Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

7 Trang « < 4 5 6 7 > 

· [ ] ·

 Chánh Niệm Không Như Bạn Nghĩ

Phó Thường Nhân
post Feb 15 2019, 11:25 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #51

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



12- TỔNG KẾT SƠ BỘ
Nhờ bác Quý mở chủ đề này, khiến tôi nổi hứng tán phét. Đầu tiên chỉ là tham gia trả lời, nhưng vì ít có người tham gia đàm luận, nên tôi nhân tiện phát triển nó như là một sự chia sẻ những kinh nghiệm thể nghiệm tập luyện Thiền. Như vậy chủ đề này có thể coi như phần hai của một chủ đề về Thiền Tào động mà tôi đã viết từ trước. Ngoại trừ các đoạn viết về ..bóng đá, phần viết về Thiền chủ yếu làm nổi bật sự khác nhau giữa Thiền trong phật giáo nguyên thuỷ và Thiền như một tông phái của phật giáo Đại thừa. Sự khác nhau này nằm trong vấn đề Thiền nguyên thuỷ nằm ở mức độ nhận thức, còn Thiền Đại thừa thì nằm ở mức cao hơn là TÂM. Do sự khác nhau này, mà hoạt động của Thiền nguyên thuỷ là NIỆM, tức là nằm trong phạm vi « hữu vi », có chủ ý, vì thế nó dễ dẫn tới ức chế tâm lý, nhưng có điểm lợi là gần với đạo đức học. Dễ ứng dụng. Ngược lại Thiền Đại thừa do đạt tới TÂM, mà thiên về hành động tự nhiên, không chủ ý, nhưng nó lại dễ dẫn người ta sa vào hư vô, nguỵ biện, phải trái lẫn lộn. Khi lẫn lộn KHÔNG với VÔ VI, Hư vô. (ví dụ như ông Phạm Công Thiện)
Vì thế để ứng dụng Thiền Đại thừa trong đời thường, thì người ta có thể bám theo các nguyên lý hành động tự nhiên, không chủ ý, không bị điều khiển bởi Tham sân si, bởi cái tôi mà hành động «VÔ NGÃ ». Vì hành động tự nhiên mà luôn thông thoáng (vô chấp) theo quan niệm Vô sở trụ (không bám vào định kiến nào) được gọi là Thiền của Phật, và hành động tự nhiên không suy nghĩ tính toán (được gọi là Thiền của Tổ). Hai điều này tôi đã dẫn giải bằng một công án.
Với một người ứng dụng thiền đại thừa, thì phải phân biệt được giữa bản tâm « không động » và thế giới hiện tượng động. Đây là nội dung tôi lấy ví dụ qua câu thơ của vua Trần Nhân Tông, cũng như câu chuyện « gió động, cờ động » trong kinh Pháp bảo đàn.
Từ cái điều này mà ta thấy khoa học không ngược với Thiền và tâm linh. Nhưng người ta không cần dùng khoa học để làm chứng cho tâm linh đúng. Với con người, khoa học là điều kiện cần, tâm linh là điều kiện đủ.
Để tránh rơi vào hư vô, tôi nêu ra phép tập TÂM PHẬT, THÂN NHO. Tâm linh phật giáo, ứng sử Nho giáo. Và từ đó người ta có thể thấy quan niệm tương đồng của hai đạo này,qua khái niệm cái tôi « rỗng không » (dóng thẳng lòng không) của đạo Nho. Tất nhiên đây là một cách, một kinh nghiệm cá nhân, không phải là cách duy nhất.
Tôi cũng nói tới vấn đề phương Tây « chắt lọc » Thiền như thế nào để tạo dựng cái « pleine conscience » nhằm chữa chạy bệnh tâm lý của nó.
Trong chủ đề tôi cũng có nói rất dài về Khoá hư lục. Nhưng kết luận về nó thì tôi sẽ viết tiếp sau, trong phần « Thực hành thiền ».
(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Mar 8 2019, 11:15 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #52

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



13- Thích Nhất Hạnh
Tôi nói tới ông Thích Nhất Hạnh, Thầy Thích Thanh Từ vì sẽ nói tới vấn đề truyền thừa. Sau đó sẽ nói tới một số phép thực hành ứng dụng . Và sau đó là tổng kết. Tất nhiên nếu có bàn luận lai rai tiếp thì chủ đề vẫn là mở.
Ông Thích Nhất Hạnh có rất nhiều người phương Tây biết, đặc biệt ở Pháp. ở Pháp cũng có cơ sở tập thiền của ông gọi là làng Hồng hay làng Mận gì đó. Nếu vào một tiệm sách kiểu như FNAC ở ngay Chatelet-Les Halles, ngay trong trung tâm Paris, vào quầy bán sách về phật giáo, thì có hẳn một hàng dài sách của ông ta. Trong chủ đề này tôi cũng nói tới ông, như là một những người đưa khái niệm pleine conscience (mindfullness) vào quan niệm phương Tây hiện đại, và cũng chính cái khái niệm này mà bác Quý mở chủ đề.
Bản thân tôi cũng có một số sách của ông, bao gồm sách tiếng Việt, do Sài gòn in cũ, sau được in lại ở Mỹ rồi đem sang Pháp bán (ví dụ cuốn Đạo Phật hiện đại hoá), có quyển đã được in ở VN như cuốn lịch sử phật giáo VN (3 tập), nhưng tên tác giả đề là Nguyễn Lang, là một tên khác của ông, không biết là tên bố mẹ đặt ra, hay là tên hiệu. Tôi cũng có một số quyển sách của ông bằng tiếng Pháp, ví dụ « Phật sống, chúa sống » (Boudha vivant, Jesus vivant), trong đó ông ấy tìm cách kết hợp Phật – Thiên chúa, chắc để thoả mãn đọc giả chính của ông ấy là người Pháp, gốc văn hoá Thiên chúa, và vài quyển khác mà tôi lúc đang viết thế này không còn nhớ tên. Mặc dù không có đủ, và cũng không đọc hết sách của ông, nhưng tôi nghĩ nó cũng tạm đủ để dựng lên được giáo lý ông ấy truyền giảng, theo một khoảng thời gian dài, từ lúc còn trẻ đến bây giờ. Dù vậy những gì tôi viết là ý kiến cá nhân dùng cho tôi là chính. Hứng chí thì mang lên đây tán phét.
Nhưng tôi không phải là « đệ tử », hiểu rộng theo nghĩa tư duy phật giáo của ông giúp cho tôi ngộ thêm đạo Phật. Tôi cũng chưa bao giờ tới làng Hồng, chưa bao giờ tập thiền do ông ấy hướng dẫn (dù chỉ qua sách), mặc dù cái làng này ở Pháp. Với riêng tôi, phật giáo mà ông ấy giảng là Fake, một dạng kiểu « personal developpement » rất phổ biến, trong đó với một vài từ tư duy phật giáo trộn lẫn với những khái niệm tâm lý thông thường mà ông ấy viết ra. Nó không có chiều sâu. Một người khác mà tôi có thể so sánh với ông là Gu ru OSHO, chỉ có điều OSHO suy nó ra từ ấn độ giáo, còn ông Thích Nhất Hạnh thì suy nó ra từ phật giáo. Và cả hai đều rất giỏi tiếp thị, về điều này thì ông ấy đúng là người đáng khâm phục nhất.
Tất nhiên, có thể nhận xét của tôi là do nhân duyên và cách tìm hiểu, học Phật của tôi mà ra. Vì học phật của tôi gắn với lịch sử, văn hoá, triết học. Cũng như học phật với tôi là tìm hiểu truyền thống, cập nhật nó trong điều kiện hiện đại khoa học, vì phật giáo không phải là điều gì xa lạ với một người VN. Một người VN, ngoại trừ họ tuyên bố theo một cái đạo nào đó, thì bình thường họ đã là phật tử vô thức.
Nếu lấy ví dụ so sánh Phật giáo như là phở, thì điều tôi đi tìm là phở chân truyền, ngược lại phở mà ông Thích Nhất Hạnh làm kiểu như phở dùng spagetti thay bánh phở, pho mát thay thịt bò trần để cho hợp khẩu vị người quen ăn pizza và gọi nó là phở. Có lẽ chính sự khác biệt này, mà mặc dù có đọc sách của ông, tôi không coi ông ấy là Thày.
(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Mar 18 2019, 11:20 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #53

