,
Cho tôi còn được nghe.
Nếu tôi chết đi,
Xin cứ để ban-công rộng mở.
Một bài nữa là "Bài hát", với đoạn đầu "Cô con gái mặt đẹp, đang hái quả ô-liu, ngọn gió quen ve vuốt, ôm tấm thân yêu kiều". Lorca, có bạn thân là đại danh họa Salvatore Dali (bài thơ của Thanh Thảo, thật kỳ lạ, rất giống một bức tranh của Dali), bản thân ông vì thế cũng có vẽ vời đôi chút, chủ yếu là minh họa cho thơ của mình dưới dạng tranh phác thảo. Xin xem bức phác thảo cô gái rất gần hình ảnh cô gái hái ô-liu trong "Bài hát". Cây đàn ghi-ta, em nhỏ và trái cam, cánh đồng lúa vàng, cô gái hái ô-liu là những điều bất diệt, dù chế độ nào, lý tưởng nào, lãnh đạo nào, và cả cuộc chiến tranh nào đi nữa, mình nghĩ đó mới là tinh thần chính của thơ Lorca, chứ không phải là sự tranh đấu tầm thường.
Năm 1937, một năm sau khi Lorca chết trên pháp trường, Pablo Picasso vẽ Guernica lừng lẫy. Bức họa này giờ đặt ở Hội đồng bảo an với khổ lớn, như một lời nhắc nhở những chính trị gia nắm vận mệnh thế giới về cái giá của chiến tranh. Giai thoại kể khi chế độ Quốc xã hỏi Picasso: "Ông đã làm ra bức tranh này hả (Guernica)", ông đáp: "Không, chính các người đã làm ra nó".
Tới thời hiện đại, Tổ chức ly khai xứ Basque (ETA), căn cứ địa của phong trào cánh tả những năm 1930, vẫn chống đối chính quyền trung ương ở Madrid, nay đã dân chủ hóa, tới tận những năm 2000. Guernica chính là được thực hiện sau một cuộc tắm máu của phe Franco với những người Cộng hòa cánh tả ở gần Bilbao. Basque cũng có đội tuyển quốc gia của riêng họ (dù không được công nhận), và đội bóng lớn nhất vùng Bilbao vẫn không chấp nhận sử dụng cầu thủ không phải người xứ Basque.
Minh họa
1: Xử bắn Lorca
2: Guernica ở Hội đồng bảo an
3: Dòng chữ trên tường: "Tù nhân Basque"
4: Xin cứ để ban-công rộng mở
5: "Ngọn gió quen ve vuốt, ôm tấm thân yêu kiều"
6: Lá cờ Bilbao trên khán đài
Bài nào cũng dài, cảm ơn chủ nhà chứa chấp.

Bản: "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta" trước Thế Hiển đã có một ca sĩ khác trình bày rất hay vào cuối những năm 80 với đoạn intro flamingo sôi động đậm chất Carmen. Thời đấy với phong cách trẻ trung bốc lửa như thế, chỉ có ở duy nhất một cái tên : Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng của những cái tên : Hùinh Phước Liên (í ngắn ), Thanh Tùng, Mỹ Hạnh, Ngọc Thúy....
Quay lại cách mạng Tây Ban Nha :-). Cuộc cách mạng lãng mạn này đã từng nhận được sự cổ vũ của nhân dân Việt Nam. Vào năm 1945, ở Hà Nội, giới chức, đồng bào Thủ đô, dưới sự hướng dẫn, tuyên truyền của Chính phủ Cụ Hồ, với mọi nỗ lực có thể để quốc tế biết mặt đặt tên, đã tổ chức tuần hành mít tinh phản đối chế độ Franco độc tài. 90% ngườí đi mít-tinh không biết nước Tây Ban Nha ở đâu, 99% không biết Franco là ai :-)

Những người cộng sản, xã hội chủ nghĩa - ở một phía khác, lại có những cái tên: Đảng Công nhân Đức quốc gia Xã hội chủ nghĩa, và Đảng cộng sản Campuchia. Hai đảng được thành lập và thành danh với hai cái tên làm kinh hoàng cả châu Âu lẫn Đông Nam Á: Hitler và Polpot.
Một chủ thuyết tạo ra một đa dạng sinh học như thế, làm sao có thể thất bại được cơ chứ!

Tác giả: Trung Tran Lam - FB

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 14 2017, 09:31 AM

Con nít đá vầy là hay rồi, lấy đâu ra thời thế hệ vàng mà có được cú sút của Quang Hải:-)
Nói chuyện dã sử- 1 tin 10 ngờ cho vui:
Ngày 11/11/1945, 2 tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Cụ Hồ đã có một quyết định vô tiền khoáng hậu mà nếu không có uy tín tuyệt đối của mình thì Cụ có thể bị coi là kẻ đồ sư diệt tổ: Tuyên bố giải tán Đảng cộng sản Đông Dương, rút vào hoạt động bí mật dưới cái tên Hội những người nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương . Không biết lúc đấy Cụ và những cộng sự đã làm công tác tư tưởng đến đội ngũ Đảng viên tốt đến mức nào mà không có ai lên tiếng phản đối quyết liệt hay ly khai thành lập Đảng mới, cũng như không sách sử nào ghi Đảng phí những năm sau đấy có được miễn hay không:-). Nguyên nhân giải tán Đảng do lúc đấy chữ Cộng sản là trở ngai lớn nhất để Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng thống chế (lực lượng đỡ đầu, nuôi dưỡng hầu hết những người yêu nước Việt suốt hơn 10 năm trước đấy, bao gồm cả Cụ Hồ) chấp nhận chính phủ liên hiệp do Cụ đứng đầu.
Đấy là công tác đối nội trong Đảng mà Cụ đứng với tư cách chủ tịch.
Về đối ngoại: Với tư cách Ngoại trưởng, một mình Cụ Hồ chèo chống để hết mua thuốc phiện tặng Tàu, uống whisky với CIA, tặng kẹo con nít, nhảy đầm với phụ nữ Tây hết hơn 1 năm từ tháng 9-45 đến 12-46 nhằm sống sót qua ngày đặng đủ sức rút về hưởng cảnh rừng Việt Bắc thật là hay, cầm cự được cho đến hết năm 1947, thời điểm mà Liên Xô bắt đầu chịu chìa cánh tay ra giúp đỡ và Giải phóng quân Trung hoa đã chiếm thế thượng phong trên chiến trường Mãn Châu với quân Tưởng Giới Thạch để rồi năm 1950 ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao chủ tịch vĩ đại. Thời điểm mà những người cộng sản bắt đầu có nhau :-)
.
Còn đối với những người khác?
1945-1947 là một giai đoạn mà có lẽ nếu được kể ra, môn Lịch sử Đảng phải là môn hấp dẫn nhất trong trường đại học thay vì là thuốc ngủ liều cao. Hấp dẫn nằm ở chỗ có nhiều cái chết bí ẩn và cho đến giờ không có thông tin nào là chính xác, ngoài việc những người chết là có thật :-)
Danh sách những người chết/ mất tích lúc đấy, có thể kể đến:
-Cụ Phạm Quỳnh- Thượng thư bộ lại triều Bảo Đại, công của cụ này với dân tộc chủ yếu nằm ở Tạp chí Nam Phong, tờ báo khai sáng văn minh và truyền bá quốc ngữ cho dân Bắc Kỳ do cụ chủ trì suốt 17 năm. Cụ Phạm với nhà Ngô Đình có oán thù với nhau vì xung đột lợi ích nhóm- thời cụ và ông Ngô Đình Diệm cùng là Bộ trưởng triều Bảo Đại. Cụ Phạm Quỳnh bị giết, chôn chung cùng với…. anh ông Diệm ( Ngô Đình Khôi – Tổng đốc Quảng Nam). Sống không nhìn mặt nhau, chết chôn chung 1 hố, cái này gọi là oan gia ngõ hẹp. Cu Phạm Quỳnh bị giết, thật sự không biết vì tội gì. Con cụ, là người sáng tác: “Như có Bác trong này vui đại thắng” và “Đảng đã cho ta một mùa xuân :-).
-Ông Tạ Thu Thâu và nhóm những người cộng sản theo hệ phái Trosky- tức Trốt-kít, khai quốc công thần của nước Nga xô viết, còn gọi là Đệ tứ cộng sản. Bao gồm các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch…. ở Sài goòng. Những trí thức thuộc loại ưu tú nhất của Việt nam thời lúc đấy, cùng học ở Pháp và cùng bị trục xuất về nước một lần vì biểu tình chống Pháp tại Paris ( Paris xin, not Panoris có Hồ Gươm :-)), cũng cùng đi tù Côn Đảo mấy năm. Hệ phái Đệ tứ cũng là cộng sản xịn nhưng họ cho rằng không nên liên minh công nông làm cách mạng vì nông dân mãi mãi là tư hữu, lỡ khi cách mạng thành công rồi lại mất công cướp lại ruộng đất từ người nông dân một lần nữa :-). Cái này lúc đấy có thể sai, còn giờ thì không biết :-0. Nhóm này chết sạch sành sanh trước năm 1947, sau 7 năm sư tổ của các vị này, Leon Trosky, người có khuôn mặt đẹp như một bức tượng Hi lạp, người đáng lẽ kế vị Lê nin- bị một nhát búa vào đầu, khi đang tị nạn chính trị ở Mexico.
Riêng ông Thâu, người được coi là có khả năng diễn thuyết hay nhất Nam Kỳ, tiếng ta lẫn tiếng Tây còn có huyền thoại được ghi lại trong các sách về lịch sử Đệ tứ: 3 lần đem đi bắn, 3 lần được dong về lại vì dân quân Quảng Ngãi nghe ổng nói hay quá không nỡ bắn, lần thứ 4 mới bị đâm chết. Cũng theo sử sách không thể kiểm chứng, Cụ Hồ đã khóc khi nghe tin ông Thâu bị giết. Trước 75 ở Sài goòng có tên đường giày dép Tạ Thu Thâu bên hông chợ Bến Thành, nay đổi là Lưu Văn Lang, người cùng thời với ông, kỹ sư cầu đường đầu tiên của xứ Đông Dương.
-Trưởng lão Hòa Hảo- Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, mất tích khi 39 tuổi trong lúc đang giảng hòa xung đột Hòa Hảo- Viêt Minh ở miền Tây. Đoạn cuối cùng cuộc đời của Giáo chủ hấp dẫn không kém hồi loạn đả trong Tư quá nhai giữa đám mù của Tả Lãnh Thiền và Lệnh Hồ thiếu hiệp. Khi giáo chủ tịch, Hòa hảo có khoảng 2 triệu tín đồ, gấp phải đến mấy trăm lần số lượng thành viên hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương thời đấy, đồng thời Huỳnh Phú Sổ là đương kim chủ tịch Mặt trận Quốc gia Thống nhất Liên hiệp ủng hộ quốc trưởng Bảo Đại hồi loan :-). Ông Trần Văn Giàu, người nắm quyền cao nhất của Việt Minh ở Nam Bộ lúc đấy cho rằng Giáo chủ bị giết là do quân địa phương manh động. Ông Giàu, sau đi dạy Sử :-)
.
Một cái chết cũng không rõ tung tích cho đến giờ, là Trung ương Uỷ viên quân sự, Trung tướng Nguyễn Bình. Người được Cụ Hồ cử vào Nam Kỳ thống nhất các lực lượng vũ trang chống Pháp. Đơn thân dân Bắc Kỳ vào mà đủ sức kiềm tỏa đám lục lâm Bình Xuyên của Dương Văn Dương, Mười Trí, Bảy Viễn…. Nói về vai vế, chức vụ, Nguyễn Bình nếu sống thêm vài năm nữa, sẽ là vị đại tướng thứ 2 sau cụ Tướng quê em. Nguyễn Bình hi sinh trên đường ra Bắc, trong thời điểm giang hồ Nam Kỳ thách kẹo cũng không dám đụng cái lông chân của ổng. Trước khi theo Cụ Hồ, Nguyễn Bình là đảng viên Quốc Dân Đảng, bị chính đồng chí mình đâm chột một mắt trong tù . Độc nhãn tướng quân, chết không để lại gì ngoài huyền thoại :-).
Một ông kém tiếng hơn, cũng được cho là mất tích, có cái tên rất hay: Trương Tử Anh đảng trưởng đảng Đại Việt, đảng phái duy nhất có chiến khu, có trường đào tạo binh sĩ thời đấy (và cả sau này ở miền Nam- chiến khu Ba Lòng ở Thừa Thiên, sau bị cậu Cẩn dẹp) , đảng này thân Nhật, chống Pháp lẫn cộng sản. Đến giờ không ai biết ông này vì sao mà mất tích mặc dù thời điểm ông sắp chết, thành viên đảng Đại Việt ở miền Bắc bị tiêu diệt gần hết bởi Công an Việt Minh, được chỉ huy, bởi một ông, cũng là giáo viên Sử , cụ Tướng quê em :-)

Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng, Nam thì Pháp Anh, Bắc thì Tàu Tưởng, những người cộng sản cương cường thời đấy đã biết làm gì và không làm gì với ai. Huống hồ giờ :-).
Nên nếu thời đại học, chịu khó học lịch sử Đảng cho đàng hoàng, thì các thủ lĩnh phong trào dân chủ tiến bộ, bất đồng chính kiến, nhà đấu tranh nhân quyền... hiện giờ sẽ biết rõ, cơ hội để họ đồng hành với dân tộc, với đảng, đồng nghĩa với từ hờ oang hoang, đờ ương đương huyền đường! :-)
Thêm nữa, muốn làm gì đến nơi đến chốn thì cũng phải học Sử :-)
Tư liệu, thông tin Cọp bi từ cuốn 60 năm Đệ tứ Việt Nam và các nguồn không chính thống khác :-)

Tác giả: Trung Tran Lam - FB

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 14 2017, 09:40 AM

Gươm giữa rừng gươm!
Tháng 2 năm 1930, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, “ Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng đến Kow Lon, HongKong để bàn việc hợp nhất” ( @ Sách lịch sử lớp 12). Trong hoàn cảnh các đảng cộng sản lúc đấy đang “ Sử dụng nhiều- nếu không nói là tất cả nghị lực và thời gian trong cuộc đấu tranh nội bộ và bè phái” ( Trích Văn kiện Đảng toàn tập tập 2 trang 15 
Kết quả của việc hơp nhất này là sự ra đời của Đảng cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm . 4 liệt tổ liệt tông lúc đấy là Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, Trinh Đình Cửu. Chính cương vắn tắt, sách lược và điều lệ Đảng vắn tắt do hội nghị thông qua có luận điểm quan trọng nhất là lực lượng cách mạng đánh đổ chế độ thực dân bao gồm cả tầng lớp tiểu tư sản và tư sản. Phụ trách ban chấp hành (tương đương chức Tổng bí thư ) là đồng chí Trịnh Đình Cửu. Chức vụ cuối cùng đồng chí này giữ là phó giám đốc học viện… Nguyễn Ái Quốc.
Tại thời điểm hội nghị hợp nhất diễn ra, hai hạt giống đỏ của Quốc tế cộng sản vừa tốt nghiệp đại học Phương Đông được cử về Việt nam để lãnh đạo phong trào cộng sản trong nước, trong đó, việc quan trọng nhất là… hợp nhất các đảng . Trần Phú và Ngô Đức Trì. Hai đồng chí này về đến Việt nam thì sự đã rồi. Đảng cộng sản Việt nam đã ra đời được 2 tháng.
Tháng 10-1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng được nhóm họp để sửa chữa sai lầm của hội nghị nhất tháng 2 và kết quả của hội nghi là:
- Phê phán sai lầm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong hội nghị hợp nhất Đảng hồi tháng 2 là nóng vội và hợp nhất đại trà không có chọn lựa. “… Đồng chí này đã nhìn nhận sai lầm và đồng ý sửa chữa”, báo cáo của hội nghị gửi cho Quốc tế cộng sản có đoạn 
- Lên án chủ trương để giai cấp tư sản và tiểu tư sản đứng chung trong hàng ngũ cách mạng
- Ra án nghị quyết: Thủ tiêu chính cương vắn tắt, sách lược và điều lệ cũ của Đảng. Đổi tên Đảng
- Bầu lại toàn bộ Ban chấp hành Trung ương Đảng, không có 1 đồng chí nào trong ban chấp hành cũ cách đây 8 tháng được tái đắc cử :-)
Nói cách khác,toàn bộ kết quả của Hội nghị hợp nhất các Đảng dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản ngày 3-2-1930 , dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã bị hủy bỏ và thay đổi hoàn toàn sau 8 tháng. Lý do có thể nằm ngay trong nội dung sách lịch sử lớp 12 “Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng đến Kow Lon, HongKong để bàn việc hợp nhất”.
Việc hợp nhất các đảng cộng sản trong nước là chủ trương của quốc tế cộng sản nhưng hợp nhất như thế nào, đường lối như thế nào thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc tự quyết định và hầu như trái ngược với quan điểm của quốc tế cộng sản , đặc biệt trong vấn đề gác lại mục tiêu đánh đổ phong kiến, tư sản. Đầu năm 1931 đồng chí Trần Phú còn gửi thư than phiền đến Phân bộ Viễn Đông của Quốc tế cộng sản rằng :" Không nên sử dụng đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm người trung gian vì ông ta “quá vắn tắt và đôi khi chỉ thị cho chúng tôi những ý kiến cá nhân mà không thông qua các đồng chí”.
Trong khi đấy, với khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong năm 1930, dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung kỳ Nguyễn Đức Cảnh, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra mạnh mẽ ban đầu và sau 4 tháng càn quét cả trung nông lẫn địa chủ, người nông dân chỉ còn một mình một phe và nhanh chóng bị đàn áp khi những người cộng sản trung kiên đầu não bị bắt.
Đồng chí Ngô Đức Trì, sau đấy được cho là kẻ phản bội có chức vụ to nhất trong lịch sử Đảng- 1 trong thành viên BCH TW Đảng khóa I,số 7 cũng ám vào ông: sau 7 ngày bị người Pháp tra tấn ở Khám Lớn Sài Gòn năm 1931, ông đã khai ra nơi ẩn nấp của người đồng chí, đồng môn và là chỉ huy tối cao của Đảng, Trần Phú hi sinh sau 1 năm đi tù còn Ngô Đức Trì tuy phản bội nhưng vẫn bị kêu án 15 năm tù, 10 năm sau thì chết.
3 đời tổng bí thư kế tiếp từ Lê Hồng Phong cho đến Hà Huy Tập, đường lối cứng rắn chỉ sử dụng giai cấp công nhân và lực lượng nông dân làm nòng cốt cách mạng tiếp tục được duy trì cho đến khi tất cả đều hi sinh :-)
. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, trong 10 năm kế tiếp đấy, đơn thân duy trì đường lối dân tộc chủ nghĩa và có những giai đoạn, vì thế, đồng chí không có việc gì làm :-)
.Thậm chí năm 1935, tổng bí thư đảng lúc đấy là Hà Huy Tập còn yêu cầu trong một báo cáo: “Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin nên thảo một văn bản để tự kiểm điểm bản thân và những thất bại trong quá khứ” , đồng chí Hà Huy Tập còn cho rằng “ .. Nguyễn Ái Quốc không phải là người cộng sản”.
Cho đến tận 1940 đặc biệt sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có bên mình Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.... Lịch sử mới sang trang. Gươm báu giờ mới được tuốt ra :-)
Với chỉ 10 năm cương cường nhẫn nhịn mà kiên quyết vẫn giữ vững đường lối dân tộc chủ nghĩa bất chấp sinh mệnh chính trị lẫn thể chất đấy thôi, Nguyễn Ái Quốc đã đứng cao hơn tất cả những người cùng, và sau ông một thế hệ!
Chưa kể đoạn 10 năm trước đó và 20 năm sau đấy :-)
Happy birthday!
• Các trich dẫn lấy từ cuốn Hochiminh- missing years của bà Sophia Quinn Judge và sách sử lớp 12 NXB GD :-)

Tác giả: Trung Tran Lam - FB

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 20 2017, 06:09 PM

@nvt,
Tưởng nvt chỉ quan tâm tới thiền. Hôm nay mới đọc cái này. Nhưng điều anh bạn này viết ở đây thực ra không có gì là mới mẻ, ai mà quan tâm tới lịch sử thế giới, VN trong thế giới, lịch sử tôn giáo Vn và thế giới, lịch sử quốc tế cộng sản..thì đều biết.
Đã muốn biết thì nên tìm hiểu rộng thêm, chứ không nên căn cứ vào mấy cái điều này, bởi vì nó hơi hạn hẹp và có định hướng. Còn định hướng về phía nào, để làm gì thì chắc tôi không cần phải nói.
Sách giáo khoa lịch sử nó chỉ trang bị cho người ta những cái gốc thôi. Cái gốc đó quan trọng để một cộng đồng người có thể chung sống được, cùng phát triển, chứ nó không phải là chưa đựng tất cả các sự kiện, hiện tượng trên đời. Chứ nếu chỉ học xong 12 năm phổ thông cơ bản, mà có trình độ như ông tiến sĩ ở trong tất cả các nghành thì làm sao mà có.
Cũng có những điều tỉ mẩn, anh bạn này viết mà tôi không rõ. Ví dụ, bài có bác Hồ trong ngày vui đại thắng tôi nghĩ là của Lưu Hữu Phước, chứ không phải là Phạm Tuyên. Nhưng có thể tôi nhầm, cũng như Phạm Tuyên là con Phạm Quỳnh thì tôi cũng không rõ.
Trong quan niệm lịch sử, nó còn có một phần như dạng tâm linh, niềm tin chung. Ví dụ việc VN có 4000 năm lịch sử, con rồng cháu tiên là thuộc phần này. Chứ còn nói kiểu khoa học, thì ai chăng là con cháu của loài khỉ. Nhưng thử nói điều đó với một người công giáo thì có lẽ người ta sẽ nhẩy chồm lên mà bảo con người sinh ra từ Adam và Eva chứ khỉ với đười ươi nào ở đây.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng ở trong làng ven, tôi đã có nói là lịch sử VN có khoảng 2000 năm thôi. Dựa vào chứng cớ lịch sử ghi lại, chủ yếu là trong cổ thư của TQ. Nhưng hình thành nhà nước là một vấn đề ? rồi lúc nào người Việt nhận thức được là người Việt lại là vấn đề nữa. Nếu nói về khảo cổ, thì 10000 năm trước đã có người sinh sống ở VN ngày nay, và hiện vật để lại chính là cái trống đồng. (tất nhiên trống đồng có khắp ĐNA, nhưng trống đồng ngọc lũ với hình chim lạc thì chỉ có ở VN).
Thế tại sao lại 4000, ở đâu ra. Đây chính là tư duy của các nhà Nho VN. Ở đây các nhà Nho VN đã kết hợp dã sử (tức là các truyền thuyết dân gian ) mà tạo tác ra theo cách viết sử của TQ. Và vì thế lịch sử Vn bắt đầu bằng Thần Nông, là một trong 4 tứ đế có trong văn hoá TQ, rồi đi dần xuống. Vì sử TQ bắt đầu từ 5000 năm (với Hoàng đế rồi nhà Thương), thì vì thế mà sử VN là 4000. Vì sự truyền thừa từ Hoàng đế xuống Thần nông mất 1000 năm.
Nếu coi lịch sử VN bắt đầu với sự xuất hiện của con người sinh sống (với sự chấp nhận, ta ngày này là hậu duệ) thì lịch sử VN có 10000năm. Nếu xác định lịch sử VN có bằng chứng nhà nước ghi trên giấy thì là 2000 năm. Nếu sử dụng truyền thuyết thì 4000 năm. Với cảm nhận của tôi, thì lịch sử VN là 10000 năm về chứng cứ, 4000 năm về tâm linh. Tại sao ? vì đấy là vấn đề tâm linh và niềm tin nhưng đồng thời cũng là chứng cứ khoa học. Nhưng chứng cứ khoa học phụ thuộc vào người ta lấy cái gì làm gốc (hình thành bộ lạc hay hình thành nhà nước), cái gốc tôi lấy là có dấu vết con người sinh sống, tức là 10000 năm. Còn về tâm linh là 4000 năm.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 23 2017, 01:00 PM

Hết lương lại - cuồng Hán, chuyển qua lương sứ - cuồng Tây!

Từ khi Hải quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng vào bán đảo Sơn Trà- Đà Nẵng năm 1858 cho đến năm 1898, 40 năm đầu tư vào thị trường Việt Nam, bảng cân đối tài chính thu - chi từ thị trường này luôn là con số âm to tướng. Tiền chi cho quân đội dẹp loạn, chi cho bộ máy chính quyền ở 3 Kỳ và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho xứ này, tất tật đều lấy từ thuế của người dân Pháp đóng.

Giá chi phí đầu tư trong 40 năm đấy là vào khoảng 700 triệu Franc vàng. (Để so sánh,chi phí nước Mỹ mua lại từ Pháp xứ Luisiana rộng gấp 7 lần diện tích Việt Nam là 78 triệu Franc.)

Ông bác sĩ Bộ Hải quân Pháp Jean Marie Antoine de Lanessan vì lỡ đầu tư quá tay xây dựng Nhà thương Đồn Thủy - “Nhà thương đẹp nhất vùng Viễn Đông” mà bị cách chức Toàn Quyền Đông Dương vào năm 1894. Ông kế nhiệm là Paul Armand Rousseau, vì lao lực tìm cách cắt lỗ cho nước Pháp ở thương vụ start up mang tên An Nam mà sinh bệnh kiết ly, gục ngã sau 1 năm cầm quyền, để lại cho nước Pháp một cục nợ tài chính vô phương cứu chữa.

Cho đến tận lúc đấy, người Pháp hầu như không thu được gì từ An Nam vì ngoại thương thì thương gia Pháp không có ăn uống gì ở Đông Dương được, khai thác mỏ kiểu thủ công vẫn thuộc về người Hoa. Tình cảnh người Pháp ở Đông Dương lúc đấy không khác nước ta lúc này là bao nhiêu. Nợ nần thì chồng chất. Khoản thu thì không có.

Và Paul Doumer xuất hiện. Vốn là chuyên gia về ngân sách Thuộc địa và Bộ trưởng Tài chính của nước mẹ Pháp, ông thuộc lòng bảng cân đối be bét của xứ Đông Dương và biết cách thế nào để bắt thuộc địa này phải ít nhất phải tự nuôi sống nó, trước khi nói chuyện đem được chút ít huê lợi về cho nước Pháp. Muốn thế, phải quất vào đít dân tộc có tiềm năng nhưng lười biếng và đầy rẫy tham nhũng này. Bằng cách nào?

- Bằng cách lập một ngân sách chung cho 3 miền, đại khái là y chang như bây giờ: Toàn bộ thuế thu được của Cochinchine - tức Sài gòn và các tỉnh miền Tây, nộp hết vào ngân sách chung của kho bạc Đông Dương. Vì việc này, quan chức Cochinchina đòi ly khai Sài Gòn ra thành 1 xứ riêng. Câu trả lời của Paul Doumer là: Để nó tách thì tao từ chức.

- Bằng cách đánh thuế vào tất cả những gì có thể đánh được:” Thuế thân, thuế địa ốc, thuế diêm, thuế quế, thuế muối, thuế rượu,.. thậm chí cả thuế rơm, thuế rạ…”. ( Philip Deviller - Người Pháp - bạn hay thù).

- Cải tổ cơ quan thuế, thay người Việt Nam bằng người Tây để giảm thiểu nạn nhũng lạm đáng kinh tởm mà đám quan lại bản xứ gây ra (?). Lương trả cho thuế quan người Pháp và người Tây khác cao gấp 8-10 lần cho người Việt nhưng đăt xắt ra miếng.

Chỉ sau 2 năm bóp hầu bóp cổ cả người Pháp lẫn người Việt ở An Nam, Paul Doumer đã đàng hoàng mặc cả với chính phủ và quốc hội Pháp về một khoản vay 200 triệu Franc ( bằng 25% ngân sách trong vòng 40 năm trước đó) - để xây dựng Đông Dương.

Với một phần khoản vay đấy. Nước Pháp đã phải xây dựng cho Việt Nam 3 cây cầu sử dụng đến giờ là Long Biên - Tràng Tiền - Bình Lợi. 2 cái Nhà Hát Lớn - đẹp nhất và nhì ở Việt Nam, sau này có cái đẹp thứ 3 ở Hải Phòng, cũng là Pháp nốt. (Để tiện so sánh, sau 40 năm xây dựng và đổi mới, T.P HCM xây dựng thêm được 1 nhà hát, có tên nhà hát Hòa Bình. Kinh phí xây không biết, nhưng về độ đẹp so với 3 cái trên kia, ước khoảng một Mười - một Tịt).

Cũng từ khoản vay này các tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Sài Gòn - Phan Rang, Hà Nội - Vinh được xây dựng, Những thứ này cũng dùng cho đến tận giờ. Trường Y Khoa Đông Dương với hiệu trưởng đầu tiên là ông Yersin, người mà nhân tiện đi chơi đã tranh thủ tìm ra được 1 xứ và cũng nhờ sự bảo trợ của Paul Dumer, nơi ấy trở thành đô thị đẹp nhất Việt Nam trong 1 trăm năm qua. Đà Lạt.

Đến khoảng năm 1930 nhờ đường sá cầu cống, nhà máy đồn điền Pháp xây, Việt Nam bắt đầu xuất siêu sang Pháp - cho đến 1939. Trung bình 1 năm khoảng 70 triệu tiền Đông Dương. Tính toán đại khái thì Pháp đầu tư vào Việt nam gần 100 năm ( 1858 - 1956), thì mất 60 năm đầu tư, 20 năm khai thác trong đó 10 năm có lãi. Và 20 năm thoái vốn trong thế phải cắn răng cắt lỗ.

Nên người Việt nam ta không ăn uống của thiên hạ thì thôi chớ Tây Tàu đâu vào đây mà kiếm được đồng xu cắc bạc nào của mình.

Nguồn tư liệu:
- “Xứ Đông Dương” của Paul Doumer - Toàn quyền đem lại nhiều thứ cho xứ An Nam nhất.
- “Người Pháp, bạn hay thù?” của Philiip Deville, nhà sử học Pháp hơi cuồng Việt Nam

Ảnh: Tranh bút sắt về xứ Đông Dương: Cầu đường sắt Hải Phòng, Vườn hoa Con Cóc, Nhà đấu xảo và Ga Hàng Cỏ (Hà Nội)… 4 trong vô số những công trình mà Toàn quyền Pháp xây ở xứ Đông Dương. (Thư viện ĐH Cornell - Mỹ)

Nguồn: Cổ Thư Lâu - FB

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 23 2017, 05:48 PM

@nvt,
À người nào viết cái đoạn trên thực ra người ta không hiểu kinh tế vĩ mô, không chịu tìm hiểu cách thức bóc lột thuộc địa thế nào, nên mới viết thế.
Từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược VN , thường người ta tính từ năm 1858, lúc quân Pháp đánh vào Đà nẵng cho đến lúc Paul Dumer trở thành toàn quyền đông dương, thì Pháp chưa thu được lợi ích kinh tế ở VN. Điều đó dễ hiểu vì đó là thời kỳ xâm lược. Thực dân Pháp xâm lược VN còn vì một ý đồ lớn hơn, đó là chia chác Trung Quốc với các cường quốc khác. Nói tóm lại lúc đầu tiên Pháp vào VN vì địa chính trị, VN là cái cửa để Pháp kiếm một miếng mồi béo hơn là TQ. Nhưng sau đó do sự can thiệp của Mỹ (vì Mỹ chủ trương “mở cửa” TQ, chứ không muốn mỗi một cường quốc thực dân hùng cứ một vùng đất), đồng thời nhà Thanh dù suy yếu cũng không yếu đến mức Pháp có thể đánh được, nên việc chiếm cứ TQ không thành. Mặc dù vậy, Pháp cũng sở hữu đường xe lửa Hà nội – Côn minh, có đặc quyền ở đảo Hải nam, ở Quang châu văn (một thành phố nằm trên eo biển giữa lục địa TQ và đảo Hải nam) như kiểu Anh ở Hồng công. Cũng chính vì thế mà Hoa kiều ở VN, có một phần lớn xuất thân từ đảo Hải nam, bởi vì đảo này có cơ chế đặc biệt của Pháp khiến người Trung Hoa có thể từ đó vào Đông Dương được.
Trong thời kỳ xâm lược này, quốc hội Đế quốc Pháp đã nhiều lần bỏ phiếu chi tiền để xâm lược. Bởi vì nó là tiền nhà nước, nên phải có cái cớ chính danh. Chính danh của Pháp lúc đó là “tự do truyền đạo Thiên chúa”. Như vậy dưới cái cớ truyền đạo Thiên chúa để chính danh với người Pháp ở nước Pháp, mà thực dân Pháp xâm lược VN.
Mặc dù vậy, số tiền này không phải là nhiều, vì quá trình xâm lược thuộc địa là mỡ nó rán nó. Quân đội thực dân Pháp lúc đó chủ yếu là người châu Á mà Pháp thuê, ở Phi lip pin huặc Mã lai, từ đó là có từ lính Mã tà trong văn tế nghĩa sĩ Cần duộc cuả cụ Đồ Chiểu. Còn sĩ quan là người Pháp. Còn tiền thì ngoài ngân sách nhà nước Pháp, nó còn có tiền thuế lúa gạo, muối của lục tỉnh Nam kỳ, vì từ năm 1872, nhà Nguyễn đã phải cắt Nam bộ cho Pháp. Một nguồn tiền nữa chính là ..kho bạc của nhà Nguyễn. Tại sao lại thế ? bởi vì khi thua, nhà Nguyễn không những phải cắt đất mà phải trả tiền bồi thường bằng vàng và bạc nén. Tiền này được Pháp sử dụng để xâm lược. Không những thế Pháp còn lợi dụng được người theo đạo Thiên chúa ở VN, đặc biệt trong công cuộc bình định. Bởi vì người Pháp làm sao có thể thông hiểu tiếng nói, tập quán, địa dư..như người Việt.
Ví dụ như Trương Vĩnh Kỹ, là một người được giáo hội Thiên chúa cho đi học ở trường dòng ở Pê nang, rồi sang tận Bồ đào Nha học (giống như các học bổng tiến sĩ, kỹ sư mà nước ngoài ban phát ở VN bây giờ). Trương Vĩnh Kỹ được coi là trí thức, đã làm quyển từ điển Việt-Bồ-Pháp, và là phiên dịch cũng là người đồng soạn thảo các hiệp định đầu hàng mà Pháp ký với nhà Nguyễn. Như vậy Trương Vĩnh Kỹ là trí thức thiên tài hay là bán nước, công danh sự nghiệp cuả ông gắn liền hữu cơ với sự xâm lược của thực dân Pháp ở VN, vậy cái phần nào phải được nêu cao. Bán nước hay là trí thức. Tương tự như vậy với các nhân vật “lưỡng nguyên” kiểu như thế ví dụ Phạm Quỳnh, Hoàng Cao Khải,..
Gần đây có vấn đề om xòm (tương đối) trên thế giới mạng, liên quan tới một tác phẩm viết về Trương Vĩnh Ký, được phép hay không được phép gì đó. Thực ra về Trương Vĩnh Kỹ, đã có sách viết từ thập niên 90. Bản thân tôi có quyển đó “Trương Vĩnh Kỹ, con người và sự nghiệp”. Cái đáng nói ở trong những vấn đề này là sự nhút nhát không nhận thức của nhà nước, mưu mô của lề trái, sự mơ hồ của nhân dân. Mưu mô của lề trái là thổi phồng tính trí thức cuả những nhân vật này, và từ đó nhập nhằng là yêu nước. Sự mơ hồ của nhân dân, là cứ thấy cái gì ngược chiều với chính thống thì cho là đúng. Sự nhút nhát của nhà nước, vì đã bỏ lĩnh vực tuyên truyền vận động do quan liêu, và cũng kém hiểu biết.
Tất nhiên khi nói tới những nhân vật “đa mầu” như Trương Vĩnh Kỹ, thì phải rất rõ ràng là không nhập nhằng giữa ông ta và những giáo dân. Vì không phải giáo dân nào cũng bán nước. Nhưng cũng phải thấy rằng, động cơ để Trương Vĩnh Kỹ hợp tác với Pháp không chỉ vì tiền, mà bởi vì coi đạo của mình cao hơn dân tộc. Vậy từ đây nó lại lòi ra vấn đề lý thú nữa, là tại sao người ta lại theo công giáo, và tại sao Pháp lại lợi dụng được. Đây là những vấn đề lớn, nên tôi không nói nữa, mà quay trở lại vấn đề “kinh tế thuộc địa” mà nvt trích ở trên.
Với Paul Dumer, thì Pháp bắt đầu khai thác Đông Dương, chủ yếu là VN, thực sự. Vậy Pháp làm thế nào ? đó là nắm độc quyền muối, thuốc phiện, và rượu. Chính quyền Pháp đã bổ đầu người đánh thuế, bằng cách bắt ép tiêu thụ thuốc phiện , rượu, trong một nền kinh tế tự cấp nông nghiệp không có tiền tệ. Nói cách khác, thực dân Pháp sẵn sàng huỷ hoại sức khoẻ của người Việt một cách có hệ thống, cưỡng bức để lấy tiền (tôi nhấn mạnh vấn đề hệ thống và cưỡng bức, chứ không phải như bây giờ có người thích hút cỏ, vì họ đâu có bị cưỡng bức tiêu thụ, nên tự mình làm mình chịu). Từ đấy mà có cái câu trong Tuyên ngôn độc lập của bác Hồ “chúng đầu độc dân ta bằng rượu, thuốc phiện”
Chính bằng tiền đó mà Pháp xây đường sắt xuyên việt, cầu Long biên (tên nguyên bản là cầu Paul Dumer), nhà hát lớn..Tiền đó nuôi công nghiệp Pháp. Bây giờ, “đổi mới”, gọi đó là công lao của thực dân hay không thì tuỳ. Vấn đề này nó cũng giống như sự đánh giá các nhân vật lưỡng nguyên ở trên.
Còn vấn đề thuộc địa Đông Dương xuất siêu với Pháp, có nghĩa chính quốc Pháp thiệt. Điều này hiểu như thế nào.
Nhưng điều này ta có thể lấy ví dụ ngay trong kinh tế Vn hiện tại. Ví dụ, báo VN đã từng đăng chuyện CocaCola VN bao giờ cũng lỗ, nhưng luôn mở rộng sản xuất. Vậy nó lỗ thật hay giả. Người nào có tí chút kiến thức về kế toán, thì đều hiểu rằng người ta có thể tự tạo ra lỗ, để trốn thuế. Hiện tại, VN xuất siêu với Mỹ. Nhưng thực ra nước Mỹ đâu có thiệt. Vì như chính Thủ tướng VN vừa nói, trong 100 đô bán vào Mỹ, VN chỉ được có 27 đô. Nhưng thủ tướng VN mới nói có nửa sự thật mà thôi, bởi phải xem 27 đô đó nó vào túi ai. Nếu nó vào túi của chủ là người nước ngoài, thì phần của VN còn ít hơn nữa. Trong thực tế, chỉ có tiền lương vào túi công nhân là đúng của VN thật.
Thời thực dân Pháp cũng thế, và nó còn khốc liệt hơn nữa là các hãng Pháp độc quyền, không có cạnh tranh, chỉ vì họ là Pháp. Như vậy cái tiền xuất siêu của Đông Dương vào túi ai ? được mang đi đâu ? Thời thực dân, đời sống của người lao động VN có ở trên tiên giới không ? không. Họ còn bị bóc lột thậm tệ luôn, còn nếu nó thực là tốt đẹp, thì làm sao người ta lại trở thành cộng sản làm gì.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 26 2017, 11:14 AM

Thực ra thì em đăng lại những bài viết thể hiện cách nhìn phi truyền thống về lịch sử cũng là để thể hiện ý kiến muốn tìm hiểu lịch sử theo nhiều chiều khác nhau. Ý kiến của người ta chưa biết đúng sai ra sao, nhưng cũng là một cách để tạo đề tài cho mình suy nghĩ tìm hiểu theo những chiều hướng mới. Em sẽ tiếp tục tìm đăng những bài viết như vậy trong thời gian tới

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 26 2017, 06:18 PM

@nvt,
Không phải là hoàn toàn nhìn lịch sử bằng cái nhìn khác, bởi nhưng thông tin này có từ nhiều nguồn. Một phần lớn nó là tuyên truyền rơi rớt của Việt nam cộng hoà ngày xưa, phần còn lại là trong sách vở của các sử gia phương Tây. Chỉ có trong sách vở của sử gia phương Tây thì mới là cách nhìn khác. Còn cái phần rơi rớt lại của Việt nam cộng hoà ngày xưa thì không phải lịch sử mà là phản tuyên truyền. Nhưng cả hai cái nguồn này đều có điều thống nhất với nhau, đó là đánh giá cao công lao của thực dân, đế quốc đấy là định hướng của nó. Trong đó sử phương Tây thì “khách quan” hơn, vì trong nhiều trường hợp, nó bắt buộc phải công nhận sự thực, còn cái phần của VNCH cũ kia thì nó bắt chấp, và không loại trừ sử dụng tin đồn, thất thiệt, mà hiện nay hình thức thông tin qua các dạng facebook, twitter thì không ai kiểm soát được nguồn để xem nó đúng sai ra sao.
Chính vì thế mà tôi không bao giờ dùng internet làm nguồn thông tin (ngoại trừ kinh phật), tôi trọng sách giấy, vì ở đây nó có tên tác giả, giấy trắng mực đen, thời gian xuất bản, ở đâu, ai xuất bản..khiến người ta đánh giá nó được chính xác hơn. Tất nhiên nếu nó là version điện tử của sách thì cũng ok. Ngược lại những thứ như wiki này kia thì cũng chỉ tra xem chơi thôi.
Ngay cả đối với sách giấy, tôi cũng không đặt lòng tin hoàn toàn , cách kiểm tra của tôi là duy vật lịch sử, tức là theo dõi nó trong khoảng thời gian dài, đặt nó trong đúng hoàn cảnh lịch sử của nó, xem nó phát triển ra sao, từ đó tìm cái cấu trúc của sự việc, giống như khi người ta biết cấu trúc nhà, thì việc thấy cái cửa sổ ..nằm giữa sân, thì chắc chắn là sai. Chứ không thể đúng.
Là người yêu thích lịch sử nghiệp dư, nhưng vì có quá trình tìm hiểu lâu dài, tôi có thể khẳng định sách giáo khoa sử VN không sai, nó chỉ không đủ mà thôi. Cái không đủ này có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân là chính trị ví dụ như vấn đề chiến tranh biên giới 1979, có nguyên nhân khác như nó là sách lịch sử từ thời chiến, nên trọng nói đến chiến tranh mà không nói tới xây dựng hoà bình, nguyên tắc của nó là nói lịch sử VN như lịch sử một gia đình, mà bỏ quên những đặc trưng vùng miền, có dạng huyết thống hơn là theo địa lý… (Tất nhiên, sách giáo khoa sử VN mà tôi nói là phiên bản cũ, thời hệ mười năm, lúc tôi đi học, còn từ đó tới này nó cũng thay đổi, nhưng tôi không cập nhật được).
Ngược lại cái lịch sử lề trái nói nó là sai. Nó sai không chỉ vì nó đưa ra những kết luận sai (ví dụ như việc biện bạch cho chủ nghĩa thực dân ở trên), mà sự kiện đúng (ví dụ như Phạm Quỳng hay Tạ Thu Thâu bị giết chết), nhưng nó không đặc trưng, hoặc không đặt đúng vị trí sự kiện để người ta có thể có một cái kết luận đúng đắn. Tức là nó là một dạng tuyên truyền có chủ đích.
Cái nguy hiểm của thứ lịch sử này là. Hiện nay VN đang trong quá trình hội nhập, và những nước đối tác chính lại là cựu thù, hay đối thủ ngày xưa (Pháp, Mỹ, TQ..). Ở những nước này, quan niệm của họ với lịch sử liên quan tới VN không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít, và từ đó do ảnh hưởng mềm, nó ép cái này vào. Trong khi đó nó chỉ là cái nhìn của họ thôi. Lề trái, tức là hậu duệ của VNCH cũng thổi cái “lịch sử” của nó vào, trong khi nó là tuyên truyền ngược. Người VN do thờ ơ với lịch sử của mình, hay “thích cái mới” (thực ra là nhai lại cái tuyên truyền ngược cũ), hay có điều uẩn ức với nhà nước VN hiện tại do nhân tình thế thái, thế là bập vào, và tự coi nó là chính sử, lại có tâm lý chấp nhận cái đó mới là chí sĩ. Thực ra chỉ là một thứ a dua thôi.
Thế tại sao nó lại nguy hiểm ? Bởi nó ngăn chặn người ta đi tìm cái mới thực, và từ đó có phương sách, nhận thức đúng đắn. Bởi vì ngay khi có điều không đồng ý với nhà nước VN hiện tại, điều đó không có nghĩa là những gì những chế độ bị đánh đổ kia là đúng. Nó không khác gì người bị bệnh thương hàn, kiết lỵ, sau khi khỏi, lúc bị sốt xuất huyết, lại buồn chán nói rằng bị kiết lỵ, thương hàn tốt hơn. Nhưng kiết lỵ, thương hàn nguy hiểm hơn sốt xuất huyết chứ.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 27 2017, 09:26 AM

Em thì lại nghĩ khác với bác Phó: nguồn tư liệu Internet hay nguồn sách giấy thì cũng như nhau thôi, mặc dù nguồn sách giấy thì xác suất chân thật có thể nhiều hơn vài phần. Tuy nhiên, nếu tham khảo thêm nguồn trên mạng thì thấy có rất nhiều chi tiết đáng lưu tâm, xuất hiện một cách logic phù hợp với lịch sử. Vì vậy, với cả hai nguồn tin này, em sử dụng tư duy của Phật, tức là "không công nhận, nhưng cũng không bỏ ngoài tai".

Việc tìm hiểu lịch sử thì cũng không nằm ngoài cái logic như các bộ môn khác, tức là lịch sử có một hệ tiên đề và các mối liên hệ logic được xây dựng dựa trên hệ đó. Hệ logic thì đương nhiên là phải đảm bảo không được mâu thuẫn rồi. Nhưng cái khác giữa người nghiệp dư và sử gia chuyên nghiệp là ở chỗ: sử gia có những sở cứ rõ ràng để xây dựng tiên đề, trong khi người nghiệp dư thì sẽ chỉ đọc và tin theo, thế thôi.

Và em cũng sẽ dừng lại ở mức độ nghiệp dư, tập trung vào phần suy luận logic thôi.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 27 2017, 05:29 PM

Trong các lĩnh vực văn học, triết học, tôn giáo, lịch sử thì sự khác biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp rất ít, và biên giới của nó rất mong manh. Đây là đặc trưng của các bộ môn này. Ví dụ một nhà văn thiên tài, có khi chưa bao giờ học viết văn, một triết gia chưa bao giờ tốt nghiệp đại học triết..v..v..Cũng chính vì thế mà khi đi học, ngay cả ở nước ngoài, các bộ môn này cũng bị rẻ rúm so với các môn học khoa học, như toán lý hoá, hay những chuyên môn khác. Sự phân biệt có thể chỉ là có sống bằng nó hay không, và để sống được bằng những ngành nghề này không dễ vì nó ..không có chuyên môn.
Với lịch sử thì chuyên môn có lẽ là sưu tầm sử liệu, và sau đó là xếp đặt, đánh giá, chọn lọc ..để viết thành sử. Trong cả hai vấn đề này nhà sử học chuyên môn đều bị cạnh tranh. Trong sưu tâm sử liệu, đặc biệt các sử liệu đương đại, nhân chứng còn sống, thì nhà sử liệu không thể hơn nhân chứng, và có thể bị nhân chứng phản bác. Trong xếp đặt, đánh giá, chọn lọc, thì nhà sử học sẽ bị cạnh tranh bởi các nhà triết học, tâm lý học, kinh tế học..v..v..
Trong thực tế, lịch sử là một sự tạo dựng lại, và sự tạo dựng lại này không phản ánh sự kiện, mà dùng sự kiện phản ánh điều người ta muốn nói. Tôi lấy một số ví dụ cho các bác thấy.
Lịch sử VN được các sử gia Nho giáo viết theo xu hướng đề cao các nguyên tắc đạo đức Nho giáo, được coi như là mệnh trời.
Lịch sử viết theo kiểu Mác xít là để tìm ra quy luật xã hội.
Lịch sử viết theo kiểu Mỹ để cho người ta không hiểu tại sao lại thế, bởi vì dưới hình thức đưa sự kiện “khách quan”,do sự chọn lọc sự kiện không khách quan, nó đã che dấu đi cái gì đã dẫn tới những điều đó, và từ đó có thể manipulate dễ dàng hơn tuỳ theo ý định nó muốn gì.

Vì thế lịch sử luôn có chiều.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Nov 6 2017, 08:27 AM

Tác giả nói trên đã lập trang web để cho những người không thích FB như bác Phó cũng vào được
http://www.chuyensuviet.com

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 6 2017, 05:47 PM

@nvt,
Cảm ơn nvt cho tôi cái link, thực ra tôi cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi để tham gia vào đó. Nhưng thỉnh thoảng sẽ đọc, và thấy có điều gì « buồn cười », thì sẽ viết ở langven, tất nhiên là lúc tôi có thời gian.
Vì là kỷ niệm 100 cách mạng tháng 10, nên tôi viết thêm một tí để nói về quan niệm của người viết cái site kia, trong bài « người hùng cách mạng tháng mười » gì đó.
Trong cái mục này, người viết đã nhận lấy hai nguồn nhận thức về cách mạng tháng mười của các nước tư sản đối nghịch và của những người theo chủ nghĩa Trosky. Nó chủ yếu có hai điểm :
1- Với các nước tư sản, thì cách mạng tháng mười là một cuộc đảo chính của những người Bôn Xê vích, ở đây họ phủ nhận sự kiện này là một cuộc cách mạng.
2- Với những người Troskism, thì họ quy công sự kiện này cho Troski, để rồi từ đó nói rằng cuộc cách mạng bị phản bội.
Cả hai luận điểm này đều được media của các nước phương Tây tuyên truyền, và đây là version chính thống của họ. Nhưng sự thực thì không phải như thế. Người nào tìm hiểu kỹ càng cuộc cách mạng này, ngay cả chỉ với tư liệu của phương Tây (tất nhiên phải có nhiều nguồn để đối chiếu nhau), thì sẽ thấy nó không đúng.
Tôi chỉ nói ngắn gọn thôi, cách mạng tháng mười là một cuộc cách mạng trong một cuộc cách mạng, vì trước đó đã có cách mạng tháng 2 cũng vào năm này. Cuộc cách mạng thang 2 này lật đổ chế độ Sa hoàng, đưa giai cấp tư sản Nga lên nắm quyền (chính phủ Kerensky). Giai cấp tư sản Nga này đã làm một điều sai lầm là tiếp tục chiến tranh (trong khi chiến tranh chính là nguyên nhân làm bùng nổ cách mạng), và sự tiếp tục cuộc chiến này thất bại. Nga thất bại liên tiếp trên chiến trường. Tại sao chính phủ này lại tiếp tục chiến tranh, vì chính phủ Sa hoàng cũ vay tiền của Anh-Pháp, nên trở thành tay sai của nó, coi nghĩa vụ với tư bản Anh-Pháp cao hơn quyền lợi nước Nga. Cùng một lúc như thế, chính phủ này lại sợ tàn dư của chế độ Sa hoàng lật đổ, vì thế không có quyền lực, phải dựa vào các Xô viết là chính quyền tự quản của công nhân lập nên. Như vậy là mâu thuẫn.
Sự sụp đổ của chính quyền tư sản này, đã nói rõ lên một điều, là vào thời điểm chủ nghĩa đế quốc toàn cầu, thì giai cấp tư sản ở các nước lạc hậu, mà giai cấp phong kiến nắm quyền như ở Nga, giai cấp này không đủ sức nắm quyền, giữ quyền, xây dựng đất nước, vì nó luôn là tư sản mại bản, hi sinh quyền lợi dân tộc cho nước ngoài.
100 năm sau, ở Nga cũng vẫn không có giai cấp tư sản, dù đã học hình thái « đa nguyên đa đảng » « tiến bộ » của phương Tây, và nếu có các loại bầu, kiểu Khodorovsky, thì các loại bầu này cũng sẵn sàng bán quyền lợi nước Nga cho tư bản Mỹ-Anh (ví dụ Khodorovsky sau khi chiếm đoạt tài sản nước Nga, đã định bán lại cho Mỹ, may mà chính phủ Nga với Poutine chặn được). sự lủng củng của hệ thống chính trị Nga hiện tại, là cái đế xã hội của nó không khớp với hệ thống chính trị nhập khẩu. May còn có được ông người hùng là Poutine.
Hiển nhiên, với những thành tích như thế, thì phương Tây phải coi cách mạng tháng 2 là cách mạng, còn cách mạng tháng 10 là đảo chính. Rồi có một loạt những chứng cớ lằng nhằng quanh quẩn quanh chế độ nghị viện. Trong khi chế độ nghị viện này có quyền đâu.
Cách viết sử này cũng được dùng để họ viết sử VN. Ví dụ, nếu đọc sử Pháp viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, thì người ta sẽ thấy họ dùng một phần lớn giấy bút nói tới việc Pháp trao trả độc lập cho Bảo đại vào năm 1948, sau khi đánh lên Việt Bắc bị thất bại, nói những chuyện lằng nhằng cãi vã giữa Bảo Đại và Pháp, tạo nên một vẻ chính danh độc lập cho ông này. Nhưng Bảo đại là ông vua bù nhìn từ thời thuộc địa, vấn đề ở VN đâu có phải là vấn đề giữa Bảo đại (bù nhìn) và Pháp, mà là giữa Pháp và tay sai một bên, Việt minh một bên.
Về Trosky, Trosky khởi điểm không phải là Bôn Sê Vích, mà là một phái riêng. Sau cách mạng tháng 2, thì Trosky mới trở thành Bôn Sê Vích. Báo chí tư sản cũng nêu cao vai trò của Troski, vì ông ta là người đứng đầu Sô viết địa phương ở Saint-Petersbourg, và sau đó có chỉ huy Hồng quân vào giai đoạn đầu, nên được các sử gia tư sản coi là người sáng lập Hồng quân. Nhưng cách mạng tháng mười là công của nhiều người, và bộ óc của nó là Lê Nin. Còn tại sao Troski sụp đổ, thì không phải chỉ vì bị Staline diệt do tranh quyền với nhau, mà là do xu hướng nhận thức của ông ta. Sự xuống ngôi của Trosky đã bắt đầu từ khi Lê Nin còn sống. Nó bắt đầu bằng việc Hồng quân thất bại khi định giải phóng Vác xô vi (Ba lan) năm 1920. Theo Troski và những người theo ông ta, Hồng quân sẽ được sự ủng hộ của công nhân Ba lan, và đây sẽ là điểm khởi đầu của cách mạng toàn thế giới, mà cách mạng tháng 10 là điểm khởi đầu. Vì thế Troski chủ trương « xuất khẩu cách mạng ». Sự thất bại của Hồng quân, rồi việc các cuộc cách mạng khác ở Đức (1919), Hung (1919) thất bại, đã chứng tỏ luận điểm của Troski sai. Chính vì thế mà Lê nin mới đưa ra khẩu hiệu « xã hội chủ nghĩa là chính quyền Xô viết và điện khí hoá », trong khi Troski và những người theo ông ta cứ đòi hi sinh nước Nga để làm cách mạng thế giới một cách vô lý, không tính đến tương quan lực lượng các bên. sự xung đột giữa Staline và Troski cũng là vì điều này, vì Staline coi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước quan trọng hơn, và là điểm khởi đầu của cách mạng thế giới.
Khi Lê nin mất, thì đảng cộng sản Liên Xô đã bầu Staline thay. Chỉ sau này, khi Khơ rút xốp lên, vì muốn hạ uy tín của Staline, nên mới đưa câu chuyện Troski và Staline đều là ứng cử viên sáng giá ra. Còn về thực tế, thì Staline hơn Troski về tất cả các mặt. Các sử gia tư sản đều thống nhất ở một điểm là đánh giá Staline cực thấp, điều đó chứng tỏ Staline cực giỏi, vì hai bên ở hai chiến tuyến khác nhau. Ngay hiện tại, người dân Nga vẫn đánh giá Staline cao, dù hệ thống media thế giới (tức là phương Tây), tuyên truyền rất bền bỉ.
Như vậy câu chuyện Troski là « yếu nhân » của cách mạng tháng mười là chuyện bịa đặt, và việc Troski bị loại bỏ không chỉ đơn giản là tranh giành quyền lực cá nhân giữa Staline và Troski, mà nó là hai cái nhìn về cách mạng khác nhau. Nếu Troski mà là người lãnh đạo thât sự của cách mạng tháng mười, thì cuộc cách mạng này có lẽ sụp đổ từ năm 1919, và nước Nga Sa hoàng sẽ bị chia sẻ thành nhiều nước như Đế quốc Thổ

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 28 2017, 11:10 PM

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cái giá quá đắt. Quan niệm này kể cũng buồn cười, vì cách mạng không phải là một cú đánh quả kiếm lời, nên làm gì có chuyện rẻ với đắt ở đây. Còn nói là khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra không đúng thời điểm thì là đúng, nhưng thời điểm ở đây là tính về sức lực, tương quan lực lượng giữa thực dân Pháp và cách mạng VN, chứ không phải là tính giá cả. Khi Nhật đảo chính Pháp vào năm 1945, rồi Nhật đầu hàng, một trong những chỉ thị của Bác Hồ là “dù có phải đốt cháy cả dẫy Trường sơn, cũng phải dành được độc lập”. Đốt cháy cả dẫy Trường sơn là hình ảnh, nói lên việc dù có phải hi sinh thế nào cũng phải làm (vô giá) bởi đúng thời điểm.
Dù khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, nó cũng là một điểm sáng của lịch sử VN thời Pháp thuộc. Khi khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, thì đế quốc Pháp đã đàn áp rất dã man, có những hành động man rợ như thời Trung cổ. Ví dụ như xâu dây thép gai qua tay người tù, rồi ném họ xuống sông. Nhưng việc này của Đế quốc Pháp đều được sự ủng hộ của tầng lớp phong kiến quan lại theo Pháp. Vì thế khi cách mạng tháng tám bùng nổ, thì đám quan lại này bị tiêu diệt, bị tử hình nhiều khi không có xét xử. Nhưng hiện tại thì lịch sử kiểu lề trái lại thích “tố cáo” những sự việc này, để bôi đen cách mạng tháng 8, lờ đi cái nguồn cơ sâu xa của nó, là sự dã man của đế quốc Pháp và tay sai. Vì thế muốn tìm hiểu lịch sử phải đặt mình vào ví trí, thời điểm đó, tâm lý lúc đó. Chứ không thể bây giờ chủ quan đánh giá linh tinh được.
Nhưng tại sao khởi nghĩa Nam kỳ lại bùng nổ, ngoài việc chỉ đạo của xứ uỷ Nam Kỳ, nó còn có một yếu tố nữa, châm ngòi cho nó. Đó là việc Đế quốc Pháp đưa lính người Việt ra giữ biên giới Cam pu chia – Thái lan, gây nên làn sóng căm phẫn trong dân ở Nam bộ. Xứ uỷ Nam kỳ đã cưỡi trên cái làn sóng đó. Tại sao lại có sự việc đó, bởi vì sau khi Pháp thua trận vào tháng 6 năm 1940, thì thực dân Pháp ở Đông Dương rất hoang mang, vì thế mà Thái lan do chạy theo Nhật, là đồng minh của Nhật mới nhân cơ hội định chiếm lại tỉnh Bát Tam băng của Cam pu chia, vì tỉnh này thực ra trước đây là của Thái. Nhưng Thực dân Pháp bắt cắt đất chiếm lấy, khi thành lập Đông Dương. Vì thế Thực dân Pháp ở VN mới định đem quân ra giữ biên giới. Nhưng sau đó Nhật can thiệp, và từ năm 1940 đến 1945, vùng này thuộc vào Thái lan. Vào năm 1945, khi Nhật thua trận thì Thái lại đổi chiều lần nữa, theo đồng minh, và trả lại đất này cho Cam pu chia, nhưng họ vẫn giữa lại một giải đất quanh cái đền Pret Vihia, nơi mà Cam pu chia và Thái còn tranh chấp đến bây giờ.
Đảng cộng sản Đông dương, vào thời điểm đó có hai nguồn lực tiếp vào từ bên ngoài. Ở ngoài Bắc, đó là đất Trung quốc. Chính quyền Tưởng muốn sử dụng người Việt Nam yêu nước cho chính sách “Hoa quân nhập việt” về sau, nên nhắm mắt không tìm cách truy diệt, mà thường dung túng. Nguồn thứ hai là từ quốc tế cộng sản. Nam kỳ do là thuộc địa của Pháp, nên cái đường vào này dễ dàng hơn. Kết quả xứ uỷ Nam kỳ ảnh hưởng nhiều chính sách, sách lược của Quốc tế cộng sản. Và chủ nghĩa Mác-Lê nin của các vị tổng bí thư, như Hà Huy Tập mang mùi vị “Liên xô” hơn, ngay cả ông Trần văn Giầu cũng vậy. Ngược lai ở ngoài Bắc, thì kinh nghiệm của Hồng quân TQ, của cách mạng TQ ảnh hưởng nhiều hơn ngoài ảnh hưởng Liên Xô xa xôi.
Bác Hồ cũng không phải lúc nào cũng liên quan tới Đảng cộng sản Đông Dương, và Bác cũng không phải là nhân sự chỉ đạo của Đảng. Bác Hồ chưa bao giờ là Tổng bí thư.
Cái gì khác biệt giữa “kiểu Liên Xô” và “kiểu Trung quốc”. Nó thể hiện ở chỗ, kiểu TQ coi trọng nông thôn, coi trọng liên minh công nông, đặc biệt là nông dân, và nông thôn, coi trọng xây dựng căn cứ địa, lực lượng vũ trang, tuyên truyền. Ngược lại kiểu Liên Xô thiên về đấu tranh thành thị, dựa vào công nhân. Khái niệm chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, xây dựng chiến khu ..không có. Cho đến khi cách mạng tháng tám thành công ở Sài gòn, thì xứ uỷ Sài gòn-Nam bộ hoạt động kiểu Liên Xô, và nhưng người đại diện cho nó là ông Trần Văn Giầu, Dương Bạch Mai, ..và một số nhà Mác xít khác. Hiển nhiên cách này không phù hợp với điều kiện VN. Vì thế về sau các vị này cũng không giữ những vị trí trọng yếu trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.
Nếu không có khởi nghĩa Nam kỳ thì cuộc kháng chiến ở Miền Nam sẽ thuận lợi hơn và như ở miền Bắc. Thuận lợi hơn thì có thể (nếu hiểu là lực lượng bảo toàn hơn), nhưng cũng không thể giống ở miền Bắc, vì không có căn cứ địa, và cũng không có lực lượng vũ trang mạnh như miền Bắc. Con đường tiếp tế cho cách mạng miền Nam thời kháng chiến chống Pháp đi qua Thái, và sự tiếp tế này rất hạn chế. Phải đến sau này, khi miền Bắc thành hậu phương lớn, thì cách mạng miền Nam mới có lực lượng hậu thuẫn thực sự.
Người ta có thể so sánh khởi nghĩa Nam kỳ với khởi nghĩa Bắc sơn, cũng gần vào cùng một thời điểm. Cũng bị thất bại, nhưng khởi nghĩa Bắc sơn lại để lại một nguồn vốn là đội du kích Bắc sơn, là tiền thân của đội Việt nam tuyên truyền giải phóng quân, và căn cứ địa Việt Bắc cũng bắt đầu hình thành từ đây.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 29 2017, 06:23 PM

Ở trên, tôi có nói là Bác Hồ chưa bao giờ là tổng bí thư, giờ phải đính chính, vì có thời kỳ Bác cũng giữ vai trò tổng bí thư, đó là thời kỳ 1956-1960. Câu chuyện nó thế này. Từ năm 1941, lúc trở về VN hoạt động, Bác Hồ luôn là chủ tịch Đảng, và vẫn có tổng bí thư (ông Trường Trinh). Nhưng do những sai lầm trong cải cách ruộng đất (sai lầm là đã quy chụp nhiều người là Trung Nông thành địa chủ, do có chính sách “quota địa chủ” cho từng làng cưỡng chế từ trên xuống, theo kiểu TQ), nên ông Trường Trinh không còn giữ chức tổng bí thư nữa. Như vậy với chức chủ tịch Đảng, thì Bác cũng kiêm luôn Tổng bí thư.
Thời 1956-1960 cũng là thời kỳ phức tạp. Vì có 3 sự kiện ảnh hưởng lớn:
1- Phong trào nhân văn – giai phẩm ở ngoài Bắc (học tập theo Trăm hoa đua nở ở TQ)
2- Chế độ Diệm từ chối không thi hành hiệp định Giơ ne vơ, thành lập nhà nước riêng hình thành nên việc chia cắt đất nước.
3- Mâu thuẫn giữa Liên Xô và TQ. Đây là thời Khơ rút chốp ở Liên Xô, muốn chung sống hoà bình với thế giới tư bản, còn TQ thì lại dương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp.
Cho tới năm 1960, khi có đại hội đảng lần thứ III, ông Lê Duẩn được bầu làm tổng bí thư. Chức vụ này ông Lê Duẩn giữ tới lúc ông mất (1986), và đại hội IV chỉ được tổ chức sau khi đất nước thống nhất (1976). Từ đó Đảng luôn có đại hội thường kỳ, không bị gián đoạn nữa. Chuyện ông Lê Duẩn cũng là điều thú vị, nhưng tôi sẽ viết sau, khi có thời gian bàn về bộ phim tài liệu Mỹ về chiến tranh của họ tại VN.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Nov 30 2017, 01:17 PM

Ông Lê Duẩn bị nhiều người chê, nhưng mà công của ông ấy cũng không nhỏ.
Em thích câu nói bất hủ của ông ta: "Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô"

Con rể của ông là GS Hồ Ngọc Đại bị nhiều người chửi vì tội làm trường thực nghiệm. Nhưng mà những ý kiến về giáo dục của ông thì em lại thấy là rất hay! Có lẽ người ta lên án GS vì ghét lây từ bố vợ laugh1.gif


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 14 2017, 10:40 PM

@NVT,
NVT có mấy dòng về ông Lê Duẩn, tôi sẽ viết sau về ông trong chủ đề về phim tài liệu Mỹ, vì bộ phim này là một trong những phim tài liệu của phương Tây hiếm hoi đề cập đến ông, trong khi vai trò của ông rất lớn trong kháng chiến chống Mỹ, chống TQ, và cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Bây giờ tôi chỉ có vài dòng về Ngô Đình Diệm, một nhân vật sáng giá của chế độ thực dân mới của Mỹ lập ở VN, sau hiệp định Giơ ne vơ. Ông Diệm đã bị Mỹ thông qua đám tướng tá của cái gọi là Quân đội VNCH lật đổ trong cuộc đảo chính vào ngày 1/11/1963, để thành lập nên cái gọi là « đệ nhị cộng hoà ». Sau này sử phương Tây thường có thái độ nuối tiếc ông Ngô Đình Diệm, và gán cho ông này chức lãnh tụ chủ nghĩa dân tộc của VN. Thực ra chế độ của Ngô Đình Diệm không hơn gì chế độ của Nguyễn văn Thiệu về sau. Và nếu nói về tính « gân guốc » với chủ Mỹ, thì Nguyễn văn Thiệu còn giỏi hơn. Nhưng đã là số phận đầy tớ, thì cả Ngô Đình Diệm lẫn Nguyễn văn Thiệu đều không có thể chống lại chủ Mỹ.
Ở trên tôi có nói tới sự « sáng giá » của Ngô Đình Diệm, bởi ông ta cũng có những đặc trưng riêng, mà những nhân vật sau này của chế độ miền Nam không có. Những đặc trưng này được ngộ nhận là « dân tộc » nhưng không phải.
Khi thực dân Pháp đô hộ VN, họ đã làm hai điều đặc biệt về mặt xã hội để tạo dựng ra chế độ thực dân. Chính những điều đặc biệt này khiến cho Pháp có thể cai trị VN, với một lực lượng quân sự rất nhỏ. Vào thời điểm hưng thịnh nhất của chế độ thực dân, vào những năm 1930, Pháp chỉ có 8 tiểu đoàn và hơn chục chiếc máy bay bà già (những chiếc máy bay đã ném bom đàn áp Xô Viết Nghệ tĩnh) nhưng giữ được cả Đông Dương, chính bởi họ tạo được lớp người trung thành này. Pháp đã tạo dựng ra một tầng lớp người của giai cấp phong kiến VN, nhưng trung thành với họ. Chính xác hơn là phong kiến hoá một bộ phận tay sai của họ. Trong số này có gia đình Ngô Đình Diệm. Cách thức thế nào. Đầu tiên Pháp chọn những người theo Thiên chúa giáo rồi cho học chữ Pháp, từ đó biến họ làm quan, tạo ra một tầng lớp phong kiến địa chủ mại bản theo Pháp, có lợi ích gắn chặt với thực dân Pháp.
Do chính sách chống đạo Thiên chúa giáo không khéo của nhà Nguyễn, đã khiến Pháp lợi dụng được giáo dân, trở thành người bảo hộ cho họ. Ngược lại một bộ phận giáo dân từ đó lại dựa vào thực dân Pháp để hoành hành.
Những người chỉ cần học chữ Pháp, trở thành thông ngôn cho Pháp, thì đã được coi là « quan ». Trong khi quan thật phải là những nhà Nho, học chữ Nho, giáo lý nhà Nho, rồi thi mửa mật qua các kỳ thi hương, thị hội, thi đình mới có thể thành quan. Quan thông ngôn của Pháp chỉ cần học một khoá học của trường Hậu Bổ (tức là trường dậy làm thông ngôn), thì cũng được Pháp cho ngạch quan. Kì thi nho giáo cuối cùng là vào năm 1905, cho nên sau đó, chỉ còn loại « quan tân kỳ » của thực dân Pháp mà thôi.
Vì vậy khi sách vở lịch sử phương Tây, hay ngay của lề trái VN, phong cho Ngô Đình Khả, là bố Ngô Đình Diệm chức nhà Nho là điều hoàn toàn sai. Nhưng cũng dựa vào sự mập mờ này đó mà những gia đình này có danh có giá. Tức là được phong kiến hoá qua thực dân Pháp.
Ở đây nó có nhiều điều trái cựa với nhau. Đám người này được coi là giai cấp phong kiến , nhưng không phải là giai cấp phong kiến như nhà Trần, nhà Lý, nhà Lê..mà là giai cấp phong kiến giả mạo, nhờ thực dân Pháp mà có danh giá này.
Họ cũng được phong cho chức Nho gia, nhưng họ theo đạo Thiên chúa. Làm sao mà có gia phong Nho giáo được, nếu có cũng chỉ là những nền nếp hủ tục lạc hậu. Đạo Thiên chúa vốn là đạo Nhất thần, không có chuyện « tam giáo đồng nguyên ».
Tất cả những điều trái cựa này, thể hiện qua gia phong nhà họ Ngô. Đó là một tầng lớp người lạc hậu, phản động, tồn tại được do chế độ thực dân Pháp tạo ra. Nó không liên quan gì tới chủ nghĩa dân tộc của người Việt cả.
Cái mà người ta tưởng là chủ nghĩa dân tộc, thực ra là mâu thuẫn giữa đám người này và ông chủ Pháp, rồi Mỹ về sau. Tại sao lại có điều đó ? nguyên do là ở trong đạo Thiên chúa.
Khi Pháp xâm lược Vn, nó lấy chính danh là để bảo vệ đạo Thiên chúa, nhưng đấy chỉ là một sự lợi dụng chính trị.Bởi bản thân ở nước Pháp, chính quyền Pháp đâu có theo Thiên chúa giáo. Khi Pháp đã xác nhận được chủ quyền ở Đông Dương, thì nó phải cân bằng chính sách, vì 90% dân VN không phải là thiên chúa giáo, dù Pháp có dung túng đám người theo Thiên chúa giáo là tay sai,nó cũng không thể ưu ái quá đáng quá được, không kể nhưng người thiên chúa bình thường khác có được gì. Như vậy mâu thuẫn giữa đám người này với Pháp giống như mâu thuẫn của Vatican với nước Pháp. Gia đình họ Ngô do rất sùng đạo, mà lại là đạo Thiên chúa kiểu thời trung cổ, nên nó tạo ra tâm lý « chống Pháp » này.
Những điều tôi vừa nói thể hiện rất rõ bản chất khi nhà Ngô cầm quyền, và Pháp phải rút đi. Tất cả những gì phản động nhất của thứ Thiên chúa giáo này thể hiện ra, dẫn tới xung đột tôn giáo Phật giáo – Thiên chúa giáo năm 1963.
Như vậy đặc trưng của Ngô đình Diệm là gì. Đặc trưng ấy là vừa là tay sai của thực dân vừa là phản động. Vì phản động mà làm tay sai. Vì là tay sai mà phản động. Ngược lại như Nguyễn văn Thiệu về sau thì chỉ là giá áo túi cơm thôi. Chứ cái phần phản động phong kiến của nhà Ngô không có. Như vậy là Nguyễn Văn Thiệu còn tiến bộ hơn Ngô Đình Diệm.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 15 2017, 06:35 PM

Tôi sẽ nói tiếp một chút về Thiên chúa giáo, từ khía cạnh chính trị, xã hội chứ không phải về niềm tin. Không chỉ nói ở VN mà sẽ nhìn rộng ra tôn giáo này với các nước châu Á, Phi, Mỹ la tinh.
Khi phương Tây bành trướng ra toàn cầu, thì trong hành trang của họ có đạo Thiên chúa. Điểm khởi đầu, các vương quốc ở châu Âu khi bành trướng còn phải lấy ý kiến của giáo hoàng, giáo hoàng như là trọng tài , để tránh xung đột với nhau và chính danh. Thời đầu tiên, giáo hoàng phân chia cho hai cường quốc thực dân đầu tiên, đó là Tây ban Nha và Bồ đào Nha. Mỗi bên một nửa địa cầu. Phần VN thuộc về Bồ đào Nha. Vì thế mặc dù từ thế kỷ XVI, Tây ban Nha đã chiếm Phi líp pin, thì người Tây ban Nha cũng không được truyền đạo ở VN (đây là thời Trịnh-Nguyễn), vì thế giáo sĩ truyền đạo vào VN đầu tiên là người Bồ đào Nha. Để học tiếng việt,các giáo sĩ người Bồ này đã phiên âm tiếng Việt bằng bản chữ cái Bồ đào Nha.Vì thế bộ ký tự tiếng Việt hiện tại là biến thể của bộ chữ cái này và có nhiều ký tự đặc Bồ, đặc biệt là ký tự ghép (chứ « nh », « kh », « ng », dấu ngã..)
Vào thời điểm này, người Việt rất hâm mộ đạo Thiên chúa (dưới phiên bản cơ đốc giáo).Vì lúc này đạo Thiên chúa được đánh đồng với văn minh phương Tây, với các sản phẩm như đồng hồ, vũ khí (súng hoả mai), các loại rau củ quả mới (cà chua, xu hào ..) , hoặc họ cũng mang tới các sản phẩm khác của châu Á (dao cắt thuốc từ đảo lư cầu, tức là Okinawa, Nhật hiện tại, lúc đó còn là một quốc gia độc lập). Về mặt nhận thức, thì chúa cũng giống như ông Trời trong quan niệm VN. Phải về sau này, thì người ta mới phân biệt được là không phải. Những người VN hâm mộ đạo này thường là ở đồng bằng ven biển (vì có điều kiện tiếp xúc với người phương Tây), và ở những vùng đất khai hoang ven biển, nơi lập làng mới không có truyền thống (tin ngưỡng sơ sài), hay những lớp người sinh sống không liên quan tới ruộng đất (làng chài). Vì sao ? bởi tín ngưỡng chủ đạo của cộng đồng người Việt lúc đó là thờ Thành Hoàng (tương đương với Thần đạo –Shinto của người Nhật). Nhưng tín ngưỡng này phù hợp với cư dân nông nghiệp gắn bó với ruộng đất, trong các công xã nông thôn hơn là những người sống bằng nghành nghề nay đây mai đó.
Theo báo cáo của A lếch xăng đờ rốt (Alexandre De Rhode), là người trong giáo hội Pháp truyền đạo ở Đàng ngoài vào thế kỷ XVII, thì ông ta đã truyền đạo được đến 200000 người, trên dân số khoảng 4 triệu ở Đàng ngoài. Nhưng con số này có lẽ là fake, hiện nay không kiểm chứng được. Còn tại sao Alexandre de Rhode thổi phồng nó lên thế, vì ông ta muốn tác động vào Vatican để ủng hộ công cuộc truyền đạo ở VN.
Điều thú vị nữa, là cũng ỏ vùng châu thổ sông Hồng, nơi có đạo Thiên chúa, thì từ thế kỷ XVI cũng xuất hiện đạo Mẫu, mà ta có thể coi là phiên bản đáp trả đạo Thiên chúa cơ đốc, vốn thờ Đức Mẹ, của tín ngưỡng bản địa. Tất nhiên đạo Mẫu có nguồn gốc tín ngưỡng tiềm ẩn sâu xa hơn, nhưng việc nó hình thành vào thời điểm này cũng là điểm đáng nghiên cứu.
Thời thế kỷ 18, đạo Thiên chúa tiếp tục thâm nhập vào VN và bắt đầu tham gia vào chính trị VN, do Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long nhà Nguyễn sau này) dựa vào họ để đánh triều Nguyễn Tây sơn. Thời gian này Bồ đã tàn lụi, và có hai cường quốc cạnh tranh nhau để chiếm thuộc địa đó là Anh và Pháp.
Từ thế kỷ XVI, lúc Bồ truyền đạo thiên chúa vào VN, thì cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh đều thấy có vấn đề, và đạo Thiên chúa bị cấm. Vua Gia long, dù dựa vào giáo sĩ cũng thấy điều đó. Sự việc đó xẩy ra ngay trong gia đình ông. Để được giáo sĩ Pháp, đứng đầu là Bá đa Lộc ủng hộ, Vua đã đưa Đông cung thái tử là Hoàng tử Cảnh, cho Bá đa Lộc dậy dỗ. Một dạng con tin. Ông hoàng này sau đã cải đạo, và khi trở về đã không công nhận bố mình nữa, vì với ông ta, chỉ có chúa trời là bậc nhất. Điều này ngược với đạo Nho, công nhận Vua là con trời (Thiên tử). Chính vì thế mà hoàng tử Cảnh, dù là Đông cung thái tử, tức là đáng lẽ sẽ kế nghiệp vua Gia Long nhưng không thành. Điều này cũng phá vỡ cách truyền đạo của phương Tây, đó là truyền cho vua, rồi từ đó mà cải đạo cả nước. Sự cập kênh về nhận thức này không chỉ có vua Gia Long bị thế, mà toàn bộ hệ thống phong kiến VN thấy thế. Vì thế sau này, khi Pháp bắt đầu xác lập được chủ quyền thuộc địa ở Nam Bộ (1872), họ đã bắt ép các gia tộc phong kiến Nho giáo ở VN đưa con đi học. Nhưng tầng lớp người này không chấp nhận,sợ con cái mình xa ngã mất dòng giống (như hoàng tử Cảnh), và đã gửi con cái tá điền đi thay thế. Lớp tá điền đi học Pháp này, chính là tầng lớp phong kiến do thực dân dựng ra về sau, là tổ tiên của những dạng như gia đình họ Ngô, hay họ Trần (Trần lệ Xuân, vợ của em Ngô đình Diệm) thời thực dân.
Chỉ đến khi Pháp hoàn toàn làm bá chủ Đông Dương, các kiểu thi cử Nho giáo bị bãi bỏ. Các Nhà Tân Nho, ví dụ như các nhà Nho trong phong trào Đông kinh nghĩa thục đề cao cách học thực tế (tức là học nghành nghề, chứ không phải là học đạo đức luân lý), thì người Việt mới nhiệt thành tham gia hệ thống trường của thực dân Pháp. Và từ đó hình thành nên tầng lớp trí thức chống Pháp vì độc lập dân tộc. Ở đây có mối liên quan khá đặc biệt giữa những tầng lớp trí thức này với nhà nước VN hiện tại. Đó là Nho giáo -> Tây học -> chủ nghĩa Mác Lê + chủ nghĩa dân tộc (Bác Hồ, ông Trường Trinh). Hoặc Tây học -> chủ nghĩa Mác – Lê + chủ nghĩa dân tộc (ông Nguyễn Khắc Viện, ông Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Đức Thảo).. Hoặc Nông dân, Công nhân -> chủ nghĩa Mác-Lê + chủ nghĩa dân tộc (ông Lê Duẩn, ông Tôn Đức Thắng). Ở đây tôi chỉ đưa tên một số người có tính điển hình, chứ trí thức VN dạng này rất nhiều. Và hiện nay còn dạng đa số nữa, đó là những người hoàn toàn được đào tạo trong một nước VN độc lập. Ví dụ như ông Nguyễn Phú Trọng .
(con tiep)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 18 2017, 10:42 PM