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Hiện nay sách của ông có khá nhiều, chẳng phải chỉ ở Pháp mà cả ở VN, nội dung của nó chủ yếu theo kiểu « personnal developpement », che phủ bởi vài khái niệm phật giáo cơ bản cho nó có mầu. Nhưng theo dõi cái nội dung này nó cũng nói lên một phần sự yếu kém của phật giáo VN về kinh điển, dù truyền thống phật giáo của VN rất dài cả ngàn năm. Tôi chia ông ấy thành mấy giai đoạn.
1- Giai đoạn ở VN (quãng những năm 60 đầu 70). Cũng như nhiều sư sãi miền Nam lúc đó, sau khi có phong trào Phật tử đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm(1963), ông ấy muốn một đạo phật thâm nhập thực tế hơn, nhưng lại muốn xa rời cuộc kháng chiến chống Mỹ, thể hiện qua việc thành lập giáo đoàn tiếp hiện (tiếp cận hiện thực). Trong các điều kiện của giáo đoàn, có điều được đưa ra là « không được tin tưởng vào bất cứ một lý thuyết nào cả ». Nghe ra thì có vẻ rất là Thiền (kiểu như vô chấp), nhưng thực ra nó là sai. Chính về việc này mà phía cách mạng nghi ông ấy là CIA trá hình. Ngược lại chính quyền miền Nam cũ cũng không thể chấp nhận về việc đòi chấm dứt chiến tranh. Đây cũng là thời kỳ mà ông ấy muốn cải cách đạo phật để tu sĩ cũng có thể lấy vợ, như ở Nhật bản. Nó cũng phù hợp với trào lưu sexual revolution ở phương Tây mà miền Nam tạm chiếm là cái đuôi văn hoá.
2- Giai đoạn giảng Thiền ở phương Tây (Pháp, rồi Mỹ) thập niên cuối 70 đến nay. So với các sư sãi miền Nam khác trong phong trào phật tử chống Diệm, ông Nhất Hạnh đã làm được cái việc kết tinh sự đánh giá của phương Tây về phòng trào này vào ông ấy, trong một quy trình «cá nhân hoá một phong trào » của media phương Tây. Sở dĩ như thế vì ông ấy biết lợi dụng media phương Tây, để tạo hình ảnh. Ngay hiện nay, trong những quyển sách của ông ấy in ở Pháp, ở bìa cuối chuyên giới thiệu ông ấy đã được mục sư Martin Luther King, nhân vật lãnh đạo phong trào đòi quyền dân sự cho người da đen ở Mỹ vào thập niên 60, giới thiệu ứng cử giải nô ben hoà bình. Như vậy sự nổi tiếng của ông ấy, không phải vì phật pháp.
3- Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, phương Tây bắt đầu sùng bái đạo Phật, tất nhiên là chỉ một bộ phận. Nhưng người này muốn tìm thấy trong đạo Phật những điều mà họ không tìm thấy trong Thiên chúa, cũng có thể là những người không theo đạo Thiên chúa nữa, nhưng họ muốn có gì đó là tâm linh. Trong phật giáo, điều hấp dẫn họ nhất là Thiền Nhật bản, rồi tới phật giáo Tây tạng. So với hai loại phật giáo này, thì phật giáo VN không có nhiều thứ để « bán ». Bởi phật giáo Nhật bản, đặc biệt là Thiền, có một cáic phông văn hoá cực lớn đằng sau. Các tông phái phật giáo Nhật có truyền thống, có truyền thừa. Phật giáo Tây Tạng cũng to lớn không kém, và họ còn có cả một hệ thống chư tăng từ Tây Tạng thoát ra (sau khi TQ sát nhập Tây Tạng vào năm 1959, trước đó Tây Tạng là vùng đất ràng buộc lỏng lẻo, đặc biệt từ giữa thế kỷ XIX, khi bản thân TQ cũng là nước nửa thuộc địa, thì Tây Tạng gần như là vùng đất độc lập, tự quản). Phật giáo VN như vậy không thể so sánh, bởi trong thực tế, từ thế kỷ XV, sau khi Lê lợi kháng chiến chống nhà Minh thắng lợi, thì Nho giáo là tôn giáo chủ đạo. Đến thế kỷ XVI, khi chính quyền phong kiến Trung ương tan rã thành Nam-Bắc Triều (thời nhà Mạc), rồi Trịnh – Nguyễn phân tranh, thì Nho giáo mới lùi bước một chút (do Trung quân, một khái niệm quan trọng của Nho giáo, với nhà Lê Trung hưng không có thực quyền không còn có được niềm tin), nhưng phật giáo VN chủ yếu là Tịnh độ. Phong trào chấn hưng phật giáo chỉ bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, như một phản ứng với đạo Thiên chúa trong thời thuộc địa.
Người phương Tây biết tới phật giáo VN chủ yếu qua phong trào chính trị chống nhà Ngô. Và phải nói đó là điều hiếm có với đạo Phật từ khi ra đời tới nay. Nhưng ảnh hưởng « chính trị » đó, không thể che đi sự yếu kém về truyền thống giáo lý, mới được tạo tác lại, từ khi có phong trào chấn hưng phật giáo thời thuộc địa. Cũng phải để ý sự can thiệp của Mỹ nữa. Phong trào phật giáo này có bị Mỹ giật dây không ? có là cái cớ để Mỹ lật Diệm không ?. Không còn nghi ngờ gì, phong trào phật giáo này là giọt nước tràn ly, với chính sách gia đình trị của nhà Ngô, là sự phản ứng với việc « công giáo hoá » miền Nam tạm chiếm, nhưng nó thực sự đánh đổ được nhà Ngô thì không phải.
Như vậy ông Nhất Hạnh muốn « buôn bán » giáo lý phật giáo thì làm thế nào, chỉ còn cách là biến nó thành một cái dạng tâm lý phổ thông, như ông ấy viết trong hàng đống sách của ông ấy. Điều này ông ấy rất là giỏi, và sư sãi ở VN cũng nên học. Nhưng nó chỉ giúp người ta tiếp cận phật giáo, một cách méo mó, mà không phải là phật giáo.
4- Điều đáng chú ý là ông ấy rất cập nhật, chạy theo xu hướng thời sự. Ví dụ khi có phong trào « bảo vệ môi trường », thì ông ấy sẽ viết sách theo kiểu ấy, rồi ông ấy hoà động chúa Giê Xu vào phật giáo, vì khách hàng của ông ấy có văn hoá Thiên chúa. Nhưng điều này thực ra phật giáo không cấm, đó là phép « tuỳ bệnh cho thuốc ». Nhưng dùng nó để chứng tỏ là mình ngộ thì lại sai. Ví dụ. Cách đây hơn tuần, tôi đọc trong báo Thanh Niên (mạng), có nói về việc ông ấy về lại ngôi chùa Từ Đàm (Huế) là nơi xuất gia của ông ấy để sống những ngày cuối cùng, vì ông ấy lâm bệnh. Trong bài báo, có nói việc ông ấy qua bức thư của mình (mà báo không đăng nhưng tóm tắt, vì thế phải lấy giả thiết là báo nói đúng), ông ấy ví mình là một nhân vật vĩ đại của phật giáo thế giới đứng thứ 7, thứ 8 gì đó, còn hơn cả ông Đại Lai lạt ma, theo như một học giả người Úc cha căng chú kiết nào đó viết. Bất kể người Úc đó là ai, dù là học giả đại tài đi, thì sự vĩ đại trong phật giáo không phải ở đây. Sự đánh giá kiểu này có thể là một cách làm marketing tuyệt vời, như việc ông Luther King làm cho ông ấy, nhưng để đánh giá sự « vĩ đại » trong phật giáo thì nó quá buồn cười.
Hiện nay ông Thích Nhất Hạnh lâm bệnh, không biết có qua khỏi không. Như vậy hi vọng ông ấy nếu không khỏi được bệnh thì cũng ra đi bình an, nhưng với tôi ông ấy chỉ là một ông sư nhậy bén tiếp thị, biết dùng media tung hứng như một loại « jet set », nhưng không phải là thầy.
(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Mar 19 2019, 11:20 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #54

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



14- Thích Thanh Từ.
Như tôi đã từng nói, tôi coi thầy Thích Thanh Từ là Thầy, vì sách vở của thầy giúp tôi tiến bước trên con đường học phật. Tất nhiên, thầy không biết tôi là ai, cũng như tôi chưa bao giờ gặp thầy hay thăm viếng các thiền viện mà Thầy lập nên.
Lần đầu tiên tôi biết đến tên Thầy, là lúc lên chùa nhặt được quyển sách biếu do Thầy viết, với tên « Tu là chuyển nghiệp », sau đó tôi còn kiếm được mấy cuốn sách biếu nữa như « Kinh bát đại nhân giác », hay « bẩy cửa vào động Thiếu thất ». Tác phẩm này được coi là của Bồ đề đạt ma, tổ sư của Thiền tông. Vào thời điểm ấy, tức là đầu những năm 90, Internet chưa có. Sau đó tôi có mua một cuốn sách « nguồn thiền giảng giải » của Thiền Sư Tông Mật (đời nhà Minh), do Thầy dịch. Những sách còn lại là ở trên mạng. Bao gồm một số kinh Thầy giảng giải, và đặc biệt những sách vở của Phật giáo Vn cổ (Thiền sư VN (gốc là Thiền uyển tập Anh), Khoá hư lục, Trần Triều bản hạnh).. Điều đặc biệt, có lẽ là duy nhất, là học theo sách của Thầy rất « kinh tế », vì hầu như tôi không phải mua quyển nào (ngoài cuốn của Thiền sư Tông Mật nói trên, quyển này hiện trên mạng cũng có).
Có điều đặc biệt, là vì qua sách, tôi không được biết Thầy dậy ngồi Thiền thế nào. Vì thế hình thức tập Thiền của tôi là do tôi học qua sách của một Thiền sư Nhật ở Pháp, Taisen Daishimaru, Thiền sư này thuộc phái Sô tô Nhật, tức là Tào động theo tiếng Việt. Và từ đó mà tôi mò lên tới Đạo Nguyên (Dogen), Tổ sư thiền Sô tô Nhật bản.
Như vậy có thể hiểu là Thầy giúp tôi nhận thức Thiền bằng tiếng việt, tiếp xúc với kinh bằng tiếng việt, và đặc biệt kho tàng truyền thống của Phật giáo VN. Nhưng một tông phái nào đặc biệt thì không phải.
Còn việc Tôi theo thiền Tào động, cũng là nhân duyên, nhưng không phải là tình cờ. Vì tôi vốn thích một pháp môn nào có thể thực hành, ứng dụng.
Trong truyền thống phật giáo thông thường một nhà sư luôn để lại tư duy của mình thông qua việc diễn giải kinh sách. Sự diễn giải không chỉ là bài giảng thông thường mà nó cũng thể hiện sự giác ngộ của nhà sư, việc cập nhật nó với hiện tại. Để biết kinh thì phải đọc, để hiểu kinh thì phải giảng, để « làm chủ kinh », thì phải ứng dụng thực hành.
Với tôi, là một người học phật mà không đi tu, thì quyển « tu là chuyển nghiệp » cũng như các quyển kinh nhỏ như « bát đại nhân giác », thể hiện cách thức tu tập của Thầy. Và tôi rất đồng ý với điều này, đó là tu tức là chuyển nghiệp. Biến nghiệp dữ thành lành, thông qua những nhận thức phật giáo mà người phật tử phải trang bị cho mình như nhân sinh quan thế giới quan, nói theo kiểu hiện đại. Kinh bát đại nhân giác, kinh tứ thập nhị chương, kinh Pháp Cú.. chính là những nhận thức cơ bản này. Sau này khi tiến xa hơn, thì tôi nói « Niết bàn là luân hồi », « luân hồi là niết bàn », « Đời là giải thoát », « Giải thoát là đời ». Tất cả chỉ khác nhau về cách nhìn nhận, nhìn nhận đúng thì hành động đúng, hành động đúng thì giảm nghiệp chuyển nghiệp. Chuyển nghịêp là Tu như thầy nói.
Điều này khác hẳn việc sử dụng Phật giáo như công cụ tâm lý, vuốt theo chiều lông chân người ta, nói kiểu « bisounours » (cái từ tiếng pháp đời thường này là sự ghép từ bisou là hôn, ours là con gấu, để nói tới chuyện người phương Tây buổi tối trước khi con ngủ hay kể chuyện cổ tích gấu bông, dỗ dành cho trẻ con ngủ, vì người phương Tây không ngủ với con cái chung giường, nên phải dỗ cho nó ngủ khỏi sợ)kiểu ông Thích Nhất Hạnh. Tôi không phủ nhận phật giáo rất gần tâm lý học hiện đại, nhưng nó không chỉ là tiếng an ủi cho những vấn đề tâm lý khủng hoảng, đây chỉ là một cái vế phụ. Nhiều khi người ta có thể dùng nó, vì từ nhu cầu đó mà tiếp cận phật giáo, từ những vấn đề khủng hoảng ấy mà ngộ. Nhưng người ta không dừng ở đó.
(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Apr 11 2019, 09:25 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #55

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



15- Đạo Nguyên (Dogen)
Thiền sư Đạo Nguyên tôi đã nói tới trong chủ đề nói về Thiền. Thiền sư là người Nhật bản, tổ thiền Tào động Nhật bản, sống ở thời điểm ở VN là triều nhà Lý, (hoặc đầu nhà Trần), vì là đời nhà Tống ở TQ. Tôi hơi bị lười tra niên đại, nhưng các bác có thể tự tra trên mạng bằng chú gúc.
Với tôi Thiền sư Đạo Nguyên là một người thày, đã giúp tôi thâm nhập Thiền Tông, ứng dụng được nó một cách cụ thể hơn. Bởi vì ông có những điểm đặc biệt sau, hợp với nhân duyên của tôi.

1- Thiền của Đạo Nguyên là tông thiền Tào động. Dòng thiền này chú trọng ngồi Thiền hơn là tham vấn các công án, với các nguyên tắc « vô sở ngộ », « vô sở chứng » của tông này mà Thầy Đạo Nguyên đã chuyển nó thành « ngồi thiền là ngộ », « ngồi thiền là niết bàn » theo truyền thống chắt lọc, « cực đoan hoá một khía cạnh đặc trưng thành lối thực hành duy nhất » vốn là đặc trưng của văn hoá Nhật, ứng dụng vào tập Thiền, rất là hiệu quả. Với cách này, Thầy đã đưa Thiền Tào động trở về với Thiền nguyên thuỷ, vì với nguyên tắc « chỉ quán đả toạ », trong đó chỉ là dừng lại, tức là thiền samatha nguyên thuỷ, quán tức là quán tưởng là kiểu hiểu Đông Á của khái niệm Niệm (như tôi đã phân tích ở trên về sự khác nhau giữa Quán và niệm) kéo gần ta tới thiền vipasana nguyên thuỷ. Điểm khác nhau của nó là trong thiền nguyên thuỷ, vipasana là niệm theo nghĩa suy tư, tư duy tức là nhẩm lại, ôn lại giáo lý phật giáo, thì sự dừng lại của niệm trong Tào động làm « sáng lên » cái thức thứ 8, tức là TÂM. Như vậy ngồi thiền kiểu Tào động như Thầy Đạo Nguyên nói, là sự kết hợp nhuần nhuyễn của Thiền nguyên thuỷ, với Thiền Đông Á. Vừa là sự phát triển, phù hợp với văn hoá Đông Á, vừa trở về nguồn.
Từ hinh thức tu thiền này, vì tôi là người thường, tôi lại chắt ra cách của mình,vì không phải là sư, nên tôi không thể có thời gian ngồi hàng tiếng đồng hồ tập thiền, kết quả là phải đưa thiền vào các hành động đời thường, biến các hành động đời thường thành tập thiền (trong phương tiện công cộng đi lại, nghe nhạc, uống trà, nghe thời sự tiếng nước ngoài, cách thức tập trung khi làm việc, tinh thần « vô bố uý » (không sợ hãi) trước một sự việc phải giải quyết..). Còn ngồi thiền chỉ là cách tập huấn để ta quen với cách thức hành động kiểu này. Xuất phát từ nhận thức « luân hồi là niết bàn », « niết bàn là luân hồi » tất cả chỉ là cách nhìn (cái này bác nào học tông Pháp Hoa cũng có thể có, thậm chí nên tập tông Pháp Hoa để cảm nhận thiền hơn, bản thân tôi cũng học cả tông này). Nếu hành động, làm việc theo tự nhiên, với cái TÂM không động, thì cũng là ngồi thiền. Để cái TÂM không động (như vua Trần Nhân Tông nói, mà tôi đã nhắc lại nhiều lần), thì lại có thể áp dụng một nguyên lý khác của Thầy Đạo Nguyên đó là hành động với « thân tâm buông bỏ », mà phần quan trọng của nó là bỏ cái Tôi.
Tất cả các hành động như thế này, sẽ giúp ta chuyển nghiệp, dừng nghiệp, không tạo ra nghiệp mới. Phù hợp với quan niệm của Thầy Thích Thanh Từ. Tu là chuyển nghiệp.

2- Khác với các thiền sư khác, Thầy Đạo Nguyên để lại một khối lượng sách đồ sộ, trong bộ « chính pháp nhãn tạng ». Rất tiếc là tôi không thể đọc nguyên bản, và cũng chưa đọc hết trọn bộ , đã được dịch ra tiếng Pháp, mà tôi chỉ đọc được những tuyển tập. Trong các sách của thầy, thầy đã diễn giải rất thú vị cảm nhận « thiền », cảm nhận « ngộ » của thầy. Và từ đó tôi có thể dùng nó để tham vấn. Giống như ta tham vấn với một thiền sư bằng xương bằng thịt. Tất nhiên nó không thể sống động, có những điều bất ngờ do đối đáp tạo ra, nhưng nó cũng chỉ cho ta con đường đi thế nào. Và cũng bằng cách này mà tôi tiếp xúc, « giải mã » dễ dàng hơn, tìm được các cảm nhận của công án.
Khi tham vấn qua sách kiểu này, thì phương pháp duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác lại giúp tôi rất nhiều, vì nó giúp tôi « xây dựng lại trong tưởng tượng » điều kiện sinh hoạt, tâm lý, văn hoá của thời điểm mà Thiền sư Đạo Nguyên sống. Từ đó giảm được sự lẫn lộn của nhận thức hiện tại, không bị cập nhật hoá lộn ngược quá khứ. Khiến cho việc « tham vấn ảo » này chuẩn xác hơn.
Cũng từ cái mô đen này, mà tôi tham vấn các thiền sư khác như Vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, các tổ Thiền Trúc lâm, thiền sư Hương Hải.. với các thiền sư này, kiến thức nhận thức thiền tôi có được khi tìm hiểu Thiền thế giới, giúp tôi hiểu , chiêm nghiệm rõ rệt hơn .