Trong sách giáo khoa lịch sử, chương trình phổ thông từ ngày xưa đã có quan niệm « Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà », nói về việc ông cầu viện giáo sĩ Pháp này. Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long quả thực có thái độ bảo vệ dòng tộc của mình hơn đất nước, vì ông cũng đã từng cầu viện Xiêm La, nên điều nhận xét ấy của sách giáo khoa sử không sai. Chỉ có điều nó không nói lên được vấn đề là chính nhà Nguyễn cũng trở thành con gà bị cắn. Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên nối ngôi. Ông đã phải vất vả mất 3 năm mới tiêu diệt được cuộc nội loạn của Lê Văn Duyệt ở Gia định, tức Sài gòn sau này. Lê Văn Duyệt là một đại thần thời Gia Long, được vua Gia Long phong chức Phó Vương, đặc quyền cai quản lục tỉnh Nam Kỳ, nên đã tự dựng lên một triều đình của riêng mình. Khi vua Minh Mạng quyết định thống nhất hành chính toàn quốc, Lê văn Duyệt đã nổi loạn được các giáo sĩ phương Tây (cố Du) ủng hộ. Quân của Lê văn Duyệt đã cố thủ được ba năm, vì hi vọng rằng sẽ có tầu Tây tới cứu. Cố Du là một cố đạo người Pháp, tôi đọc lâu nên quên tên Pháp ông ta là gì. Đại khái là Le văn Duyệt muốn học vua Gia Long. Vua Gia long cầu viện Bá đa lộc, thì Lê văn Duyệt muốn dùng cố Du. Còn vua Minh Mạng là vị vua tài giỏi nhất của nhà Nguyễn. Chính dưới triều ông mà nước VN hoàn thiện bộ máy hành chính từ Nam ra Bắc, xoá bỏ các đầu mối cát cứ tiềm ẩn. Trong Nam là Lê văn Duyệt, ngoài Bắc là Nguyễn Văn Thành. Ông cũng bỏ chế độ Trấn mà chia toàn bộ đất nước thành tỉnh huyện. Trước đó thời Gia long, ngoài Bắc là trấn Bắc Thành. Cũng như lục tỉnh Nam bộ có quy chế riêng. Cũng thời vua Minh Mạng, mà nước Đại Nam (tên nước VN lúc đó) mở rộng tới thủ đô Cam pu chia bây giờ, được đặt thành trấn Tây Thành. Sau này, khi Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, rồi xâm nhập vào Cam pu chia, đưa giòng hoàng thân Xi ha núc lên ngôi làm vua bù nhìn, thì biên giới VN-Campuchia mới như ngày nay. Quá trình xâm lược thuộc đia của Pháp ở VN đã tạo ra nước Cam pu chia hiện tại, chứ nếu không thì nước này đã bị xoá tên trên bản đồ, bị chia thành đất Xiêm la (Thái lan) và Đại Nam (VN).
Do giáo sĩ Pháp muốn truyền đạo bằng cách xâm lược, nên mới có vấn đề cấm đạo từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức.Hiện nay, vì đây là vấn đề lịch sử đã qua, nên người ta rất có thể dễ dàng « tiên tri quá khứ », phê phán nhà Nguyễn tại sao lại làm thế, mà không có cách sử lý kiểu khác. Nhưng cũng phải hiểu là đạo Thiên chúa lúc đó đặt ra rất nhiều vấn đề. Ví dụ, đã theo đạo là không còn thờ tổ tiên cha mẹ, không được theo các tập tục VN, mà nhất nhất theo phong tục phương Tây, do Vatican đặt ra. Phải đến năm 1962, sau đại hội Vatican II, thì Giáo hội mới cho phép theo tập tục sở tại. Và khi việc này được đưa ra, công giáo ở VN lại muốn chống, thích luật cổ hủ hơn. Tức là bảo hoàng hơn vua.
Điều mong ước của các giáo sĩ Pháp đã được thực hiện từ thời Tự Đức, đó là thực dân Pháp bắt đầu xâm lược thực sự bằng việc đánh vào Đà nẵng (1858), rồi chiếm lục tỉnh (1872). Trong quá trình này, người công giáo đã làm 2 việc. Đó là làm thông ngôn cho Pháp và cả triều đình (do biết tiếng), đóng góp vào việc thiết kế các hiệp ước bất bình đẳng giữa Pháp và nhà Nguyễn. Nhưng việc soạn thảo cuối cùng, thì họ cũng không được tham gia mà phía Pháp là các giáo sĩ Pháp biết chữ Nho đảm nhiệm. Việc nữa là họ tham gia vào hàng ngũ lính Pháp, làm thông ngôn, dẫn đường, trinh sát.. Sở dĩ họ làm như thế vì hệ thống tổ chức của đạo Thiên chúa hoàn toàn do người phương Tây chỉ đạo, và họ đặt đạo cao hơn Quốc (đất nước). Đây cũng là cái lý luận của lề trái cho đến bây giờ. Ví dụ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì họ biện hộ bằng việc « chống cộng ». Hiện tại thì họ đề cao nhân quyền cao hơn chủ quyền.
Tất nhiên không phải không có người công giáo đứng về phía đất nước. Một ví dụ là Nguyễn Trường Tộ. Ông này cũng làm phiên dịch cho Pháp, nhưng ông cũng nhận ra được sự khác biệt giữa đạo và ý đồ của thực dân Pháp, nên ông đã viết khá nhiều điều trần cho vua Tự Đức. Có giai đoạn ông cũng được vua Tự Đức sử dụng, với mong muốn ông áp dụng những học thuật học có được để khai mỏ, mở mang kỹ nghệ. Nhưng điều này cũng thất bại. Nó thất bại bởi vì Nguyễn Trường Tộ không đủ trình độ giỏi đến thế, cũng như nhà Nguyễn hoàn toàn không có cơ cấu, tổ chức để có thể khai thác. Chính vì thế mà ở VN hiện nay đánh giá hai điều sai về ông. Đó là nghĩ ông giỏi và không được sử dụng. Kỳ thật ông không giỏi đến thế và nhà Nguyễn có dùng ông.
Khi thực dân Pháp đã biến VN thành thuộc địa rồi, thì xẩy ra điều trái ngược là số lượng người công giáo không vì thế mà tăng lên. Tổng số người công giáo trong thời Pháp thuộc tăng tự nhiên (sinh đẻ, lập gia đình) là chủ yếu chứ không phải là cải đạo.Họ cũng là thành phần trung thành với Pháp nhất. Đơn giản do hệ thống tăng lữ là theo Pháp, là người Pháp hay phương Tây (Tây ban nha, hay Ái nhĩ lan) và họ có hệ thống quản lý chặt chẽ. Công giáo ở VN không phải là công giáo hiện đại, đã được chế độ tư bản chuyển hoá có nhận thức cá nhân, mà là loại công giáo kiểu thời trung cổ, nặng về lòng tin, nghi lễ, đặc biệt tuân theo linh mục. Lại do là tôn giáo thiểu số, nên càng có tính chất co cụm, bảo thủ. Con chiên trung thành với đạo, nghe lời cha cố, cha cố theo Pháp vì là người Pháp hay phương Tây, thành ra trung thành với Pháp.
Còn Pháp thì cũng tin tưởng người công giáo hơn.Vì thế những quan lại được Pháp tin cậy, thường phải là người công giáo. Gia đình Ngô đình Diệm, Trần lệ Xuân mà vinh hiển được cũng là như vậy. Bảo đại khi lấy vợ, bắt buộc phải lấy vợ công giáo. Nam phương Hoàng hậu bù nhìn là con một giao đình điền chủ theo công giáo ở Nam Kỳ.
Ngay cả Nguyễn văn Thiệu sau này, cũng cải đạo theo thiên chúa.
Tất nhiên cũng có người công giáo lại theo cách mạng. Ví dụ ông Trần Văn Giầu. Người đã đóng vai trò lớn trong việc tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền ở Sài gòn năm 1945.
Vào thời điểm năm 1945, cũng như toàn thể dân VN (nói đa số), người công giáo cũng ủng hộ chính phủ HCM, giành độc lập. Nhưng vào thời điểm năm 1949, khi cơ cấu tổ chức của nó tuyên bố chống chính phủ Việt Minh, thì ngay lập tức các chức sắc của công giáo ủng hộ, lôi kéo giáo dân theo. Ví dụ như linh mục Lê Hữu Từ, người lập ra khu tự trị công giáo ở Bùi chu, Phát Diệm, được Pháp ủng hộ. Lực lượng tự vệ công giáo này chống Việt Minh, biến vùng Bùi chu Phát Diệm thành vùng tề, theo Pháp.
Cũng vì tổ chức tôn giáo như thế, nên khi có hiệp định Giơ ne vơ(1954), thì những người này di cư vào Nam. Như vậy những người công giáo di cư vào Nam hoặc do tham gia vào chính quyền tề ở Bùi chu Phát Diệm mà đi. Họ cũng có thể đi, vì tuân thủ theo chức sắc trong đạo mà đi. Lực lượng công giáo di cư này, trở thành trụ cột cho chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cũng chính ở trong miền Nam, khi được ưu ái, có quyền lực, thì lực lượng công giáo này thể hiện rõ yếu điểm « là người thiểu số, chỉ biết tới cộng đồng riêng mình bất chấp dân tộc » của nó nên đã dẫn đến xung đột tôn giáo với phật giáo. Vào thời Ngô đình Diệm, số lượng người theo công giáo khoảng 1,2 triệu, trong đó người Bắc di cư chiếm đa số (700 ngàn). Còn người miền Nam theo đạo, thì chủ yếu là đạo Phật (miền trung, với trung tâm là Huế), hay các tôn giáo bản địa (Cao đài, Hoà hảo).
Tóm lại. lịch sử VN từ thời thực dân Pháp xâm lược đến nay, người ta phải hiểu các cuộc kháng chiến chống xâm lược không chỉ chống lại đế quốc, thực dân, mà cả tay sai của nó nữa. Số lượng tay sai này là thiểu số, vì thế nếu không có sự trợ giúp của đế quốc bên ngoài, thì nó đổ ngay. Nhưng bản thân nó cũng tồn tại như một tầng lớp người có những lợi ích riêng, một dạng lợi ích nhóm nói theo từ vựng bây giờ, gắn liền với lợi ích của thực dân. Lợi ích này được che đậy bởi các giá trị tôn giáo, nhân văn, và được khoác áo « quốc gia », trong khi thực tế chỉ là một hình thức thực dân mới. Hiện nay, cách làm của lề trái, mà hạt nhân của nó xuất phát từ những lớp người tôi nói ở trên, là lờ đi sự liên quan của nó với các thế lực đế quốc, thực dân vào thời điểm đó, mà chỉ đưa ra « những tội ác » của cách mạng, rồi rêu rao gây thất thiệt, gây mất lòng tin, đòi viết lại lịch sử. Trong thực tế, không có lửa sao có khói.
Hiện nay người công giáo có rất nhiều điều kiện để sống theo đức tin của mình mà không bị lợi dụng. Bởi vì.
1- Nhà nước VN hiện tại là một nhà nước phi tôn giáo.
2- Thế lực của công giáo thế giới đang chuyển dần từ các nước phát triển sang đang phát triển (ví dụ ông giáo hoàng hiện tại là người Ác hen ti na, tất nhiên ông ta dễ cảm nhận vấn đề một nước đang phát triển, vì nước Ác hen ti na cũng là nước nghèo, hơn là ông giáo hoàng người Đức, hay Ý)
3- Sự suy giảm niềm tin tôn giáo ở châu Âu, khiến người công giáo VN có thể về nguồn dễ hơn.
4- Sự phát triển của VN, sẽ khiến người ta không còn theo đạo vì nó « văn minh », theo đạo không phải là điều cần thiết để tiếp cận văn minh phương Tây.
5- Sự cạnh tranh của các nhóm thiên chúa khác không phải là cơ đốc giáo.
6- Việc thương mại hoá một số ngày lễ công giáo ở thành thị (ví dụ Nô en) khiến người ta thấy nó gần hơn, không còn là một nghi lễ thiểu số kỳ quặc ở VN.
Nhưng điều quan trọng nhất với cộng đồng công giáo ở VN là thái độ của chức sắc tôn giáo này đối với Vatican, và điều quan trọng nhất là niềm tin của giáo dân với họ, nó có còn là niềm tin mù quáng không.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 18 2017, 11:54 PM

Tôi mở rộng một chút ra châu Á, để xem đạo Thiên chúa thâm nhập thế nào, đã dẫn tới những vấn đề xã hội chính trị gì.
Cạnh nước ta, đạo Thiên chúa (dạng cơ đốc giáo hay dạng tin lành) cũng thâm nhập cùng thời kỳ vào TQ. Ở đây, đạo Thiên chúa không được sử dụng như một cái cớ để xâm lược. Nhưng nó cũng tạo ra một hiện tượng kỳ lạ rối loạn xã hội, đó là phong trào khởi nghĩa nông dân của Thái bình Thiên quốc. Hồng Tú Toàn, là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa này, đã kết hợp đạo Thiên chúa với đạo Lão (ông tự xưng là em của chúa Giê Xu), tạo nên một cuộc khởi nghĩa khổng lồ, đã từng chiếm được Nam Kinh, và nghĩa quân cũng đã đập phá chùa chiền miếu mạo được coi là mê tín. Một trong những tàn quân cuả Thái bình Thiên quốc, chính là quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, người đã giúp quân nhà Nguyễn chặt đầu được hai viên đại uý người Pháp lúc họ mang quân ra đánh thành Hà nội. Môt lá cờ của quân cờ đen, mầu đen có hình con hổ đang vồ mồi rất to, còn được Pháp trưng bầy trong bảo tàng Invalide nơi để mộ Na pô lê ông ở Paris. Ở TQ, những người theo đạo Thiên chúa lại tạo thành tầng lớp trí thức mới của TQ. Thường họ là những người Hoa kiều. Người nổi tiếng nhất có lẽ là Tôn Trung Sơn, người sáng lập ra Trung hoa dân quốc và Quốc dân đảng. Vợ của Tôn Trung Sơn, Tống Mỹ Linh, gia đình họ Tống là những người theo đạo Thiên chúa. Tưởng giới Thạch khi lấy vợ là em Tống Mỹ Linh cũng cải đạo theo Thiên chúa giáo. Và chính quyền Tưởng giới Thạch, cũng bị nạn gia đình trị như chế độ của Ngô Đình Diệm về sau. Một người nổi tiếng nữa là Lâm ngữ Đường, một nhà văn hoá.
Ở bán đảo Triều Tiên, thì đạo Thiên chúa còn được người Triều Tiên sang TQ mang về. Đây có lẽ là nước duy nhất trong thế giới Nho giáo, tình nguyện mang đạo Thiên chúa vào. Ở triều tiên tất nhiên không có việc lợi dụng Thiên chúa giáo để xâm lược, vì nước biến bán đảo Triều tiên thành thuộc địa là Nhật bản.
Ở Nhật, đạo Thiên chúa (cơ đốc giáo) cũng theo người Bồ vào từ thế kỷ XVI. Và cũng bị cấm đạo như ở VN, do tìm cách thâm nhập vào chế độ Shogun. Nhưng có điều khác là do đạo Phật ở Nhật được tổ chức quy củ, nên chính quyền Sho gun đã tìm thấy trong nhà chùa hệ thống tổ chức tín ngưỡng để quản lý dân. Đồng thời họ vẫn để cho người Hà lan ở lại buôn bán (vì người Hà lan không truyền đạo) tại một hòn đảo nhỏ đối diện thành phố Nagasaki.Chính những người Nhật học tiếng Hà lan, tức là tiếp xúc với văn minh phương Tây, trở thành người cổ xuý cho chế độ Minh trị, và là tầng lớp trí thức hạt nhân của cải cách Minh trị, cùng với giới Samurai ở các điền trang phía Nam Nhật bản (choson, sasima, ..).
Ở các nước ĐNA theo đạo Phật tiểu thừa, đạo Thiên chúa cũng không xâm nhập được.
Như vậy chỉ có ở VN, thiên chúa giáo (dưới hình thức cơ đốc giáo) mới tiếp tay cho công cuộc xâm nhập thuộc địa của thực dân Pháp, và từ đó tạo ra một tầng lớp người Việt gắn bó với chế độ thực dân cũ theo theo đạo Thiên chúa. (tất nhiên về sau, không phải chỉ có người công giáo mới làm tay sai cho Pháp rồi Mỹ)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Dec 19 2017, 05:26 PM

Tống Khánh Linh mới là vợ của Tôn Trung Sơn, còn Mỹ Linh lấy Giới Thạch

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 19 2017, 11:11 PM

@nvt,
Tôi nhớ không rõ tên vợ con Trưởng giới Thạch, nhưng thời Tưởng giới Thạch cầm quyền ở TQ, cũng có nạn « gia đình trị » như chế độ nhà Ngô ở miền Nam. Có điều chắc TQ to, nên nó là 4 gia đình lũng đoạn TQ, mà họ Tống là một. Trong đó bà chị cả (hình như là Ái Linh), thì lấy một nhân vật tức là anh em đồng hao với Tưởng, làm bộ trưởng tài chính chuyên đục khoét, tham nhũng, được coi là có tiền tỉ (đô la) và là biểu tượng tham nhũng thời cầm quyền của Quốc dân đảng TQ trên lục địa. Khi cách mạng TQ thành công 1949, ông này không dạt ra Đài loan mà lại sang Mỹ, ở New York. Đến khi mất, truy tài sản thì thấy ông này chỉ có ..10 triệu đô, tức là rất xa so với đồn đại. Thế mới biết nhiều khi cảm nhận dư luận khác nhiều với thực tế. Vì thế trong các vấn đề xã hội chính trị, cái tâm lý dư luận có khi có ảnh hưởng còn lớn hơn sự thật. Còn tất nhiên 10 triệu hay 1 tỉ thì cũng vẫn là tham nhũng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 20 2017, 10:33 PM

Tiếp một chút về Thiên chúa giáo. Có thể coi là ngoài lề. Bản thân tôi cũng nghiên cứu Thiên chúa giáo, vì có kiến thức về thiên chúa giáo sẽ giúp người ta hiểu văn minh phương Tây hơn, đặc biệt là ai muốn nghiên cứu triết học. Tất nhiên tôi không nghiên cứu để tìm niềm tin, vì tôi không có niềm tin Thiên chúa giáo. Tôi tìm hiểu nó, cũng giống như khi người Pháp, người Mỹ sang VN tìm hiểu người Việt thì họ phải biết đạo Phật đạo Nho, tức là tìm hiểu nó như một bộ phận của nhân chủng học (anthropologie) mà đối tượng nghiên cứu của tôi là người phương Tây (Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Anh..).
Nói chuyện Thiên chúa giáo, có một chuyện buồn cười. Trong quãng đời đi làm của tôi, trước tôi có một đồng nghiệp là người Pháp gốc Ý, bố anh ta là thợ mỏ, nên người đồng nghiệp của tôi này rất có tư duy cộng sản, tất nhiên là cộng sản kiểu Tây Âu. Và tất nhiên là chống tôn giáo. Ở đây là Cơ đốc giáo. Một hôm trong lúc vui chuyện, tôi nói rằng trong kinh tân ước, những truyện chúa Giê Xu làm ra bánh ra rượu là những câu chuyện thần thoại (mythologie), thế là anh ta rất nghiêm chỉnh sửa lại cho tôi rằng đó không phải là thần thoại (mythologie) mà là tin lành (Evangile). Với ai có chút kiến thức về Thiên chúa giáo, thì hiểu hai điều này là khác nhau. Vì tin lành nghĩa là lời của đức chúa Trời « lộ thiên cơ » qua chúa Giê Xu cho loài người, nhưng vì người ta có niềm tin vào Thiên chúa thì người ta mới thấy thế, chứ với một người bình thường như tôi, thì khi đọc thấy chúa biến nước thành rượu, rồi bẻ vụn bánh mỳ biến thành bánh phân phát cho mọi người rõ ràng là câu chuyện thần thoại, hoang tưởng, khác gì chuyện Thánh Gióng ở VN. Tất nhiên sự phân biệt này từ miệng một người,mà tự người đó coi mình là cộng sản, khiến cho tôi nhận thấy rằng, thực ra không ai đi khỏi được truyền thống văn hoá của mình,ngay cả khi chối bỏ nó.
Ở VN cũng vậy thôi. Hiện nay theo đạo Thiên chúa (từ cơ đốc đến tin lành) khoảng 7 triệu người. Số lượng người theo Phật giáo cũng tương đương như vậy, 7 triệu. Nhưng điều khác căn bản là 7 triệu người theo Phật giáo là người ta theo Phật giáo tích cực, có nhận thức Phật giáo rõ ràng. Ngược lại dân cả nước là theo Phật giáo tiềm ẩn, vì phật giáo ngấm vào lối sống, suy nghĩ, từ vựng, quan niệm.
Bây giờ tôi không còn rõ giấy tờ viết thế nào, chứ trong giấy khai sinh của tôi, là của nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà ghi nhận, thì trong mục tôn giáo, được viết là « LƯƠNG ». Lương ở đây là chỉ về những người theo quan niệm « tam giáo đồng nguyên ». Trong đó tâm linh là phật giáo, ứng sử trong xã hội là nho giáo, tín ngưỡng là thờ cha mẹ tổ tiên, thần thánh.
Vì người Đông Phương, trong vùng văn hoá Nho giáo thường có tính tổng hợp, chứ không phải có tính phân tích, nên hiện này ở nhiều nơi như Nhật, hay Đài loan, người ta lại có quan niệm « ngũ giáo đồng nguyên », tức là ngoài Phật, Lão, Nho (Tam nguyên), người ta cho vào cả Hồi giáo lẫn Thiên chúa. Vì thế mới có chuyện ở Nhật cưới thì làm ở nhà Thờ, chết thì làm lễ ở chùa, cầu khấn thì lên đền, ở nhà thì thờ cúng tổ tiên, thái độ ứng sử thì theo Nho giáo.
Như vậy người ta có thể hiểu tín ngưỡng tôn giáo ở phương Đông là theo chức năng, chứ nó không đòi hỏi người ta phải nhất thần đạo.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Dec 22 2017, 11:07 PM

Để bổ xung thêm vào câu chuyện Đế quốc, thực dân, tay sai, tôi phân tích thêm thế này. Ở trong những mục trên, tôi có nói là Pháp dựng lại một đội ngũ phong kiến được tái tạo lại, làm tay sai cho họ. Tất nhiên câu hỏi được đặt ra là : Nước Pháp là một đế quốc theo chế độ tư sản, thế tại sao ở VN nó lại vực dậy tạo dựng đám phong kiến lai căng kia. Câu trả lời phải tìm trong bản chất chế độ đế quốc Pháp. So với các đế quốc khác như Anh, Nhật, Mỹ, Đức..v..v.. tư bản Pháp chủ yếu là tư bản tài chính cho vay lãi, chứ không phải là tư sản công nghiệp. Khi chiếm thuộc địa, Pháp bóc lột bằng nhà nước, vắt vốn qua thuế khoá, để bảo hộ cho công nghiệp chính quốc, lấy thuế thuộc địa nuôi công nghiệp chính quốc. Chính vì thế mà thuộc địa Pháp là thuộc địa kém phát triển về công nghiệp nhất so với thuộc địa của các đế quốc khác, và trong điều kiện ấy thì chỉ có đội ngũ phong kiến tái tạo lại. Chính vì thế mà giai cấp tư sản bản địa không có, và nếu có chỉ tồn tại nhiều nhất là tiểu tư sản, thị dân tức là trí thức sống bằng nghề tự do hay làm trong bộ máy nhà nước thực dân.
Ở VN, ai học phổ thông tất nhiên đều phải biết chuyện chị Dậu (tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố). Đây là câu chuyện thương tâm của bần nông VN về thuế khoá kết hợp với địa chủ bóc lột. Nếu bây giờ, ta bỏ ngoài câu chuyện văn chương về văn học hiện thực phê phán, đặt câu hỏi : Vậy thời phong kiến Vn có chủ quyền, người nông dân cũng khổ thế à ? Câu trả lời là KHÔNG. Tại sao. Bởi thời phong kiến tự chủ, có hai điều khác cơ bản.
1- Người nông dân nộp thuế bằng sưu (tức là đi làm công cho nhà nước phong kiến), hay bằng thóc (trên ruộng công điền) chứ không phải bằng tiền, vì làm gì có kinh tế thị trường phát triển tới nông thôn để có tiền.
2- Sưu, thuế được bổ về làng. Và làng có quyền tự chủ chia nhau, gia giảm. Thuế thời phong kiến không phải là thuế thân, tức là bổ đầu người.
Khi thực dân pháp vào, thì nó lấy tiền, nhưng làm sao mà người nông dân có tiền, nhất là trong xã hội không có công nghiệp, hình thức sản xuất phong kiến, và nó lại bổ theo đầu người cá nhân.
Không những thế số tiền thuế mà Pháp đánh ở Vn rất nặng, gấp 10 lần so với ở Nhật so cùng điều kiện tương đương. Mà việc đánh thuế của Nhật lúc ấy cũng đã là mạnh, vì họ cần tích luỹ tiền để công nghiệp hoá.
Bởi vì không có công nghiệp, mà chỉ vắt tiền bằng thuế, cho nên mới có chuyện nhà nước Thực dân độc quyền thuốc phiện, rượu và muối. Và nó không ngại ngần gì mà bổ đầu người, ép tiêu thụ, bất chấp tác hại. Tất cả những công trình mà Pháp để lại ở VN, cầu long Biên, nhà hát lớn, nhà thờ Sài gòn.. đều từ đây mà ra cả.
Chính vì thế mà lực lượng phản động mà Pháp tạo ra ở VN là phong kiến lai căng. Gọi là lai căng vì nó không phải là phong kiến thật sự, có chủ quyền có bản chất, mà chỉ là một sự tái tạo lại của chế độ thực dân phục vụ cho mục đích của nó.
Ở trên tôi có nói tới giai cấp tư sản, chủ yếu là tiểu tư sản, tức là trí thức. Khi cách mạng bùng nổ thì giới này chia làm đôi. Có những người theo kháng chiến, trở thành trụ cột. Cách mạng VN không thể làm được nếu nó không phải là liên minh công nông và trí thức. Còn có những người khác thì họ vẫn sống trong chế độ thực dân,và có thể không hợp tác với chế độ này. Sự phân liệt này rất sâu sắc, có khi đi qua từng gia đình. Không thiếu gia đình trí thức VN (tức là tư sản, hay tiểu tư sản) có một nửa theo kháng chiến, một nửa ở với chính quyền thực dân hay chính quyền miền Nam.
Hiện nay, do điều kiện in ấn phát triển, xã hội cởi mở, người ta bắt đầu in lại sách vở, tác phẩm của tầng lớp người này ở miên Nam cũ, khiến người đọc đương đại, dễ đánh đồng họ với chính quyền miền Nam ngày trước, lại tưởng nó là hay quá, nhưng điều này là một sai lầm lớn. Trong thực tế, tầng lớp người này bị đi tù trước nhất thời chế độ Diệm, trước cả những người cộng sản, nhiều khi chỉ vì Ngô Đình Cẩn, em út Ngô đình Diệm muốn chiếm đoạt của cải của họ. Đến thời Nguyễn Văn Thiệu, thì họ dễ thở hơn, vì nhóm quân phiệt cầm quyền này bớt độc tài hơn so với chế độ Diệm trước. Vì thế tôi mới nói chế độ Thiệu « tiến bộ » hơn chế độ Diệm.
Tôi có thể kể một số người tôi yêu thích, như cụ Nguyễn Đăng Thục, hay cụ Nguyễn Hiến Lê. Cái mà tôi thích đó là họ tiếp tục cái học của « Pháp quốc » trước trong cách nghiên cứu, vì miền Nam cũ chưa bao giờ bị cắt đứt quan hệ với phương Tây, và là cái đuôi học thuật của phương Tây, điều đó càng thu hút người đọc hiện tại vì VN hiện đã hội nhập trở lại trong thế giới, và những đối tác kinh tế, văn hoá lớn nhất của VN lại là những nước này. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi coi họ là đúng là chân lý, mà chỉ có tác dụng bổ xung những gì tôi đã biết, hay cách nhìn Mác xít mang lại cho tôi, khiến mình có một cái nhìn tổng hợp hơn.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Sep 5 2018, 01:17 PM

Bài này copy từ DAINAMBALL (FB)

Câu chuyện nước Minh đốt sách vở của nước Việt được lịch sử ghi nhận xảy ra từ năm 1407 – 1427, sau cuộc Chiến tranh Minh - Việt, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần 4.

Ngày nay, chương trình phổ thông vẫn dẫn hai câu Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại cáo như một bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của Đại Minh khi cai trị nước ta “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” mà quên rằng, Bình Ngô Đại cáo là tác phẩm văn học, không phải tư liệu lịch sử. Nên vấn đề đốt sách phát xuất từ nhiều nguyên nhân, và bản chất cũng không tồi tệ như số đông vẫn nghĩ.

- Nhà Minh có đốt sách vở của Đại Việt?

Có! Nhưng chính xác thì việc đốt sách vở của nhà Minh được hậu thế thổi phồng để lờ đi những lần khác người Việt hủy hoại sách vở của chính mình.

Khi quân Chế Bồng Nga tấn công Thăng Long năm 1371, chính họ "đốt trụi cung thất, sách vở không còn, quốc gia từ đấy nhiễu loạn". Tới năm 1516, trong cuộc nổi loạn của Trần Cảo, "sĩ và dân chen nhau vào cung cướp vàng lụa, còn văn thư đồ tịch bị vứt đầy đường". Tiếp theo, khi nhà Lê chiếm lại Đông Kinh từ tay nhà Mạc, sách vở cũng bị nhà Lê "thiêu thành tro bụi".

- Nhà Minh có phải chịu trách nhiệm cho sự tiêu vong của văn hóa Lý - Trần?

Văn hóa Lý - Trần vốn không khác gì văn hóa Minh, đều từ mẫu gốc là văn hóa Đườg - Tống mà ra, thế mới nói đại đồng tiểu dị. Nhà Minh muốn nhất thống phong tục trong khu vực quản lý của mình nên bắt người Việt mặc áo như người Minh, cấm nam nữ cắt tóc (vì theo quan niệm Nho gia, tóc da mỗi người do cha mẹ sinh thành mà có, cắt đi là bất hiếu). Nhưng lưu ý, sau khi chiếm lại quyền tự chủ, người Việt cũng TỰ NGUYỆN tiếp thu văn hóa Minh, tục để tóc ngắn cũng mất để nhường cho tục để tóc dài.

Vua Lê Thánh Tông còn CHỦ ĐỘNG học hỏi cách tổ chức quân đội và phần lớn cách cai trị của nhà Minh. Giới học thức nhà Lê cũng tự tôn Nho – Đạo lên trên Phật giáo. Trong đạo dụ của Minh Thành Tổ chép trong Minh thực lục cho biết ông đã ra lệnh hủy sách vở của Đại Việt, gồm những sách về tập quán thô kệch, sách cho trẻ con, và những sách chứa câu “thượng đại nhân khâu ất kỷ”. Như vậy, nhà Minh ban đầu hủy sách có chọn lọc, chỉ hủy những cuốn có chứa luật tục mà họ cho là thô kệch và triết lý không hợp với thế giới quan của nhà Minh.

Nhưng rốt cuộc văn hóa An Nam có bị tận diệt sau cuộc bách hại của nhà Minh không? Không chắc, vì đến thời Ngô Sĩ Liên vẫn còn thấy sử dụng tư liệu của sử quan nhà Trần để soạn sách.

Cho nên, văn minh Lý - Trần bị tiêu hủy không phải chỉ vì cuộc xâm lược của nhà Minh, điều mà lâu nay số đông vẫn nghĩ.
.
Nguồn tham khảo:
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển 9.
- Minh thực lục (bản kỷ quyển số 130).
- Yamamoto Tatsuro (1950), An Nam sử nghiên cứu.
- John Whitmore (1985), Ho Quy Ly and the Ming.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Sep 5 2018, 09:57 PM

Người viết cái cảm nhận lịch sử ở trên không có kiến thức lịch sử văn hoá, nên dẫn tới nhiều ngộ nhận. Tôi chỉ ra mấy điểm ở đây.
1- Bình Ngô Đại cáo là một tư liệu lịch sử, vì nó là thông cáo của nhà nước (triều nhà Lê) cho dân chúng khi vừa chiến thắng quân Minh lập ra nhà Lê, do Nguyễn Trãi chấp bút viết. Điều này nằm ngay trong cái tên của nó. Bình ở đây nghĩa là chinh phạt. Ngô là từ thời phong kiến chỉ Trung quốc. Đại là to. Cáo có nghĩa là thông cáo, nghị định. Như vậy nghĩa của Bình Ngô Đại Cáo có nghĩa là đại thông báo của nhà nước về công cuộc chinh phạt nhà Ngô (hiểu ở đây là kháng chiến chống quân Minh). Nếu so sánh với hiện tại, ta có thể coi nó có ý nghĩa như nghị định số XII chống tham nhũng của Đảng hiện tại, hay tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Vì nó là tài liệu nhà nước nên nó là sử liệu. Các nhà Nho VN cũng không nhầm về điều này. Chính vì thế mà Bình Ngô Đại Cáo được trân trọng viết lại trong Đại Việt sử ký, điều hiếm có với một thông cáo nhà nước thông thường. Ngoài Bình Ngô Đại Cáo, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo cũng được giữ nguyên bản trong Đại Việt sử ký.
Trong văn chương chữ Nho, nằm trong chương trình học của các nhà Nho, họ phải học cách viết thơ (Đường luật), Phú (văn xuôi đối ngẫu) về văn học và các cách thức viết văn bản hành chính bao gồm CÁO (thông cáo nhà nước), CHIẾU (thông cáo nhà nước nhân danh Vua), TẾ (văn tế lễ dùng cho tín ngưỡng). CÁO, CHIẾU đều có ý nghĩa như luật.
Bình Ngô Đại Cáo như vậy là một tư liệu lịch sử hiếm hoi, chỉ cho người ta thấy tình hình đất nước, sự đánh giá của người đương thời, của nhà nước với sự kiện lịch sử đương đại, chứ không phải Nguyễn Trãi rung đùi cảm hứng viết chơi.
Bình Ngô Đại Cáo chỉ được đưa vào văn học, vào thời hiện đại, vì giá trị văn học của nó. Nhưng nguyên bản nó là sử liệu.
2- Nhà Minh ở TQ và hai triều đại trước đó Tống, Đường hoàn toàn khác nhau. Nhà Tống, Đường theo văn minh Phật giáo, và Lão giáo. Đời nhà Tống xuất hiện Lý học, tức là Nho giáo có tổng hợp thế giới quan Phật giáo và Lão giáo. Đây cũng là phiên bản Nho giáo được sử dụng ở VN từ đời Lê đến đời Nguyễn. Bản chất chế độ phong kiến là một chế độ phong kiến nửa phân quyền, trong xã hội ngoài nông dân, địa chủ, sĩ phu, còn có quý tộc. Dù vai trò quý tộc ở TQ không mạnh như ở phong kiến Tây Âu. Chế độ nhà Minh là theo Nho giáo, chế độ phong kiến tập quyền tuyệt đối.Giới quý tộc không còn. Ngược lại vai trò địa chủ mạnh lên. Chế độ này còn được hoàn thiện hơn nữa vào thời nhà Thanh. Như vậy không thể nhầm lẫn.
3- Nhà Lý- Trần ở VN có cấu trúc xã hội, quan niệm tôn giáo (Phật giáo) gần với nhà Đường- Nhà Tống, văn minh Lý Trần chịu ảnh hưởng của hai triều đại TQ, nhưng không phải phát xuất từ đó. Trong văn hoá, xã hội Lý Trần có một mảng rất lớn là ảnh hưởng văn hoá chiêm thành, chân lạp không kể văn hoá bản địa của tổ tiên ta là chính.Một nền văn hoá ĐNA, dựa trên cấu trúc công xã làng xã. Điều mà triều đại Lý – Trần chịu ảnh hưởng lớn nhất từ TQ là hệ thống quản lý hành chính, tổ chức triều đình. Cũng như Nhật bản hay các vương quốc ở bán đảo Triều Tiên, vì thế trong vấn đề này VN không phải là ngoại lệ. Nhưng cũng như ở các nước này, VN vẫn là văn hoá VN.
4- Nhầm lẫn sự tàn phá mất mát bởi chiến tranh gây ra, và hành động có chủ đích của nhà Minh. Nhà Minh khi mượn cớ khôi phục nhà Trần, đánh nhà Hồ xâm lược VN, đã có chủ đích biến Đại Việt thành quận huyện. Chính vì thế hành động của họ vượt xa sự tàn phá do chiến tranh hay bạo loạn gây ra vì nó nhằm vào mục đích đồng hoá. Nó thể hiện ở chỗ :
4.1 – Nhà Minh chủ tâm bắt tất cả quý tộc nhà Trần mang sang TQ, chỉ để lại một đất nước toàn nông dân. Tức là huỷ diệt « elite » của Đại Việt.
4.2 Thiêu huỷ các sách vở liên quan tới các triều đại này về mặt chính trị.
4.3 Tuyên truyền phổ biến Nho giáo, nhằm nhất thống với TQ.
4.4 Bắt các thợ giỏi người Việt sang TQ. Chính vì thế người thiết kế Trung Nam Hải mới là người Việt nam, là ông Nguyễn An, bị bắt đưa sang Trung quốc như một dạng nông nô của vua Minh. Hay Hồ Nguyên Trừng, con Hồ quý Ly, trở thành người đúc súng thần công cho quân đội nhà Minh.
Như vậy sự tàn phá của nhà Minh ở Đại Việt là có hệ thống, chứ không đơn giản là cướp bóc đơn thuần. Và cũng chính vì lý do đó, mà các sử gia Nho giáo VN đã coi nhà Minh là nguyên nhân chính tàn phá di sản văn hoá Lý – Trần và điều này không sai.

Ngược lại nguyên nhân sụp đổ của nhà Trần không phải là do nhà Minh xâm lược gây ra, mà do ta tự loạn trước mà dẫn tới điều đó. Về mặt « Background » nó có nguyên cớ trong sự thay đổi hệ thống kinh tế trong khu vực, trong khi nhà Trần không tự cải cách để thích ứng được. Sự sụp đổ của nhà Trần là nằm trong một chuỗi liên hoàn những gì xẩy ra ở châu Á : sự sụp đổ của vương quốc Phù Nam, sự tan rã của nhà Nguyên, bị nhà Minh thay thế, sự rối loạn ở chính trị ở Nhật bản, triều tiên.
Ở đây ta có thể làm một phép so sánh sơ lược lịch sử VN và Nhật bản vào cùng thời điểm. Chế độ phong kiến sơ kỳ lúc đó ở Nhật bản cũng bị sụp đổ, nhưng do không bị bên ngoài xâm lược, mà nó đã dẫn tới nội chiến 200 năm (thời senkaku, nghĩa là chiến quốc), để rồi thống nhất lại vào thế kỷ XVI. Ngược lại cả Đại Việt lẫn Sila ở bán đảo Triều Tiên đều bị nhà Minh xâm lược. Và ở cả 3 nước, sự thống nhất đều dựa trên hệ tư tưởng Nho giáo. Nhưng do bị xâm lược, mà di sản văn hoá ở VN và ở Triều Tiên bị huỷ hoại nhiều hơn, trong khi ở Nhật bản điều đó lại không xẩy ra. Như vậy chiến tranh tàn phá không thể ghê gớm bằng phá huỷ có hệ thống, có chủ ý. Cũng nên hiểu là chiến tranh lúc này vẫn là chiến tranh gươm giáo, chứ nó chưa có sức công phá như chiến tranh hiện đại.
Tất nhiên, ở VN, yếu tố địa lý cũng đóng vai trò quan trọng. Do nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mà việc bảo quản các tài liệu bằng giấy khó khăn hơn. Đây là ý của các nhà Việt nam học Nhật bản đưa ra.
Như vậy ta có thể kết luận là công cuộc xâm lược của nhà Minh, chính sách đồng hoá có chủ ý của triều đại này, là một nguyên nhân chính dẫn tới sự huỷ hoại các di sản văn hoá truyền thống Đại việt thời Lý Trần. Bên cạnh đó còn có những lý do khác, như điều kiện thiên nhiên, loạn lạc. Nhưng sự phá huỷ của nhà Minh nổi bật vì tính chất hệ thống, có chủ ý rõ ràng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Sep 5 2018, 11:06 PM

Hiện tại vốn sách cổ chữ Nho ở VN còn lại khoảng độ mấy trăm cuốn, do người Pháp ở trong viện viễn đông bác cổ thu thập từ giữa thế kỷ XIX. Trụ sở cũ của viện này ở Hà nội, chính là bảo tàng lịch sử của ta bây giờ. Nhưng đầu sách này hiện tại là tài sản quốc gia, do viện Hán –Nôm của VN quản lý.
Cách đây ít lâu, cỡ cũng vài năm, tôi có đọc được ở đâu đó thư mục của nó, do viện này tức là viện viễn đông bác cổ của Pháp (giờ vẫn còn tồn tại) in ấn. Các đầu sách này chủ yếu là các sách truyện, hay là gia phả, thần phả và đều xuất hiện vào thời nhà Nguyễn, thế kỷ XVIII. Nếu có còn một vài đầu sách, như quyển « Khoá hư lục », hay « tam tổ thực lục ».. là sách đời nhà Trần, thì nó cũng đều là bản được in lại thời nhà Nguyễn. Từ cái thực tế ấy, ta có thể có nhận xét thế này. Khi nhà Minh phá huỷ di sản văn hoá Lý – Trần thì nó cũng không thể làm hết, bỏ sót, và có thể nó nhằm chủ yếu và các sách vở chính trị, thư khố nhà nước, chứ sách về tôn giáo thì nó không cố tình thu thập hết. Chính vì thế mà ta còn lại các tác phẩm liên quan tới phật giáo. Nhưng những tác phẩm này cũng không thể tồn tại từ thế kỷ XIII đến nay được, mà bắt buộc phải được in lại. Nó có được in lại hay không phụ thuộc vào trong xã hội có tồn tại một tầng lớp người quan tâm tới nó hay không trong suốt quá trình lịch sử ấy. Chứ nếu không thì nó cũng thất lạc mà mất.
Việc các đầu sách vở này được được in lại chủ yếu vào thời nhà Nguyễn, cũng cho ta thấy rằng muốn bảo tồn được, thì nhà nước và dân phải có ý thức nữa. Thời nhà Nguyễn, ý thức sử học của triều đại này rất lớn, và mặc dù nó có nhiều điểm yếu kém, nhà Nguyễn cũng là triều đại giúp bảo tồn cái vốn cổ của các triều đại trước cho chúng ta (ngoại trừ những gì của nhà Tây sơn trước nó).
Khi kháng chiến chống quân Minh kết thúc, nhà nước Đại Việt được khôi phục, nhà Lê ra đời, thì tất nhiên kế hoạch đồng hoá, biến VN thành quận huyện của nhà Minh cũng bị phá sản. Nhưng lúc này di sản văn hoá Lý – Trần lại gặp phải một vật cản chính trị khác. Đó là vào thời Lê sơ, tức là triều đại của Lê Lợi ( tức vua Lê Thái Tông), do lo sợ hậu duệ của nhà Trần nổi dậy, mà nhiều đại thần liên quan tới nhà Trần như Trần Nguyên Hán, bị bức chết. Đây là điểm đen tối của vua Thái Tông. Từ thời Lê thái tông (Lê Lợi) tới đời Lê Thánh tông tức là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ, thì Nho giáo độc tôn. Lê Ngân là một đại thần nằm trong hoàng tộc của nhà Lê mà còn bị phạt vì ở nhà thờ phật bà Quan âm. Phải đến thời Lê Trung Hưng (tức là thời Vua Lê – chúa Trịnh thế kỷ XVI), thì sự độc tôn Nho giáo này mới hết. Nhưng lấy ví dụ Lê Quý Đôn, là một nhà đại bác học Nho giáo ở thế kỷ XVII, tức là lúc Phật giáo đã thịnh trở lại, những điều gì ông viết về Phật giáo thể hiện một nhận thức phật giáo rất yếu kém. Trong điều kiện như vậy, chắc chắn nhà Lê sơ không có ý định thu thập di sản văn hoá Lý – Trần, vì yếu tố chính trị, văn hoá tư tưởng quá lớn, quá nhậy cảm, quá khác biệt.
Như vậy ta có thể nhận xét rằng. Vào thời điểm kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Nếu ta có ý thức thu thập di sản văn hoá thời Lý – trần thì vẫn có thể vớt vát được nhiều. Nhưng điều này đã không xẩy ra vì thời Lê sơ, triều đại mới lo sợ hậu duệ triều đại cũ.
Phải đến thế kỷ XVI, thì nỗi lo sợ này mới không còn nữa, nhưng lúc này 200 năm đã trôi qua. Cái gì nhà Minh không đập phá, thì cũng không thể khôi phục được, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa như VN.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Nov 12 2018, 09:28 AM

Nguồn: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam LSVN

Ảnh bìa cuốn "Les empreintes du Vietnam à travers les noms des rues en France" (Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp), tác giả: tiến sĩ Trần Thu Dung.

Có gần 200 con đường ở Pháp có tên liên quan đến Việt Nam và Đông Dương. Từ địa danh Hà Nội, Sài Gòn – Chợ Lớn, Meskong, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn Tây, Điện Biên Phủ, Đống Đa…...đến những tên người: Hồ Chí Minh, Vĩnh San, Đỗ Hữu Vị, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Nha….

Cuốn sách được coi là góp thêm một cái nhìn tổng quan cho chính nước Pháp. Rằng, ký ức Việt Nam trong lòng nước Pháp được hiển hiện qua việc đặt tên địa danh như thế nào. Đâu là điều mà nước Pháp tự hào và đâu là nỗi đau ngầm ẩn mà họ không quên. Điều quan trọng nữa – đâu là điều mà nước Pháp thầm coi trọng ở một cựu thuộc địa xa xôi.


Ảnh minh họa đính kèm
Tệp ảnh đính kèm

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Sep 3 2019, 08:21 AM

Em lại copy tiếp bài viết của tác giả Trung Tran Lam - FB

Ngôi sao cô đơn 🙂

Năm 1930- tháng 2- Nguyễn Ái Quốc hợp nhất các đảng có xu hướng cộng sản, thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 10- ông bị viết kiểm điểm vì tự ý thành lập đảng 🙂. Những gì ông làm 8 tháng trước đấy, đều bị xoá sạch 🙂. Chính cương vắn tắt đầu tiên của Đảng cùng 5 vị lập Đảng đều không có giá trị gì sau ngày 3-2, 6 tháng. Lý do là vì Nguyễn Ái Quốc không tuân thủ đường lối đấu tranh giai cấp của Quốc tế Cộng sản đề ra, mà cứ khăng khăng đặt mục tiêu giải phóng dân tộc- bằng mọi giá- lên hàng đầu.

Một năm trước, Nguyễn Ái Quốc bị kết án tử hình vắng mặt bởi toà án Vinh vì âm mưu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cùng mức tội danh là người kỷ luật ông: Tổng bí thư đầu tiên của Đảng: Trần Phú

Năm 31, Tống Văn Sơ bị Pháp bắt, xui mà bị dẫn độ về Đông Dương là cũng thêm cái án tử hình 🙂. Hên là nhờ có tiền của Quốc tế Cộng sản thuê được luật sư xịn, anh thoát chết năm 1933.

Năm 1934, một tổng bí thư khác của Đảng: Đồng chí Hà Huy Tập thiếu điều cho Nguyễn Ái Quốc là nguyên nhân mọi thất bại của Đảng, trong một trích dẫn phê bình đồng chí Quốc, đồng chí Hà Huy Tập thẳng thắn chỉ ra Quốc không phải là một người cộng sản 😞.

Cũng năm 1934, vừa thoát án tử của Pháp, Nguyễn Ái Quốc lại bị vô hiệu hoá, và điều tra bởi... Quốc tế Cộng sản. Súyt thêm cái án tử hình của chính các đồng chí Liên Xô 🙂. Trong 3 người của Quốc tế Cộng sản phụ trách điều tra thẩm vấn Nguyễn Ái Quốc sau khi kết thúc vụ án ở Hồng Kông, một đồng chí Trung quốc đề nghị vô hiệu hoá Nguyễn Ái Quốc, một đồng chí đề nghị tử hình, may có một nữ đồng chí Liên Xô tên là Vera Vaxilieva đề nghị cho thử thách 2 năm, cải tạo 2 năm. 4 năm làm giảng viên Đại học Stalin dạy môn... Lịch sử Đảng, Nguyễn Ái Quốc phải giả đui giả điếc để toàn mạng 🙂. Cho đến khi ông hiệu trưởng trường Stalin bị... Stalin giết, trường giải tán, giảng viên, nghiên cứu sinh Lin thất nghiệp, được gửi qua Trung quốc. Năm 1938, súyt phó tiến sĩ trở thành thiếu tá Hồ Quang của quân đội Trung hoa Cộng sản 🙂.

Năm 1941 lại bị bắt đi tù 14 tháng, lần này là Trung hoa Dân quốc. Ở tù làm được gần 140 bài thơ thì được thả. 🙂.
Cho đến trước khi có được nhân duyên gặp được Hoàng Văn Thụ cùng các bậc lập quốc: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, khó mà nói rằng Nguyễn Ái Quốc có được người tri kỷ cùng dòng máu trong suốt 30 năm lưu lạc trước khi trở thành quốc phụ 🙂.

Quãng đời khổ nhục và vô vàn hiểm nguy của Nguyễn Ái Quốc từ 1930 đến 1943 không một nhà văn nào của Việt Nam có thể đủ sức kể lại được. Nếu có ai đó trên thế giới đủ tài và đủ trí tưởng tượng Á Đông để viết, may ra chỉ có Kim Dung 🙂.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 7 2019, 10:46 PM

Bài viết trên về Bác Hồ- Nguyễn Ái Quốc hơi có phân bôi đen, không trung thực, ,độ chính xác không được xác minh, những hoạt động của Bác Hồ từ năm 1924, lúc sang Liên Xô, cho tới lúc trở về nước lãnh đạo cách mạng năm 1941.
Khi nói về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, phần hay được nói tới là phần ở Pháp, từ đầu thế kỷ tới năm 1924. Vì những hoạt động của Bác là công khai, và đồng thời cũng có cả các báo cáo của mật thám Pháp theo dõi, đã được giải mật. Thời kỳ này, điều khó là phải xem những báo cáo mật của Pháp chính xác đến đâu, có ngộ nhận không, có bịa đặt để bôi đen không.
Thời gian sau này, do bác hoạt động cho Quốc Tế Cộng sản, việc công khai ít hơn. Từ khi Liên Xô sụp đổ, các tài liệu của quốc tế cộng sản được giải mật, thời kỳ Elsine ở Nga, nhưng cũng tương tự như thời gian Bác ở Pháp, có vấn đề độ tin cậy của nó.
Từ sau thời kỳ đổi mới ở VN (1986), khi VN dần dần vượt qua được bao vây phong toả, hoà nhập với thế giới, thì vấn đề giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được đề cao. Và người ta bắt đầu nhìn Bác Hồ, đánh giá thông qua “mâu thuẫn dân tộc đối lập với chủ nghĩa cộng sản, CNXH”. Ngay cả lề trái, vốn là lực lượng tung nhiều tin vịt, tin “fake” về Bác nhất, lấy vài ví dụ, như việc coi quyển nhật ký trong tù không phải là Bác viết, hay quyển “bản án chế độ thực dân Pháp” cũng là Bác “đánh cắp bản quyền” của Phan văn Trường, một chí sĩ yêu nước ở cùng thời với Bác tại Pháp, ..v..v.. cũng quay ra ca ngợi Bác về hiến pháp đầu tiên của VN Dân chủ cộng hoà, vì nó là “đa nguyên đa đảng” để chống phá. Tóm lại Bác Hồ có thể hoà trộn với bất cứ một thứ xốt nào cũng được.
Như vậy cách tốt nhất để tìm hiểu Bác Hồ là đọc các tác phẩm của Bác viết, trong đó có cả tác phẩm tự thuật của Bác viết về Bác như “vừa đi đường vừa kể chuyện”, “cuộc đời hoạt động của Hồ chủ tịch”. Tất nhiên là Bác viết với các tên hiệu.
Sau đó đặt chúng vào thời điểm lịch sử đã xẩy ra. Thì sẽ nhìn nhận được chính xác hơn. Ví dụ trong giai đoạn 1924-1941, thì điều đầu tiên người ta cần tìm hiểu là quan hệ của Quốc Tế cộng sản thế nào với các phong trào giải phóng dân tộc, các giai đoạn của nó. Tìm hiểu được nó thì sẽ hiểu được sự hoạt động của Bác Hồ và tư duy của Bác.
Với tôi, Bác Hồ vừa là một người cộng sản vừa là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Điểm gặp nhau của hai điều này là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội ở đây được hiểu theo nguyên tắc Mác-Lê nin, tức là Liên minh công nông. Xuất phát từ Nho giáo, tức là ứng dụng kinh nghiệm của cách mạng TQ.
Bác Hồ có lẽ là người Nho giáo nhất trong các người cộng sản, nhưng cũng đồng thời là người cộng sản nhất trong các nhà Nho. Hai người khác, trong dàn lãnh tụ ở VN gần gũi với Bác Hồ về điều này có lẽ là ông Trường Trinh và ông Phạm văn Đồng.
Mặc dù vậy, cái phông văn hoá Pháp, mà Bác cảm nhận cũng rất lớn. Đặc biệt Bác có những quan hệ rất gần gũi với các chính khách Pháp, điều mà ngay cả những nhân vật nổi tiếng, như cụ Phan Chu Trinh, dù ủng hộ quan niệm “Pháp Việt đề huề”, tức là muốn dùng thực dân Pháp đánh phong kiến VN, do không hiểu phong kiến VN thời thuộc địa là tay sai của Pháp, lại không làm được.
Khi bác Hồ sang Liên Xô, năm 1924, là nhờ có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, vì Bác là một trong những thành viên của đảng xã hội Pháp tham gia vào việc thành lập đảng cộng sản Pháp (đại hội Tua 1920). Còn sở dĩ bác bỏ đảng xã hội, vì đảng này dù tố cáo chế độ thuộc địa, cũng không muốn các thuộc địa độc lập.Ngược lại, Lê nin, với luận điểm về thuộc địa, đòi hỏi các tổ chức cộng sản, người cộng sản phải ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Và đây chính là điều khiến Bác trở thành người cộng sản.
Bác Hồ cũng là người tham gia thành lập các đảng cộng sản ở ĐNA, như Malaysia, Thái lan. Trước khi trở về VN, trong những năm 30, Bác là người phiên dịch cho Bolodin, cố vấn cao cấp của quốc tế cộng sản cho chính quyền Quốc dân đảng TQ ở Quảng châu, rồi cho đảng cộng sản TQ.
Quốc Tế cộng sản là do Lê nin sáng lập ra, nhưng chủ yếu là hoạt động dưới thời Stalin, vì Lê nin đã mất vào năm 1924. Quốc tế cộng sản cũng giải tán vào năm 1941, khi Liên Xô –Mỹ- Anh trở thành đồng minh chống phát xít Đức.
Trong thời gian tồn tại và hoạt động, Quốc tế cộng sản đã đào tạo rất nhiều nhân sự cho các nước thuộc địa, nhưng ảnh hưởng trực tiếp không lớn, ngoài trừ tác động vào cách mạng TQ. Ở đây Liên Xô đã cung cấp vũ khí, tài trợ cho Quốc dân Đảng từ năm 1911. Các chiến dịch Bắc Phạt của Tưởng giới Thạch sẽ không thành công nếu không có sự giúp đỡ về tổ chức, vũ khí của Liên Xô.
Nhưng nhân sự của quốc tế cộng sản đào tạo, không phải ai cũng hoàn toàn thoát được cái “chuẩn” của lý thuyết, tức là áp dụng nó một cách máy móc, không đúng thực tế. Giống như các nhân vật lề trái được Mỹ và phương Tây đào tạo hiểu “đa nguyên đa đảng” vậy. Ở TQ điều này rõ rệt nhất. Trong giai đoạn cách mạng 1911-1935 (tức là trước lúc có Vạn lý trường trinh), các tổng bí thư đảng CS TQ đều giáo điều, bám lấy thành thị, giai cấp công nhân thành thị. Phải đến Mao Trạch Đông, thì ông mới nhìn nhận ra được vấn đề, từ thực tế cách mạng TQ. Chủ nghĩa Mao như vậy là một ứng dụng của chủ nghĩa Mác ở TQ.
Ở VN cũng vậy, nhưng do không có sự ủng hộ trực tiếp của Quốc Tế cộng sản, nên người ta không nhìn thấy điều này rõ rệt. Nhưng từ đây mà nói là Đảng cộng sản Đông Dương hoạt động theo sự giật dây của Quốc tế cộng sản cũng không phải.
Chính do sự phát triển này, do giáo điều mà ra (trong hoạt động của quốc tế cộng sản, hay nhân sự được quốc tế cộng sản đào tạo), mà Bác Hồ bị phê phán, nhưng không vì thế bác không phải là một người cộng sản, và không hoạt động cho Quốc tế cộng sản. Thậm chí có thể nói Bác là người đã kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết Mác xít với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và cả văn hoá truyền thống (đạo Nho).

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 8 2019, 11:18 PM

Bổ xung một chút những điều tôi viết ở trên. Ở trên, tôi có so sánh sự giáo điều của một số người cộng sản như là các “chí sĩ” được phương Tây bú mớm “đa nguyên đa đảng”, vì vấn đề này là hiện thực ngày nay, người ta dễ liên tưởng hơn.Nhưng không vì thế mà các “chí sĩ” này có tấm lòng và đạo đức cách mạng, như những người cộng sản kia. Chỉ có vấn đề giáo điều là giống nhau. Được dậy ra sao, nhai lại như vậy, rồi lại tưởng là mình giỏi.
Nói về vấn đề giáo điều này. Vào khoảng những năm 60. Khi chế độ Ngô Đình Diệm nhất định chia cắt đất nước, không thực thi hiệp định Giơ ne vơ. Cùng lúc đó, Liên Xô dưới thời Khơ rút sốp, không muốn VN thống nhất đất nước, mà đưa ra chiêu bài “chung sống hoà bình”, giống như cả TQ và Liên Xô bán cho Triều Tiên. Lúc bấy giờ trong miền Nam có đồng khởi, vậy phải làm sao ?
Có nhiều người theo giáo điều của Liên Xô, không muốn giúp cách mạng miền Nam, vì “Liên xô như thế”, “Liên Xô dậy thế”, ví dụ như Hoàng Minh Chính. Ông này là viện trưởng viện triết học. Vì thế bị kỷ luật. Vào những năm 90, thời kỳ đổi mới. Câu chuyện này được lề trái khui ra, cùng với các “chí sĩ đổi mới”, để nói rằng hình thức kỷ luật này không phải là pháp quyền. Đúng như vậy. Nhưng vào thời điểm đó, tức là những năm 60, làm sao làm được điều đó, khi Liên Xô bất chấp những bất đồng, vẫn là một lực lượng ủng hộ VN. Có những vẫn đề ngoại giao chính trị trong đó. Cũng thời kỳ này, một số học sinh học ở Liên Xô, được Liên Xô giữ lại như một lực lượng dự trữ, kiểu như Trần Ích Tắc thời nhà Nguyên. Nhưng sau đó, khi Khơ rút sốp đổ, Bơ rê giơ nhép lên thay làm tổng bí thư, thì quan hệ VN-Liên Xô mới phát triển như bây giờ báo VN hay nói. Trong suốt giai đoạn đó, Bác Hồ đã rất giỏi là giữ được cân bằng quan hệ với cả TQ và Liên Xô. Khi Liên Xô chạy theo Mỹ, thì TQ giúp. Khi TQ chạy theo Mỹ, thì Liên Xô giúp. Tuỳ sự giúp đỡ của họ, do sở trường sở đoản về kỹ thuật của hai bên khác nhau, mà VN áp dụng hình thức tác chiến khác nhau. Tất nhiên về sau, VN khoái vũ khí Liên Xô hơn, và sự giúp đỡ về vũ khí của Liên Xô quan trọng hơn của TQ, nhưng trong vấn đề tổ chức, tiến hành chiến tranh, đặc biệt chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa, quản lý xã hội, các bài học của cách mạng TQ không nhỏ. Các bài học này, được tổng bí thư Lê Duẩn phát triển thành “ba mũi giáp công”, “tấn công toàn diện”, không còn là “lấy nông thôn bao vây thành thị” như nguyên bản TQ.
Tương tự như vậy, lại có những người “giáo điều kiểu TQ”. Ví dụ như nhân vật cách đây ít lâu viết cuốn “đèn cù đèn keo” gì đó, được lề trái tung hô đến ..phát thối. Ông này được đi học ở TQ, vì thế lại thấy cách mạng VN trái với giáo điều TQ.
Tương tự như vậy, bây giờ có các chí sĩ, học được một ít của phương Tây, u u minh minh, lại xông ra cổ vũ cho “đa nguyên đa đảng”, bất chấp thực tế VN ra sao, cũng là một duộc như vậy.
Chính vì thế trong tuyển tập Hồ Chí Minh, in năm 1984, còn có bài của Bác Hồ nói với các lưu học sinh sắp được đi học. Bác nói “Đảng cho các chú đi học để phục vụ tổ quốc, không phải để lấy kiến thức kể công với đảng”. “Lấy kiến thức kể công với Đảng” chính là giáo điều.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jan 9 2020, 12:03 PM

Bác Phó đã đọc “HO CHI MINH: THE MISSING YEARS 1919 – 1941” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941) CỦA TÁC GIẢ SOPHIE QUINN – JUDGE chưa?

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jan 9 2020, 05:24 PM

@NVT,
Không tôi chưa đọc quyển này, nhân NVT nói tới nên tôi cũng vừa mua trên mạng. Vì nó cho đọc thử vài trang nên sau khi đọc, với tôi nó cũng chỉ phản ánh cái nhìn ngoại lai của một người nằm bên kia chiến tuyến thôi (một học giả tư sản, người Mỹ). Khi nào nhận được sách, đọc xong, nếu thấy thú vị thì sẽ binh luận cho vui.
Sách về Bác Hồ, tôi cũng có một số. Cả sách chính thống ở VN, cả sách phương Tây viết, cả sách Việt kiều yêu nước ở Pháp viết, cả sách của Sài gòn cũ nói đểu, tuyên truyền nhảm cũng có. Tôi cũng có cả sách Bác Hồ tự viết về mình (như quyển « vừa đi đường vừa kể chuyện »), và tuyển tập Hồ chí Minh.
Tôi cũng có một số sách nói về quốc tế cộng sản (kommitern) và điều này rất thú vị khi so sánh chính sách của quốc tế cộng sản với các hoạt động của đảng cộng sản Đông Dương cũng như chính sách của quốc tế cộng sản ảnh hưởng tới nhân sự của Quốc tế cộng sản thế nào (và nó dính tới Bác Hồ).
Cách làm việc của tôi là. Đầu tiên phải xem chính người trong cuộc, tức là Bác Hồ nói về mình thế nào ? trong hoàn cảnh nào ? tại sao ?
Sau đó xem hoạt động vai trò của Bác trong các sự kiện chính trị ở VN, tác động của nó, trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào ?
Rồi cuối cùng mới xem nhưng người khác nói cái gì ? nó cập kênh nhau ở đâu, tại sao ? ý đồ của những người viết « khách quan » này là gì ?
Một khi trả lời được những câu hỏi ấy, thì nhận thức sẽ rõ ràng hơn.
Điều hơi lạ lùng ở VN hiện tại, do « ảnh hưởng mềm » của văn hoá phương Tây từ khi đổi mới, hội nhập quốc tế, mà người ta có thái độ coi những gì các học giả phương Tây này viết là sự thật, trong khi nó tiêm tuyên truyền vào mà không biết. Ngay cả khi « nó cực kỳ khách quan », thì vẫn là chủ quan, tức là có chiều.
Một điều thú vị nữa là, phương pháp làm việc của các học giả phương Tây nói chung (tất nhiên từng nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ, ..có dị biệt), thường là mô tả hiện tượng, nhưng không nắm bắt bản chất. Vì thế cách viết của nó kiểu « nhìn qua lỗ khoá » rất hấp dẫn, nhưng là kiểu « nhìn cái cây mà không nhìn thấy rừng ». Để thoát khỏi cái điều này, thì các bác có thể tìm hiểu bằng ba cách :
1- Có một phương pháp phân tích kiểu khác, ví dụ như duy vật lịch sử. Nếu các bác sợ, vì bây giờ phải bắt chiếc phương Tây mới hợp khẩu vị, thì có thể dùng ngay các văn hoá truyền thống của VN, như tư duy đạo Phật, đạo Nho. Lô gíc nhân sinh quan của các văn hoá truyền thống này rất gần với duy vật lịch sử. Với tôi thì người VN đã tiếp cận duy vật lịch sử thông qua các truyền thống này thì đúng hơn.
2- Hãy tìm đọc các tác giả chịu ảnh hưởng phương Tây, nhưng không phải gốc phương Tây. Ví dụ học giả Nhật, TQ, Hàn. Hay các nước phương Tây nhưng không có « tiền án, tiền sự » ở VN, ví dụ Đức, Ý.. về VN
3- Trong trường hợp chỉ có sách của các học giả phương Tây ở những nước có tiền án tiền sự với VN, thì hay mở rộng thế giới quan, xem họ viết về lịch sử chính họ như thế nào. Họ viết về Bác Hồ có giống họ viết về Linh côn, về Oa sinh tôn không ? họ viết về cuộc chiến tranh của họ ở VN có giống như thái độ họ viết về nội chiến Mỹ không (nếu là học giả Mỹ)

Tôi thì dùng cả ba cách này.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jan 10 2020, 09:25 AM

Bác Phó có xem bản ebook đã dịch thì download tại đây https://drive.google.com/open?id=1iTzYeHaNM3iOoFh2wvUXB-lvWrtW3o0h

Trong lúc chờ đợi bản giấy của bác sp_ike.gif

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jan 30 2020, 11:08 PM

@nvt,
Tôi đã nhận được quyển sách, bằng tiếng Anh, hôm qua vừa đọc sơ sơ (gọi là đọc theo đường chéo), để xem quyển sách định nói cái gì. Vừa rồi vào download cái bản tiếng việt mà nvt đưa lên để xem bản tiếng việt thế nào. Cảm nhận sơ bộ, thì những điều bà này viết tỉ mỉ hơn những thông tin mà tôi có được từ trong các quyển sách khác, nhưng không có gì mới hơn, tư duy của nó thì cũng vậy thôi, đó là gieo rắc những thông tin giả định lẫn với thông tin có thể có thật, làm như rất khách quan, nhưng thực sự có chiều.
Vì thế tôi thích đọc nguyên bản hơn (trong trường hợp này thì tôi có thể làm được, vì vốn tiếng Anh đủ để đọc), xem tác giả dùng các cách giả định có điều kiện (đây là một kiểu ngữ pháp tồn tại trong các tiếng phương Tây, nhưng không tồn tại trong tiếng việt) định hướng người đọc ra sao.
Còn hướng quyển sách muốn nói gì thì ở cuối quyển sách (tôi đọc bản giấy tiếng Anh) nói rất rõ. Đó là Bác Hồ « chẳng là cái đinh gỉ gì » trong hệ thống « admin » của Quốc tế cộng sản cả, và bác Hồ cũng không có tư tưởng gì (đây là đá vào điều mà ở VN hiện nay nói đó là tư tưởng Hồ Chí Minh), cũng như phủ nhận tài năng tổ chức của Bác, coi bác chỉ là một dạng ngoại giao đạo đức giả, sự kinh yêu bác ở VN chỉ là do Đảng lập ra. Và để cho đủ bộ, thì tất nhiên phải có tý Sex, tức là vấn đề bác Hồ có vợ ở TQ, và chị Nguyễn Thị Minh Khai là « Girl Friend » hay vợ hờ của Bác.
Không cần đọc quyển sách tôi có thể trả lời ngay vấn đề « cái đinh gỉ » ở trên. Quốc tế cộng sản (commiterne) tồn tại từ năm 1919 đến năm 1941 thì giải tán. Trong lịch sử hoạt động của mình, có hai người được Quốc tế cộng sản phát động phong trào rộng rãi trong các lực lượng tiến bộ trên thế giới để vận động dư luận giải thoát ra khỏi nhà tù. Đó là Dimitri Dimitrov, người bị phát xít Đức bắt giam và buộc tội đốt nhà quốc hội Đức vào năm 1933. Người thứ hai là .. bác Hồ, khi bác bị Anh bắt giam ở Hương Cảng. Dimitrov là người Bun ga ri, chủ tịch quốc tế cộng sản, nên việc làm này của Quốc tế cộng sản là hiển nhiên. Nhưng còn bác Hồ, nếu bác « chẳng là cái đinh gỉ » gì, thì sao lai có chuyện đó. Còn hiển nhiên, bác không phải là những nhân vật được Quốc tế cộng sản đưa lên hàng đầu, vì tổ chức này « đặc ân » những nhân vật chính trị của các đảng cộng sản châu Âu, còn bác chỉ là người dân một nước thuộc địa, không kể bác tham gia vào quốc tế cộng sản với danh nghĩa đảng viên đảng cộng sản Pháp, chứ không phải đứng đầu một đảng. Như vậy, nếu tính kiểu « ngồi chiếu trên chiếu dưới », thì những tổng bí thư các đảng Pháp, Ý, Đức chiếm chỗ, nếu tính theo nhiệm vụ thì công việc của Bác rất đa dạng hơn hẳn các ông kia, từ việc tổ chức thành lập các đảng cộng sản ở ĐNA (Thái, Malaysia, Đông dương, ) tới việc phiên dịch, tuyên truyền, tổ chức trong các phái đoàn của Quốc tế cộng sản giúp cách mạng TQ. Các ông « ngồi chiếu trên » kia làm gì có được những kinh nghiệm như thế. Bác Hồ thực sự là người của Quốc tế cộng sản,không phải là người của riêng một đảng, đây là điều đặc biệt mà chỉ rất ít người có ví dụ Bô rô din (cố vấn tối cao của Quốc tế cộng sản bên cạnh Quốc dân đảng TQ) la nhu vay.
Có tư tưởng Hồ Chí Minh không ? câu trả lời tất nhiên là có. Như bất kỳ một nhân vật hoạt động chính trị nào, loại trừ loại tay sai, thì ai cũng có cả. Nhưng không phải tư tưởng cuả bất cứ ai làm chính trị cũng nổi tiếng và dùng được,trở thành hệ tư tưởng,thường khi người đó không cầm quyền nữa thì hết. Tư tưởng chỉ thực sự là tư tưởng khi người đưa ra nó đã mất, nhưng vẫn được ứng dụng. Lấy một ví dụ, Khi đức Phật Thích Ca còn sống, thì làm gì có ..đạo Phật. Khi chúa Giê Xu còn sống, thì làm gì có ..đạo thiên chúa. Đạo phật, đạo thiên chúa có được vì có các tín đồ tổng hợp lại. Với chúa là 12 tông đồ, với phật là các vị như ma ha ca diếp, a nan đà, và 500 tín đồ đầu tiên. Vì thế lý luận của bà viết sử này nói là vào những năm 90, mới có tư tưởng Hồ Chí Minh là sai, vì nó luôn tôn tại trong Đảng CS VN (đặc biệt từ năm 1941, khi bác trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng). Trong thời gian từ năm 1941 đến 1969, thì tư tưởng Hồ chí Minh chính là những việc làm, chỉ đạo cụ thể của Bác. Từ năm 1969 đến những năm 90, thì điều này không được nói ra, vì vấn đề cách mạng VN phải đi giữa hai lực lượng mâu thuẫn với nhau đó là Liên Xô và TQ, nhưng những quyết định vẫn theo tư tưởng này. Thời gian này cũng là thời gian mà tổng bí thư Lê Duẫn đứng đầu đảng, và ta có thể coi là có cả hệ tư tưởng Lê Duẩn, vì thế trong dư luận mới có tin đồn thổi là nếu chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, thì sự khôn khéo của bác có thể tránh được tình trạng xung đột với TQ (1979-1991). Nhưng tôi thì không nghĩ như vậy, tư tưởng Lê Duẩn thực ra là cách hiện thực hoá tư tưởng Hồ Chí Minh, trong điều kiện « nửa chừng xuân » : cân bằng quan hệ với Mỹ chưa được, ví nó quyết tâm đánh bằng proxy war qua TQ, đồng thời TQ cũng lợi dụng điều này vừa để tạo niềm tin với Mỹ, đồng thời muốn thay chân Mỹ ở ĐNA, nên phải đảo về Liên Xô. Thời kỳ đầu làm tổng bí thư cho tới năm 1965, thì tổng bí thư Lê Duân có thể coi là gần TQ, vì lúc này TQ giúp VN, còn Liên Xô « xét lại Khơ rút xép » thì không.
Do Bác Hồ không phải là một nhà lý thuyết gia, nên tư tưởng Hồ chí Minh phải tìm hiểu theo 3 hướng : THÂN, KHẨU, Ý (nói theo kiểu đạo Phật). Trong đó THÂN là những hành động, quyết định của bác đóng góp cho cách mạng VN, và lô gíc của nó. KHẨU là thái độ lãnh đạo của bác, lối sống (đây là đạo đức cá nhân), và phần Ý, tức là các tác phẩm lý thuyết bác để lại (hiện có trong các toàn tập văn bản của bác viết).
Và tất nhiên, những học giả tư sản « bên kia giới tuyến » cũng tìm cách nói là hành động của bác chẳng có gì cả, đạo đức giả, và ..không viết gì. Điều khớp với kết luận của « nữ sử gia » mà ta nói ở đây trong những kết luận của bà ta (trong một thời điểm cụ thể là thời bác hoạt động trong Quốc tế cộng sản).

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Feb 2 2020, 03:51 PM

Tác giả Trung Tran Lam, FB:

Nhà (từng) có 3 anh em!

Đeo khẩu trang ngồi trong nhà nên rảnh :-).

Trong 7 vị khai quốc công thần của Đảng cộng sản Liên Xô- 7 ủy viên BCT đầu tiên của Đảng Bolshevik- thì có đến 5 vị sau này bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị giết ở trong tù- tù của Đảng chứ không phải của kẻ thù. Vị gần như chỉ đứng sau Lenin- Trosky-thê thảm hơn, trốn qua Mexico rồi cùng bị một nhát búa vào đầu. Người giết họ- oan nghiệt thay- là đồng chí Stalin kính mến.
Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung quốc, Trần Độc Tú- cũng qua đời trong tình trạng bị tước Đảng tịch sau những cuộc tranh giành quyền lực với người sáng lập ra nước Cộng hòa Trung hoa sau này: Mao Trạch Đông. Cùng số phận nhưng có phần bi thảm hơn, một vị khai quốc công thần của Đảng cộng sản Trung quốc- Phó chủ tịch Đảng- Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ- Bị kết tội là phản đảng- và chết thảm ở chốn giam cầm năm 1969.
Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam khó mà chỉ ra các trường hợp thanh trừng tàn khốc như 2 đảng anh em trên :-). Chỉ có 2 trường hợp các hạt nhân cấp cao được coi là phản bội- với các chứng cứ khá rõ ràng. Một là Lâm Đức Thụ- Thành viên sáng lập Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội- tức là ngang hàng với Lê Hồng Phong, bị coi là làm mật thám 2 mang cho Pháp- và bị thủ tiêu năm 1947. Hai là Ngô Đức Trì- hạt giống đỏ số 2 sau Trần Phú, được gửi từ Maxcova về nước năm 1930 với sứ mệnh cùng Trần Phú thành lập một Đảng cộng sản thuần Quốc tế thứ 3- tức theo đường lối Nga xô. May cho lịch sử Việt nam- kế hoạch này phá sản vì cú xuất chiêu kỳ tài chớp nhoáng của đồng chí Nguyễn Aí Quốc tháng 1 năm 1930 :-). Một sát- na thay đổi cả vận mệnh dân tộc!
Ngô Đức Trì bị bắt- và sau đó được coi là đã có những lời khai phản đảng. Tên tuổi ông hầu như bị đục bỏ ở trong bất cứ trang sử nào của Đảng cộng sản. Cho dù vẫn luôn tồn tại nguyên tắc bất thành văn là đã vào tù thì khai ít khai nhiều gì thì cũng phải có :-).