3- Thiền sư Đạo Nguyên là người có vốn học vấn rất rộng, nếu mà so sánh ta có thể coi Thầy có bản diện nhận thức như ngài Ananda quảng bác kiến thức, trong phật giáo nguyên thuỷ. Sự quảng bác về học thuật này cũng hợp với cái tạng của tôi. Vì tôi tập thiền trong một tổng thể, trong đó có cả tìm hiểu lịch sử văn hoá. Còn tất nhiên, trình độ của tôi thì không có thể so sánh được với các vị ấy. Họ như núi thái sơn, mình như hạt bụi.

(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Jun 26 2019, 10:23 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #56

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



16 – Thực hành
Chủ điểm này tôi đã viết tới đây là phần cuối cùng. Nhưng là diễn đàn thì ai cũng có thể ngẫu hứng mà tham gia tiếp. Phần cuối cùng, với tôi cũng chỉ là cuối cùng vào thời điểm này, vì đạo không có điểm cuối, nếu có điểm cuối thì không khác gì dòng sông chết, mà đạo thì luôn sống động, vì nó luôn đòi hỏi người ta sử dụng, và từ đó lại chiêm nghiệm được những điều mới, đây cũng chính là nội dung của tinh tấn, một trong sáu ba la mật của phật giáo Đại thừa (từ bi, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Nhưng đã nói tới tinh tấn thì điều đó cũng có gì đó tương đương với « luôn cố gắng », mà đã luôn cố gắng thì có nghĩa là phải có ý chí, nếu đã có ý trí thì làm sao khớp được với THIỀN vốn được coi là hoạt động theo tự nhiên. Vậy phải giải thích điều mâu thuẫn này thế nào ?
Trong thực tế, nếu hoạt động theo tham, sân, si , theo cái tôi, thì mới là trái tự nhiên. Ngược lại, nếu hành động « vô ngã », theo nhân duyên, thì điều này vẫn được coi là tự nhiên. Nếu hiểu như thế thì mới đưa Thiền vào hành động, để mỗi hành động đời thường cũng là một dạng tập thiền. chứ nếu không thì sẽ lại sa vào hư vô.
Như vậy thực hành thiền như thế nào. Ở đây có hai cách. Một cách đầy đủ là Thiền phật giáo, một cách không đầy đủ có nghĩa là chỉ dùng Thiền như một kỹ thuật luyện tâm.

16.1 Thiền Phật giáo.
Với cách thực hành của tôi, thì thiền phật giáo cũng là thiền Tào động, vì tôi tập theo tông phái này. Nhưng bất cứ theo tông nào, chỉ có Thiền phật giáo mới là thiền đầy đủ nhất. Nó bao gồm Thiền kỹ thuật (mà tôi sẽ nói sau), nhưng phải có thêm những nhận thức có thể coi là phần tinh tấn, vì người ta luôn phải nhắc lại, tự nói với bản thân mình, trong quá trình tu tập. Đây chính là sự nhận thức phật giáo bao gồm : quy y, dâng hương, sám hối, phát bồ đề tâm.

16.1.1 Quy y.
Mở bất cứ một quyển kinh nào, ta cũng có thể thấy mục quy y này. Quy Y đó là tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng. Phật, Pháp, Tăng là cái đế dựa vào đó tu tập. Các bác có thể dùng cách thức quy y trong đầu quyển kinh, như trong kinh nhật tụng rất thông dụng. Nhưng tôi thì dùng bài thơ « cưỡi lừa ba chân » để làm điều này. Vì con lừa ba chân, như đã nói trong chủ đề này, khi tôi phân tích quyển « Khoá Hư lục » của vua Trần Thái Tông, chính là biểu tượng của Phật, Pháp, Tăng. Bây giờ chỉ nói rõ thêm một chút. Thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng.
Phật là đức phật Thích Ca lịch sử, nhưng cũng là Phật tam thân, bao gồm báo thân, hoá thân, và pháp thân. Nếu hiểu theo nghĩa này thì phật Thích ca là hoá thân của Phật trong thế giới Ta bà ta đang sống, Phật Di đà sẽ là báo Thân phật, và phật bà Quan âm sẽ là hoá thân phật. Người ta cũng có thể coi Đại Nhật như lai (Vairocana) là pháp thân phật. Phật cũng là phật tính có trong tất cả mọi sự vật trong vũ trụ.
Pháp là kinh sách mà Phật đã dậy. Pháp có thể coi như mắt của Phật, từ đó mà ta có nhân sinh quan thế giới quan phật giáo.
Còn Tăng là tất cả Bồ tát, các tổ, là lời dậy, là hành trạng của họ giúp ta tu tập. Ở đây tôi không để tăng như khái niệm cộng đồng tu sĩ. Vì với tôi cộng đồng tu sĩ chỉ là bạn cùng học đạo, họ chưa đạt tới mức độ Tăng để tin tưởng. Tăng với tôi là những người đã ngộ thành đạo. Mà người ngộ chỉ có thể là Bồ tát và tổ.

16.1.2 Dâng hương.
Trong khoá hư lục, vua Trần Thái Tông có những bài kệ dâng hương, dâng hoa rất hay. Nhưng bản chất của dâng hương dâng hoa là thành kính, vì thế ta hoàn toàn có thể dâng hương hoa bằng niệm ở trong lòng. Hoặc luôn giữ lòng thành kinh. Giữ lòng thành kinh có nghĩa là dâng hương hoa. Đi vãn cảnh chùa, làm công đức « giọt dầu », thành kính lễ phật cũng là dâng hương hoa.

16.1.3 Sám Hối.
Trong khoá hư lục, ta cũng có thể tìm thấy những bài sám hối rất hay của vua Trần Thái Tông. Sám hối thực ra là nhẩm lại, ôn lại lý thuyết phật giáo, cho nó ngấm vào nhận thức của mình, để có thể nhìn đời qua con mắt ấy, tôi gọi là nhân sinh quan, thế giới quan. Khi ôn nhẩm lại rồi, thì từ đó có thể « ke » cách ứng sử thực hành của mình.

16.1.4 Phát Bồ đề tâm.
Đây thực ra chính là tinh tấn. Nó gồm có hai phần. phần một nhận thức được trong mỗi chúng sinh có phật tính, có tâm. Nguyện làm sáng cái tâm ấy (minh tâm kiến tính) tức là phát bồ đề tâm. Trong quyển Khoá Hư lục, vua Trần Thái Tông cũng có bài phát bồ đề tâm rất là hay.


Ở đây tôi lưu ý rằng, bằng bốn điều trên. Người ta có thể tiếp cận phật giáo đúng đắn nhất. tiếp theo sẽ dùng Thiền Kỹ thuật để tẩm bổ nó. Thì ta sẽ học thiền đầy đủ. Thiền Kỹ thuật là phần Thiên chung của cả người theo đạo Phật, hay không theo đạo Phật. Vì hiển nhiên, không theo đạo Phật người ta cũng có thể tập Thiền. Giống như người ta có thể tập Yoga như uốn dẻo, hoàn toàn mất đi cái thần của nó.

Ở trên, nói tới mỗi điều trong 4 điều, tôi đều nói rằng trong khoá hư lục đều có. Vì thế với tôi, mặc dù quyển sách được gọi là « LỤC » tức là tư liệu tài liệu, nhưng tôi nghĩ rằng nó chính là một dạng « chư kinh nhật tụng của Thiền Tông », theo như quan niệm của Vua Trần Thái Tông. Tôi không dám nói rằng nó là chư kinh nhật tụng của phái Thiền Trúc Lâm, vì con của vua, là Vua Trần Nhân Tông mới được coi là tổ của Trúc Lâm thiền phái. Và giữa thiền của vua Nhân Tông và vua Thái Tông cũng có khác biệt. Thiền của vua Trần Thái Tông gần gũi với phật giáo Ấn độ hơn, giống như tông thiền Quán Bích của tì ni đà lưu chi. Còn Thiên của vua Nhân Tông, ta vẫn biết nó từ Thiền Vô ngôn Thông tách ra, và như vậy « trung hoa » hơn.
(còn tiếp)


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Nov 8 2021, 09:36 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #57

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bác Phó hay nghiên cứu Phật Pháp thông qua quan điểm Mác Lê, nên em sẽ kể câu chuyện của bác Quyzen về đề tài này như sau: Có một lần, bác Quyzen đọc cuốn sách "Đại cương lịch sử triết học phương đông cổ đại" của tác giả Trương Văn Chung, thấy trong đó nêu Phật Giáo chủ đạo là từ bi. Theo quan điểm của bác Quyzen, thì PG phải đề cao trí tuệ mới đúng. Vì vậy bác Quyzen tìm đến gặp tác giả của sách, gửi bài viết phản biện. Đọc xong, tác giả bảo:"Những điều anh viết ở đây thì tôi cũng biết, nhưng khi viết sách thì tôi phải viết theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê. Và anh lấy gì để chứng minh những gì anh viết ở đây là đúng?" Bác Quyzen nghe xong ngớ cả người, đành phải ra về mà không nói được gì thêm.