Một đặc điểm mà bên ta né được tệ nạn của 2 đảng anh em là chế độ work to die :-). Stalin làm TBT 30 năm; Brezenev 18 năm. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình- cầm cái gần 50 năm. Ở Hà nội- chỉ có ông Ba Duẩn- giữ chức 26 năm. Sau đó sự chuyển giao thế hệ được kiểm soát đảm bảo không có một nhà độc tài nào xuất hiện, kể cả cơ chế đấy đôi khi đẻ ra một ông, không có tài cán gì :-).

Điểm chung tưởng là mang màu sắc phong kiến nhất- nhưng hóa ra lại là mang lại lợi ích nhiều nhất cho em út- đấy là xây ngôi nhà vĩnh cửu lưu giữ hồn cốt của người sáng lập đảng- quốc phụ khai sinh quốc gia. Dù yêu hay không yêu- thì nhìn hình ảnh dòng người chậm rãi xếp hàng vào viếng- khó mà nói rằng trong dòng người dài dằng dặc đấy không chứa đựng sự thật :-).

Trong cuốn “5 lá quốc thư” của nhà văn có bằng cấp- trải nghiệm đa quốc gia và khiếu hài hước số 1 Việt Nam hiện tại, Hồ Anh Thái, có đoạn kể về một nhà ngoại giao Việt nam khi nói chuyện với một học giả nước ngoài, đã lý giải rằng con đường chúng tôi đi là chưa có tiền lệ nên vừa đi vừa sửa, vừa bổ sung :-). Theo tác giả, nói vậy là không sai- nhưng ma lanh và xảo ngôn :-).

Sau khi tất cả mọi ảo tưởng đã gần như bị quét sạch, chỉ còn lại 2 anh em :-).. Mọi việc bây giờ đơn giản hơn, anh làm gì thì em cứ làm theo đấy :-) Thực dụng một cách giáo điều có khi là khẩu quyết. Dò đá qua sông đã có người làm, mình đi sau, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Nếu nhìn lại từ năm 1986 đến nay- khó mà phủ nhận rằng, đường em đi theo anh- mười phần giống chín. Nên dù một phần không nhỏ coi chủ nhân nCoV như là đồ hủi, thì thực tế thì chỉ ra một sự thật rõ ràng rằng không có cách nào khác ngoài việc sống chung với hủi. Hủi cũng ba bảy đường chứ bộ :-).


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 2 2020, 06:21 PM

Tôi đang đọc quyển sách trên,thấy nó có nhiều sạn, do tư duy định kiến của người viết tạo ra, nhưng cũng có khá nhiều điều thú vị, và người ta cũng có thể dùng nó để bổ xung cho chính sử.
Về những điều người viết viết ở phía trên,thực ra nó là tuyên truyền của phương Tây.
Tôi chỉ chỉ ra mấy điều ở đây. Lâm Đức Thụ là mật thám của Pháp chui vào hoạt động của Thanh niên các mạng đồng chí hội và Đảng cộng sản Đông Dương. Quyển sách tôi đang đọc, tác giả dựa chủ yếu vào các báo cáo của ông này cho mật thám pháp. Đây thực ra là yếu điểm của quyển sách vì người ta không thể nhìn lịch sử chỉ qua cái nhìn phản biện. Nhưng điều thú vị mà người đọc lịch sử ngay nay nên thấy, đó là bất chấp việc thực dân Pháp biết rất rõ thông tin, nó cũng không chống lại được, vì đây là xu hướng lịch sử của VN vào thời điểm đó. Còn trường hợp thứ hai thì nói như kiểu người viết trên là nguỵ biện. Trong một quá trình cách mạng, có người đứt gánh, có người đầu hàng, có người trung thành.. chuyện đó là chuyện thường tình, nói lên tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh.Bây giờ ngồi sa lông, « đeo khẩu trang » nói bốc phét thì dễ. Còn nếu đã đứt gánh, đã phản bội thì không được nói tới là chuyện bình thường.Chính vì thế, nếu ai đã đọc quyển « đường cách mệnh », tức là tài liệu của Bác Hồ dùng trong khoá huấn luyện thanh niên (tác phẩm này giờ nằm trong tuyển tập Hồ chí Minh), thì sẽ rất ngạc nhiên khi nó đề cập chủ yếu tới các hình thức kỷ luật, đạo đức, .. chứ không nói tới ngay cả nhưng luận điểm cơ bản của chủ nghia Mác chính là vì lý do này.
Tuyên truyền phương Tây cũng hay nói tới thời kỳ mà Staline nắm quyền ở Liên Xô, những đấu tranh trong đảng này, dẫn tới việc loại trừ lẫn nhau. Những vụ việc này ở Liên Xô phải tới thời Khơ rút xép mới hết. Nhưng nếu người nào chịu khó tìm hiểu kỹ, không bị ảnh hưởng của tuyên truyền phương Tây, thì sẽ thấy rằng những phe phái kiểu Trosky, Bu kha rin, ..v..v.. không đơn giản là đấu tranh giữa các phe phái, phe nào nắm quyền cũng được, mà là thành công hay là ..sụp đổ.Và phải nói là cho đến ngày nay, thời điểm ta đang nói chuyện này, ở Nga vẫn chưa tìm được một cơ chế chính trị, để mâu thuẫn với nhau không dẫn tới sụp đổ.(hãy nhìn vào những cải tổ mà ông Putin muốn làm bây giờ) Thời kỳ duy nhất Liên Xô/Nga làm được là thời kỳ chuyển giao từ Khơ rút xốp sang Bơ re giơ nhép, nhưng thời kỳ giao quyền hoà bình thứ hai cho Gô bách chép thì lại thất bại thảm hại.
Vấn đề này với tôi thực ra không liên quan tới chủ nghĩa Mác-Lê nin, mà liên quan tới văn hoá chính trị của văn hoá Nga, của người Nga cũng như cấu trúc xã hội của họ. Để thấy điều này, ta có thể so sánh cách chuyển giao quyền lực của các nước theo chủ nghĩa Mác (Triều Tiên, Cu ba, VN, TQ, Liên Xô..) thì thấy chúng rất khác nhau. Phụ thuộc chủ yếu vào văn hoá từng dân tộc.
Vì thế tôi mới nói, nước Nga nên học theo cấu trúc chính trị của VN, vì cấu trúc xã hội của họ gần ta hơn. Nhưng họ vốn có truyền thống theo đuôi phương Tây ..từ thời Pi ốt đại đế, nên như vậy.
Việc một thể chê chính trị có thể có một ông nắm quyền lực cao nhất, nhưng dốt nát hay bình thường mà không ảnh hưởng gì (ta có thể lấy ví dụ bác Nông Đức Mạnh ở N), chứng tỏ sức sống và sự hợp lý của hệ thống chính trị đó. Còn điều gì nguy hiểm hơn số mệnh một dân tộc nằm trong tay một người.
Điều này cũng đúng ở phương Tây, hơn 40 đời tổng thống Mỹ, đâu có phải ai cũng giỏi. Một hệ thống chính trị hợp lý, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thì nó phải mạnh để người đứng đầu, nếu hành động hợp lý thì đất nước phát triển, tầm thường thì vô hại, dốt nát phá phách thì không được, bị loại bỏ mới là hẹ thống chính trị hay. Hiện nay, hệ thống đa nguyên đa đảng có thể làm chuyện này ở phương Tây, Hệ thống kiểu VN làm được ở VN. Chính vì thế tôi mới nhận xét là hệ thống ở VN hợp với các nước đang phát triển hơn (ngay cả với Nga).

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 2 2020, 06:37 PM

Bổ xung thêm một mẩu nữa để thấy sự nực cười của những người có đồng tư duy với người viết FB ở trên. Tư duy của họ vẫn chỉ dừng ở bước « tìm một mô hình để bắt chiếc », và bởi bây giờ các nước phương Tây phát triển cao, thì họ sẽ ôm lấy mô hình này, hôn hít, hoan hô. Sau họ lệ thuộc thế. Nếu họ tìm hiểu kỹ, thì sẽ thấy ngay bản thân từng nước này, hệ thống chính trị của nó cũng khác nhau, cách thực hành đa nguyên đa đảng khác nhau. Điều này chứng tỏ, không một nước nào có thể bắt chiếc, vì tình hình từng nước khác nhau. VN còn khác xa họ nữa. Không kể có bao nhiêu nước thê giới thứ 3, bị phương Tây ép mô hình này, có phát triển đâu. Tại sao họ lại mù mắt không nhìn thấy.
Trong thực tế, mỗi nước nếu là độc lập thật sự, thì đều phải dò tìm con đường phát triển của minh. Ngay cả Mỹ nó cũng dò con đường của nó để đi tiếp, vì sự phát triển không có một mô hình đã định sẵn. Như vậy đáng nhẽ phải tự hào, và nếu có thể thì đưa ra những ý kiến tìm con đường phát triển cho vN, họ chỉ biết tung hô phương Tây, chửi bới lịch sử vN theo hình thức « trước đen thì bây giờ trắng », làm một dạng con vẹt, con khỉ bắt chiếc mà lại tưởng mình là chí sĩ.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Feb 3 2020, 04:04 PM

Em chưa đọc hết cuốn sách này, nhưng mà thấy có nhiều chi tiết thú vị. Thứ nhất, là theo tuyên truyền từ trước đến giờ, thì mọi người đều tưởng là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đơn thương độc mã sang Paris, sống và hoạt động ở đó độc lập. Nhưng giờ lại hóa ra là đồng chí sống cùng với cụ Phan Chu Trinh (bạn của bố) và luật sư Phan Văn Trường. Ba người chia tiền thuê nhà trong thời gian rất dài, mãi về sau mới cãi nhau vì đường lối hoạt động, nên phải chia tay.

Điều thứ hai là vai trò của Bác Hồ từ trong 10 năm, kể từ lúc thành lập Đảng (1930-1940) là rất mờ nhạt. Bác thậm chí còn không mon men được tới ghế Tổng Bí Thư và cũng may là 4 vị TBT đầu tiên đều hi sinh hết cả. Lúc đó Bác mới có cơ hội để thể hiện tài năng, với vị trí lãnh đạo!

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 3 2020, 06:39 PM

@nvt,
Không những điều mà nvt nói trên không phải là đặc biệt. Ở Paris, bác Hồ vừa ở riêng vừa ở với Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường. Thực ra là thế này. Khi bác Hồ làm đầu bếp trên tầu thuỷ của hãng mesager maritime, là hãng độc quyền thương mại giữa Sài gòn và Marseille(Pháp), khi đến Pháp, đến Paris thì bác phải đến nhà cụ Phan Chu Trinh đầu tiên, vì làm gì có quen biết ai. Sau đó bác làm nghề sửa ảnh và nghề vẽ đồ sứ. sửa ảnh là thế nào ? lúc đó kỹ thuật chụp ảnh chưa cao, nên ảnh rửa ra có lỗi, có chấm, phải dùng bút lông sửa (giống như các bác dùng photosoft bây giờ). Người châu Á (TQ, VN) hay được thuê làm nghề này (giống như ở Mỹ bây giờ người VN làm nghề sửa móng tay), vì có thói quen viết bằng bút lông (chữ nho) nên khéo tay, và cũng phải chỉnh bằng bút lông, hay bút chì (kiểu như các cô các bà bây giờ kẻ mắt). Còn nghề vẽ đồ sứ là thế nào ? vào cuối thế kỷ XIX, thì đồ sứ TQ cũng như Trà là hàng hoá thịnh hành trong trao đổi quốc tế. Nhưng lúc này, phương Tây đã biết được kỹ thuật chế tạo đồ gốm cũng như sản xuất trà. Nhưng thị trường phương Tây thị hiếu xã hội vẫn chuộng đồ sứ TQ. Vì thế mới có chuyện ở phương Tây, họ sản xuất đồ sứ với những hoạ tiết kiểu châu Á (thường là các loại hoa), nhưng cũng phải có vài chữ Nho « giả cầy » viết ở trên, làm giả đồ TQ. Nhưng Tây thì làm sao viết chữ Nho, vì thế phải thuê người châu Á. Câu chuyện này cũng được bác Hồ kể lại trong những mẩu chuyện của bác về cuộc đời mình, và còn có chi tiết là khi viết chữ Nho trên những đồ gốm như thế thì đáng nhẽ viết một câu thơ hay gì đó bác lại viết là « đả đảo đế quốc ». Đồ sứ TQ giả cầy này, ở pháp họ gọi là chinoiserie. Bản thân tôi cũng sưu tập một cái chén kiểu này. Tất nhiên là không có chữ « đả đảo đế quốc » ở trên đó.
Nghề này cũng là nghề cụ Phan làm ở Pháp, nên ta có thể đoán là Bác Hồ cũng theo đó mà tìm việc làm. Khi có việc rồi thì bác ở riêng. ở ngõ Compoint (quận 5 Paris). Nhưng câu chuyện của bác như việc ôm cục gạch ngủ, hay câu chuyện bác đọc luận cương của Lê Nin về các vấn đề thuộc địa, khiến bác trở thành người cộng sản là ở đây.
Việc đặc biệt trong quyển sách là nó lật ngược các thời điểm bác ở Pháp. Theo như ở VN, sách tiếng Việt, thì bác sang tới Marseille vào năm 1911, sau đó bác gặp cụ Phan, ở Paris, rồi sau đó lại đi làm đầu bếp tiếp trên tầu trước khi có đại chiến I, tức là năm 1914, đi chu du thế giới, tới năm 1917,1918 mới quay lại Paris. Trong quyển sách trên thì nó lại nói ngược là bác sang Pháp, nhưng không ở lại đây mà tiếp tục làm bếp trên tầu thuỷ tới khoảng năm 1917 mới quay lại Pháp ở Paris. Chi tiết này được sử dụng (cho nó khớp với các sách Sài gòn cũ viết về Bác), để nói rằng bản kiến nghị mà bác Hồ đưa ra ở hội nghị Versaille (1919) đòi độc lập với cái tên Nguyễn Ái Quốc là Fake news. Với cớ là bác Hồ không thể viết được tiếng Pháp, vì thế bản kiến nghị này là do ông Phan văn Trường viết, còn bác chỉ là người đưa ra, kiểu giao liên « anh Kim Đồng làm liên lạc », và từ đó suy ra là bác cướp công người khác. Như vậy nếu bác sang Pháp từ năm 1911 đến năm 1919 mà không viết được tiếng Pháp thì vô lý, vì thế phải đổi là bác ở Pháp từ năm 1917 thì dễ nói bác không biết tiếng Pháp hơn. Trong sách vở Sài gòn ngày trước, các trò này có rất nhiều. Điều đáng kinh ngạc, là một người viết sử như bà này lại sử dụng, khiến tôi nghi ngờ tính trung thực của bà ta. Chuyện này tôi sẽ nói sau.
Còn tại sao cụ Phan lại ở Paris được, vì cụ được một hội người Pháp ủng hộ đòi ân xã cho cụ, lúc cụ tham gia vào phong trào chống thuế ở miền Trung (1908) bị bắt đi đầy ở Côn Đảo. Còn tại sao cụ được họ ủng hộ, vì triết thuyết của cụ là « Pháp Việt đề huề », cụ đòi Pháp biến tất cả VN thành thuộc địa, xoá bỏ chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vì chế độ này ở miền trung và miền Bắc khắc nghiệt hơn ở thuộc địa Pháp là Nam bộ. Lúc đầu sang Pháp, cụ được Pháp cho trợ cấp, để tìm hiểu xã hội Pháp ,và tất nhiên là sau đó quảng cáo văn minh đó ở VN. Nhưng khi chiến tranh thế giới I bùng nổ, thì cụ bị dính vào một vụ mà theo Pháp là cụ nhận tiền của Đức để tổ chức « nổi loạn » ở VN. Sau đó cụ không nhận được trợ cấp nữa, và vì thế cũng làm nghề sửa ảnh.Vì đọc đã lâu, tôi không nhớ là cái trợ cấp đó có thời hạn nên hết trước, hay là Pháp « phạt cụ » cắt « học bổng ».
Bác Hồ biết cụ Phan, vì bố bác Hồ biết cụ Phan cũng như biết cả cụ Phan Bội Châu. Thế giới nhà Nho thực ra nó cũng nhỏ, đặc biệt với những người đỗ cao. Cả cụ Phan chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc (bố bác Hồ) đều đỗ Phó bảng, tức là đứng thứ nhì trong các kỳ thi đình. Gọi là nhì nhưng thật ra là nhất, vì không có người đạt tiến sĩ.
Hiện nay, tôi thấy rất nhiều học sinh VN sang Pháp đều xuất thân từ trường Am (Amsterdam) ở Hà nội, câu chuyện cũng giống như vậy.
Bác Hồ chưa bao giờ là tổng bí thư Đảng, cái này cũng không có gì là mới. Ngay về sau (từ năm 1941), bác luôn chỉ là chủ tịch Đảng, còn chức vụ Tổng Bí Thư luôn tồn tại. Chức vụ của bác, cũng như chức vụ của Mao trạch Đông là những chức vụ đặc biệt, khi mất thì không còn nữa.
Mở nguặc nói là, trong quyển sách này cũng có điều đặc biệt, đó là nó nói tới mối liên hệ liên tục giữa Bác Hồ và thời điểm 1930-1931 với đảng cộng sản Đông Dương, khi có Xô viết Nghệ Tĩnh trong khi bình thường, thì mối liên hệ này không có. Bác chỉ thực sự tham gia vào cách mạng VN từ năm 1941, nếu tính theo các sự kiện trong nước. Quyển sách này nói thế, cũng để « tầm thường hoá » bác, vì Xô viết Nghệ tĩnh thất bại, và không những thế còn có những sai lầm trong việc lãnh đạo nó. Đúng sai thế nào, tôi cũng nói sau.
Nhưng điêù tôi nói này chính là những « hạt sạn » nên tìm hiểu, và quyển sách nó nói rất khéo, rất khôn.

Gửi bởi: root vào hồi Feb 3 2020, 08:20 PM

Hehe...em lạc đề một tí, em cũng học Am ra đây. Và em đi làm thuê cho Pháp từ 2003 tới giờ, chưa gặp được một đồng môn nào!

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 4 2020, 07:52 PM

@root,
Hoá ra root thuộc dạng “phó bảng thời nay” à. Tôi học sớm hơn, thời còn hệ mười năm, và trường Am chưa ra đời.

Tôi đọc xong cái quyển sử kia. Nếu nói về sử “lề trái” thì có lẽ nó tương đối đầy đủ, và đặc biệt tác giả khai thác được tài liệu của quốc tế cộng sản để lại cũng như có vẻ bà ta biết đọc tiếng việt, vì trong danh sách các tài liệu khai thác có khá nhiều sách tiếng việt hiện nay. Đáng tiếc là tác giả tự đặt ra nhiệm vụ phải hạ bệ sự tôn sùng Bác Hồ, mà theo tác giả thì cả lề trái và lề phải viết về Bác đến nay đều mắc phải, cũng như hạn chế định kiến của một người Mỹ nên quyển sách có sạn. Điều tác giả chủ yếu dùng các tài liệu theo dõi của mật thám Pháp cũng khiến quyển sách “có chiều” hơn, và như vậy độ khách quan kém đi. Đặc biệt tác giả dùng rất nhiều kiểu “may be” (có thể như vậy), “It seem to be” (có vẻ như vậy), để đưa ý kiến của mình vào bình luận những vấn đề mập mờ không xác định được, khiến quyển sách càng có mùi vị tuyên truyền hơn, lề trái hơn dưới cái vẻ khách quan. Vì thế nếu ai muốn tìm hiểu các cách mà “sử lề trái” sử dụng các uẩn khúc để bình luận bóp méo lịch sử VN hiện đại thế nào, thì quyển sử này có lẽ là điển hình đẹp.
Tôi sẽ bình ở đây một số chuyện nó đập ngay vào mắt, chủ yếu để chỉ ra cách đọc, rồi mọi người tự tìm hiểu. Giống như Mao trạch Đông đã nói “cho người ta con cá, không bằng chỉ cho người ta cách câu cá”. Tất nhiên tôi không thể biết con cá tôi biếu to ngần nào, có giá trị không, cái cần câu tôi đưa ra có chuẩn không, nhưng dù sao cũng là một cách phân tích, để ai thích thì tìm hiểu. Điều quan trọng không phải là có đồng ý với những điều tôi chỉ ra mà là hiểu cách phân tích, rồi tự ứng dụng mà dùng.
Vấn đề đầu tiên, tác giả đề cập tới “có sạn” là vấn đề bản tuyên ngôn đòi độc lập cho VN, mà bác Hồ đưa ra trong hội nghị Véc say (Versaille) ở Pháp vào năm 1919. Vào thời điểm đó, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, và các nước thắng trận (Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, TQ, Ý) họp nhau ở Pháp để chia thành quả. Trong đó Anh, Pháp,Mỹ là chính. Nếu Anh Pháp chỉ muốn chia lại thuộc địa và đất đai của các nước bại trận (Đức, Áo), thì tổng thống Mỹ lại đưa ra yêu cầu “dân tộc tự quyết”, vì nước Mỹ vốn không có thuộc địa, thuộc địa là đất da đỏ thì đã thành bang của Mỹ. Đưa ra khẩu hiệu “dân tộc tự quyết”, Mỹ đã đánh một đòn vào hệ thống thuộc địa kiểu cũ, trực trị của Anh-Pháp, vì kiểu của Mỹ là thuộc địa kiểu mới, để tìm cách thâm nhập vào các thuộc địa của các nước này. Vì thế có nhiều nhân sĩ trí thức của các thuộc địa mới nhân dịp đưa ra các yêu cầu đòi độc lập. Ví dụ như người Triều Tiên với Nhật, hay bác Hồ với Pháp.
Câu chuyện này đã đưa bác Hồ vào lịch sử hiện đại VN, với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Và vì đây là sự kiện không thể bóp méo được, vậy làm thế nào để “hạ giá” , “dìm hàng” câu chuyện này.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 4 2020, 11:26 PM

Cách “dìm hàng” này đã được các “học sĩ” Sài gòn ngày xưa làm trước, copyright không phải của tác giả này. Cách làm là gán bản yêu sách cho cụ Phan chu Trinh và Phan văn Trường, với cái cớ là bác Hồ không đủ trình độ tiếng Pháp để viết, và để cho chắc chắn nữa, thì nói rằng Ái quốc là một hội cụ Phan lập ra ở Pháp. Vì thế Bác Hồ không những mạo danh viết mà còn mạo danh cả tên người. Vì cụ Phan chu Trinh không biết tiếng Pháp , cho nên bản yêu sách này được gán cho cụ Phan văn Trường. Cụ Trường là người có bằng luật ở Pháp. Như vậy việc cụ viết là hợp lý. Ở SG hồi trước, thì tất cả mọi sách báo bác viết đều được coi là mạo danh, từ quyển bản án chế độ thực dân Pháp (cũng được gán cho cụ Phan văn Trường), tới nhật ký trong tù (được coi là bác nhặt được của một người tù cùng phòng giam, và bác đã lấy tên người này, tức là ông tù vô danh này có tên là Hồ Chí Minh). Tất nhiên những điều này là bịa đặt vì không có bằng chứng. Tôi nói thế, để mọi người nếu đọc các tác phẩm nhân văn xã hội của Sài gòn trước, thì đừng có ôm lấy nó như là sự thực. Điều này không chỉ đúng với các chuyện viết về bác Hồ, mà hầu như tất cả phần khoa học xã hội của nó cũng vậy. Cho đến nay, những tác phẩm của Sài gon cũ tôi sưu tập, thì giá trị nhất có lẽ là về phật giáo, một ít nho giáo (Nguyễn Hiến Lê). Ngay cả viết về phương Tây cũng .. nguỵ tạo. Nếu ai muốn tìm hiểu triết học phương Tây, thì chịu khó học tiếng Pháp, Anh, hay Đức đọc nguyên bản, chứ đừng qua các ông Sài gòn cũ này. Điều dở hiện nay là ở VN in lại rất nhiều các tác phẩm thời miền Nam cũ, hay thuộc Pháp mà không có phê phán. Việc in lại này là đáng hoan nghênh, nhưng khi in lại, cũng nên chú thích một tí ở trang đầu tiên, nói là “đây là tác phẩm thời thuộc Pháp , phản ánh nhận thức của xã hội thực dân thời đó” (ví dụ thế, nếu không đủ trình độ phân biệt đúng sai, hay có thể làm được nhưng quá mất công và cầu kỳ, trả công cho người làm việc đó, in xong bán lại ..lõm). Các tác phẩm cũ này đáp ứng được thị hiếu người đọc muốn đa dạng kiến thức, với nhà in, nhà xuất bản đó là những tác phẩm không còn copyright, không phải trả bản quyền.. Hiện tại ở VN, “giấy nhiều, chữ ít”, khiến việc in lại này càng thịnh hành. Dù vậy, cũng không nên in nó mà không có cảnh báo, lại in như loại sách cổ điển “cảo thơm trước đèn” thì càng khiến người đọc lầm lẫn.
Trở lại việc Bác Hồ. Nếu căn cứ theo tài liệu thì không thể nói là bác Hồ không biết tiếng Pháp, vì hiện tại người ta vẫn giữ được một cái thư xin học của bác ở Pháp, vào năm 1911, và lá thư viết rất chuẩn, không thể bảo người viết không biết tiếng Pháp. Nhưng để chối sự thực hiển nhiên này, thì các loại “học giả khách quan” này lại đề ra một cách giải thích mới, đó là bác nhờ người viết. Dù không có chứng cớ nhờ ai. Nhưng việc không biết tiếng Pháp lại đòi vào trường Pháp học thì học thế nào, không khiến họ thấy điều này là mâu thuẫn. Trong quyển sách trên, tác giả Mỹ này cũng lặp lại điều này. Tất nhiên rồi, vì bà ấy muốn chứng minh Bác Hồ là một imposteur (tức là kẻ mạo danh). Theo như quyển sách thì bác Hồ không ở Pháp từ năm 1911, mà tiếp tục làm đầu bếp trên tầu thuỷ. Với chứng cớ là người ta còn có một cái bưu ảnh bác gửi từ Columbo (Xây lan) vào năm 1913. Bác làm trên tầu tới lúc sang Anh (trong thời gian đại chiến), học tiếng Anh, rồi sau đó mới sang Pháp. Như vậy bác chỉ ở Pháp sớm nhất là từ năm 1917 (hay muộn hơn). Và điều này có thể là bằng chứng chứng minh bác không thể là người viết cái bản yêu sách đòi độc lập nói trên. Như vậy cũng theo cuốn sách, ta có thể hiểu là bác biết tiếng Anh trước khi biết tiếng Pháp, trong khi bác làm đầu bếp trên một chiếc tầu Pháp từ năm 1911.
Hiệntại, người ta có thể thấy, như ở Paris, trong khu phố Tầu, có nhiều đầu bếp cho các quán châu Á không biết tiếng Pháp, và họ vẫn sống được ở Pháp. Nhưng có điều kiện ở đây là người đó phải sống với cộng đồng cùng tiếng nói với mình. Điều không đúng với bác Hồ. Ngược lại, trong trường hợp của bác, bác phải biết tiếng nhanh hơn, vì môi trường xung quanh của bác không phải là VN. Bản thân bác Hồ, trong các mẩu chuyện của mình cũng đề cập tới việc học tiếng Pháp và làm báo. Bác nói, để học tiếng Pháp mỗi ngày bác đặt “chỉ tiêu” học mười từ. Về việc làm báo bằng tiếng Pháp, bác cũng nói kinh nghiệm là đầu tiên viết những tin ngắn, nhờ các bạn Pháp sửa, rồi dần dần viết dài hơn. Bác Hồ bắt đầu viết báo (có chứng cớ) là tờ những người cùng khổ (le Paria) vào năm 1920. Như vậy kinh nghiệm học viết báo của bác có thể coi là vào thời kỳ này. Như vậy bác phải biết tiếng Pháp từ trước.
Tóm lại, dù bác sống ở Pháp trước khi chu du thiên hạ, hay bác chu du thiên hạ, rồi mới “hạ cánh” ở Pháp thực ra không ảnh hưởng tới việc học tiếng Pháp, vì dù bác làm việc trên tầu, đây là con tầu Pháp, người làm cùng là người Pháp, tiếng pháp là tiêng sinh hoạt hàng ngày, và tất nhiên có cả tiếng Anh, vì đây là con tầu đi biển quốc tế. Hai thứ tiếng này vẫn được bác sử dụng về sau.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 5 2020, 09:57 PM

Một điều thú vị nữa, là dù sách Vn hay quyển sử này, không ai có thể phủ nhận sự hoạt động xã hội chính trị của Bác trong thời gian 1920-1923, tức là đến lúc bác rời Pháp bí mật sang Liên Xô. Trong thời kỳ này bác làm báo, lập hội liên minh các dân tộc thuộc địa (Union intercoloniale) tức là không phải với người VN, cộng đồng VN, nên tất nhiên là dùng tiếng Pháp, tham gia vào đại hội thành lập đảng cộng sản Pháp (1920), và liên tục tham gia vào các đại hội I, II của đảng này vào năm 1921,1922. Đầu tiên Bác tham gia các hoạt động chính trị này như một người trong đảng xã hội Pháp, rồi sau đó như một thành viên sáng lập đảng cộng sản Pháp. Hiển nhiên với nhưng hoạt động “chủ yếu bằng ngôn ngữ” như thế này, mà lại nói bác không thạo tiếng Pháp thì thật mâu thuẫn. Nếu giả dụ bác là một nhà toán học chẳng hạn, thì điều này còn có lý. Nhưng người ta không thể tham gia các hoạt động chính trị tích cực như thế này, cần tranh luận, mà lại ..yếu tiếng. Hiện tại, những bản ghi chép tốc ký của các đại hội này còn đó, có ghi những lời tham luận của bác, có cả ảnh của bác ở đại hội Tua (Tours), cho nên muốn bóp méo, nói bác cần người phiên dịch cũng không thể nói được. Nếu năm 1920, mà bác đã thông thạo tiếng Pháp thế, thì không thể có chuyện 1 năm trước, 1919 bác nói tiếng Pháp ú ớ. Tại sao ? bất kỳ người nào đã từng phải học tiếng, và phải đi thi ngoại ngữ, thì dễ dàng nhận thấy một điều rằng, không thể học nó để đi thi như học toán, lý, hoá.. Với những môn này, người ta có thể “cầy” suốt đêm vào buổi tối hôm trước đi thi, để hôm sau có kiến thức, và có thể thi được. Nếu là thi ngoại ngữ, người ta không thể làm thế được, nói cách khác, học ngoại ngữ không thể “học gạo đột biến” để có một đống từ ngữ trong một thời gian ngắn mà giỏi được tiếng, nó là một sự thực hành và tiếp xúc liên tục thông qua đọc, nói, nghe. Bác Hồ không thể giỏi tiếng Pháp vào năm 1920, trong khi năm 1919 kém tiếng. Còn nếu chấp nhận điều này, thì không thể nói bác tới Pháp năm 1917, nên đến năm 1919 không thể biết tiếng Pháp thành thạo vì thời gian quá ngắn để học.
Với tôi, khả năng dễ chấp nhận nhất là bác đã bắt đầu học tiếng Pháp khi làm đầu bếp trên tầu thuỷ từ năm 1911. Cách học đầu tiên của bác là trực quan, thông qua làm việc (giống như những em bé người dân tộc ở Sa pa, vì bán đồ cho du khách mà nói và nghe tiếng Anh rất tốt). Cách học trực quan này chỉ cần bổ xung thêm từ ngữ (điều này chính Bác Hồ có nói), học ngữ pháp là ta có thể sử dụng ngoại ngữ giỏi. Học từ, ngữ pháp có thể tự học, vì nó chỉ là sự nhập tâm. Bây giờ, các phương pháp học ngoại ngữ hiện đại thực ra cũng thế, không hơn. Do xuất thân là trí thức, với bác việc học từ ngữ, ngữ pháp không phải là khó (khác với các em bán hàng rong kia). Không phải ngẫu nhiên mà hai ngôn ngữ bác thông thạo nhất là tiếng Pháp và Anh (có thể tiếng Trung nữa, còn viết chữ Nho thì là điều chắc chắn). Điều này được chứng tỏ qua các bản báo cáo của bác gửi cho quốc tế cộng sản. Báo cáo của bác hoặc là viết bằng tiếng Pháp (do bác là đảng viên đảng cộng sản Pháp, nên trực thuộc phân bộ này của Quốc tế cộng sản), hay viết bằng tiếng Anh. Không thấy nói bác viết tiếng Nga.
Tất nhiên người ta vẫn có thể nghi ngờ, người ta có thể nói,đọc nhưng không viết được. Vì thế hãy xét thêm một điều nữa, tôi lấy từ kinh nghiệm bản thân. Khi học ở nước ngoài, ngay cả khi học về khoa học tự nhiên, trong chương trình học vẫn có những môn “nhiều chữ, ít số” : communication, economie, ..vậy khi làm bài kiểm tra, phải làm thế nào ? “bí quyết” của tôi (thực ra thì ai cũng biết) đó là viết bằng cách gạch đầu dòng. Cách viết này bảo đảm đủ ý, chứng tỏ rằng mình có kiến thức, và như vậy có khả năng được điểm trung bình. Tất nhiên nếu có trình độ ngoại ngữ cao, thì phải phát triển, phân tích được ra các ý chính này, điều này mới là khó. Còn viết kiểu gạch đầu dòng này một người mới học tiếng, chưa vững cũng có thể làm được.
Nhìn vào cái bản yêu sách đòi độc lập cho VN mà bác viết năm 1919, trong thực tế, nó không hơn một dạng gạch đầu dòng tôi nói ở trên. Ở đây chỉ cần một số lượng tối thiểu của từ vựng liên quan, ngữ pháp tương đối đơn giản. Để viết được nó, điều quan trọng thực ra không phải là tiếng, mà là những ý tưởng định nói là gì. Những từ vựng ở đây thực ra cũng không nhiều, và nó chủ yếu liên quan tới chính trị , xã hội. Một người quan tâm tới các vấn đề này như bác, có thể nắm vững nó dễ dàng. Tóm lại, ngay cả khi ta chấp nhận trình độ tiếng của Bác vào thời điểm này (1919) không đẩy đủ như ngụ ý của quyển sách, thì cũng không thể nói được là bác không thể viết được.
Bây giờ ta hãy xét thêm vấn đề bác chỉ là “anh Kim Đồng làm liên lạc” , làm “người rơm” đứng tên hộ cụ Phan văn Trường, hay cụ Phan Chu Trinh mà lề trái vẫn rêu rao thì sẽ thấy vấn đề càng rõ thêm.
(còn tiếp)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Feb 6 2020, 09:53 AM

Vậy bác Phó có thể chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Pháp từ bản thân bác xem thế nào? Bác mất bao nhiêu lâu để thành thạo? Và bác học Tiếng Anh trước hay là Pháp trước?

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 6 2020, 06:40 PM

@nvt,
Tôi không phải là người học ngoại ngữ giỏi. Học ngoại ngữ giỏi thực ra là một thiên tính trời cho. Trong đó khả năng ghi nhớ, trí nhớ rất quan trọng. Sau đó là khả năng nghe, phân biệt âm thanh, và cuối cùng là khả năng tái tạo lại âm thanh đó, khi mình nói ra, phát âm. Theo khoa học, thì khả năng tái tạo âm thanh, khả năng ghi nhớ âm thanh, đứa trẻ con nào cũng có, đến khoảng độ 7 tuổi. Bởi vì từ lúc đứa trẻ bắt đầu tập nói đến lúc nói sõi tiếng mẹ đẻ, thì ngay cả quy trình học nói tiếng mẹ đẻ cũng là .. học ngoại ngữ. Sau 7 tuổi, do đã nắm vững tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ quen đi với một kiểu phát âm,một kiểu tư duy và từ đó khả năng học tiếng giảm đi. Người học ngoại ngữ giỏi, có thiên tính, chính là những người mà sau thời thơ ấu, vẫn giữ được những khả năng này. Vì thế nếu học ngoại ngữ lúc còn nhỏ, thì có khả năng nói ngoại ngữ như người bản địa nói thứ tiếng ấy, giống như một thứ tiếng mẹ đẻ thứ hai.
Trong khi học ngoại ngữ, bao giờ cũng có 3 phần : đọc, nói, nghe. Trong đó nghe và nói là khó nhất, vì nó cần phải nắm vững tiếng một cách chủ động. Còn đọc thì dễ hơn cả. Mọi người có thể cảm nhận điều này rất rõ ví dụ, nếu ai biết tiếng Anh đi xem phim tiếng Anh có tựa đề ..tiếng Anh. Họ sẽ thấy nhiều khi đọc hiểu ngay, trong khi nghe chỉ hiểu lõm bõm.
Như vậy học tiếng tốt nhất, chính là kiểu như bác Hồ và các em bé bán hàng rong ở Sa pa. Thực ra khi đi học một khoá tiếng cũng thế thôi. Đi học để mình quen với phát âm, và bắt buộc phải đối thoại. Nhưng như thế không đủ, mà sau phải học từ vựng và ngữ pháp. Cái này thì bắt buộc phải học, chứ không có cách nào khác.
Vì tôi thuộc loại học tiếng trung bình kém, lại không thích học cái gì mà nó không có nội dụng hấp dẫn mình, nên việc đầu tiên tôi làm, là sau khi lõm bõm đọc được, hiểu tí ngữ pháp sau 3 tháng học tiếng bình thường, thì đi tìm mua sách lịch sử văn hoá để đọc. Bởi đây là lĩnh vực tôi quan tâm như là hobby cái gì thích thì học dễ hơn, nhiều khi nội dung tôi đã biết, nên đọc nó vừa thích thú mà cũng học tiếng luôn. Một ngôn ngữ, từ vựng của nó rất rộng, từ chính trị kinh tế, tới khoa học, khoa học tự nhiên, tâm lý, y học, luật pháp .. trong trường hợp của tôi, thì tôi đọc được sách lịch sử, triết, trước rồi sau mới đọc được sách văn học, và cuối cùng khó nhất là .. đọc thơ. Cho đến nay, tôi có thể dịch thơ tiếng Pháp ra tiếng việt (tất nhiên là dịch dở), nhưng dịch ngược lại thì tôi chịu. Nguyên do là thơ không chỉ có nội dung, mà nó một phần quan trọng của nó là vần điệu, âm thanh, nhịp.. cái hay của nó là cảm nhận những điều này, nếu dịch chỉ là hiểu nội dung trần trụi thì không đủ.
Còn để nghe, thì tôi xem những phim truyền hình “lá cải” trước. Nhưng phim truyền hình lá cải kiểu này, từ vựng rất ít, nội dung không có gì. Chủ yếu nó chỉ là để lấp chỗ trống trên truyền hình. Sau khi xem nghe cái này rồi, thì nghe thời sự. Nghe thời sự có cái lợi, là họ phát âm chuẩn, và mình có thể nghe lại. bởi vì trong một ngày, họ phát lại nhiều lần. Mỗi lần mình nghe là một lần tua lại.
Tôi học tiếng Pháp trước, nhưng tiếng Anh cũng học liền sau đó. Bởi khi đi học, thì trong các môn học có cả môn tiếng Anh.
Cách học tiếng Anh của tôi cũng giống như học tiếng Pháp, chỉ có điều tiếng Pháp tôi mua sách, nghe truyền hình thì tiếng Anh tôi không thể làm thế được vì tôi có ở trong môi trường Anh đâu. Như vậy phải biến báo nó. Ở Pháp, nó có một tờ báo dùng để học tiếng, có tên là “Vocable”. Trong tờ báo có các bài họ trích từ các báo tiếng Anh ra, bán kèm một cái cát xét (cassette), và trong tờ báo có cả phần từ vựng. Bằng cách đó tôi học tiếng Anh, rất may là dân Pháp cũng không giỏi ngoại ngữ, nên chỉ một thời gian học kiểu này, tôi đã đuổi kịp được, để có được điểm trung bình, trong khi tiếng Pháp vẫn ..ú ớ. Chính xác hơn là cả hai tiếng ú ớ như nhau, nhưng cái này không ngăn cản cái kia. Tờ báo này hiện vẫn còn xuất bản. Nhưng hiện tại, với sự phát triển của Internet,mobile thì đọc trên mạng, nghe trên mạng.. thuận lợi hơn nhiều.
Theo nhận xét của tôi, thì bác Hồ là người có khả năng ngoại ngữ, bác lại học và nói ở trong lĩnh vực bác yêu thích, cống hiến cả đời cho nó, đó là lĩnh vực chính trị, thì chỉ có giỏi trở lên.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 11 2020, 08:57 PM

Như tôi đã nói ở trên, việc bác Hồ đưa ra yêu sách đòi độc lập lên hội nghị Véc Xay (Versaille) ở Pháp, được lề trái bịa đặt là không phải của bác, nhưng làm thế nào để giải thích việc bác là người đưa nó lên mà lại không phải là tác giả. Đây là sự kiện lịch sử có thật, được ghi lại, nên không thể bốc phét. Vì thế một điều nữa lại được bịa đặt tiếp, đó là bác Hồ “đưa hộ”. Vai trò của bác được hạ xuống, thành một dạng “anh Kim đồng làm liên lạc”. Vậy bác “đưa hộ” ai, họ nói bác đưa hộ ông Phan văn Trường và cụ Phan chu Trinh. Nếu cụ Phan văn Trường được coi là người viết tiếng Pháp (do bác không biết tiếng này), thì ý tưởng làm bản yêu cầu này lại được giao cho cụ Phan Chu Trinh, và để cho đầy đủ, họ còn gán cho cụ lập một nhóm có tên là Ái Quốc .
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là làm sao giải thích được việc đưa họ này, nó phải có lý do. Lý do đó chỉ có thể trong những điều sau:
1- Những tác giả thật muốn “ném đá dấu tay” vì một lý do nào đó.
2- Nhưng cũng có thể tư duy chính trị của họ không dẫn tới việc họ nghĩ tới làm việc này.
3- Họ muốn làm những không biết cách làm.
Hãy xét điều một. Hai cụ Phan không có điều gì phải sợ thực dân Pháp đến mức phải ném đá dấu tay cả. Ở chính quốc, hệ thống chính trị Pháp không giống như ở thuộc địa, càng không giống ở miền Trung VN, là nơi Pháp sử dụng Nam Triều đàn áp. Việc đứng ra đưa ra đòi hỏi độc lập ở một hội nghị quốc tế, nếu làm được còn gây ra tiếng vang, mà một người làm chính trị như cụ Phan chu Trinh không thể không biết. Cụ cũng đã từng viết điều trần tố cáo chế độ thuế khoá ở miền Trung, trong phong trào kháng thuế 1908 ở Quang Nam. Nhưng điều này không xa lạ gì với cụ. Dưới chế độ Nam Triều cụ còn dám làm, thì làm sao ở Pháp lại không dám. Vào thời điểm này (1919), Pháp cũng không tài trợ cho cụ nữa. Như vậy cụ không có lý do gì mà phải ném đá dấu tay cả.
Hãy xét điều hai. Nếu hai cụ Phan không sợ Pháp đến mức phải ném đá giấu tay, thì một điều có thể nữa là việc làm này, tức là đưa ra kiến nghị đòi độc lập cho VN không phải là ý tưởng chính trị của hai người. Điều này thực ra lại rất có cơ sở. Mọi người đều biết cụ Phan Chu Trinh muốn dựa vào thực dân Pháp để đánh Nam Triều. Nhà Nguyễn lúc này, trên giấy tờ của Pháp vẫn là một nước, chỉ bị “bảo hộ” thôi. Nếu cụ Phan chu Trinh muốn dựa vào Pháp, thì đòi độc lập làm gì, vì Pháp mang lại tiến bộ cho VN. Ý tưởng làm kiến nghị đòi độc lập vào thời điểm hội nghị Véc Xay cũng không phải là điều gì bí mật, mà các cụ có thể thấy các ví dụ qua theo dõi thời sự Pháp, do các nước Đông Âu trong đế quốc Áo – Hung vừa bại trận, hay các dân tộc ở vùng Ban Căng thuộc đế quốc Thổ đưa lên. Người Triều tiên cũng làm như vậy. Cụ Phan văn Trường thì lại học về luật, vào dân Tây, như vậy ý tưởng của cụ cũng là về “khuấy động dân trí”, chứ không phải là đòi độc lập, dù điều này có thể là “chân trời xa vắng” của cụ.
Như vậy sự việc bác Hồ đưa bản yêu sách đòi độc lập cho VN, thực ra rất khớp với ý tưởng chính trị của bác, và hoàn toàn không hợp với ý tưởng chính trị của hai cụ Phan. Cái ý tưởng ấy ra sao ?
Với bức thư của bác Hồ xin học ở Pháp lúc vừa mới tới châu Âu (và bị Pháp từ chối), ta có thể hiểu rằng, lúc bác rời VN ra đi (1911), ý thức chính trị của bác giống cụ Phan Chu Trinh, có thể hiểu bác là “đệ tử” của cụ cũng không sao. Đó là xuất dương để học văn minh Pháp, để chống Nam triều. Bác Hồ cũng như cụ Phan đều sống ở miền Trung, nơi mà Nam Triều cai trị trực tiếp, nên có thể trải nghiệm trực tiếp chế độ này, và vì thế có thể ảo tưởng về “văn minh” Pháp. Nhưng khác với cụ Phan, vẫn giữ nguyên ý tưởng ấy khi ở Pháp, bác Hồ, do thâm nhập vào hoạt động chính trị ở đây, cũng như tầm nhìn thế giới rộng lớn hơn khi đi chu du thiên hạ, nên bác đã thấy rằng điều này không thể làm được, không kể ở châu Âu hồi đó (là nơi cầm trịch chính trị thế giới) không ai biết VN là gì. Vì thế bác muốn sử dụng các cơ chế chính trị ở chính quốc để tố cáo, cũng như để thế giới (tức là châu Âu) biết tới VN. Điều này là điều cụ Phan chu Trinh và cụ Phan văn Trường không nghĩ tới. Hai người chỉ nghĩ tới việc học văn minh Pháp để “khai hoá VN” mà thôi. Ý tưởng của bác bây giờ được gọi là “lautspeaker policy” (chính trị cái loa), giống như VN đã làm khi dàn khoan Hải dương của TQ vào vùng biển Đà Nẵng năm 2014. Tức là tác động vào dư luận qua tuyên truyền thông tin rộng rãi để tố cáo. Và sau đó, thấy điều này cũng không đủ, thì bác đi xa hơn trở thành người cộng sản, do đọc luận cương thuộc địa của Lê Nin.
Điều thứ ba càng rõ ràng hơn. Trong ba người : bác Hồ , hai cụ Phan, chỉ có cụ là tham gia hoạt động chính trị tích cực nhất trong các hội đoàn của Pháp, chủ yếu là đảng xã hội. Chỉ có tham gia như thế, bác mới biết các ngóc ngách của nó, để có cách đưa kiến nghị ra. Chứ hai người kia không thể biết được.
Như vậy bản kiến nghị đòi độc lập cho Vn ở hội nghị Véc Xay vào năm 1919 ở Pháp, không những chỉ làm cho người ta biết tới Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bằng chứng ý tưởng chính trị của bác Hồ. Có thể nói là sự chia tay của bác với cụ Phan văn Trường, Phan Chu Trinh.Còn ở Pháp, ngay cả về sau, không có người Việt nào thâm nhập hệ thống chính trị Pháp như bác (ngoại trừ được Pháp lôi ra làm tay sai, phong chức tước cho làm bù nhìn)
(còn tiếp)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Feb 12 2020, 10:55 AM

Hiện nay, người ta quan tâm đến giai đoạn 1930-1940 trong cuộc đời của Bác Hồ. Theo cuốn sách thì Bác có mâu thuẫn nặng với các tổng bí thư của Đảng trong giai đoạn này. Về sau, khi các TBT hi sinh hết, thì Bác mới lại có cơ hội quay lại chính trường để đảm nhận vai trò lãnh đạo. Bác Phó thấy cuốn sách nói có đúng không? Và thật sự là giai đoạn 30-40 trong các tài liệu lịch sử chính thống ở VN rất ít nhắc tới, về hoạt động của Bác Hồ.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 12 2020, 06:58 PM

Không, điều này không đúng. Thực ra đây chỉ là cách thức của lề trái tìm cách « nhận vơ » bác Hồ cho họ thôi. Như tôi đã nói ở trên đầu chủ đề này. Theo lô gíc đó thì họ tìm cách lấy « bác Hồ dân tộc » đối lại Chủ nghĩa xã hội, lấy bác Hồ đối lại Đảng. Đặc biệt là vì hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của Đảng ở VN.
Trong quyển sách này, thì nó có cả hai ý. Vừa nói rằng Đảng không theo bác Hồ,ví dụ phát động phong trào Xô Viết Nghệ tĩnh (1930), hay Nam Kỳ khởi nghĩa (1940) đồng thời lại nói rằng bác Hồ vẫn biết nhưng « bất lực ». Như vậy là nó « dìm hàng » được cả hai bên. Vừa nói Đảng sai, vừa nói Bác Hồ chẳng làm được gì. Đây cũng chính là kết luận mà cuốn sách muốn. Vì tác giả đã đánh giá bác Hồ chỉ là người giỏi ngoại giao (diplomate) vì không thể phủ nhận tài thu phục người của bác, đồng thời chiếm công người khác (imposteur), điều tôi phân tích ở trên. Tất nhiên là hai điều này đều sai. Nhưng vì bà ta đã có công sưu tập tài liệu, mà ta thì không có điều kiện để làm, nên có thể sử dụng tài liệu của quyển sách bù trừ vào những điều mà bản thân trong sách tiếng Việt cũng có, đồng thời tìm hiểu cách thức hoạt động của Quốc Tế Cộng Sản, các giai đoạn của nó, thì câu chuyện sẽ rõ ràng hơn nhiều.
Về mâu thuẫn của bác và Đảng, thì thực ra chỉ có một điều ghi nhận được là có thực, đó là việc phê bình của tổng bí thư Hà Huy Tập với bác. Ngay trên báo VN, khi nói về một cuộc triển lãm về lịch sử Đảng, sau năm 1954, khi Bác Hồ còn sống, khi đến thăm triển lãm, bác có chỉ vào ảnh TBT Hà Huy Tập, nói « chú này ngày xưa phê bình bác dữ lắm ». Trong quyển sách cũng nói tới vấn đề này, và còn nói rõ hơn là buộc tội bác không phải là cộng sản, cũng như buộc tôi bác sơ hở để cho Lâm Đức Thụ, là mật thám của Pháp xâm nhập Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cả quyển sách sử này, thực ra là dựa vào các báo cáo của Lâm Đức Thụ.
Quyển sách cũng nói tới TBT Trần Phú, mà theo như nó, thì cương lĩnh của Đảng được viết lại vào tháng 10 năm 1930, ngược lại cương lĩnh của Đảng được ghi nhận vào lúc thành lập Đảng (tháng 2), tức là có sự đóng góp của Bác, được bỏ đi. Điều này nói lên mâu thuẫn của Bác và TBT Trần Phú.
Với tôi, ngoại trừ việc quy trách nhiệm cho bác về vấn đề Lâm Đức Thụ (nhưng điều khác cũng là dạng fake news), và điều này có thể dẫn tới việc trong giai đoạn 30-40, bác chỉ dậy học ở Nga trong các trường đào tạo cách mạng, nhưng rõ ràng việc « thất sủng » của Bác do vấn đề này không phải là khủng khiếp. Điều này không hoàn toàn là do bác khôn khéo tránh được các « phi vụ đàn áp », mà còn có những yếu tố khác mà tôi sẽ nói sau. Theo như cuốn sách, thì bác tránh được nhờ vào một cán bộ quốc tế cộng sản « đỡ đầu » cho bác. Nhưng với tôi nó chỉ là suy đoán vu vơ. Bởi vì bản thân nhân vật này cũng không phải là một nhân vật cực kỳ quan trọng của Quốc tế cộng sản. Điều chủ yếu, bác không bị sao, vì bác hoàn toàn nằm ngoài cuộc đấu tranh chính trị-tư tưởng ở Liên Xô và trong Quốc tế Cộng sản lúc này. Cái này tìm hiểu lịch sử quốc tế cộng sản thì ta sẽ thấy, và cũng thấy luôn nội dung của cái gọi là bất đồng giữa bác và các TBT Đảng.
Như vậy tốt nhất là tìm hiểu lịch sử Quốc Tế Cộng sản, mà tôi sẽ nói ngắn gọn ở đây, chủ yếu để chỉ ra cái lô gíc của nó, cái lô gíc này dẫn tới những mâu thuẫn của nó, và từ đó dẫn tới sách lược chiến lược của nó, và cái chiến lược sách lược này ảnh hưởng tới các đảng CS (ví dụ trực tiếp VN) ra sao.
Quốc Tế cộng sản thành lập năm 1919, giải tán năm 1941. Sự ra đời của nó là hệ quả của những hi vọng của phong trào công nhân châu Âu, sau khi cách mạng tháng mười thành công. Theo cái lô gíc này, thì cách mạng tháng mười là bước mở đầu cho một cuộc cách mạng trên toàn châu Âu. Và vì châu Âu thống trị thế giới, nó sẽ thay đổi cả thế giới. Nhưng Lê Nin cũng đưa một điều mới vào, đó là việc phong trào công nhân thế giới phải giúp các dân tộc thuộc địa, bán thuộc địa giành độc lập, và đây là một bộ phận của cách mạng thế giới. Như vậy là quốc tế cộng sản có 3 cấu thành :
1- Nhà nước Xô Viết, Liên Xô
2- Phong trào công nhân châu Âu
3- Phong trào giải phóng dân tộc
Trong đó điều thứ 3 chỉ là điều phụ, vì với nhận thức giai cấp đơn thuần, người ta không thể nhận thức được rằng có thể có cách mạng XHCN ở các nước thuộc địa, và nếu phong trào cách mạng châu Âu bùng nổ như dự tính, thì cũng không có vấn đề thứ 3 này.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 12 2020, 07:00 PM

Cho tới năm 1924, thì hi vọng một cuộc cách mạng lan rộng ở châu Âu rất lớn, và là điểm chính. Vì thời gian 1917-1924, đã lần lượt tồn tại các xô viết ở Hung, cách mạng Đức, rồi Ý. Nhưng tới năm 1924, khi cách mạng Đức thất bại, thì vấn đề cách mạng toàn châu Âu rõ ràng là xa vời. Như vậy đặt ra vấn đề xây dựng CNXH ở một mình Liên Xô, vấn đề bảo vệ thành quả cách mạng Xô Viết. Và đây chính là mâu thuẫn giữa hai xu hướng. Xu hướng chủ yếu của đảng CS Liên xô, đứng đầu là Stalin, và xu hướng Trosky. Xu hướng này là thiểu số. Xu hướng Trosky đòi hỏi Liên Xô phải hi sinh mình làm cách mạng ở châu Âu. « cách mạng liên tục cách mạng thường trực ». Và sự mâu thuẫn này ảnh hưởng tới chính sách của Quốc tế cộng sản về phong trào giải phóng dân tộc.
Khi Liên Xô, và Quốc tế cộng sản giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc, thì đây còn có ý nghĩa để bảo vệ Liên Xô nữa. Vì thế sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản chủ yếu nhằm vào TQ. Và vì ở đây giai cấp công nhân chưa phát triển, ý tưởng chủ yếu là giúp đỡ giai cấp tư sản dân tộc, tiến hành cách mạng dân chủ tư sản. Nhưng ở đây nó có vấn đề là ngay cả ở TQ, lực lượng chính không phải là tư sản mà là địa chủ, và đồng thời dưới ảnh hưởng của Quốc tế cộng sản, đảng cộng sản cũng ra đời. Vậy giúp ai đây, giúp thế nào. Nếu giúp Quốc dân đảng TQ tức là giúp địa chủ, và điều này có lợi cho nhà nước Xô viết, vì gỡ được vấn đề an ninh phía Đông, điều này phù hợp với điều một (bảo vệ Liên Xô), nhưng hi sinh lợi ích nông dân, công nhân TQ. Ngược lại nếu ủng hộ đảng CS TQ, thì có nghĩa là mở mặt trận thứ hai mà không đủ sức.
Vào thời điểm 1924-1930, thì Liên Xô chủ yếu giúp Quốc dân Đảng TQ, vì thế tư duy của Quốc tế cộng sản là liên minh công nhân, nông dân với tư sản. Nhưng tới những năm 1927,1928, thì Quốc dân đảng TQ đã phản lại, sau khi được Liên Xô giúp. Vì thế chính sách của Quốc tế cộng sản vào thời gan này lại chuyển sang « đấu tranh giai cấp ». Đây cũng chính là thời điểm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Và vấn đề « đấu tranh giai cấp » này được thể hiện rõ trong Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu « trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ ».
Vào thời điểm những năm 35,36. Do chủ nghĩa phát xít đã đứng vững ở Đức, chiến tranh tới gần. Thì quốc tế cộng sản lại đổi trở lại chính sách « liên minh các lực lượng dân chủ », liên minh với các lực lượng tư sản tiến bộ. ở Pháp có mặt trận bình dân, và ở Đông Dương cũng theo vậy.
Như vậy chính sách chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương, chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách quốc tế cộng sản, cũng như điều kiện chính trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Tôi nói chịu ảnh hưởng, chứ không phải là « tay sai », vì Quốc tế cộng sản không sai khiến được. Ảnh hưởng của quốc tế cộng sản ở Vn là theo uy tín mà ra. Giống như trước đây, các nhà sư sang Ấn độ thỉnh kinh, học ở đại Học Nalanda, được coi là chân truyền. Quốc tế cộng sản, thực ra là một dạng đại học Nalanda kiểu mới. Người nào học ở đây ra, thì khác gì nhà sư đi thỉnh kinh về có uy tín.
Vì thế cũng như ở TQ, các tổng bí thư đảng ở VN thời kỳ đầu có liên quan trực tiếp tới Quốc tế cộng sản. Ở TQ, ta có thể thấy đây là các vị : Lý Đại Chiêu, Trương Quốc Đào, Lý lập San, Vương Minh. (Ngoài Lý Đại Chiêu,là giáo sư đại học Thanh Hoa, các vị kia đều được đào tạo ở Liên Xô). Ở VN, ta có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập (cũng đào tạo ở Liên Xô). Nhưng cũng có những người khác, ví dụ ở VN Nguyễn văn Cừ, Hoàng văn Thụ. Ở TQ thì có Mao trạch Đông.
Phải nói thêm một điều là ở VN, TQ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản rất phổ cập, vì bản thân văn hoá truyền thống là Nho giáo cũng rất gần. Bác Hồ là người cộng sản VN đầu tiên, nhưng bác không phải là người duy nhất. Và không phải ai theo chủ nghĩa cộng sản cũng nhờ sự giới thiệu của Bác.Nói một cách khác, nếu bác Hồ không tồn tại, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn vào VN. Bác Hồ có tác động là làm cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ở VN có mầu sắc ..Bác Hồ. Giống như vua Trần Nhân Tông tạo ra thiền phái Trúc Lâm. Không có vua thì VN vẫn có Thiền, nhưng nó sẽ không phải là thiền Trúc Lâm.
Như vậy, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập ngày mồng 3-2, thì đảng cộng sản Đông Dương có quan hệ trực tiếp với Quốc Tế cộng sản. Bác không phải là người đứng đầu, mặc dù bác đã dùng uy tín của mình, cũng như vai trò một nhân vật của quốc tế cộng sản thống nhất ba nhóm cộng sản VN với nhau.
Giữa Bác và TBT Trần Phú không có vấn đề, vì việc thay đổi (thực ra là bổ xung) cương lĩnh của Đảng vào tháng 10 năm 1930 là để phù hợp với yêu cầu của quốc tế cộng sản, cũng như để khớp với phong trào Xô viết Nghệ tĩnh.
Đối với tôi, phong trào Xô Viết nghệ tĩnh quyết định mầu sắc của chủ nghĩa Mác-Lê Nin ở VN. Đây là lần đầu tiên (còn có lần thứ 2 nữa) cách mạng VN hoạt động theo kiểu Liên Xô, dùng phương pháp Liên Xô trong cách mạng tháng mười. Và nó đã thất bại, vì bản chất của chế độ thực dân Pháp. Lần thứ hai chính là Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940). Và chính Bác Hồ đã đưa cách thức mới vào, học từ cách mạng TQ. Để rồi tới năm 1954, sau cải cách ruộng đất, thì không còn áp dụng « kiểu TQ » nữa.
Giai đoạn 1930-1940 của Đảng cũng tương tự những gì đã diễn ra ở TQ trong giai đoạn 1922-1935. Năm 1935, trong Vạn Lý Trường Chính, Mao trạch Đông trở thành chủ tịch Đảng CS TQ. Trong giai đoạn 1922-1935, Mao trạch Đông cũng không có mâu thuẫn gì với lãnh đạo từ Liên Xô về của Đảng CS TQ cả. Nhưng từ thực tế cách mạng, ông đã tìm ra con đường mới, sáng tạo ra chủ nghĩa Mao, vì kiểu Liên Xô không chạy. Bác Hồ cũng vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, bác đã tìm ra con đường mới, thông qua kinh nghiệm của cách mạng TQ và chính ở VN. Ở TQ, sau năm 1935, còn có mâu thuẫn giữa Vương Minh giữ vai trò tổng bí thư và Mao Trạch Đông. Nhưng ở VN không có chuyện này, vì không có chuyện gối đầu quyền lực lên nhau. Trước khi bác về Pác Bó lãnh đạo cách mạng VN, thì có TBT Hoàng Văn Thụ. Bác chỉ chỉnh sửa Khởi Nghĩa Bắc Sơn cho nó chuẩn, vừa xây dựng lực lượng vũ trang ngầm, vừa vận động quần chúng , lại tìm cách liên lạc với Đồng Minh để tìm sự ủng hộ, cũng như đoàn kết các tầng lớp nhân dân, nhưng Đảng là hạt nhân. Đây là điều mà ở cách mạng TQ không có.
Phương pháp cách mạng của bác, như nói ở trên, cũng được tác giả quyển sử trên « tầm thường hoá », coi đó là chính sách của Quốc Tế Cộng sản liên minh giai cấp. Điều này hoàn toàn không phải. Đây là sáng tạo của Bác Hồ và là mầu sắc của chủ nghĩa Mác-Lê nin VN.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 12 2020, 09:01 PM

@nvt,
Tóm tắt lại mấy điều tôi viết ở trên, cho nó rõ ràng ý hơn.
Không có vấn đề bác Hồ mâu thuẫn với các tổng bí thư thời 1930-1940, bởi vì bác không phải là người tham gia trực tiếp vào hoạt động của đảng cộng sản Đông Dương. Đảng sau khi thành lập, (3/02/1930) hoạt động trực tiếp với Quốc Tế cộng sản, và áp dụng những chính sách của Quốc Tế Cộng sản vào từng thời kỳ khác nhau trong giai đoạn này.
Chính sách của Quốc tế cộng sản phụ thuộc vào các yếu tố như nội chính Liên Xô và tình hình quốc tế, vai trò các đảng cộng sản châu Âu và tình hình chính trị ở chính quốc (Pháp, Anh,..) và không phải lúc nào cũng phù hợp với tình hình VN.
Thời gian này bác Hồ trực thuộc trực tiếp vào Quốc Tế Cộng sản như một thành viên của đảng cộng sản Pháp, « chuyên gia » về vấn đề thuộc địa hay nông dân. Bác luôn luôn ở trong Quốc tế cộng sản với tư cách này. Chưa bao giờ vị trí của bác ở đây như là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đây là điều giải thích, tại sao vai trò của bác không được đề cập tới trong lịch sử Đảng giai đoạn 1930-1940.
Vào giai đoạn cuối, có thể có vấn đề với TBT Đảng lúc đó là Hà Huy Tập, mà vấn đề chủ yếu liên quan tới việc Lâm Đức Thụ chui được vào tổ chức của Đảng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội (1925-1926). Ngược lại bác không liên quan tới các đấu đá chính trị của nội bộ Liên Xô, chủ yếu là đấu tranh giữa Đảng Liên Xô và nhóm Trosky. Do bác Hồ là người cộng sản đến từ chủ nghĩa dân tộc, Bác không thuộc vào những người giơ cao ngọn cờ đòi làm cách mạng ở châu Âu là chính, đối kháng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước ở Liên Xô, như Trosky chủ trương.
Các hoạt động của đảng cộng sản Đông Dương, dù là phất cao ngọn cờ yêu nước, cũng chứng tỏ cách thức hoạt động kiểu Liên Xô không phù hợp. Tương tự những gì mà Quốc Tế cộng sản chỉ đạo ở TQ (1922-1935). Chính vì thế cách mạng TQ thành công nhờ sự sáng tạo của Mao Trạch Đông và ở VN là sáng tạo của bác Hồ.
Bác Hồ đã sáng tạo những gì. Bác đã tổng kết kinh nghiệm của cả Liên Xô và TQ. Với Liên Xô đó là việc vận động quần chúng, liên minh công nông, đấu tranh chính trị. Kinh nghiệm của TQ là xây dựng căn cứ địa, đấu tranh vũ trang, củng cố, giáo dục ý thức hệ tư tưởng, tận dụng khai thác triệt để tình hình chính trị thế giới.(vấn đề thời cơ, tương quan lực lượng). Kinh nghiệm của Quốc tế cộng sản, đó là lập mặt trận rộng lớn đoàn kết toàn dân, nhưng do Đảng lãnh đạo (không phải như Quốc tế cộng sản , ủng hộ linh tinh rồi bị tư sản địa chủ đánh lại ở TQ).
Điều đặc trưng riêng của Bác, làm bác khác Lê Nin, Mao trạch Đông, Mác.. đó là nhấn mạnh vấn đề đạo đức cá nhân. Đây là ảnh hưởng tiến bộ của Nho giáo.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 17 2020, 09:36 PM

Trong phần viết riêng về Bác Hồ, cũng có khi tác giả gán ý của mình cho bác. Ví dụ, nói về việc bác than phiền điều kiện làm việc ở Quảng Châu, mà tác giả coi đó như cảm nhận của bác bị phân biệt đối xử, so với các cố vấn « da trắng » khác được ở sang hơn (Tác giả trích đoạn thư của bác viết). Nhưng khả năng này thực ra không có. Sự than phiền của bác liên quan tới việc « vứt tiền qua cửa sổ » thì đúng hơn, với ý rằng Quốc tế cộng sản đã chi trả nhiều nhưng điều kiện ăn ở cũng không tốt như giá phải trả. Và đây cũng là một đặc trưng sinh hoạt cá nhân của Bác Hồ ngay cả về sau. Từ việc ở nhà sàn, dạy cán bộ mang thịt kho mặn đi công tác để giảm chi phí.. Bản thân bác cũng đã lấy sinh hoạt phí của mình để dùng làm tiền đào tạo Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Quốc tế cộng sản thực ra chỉ chi viện tài chính khi đảng cộng sản Đông Dương thành lập (mà cũng hạn chế), và đặc biệt sau Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong giai đoạn trước (1926-1930), ngoài tiền riêng của Bác, bác cũng dùng vị thế của mình như là nhân vật của Quốc tế cộng sản để giới thiệu người Việt yêu nước vào học trong trường quân sự Hoàng Phố (do QTCS giúp Quốc dân đảng thành lập), hay sang Nga. Nhưng như tôi nói ở trên, không phải bất cứ ai sang Nga cũng là do Bác giới thiệu hay môi giới.
Cho tới Xô viết nghệ tĩnh, thì Đông Dương không phải là điểm chú ý của QTCS (Quốc tế cộng sản), cũng như sau này Liên Xô mặc dù là một trong những nước đầu tiên công nhận VN Dân chủ cộng hoà (cùng với TQ), nhưng tận năm 1950. Vì thế cách mạng VN bao giờ cũng là nội lực, rồi sau đó mới tìm được chi viện, và vì thế không phải là bên ngoài dựng lên và luôn độc lập hành động.
Quyển sách cũng nói Bác Hồ sang Quảng Châu với danh nghĩa là nhân viên thông tấn xã Liên Xô, trong khi sách tiếng Việt nói bác làm phiên dịch cho Bô rô đin ( là trưởng phái đoàn của QTCS ), nhưng trong sách cũng nói việc chính của bác là phiên dịch. Như vậy sự khác nhau không đáng kể, vì theo sách VN, người ta có thể hiểu bác là phiên dịch cá nhân cho ông này. Chỉ như vậy thôi.
Quyển sách cũng nói ngụ ý bác là chồng của chị Nguyễn Thị Minh Khai, và như vậy ta có thể hiểu Bác là Anh rể của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng thực ra cũng không có bằng cớ chính xác.(Đây cũng là từ sách vở miền Nam cũ tuyên truyền) Còn sách VN thì nói chị Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của anh Lê Hồng Phong. Nhưng trong quyển sách lại nói là khi Bác bị bắt ở Hồng Kông (1931), chị Nguyễn thị Minh Khai cũng bị bắt cùng nhiều người khác, nhưng sau đó được thực dân Anh thả, và về ở với Lâm Đức Thụ. Nhưng sự mập mờ là ở cùng cũng chưa chắc là vợ chồng. Tóm lại, quyển sách đưa nhiều chuyện râu ria kiểu này, nhưng không có gì xác thực để đánh giá chính xác.
Quyển sách cũng nói tới điều bịa đặt (từ sách vở của VNCH cũ đưa ra), đó là việc vu cho bác « chỉ điểm » cho thực dân Pháp bắt cụ Phan Bội Châu, mà theo sách vở Sài gòn cũ, thì vì bác Hồ muốn « loại đối thủ ». Và chính quyển sách cũng thấy nó sai. Cụ Phan mất trước khi cách mạng tháng 8 thành công, nếu còn sống, khả năng gần như chắc chắn là cụ sẽ tham gia Việt Minh như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn văn Tố, và điều này có thể thay đổi chút ít các sự kiện lịch sử vào cuối năm 1945. Vào thời điểm này, Nguyễn Hải thần được sự ủng hộ của quân đội Tưởng giới Thạnh, lại có chính danh là hậu duệ của VN Quốc Dân Đảng, nên đã lĩnh chức vụ Phó chủ tịch nước. Nếu cụ Phan còn sống, thì cụ sẽ là người giữ chức này, và khả năng VN Quốc dân Đảng tham gia Việt Minh sẽ lớn hơn và sẽ không xảy ra các vụ xung đột giữa VN Quốc dân Đảng và Việt Minh.
Về sự kiện thành lập đảng cộng sản Đông dương, cũng có sự khác biệt là nếu sách sử VN nói 3 đảng được hợp lại, đã được thành lập riêng rẽ ở Bắc, Trung, Nam, thì trong quyển sách công nhận có sự thành lập đảng ở Bắc Kỳ và Trung kỳ, còn đảng CS thứ 3 lại là do Hồ Tùng Mậu, là hậu duệ của VN Thanh niên cách mạng đồng chí hội lập ra ở Hồng công.

Về các sự kiện lịch sử chung, cũng như các sử gia tư sản khác, coi phong trào cộng sản là kẻ thù, nên họ bao giờ cũng « ủng hộ » Trosky, coi Trosky là đúng. Trong quyển sách này cũng vậy. Ví dụ nói vể cách mạng TQ, thì tác giả cũng cho là Trosky đúng. Trong thực tế, dù là tư duy của quốc tế cộng sản được gán cho Staline, hay phần được gán cho Trosky (vì tới năm 1935, thì phe Trosky mới bị loại khỏi đảng CS Liên Xô và QTCS), thì cả hai chính sách đều sai. QTCS khi ủng hộ Quốc dân đảng TQ, đã gây thịêt hại cho cách mạng TQ. Ngược lại chính sách « cứng đờ, giáo điều » của nhóm Trosky, đòi công nhân TQ nổi dậy, đấu tranh trong thành thị là chính (kiểu như công nhân châu Âu), đã khiến các lực lượng cách mạng TQ bị tiêu diệt gần như hoàn toàn ở đô thị (chắc vì thế nên các học giả tư sản ủng hộ Trosky, bởi làm như vậy thì CM bị tiêu diệt dễ dàng hơn). Cách mạng TQ thắng lợi là nhờ tư tưởng Mao trạch Đông, và chính vì thành thị đóng vai trò khiêm tốn trong cách mạng TQ, nên chủ nghĩa Mao mới có câu khẩu hiệu « lấy nông thôn bao vây thành thị ».

Điều đặc biệt khác là tác giả gán cho việc các đảng cộng sản ở ĐNA được thành lập (có bác Hồ tham gia) là để giúp QTCS cân bằng với Lý lập San, là TBT đảng CS TQ vào thời kỳ đó. Điều này thật kỳ lạ, vì Lý Lập San là người có cùng chủ trương với QTCS, thực hành chủ trương của QTCS, trở thành TBT một phần do QTCS đưa ra, vậy làm sao ông này lại có chính sách « cân bằng ảnh hưởng với QTCS » được vì làm gì có mâu thuẫn hai bên ở đây. Không kể lúc đó Đảng CS TQ chuyện nhà mình còn chưa xong, làm sao lại đòi « bành trướng » ra nước ngoài.
Tương tự như vậy ở Đông Dương, tác giả « phát hiện » ra các chi bộ « Nam Dương » của Đảng CS TQ, và muốn gắn cho nó một vai trò nào đó ở Đông Dương (dù tác giả chỉ đặt giả thiết), cũng đều là chuyện vớ vẩn.
Do Hoa kiều ở ĐNA có nhiều, khả năng trong cộng đồng người hoa có chi bộ hải ngoại của Đảng CS TQ là điều có thể (gần như chắc chắn), nhưng vai trò của nó là để ủng hộ CM ở lục địa TQ không phải là chỉ huy, can thiệp vào được xã hội các nước ĐNA.
Tác giả dừơng như muốn gán vai trò cho Đảng CS TQ, với cái nhìn về TQ hiện nay trên thế giới, đó là một nước muốn bành trướng xuống ĐNA. Nhưng đó chỉ là định kiến sẵn có của bà ta gán ghép bất chấp thời gian, không gian thôi.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 17 2020, 11:01 PM

Trong quyển sử này, tác giả của nó cũng nói tới quan hệ giữa những người cộng sản và Trosky ở Nam bộ, vào giai đoạn 1936-1940 là giai đoạn hoạt động công khai, do có phong trào mặt trận bình dân (1936-1939) ở Pháp. Điều ngạc nhiên là CS và Trosky cùng làm chung một tờ báo « la lutte » (Đấu Tranh), trong khi ở Liên Xô, giai đoạn này nhóm Trosky đã hoàn toàn bị loại khỏi Đảng CS Liên Xô, và bản thân Trosky cũng bị ám sát (bằng búa) ở Mexico, người ám sát là đảng viên đảng cộng sản Mễ.
Sau cách mạng tháng 8, Tạ Thu Thâu, người « đứng đầu » nhóm Trosky này cũng bị xử tử. Lúc này ông Trần Văn Giầu là bí thư xứ uỷ Nam kỳ.
Vì quyển sách này chỉ nói tới năm 1941, nên không có đoạn sau. Nhưng đây cũng là một câu chuyện hay được lề trái lôi ra, dù nó không phải theo Trosky gì cả, mà chỉ là để chứng minh « sự lật lọng » của CS theo tuyên truyền của họ.
Trước đây, đã có lần nào đó tôi có nói với nvt là sẽ nói tới câu chuyện này, nên nhân thể ở đây nói luôn.
Tôi bắt đầu bằng một câu chuyện cảm nhận cá nhân. Khi tôi tìm kiếm các sách lịch sử văn hoá tiếng Pháp để đọc, tình cờ tôi có mua được một quyển sách « cách mạng và phản cách mạng ở VN 1935-1940 » (tiếng Pháp « VN : révolution et contre-révolution 1935-1940 ») của một tác giả tên là Ngô Văn.

Nhưng khi đọc hết nó cũng không thấy có cái gì cực đặc biệt. Bây giờ nếu lôi nó ra đọc lại thì có thể cảm thấy điều gì đó, nhưng vào thời điểm đó, cách đây cả hơn chục năm, thì nó không để lại cho tôi ấn tượng gì đặc biệt, khiến tôi ghi nhớ. Sau này, tôi mới được biết Ngô Văn là một nhân vật Trosky ở Pháp. Ông này làm công nhân ở hãng ô tô Renault, nhưng là một nhân vật Trosky có tiếng. Quyển sử như vậy đã được viết dưới cái nhìn kiểu Trosky. Như vậy để phân biệt Trosky với CS rất khó biết, vì cả hai bên đều dùng một ngôn ngữ giống nhau, cùng là tư duy duy vật biện chứng..sự khác nhau của hai bên lúc đầu chỉ là quan niệm nhiệm vụ của cách mạng tháng 10, vì Trosky và những người theo ông ta ở trong đảng CS Liên Xô tới năm 1935. Nhưng sau khi Trosky bị trục xuất khỏi Liên Xô, rồi lập ra « đệ tứ quốc tế », thì tư tưởng Trosky chỉ nhằm vào phản biện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nhưng từ ngữ thì dùng như những người cộng sản.
Sự khác biệt giữa tư duy Trosky và cộng sản là gì, là bởi Trosky quan niệm cách mạng tháng mười là cái điểm mở đầu của cách mạng thế giới, vì thế Liên Xô phải bằng mọi cách làm cách mạng lật đổ chính quyền các nước phương Tây, đây là nhiệm vụ chính, chứ không thể xây dựng CNXH ở Liên Xô một mình được.

Còn ngược lại, Staline (ngay cả Lê Nin), cũng như đa số thành viên đảng CS Liên Xô thì đi theo thuyết « xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước », và với cái nhìn hiện tại của ta bây giờ, thì có thể thấy nó chính là một cách thức công nghiệp hoá vào thời điểm chủ nghĩa đế quốc thống trị thế giới vào đầu thế kỷ XX.
Hiển nhiên tư duy của Trosky được thế giới tư bản ủng hộ, vì nó có tác dụng gây chiến trực tiếp giữa Liên Xô và phe này, khi rõ ràng Liên Xô không đủ sức, đồng thời nó lại tố cáo Liên Xô không còn là cách mạng. Vì thế mặc dù Trosky dùng những ngôn ngữ rất cách mạng, nó vẫn là một trào lưu tư tưởng được thế giới tư sản ủng hộ, vì thực ra nó ảo tưởng và không thể thành công.

Tôi thường hay ví chủ nghĩa Trosky và chủ nghĩa cộng sản, như là một câu chuyện mà ai đi máy bay đều biết. Khi lên máy bay, lúc đầu bao giờ cũng có thông tin về cửa thoát hiểm, về dùng phao.. trong trường hợp gặp tai nạn. Khi nói đến việc rút mặt nạ thở ô xi, người ta luôn nhấn mạnh là người mẹ phải đeo mặt nạ trước cho mình, rồi mới đeo cho con sau. Sở dĩ thế, bởi nếu người mẹ không thở được, thì tất nhiên không thể lo cho con. Nhưng điều này nó ngược với « luân lý tình mẫu từ » thông thường, vì theo lẽ này, thì người ta phải lo cho con trước, rồi mới lo tới mình thì mới đúng luân lý.
Câu chuyện làm cái gì trước này là ẩn dụ rất rõ ràng giữa người Cộng Sản và Trosky. Nếu ta theo Trosky, thì phải đeo mặt nạ cho con trước (để khỏi phản lại luân lý mẫu tử) bất chấp nguy hiểm là mẹ hết ô xi chết trước khi đeo cho con, và cả hai cùng chết. Còn những người cộng sản thì ngược lại, làm giống những gì mà an ninh yêu cầu.
Mặc dù thế hai bên vẫn có những điều giống nhau. Chính vì thế, một đảng cộng sản, khi đi vào hình thức tả khuynh, giơ cao vấn đề « đấu tranh giai cấp » lên, thì chính sách lại có cái gì đó hao hao giống Trosky. Ta có thể lấy ví dụ như « cách mạng văn hoá vô sản » (1966-1970) ở TQ.
Tất nhiên tôi không đi sâu vào những điều dị biệt về sau như các quan niệm « cách mạng thường trực »(révolution permanente), « chống quan liêu » (anti-bureaucratie), « kinh tế tự quản » (auto-gestion), « Xoá bỏ nhà nước » (Anti-etatique)..
Vào thời điểm 1935 ở VN, thì khó có ai biết được sự khác nhau giữa hai bên, ngay cả chính quyền thuộc địa Pháp. Vì thế nó đánh đồng Trosky và CS làm một. Do bị đánh đồng vào một bên, lại có tư duy hao hao giống nhau, nên mới có việc hình thành hoạt động chung Trosky-CS ở Nam bộ. Mà đây là hoạt động công khai, chứ về tổ chức vẫn riêng. Thực ra chỉ có người cộng sản là có tổ chức, còn Trosky ở Nam bộ chỉ là một nhóm rất nhỏ (4,5 người) xung quanh tờ báo La lutte thôi.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 19 2020, 12:21 AM

Điểm nổi bật nhất của hoạt động chung này là việc Tạ Thu Thâu, Nguyễn văn Tạo được bầu vào hội đồng thành phố Sài gòn (thời điểm 1935-1937), nhưng kết quả cuộc bầu cử này bị thực dân pháp bãi nhiệm, dù sao nó cũng có tác dụng marketting cho nhóm Trosky. Sau năm 1940, khi chính quyền mặt trận bình dân ở Pháp đổ, ở Đông Dương thực dân Pháp cũng tăng cường đàn áp, và con đường của nhóm Trosky với những người CS cũng rời nhau. Với nhóm Trosky, không có vấn đề đòi độc lập dân tộc, (vì cái đế của Troskissme là giai cấp), cũng không có vấn đề nông dân (vì chỉ có giai cấp công nhân). Như vậy, mặc dù các câu khẩu hiệu và ngôn ngữ rất « cách mạng », tác động thực tế của Trosky giỏi lắm cũng chỉ là trong giới lao động thành thị, chủ yếu ở Sài gòn. Nhưng với những hình thức cực đoan, họ cũng không đòi hỏi được quyền lợi cho tầng lớp người này, mà chỉ tạo điều kiện cho Pháp có cớ khủng bố mạnh hơn. Tệ hơn nữa, khi tuyên truyền trong công nhân, thì họ lại đả kích đảng CS. Kết quả, chủ nghĩa Trosky thực ra là « tay sai khách quan » cho thực dân Pháp, dưới vỏ cách mạng.
Điều này thể hiện rõ nhất ở Pháp, sau năm 1945. Lúc này ở Pháp có một tầng lớp đông đảo lính thợ người Việt do Pháp đưa sang phục vụ cho nhu cầu chiến tranh trong Đại chiến II. Và tổ chức Việt minh hầu như bị các nhóm Trosky gạt hết ảnh hưởng trong tầng lớp người này, dưới cái nhìn .. nhân hậu của chính quyền Pháp. (phải mở nguặc nói ở đây, là Trosky VN ở Pháp không phải được chỉ đạo qua Tạ Thu Thâu).
Ở TQ, trong giai đoạn 1920-1949, cũng có các nhóm Trosky hoạt động, nhưng chỉ tập trung ở Thượng Hải là chính. Vào năm 1928,1930 khi Quốc dân Đảng TQ đàn áp quyết liệt ở thành thị, thì các nhóm Trosky này cũng tan rã, và không còn ảnh hưởng gì nữa.
Hiện tượng Trosky ở VN, TQ thực ra không phải là một ý thức hệ bám rễ được vào xã hội, mà nó chỉ phản ánh sự theo đuôi chính quốc. Chính quốc có gì thuộc địa có thế, chính vì thế mà Trosky ở VN chỉ có ở Sài gòn, cũng như Trosky ở TQ tập trung ở Thượng hải, vì đây là môi trường đô thị gần gũi với chính quốc (Pháp) nhất. cũng như hiện nay, trong xã hội VN có ảnh hưởng của dân chủ tư sản đa nguyên đa đảng, bất chấp cấu trúc xã hội không phù hợp do VN có quan hệ với các nước phương Tây, do toàn cầu hoá và từ đó chịu ảnh hưởng (ngoài vấn đề lề trái, và tuyên truyền có chủ đích của các nước này).
Như vậy, việc các nhân vật Trosky bị bắt vào thời điểm 1945, không có gì là đặc biệt và đáng ngạc nhiên. Điều duy nhất mà ta có thể « lăn tăn », là mặc dù là lực lượng đối nghịch, thế lực của Trosky ở Vn có lớn tới mức phải trấn áp không, hay họ chỉ là một thứ « chết vì dại mồm », « thùng rỗng kêu to » thôi. Bây giờ nhìn lại thì có thể có cảm nhận này, nhưng vào thời điểm nước sôi lửa bỏng, 1945, khi vừa giành độc lập, Anh đã đưa quân đội vào miền Nam, kháng chiến chống Pháp bắt đầu, người ta khó có thể nhìn nhận như vậy.
Sau năm 1975, khi thống nhất đất nước, trong nhóm Trosky cũ, vẫn còn Hồ Hữu Tường, một nhân vật có tiếng tăm trong làng báo Sài gòn cũ, thời miền Nam cộng hoà. Và ông này vẫn sống bình thường rồi mất ở VN. Gần đây, ở Vn cũng in lại quyển sách của ông này (tên cuốn sách « 40 năm làm báo »), trong đó tác giả có nói tới những kỷ niệm với Tạ thu Thâu, sinh hoạt hoạt động của nhóm Trosky vào thời những năm 1930. Theo như cuốn sách, thì Tạ thu Thâu là một con người cao lớn, da đen bộc trực, hảo hán, giống hình ảnh kiểu Lục vân Tiên. Nhưng trong chính trị, cảm nhận về cá nhân con người khác rất nhiều về hoạt đông chính trị. Pôn pốt, kẻ gây tội ác diệt chủng ở Cam pu chia, lên phim tài liệu cũng thấy rất hiền lành.
Sau này bác Trần văn Giầu cũng ra bắc, và mặc dù đã từng giữ chức xứ uỷ Nam Kỳ, ông cũng không giữ một chức vụ nào quan trọng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nữa. Sự « thất sủng » của ông, có liên hệ gì với những quyết định thời đầu kháng chiến này không ? tôi không rõ. Nhưng có một điều chắc chắc, đó là xu hướng « Mác Xít kiểu Liên Xô », nơi mà bác Giầu được đào tạo khó có thể áp dụng vào VN. Sự thất sủng của bác Giầu (nếu có) cũng là thể hiện việc tái tạo chủ nghĩa Mác Lê Nin ở VN ứng dụng cho hợp điều kiện VN, tạo ra một dạng Mác xít VN đặc biệt, không phải TQ cũng không phải Liên Xô, mà là một sự tổng hợp sáng tạo kinh nghiệm của tất cả các nước này. Người làm điều đó đầu tiên, thể hiện trong nhưng quyết định của mình, hành động của mình chính là Bác Hồ. Và đây chính là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mặc dù vậy, về duy vật biện chứng, bác Giầu vẫn là một trí thức sừng sỏ.
Có một câu chuyện nữa nhân tiện nói luôn ở đây. Cách đây mấy năm, lúc bác Trọng mới chỉ là tổng bí thư, có tin đồn trên mạng là bác sang thăm Cu ba và Brazil. Nhưng cuối cùng chỉ đi tới được Cu ba thôi, còn Brazil huỷ lời mời. Tất nhiên tôi không rõ mọi chuyện ra sao, có thật không hay là fake news, nhưng tin chuyến đi sang Brazil (nếu có) làm tôi cực kỳ ngạc nhiên. Tại sao ? bởi lúc đó ở Brazil là chính quyền phe tả của Lula. Và đảng cầm quyền là đảng lao động (parti des travailleurs). Đảng này là đảng Trosky. Việc một người đứng đầu đảng cộng sản (bác Trọng) gặp một người đứng đầu đảng Trosky rất khó có thể tưởng tượng về nhận thức. Vì từ năm 1935, chuyện này không xẩy ra.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 19 2020, 10:59 PM

Trên thế giới đã có nhiều bài báo, phỏng vấn bác Hồ, và với tất cả những người đã từng được gặp trực tiếp này, họ đều bị thu hút, thu phục bởi tính cách và thái độ của bác. Tác giả quyển sử này chưa bao giờ gặp bác Hồ, và trong quyển sử bà ta viết cũng không có sự kiện nào có thể sử dụng để đánh giá tính cách con người, vì tư liệu chỉ là những đơn từ, báo cáo, của Quốc tế cộng sản, văn kiện đại hội.. những thứ mà người ta không thể dùng để đánh giá tính cách được. Mặc dù vậy, trong phần kết luận tác giả cũng nói một cách « xanh rờn » là bác Hồ chỉ là một diplomat (nhà ngoại giao), phủ nhận hoàn toàn tính cách con người mà bà ta không có kinh nghiệm trực tiếp, cũng như không có tài liệu để tiếp xúc nó, cũng không dẫn ra một tư liệu nào kiểu này. Như vậy ở đây, thực ra là định kiến của một người Mỹ bình thường, và tất nhiên không phải vì bà ta có cái mác « người Mỹ » thì sẽ là người cầm nắm sự thật.
Với tôi, tính cách bác Hồ không phải là tính chất ngoại giao, mà là một cách tích hợp văn hoá Đông-Tây, VN-Thế giới. Đối với tôi tìm hiểu tại sao một con người, lúc ở Pháp hoàn toàn thâm nhập được xã hội của họ, nhưng vẫn hoàn toàn VN mới là điều thú vị. Hiện tại vẫn còn những tấm ảnh của bác, hồi ở Pháp, mặc com lê, cà vạt, đội mũ quả dưa..như một thị dân phương Tây chính hiệu, nhưng cung có những tấm ảnh về cuối đời, áo bà ba, vườn rau ao cá… VN chính hiệu. Làm sao có được cả hai điều đó trong một con người mới là điều đáng tìm hiểu.
Với tôi là người rất quan tâm tới các vấn đề văn hoá, đặc biệt là cros-culture, tìm hiểu sự giao lưu, giao thoa của các nền văn hoá thế giới, tôn giáo thế giới với nhau, thì bác Hồ càng là một ví dụ đáng chú ý.
Người Việt ở nước ngoài rất nhiều. Và khi sinh sống ở nước ngoài, họ sẽ vấp phải một nền văn hoá khác, khác với văn hoá VN. Hiện nay, với nước việt nam mới hiện tại, thì sự gần gũi của văn hoá VN trong nước với bên ngoài càng gần nhau hơn. Đặc biệt văn hoá thành thị. Khi về VN, cảm giác biên giới văn hoá tôi cảm nhận được, không phải là giữa nước ngoài với Hà Nội, TP HCM, mà là giữa nước ngoài, Hà nội, TP HCM một bên, và văn hoá nông thôn làng xã một bên. Biên giới văn hoá thế giới nằm ngay trong lòng nước VN. Tất nhiên văn hoá đô thị VN vẫn có điều khác văn hoá đô thị phương Tây, có đặc trưng, nhưng càng ngày nó càng mờ nhạt đi. Vì thế, người VN mới ra nước ngoài bây giờ, ngoài khó khăn liên quan tới kiếm sống, « cơm áo gạo tiền », sẽ không cảm thấy bị lệch pha với kiểu sống phương Tây do văn hoá mang lại. Điều mà thời đầu thế kỷ XX lúc bác Hồ sang Pháp hoàn toàn khác. Như vậy vào thời bác Hồ, sự khác biệt văn hoá lớn hơn, mà làm sao bác giao thoa được chúng.
Với một người Vn ở nước ngoài, họ rất dễ sa vào những trường hợp dưới đây.
1- Hoặc hoàn toàn bị « Tây Hoá », thần phục văn hoá phương Tây, đến mức quên cả văn hoá VN. Điều thú vị là những hạng người này, nhiều khi vẫn bị phương Tây phân biệt vì chưa đủ độ Tây, nhưng với người VN, về nước thì lại thích mang cái mác Tây ra khoe.
2- Hoặc « nửa nạc nửa mỡ ». Như tôi đã từng nói. Cái không làm được như Tây, thì viện cớ là ta. Cái không làm được như ta, thì lại lấy cớ là Tây. Tôi đã từng lấy ví dụ Phạm công Thiện, một học giả thời Vn cộng hoà cũ. Sang Tây thì mang Phật giáo ra doạ tây, kiếm ăn. Ở VN thì mang Niết (Nietzsche) ra doạ VN kiếm ăn, người nào có kiến thức cả Phật lẫn Niết (chỉ cần kiến thức cơ bản phổ thông), sẽ thấy ông này là Fake News, vì cả hai đều sai.
3- Hoặc thủ cựu với văn hoá VN. Dạng này thì hơi ít.
Tôi nói Tây ở đây không phải là nước Pháp, mà là văn hoá phương Tây nói chung. Và tất nhiên có cả dạng kết hợp. ví dụ dạng kết hợp (1) và (2) có rất nhiều, đặc biệt người Việt ở đất nước mà Cô lôm bô đã khám phá ra cách đây hơn 500 năm.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Feb 24 2020, 09:05 PM

Nhưng với Bác Hồ thì khác hẳn. Mặc dù tiếp xúc với văn minh phương Tây, mặc dù bác là một loại « phượt thủ » tìm hiểu văn hoá thế giới, bác cũng không rơi vào các trường hợp trên. « Tính chất Tây » của bác không đối kháng hay loại bỏ « tính chất VN », và ngược lại. Chúng có quan hệ biện chứng với nhau, cái này làm sâu sắc cái kia. Càng thông hiểu phương tây thì càng quý văn hoá VN, càng hiểu văn hoá VN thì càng thấy giá trị văn hoá phương Tây. Tại sao lại thế ? Bởi vì mỗi một nên văn hoá đều có phần chìm ẩn tiềm thức, mà con người sống trong nền văn hoá đó chấp nhận trong dạng vô thức, như là điều hiển nhiên. Chỉ có khi đi tìm hiểu một nền văn hoá khác, thì cái tiềm ẩn, vô thức của nền văn hoá của mình mới hiện ra. Như vậy tìm hiểu một nền văn hoá mới, thì sẽ làm cho người ta hiểu được văn hoá của chính mình rõ rệt hơn, phần tiềm thức trở thành phần nhận thức. Đây chính là cái vế càng tìm hiểu văn hoá thế giới, người ta càng quý văn hoá của chính mình. Theo chiều ngược lại, khi thấy sự khác biệt của văn hoá của mình với văn hoá của người, thì ta cũng nhìn thấy được phần vô thức trong văn hoá của họ, và hiểu văn hoá của họ rõ hơn, sâu sắc hơn. Có nhiều điều với họ là tiềm thức, là bản năng, thì ta sẽ thấy nó là nhận thức. Từ nhận thức chính xác này, ta sẽ hiểu học được cái gì, cần cái đế gì điểu kiện gì để học. Đây là chiều xuôi, từ mình tìm ra ngoài.
Cách tìm hiểu, học hỏi này chính là tư duy của các nhà Nho VN. Chỉ có điều trong trường hợp các nhà Nho. Ta là VN, người là TQ, văn hoá Trung Hoa. Với Bác Hồ Ta là VN, người là văn hoá phương Tây, Pháp, TQ. Trong trường hợp bác Hồ, yếu tố bên ngoài được nhân ra đa dạng hơn so với các nhà Nho, nhưng cách thức tiếp cận tường đồng.
Ví dụ, khi các nhà Nho VN đọc sử TQ, thì họ không ôm lấy nó coi là sử VN, mà đã học cách thức, phương pháp sử TQ để viết sử VN. Điều này thể hiện rất rõ từ phần dã sử (tức là lấy thần thoại biến thành sử, nhưng đây là thần thoại VN cho sử VN), cho tới cách nhận thức đánh giá.
Khi Nguyễn Trãi viết thư dụ hàng Vương Thông, thì ông cũng dùng những giá trị Nho giáo phổ quát : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.. nhưng để chỉ ra là quân nhà Minh không làm điều đó mà làm ngược lại. Cái này thì không khác gì bác Hồ tố cáo chế độ thực dân Pháp, mà ta có thể đọc thấy trong tuyên ngôn độc lập (1945), hay trong bản án chế độ thực dân Pháp (1924-1925).
Nguyên tắc tiếp cận văn hoá này có thể sử dụng một thành ngữ của nhà Nho để nói. Đó là nguyên tắc « HOÀ NHI BẤT ĐỒNG ». Đây là một câu trong Luận Ngữ, nói về người quân tử. Theo đó người ta phải hoà đồng với xung quanh (Hoà nhi), nhưng không vì thế mà chạy theo bị « đồng hoá », không còn giữ tính cách của mình (Bất đồng). Với cá nhân một nhà Nho (quân tử), thì tính cách của mình được định nghĩa bởi các giá trị nho giáo. Nhưng trong trường hợp giao thoa văn hoá, thì ta có thể hiểu là đồng thuận, học hỏi nhưng không đánh mất mình, khả năng tự quyết của mình, mà tôi hay nói với khái niệm « đổi hệ quy chiếu ».
Chính vì bác Hồ là một nhân vật như thế, nên thái độ thoải mái của bác với các người đã từng gặp bác bất kỳ từ nguồn văn hoá nào cũng cảm phục, vì bác thông hiểu họ (hoà nhi), nhưng vẫn là bác (bất đồng) khiến người ta cảm phục, chứ không phải vì ngoại giao.
Một nhân vật có tính cách gần như bác chính là Găng đi. Găng đi rất hiểu người Anh, văn hoá Anh, nhưng cũng rất Ấn độ. Nhưng khác với bác Hồ, Găng đi đã lấy luôn sự khác biệt giữa hai nền văn hoá này để tìm ra một hình thức đấu tranh đòi độc lập cho Ấn độ. Đó là hình thức bất bạo động. Hình thức này đã tận dụng được nét văn hoá Anh là « hợp hiến, theo luật » (nằm trong máu văn hoá của Anh), đồng thời lại có thể kêu gọi được người Ấn độ, vì bất bảo động chính là một tính chất của văn hoá Braman Ấn, nằm trong máu văn hoá của họ.
Bác Hồ không thể làm thế được, vì cách thức của Găng đi chỉ hợp với thực dân Anh, và lời kêu gọi cũng chỉ hợp với người Ấn, không thể dùng ở Đông Dương được. Nhưng cách tiếp cận, dùng hoà văn hoá của hai người (bác Hồ và Găng đi) có nhiều điều giống nhau. Đó là phải đi tới tận cùng văn hoá người ta, thì ta lại tìm lại được về mình. Nếu hiểu được như thế, thì có thể thấy 3 kiểu giao thoa văn hoá ở trên tôi nói thực ra là các loại « nửa đường đứt gánh », học không hết, tìm hiểu không hết. Đáng tiếc nó là thái độ chung của nhiều chí sĩ Vn, hay việt kiều nước ngoài bây giờ.
(còn tiếp)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Apr 22 2020, 01:59 PM

Tác giả Trung Tran Lam - FB

QUOTE
Minh sư của muôn đời .
Hôm nay sanh thần ông Lê-nin, người dẫn đường chỉ lối cho Cụ Hồ tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ- đánh thắng Pháp- Mỹ lần Côvy.
Ông Lê-nin được coi là nhà cách mạng thực dụng vĩ đại- kiểu lý luận ít hành động nhiều. Cách mạng Tháng 10 Nga- nổ ra và thành công nhờ sự cương quyết hành động và nghệ thuật  tận dụng thời cơ, cái mà sau này, ở Việt Nam chỉ duy nhất một người làm được, người suốt đời coi Lê nin là minh sư của mình.
Cả ông Lê-nin- và Cụ Hồ đều lấy sự linh động và mục tiêu trước mắt để áp dụng lý thuyết, chứ không câu nệ chủ thuyết- tư tưởng.
Vì Cách mạng Nga thành công- Lê-nin chấp nhận ký hòa ước với Đức, nói là hòa ước chứ thực chất là cắt 1/6 nước Nga cho  một nước chuẩn bị thua trong Thế chiến thứ I,  để tập trung  lực lượng tiêu diệt lực lượng chống đối trong nước.
Lịch sử lặp lại  ở Việt Nam sau đấy- 28 năm- với hiệp định sơ bộ 6-4 và tạm ước 14-9-1946  khi Cụ Hồ chấp nhận Việt Nam là một quốc gia... thuộc Liên hiệp Pháp, sau khi vừa tuyên bố giành được  độc lập từ Pháp . Trong khoảng thời gian 2 hiệp định ấy, tất cả các đảng phái đối lập- quốc gia- dần dần biến mất dưới bàn tay cứng rắn của một ông giáo dạy Sử biết chơi Piano . Câu chuyện này kể n lần rồi, kể lại vẫn hay .
Cả Lê-nin lẫn Cụ Hồ, đều coi mình là một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Người mà cả hai (có thể) coi là hình tượng để noi theo, có cái tên là Sergey Nechayev- Một nhà cách mạng cực đoan của Nga và cuối thế kỷ 19.
Trong cuộc đời 35 năm ngắn ngủi của mình Nechayev hết tham gia bạo loạn, thủ tiêu quan chức chế độ Sa hoàng lẫn đồng sự, đến cả tham gia ám sát Sa hoàng, bị đi đày từ năm 22 tuổi- đi tù 10 năm, vượt ngục hụt mấy lần rồi chết trong tù- năm 1882.
Nechayev  là một nhà cách mạng hoàn hảo- tinh khiết  với các triết lý được ghi trong 1 cuốn sách: " Hỏi đáp của một nhà cách mạng ", trong đó quy định phẩm chất của một nhà cách mạng là :"  Không có tài sản riêng-Không có xúc cảm- Coi thường công luận- Tận hiến cho cứu cánh- Chắc chắn chết!". .
Nechayev trở thành một tính từ, như Machiavelli, Ropespiere....
Lê-nin, được coi là người áp dụng những triết lý hành động của ông- thành công nhất- còn người thể hiện trọn vẹn nhất con người của Nechayev- là người kế nhiệm Lenin- Tiếng con gọi đầu đời: Stalin!..
Trong phần đầu của "Đường Kách Mệnh", bí kíp làm nên thành công của cách mạng Việt Nam, phần "Tư cách của người Kách Mệnh", ta thấy bóng dáng của Nechayev,  hiển hiên đâu đây:
Đối với mình:
...
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.
..."
Sergey Nechayev- Minh sư của các minh sư

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Apr 22 2020, 05:18 PM

Tất cả những điều anh bạn trên kia viết đều sai. Thực ra đây là một kiểu chụp mũ, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, thường thấy trong tuyên truyền phương tây. Và chắc chắn anh bạn này vì một lý do gì đó, gia đình, cá nhân, nhận thức ..đã có duyên với các luận điệu trên mà không có một nhận thức thực sự về chủ nghĩa Mác- Lê nin, không tìm hiểu nó, chỉ nhắc lại như con vẹt những tuyên truyền kia thôi.
Bình thường thì tôi cũng không nói làm gì, và nếu NVT thấy anh bạn đấy đúng thì cứ chấp nhận, đối với tôi cũng không có ảnh hưởng gì. Nhưng vì hôm nay là ngày sinh nhật Lê nin, nên viết vài dòng ở đây.
Lê nin là một nhà cách mạng vừa có lý luận vừa ứng dụng được lý luận của mình. Đây là điều hiếm có. Ví dụ ngay cả Mác và ăng ghen, các vị ấy cũng chỉ dừng lại được ở mức lý thuyết. Và nếu không có Lê nin, thì chủ nghĩa Mác chỉ là một thứ chủ nghĩa địa phương của phương Tây, như bao lý thuyết khác có tác dụng trong phong trào công nhân phương Tây thôi. Chủ nghĩa Mác , nếu có đóng góp cho lịch sử thế giới, cho sự phát triển của thế giới là nhờ có Lê Nin.Và cũng phải nói thêm là, trong sự đóng góp của chủ nghĩa Mác-Lê nin cho thế giới, có công lao của người VN, cách mạng VN. Có những người không thích điều đó, vì họ đứng về phía phương Tây làm con vẹt tuyên truyền ngược thì chịu. Không có điều gì phải nói thêm.
Bản thân tôi là người tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lê nin, tôi cũng không đọc hết được các tác phẩm của ông, vì nó có rất nhiều. Cũng như tôi theo đạo Phật, những cũng không đọc hết được kinh phật. Như vậy nói Lê nin không câu nệ lý thuyết áp dụng linh động, là một thứ ngớ ngẩn, bởi chính Lê Nin đã phát triển chủ nghĩa Mác về lý thuyết đồng thời ứng dụng nó thành công, điều mà không phải ai cũng làm được, như tôi nói ở trên. Nếu ông ấy vừa sáng tạo ra lý thuyết, vừa thực hành được, thì làm sao có sự áp dụng « linh động », vì lý luận của Lê Nin cũng là « của nhà trồng », cùng một người làm ra. Như vậy phải nói là Lê nin « lý thuyết đi đôi với thực hành », « lý luận gắn liền với thực tế » mới là đúng.
Còn ở phương Tây, vì nó muốn dùng Mác chống Lê nin, nên nó phải thấy Lê nin « linh động » là phải, linh động so với Mác. Cũng phải nói thêm nữa là ngay với Mác, nó cũng dùng « Mác trẻ » chống lại « Mác thật ». Mục đích của nó là dỡ bỏ đi tất cả những gì là đóng góp thực sự của Mác, của Lê nin. Chỉ giữ lại phần compactible với học thuyết tư sản thôi, vì thế phải vặn vẹo lèo lá. Ở phương Tây nếu ai theo phần Mác « compactible » với nó thì được gọi là Marxien (Mác xiên), còn người đi theo chủ nghĩa Mác thật thì là Marxist (Mác xít).
Ngược lại, nói bác Hồ linh động, thì cũng có một phần đúng, nhưng không phải là một thứ linh động lung tung, kiểu như mấy ông tham nhũng bây giờ bất chấp luật, gật đầu cho doanh nghiệp đút lót làm bừa, xây nhà quá tầng. Tư tưởng Hồ Chí Minh thực ra vẫn là chủ nghĩa Mác –Lê nin. Phần linh động của bác là bắt nguồn từ văn hoá (nhận thức chủ nghĩa Mác –Lê nin từ một cái nhìn của Nho giáo, thế giới Nho giáo), do điều kiện cấu trúc xã hội VN (là một xã hội thuộc địa, chủ yếu là nông dân, phải đánh đổ phong kiến), nhiệm vụ của cách mạng là giải phóng dân tộc (đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm).
Lê nin và Bác Hồ là những nhà cách mạng chuyên nghiệp ? với tôi thực ra đây là sự hi sinh của họ cho lý tưởng tạo ra. Phương Tây cũng hay gán ghép điều này, để sử dụng từ « chuyên nghiệp » với ý nghĩa xấu, kiểu như đấy là nghề kiếm ăn của người ta. Điều này hoàn toàn không phải.
Gắn Nechayev với Lê nin, thì lại càng quái đản. Hai bên khác nhau như nước với lửa. Nechayev cũng như nhiều người Nga theo chủ nghĩa dân tuý khác là sự đối lập với Lê Nin và chủ nghĩa Mác-Lê nin. Các nhà dân tuý kiểu này, nổi bật về anh hùng cá nhân, cái đế của họ là tầng lớp tiểu tư sản thành thị và một phần chủ nghĩa dân tộc có tính kỳ thị. Ở VN, nếu so sanh với Nechayev ta có thể lấy ví dụ của Nguyễn Thái Học, nhưng cũng chỉ tương đối, hai bên giống nhau về anh hùng cá nhân, , và hậu duệ của nó ở Nga có thể là Sô liên nít xưn, người vẫn được phương Tây ca tụng.
Nhưng ngay với Sô liên nít xưn, thì cũng không đúng được hoàn toàn, vì ông này còn có một phần tâm linh chính thống giáo mà những người dân tuý theo chủ nghĩa hư vô (nihilisme) này không có. Chủ nghĩa dân tuý thực ra là một quái thai giữa ảnh hưởng văn minh phương Tây và giới tiểu tư sản Nga tạo ra.
Chủ nghĩa Mác – Lê nin luôn coi trọng phong trào quần chúng, phản đối anh hùng cá nhân. Như vậy cả bác Hồ lẫn Lê nin đều không có một sự liên quan nào cả. Bác Hồ lại càng không.
Vấn đề đạo đức cách mạng, được bác Hồ đưa vào « đường cách mệnh » không băt nguồn từ Nga, Liên Xô. Không có tác phẩm nào của Lê Nin nói về đạo đức kiểu này. Và trong cách mạng Liên Xô cũng không có điều này. Những điều bác Hồ nói là bắt nguồn từ Nho giáo. Giống như ta vẫn nói « tu thân, tề gia , trị quốc, bình thiên hạ ». Đây là dấu ăn văn hoá Nho giáo. Đây cũng là bằng chứng chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN là chủ nghĩa Mác-Lê nin Nho giáo, tiếp cận nó từ lý tưởng Nho giáo.
Ở miền Bắc VN, sau năm 54, có nhiều tác phẩm văn học truyền thống cách mạng, hoặc nóichung là theo phe tả (nếu phân tích theo kiểu châu Âu) được in ra. Các tác phẩm này đều có nội dung « đạo đức cách mạng », « tu thân ». Nhưng nguồn đến của chúng khác nhau, vì thế người ta có thể dễ nhầm lẫn « chủ nghĩa anh hùng cách mạng » với « anh hùng cá nhân », do sự thể hiện qua các nhân vật hơi giống nhau.Ví dụ quyển « Ruồi Trâu », đây là một dạng anh hùng cá nhân, vì nhân vật ruồi trâu là một người giống như kiểu Mazini, hay Ga ri ban đi làm cách mạng tư sản thống nhất nước Ý. Hình ảnh Ruổi Trâu có cái gì đó như Garibandi cách điệu văn học. Nhưng ta cũng có « Thép đã tôi thế đấy », thì hình mẫu ở đây lại là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Không chỉ có tác phẩm dịch thuật, mà sang tác trong nước cũng có chuyện này. Ví dụ tác phẩm « xung kích » của nhà văn Nguyễn Đình Thi, mặc dù được giải thưởng văn học, vẫn bị chê là « anh hùng cá nhân », « tiểu tư sản ». Nhưng Nguyễn Đình Thi không thể sửa được, vì đây chính là con người của ông, vì thế một tác phẩm sau của ông, mà tôi rất thích, nên thậm chí đã có hai bản bằng tiếng Pháp và tiếng việt đó là cuốn « mặt trận trên cao », nói về các phi công VN đầu tiên của đoàn Sao đỏ (tất nhiên được cách điệu qua nhà văn). Tâm tư của người lính trong xung kich, của người phi công trong mặt trận trên cao, thực ra là tâm lý của một người duy nhất, đó chính là nhà văn Nguyễn Đình Thi, là một cậu bé sinh viên học lít xê, người Việt ở Lào theo cách mạng. Và nếu người ta tinh ý thì sẽ thấy những nhân vật này, tình cảm của họ cũng giống như nhân vật trong chuyện « dưới bóng hoàng lan » của Thạch Lam, trong tự lực văn đoàn. Có một cái gì đó rất mộng mơ, thị dân.. như chúng ta ngày nay.
Một tác phẩm khác, bài thơ « Tây Tiến » của Quang Vũ, cũng như vậy.
Hiện nay những câu chuyện này đã trở thành lịch sử. Còn tại sao ở VN hai thứ chủ nghĩa anh hùng này lại đan xen vào nhau, trong văn hoá, bởi ở VN là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong lực lượng cách mạng có cả trí thức, tiểu tư sản. Tất nhiên là những người trí thức theo cách mạng, đứng về phía dân tộc, hi sinh lợi ích giai cấp của mình, cá nhân mình cho cách mạng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Apr 23 2020, 03:41 PM

Chẹp chẹp đính chính.
Tác giả bài thơ Tây Tiến là Quang Dũng (tôi viết nhầm là Quang Vũ)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Aug 26 2020, 05:53 PM

Tác giả Maxwell Phan, FB: Điểm vài nét về các cha già dân tộc Hoa Kỳ

Các cha già này thực ra không được già lắm, cha Thomas mới 33, cha John thì 39 suýt đầu 4, cha James 18 vừa đủ tuổi uống rượu, cha Alex thì 21 tính cả tuổi mụ.

Tham dự ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập thần thánh còn có các cháu Thomas Y, Deborah, James A, Sybil L,... vân vân độ tuổi 12-16, mà sau này một số nơi vẫn gọi các cháu là cha già dân tộc. Cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ thường gọi là cha già lập quốc cho đỡ đụng hàng, chứ thực ra 2 tên gọi này đều chỉ chung một khái niệm.

Bonus thêm về cha già dân tộc 33 mùa khoai Thomas, chủ của 600 nô lệ, với tuyên bố mọi người sinh ra đều bình đẳng, tất nhiên là trừ dân da đen và da vàng.

Thomas cưới em họ của mình là Martha. Bố vợ của Thomas, tức ông rể già dân tộc, John W cũng là một tay buôn nô lệ khét tiếng. Ông hiếp dâm một nô lệ da đen của mình - Betty, và đẻ ra Sally (Nghĩa là, Sally là em vợ và em họ của Thomas, đồng thời cũng là nô lệ của Thomas theo thừa kế).

Cô vợ loạn luân Martha không sống được lâu, thọ 34. Trước khi vợ lâm chung, Thomas bịn rịn hứa trong nước mắt sẽ không bao giờ tái hôn. Chứng kiến lời hứa lúc đó có mặt cả cô em Sally 10 tuổi.

Khi em vợ - em họ - bé gái nô lệ Sally tròn 14 tuổi, Thomas bắt đầu hiếp dâm cháu, và dần dần có 6 đứa con chung với Sally. 6 đứa này cùng gần 70 đứa khác & những người mẹ nô lệ của chúng, vừa là con đẻ mà đồng thời cũng là nô lệ của cha già Thomas.

Ảnh: Shannon LaNier - Cháu 6 đời của Thomas - cha già loạn luân, ấu dâm số 1 của dân tộc Hoa Kỳ. Một ông chủ nô lệ luôn luôn lo lắng cho quyền bình đẳng của con người.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Aug 27 2020, 08:00 PM

Chắc người viết facebook ở trên muốn nói tới Thomas Jefferson, người được coi là tác giả của bản tuyên ngôn độc lập Mỹ. Thực ra ông chỉ là một người tham gia, nhưng có đóng góp chủ yếu nên bản tuyên ngôn này được coi là của ông.
Như những nhân vật chính trị khác, ngay cả Oa sinh tôn, họ đều là chủ nô. Những điều mà Jefferson làm trong đời tư là chuyện bình thường cuả giới chủ nô.
Bổ xung một chút cho tác giả đoạn viết. Việc ông ta lấy em họ không phải là loạn luân. Trên thế giới luật lệ truyền thống về quan hệ loạn luân khác nhau theo từng nền văn hoá. Ở phương Tây, hai anh em họ có thể lấy nhau. Nhưng phải cách một thế hệ, không được hai thế hệ liên tiếp. Điều này hiện nay ở phương Tây không còn, nhưng trong hồi giáo vẫn còn. Bản thân tôi cũng được chứng kiến, vì tôi trước có một đồng nghiệp là người Tuy ni di, anh ta lấy em họ mình.
Trong những luật lệ mà giới chủ nô đặt ra, việc quan hệ tình dục với nô lệ không phải là chuyện cấm, và đứa trẻ sinh ra là nô lệ chứ không phải là người trong gia đình. Việc giao cấu này có thể giúp tăng ..gia sản, vì đưa trẻ sinh ra sẽ là nô lệ. Chủ nô còn có thể mang nam nữ nô lệ đi giao cấu với nhau (kiểu như ở VN mang lợn đực đi thụ tinh lấy giống tốt), hoặc giao cấu với nô lệ. Người viết nói rằng cô sally là em họ là không phải, vì trong đầu Jefferson, cô ta chỉ là một nô lệ, việc cô ta có một phần dòng máu của Jefferson không có ý nghĩa gì cả. Ngoại trừ được chủ nô « giải phóng » (affranchi).
Chế độ nô lệ ở Mỹ thời này cũng không khác gì mấy chế độ chủ nô thời Hi lạp , La mã. Thậm chí còn dã man hơn, vì nó công nghệ hơn, khoa học hơn, và có nhiều công cụ kỹ thuật áp chế hơn.
Điều thú vị là phương Tây vẫn tuyên truyền rằng truyền thống dân chủ của họ bắt nguồn từ Hi-La, thực ra nó là fake. Nguồn gốc dân chủ phương Tây có lẽ đến từ truyền thống các bộ lạc German (Đức) thì đúng hơn. Nhưng bất luận nó tới từ đâu, nó cũng không giải quyết được vấn đề bình đẳng.
Đối với người Việt nam, hay gốc VN thì ta không hiểu được điều này. Bởi vì trong lịch sử châu Á không có giai đoạn nô lệ kiểu châu Âu (chủ yếu là Tây Âu theo truyền thống Hi – La). Và chế độ nô lệ chỉ dừng lại ở hình thức gia nô. Chế độ này cũng đã bị xoá bỏ khi nhà Trần sụp đổ, cách ta đã 7,8 thế kỷ.
Vấn đề dòng máu thì lại càng khó hiểu hơn, vì ta theo nho giáo. Phương Tây theo quan niệm La Mã, gia đình không có ý nghĩa dòng máu mà có ý nghĩa pháp lý. Lấy một ví dụ. hiện nay khi một đứa trẻ con ra đời, thì bố « chính danh » của nó không phải là người bố « sinh vật », mà là người đầu tiên công nhận đứa trẻ là con. Bản thân tôi cũng biết trường hợp thế này. Cũng một người đồng nghiệp cũ (ông này còn lai VN nữa) có một đưa con nhưng không phải con anh ta hiểu kiểu VN, mà khi hai người lấy nhau, cô ta đã có bầu nhưng chưa sinh. Lúc sinh ra, thì anh ta đã công nhận đứa trẻ là con, và như vậy người bố « sinh vật » kia không có nghĩa gì cả.
Từ khi đế quốc La Mã tan rã, nhà thờ cơ đốc giáo lên ngôi quản lý xã hội chủ yếu thông qua quan lý tình dục, nên xã hội phương Tây có gì đó giống như xã hội phương đông truyền thống, nhưng nó vẫn không có nhận thức tâm lý dòng máu (liên quan tới thờ cúng tổ tiên), vì thế quan niệm của La Mã vẫn còn đến ngày nay.
Nếu để ý nữa, thì người ta có thể thấy ngay bản tuyên ngôn độc lập Mỹ cũng là nguyên tắc pháp lý này. Câu đầu tiên của nó là « We are American people .. » rồi gì gì đó, cũng là một định nghĩa pháp lý. Người Mỹ được định nghĩa như một status (trạng thái) pháp lý chứ không phải dòng máu, vì nếu theo dòng máu thì họ đều là người Anh.
Như vậy để hiểu tư duy của các khai quốc công thần Mỹ thì phải hiểu tâm lý, lô gíc của nó. Họ đòi bình đẳng, và cho là có quyền bình đẳng với những người có cùng một chế độ pháp lý như họ, được đặt dưới cái tên « american people » , chứ không phải là tất cả mọi người đều bình đẳng.


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Sep 1 2020, 09:19 PM

Nhân câu chuyện Jefferson này, tôi cũng tán phét mở rộng thêm một chút, để cho ai thích tìm hiểu chứ còn để làm buzz trên mạng xã hội, hay thích nói ngược, thì không cần, vì họ cần tin giật gân hơn là sự thật.
Khi 13 thuộc địa của Anh đòi độc lập vào năm 1776 ở Bắc Mỹ thì trong những nhân vật khai quốc công thần tham gia vào cuộc đấu tranh dành độc lập này có nhiều chủ nô. Bởi lúc đó Mỹ vẫn còn là một thuộc đia nông nghiệp, di dân của Anh. Các chủ nô này, dù tham gia vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (tức là sản xuất để kiếm tiền lãi, tích luỹ tư bản qua kinh tế thị trường) nhưng lại sử dụng lối quan hệ sản xuất nô lệ-chủ nô, chứ không phải lối quan hệ làm công ăn lương.
Chính vì thế, ngay khi có tuyên ngôn độc lập, và các hiệp ước liên minh 13 thuộc địa này với nhau, thì đã xẩy ra tranh cãi về vấn đề nô lệ. Kết quả, là hiệp ước liên minh các thuộc địa này có hai điều có đi có lại.
1 điều là công nhận thể chế liên bang, tức là một sự liên minh rất chặt chẽ của các thuộc địa (giờ được gọi là bang) với nhau. Đã vào thì không thể ra ly khai, vì không có điều khoản ly khai.
Nhưng một điều khác lại nhượng bộ cho chế độ nô lệ được tồn tại ở các bang miền Nam trong một thời gian 20 năm. Và sau đó thì các bang này phải chuyển đổi thể chế.
Mặc dù có điều khoản thứ hai này, vào đầu thế kỷ XIX (tương đương với lúc Vua Gia Long lên ngôi, thống nhất đất nước ở VN), đến thời hạn, các bang miền Nam vẫn là chế độ nô lệ. Và các chế độ này vẫn tồn tại .. 60 năm sau tức là tới khi có nội chiến Mỹ (Civil War) 1861-1865.
Mâu thuẫn bùng nổ bởi từ đầu thế kỷ XIX, Mỹ bắt đầu bành trướng sang vùng miền Tây, và có vấn đề là các bang mới lập ra sẽ theo chế độ nào chế độ nô lệ hay tư do. Chính sự mâu thuẫn này làm bùng nổ chiến tranh. Vì thế các bang miền Nam đã ly khai, sau khi không tìm cách xoá bỏ được thoả thuận ban đầu, tức là nếu theo hiệp ước ban đầu thì tất cả các bang mới phải có chế độ tự do (free stat) không theo chế độ nô lệ. Ngược lại các bang miền Nam muốn chế độ này là do bang mới, khi gia nhập liên bang (Union) tự quyết định. Vì thế khi 9 băng miền Nam Mỹ li khai thì nó gọi là confederation (tức là liên minh lỏng lẻo giữa các bang, thích thì ở không thích thì đi), trong khi nhà nước Mỹ là liên bang (federation) có tính ràng buộc.
Tại sao câu chuyện lại trở nên gay gắt gần 80 năm sau, bởi vì lúc này ở Mỹ đã có công nghiệp hoá, và về mặt kinh tế chế độ nô lệ chi phí tốn kém hơn trong sản xuất mà không hiệu quả bằng quan hệ sản xuất làm công ăn lương. Ở đây sự tiến bộ của việc giải phóng nô lệ gắn liền với tiến bộ của lực lượng sản xuất. Cuộc giải phóng nô lệ da đen ở Mỹ cũng cùng thời gian với việc bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn thế giới, chứ không phải là một điều đặc biệt.
Cũng phải nói là ngay cả Lincoln, khi nói giải phóng nô lệ tức là họ có thể làm công ăn lương, nhưng không vì thế mà có quyền lợi chính trị, hay xã hội gì cả. Không còn nô lệ không có nghĩa là công dân, và giả dụ là công dân thì cũng không bình đẳng. Trong những bài viết, diễn thuyết của Lincoln nói rất rõ điều này. Chính sách của Lincoln gần giống với chính sách « tư phát triển độc lập » kiểu các chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi ngày trước hơn là coi người da đen là công dân bình đẳng. Nói một cách khác, chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi ngày trước hoàn toàn có thể là một version của kiểu giải phóng nô lệ này.
Phải đợi đến những năm 60 của thế kỷ trước, tức là 100 năm sau nua, thì quyền công dân với người da đen mới thật đầy đủ. Nhưng từ đó họ lại vấp phải sự phân biệt văn hoá, kinh tế.
Điều buồn cười là lực lượng giải phóng người da đen ở Mỹ từ chế độ nô lệ lại là đảng cộng hoà. Lincoln là đảng cộng hoà. Còn lực lượng bảo vệ chế độ nô lệ, lại là .. đảng Dân chủ.
Từ thập niên 60, thì đảng Dân Chủ lại là đảng ủng hộ quyền công dân của người da đen, thông qua các đời tổng thống như Kennedy hay Johnson, và hiện tại cũng vậy.


Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Sep 3 2020, 11:06 AM

Em chỉ có ý kiến về việc kết hôn giữa anh chị em họ. Nếu mà thuộc loại trong 1 đời thì ở VN hiện nay cấm, hay nói khác là anh em con chú bác ruột thì cấm lấy nhau. Nhưng mà, ở Trung Quốc có trường hợp của Giả Bảo Ngọc- Lâm Đại Ngọc (Hồng Lâu Mộng), là anh em họ vẫn lấy nhau trong cùng một đời. Tóm lại chỉ cấm mỗi anh chị em ruột lấy nhau.

Tuy nhiên, nếu cách một đời, như bác Phó nói ở trên, thì ngay cả VN hiện tại cũng không cấm. Ví dụ bố em với bố bác Phó là anh em ruột, thì đến đời con của em và con của bác là được lấy nhau thoải mái nhé sp_ike.gif

Tham khảo tại đây https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/cach-tinh-quan-he-huyet-thong-3-doi-de-ket-hon-95522.html

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Sep 3 2020, 10:31 PM

@nvt,
Về việc này ở VN thì tôi không rõ. Nhưng tôi cũng vào xem cái link của nvt dẫn. Cảm nhận của tôi thế này, là muốn biết đúng sai theo truyền thống, thì phải lôi các luật ít ra từ đời nhà Nguyễn xem. Cảm tưởng của tôi (không có minh chứng) thì quan niệm dân gian kia đúng hơn. Còn tại sao luật Vn giờ lại thế, vì nó ít nhiều cóp pi theo phương Tây. Luật dân sự của châu Âu giời là chuẩn của ta, vì ảnh hưởng văn hoá mềm, một phần lớn quan niệm luật lệ hiên tại là có từ thời Pháp, rồi tới thời ảnh hưởng Liên Xô, giờ là phương Tây nói chung, toàn là Tây cả..(trước thì vì là thuộc địa, sau vì XHCN, tiếp tới giờ là hội nhập toàn cầu hoá) Vì thế muốn biết truyền thống thế nào thì phải theo sử, có bằng chứng lịch sử, chứ không mang luật bây giờ làm chứng được (nếu muốn tìm hiểu về truyền thống chứ không phải ứng dụng luật pháp đương đại). Pháp luật thời nay không có gốc từ truyền thống bản địa.
Còn ngoại lệ lấy lẫn nhau trong họ hàng, thì không phải tìm tới TQ, mà đời nhà Trần, hoàng tộc nhà Trần cũng cho phép con cháu họ gần lấy lẫn nhau, có khi còn là bắt buộc. Nhưng điều này chỉ đúng cho quý tộc nhà Trần thôi. Nó có nguyên do chính trị, vì nhà Lý mất ngôi vì vua Lý Thần Tông không có con trai, và công chúa Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh. Nhà Trần muốn tránh chuyện này.
Trên thế giới , các pha ra ông (Pharaon) Ai cập cũng có tục Anh lấy Em gái ruột, mà mục định có lẽ cũng tương tự kiểu nhà Trần, nhưng nó được phủ thêm một lớp mầu thần bí là các Pharaon là người Trời, không phải người thường.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Sep 3 2020, 11:10 PM

Câu chuyện họ tộc này cũng thú vị. Ở trên tôi có nói tới việc nên tham khảo luật thời phong kiến để biết truyền thống, nhưng chắc chắn là nếu cùng họ thì đến đời F5 là lấy nhau được, tại sao ? vì không còn thờ tổ tiên riêng biệt, có tên tuổi nữa, như tôi đã nói tới trong chủ đề « con gái có được thờ bố mẹ không », như vậy là đủ xa để dù cùng họ cũng như là ngoại tộc.
Từ khi đổi mới ở Vn, phong trào khơi dậy văn hoá truyền thống rất lớn. Nhưng thực ra phải nói đó là các phong trào « kế thừa truyền thống » thì đúng hơn. Đối với tôi, thực ra nó là một sự tái tạo lại, qua những gì còn lại chứ không phải là truyền thống đúng như thời trước. Thực ra ở bất cứ nên văn hoá nào cũng có sự tái tạo để cập nhật, ngay cả đối với một nước bảo tồn truyền thống tốt như Nhật. Vì thế điều này diễn ra ở Vn không có gì là lạ, nhưng do lịch sử dân tộc rất khốc liệt thời hiện đại, mà mảnh vụn nhiều hơn, phải tái tạo nhiều hơn thôi.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Oct 1 2020, 12:07 PM

Quên chưa copy bài này, về vai trò của Trosky đối với cách mạng. Vẫn tác giả Trung Tran Lam - FB

QUOTE
Họ- những ngày này 100 năm trước 🙂
Tháng 8 năm 1991- khi đứng trên xe tăng chĩa nòng vào những người cộng sản thủ cựu  âm mưu lật đổ Tổng thống đầu tiên và  duy nhất của Liên Xô- Gorbachov, có lẽ ông Boris Ensil cũng không kịp nghĩ rằng-ông đã kết liễu một quốc gia hùng mạnh  vinh quang và cay đắng- bằng đúng cái cách mà nó khởi sinh: Bằng những nòng đại bác.
Năm 1917- Duma quốc gia Nga- kiểu như quốc hội bên ta, có chừng 15 đảng phái. Chế độ nghị viện dân chủ kiểu phương Tây  sau cách mạng lât đổ Sa hoàng  tháng 2 năm đấy,  dẫn đến kết cục  công việc chủ yếu của những tinh hoa quốc gia của nước Nga- là cãi nhau. Họ cãi nhau trong khi binh lính Nga chết hơn 2 triệu, bị thương  5 triệu trong cuộc  huyết chiến với người Đức và đế quốc Áo Hung- sử gọi là WW1. Cãi nhau trong khi công nhân, binh lính chết đói và nông dân gào thét đòi dân cày có ruộng.
Trước hoàn cảnh đấy, các chính đảng lại tiếp tục họp và cãi nhau, cho đến khi có 1 người.” Thấp lùn, đầu to, tròn hói, cổ rụt mắt bé, mũi tẹt, mồm rộng”. Ilyich Ulyanov, trốn từ Phần Lan về trên chuyến tàu hỏa do nước Đức bảo vệ nghiêm ngặt. Ông ta nói, đại ý: Họp làm đếch  gì họp lắm thế, ai có súng, người đấy có chính quyền- đấy chính là định nghĩa của danh từ chính trị học phức tạp sau này: “ Chuyên chính vô sản”.  Lê nin  nói thế trong khi súng ống của ông thât sự cũng không có bao nhiêu. Ông chỉ có một ít binh lính, thủy thủ ở Petrograd. Và Lev Trotsky.
“ Không ai tin chính phủ Bolshevik có thể tồn tại quá 3 ngày- ngoài Lê-nin, Trotsky và binh lính của họ ở Petrograd”.
Là Chủ tịch ủy ban Cách mạng thành phố Petrograd - Trotsky  vừa là người kêu gọi,  vừa là người lãnh đạo binh lính, thủy thủ ở thủ đô Petrograd bắn đại bác hù dọa Cung điện Mùa Đông nơi chính phủ hợp pháp của nước Nga lúc đấy đang trú ngụ.  Xong Petrograd, Trosky ra lệnh cho Xích vệ- nã pháo vào điện Kremlin ở Maxcova - bàn thờ tổ tiên của nước Nga- hành động làm hầu hết các đảng phái khác sững sờ và phẫn nộ quyết liệt chống lại. Khi  binh lính  hi sinh- Trotsky gầm lên :” Mỗi  chiến sĩ  cách mạng bị giết- sẽ có 5 tên phản cách mạng phải đền tội”.  Một đạo quân ô hợp không được huấn luyện, chỉ có nhiệt tình và bị thu hút bởi khả năng hùng biện và ý chí sắt đá của những người Bolshevik kiệt xuất như Trosky cộng với viễn cảnh- cách mạng thành công thì nông dân sẽ có đất và công nhân sẽ có bánh mì, đã cho ra đời nước Nga xô viết.
Lê nin- là thiên tài cách mạng khi ông chỉ ra bí quyết để thành công đó là: Thù trong phải xử- giặc ngoài tính sau.  Sau ngày 7-11, để tập trung sức đối phó với những người Nga khác không muốn nước Nga đỏ tồn tại, Lê nin đã  bội tín với Anh và Pháp, đồng minh của Nga , để ký  một hòa ước kỳ lạ với Đức, quốc gia đang thất bại  rõ ràng trên chiến trường châu Âu: hòa ước Brest-Litovsk:  Nhường 6 lãnh thổ của mình, bồi thường 6 tỷ  đồng vàng cho kẻ- sắp thua- cuộc. Đó có thể là cú lại quả hợp lý của Lê nin với Đức- nhà tài trợ chính cho ông và phái Bolshevik  thực hiện cách mạng tháng 10.
Sắc lệnh Hòa bình là sắc lệnh đầu tiên Lê nin ký với tư cách Chủ tich hội đồng ủy viên Nhân dân- Hòa bình để rút ra khỏi thế chiến I- với 2 triệu binh lính Nga tử trận, và để bắt đầu 1 cuộc nội chiến kéo dài 5 năm- với số người hi sinh của hai bên chính và phản- là tương đương- khoảng 1,8 triệu.  Nói cách khác, nước Nga lúc đấy rút khỏi một cuộc đại chiến với tư cách người thua cuộc- để lao vào cuộc đại chiến khác- đẫm máu không kém.
Người  thành lập- huấn luyện, lãnh đạo  đạo quân Hồng quân Xô viết thủa ban sơ ấy- không ai khác, vẫn là Trotsky.
Nước Nga xô viết chính thức tồn tại  năm 1923 sau  khi đánh tan Bạch vệ và các lực lượng phản cách mạng khác trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.  Lê nin chỉ còn sống thêm 1 năm nữa. nhưng vẫn  có đủ thời gian làm mọi việc  để tạo cho nước Nga  đỏ nguồn cảm hứng và năng lượng chạy thêm 60 năm nữa với tư cách là một siêu cường.
Đồng sự xuất chúng của ông- Lev Trosky:  Năm 1922 được coi là người kế vị Lê nin.  Năm 1928 bị khai trừ ra khỏi Đảng- bị tuyên bố tử hình vắng mặt năm 1936 sau khi ông tiên đoán, với bộ máy quan liêu như thế này- trước sau gì Liên Xô cũng sụp đổ và quay lại chủ nghĩa tư bản,  Năm 1941, ông bị đập vỡ sọ bằng rìu khi ẩn náu ở Mexico, khi cuồng vọng thành lập một Hợp chúng quốc Châu Âu xã hội chủ nghĩa vẫn còn dang dở.
Nếu  ông thay thế Lenin, điều gì sẽ xảy ra: Liên Xô sẽ huy hoàng rực rỡ hơn- hay sẽ là 1 cuộc huyết chiến nữa với châu Âu để thực hiện chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới như triết thuyết của ông. Chúng ta không thể biết được.
Người  hạ thủ Trotsky - lại là 1 ông có tên vần In khác: Xít- ta-lin 🙂.. Người đàn ông có đôi ria mép trứ danh mà trẻ con Việt nam ai cũng thuộc tên ngay từ khi mới lọt lòng- như lời nhà thơ Tố Hữu thú nhận :” Tiếng đầu lòng con gọi- Xít-ta-lin” chứ không phải  Ba, ba, me, me  như xuyên tạc. Khi ông chết năm 1953 - một nửa Việt nam khóc với volume lớn hơn 1000%: “ Thương mình thương một thương Ông thương mười”. Ông  là một câu chuyện phi thường khác.
Lịch sử Liên Xô/Nga 100 năm - chính ra dễ thuộc nếu học bằng tên: 4 ông IN  và 3 ông ỐP :-):
Khai sinh nhờ ông  6 Lenin- chiến thắng  Hitle  nhờ ông đại đại nguyên soái  Zukov  và trở thành siêu cường nhờ ông đại độc tài Stalin. Rung rinh vì ông Khrushov,  và  sụp đổ vì ông Gorbachov. Dọn dẹp nhờ ông Elsin và tái sinh nhờ ông In còn lại đang còn sống- Putin 🙂
.
Không  mấy ai nhớ đến Trotsky- người hùng đích thực của Cách mạng Tháng 10 Nga.
(Một người dân tộc chủ nghĩa ở  Việt nam khi qua Liên Xô những năm 20, thấy  đươc vận mạng của một quốc gia- đôi khi cũng nằm ở cái tên, nên đã cũng đặt tên Liên xô của mình, bằng vần In 🙂.
Nguồn:
• 10 ngày rung chuyển thế giới – 1919 -John Reed
• Cuộc cách mạng bị phản bội.- 1936 Lev Trosky- (Bản dịch của những người Đệ tứ Việt nam tại Pháp.
• Thơ Tố Hữu 🙂
• Wi-Ky-Phê.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 1 2020, 05:09 PM

Vừa poste nhầm cho chủ đề thời sự ở đây, nên vừa phải xoá đi. Vì thế chưa định viết ở chủ đề này, nhưng cũng phải viết mấy dòng.
Nvt có vẻ khoái xem nhưng thứ này nhỉ. Công nhân người viết viết dí dỏm, có thể gọi là có văn phong (style) ,và nội dung cũng thú vị, vì nó FAKE toàn diện. Nó cũng thú vị ở chỗ đây là cô đọng sự tuyên truyền của phương Tây về cách mạng tháng mười và cũng cô đọng được tuyên truyền của VN cộng hoà cũ.
Có gì tôi sẽ viết tiếp sau, để cho các bác đọc « thuộc bài » tuyên truyêng phương Tây lẫn VN cộng hoà cũ đã.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 16 2020, 05:28 AM

Vì tôi bận không có thời gian viết, nên bây giờ mới viết ở chủ đề này. Hi vọng là những ai đọc đã « nhiễm độc » đầy đủ, thì thuốc giải độc mới có giá trị, và tất nhiên nó cũng chỉ có giá trị với người muốn giải độc, chứ còn không muốn thì có thuốc cũng vô tác dụng.
Khác với Đức Phật, trong kinh Pháp Hoa bầy ra những cách khác nhau (tức là các tông phái khác nhau) để giác ngộ con người, tôi không có đủ tài năng kiểu như vậy, mặc dù cũng là phật tử, nên chỉ nói điều gần với sự thật hơn thôi.
Điều đầu tiên là sự sai lệch về cách mạng tháng mười. Cách nói của người viết coi nó như một kiểu cướp chính quyền trên đầu súng (qua một dạng đảo chính tàn bạo), của một nhóm người không có bao nhiêu thực lực. Một điều thứ hai nữa là tác giả nói ở Nga lúc đó có tới 15 đảng phái, nhưng vẫn thua một nhóm người thiểu số, vì họ tàn bạo hơn, « chính quyền trên đầu súng ».
Ở đây có sự kết hợp hai dạng fake. Dạng đầu tiên là hạ thấp cách mạng tháng mười (coi nó như một cuộc đảo chính), cách thư hai là giải thích « đa nguyên đa đảng » như một thứ « ăn không ngồi rồi » vô tích sự, nhưng đồng thời qua đó nói lên sự tàn bạo của dạng nhà nước khác ra đời không theo mô hình này. Nếu hiểu theo một kiểu lắt léo hơn, thì có thể thấy bất cứ dạng nhà nước nào không theo dân chủ tư sản, thì sẽ là một nhà nước tàn bạo, và thực ra qua đó đã chính danh cho dạng nhà nước dân chủ tư sản này. Thực ra có một nhân vật chính trị khác, thủ tướng Anh Winston Churchill nói hay hơn nhiều, ông ta nói đại khái « nhà nước dân chủ tư sản là nhà nước ít dở nhất trong các dạng nhà nước », như vậy người viết lắt léo cài đặt cũng không vượt qua được cái tâm lý này, mà cũng dễ hiểu thôi, vì không cần nói tới tâm trạng cá nhân, chỉ cần đọc các sách sử phương Tây, tuyên truyền của họ, thì sẽ dẫn tới nhận thức này.
Vu cáo cách mạng tháng mười là một cuộc đảo chính tàn bạo của thiểu số, là tuyên truyền của phương Tây từ khi có cách mạng tháng mười. Đối với tuyên truyền phương Tây cuộc cách mạng thật sự là cách mạng tháng hai cùng năm, lật đổ chế độ Sa hoàng, tức là một cuộc cách mạng tư sản. Còn cách mạng tháng mười cùng năm thì lại được coi là đảo chính của một thiểu số.
Thế nào là đảo chính. Đảo chính là một cuộc lật đổ biến động chính trị, thay đổi người, nhưng không thay đổi chế độ hệ thống. Điển hình nhất là các cuộc đảo chính ở Thái lan cạnh nước ta, mỗi một lần đảo chính là thay đổi chính phủ, nhưng chế độ vẫn tồn tại. Đây là hiện tượng điển hình của các nước áp dụng chính thể đa nguyên đa đảng phương Tây khi không hợp điều kiện. Một hình thức nữa là chạy lòng vòng từ dân chủ ra độc tài rồi quay lại, bởi độc tài cũng chính là hiện tượng chữa chạy chế độ đa nguyên đa đảng không có điều kiện để hoạt động như ở nơi sinh ra nó là phương Tây. Nếu không thích đi đâu thì có thể lấy ngay dẫn chứng trong lịch sử VN hiện đại. Cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm do Mỹ giật dây các tướng lĩnh miền Nam chính là một cuộc đảo chính điển hình, giết nhà Ngô, nhưng không vì thế mà thay đổi nhà nước, cũng như vượt khỏi bàn tay kiểm soát của Mỹ. Điều thú vị là dưới chế độ miền Nam cộng hoà trước đây, sau năm 1963, thì cuộc đảo chính này được gán cho từ cách mạng, và ngày giết Ngô Đình Diệm thành ..quốc khánh.
Nếu nhận thấy thế, thì người nào theo dõi quan tâm tới các sự kiện ở nước Nga vào thời điểm này, sẽ thấy cuộc cách mạng tháng hai 1917, thực ra là một cuộc đảo chính. Vì Sa hoàng ra đi, nhưng bộ máy nhà nước của nó còn nguyên.Ngược lại cuộc cách mạng đính thực, chính là cách mạng tháng mười.
Chính phủ ra đời từ cuộc cách mạng (đảo chính này), chính quyền Kerensky đã không thực hiện được nguyên vọng của người dân khi họ lật đổ chế độ Sa hoàng, đó là hoà bình, ruộng đất , và bánh mỳ. mà vẫn tiếp tục chiến tranh, vì nước Nga vay nợ các đồng minh (chủ yếu là Pháp), và quyết tâm « trả nợ Pháp, thực hiện nghĩa vụ đồng minh » hơn là quan tâm tới số phận người dân.
Đây là nguyên do quan trọng nhất dẫn tới cách mạng tháng mười tiếp theo, hiểu được nó thì người ta cũng hiểu được cả hoà ước Brest-Litov, hiểu được tại sao Bạch vệ thất bại trong nội chiến, và cũng hiểu được tại sao Trosky thất sủng và bị loại bỏ khỏi chính trường Nga, cũng như có thể hiểu được sự chìm nổi của nước Nga về sau, cũng như vai trò của Staline.
Như vậy chuỵện gì sẽ xẩy ra nếu hoà bình, ruộng đất và banh mỳ được chính phủ Kerensky thực hiện, thi sẽ không có cách mạng tháng mười, và cách mạng tháng hai của Nga sẽ kết thúc giống như cách mạng Mexico xuất hiện cùng vào thời điểm, muộn hơn một chút (1919). Ở Mexico cũng có nội chiến, nhưng giai cấp tư sản cùng địa chủ ở đây đã liên minh với nhau dựng ra chê độ ..một đảng : đảng cách mạng lập hiến (PRC : parti revolutionaire constitutionnel), công nhận nhiều quyền lợi của công dân, tiến hành cải ruộng đất, ..
Nói tới cách mạng tháng mười, biểu tượng của nó là việc cướp cung điện mùa Đông ở Leningrad (lúc này và hiện nay được gọi là Saint Petersbourg). Nhưng nó chỉ là biểu tượng, vì việc cướp chính quyền Kerensky diễn ra ở khắp nước Nga, dưới sự lãnh đạo của đảng Bôn Xê vích. Nếu có một cuộc cách mạng nào là cuộc cách mạng thật sự thì chính là nó, chứ không thể có gì khác. Nói một cách khác, cách mạng tháng mười là cuộc cách mạng điển hình. Nó vừa có tổ chức, vừa có sự tham gia tự nhiên của người dân (chủ yếu là công nhân, nông dân và binh lính). Điều này giải thích tại sao, với một số lượng nhân sự hạn chế, đảng Bôn Xê vích thành công, vì có sự tham gia của quần chúng. Điều này giống như cách mạng tháng 8 ở VN. Điều xảo quyệt của phương Tây khi trình bầy nó đã tách rời cái bộ phận tổ chức ra khỏi dân, để trình bầy nó như một dạng thiểu số. Trong thực tế không thể có cách mạng tháng mười nếu không có việc công nhân tự lập ra các xô viết, nông dân cướp ruộng đất của quý tộc, binh sĩ chống lại sĩ quan sa hoàng bỏ về. Điều tuyệt vời của cuộc cách mạng này là đảng Bôn Xê vích đã đi theo đúng chiều của lịch sử, vì mặc dù có sự tham dự tự nhiên của người dân, không có tổ chức, không có chính sách đúng đắn, không đi theo đúng chiều của lịch sử, hợp lòng dân thì không thể thành công.
Điều này cũng khiến cách mạng tháng mười khác cách mạng TQ hay cách mạng Cu ba, ở đây mới thật là « chính quyền trên đầu súng », nhưng là một tổ chức đầu tranh vũ trang lớn, không phải là kiểu áp sát, khủng bố, như kiểu hồi giáo hiện tại
Cách mạng VN bắt đầu bằng cách mạng tháng 8, giống cách mạng tháng mười, nhưng kết thức của nó lại qua đâu tranh vũ trang, do sự can thiệp của Pháp, Mỹ. Như vậy nó sự kết hợp cả hai.
Cách mạng tháng mười là khởi điểm cho một cuộc nội chiến (nội chiến thực sự, chứ không phải như lề trái ở VN cố tình biến kháng chiến chống Pháp, Mỹ như một dạng nội chiến để tô son trát phấn cho hình ảnh của mình), và bản thân điều này đã nói tới bản chất của nó là một cuộc cách mạng,vì đảo chính chỉ lật đổ chóp bu, thì làm sao có nội chiến, do cấu trúc quyền lực cũ vẫn còn đó chỉ « đổi chủ ».
Nói cách mạng tháng mười lật đổ một đám đảng phái (15 đảng) ngồi nói phét lại càng không hiểu thực tế của hệ thống đa nguyên đa đảng. Hệ thống đa nguyên đa đảng ngồi trên một nhà nước thâm sâu không thay đổi, với những công cụ quyền lực cứng :quân đội, toà án, an ninh, dựa trên một cái đế giai cấp tư sản. Câu chuyện ở nước Nga sau cách mạng tháng hai, sinh ra cái đống đảng phái cãi vã kia không phải là hình ảnh của một nhà nước đa nguyên đa đảng, nó là biến chứng của hệ thống đa nguyên đa đảng không chạy, không hoạt động được. Còn thực sự quyền lực cứng của nó vẫn có, nhưng như cái thân, bị cắt khỏi cái đầu. Chính vì thế khi cách mạng tháng mười bùng nổ, thì cái đầu của nó bị cắt, nhưng cái thân của nó vẫn giẫy dụa, gây ra nội chiến những 4 năm rất quyết liệt. Vấn đề là tại sao chính quyền Kerensky lại bị thế, tại sao nó bị cắt khỏi cái thân nhà nước thâm sâu không điều khiển được.
Câu chuyện nó là như thế này. Khi cách mạng tháng 2 bùng nổ, thì mặc dù Sa hoàng phải thoái vị, bộ máy nhà nước cứng vẫn nằm trong tay các lực lượng quý tộc, địa chủ. Lực lượng này muốn phục hồi Sa hoàng, ngược lại nhà nước tư sản thì không muốn. Nhưng cả địa chủ và tư sản đều muốn tiếp tục chiến tranh, điều này đi ngược lại nguyện vọng người dân khi người ta làm cách mạng tháng hai.Cùng một lúc, do kinh nghiệm thất bại trong cách mạng năm 1905 cách đó không bao lâu, một cuộc cách mạng thất bại, đã dẫn tới việc công nhân tự lập ra các hệ thống tự quản, được gọi là Xô viết (từ đó mà có tên Liên Xô về sau). Sự mâu thuẫn giữa tư sản và quý tộc cũ, đã dẫn tới việc quân đội phản cách mạng định tiến quân về Leningrad để lật đổ chính quyền Kerensky, và để bảo vệ, chính quyền này lại phải cầu cứu các Xô viết. Chính vì thế mà cái đầu của nhà nước tư sản mới ra đời bị cắt khỏi cái thân quyền lực thâm sâu của nhà nước, khiến nó bất lực do chúng tự mâu thuẫn với nhau. Vì thế cách mạng tháng mười bắt đầu vào việc chiếm cung điện mùa Đông 1917, và chỉ kết thúc khi nội chiến kết thúc vào năm 1922, khi nhà nước Liên Xô ra đời (đây là cách chia khúc của tôi, dựa trên sự thay đổi cấu trúc xã hội). Hiện nay đây không phải là cách chia trong sách vở, vì giai đoạn này được cắt khúc làm nhiều đoạn theo kiểu biên niên, cách mạng tháng mười, nội chiến, chương trình kinh tế mới NEP, ..
Đến đây thì tôi đã chỉ ra hai cái Fake của người viết, đó là việc hạ giá cách mạng tháng mười như một dạng tiếm quyền bằng bạo lực của một thiểu số. Điều thứ nhì tác giả lờ đi, hay có thể không hiểu đó là nhà nước đa nguyên đa đảng kia cũng có bạo lực, thậm chí còn bạo lực quyết liệt, nhưng do mâu thuẫn nội bộ của nó, do tính phản động của nó mà nó bị rối loạn, đồng thời bạo lực không dẫn tới đâu, do thiếu một tư duy chính trị tiến bộ, chứ không phải nó thánh thiện, ngây thơ ..không có tí bạo lực nào nên bị tiêu diệt bởi những người tàn bạo hơn.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 20 2020, 05:32 PM

Tiếp câu chuyện,
Nói về thiên tài của Lê nin, mà chỉ nói được rằng ông đã ký hiệp định Brest-Litov để « diệt thù trong trước, giặc ngoài sau » cũng là fake. Và đây cũng là tuyên truyền của phương Tây.
Tuyên truyền này muốn nói rằng hoà ước Brest-Litov mà chính quyền Sô Viết ký với Đức là sự phản bội của Nga, vì Nga rút khỏi cuộc chiến, và hiệp định này là sự lại quả của Lê nin để trả công nước Đức đã giúp Lê nin và các nhân vật Bôn Xê Vích khác đang lưu vong ở Thuỵ sĩ, lúc cách mạng tháng hai nổ ra. Đức đã chở Lê nin và các đồng chí của mình về Nga xuyên qua Đức, vì lúc này chiến tranh đã cắt đứt hoàn toàn giao thông Thuỵ sĩ với Nga. Việc bôi nhọ Lê nin là tay sai của Đức đã được chính phủ Kerensky thực hiện, trước khi tuyên truyền này trở thành chính thống ở phương Tây. Năm 2017, kỷ niệm 100 cách mạng tháng mười, kênh truyền hình Pháp Arte, cũng chiếu phim dựng lại câu chuyện này với tuyên truyền này.
Trong thực chất, câu chuyện đầu đuôi nó như sau. Trước khi đại chiến 1 nổ ra, thì quốc tế thứ 2 bao gồm các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu, trong đó có đảng Bôn Xê vích Nga đã họp đại hội và thống nhất khẩu hiệu chống chiến tranh đế quốc, biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng. Đây cũng là ý tưởng của Lê nin. Nhưng các đảng xã hội dan chủ ở Tây Âu đã không làm điều này, mà ủng hộ nhà nước mình tham chiến. Ở Pháp có người theo chủ trương này là Jean Jaurès (người được coi là cha đẻ của đảng dân chủ xã hội Pháp) thì bị ám sát chết. Sau chiến tranh, thì tất cả các đảng xã hội dân chủ này đều thấy mình sai, và việc họ ủng hộ đại chiến là một việc sai lầm.
Trong tất cả các đảng xã hội dân chủ, chỉ có đảng của Nga là kiên trì điều này, nhưng Nga vẫn tham chiến, và khi tham chiến tất cả những ốm yếu, bất cập của chế độ Sa hoàng thể hiện ra, dẫn tới sự bất bình của người dân. Tất cả các mâu thuẫn ở nước Nga đều bùng nổ : mâu thuẫn giữa tư sản Nga và phong kiến Nga (quý tộc), mâu thuẫn giữa tư sản Nga với công nhân Nga, mâu thuẫn của nông dân Nga với quý tộc về ruộng đất, mâu thuẫn về cách quản lý xã hội. Nga trở thành yếu điểm của toàn bộ hệ thống tư sản châu Âu, vì nó vừa là phong kiến vừa là tư sản, vừa lạc hậu những cũng hiện đại, tư sản ít nhưng lại tập trung, và đặc biệt vai trò của tư bản nước ngoài (đặc biệt là Pháp) rất lớn. Người dân Nga một cổ hai tròng, vừa có quan hệ sản xuất phong kiến, vừa có quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Và thường trong trường hợp này thì nó là tổ hợp của hai cái xấu của hai phương thức sản xuất này hợp lại.
Khi cách mạng tháng 2 nổ ra, đây là một cuộc cách mạng bột phát, và trong thực tế, nếu giai cấp tư sản Nga và phong kiến Nga có cách giải quyết hợp lý, thì sẽ không có cách mạng tháng mười. Điều đầu tiên mà người Nga muốn là chấm dứt chiến tranh. Nhưng chính phủ Kerensky vẫn tiếp tục chiến tranh, vì là con nợ của Pháp và các nước phương Tây.
Vì thế việc Đức thoả thuận vớ Đảng Bôn Xê vích để đưa Lê nin về Nga đúng là có ý đồ nhằm vào phá chính phủ Nga sau cách mạng tháng 2, nhưng không có thoả thuận nào về việc này.
Câu chuyện Đức đưa Lê nin về Nga này rất giống một câu chuyện khác xẩy ra 70 năm sau, đó là câu chuyện giữa Pháp và giáo chủ Khô mê ni (I ran). Chính Pháp đã đưa giáo chủ Khô mê ni về I ran để tạo ra cách mạng hồi giáo. Nhưng chắc chắn không ai dám nói giáo chủ Khô mê ni là tay sai của Pháp, và cách mạng hồi giáo I ran là do Pháp tạo ra. Nó chỉ là một sự lợi dụng không thành công của Pháp.
Như vậy khi cách mạng tháng mười bùng nổ, dẫn đến việc hình thành chính quyền Xô viết, thì hiệp ước Brest-Litov là hệ quả của một tư duy có chiều sâu, là một nhãn quan cách mạng, không phải là một vấn đề chiến thuật hoà ngoài để diệt trong. Dù đúng là hiệp định này đã tạo ra điều đó. Hiệp định Brest-Litov vừa là tư duy của đảng Bôn Xê Vích, vừa đáp ứng yêu cầu của nhân dân Nga, và nó cũng là điều làm cho chính quyền Sô viết khác chính quyền Kerensky. Nếu không thì cách mạng tháng mười khác gì cách mạng tháng hai. Chỉ đổi chủ nhưng không đổi hệ thống. Và chính vì thế cách mạng tháng mười là cuộc cách mạng thực sự, đúng định nghĩa, không phải là loại cách mạng « treo đầu dê bán thịt chó », như loại cách mạng mà các tướng lĩnh miền Nam trước được Mỹ giật dây lật đổ Diệm. Gọi là cách mạng, nhưng thực chất chỉ là đảo chính để giành quyền làm tay sai cho Mỹ.
Cùng với hiệp ước Brest-Litov, chính quyền Xô viết còn làm rất nhiều điều khác, cùng xu hương này, ví dụ công khai và xoá bỏ các hiệp ước bí mật với Pháp, Anh, ..của chế độ Sa hoàng trước.
Sự phản ứng của các lực lượng Tư sản, địa chủ Nga với chính quyền Sô viết đã dẫn tới nội chiến, chứ không phải ngược lại.
Cũng chính vì hoà ước Brest-Litov thể hiện một nhận thức quan hệ quốc tế kiểu khác, đã dẫn tới sự kỳ quặc là hiệp định được ký trước khi Đức thua trận, trong khi nếu hiểu theo kiểu thông thường của ta thì làm thế là .. dại.
Một điều nữa cung nên để ý, là với tâm lý của người VN bây giờ, ta cũng không thể hiểu được đầy đủ về hiệp ước Brest-Litov, bởi vì cách mạng VN là cuộc cách mạng dân tộc, bảo vệ chủ quyền bảo vệ lãnh thổ. Điều này hoàn toàn khác với cảm nhận của người Nga vào thời điểm đó, khi đại chiến xẩy ra là do giai cấp phong kiến và tư bản Nga tạo ra, nó không phải là một cuộc chiến bảo vệ tổ quốc như cuộc chiến thế giới thứ 2 với nhà nước Xô viết sau này. Cho đến nay, dù chính quyền Nga hiện tại là bức tranh lộn ngược của Liên Xô về tư duy, họ vẫn gọi đại chiến thế giới II là chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Và mặc dù tâng bốc Sa hoàng, họ cũng không thể gán cho đại chiến I một cái nhãn đẹp đẽ được.
Ta phải hiểu sự khác nhau này.
(con tiep)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 20 2020, 10:18 PM