Qua câu chuyện này, bác Quyzen kể là lúc đó nhận ra được 2 việc

Điều 1: Khi mình đọc Kinh, sách, những gì mình hiểu là ý của mình, không chắc đó là ý của Phật, của Tổ

Điều 2: không phải cứ cái gì nói hợp lý là người ta sẽ chấp nhận, vì có khi người ta cố tình xuyên tạc nó

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi NVT2002: Nov 8 2021, 09:56 AM


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 9 2021, 06:39 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #58

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



@nvt,
Những điều trải nghiệm của bác Quý mà nvt chia sẻ trên đây rất thú vị, không ngờ bác ấy có nhiều duyên nợ với học hỏi phật giáo như thế, vì thế tôi trả lời ngay, chứ bình thường tôi định viết tiếp chủ đề bác Thảo.
Không, tôi không nghiên cứu đạo Phật thông qua chủ nghĩa Mác-Lê nin. Tất nhiên không ai cấm nghiên cứu đạo Phật như thế, mà tôi nhìn chủ nghĩa Mác-Lê nin qua đạo Phật. Chính xác hơn, từ phật giáo tôi “nhìn” Nho giáo, từ Nho giáo tôi “nhìn” chủ nghĩa Mác-Lê nin. Nếu 3 hệ tư tưởng này có cùng một gốc là “không duy tâm” (hiểu như tôi nói trong chủ đề về Bác Thảo là không tin vào một thế lực siêu nhiên tạo ra thế giới), không có quan niệm chủ nghĩa cá nhân khiến chúng gần nhau về đạo đức, thì 3 hệ thống bổ xung cho nhau. Với tôi, đạo phật cho tôi triết học nhân sinh quan, đạo Nho cho tôi đạo đức ứng sử luân lý, chủ nghĩa Mác-Lê nin cho tôi thế giới quan. Trong thực tế, mỗi hệ thống trên đều có các phần triết học, đạo đức ứng sử và thế giới quan, nhưng chúng mạnh yếu khác nhau, ở đây tôi đã chọn ra các điểm mạnh của chúng để kết hợp, nhưng chúng cùng đồng thời tồn tại. Đây cũng không phải là “phát minh” của tôi, mà là thực tế văn hóa VN. Mỗi một người Vn hiện tại, ngoại trừ người ta cố tình chối bỏ một cách có ý thức vì một lý do gì đó, ai cũng đều mang trong mình sự đan xen nhận thức của ba dòng tư tưởng này. Tôi chỉ thuật nó ra thôi.
Tại sao đạo Phật lại mạnh về triết học, vì đó là một đạo lý để giải thoát.
Tại sao đạo Nho lại mạnh về luân lý, vì nó là một đạo lý để nhập thế.
Tại sao chủ nghĩa Mác-Lê nin lại mạnh về thế giới quan, bởi nó đề cập tới một vấn đề cơ bản đó là ảnh hưởng của kinh tế, hình thức sản xuất tới xã hội, nó có cái nhìn cực kỳ tổng quan tới phương Tây đủ cả mọi mặt. Ngược lại phần đạo đức học của nó rất yếu,vì trong chủ nghĩa Mác nguyên thủy không có. Đạo đức học chỉ có trong chủ nghĩa Mác-Lê nin, rồi đặc biệt có trong chủ nghĩa Mác-Lê nin Nho giáo như ở VN là rõ rệt. Về câu chuyện này tôi sẽ mở một chủ đề nói về nó cho mọi người biết sau.
Chủ nghĩa Mác-Lê nin như ta học ở VN đã được việt nam hóa. Nó không phải là chủ nghĩa Mác (không có Lê nin) như nguyên bản. Ví dụ, cách ứng sử của bác Hồ là cách ứng xử Nho giáo, bản thân các câu bác dậy cũng giữ nguyên các khái niệm Nho giáo, nhưng là nho giáo đã bị gạt bỏ những chủ điểm gắn với xã hội phong kiến như : trọng nam khinh nữ, tôn ty, trật tự .. ngược lại những giá trị như : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín .. thì vẫn còn nguyên, nó chỉ thay đổi thể hiện. Ta cũng có thể nói ở VN là Lê nin nít Nho giáo, thay bằng Mác- Lê nin nho giáo
Còn những giá trị Nho giáo ở trên là sự cụ thể hóa từ bi, trí huệ, hùng lực của đạo Phật để đạo Phật nhập thế, vì bình thường đạo Phật là xuất thế. Những điều này đã được tổ tiên ta làm từ .. thế kỷ XVI. Từ giữa những năm 20, có phong trào phục hưng phật giáo ở Đông Á, sự phục hưng này thực ra là đã sử dụng các sách vở phật giáo được phương Tây khai quật lên, đồng thời nó là phản ứng của Phật giáo với sự tham dự ngày càng tăng của Thiên chúa giáo. Trong khi Nho giáo không còn tồn tại như một hệ thống có tổ chức, vì thế người ta có cảm tưởng Phật giáo hiện tại là truyền tới từ tổ tiên,không ảnh hưởng gì ngoài chính nó. Nhưng không phải. Nó là mới, dựa trên văn bản cũ. Tất nhiên phật giáo đổi mới này,có nơi đổi mới nhiều, có nơi đổi mới ít. Ở miền Bắc, nó được bảo tồn tốt hơn. Ví dụ cách tu tập, ứng sử của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ vừa mới mất có thể coi như một dạng tu tập có từ thời nhà Nguyễn. Mặc dù cụ có lúc tham gia là xã viên hợp tác xã tích cực. Ngược lại phật giáo miền Nam là mới cứng, như áo sơ mi còn nguyên hồ chưa giặt lần nào (tức là không có chiều sâu lịch sử), vì nó chỉ đặc biệt phát triển sau năm 1963. Nhưng sau năm 1975, thì người ta lại nghĩ rằng nó là truyền thống, khi nó tràn ra bắc thành văn hóa phật giáo chung cả nước. Hình thức đạo phật ngày nay chính là đạo phật 4.0 mà tôi nói tới. Thời miền Nam cũ ở trong Nam nó là 3.0 (vì nó vẫn tiếp tục kế thừa cải cách phật giáo thời thuộc địa). Còn ở miền Bắc nó là 2.0, vì từ năm 1945, rồi sau 1954 ở ngoài Bắc chỉ có quan niệm bảo tồn cho tới khi thống nhất đất nước, và chỉ được phát triển trở lại từ sau đổi mới 1986. Version 1.0 là thời Lý – Trần thì ta không còn nữa.
Ảnh hưởng của 3 trào lưu tư tưởng này, như tôi nói ở trên là theo chiều xuôi. Tức là từ đế phật giáo ta tới Nho giáo, từ đế Nho giáo ta tới chủ nghĩa Mác-Lê nin. Cũng theo chiều này mà chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN được Việt nam hóa. Đây là cách tìm hiểu theo biên niên lịch sử, tức là cái gì đến trước theo thời gian trong lịch sử dân tộc thì ta có trước, cái đến sau có sau. Cái sau bổ xung cho cái trước, giải quyết những điều mà xã hội, lịch sử đặt ra mà cái trước không làm được. Nhưng những giá trị của nó vẫn còn đó, cùng đồng hành. Ví dụ Từ bi là khái niệm Phật giáo có từ đời Lý, Trần. Nhưng từ thời nhà Lê tới nay (tức là từ thế kỷ XV), ta có khái niệm nhân nghĩa là chủ đạo. Điều đó không có nghĩa là từ bi mất đi, mà nó song hành cùng khái niệm nhân nghĩa. Trong thực tế khái niệm nhân nghĩa cụ thể hóa hơn khái niệm từ bi. Khi người VN làm cách mạng tự mình nhập khẩu chủ nghĩa Mác – Lê nin vào, thì động cơ của nó chính là vì chế độ thực dân bất bình đẳng, vô nhân nghĩa. Động cơ của nó là từ đạo đức học của Nho giáo. Nhưng với chủ nghĩa Mác-Lê nin cái sự bất bình đẳng, vô nhân nghĩa này được giải thích cụ thể hơn, chuẩn xác hơn bằng các khái niệm bóc lột, bất công. Nhưng điều đó không có nghĩa là khái niệm nhân nghĩa biến mất. Mà nó lại nhập vào chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN là một bộ phận của văn hóa ứng sử. Như vậy khái niệm từ bi được cụ thể hóa bằng nhân nghĩa, nhân nghĩa được giải thích cụ thể hơn vì bóc lột, bất công. Nhưng vẫn có những phần nó “chồi ra ngoài”. Ví dụ, khi ta nói từ bi thì có nghĩa là lòng thương vô giới hạn với tất cả chúng sinh, với cả con ong , cái kiến. Khái niệm nhân nghĩa hẹp hơn, vì nó chỉ nhằm vào xã hội loại người, quan hệ người với người. Đến cách giải thích của chủ nghĩa Mác-Lê nin, thì nó chỉ nặng về kinh tế, lại hẹp hơn nữa, chỉ là quan hệ người với người qua liên hệ kinh tế. Chính vì thế các giá trị trên không chiếm đoạt nhau, cái sau hủy cái trước mà đồng tồn tại, bổ xung cho nhau như những khía cạnh của một giá trị nhân sinh quan duy nhất, mà ở đây tôi không đặt được tên, nhưng nó bao trùm cả 3 giá trị trên, rồi theo nhân duyên mà người ta ứng sử kiểu này hay kiểu kia.
Nhưng nó cũng có ảnh hưởng ngược, đây là cái nhìn từ hiện tại nhìn lộn ngược lại. Cái nhìn này có hai điều:
1- Nó làm cho ta nhìn quá khứ chuẩn hơn. Ví dụ, với sự đóng góp của chủ nghĩa Mác-Lê nin, ta có thể nhìn thấy cái đế kinh tế, quan hệ xã hội của đạo Phật, đạo Nho trong quá khứ. Và vì thế hiểu lịch sử rõ ràng hơn, đa dạng hơn, đầy đủ hơn.
2- Nó giúp hiện đại hóa, cập nhật hóa những giá trị này. Ví dụ nếu chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thì nó cũng giúp gạt bỏ những giá trị Nho giáo ngày xưa không còn thích hợp với xã hội hiện đại, ví dụ như trọng nam khinh nữ tôi nói ở trên.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 9 2021, 06:39 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #59

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Khi tôi nói như trên, thì có thể có nhiều bác sẽ thất vọng, vì nghĩ rằng ta theo đạo Phật, đạo Nho giống như tổ tiên ta, như Phật nói, tổ nói. Điều này đúng, vì ở đây ta kế thừa nên bản chất của nó không đổi. Điều này sai vì thế giới thay đổi, thì cách thể hiện của chúng ta phải thay đổi, đây là cập nhật hóa. Trong kinh dịch có câu rất chuẩn nói về sự thay đổi và sự vĩnh hằng này đó là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây cũng là câu rất chuẩn để bảo vệ truyền thống và .. cập nhật truyền thống.
Về câu chuyện của ông Trương Văn Trung và bác Quý, thì vì tôi không được đọc cuốn sách của ông ấy, không biết ông ấy viết thế nào, cũng không hiểu bác Quý phản biện thế nào, nên không thể nói chính xác. Nhưng cảm nhận của tôi thế này.
Về ông Trương Văn Trung. Ông ấy đổ lỗi cho chủ Mác-Lê nin là một sự biện bạch. Có lẽ ông ấy không tìm hiểu phật giáo đầy đủ nên viết phiến diện, rồi khi bị phản biện thì đổ tội cho .. chủ nghĩa Mác-Lê nin. Tại sao lại thế ? bởi trong phật giáo đại thừa có đủ cả từ bi, hùng lực, trí huệ. Hùng lực ở đây là sự cố gắng của con người khi tu tập, nó là cách nói gọn lại của 2 khái niệm : nhẫn nại và tinh tấn trong lục đạo (từ bi, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định, trí huệ), là những giá trị cơ bản của phật giáo đại thừa, còn từ bi là nói gọn lại của từ bi và trì giới, tương tự như vậy trí huệ gồm thiền định và trí huệ. Trong cặp khái niệm này, có một điều là nguyên lý, một điều là phương pháp. Ví dụ. khi nói từ bi, thì từ bi là nguyên lý, trì giới là cách thực hiện. Khi ta nói trí huệ, thì trí huệ là nguyên lý, nhưng đi đến nó phải qua thiền định. Khi ta nói hùng lực, thì tinh tấn (tức là ý chí) là nguyên lý và nhẫn nại là cách thể hiện. Đấy là tôi không đề cập tới các tông phái khác nhau, mà mỗi tông phái là một trường phái triết học, tư tưởng khác nhau.
Mặc dù thế, việc trình bầy phật giáo qua TỪ BI là hoàn toàn đúng. Nó chỉ không đủ. Thường thường nếu là một học giả không theo đạo Phật, thì đạo Phật sẽ được nhìn như thế, bởi vì họ chỉ quan tâm tới khía cạnh ảnh hưởng của đạo Phật tới xã hội nói chung. Họ không đứng trên quan niệm của một người học, thực hành phật giáo mà nói. Trong ba khái niệm TỪ BI, HÙNG LỰC, TRÍ HUỆ, thì rõ ràng từ bi là có giá trị xã hội học cao nhất, ngược lại hùng lực và trí huệ chỉ liên quan tới người tu tập phật giáo. Tất nhiên nếu tìm hiểu đầy đủ, thì ngay cả khi không tu tập cũng biết. Vì thế nếu chỉ nói tới TỪ BI thì không đủ. Nhưng phải xem cái concept của tác giả định trình bầy là gì nữa.
Một điều nữa cũng nên để ý, nếu trình bầy phiến diện Trí huệ, thì có thể dẫn đến sai lầm, và đây là cái mánh nhiều học giả hay sử dụng như một thứ tuyên truyền, ví dụ để chống lại chủ nghĩa Mác- Lê nin (nếu ta lấy trường hợp VN). Cái bí hiểm của nó là ở đây. Trí huệ trong đạo phật có 2 phần đó là phần bản thể luận và hiện tượng luận. Phần bản thể luận thường được coi là VÔ (KHÔNG), phần hiện tượng luận là HỮU (hay tồn tại). Ngược lại chủ nghĩa Mác-Lê nin hoàn toàn nằm trong hiện tượng luận, vì nó là một triết lý nhập thế, vì thế về mục đích và đối tượng nghiên cứu thì chủ nghĩa Mác-Lê nin gần với đạo Nho hơn. Như vậy để chống chủ nghĩa Mác-Lê nin,, người ta sẽ nhập nhằng phần bản thể luận của đạo phật để đối kháng với chủ nghĩa Mác-Lê nin trong khi chúng không cùng một bình diện triết học, điều này sẽ dẫn người ta tới hư vô (nihilisme). Bởi theo bản thể luận, thì bất cứ hiện tượng nào trong tự nhiên, bất cứ cách giải thích nào cũng không đủ. Đây chính là lô gic của Bồ Tát Long Thọ trong Trung quán luận. Hình thức nhập nhằng này không chỉ được sử dụng giữa đạo Phật và chủ nghĩa Mác-Lê nin, đây chỉ là một ví dụ cụ thể. Ở phương Tây, đây cũng là phương pháp mà Thiên chúa giáo phản bác khoa học, dùng trìu tượng học (metaphysique) chống khoa học. Trong thế giới đạo Hồi cũng có tình trạng tương tự.
Nhưng đạo Phật đâu chỉ có thế, nó còn phần NHÂN DUYÊN. Tức là phần hiện tượng luận. Theo nó, thì người ta phải hành động đúng theo nhân duyên, tức là phân tích nguyên nhân, hoàn cảnh của sự việc mà sử lý theo nhân duyên. Đây chính là điều chủ nghĩa Mác-Lê nin quan tâm và có thế mạnh trong phân tích NHÂN DUYÊN HIỆN ĐẠI. Một người theo đạo phật phải có cả hai. Đó là cảm nhận được “tính không” trên phần bản thể luận, và đồng thời ứng sử đúng nhân duyên trong đời thường.
Trong quá khứ phật giáo VN, các nhà sư VN cũng đã phải giải quyết những vấn đề này qua quan hệ Phật-Nho. Ví dụ nhà sư Vạn Hạnh. Khi nhà sư Vạn Hạnh ủng hộ , tổ chức để thành lập ra nhà Lý, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, thì nhà sư đã hành động theo nhân duyên, đúng với “chiều đi của lịch sử” (nói theo kiểu chủ nghĩa Mác), nhân duyên được hiểu như chữ THỜI trong đạo Nho. Vậy cái bản thể KHÔNG của Phật giáo giúp gì nhà sư. Nó giúp cho nhà sư có tinh thần dung mãnh, không run sợ, nhập thế cũng như xuất thế. Đây chính là câu đầu của bài kệ ông để lại “thân như điện ảnh hữu hoàn vô”, nó đã là VÔ rồi thì ta sợ cái gì (vô bố úy). Nếu nhìn cuộc đời như thế, thì “ngai vàng cũng như chiếc dép rách” (như các nhà nho bình luận về vua Trần Thái Tông). Nhưng ứng sử thì lại phải theo câu thứ hai “vạn vật xuân vinh thu hữu khô”, tức là theo nhân duyên, theo thời. Hãy tưởng tượng, mùa thu thì đi trồng cây, mùa xuân thì thu hoạch chắc chắn sẽ chết đói, vì ngược với thời vụ. Nhưng nếu về bản thể học thì chúng .. giống nhau. Cũng phải nói thêm VÔ ở đây là không thể hiện, là tiềm ẩn, không phải là “không có gì”. Chính vì thế trong chư kinh nhật tụng ở VN hiện tại khi tụng kinh, thời khóa đều kết thúc bằng TÂM KINH, trong đó người ta có thể tụng ra ra như con ve mà không hiểu ý nghĩa sâu sắc của chúng “SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC, THỌ , TƯỞNG , HÀNH, THỨC.. DIỆC MỤC NHƯ THỊ”. Sắc tức thị không tức là nhìn theo quan niệm bản thể học. Không tức thị sắc từ là dù biết bản thể nó là không vẫn phải hành động theo nhân duyên. Sắc/không (hiện tượng/bản thể) như hay mặt của một đồng xu.
Ở đây tôi có chủ đề viết về thiền sư Vạn Hạnh, với tôi nhà sư là sự kết hợp nhuần nhuyễn Phật Nho, mà tôi vẫn nói là “TÂM PHẬT, THÂN NHO”. Là một bằng chứng của sự tương đồng giữa đạo Phật và đạo Nho, và cách người VN sử dụng chúng.Đây là đặc trưng của phật giáo 1.0 (tức là phật giáo Lý-Trần), điều tôi rất coi trọng và coi là bài học thực hành.
Còn trong chủ đề về bác Thảo, thì tôi chỉ ra sự tương đồng giữa đạo Nho và chủ nghĩa Mác-Lê nin ở VN.
Như vậy với ba chủ đề Thiền Tào động, Thiền Vạn Hạnh, và về Bác Thảo (nhờ Thiên Lang lập ra), tôi đã chỉ ra mối liên quan theo chiều xuôi (theo biên niên lịch sử) mà tôi học theo.
Tôi không rõ bác Quý phản biện thế nào, nhưng như tôi nói ở trên. Đạo Phật không chỉ có TRÍ HUỆ. Nếu coi đạo Phật chỉ có TRÍ HUỆ (hiểu bằng kiểu đấm đá , giơ chân dơ tay hay bằng ngôn ngữ) thì cũng không đủ, vì nó vẫn thiếu HÙNG LỰC và TỪ BI. Nhưng tôi cũng hiểu tại bác ấy quan niệm như thế, vì nếu đã tìm hiểu phật giáo qua Thiền Tông, thì Thiền Tông là tông phái lấy TRÍ HUỆ làm gốc. Điều bác Quý nói chỉ đúng cho Thiền, chứ không đúng cho các tông khác, ví dụ Tịnh độ, hay mật tông. Mà ngay cả trong Thiền, Trí huệ cũng sẽ dẫn tới từ bi. Ví dụ, Suzuki, sau khi thiên kinh vạn quyển viết bộ Thiền Luận dầy tới cả ngàn trang, vào lúc cuối đời, cũng phải công nhận là điểm cuối cùng của Thiền cũng là từ bi như một ứng sử xã hội.
Tất nhiên, trong ba điều trên, thì TỪ BI là cái minimum mà người theo đạo Phật phải có, nên tác giả cuốn sách dùng nó khi nói về đạo Phật không sai, nó chỉ không đủ. Nhưng biện luận cái không đủ của mình do chủ nghĩa Mác-Lê nin là sai, có lẽ nó là một sự ngụy biện mà người ta hay dùng ở VN, để biện hộ cho việc “vụng mùa lại chê đất lệch”. Cái gì cũng có thể đổ tội cho “Mác-Lê nin”, nhưng thực chất có khi chỉ là.. dốt hay tìm hiểu không đủ mà lại không muốn nhận sai lầm.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Nov 10 2021, 10:09 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #60