Vai trò của Trosky trong cách mạng tháng mười. Theo tuyên truyền của phương Tây từ khi có cách mạng tháng mười thì lô gíc củu sự tuyên truyền này thế nào. Đó là « ca ngợi » , hay công nhận tương đối vai trò của Lê nin, nhưng lại nhằm vào đả phá Staline. Tại sao ? vì Lê nin đã mất vào năm 1924, và những gì xẩy ra ở Liên Xô, đối đầu với Liên Xô tức là đối đầu với Staline. Bỏ Lê nin để chê Staline là hoàn toàn hợp lý. Và muốn như vậy, thì phải tìm được một nhân vật được coi là kế nghiệp Lê nin, nhưng bị loại bỏ. Người đó là Trosky, từ đó mà có việc quy tất cả công lao cho Trosky. Nói một cách khác, Liên Xô đã « phản bội » cách mạng tháng mười do Lê nin mở đầu.
Vì thế những xem việc Trosky đóng góp thế nào cho cách mạng tháng mười, tại sao bị loại bỏ, là một điều rất thú vị. Cũng như bằng cớ ở đâu để phương Tây nói như vậy cũng rất thú vị.
Hiện nay cách tuyên truyền này đã quá đát, cách mới hiện nay ở phương Tây là đả phá cả Lê nin và Staline, coi Lê nin cũng là một dạng Staline. Bởi vì hiện tại vai trò của troskisme ở phương Tây không quan trọng nữa. Gần đây nhất, khi tôi xem sách của Pháp viết về Lê nin, thì nó lại lôi Rosa Luxembourg ra để đối kháng Lê nin, phê phán Lê nin. Rosa Luxembourg cũng là một nhà cách mạng, nhưng đã lãnh đạo các Xô Viết ở Đức thất bại vào năm 1919, cùng với Carl Liebneck. Đã thất bại thì khen dễ hơn, vì không có hậu quả, không kể với các phong trào phụ nữ bình quyền hiện tại ở Tây Âu (kiểu phong trào Me too), thì làm điều này cũng là cách đánh bóng phụ nữ. Đại khái như thế.
Như vậy nếu Trosky là kế tục Lê nin, thì tại sao bị loại ? câu trả lời của phương Tây vì Staline tranh quyền, tức là do đấu tranh quyền lực cá nhân tạo ra. Điều này có thể tồn tại trong mọi tổ chức, mà ở VN vẫn gọi là đấu đá. Nhưng với việc Trosky bị loại khỏi nhà nước Xô Viết, thì đây chỉ là một chuyện rất nhỏ. Thực chất của việc Trosky bị loại bỏ lên quan tới định hướng của cách mạng thàng mười về sau, do tình hình thế giới thay đổi. Và ngay khi Lê nin còn sống, ngôi sao Trosky đã lu lờ.
Người viết đoạn văn trên, đã lặp lại gần như đầy đủ quan niệm tuyên truyền của phương Tây về Trossky
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 20 2020, 11:18 PM

Trosky có phải là nhân vật trọng yếu của cách mạng tháng mười không ? đúng. Nhưng chỉ trong giai đoạn đầu. Chính xác nữa là từ năm 1917 đến năm 1920. Sau đó thì ngôi sao Trosky lu mờ đi. Trosky nổi tiếng vì hoạt động ở thủ đô, và như vậy ông ta cũng đóng góp vào việc chiếm cung điện mùa đông, vốn là biểu tượng của cuộc cachs mạng này trên sách vở, báo chí về sau. Tại sao lại thế, vì sau cách mạng tháng hai, Trosky tham gia vào Xô Viết địa phương ở đây, và đứng đầu Xô Viết ở Leningrad, vì thế khi có khởi nghĩa chiếm cung điện mùa đông, thì rõ ràng vai trò của Trosky quan trọng. Nhưng đừng đi nước bước của cuộc cách mạng, là do Lê nin chỉ đạo.
Một việc nữa hay được nói tới, đó là Trosky là người đã lập ra Hồng quân Liên Xô. Điều này thì tôi không rõ, nhưng cứ lấy đó là sự thật đi, thì không phải Trosky tạo ra được Hồng quân, mà chỉ ghép các lực lượng binh lính theo cách mạng lại. Trong nội chiến, Liên xô có một số tướng giỏi : như Frunze, Vorosilov, .. Trossky thực ra chi đóng vai trò chính trị viên, và ngay ở trong vai trò này, ông cũng không được coi là tướng. Như vạy đóng góp thực tế của Trosky với tôi không rõ. Nhưng cũng không sao, cứ cho là ông ấy là tướng giỏi, là người đã xây dựng hồng quân từ không đến có đi. Vấn đề làm cho ngôi sao Trosky lu mờ là ở chỗ khác, ngoài những điểm này.
Đó là quan niêm của Trosky với vai trò cách mạng tháng mười. Cách mạng tháng mười bùng nổ và được tổ chức lãnh đạo bởi đảng xã hội dân chủ Nga Bôn Xê vích. Đảng xã hội dân chủ Nga nằm trong quốc tế 2 như tôi đã nói, và theo quan niệm lúc bấy giờ, cách mạng tháng mười mở đầu cho các cuộc cách mạng thế giới (tức là châu Âu) vào lúc đó. Và vào thời điểm sau đại chiến I, đúng là có cách mạng ở Đức, ở Hung, phong trào lên rất mạnh ở Ý vào quãng 1918-1919, đến năm 1920 thì đã thoái trào. Trosky là người chủ trương cách mạng thế giới, vì thế các Xô viết được thành lập ở Đức, ở Hung, minh chứng cho điều này. Nhưng vào năm 1920, Hồng quân khi phản công bạch vệ đã đánh vào Ba lan, và theo lý thuyết của Trosky, thì người Ba lan phải nổi dậy hưởng ứng. Nhưng điều này đã không xẩy ra. Kết quả Hồng quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trosky thất bại trước chân thành Vác Xô vi. Như vậy lý thuyết cách mạng của Trosky sai. Không thể có một cuộc cách mạng đồng thời ở khắp nơi. Nhưng Trosky lại chủ chương cách mạng thường trực. Có nghĩa là phải làm cách mạng khắp các nơi cùng đồng thời một lúc, và nhiệm vụ của cách mạng Nga là phải tấn công và làm điều này, rồi sau đó mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế trong lý thuyết của trosky không có chuyện xây dựng nhà nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ, công nghiệp hoá vì đầu tiên phải làm cách mạng trên toàn thế giới đã.
Nếu người Nga làm cách mạng tháng mười, và họ có thể giúp đỡ các phong trào công nhân, thì không bao giờ có chuyện họ phải liều mình hi sinh khắp nơi để làm cách mạng, mà ở chính nhưng nơi ấy người ta không muốn. Ở trên tôi đã nói cứ bám chắc nguyên tắc hoà bình, ruộng đất và bánh mỳ để tìm hiểu chính vì lẽ này.Bởi làm như Trosky khác nào bảo người Nga phải đánh nhau mãi (và như vậy thì khác gì chính quyền Kerensky đanh thuê cho tư bản phương Tây).
Quan niệm này của Trosky đã bị Lê nin đả phá từ trước cách mạng. Vì thế đảng xã hội dân chủ Nga trước cách mạng có 3 phái, phái lớn nhất là Bôn Xê Vích, rồi Men xê vích, và một nhóm nữa mà Trosky đứng đầu, với quan niệm cách mạng thường trực. Nhóm của Trosky đã nhập trở lại đảng Bôn Xê Vích sau cách mạng tháng hai.
Vì thế nói Trosky là kế tục Lê nin hoàn toàn sai.
Vai trò của Trosky có thể quan trọng hơn, và ông ta trở thành người kế tục Lê nin, trong đièu kiện cái nhãn quan cách mạng của Trosky đúng trên thực tế, nhưng đây là điều không tưởng.
Ta có thể chia cách mạng tháng mười thành hai giai đoạn. Giai đoạn cách mạng tháng mười được nhận thức như một khởi điểm tức khắc của một cuộc cách mạng châu Âu bắt đầu nổ ra. Đó là thời gian 1917-1920. Giai đoạn thứ hai là xây dựng Liên bang Xô Viết, và chủ nghĩa xã hội trong một nước (1920 ve sau). Giai đoạn hai này là giai đoạn quyết định, định hình lên nhà nước Xô Viết, với chế độ Liên bang. Và người đóng góp nhiều nhất trong quá trình này là Staline. Do Staline là người coi về vấn đề dân tộc, chính ông là người kiến tạo nên hình thức các cộng hoà liên bang ở Liên Xô. Nhà nước Liên Bang Xô Viết (CCCP) ra đời vào năm 1922.
Ngôi sao Trosky đã bắt đầu tàn từ khi Lê nin còn sống (1920), Lê nin mất năm 1924. Và lý thuyết cách mạng của Trosky cũng không phải là của Lê nin, mà hai bên rất khác nhau.
Như vậy hoàn toàn không có cơ sở nào để kết luận Trosky là người đóng góp nhiều nhất cho cách mạng tháng mười, Trosky là kế tục Lê nin, hay cách mạng tháng mười bị phản bội.
Đây chỉ là tuyên truyền của phương Tây và của phong trào Troskisme về sau.
(còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 21 2020, 11:33 PM

Trosky đã bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị Liên Xô thế nào ? điều này liên quan tới các vấn đề mà việc xây dựng Liên Xô đặt ra vào thời điểm 1924-1930.
Sau năm 1920, khi các phong trào cách mạng ở Tây Âu lụi tàn, thì hi vọng một cuộc cách mạng châu Âu không là hiện thực. Và từ đó đặt ra vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước. Điều này đã được Lê nin chỉ đạo. Nó có mấy điểm sau :
1- Đặt lại quan hệ ngoại giao với các nước tư bản phương Tây, và điểm thắng lợi của Liên Xô là đã tham gia vào hiệp hội thế giới (société des nations), tiền thân của Liên hợp quốc. Việc này xẩy ra ở locarno (Thuỵ sĩ) 1922.
2- Trước đây, nếu cách mạng Nga đề cao vấn đề dân tộc tự quyết, và chính vì thế Phần lan đã tách khỏi Nga thành một nước độc lập, thì các thuộc địa cũ của Nga, trở thành các nước cộng hoà của Liên bang. Người đặt cơ sở cho điều này là Staline, vì ông ấy là người Georgie, và đồng thời cũng là bộ trưởng về vấn đề dân tộc. Hiện nay những lý thuyết về dân tộc của Staline vẫn có giá trị. Đấy là cơ sở để cho những nước theo truyền thống xã hội chủ nghĩa ngay cả như ở VN áp dụng. Việc ở VN tạo ra chữ viết cho các dân tộc anh em trong cộng đồng người VN, khai thác, bảo tồn văn hoá dân tộc của các cộng đồng người, chính là tư duy này. Bây giờ với tư duy kinh tế thị trường, cả nước là một thị trường thống nhất, coi mỗi người là một công dân là sự bổ xung cho vấn đề dân tộc này rất là tốt.
3- Chính sách kinh tế NEP, tức là thực hiện kinh tế thị trường, với các ngành công nghiệp quan trọng nằm trong tay nhà nước, nhưng về nông nghiệp, nông thôn là kinh tế thị trường.
4- Công nghiệp hoá, lấy công nghiệp nặng làm chủ chốt. « Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hoá » là một ví dụ.
5- Tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, chống quan liêu. Cái này thì giống như Bác Hồ về sau nói về « sửa đổi lề lối làm việc ». Chống chủ nghĩa « đại Nga ».
6- Giúp đỡ các phong trào giải phóng dân tộc (luận cương thuộc địa của Lê nin, mà nhờ có nó mà Bác Hồ mới tìm cách sang Nga). Ngược lại Trosky thì chủ trương làm cách mạng vô sản ở châu Âu là chính, cách mạng là đặc quyền của các nước tư bản phát triển ở Tây âu. Và tất nhiên không có vấn đề chủ quyền dân tộc, giải phóng dân tộc.
Như vậy từ năm 1920, với tư duy cách mạng liên tục (một cách giáo điều, liều mạng), tư duy của Trosky đã là thiểu số ở Liên Xô. Nhưng điều này vẫn không dẫn tới việc Trosky bị loại bỏ, mà có nhưng vấn đề trong phát triển NEP của Liên Xô tạo ra đã dẫn tới điều này.
(còn tiếp)

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Oct 22 2020, 10:40 AM

Bác Phó có thể giải đáp giùm em, chữ "Xô Viết" có nghĩa là gì?

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 22 2020, 05:32 PM

@nvt,
Câu hỏi này rất hay, vì câu trả lời sẽ giúp người ta phân biệt giữa chủ nghĩa Mác-Lê và chủ nghĩa Trosky. Thú thật tôi cũng hơi ngạc nhiên vì câu hỏi này, vì tôi tưởng ai quan tâm đến các vấn đề trên đều biết Xô viết là gì.
Xô viết là từ tiếng Nga dùng để chỉ một hình thức tự quản về kinh tế và hành chính. Nếu dịch ra tiếng việt thì ta gọi là công xã, giống như khi gọi « công xã Paris ». Nhưng nó không phải là công xã theo kiểu hiểu truyền thống ở Vn theo đạo Nho, vốn dùng để chỉ một cộng đồng làng xã phân chia ruộng công điền, như trong nguyên tắc của Mạnh Tử.
Hình thức Xô viết này không bắt đầu từ Nga, mà có xuất phát điểm từ Pháp, từ công xã Pa ri (1870), như tôi nói ở trên. Cụ thể là trong các cơ sở sản xuất, ví dụ nhà máy, công nhân đuổi chủ đi, tự quản, theo hình thức dân chủ cơ sở. Đây là điều xẩy ra ở Nga vào thời điểm cách mạng tháng hai, sau cách mạng tháng mười thì hình thức này dần chấm dứt chuyển sang sở hữu nhà nước.
Hình thức tự quản kiểu này, về lý thuyết cũng bắt đầu từ Tây Âu, trong các phong trào Vô chính phủ từ thế kỷ XIX. Mà một đại diện nổi tiếng là Ba cu nin (Bacunin).
Sau này, trong các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả VN, có xây dựng các hợp tác xã, chính là một biến thái của nó, nhưng việc quản lý chặt hơn.
Hiện tại ngay ở VN, chính xác hiện tại thì tôi không rõ, nhưng việc các trường đại học quốc gia tự bầu hiệu trưởng, ban giám hiệu điều hành cũng là từ truyền thống này, hay trong các cơ sở công nghiệp sở hữu quốc gia có việc công đoàn cùng tham gia điều hành với ban giám đốc cũng là ảnh hưởng từ đây.
Hiện nay ước mơ quản lý kiểu công xã tổng thể này vẫn là « chân trời cách mạng » của các lý thuyết cách tả ở Tây Âu, ngay cả với nhóm Trosky, nhưng trong thực tế nó vẫn là một ước mơ ảo tưởng cho tới hiện tại. Vì thế nó không được áp dụng trong thực tế, mà chỉ được dùng một phần nào, và cũng chỉ tồn tại ở những nước có truyền thống XHCN như VN.
Cũng phải hiểu là trong chế độ tư hữu tổng thể của giai cấp tư sản như ở Tây Âu và Mỹ thì điều này hoàn toàn không có, vì ở đây chủ sở hữu quyết định tất cả. Giữa Tây Âu và Mỹ cũng có sự khác biệt, đó là ở Tây Âu chủ sở hữu bị hạn chế về các luật lao động nhiều hơn. Ngược lại với ở Mỹ thì người lao động không có quyền gì. Vì thế chính quyền như ở Mỹ thực ra là chuyên chính tư sản, nhưng nó được gọi là dân chủ, còn bản chất là chuyên chính.
Hiện nay ở VN, từ sau khi có đổi mới, với việc xuất hiện các hãng tư nhân, thì quyền của chủ sở hữu cao hơn, và trong nhiêu trường hợp, tôi không nghĩ là các luật lao động được đảm bảo, nhưng ở đây văn hoá và thói quen cộng đồng đã giúp VN giảm được các ức chế do việc sở hữu công cụ sản xuất kiểu này mang lại, nhưng điều này người Vn không biết mà lại tưởng nó là « tự nhiên như thế ».
Trở lại câu chuyện Liên Xô, từ sau cách mạng tháng hai thì các Xô viết tự quản kiểu này mọc lên ở khắp nơi, khiến chính quyền trung ương của Kerensky không quản lý được, đồng thời các cơ chế cứng của nhà nước Sa hoàng cũ chính quyền này cũng không nắm được do mâu thuẫn về định hướng chính trị, hai bên chỉ hợp với nhau về việc tiếp tục chiến tranh đánh thuê trả nợ thôi, còn về định hướng nhà nước thì một bên muốn dân chủ tư sản, một bên muốn khôi phục Sa hoàng.
John deed, người viết cuốn « mười ngày rung chuyển thế giới » mà người viết bài trên có để ở dưới đã mô tả rất sinh động về cái nhà nước dân chủ tư sản không đế này. Nhưng cái này tôi nói sau.
Hình thức Xô Viết tự quản tổng thể này không thể tồn tại như một nhà nước, vì bản chất của nó là rối loạn (tức là vô chính phủ), và nó cũng không thể giúp phát triển kinh tế, vì thế nó được thay bằng hình thức tập trung dân chủ tức là nhà nước Xô Viết, và sau này trở thành dân chủ nhân dân, mà người ta vẫn quen gọi là chuyên chính vô sản.
Vì thế mới có chuyện rất buồn cười rằng, bản chất nhà nước ở VN là một nhà nước dân chủ. Dân chủ ở cơ sở, nhưng lên trên thì tập trung, tức là một đảng. Ở Tây Âu và Mỹ, ở cơ sở không có dân chủ, nó là chuyên chính của chủ tư sản, nhưng giữa chủ tư sản với nhau ở mức độ « kiến trúc thượng tầng » thì nó lại .. dân chủ, hay nói cách khác các lợi ích nhóm của giai cấp tư sản này sử dụng lá phiếu của dân làm trọng tài, chứ không rút súng bắn nhau khi đụng chạm quyền lợi, nhưng định hướng quyền lợi chung là của giai cấp tư sản.
Bây giờ nếu áp dụng hê thống chính trị tư sản vào VN, thì nó chỉ có rối loạn, vì không có yếu tố cơ cấu nào để tập trung cả.
Lại trở lại với câu hỏi Xô Viết. Sau năm 1945, thì có một nước áp dụng chính sách hợp tác xã một cách tổng thể, đó là Nam Tư. Còn các nước XHCN khác thì hình thức này được áp dụng cho nông nghiệp. Còn công nghiệp và dịch vụ thì là sở hữu nhà nước.
Hiện nay ở VN cũng thấy nói tới xây dựng hợp tác xã mới, vì hình thức hợp tác xã kiểu cũ kia không còn, do chính sách khoán vì thế nó gần với hình thức hợp tác xã của phương Tây hơn. Thực ra nó là một cơ chế cung cấp dịch vụ (cung cấp thuốc trừ sâu, bơm nước, xay sát, ..), còn sản xuất vẫn được khoán, tức là giao cho nông dân. Khoán tức là giao quyền sử dụng thay bằng tư hữu (sổ hồng thay sổ đỏ), vì không có quyền sử dụng vĩnh viễn mà có thời hạn. Có lẽ một hợp tác xã kiểu mới này chính là Sài gòn cô ốp (tổ chức hợp tác thương mại) giống như cái « Centre Leclerc » (đây là tên một dạng hợp tác xã tư nhân ở Pháp).
Tóm lại, Xô viết là hình thức tự quản tự phát của công nhân tạo ra sau cách mạng tháng 2 ở Nga. Và sau cách mạng tháng mười thì nó được tổ chức lại « tập trung ở trên đầu, dân chủ ở dưới », và chính vì thế mà tên gọi nhà nước là nhà nước Xô Viết, hay Liên Xô.


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 23 2020, 10:27 PM

Ở VN khi học về cách mạng tháng mười, thì có nói tới NEP, nhưng sau đó nó biến mất thế nào thì lại không nói. Câu chuyện này xẩy ra sau khi Lê nin là người khởi xướng nó mất, nếu Lê nin còn sống, thì sẽ rất thú vị là xem giải pháp của ông thế nào. Chính sách kinh tế NEP đã giúp khôi phục lại kinh tế Liên Xô sau nội chiến, nhưng nó lại làm nẩy sinh vấn đề rối loạn thị trường do sự cập kênh giữa công nghiệp và nông nghiệp. Do nhu cầu an ninh quốc phòng, ngay từ đâu Liên Xô đã chú ý phát triển công nghiệp nặng, chứ không phải công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng. Từ đó dẫn tới việc cung cầu cho đô thị rất khó khăn, giá cả lương thực hàng tiêu dùng cao. Do cơ chế thị trường, người nông dân chỉ bán lương thực khi họ có thể mua hàng tiêu dùng, nhưng hàng tiêu dùng không có, do làm công nghiệp nặng. Trong lúc đó Liên Xô cần tích luỹ vốn để đầu tư cho công nghiệp, nhưng công nghiệp lại không « lại quả » được. Đầu tư cho công nghiệp, cũng tức là đô thị hoá, từ đây lại dẫn tới vấn đề cơ chế phân phối bất cập gây khan hiếm hàng hoá tiêu dùng ở thành thị.
Trước vấn đề này thì có ba phái trong đảng ở Liên Xô đấu nhau. Đó là phái tả do Trosky cầm đầu (gọi bằng tiếng pháp là opposition de gauche) coi đó là sai lầm do không làm cách mạng thế giới mà ra. Còn một phái khác, có thể gọi là phái hữu, thì lại ủng hộ nông dân và đồng ý với công nghiệp hoá xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước (phái Bu kha rin), và phái ở giữa là Staline. Hình thái tư tưởng này thực ra là phản ánh đúng hiện trạng xã hội Nga lúc đó.
Phái của Trosky bị loại trước, vì có sự liên minh của đa số do Staline đứng đầu với phái hữu, vì cả hai đồng quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước. Cũng bởi vì do « cách mạng thường trực », nên phái Trosky kích động công nhân chống chính quyền Xô Viết, coi chính quyền Xô viết cũng như chính quyền tư sản, dựa vào khó khăn kinh tế ở thành thị Liên Xô lúc đó, và cũng vì đã không làm cách mạng thế giới.
Đầu tiên, Trosky bị đưa xuống vùng Trung Á. Nhưng sau đó Trosky được xuất ngoại và sang Thổ Nhĩ kỳ. Khi ở Thổ, Trosky vẫn sống với tiền của nhà nước Xô viết cung cấp qua sứ quán của mình ở đây. Chỉ tới khi Trosky lập ra quốc tế 4, quốc tế lấy nhiệm vụ chống Liên Xô là chính, thì mới bị cắt cầu, và lúc này ông sang Mê xi cô. Ở Mê xi cô, Trosky tá túc ở nhà một hoạ sĩ nổi tiếng người Mễ (Mexico) có xu hướng cộng sản, Diego Rivera. Điều kỳ lạ là Diego Rivera và vợ ông Frida đều là thành viên của đảng cộng sản Mễ, và cả hai đều là những hoạ sĩ nổi tiếng nhưng lại nuôi một ông Trosky chống cộng.
Cũng chính ở đây Trosky bị ám sát bởi một đảng viên cộng sản Mễ, mà phương Tây nói là nhân viên tình báo của NKVD, tức là phản gián Liên Xô, là tiền thân của KGB sau này. Vụ ám sát này còn « giật gân » bởi được thực hiện bằng vũ khí thô sơ, Trosky bị đập đầu bằng búa hay rìu, bị thương nặng và mất hôm sau ngày bị đánh.
Nhân thể cũng nói luôn là sau đó phái của Bu kha rin cũng bị loại, bởi vấn đề là không thể để thị trường tự do về nông nghiệp, vì với cơ chế thị trường tự do này, nhà nước Liên Xô không thể huy động được vốn để công nghiệp hoá. Vì thế mà có việc tập thể hoá nông nghiệp. Lý do này là lý do ẩn dấu, còn có một lý do nữa cũng quan trọng không kém, đó là quan niệm chủ nghĩa xã hội chỉ dựa trên sở hữu nhà nước về công cụ sản xuất. Quan niệm này cũng không phải hoàn toàn từ Nga mà cũng xuất phát từ phương Tây, cụ thể là Pháp, với các nhà xã hội không tưởng như Pơ ru đôm(Proudhom). Vì thế người ta mới nói rằng chủ nghĩa Mác là tập hợp của kinh tế học Anh, Triết học Đức, tư tưởng chủ nghĩa xã hội Pháp.
Từ đó hình thái kinh tế mà công cụ sản xuất hoàn toàn trong tay nhà nước, cũng như kế hoạch hoá nền kinh tế là cái mác của chủ nghĩa xã hội kiểu cũ.
Chính sách NEP của Lê nin bị bỏ là như vậy. Cho tới nay, khi nói về những chuyện này, phương Tây thường nhìn nhận nó như một loại đấu đá giành quyền lợi cá nhân của Staline với các nhân vật chính trị khác của Liên Xô, vì xuất phát điểm của tư duy phương Tây là quyền lợi cá nhân tổng thể. Và phân tích như thế thì bôi nhọ dễ hơn, cũng như che đi được nguyên nhân thực sự, vì với phương Tây chỉ có tư tưởng của họ là đúng còn lại là sai hết, đây là một dạng định kiến tạo ra. Nhưng ở đây thực ra là một định hướng phát triển, và đường hướng nào hợp với điều kiện hoàn cảnh, tâm lý, nhận thức lúc đó.. thì sẽ được chấp nhận chứ không phải hoàn toàn là Staline xảo quyệt hay độc ác. Tiểu xảo cá nhân nếu có chỉ đóng góp một phần thôi.
(Còn tiếp)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 23 2020, 10:29 PM

Hiện nay, nếu nhìn lại, thì người ta sẽ thấy chính sách kinh tế đa thành phần của VN và TQ có cái gì đó giống NEP của Lê nin, thậm chí còn đi xa hơn. Và người ta có thể đặt câu hỏi là tại sao lúc đó Liên Xô không đi tiếp con đường này. Trong thực tế, thì với điều kiện lúc đó, Liên Xô không thể làm khác. Trong một nền kinh tế thị trường, tất cả đều tính theo tiền. Phương Tây có thể tích luỹ tư bản bằng tiền để phát triển khi đi bóc lột thuộc địa, thậm chí diệt chủng, như diệt chủng người da đỏ ở châu Mỹ, nhưng Liên Xô thì không thể làm thế được. Cách công nghiệp hoá của Liên Xô có thể bù trừ việc thiếu vốn này bằng cách huy động tổ chức hành chính. Cũng như việc phát triển công nghiệp nặng nhằm vào nhu cầu quốc phòng không tính đến lỗ lãi, mà cần kế hoạch hoá, để có hiệu quả cao nhất, vì khác với hàng hoá tiêu dùng, về quốc phòng người ta có thể biết mình cần tới cái gì, khi nghiên cứu đối thủ tiềm năng đang làm gì, định làm gì.
Hình thức kinh tế như vậy là một hình thức kinh tế thời chiến. Sau thời Staline, vào thời Khơ rút xốp trở đi, Liên Xô bắt đầu quan tâm tới vấn đề hàng hoá tiêu dùng hơn, nhưng cho tới tận thời điểm tan rã, hàng hoá tiêu dùng và hệ thống phân phối hàng hoá vẫn là yếu điểm của Liên Xô.
Vào thời điểm cuối của Liên Xô, có chuyện ngược đời là dân có tiền mà không biết tiêu vào việc gì, vì không có hàng tiêu dùng. Tạo nên nỗi niềm sung sướng cho người VN đi lao động bên Nga. Vì người Vn mình vốn khôn lỏi, nên lập tức đánh hàng sang. Một cái quần Jean có thể đổi được tháng lương, rồi phấn sáp phụ nữ, đồng hồ điện tử.. Nếu không mang hàng từ VN sang được thì đi buôn từ nơi này sang nơi kia.
Cách công nghiệp hoá của Liên Xô, tức là dùng cơ chế hành chính thay tiền vốn không phải không có hiệu quả, vì rõ ràng từ một nước phong kiến, tư sản què quặt, Liên Xô đã vươn lên thành cường quốc công nghiệp, trong một điều kiện bị bao vây rất khó khăn. Nhưng mặt trái của nó chính là quan liêu, bao cấp.
Ở VN ta có cả hai thời kỳ này. Đó là thời kỳ công nghiệp hoá bao cấp (1975-1986), và thời kỳ công nghiệp hoá theo cơ chế thị trường (1986 – bây giờ), cho nên tôi sẽ lấy luôn kinh nghiệm VN làm ví dụ để thấy sở trường sở đoản của chúng.
Thời kỳ công nghiệp hoá bao cấp đã giúp VN có một số cơ sở vật chất quan trọng để củng cố nhà nước : thuỷ điện sông Đà, Khai thác dầu khí Việt – Xô là những điểm sáng. Hiện tại sở dĩ VN vẫn độc lập được trong khi độ mở của nền kinh tế cao, có lẽ cao nhất thế giới hơn cả Pháp, vì trao đổi hàng hoá của riêng VN với quốc tế đã hơn cả toàn châu Phi, trong đó các đầu tư quốc tế đóng vai trò quan trọng, mà vẫn không bị thành một loại « cộng hoà chuối », bị các hãng nước ngoài chi phối chính trị là nhờ ở đây. Tất nhiên nó có cả các yếu tố chính trị, ngoại giao khác mà tôi từng nói tới.
Cách huy động nhân lực kiểu này tiết kiệm được tiền vốn, và hiệu qủa với các công trình lớn, nhưng với những công trình nhỏ, thì tác động của quan liêu (do quá trình điều hành hành chính gây ra) sẽ làm nó bớt hiệu quả.
Vào thời gian này, VN cũng bị vấn đề khan hiếm hàng hoá tiêu dùng.
Thực ra nếu thời kỳ này ở VN được kéo dài hơn, trong một tình hình bình ổn hơn, như không có chiến tranh biên giới, hay bị bao vây,chỉ cần tương đương như các nước Đông Âu cũ, thì vị thế của nội lực VN còn tăng hơn nữa, và tiếp vào thời mở cửa (1986) một cách thuận lợi hơn nữa.Chính vì thế nếu Bắc Triều Tiên hoà giải được với Mỹ, thì họ sẽ tiến vượt ông Hàn Quốc. Không kể nếu Bắc Triều Tiên Hàn quốc thống nhất thì họ sẽ thành cường quốc hạng trung, tương đương với Pháp, Đức, Nhật bây giờ, thậm chí còn hơn cả Đức, Nhật, vì họ có cả vũ khí hạt nhân.
Từ khi có kinh tế thị trường, cách thức này có lợi là mềm dẻo, huy động được vốn xã hội, và do bản thân thị trường VN nhỏ, sức mua yếu, nhưng lực lượng lao động lại dồi dào, đã khiến việc mở của VN chỉ có lợi cho nước ngoài khi nó tái xuất khẩu, nhưng nó cũng gây khó khăn cho Vn về lâu dài nếu muốn có mảng « dân tộc » trong lực lượng sản xuất xã hội này (tức là mảng tư nhân VN).
Nhưng kinh tế thị trường cũng khiến cho việc định hướng kinh tế, huy động nhân lực khó khăn hơn.
Với tình hình hiện nay, tức là toàn cầu hoá, hội nhập, thì cơ chế thị trường là cơ chế duy nhất phù hợp, nhưng người ta có thể nhận thấy là phát triển công nghiệp nặng (bây giờ có thể gọi là công nghiệp cơ bản, công nghệ nguồn, hạ tầng..) vẫn cực kỳ quan trọng. Các nước được lợi trong quá trình toàn cầu hoá đều là những nước có một quá trình công nghiệp hoá kiểu Liên Xô này, tức là quy hoạch hoá phát triển công nghiệp nặng. (Ấn độ, TQ, Hàn quốc, Đài loan, ..) Đặc biệt nếu so sánh Đài, Hàn với Thái, Phi thì càng thấy điều này rõ rệt. Các nước này đều theo kinh tế thị trường từ đầu, nhưng Thái, Phi không có dạng chính phủ kiến tạo, tức là không có sự can thiệp của nhà nước để tạo công nghiệp nặng thì cũng không phát triển được. (Hiện tại, theo dự báo thì VN có thể vượt Phi trong năm tới, trong khi Phi có điều kiện hoà bình từ 1948, đồng minh với Mỹ, dân chủ tư sản, đúng như nhưng gì lề trái mong ước cho VN nhưng vẫn ỳ ạch, trong khi VN chỉ có hoà bình thật sự từ năm 1991, lại trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc 30 năm).

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 27 2020, 12:25 AM

Tôi sẽ nói tiếp ở đây về John Deep, sau đó sẽ nói về nhận thức của Troskisme thế nào, từ đó tìm hiểu nó ảnh hưỏng thế nào trên thế giới. Nhưng điều này sẽ giúp hiểu Troskisme ở VN ra sao. Nhưng điều này bổ xung vào những gì tôi đã nói về Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, ..Su đó sẽ nói về Staline, rồi .. thơ Tố Hữu và kết thúc.
Hiện tại tôi giải độc ở chủ đề này, nhưng nó không phải là điều tôi đang tìm hiểu hiện tại. Hiện tại tôi đang ngâm cứu triết học Nhật, Nishida, Masao, ..trước đây, khi ngâm cứu Phật giáo, tôi vẫn tìm cách đưa nó thành một triết lý, một phương pháp triết học để sử dụng, giống như tôi sử dụng chủ nghĩa Mác-Lê nin. Bây giờ tự nhiên tìm đươc Nishida, thì thấy ông ấy đã làm chuyện này từ trước rồi, từ những năm 30 của thế kỷ XX.
Chính vì thế, tôi chỉ viết những gì tôi giữ lại làm nhận thức riêng, giống như rút trong hộc tủ ở trong đầu ra viết.
John Deep là người tôi đã biết tên từ bé, khi đọc lịch sử về cách mạng tháng mười. Lúc đó tôi đã rất tò mò muốn tìm quyển sách của ông « mười ngày rung chuyển thế giới » để đọc. Nhưng mãi sao này, có lẽ tính từ thời điểm tôi muốn tìm đọc đến lúc có quyển sách ấy và đọc nó cũng cách nhau tới 20 năm. Nhiều quyển sách tôi tìm cũng có số phận như thế vị dụ như quyển « Red flag over China » cũng vậy, tôi biết tên lúc đọc về đảng cộng sản TQ, nhưng mãi về sau mới tìm được. Không nhưng tôi kiếm được quyển 10 ngày rung chuyển thế giới, mà còn kiếm được một quyển khác, cũng của John Deep viết về cách mạng Mexico. John Deep là một nhà báo Mỹ, nhưng bài báo của ông viết khi cách mạng tháng mười bùng nổ ở Nga, đã được tập hợp lại thành quyển sách này. Nó có tiếng vang rất lớn ở Mỹ. Không những là nhà báo, mà điều đặc biệt là ông còn tham gia. Nên có thể nói John Deep là người cộng sản Mỹ đầu tiên (trước khi khái niệm cộng sản ra đời lúc Lê nin thành lập Quốc tế thứ 3).
Bây giờ hãy tưởng tượng có một người như John Deep sang VN, ở Hà nội, ở vào đúng thời điểm ông Đinh La Thăng hô hào đổi giờ làm việc để giải quyết vấn đề giao thông. Kiểu con đi học ban ngày, bố đi làm ban tối, »mỗi lời anh là một mệnh lệnh » như đồng sự của ông Thăng khai sao này ở tòa .. (tôi nói kiểu trào phúng), rồi tập hợp lại viết thành quyển sách « mười ngày rung chuyển Hà nội » , rồi bỗng nhiên quyển sách ấy trở thành nổi tiếng, và người ta biết về Hà nội qua quyển sách ấy, thì người ta sẽ thấy ông Đinh La Thăng thế nào ? có phải như một lãnh tụ kiệt xuất của Hà nội không ? làm sao biết ông ấy là « Trâu trắng đi đâu mất mùa tới đấy ».
Câu chuyện có vẻ hài hước này, chính là số phận của quyển sách viết về cách mạng tháng mười của John Deep. Nó cũng chỉ ra rằng báo chí khác với lịch sử. Báo chí là khoảng khắc , như một tấm ảnh chụp vào một thời điểm. Nó không phải là lịch sử. Quyển sách của John Deep đã được sử dụng như một quyển sử, trong khi đó nó chỉ là một tập phóng sự. Lịch sử có thể thu thập tài liệu qua báo chí. Nhưng báo chí không phải là lịch sử. Ngay cả John Deep khi viết, cũng không thể có tầm nhìn để phân tích được. Và tôi có thể khẳng định điều này, bởi quyển về cách mạng Mexico, kém nổi tiếng hơn cũng vậy.
Do quyển sách viết về mười ngày đầu cách mạng tháng mười, mà hình ảnh của Trosky rất nổi bật, vì lúc này là lúc ông ấy « show hàng » như ở VN nói bây giờ. Hàng của Trosky là hàng thật, không phải là hàng rởm (tức là đóng góp của Trosky với cách mạng tháng mười lúc này là thật), nhưng John Deep làm sao biết được hoạt động bên trong của đảng Bôn Xê Vích, vì không phải người nào « show hàng » cũng là người quan trọng nhất.
Cái này ta cũng có thể lấy ví dụ trong lịch sử VN. Với một người VN bình thường, ai cũng biết vai trò của ông Lê Duẩn trong kháng chiến chống Mỹ, ông thực ra là kiến trúc sư của cuộc kháng chiến này (tất nhiên không phải một mình), nhưng tên tuổi ông có nổi trong báo chí phương Tây đâu.
Quyển sách của John Deep đóng vai trò rất lớn quảng bá cho cách mạng tháng mười ở phương Tây, và qua đó cũng làm Trosky nổi danh. Nổi hơn vai trò thực của ông.
Sau này khi Trosky lập quốc tế 4 (VN gọi là đệ tứ quốc tế) chống Liên Xô, thì tên tuổi của Trosky bị gạt bỏ khỏi chính sử của Liên Xô, và quyển sách của John Deep có lẽ cũng vậy. Tôi nói cũng vậy vì không biết nó có được xuất bản không ? hay xuất bản rồi mà không xuất bản lại nữa. Nhưng điều đó càng làm nó nổi tiếng ở phương Tây, như một bằng chứng về sự tài giỏi của Trosky.
Vì thế muốn tìm hiểu về Staline và Trosky phải tìm hiểu lịch sử đảng cộng sản Liên Xô, phải dài hơi hơn. Vì nếu không sẽ ngộ nhận.
Cũng phải bổ xung ở đây là khi tôi lấy cái ví dụ « mười ngày rung chuyển Hà nội », ở đây tuyệt đối không có sự đánh đồng ông Đinh La Thăng với Trosky, tôi lấy ví dụ, vì cả hai đều thuộc loại « biết show hàng » mà thôi, và tất nhiên Trosky có hàng thật, còn khả năng Đinh là Thăng là hàng giả rất lớn.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 28 2020, 06:18 AM

Chủ nghĩa Troskisme có gì khác với chủ nghĩa Mác – Lê nin, và tại sao có vấn đề chủ nghĩa Troskisme đối đầu với chủ nghĩa Mác – Lê nin như là kẻ thù. Đây là điều tôi quan tâm nhất, đặc biệt ở vấn đề nhận thức, vì ở Pháp hay ở phương Tây nếu nghiên cứu chủ nghĩa Mác, chắc chắn đụng hàng Troskisme nếu không thì Mác « xiên » (Marxien), tức là một cách hiểu chủ nghĩa Mác theo dân chủ tư sản, lấy Mác thời trẻ chống Mác thời về sau.
Do tất cả các chủ nghĩa này đều dùng chung một « ngôn ngữ » (hiểu ngôn ngữ như là những giá trị được công nhận, như đấu tranh giai cấp, duy vật biện chứng, ..) nên rất dễ nhầm chúng với nhau. Bản thân tôi cũng mua một quyển về lịch sử VN do Ngô Văn viết « Cách mạng và phản cách mạng giai đoạn 1935-1940 », nhưng mãi sau mới biết Ngô Văn là một học giả Troskiste. Có lẽ Ngô Văn là học giả cuối cùng gốc VN theo chủ thuyết này, ông ta đã mất cách đây mấy năm, và tin này có đưa trên báo Pháp, nên trong những người quan tâm tới chủ nghĩa Mác và các tông phái của nó (nếu nói được như vậy) đều biết. Quyển sách trên có lẽ cũng là quyển sách duy nhất của ông. Và ông cũng không sống bằng ngòi bút mà lại là công nhân nhà máy ô tô Renault ở Pháp. Đây cũng là điều đặc biệt, vì thường các nhân vật Troskiste thường là tiểu tư sản, trí thức, chứ ít khi là công nhân.
Hiện nay ở Pháp vẫn còn hai đảng Troskisme, lần nào tranh cử tổng thống Pháp cũng xuất hiện, nhưng số phiếu bầu thu về không hơn 1%
Mặc dù dùng duy vật biện chứng, nhưng điều đặc trưng nhất của chủ nghĩa này là chống Liên Xô. Họ coi Liên Xô giống như một nhà nước tư bản, và trong thực tế, việc chống Liên Xô là chủ yếu, trong khi cũng chống cả chủ nghĩa tư bản, nhưng là thứ yếu. Đối với một người Troskisme thì phải làm cách mạng thế giới đã. Vì thế ở đây không có vấn đề « xây dụng chủ nghĩa xã hội », hay « thời kỳ quá độ ». Chính vì thế mới có lý thuyết « cách mạng thường trực ». Tư duy chủ nghĩa này cũng có quan niệm chỉ có tư bản và công nhân. Không có vấn đề liên minh giai cấp công nhân – nông dân – trí thức như trong chủ nghĩa Mác – Lê..
Về mặt tổ chức, nếu Troskisme tự coi mình là theo Lê nin, thì việc tổ chức lại không theo hình thức này, và cũng vì sau tố cáo Liên Xô là quan liêu, đã dẫn tới việc « dân chủ trực diện, trực tiếp », chính vì thế mà bây giờ rất khó tách biệt Troskisme với hình thức vô chính phủ. Cũng do quan niệm tổ chức này mà ở phương Tây chỉ tồn tại các nhóm Troskisme nhỏ, chứ không tạo thành một tổ chức quần chúng lớn. Vì « ba người ngồi với nhau thì đã thành cái chợ » nếu không có tổ chức
Những điểm này, người ta cũng nhận thấy trong các nhóm Troskisme từng tồn tại ở VN về tổ chức : Trương Tửu, nhóm Hàn Thuyên (ngoài Bắc), hay nhóm Tạ thu Thâu, Phạm văn Hùm, Hồ Hữu Tường (miền Nam). Với 3 người ở miền Nam thì cũng đã là ba nhóm và mâu thuẫn với nhau.
Như vậy, nếu cùng về một vấn đề phê phán phân tích một hiện tượng trong xã hội tư sản, thì sự khác biệt của Troskisme với Mác – Lê không khác nhau bao nhiêu, và rất khó phân biệt. Người ta chỉ có thể nhận thấy nó có vẻ cực đoan hơn, mạnh mồm hơn, và đặc biệt không có giải pháp. Chính vì thế mà phong trào công đoàn Pháp không có ảnh hưởng Troskisme lắm cho tới tận gần đây, do khi đưa ra yêu sách cực đoan, bất khả thi, « không khoan nhượng », thì ông đã là đầu mối của thất bại. Nhưng rất gần đây, thì ảnh hưởng của Troskisme lại có vẻ tăng. Nguyên nhân ? bởi hiện tại ảnh hưởng của tư duy cá nhân chủ nghĩa cao hơn , ở phương Tây các phong trào công đoàn truyền thống bị dỡ bỏ, khiến giới chủ chiếm phần thượng phong, hàng loạt các biện pháp xã hội có lợi cho người lao động bị xóa bỏ, khi các phong trào truyền thống ở Tây Âu (công đoàn, đảng cộng sản) không còn là công cụ để người lao động bảo vệ được mình nữa thì tính cực đoan của tư duy Troskisme lại có tác dụng như một lời kêu gọi, vì nó « không khoan nhượng ».
Gần đây, ở Bơ ra zin, có đảng lao động của Lula nắm quyền gần hai nhiệm kỳ, và nếu tôi không nhầm thì đảng này là một đảng Troskisme. Nhưng có lẽ giữa Troskisme của Trosky và Troskisme bây giờ cũng rất khác nhau. Nhưng tôi không có tài liệu và cũng không phải là điều tôi quan tâm nên không rõ.
Theo tôi thì vai trò của tư tưởng Troski nguyên bản không quan trọng trong các phong trào Troskisme, khác với vai trò của Lê nin trong chủ nghĩa Mác – Lê nin, hay tư tưởng Mao trạch Đông trong chủ nghĩa Mao. Tôi đã từng đọc một quyển sách của chính Troski viết, phê bình về vấn đề quan liêu ở Liên Xô, nhưng đọc rất chán. Hiện tại tôi cũng có quyển hồi ký của Troski viết, do tôi mua trong một tiệm sách có xu hướng vô chính phủ, nhưng đọc một tý cũng bỏ chưa đọc hết.
Hiện tại có thể nói troskisme xâm nhập vào tất cả các phong trào phái tả ở dạng không tổ chức ở phương Tây (ít ra là Pháp) vì tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản của nó, nhưng ảnh hưởng troskisme thật như thời Troski còn sống hay vào giai đoạn 30-40 của thế kỷ trước thì không còn, vì cái lý do để nó tồn tại dưới dạng như vậy là Liên Xô không còn nữa.
Nếu chủ nghĩa Troskisme ảo tưởng trong một cuộc cách mạng thế giới, thì có những điều nó phê phán Liên Xô cũng không sai, ví dụ vấn đề quan liêu. Bản thân vấn đề này cũng được Lê nin nói tới, rồi ở VN, Bác Hồ cũng nói tới. Ở TQ, đây chính là một nguyên nhân dẫn tới Đại cách mạng văn hóa vô sản (1966-1976) chứ không đơn giản là cuộc tranh giành quyền lực của Mao Trạch Đông.
Nhưng nếu nó phê phán điều này đúng, thì cái giải pháp nó đưa ra lại sai, tức là làm một cuộc cách mạng, cách mạng liên tục. Với tôi thì đại cách mạng văn hóa vô sản ở TQ chính là tư duy Troskisme, Khơ me đỏ chính là một biến dạng của Troskisme.
Ngay cả vấn đề « cách mạng thường trực » cũng không phải là hoàn toàn sai, tùy theo cách hiểu. Nếu hiểu là liều mạng « xuất khẩu cách mạng », hành động cực đoan như Troski và Troskisme thì là sai. Nhưng giữ vững niềm tin cũng là một dạng cách mạng thường trực.
Khái niệm này rất giống khái niệm Jhad (thánh chiến) của hồi giáo. Thánh chiến là một nghĩa vụ của người theo đạo Hồi, nhưng thánh chiến cũng có thể là chiến tranh, là bắt người khác cải đạo. Nó cũng có thể là thánh chiến với chính cái tôi của mình.
Tóm lại, chủ nghĩa Troskisme cũng thay đổi theo thời gian, từ hình thức cực đoan ảo tưởng làm cách mạng thế giới tổng thể, chống Liên Xô là chính, cổ vũ cho vũ lực thời ban đầu, thì hiện nay ở Tây Âu nó đã trộn lẫn vào các phong trào phái tả từ bảo vệ môi trường, vô chính phủ, ..
Còn ở châu Á, thì sau đại cách mạng văn hóa vô sản ở TQ, rồi chế độ tàn bạo Khơ me đỏ, một dạng biến thái của Troskisme (theo phân tích của tôi, và tôi sẽ nói rõ hơn sau) thì Troskisme không còn có ảnh hưởng gì nữa.
Ở VN, nhân vật Troskisme cuối cùng là Hồ Hữu Tường, ông này là một trong những nhà báo gạo cội thời miền Nam cũ và đã chết sau năm 75. Vì không có điều kiện tiếp xúc với báo chí ông ta viết, ví dụ báo Tia sáng của Sài gòn cũ, nên tôi không rõ. Điều chắc chắn là ông ta không theo cách mạng, và cũng không ảnh hưởng gì tới chính quyền miền Nam cũ với những tư tưởng « cách mạng » của ông ta. Theo như những gì ông ấy viết trong cuốn « 40 năm làm báo » (có in ở VN bây giờ) thì có lẽ ông ta giống như một dạng con buôn chính trị, giống như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)
Tạ thu Thâu, Phan văn hùm thì đã bị xử tử thời đầu cách mạng tháng 8.
Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, Hồ Hữu Tường là kiểu Troskisme cũ thời năm 30-40 của thế kỷ trước. Không thể đánh giá họ như Troskisme ở Tây Âu bây giờ. Cái này tôi sẽ nói tiếp.


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 29 2020, 11:21 PM

Vì đang nói tơi Trosky và Troskisme thế giới, thì cũng nhân thể nói luôn về Troskisme VN. Cái này thì tôi đã nói rồi, viết ở đây coi như là bổ xung.
Do VN là thuộc địa Pháp, cho nên trào lưu tư tưởng nào ở chính quốc có thì nó cũng sẽ lan sang VN. Vào thời điểm nhưng năm 30, thì Troskisme là thời thượng ở Pháp, giống như vào những năm 20 là chủ nghĩa cộng sản. Vì thế thanh niên Vn sang Pháp hay học ở Pháp, thì dễ theo Troskisme. Với chính quyền Pháp, thì Troskisme là một cơ hội rất lớn để tách các lực lượng Mác xít ra khỏi Liên Xô, sau này từ những năm 50, thì có thêm Mác xiên (Marxien). Như vậy nếu đọc các tác phẩm mác xít ở Pháp, thì như tôi nói ở trên, khả năng rơi vào một tác phẩm Troskisme hay Mác xiên rất lớn, ngay cả bây giờ cũng vẫn vậy. Mặc dù vậy, Troskisme vẫn không phải là ý thức hệ tư sản, nên Pháp chỉ lợi dụng nó. Trong nhận thức chính trường Pháp, thì Troskisme là cực tả, đối diện với dạng mặt trận dân tộc (Front national) là cực hữu. Điều này cũng đúng vào thời thuộc Pháp ở VN. Chính vì thế, chính quyền Pháp và thực dân Pháp vừa trấn áp, vừa lợi dụng. Nếu có các hành động chống thì sẽ bắt đi tù, nhưng không phải chịu cảnh như những người cộng sản hay dân tộc (ví dụ Nguyễn An Ninh), nếu tuyên truyền chủ nghĩa Mác để chống Liên Xô, thì nó để cho làm. Kết quả phần lớn những trí thức VN khi tiếp cận chủ nghĩa Mác vào thời những năm 30, phần lớn đều thông qua các tác phẩm do các nhóm Troskisme viết ra. Vì đây là những tác phẩm công khai.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong quyển hồi ký « có gì ghi nấy » (một tư liệu rất thú vị về VN thời năm 1930) có kể câu chuyện là có lần chính quyền Nam triều định kết án ông, vì trong nhà ông có quyển sách viết về Staline. Nhưng lúc ấy ông ở Hà nội, mà Hà nội lại là nhượng địa cùng với Hải phòng cho Pháp, khi nhân viên hành chính người Pháp đọc quyển sách (là bằng chứng để kết tội) thì thấy đây là quyển chống Staline (tức là troskisme) nên thôi không kết án nữa.
Chính vì thế mới có chuyện buồn cười là, trí thức VN lúc đó, nếu không hoạt động cách mạng sang Liên Xô, thì sẽ học chủ nghĩa Mác thông qua Troskisme mà không biết.
Thời đó ở ngoài Bắc thì có Trương Tửu và nhà xuất bản Hàn Thuyên. Còn ở trong Nam thì có Tạ Thu Thâu, Pham văn Hùm, Hồ Hữu Tường, như tôi đã nói ở trên.
Theo như báo VN gần đây đăng, thì nhà xuất bản Hàn Thuyên đã được giao lại cho nhà nước VN dân chủ cộng hòa vào năm 1946, thành nhà xuất bản quân đội. Vì thế nhóm Hàn Thuyên cùng Trương Tửu cũng tan biến đi.
Theo hồi ký của nhà văn Nguyên Hồng, thì vào giai đoạn cuối những năm 40, khi đại chiến hai đã nổ ra, ở VN lúc đó rất thiếu thốn nhưng nhà in này vẫn có giấy, mực đều đều. Và nhà văn Nguyên Hồng đặt ra câu hỏi là nhà in này có phải được sở mật thám Pháp « cưu mang » không.
Điều nhà văn Nguyên Hồng nghi ngờ, và hành động trao nhà in cho nhà nước thực ra không mâu thuẫn với nhau. Bởi vì thực dân Pháp muốn lợi dụng. Cũng phải nói thêm là mặc dù các nhóm Troskisme đều có tên Mác xít – lê nin nít (Marxiste – Leniniste), nhưng không phải là chủ nghĩa Mác – Lê nin như từ ở VN ngày nay chỉ chủ nghĩa Mác-Lê nin. Cái mà họ nói về Lê nin, chỉ là chuyên chính vô sản cực đoan. Sau năm 50, khi có chủ nghĩa Mao, thì nhiều đảng Mao ít cũng lấy tên Mác xít – Lê nin nít, cho nên phải tìm hiểu sau cái tên ý nghĩa thực của nó là gì.
Khi cách mạng tháng 8 bùng nổ, thì trung tâm chính của nó, nơi có lực lượng Việt minh mạnh nhất, là ở ngoài Bắc, cũng là nơi có chính quyền trung ương, vì thế các nhân sĩ trí thức, dù trước đó ở trong các nhóm Troskisme, hay thậm chí là dân chủ tư sản bình thường (như nhóm Thanh Nghị của Vũ Đình Hòe) cũng nhập vào Việt Minh. Chỉ có những nhóm dựa vào quốc dân đảng TQ (Việt quốc , Việt cách) là chống lại ví dụ như Nguyễn Tường Tam hay Vũ Hồng Khanh. Khi Pháp ký được hiệp định với Tưởng để thay quân Tưởng ở miền Bắc, thì các nhóm này cũng tan, vì không còn chỗ dựa. Sau này ở miền Nam cũng xuất hiện các hồi ký sách báo của các lực lượng theo Quốc Dân Đảng TQ này, như là một cuộc .. kháng chiến chống Việt Minh.
Ở miền Nam thì không được như thế, vì lực lượng Việt Minh mỏng hơn, và cũng bởi ngay lập tức có chiến tranh, vì quân Pháp theo quân Anh vào. Anh là lực lượng được Đồng Minh giao cho giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 vào Nam, vì thế tình hình Nam bộ rất phức tạp, và nó được ghi lại rất sinh động trong quyển « đất rừng phương Nam » của Đoàn Giỏi, dù người ta vẫn coi đó là truyện nhi đồng.
Trước đây khi đọc lịch sử VN (chính sử được dậy ở đại học), tôi cũng rất tò mò và không hiểu tại sao ở ngoài Bắc gần như chỉ có một lực lượng Việt Minh, mà trong Nam (vùng Sài gòn – Gia định và Nam bộ) lại linh tinh beng như thế.
Khi kháng chiến bùng nổ trên toàn quốc, thì ở Nam bộ, tất cả các « lực lượng yêu nước » đều đã theo Pháp, chỉ còn có Việt Minh là chống Pháp.
Chính vì thế mà Troskisme ở miền Nam « nổi tiếng » hơn, vì có một thời gian dài trong kháng chiến chống Pháp, rồi thời miền Nam cũ, các sự việc như Tạ Thu Thâu , Phan Văn Hùm bị xử tử được lôi ra như một bằng chứng của một « lòng yêu nước khác » bị Việt Minh thủ tiêu, và từ đó bôi nhọ Việt Minh. Trong thực tế, thì những chính quyền này cả thời Pháp quay lại sau năm 1945, hay chính quyền Diệm, Thiệu, .. không có liên quan gì tới Troskisme này cả. Và nếu giả dụ Tạ thu Thâu, Phan Văn Hùm còn sống mà « ngọ nguậy » như Nguyễn Tường Tam sau này, thì cũng bị nó trị. Việc thổi phồng Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm chỉ là một con bài tuyên truyền mà thôi.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 29 2020, 11:25 PM

Như vậy vấn đề đặt ra là, có thật họ là một dạng « yêu nước kiểu khác » bị VM giết chết không. Ở trong một chủ đề khác, tôi có nói là, nếu bây giờ nhìn lại, thì việc xử tử Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm là không cần thiết, vì họ chỉ là loại thùng rộng kêu to thôi. Nhưng vào thời điểm đó, tình hình trong Nam phức tạp tranh tối tranh sáng như thế, thì cũng rất khó xác định.
Có một lực lượng chống Pháp để giành độc lập và cũng chống Việt Minh không ? nói cách khác, có phải Việt Minh đã tiêu diệt các nhóm yêu nước khác không cùng đi với mình không ? Câu trả lời là hai lần KHÔNG. Không có một lực lượng chống Pháp giành độc lập mà không phải là Việt Minh, và cũng không phải Việt Minh thủ tiêu các nhóm yêu nước khác vì không theo mình.
Ngâm cứu nhóm troskisme thì người ta sẽ thấy ngay điều này. Bây giờ ta hãy phân tích một cách đặt giả thiết là nhóm Troskisme yêu nước thật, thì sách lược của họ có dẫn tới thành công không ? Câu trả lời là KHÔNG. Tại sao ? Bởi theo lý thuyết của Trosky, cách mạng chỉ có trong công nhân, nhưng số lượng công nhân ở VN rất mỏng. Công nhân gắn liền với thành thị. Dân thành thị ở VN rất ít, vào thời thuộc Pháp, số dân thành thị trên tổng dân số là dưới 5%. Thành thị cũng là nơi mà lực lượng của thực dân Pháp rất mạnh.Như vậy bám vào thanh thị thì chỉ có thua. Đây là điều lý giải tại sao Bác Hồ hoạt động cho quốc tế cộng sản ở Nga, nhưng khi về nước hoạt động, thì cách thức hoạt động gần với đảng CS TQ hơn. Chính vì thế cách mạng tháng 8 bắt đầu bằng khởi nghĩa toàn dân như cách mạng tháng mười, và kết thúc bằng đấu tranh vũ trang như cách mạng TQ.
Vào thời kháng chiến chống Pháp, chiến lược của cách mạng VN là lấy nông thôn bao vây thành thị, kháng chiến được chia theo ba giai đoạn : phòng ngự, cầm cự, phản công. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, thì VN đã phát triển chiến lược này lên thành Ba mũi giáp công : quân sự chính trị, ngoại giao. Và hoạt động ở cả hai vùng : nông thôn, thành thị. Mặc dù vậy, phải tới khi Mỹ rút khỏi VN, thì mới giải phóng và giữ được thành phố đầu tiên là Phước Long vào năm 1974. Gọi là thành phố cho to chuyện, chứ đó chỉ là một thị xã.
Không kể như vậy, trong chiến tranh cách mạng cũng phải có đồng minh. Lúc đó đồng minh của cách mạng VN chỉ có thể là Liên Xô hay TQ. Nhưng chủ nghĩa Troskisme vốn chống cả hai. Vậy thì ông hoạt động thế nào. Không kể về mặt tổ chức, troskisme ở VN chỉ có mấy mống, vô tổ chức, vì « dân chủ tập trung » như một đảng Mác-Lê nin thì không chịu được, do họ chỉ là các thành phần trí thức tiểu tư sản. Như vậy Troskisme là đồng minh khách quan của thực dân Pháp ở VN. Hành động chống Pháp của ông chỉ có lợi cho Pháp (vì thế nó mới cho ông tồn tại thời thực dân).
Nhưng không thể có thế, hành động của Tạ Thu Thâu thực ra là chống lại Việt Minh,chứ không phải là « yêu nước phổi bò, bồng bột ». Lấy một hình ảnh này thì rõ ràng hơn. Hãy tượng tượng như một cuộc biểu tình. Bên kia cảnh sát sẵn sàng dùng súng bắn. Để chống lại, thì phải lập chiến lũy, nấp sau đó để tránh thương vong rồi tiến. Tự nhiên lại có ông hăng máu vịt, hô tướng lên rằng « chúng mày thế là hèn nhát hết », thế rồi băng băng chạy qua chiến lũy xông về phía cảnh sát. Mọi người đang hồi chờ xem « hành động cách mạng » này kết thúc ra sao, thì lại thấy nhân vật kia quay lại .. kích động người ta bỏ chiến lũy chạy ra để cho nó bắn. Hình ảnh này tương đối buồn cười, nhưng nó phản ánh thực tế quan niệm của tư duy Troskisme. Chính vì thế mà chính quyền Sài gòn ngày trước mới .. « tuyên dương công trạng » các nhân vật như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, mặc dù các chính quyền này không liên quan gì cả. Và tất nhiên, cũng như đám cảnh sát kia, nó bắn làm gì, mà để cái « lòng yêu nước » này câu mồi.
Nói một chút về Phan văn Hùm. Cách đây ít lâu, tự nhiên tôi lại đọc một quyển sách của ông Nguyễn Duy Hinh, (không phải là tướng Hinh biển thủ tiền lính của quân đội miền Nam ngày trước), mà là một giáo sư ở đại học VN viết về Phật giáo. Ông ấy có lẽ là người duy nhất viết về phật giáo như một người nghiên cứu từ bên ngoài. Và có một quyển là bài giảng về triết học phật giáo cho sinh viên đại học tổng hợp VN bây giờ (cỡ cuối thập niên 90) tập hợp lại. Điều đặc biệt là ông ấy xây dựng bài giảng theo một quyển sách mà Phan Văn Hùm viết về phật giáo từ những năm 30, mà ông ấy nói là được một nhà sư ở chùa Bà Đá (Hà nội) cho ông ấy từ hồi năm 60. Tò mò , tôi cũng lên mạng tìm thử quyển sách này của ông Hùm, và tìm được. Cách tiếp cận của tác giả khá là hay, vì nó hệ thống hóa, chia từng tông phái đạo Phật ra theo các « cát » (categorie) của triết học ví dụ : hiện tượng, bản thể, giải thoát, .. (có 4 cát tất cả). Cách làm này không phải là cách tôi muốn « triết học hóa » đạo Phật, tức là dùng biện chứng của đạo Phật nhìn ra thế giới. Gần đây nữa, tức là bây giờ, tôi xem triết học Nhật của Nishida thì thấy hợp hơn nhiều, vì đúng là con đường tôi muốn sử dụng. Mặc dù thế, cũng cúi đầu cảm phục là có người đã làm thế đi trước, và lại là người VN.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 1 2020, 07:05 AM

Bây giờ tôi sẽ nói về Staline. Bởi đã nói tới Trosky thì phải nói tới Staline, không kể có câu thơ của nhà thơ Tố Hữu làm khi Staline qua đời vào năm 1953, trong đó ông có viết “thương bố mẹ một thương ông (tức là Staline) thương mười” (tôi nhớ không chính xác) khiến lề trái (tức là tuyên truyền Sài gòn ngày xưa) còn lại nhải mãi đến tận cái bài viết ở trên. Vì thế cũng nên tìm hiểu phương Tây đánh giá Staline thế nào ? tại sao ?
Điều đầu tiên có thể khẳng định là ở phương Tây không có tài liệu khách quan về Staline, ngay cả các sách gọi là tư liệu lịch sử, vì đề tài Staline chuyên được sử dụng để tuyên truyền.Vì thế sách viết về Staline, đánh giá, phập phồng tuy theo nhu cầu thời sự chính trị phương Tây. Ví dụ, trong giai đoạn 20,30 của thế kỷ trước thì đả kích thậm tệ, đỉnh cao là vào lúc Liên Xô ký hiệp ước với nước Đức Quốc xã vào năm 1940. Đến năm 1945 thì lại được đánh giá cao. Khi chiến tranh lạnh nổ ra (1948) thì lại đả kích cho tới khi Staline mất. Việc này càng tăng lên nữa, vào năm 60, khi Khơ rút xép tố “tội ác” của staline, và việc này được phương Tây thổi lên hằng trăm lần, không phải không có hiệu quả, bởi sau đó nhiều nhân sĩ phương Tây (kể cả Picasso) cũng vì thế rời các đảng cộng sản. Đến khi Liên Xô xụp đổ, thì việc đánh giá Staline có vẻ khách quan hơn, nhưng hiện tại thì lại được tô xấu đi, bởi vì .. Putin. Vì ông của Putin là đầu bếp của Staline, và cũng vì nước Nga hiện tại đối đầu với phương Tây.
Tóm lại việc phương Tây nhận định đánh giá Staline là vì ông ấy được đánh đồng với thái độ, quan hệ của phương Tây với Liên Xô ngày trước, rồi nước Nga bây giờ.
Vậy Staline là người thế nào ? Điều đầu tiên ta có thể khẳng định được, là sau khi Lê nin mất, thì Stline là người có đủ tài ba nhất để kế tục. Staline chính là người đã kiến trúc ra nhà nước Liên Xô, với việc hình thành một nhà nước Liên bang. Ông cũng là người kiến trúc định hướng quá trình công nghiệp hóa ở Liên Xô, câu chuyện “xây dựng XHCN trong một nước” là của Staline.
Staline cũng là người lãnh đạo Liên Xô chiến thắng phát xít Đức. Ông cũng là người kiến trúc nên khối XHCN ở Đông Âu cũ. Điều này có thể làm cho các nước Đông Âu ngày nay không khoái lắm, vì họ coi thời kỳ này như là thời kỳ họ bị chiếm đóng. Nhưng nếu xét theo cái nhìn của Liên Xô, thì đây là đỉnh cao vinh quang. Vinh quang với bên này thì là tồi tệ với bên kia (phương Tây).
Phương Tây thường thổi phồng “tội ác” của Staline với Liên Xô. Nhưng điều ngạc nhiên và buồn cười là, ngay cả hiện nay, người Nga vẫn đánh giá cao Staline. Nước Nga ngày nay, lực lượng chính trị của nó không phải là sự kế tục hệ tư tưởng XHCN, như vậy sự đánh giá cao Staline càng có ý nghĩa, bởi nó vượt lên trên sự phân liệt ý thức hệ. Hiện tại ở Nga, chỉ có các ONG được tài trợ bởi phương Tây là tố cáo Staline.
Đối với VN, Staline không có tác động trực tiếp. Chính phủ VN dân chủ cộng hòa được Liên Xô công nhận vào năm 1950. Năm 1953 thì Staline mất. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nước ủng hộ trực tiếp VN là TQ (từ năm 1950 trở đi).
Một điều thú vị nữa, là trong các lưc lượng ở phương Tây chửi bới Staline nhất, chủ yếu là phái hữu, cực hữu, rồi Troskisme. Ngoại trừ Troskisme, các lực lượng kia là lực lượng chủ yếu của thực dân, đế quốc xâm lược VN. Trong thời gian cai trị VN, hay ủng hộ các dạng lề trái như Ngô Đình Diệm, họ không áp dụng những khái niệm giá trị nhân văn, mà theo đó họ bắt tội Staline. Từ đó mới có cái nghịch lý là: nạn nhân của Staline (Liên Xô, nước Nga) thì đánh giá cao ông, ông ấy chẳng làm hại gì người VN, còn người chửi bới ông ấy vô nhân đạo, lại chính là những thế lực chưa bao giờ thực hiện những giá trị nhân đạo ấy ở VN, thời họ cai trị trực tiếp hay qua tay sai.
Như vậy mấy ông VN đi theo sủa gâu gâu phụ họa là cái con gì ? ( đây là câu hỏi bẫy, vì trong câu hỏi thực ra đã có câu trả lời)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 1 2020, 05:50 PM

Tác giả đoạn văn trên mà NVT trích dẫn, cói chú “thơ Tố Hữu” ở dưới, giống như chú John deed, nhưng không rõ ông ấy có thực sự đọc thơ Tố Hữu không, bởi nếu đọc rồi mà chỉ lải nhải mỗi cái câu ông Tố Hữu khóc Staline thôi, thì coi như cũng chưa đọc. Tôi thì nghi ông ta chỉ nghe hơi nồi chõ, nói theo. Trước khi nói về thơ Tố Hữu nói chung, tôi đi thẳng vào câu chuyện rằng ông Tố Hữu có thể khóc ông Staline được không ? và khóc hơn cha mẹ mình mười lần có được không ?
Câu trả lời. Được, đâu có vấn đề gì. Thậm chí với tôi, nhà thơ khóc thế vẫn là nhẹ. Đáng nhẽ ông còn phải lăn lộn dưới đất, dứt quần dứt áo, gào khóc .. giống như truyền thống khóc nhà đám ở VN ngày trước cũng không đủ. Tại sao ?
Để trả lời câu hỏi ấy, thì phải tìm hiểu quan hệ VN-Liên Xô, những hệ lụy với kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở nước ta thì sẽ thấy ngay.
Như tôi nói ở trên, thời kháng chiến chống Pháp, Liên Xô không trực tiếp giúp VN. Nhưng ảnh hưởng gián tiếp rất lớn, vì Liên Xô chống lưng cho TQ. Lịch sử nhà nước Xô Viết có thể chia làm nhiều giai đoạn, và việc Staline mất kết thúc một giai đoạn.Thường người ta coi cái chết của Staline kết thúc giai đoạn chiến tranh lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Giai đoạn này được tính từ năm 1948 đến 1953. Năm 1948 là tính theo bài nói chuyện của thủ tướng Anh về “bức màn sắt được buông xuống châu Âu”, và nó kết thúc với cái chết của Staline.
Lãnh đạo Liên Xô sau đó có lục đục nội bộ, rồi dẫn tới việc Khơ rút xốp được bầu làm tổng bí thư, và bắt đầu thời kỳ chung sống hòa bình. Khơ rút xép bị lật đổ vào năm 1964 (hay 1965) và Bơ rê giơ nhép lên thay.
Lúc này, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thì việc Pháp thua ở VN đã rõ ràng, mặc dù Pháp còn giữ được các vùng đồng bằng, nhưng nó đã ở tình trạng “da báo”, và các đô thị. Như vậy nếu chỉ đánh dấn lên 1,2 năm, thì chiến thắng sẽ hoàn toàn. Nhưng lợi thế trên thực địa của cách mạng VN lại không được phản ánh vào trong tương quan lực lượng quốc tế, vì cả Liên Xô và TQ đều muốn hòa với phương Tây, và từ đó dẫn tới hiệp định Giơ ne vơ 1954 chia cắt đất nước.
Theo hiệp định, thì có điều khoản hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng điều này chỉ là hi vọng hão, vì không có chuyện chính quyền miền Nam làm điều này.
Từ khi có cuộc chiến tranh với TQ (1979-1991), ta vẫn nói rằng TQ ép VN kí hiệp định Giơ ne vơ, điều này đúng nhưng không đủ. Bởi vì bản thân TQ cũng ở vào tình thế bất lợi, do Liên Xô không ủng hộ. Chính vì thế mà sau khi Staline mất thì đình chiến Triều Tiên được ký, rồi sau đó là hiệp định Giơ ne vơ ở VN.
Chuyện gì xẩy ra nếu Staline còn sống. Chắc chắn sự ủng hộ của Liên Xô sẽ cao hơn, vì không có chuyện chung sống hòa bình, và có thể không có chuyện ký hiệp định, hay hiệp định được ký với những điều khoản có lợi hơn cho VN.
Như vậy cái chết của Staline đã tác động vào cục diện VN, chiến thắng đã đến miệng, mà vẫn phải mất thêm 20 năm kháng chiến gian khổ nữa. Một cuộc kháng chiến khốc liệt hơn nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp. Thêm 3 triệu người chết, đất nước bị tàn phá, bom đạn ném xuống VN còn nhiều hơn cả xuống chiến trường châu Âu trong suốt đại chiến hai. Nếu nhìn rộng ra, thì thấy nếu không có hiệp định Giơ ne vơ, thì cũng không có khơ me đỏ, cả triệu người Khơ me không bị chết, đấy là không tính bom đạn, chiến tranh ở Lào.
Như vậy ông Tố Hữu với tôi, khóc ông Staline là hoàn toàn có lý. Khóc cho Staline cũng là khóc cho chính dân tộc mình. Vì thế ông khóc 10 lần hơn vẫn còn nhẹ.
Gần đây tôi đọc hồi ký của ông Tố Hữu, đáng tiếc là ông ấy chỉ viết tới năm 1975, trong khi giai đoạn “công danh” của ông ấy sau năm 75 mới có nhiều chuyện thú vị hơn. Không hiểu ông ấy viết mà không đăng, hay là không viết. Trong hồi ký có một đoạn “đấu khẩu” với Khơ rút xép với sự có mặt của Sút sơ lốp , là người thứ 3 trong bộ lãnh đạo về sau của Liên Xô : Bơ rê giơ nhép (tổng bí thư), Cóc xơ gin (thủ tướng), Sút xơ lốp (chính trị tư tưởng), và Sút sơ lốp “nháy mắt” đồng tình với ông.
Liên Xô giúp VN tận tình đầy đủ chính là từ thời Bơ rê giơ nhép về sau, và nó cũng trùng với thời gian kháng chiến chống Mỹ. Để bồi bổ cho các bác chỉ biết mỗi hai câu thơ Tố Hữu khóc Staline, tôi viết ở đây 4 câu nữa của ông để mở rộng tầm nhìn cho các bác, đó là 4 câu thơ viết về tấm ảnh cô du kích cầm súng giải phi công Mỹ.
Cô du kích nhỏ giương cao súng.
Thằng Mỹ lênh khênh đứng cúi đầu.
Ra thế to gan hơn béo bụng.
Anh hùng đâu có phải mày râu.
Khi đọc câu thơ này thì tôi chỉ cảm nhận được việc cô du kích áp giải phi công Mỹ thôi, vì với tôi hai câu đầu là tả cảnh, hai câu sau là hai câu bình cái cảnh ấy. To gan là cô du kích, “béo bụng, mày râu” là phi công Mỹ. Nhưng hóa ra đây lại không phải là ý của tác giả. Trong hồi ký của mình, ông Tố hữu nói (không nói trắng ra, vì ông ấy làm chính trị, dù chắc lúc viết hồi ký thì đã nghỉ hưu chế độ), mà thông qua một câu hỏi của bạn văn, bạn thơ, thì to gan lại chính là VN, và “mày râu béo bụng” lại hóa ra là Khơ rút xép.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 5 2020, 10:00 PM

Từ năm 1953, khi ông Tố Hữu làm bài thơ khóc ông Staline, đến bây giờ, chính quyền thực dân cũ, rồi chính quyền Sài gòn về sau, rồi lề trái bây giờ đều lấy hai câu thơ này để rêu rao. Đây là đặc trưng của tuyên truyền chống cộng ở VN, vì tất nhiên báo chí phương Tây không thể biết ông Tố Hữu là ai. Nhưng nguồn gốc của nó cũng là tuyên truyền chống cộng của thực dân Pháp vào những năm 30. Theo luận điệu này thì cộng sản có nghĩa là “không gia đình, không tổ quốc”. Đây là sự thổi phồng bóp méo ý thức hệ Mác xít ở phương Tây, vì ở đây phong trào công nhân dựa vào giai cấp, đấu tranh giai cấp là chính . Ở VN nếu có một loại tông phái gần với tư duy này nhất thì chính là các nhóm Troskisme, nhưng ngay cả với họ, nói họ không gia đình thì cũng không đúng. Càng không đúng hơn với người cộng sản VN, vì họ đi tới chủ nghĩa Mác từ tinh thần yêu nước Vì thế cũng theo cái lô gisc tuyên truyền này, khi bắt được hai câu thơ của ông Tố Hữu, thì nó mới rêu rao ra kiểu như “đấy thấy chưa, yếu Staline hơn bố mẹ mình cả chục lần, thế có nghĩa là vô gia đình còn gì”. Và cứ thế nó rêu rao mãi, từ khi VN đổi mới, nó cũng nhân tư duy đổi mới mà rêu rao tiếp, nhưng lại nói rằng đó là đổi mới tư duy, người ta biết đâu nó cũ rích. Cùng với kiểu tuyên truyền này còn có việc nói “quân giải phóng đói ăn, bẩy người treo vào cành đu đủ không gẫy” cũng là một dạng như vậy.
Dù sao tôi cũng mở rộng nói một chút về chữ Hiếu, vì khóc bố mẹ chính là thể hiện chữ Hiếu của người VN. Vào thời điểm thực dân Pháp còn thống trị ở VN, thông qua các loại như Phạm Quỳnh, nó cũng đề cao chữ hiếu, với nội dung bo bo ở nhà, nghe lời bố mẹ. để đối nghịch lại với các phong trào xuất dương của người Việt yêu nước, như phong trào Đông Du, rồi phong trào cộng sản. Chính vì thế mà truyện Dế mèn phưu lưu ký của Tô Hoài, chỉ có mấy đòng kêu gọi vớ vẩn thanh niên không thủ cựu, dám đi xa , cũng bị nó kiểm duyệt cắt bỏ. (chuyện này tôi đã nói, và mọi người có thể kiểm chứng bằng truyện này được in bây giờ ở VN, bản này được Tô Hoài hồi phục lại những đoạn kiểm duyệt).
Khoảng những năm 90, có hai phim liền của Pháp về Việt Nam, đó là “Người Tình” và “Đông Dương”. Hai câu chuyện này đều nói lên nhận thức của người Pháp về thuộc địa ở VN. Trong phim Đông dương (Indochine), họ đã dựng lên hình ảnh người Pháp ở VN thông qua 3 nhân vật : chủ đồn điền cao su (Catherine Deneuve), một tên trùm mật thám Pháp , một anh lính Pháp mộng mơ. Rồi tình yêu linh tinh lang tang giữa họ với nhau, cho nó mùi mẫn. TRong phim có câu chuyện tên trùm mật thám Pháp không hiểu tại sao có bạo loạn, cuối cùng nó mới tìm ra là do một đoàn xiếc của người Việt thông qua các buổi diễn tuyên truyền yêu nước, từ đó nó mới tóm một anh chàng sinh viên tham gia vào việc này, nhưng tên trùm mật thám này đã thả anh này ra, và nói rằng mày phải về nhà, nghe lời bố mày (vì ông bố là quan cho thực dân Pháp). Đây chính là chữ Hiếu ma Phạm Quỳnh và thực dân Pháp muốn. Câu chuyện này chỉ là tiểu tiết của phim, nhưng bộ phim này (khác với người tình) có tính chất chính trị cao hơn.
Vào thời kháng chiến thì đúng chữ Hiếu hiểu theo kiểu “gia đình trị” này không còn tồn tại với những người theo cách mạng, và nhân dân nói chung nữa, vì chiến tranh làm đảo lộn tất cả. Nhưng đấy cũng là một yếu tố làm cho cách mạng VN chiến thắng. Tôi có xem một quyển sách , quên mất tên, trong đó Pháp nói về các phong trào du kích trên thế giới, và nó có nhận xét rằng phong trào du kích ở VN thành công, vì người VN (nó muốn nói người Kinh) dám bỏ không gian mình sống là đồng bằng để lên rừng núi, rồi lại tuyên truyền vận động được các dân tộc thiểu số. Điều này hiển nhiên không thể làm được với quan niệm chữ Hiếu cổ hủ, khiến người ta không dám đi ra khỏi lũy tre làng như ngày xưa.
Mặc dù vậy vẫn có định kiến nói rằng theo cách mạng là không còn chữ Hiếu (hiểu theo nghĩa bình thường, chứ không phải nâng cấp như Bác Hồ nói “Hiếu với dân”). Ví dụ ngay trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nếu tôi nhớ không nhầm là “tướng về hưu”, cũng có đoạn nói ông tướng về hưu, hay ông cán bộ, đứng trước bàn thờ không biết đọc lời cúng thế nào, chỉ chắp tay lễ. Hay những dư luận nói “trẻ con trong Nam (hiểu ở đây là TP HCM) ngoan hơn ở ngoài Bắc, lễ phép hơn”. Tôi thì nghĩ rằng đó là chiến tranh tạo ra, làm đảo lộn xã hội.
Trong thực tế, thì chữ Hiếu gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên là tin ngưỡng chung nhất của người VN, nó chỉ có cách thể hiện khác nhau mà thôi. Thực ra bây giờ mới là thời điểm nó dễ bị mất nhất.
Hiện tại chữ “HIẾU gia đình trị” này là phổ biến, và xã hội có xu hướng nhân nó lên nhiều tầng nhiều lớp rầy rà hơn, kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” và vì thế nó cũng có điểm yếu, Những ông cán bộ tham nhũng, lo cho con trai, con gái,con rể, .. có phải là theo cái tu duy này không ? đây là câu hỏi người ta cũng nên đặt ra.
Khi tôi đọc câu thơ của Tố Hữu khóc ông Staline, thì tôi không có cảm giác ông ấy “vô gia đình, vô tổ quốc”, mà ngược lại với tôi là bằng chứng việt nam hóa chủ nghĩa cộng sản. Bởi những quan hệ xã hội “đồng chí” được chuyển ra tư duy “người nhà”, vì thế chỉ có ở VN người ta mới thấy những cụm từ kiểu “gia đình các nước xã hội chủ nghĩa”, “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” ..v..v...
Điều này tương tự với việc người theo đạo Phật phải lấy họ Thích, vì lúc này các nhà sư còn có một tổ tiên nữa là Phật Thích Ca.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 6 2020, 11:14 PM

Đã nói tới Tố Hữu thì phải nói tới thơ của ông. Tôi vẫn phân biệt Tố Hữu là nhà thơ và Tố Hữu là nhà chính trị. Lúc lên cao nhất ông làm tới Phó thủ Tướng, nhưng đây là thời kỳ khó khăn lúc mà « nhà thơ thì đi làm kinh tế (ông Tố Hữu), còn nhà kinh tế lại đi làm thơ », nhà kinh tế đi làm thơ là nói về ông Việt Phương, vốn là cố vấn kinh tế cho thủ tướng Phạm Văn Đồng lại « táy máy » đi làm thơ, làm tập thơ « cửa mở ». Ở đây tôi nói tới Tố Hữu như một nhà thơ.
Thủa tôi đi học, hệ mười năm thì thơ Tố Hữu có rất nhiều trong trích giảng văn học từ cấp 2 lên cấp 3. Ngoài ra, tập làm văn, bình luận văn học cũng hay có đề trích dẫn từ thơ của ông. Vì thế mới có câu chuyện, bố tôi kể, nhưng không rõ thật giả ra sao, nói ra ở đây cho vui. Bố tôi nói, bản thân ông Tố Hữu cũng yêu cầu đừng lấy thơ của ông làm đầu đề bình văn cho trẻ con nữa. Điều này nếu là có thật cũng dễ hiểu, một nhà thơ có thể khoái được bạn thơ bình luận, chứ để cho trẻ con thò lò mũi xanh, lôi ra bình linh tinh thì có khi lại thành truyện cười Trạng Quỳnh, không có gì là thú vị và vinh dự cả. Nhưng nó cũng nói lên một sự thật, đó là « thơ Tố Hữu tràn ngập thị trường » lúc bấy giờ.
Hiện tại thì tôi không rõ bài thơ nào của ông còn được dùng trong trường học nữa. Nhưng thơ Tố Hữu thì chắc có nhiều người đọc và biết. Trước khi bình thơ ông, tôi kể ra đây một trường hợp đọc thơ Tố Hữu đặc biệt.
Trong quyển hồi ký của Nguyễn Hiến Lê nhưng trang cuối ông ấy có nêu lên tên một số nhân vật được coi là hay trên văn đàn Sài gòn ngày trước thời trước 75. Trong đó có ông Đức Sơn (Sơn núi) làm thơ hiện sinh, bỏ SG lên Đà lạt sống từ đầu thập niên 70, ông này vừa mới mất. Rồi có một người nữa được đánh giá là viết tuỳ bút hay nhất miền Nam (tức là vùng VNCH cũ) đó là Võ Phiến. Tình cờ tôi cũng kiếm được quyển tuỳ bút cuả ông. Quyển sách là những bài tuỳ bút của Võ Phiến, phần lớn nói về phong tục tập quán miền Trung. Sách in ở Ca li, vì ông này trước là sĩ quan tâm lý chiến của quân đội miền Nam, sau 75 đi cải tạo, rồi sang Mỹ. Đây là toàn tập các bài ký của ông.
Khi nói tới thể ký, ở VN người ta nghĩ ngay tới Nguyễn Tuân. Ông là bậc thầy về thể loại này, lại có thủ thuật gọt câu gọt chữ tinh tế. Điều đặc biệt là ký của ông, thực ra chỉ có một nhân vật đó là cái tôi của ông. Nó đi với ông suốt tất cả các tác phẩm, từ những tác phẩm trước cách mạng (tóc chị Hoài, chiếc lư đồng mắt cua, ..), rồi sau cách mạng (Sông Đà, Hà nội ta đánh Mỹ giỏi). Thường người ta ca tụng ông về các bài ký trước cánh mạng, nhưng tôi nhìn ông tổng thể, nên vẫn thích các tác phẩm về sau.
Đọc Võ Phiến, tôi thấy không được như thế, khi đã đọc Nguyễn Tuân. Giống như thể đi du lịch, đang ở Kyoto(Nhật) sang Seul (Hàn quốc) thì bị hụt hẫng. Nếu nói nó chỉ là quyển kiểu « đất lề quê thói » của Toàn Ánh nâng cấp cho có tí văn chương thì kể cũng hơi quá, nhưng đây là cảm nhận của tôi khi đọc. Dù sao thì cũng có những đoạn thú vị, ví dụ, nhờ ông, tôi mới biết là ở Huế có món « nước vối đạo », thay vì trả đạo, rồi ông tả uống nước vối tu cả ấm, phóng khoáng, bọt dính lấm tấm lên ria mép, của hai con người vốn là tình địch cũ trong im lặng thì cũng thú vị.
Trong những mẩu chuyện Võ Phiến nói tới trong tuỳ bút có đoạn nói về ông ta đọc thơ Tố Hữu, bài theo chân Bác, mà ông có được khi lấy ra từ trong một quyển nhật ký của một người chiến sĩ giải phóng quân đã hi sinh (vì ông ta là sĩ quan tâm lý chiến). Theo như lời Võ Phiến kể, thì quyển nhật ký có 2 vết đạn xuyên qua, chính hai viên đạn đã giết chết người lính. Bài thơ theo chân bác, là cắt ra từ một tờ báo, gập làm 4, kẹp ở trong quyển nhật ký này. Thế rồi từ đó Võ Phiến mới có mấy câu phê bình thơ, chủ yếu nhằm vào nghệ thuật viết. Ví dụ tại sao lại viết thể « song thất lục bát » vì nó không dân tộc, hay là trong câu song thất (hai câu thơ mỗi câu 7 chữ) thì nhịp của nó phải là 2/2/3 chứ không thể được là 3/2/2. Toàn là những điều vụn vặt. Điều làm tôi để ý, đó là đây là một nhân chứng tình yêu với thơ Tố Hữu, và nhật ký Đặng Thuỳ Trâm không phải là một điều đặc biệt. Vì không ai ép buộc người lính kẹp thơ Tố Hữu mang vào chiến trường cả.
Buồn cười nữa, đó là bản thân tôi cũng đọc bài thơ này trên báo. Nó được in trên báo Nhân dân, sau ngày bác Hồ mất, tức là năm 1969, điều đặc biệt là số báo này chỉ có bài thơ chiếm tới 2 trang khổ to, báo thời đó chỉ có 4 trang. Rất có thể bản mà Võ Phiến đọc cũng là từ số báo này. Đến nay, khi xem thời sự, thấy nguyên thủ nước ngoài vào cho cá ăn trong phủ chủ tịch, như thủ tướng Nhật gần đây, tôi vẫn nhớ mấy câu thơ Tố Hữu viết trong bài này, tức là bài theo chân Bác :
« Anh dắt em vào cõi bác xưa.
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa.
Có hồ nước lặng xoi tăm cá.
Có bưởi có cam mát bóng dừa »
Như vậy không phải vì thơ Tố Hữu có nhiều trong trích giảng mà nó nổi tiếng, mà phải tìm nó ở chỗ khác.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 10 2020, 09:50 PM

Như đã nói ở trên, thơ Tố Hữu không xa lạ với tôi. Theo quan niệm của mình, tôi chia thơ của ông ra hai giai đoạn. Giai đoạn trước cách mạng tháng 8, tức là tập thơ “Từ ấy”, và các tập thơ hay bài thơ làm về sau. Cá nhân tôi thích thơ của ông làm về sau hơn, còn đọc tập thơ Từ ấy thì tôi không thích lắm. Gần đây thì tôi cảm với nó hơn, với tôi trong Từ ấy, Tố Hữu mới chỉ là nhà thơ, một nhà thơ mới giống như Xuân Diệu, Cù Huy Cận,.. mà tôi lại không thích các loại thơ này lắm, cho nên cũng không thích tập Từ ấy, dù nội dung nó khác với các nhà thơ trên, vì nó là tâm tình của một người giác ngộ cách mạng.
Còn tại sao tôi lại thích thơ của Tố Hữu về sau hơn, bởi với tôi, ông đã vượt lên trên mức độ một nhà thơ. Thơ của ông trở thành “lời con đồng” của cách mạng VN, vì thế tầm vóc nó khác hẳn. Các bài thơ của ông sau này đều gắn với một sự kiện lịch sử nào đó, và nó thể hiện tâm trạng, tâm lý không phải của riêng ông mà như là một tiếng nói “lên đồng” của cách mạng VN. Có nhiều bài thơ có thể coi như một cái mốc lịch sử. Ví dụ bài “chiến thắng Điện Biên” có thể coi ngang như một bài “Bình Ngô Đại Cáo” hiện đại. Trong các bài thơ này, mà có bài ông gọi là “nghị quyết diễn ca”, cái tôi đã hòa với cái chúng ta, cái chúng ta với đất nước. Chúng khác hẳn với loại thơ bình thường. Tôi cũng thích từ vựng, văn phong của các bài thơ về sau hơn, vì tôi thấy chúng trong sáng hơn nhưng lại rất bình dị, dân dã. Khác hẳn với thơ trong từ ấy mà tôi còn nhớ được một câu, khi đọc cảm nhận rất “cổ lỗ” chưa thoát thai từ vựng văn thơ cổ, và cũng chưa đủ hiện đại trong sáng, giống như kiểu thơ Cù Huy Cận, Chế Lan Viên vào thời điểm này. Ví dụ
“Tiếng súng nổ Lư cầu kiều rên rỉ
Dưới uất hận của Phù tang ích kỷ”
Đây là bài thơ ông nói tới việc Phát xít nhật gây hấn ở Bắc kinh để gây chiến tranh tại TQ vào năm 1932, vẫn được gọi là vụ Lư cầu kiều (cầu con lừa ở Bắc kinh).
Sau này lời thơ của ông có khi vẫn rất “đại ngôn”, như viết về chị Trần Thị Lý, nhưng nó việt nam hơn
“Em là ai cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay là không có tuổi
Mái tóc em là mây hay là suối.
Đôi mắt em nhìn hay ánh lửa đêm đông
Thịt da em là sắt hay đồng…
Làm thơ cách mạng rất là khó, bởi vì bắt đầu từ thơ mới, thơ hiện đại VN học theo văn học Pháp, tức là văn học phương Tây, bắt đầu có “cái tôi”. Văn học phương Tây bám nhiều vào cái tôi, thơ lại càng có “cái tôi “ lớn, nhưng văn học cách mạng lại viết về cái chúng ta. Tôi tức là chúng ta. Điều hoàn toàn không dễ viết. Có nhiều nhà văn nhà thơ sau cách mạng tháng tám, có bị “gõ thước kẻ vào tay” cũng không viết được. Lấy ví dụ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu. Họ chỉ viết được “cái tôi theo cách mạng”, nhưng cái “tôi là chúng ta” thì không thể viết được. Điều này không có nghĩa là văn thơ họ không hay, nó rất là hay, nhưng văn thơ họ không thể là “lời con đồng” của cách mạng. Chỉ có một số nhà văn nhà thơ làm được điều này : Tố Hữu, Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Anh Đức, Nguyễn Thi, .. trong đó rõ rệt nhất là Tố Hữu.
Con đồng nghĩa là gì ? bây giờ đạo Mẫu đã được công nhận là tôn giáo bản địa, là đặc trưng văn hóa VN nên, lên đồng, nhập đồng không có nghĩa là xấu, là mê tín. Nó là sự thăng hoa ra lời, của thần linh thông qua cô đồng. Với tôi , thơ Tố Hữu là lời cô đồng của “thần linh cách mạng VN”, và ông nói điều này một cách rất tự nhiên. Ví dụ trong bài thơ chiến thắng điện biên.
Kháng chiến ba ngàn ngày.
Không đêm nào vui bằng đêm nay.
Đêm lịch sử Điện biên sáng rực.
Trên đất nước như ngôi sao trên ngực.
Dân tộc ta một dân tộc anh hùng.
Nhưng lời thơ giản dị này không phải chỉ là cảm nhận của riêng ông Tố Hữu, mà là cảm nhận của bất cứ người VN nào, nếu họ “nhập đồng” được với cách mạng. Tức là tất cả nhưng người Vn bình thường, còn người Việt Nam bất bình thường thì sẽ không cảm được, khi lời thơ thốt lên “dân tộc ta một dân tộc anh hùng”.
Cảm nhận này, bản thân người Vn bây giờ cũng có thể chiêm nghiệm được, ví dụ như khi họ “đi bão” lúc giải bóng đá vậy. Tất nhiên là tôi không nói tới tâm trạng của người cá cược được, mà chỉ là người Vn coi bóng đá bình thường.
Lời thơ kiểu nhập đồng này, nhiều khi người ta cảm thấy nó có phần dễ dãi, dài dòng, giống như hò vè. Ví dụ
Ừ đã chín năm rồi đấy nhỉ.
Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ.
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân.
Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần.
Tháng tám mùa thu xanh thẳm.
Mây nhởn nhơ bay.
Hôm nay ngày đẹp lắm.
Mây của ta trời thắm của ta.
Nước Việt nam dân chủ cộng hòa.
Khi đọc những dòng thơ trên, cảm nhận đầu tiên của tôi là buồn cười, vì nó quá dài dòng văn tự, giống như văn xuôi bắt vần. Điều mà tôi càng cảm thấy rõ, vì tôi thích thơ cổ điển, thơ chữ Nho.vốn tiết kiệm chữ. Nhưng khi đọc nó, ta có cảm tưởng như nó thoát ra một lèo, một cách vô thức. Tác giả không mất công trăn trở, gọt đẽo ngày này qua ngày khác để chỉnh nó. Đây là lời tự sự bật ra, giống như khi người ta lên đồng. Cho đến nay, tôi cũng chưa được đọc một bài viết nào mà nhà thơ Tố Hữu mô tả thi hứng của ông. Ông viết một lèo, hay phải suy ngẫm, gạch xóa.. Nhưng dù sao cũng là cảm nhận của tôi khi đọc nó.
Một điều thú vị nữa với tôi, khi nhập cảm nhận “mây của ta trời thắm của ta”, cũng bởi vì tôi ngâm cứu lịch sử văn hóa. Trong cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1991, chỉ có giai đoạn chiến tranh với TQ (1979-1991), là cái chết không tới từ bầu trời. Chứ còn trước đó, ta chủ yếu kiểm soát mặt đất, còn bầu trời vẫn bị không chế. Kháng chiến cũng có nghĩa là lặn lội leo rừng leo núi trong đêm, là vượt quốc lộ trong đêm, là giao liên trong đêm.. cho nên cái giây phút thư dãn “Ngẩng đầu lên trong sáng tuyệt trần…Mây của ta trời thắm của ta” nó có hương vị đặc biệt. Và cảm nhận thư thả, chiến thăng này lồng với tự hào, lồng vào đất nước khiến lời thơ thốt lên một cụm từ có ý nghĩa hành chính mà lại thành thơ, nếu ta “nhập đồng” được. “Nước Việt nam dân chủ cộng hòa”.
Trong bài thơ theo chân bác, cũng có câu tôi còn nhớ được, bởi nó rất lịch sử văn hóa, mà lại chuẩn:
“Găng Đi quay lại chiếc xa xưa
Dệt tấm lòng nhân đựng gió mưa.
Nghiệp lớn Tôn Văn vừa dựng đó.
Trăm năm tay lái vững vàng chưa”
Ở đây ông Tố Hữu đã thu gọn được hai tư duy của phong trào giải phóng dân tộc vào đầu thế kỷ XX ở châu Á cực chuẩn mà thi vị. Đó là hình thức quay về quá khứ, từ chối hợp tác với Anh của Găng đi ở Ấn độ, cũng như việc Quốc dân đảng TQ bắc phạt lật đổ nhà Thanh lập ra Trung hoa dân quốc. Tôn Văn là một tên khác của Tôn Trung Sơn.
Nhưng cũng ở đây ông Tố Hữu có một hạt sạn. Đó là cụm từ “xa xưa”. Trong thơ nhiều khi để bắt vần, nhà thơ có thể tạo một cụm từ mới, để có vần. Người Pháp vẫn tự hào là Victor Hugo, khi làm thơ đã tự tạo ra tên một thành phố ở đất thánh Giê ru xa lem, để có cớ bắt vần. Ở đây ông Tố Hữu cũng làm thế. Xa là cái xa dệt cửi, còn xưa, là cổ xưa. Xa xưa như vậy là cái khung kéo chỉ dệt vải, nhưng ở đây từ ông dựng ra lại không khéo, vì nó trùng với một từ đã có sẵn chỉ thời gian quá khứ : xa xưa. Mặc dù vậy, sạn trong thơ Tố hữu kiểu này không nhiều, và vần ông bắt rất tự nhiên, dù là thơ tự do, song thất lục bát, hay lục bát.
Trên văn đàn thế giới có một loại văn chương mà tôi gọi là văn chương để giành giải nô ben. Đó là những loại văn chương đề cập tới các giá trị phổ quát trên toàn thế giới kiểu “Ai lớp ưu, ưu lớp ai” (I love you, you love I(me)), nếu những giá trị phổ quát này lại có hơi hướng thiên chúa : creator/satan quằn quại này nọ thì lại càng dễ được giải. Bởi đây là cái gốc văn hóa phương Tây. Thơ Tố Hữu và văn thơ cách mạng VN hiển nhiên không thuộc loại này, bởi thế nó là “hàng độc” (hiểu kiểu độc đáo, chứ không phải độc dược) như ở VN bây giờ hay nói.
Chỉ có người Vn mới có thể nhập đồng với thơ của ông. Và với các nhà văn nhà thơ cách mạng khác, mà tôi không dẫn ở đây.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 14 2020, 12:09 AM

Như đã hứa ở trên, khi tôi nói đại cách mạng văn hóa vô sản (1965-1976) ở TQ và chế độ Pôn pốt – Yêng sa ri ở Cam pu chia (1975-1979) có mùi vị Troskisme thì phải có phân tích, nên tôi viết nốt ở đây. Và qua đó ta cũng có nhận xét đầy đủ hơn về Liên Xô.
Hiện tại không có một tác phẩm phân tích nào của phương Tây nói rằng hai sự kiện trên có mùi vị Troskisme, và họ vẫn quy cho nó là cộng sản, là hệ quả của CNXH. Nhưng với tôi, điều này hoàn toàn sai. Để hiểu được điều này, thì ta phải đi tìm hiểu một vế khác nữa về “ý nghĩa của Liên Xô”. Như tôi đã nói, việc xay dựng CNXH ở Liên Xô thực ra là một quá trình công nghiệp hóa ở một nước nửa phong kiến, lạc hậu không có giai cấp tư sản của mình, trong một thời đại mà chủ nghĩa tư bản đã tiến tới chủ nghĩa đế quốc, đi xâm chiếm thuộc địa khắp nơi. Nhưng về mặt ý nghĩa mà thời đại cảm nhận, nó còn là một cuộc cách mạng vô sản, một niềm tin và hi vọng mới với một tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế về mặt ý nghĩa, và cũng là sự thực, cách mạng tháng mười được coi là sự mở đầu của một cuộc cách mạng trên toàn thế giới, giải phóng giai cấp vô sản ở châu Âu, kết thúc chế độ thuộc địa, các đế quốc thực dân trên toàn thế giới. Như tôi đã nói, hình thức và ý tưởng thực hiện nó như thế nào đã phát sinh và tạo ra chủ nghĩa Troskisme. Theo đó người Nga phải có nghĩa vụ “xuất khẩu cách mạng” trên toàn thế giới mà không phải xây dựng CNXH. Xu hướng này đã bị loại bỏ khỏi Liên Xô với việc loại bỏ Trosky, từ đó hình thành tư duy thứ hai (do Staline đứng đầu) đó là Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội, và các phong trào công nhân khác (chủ yếu ở châu Âu) có nhiệm vụ bảo vệ Liên Xô như thành quả đầu tiên của CNXH, ngược lại Liên Xô sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trên thế giới giải phóng khỏi chế độ thuộc địa cũng như phong trào công nhân thế giới. Từ đó có luận điểm Liên Xô sẽ giúp các nước được giải phóng hiện đại hóa, ta vẫn gọi là “thời kỳ quá độ”.
Quốc tế thứ III được thành lập với tư duy cách mạng sẽ nổ ra ở Tây Âu, và các đảng cộng sản được thành lập ở Tây Âu (tách ra từ các đảng xã hội). Khi cách mạng ở Tây Âu không bùng nổ, với luận cương thuộc địa của Lê nin, các đảng cộng sản cũng được thành lập ở các nước khác như ở TQ, VN, Thái, Malaysia… Đảng cộng sản Thái, Malay được thành lập với sự chỉ đạo của Bác Hồ. Bác cũng là thành viên tham dự thành lập đảng cộng sản Pháp.
Sự phát triển của các ĐCS trên thế giới, nhu câu và lợi ích riêng của Liên Xô trong quan hệ quốc tế, sự hình thành nhà nước TQ, nhu cầu, quan niệm, lợi ích của TQ .. đã khiến cho phong trào cộng sản đa dạng hơn, không thể chỉ huy từ một trung tâm. Quốc tế cộng sản tự giải tán vào năm 1942. Vào thập niên 60, Liên Xô có lập lại Kominform (ghép từ Kommunisme và information, tức là văn phòng thông tin cộng sản), nhưng nó cũng tan và dừng hoạt động sau mâu thuẫn TQ-Liên Xô.
Mâu thuẫn lớn nhất là mâu thuẫn giữa Đảng CS TQ và Đảng CS Liên Xô. Đặc biệt từ khi Khơ rút xốp lên năm quyền vào đầu thập niên 60, sau một giai đoạn đấu tranh quyền lực trong đảng CS Liên Xô từ sau khi Staline mất (1953-1960). Từ thời kỳ Khơ rút sốp, Liên Xô chủ trương chung sống hòa bình, ngược lại TQ lại chủ trương cách mạng toàn thế giới. Mâu thuẫn dạng Trosky lại lặp lại, nhưng ở đây không còn là hai phái trong một đảng mà là hai nhà nước. Cũng để ý một điều nữa, đó là mặc dù Đảng CS TQ đề cao cách mạng thế giới, nhưng chính TQ cũng không xuất khẩu cách mạng, mà chỉ lấy cớ thế để đẩy Liên Xô xung đột với thế giới tư bản, và phải có nghĩa vụ giúp đỡ TQ. TQ cũng không tạo lập ra một phong trào cộng sản riêng do mình tài trợ. Từ những năm 60, có rất nhiều đảng cộng sản theo đường lối mao ít, nhưng không phải là do TQ lập ra, mà bởi những người cộng sản ở đây nhận thấy cách thức của TQ hợp lý cho một nước đang phát triển hơn. Bản thân ở VN, Đảng CS VN không phải là một đảng mao ít, nhưng VN cũng vận dụng rất nhiều kinh nghiệm TQ.
Trong thời kỳ đâu 1950-1957, quan hệ TQ-LX vẫn tốt, và LX đã giúp TQ trong hai kế hoạch 5 năm đầu tiên,kể từ khi cách mạng TQ thành công. Hai bên cũng hợp sức với nhau trong chiến tranh Triều Tiên(1950-1953).Nếu quân đội TQ tham chiến trực tiếp (thiệt hại của Hồng quân TQ lên tới 1 triệu), thì Liên Xô cung cấp vũ khí, và về không quân thì còn tham chiến trực tiếp.
Bắt đầu từ năm 1958, thì TQ không phát triển theo kiểu “công nghiệp hóa thời kỳ quá độ với sự giúp đỡ của Liên Xô” nữa, do hai bên đã xung khắc về tư tưởng như tôi nói ở trên.
Sau phong trào đại nhảy vọt (1958-1961) thất bại, giai đoạn 1961-1965 TQ lại phát triển theo hướng như thời gian 1950-1957, nhưng không còn sự giúp đỡ của Liên Xô, vì Liên Xô đã rút chuyên gia từ năm 1960. Và cũng chính trong đảng CS TQ đã xuất hiện hai phái. Một phái Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kỳ, … có thể gọi là phái duy lý, hay phái “công nghiệp hóa”, và một phái khác cực tả, mà đỉnh cao là nhóm 4 tên với sự đứng đầu của Giang Thanh. Chính vì nhóm này, mà hoạt động của đảng CS TQ giai đoạn 1965-1976 có mùi vi Troskisme nhất, và có thể gọi họ là Troskisme châu Á cũng không sai.
Cách mạng văn hóa TQ cũng là một dạng “cách mạng liên tục” , “cách mạng thường trực”, lấy “dân chủ trực tiếp vô chính phủ” làm cách thức hoạt động, đập bỏ đảng coi đảng là “xét lại”, về kinh tế tạo dựng các công xã tập thể, xóa bỏ hình thức gia đình.. Tất cả nhưng điều này đều có mùi vị Troskisme rất rõ rệt.
Nhóm cực tả này cũng chống Liên Xô, coi Liên Xô là “xét lại”. Điều tương tự như Troskisme đã làm. Sự khác nhau là với TQ, Liên Xô “xét lại” từ thời Khơ rút xốp (1960), còn với Troskisme thì thời Staline, sau khi Lê nin mất, Liên Xô đã xét lại rồi. Mâu thuẫn TQ-LX lên tới đỉnh cao vào năm 1969, khi có xung đột biên giới, và hai bên còn đe dọa dùng vũ khí nguyên tử. Khi chuyện này xẩy ra thì Mỹ được thông báo, và đấy chính là cơ sở để Mỹ đi đến bắt tay với TQ vào năm 1972.
Mâu thuẫn TQ-Liên Xô này ảnh hưởng tới VN, nhưng chính phủ VN dân chủ cộng hòa vẫn khéo léo lách được để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì thế hiện tại khi Vn phải đối phó với các đối tác “phập phồng” : Nga, TQ, Mỹ, .. thì cũng không phải là cái gì khủng khiếp, vì VN rất có kinh nghiệm.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 14 2020, 12:10 AM

Ở Pháp này, thỉnh thoảng tôi hay gặp những “Việt kiều” mà 100% đi từ chế độ Sài gòn cũ, họ hay nói là “VN đánh thuê cho “Nga Xô”, “Trung cộng””. Đây cũng là tuyên truyền của SG ngày xưa. Nhưng thực tế thì khác hẳn, chính VN đã phải lựa họ để có sự giúp đỡ mà chiến đấu, chứ không phải họ muốn. Điều này khác hẳn với chính quyền SG trong Nam, ở trong Nam, Mỹ điều khiển thật sự chính quyền miền Nam theo lợi ích của nó. Khi nó cho độc lập thật sự (1973) rút hẳn đi thì đổ kềnh ngay. Mới độc lập với Mỹ mấy tháng, năm 1974 đã thua rõ ràng.
Sau hiệp định Giơ ne vơ, thì cả TQ lẫn Liên Xô đều khuyên Vn theo mô hình Bắc Triều Tiên. Vì thế từ năm 1956 đến đồng khởi 1960, VN không làm được gì cả. Chỉ ẩn mình tích lũy lực lượng.Lúc đó Vn mắc kẹt, vì chính TQ đã ép VN ký hiệp định Giơ ne vơ, cho nên VN không thể tin 100% vào TQ. Nhưng đồng thời cũng không thể trông chờ vào ông Liên Xô, vì ông đã “xét lại” rồi.
Chính chính quyền Diệm đã tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến bùng nổ, với luật 10/59 tàn sát các người kháng chiến cũ ở lại miền Nam, đồng thời với chính sách cải cách điền địa, tức là một loại cải cách ruộng đất ngược, phản động, thu hồi đất trong vùng cách mạng cũ mà nông dân đang sử dụng trả lại cho địa chủ, làm đảo lộn nông thôn miền Nam.
Như vậy cách mạng miền Nam đã bùng lên trước, trước khi có sự trợ giúp từ miền Bắc. Sự chi viện từ miền Bắc có thể đánh dấu bằng sự kiện thành lập đoàn 59, và bắt đầu đưa một số cán bộ miền Nam tập kết vào Nam qua đường Trường sơn. Một trong những người đầu tiên quay vào Nam là nhà văn Nguyễn Thi, người viết truyện về chị Út tịch (đây cũng gần như người thật việc thật), ông cũng có rất nhiều bài bút ký cách mạng tuyệt với. Ông đã hi sinh trong kháng chiến.
Vào thời điểm này, chính TQ đã giúp VN. Tức là từ năm 1960 đến 1965. Từ năm 1966, do cách mạng văn hóa, sự giúp đỡ cuả TQ giảm dần. Đây là thời gian của Đường Hồ Chí Minh trên biển, chở vũ khí vào miền trung theo đường biển vào khách hòa, bình thuận, cà mâu là sự hợp tác giữa TQ và VN. Có thời gian các đoàn tầu này xuất phát từ đảo Hải Nam TQ. Nhờ có vũ khí đường biển này mà chiến khu ở Cà mâu được giữ vững, có các trận chiến thắng Ấp Bắc, Đồng Xoài, .. Đường Trường sơn về sau (sau năm 1965) mới dần dần đóng vai trò quan trọng, do Hải quân Mỹ kiểm soát biển chặt chẽ hơn.
TQ cũng viện trợ tiền đô la cho VN ( theo hồi ký Lê Đức Anh), và nhờ có đô la, có thể mua gạo trực tiếp ở Cam pu chia cho vùng khu 9, mà không phải vận chuyển từ Bắc vào Nam nữa.
Có được điều này bởi TQ chống Mỹ, trong khi Liên Xô thì không. Ngược lại Vn đã vận động khéo để Liên Xô giúp bảo vệ miền Bắc (vì chung sống hòa bình không có nghĩa là đầu hàng, không tự bảo vệ), vì thế mà Liên Xô mới giúp VN máy bay MIG, tên lửa SAM, nhưng Liên Xô không giúp đấu tranh vũ trang ở miền Nam.
Đây cũng là giai đoạn mà các tướng lĩnh VN như Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh, Trần văn Trà, ..đóng vai trò chính, (chứ không phải tướng Võ Nguyên Giáp). Họ là những vị tướng chính trị, những nhà tổ chức. Chính họ đã tìm ra phương thức đánh Mỹ đầu tiên, trước khi phương thức du kích chiến này mất hiểu quả từ sau tổng tấn công và nổi dậy(1968). Mất hiệu quả tức là không thể sử dụng phương pháp này để chiến thắng, thay đổi tình thế. Nhưng nhờ có nó mà Mỹ có tới nửa triệu quân mà vẫn phải căng ra, không thể có lực lượng dự bị chiến lược. Nó vẫn là cái phông, để kháng chiến có thể thắng lợi.
Từ năm 1965, khi Bơ rê giơ nhép lên làm tổng bí thư, thì Liên Xô mới ủng hộ VN thật sự và càng ngày càng tăng cho tơi lúc Gô bác chép lên nắm quyền làm tan rã Liên Xô. Hiện tại ở nhà tôi vẫn có tuyển tập Lê nin, do ông Bơ rê giơ nhép tuyển, bằng tiếng Pháp do nhà xuất bản tiến bộ ở Mạc tư Khoa in. Tôi mua vì muốn tìm hiểu ông ấy quan niệm Lê nin thế nào. Nếu người Vn tri ân Liên Xô thì phải tri ân cả ông. Bơ rê giơ nhép, Cóc xư gin, Xút sơ lốp là bộ ba lãnh đạo Liên Xô từ năm 1965 đến giữa thập niên 80.
Trở lại với vấn đề Troskisme, như vậy từ năm 1965, trong đảng CS TQ đã hình thành một dạng Troskisme qua “bè lũ 4 tên”, cho nên chính sách TQ thời này (1965-1976) có thể coi là chính sách troskisme. Nếu chính sách Troskisme ở TQ làm giảm sự ủng hộ của TQ với VN, thì cũng không vì thế mà TQ quay lưng lại. Đến tận năm 1972, TQ vẫn giúp VN. Khi B52 ném bom Hà nội, đài tiếng nói VN bị phá hủy, việc phát sóng được thực hiện từ Vân Nam (TQ), cũng trong đợt ném bom trở lại miền Bắc của Mỹ vào năm này, do cảng Hải phòng bị Mỹ thả mìn phong tỏa mà vũ khi Liên Xô vẫn qua TQ đến “cảng cạn” Lạng sơn, mặc dù hai bên hục hặc với nhau.
Việc đánh VN, chiến tranh biên giới (1979-1991) lại là hành động của nhóm Đặng Tiểu Bình, chứ không phải là nhóm tả khuynh “bè lũ 4 tên” TQ.
Khi cuộc chiến tranh biên giới với TQ bùng nổ (1979-1991), thì báo chí VN để tố cáo TQ đã lấy nhận thức từ báo chí phương Tây, nên thường đánh giá « đại cách mạng văn hóa vô sản » (thường được gọi tắt là cách mạng văn hóa) là thủ thuật của Mao trạch Đông để tiếm quyền của đảng CS TQ. Đây là kiểu phân tích luôn lấy « quyền lợi cá nhân » của một người ra nói theo truyền thống văn hóa của phương Tây, đặc biệt khi được dùng để bôi xấu. Trong thực tế, đấy chính là một cách thức mà TQ muốn dùng để chống tình trạng quan liêu trong đảng, mà người ta quy ra là tư sản, hay xét lại. Bản thân Bác Hồ cũng viết quyển « sửa đổi lề lối làm việc » để nói về vấn đề quan liêu này.
Vì thế cách mạng văn hóa, phải được hiểu như là một biện pháp kiểu Troskisme để chống vấn đề quan liêu này, chứ không đơn giản là dành quyền lực cho Mao trạch Đông như phương Tây vẫn nói.
Pôn Pốt sang Pháp học vào những năm 60, lúc bấy giờ ở Pháp, cách tả ở Pháp rất ủng hộ TQ mà phản đối Liên Xô. Vì thế chắc chắn Pôn pốt cũng bị ảnh hưởng này. Không phải chỉ riêng Pôn pốt mà tất cả nhóm người Cam pu chia sau này trở thành yếu nhân của Khơ me đỏ cũng vậy. Khi Khơ me đỏ được TQ ủng hộ, thì họ đã lấy luôn cái mô hình này vào,tức là mô hình troskisme. Nhưng lại thực hiện nó một cách dã man hơn, thô sơ hơn (mà theo họ thì triệt để hơn), từ đó mà sản sinh ra các chính sách mà Khơ me đỏ áp dụng ở Cam pu chia từ năm 1975 đến 1979.
Vì thế với phân tích của tôi, thì “bè lũ 4 tên” ở TQ và phong trào cách mạng văn hóa, chính là chủ nghĩa Troskisme kiểu châu Á. Và sự cực đoan của thứ troskisme kiểu châu Á này được đẩy lên cao nhất với Khơ me đỏ.
Như vậy quan hệ về nhận thức giữa người theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và chủ nghĩa Troskisme rất gần với nhau, nhưng cũng rất khác biệt nhau. Cùng dựa trên một phương pháp luận mác xít (duy vật biện chứng, duy vật lịch sử) mà chủ nghĩa troskisme lại dẫn đến một kết luận và hành động cực đoan hơn, ảo tưởng hơn, « tả khuynh » hơn.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Nov 25 2020, 09:53 PM

Phần viết để giải độc cho bài viết của tác giả Maxell Phan nào đó mà nvt cóp pi lại có thể coi là hết. Tôi chỉ còn bổ xung một chút ở đây quan niệm về một chế độ chính trị tàn bạo là đủ.
Thông thường ở phương Tây họ có một định kiến, đó là tất cả các chế độ chính trị khác « dân chủ đa đảng » ở Tây Âu , Mỹ thì đều là chế độ tàn bạo. Nhưng điều này thực ra là một định kiến. Điều quái đản hơn nữa, đó là các ông lề trái VN, mà không biết ông Maxell Phan ở trên có phải dạng này không, thường là hậu duệ của chế độ Ngô Đình Diệm ở VN, là một chế độ tàn bạo man rợ, nhưng bản thân họ lại không thấy thế , mà lại quy cho các chế độ khác là tàn bạo. Từ giữa thế kỷ XIX ở VN đã tồn tại chế độ phong kiến nhà Nguyễn, chế độ thực dân Pháp, chế độ Ngô Đình Diệm, chế độ Nguyễn văn Thiệu, chế độ VN dân chủ cộng hòa. Nếu xếp theo mức độ tàn bạo thì tôi sẽ xếp thế này :
Đầu bảng tàn bạo là chế độ Ngô Đình Diệm, thứ đến chế độ thực dân Pháp, chế độ Nguyễn Văn Thiệu, chế độ VN dân chủ cộng hòa.
Vì thế nên điều kỳ lạ ở trên đập ngay vào mắt, đó là những nhân vật thường có nguồn gốc từ chế độ man rợ nhất trong lịch sử VN cận hiện đại (chế độ Ngô Đình Diệm), lại chê cái chế độ có thế tốt nhất. Tại sao lại có chuyện như thế và tôi căn cứ vào đâu mà xếp hạng như vậy.
Căn cứ của tôi là theo lô gics của đạo Nho. Đạo Nho vốn phân biệt các chế độ theo vương đạo và bá đạo. Vương đạo là chế độ có chính danh, bá đạo là chế độ không có chính danh. Khi có chính danh, thì mức độ tàn bạo giảm, vì nó là một thể chế được số đông chấp nhận, ngược lại thì nó bắt buộc phải cưỡng ép, sử dụng bạo lực. Điều thứ hai đó là cách sử dụng bạo lực thế nào ? nguồn gốc kỹ thuật bạo lực này từ đâu ra ?
Căn cứ thứ hai là dựa trên phân tích cấu trúc xã hội của từng chế độ mà ra (đây là phần ứng dụng của chủ nghĩa Mác, xét sự phát triển của xã hội theo vai trò và cấu trúc giai cấp)
Dựa theo hai điều này, tôi xếp hạng các chính thể đã tồn tại ở VN từ thế kỷ XIX đến nay.
Tại sao chế độ Ngô Đình Diệm lại đứng đầu bảng về bạo lực. Bởi vì chế độ này là một chế độ chính danh yếu nhất. Xét về mặt cấu trúc quyền lực, tức là lực lượng nắm quyền của nó từ giai cấp nào, đẳng cấp nào ra, ta sẽ dễ nhận thấy cái đế của chế độ này là phong kiến phản động được thực dân Pháp giữ lại từ phong kiến nhà Nguyễn, để làm cái đế, là chỗ dựa cho chế độ thực dân. Bộ máy hành chính của chế độ thực dân có một phần là trực trị (Nam Bộ), một phần là bảo hộ (tức là cai trị qua bù nhìn nhà Nguyễn Bắc Kỳ, Trung kỳ), khi Pháp rút đi, thì cái phần cai trị của nhà Nguyễn (thời thực dân) trở thành chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng thế chưa đủ, chế độ Diệm còn có điểm yếu không chính danh nữa, đó là nó dựa vào một thiểu số tôn giáo là đạo Thiên chúa, mà bản thân đạo này cũng được coi như một dạng tay sai của thực dân Pháp, là « đội quân thứ 5 » giúp Pháp xâm lược VN. Kết quả chế độ nhà Ngô là một chế độ hết sức thiểu số, dựa trên những lực lượng phản động nhất trong xã hội mà thực dân Pháp để lại ở VN. Bản thân đạo Thiên chúa đã là một dạng bạo lực (do tính chất độc tôn của nó) cộng thêm với tàn bạo của phong kiến phản động thời tan rã, đã khiến chế độ này trở thành đỉnh cao của tàn bạo trong các chế độ đã tồn tại ở VN từ thế kỷ XIX đến nay.
Chính vì thế mà mặc dù thể chế hiến chương của chế độ này là một thể chế « đa nguyên đa đảng » kiểu phương Tây, trong thực tế nó là một chế độ gia đình trị, trong đó anh em nhà Ngô nắm quyền sinh quyền sát, mặc dù không có vai trò chính danh gì cả trong bộ máy nhà nước (ngoại trừ Ngô Đình Diệm là tổng thống). Đây là ví dụ điển hình để cho các chí sĩ VN ngâm cứu về thể chế đại nghị tư sản này nên tìm hiểu.
Lúc vào Huế chơi, tôi có kiếm được một quyển sách mà miền Nam in ra sau năm 1963, tức là sau khi nhà Ngô bị lật đổ, nói về địa ngục 9 tầng hầm mà Ngô Đình Cẩn xây dựng ở Huế. Ngô Đình Cẩn không những chỉ bắt giam người theo cách mạng, mà bản thân nhiều người là tư sản có tiền cũng bị Ngô Đình Cẩn bắt giữ để chiếm đoạt của cải, và việc này xẩy ra ngang nhiên trong một chế độ « đa nguyên đa đảng dân chủ ».
Quyển sách cũng thuật lại việc Ngô Đình Cẩn bị tử hình thế nào (khác với Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắn chết mà không bị xét xử). Theo lời quyển sách thì Ngô Đình Cẩn rất bình tĩnh, còn xin được mặc áo dài khăn đóng, và còn nói « chính trị là như rứa, phải tàn bạo ».
Bản thân câu nói này đã bộc lộ bản chất chế độ nhà Ngô. Làm chính trị không thể tàn bạo, và cưỡng chế chỉ là một trong những biện pháp có thể sử dụng. Ở châu Á, từ thời nhà Hán, trước công nguyên, Lưu Bang, tức là Hán Cao Tổ, người lập nên triều đại này, cách đây hơn 2000 năm đã nói « không thể chỉ ngồi trên lưng ngựa, cầm kiếm mà giữ được nước ».
Tại sao chế độ Nguyễn Văn Thiệu lại được tôi ưu tiên xếp ngay sau chế độ hiện tại ở VN. Cũng đơn giản là theo phân tích cấu trúc xã hội.
Sau năm 1963, do vùng giải phóng mở rộng, lực lượng phong kiến vốn là cái đế của chế độ Ngô Đình Diệm không còn đất sống, vì ruộng đất phần nhiều đã nằm trong vùng giải phóng, hoặc ở vị thế bất an, địa chủ phong kiến không có thể thu thuế được, nên bị tiêu diệt. Sau năm 1963, Mỹ cũng rút kinh nghiệm không giống như Pháp là chỉ dùng thiên chúa giáo, mà ngược lại Mỹ tìm cách tăng cường ảnh hưởng tôn giáo, miễn là họ không phải là cộng sản. Như vậy, độc tôn thiên chúa thời nhà Ngô mất đi. Mặc dù thế chế độ Nguyễn Văn Thiệu cũng không có chính danh, vì nó dựa trực tiếp lên nhóm tướng tá Sài gòn, trong một tổ chức quân đội của Mỹ dựng nên (đúng hơn là kế thừa từ những gì Pháp xây dựng). Tức là một dạng chính quyền quân phiệt (một dạng khác của nhà nước « đa nguyên đa đảng » khi nó không có đế là giai cấp tư sản dân tộc). Nhưng quân phiệt kiểu này vẫn tiến bộ hơn một chế độ dựa vào một giai cấp quá đát phản động là phong kiến thực dân.
Chuyện gì xẩy ra ở miền Nam, nếu chế độ kiểu Nguyễn Văn Thiệu tồn tại ngay từ năm 1954. Rất có thể nó sẽ biến miền Nam thành một dạng Hàn Quốc. Nhưng giả thiết này không thể xẩy ra được. Tại sao ? bởi tầng lớp phong kiến phản động kia chị bị đánh đổ bởi phong trào cách mạng ở miền Nam, chế độ Nguyễn Văn Thiệu chỉ có « thừa hưởng vô ý thức » chuyện này, chứ không phải nó tự tạo ra được.
Cũng chính vì thế mà khi chia đoạn lịch sử VN thời cận đại và hiện đại, tôi coi chế độ thực dân Pháp kết thúc ở VN vào tháng 11/1963, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đánh đổ , chứ không phải là vào năm 1954, sau hiệp định Giơ ne vơ. Giai đoạn 1954-1963, chỉ là giai đoạn chế độ thuộc địa này đổi chủ từ Pháp sang Mỹ, nhưng không đổi bản chất. Và từ 1963 đến 1975 là chế độ thực dân mới kiểu Mỹ 100% .


Gửi bởi: NVT2002 vào hồi May 19 2021, 04:04 PM

Tiếp tục bài viết của tác giả Trung Tran Lam

Sponsors seeker! 🙂
Khi nói chuyện với các nhà báo Phương Tây, Cụ Hồ thường thể hiện một cá tính phi cộng sản, nét hài hước thường chỉ thấy của người có trải nghiệm sa-lông ở Châu Âu. Ví dụ như vào cuối những năm 60, trả lời một nhà báo Tây về chuyện yêu đương và lập gia đình, Cụ Hồ chia sẻ, đại khái: "Tôi già rồi, mà người già nào thì cũng có những bí mật riêng tư của họ!". Hoặc khi đi tiệc tùng ngoại giao ở các quốc gia dân chủ không CNXH, cách Cụ nâng ly, bận áo bành-tô kiểu Churchill, hay cái tướng hút thuốc, cầm cơ bi-da, tất cả đều toát lên cái phong thái của một tay chơi lịch lãm, mà nếu đọc chính sử thì sẽ không thể hiểu nổi, anh Nguyễn Tất Thành khi trẻ và đảng viên đảng Cộng sản Pháp Nguyễn Ái Quốc, thời ba mấy tuổi, chăn không có mà đắp, nghề nghiệp, chỗ ở thì không ổn định, thì tiền bạc, môi trường đâu mà rành các ngón ăn chơi kiêu bạc kiểu thế 🙂
Suốt từ năm 1925 đến 1935, việc chủ yếu anh làm với QTCS 3 do Liên Xô bảo trợ- là đi xin tiền 🙂. Xin 4,5 cơ quan duyệt cho 1,2, rồi phải quay ra vận động địa chủ tư sản trong nước, như chủ tiệm ảnh cũ ở Paris, hay ông chủ đảng lập hiến sau này- Bùi Quang Chiêu- (người rốt cục cũng bị hạ sát bởi Việt Minh) lạc quyên để nuôi các học viên của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội...- những người lập quốc không được chính sử thừa nhận, như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Sơn.... vì bản thân họ- không được gọi là Đảng viên Đảng cộng sản. Không xin được tiền thì xin vũ khí, thuốc men như khi quan hệ với OSS. Không xin được cái gì đáng giá thì Cụ xin cả tấm ảnh, như của tướng Không quân Mỹ ở Trung quốc, Chennault , tấm ảnh có chữ ký cùng dòng chữ "Your friend", không khác gì tấm lệnh bài minh chứng nước Mỹ đứng sau lưng Cụ- trước ngày khởi nghĩa! Cho đến năm 1946 khi đã có chính quyền trong tay, việc bé như xin tiền nhà ông Trịnh Văn Bô để cho tướng Quốc Dân Đảng ăn chơi, cũng phải một tay Cụ mới xong. Người kiếm tài trợ siêu việt- nên là một danh xưng nữa cho Cụ. Để làm được điều đấy, Cụ phải có skill thượng thừa về quản trị tài chính 🙂 Không để thất thoát và tuyệt đối trong sạch. Ngoài ra khí chất của người vận động tài trợ, phải như thế nào người ta mới khứng đem tiền cho 🙂.
Cái đấy, không có người Việt Nam nào thế kỷ 20, ngoài Cụ, sở đắc.
Có được nguồn tài trợ rồi, cách Cụ sử dụng ODA hay FDI... đều vô cùng hiệu quả. Ví dụ như khi cần đầu tư hết một rổ cho trận Điện Biên Phủ, Cụ giao hết dấu má cho chú Văn, với cách giao quyền vô tiền khoáng hậu: Đánh sao cũng được, miễn thắng! 🙂. Là người cùng khởi nghiệp với Cụ, Võ đại tướng không thể không nhận ra ý tứ gửi gắm của Cụ: Nguồn lực cho trận đánh này là vô tận, đánh nhanh đánh chậm gì tùy chú!, Nguồn lực cho cú chốt hạ đấy, chính là toàn bộ nông thôn và nông dân miền Bắc, thứ mà không có nhà cách mạng nào trước, cùng và sau thời của Cụ - có được.
Trong những lần tìm kiếm tài trợ, trớ trêu thay, cả hai nguồn lớn nhất có thể đem lại vận mệnh ít xương máu nhất cho đất nước, Cụ đều không có thành tựu hoặc rất rất khó khăn. Lần thứ nhất, với nước Mỹ giai đoạn 1945. Khi mọi nỗ lực của Cụ để van nài nước Mỹ công nhận Việt Nam DCCH như là một quốc gia dân chủ độc lập- đã không đến được tai Truman, tổng thống Hoa kỳ lúc đó.
Lần thứ 2, với nước Nga của Stalin. Nguyên soái thép chưa bao giờ thừa nhận Hồ Chí Minh và Việt Nam DCCH là một đồng minh đáng phải giúp đỡ cho đến khi có một người ép ông ta làm phải chuyện đấy: Mao Trạch Đông. Ai thuyết phục Mao Trạch Đông làm cái việc bao đồng đấy?. Không thể ai khác ngoài sponsor seeker đại tài. Ông Cụ! 🙂.
Happy birthday Uncle!

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi May 19 2021, 10:07 PM

Hì hì, nếu tính quán quân xin tài trợ thì bác Hồ đâu có phải là nhất. Ông bạn viết trên kia nhầm rồi. Nếu tính chỉ số đầu tư trên lãi xuất kinh doanh, thì trong lịch sử hiện đại VN, người đoạt giải nhất phải là Ngô Đình Diệm.
Ông này chưa cần mở mồm xin, Mỹ đã tài trợ, thế mới giỏi. Vừa sang tới Mỹ gặp hồng y giáo chủ Speeman (chẳng biết viết tên có đúng không), vừa mới quỳ xuống, chưa kịp nói hết câu “Giê Xu ma lại chúa tôi”, đã được hồng y giáo chủ Mỹ đút ngay cái thìa bạc vào mồm. Bác Hồ chỉ được hai ông sĩ quan quèn, hàm đại úy của tiền thân CIA là OSS cho mấy hòm lựu đạn, với súng lục thì ăn thua gì. Viết thư cho tổng thống Mỹ, thì bị nó vứt vào thùng rác.
Lại nữa. Họ Ngô chẳng làm gì cả, mà đến năm 1954, có cả nửa đất nước. Chẳng đánh nhau tí nào với Pháp mà lại được tiếng quốc gia. Hục hặc tranh ăn với chính quyền Nam triều, bị nó cho về vườn thì lại được gọi là yêu nước. Trong khi bác Hồ lặn lội rừng núi, quần xắn móng lợn, vất vả, thì họ Ngô tóc chải va dơ lin bóng mượt, com lê , cà vạt trắng toát, không phải động tay động chân làm cái gì, lại được ông em tôn là Găng đi của Việt Nam.Oai như cóc
Nếu mà so chỉ số đầu tư trên lợi nhuận, thì họ Ngô xin sponsor giỏi hơn nhiều bác Hồ chứ, nói theo ngôn ngữ đời thường bây giờ, thì trong chuyện này “bác Hồ chỉ là cái đinh”. Mà bác cũng dại, xin tài trợ đã được ít, mà không biết trích ra một ít, bồi bổ cho bản thân. Nếu xin tài trợ, thì ít nhất đầu tiên phải nghĩ tới mình chứ, cũng phải béo mũm như họ Ngô thì mới có lý chứ.
Chính vì thế sponsor đâu có phải là quyết định, nếu làm một việc gì đó, mà quay đi quẩn lại kế sách cũng chỉ tính xin sponsor thì là cái loại gì ?
Với tôi, điều đặc biệt nhất của bác là một nhà Nho cách mạng. Bác như người chuyển tiếp giữa thế hệ Nho giáo cũ tới chủ nghĩa Mác-Lê nin. Vì thế chủ nghĩa Mác-Lê nin ở Vn là sự kế tiếp của đạo Nho thời trước. Bác sử dụng chúng nhuần nhuyễn tới mức, với người bình thường, cứ tưởng bác nói chuyện cũ mà thực ra là chuyện mới. Chuyện mới mà cứ như là truyền thống. Thế mới thú vị.
Một điều nữa là bác không tham quyền cố vị, chẳng khác gì vua Trần Nhân Tông thời xưa.
PS. Chuyện Ngô Đình Diệm gặp giáo chủ Mỹ là đúng, phần chi tiết là tôi bốc phét ra cho vui, nhưng ý nghĩa của nó vẫn đúng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi May 20 2021, 09:20 PM

Tán phét thêm một tí về cái bài viết ở trên. Tự nhiên trong vòng mấy ngày mà NVT và Thiên lang đã đưa được ví dụ đầy đủ, điển hình về “Vịt cừu yêu nước” và nhận thức chính trị của họ. Vì thế nhân đây tôi cũng tán phét một tí như là một nghiên cứu xã hội học nho nhỏ.
Ông bạn viết cái đoạn về bác Hồ ở trên có lẽ ở Mỹ, “vịt cừu” ở Mỹ chủ yếu có từ sau năm 1975, chứ trước đó rất ít. Một phần là những nhân sự của chính quyền Sài gòn cũ. Tinh thần của họ mạng nặng định kiến, đây là những định kiến bắt nguồn từ tuyên truyền của Sài gòn hồi trước, được họ xào lại, và họ có kinh nghiệm vì là nhân sự của chính quyền này. Với họ “tinh hoa của chính trị”, như chính quyền Sài gòn cũ đã thực hiện là đi tìm một ông chủ để làm tay sai. Điều này được người viết chuyển thể linh hoạt văn hoa thành tìm sponsor. Từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu đều thế thôi. Vì thế họ lắp luôn cái lô gics này khi nói về những người khác, ví dụ ép vào nó cho Bác Hồ. Điều này cũng có tác dụng là làm “cân bằng hai bên”, xóa mờ đi tính chất tay sai của họ. Vì nếu theo cái lô gics này, thì hai bên đánh thuê cho hai sponsor khác nhau, tất cả đều làm tay sai. Cũng chính vì thế, nếu găpj một nhân sự chính quyền SG cũ, thì họ sẽ luôn nói “Nga Xô, Trung Cộng” giúp Bắc Việt. Ở đây yếu tố trợ giúp bên ngoài trở thành yếu tố chính, một điều nữa là họ cố gắng nói miền Nam và miền Bắc khác nhau, như là hai nước. Trong khi cách mạng miền Nam có toàn dân tham gia. Không có chuyện Nam Bắc gì cả.
Chính vì có tư duy làm tay sai kia, mà họ nghĩ rằng (suy ra rằng), bác Hồ có được uy tín, là vì bác lừa bịp được những người tham gia cách mạng để họ tin theo bác vì bác được một ai đó chống lưng. Cũng giống như họ theo Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu này xưa. Cũng giống như ở miền Nam, vùng kiểm soát của Sài gon cũ, ông tướng nào mà được Đại Sứ Mỹ để ý tới, thì có thể leo lên, lật đổ, nắm quyền. Vì thế bằng chứng được “Mỹ thương” rất quan trọng, là điểm chính danh của họ. Ở đây họ gán ghép vào Bác Hồ cũng theo cái lô gics này.
Nhưng việc này là hoàn toàn sai. Những người đi theo bác Hồ là vì độc lập dân tộc, bác có uy tín là vì tài năng. Không ai đi theo vì bác có bằng chứng là được “Mỹ chống lưng”, hay ai đó chống lưng,lại còn chỉ là hai ông đại úy quèn thì càng giống truyện cười Trạng Quỳnh. Cuối cùng đây chỉ là câu chuyện “suy bụng ta ra bụng người” mà thôi
Một điều thú vị nữa cũng nên để ý. Cái câu chuyện này có hai nguồn. Nguồn chính là hai nhân vật của Mỹ này xì ra(trong các sách lịch sử Mỹ viết). Và trong trường hợp đó, họ phải nêu cao vai trò quan trọng của họ, chính vì thế, theo suy diễn của họ, thì việc bác chụp ảnh chung với họ, có nghĩa là bác muốn dùng họ để chính danh. Trong thực tế, nếu không có bác Hồ, thì hai nhân vật này của Mỹ cũng chìm vào quên lãng như bao “anh lính Mỹ” thôi. Vậy ai lợi dụng ai để đánh bóng mạ kền đây.
Thế theo tài liệu VN, có chuyện này không. Có chứ ? tôi có đọc nó trong các hồi kỳ nếu tôi nhớ không nhầm là của bác Võ Nguyên Giáp hay Chu văn Tấn. Nhưng họ chỉ nói vài dòng thôi, và nếu ta không để ý thì không thấy, vì với họ những điều này không phải là cực kỳ quan trọng, và không ai bám vào đó để từ đó có “niềm tin” vào Bác Hồ.
Như vạy họ sai trong nhận định về Bác Hồ vì cái lô gic tay sai của họ, vì đánh giá quá cao một sự kiện, mà sự kiện này lại không được nhìn tổng thể, và nhân thể cũng bôi nhọ được Bác Hồ nữa, vì hóa ra cuối cùng Bác Hồ chỉ là một anh làm chính trị láu cá, chuyên lừa người. Cái hình ảnh “chính trị gia” này cũng chính là hình ảnh chính trị gia Sài gòn ngày trước mà họ có kinh nghiệm, rồi cứ theo đó họ nhìn vào người khác.
Như vậy cái nhìn của họ về Bác Hồ, với tôi, nói nhiều tới tầm nhìn, tầm hiểu biết, nhân cách, quan niệm chính trị của họ, chứ không nói gì được về Bác Hồ.
Bổ xung thêm là câu chuyện của Bùi Quang Chiêu ủng hộ cách mạng cũng là fake. Ông này là một dạng Phạm Quỳnh ở trong Nam. Nếu Bùi Quang Chiêu có gặp bác Hồ thì cũng chỉ có một lần, đó là lúc Bác đi làm đầu bếp để xuất dương. Lúc này Bùi Quang Chiêu cũng đi Pháp, vì thế gặp nhau trên tầu. Nhưng một ông thì ở toa hạng nhất, còn Bác thì ở toa hạng ba. Hai người nói chuyện với nhau, nhưng đường ai nấy đi. Còn tại sao Bùi Quang Chiêu biết bác, vì bố bác Hồ là Phó Bảng, từng làm quan cho Nam Triều. Nói Bác Hồ là con một nhà Nho nghèo thì đúng, nhưng không đủ, vì thực ra bác là con nhà Nho khoa bảng. Tức là nhà nho nghèo nhưng không phải là dạng nhà Nho bình dân. Vấn đề tại sao cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc lại không làm việc cho Nam triều nữa cũng làm tốn khá nhiều giấy mực và không hoàn toàn xác định được: yêu nước từ quan, phạm lỗi trong khi đảm nhiệm chức vụ, ..hai điều này có thể liên quan tới nhau, nhưng cũng có thể không liên quan tới nhau. Chỉ có một điều là khi cụ Nguyễn Sinh Sắc vào trong Nam sinh sống, thì vẫn được người dân kinh trọng (lúc ấy không ai biết Bác Hồ là ai, nên sự kinh trọng này không phải là từ bác tạo ra)
Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Sơn .. đều là những danh nhân cách mạng và được công nhận. Trong sử Vn đều có ghi cả.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi May 20 2021, 10:50 PM

Ở Pháp “vịt cừu” rất đa dạng, vì lịch sử VN từ thế kỷ XIX đến nay đều có gì đó gắn với Pháp, VN từng là thuộc địa của Pháp. Vì thế có một dạng vịt cừu rất đặc biệt, đó là họ không thích chế độ miền Nam, nhưng ngược lại lại nghĩ họ phải được về VN làm quan mới chuẩn. Tại sao lại có dạng vịt cừu buồn cười thế này.
Cái này thì phải lộn lại lịch sử nước Pháp sau đại chiến thế giới hai, khi phong trào xóa bỏ thuộc địa (decolonization) dâng cao vào quảng thập niên 50,60. Lúc này Pháp trảo trả độc lập cho các thuộc địa, và rút kinh nghiệm các cuộc chiến ở An giê ri, ở VN, Pháp biết là không thể giữ thuộc địa kiểu cũ. Như vậy cần làm thế nào để “ra đi mà vẫn ở lại”. Điều dở của Pháp, đó là ở các thuộc địa Pháp, không có một tầng lớp tư sản có thể gần gũi Pháp, vì Pháp là một đế quốc bóc lột theo kiểu tài chính, đánh thuế. Như vậy Pháp phải cấp tốc đào tạo một tầng lớp trí thức có văn hóa Pháp, để rồi Pháp đưa họ về làm “lãnh tụ” ở các thuộc địa cũ, lúc này trở thành các nước độc lập.
Chính vì thế mà Pháp có một chính sách cấp học bổng rộng rãi, sẵn sàng chấp nhận sinh viên thuộc địa vào các đại học khác một cách đặc ân (kiểu chính sách ở Vn với con em thương binh liệt sĩ). Điều này khác hẳn với thời kỳ trước, khi mà chính sách ngăn cản, tạo trắc trở để không đào tạo trí thức thuộc địa, sợ họ chống lại là chủ yếu.
Như vậy với người dân thuộc địa, thì rõ ràng một trí thức được đào tạo ở Pháp có một chất lượng nào đó, hơn hẳn ở thuộc địa. Điều này đã có từ trước. Bây giờ những người này lại được Pháp đưa về làm quan chức ở quê hương bản quán, thì cái tâm lý “ta cực giỏi về nước phải làm quan” là nghiễm nhiên.
Điều này xẩy ra rõ rệt ở các thuộc địa Pháp ở châu Phi. Và có những nhân vật vong bản tới mức phải coi họ là người da trắng, có cái vỏ đen, như một loại củ cải mà tôi thấy bán ở chợ. Ví dụ như Buốc ghi ba (Tuy ni di) Hay Săng go ( Sê nê gan), Bô phu ê (bờ biển Ngà). Nhưng với VN cũng có. Đây là thời Ngô Đình Diệm, và không ít các sinh viên học ở Pháp này về miền Nam làm tổng trưởng (tương đương với cấp vụ, cục ở ngoài Bắc), hay bộ trưởng, .. trong hệ thống chính quyền miền Nam, thế chỗ người Pháp ra đi.
Câu chuyện này tới nay vẫn tiếp tục trên thế giới. Ví dụ, hôm nay đọc báo VN thì mới biết tổng thống Armenia có quốc tịch Anh. Ở Giê óc gia, thì bộ trưởng ngoại giao, thực ra là người Pháp gốc Armenia, và trước đó bà ta đã làm ở bộ ngoại giao Pháp. Trong bộ ngoại giao Pháp, bà ta chỉ là nhân viên quèn cỡ trưởng phòng, về Armenia thì thành bộ trưởng.
Trong tầng lớp Vịt cừu VN này, không phải ông nào, bà nào cũng về miền Nam cũ được, vì có thể họ không chạy được chức, vì miền Nam cũng loạn lạc. Do không có về miền Nam, họ không có tâm lý như những người là nhân sự cũ của miền Nam sang Mỹ kia “căm thù cộng sản”, nhưng ngược lại tâm lý ta là giỏi, ta là người tài luôn tồn tại.
Cái đoạn mà trong cuốn sách họ viết về Trần Đức Thảo, nhồi nhét vào mồm ông những câu chuyện kiểu ông Trần Đức Thảo gặp Bác Hồ ở Pháp năm 46, nói với Bác xin về VN để xây dựng đất nước “hơn Liên Xô, TQ” kia là thể hiện cái tư duy đó. Nó cũng là truyện cười Trạng Quỳnh. Ông có biết về Liên Xô, TQ cũng là trên giấy, qua tuyên truyền của Pháp. “Đụng hàng” ngay Bác Hồ ở LX từ năm 1924, vật lộn với các kiểu tình huống cụ thể, mà lại đòi chỉ vẽ cho người ta. Đúng là quá tiếu lâm.

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi May 31 2021, 02:06 PM

Theo tôi thì bác Phó không nên gọi Việt Kiều là "vịt cừu". Bác không sợ thế hệ du sinh sau này gộp luôn bác với họ và cũng gọi bằng một cái tên nào đó rất là cliché.

Nhân việc tìm tư liệu về ông Nguyễn Ngọc Giao, bởi ông này có liên quan đến ông Trần Đức Thảo. Tôi tìm được một bài phỏng vấn ông của một thanh niên Mỹ (gốc Việt). Có khá nhiều chi tiết liên quan đến câu chuyện của thế hệ du sinh thời đó.

(diễn đàn không cập nhật giờ các thẻ hỏng hết)
https://www.youtube.com/watch?v=yAwfBR85HN8&t=1502s

Thời gian cuộc trò chuyện gần 3 tiếng, nên tôi tóm tắt cho bác nào không đủ kiên nhẫn nghe hết:

- Ông Nguyễn Ngọc Giao sinh 1940 tại Bắc Ninh, lớn lên ở Hà Nội và theo gia đình di cư vào Sài Gòn năm 1954.
- đỗ thủ khoa tú tài và du học năm 1958 theo tài trợ của chính phủ VNCH.
- tham gia hoạt động du sinh ủng hộ miền Bắc nên bị cắt học bổng.
- học Toán với thầy là Laurent Schwartz. Ông thầy này sau này chính là người, ông Giao ngỏ lời, để giúp ông Trần Đức Thảo khi ông Thảo muốn theo phe tự do.
- được về miền Bắc và đi thăm vĩ tuyến 17 theo diện du sinh yêu nước (1970).
- ông Giao có một người 1 người anh tên là Quỳnh học sĩ quan sau phục vụ cho hải quân của VNCH.
- bố ông Giao đã được ông Ngô Đình Nhu dạm hỏi để chọn ông Giao làm con rể.
- hồi ông Giao mới sang học có 2 quán ăn ưu đãi một quán của phe Quốc Gia, quán kia tên là Quán Cụ Hồ. Quán cụ Hồ là một trong những nơi để phía miền Bắc tuyên truyền với du sinh từ Việt Nam sang.
- ông Giao ngả theo phe miền Bắc xuất phát từ sự ý thức chống thực dân đế quốc, và bị thuyết phục bởi ảnh hưởng của cụ Hồ. Ông Giao tin cụ Hồ là người yêu nước và chế độ miền Bắc không phải là tay sai của khối cộng sản.
- trong thời gian đàm phán hiệp định Paris ông Giao có nhận phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ
- ông Giao kể lại chuyện du sinh tại Pháp Nguyễn Thái Bình, một người đi từ miền Nam nhưng theo phe miền Bắc, bị CIA thủ tiêu khi bay về Sài Gòn 1972.
- vì hoạt động chính trị chống Mỹ, ông Giao bị Mỹ cấm cửa nên không sang để thăm ông anh trai. Mãi 1995 mới được phép sang Mỹ.
- 1982 ông Giao thay đổi lập trường sang trung lập, không theo Quốc Gia, không theo Cộng Sản.
- 1990 cùng viết tư gửi về Việt Nam đòi dân chủ, bị ông Lê Đức Thọ tuyên bố:"thằng Giao phải cẩm cửa nó 10 năm"
- ông Giao giải thích vì sao du học sinh từ miền Nam sang Tây Đức học lại thay đổi tư tưởng, theo miền Bắc. Là do họ nhìn trên tivi thấy Mỹ ném bom miền Bắc Việt nam. (Tôi - Thiên Lang - nhớ lại câu hát :"khi con đi qua khắp nẻo đường, nghe quê hương chìm trong khói bom". Có lẽ câu hát thể hiện cái cảm xúc của sinh viên miền Nam ở Tây Đức)
- vì sinh viên miền Nam theo phe miền Bắc nhiều quá nên chế độ Cộng Hòa đệ nhị (ông Kỳ) không cho sinh viên sang Pháp học nữa. Chỉ cho sinh viên sang Mỹ học.
- tàu Hải Hồng được cả thế giới đưa tin đi từ Hồng Kông đi tị nạn, tàu này đón nhiều người thuyền nhân Việt Nam ở biển Vũng Tàu. Nhưng thực tế 2/3 người tị nạn trên tầu là người Hồng Kông. Họ đi vì lo HongKong sẽ bị trao lại cho Trung Quốc. Truyền thông thế giới đưa tin như thể là tất cả là người Việt tị nạn.
- ông Giao làm tổng biên tập báo Đoàn Kết tại Pháp từ 1978. Báo này theo quan điểm phê phán miền Bắc, phê phán nhưng không ly khai.
- 1991 ông Giao bỏ báo Đoàn Kết tham gia báo Diễn Đàn, tờ báo độc lập chấp nhận thảo luận dân chủ, bàn về vấn đề của Việt Nam.
- 2001 ông Giao về Việt Nam lần đầu, gần đây ông Giao đã về Việt Nam vài lần nữa, nhưng ông biết có công an theo dõi. Ông Giao có xin làm hộ chiếu Việt Nam theo chính sách Việt Kiều của Nhà Nước nhưng chưa được cấp.
- theo ông Giao hiện không có sách lịch sử Việt Nam một cách thực sự, tất cả các sách vở của hai phe hiện nay theo ông Giao đều không đáng tin. Ông nói: "Việt Nam là một dân tộc không có trí nhớ".
- nếu được làm lại từ đầu ông Giao sẽ theo nghề viết sử. (un militant)
- quan niệm về chế độ thực dân: ông Giao thấy Việt Nam còn may hơn Algerie, vì lòng căm thù của người Việt không sâu đậm như người Algerie. Thậm trí người Pháp còn có cảm tình với người Việt khi người Việt chống Mỹ.
- ông Giao kể lại chuyện phiên bản tượng thần tự do, người Pháp tặng người Mỹ, người Pháp làm thêm bản nhỏ mang sang Việt Nam đặt ở tháp rùa. Tượng này quay đít vào nhà thờ lớn. Theo ông Giao vụ này thể hiện sự chống đối phe cấp tiến với bảo thủ của chính giới Pháp.
- trong một bài viết "một chút duyên nợ", ông Giao còn kể mẹ của ông suýt lấy ông Trần Đức Thảo, nếu như vụ se duyên hồi đó thành công.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 11 2021, 11:02 PM

@thienlang,
Ở Pháp người gốc việt nam rất đa dạng. Trường hợp như ông Giao chỉ là một thể loại. Nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử, thì lịch sử VN rất đặc biệt. Đặc biệt nhất là từ thời buổi giao thời với phương Tây. Người ta có thể đánh giá nó, viết về nó, như một sự rơi rụng về tư duy, để còn lại .. người VN ở VN. Vì thế, nhận xét của tôi thế này.
Sự hình thành và tồn tại của dân tộc VN là một dạng tồn tại rất đặc biệt, vì sau mỗi lần bị phụ thuộc biến thành thuộc địa, nước Vn lại vùng dậy từ tro tàn, từ người dân bình thường. Và từ người dân bình thường xuất hiện trở lại Elite (trí thức) cho thời mới.
Điều này xuất hiện ngay từ đầu. Vào thời hồng hoang của lịch sử dân tộc, tức là thời Bà Trưng, Bà Triệu. Sau hai cuộc khởi nghĩa này, thì giới thượng lưu, trí thức, quý tộc bộ lạc ở VN đã bị tiêu diệt hết. Khởi đầu của nó ở Bắc Bộ, Giao chỉ (khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40), rồi phải tới 200 năm sau, thì quý tộc ở vùng Cửu Chân (tức là Bắc trung bộ ngày nay) mới bị nhà Hán tiêu diệt hết.
Mặc dù thế, trong giới trí thức được đào tạo bởi nhà Hán, lại có một tầng lớp người trở thành lãnh tụ cho một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc về sau ( Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền). Vì sử cũ không có nhiều và rõ ràng, nên bây giờ người ta không còn nói tới những người Giao chỉ, Cửu Chân .. thành người Hán, thành một bộ phận của TQ, muốn Giao Chỉ, Cửu Chân là bộ phận của TQ.
Tới thời nhà Minh xâm lược Đại Việt, nhà Minh cũng đã bắt tất cả quý tộc nhà Trần, tức là trí thức VN thời đó về TQ, những tưởng số phận Đại Việt kết thúc vào lúc đó, và VN thành một bộ phận của TQ. Nhưng một lần nữa trí thức Vn lại được tái tạo lại từ người thường. Lê Lợi là một thủ lĩnh người Mường, các tướng ta của ông cũng là dân thường. Một bộ phận trí thức cũ đã đi theo ngọn cờ này, điển hình là Nguyễn Trãi hay Trần Nguyên Hãn. Số phận cá nhân của họ rất oan trái, nhưng họ đi theo tiếng gọi của dân tộc. Nhưng cũng có những thể loại trí thức khác đi theo TQ, nếu họ chỉ nghĩ đến họ. Sử hiện tại còn ghi lại, ví dụ, khi Lê Lợi đánh thành Nghệ An, thì thành này là do “ngụy quân” theo nhà Minh, do Lương Nhữ Hốt cầm đầu đóng giữ. Cuộc kháng chiến chống nhà Minh không chỉ đánh quân Minh, mà còn có cả ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng sau này, phần này không được nói tới.
Khi Pháp xâm lược VN, rồi kháng chiến chống Pháp, Mỹ, câu chuyện này lại quay trở lại. Cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc vào thời hiện đại cũng là của người dân thường (được trình bầy dưới dạng khoa học hơn là liên minh công nông) và của trí thức theo cách mạng. Đã có trí thức theo cách mạng, tức là có trí thức .. không theo cách mạng. Bình thường các nhóm này sẽ rơi rụng đi, hòa tan vào dân chúng các đế quốc xâm lược VN, khi các chế độ này tan đi, bị tiêu diệt nhưng thời hiện tại có nhiều điều mới hơn:
1- Do sách vở rất nhiều, đặc biệt sách vở của những nước xâm lược VN, nên các thể loại trí thức rơi rụng này để lại nhiều sách vở, tư duy hơn thời trước (thời bà Trưng bà Triệu, thời nhà Lê)
2- Do VN cùng chung sống trong một thế giới mà các nước này đóng vai trò rất lớn, khiến do ảnh hưởng văn hóa mềm, người VN ở VN đánh giá các dạng trí thức này cao hơn.
3- Do đánh đồng ÂU HÓA(europanisation) là HIỆN ĐẠI HÓA(modernization) hay công nghiệp hóa (Industrialisation) nên người VN ở VN đánh đồng dạng trí thức này là “yêu nước”.
Ở đây tôi sẽ điểm ra mấy dạng trí thức rơi rụng này.
1- Trí thức là tay sai của thực dân, nhưng lại tự vẽ mình là quốc gia. Nhưng phải hiểu quốc gia theo họ là thế nào. Quốc gia với họ là mâu thuẫn tranh ăn với chủ thực dân, chứ không phải là giành độc lập thật sự. (Phạm Quỳnh, Ngô đình Diệm, ..)
2- Trí thức đi vào ngõ cụt. Đây là những người đi theo những con đường không thể dẫn tới giải phóng dân tộc, và hoạt đông của họ có hại cho cuộc đấu tranh giai phóng dân tộc. Troskisme là thuộc loại này.
3- Trí thức “giữa đường đứt gánh”. Ví dụ như Phạm Duy.
4- Trí thức có cảm tình theo phong trào. Đây là dạng các ông Việt kiều viết báo đoàn kết mà thiên lang nói tới. Vào thời điểm ở phương Tây có phong trào chống chiến tranh ở VN, thì các ông ấy “ủng hộ miền Bắc”. Nhưng trong thâm sâu, họ vẫn là loại dân chủ tư sản Pháp. Đến khi phe XHCN tan rã, thì theo thời, họ lại đòi “dân chủ”. Tình cảm của họ theo mốt thời thượng của xã hội Pháp.
Sự rơi rụng của trí thức này là chuyện bình thường, và một nước như VN còn có may mắn là có sự rơi rụng này. Chứ còn như ở châu Phi, thì chỉ có loại trí thức kiểu “tiến hóa” (évolué) mà tôi nói ở trên thì
Số phận đất nước càng thê thảm.
Hiện tại tôi đang đoc một cuốn sách viết về bà Ang San Sung ky, tất nhiên là sách của Pháp viết trước khi có phong trào chửi rủa bà ta sau vụ người Rodinga, cho nên nó đánh bóng mạ kền là chính, do tuyên truyền. Dù sao cũng thấy nhiều điều thú vị. Do ở Miến Điện, lực lượng giành độc lập dân tộc là lực lượng quân sự mà Nhật xây dựng bỏ lại sau đại chiến (tương đương với Trần Trọng Kim ở VN), cho nên nó đi theo hai hướng : độc tài quân sự và âu hóa. Độc tài quân sự là chính quyền quân sự gốc ở Miến (bắt đầu bằng tướng Ne Win), còn âu hóa là bộ phận tư sản âu hóa mại bản mà bà Kỳ là một dạng. Cả gia đình bà này đều được các chính quyền quân sự ở Miến tạo điều kiện (do là con của lãnh tụ cao cấp là Ang San), nhưng rồi lại quay trở lại cắn xé lẫn nhau. Như vậy điều quan trọng là phải có một tầng lớp Elite gắn bó với đất nước, chứ không thể sử dụng Elite mại bản. Muốn có Elite dân tộc thì phải đào tạo được trong nước và đồng thời người trí thức cũng phải có nhận thức dân tộc, “đổi hệ quy chiếu” mà tôi nói tới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, các trí thức VN được phương Tây đào tạo theo cách mạng, nhiều người trả giá rất lớn bằng cuộc sống của chính họ, vì họ có kiến thức, trung thành, nhưng lại không có lý lịch tốt, vì thế nhiều khi bị “trù dập”. Trước họ Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn cũng có những vấn đề như thế. Với tôi, họ là những tấm gương lớn nhất. Họ thực sự là trí thức, không phải là “vịt cừu”.

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jun 27 2021, 11:13 PM

Tôi đưa thêm thông tin về một số chi bộ đảng cộng sản Pháp ở Đông Dương hồi đó, để mọi người thấy một cái nhìn đa dạng về quan điểm chính trị của các thành phần trong nước, ngoài nước hồi đó.

Hồi sau chiến tranh thế giới II, trong hàng ngũ của Pháp có nhiều người theo quan điểm Mác-xít. Ít nhất là có hai chi bộ cộng sản. Một là chi bộ do ông Georges Boudarel tổ chức ở Sài Gòn, lúc đó ông này đang làm giáo sư triết tại trường nữ sinh Marie Curie. Hai là chi bộ do ông Erwin Borchers tập hợp những lính lê dương người Áo, Đức theo quan điểm Mác-xít. Như vậy hồi đó ý thức hệ trở thành một sợi dây quan trọng kết nối con người ta. Vì cuối cùng cả Georges Boudarel, Ewin Borchers và vài lính lê dương khác nữa đều đi theo Việt Minh.

Và rồi cũng chính vì mâu thuẫn trong quan điểm chính trị mà đội ngũ bộ đội mắt xanh mũi lõ này bỏ về nước hồi năm 1964. Theo tôi nguyên nhân là do thay đổi trong xu hướng của cộng sản quốc tế khi đó, và cụ thể là vụ nhân văn giai phẩm ở trong nước. Cũng có thể do chính người cộng sản Việt Nam muốn giải tán đưa họ về Châu Âu.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Jun 28 2021, 03:29 PM

Em đang đọc dở cuốn "Đặng Tiểu Bình". Hóa ra hồi đó các nhân vật CS Trung Quốc nổi danh như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và nhiều người khác đều tụ tập ở Pháp để thành lập ra các chi bộ CS, rồi hoạt động đấu tranh chống CNTB. Đúng là Pháp là mảnh đất màu mỡ để CS phát triển. Và chính ra phải gọi là cái nôi của CM mới đúng!

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 28 2021, 03:31 PM

Đúng vậy, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đặc biệt trong kháng chiến chống pháp, có người Pháp, người châu Âu, người Nhật tham gia Việt Minh. Họ được gọi là người Việt nam mới, có tên tiếng việt, và họ cũng nói được tiếng việt, có người lấy vợ con người Việt nam. Khoảng những năm 60, phần lớn họ đều hồi hương. Số lượng rất nhỏ, đếm trên đầu ngón tay, và lý do họ tới với Việt Minh cũng khác nhau.
Với những người Nhật, đây là phản ứng về đạo đức ứng sử của họ. Khi Nhật thua trận, có một số tự tử, còn một số khác không chấp nhận về nước như một kẻ thua trận. Chính vì thế mà họ theo Việt minh. Họ được sử dụng như những chuyên gia huấn luyện quân sự. Vào khoảng những năm 70, họ cũng hồi hương về Nhật. Người lính Nhật nổi tiếng nhất kiểu này không phải là ở VN, mà ở Philipine. Người này còn ở trong rừng cho đến gần đầu thập niên 80, và mặc dù được đại sứ quán Nhật ở đây kết hợp với chính quyền Phi kêu gọi nhiều lần, cũng không .. ra hàng. Cuối cùng khi ông ta về Nhật, thì cũng không sống được với xã hội Nhật hiện tại mà sau đó lại sang Phi hay sang Brazil sống. Tôi không nhớ rõ. Vào lúc Nhật Hoàng vừa từ chức ở Nhật sang VN thăm, tôi thấy báo VN cũng nói là Nhật Hoàng có gặp vợ, con cái của một số người Nhật này. Vì lúc họ về Nhật không mang vợ con theo, không rõ là Nhật không cho phép vào, hay VN không cho phép đi vào thời điểm đó.
Còn người Âu, thì vì họ là lính Lê Dương. Pháp có luật cho phép tù binh chiến tranh của mình chuộc tội bằng việc đi lính Lê Dương, vì thế trong hàng ngũ lính Lê Dương của Pháp sang VN có người Đức, người Cờ roát (Croitia, một bộ phận của Nam tư cũ). Có một số người sang hàng Việt minh và tham gia phía ta.
Lúc tôi học tiếng Pháp ở Aliance Française, trong lớp học cũng có một người, mà bố người ấy là lính lê dương theo Việt minh, hồi hương về Nam Tư, tiếc là lúc đó tôi không có để ý để khai thác tài liệu hơn thì cũng thú vị. Mà giả dụ muốn làm cũng không làm được, vì tiếng tăm ú ớ cũng khó.
Cũng có những người Pháp, do họ là người cộng sản hay tiến bộ, cũng tham gia Việt Minh. George Boudarel là một người như thế, ông ấy không phải là người duy nhất. Họ về Pháp không phải vì mâu thuẫn gì với chính phủ VN, mà vì hai điều. Đó là vào năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, điều kiện sống khó khăn hơn, họ cũng không muốn ở lại Vn nữa. Điều quan trọng nhất là vào thời điểm ấy, nhà nước Pháp ân xã cho các người Pháp như vậy, nên họ mới có thể về Pháp được. Đây là lý do chính để họ về Pháp.
Tôi cũng có một quyển sách, do một người Pháp hồi hương như vậy viết. Thời làm cho Việt Minh, ông ấy làm cho đài tiếng nói Việt Nam, phần Pháp ngữ, có thẻ nhà báo, từng theo phái đoàn Việt Nam sang dự hội nghị báo chí quốc tế vào thập niên 50 ở Hung.
Việc được nhà nước gốc của họ ân xá, là điều kiện chính để họ hồi hương. Điều này đúng với Pháp, Nhật, v.. v..
Ông Boudarel về Pháp dậy ở trường Paris VI, trường Jussieu. Nhưng thỉnh thoảng ông ấy lại bị các lực lượng phái hữu, lôi ra chỉ trích, kiện tụng. Đặc biệt là nhóm tù binh Pháp, bị bắt trong chiến dịch Điện biên Phủ.


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 28 2021, 04:49 PM

@NVT,
Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai sang Pháp như một dạng “xuất khẩu lao động”. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có một tay đại gia người TQ tìm được một cái mánh, tức là đưa người sang để lao động rồi đi học. Chính vì thế mà cả hai ông này đều đã từng làm công nhân ở nhà máy sản xuất ô tô Renault. Cũng chính thời gian ở Pháp mà họ theo chủ nghĩa Mác. Cũng không rõ hai ông này có học gì không.
Paris là một trung tâm văn hóa về chủ nghĩa Mác ở Tây Âu. Công xã Paris vẫn được coi như là điểm khởi đầu của việc “giành chính quyền về tay công nhân”. Năm nay 2021 cũng là ngày kỷ niệm 150 công xã Paris (1871), nhưng bọn Pháp cũng chẳng làm gì, mà chỉ kỷ niệm rầm rộ 200 năm ngày sinh Napoleone.
Ngược lại có một quyển sách điều tra về số người bị giết chết trong thời kỳ công xã Paris này, lại trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Tôi cũng mua nó làm kỷ niệm và để xem. Tác giả là một nhà toán học, và bà ta đã cặm cụi vào trong các nghĩa trang của Paris điều tra các ghi chép, sổ sách của nó. Kết quả số lượng người tham gia cuộc nổi dậy này bi giet chet khoảng chừng 40000 người. Trong đó một nửa được chôn trong các hố chôn người tập thể, còn lại được chôn ngay dưới lòng đường.
Câu chuyện công xã Paris này còn có một điều thú vị nữa, mà người ta hay bỏ qua. Đó là sau khi chính phủ tư sản Pháp dẹp tan công xã này, một số lượng lớn người bị bắt bị Pháp đưa đi đầy ở Tân đảo (Nouvelle Caledonia), và ở An giê ri. Nhưng sang đây, họ lại trở thành .. thực dân.
Công xã Paris bị tiêu diệt vào tháng 5 năm 1871, đúng vào mùa Xơ ri. Vì thế người ta mới mường tượng những quả xơ ri này giống như những giọt máu của những người nổi dậy bị sát hại. Và có bài hát “mùa xơ ri”, (le temps de cerises). Yves Montand, một danh ca của Pháp vào những năm 50, cũng hát bài hát này. Nó là một trong số hiếm những bài hát cách mạng Pháp cung với bài hát về du kích quân (hymme de partisane) ra đời trong đại chiến thế giới II, khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Cũng được Yves Montand hát.
Văn hóa mác xít ở Pháp còn nở rộ tới đâu thập niên 70, nhưng giai đoạn cuối này thì nó có nhiều phần Mao ít, chỉ trích Liên Xô. (Pôn pốt sang Pháp học vào thời kỳ này) Hiện nay thì không còn gì. Chỉ còn là cái rơ móc của Mỹ.
Khoa học nhân văn của phương Tây hiện nay chạy sang Mỹ. Nhưng nó lại hướng thao một cái cửa hoàn toàn khác, thiên về kiểu “gender theorie” (tức là con người có thể tự chọn giống đực, giống cái, giống trung, .. theo mình muốn bất chấp tự nhiên), rồi sự tương đối về văn hóa, xóa bỏ “bất bình đẳng nam nữ”, kiểu không thể gọi “droit de l’home” (tiếng việt dịch là quyền con người) mà phải gọi là droit de la persones, vì từ l’home ở đây là chỉ giống đực, như vậy là bất bình đẳng, kiểu như thế, ..

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jun 28 2021, 11:12 PM

Việc ông Georges Boudarel về nước theo tôi là vì quan điểm chính trị. Cách giải thích của bác Phó đơn giản quá. Cũng chính vì lần ra ông Nguyễn Ngọc Giao mà tôi tìm ra một loạt các bài báo của ông này có liên quan đến cả Boudarel.

https://nguoidothi.net.vn/nguyen-ngoc-giao-uoc-nguyen-mua-xuan-22212.html

Có lẽ nhận định của ông Giao đúng khi cho rằng ông Boudarel về châu Âu là do bất đồng quan điểm của nội bộ phong trào cộng sản quốc tế. Vì lúc đó cũng là thời điểm chủ nghĩa xét lại đang lên ở Liên Xô. Mãi năm 1967 tổng thống De Gaull mới ký luật ân xá. Việc một loạt những người da trắng của Việt Minh rời đi gần như cùng một thời điểm (1964) rõ ràng là do bị sức ép. Ông Boudarel có lẽ không thể ở Việt Nam nên mới phải tạm sang Tiệp Khắc làm ở nhà xuất bản Thế Giới, rồi mấy năm sau, khi được ân xá mới về lại Pháp.

Trong bài dưới có kể việc đưa tro cốt ông Boudarel về nước theo ước nguyện. Tôi cũng mới xem trên VTV4 có một phóng sự về việc này. Tôi tin là còn rất nhiều khía cạnh mà VTV4 không nói hết ra, nên lịch sử giai đoạn này vẫn chưa thể rõ ràng. Mấy người gồm ông Giao, ông Nguyễn Duy (nhà thơ), bà Trương Tuyết Mai (nhạc sĩ) có mặt để thực hiện nghi thức dải tro xuống ông Bé và sông Hồng. Bởi trong phần tâm sự của ông Boudarel có nói một chặng đường đi bộ lịch sử của ông ấy khi thoát ly theo Việt Minh. Hồi đó ông ấy đã phải đi bộ 6 tháng từ sông Bé ra miền Bắc để nhận nhiệm vụ tại trại tù binh Pháp.

https://nguoidothi.net.vn/di-cot-nha-su-hoc-boudarel-hoa-vao-song-nuoc-viet-nam-22626.html

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jun 29 2021, 08:09 PM

@thienlang,
Mấy thông tin mà thienlang đưa ra khiến tôi đặt nhiều câu hỏi, bởi thực sự trường hợp của ông Boudarel, tôi chỉ biết vì sự vụ om xòm vào năm 1991, chứ tôi cũng không biết ông ấy là ai, ngay cả ông Giao cũng vậy. Nhưng sự vụ 1991, khi ông ấy bị các tù binh Pháp cũ kiếm chuyện vì ông ấy nằm trong nhân sự cai quản một trại tù binh Pháp, được tôi nhìn nhận dưới khía cạnh quan hệ VN-Pháp, chứ không quan tâm trực tiếp tới ông ấy.
Tôi biết ông Boudarel qua sự việc này, và còn một chuyện nữa đó là trong một quyển sách ở VN in về nhà văn Nguyên Tuân, có nói tới ông ấy, Boudarel được các nhà văn VN miền Bắc thời ấy đặt tên lóng là Buôm , hay Buồm gì đó (đọc chệch từ Boudarel, tiếng việt Bu đa ren), ông này hình như không có vợ con gì, và các ông nhà văn VN có « pháp học » kiểu Nguyên Tuân thích chơi với Buôm vì ông ấy có rượu xịn, ngoài cái chung là văn hóa Pháp. Nguyễn Tuân cũng là một tay bợm rượu, theo như hình ảnh được mô tả trong văn chương VN.(chắc đúng với ngoài đời, vì nhìn cái mũi của Nguyễn Tuân có thể thấy được). Chính vì biết tới vụ om xòm năm 1991, nên khi đọc về Nguyễn Tuân về sau, tôi mới nhận ra ông « Buôm », vì cuốn sách cũng chỉ đề cập tới Boudarel trong vài dòng mà thôi.
Dù sao, thông tin của thien lang cũng khiến tôi tò mò vào chú gúc, xem trên mạng tồn tại những điều gì về ông. Trong các cái link nổi lên, thì chủ yếu là các link của các thể loại phái hữu Pháp tố cáo ông ấy là quỷ dữ của trại tù, v..v.. nó cũng hiện lên một số sách mà ông ấy viết (tất nhiên chỉ là tên), như quyển viết về Võ Nguyên Giáp, một vài quyển dịch ra tiếng Pháp : như tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay ông ấy giới thiệu Nhật ký trong tù của Hồ chủ tịch. Cũng có cả một quyển ông ấy viết vào năm 1991, về Nhân văn giai phẩm ở miền Bắc. Cũng có một quyển hồi ký, viết vào năm 1991. Hai quyển cuối làm tôi chú ý. Quyển về nhân văn giai phẩm vì nó là sách kindle nên tôi không mua, còn cuốn hồi ký thì tôi mua. Mà nó còn cực rẻ luôn, giá có 1,8 euros, cộng tiền chuyển giao trên mạng, thì cũng chỉ 4 euros. Điều này chứng tỏ giá trị nhất thời của nó vào thời điểm 1991, bây giờ câu chuyện này không còn là buzz nữa, không ai quan tâm. Nhưng những gì thien lang viết kích thích sự tò mò của tôi, dù nó cũng chỉ là một trang sử « micro mini » (tức là cực nhỏ) của VN hiện đại, nhưng cũng muốn xem.
Qua thông tin sơ sài như vậy, thì tôi có nhận xét thế này. Tôi vẫn bảo lưu nhận định của tôi là ông ấy về Pháp là do được ân xá. Còn việc ông ấy rời VN vào năm 1964, trong khi ân xá của Pháp vào năm 1967, có thể giải thích bằng việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra ngoài Bắc. Năm 1965, Mỹ mới bắt đầu ném bom bắn phá, nhưng từ trước, ai cũng biết là việc Mỹ mở rộng chiến tranh là rõ ràng, không cần phải là CIA hay KGB mới đoán được. Còn nói về việc ông ấy và các người VN mới da trắng khác « hồi hương » vì mâu thuẫn trong phong trào cộng sản quốc tế lúc đó giữa Liên Xô và TQ, thì tôi không tin lắm. Vì họ là những con « cá bé », không phải là dạng VIP để điều này có thể tác động vào. Còn việc như Thiên lang nói ông ấy với nhân văn giai phẩm cũng không đúng, mà có thể do quyển sách về vấn đề này ông vào năm 1991.
Trong một trang mạng, của lề trái khi giới thiệu cuốn sách viết năm 1991 về nhân văn giai phẩm, có đoạn của Boudarel viết về cuốn sách ấy thế này :
Ma collaboration avec le Viet Minh de 1950 à 1964 est à l’origine de ce travail. Membre du parti communiste vietnamien jusqu’en 1964, j’ai plus ou moins partagé certaines des vues que je critique aujourd’hui. Ma propre évolution dans le cadre vietnamien m’a permis de connaître cer-tains des contestataires ou des officiels dont je parle et de rassembler à l’époque une documentation imprimée, ouvrages et périodiques.
Cette étude entend toutefois se situer sur un plan historique aussi ob-jectif que possible. Pour éviter les approximations, j’ai donc tenu à dé-pouiller le quotidien du parti communiste Nhan Zan (le Peuple) de 1954 à 1960 et à opérer nombre de sondages dans les diverses publications en quoc ngu de l’époque.
Je n’aurais pu réaliser cette recherche et ce travail sans l’octroi par le Social Science Research Council de New York une bourse de la fonda-tion Ford. Celle-ci me permit notamment de trouver des matériaux à l’Institut des Etudes Etrangères d’Osaka grâce au professeur Masaya Shiraishi, en Australie grâce au Dr David Marr, à la School of Pacific and South-East Asian Studies à Canberra et aux Etats-Unis où j’explorai les trésors de l’université Cornell et du centre de recherche de M. Douglas Pike à Berkeley. Je tiens à leur exprimer ici tous mes re-merciements.
Tôi dịch ra ở đây. (tôi dịch thoáng theo nghĩa, không bám vào ngôn từ)
Sự hợp tác của tôi với Việt Minh từ năm 1950 đến 1964 là nguồn gốc của công trình này. Là một đảng viên đảng cộng sản Việt nam tới năm 1964, tôi ít nhiều chia sẻ những quan điểm mà tôi phê phán ngày hôm nay. Quá trình công tác của tôi ở VN cho phép tôi được biết một số những nhân vật đối lập cũng như quan chức liên quan mà tôi đề cập tới, cũng như thu thập vào thời kỳ đó các tài liệu, sách vở, tạp chí.
Dù sao, nghiên cứu này cũng tự đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử một cách khách quan nhất có thể. Để tránh việc đánh giá sơ sài, tôi đã tra cứu báo nhân dân từ năm 1954 đến 1960, và thực hiện nhiều thống kê thông qua các tác phẩm viết bằng quốc ngữ vào thời gian đó
Tôi không thể làm được công việc nghiên cứu này nếu không có học bổng của quỹ Ford thông qua Social Science Research Council of New York. Sự tài trợ này giúp tôi có được tư liệu từ viện nghiên cứu thế giới ở Osaka nhờ giáo sư Masaya Shiraishi, ở Úc nhờ đốc tơ David Marr, ở trường nghiên cứu về vùng thái bình dương và ĐNA tại Canberra, ở Mỹ khi tôi tham cứu kho tài liệu quý giá của đại học Cornell cùng tư liệu ở trung tâm nghiên cứu M. Douglas Pike tại đại học Berkeley. Tôi gửi lời cám ơn tới họ ở đây.
Trong đoạn văn trên do chính Bouderel viết có 2 ý rất quan trọng.
1- Đó là những điều ông ấy viết vào năm 1991, không phải là điều ông ấy thấy như thế vào thập niên 60. Ông ấy chỉ thấy điều ấy vào năm 1991 thôi. Điều đáng tiếc là ta không thể có một dạng biên niên chính xác để hiểu cái điều ông ấy nhận thức vào những năm 60, khác gì vào năm 1991. Như tôi nói ở trên, tôi có mua quyển hồi ký của ông ấy, nhưng nó cũng được viết năm 1991, chắc để nhằm trả lời vào sự buộc tội của phái hữu ở Pháp. Vì thế cũng không thể hi vọng nó đóng góp được gì để trả lời câu hỏi trên
2- Nhìn vào dẫy những nhà tài trợ cho Bouderel viết quyển sách, ta cũng có thể hiểu tính « khách quan » của nó. Nhưng đồng thời cũng thấy tư duy nghiên cứu của họ « khủng », khi tích lũy tài liệu như vậy.
Như vậy có thể hiểu là, từ khi tham gia Việt Minh vào năm 1950, cho tới lúc ông ấy rời VN vào năm 1964, và cho tới tận năm 1991. Boudarel không có điều gì bất đồng với VN, vì thế việc ông ấy ra đi, cũng như nhiều người « da trắng » khác (như Thiên lang nói) không liên quan gì tới vấn đề tư tưởng. Nếu đến thập niên 80, ông ấy vẫn bảo vệ VN trong việc VN đánh đổ chế độ Pôn pốt, thì làm sao chuyện ấy có thể xẩy ra.
Còn tại sao vào thời điểm 1991, lại có sự « trở cờ ». Cái này thì có lẽ liên quan tới tình hình thế giới lúc đó. Đây là thời điểm Liên Xô sụp đổ, hình thức XHCN cũ không còn. Với nhiều người theo chủ nghĩa Mác, thì điều này cũng đồng nghĩa với sự xụp đổ của CNXH, vì họ đánh đồng Liên Xô và CNXH là một. Điều đó rất đúng với nhận thức ở phương Tây, trí thức phương Tây. Sự ra đời của Liên Xô, với họ đồng nghĩa với một thế giới hoàn toàn mới, cái thế giới hoàn toàn mới này là CNXH. Trong thực tế, những gì xẩy ra ở Liên Xô là một quá trình công nghiệp hóa không do giai cấp tư sản thực hiện. Ở VN, TQ, CNXH gắn liền với độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc, rồi công nghiệp hóa (đây là điều đang làm ngày nay). Như vậy CNXH không phải chỉ là Liên Xô, Liên Xô chỉ là một dạng xây dựng CNXH, và nó không phải là duy nhất.
Nhưng ông vịt cừu như Nguyên Ngọc Giao chắc cũng cùng tư duy kiểu phương Tây này. Vì thế cũng vào thời điểm này mà các ông trí thức này lại muốn đưa dân chủ tư sản vào VN, trong khi hình thái này được đưa vào phần lớn các nước ở thế giới thứ 3, tạo nên không biết bao nhiêu đau khổ cho người ta, mà Miến điện hiện tại là một ví dụ. Không kể ngay cả ở Liên Xô, chế độ này đã làm tan rã nhà nước, thay vì làm Liên Xô phát triển. Ứng dụng « tầm bậy tầm bạ » theo sự điều khiển của phương Tây hệ thống này, là mang bệnh vào người, tự mang bom nguyên tử đánh vào xã hội. Béo bổ gì.
Mặc dù vậy, việc thiên lang đưa ra ý « mâu thuẫn trong tư tưởng », khiến tôi nghĩ tới một điều khác. Đó là từ những năm 1930 cho tới thập niên 60, do cùng tham gia vào quốc tế cộng sản, mà giữa các đảng cộng sản trên thế giới có một luật được đưa ra, đó là trên tinh thâng Quốc tế vô sản, một đảng viên ở một đảng này sang một nước khác, thì có thể tham gia giống như đảng viên đảng nước ấy. Ví dụ. Bác Nguyễn Khắc Viện, khi ở Pháp đã là đảng viên đảng cộng sản Pháp, lúc bác ấy về VN, vào thập niên 60, thì trở thành đảng viên đảng lao động VN ngay. Trường hợp của ông Boudarel có lẽ cũng vậy.
Quốc tế cộng sản đã tự giải tán vào năm 1942. Sau này Liên Xô và phong trào cộng sản thế giới có lập ra komminfo (tức là văn phòng liên lạc quốc tế giữa các đảng cộng sản). Nhưng vào những năm 60, khi có mâu thuẫn Xô-Trung, thì hoạt động của các đảng cộng sản trên thế giới càng ngày càng độc lập, và cái văn phòng này cũng không còn, nên có thể điều luật này không còn nữa. Tức là không còn có chuyện « chuyển sinh hoạt đảng » giữa các đảng với nhau.
Trong trường hợp ấy, thì ông Boudarel không còn là đảng viên đảng lao động VN. Việc ông Boudarel ủng hộ VN trong vấn đề VN tiêu diệt tập đoàn Pôn pốt, giải phóng Cam pu chia khỏi nạn diệt chủng, cũng là quan điểm của đảng cộng sản Pháp. Nếu lúc về Pháp, ông ấy vẫn là đảng viên đảng cộng sản Pháp, thì đây là điều giải thích.
Tóm lại, nếu Boudarel có thay đổi tư tưởng, thì rõ rệt nhất là vào năm 1991. Vì thế khó có thể coi việc ông ấy đi khỏi VN là do mâu thuẫn tư tưởng vì ông ấy vẫn tiếp tục ủng hộ VN cho tới khi Liên Xô tan rã.
Tiếp đây, tôi sẽ giải thích điều gì khiến tôi quan tâm tới Boudarel trong khuôn khổ quan hệ Việt – Pháp. Vì như tôi nói ở trên, đây là điều làm tôi quan tâm tới ông ấy.


Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 1 2021, 04:21 PM

Tiếp đây, tôi sẽ giải thích điều gì khiến tôi quan tâm tới Boudarel trong khuôn khổ quan hệ Việt – Pháp. Vì như tôi nói ở trên, đây là điều làm tôi quan tâm tới ông ấy.
Điều tôi quan tâm ở đây là vấn đề lịch sử, đó là vào đầu thập niên 90, khi Liên Xô và khối XHCN ở Đông Âu sụp đổ, điều cấp thiết của Vn là để bảo vệ độc lập dân tộc, phải tìm cách « phá vòng vây » quan hệ với các nước phương Tây. Từ đó có một khoảng thời gian có thể tính từ năm 1990 đến 1996, con đường phá vây này đi qua Paris. Tại sao tôi lại chọn năm 1990 làm năm mở đầu, bởi đó là thời điểm Liên Xô bắt đầu tan rã. Tại sao tôi lại chọn năm 1996 làm năm kết thúc, vì đó là năm Mỹ bãi bỏ embago với VN. Nên có thể coi quá trình này là kết thúc.
Trong quá trình phá vây này, sự ủng hộ của các nước Tây Âu, trong đó có Pháp đóng một vai trò nhất định (không phải quyết định), và điều đáng tiếc là nó không thể đi xa hơn. Đỉnh cao của nó có lẽ là ý định VN định mua Mirage của Pháp để thay thế MIG 21, nhưng bị Mỹ cản nên không thành công. Trong giai đoạn 1990-1996 này có việc các nguyên thủ VN, như ông Võ văn Kiệt sang Pháp. Tổng thống Pháp Mitterrand sang VN (1993). Khi tôi xét câu chuyện ông Boudarel là trong bối cảnh này.
Tại sao con đường phá vây của VN lại đi qua Pháp. Bởi vì Pháp là nước phương Tây có quan hệ đầu tiên, và cũng là nước tư bản phát triển duy nhất với nước VN dân chủ cộng hòa. Điều này xẩy ra là do có hiệp định Giơ ne vơ (1954). Do Pháp ký vào hiệp định Giơ ne vơ, thì tất nhiên nó phải công nhận một bên ký, là nước VN dân chủ cộng hòa, chứ không thì hiệp định trở nên vô nghĩa. Chỉ từ năm 1975, thì các nước tư bản khác mới lập quan hệ ngoại giao với VN.
Vì thế vào bối cảnh đầu thập niên 90, thông qua các quan hệ ngoại giao, Pháp trở thành cái cửa để VN nối quan hệ với các nước Tư bản phương Tây. Vào thời điểm đó, là lúc Liên Xô tan rã, quan niệm của phương Tây là có thể đánh đổ tất cả các dạng chính quyền không theo nó, từ đó mà có sự vụ 1989 Thiên An Môn TQ, bầu cử “dân chủ” với bà Ang Sung Kì ở Miến, bầu cử “dân chủ” ở An giê ri, (tôi để chữ bầu cử dan chu trong ngoặc để nói sự ra đời của nó là do thời thế thế giới tạo ra, chứ không phải sự phát triển dân sự nội tại ở các xã hội này tạo ra,nó là mọt sự áp đặt. Nếu nó thực sự là do sự vận đông nội tại của những xã hội đó, thì nó đã lại khác và cũng không dẫn tới những bi kịch như ở Miến hay An giê ri hiện nay).
Ở Pháp, đây cũng là cơ hội để giai cấp tư sản Pháp, phần cực hữu giải quyết nốt vấn đề đảng cộng sản, mặc dù đảng cộng sản Pháp, bắt đầu từ thập niên 80 đã đi vào vòng xoáy xuống dốc. Nó cũng là một đấu đá nội tại của nước Pháp, vì lúc này đảng xã hội cầm quyền mà tổng thống là Mitterrand. Đảng xã hội là một đảng tư sản phe tả, nhưng nó lại lợi dụng đảng CS để có phiếu nắm quyền. Trong bối cảnh đó mà xẩy ra sự vụ Boudarel.
Tôi biết câu chuyện Boudarel này vì lúc đó xem báo Figaro, một tờ báo mà chủ chương của nó là về phe hữu. Tư duy của nó là không bao giờ có chuyện nó lên án các chính sách thuộc địa, và để bôi nhọ các phong trào giải phóng dân tộc biện hộ cho chế độ thực dân cũ, thì nó luôn thò câu chuyện “dân chủ, nhân quyền” ra. Câu chuyện Boudarel, là việc một tù binh Pháp cũ ở VN đã nhận ra Boudarel là người ở trong ban quản lý một trại tù, có số là 113, trong một buổi hội thảo mà Boudarel tham gia, vì ông này được coi là chuyên gia về VN. Cách tố cáo của nó, cũng giống như việc sử dụng Sô liên nít xưn tố cáo trại tù ở Liên Xô, hay các tác phẩm của Sài gòn cũ tố cáo trại cải tạo. Ở đây Boudarel được ví von như là những dạng quản lý tù của phát xít đức, ở những trại tập trung phát xít thời đại chiến II. Từ đó nó làm luôn một quả “gắn bó” chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa phát xít, như vấn đề “toàn trị” (totalitarisme) mà tôi đã nói tới.
Thực sự mà nói, đi tù thì làm sao mà sướng, bất kỳ là chế độ nào. Cho nên đây là một chủ điểm rất dễ khai thác. Cách làm này của nó đã đạt được nhiều điều. Ví dụ, hiện tại khi nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ, thì phim tư liệu Pháp luôn thò vào một mẩu nói về sự đối sử “vô nhân đạo” với tù binh Pháp, mập mờ để làm giảm giá trị của nó. Còn Boudarel thì bị buộc tôi là cộng sản đồng thời là đồ tể trại tù. Trong trường hợp ấy, thì cuộc kháng chiến của người Việt chống Pháp trở thành một dạng ..tương đương phát xít.
Cái bi kịch ở đây là, cũng vào thời điểm này, tức là vào năm 1991. Boudarel cũng như nhiều người CS Pháp khác trở cờ, thoái trào, đây cũng là thời điểm mà các ông vịt cừu yêu nước mong muốn dân chủ tư sản ở VN. Chính vì thế mà tờ báo Đoàn Kết của Việt kiều tan, thay vào đó là một tờ forum dân chủ gì đó (tôi nhớ tên không chính xác, nhưng đã từng đọc nó). Mặc dù thế,đúng lúc trở cờ, Boudarel vẫn bị phái hữu tố cáo,tìm cách kiện ra tòa, dù theo luật ân xã, thì điều này là không thể được, nhưng nó vẫn làm thực ra để tạo buzz viết lại lịch sử. Điều trớ trêu là như thế.
Điều đặc biệt là Boudarel đã về Pháp vào những năm 60, tù binh Pháp đã được trả theo thỏa thuận Giơ ne vơ (1954), vậy tại sao câu chuyện này được lôi ra vào năm 1991, mà không phải sớm hơn. Báo chí phái hữu Pháp đổ tội việc này là do phe tả trong đó có đảng xã hội đang nắm quyền, và đảng CS, rằng “nước Pháp bị nhuộm đỏ” bao che cho Boudarel, trong khi nó là một nước tư bản điển hình đứng thứ 5 trên thế giới, đỏ điếc thế nào được. Phải tới năm 80, với việc Mitterrand thành tổng thống, thì phe tả ở Pháp mới nắm quyền, mà đây cũng là phe tả tư sản dù nó lợi dụng liên minh với đảng CS Pháp. Như vậy câu chuyện Boudarel, nó muốn lôi ra lúc nào chả được. Việc làm rùm beng nó lên, và đưa nó ra vào thời điểm ấy có thể coi như một cố gắng vừa để bôi nhọ viết lại lịch sử thế kỷ XX, vừa để đặt cược với VN. Bởi vì đúng vào thời điểm đó, VN muốn thông qua quan hệ ngoại giao với Pháp để phá vây. Mánh lới sử dụng các sự kiện kiểu này không phải là điều gì mới. Ví dụ, vào thời điểm Gorbachev muốn bắt tay với Mỹ thời Reagan. Lập tức ở Mỹ có ngay một phong trào gọi là “let my people go” (hãy để cho dân tộc tôi đi), của những người Do Thái ở Mỹ đòi Liên Xô phải cho tất cả người gốc Do thái ở trong nước được di cư. Bị ép vào đừơng cùng, Gorbachev chấp nhận. Gần đây nhất, ta cũng có thể thấy vấn đề “confort girl” của người Hàn Quốc, đây là câu chuyện Nhật bản đã ép buộc phụ nữ Hàn quốc làm đĩ giải trí cho quân đội Nhật trong đại chiến II. Nhưng việc này đã được Hàn và Nhật thỏa thuận có bồi thường vào năm 1965. Lôi trở lại việc này, Hàn tìm cách cắm một cái que vào giữa quan hệ Nhật-Hàn để khỏi bị rơi vào thế yếu phải kẹp các điều kiện của Nhật khi muốn đàm phán với trực tiếp với Triều Tiên lúc đó.
Nếu VN muốn có quan hệ tốt hơn với Pháp, thì bản thân chính phủ Pháp cũng muốn thế, vì VN là một thị trường mới, cũng như về văn hóa bất cứ một đế quốc thuộc địa cũ nào, nước Pháp cũng muốn quay trở lại quan hệ với các thuộc địa cũ của mình, nên đây cũng là một cơ hội cho Pháp. Cũng chính vì thế mới có câu chuyện mà trong bài báo của ông Nguyễn Ngọc Giao kia nói tới, đó là François Leotard, một nhân vật chính trị phái hữu Pháp có lần đã là bộ trưởng bộ quốc phòng, lại đứng ra bênh Boudarel, và tòa án Pháp cũng không chấp nhận việc kiện cáo Boudarel. Ông Giao cho rằng đó là điều “tốt đẹp” của Pháp, trong thực tế nó có hai vấn đề, vấn đề về lô gic luật pháp, ông đã ân xã rồi thì thôi không thể lôi ra lải nhải được nữa, và vấn đề Pháp muốn quan hệ với VN. Tất nhiên nếu quan hẹ với VN trên cơ sở ép VN chấp nhận nhìn nhận lại lịch sử phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” thì càng tốt. Tại sao ? vì sự lật lại lịch sử sẽ là cơ sở để tạo ra các lực lượng chống đối, đánh vào chính danh, tạo đòn bẩy can thiệp, diễn giải lịch sử theo cái nhìn của Pháp, về lâu dài rất có lợi. Không phải Pháp mới làm thế mà Mỹ cũng thế. Hiện tại quan hệ Mỹ-VN không xấu, còn coi nhau là đối tác chiến lược. Nhưng ở Mỹ vẫn tồn tại những tổ chức chống đối chính quyền VN, mà đáng ra Mỹ phải đặt chúng vào dạng khủng bố. Nhưng nó có cấm đâu. Không kể năm nào đến hẹn lại lên, nó lại có một cái tường trình đánh giá VN đàn áp tôn giáo, gì gì đó.
Vào năm 1993, lần đầu tiên một tổng thống Pháp sang thăm VN, cũng là tổng thống Pháp đầu tiên thăm nước VN dân chủ cộng hòa (tôi dùng tên cũ) từ khi ra đời 1945. Vào thời gian này, Vn cũng đạt được thỏa thuận với Pháp, Anh, Đức về nợ với FMI, với tổ chức tài chính Club de Paris (là những chủ nợ). Rồi vào năm 1996 dẫn tới việc Mỹ bỏ embago.
Quan hệ VN-Pháp đã đóng góp vào quá trình phá vây này. Tất nhiên nó chỉ là một bộ phận, điều quan trọng là VN bình thường quan hệ được với TQ, với Mỹ. Và điều đặc biệt là cứu cánh kinh tế không tới từ với các nước phương Tây mà với các nước trong vùng : Nhật, Hàn quốc, các nước hiệp hội ĐNA, rồi TQ.
Ta có thể so sánh quá trình VN bình thường hóa quan hệ với phương Tây này như là những gì đang xẩy ra với I ran ngày nay. Mặc dù quan hệ VN phương Tây phức tạp kiểu khác. Hiện nay I ran gần như thỏa thuận được với nhóm Anh,Pháp, Đức về hạt nhân, và thông qua nhóm này nối lại với Mỹ. Trong trường hợp VN, VN có điều đình trực tiếp với Mỹ, nhưng việc các nước Tây Âu đồng thuận đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải tỏa quan hệ Việt -Mỹ.
Cũng vào thời kỳ này. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sáng Pháp thăm, và khi về nước, với tư duy “xé rào”, ông ấy đã đổi tên một con đường ở Sài gòn để vinh danh cố đạo Alexandre de Rhode. Trong chủ đề về ông cố đạo này, tôi đã nói nhận thức của tôi về ông ta. Nên không nói lại ở đây. Điều đáng nói là việc làm này của ông Kiệt đã tạo ra một sự lẫn lộn mơ hồ trong đánh giá về di sản văn hóa thực dân để lại về sau. Với tôi là điều không hay. Nước Vn mới, ra đời từ trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, với những nước có tiền an tiền sự với mình, thì nên đánh dấu một cái mốc mới, như một hình thức restart quan hệ, không nên sử dụng những câu chuyện cũ, hậu quả về lâu dài không tốt. Ví dụ, nếu sau khi ông Kiệt đi Pháp về, để đánh dấu quan hệ Việt – Pháp phát triển, thì có thể đặt một tên đường ở Sài gòn với một cái tên Pháp, ví dụ đường Paris, đường Ma ri Quy ri (là tên một nhà bác học Pháp) thì có phải hay biết bao không, tại sao lại lôi tên một nhân vật là cha cố “có vấn đề” ra làm gì. Để chứng tỏ mình rộng lượng, bao dung chắc, là mình cải cách chắc. Mà cải cách đâu có phải là làm lộn ngược, trước đen thì bây giờ bảo là trắng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 1 2021, 07:52 PM

Hôm nay đọc báo VN thấy đưa tin anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân VN, ông Kostas Sarantiris Nguyễn Văn Lập (ông này người gốc Hi lạp) vừa mới mất cách đây mấy ngày. Theo báo VN, ông là người Hi lạp, đi lính Lê dương cho Pháp, sang VN vào năm 1946 và trở về lại Hi lạp vào năm .. 1965.
Khác với ông Georges Boudarel, ông Nguyễn Văn Lập theo Việt minh không phải vì là đảng viên cộng sản Hi lạp, mà thức tỉnh lương tâm trước cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp. Và ông ấy cũng hồi hương vào năm .. 1965, tức là thời kỳ Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra ngoài Bắc.
Như vậy nó càng khẳng định điều tôi nói ở trên, đó là các người VN da trắng hồi hương về quê cha đất tổ của họ, không phải vì bất đồng chính kiến gì cả, mà là do chiến tranh. Điều thú vị mà ta có thể tìm hiểu thêm, đó là vào thời điểm đó, tình hình chính trị ở Hi lạp cũng rất phức tạp, dẫn đến độc tài quân sự của quân đội Hi lạp vào năm 1967 đến tận năm 1974, được Mỹ ủng hộ. Chế độ này giống như dạng độc tài Pi nô chê ở Chi lê về sau(1973). Vậy ông Nguyễn Văn Lập trở về Hi lạp thế nào ? cuộc sống ông ấy ra sao ?

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jul 1 2021, 10:18 PM

Vậy theo bác Phó thì những người Âu theo Việt Minh về nước vì đơn giản là hồi hương. Nhưng tôi cũng mới tìm được một chứng cứ ngược lại. Đó là câu chuyện của 3 người lính Đức viết trong cuốn sách "Zwischen Den Fronten" nghĩa là "Những người đứng giữa chiến tuyến", tác giả Heinz Schutte. Quyển này có thể mua trên Amazon. Đọc qua các bài giới thiệu hoặc bình luận tiếng Đức có thể biết được rằng, nó nói về ba người Erwin Borchers (bí danh Chiến Sĩ), Rudy Schroder (Lê Đức Nhân) và Erich Frey (Nguyễn Dân). Trong đó có nói về sự thất vọng của những người này đặc biệt là Erwin Borchers bị nghi ngờ và theo dõi trong thời kỳ nhân văn giai phẩm. Có lẽ phải đợi khi nào nhận được sách mới có thể biết chính xác hơn.

Trong số những người gốc Âu theo Việt Minh thì ông Nguyễn Văn Lập được coi là trung thành nhất. Đến gần cuối đời, khi tin chắc là không còn khả năng thay đổi lập trường, lúc đấy nhà nước VN mới dám trao danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Khi được trao danh hiệu, ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập đã 86 tuổi.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 2 2021, 07:23 PM

@thienlang,
Đúng vậy, yếu tố chính là chiến tranh mở rộng, và cũng vào thời điểm ấy họ có thể về được (ví dụ như có việc ân xá với những người mà chính quyền bên kia coi là phản quốc hay phản bội). Cũng có những yếu tố văn hóa nữa, ngay cả khi họ lấy vợ VN, ví dụ như đồ ăn thức uống, tập tục văn hóa. Có nhiều người Pháp, thậm chí là người Việt nam nhưng sinh đẻ ở Pháp, họ nói rằng về VN họ them ăn pho mát, bánh mỳ mà không có, hoặc có chỉ là loại tầm tầm. Thì cũng giống như người việt ở nước ngoài thích ăn lòng lợn, cà pháo, thịt chó, ..
Vào thời điểm những năm 60, ở ngoài bắc cuộc sống cũng rất kham khổ, so với quê hương bản xứ của họ thì kém xa, ngay cả với Hi lap, bản thân việc không có chiến tranh cũng là điều hạnh phúc rồi. Vì thế sự đồng cam cộng khổ của họ với Vn là điều cực kỳ đáng trọng. Nhưng điều kiện sống cũng là một yếu tố ảnh hưởng không kém để họ hồi hương.
Khi về nước, tất nhiên có nhiều điều họ có thể nói không giống như khi ở VN, điều này cũng bình thường, vì chế độ chính trị không giống nhau, vì thế cũng phải hết sức thận trọng khi tìm hiểu những gì họ viết về sau. Bình thường (cái này thì tôi đã nói rồi ở đâu đó khi nói về thể loại hồi ký) thì điều người ta nói ra phản ảnh chính xác vào thời điểm ấy, tức là thời điểm người ta viết, ngay cả khi nói về quá khứ. Không phải vì họ muốn nói dối có chủ ý, mà bản thân kiểu ký ức là như thế.
Ở trên, tôi đã sử dụng duy vật biện chứng để phân tích câu chuyện ông Boudarel, thiên lang có thể dùng cái lô gic ấy để tìm hiểu về mấy ông người Đức kia. Ở trong vấn đề ông Boudarel, tôi chỉ ra những liên quan của nó với quan hệ vận động của hệ thống chính trị Pháp (quan hệ tả hữu trong nhà nước tư sản Pháp), với nhận thức về lịch sử (tìm cách viết lại nó theo định hướng của người Pháp, “hệ quy chiếu” Pháp, trong đó có vấn đề cái nhìn với quá khứ thực dân và chủ nghĩa cộng sản), quan hệ thời sự giữa Vn và Pháp. Ở đây cũng có vấn đề thời điểm. Viết vào năm 1991, thì nó là cái nhìn năm 1991, dù nói về 1964, nhưng nó vẫn là điều kiện hoàn cảnh, nhận thức 1991. Vì phân tích kiểu duy vật biện chứng nó sẽ chỉ ra cho ta nhiều điều liên quan ở dưới đáy sự kiện, nên người ta hay nhầm nó với dạng lô gic “thuyết âm mưu”, đây là điều phải tránh, vì đã nói tới âm mưu, tức là mọi chuyện phải hoàn toàn là dựng ra, bịa đặt, hoặc hành động có chủ ý. Ngược lại trong duy vật biện chứng, người ta không sa vào điều này. Lấy lại ví dụ sự việc Boudarel, câu chuyện ông tù binh kia là có thật, việc Boudarel tham gia quản lý trại tù ấy là có thật. Có thể nói thêm là trại tù ấy là tù sĩ quan Pháp, Boudarel là giáo sư triết học, thì tất nhiên việc VN sử dụng ông ấy ở đây để giáo dục là đúng rồi, chứ để một người VN không biết tiếng Pháp, hoặc chỉ nói ú ớ thì làm sao mà quản lý được, làm sao có đủ trình độ. Vấn đề nó ở chỗ sự việc được diễn giải, giải quyết thế nào, hương tới mục đích gì,
Một điều nữa phải tránh trong khi dùng duy vật biện chứng, đó là tránh kiểu “chặt chân cho đi vừa giầy”. Nhưng điều này thì đúng với tất cả các loại lô gic khi phân tích các hiện tượng, sự việc xã hội.
Còn có điều này thì có thể đúng,tức là cảm giác bị theo dõi của người nước ngoài ở ngoài Bắc. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ và một phần thời gian về sau có lẽ phải tới đổi mới (1986), ngay cả chuyên gia XHCN sang VN cũng phải ở cách biệt, và không có quan hệ bình thường láng giềng với người VN, chỉ có quan hê chuyên môn. Điều mà bây giờ, thời tây ba lô đi đầy đường, có khi còn đi xin ăn là một chuyện khó hiểu. Nhưng ở đây nó có 2 yếu tố. Có yếu tố tốt, đó là vì cuộc sống quá khổ cho nên phải tạo cho chuyên gia một cuộc sống rất bình thường, dù nó thấp hơn chuẩn quê nhà của họ, điều này đã là một kiểu đặc cách rồi so với người Vn bình thường, đời sống VN lúc đó. Chính vì thế mà họ có chế độ đãi ngộ kiểu khác, không sống chung với người VN. Và tất nhiên nó cũng có yếu tố khác, đó là mình cũng không muốn họ thâm nhập vào cuộc sống ở VN, để quản lý cho nó dễ. Nhưng đây là với chuyên gia. Chuyên gia XHCN anh em hẳn hoi. Còn với những người Việt nam mới này thì tôi không rõ.
Một lần về VN chơi, cũng đã lâu, khi lên Tam đảo, tôi thấy ngay ở trong trung tâm thị trấn, còn có dấu vết hoang tàn của những biệt thự, rồi bể bơi cho chuyên gia Liên Xô thời những năm 79,80. Bây giờ thì chắc không còn, vì “tấc đất tấc vàng” rồi. Những biệt thự này, dù chỉ là đống hoang phế cũng cho tôi thấy nó không phải là cái gì khủng khiếp, so với standard bây giờ, chỉ tương đương với khách sạn 2,3 sao. Nhưng có lẽ hồi ấy đó là một điều đặc biệt, đặc cách. Và điều đó cũng chứng tỏ họ sống trong một nơi của riêng họ, không dính với người VN
Tóm lại VN thời đấy có một sự “đãi ngộ/theo dõi” đặc biệt với chuyên gia nước ngoài thời đó. Ngay cả chuyên gia Liên Xô, nhưng tôi không nghĩ nó được mở rộng cho những người Việt nam mới, vì họ đã lấy vợ người việt, tham gia vào quân đội từ thời kháng chiến, họ không phải là chuyên gia nhập khẩu. Điều này ngược với trong Nam, vùng kiểm soát của chính quyền Sài gòn cũ, khi mà lính Mỹ đi đầy đường, kinh tế sống bằng “ổ nhện lầu xanh” (tôi phóng đại một chút). Nhưng điều này cũng dễ hiểu, Mỹ kiểm soát chính quyền Sài gòn rồi, thì chính quyền Sài gòn sợ gì .. điệp viên Mỹ, có khi được nó đặc ân gặp thì còn ..mừng hú. Ở ngoài Bắc đâu có thế. Liên Xô, TQ làm sao kiểm soát được VN, Vũ thư Hiên sở dĩ bị tóm vì cũng mò mẫm vào sứ quán Liên Xô. Người dân cũng có tinh thần cảnh giác cao, vì là chiến tranh. Tâm lý này bây giờ không còn ở VN, vì hòa bình, đổi mới, hòa nhập thế giới.
Việc nhà nước VN “chọn mặt gửi vàng” để khen thưởng thì cũng đúng thôi. Vớ vẩn trao giải cho loại lá mặt lá trái thì .. lõm. Nhưng trong trường hợp bác Lập, thì việc tặng bằng khen vào cuối đời không phải vì vấn đề “thử thách trung thành” gì cả. Có lẽ đơn giản nó gắn với hoạt động của bác ấy trong quan hệ hữu nghị VN- Hi lạp sau này. Theo tôi, bác ấy nằm vào “tầm ngắm” của nhà nước VN để khen thưởng chỉ sau khi bác ấy về VN tháp tùng tổng thống Hi lạp vào năm 2008. Cũng từ đây mà tấm lòng của bác ấy, cũng như công trạng quá khứ mới nổi lên, được để ý. Còn nhiều người khác, khi họ trở về quê hương, giai đoạn ở VN chỉ còn là dấu vết không xóa mờ được trong cuộc sống của họ, nhưng họ không liên lạc gì cả, không làm gì liên quan tới VN nữa, thì cũng không ai biết. Trên đời thiếu gì những dạng thầm lặng như thế.

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jul 5 2021, 02:16 PM

Tôi nhớ là đã xem bộ phim của kênh ARTE về những người Đức binh đoàn Lê Dương. Hôm nay thử tìm lại, hóa ra nó đã được đưa lên Youtube. Tôi chỉ nghe được tiếng Đức, nhưng hóa ra là có cả tiếng Pháp cho bác Phó:

https://www.youtube.com/watch?v=o9as0KpxVhw

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 5 2021, 08:48 PM

@thienlang,
Cái phim mà bác để link ở đây là một phim rất thú vị, vì nó có rất nhiều chủ điểm đan xen nhau, mà nó cũng có nhiều ẩn ý, không phải ẩn ý nào cũng liên quan tới VN. Có lẽ tôi cũng đã xem nó trên kênh ARTE vào thời điểm đó, nhưng không nhớ.
Khi xem cái phim ấy, cảm tưởng của bác thế nào ? có gì thú vị ?
Tôi nhân được cuốn tự thuật của boudarel mà tôi đặt mua trên mạng. Quyển sách tương đối dầy (cỡ 300 trang), nhưng để dùng trong chủ đề này, thì nó chỉ có mấy chương cuối (60,70 trang), nên tôi cũng đã đọc. Phần còn lại thì có thể bổ xung tư liệu cho thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhưng nó không có liên quan trực tiếp, nên tôi chưa đọc, vì tôi đang đọc những gì tôi muốn tìm hiểu bây giờ, mà điều ấy lại không phải là điều chủ đề này nói tới . Tôi sẽ viết những điểm tôi thấy thú vị trong mấy chương cuối của cuốn sách boudarel này, theo cái nhìn của tôi.

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jul 5 2021, 10:28 PM

Bộ phim do người Đức làm nên nó thể hiện góc nhìn của người Đức. Thua trận trong thế chiến II, mặc cảm tội lỗi, nhưng người Đức vẫn ấm ức khi Pháp dùng lính Đức trong cuộc chiến Đông Dương. Tôi có cảm tưởng như bộ phim có ẩn ý tố cáo tội ác của Pháp ở Đông Dương. Hồi đó khi xem tôi cũng khá bất ngờ vì lính Đức, phần con người của nó cũng chẳng khác gì các phe khác cả. Nó chỉ bị nhìn một cách xấu xa khi nó đứng trong hàng ngũ quân đội phát xít, là quân đội mà cả thế giới lên án. Có lẽ đây là cơ hội để người Đức tự thanh minh cho mình.

Tôi còn nhớ nhiều báo Đức đã từng mô tả Điện Biên Phủ như là trận đánh cuối cùng của lính SS, và ví nó như là một trận Staligrad. Nhưng có lẽ cách so sánh đó cường điệu quá. Vì chỉ huy là người Pháp, chiến lược chiến thuật đều là của Pháp. Kinh nghiệm và khả năng tác chiến của binh lính không thể quyết định cục diện trận chiến.

Lạ một cái là ở bản tiếng Pháp họ dịch khá đầy đủ. Tôi nghe tên lính Đức hát bài hát Việt Nam mà không nghe được từ nào, mà thấy bản tiếng Pháp nó dịch được cả lời bài hát ra tiếng Pháp.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 7 2021, 08:20 PM

@thienlang,
Đúng rồi. Tôi cũng có nhận xét như bác khi xem cái phim này. Cái phim này tôi cũng xem trên ARTE, nhưng quên rồi, nên nhận xét này xuất phát từ cái link mà bác đưa lên, khi xem lại hôm qua.
Có điều bác còn đi xa hơn tôi khi nói về sự tự thanh minh của người Đức, cũng như bác nói là hóa ra lính Đức ở đâu cũng thế, chứ không phải lính SS thì ghê gớm gì hơn.
Còn sau đây là nhận xét của tôi.
Điều đầu tiên ấn tượng đập vào mắt tôi, là bộ phim này do người Đức làm nên nó khác với phim Pháp hay Mỹ, vì những nước này là những nước có tiền án tiền sự ở VN. Còn Đức không tham chiến ở VN, không có thuộc địa (thực ra thuộc địa của Đức bị Anh Pháp chia nhau khi Đức thua trong đại chiến I), vì thế mà Đức sẽ khách quan hơn trong việc nhìn nhận cuộc chiến. Cũng chính vì thế Đức đã chỉ ra được nội dung thực sự của nó là một cuộc chiến tranh thuộc địa kiểu cũ, cuộc chiến tranh thuộc địa cuối cùng, nó cũng đã tố cáo tội ác của cuộc chiến tranh này. Điều này VN cũng nói trong tài liệu sách vở của mình, với một người VN thì nó không có mới. Nhưng khi vào tay Pháp, Mỹ thì nó được gán cho là tuyên truyền để bỏ qua, hoặc làm giảm nhẹ nó đi để chạy tội. Đây là ưu điểm của bộ phim khi đã nói ra sự thực. Đến tân cuối bộ phim nó vẫn nhắc lại. Nhưng với tôi, điều nhắc lại này nói lên ưu điểm của người VN, hay nhược điểm cũng không rõ, tùy cách nhìn. Đó là lời cuối cùng của một người lính khi nói lên tình yêu của họ với cảnh quan đất nước con người VN, nhưng đồng thời ông ấy cũng lạ lùng là sao VN không thù ghét, căm hận, rồi quy ra rằng người VN dễ quên.
Đối với riêng tôi, căm hận không phải là điều tốt, nhưng phải có cái nhìn để rút ra bài học, vì thế không thể sa vào các thể loại “xét lại” lịch sử mà lề trái nhân danh “đổi mới” có gắng đưa vào, trong khi nó chỉ là tuyên truyền của chính quyền miền Nam cũ xào lại.
Nếu ông người Đức này đọc được tiếng việt, và biết các thể loại sách được viết kiểu bịa đặt vu cáo, như cuốn sách viết về bác Thảo, quyển đấy chỉ là một ví dụ, thì ông ấy sẽ còn ngạc nhiên về người VN hơn nữa. Điều lạ lung nhất là nếu những người viết các thể loại này là nhân sự có hận thù với chính quyền VN hiện tại trong quá khứ, thì với tôi nó cũng là điều bình thường, nhưng việc nó thấm vào thế hệ trẻ thì lại là điều nguy hiểm. Tại sao chuyện đấy lại có thể xẩy ra ? vì khi người VN đi nước ngoài học, các địa điểm Pháp, Mỹ vẫn là điểm tới sáng giá, vì so với các địa điểm nước ngoài khác, như Nhật, Đức, Ý, Hàn ,.. ở những nước này có một cộng đồng người việt lớn, do du học hiện tại chịu ảnh hưởng của quan hệ thân thuộc, gia đình kéo nhau đi tự túc chứ không phải chỉ là học bổng. Ở những nước này, nhận thức lịch sử của nó về VN không khách quan được, theo hệ quy chiếu VN lại càng không. Nhưng đưa trẻ được học lại coi điều này là .. chân lý.
Một điều nguy hiểm nữa trong các thể loại Việt nam học ở các nước có tiền án tiền sự này, đó là việc “rửa tư liệu”. Thế là thế nào ? Hãy lấy ví dụ cuốn sách về bác Thảo, nó là fake, nhưng chỉ cần một “học giả” người Pháp, Mỹ lấy nó làm tư liệu, thì lập tức nó được rửa, giống như rửa tiền vậy. Từ giả nó thành thật.
Trong bộ phim, phần nói về sự chuyển đổi từ một cuộc chiến tranh giai phong dân tộc sang cuộc chiến giữa hai khối đối lập, tức là cuộc chiến tranh thuộc địa được che đi dưới nhãn hiệu chiến tranh chống cộng không được nhấn mạnh, cũng như việc Pháp nặn ra một nhà nước VN cộng hòa bù nhìn không được nói tới.
Điều mà bất cứ bộ phim nào của Mỹ và Pháp cũng sẽ có. Tại sao Đức lại như thế ? thì điều này có thể lý giải qua nhận xét của Thiên lang, đó là người Đức muốn thanh minh cho mình. Nhưng với tôi nó có một điều sâu xa hơn. Đó là trong lịch sử quan hệ giữa Đức và Pháp, Anh ,Mỹ họ đã bị vướng vào chuyện này rồi. Đó là nhân danh các giá trị phổ quát kiểu tự do, công bằng mà Pháp đã chiếm đóng Đức (lúc đó chưa phải là nhà nước Đức thống nhất) vào thời Napoleone (đầu thế kỷ XIX)

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 7 2021, 08:21 PM

Quan hệ Đức-Pháp từ thời trung cổ tới nay là Pháp luôn can thiệp vào Đức (chính xác hơn là vùng Trung Âu nơi người Đức sinh sống), và mỗi lần can thiệp này đều nhân danh một giá trị phổ quát. Thời Trung cổ thì là bảo vệ đạo Thiên chúa cơ đốc giáo, còn sau cách mạng Pháp thì là để mang lại tự do. Đây chính là thời kỳ Napoleone. Lúc Napoleone đặt ách thống trị lên các tiểu quốc Đức, nhân danh các giá trị mới của nhà nước tư sản Pháp : tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng ở Đức nó lại thành một dạng đàn áp dân tộc. Chính vì thế mà vào thời kỳ này, ở Đức đã xuất hiện dòng triết học romantisme (dịch tiếng việt là lãng mạng, nhưng từ dịch không thể hiện được nội dung của nó). Romantisme là đối lập lại với rationalisme (ta gọi là duy lý, giống như triết học đề các). Bởi rationalism do Pháp mang vào trở thành gông cùm đàn áp người Đức. Vì thế dòng triết học này chủ trương không duy lý, coi trọng cội nguồn, từ đó coi trọng các thần thoại khởi thủy của dân tộc Đức, từ đó có tên là romantisme, coi trọng sức sống (vitality), đả phá đạo thiên chúa, coi nó như một sự kìm kẹp ngoại lai tinh thần Đức, làm cho người ta yếu hèn đi, coi trọng thiên nhiên, đặc biệt là cuộc sống nông thôn, rừng núi có ý nghĩa thiêng liêng, từ đó mà có khái niệm rừng đen (Schwarzwald), khái niệm quê hương thieng lieng (Heimat) giống như khái niệm tổ quốc. Đỉnh điểm của nó, tinh hoa của nó, với tôi có lẽ là triết học của Frederic Nietzsche. Dù triết học của ông không bao phủ được hết những điều tôi nói trên trong romantisme. Sau đại chiến I, một phần do chính sách kìm kẹp của Anh-Pháp với Đức đòi bồi thường chiến tranh với thâm ý loại bỏ vĩnh viễn đối thủ Đức, đã khiến ra đời chủ nghĩa phát xít, ngoài vấn đề chính là khủng hoảng kinh tế. Và chủ nghĩa phát xít đã dựa trên cơ sở này giống như cái background văn hóa.
Từ năm 1945 tới nay, nhà nước Đức là một nhà nước tư sản liberal, theo mô hình của Mỹ, vì bị Mỹ bắt ép, Mỹ đóng quân ở Đức, quân đội Đức không thể độc lập ngoài NATO, đổi lại Mỹ để cho Đức thâm nhập thị trường của mình làm công lấy lãi. Vì thế cái tư duy đặc trưng Đức này cứ nổi lên là bị nó đánh bằng cách vu cho là phát xít, rồi mang tội ác diệt chủng Do thái ra dọa. Vì thế người Đức trong thâm sâu của họ hiểu rất rõ sự hai mặt của những giá trị phổ quát Anh-Mỹ -Pháp này, nhưng nó không thể nói ra được. Há miệng mắc quai.
Cũng phải nói thêm cho công bằng, là khi lập ra Tây Đức, trong cơ cấu của nhà nước này đa số là nhân sự cũ của chế độ phát xít. Vì nhà nước phát xít, trong thực tế được toàn dân Đức ủng hộ (ngoại trừ những người cộng sản, một bộ phận cơ đốc giáo). Cũng vì thế Mỹ cũng nhắm mắt không trừng trị phát xít, để sử dụng họ chống cộng. Điều buồn cười hơn, đó là tất cả các loại cá lớn của chế độ phát xít Đức đều ở Tây Đức, ngược lại ở Đông Đức thì không có. Chính ở Đông Đức mới là nơi mà cội nguồn của phát xít đức bị tiêu diệt triệt để nhất.
Nhưng từ giữa những năm 50, ở phương Tây có trò đánh đồng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít, mà nói gọi là toàn trị (totalitarisme), cho nên nó lại đổ tội cho Đông Đức gần với chủ nghĩa phát xít. Khi nước Đức thống nhất, mà thực ra là sự nuốt chửng Đông Đức bằng Tây Đức, các lander miền đông, là đất của của Đông Đức gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó nổi lên vấn đề phân biệt chủng tộc, và bóng dáng của hít le hiện trở lại, càng khiến media Tây Âu khẳng định, phần đất Đông Đức không dân chủ, không giải quyết vấn đề phát xít triệt để trong quá khứ. Nhưng điều này không đúng, mà nó chỉ là sự phản ứng và thất vọng trước hiện trạng kinh tế, xã hội, và họ (người Đông Đức) cũng ít bị formatted bởi văn hóa Mỹ hơn, và vì họ không có “mặc cảm phát xít mà Tây Đức phải che dấu” nên như thế.
Một ngày nào đó, nếu quan hệ Mỹ-Đức bị cắt, cái deal “Mỹ quản thúc Đức đổi lại thị trường chung” không còn, Đức độc lập với Mỹ hơn, thì cái văn hóa Đức bị vùi dập này sẽ lại nổi lên. Tôi phải nói thêm cho rõ ràng, là cái background này không phải là phát xít Đức.
Tôi đi sâu mở rộng thế, để giúp ta có background tìm hiểu tiếp bộ phim thời sự này. Tóm lại, không có thuộc địa, không có vấn đề thuộc địa, có nhận thức dân tộc diến ra trong quá trình “giao thoa văn hóa kinh tế với phương Tây” (phương Tây với Đức bắt đầu ở Strasbourg, thành phố biên giới Đức-Pháp ở An dát (Alsace)) từ thế kỷ XVIII, như một phản ứng ngược với các giá trị “phổ quát” bị ép vào, khiến Đức có cảm tình và nhận thức khách quan hơn các nước phương Tây có tiền án tiền sự với VN. Nhưng nó cũng có hạn chế, hạn chế này là do lịch sử nước Đức hiện đại tạo ra.
Nó thể hiện ở đâu ? nó thể hiện trong việc phim tài liệu này nói về việc hồi hương của các lính lê dương người Đức này về Đông Đức sau năm 1954. Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt là chính nghĩa, thì việc những người lính Lê Dương này theo VN cũng là chính nghĩa, nhưng khi về nước họ lại là .. Đông Đức, chính xác hơn là thông qua Đông Đức mà họ về nước. Vậy phải “hạ giá” cách đón tiếp này, vì nước Đức hiện tại không thể chấp nhận Đông Đức. Chính vì thế mới có câu chuyện là “đưa họ về Đông Đức để quản lý vì TQ yêu cầu”, trong khi với tôi nhưng điều này không có gì liên quan. Tại sao tôi lại nói thế ? bởi vì trong bộ phim ngay từ đầu, những người lính này đã muốn hồi hương, vì tình cảm với Heimat của họ. Bộ phim cũng nói rất đúng về tâm lý đó là khi theo Việt Minh rồi thì họ lại thấy lạc lõng, không phải lạc long vì sự đối sử của Việt Minh, mà cảnh quan, con người, cuộc sống, .. Chính vì thế khi hòa bình lập lại, tập kết ra bắc, thì việc hồi hương là hợp ly với nguyện vọng của họ, cũng như VN chỉ có quan hệ ngoại giao với Đông Đức, họ sẽ hồi hương về Đông Đức chứ làm sao về Tây Đức được (VN chỉ có quan hệ với các nước tư bản sau năm 1975, ngoại trừ Pháp). TQ liên quan gì tới việc này. Cho tới tận năm 60, khi có việc xây bức tường ở Béc linh, thì biên giới Đông Đức – Tây Đức mới là hàng rào dây kẽm gai. Trước đó không có vấn đề này, người về Đông Đức có thể bỏ qua Tây Đức. Do vấn đề với Đông Đức của lịch sử Đức hiện đại, trong bộ phim đã thể hiện các người lính này khi về Đức phải bị Đông Đức nghi kỵ.Nhưng muốn biết điều này chắc chắn, thì phải tìm hiểu sau khi về nước họ làm gì, sự thâm nhập trở lại của họ với xã hội Đông Đức như thế nào, bao nhiêu người bỏ sang Tây Đức, vì sao. Điều này bộ phim không nói được, mà lại nói là họ bị lợi dụng để tố cáo tội ác của quân đội viễn chính Pháp, coi đó là tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền mà nó là sự thật thì vẫn đúng, đâu có gì là sai, nó chỉ sai khi được bịa đặt.
Nhưng không chỉ có thế, mà còn vấn đề không phải bất kỳ người lính lê dương Đức nào cũng theo Việt minh. Bộ phim đã có một đánh giá rất trân trọng với những người theo Việt minh đó là coi họ là loại lính có học thức cao cấp, có ý thức, nhưng những người còn lại, tức là số đông, chứ theo Việt Minh thì là thiểu số, thì sao. Từ đó nó mới nẩy ra cách tiếp cận theo “số phận con người”.
Cách tiếp cận lịch sử theo kiểu “số phận con người” này, còn có thể gọi là cách “điền dã”, tức là thu thập thông tin qua các ví dụ cá nhân cụ thể, và thông qua các trải nghiệm cá nhân cụ thể ấy mà kể lại câu chuyện. Các tiếp cận này có một cái đế triết học, đó là tình thần cá nhân chủ nghĩa (individualisme) là triết lý chủ đạo của xã hội phương Tây, đặc biệt thế giới Anh-Mỹ, vì thế nó xuất hiện ở đây trước. Nhưng cách tiếp cận nay có một cái dở, đó là nó không cho người ta biết tại sao câu chuyện lại xẩy ra, nguyên cớ gì. Từ đó nó khiến cho người ta có thể bao biện rất dễ, lịch sử chỉ nhìn thấy hiện tượng, nhưng không hiểu gốc của nó ở đâu, tại sao. Để làm điều đó, người ta bắt buộc phải bổ xung thêm, để có thể thấy rõ câu chuyện ấy, tình tiết ấy xẩy ra trong hoàn cảnh nào. Và điều này tùy người làm phim (hay người viêt sách) muốn nói tới đâu, chứ nó không phải là nội dung chính, cái trục chính của bộ phim.
Ở đây với tôi, chủ điểm chính ,có lẽ những người làm phim muốn nói tới tính cách con người Đức, bất kể họ là ai. Vì thế người ta sẽ thấy, người Đức theo chính nghĩa (khi theo Việt minh), người Đức yêu tổ quốc (Heimat), nhưng người Đức cũng là loại người đáng tin cậy, khi đã “ký hợp đồng” thì làm đúng theo hợp đồng (đây là lý do biện minh cho những người linh Lê Dương Đức nói chung khi đánh thuê cho quân đội Pháp), và cuối cùng là số phận long đong chìm nổi của họ theo lịch sử. Trong đó lịch sử VN hiện lên như một cái phông.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 7 2021, 08:22 PM

Với bộ phim này tôi thu thập được những gì.
Tôi thu thập được thêm một số tình tiết đáng chú ý.
1- Việc Pháp sử dụng vũ khí Na pan ở Điện biên Phủ. Theo như nhân chứng của một nhân vật, thì Pháp đã chôn trước các bình Na pan xung quanh đồn, và khi Việt Minh tấn công thì sẽ đốt nó để cho Na pan chẩy xuống thanh dòng suối lửa ngăn chặn tiếp cận. Có thể đây là cách Pháp sử dụng chống lại cách tiếp cận của Việt minh bằng cách đào giao thông hào tới sát rồi mới xung phong. Tại sao trong tài liệu Pháp không nói điều này, có thể vì vũ khí Na pan là vũ khí bị cấm trong quy ước quốc tế, nên nếu sử dụng nó cũng chẳng xì ra.
2- Cách thức tác chiến của Việt Minh. Đặc biệt là ở các chiến trường độc lập, không có sự trợ lực từ Trung ương. Đây chủ yếu là các tác chiến ở Nam bộ, Trung bộ, Bình trị Thiên. Thời kỳ chống Pháp, cho tới năm 1950, tức là khị biên giới chưa thông với TQ, thì cách tác chiến ở tất cả các vùng đều giống nhau. Chủ yếu là giáo mác, ít súng đạn, đánh du kích, như trong bộ phim tài liệu nói tới. Từ sau chiến dịch biên giới, trên chiến trường miền Bắc đã có quân chủ lực, đánh tới cỡ sư đoàn (lúc đó gọi là đại đoàn), ngược lại không có sự trợ giúp của TQ, miền Trung và Nam bộ vẫn tiếp tục tác chiến du kích. Cỡ cao nhất là tiểu đoàn, như tiểu đoàn 307 ở Nam bộ
3- Sự tồn tại của các ổ điếm như là một bộ phận của “dịch vụ quân đội”. Đây là đặc trưng của quân đội xâm lược. Vào thời Mỹ vào miền Nam, thì không những hậu phương Sài gòn trở thành ổ điếm mà các nước trong vùng cũng vậy. Như ở Thái, rồi Phi. Vấn đề “confort girl” giữa Hàn quốc và Nhật cũng tương tự như vậy. Điều đặc biệt là trong các cuộc chiến gần đây nhất của quân đội Mỹ : I rắc, Apganistan thì không thấy vấn đề này nữa : tại sao ? vì nó bị kiểm duyệt không đưa lên báo ? vì người Hồi giáo rất truyền thống trong vấn đề này ?, vì quân đội Mỹ và NATO không ra khỏi được các căn cứ đi lang thang như ở VN ? tôi không rõ.
4- Nó khẳng định một lần nữa đó là cuộc chiến tranh Pháp thực hiện ở VN là phi nghĩa, và bộ phim đã khách quan hơn là các bộ phim Mỹ, Pháp làm về VN, đã tố cáo tội ác chiến tranh một cách rõ ràng, mặc dù đây không phải là mục đích của nó. Đây có lẽ là điểm đặc sắc nhất của bộ phim với một người VN.
Cũng có những điều mà bộ phim nói không đúng. Ví dụ đánh giá quá cao vai trò của những người lính này, khi nói “ ils donnent un coup de pouce, en suite la Chine donne un coup de main”. Tôi không tìm được cách dịch thỏa đáng, vì nó có vấn đề chơi chữ ở đây, sự ví von nói tới việc người Đức giúp như đẩy bằng một ngón tay, TQ giúp bằng cả bàn tay.
Việc đánh giá vai trò của Mỹ cũng không đúng, mặc dù nó chỉ nói có 1,2 câu, khi nói sự chuyển tiếp từ chiến tranh giải phóng dân tộc sang xung đột hai khối, bị che đi dưới vấn đề chống cộng. Khi bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, thì người Mỹ cũng có ở đây. Vì thế nếu Mỹ muốn công nhận VN thì họ đã làm được, vấn đề là Mỹ cũng không muốn có một nước độc lập, mà muốn có một thứ chính quyền nó sai bảo được. Giữa ba giải pháp : một nước VN độc lập, một nước được Mỹ sai bảo , một thuộc địa của Pháp, thì Mỹ chọn theo hướng một nước được Mỹ sai bảo là tốt nhất, rồi thuộc địa của Pháp, rồi tới VN độc lập. Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và quan hệ của VN với Mỹ diễn ra theo đúng quy trình chọn lưa này.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 16 2021, 04:58 AM

Tiếp tục viết thêm một chút về Boudarel và những người « việt nam mới ». Tôi đã đọc quyển hồi ký của ông này, cả quyển có tên là GIAP, viết năm 1977, quyển về « nhân văn giai phẩm » viết năm 1989, và đang chờ quyển viết về hành chính quan liêu ở VN, năm 1983 chưa nhận được. Như vậy tôi đã đọc, đang đọc hầu hết các tác phẩm của Boudarel viết về VN. Mặc dù đọc chưa hết quyển viết về nhân văn giai phẩm. Tôi có thể nói rằng sự trở cờ của Boudarel, trở cờ tương đối vì ông ta là người Pháp nên hiểu được, bắt đầu vào năm 1989, rõ rệt hơn vào năm 1991. Ý của ông ấy là VN sẽ thay đổi như « cộng hòa Séc », tức là trở thành một nước dân chủ đại nghị kiểu phương Tây, và từ đó ông ấy mới khai thác vấn đề « nhân văn giai phẩm ». Nhưng sự khai thác này cũng tương đối. Điều đáng buồn và nghịch cảnh cho ông ấy, như tôi đã nói, là mặc dù thế, Boudarel đã bị lực lượng phái hữu Pháp, tức là những kẻ kế thừa tư tưởng thực dân Pháp, bôi nhọ, và cùng lúc bôi nhọ luôn cuộc kháng chiến chống Pháp, từ đó mở đường cho tương lai viết lại lịch sử. Hiện nay từ năm 2008, Pháp đã có luật cấm ân xá vĩnh viễn cho các tội mà họ gọi là vi phạm nhân quyền nhân đạo. Tên tuổi Boudarel được gắn với kiểu cai tù trại tập trung phát xít Đức, và từ đó sẽ mở đường đến việc nhập nhèm đánh giá lại kháng chiến chống Pháp, gán cho công cuộc xâm lược của thực dân Pháp tư duy « chống cộng », « khai hóa văn minh ». Điều này là sai, nhưng nó sẽ được tìm cách đưa vào lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại, khi tư duy dân tộc, co cụm là tư duy phổ biến trên thế giới. Nó cũng có thể được gắn với quá trình chống TQ của phương Tây trong tương lai, khi các nước phương Tây sẽ sử dụng « dân chủ, nhân quyền » theo kiểu của họ để tuyên truyền « chính danh », giống như sử dụng đạo Thiên chúa vào thế kỷ XIX.
4/5 quyển hồi ký của Boudarel nói về quá trình ông ấy sang VN, rồi ra chiến khu D, cuộc hành trình đi từ chiến khu D ra Việt Bắc. Chỉ có một ít đoạn cuối, khoảng 10% quyển sách là nói về trại tù 113, nơi ông ấy làm quản giáo và thời kỳ sống ở Vn sau hòa bình từ 1954 đến 1964, rồi sang Tiệp, về lại Pháp vào năm 1966, sang lại VN thăm 1989 ; ..
Quyển sách có giá trị về tư liệu cho ai muốn tìm hiểu cuộc sống chiến khu ở Nam Bộ, các khu giải phóng ở Trung bộ, cuộc sống của người Pháp ở Sài gòn sau năm 1945. Nhưng điều này đều khớp với các sách và tài liệu khác tôi đọc. Ví dụ, những sinh hoạt ở chiến khu D, việc đi từ Sài gòn ra đó thế nào, tôi cũng thấy tương tự trong quyển sách « sống với những người cộng sản », kể về cuộc sống chiến khu của một trí thức Sài gon thời chống Mỹ, mà tôi quên mất tên, nhưng ông sau giải phóng làm trưởng khoa văn hay gì đó ở Đại Học Huế. Nhưng điều tương tự cũng có thể thấy trong cuốn sách viết về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Có nhiều điều thú vị nho nhỏ. Thời kháng chiến chống Pháp, mỗi một khu (khu 4, 5, 7) đều có đồng tiền riêng. Tiền dùng ở Việt Bắc và khu 4 là tiền in ở Tiệp.
Khẩu súng SKZ (súng không giật) là sáng tạo của công binh VN, có tác dụng lớn trong chiến tranh du kích trong Nam. Khác với ngoài Bắc, Du kích trong Nam không có hỏa lực lớn, vì thế Pháp mới sử dụng hình thức đóng đồn làm chòi cao để ngăn cản hoạt động của du kích. Nhờ có súng SKZ mà du kích có thể đánh sụp tháp canh, phá chiến thuật này. Khẩu súng này dùng nguyên tắc « đạn nổ lõm », điều mà mấy chục năm sau, cũng được lực lượng du kích hồi giáo ở I rắc sử dụng để phá xe thiết giáp Mỹ. Chỉ khác là ở VN, nó được dùng để bắn, ở I rắc, nó được dùng làm mìn. Câu chuyện vũ khí SKZ này cũng được nói tới trong hồi ký của tướng Trần văn Trà.
Cuộc sống ở miền Bắc sau năm 1954 cũng có nhiều điều đáng chú ý. Với người « việt nam mới », không có sự theo dõi, như tôi đã nói ở trên, vì họ sống lẫn với người VN. Điều thú vị là Boudarel có nói đã đấu tranh để được tăng lương, vì so với lương chuyên gia, thì không cao bằng. Lương của Boudarel là 200 đồng, một số tiền cực lớn, có lẽ tương đương với hàm bộ trưởng, vì tới tận năm 1975, lương chuyên viên trung cao cấp ở ngoài Bắc mới khoảng độ .. 54 đồng. Boudarel cũng được hưởng chế độ nghỉ hè, vì thế ông ấy đã đi thăm nhiều nơi ở miền Bắc. Tóm lại so với một người VN, ngay cả cán bộ nhà nước cao cấp, thì cuộc sống của Boudarel ở VN không kém hơn. Còn tại sao tôi lấy năm 1975 làm chuẩn so sánh, vì vào thời điểm đó, do cấu trúc kinh tế kiểu bao cấp, ở miền Bắc không có lạm phát. Cho nên giá của nó ổn định ngay cả khi so với thời kỳ 1955-1964
Thái độ của Boudarel là không thích hình thức « cộng sản Trung quốc », và ông này cũng liệt ông Tố Hữu vào loại này. Điều đáng ngạc nhiên, vì ông Tố Hữu vào bộ chính trị năm 1980, rồi làm tới chức phó thủ tưởng. Nếu là « thân TQ » thì điều này thực là khó. Trong thời gian ra Bắc, Boudarel là « quân » của ông Tố Hữu.
Ông ấy cũng nói rằng, vào năm 1963, ở Hà nội sáng nào cũng phát Quốc tế Ca từ đài của TQ. Hình ảnh một thủ đô « gần với TQ » này cũng là điều ngạc nhiên với tôi. Vì Hà nội về sau, hoàn toàn không có ảnh hưởng kiểu này. Thậm chí lúc bé, tôi tò mò muốn biết bài Quốc Tế Ca nhạc thế nào cũng không biết, nên không thể tưởng tượng được bài hát này được phát thường nhật.
Nếu ai sống ở Hà nội vào những năm tháng chiến tranh biên giới 1979-1991, thì điều nói trên lại càng bất ngờ.
Cũng trong quyển sách này, mà ta thấy, người việt nam mới hồi hương không chỉ vào những năm 60, mà một phần lớn đã về nước sau năm 1954. Điều này cũng dễ hiểu vì khi họ đào ngũ sang với Việt Minh là vì không muốn chết một cách vô nghĩa, và ý định về nước là một thôi thúc lớn khiến họ bỏ sang Việt Minh.
Điều khó chịu với « cộng sản TQ » này, cũng được Boudarel nói tới khi hồi tưởng về chuyến đi tầu xuyên TQ để sang Praha (tiệp), nơi mà nhờ một nhà báo của tờ báo Nhân đạo (Humanité) của đảng CS Pháp giới thiệu, Boudarel đã tìm được một việc làm mới trong viện phương Đông ở đây. Ông này nói là chỉ muốn đi nhanh khỏi châu Á (ở đây là lục địa TQ), nhưng khi ra khỏi biên giới TQ, vào Mông Cổ, rồi Si bê ri, thì .. thấy cảnh quan vẫn thế. Tất nhiên rồi, vì điều kiện địa lý tự nhiên đâu có biên giới chính trị.
Theo Boudarel, câu chuyện « nhân văn giai phẩm » cũng gắn liền với thái độ « Mao ít » trong văn nghệ. Nhưng tôi mới đọc nửa quyển này nên sẽ nói tiếp sau.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 16 2021, 05:00 AM

Trong cuốn hồi ký, ông ta cũng không nói là bị VN ép ra đi. Điều buồn cười là, sau khi được phóng viên Pháp giới thiệu chỗ làm ở Tiệp, Boudarel đã phải sử dụng tiền bán đồ đạc, tiền lương để mua vé tầu liên vận. Như vậy có thể hiểu là ông ta không bị đuổi, cũng không bị giữ. Nhưng khi sang tới Liên Xô, hay Tiệp, thì đều được tiếp đón, ăn ở không mất tiền. Điều mà sau này, vào năm 1966, lúc ông ta trở về Pháp cũng không có.
Vào năm 77, rồi 89 Boudarel cũng quay trở lại VN thăm. Đặc biệt vào năm 89, ông ta lại đề nghị sẵn sàng dịch các tác phẩm của Adam Michnik, một nhân vật trong công đoàn Đoàn kết ở Ba lan ra tiếng Việt. Với tôi đây có thể coi là thời điểm Boudarel trở cờ, không còn là người cộng sản như khi ở VN nữa. Có điều đặc biệt là sau khi trở về Pháp, không rõ Boudarel còn ở trong đảng CS Pháp không ? vì thấy ông ta nói lại hoạt động với Alain Krivin, mà đây là một nhân vật Troskisme.
Từ câu chuyện này mà tôi mới mua thêm quyển GIAP, mà ông ta viết vào năm 1977, để xem vào thời điểm ấy, ông ta viết cái gì, và có ý định « khai thác tướng GIÁP » như các sử gia tư sản hay không ? tôi nói thế nghĩa là thế nào ? chắc mọi người đều biết sau khi thống nhất đất nước, thì đại tường Võ Nguyên Giáp không còn trong quân đội mà chuyển sang làm về khoa học kỹ thuật và ủy ban sinh đẻ có kế hoạch. Tại sao lại thế thì không rõ, nhưng đây là câu chuyện có thể khai thác giống như phương Tây khai thác về tướng Zukov của Liên Xô. Tức là tài giỏi nhưng bị Đảng làm cho thất sủng, có công mà không có quyền…v..v..
Nhưng khi nhận được quyển sách, thì tôi rất ngạc nhiên là mặc dù tên nó là « GIÁP », đây không phải là một cuốn sử viết về đại tướng, mà lại là một tập sử nói về kháng chiến chống Pháp và Mỹ, sự nghiệp của đại tướng, chỉ là một hình thức tạo cách kể chuyện. Có thể coi nó như một cuốn sách giáo khoa về sử VN từ thời Pháp thuộc tới năm 1975 cũng được. Trong cuốn sách tác giả có thu thập tư liệu từ cuốn hồi ký về Điên Biên Phủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng cũng có cả tư liệu từ cuốn « Đại thắng mùa xuân » của đại tướng Văn Tiến Dũng. Do có nhiều tư liệu VN, mà cuốn sách có nội dung gần với lịch sử chính biên của VN hơn, ngược lại công lao thực sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp lại không rõ ràng. Điều được gán cho ông, tức là chiến lược chiến thuật quân sự gắn với chính trị là đường lối chung của VN,lại được coi như của riêng ông. Đây cũng là yếu điểm của loại sách lịch sử viết theo nguyên tắc « người hùng » (histoire des grands hommes), do « lấy công trăm họ gán cho một người ».
Tóm lại, nhận xét của tôi từ lúc đầu viết về Boudarel, coi việc trở cờ của ông ấy gắn liền với sự tan ra của Liên Xô là có cơ sở (1988-1989). Trước đó, nếu có « tâm tư », thì được ông ta gán cho TQ.
Quan niệm này của Boudarel cũng không có gì đặc biệt, đó thường là tâm tư của một người cộng sản phương Tây. Như tôi đã từng nói, ở VN chủ nghĩa Mác-Lê nin gắn liền với đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngược lại ở Tây Âu, nó là cơ sở cho giai cấp công nhân đòi quyền lợi. Ở VN, chủ nghĩa Mác -Lê phải đảm bảo 3 điều : đấu tranh giành độc lập, công nghiệp hóa, tổ chức nhà nước. Ở Tây Âu, nó chỉ là một thứ lý thuyết « lăn đùng ngã ngửa ra đòi quyền lợi dựa trên đấu tranh giai cấp » (tôi nói hơi trào phúng) thì tất nhiên không thể giống được. Cũng chính vì thế, với một người cộng sản Tây Âu, Liên Xô chỉ hấp dẫn khi là một hình mẫu vượt trội các nước tư bản về mọi mặt, nhưng nếu Liên Xô có những đặc trưng mà các nước Tây Âu không có, thì về mặt cơ sở kỹ thuật, nó cũng là một dạng của công nghiệp hóa, cùng dựa trên một cái đế khoa học kỹ thuật như nhau.
Điều đặc biệt của Liên Xô, là quá trình công nghiệp hóa ở đây không dẫn đến cảnh gây chiến tranh, chiếm thuộc địa như quá trình này tạo ra ở các nước tư bản. Ngược lại, Liên Xô còn giúp đỡ cho các phong trào giải phóng dân tộc. Điều đặc biệt này cực kỳ quý báu với những nước như VN. Nhưng với một nước tư bản đã phát triển, thì nó lại không có ý nghĩa gì.

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jul 18 2021, 12:05 AM

Bác Phó có thể tham khảo thêm phim trêm VTV4 về những người "Việt Nam mới"

https://www.youtube.com/watch?v=fjcE-P6B6nUhttps://www.youtube.com/watch?v=fjcE-P6B6nU


Tuy nhiên phim không kể chi tiết về Boudarel, thậm trí còn làm cho người ta tưởng là ông ta trung thành với nhà nước cộng sản đến cuối đời.

Rõ ràng là vì ông ta "trở cờ" nên việc đưa tro cốt về Việt Nam không được Nhà Nước đón tiếp một cách chính thức. Ông Giao có nói là ông Boudarel lúc về lại pháp vì không còn giấy tờ nên phải vượt biên bằng đường thủy bơi qua một hồ nước giữa Thụy Sĩ và Pháp. Giờ lúc quay lại VN ở dạng một bình tro ông cũng phải đi chui. Trên phim mà tôi đưa link ở bài trước thì ông Giao phải giấu tro vào hành lý cá nhân, rồi vào sân bay Tân Sơn Nhất mới mở khăn, cờ ra phủ. Tức là Nhà Nước không tiếp đón ông trở về chính thức nhưng cũng không ngăn cản những người Việt thân thiết với ông làm việc này. Hơi kỳ là đài VTV4 đưa ông vào chương trình như thể quan hệ giữa Boudarel và Việt Nam vẫn hoàn toàn tốt đẹp.

Nói chung cách đối xử của chính phủ Việt Nam với những người này có tính hai mặt. Vừa không hài lòng nhưng vẫn đưa tin như thể không có mâu thuẫn gì. Chẳng hạn với bà Trần Tố Nga cũng thế. Bà Trần Tố Nga là người đang đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam. Việc này rõ ràng có lợi cho phía Việt Nam, nhưng bà Nga cũng là người phản đối chính sách cải tạo sau giải phóng, dù bà vốn là Việt Cộng miền Nam từ bé. Việc kiện tụng này được báo chí Việt Nam ủng hộ và cả sự lên tiếng của Nhà nước. Bà Nga cũng là người có mặt trong buổi lễ dải tro ông Boudarel.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 19 2021, 08:03 PM

Trong quyển hồi ký của Boudarel, ông ấy viết rằng vào năm 1966, khi có luật ân xá, từ Tiệp ông ấy đã hồi hương về Pháp, « chính phủ Tiệp mặc dù là chính phủ cộng sản cũng không muốn quan hệ ngoại giao với Pháp bị ảnh hưởng, nên đã không muốn chứng tỏ rằng đã chứa chấp tôi, vì thế tôi đã nhận được hộ chiếu, sau phải trả lại, tôi cùng với hai người Pháp hàng binh khác là Ribera và Casius đã trở về Paris mà không bị luận tội gì cũng như có chuyện gì đặc biệt »
Đoạn tôi để trong ngoặc là tôi dịch từ cuốn hồi ký của Boudarel. Đọc thế thì người ta hiểu là hộ chiếu ông ấy có là hộ chiếu Pháp, vì nêu chính phủ Tiệp không muốn chứng tỏ chứa chấp (asile) Boudarel thì không thể cấp hộ chiếu Tiệp cho ông ta. Nhưng cái câu « sau phải trả lại » lại có ý ngược lại, tức là giấy tờ được Tiệp cấp thì mới phải trả lại, chứ Pháp cấp thì trả lại làm gì . Tóm lại không biết chính xác ông ấy về Pháp với hộ chiếu nào. Nhưng theo cái câu cuối cùng, thì việc này rất dễ dàng. Điều này tương đối mâu thuẫn với chuyện « bơi lội qua hồ ở Thụy sĩ » mà Thiên lang nói, vì nếu như thế thì là vào Pháp lậu cần gì hộ chiếu.
Chính xác thế nào thì chỉ có ông Giao nói được là nhớ có đúng không, và cũng không loại trừ để tăng thêm tính bi kịch cho câu chuyện mà, ông ấy nói thế., làm cho người ta đồng cảm hơn việc ông ấy phải mang tro lậu vào VN.
Chính phủ VN không làm ồn ào chuyện này cũng đúng, vì mặc dù tham gia kháng chiến, sau ông ấy đã trở cờ, dù việc này không có ảnh hưởng gì lớn, nhưng khó có thể đưa ra để tuyên dương công trạng được. Còn việc ông Giao làm cho Boudarel, tôi thấy cũng đúng, vì ý nguyện ấy của ông Boudarel cũng hợp với tình cảm của ông ấy với VN. Mặc dù không có tuyên dương công trạng, việc đưa tin vào VTV4 như vậy là đủ. Ngược lại, ông ấy có ý kiến trở cờ như Boudarel lại sai, vì tôi coi ông ấy là người VN. Boudarel có thể nhận thức thế vì ông ấy là một người Pháp. Ngược lại nếu ông Giao nói, « tôi cũng là người Pháp đây » thì OK. Nhưng nếu thế ở đây nó lại lòi ra một chuyện rằng, ông là gốc VN, mà lại đòi là Pháp thì ông sẽ là cái dạng gì
Hiện nay quản lý xã hội ở VN đã trong một cơ chế thị trường, không phải bao cấp như ngày xưa. Trong cơ chế này, nhà nước không thể bao cấp hết, vì đó là một xã hội tự thân vận động. Vai trò nhà nước thu nhỏ lại, vai trò tự chủ của xã hội tăng lên. Người ta có thể hiểu xã hội như một dạng « công ty cổ phần » trong đó cổ phiếu của chính phủ nhà nước không phải là tuyệt đối, nhưng đủ để khi đưa ra hội đồng quản trị bầu bán quyết định thì không bị mất quyền kiểm soát (tức là mất chủ quyền, không phải là cộng hòa chuối). Giống như dạng « cổ đông viên chiến lược ». Chính vì thế không thể đòi hỏi cái gì nhà nước cũng dúng tay vào. Như vậy việc bà Nga làm là rất tốt, hợp tình hợp lý với xã hội VN, còn việc bà ấy là cộng sản, việt cộng cũ , v..v.. đâu có gì là quan trọng, nếu đó là việc hợp lý, chính nghĩa
Cũng chính vì phần tự chủ của xã hội ngày càng tăng, mà tôi mới nói là muốn VN phát triển thì người VN phải có hệ quy chiếu của mình để VN không có một xã hội dân sự mại bản nhất là khi các nước có tiền án tiền sự với mình giờ lại thành « đối tác chiến lược ». Khi phần tự chủ của xã hội tăng (đây là điều tất yếu trong kinh tế thị trường), mà nó lại tránh trở thành mại bản, chính phủ, xã hội cùng đồng hành thì đất nước đó sẽ phồn vinh, phát triển.
Hãy lấy ngay vi dụ Hàn quốc. Chính phủ nước này bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ, nhưng xã hội dân sự của nó lại không mại bản, nó là sự phản ứng với tính mại bản của chính phủ Hàn. Chính xác hơn là nó có một phần theo Mỹ mại bản, dạng như lề trái VN, nhưng xã hội của nó không mại bản, do phản ứng với Mỹ, vì thế trở thành chỗ dựa cho chính phủ Hàn, tạo ra không gian cho chính phủ này cựa quậy. Ở Hàn, việc thoát khỏi chế độ độc tài là có xu hướng này. Tức là một dạng « gậy ông đập lưng ông » với Mỹ.
Ở VN không có chuyện này, vì VN có độc lập chính trị, và lề trái lại muốn dùng kiểu « đa nguyên đa đảng » để lật đổ, biến VN thành một dạng chính quyền tay sai như miền Nam ngày xưa. Đa nguyên đa đảng thành một dạng chống cộng trá hình. Nhưng vì cộng sản ở VN chính là dân tộc chủ nghĩa, cho nên chống cộng sản trở thành làm tay sai cho thực dân mới hay cũ.
Bộ phim tài liệu của VTV4 rất hay. Những người làm phim đã chỉ ra nhiều vấn đề, và tránh được nhiều vấn đề. Tôi sẽ tán phét tiếp sau

Gửi bởi: Thiên Lang vào hồi Jul 19 2021, 10:08 PM

Tôi đã đọc xong cuốn sách Zwischen den Fronten - Những người đứng giữa chiến tuyến - của Heinz Schutte. Tóm tắt một số nội dung chính như sau.

Tác giả là người nghiên cứu lịch sử ông này đã bỏ công đi gặp nhiều lính Lê Dương Đức trở về từ Đông Dương để phỏng vấn, tìm đọc nhiều tài liệu hồi ký. Và chốt lại câu chuyện của ba người là Erwin Borscher, Rudy Schroder và Erich Frey. Vì ba người này thực sự là những người khi đó có khuynh hướng cộng sản và phục vụ nhiều hơn cả cho Việt Minh.

Tác giả nhận định có hai nhóm lính lê Dương Đức. Nhóm ra nhập trước và đầu thế chiến II. Họ là những người học hành đầy đủ, uyên bác và có lý tưởng chính trị rõ ràng. Đại diện là 3 nhân vật chính kể trên. Nhóm ra nhập cuối và sau thế chiến II là những thành phần ít học, thất nghiệp, rất đông xuất thân từ lính phát xít và lính SS. Đám này một số do không có nghề nghiệp, một số trốn tránh thân phận phát xít đã đầu quân cho quân đoàn Lê Dương.

Erwin Borscher sinh ra ở Strassburg vốn là đất tranh chấp Pháp Đức, ông này chống Nazi nên sang Pháp lánh nạn. Erwin tốt nghiệp cử nhân văn học Đức, đọc thông viết thạo tiếng Pháp, có tốt chất lãng mạn. Là công dân Đức nhưng Erwin suýt bị bắt vì dải truyền đơn chống Hitler. Nhưng tại Pháp ông cũng bị nghi ngờ, khi đó Pháp giam giữ tất cả người gốc Đức để ngăn ngừa gián điệp. Người Pháp còn nói rõ là mẹ Erwin bị coi là phản bội tổ quốc vì lấy chồng Đức. Như vậy lúc đó vấn đề lý lịch ở Pháp cũng rất cứng nhắc. Pháp chỉ cho Erwin 2 lựa chọn, một là bị nhốt đến hết chiến tranh, lúc đó chưa biết bao giờ hết, hai là vào lính Lê Dương và sang Algerie.
Rudy Schroder sinh ra tại Cologno, học giỏi. Thầy Rudy khi đó là người Do Thái bị Nazi cho nghỉ việc, Rudy dám mang hoa đến tặng thầy tỏ thái độ kính trọng. Việc này bị một tờ báo của Nazi thóa mạ và đe dọa. Bị tố là cộng sản và thân Do Thái, Rudy trốn sang Paris. Tại Paris Rudy tiếp tục học tốt nghiệp 3 chứng chỉ cử nhân và lấy vợ. Giống như Erwin, Rudy cũng bị nhốt hồi đầu chiến tranh và phải ra nhập lính Lê Dương. Rudy quen Erwin ở Algerie và đã thân thiết do chung quan điểm chính trị. Khi Đức tấn công Pháp và chính quyền Vichy đầu hàng, Đức yêu cầu giao trả lính Lê Dương gốc Đức. Cõ lẽ là để trừng phạt. Vì vậy Pháp khéo léo bố trí đẩy đám lính này sang Đông Dương để khỏi bị trả lại cho Đức.

Tại Việt Nam, Erwin đóng quân ở Quảng Ninh. Năm 1942 làm quen với một cô gái bán cafe và cưới làm vợ. Sau này sinh được 7 người con. Sau đó Erwin và Rudy chuyển về đóng quân ở Việt Trì và kết nối với Erich Frey thành lập chi bộ cộng sản tại Việt Trì. Erich sinh ra ở Áo là người Do Thái nên bị chế độ Đức quốc xã khủng bố, sau nhiều năm trốn tránh Erich ra nhập liên đoàn cộng sản, rồi cuối cùng khi sang Pháp cũng phải đi theo con đường lính Lê Dương. Do có tố chất thông minh Erich được quân đội Lê Dương đào tạo bài bản để trở thành sĩ quan. Erich nắm được rất tốt kiến thức về vũ khí, chiến lược, chiến thuật quân sự của Pháp nên sau này được tướng Giáp sử dụng làm cố vấn quân sự.

Lúc đầu ba người này có ý định kết nối các chi bộ cộng sản của quân đội Pháp với Việt Minh để cùng chống Nhật. Nhưng không thành công vì Việt Minh và Pháp không thống nhất được với nhau về quan điểm Việt Nam độc lập. Nhưng khi đó Việt Minh đánh giá rất cao nhóm cộng sản này vì trình độ kiến thức và lập trường chính trị ổn định của họ. Thực ra chi bộ cộng sản này còn có vài người nữa, nhưng những người kia khi ra nhập Việt Minh họ được phân công việc ít quan trọng hơn và có quân hàm thấp hơn 3 nhân vật chính. Ngoài ra những người cộng sản này thực ra là người cộng sản châu Âu vì vậy họ có xu hướng dân chủ xã hội nhiều hơn. Nhất là càng về sau khi cộng sản châu Âu ngả theo hướng này, họ không còn thấy đồng quan điểm với Việt Minh nữa.

Vào thời điểm cách mạng tháng 8, chi bộ cộng sản này cực kỳ phấn trấn và hào hứng với kết quả của Việt Minh. Đáp lại Việt Minh cử 3 người đến tiếp xúc và bàn về việc đưa họ về phe Việt Minh. Ba người đi gặp là Võ Nguyên Giáp, Trường Trinh và Phạm Văn Đồng. Khi đón đón ba người cộng sản Đức về chiến khu họ đang bị Nhật giam ở thành Hà Nội. Không rõ bằng cách nào Việt Minh giải thoát được cho họ và dùng xe hơi đưa thẳng lên chiến khu.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 19 2021, 10:14 PM

Bộ phim này của VTV4 rất hay. Nó được xây dựng thông qua « 3 nhân vật điển hình », cả ba đều có một điều chung là tình yêu đất nước con người VN, cũng như sự đồng cam cộng khổ của họ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng hoàn cảnh lý do họ đến với VN, cách mạng VN khác nhau, mà tâm tư tình cảm của họ cũng khác nhau (một phần những điều này không nằm trong phim), nên cách tôn vinh, đánh giá cũng phải khác nhau.
Điều đánh giá dễ dàng nhất là bác Nguyễn Văn Lập. Bác ấy đến với cách mạng VN bằng một cảm nhận chính nghĩa của con người. Chỉ khi gia nhập Việt Minh rồi, thì bác ấy mở trở thành đảng viên CS. Bác ấy là một đảng viên CS VN đích thực. Sau này khi về nước, tấm lòng của bác ấy với VN không thay đổi. Hy lạp cũng là một nước không có tiền án tiền sự với VN. Tất cả những điều này, khiến bác ấy là một tấm gương hoàn hảo. Điều đáng nói nữa là bác ấy như là đại diện của đa số « bộ đội cụ Hồ da trắng », tức là có rất nhiều người như thế họ có thể là người Ma rốc, An giê ri, Nam Tư, ..
Trường hợp của George Boudarel vè Edwins Bouchers lại khác. Họ theo Việt Minh, vì họ là những người cộng sản. Khi gia nhập Việt Minh họ ở vào những vị trí tương đối cao (hay ít nhất là tiếp xúc với các nhân vật cao cấp VN, từ bác Phạm Ngọc Thạnh, rồi Bác Hồ, bác Trường Chinh .. Boudarel là người Pháp, tức là nước có tiền án tiền sự với VN. Edwins Bouchers là người Đức (thực ra là Pháp-Đức), ông này đã sống ở Đông Đức, nhưng sau sang Tây Đức trước khi nước Đức thống nhất. Từ khi nước Đức thống nhất, thì nhừng gì là Đông Đức đều được nước Đức mới chối bỏ, vì thế trong trường hợp của Bouchers và Boudarel đều có những vấn đề liên quan tới chính trị của Pháp, Đức mà người ta phải để ý.
Điều khác với bác Lộc, là cả hai người này không coi họ là người VN. Trong cuốn hồi ký của Boudarel, có một chương nói tới việc ông ấy được đặt tên việt nam (tên là Đại Đồng), và cảm nhận của ông ấy với cái tên này thế nào. Ông ấy gọi là « việt nam hóa » (vietnamisation). Họ không là người VN, nhưng yêu VN, vì có một mảnh đời gắn với VN, có thể coi là mảnh đời quan trong nhất của họ. Nhưng họ không cảm nhận họ là người Việt như một người Việt nam.
Vấn đề họ là đảng viên đảng cộng sản Pháp, Đức cũng rất quan trọng. Điều này khiến cho họ có những đánh giá khác biệt, kiểu người nước ngoài, đặc biệt là về sau khi họ hồi hương. Điều này cũng không có gì đặc biệt, vì như tôi nói và luôn luôn nói, mỗi người đều có hệ quy chiếu, mỗi dân tộc có hệ quy chiếu của mình, nếu không thế thì không thể hình thành một cộng đồng người.
Trong trường hợp của Boudarel, theo như hồi ký của ông, thì đảng CS Pháp can ngăn các đảng viên của Đảng sang thuộc địa, cho nên việc Boudarel sang Đông Dương không được đảng CS Pháp ủng hộ. Lý do cũng đơn giản, vì sang thuộc địa, vị thế của họ đứng về phía thực dân dù muốn hay không, điều này sẽ gây khó khăn cho chính sách của Đảng CS Pháp. Cũng theo Boudarel, phần lớn những người trong nhóm Mác xít mà bộ phim nói tới đều về Pháp chứ không ở lại thuộc địa. Còn lý do của Boudarel sang với Việt Minh là vì lời nói của Lê nin. Lê nin nói gì ? khi đại chiến thế giới I bùng nổ, thì chỉ có đảng xã hội Nga (tiền thân của đảng CS Liên Xô) trong quốc tế thứ hai ở châu Âu phản đối chiến tranh, kêu gọi cộng nhân không tham gia. Ngược lại các đảng xã hội khác đều ủng hộ nhà nước của mình tham chiến. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho thấy nó không mang lại cái gì cả, vì nó phi nghĩa, tàn phá cả một châu lục. Chính vì thế mà Boudarel cũng phản đối cuộc chiến tranh thuộc địa của Pháp, với lý do tương tự.
Với Edwins Bouchers thì tôi không rõ, nhưng khả năng lý do tương tự khá lớn. Nhưng sau này khi họ về Đức, Pháp, thì nhận thức của họ phản ánh tình hình chính trị ở đây, phản ánh nhận thức của xã hội phương Tây với chủ nghĩa Mác-Lê nin. Như tôi đã nói nhiều lần, khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Tây Âu (phần lê nin ở Tây Âu gần như không có, có cũng chỉ là tuyên truyền ngược), tôi thấy nó rất khác với quan niệm ở VN. Ở VN chủ nghĩa Mác gắn liền với chủ nghĩa dân tộc, với liên minh công nông, với giành độc lập, công nghiệp hóa, ..Ở phương Tây hoàn toàn không có những điều này. Nó chỉ là lý luận của một giai cấp công nhân đòi hỏi quyền lợi. Chính vì thế không thể đòi hỏi họ có cái nhìn như người VN, vì trong chủ nghĩa Mác của họ, vừa thiếu phần Lê nin, vừa thiếu phần dân tộc, vừa thiếu phần hiện đại hóa, .. không kể như tôi đã nói ở chủ đề về bác Thảo, mà tôi đang viết, xuất phát điểm của nhận thức Mác-Lê nin ở VN là từ đạo Nho, đạo Phật. Họ làm gì có những cái này.
Chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN là một hình thức mác lê nin Nho giáo, bác Hồ là « kết tinh » đầy đủ nhất ở trong bác có chủ nghĩa Mác -Lê nin, chủ nghĩa yêu nước, và .. truyền thống Nho giáo.
Ông Giao, khi ủng hộ các kiểu « đa nguyên đa đảng » thời đầu năm 90, đã không thấy được những điều này. Vì thế nếu coi ông ấy là người Việt, thì như thế là sai. Còn nếu ông ấy là Tây, thì đâu có chuyện gì. Vậy ông ấy là gì ? là Tây hay VN ?
Một phần trong bộ phim có nói tới vấn đề với tù binh Pháp trong kháng chiến. Và đây là điều rất tốt, nó giúp cho người ta hiểu rõ được vấn đề này thế nào, bởi một trong những xu hướng « chính sử » của Pháp, là tìm cách nhập nhèm nói rằng Việt Minh dã man như phát xít. Về mặt luật pháp đơn thuần, thì những gì liên quan tới « vụ Boudarel » ở Pháp vào năm 1991, đã được tất cả các tòa án của Pháp bác. Nhưng điều này không ngăn cản việc trong các phim tài liệu Pháp, nhận thức này được ngấm ngầm đưa vào. Điều lá mặt lá trái của nó, là mặc dù tố cáo Việt Minh thế, trong các nhà tù Pháp, người việt yêu nước đều bị tra tấn, đối sử dã man. Nhưng điều này lại được sử liệu Pháp lờ đi. Sau đại chiến II, có hai cuộc chiến tranh thuộc địa mà Pháp tiến hành rất tàn khốc, đó là ở VN và An giê ri. Ở cả hai nơi, Pháp đều áp dụng tra tấn diện rộng, giết người vô tôi vạ. Ở V N điều này ít biết hơn, vì quân đội Pháp ở VN tham chiến là quân đội viễn chinh, nhà nghề. Lực lượng đi nghĩa vụ quân sự ít hơn ở An giê ri. Mặc dù thế vấn đề tra tấn này vẫn được Pháp giấu nhẹm.
Trong bộ phim VTV4, trong hồi ký Boudarel, rồi thông qua các hồi ký tù binh Pháp (ngay cả hồi ký bôi bác kiểu cuốn « trại tù 113 »), một điều có thể công nhận đó là trong các trại tù binh Pháp không có tra tấn, họ phải học chính trị (đây là điều đặc biệt so với một nhà tù ở Pháp). Chế độ của nhà tù về ăn uống không kém bình thường ở chiến khu. Nhưng so với điều kiện của Pháp, có gái gú thịt thà, có thể cướp bóc, ở thành thị có điện nước, thì rõ ràng không thể bằng. Như vậy chế độ nhà tù với tù binh Pháp không phải là một việc cố ý, để hãm họ chết, mà là điều kiện sống chiến khu. Điều này khác xa với các nhà tù Pháp dành cho Việt minh, trong khi họ không thể nói là do điều kiện thiếu thốn, mà là chính sách cố tình của Pháp.
Thủa còn đi học ở VN, có lần tôi cũng phải ở tập thể. Tập thể tôi ở là gần Hà nội, tức là văn minh, chứ không phải là trên núi rừng với các kiểu sốt rét, ngã nước, ..so với những gì mà tù binh pháp tố cáo về điều kiện ở, ăn uống, thấy sự sai lạc không bao nhiêu. Tất nhiên tôi không nói ví von là ở tập thể là ..ở tù, nhưng đây là điều chứng tỏ sự khắc nghiệt của kháng chiến là chung, thoi sau con the, thời năm 50 còn khắc nghiệt hơn nữa. Chính vì thế mới có dạng dinh tê về tề như Phạm Duy.
Bộ phim đã cung cấp được nhiều thông tin, tài liệu về vấn đề này. Điều đáng nói nữa là trong kháng chiến chống Pháp, phần lớn tù binh Pháp được thả ngay. Ví dụ sau chiến dịch biên giới 1950, Việt Minh đã trao trả ngay sau đó tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch này. Tại sao ? một phần như là bộ phim nói, đó là chính sách khoan hồng kiểu « Nguyễn Trãi » của Việt Minh của bác Hồ. Một điều quan trọng nữa là giữ tù binh chẳng để làm gì, mà còn làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần, đặc biệt ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc, là nơi điều kiện sinh sống khắc nghiệt. Sau chiến dịch Điện Biên, tù binh phải đi bộ mấy trăm cây số về ATK (an toàn khu). Với họ đây là một cách « tra tấn », trong thực tế đó là cuộc sống thường ngày của bộ đội. Đến bộ đội, dân công cũng thế, thì còn đòi gì.
Trở lại vấn đề « bộ đội cụ Hồ da trắng », rõ ràng những con đường của họ đi tới Việt Minh khác nhau. Do sự khác biệt về nhận thức, do hoàn cảnh điểm xuất phát của họ, do cuộc sống của họ về sau, do vị trí của họ với nhận thức chủ nghĩa Mác, với chủ nghĩa Cộng sản, do lịch sử quê hương bản quán. Họ có nhận thức về VN khác nhau. Và vi họ khác nhau, thì sự tri ân của VN với họ cũng khác nhau.
Nhưng có điều chung nhất đáng quý là họ là những cầu nối của VN với thế giới, tình cảm của họ với VN, với đất nước với con người VN, họ đã tới VN với sự thân thiện, theo chính nghĩa.. những điều này cực kỳ đáng tôn trọng.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Jul 19 2021, 10:49 PM

@thienlang,
Đúng rồi, ở Tây Âu, những người cộng sản gần với xã hội dân chủ hơn. Điều này cũng không có gì đặc biệt, vì khi chủ nghĩa Mác ra đời, thì tới tận đời Ăng ghen, chủ nghĩa Mác là hệ tư tưởng của các đảng dân chủ xã hội. Ngay cả đảng cộng sản Liên Xô, thời trước cách mạng tháng 10 cũng có tên là đảng xã hội dân chủ Nga.
Chỉ từ khi có sự phát triển của Lê nin, và cách mạng tháng 10 thành công, thì các đảng theo Mác-Lê nin được gọi là cộng sản.
Nhưng thế chưa đủ. Khi sang tới châu Á, tức là TQ, VN thì nó lại biến đổi lần nữa. Ở TQ thành tư tưởng Mao trạch Đông. Còn ở VN thì vẫn được gọi là Mác-Lê nin, nhưng nó cũng có sự đóng góp, phát triển của của Bác Hồ, Trường Chinh, Lê Duẩn.. và nhiều người khác.
Về cơ bản, từ năm 1930 tới 1940, việc áp dụng chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN thời thuộc địa ảnh hưởng sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản. Nhưng từ năm 1940 về sau, khi bác Hồ về VN lãnh đạo, thì sự sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin còn lớn hơn nữa. Nhưng nó thông qua việc giải quyết các vấn đề cụ thể, chứ không được tổng kết lý thuyết như Mao trạch Đông làm. Từ năm 1940 tới 1950 đây là sự kết hợp giữa thực tế VN và kinh nghiệm cách mạng TQ, rồi Liên Xô pha trộn. Từ năm 1950 đấn 1965, có sự ảnh hưởng lớn của TQ. Nhưng ảnh hưởng hình Parabol mà điểm maximum là 1955, rồi từ đó giảm dần tới 1965. Từ năm 1965 về sau là sự độc lập toàn diện của tư tưởng Mác-Lê nin ở VN.
Do VN, TQ chung nhau một phần truyền thống nhân văn : đạo Phật, đạo Nho, đồng thời điều kiện kinh tế tương đồng, nên ta có cảm tưởng hai bên giống nhau. Nhưng nó chỉ giống ở cái vỏ, chứ cách áp dụng khác nhau.
Một điều cực kỳ quan trọng, đó là chủ nghĩa Mác-Lê nin ở Vn được ứng dụng trong một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế yếu tố đoàn kết toàn dân, tư duy dân tộc rất lớn.
Ở TQ lại không phải vậy. Lịch sử ra đời, phát triển của đảng CS TQ có một phần lớn là nội chiến chống Quốc Dân Đảng. Quốc dân đảng là một liên minh giữa địa chủ và tư sản TQ, trong đó phần địa chủ khá lớn. Quốc dân Đảng không phải là một chính quyền tay sai của nước ngoài, dù từ năm 1945, nó nhận được nhiều viện trợ của Mỹ. Vì thế tính chất nội chiến, giai cấp ở TQ cao hơn nhiều ở VN, vì nó là nội chiến thật. Còn ở VN là chống xâm lược.
Với một người nước ngoài, dù là người cộng sản, cũng không thể có cái nhìn như người VN theo chủ nghĩa Mác-Lê, không kể sau này khi về nước, nhận thức họ càng khác vừa do cuộc sống bắt buộc, cũng như xu phát triển tư tưởng ở đây không giống nhau.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Oct 8 2021, 08:42 AM

... VƯỜN HOA CANH NÔNG...
Ở góc Tây Nam bên trong thành cổ thời nhà Nguyễn có một cái hồ lớn. Đây là nơi hàng ngày quân lính đem đàn voi chiến ra tắm táp, bởi vậy hồ được gọi là Hồ Voi.
Đại lộ Puginier (Điện Biên Phủ ngày nay) nằm vắt chéo một phần đất hồ. Hồ Voi đã bị san lấp đâu đó khoảng từ khi phá thành Hà Nội cuối thế kỷ 19 đến năm 1928 (bản đồ Hà Nội, bản in tháng 4/1928 vẫn thể hiện còn một hồ nhỏ ở khu này – xem thêm hình 188. TONKIN – Hanoi – Panorama près de la Citadelle).
Năm 1929, người ta xây dựng ở đây một vườn hoa có tên Robin. Mảnh vườn hoa hình tam giác này được giới hạn bởi các phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ và Trần Phú ngày nay.
Bản đồ Hà Nội, bản in tháng 11/1929 thể hiện vườn hoa đã hoàn thành cùng với các cụm công trình:
1. Tượng đài thống chế Ferdinand Foch (Monument Ferdinand Foch).
2. Tượng đài ‘Canh Nông’ (Monument Aux Morts) phía trên cùng là hai người linh Pháp, Việt.
Phía trước là hình tượng ông nông dân với cái cày và con trâu rất quen thuộc với người dân Việt Nam, trên lưng trâu là một em bé. (có lẽ vậy mà dân ta gọi là tượng ‘Canh Nông’).
Trên bệ đá là dòng chữ A NOS HEROS (để tưởng nhớ Các Anh Hùng của chúng ta).
Phía mặt cạnh phải là hình tượng một ông thợ thủ công đang cầm búa gò một vật như cái nồi đồng.
Phía mặt cạnh trái có vẻ như một ông thày đồ đang ngồi bệt viết chữ.
Mặt sau của cụm tượng là 3 nhân vật, 2 trong đó đang đội nón chóp lom khom làm gì đó, nhân vật trung tâm mặc áo tứ thân, đội nón ba tầm gánh đôi quang như là đi chợ/hội.
Phải chăng các hình tượng đó miêu tả Sỹ-Nông-Công-Thương là 4 giới phổ biến của dân ta thuở đó?
Còn có một số hình như là câu đối trên mấy cột bệ tượng chữ hán, nhưng hiện tôi không có đủ hình ảnh để đọc xem tiền nhân viết gì.
3. Phương đình hay ‘nhà bia. Chiến sĩ Trận vong trong đó ghi rõ Tưởng niệm Tử sĩ Pháp-Việt ở Đông Kinh (Aux Français Aux Annamites du Tonkin) chết trong giai đoạn 1914-1918 (thế chiến 1 – theo tôi, nhà bia là phần mô tả không tách rời với cụm tượng Monument Aux Morts).
Sau này, khi vườn hoa Robin được chính quyền Hà Nội đổi tên thành Chi Lăng, dân tình vẫn quen gọi là vườn hoa Canh Nông.
Đến năm 1982, tượng Lê-nin được dựng đúng vị trí số 2 bây giờ. Và hiện nay, tên gọi chính thức là Công viên Lê-nin.
(tác giả Mạc Kính Coong - FB)


Ảnh minh họa đính kèm
Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 10 2021, 03:32 AM

Cái Quảng trường Lê nin ở Hà nội này cũng rất đẹp. Bức tượng đồng Lê nin cũng là bức tượng đẹp. Đặc biệt trong không gian công cộng ở VN ta hay xây những tượng đài bằng bê tông ghép, đồ sộ, nhưng chỉ cùng một lò, không đa dạng. Ý tôi nói là không đa dạng trong phong cách, chứ còn nội dung của các cụm tượng ở địa điểm khác nhau vẫn khác nhau. Kiểu tượng đài bê tông ở VN, Style của nó cũng độc nhất vô nhị, ít thấy ở các nơi khác trên thế giới, nên nó cũng là một dạng đặc sắc, dù nhiều người bây giờ chịu ảnh hưởng của thẩm mỹ phương Tây chê nó. Nhưng chính thế nó lại hay. Chỉ có điều đa dạng hóa nó đi thì sẽ tốt hơn nữa. Những tượng đài này nếu đặc sắc, sẽ trở thành biểu tượng của thành phố, địa phương, khiến mỗi địa phương « có hồn », có đặc trưng.
Với tôi, bức tượng ông Lê nin ở Hà nội, cũng là một đặc trưng của Hà nội. Vì đi khắp châu Á (ở TQ thì tôi không rõ), không nơi nào có tượng Lê nin, không phải vì những nơi ấy tượng Lê nin bị « lật đổ », mà vì không có lịch sử liên quan tới ông. Sắp tới, theo như báo chí Vn đăng, thì ở thành phố Vinh cũng sẽ có một tượng Lê nin nữa, nhưng vị thế của nó là ở trung tâm « bùng binh », giống như tượng Trần Hưng Đạo ở TP HCM, vì thế quảng trường Lê nin ở Hà nội vẫn rất đặc trưng.
Ngược lại tôi không biết rằng ở đây, thời thuộc Pháp có tượng tướng Foch (đọc là phốc), chắc nó đã bị bỏ đi thời cách mạng tháng 8 hay vào năm 1954 giải phóng thủ đô.
Foch là viên tướng chỉ huy liên quân Anh-Pháp vào thời đại chiến I ở Pháp. Có bộ ba các nhân vật chính trị Pháp làm ra chiến thắng cho Pháp đó là thủ tướng Clemenceau (đọc là Cờ lê măng xô), tướng Foch và tướng Petain (đọc là Pê tanh). Pê Tanh sau này vì là làm bù nhìn cho Đức trong đại chiến II, nên tên tuổi đã bị gạch bỏ, mặc dù vẫn có một nhóm nhỏ người Pháp, thường liên quan tới cực hữu, phân biệt chủng tộc tôn thờ. Ngược lại Foch và Clemenceau trở thành tên phổ biến ở đường phố Pháp. Clemenceau có tượng trên đại lộ chính ở Paris là Champs d’Elisée, còn Foch thì có tượng ở Trocadero. Cả hai địa điểm này là địa điểm du lịch « highlight » ở Paris, nên chắc chắn ai tới Paris sẽ qua, có điều họ có biết bức tượng ở đây là Clemenceau hay là Foch không, thì không chắc, vì phải quan tâm tới lịch sử Pháp mới thấy thú vị và để ý.
Nhưng dù có tiếng ở Pháp, Foch đâu có duyên nợ gì với VN. Tượng Foch tồn tại ở VN, vì thời điểm đó VN là thuộc địa của Pháp. Cuộc đại chiến I, là phương Tây đánh lẫn nhau, rồi mang cả người dân thuộc địa sang bán máu cho nó, thằng làm thân phận nô lệ, lại phải hi sinh máu xương để bảo vệ tự do cho chủ, chính thằng chủ bắt mình làm nô lệ, vậy có gì mà phải vinh danh. Như vậy bỏ cái tượng Foch rồi bỏ cái văn bia kỉ niệm lính khố đỏ là phải. Có gì phải tiếc.
Ngược lại Lê nin liên quan chặt chẽ với lịch sử Vn hiện đại. Chủ nghĩa Lê nin nít, tức là một bộ phận của chủ nghĩa Mác – Lê nin , là một bộ phận nhận thức văn hóa của người VN, tương đương như đạo Phật, đạo Nho. Trong chủ đề về bác Thảo, tôi đã chỉ ra các mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lê nin với văn hóa truyền thống. Lê nin là « ông Tây theo ta », còn Foch liên quan gì tới ta.
Thời thuộc Pháp, lính bản địa mà thực dân Pháp chiêu mộ chia làm ba loại. Một loại được coi là ê lít, là bộ phận của quân đội Pháp đó là linh khố đỏ. Một loại được Pháp sử dụng để giữ trật tự, đàn áp người Việt là lính khố xanh. Chính lính khố xanh là lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa như của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. Còn một thứ nữa là lính khố vàng, là loại lĩnh cắp tráp, bưng bê cho triều đình bù nhìn Huế.
Khi đại chiến I nổ ra, thì tất nhiên lính khố đỏ phải đi đánh nhau ở châu Âu. Nhưng rất may mắn cho người Vn, đó là do đông dương ở rất xa Pháp, nên chở quân từ Đông Dường về tốn kém nhiều, đi xa (từ VN sang Pháp thời ấy chỉ có đi bằng tầu biển, mất hơn một tháng, nhập cảng vào Mác xây, rồi lại phải đi cả ngàn cây số lên tới miền bắc Pháp). So về thể lực lính khố đỏ cũng yếu ốm hơn các lính thuộc địa khác của Pháp ở châu phi, ví dụ người Sê nê gan, người Ma rốc, người An giê ri. Chính vì thế mà sang đến chính quốc, Pháp chủ yếu dùng lính khố đỏ trong việc tải thương, làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí, từ đó mà thương vong chết chóc hạn chế hơn. Đại chiến I, Pháp thiệt hại nặng nề về người và cuả. Chỉ riêng về quân lính cũng chết hơn cả triệu người. Quân linh các thuộc địa khác chịu gánh nặng nặng nề, lính khố đỏ VN may mắn hơn do những điều tôi nói ở trên.
Dù là linh trong quân đội Pháp, lính thuộc địa không thể lên cấp, chỉ tới mức cai đội là hết. Từ sĩ quan trở lên là người Pháp. Mức lương, bổng lộc cũng thấp kém hơn nhiều lính Pháp thật. Chiến tranh xong, Pháp lập tức chở họ về bản xứ ngay, vì không muốn có quan hệ giữa họ và phụ nữ Pháp. Điều rất dễ xẩy ra, vì do chết cả triệu người, trong xã hội pháp có sự mất cân bằng nam nữ, giống như bất cứ một nước phải trải qua một cuộc chiến. Nước Pháp bắt đầu có người nhập cư từ lúc đó, vì không có lực lượng lao động.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 10 2021, 03:33 AM

Số phận của lính khố đỏ khi quay trở lại VN cũng may mắn hơn đồng nghiệp của họ là lính ở các thuộc địa khác của Pháp. Khi trở về bản xứ, nhiều lính thuộc địa không chịu nổi bất công phân biệt chủng tộc nên nổi loạn, và Pháp đàn áp ngay. Ở VN, do số lượng ít, nên vấn đề này giảm đi. Đặc biệt Pháp lại có chế độ là đi lính từ Pháp về, nếu về làng thì nhập vào giới « tiên chỉ » tức là giới chức sắc ở các làng quê VN. Tất nhiên, số lượng người lính khố đỏ « đi Pháp » nhiều hơn số lượng các làng xã VN, như vậy cách phân bổ, chính sách của thực dân Pháp với lính khố đỏ từ chính quốc cụ thể thế nào, tôi không rõ. Đây có thể là đề tài nghiên cứu lịch sử tỉ mỉ về sau. Nhưng có điều chắc chắn là thực dân Pháp có các biện pháp tuyên truyền, « đánh bóng mạ kền » những người này, vì đó là cách để củng cố chế độ thuộc địa, bằng cách nói rằng họ (lính khố đỏ) đã tham gia bảo vệ mẫu quốc, tự do chống lại « Đức tặc », nhưng ở đây nó có mâu thuẫn rất lớn. Đó là khi người lính khố đỏ sang pháp, thì họ không bị phân biệt như ở bản xứ, nhưng ở bản xứ thì lại bị. Tự do ở chính quốc không có ở thuộc địa. Việc được nhìn thấy tận mắt « chính quốc » có ảnh hưởng tới nhận thức của người dân thuộc địa. Trong trường hợp lính khố đỏ, tôi không rõ, nhưng tôi có thể lấy bằng chứng của người châu Phi để so sánh.
Hammate Ba, là một học giả người Mali, ông này không phải thuộc vào dạng «Việt Minh » đòi độc lập cho tổ quốc mình, nhưng có lẽ vào dạng học giả kiểu Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục ở miền Nam cũ. Tôi rất thích đọc sách của ông ta, vì ông ấy cho tôi thấy xã hội thuộc địa Pháp ở châu Phi thế nào, truyền thống tập tục của họ ra sao, xã hội họ đối kháng với sự xâm lược thuộc địa thế nào. Trong một cuốn sách của ông ấy, ông ta có nói sau đại chiến I, thì cái nhìn của người châu Phi với người Pháp thay đổi. Trước đó người pháp có cái gì đó như thượng đẳng, vì họ chỉ nhìn thấy quan lại da trắng thực dân Pháp oai phong lẫm liệt, nhưng sau đại chiến, Pháp có cử sang Mali những quan lại què cụt, là thương binh trong chiến tranh, như một sự đền ơn. Và người châu Phi mới thấy rằng người da trắng cũng là người bình thường, tính « thưởng đẳng » mất đi. Một điều nữa, khi lính châu Phi sang Pháp, họ thấy nước Pháp cũng có người nghèo, có « nhà Thổ » (tức là lầu xanh, đĩ điếm), và chắc chắn họ có quan hệ, điều mà ở thuộc địa không thể có chỉ có chiều đàn ông da trắng với phụ nữ châu Phi. Vì thế Hamate Ba mới nói rằng trước đại chiến I, thì người da trắng nhìn qua con mắt người châu Phi như những ông Thần, xã hội Pháp như Thiên đường. Sau đại chiến, khi một bộ phận người của họ được nhìn thấy tận mắt, thì điều này mất dần đi.
Như vậy văn bia tưởng niệm lính khố đỏ là nằm trong chính sách vinh danh đế quốc thực dân Pháp (Empire colonial français), điều bất ngời với tôi, là hóa ra ở Hà nội cũng từng có loại văn bia này, và năm ở chỗ công viên Lê nin bây giờ.
Cũng từ trong linh khố đỏ, mà xuất hiện ra các tướng lĩnh VN. Ví dụ như tướng Lê Trọng Tấn, được coi là vị tướng bách chiến bách thắng. Tất nhiên trong quân đội cách mạng đây không phải là nguồn duy nhất, vì ta có đai tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù là đại tướng đầu tiên của QDND VN ông chỉ là giáo viên dậy sử. Đại tướng Văn Tiến Dũng, chỉ là một người công nhân. Trung tướng Trần Văn Trà, là một người thợ điện, đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người nông dân. Ngược lại về phía quân đội bù nhìn mà Pháp dựng ra từ sau năm 1948, rồi trở thành gốc gác cho quân đội Sài gòn về sau, thì phần nhiều ban đầu đều xuất thân là lính khố đỏ, như Đỗ Mâu, rồi ngay cả Nguyễn Văn Thiệu. Binh nghiệp của họ là do có Việt minh tạo ra, vì không có Việt Minh, Pháp vẫn cai trị kiểu cũ ở VN, thì họ vẫn chỉ là cai đội. Lên được, vì biết « uốn lưng », nên đây là loại tướng « bách chiến bách bại », nhưng viết hồi ký thì oai như cóc. Ví dụ như hồi ký Đỗ Mậu.
Phải tới thập niên 70, tức là khi sắp thua, thì Sài gòn mới cho ra lò được một số tướng tá đánh đấm cũng khá về « kỹ thuật cá nhân », thoát được cái dớp « số phận lính khố đỏ tay sai dốt nát». Ví dụ như Lê Minh Đảo, chỉ huy sư đoàn 25 (hay 23 tôi không nhớ), hay Lê Quang Chưởng, chỉ huy sư đoàn tinh nhuệ nhất của miền Nam cũ, là sư đoàn 1 dù. Mặc dù vậy quân đội miền Nam cũ không thể thoát khoải hai cái « tội tổ tông » chết người là : một. tinh thần và lý do chiến đấu, hai : quân đội, chiến thuật chiến lược là « con nghiện » của công nghiệp quân sự Mỹ. Không chỉ quân đội miền Nam mới thế, mà ngay hiện tại quân đội Apganistan do Mỹ dựng lên cũng thế. Kết cục thế nào thì ai cũng biết, vì nó đang là thời sự.

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Oct 10 2021, 03:34 AM

Trở lại tượng Lê nin, nếu cách mạng VN, sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với học thuyết Lê nin nít từ thập niên 30, thì tượng Lê nin vào Vn rất muộn. Lý thuyết của Lê nin đã được « vận dụng sáng tạo » ở Vn (như cách nói ở Vn hiện tại), có nghĩa là nó đã được Việt nam hóa, còn Việt nam hóa thế nào, thì tôi đã chỉ ra trong cách tiếp cận học thuyết này trong chủ đề về bác Thảo, và cũng đã đề cấp tới nó rải rác ở nhiều chủ đề khác. Như vậy học thuyết Mác-Lê nin như ta có ngày nay ở Vn là một học thuyết VN, có vị trí trong văn hóa dân tộc tương đương với đạo Phật, đạo Nho (đây là cách nhìn của tôi). Ông Lê nin không tự sang VN truyền bá học thuyết kiểu Alexande de Rhode truyền đạo để Liên Xô xâm lược VN, mà là người VN tự tìm đến như một công cụ giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong điều kiện đó thì vinh danh ông là quá chuẩn. Không có gì phải bàn cãi.
Tượng ông Lê nin « định cư » ở VN muộn hơn rất nhiều chủ nghĩa Mác-Lê nin vào VN. Tượng chỉ được đặt sau năm 1979. Như vậy ông đã « ba cùng » với người VN trong những giai đoạn gian khổ nhất, có lẽ còn gian khổ hơn cả thời chiến tranh, bây giờ VN đã khấm khá hơn ông càng có lý do ở lại VN hơn.Khổ còn ở được, sao giờ không ở được. Đến như John MacCain, là người Mỹ, nước Mỹ giầu thế mà John cũng nhất định phải có một miếng đất cắm dùi ở bên bờ hồ Trúc Bạch, nữa là người Nga (tôi đùa một chút).
Việc Liên Xô không tồn tại nữa, và ở nước Nga ngày nay dù có đảng cộng sản là phe đối lập, nước Nga không theo chủ nghĩa Mác – Lê nin. Mỹ, phương Tây thì không nói làm gì rồi. Những điều này không ảnh hưởng gì tới việc « ông Lê nin ở VN », ngược lại « ông Lê nin ở Vn » lại là một sự độc đáo, và cũng không có gì là ngược đời cả. Hãy lấy ví dụ Phật giáo. Phật giáo hiện nay tuyệt diệt trên đất sinh ra nó là Ấn độ, nhưng phật giáo vẫn tồn tại ở Vn, là cấu thành không thể thiếu được của văn hóa dân tộc VN. Chủ nghĩa Mác-Lê nin cũng vậy, nó cũng là một cấu thành của văn hóa VN. Nó vượt ra ngoài rất xa đảng cộng sản. Cương lĩnh của đảng cộng sản VN là chủ nghĩa Mác-Lê nin, nhưng học thuyết này gắn bó với dân tộc VN mãnh liệt hơn nhiều, vì nó là một sự kế tiếp truyền thống Phật giáo, Nho giáo. Với tôi nó còn là một loại tân Nho, mà tôi gọi là Mác xít Nho giáo.
Thế còn văn bia lính khố đỏ, tại sao lại đập đi, vì họ là người Vn cơ mà. Vấn đề của nó là, lính khố đỏ được vinh danh trong khuôn khổ của Đế quốc thuộc địa Pháp. Nhà nước VN hiện đại có gì dính dáng tới nó đâu. Nếu phải vinh danh lính khố đỏ, thì nơi phải đặt tượng đài sẽ là nước Pháp. Và đúng thế thật, ở Paris có tượng đài này, dù người ta không để ý tới nó. Nó nằm ở trong khu rừng Vincennes, đối diện với một cái tu viện phật giáo Tây tạng. Ở đây cũng có những dấu tích Pháp dựng lại những cảnh quan thuộc địa (đình VN, chùa khơ me, ..) cho triển lãm thuộc địa vào đầu thế kỷ XX. Mặc dù tồn tại, nó cũng không được quan tâm, nên ở dạng « bỏ thì thương, vương thì tội », giống như cái lăng Hoàng Cao Khải ở Thái Hà Hà nội (thời tôi còn bé, giờ thì không biết nó ra sao).
Trong cái đoạn FB mà NVT dẫn ở trên. Người viết gọi người lập ra các tượng đài Foch, lính khố đỏ này là « tiền nhân ». Tôi thì không có cái nhìn đó, vì thực dân pháp không phải là tiền nhân của tôi. Hiện tại, ở Pháp vẫn có một đảng phái thực dân, đó chính là lực lượng cực hữu, tức là Front National của gia đình LEPEN, dù giờ nó được đổi tên là « tập hợp dân tộc » , do ông bố đã về hưu và con gái nối ngôi. Tư duy của nó là phân biệt tộc, chẳng hiểu sao người viết cái đoạn FB trên lại có thể coi họ là « tiền nhân ».

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Dec 29 2021, 02:30 PM

NHỮNG TƯỢNG ĐÀI TỪNG ĐƯỢC XÂY DỰNG Ở HÀ NỘI THỜI PHÁP THUỘC
*****
1* TƯỢNG ĐÀI JEAN DUPUIS
(VietCuong Sarraut khảo cứu và biên tập)
Jean Dupuis sinh ngày 7/12/1828 tại Saint-Just-la-Pendue nước Pháp, mất ngày 28/11/1912 ở Monaco. Là một nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp.Sử Nhà Nguyễn gọi là Đồ Phổ Nghĩa (涂普義).
Dupuis được hưởng sự giáo dục tại Tarare(Rhône, Pháp). Năm 1858 ông đến Ai Cập với tư cách là một thương nhân, rồi từ đó đến Trung Quốc. Chuyến đi này là tiền đề cho nhiều cuộc thám hiếm khác đến những vùng chưa được biết đến ở miền nam Trung Quốc, và tới thời kỳ 1871–1872, ông bắt đầu khám phá vùng sông Hồng cho mục đích thương mại.
Năm 1872 Jean Dupuis đưa quân Cờ Vàng từ Trung Quốc về đánh chiếm con đường mới mở từ khu phố cổ đi ra cửa ô Quan Chưởng và mở một cửa hàng bán chiếu cói ở đây(thực chất là xây dựng màng lưới gián điệp trong thành Hà Nội)
Năm 1873 ông vướng vào một vụ tranh chấp với nhà đương cục Việt Nam trong thương vụ vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng đi Vân Nam, bán vũ khí để đổi lấy hàng hóa cho quân đội Trung Hoa. Ông bị thuế quan Hà nội bắt giữ tại trạm quan thuế nhà Nguyễn đúng vào vị trí nay là cửa Ô Quan Chưởng. Được lệnh từ toàn quyền Nam Kỳ, Francis Garnier dẫn quân từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ để hòa giải cuộc tranh chấp, tuy nhiên Garnier tự ý đánh chiếm thành Hà Nội, dẫn đến cuộc xung đột với quân triều đình Huế và quân Cờ đen. Đây là nguyên nhân trực tiếp của biến cố Bắc kỳ, và Dupuis là người tích cực góp tay vào việc giúp Pháp chinh phục vùng đất này.
Năm 1879 Dupuis viết "Khai thông sông Hồng cho thương mại", trong đó có vẽ bản đồ Bắc Kỳ, bản đồ đầu tiên của vùng này.
Năm 1881 Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc Kỳ.
Ngày 23/5/1931, tại đường Quai Clemenceau (ngày nay là đường Trần Nhật Duật) người Pháp dựng bức tượng Jean Dupuis. Phía dưới pho tượng chân dung Jean Dupuis là phù điêu các chiến hạm Pháp cập Bến Phà Đen và hình ảnh phu khuân vác.
Đồng thời người Pháp đặt tên con phố dẫn ra cửa ô Quan Chưởng là Rue Jean Dupuis, nhưng dân ta quen gọi là Phố Mới(phố Hàng Chiếu bây giờ).
Ngày 1/8/1945 chính quyền Hà Nội của chính phủ Trần Trọng Kim đã phá bỏ tượng Jean Dupuis cùng với Tượng Paul Bert ở vườn hoa cùng tên(nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), tượng Nữ thần Tự do ở vườn hoa Cửa Nam, và tượng kỷ niệm lính Khố xanh ở vườn hoa phố Tràng Thi.
(Còn tiếp theo)
2* TƯỢNG ĐÀI PAUL BERT
*****
(Viet Cuong Sarraut khảo cứu và biên tập - tiếp theo)

Paul Bert (1833 – 1886) là nhà khoa học ngành động vật, sinh học và là chính trị gia Pháp. Ông có công trong việc giải phóng nền giáo dục quốc dân khỏi các giáo phái và tạo cơ hội cho mọi công dân tiếp cận với giáo dục. Paul Bert là quan chức dân sự đầu tiên được bổ nhiệm vào cương vị Toàn quyền Lưỡng kỳ ( Bắc và Trung kỳ). Được bổ nhiệm vào tháng 1/1886, đến Hà Nội vào tháng 4 nhưng đến tháng 11 năm đó thì Paul Bert đã chết vì dịch bệnh kiết lỵ tại Hà Nội.
Chính phủ Pháp coi Paul Bert như người tổ chức lại thuộc địa và quy hoạch trước khi vua Đồng Khánh trao Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa (1888). Do vậy Paul Bert đuợc tôn vinh bằng cách đặt tên phố( Rue Paul Bert là Phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay), tên trường học (College Paul Bert là tiền thân trường Nữ sinh Đồng Khánh tức trường Trưng Vương ngày nay) và đúc tượng. Tượng đồng đặt tại khu đất trống cạnh Toà thị chính bên Hồ Gươm(Square Paul Bert hay còn gọi là vườn hoa Nhà Kèn tức vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay).
Bức tượng toàn thân của Paul Bert tay cầm lá cờ Pháp và một người bản xứ ngồi dưới chân mắt ngước lên đã tạo nên nhiều dư luận chỉ trích, bất bình của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các sỹ phu Bắc Hà và các học giả ở viện Viễn Đông Bác cổ.
Hình ảnh Paul Bert đứng xòe tay che chở cho người bản xứ với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo trợ của Pháp. Tiền đúc tượng lấy một phần từ công quỹ, vua Đồng Khánh góp 1.000 đồng và ông vua này còn lệnh cho Nha Kinh lược Bắc kỳ thông tin đến các quan lại hàng tỉnh, hàng phủ đến hàng huyện bắt dân chúng phải đóng góp. Tượng đúc bằng đồng ở bên Pháp. Ngày 11-7-1890, Hội đồng thành phố làm lễ khánh thành tượng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1090.
Ngày 1/8/1945 chính quyền Hà Nội của chính phủ Trần Trọng Kim đã giật đổ bức tượng thực dân này cùng với một số tượng khác do người Pháp xây dựng ở Hà Nội.
(Còn tiếp theo)
Tượng Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert bên hồ Hoàn Kiếm(vườn hoa Lý Thái tổ ngày nay)


Ảnh minh họa đính kèm
Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi May 3 2022, 09:22 AM

LỊCH SỬ THĂNG TRẦM MỘT KHU ĐẤT VÀNG Ở PHÍA NAM HÀ NỘI
*****
Viet Cuong Sarraut khảo cứu và biên tập.

Trong suốt chiều dài trên 900 năm, tính từ triều Lý năm 1010 đến hết triều Nguyễn năm 1945, các nền quân chủ ở nước ta, cứ địa điểm nào được chọn làm kinh đô thì ở đó đều có hai công trình kiến trúc là Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao. Cụ thể là ở kinh thành Thăng Long (triều Lý - Trần - Lê), Tây Đô - Thanh Hóa (triều Hồ), Huế (triều Nguyễn). Trong bài viết này, tôi chỉ nói đến vị trí hai công trình kiến trúc đó ở Thăng Long - Hà Nội và chủ yếu là vị trí đàn Nam Giao.

Đàn Xã Tắc là nơi để thực hiện nghi thức tế Xã thần (thần Đất), và Tắc thần (thần Nông). Đây là hai vị thần phù hộ cho mùa màng bội thu, sự ấm no thịnh vượng, theo tín ngưỡng của một số quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước. Lễ tế ở đàn Xã Tắc được đích thân nhà vua tổ chức và làm chủ tế.
Đàn Xã Tắc - Thăng Long được xây dựng dưới triều vua Lý Thánh Tông (1048), đến triều Lê Chiêu Thống (1788) thì bị vùi lấp và mất dấu tích. Vị trí đàn ở phía Tây Nam kinh thành, bên ngoài cửa ô Trường Quảng (ô Thịnh Quang, ô Thịnh Hào), có tên Nôm là ô Chợ Dừa.
Năm 2006, trong lúc làm đường Kim Liên mới (nay là phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), di tích Đàn Xã Tắc bất ngờ phát lộ, sau 200 năm mất tích. Hiện nay, ở Huế và Thanh Hóa vẫn còn lưu giữ được 2 Đàn Xã Tắc tương đối nguyên vẹn.

Đàn Nam Giao Thăng Long là đàn tế trời được xây dựng ở kinh thành Thăng Long để hoàng đế các triều đại từ nhà Lý đến hết nhà Lê Trung Hưng thực hiện nghi lễ tế Nam Giao trong khoảng gần tám trăm năm Thăng Long đóng vai trò là kinh đô nước Đại Việt. Đây là công trình kiến trúc tâm linh quan trọng của nhiều triều đình phong kiến Việt Nam. Hiện nay, đàn Nam Giao Thăng Long đã không còn các công trình kiến trúc, chỉ còn một số dấu vết khảo cổ trong lòng đất tại vị trí tòa nhà Trung tâm thương mại Vincom Center- Bà Triệu.
Theo Việt Sử lược thế kỷ XIV, bộ chính sử cổ nhất nước ta viết thì vào tháng 9 năm Giáp Tuất (1154), Đàn Viên Khâu (một cách gọi khác của đàn Nam Giao) ở phía Nam kinh thành Thăng Long được xây dựng để tế trời. Như vậy, nhà Lý sau 38 năm định đô ở Thăng Long đã xây dựng Đàn Xã Tắc (1048 triều vua Lý Thánh Tông), nhưng phải sau 144 năm mới xây dựng Đàn Nam Giao (1154 triều vua Lý Anh Tông).Đàn Nam Giao thực chất là một quần thể kiến trúc khá độc đáo với nhiều toà nhà được xây dựng tương đối công phu.
Từ năm 1802, kinh đô nước Đại Việt chuyển vào Huế, các vua triều Nguyễn cho xây dựng Đàn Nam Giao ở địa phận xã Dương Xuân về phía Nam kinh thành vào năm 1806. Do đó, Đàn Nam Giao ở Thăng Long - Hà Nội không được xây dựng lại nữa. Như vậy, Đàn Nam Giao Thăng Long là đàn tế trời đầu tiên của nước Việt Nam quân chủ trung đại. Ngoài Đàn Nam Giao Thăng Long, Đàn Nam Giao Huế còn có Đàn Nam Giao nhà Hồ (1400 - 1407) ở phía Nam thành nhà Hồ, trên núi Đốn Sơn - Thanh Hóa.
Vị trí Đàn Nam Giao - Thăng Long, ngày nay có thể xác định như sau: Mặt trước đàn nhìn ra hướng Nam là phố Thái Phiên, cạnh phía Bắc của đàn là đoạn giữa phố Đoàn Trần Nghiệp, cạnh phía Đông giáp phố Mai Hắc Đế, cạnh phía tây giáp phố Bà Triệu, thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Sau khi thành lập chính quyền Bảo hộ ở Bắc Kỳ, người Pháp cấp khu đất có Đàn Nam Giao cho một công ty xây dựng nhà máy diêm. Từ năm 1892, khi nhà máy này đi vào sản xuất, đàn Nam Giao mới mất hẳn dấu tích. Đây là nhà máy diêm đầu tiên ở Bắc kỳ.

Năm 1919 ở Hà Nội có một nhà giáo tên là Nguyễn Quý Toản đi Tây về, có đầu óc tân tiến đã sáng lập ra trường Thể dục Hà Nội đầu tiên (Hanoi's École d’éducation physique viết tắt là EDEP), đồng sáng lập ra EDEP còn có ông Bùi Đình Tịnh. Vị trí EDEP ở phía Nam Hà Nội, là khoảng đất rộng 3 ha ở đằng sau nhà máy diêm, là một bãi luyện tập các môn thể thao và có cả sân bóng đá. Trường Thể dục Hà Nội (EDEP) là trường Thể dục đầu tiên của học sinh, thanh niên Hà Nội thời bấy giờ.
Đầu những năm 30 thế kỷ trước, chính quyền thành phố có kế hoạch mở rộng thành phố về phía Nam đã thu hồi mảnh đất của trường Thể dục Hà Nội, đền cho trường mảnh đất có diện tích tương tự ở giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy, tức là vị trí sân vận động Hàng Đẫy ngày nay.
Khoảng những năm 40, nhà máy diêm bị cháy, người ta không xây dựng lại nữa. Mảnh đất có nhà máy diêm và trường Thể dục Hà Nội trở thành hoang phế.

Vào khoảng những năm 30-40 Chợ Đuổi ở phố Chợ Đuổi (nay là phố Tuệ Tĩnh) giải tán, bị dồn xuống họp ở cuối phố Bà Triệu trên mảnh đất hoang phế nói trên. Dân Hà Nội vẫn gọi chợ mới này là Chợ Đuổi, nhưng để phân biệt với Chợ Đuổi đầu tiên ở phố Chợ Đuổi, chợ này dân Hà Nội gọi là Chợ Đuổi - nhà Diêm.

Sau ngày Tiếp quản Thủ đô, năm 1957 nhà nước lấy khu đất Chợ Đuổi này để xây dựng nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo chuyển từ chiến khu Việt Bắc về. Đây là nhà máy cơ khí đầu tiên, là cánh chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam. Chợ Đuổi một lần nữa bị đuổi xuống họp chợ ở phố Lê Đại Hành - Cao Đạt.

Từ năm 2004, được sự đồng ý của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã di dời để nhường chỗ xây dựng Trung tâm thương mại Vincom Center - Bà Triệu, như chúng ta nhìn thấy ngày nay.

Như vậy, trải qua 850 năm, mảnh đất vàng phía Nam Hà Nội đã từng là vị trí Đàn Nam Giao đầu tiên của nước Đại Việt, vị trí một nhà máy diêm đầu tiên ở Bắc kỳ, trường Thể dục đầu tiên ở Hà Nội, vị trí một cái chợ dân sinh có tên là chợ Đuổi, vị trí nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí đầu tiên của nước VNDCCH, và vị trí trung tâm thương mại Vincom center- Bà Triệu ngày nay.

Xin được lắng nghe và tiếp thu các ý kiến chỉ giáo, bổ sung của các nhà sử học, khảo cổ học, Hà Nội học và các "phây hữu".

Hà Nội 29/4/2022



Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Mar 30 2023, 01:31 PM

Bia tưởng niệm Francis Ganier tử trận bởi quân Cờ Đen trên đường Đê La Thành năm 1954. Vị trí nay là Nhà thờ Giảng Võ, 766 Đê La Thành


Ảnh minh họa đính kèm
Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Mar 30 2023, 05:19 PM

Hóa ra có cả bia tưởng niệm.Mộ của Francis Garnier nằm ở phía cầu Giấy. Hồi nhỏ, tôi vẫn đi qua đấy, cái mộ nằm ngay gần vệ đường, hoang tàn. Nếu tôi không nhầm thì hài cốt của ông này đã được đưa về Pháp, điều đó là hợp lý, báu bổ gì giữ mấy thứ đó ở VN.
Còn đàn xã tắc thì nó cũng ở cuối đường xã đàn nối với cửa Nam chứ.
à hóa ra đàn xã tắc và Nam giao không phải là một à.

Gửi bởi: NVT2002 vào hồi Mar 31 2023, 11:52 AM

Phố Xã Đàn cách cửa Nam rất xa. Bác có thể tra google map là thấy ngay.
Em nhớ có lần bác nhắc đến ở Paris có bia tưởng niệm một gã thực dân nào đó nhỉ?


Mộ quan năm Henri Riviere tại Cầu Giấy năm 1920 và 1951 ở hình ảnh dưới đây


Ảnh minh họa đính kèm
Tệp ảnh đính kèm Tệp ảnh đính kèm

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Apr 4 2023, 04:55 PM

https://media-cdn.tripadvisor.com/media/photo-o/19/14/f3/f1/detail-du-monument.jpg

Nó đây này. Chính là cho Francis Garnier

Gửi bởi: Phó Thường Nhân vào hồi Apr 4 2023, 08:48 PM

Trên cái tượng của Francis Garnier, phía dưới là hai cô gái trần truồng tượng trưng cho hai dòng sông : sông Hồng và sông Mê công. Vào thời thế kỷ XVIII, XIX, do phương Tây coi mình là « con đẻ của văn hóa Hi lạp La mã », nên thường lấy hình ảnh « gái cởi chuồng » theo chuẩn vẻ đẹp của văn hóa Hi-La tượng trưng cho dòng sông. Vì Francis Garnier được coi như nhà thám hiểm, khám phá ra sông Hồng và sông Mê công, nên có hình tượng hai cô gái ở đây. Nhưng ta phải hiểu là thám hiểm và khám phá là với phương Tây, chứ không phải với ta. Chính vì thế trong những nhận thức lịch sử văn hóa tôn giáo, kinh tế, chính trị, .. có nguồn gốc từ họ thì nhất định ta phải đổi hệ quy chiếu, vì chúng có chiều theo lợi ích, truyền thống văn hóa, định kiến, .. của xã hội họ. Ở đây không thể có các giá trị phổ quát kiểu mỳ ăn liền.
Chính xác hơn loài người nhân loại có những giá trị phổ quát, nhưng sự thể hiện của chúng khác nhau do được (và bắt buộc ) bản địa hóa. Nếu không có bản địa hóa mà chỉ « con vẹt » thì thực ra là một sự xâm lược.
Ở trên tôi cố tình dùng thuật ngữ « trần chuồng » để nói rằng, theo quan niệm (định kiến) phương Tây, thì cởi chuồng kiểu Hi lạp là đẹp là thẩm mỹ, chứ không phải là porno (kích động tình dục), nhưng đấy là một tiềm thức ngấm ở trong văn hóa tạo ra, giống như một thứ vô thức, nghiễm nhiên công nhận.
Gần đây, trên báo Pháp có đăng tin, một cô giáo dậy cấp I ở Mỹ, bang Florida vừa bị đuổi việc, vì đã trót đưa học sinh vào bảo tàng xem tượng Đa vít (David), và bị phụ huynh học sinh tố cáo là có hành vi porno.
Câu chuyện có vẻ khôi hài, vì ta chấp nhận văn hóa phương Tây là chuẩn, nhưng với những người gốc Tây ban Nha, hay Mễ tây cơ, thì mặc dù xuất phát điểm là người châu Âu, họ không coi văn hóa Hi La là gốc của mình, và tất nhiên không công nhận vẻ đẹp nude (cởi chuồng) cũng như những người theo thiên chúa giáo cuồng tín (fondamentalist) cũng vậy.
Trở lại với Francis Garnier, ngoài tượng, còn có nhiều đường phố mang tên ông này ở Pháp. Hiển nhiên ở Pháp đó là một vĩ nhân (dù hiện tại nó cũng khô ng tung hô), còn tât nhiên với một người Vn bình thường thì ông này chỉ là một tên thực dân với đầy đủ nghĩa của nó.

Powered by Invision Power Board (http://www.invisionboard.com)
© Invision Power Services (http://www.invisionpower.com)