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 6.994
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.792$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tôi viết thêm ở đây một số trải nghiệm của mình về phật giáo, như để hưởng ứng chủ đề học phật youtube của bác Quý, dù tôi mới chỉ xem và nghe cái video đầu tiên, những tôi hứa sẽ xem hết. Vấn đề là bác ấy nói tương đối dài, nên phải có thời gian nghe. Tôi thấy rất thú vị những cảm nhân của bác ấy khi tá túc ở Trúc Lâm, hay quan niệm của bác ấy về phạt giáo làm tăng cường khả năng con người. Ngược lại tôi chỉ có cảm nhận tự học qua sách vở rồi từ đó trải nghiệm cá nhân. Với Thiền tông, điều cảm nhận và ứng dụng đầu tiên với tôi chính là nhưng câu kệ của vua Trần Nhân Tông
“Đối cảnh tâm không động.
Tịnh tâm chớ hỏi Thiền”
Rồi
“Tham chi học Phật
Tham chi cầu Thiền
Đói thì ăn.
Mệt ngủ liền”
Câu đầu nói lên hình thức tư duy trực giác (intuition) được Suzuki nói rất nhiều trong cuốn thiền luận của mình, nhưng nguyên tắc của nó khá đơn giản, và thực ra là thiền Tào động. Có nghĩa là khi gặp một vấn đề phải giải quyết, nhiều khi người ta không có tất cả thông tin để sử lý nó. Đồng thời những thông tin này lại có tác dụng gây nhiễu loạn tâm lý. Như vậy mọi việc được quyết định không phải là duy lý, mà là linh cảm trực giác. Linh cảm này bao gồm cả nhận thức và kinh nghiệm trong một trạng thái hành động không bị nhiễu loạn tâm lý. Việc bên ngoài ở đây là CẢNH (giống như từ cảnh quan, cảnh vật), tức là thế giới bên ngoài. Cũng nên lưu ý là vì phật giáo là triết học hiện tượng, nên người ta nói tới CẢNH mà không nói tới VẬT (object), vì thế giới bên ngoài cũng chỉ là thế giới hiện tượng, tồn tại theo nhân duyên. Nhân duyên còn nó còn, nhân duyên hết nó hết, không phải là một VẬT tồn tại mãi mãi. Trong phật giáo không có quan niệm VẬT, vì tất cả đều là hiện tượng, tồn tại vì nhân duyên, chỉ có thời gian tồn tại dài ngắn khác nhau mà thôi. Thời gian tồn tại này sẽ tạo ra 4 trạng thái
Khái niệm TÂM còn phức tạp hơn nhiều, và không thể dịch ra tiếng nước ngoài. Trong các sách phật giáo phương Tây, nó được dịch là Esprit: tiếng Pháp, hay Mind: tiếng Anh, nhưng nó hoàn toàn không liên quan. Khái niệm Esprit/Mind chỉ phần tinh thần kiểu thiên chúa giáo, vì thế trong trường hợp này, phật giáo được hiểu theo quan niệm duy tâm (idealism) kiểu phương Tây.
TÂM trong trường hợp câu kệ trên của vua Trần Nhân Tông là nhằm để chỉ trạng thái bản nguyên của hệ thống điều khiển con người. Nếu nó còn ở trạng thái “nguyên bản”, thì đây là CHÂN TÂM. Còn nếu hệ thống điều khiển con người này bị nhiễu loạn, do các ảnh hưởng tâm lý ví dụ như tham, sân, si , thì nó “vong bản”(theo từ của vua Nhân Tông là ĐỘNG, động tâm), không còn là CHÂN TÂM nữa, và khi sử lý mọi việc với một cái TÂM vong bản, vọng động, thì ta sẽ tạo nghiệp.
Một điều thú vị hơn nữa, không phải chỉ có con người mới có CHÂN TÂM, mà bản thân vạn vật đều có CHÂN TÂM. Đây là điều khó hiểu với người không học đạo Phật, và có lẽ với cả phật tử, nếu họ không tìm hiểu cẩn thận. Không những thế, CHÂN TÂM CHỈ CÓ MỘT VÀ NÓ LÀ KHÔNG.KHÔNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG TỒN TAI? MÀ LÀ TỒN TẠI TIỀM ẨN.
Điều này đươc chỉ ra trong kinh Lăng Nghiêm, ngay phần đầu của kinh có một đoạn vấn đáp rất dài giữa Phật Thích Ca và ngài A nan đà, để tìm hiểu TÂM ở đâu, chính là ý này (nếu các bác đọc vượt được qua cơn buồn ngủ để tìm hiểu, vì đọc kinh để hiểu nhiều khi cũng phức tạp, phật tử thường đọc kinh như một hình thức tìm phù hộ, nhưng bản thân chúng đều là những tác phẩm triết học, nên phải hiểu nghĩa). Để hiểu khái niệm TÂM này, có thể coi nó như LINH, trong quan niệm “vạn vật hữu linh” truyền thống thì người ta tiếp cận nó dễ hơn..
Trong các công án của Thiền Lâm Tế, cũng có điều này. Ví dụ cái công án này.
“Hoàng Bá thủa nhỏ học với Mã Tổ, một lần hai người đi ra bờ một cái hồ. Trên hồ có hai con vịt, thấy động liền cất cánh bay. Mã Tổ hỏi Hoàng Bá “đi đâu rồi”. Hoàng Bá trả lời “bay mất rồi”. Mã Tổ liền véo mũi Hoàng Bá một cái thật đau. Hoàng Bá chợt hiểu, khóc hu hu vì .. ngộ”.
(tôi không nhớ chính xác tên tuổi hai thiền sư, chỉ nhớ mang máng đây là công án của Tứ Tổ Thiền với Ngũ Tổ Thiền, còn ngũ tổ thiền thì là thầy của Thiền Sư Lâm Tế. Vì thế tên tuổi tôi viết ở đây có thể chính xác hay không chính xác, mọi người có thể tra tìm cái công án này trên mạng, bây giờ tài liệu phật giáo trên mạng nhiều, không sợ thiếu, chỉ sợ ..lẫn. Sự không chính xác này không ảnh hưởng tới nội dung của nó, mà tôi phân tích dưới đây).
Hoàng Bá khóc hu hu vì ngộ, bởi câu Mã Tổ hỏi không liên quan trực tiếp tới hai con vịt bay đi mất. Sự bay này chỉ là cái cớ để nói tới cái tiềm ẩn nằm sau hiện tượng “con vịt bay”. Cái tiềm ẩn này luôn luôn thường tồn, mà hiện tượng con vịt bay hay không, không ảnh hưởng. Nhưng đáng lẽ giải thích, thì sẽ dẫn tới sự ngộ nhận tiếp tục của Hoàng Bá, nên Mã Tổ mới véo mũi Hoàng Bá một cái, như để cảnh tỉnh Hoàng Bá đừng sa vào cái lô gics “vịt bay” tiếp nữa mà phải.. lùi ra, để hiểu cái tiềm ẩn đằng sau. Hoàng Bá hiểu cái tiềm ẩn này, tức là ngộ. Nói theo kiểu hiện đại là đi từ hiện tượng tới bản thể.
Công án này với đoạn trong kinh Lăng Nghiêm là giống nhau, đều nói về một điều. Đó là CHÂN TÂM THƯỜNG TỒN. Có điều Phật Thích Ca dùng lô gic hỏi đáp, còn Mã Tổ dùng trực quan.
Như vậy “đối cảnh tâm không động” tức là sử lý mọi việc theo CHÂN TÂM, điều đó là Ngộ đạo phật. Trong điều kiện đó thì tâm đã tịnh, cần gì tới Thiền. Như vậy, Thiền định, mà theo Tào động là “chỉ quán đả tọa”, chính là cách tập để tâm lắng đọng, không vọng động.
Cũng chính vì CHÂN TÂM chỉ có một, nên trong Thiền mới có thuyết “dĩ tâm truyền tâm”. Đây không phải là việc ông Thiền sư này truyền ý tưởng nhận thức cho ông thiền sư kia qua con đường bí mật “nằm ngoài ngôn ngữ “ bằng đấm đá hò hét, mà là một khi mỗi người bỏ cái vọng tâm của mình rồi, các vọng tâm này đều khác nhau, phụ thuộc từng cá thể, thì cái còn lại của họ là CHÂN TÂM giống nhau, chính xác là một.
Chính vì thế mới có câu chuyện thế này. Shiran, là tổ của dòng tịnh độ chính tông Nhật bản, khi bắt đầu học phật ông theo tông Thiên Thai, rồi theo tông tịnh độ (chính từ tông tịnh độ này mà ông đề xướng ra tịnh độ chính tông). Thầy của Shiran khi ông học tịnh độ là Honen. Một hôm khi các học trò nói chuyện với nhau, Shiran mới nói là tâm của tôi cũng là tâm của thầy. Những học trò khác liền đem điều đó mách với Honen, vì họ coi đó là phạm thượng, vô lễ với thầy. Nhưng họ đã ngạc nhiên khi Honen nói rằng, điều đó là đúng. Nó là đúng vì CHÂN TÂM chỉ có một. Sau này, nhờ vào sự khuyến khích của thầy mà Shiran lập ra tịnh độ chính tông.
Nhưng con người sinh hoạt bình thường, tức là nhập thế, hành động thế nào để giữ được chân tâm. Đây chính là câu tiếp theo mà tôi vẫn sử dụng như mantra (câu chú) để học.
“Tham chi cầu Phật.
Tham chi cầu Thiền.
Đói thì ăn.
Mệt ngủ liền”
(cái câu này tôi cũng không nhớ được chính xác ở câu thứ hai, không phải là Tham mà là một từ khác, nhưng ý nghĩa của nó tôi phân tích dưới đây cũng không ảnh hưởng)
Ý nghia của nó là hành động theo tự nhiên. Nếu hành động theo tự nhiên thì sẽ giữ được chân tâm. Cũng có một công án nói về điều này. Tôi sẽ viết ở đây, để hiểu quan niệm tự nhiên trong phật giáo.
“Thừa Tướng Hữu đến tham vấn thiền với Thiền Sư Triều Châu. Thừa tướng muốn biết thế nào là ngộ. Sau buổi tiếp kiến, thừa tướng ra về, đi đến cửa Thiền sư chợt gọi “Hữu”. Thừa tướng quay đầu trở lại liền … ngộ”.
(ở đây tên thiền sư tôi cũng nhớ không chính xác. Nhưng nó cũng không ảnh hưởng tới nội dung công án phân tích dưới đây).
Cái ngộ này của thừa tướng Hữu có giống cái ngộ của Hoàng Bá ở trên không. Không. Cái ngộ này nằm ở bình diện hành động, rất cần cho người tu nhập thế, khi người ta là cư sĩ, vì thừa tướng Hữu không phải là tăng, và hiển nhiên môi trường của ông tu tập cũng khác.
Vậy cái Ngộ này ở đâu. Nó ngộ vì hành động của thừa tướng khi quay lại là hoàn toàn tự nhiên. Được gọi thì quay lại. Trong trường hợp nay, CHÂN TÂM không động. Khi người ta hành động như thế này, thì được gọi là TÍNH. Chữ TÍNH này giống như trong câu tục ngữ “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Tất nhiên ta có thể phản bác là, hành động này khác gì phản xạ tự nhiên của các loài vật, như là dạng phản xạ vô điều kiện. Nhưng không phải. Tại sao ? vì ở đây Thừa Tướng quay lại vì được gọi tên. Nhớ tên tuổi của mình không phải là phản xạ vô điều kiện, vì đây là nhân tạo. Con người sinh ra làm gì có tên, làm sao có nhận thức tên một cách tự nhiên. Tên chỉ có do cha mẹ đặt ra, và nó là một quá trình nhận thức.
Tại sao thừa tướng Hữu lại ngộ. Để hiểu điều đó, thì hãy tưởng tượng thêm thắt một chút vào cái công án thì sẽ rõ. Nếu khi thừa tướng quay lại rồi sẽ nổi xung lên trong đầu nghĩ rằng “cái thằng cha thiền sư kia láo, sao dám gọi cụt lủn tên ta, đường đường là một thừa tướng mà nó dám hốn láo thế”. Trong trường hợp này, thì thừa tướng Hữu không ngộ mà sẽ si mê, và tất nhiên suy nghĩ này, cũng như những hành động tiếp theo cái lô gic ấy sẽ tạo nghiệp. Trong trường hợp này CHÂN TÂM SẼ ĐỘNG THÀNH VỌNG TÂM.
Bây giờ ta hãy tưởng tượng tiếp. Có một viên quan hầu đi cùng với Thừa Tướng nhìn thấy sự việc này, nên muốn lấy công. Khi thiết triều hôm sau, triều thần đang trang nghiêm, hắn lại xông ra gọi “Hữu”. Nếu thừa tướng Hữu đã ngộ thì phải hành động thế nào. Hành động đó là cho lính lôi viên quan kia ra đánh cho 100 roi vì tội phạm thượng. Tại sao ? bởi điều này không liên quan gì tới cá nhân thừa tướng cả, mà liên quan tới kỷ cương của triều đình. Lôi viên quan kia ra đánh cho 100 roi là hành động đúng theo nhân duyên.
Đến đây có lẽ tôi nói rõ được ý thế nào là hành động theo tự nhiên rồi. Và vì thế chỉ cần nói tiếp cái câu này nữa là các bác sẽ hiểu. Chính vì thế mà có câu
“trực chỉ chân tâm, kiến tính thành phật”. Trực chỉ chân tâm là nhìn thấy cái bản thể tự nhiên con người. Kiến tính là hành động đúng với nhân duyên, thuận tự nhiên. Khi hành động đúng nhân duyên, tự nhiên, không bị xáo động bởi các yếu tố tâm lý, nhận thức sai lạc mà tôi gọi là chấp .. tác động thì chân tâm không vọng động. chân tâm không vọng động thì là .. phật.
Nhưng điều tôi nói trên đây chính là thiền Trúc Lâm, vì nó là của vủa Trần Nhân Tông.
Khi người ta hành động được đúng theo chân tâm, thì các hành động ấy bản chất sẽ là từ bi không cần suy nghĩ, mà hoàn toàn tự nhiên. Như vậy có trí huệ ngộ được chân tâm là nhân (nguyên nhân) và quả (hệ quả) của nó sẽ là từ bi một cách automatic. Vấn đề là ngộ được cái chân tâm này và hành động đúng theo nó không dễ. Vì thế cũng nên hiểu từ bi là gì, như là cái chuẩn xã hội để đánh giá lại .. mức độ ngộ.
Tại sao lại thế thì tôi sẽ nói tiếp về tư bi, các bác sẽ rõ.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Thiền Học & Tôn Giáo · Bài mới tiếp theo »
 

7 Trang « < 4 5 6 7 >
Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC