Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

2 Trang  1 2 > 

· [ ] ·

 Khái niệm Luân Hồi

NVT2002
post Feb 15 2003, 09:40 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Cũng như bác Phó, tôi cảm thấy điều khúc mắc lớn nhất khi nghiên cứu đạo Phật là việc quan niệm Luân Hồi qua nhiều kiếp. Một số người như Compag ở CLB Thiền học đã đưa một số dẫn chứng về tiền kiếp, nhưng tôi cho rằng những câu chuyện đó chưa thuyết phục. Bởi vì cũng như chuyện đĩa bay và người ngoài hành tinh, chưa có ai trong chúng ta được tận mắt chứng kiến những trường hợp đó cả. Tôi viết chủ đề này không chỉ để bàn về khái niệm Luân Hồi trong đạo Phật mà còn muốn nói đến khía cạnh khoa học và triết học của khái niệm đó. Vì vậy, mong các bạn không đem chuyển nó qua bên CLB Thiền học.

Đứng giữa Duy Tâm và Duy Vật là trường phái nhị nguyên luận, điển hình là các triết lí của Đạo Phật. Để giải thích cho câu hỏi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu? thì có 3 câu trả lời như sau

- Người tin vào một Thượng đế hay thần linh thì cho rằng trước khi một con người được sinh ra, con người không hiện hữu, rồi người ấy được sinh ra qua ý định của Thượng Ðế. Trong đời sống con người tùy theo tín ngưỡng và hành động mà người ấy sẽ được lên thiên đàng vĩnh hằng hay đọa lạc nơi điạ ngục vĩnh viễn.

- Các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, các nhà khoa học đã tuyên bố rằng con người xuất hiện từ những nguyên nhân tự nhiên, sống rồi chết, sự hiện hữu ấy không ngừng.

- Phật giáo không thừa nhận những lối giải thích này. Lời giải thích thứ nhất gặp nhiều vấn đề về đạo đức. Vì nếu có một vị Thượng Ðế tốt tạo ra mỗi chúng ta, điều đó thật khó giải thích tại sao có quá nhiều người khi mới sinh ra bị dị dạng đến ghê tởm, hay tại sao có quá nhiều đứa trẻ sẩy thai trước khi sinh. Những vấn đề khác với lời giải thích của thuyết hữu thần dường như rất bất công, rằng một người sẽ phải chịu đau khổ vĩnh viễn trong địa ngục do vì những tội lỗi anh ta đã tạo ra trong vòng sáu mươi hay bảy mươi năm trên đời này. Sáu mươi hay bảy mươi năm của một đời người không có tín ngưỡng và vô đạo đức thì không đáng để chịu những hình phạt vĩnh viễn như vậy. Cũng thế, sáu mươi hay bảy mươi năm của một người có tín ngưỡng và đạo đức chỉ là một kết quả nhỏ đâu thể có một cuộc sống sung sướng vĩnh viễn ở trên thiên đàng. Cách giải thích thứ hai khá hơn cách thứ nhất và có nhiều chứng cứ khoa học hơn để hỗ trợ cho điều đó, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi quan trọng trên. Làm sao một hiện tượng quá phức tạp đến ngạc nhiên khi ý thức có thể phát triển từ một cuộc tiếp xúc đơn giản của hai tế bào, tinh trùng và trứng? Và hiện nay theo khoa cận tâm lý được thừa nhận là một phần của khoa học, hiện tượng đó giống như thần giao cách cảm tạo ra khó khăn để thích hợp với khuôn mẫu thiên về của tư tưởng duy vật.

Phật giáo đã cung cấp lời giải thích thỏa đáng nhất về việc con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu. Khi chúng ta chết, thần thức, với tất cả những khuynh hướng sở thích, tài năng và tính tình có sẵn và tùy thuộc vào đời sống này, chính nó sẽ tái thiết lập ở trong trứng thụ tinh. Như vậy, một cá nhân trưởng thành, là sự tái sinh và sự phát triển nhân cách, được quy định bởi hai yếu tố tính chất tinh thần trong quá khứ và môi trường sống mới. Nhân cách sẽ thay đổi và sẽ được bổ sung bởi những nỗ lực của ý thức và những yếu tố trong sinh hoạt như giáo dục, ảnh hưởng của cha mẹ và xã hội và một lần nữa cái chết xảy ra, rồi chính nó lại tự tái lập trong một trứng thụ tinh mới. Tiến trình sinh tử, tử sinh này sẽ tiếp tục lập đi lập lại cho đến khi tham ái và vô minh đoạn diệt. Khi một người làm được như thế, thay vì tái sinh thì tâm của họ đạt được một trạng thái, được gọi là Niết bàn và đó là mục đích tối hậu của đạo Phật và cũng là mục tiêu của cuộc sống.

Ðạo lý luân hồi thường được người ta hiểu một cách nông cạn. Hầu hết mọi người khi nghe hai tiếng Luân Hồi đều nghĩ đến một sự tiếp nối sinh hoạt trong nhiều xác thân của một chiếc linh hồn cố định. Người ta nghĩ rằng khi chết, linh hồn sẽ rời khỏi xác thân để đi vất vơ vất vưởng trong hư không, đợi nhập vào một xác thân mới sinh, hoặc là xuống âm phủ chịu cực hình trước khi đi đầu thai làm thân người hay thân trâu ngựa ...
Thực ra, đạo Phật chủ trương rằng sau khi con người chết, không có cái gì thoát ra ngoài xác thân để rồi nhập vào một xác thân khác cả. Như chúng ta đã biết, đạo Phật dạy rằng sinh mạng là sự cấu hợp liên tục của ngũ uẩn, tức là những yếu tố sinh lý, tâm lý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Sắc uẩn là phần vật chất. Thọ uẩn, tưởng uẩn , hành uẩn và thức uẩn là phần tinh thần. Những tác dụng tinh thần nầy chỉ có thể "hiện hành" được khi có căn cứ phát sinh. Căn cứ phát sinh đó là phần thể xác, sinh lý; cũng vì thế mà thể xác được gọi là thân căn. Nếu thân căn thiêu hoại, các tác dụng tâm lý kia không hiện hành nữa mà trở lại thế tiềm phục, nghĩa là trở thành chủng tử.

Nếu căn thân là một cấu hợp của tứ đại chủng, luôn luôn chuyển biến, thì những tác dụng tinh thần kia cũng hợp thành một dòng liên tục biến động không ngừng. Con người của ta đổi mới từng giây phút; thân xác trong giờ phút trước. Dòng tâm lý kia cũng vậy, luôn luôn biến động. Mỗi phút, có những cảm giác mới, những tư tưởng mới, đến thay cho những cảm giác và những tư tưởng cũ đang phai dần, hoặc đang nép sâu vào ký ức - đang lùi về tiềm thế chủng tử -- Vì luôn luôn biến chuyển, nên dòng tâm lý ấy không phải là một cá thể đồng nhất, vĩnh cữu, do đó, không thể gọi là một bản ngã được. Cái mà người ta cho là linh hồn phải là một bản ngã đồng nhất, bất biến, làm chủ thể cho sinh mạng. Ở đây, đạo Phật chủ trương không có bản ngã, nghĩa là không có linh hồn: những tác dụng tâm lý của con người vẫn chỉ là những tác dụng tâm lý. Chúng phát hiện và hoạt động khi có điều kiện (thân căn sinh hoạt) và trở về trạng thái chủng tử tiềm phục khi các điều kiện kia tan rã (thân căn tiêu hoại).

Nhiều người quả quyết rằng núp sau các hiện tượng sinh lý vật lý luôn luôn biến chuyển kia, phải có một yếu tố bất biến. Chính yếu tố đó là linh hồn, và chính linh hồn đó tự nhận mình là một bản ngã. Nếu không có linh hồn đó thì làm sao giải nghĩa được cái tính chất đồng nhất nó tồn tại qua mọi biến chuyển, tính chất đồng nhất mà mọi người đều cảm thấy ở tự thân mình hoặc ở bản thân một người khác.

Nhưng xét kỹ, tính chất đồng nhất ấy chẳng cần đòi hỏi sự hiện hữu của một bản ngã, một linh hồn nào cả.


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 16 2003, 01:20 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Chuyện liên quan đến hồn,kiếp này hình như tôi đã đề cập tới trong "luẩn quẩn" thì phải. Đối với tôi đây cũng là điều khúc mắc, khó hiểu nhất trong tư duy phật giáo. Trong Phật giáo, chỉ có Nghiệp là tồn tại sau khi người ta chết, chứ không có Hồn. Nhưng thông thường thì trong dân gian người ta vẫn hiểu như tdna đã viết ở trên. Trong các kinh Nam tông (chính xác lời phật Thích Ca để lại), Phật Thích Ca đã tranh luận với rất nhiều các học phái khác ở Ấn độ thời đó, phủ định sự tồn tại của một linh hồn bất tử, là vật trung chuyển giữa các kiếp người. Hiện tại thì tôi hiểu nghiệp giống như một loại năng lượng còn tồn tại, là cú đẩy tiếp tục trong dây chuyền luân hồi. Nhưng cách hiểu này của tôi cũng không thật sự thoả đáng. Một điều đặc biệt nữa là khái niệm luân hồi rất phổ biến trong phật giáo dân gian, vì nó là một cách giải thích tương đối thoả đáng cho các hành vi đạo đức. Ngược lại trong Thiền, khái niệm luôn hồi này rất mờ nhạt, và hầu như không được nhắc tới. Trong Thiền người ta chú trọng đến tính "vô thường", rồi "Nhân duyên" nhiều hơn. Lúc này khái niệm đạo đức không còn được hiểu như là giữ giới, mà được hiểu như hành động thuận theo tự nhiên, gần như kiểu "Vô vi" trong đạo Lão. Như vậy theo tôi, nếu không muốn sa vào cái bẫy luân hồi của tư duy phật giáo, thì nên học thiền. Đấy cũng là con đường học phật của các nhà sư Vn từ trước tới nay.
Ở trên bác NVT2002 có đề cập tới vấn đề duy vật duy tâm. Theo tôi thì phật giáo không duy vật cũng không duy tâm, mà nó chỉ là "duy ý chí", coi trọng sự cảm nhận thế giới bên ngoài thông qua nội tâm của ta hơn là chính thế giới bên ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta nhìn mọi hiện tượng khách quan bằng "cái tôi", mà phải loại bỏ "cái tôi" để nhìn sự việc cho nó chính xác. Đây là khái niệm "vô ngã" trong nhà phật. Khác với phương Tây,nơi người ta phân chia rõ ràng phần tinh thần và vật chất. Trong phật giáo nói riêng và triết học phương đông nói chung, người ta không phân biệt tinh thần với vật chất. Cũng chính vì thế mà phật giáo thoát khỏi được vấn đề tạo dựng một ông Thượng đế quản lý phần tinh thần này. Phần tinh thần của con người trong Phật giáo là cái bản thể chung của toàn thể vũ trụ (Thiên Địa Nhân đồng nhất thể), Ngược lại trong tư duy phương Tây nó là cái được ấn định từ ngoài vào.
Như vậy triết học phương đông (ví dụ Phật giáo) là học thuyết immanence(bản thể nẳm trong sự vật), còn triết học phương Tây (vi dụ Thiên Chúa giáo) là học thuyết trancendance(bản thể được cấy vào sự vật).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Feb 16 2003, 05:50 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE
Như vậy triết học phương đông (ví dụ Phật giáo) là học thuyết immanence(bản thể nẳm trong sự vật), còn triết học phương Tây (vi dụ Thiên Chúa giáo) là học thuyết trancendance(bản thể được cấy vào sự vật).


Thiên Chúa Giáo không phải là Triết Học, cũng không phải Duy Tâm. Thiên Chúa Giáo dựa trên căn bản Kinh Thánh - được coi là lời của đấng Tạo Hoá - và có hẳn một môn Thần Học để nghiên cứu về cái này. Kinh Thánh là một cuốn sách - theo các nhà Thần học TCG - khác hẳn mọi cuốn sách khác trên đời, vì các cuốn sách khác đều là sản phẩm tư duy của con người đều có nguồn gốc thế tục, còn Kinh Thánh thì không, Kinh Thánh có nguồn gôc thiêng liêng - đó là ý của Thượng Đế.

Phật Giáo cũng là Duy Tâm " Nhất thiết duy Tâm tạo " , hay Duy Thức thì Thức cũng là Tâm thôi. Nhưng có lẽ Phật Giáo là Duy Tâm Khách Quan, là Duy Tâm Vô Thần.
Phật Giáo là Tôn Giáo Vô Thần. Trên thế giới có 3 tôn giáo lớn thì chỉ có Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo đúng nghĩa là Tôn Giáo vì có Thần Minh có thiêng liêng, còn Phật Giáo không có Thần Minh, không có thiêng liêng . Nhưng có lẽ đặc điểm của tư duy loài người là nhu cầu Hữu Thần nên ở châu Á vốn có 3 tư tưởng lớn là Lão, Phật , Nho mà đều Vô Thần , thì dần dần đã bị Hữu Thần Hoá để trở thành Tôn Giáo. Riêng Nho Giáo vì Nhập Thế nên trở thành một một thuyết chính trị xã hội , còn Phật Giáo đã bị hữu thần hoá qua việc du nhập các yếu tố hữu thần của đạo Ba la Môn để trở thành một tôn giáo phiếm thần, và Lão giáo du nhập các tín ngưỡng dân gian để trở thành một thứ đạo thần tiên, thoát tục nặng mê tín dị đoan.

Nói rằng chỉ với cuộc sống 6, 7 chục năm trên cõi trần mà bị phạt hay được thưởng đời đời là một bất công thì cũng chỉ là một cách đánh giá theo tư duy của con người có vẻ vô lý ...nhưng nếu nói không có Thượng Đế, mọi sự cứ tự nhiên vận hành cực kỳ tinh vi hoặc có luân hồi theo một qui luật bí hiểm một cách tự nhiên cũng vô lý nốt . Vì thế đã có thứ tôn giáo mới gọi là Thông Thiên Học, kết hợp cả các khái niệm Thượng Đế sáng tạo lẫn khái niệm Luân Hồi , nghiệp báo để giải thích các hiện tượng khó hiểu trên ....



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 16 2003, 05:40 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



To yuyu,
Thực ra trong khi dịch duy tâm (idealisme) đối diện với duy vật(materialisme) vốn bắt nguồn từ thuật ngữ triết học phương Tây ra, người ta đã sử dụng vốn từ triết học phật giáo. Theo tôi, điều này đã dẫn đến sự hiểu sai lầm khái niệm Idealisme và Materialisme của phương Tây. Nguyên do cũng bởi chữ "Tâm" mà ra. Trong triết học phương Tây không có khái niệm Tâm, vốn có từ Phật giáo. Tâm với triết học Á đông bao gồm cả Lý(raison, inteligence) và Tình(sentiment). Ở châu Á, người ta vẫn coi Tim(Tâm) là nơi "thông minh" nhất trong cơ thể con người. Trong nhận thức phương Tây, hoàn toàn không có tư duy ấy, cũng như không có sự lẫn lộn giữa Lý và Tình. Idealisme bắt nguồn từ chữ gốc là Idea mà ra. Idea là tư tưởng, nhưng không phai là tư tưởng của con người mà là ý chí của Chúa Trời. Lý thuyết cho rằng thế giới, vạn vật, con người được bắt nguồn từ ý chí riêng tư của Chúa Trời, do Chúa tạo ra thì được gọi là Idealisme. Đây là khái niệm triết học transcendance theo kiểu phương Tây như tôi đã đề cập ở trên. Nó đối nghịch với khái niệm Materialisme, coi sự hình thành thế giới,vạn vật, con người từ những vật chất vô tri vô giác, và đăc biệt là không theo ý chí của một đấng tối cao.
Khái niệm Tâm ở châu Á khác hẳn, nó không phải là ý chí của một đấng tối cao. Tâm vừa nằm trong mọi vật(immanence), vừa chỉ khái niệm chủ quan. Tất cả các triết học, tôn giáo châu Á, từ đạo Phật, đạo Nho, rồi đạo Lão không có đạo nào quan niệm thế giới được tạo ra từ ý chí một đấng tối cao nào cả. Với Phật giáo, vạn vật tồn tại là do nhân duyên, Phật giáo cũng không đi tìm điểm khởi đầu của vũ trụ, cũng như điểm cuối cùng của nó. Với Nho giáo, Lão giáo, vạn vật được tạo nên bởi Khí, có thể coi là năng lượng. Như vậy tất cả triết học, tôn giáo châu Á phải được coi là Materialisme theo tư duy phương Tây.

Đối với tôi, mọi tôn giáo đều là một thứ triết học thực hành. Thiên Chúa giáo cũng không ra ngoài lệ đó.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Feb 16 2003, 07:45 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



To PTN
Tôi viết xong bài dưới đây thì lại đọc bài của bác , thôi để khi khác tiếp vì tôi không đủ thì giờ, nhưng xin nhắc lại là Thiên Chúa Giáo không phải là Triết Học vì nó không phải là tư tưởng của con người, mà là ý của Chúa thông qua các tiên tri của Ngài - theo quan niệm của các nhà Thần Học TCG - khó có thể nói đó là tư tưởng của các thánh tông đồ vì những người viết ra Tân, Cựu Ước và Koran đều là những người không có văn hoá cao như Moise chỉ là người chăn cùu, Phero, Mathieu chỉ là ngư phủ, còn Mahomed thậm chí mù chữ ...NHưng thôi để khi khác nói về cái này ....

Tư tưởng về Luân Hồi có lẽ là tư tưởng phổ biến ở Á Đông, đã có trước rất lâu khi Phật Giáo ra đời.
Trong các tư tưởng triết học cổ đại của Trung Hoa và Ấn Độ, yếu tố Thời Gian không quan niệm là một đường thẳng như trong tư tưởng triết học phương Tây mà là một hình tròn , không đầu không cuối ....Quan niệm về Dịch của Trung Hoa cho thấy Vũ Trụ Nguyên Thuỷ biểu hiện như một vòng tròn đó là Thái Cực. Trong Thái Cực đã có sẵn mầm mồng của hai yếu tố đỗi đãi Âm – Dương và không ngừng chuyển động , đắp đổi cho nhau : Âm – Dương – Tiêu - Trưởng . Âm Trưởng đến cùng cực thì bắt đầu Tiêu, trở thành Thái Âm để bắt đầu vào chu kỳ Thiếu Dương, Dương Trưởng đến cùng cực thành Thái Dương thì lại Tiêu để biến thành Thiếu Âm cứ thế mà Tuần Hoàn không ngừng thành một vòng tròn ...Nếu đi ngược đến cùng của Âm – Dương thì là Thái Cực – là Khí . Khí là gì ? Khí chẳng phải Vật Chất cũng chẳng phải Tinh Thần mà chỉ là một trạng thái Siêu Hình bản thể của Vũ Trụ chỉ thể hiện khi không còn Vận Động Âm – Dương - Tức cũng là khi Thế Giới Tan Biến, huỷ diệt . Nhưng cái gì làm vận hành cái Khí bản thể của Vũ Trụ ? thì trước Khí là cái Lý. Nhưng Lý không phải là Thượng Đế như quan niệm phương Tây, vì Lý tuy chi phối tất cả , nhưng nó lạnh lùng Vô Tri Vô Giác không ban phúc, giáng hoạ như thần linh hay Thượng Đế. Có lẽ nó gần giống Nhân trong Nhân – Duyên - Quả của Phật Giáo.
Trong đạo Hindu người ta tin rằng cuộc sống phụ thuộc vào những chu kỳ sáng tạo và huỷ diệt . Lịch sử thế giới từ lúc hình thành đến lúc huỷ diệt chia làm 4 Yuga ( những thời kỳ « quá độ » rất dài , các Yuga này lại tạo thành một Kalpa « một ngày trong cuộc đời của Brahma ». Người ta nói là vũ trụ ở vào thời kỳ thứ tư ; trong đó Kala kẻ huỷ diệt vũ trụ đã trở thành một mối nguy đối với loài người và điều cốt tử đối vói một nhà vua là phải duy trì trạng thái « Dharma », tức là trật tự đã được thiết lập để chống lại sự hỗn loạn, suy đồi. Loài người trong kiếp trần tục này phải chịu một chuỗi tái sinh theo qui luật của Karma ( Nghiệp Chướng), mỗi lần tái sinh đều được cân bằng công và tội trong các kiếp trước. Điều này sẽ diễn ra mãi, cho đến khi tâm hồn con người tẩy rửa hết mọi tội ác, lỗi lầm mới hoà tan được vào vũ trụ thiêng liêng ...
Đức Phật Thích Ca khi sáng lập học thuyết của mình như vậy thực chất đã tiếp thu học thuyết của đạo Hindu về Nghiệp Chướng và sự Luân Hồi . Và muốn Giải Thoát thì phải tin vào Tứ Diệu Đế và tu tập theo Bát Chính Đạo .

Theo Từ Điển Phật Học :
-Tứ Diệu Đế : ( 四 妙 諦 ) Sankrit : catvāri ārya-satyāni; Pal: cattāri ariya-saccāni, ( cũng còn gọi là Tứ thánh đế (四 聖 諦)
Bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của giáo pháp đạo Phật. Bốn chân lí đó là:
1.Khổ đế (苦 諦; s: duḥkhasatya), chân lí về sự Khổ;
2.Tập khổ đế (集 苦 諦; s: samudayasatya), chân lí về sự phát sinh của khổ;
3.Diệt khổ đế (滅 苦 諦; s: duḥhanirodhasatya), chân lí về diệt khổ;
4. Ðạo đế (道 諦; s: mārgasatya), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ.
Chân lí thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ uẩn (五 蘊; s: pañcaskandha; p: pañcakhandha), là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ.
Chân lí thứ hai cho rằng nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: taṇhā), tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi (輪 迴; s, p: saṃsāra).
Chân lí thứ ba nói rằng một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
Chân lí thứ tư cho rằng phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh (無 明; s: avidyā; p: avijjā).
Theo truyền thuyết, thông qua sự khám phá Tứ diệu đế, Ðức Phật đạt Giác ngộ (覺 悟; s, p: bodhi). Ngài bắt đầu giáo hóa chúng sinh bằng giáo pháp này, tại Lộc uyển.
Phật thuyết như sau về Tứ diệu đế trong kinh Chuyển pháp luân (bản dịch của Thích Minh Châu):
« Này các tỉ-khâu, đây chính là Khổ thánh đế: sinh là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỉ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xả li, giải thoát, tự tại đối với các ái.
Này các tỉ-khâu, đây chính là Ðạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt Khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. »

- Bát Chính Đạo :
八 正 道; S: aṣṭāṅgika-mārga; P: aṭṭhāṅgika-magga;
Con đường tám nhánh giải thoát khỏi Khổ (s: duḥkha), là chân lí cuối cùng của Tứ diệu đế. Bát chính đạo là một trong 37 Bồ-đề phần hay 37 giác chi (s: bodhipākṣika-dharma).
Bát chính đạo bao gồm:
1.Chính kiến (正 見; p: sammā-diṭṭhi; s: samyag-dṛṣṭi): gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lí Vô ngã;
2.Chính tư duy (正 思 唯; p: sammā-saṅkappa; s: samyak-saṃkalpa): suy nghĩ hay là có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm;
3.Chính ngữ (正 語; p: sammā-vācā; s: samyag-vāc): không nói dối, nói phù phiếm;
4.Chính nghiệp (正 業; p: sammā-kammanta; s: samyak-karmānta): tránh phạm giới luật;
5.Chính mệnh (正 命; p: sammā-ājīva; s: samyag-ājīva): tránh các nghề nghiệp mang lại giết hại như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện;
6.Chính tinh tiến (正 精 進; p: sammā-vāyāma; s: samyag-vyāyāma): phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu;
7.Chính niệm (正 念; p: sammā-sati; s: samyag-smṛti): tỉnh giác trên ba phương diện Thân, khẩu, ý;
8. Chính định (正 定; p: sammā-samādhi; s: samyak-samādhi): tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian (s: arūpa-samādhi, Bốn xứ).
Bát chính đạo không nên hiểu là những « con đường » riêng biệt. Theo Ba môn học, hành giả phải thực hành Giới (chính đạo 3-5), sau đó là Ðịnh (chính đạo 6-8) và cuối cùng là Huệ (chính đạo 1-2). Chính kiến (1) là điều kiện tiên quyết để đi vào Thánh đạo (s: ārya-mārga) và đạt Niết-bàn.
Phật giáo Ðại thừa hiểu Bát chính đạo có phần khác với Tiểu thừa. Nếu Tiểu thừa xem Bát chính đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn thì Ðại thừa đặc biệt coi trọng sự giải thoát khỏi Vô minh để giác ngộ tính Không (s: śūnyatā), là thể tính của mọi sự. Trong tinh thần đó, Luận sư Thanh Biện (s: bhāvaviveka) giải thích như sau: 1. Chính kiến là tri kiến về Pháp thân (Ba thân), 2. Chính tư duy là từ bỏ mọi chấp trước, 3. Chính ngữ là thấu hiểu rằng, pháp vượt trên mọi ngôn ngữ, 4. Chính nghiệp là tránh mọi hành động tạo nghiệp, kể cả thiện nghiệp, 5. Chính mệnh là tri kiến rằng, tất cả các Pháp (s: dharma; p: dhamma) không hề sinh thành biến hoại, 6. Chính tinh tiến là an trú trong tâm thức vô sở cầu, 7. Chính niệm là từ bỏ mọi thắc mắc về có (Hữu), không (vô), 8. Chính định là giữ tâm vô phân biệt bằng cách vô niệm.

- Ngũ Uẩn : 五 蘊 ; S: pañca-skandha; P: pañca-khandha; cũng gọi là Ngũ ấm (五 陰 ), năm nhóm;
Năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái »ta.«
Ngũ uẩn là:
1.Sắc (色; s, p: rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn);
2.Thụ (受; s, p: vedanā), tức là cảm giác;
3.Tưởng (想; s: saṃjñā; p: saññā);
4.Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra);
5.Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa).
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Ðặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn .
Sắc do Tứ đại chủng (s, p: mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của các giác quan. Thụ là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Tưởng là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện. Hành là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác... Thức bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được thành tạo từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái »ta« thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Ðại sư người Ðức Ni-a-na Ti-lo-ka (nyanātiloka) trình bày như sau về tầm quan trọng đó: »Ðời sống của mỗi chúng ta thật chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẽ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng.« Joseph Goldstein cũng viết: « Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ. »



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Feb 17 2003, 08:40 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



QUOTE
Đức Phật Thích Ca khi sáng lập học thuyết của mình như vậy thực chất đã tiếp thu học thuyết của đạo Hindu về Nghiệp Chướng  và sự Luân Hồi . Và muốn Giải Thoát thì phải tin vào Tứ Diệu Đế  và tu tập  theo Bát Chính Đạo .


Ý này của bác chưa chính xác lắm. Tôi nhớ có lần đã đọc được rằng Phật nói :" Nếu tin ta mà không hiểu ta thì tức là báng ta". Vì vậy, quan điểm của Đạo Phật là không đòi hỏi một đức tin mà yêu cầu sự hiểu biết thực sự về những vấn đề của Đạo. Những vấn đề Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn là những khái niệm rất khó. Nếu muốn diễn đạt cho mọi người cùng có thể hiểu được thì chỉ có thể diễn đạt một cách nôm na được thôi. Lúc nào có thời gian tôi sẽ trình bày các vấn đề này. Bây giờ chúng ta sẽ tập chung chính vào vấn đề luân hồi trước đã


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
NVT2002
post Feb 19 2003, 05:04 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

Thiên hạ cãi nhau vô địch thủ
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.989
Tham gia từ: 21-August 02
Thành viên thứ: 203

Tiền mặt hiện có : 58.362$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Gửi bác Phó: Phải mất mấy ngày, tôi mới đọc xong bài của bác trong chủ đề "Luẩn quẩn". Hoá ra là bên CLB Văn hoá có một chủ đề rất hay như vậy từ lâu mà tôi không biết bởi vì cái tên của nó chung chung quá. Nhưng có lẽ theo tôi vẫn nên tách riêng phần thảo luận về Luân Hồi sang một chủ đề riêng vì chủ đề : "Luẩn quẩn" đã quá dài rồi. Bài viết của bác rất hay và sâu sắc, tôi thực sự khâm phục bác đấy !


--------------------
Nguyễn Văn Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 19 2003, 11:57 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #8

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.029
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 49.050$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



To NVT2002,
Vâng, lập một chủ đề luân hồi như thế này là đúng rồi. Trong chủ đề "luẩn quẩn", thực ra tôi chỉ muốn đi tìm một giải thích cho khái niệm Hồn của người Việt thôi. Tất nhiên đã nói tới Hồn thì có dính dáng đến luân hồi, vì văn hoá người Việt đã được nhào nặn lại bởi Phật giáo.
To yuyu,
Có lẽ tôi định nghĩa triết học khác bác. Đối với tôi, triết học là một cách thức tư duy. Tư duy trong thiên chúa giáo phát xuất từ quan niệm Chúa tạo ra muôn loài, con người được Chúa tạo ra và định mệnh cá nhân nằm trong quyền lực của Chúa. Rồi quan niệm linh hồn bất tử. Từ xuất phát điểm này mà triết học phương Tây đã đục sâu đào kỹ ra những luận điểm triết học của nó, như quyền con người (droit de homme), nhân đạo(humanisme), sự tự xử (libre arbitre),... rôi Chúa có tồn tại không ?..v..v.. Trong bất cứ một tôn giáo nào cũng có một cái lõi tư duy, vì thế tôn giáo với tôi cũng là triết học, nhưng là một thứ triết học ứng dụng được thể hiện qua cách ứng sử, phong tục tập quán,...
Đạo Phật quan hệ với đạo Bà La Môn có lẽ cũng giống như đạo tin lành liên quan tới Thiên Chúa giáo. Có nghĩa là đạo Phật đã phát triển trên những nền tảng của đạo Bà La Môn. Về một khía cạnh nào đó, nó có thể là một nhánh cải cách của đạo này. Người ta thường cho đạo Phật là một hình thức phản đồi các tục lệ của đạo Bà La môn, do tầng lớp quý tộc đặt ra đối lại với đạo Bà La Môn là độc quyền của giới tăng lữ.(Xã hội Ấn độ cổ có 4 đảng cấp:tăng lữ, quý tộc, thường dân, hạ lưu). Khái niệm luân hồi và Nghiệp là hai khái niệm chung, đặc trưng cho văn minh Ấn Độ. Đạo Phật là con đẻ của nền văn minh này, cho nên nó cũng có khái niệm luân hồi, nghiệp báo.
Theo tôi bác yuyu đã nhầm khi đồng hoá luân hồi là một khái niệm của Ấn Độ, với khái niệm tuần hoàn của TQ. Ở Ấn Độ, cách đo thời gian giống phương Tây. Nó là một đường thẳng. Ví dụ như Phật Lịch chẳng hạn, bắt đầu bằng năm Phật ra đời. Hay lịch Caka được dùng ở các nước Chân Lạp, Phù Nam, Chăm pa..Khái niệm luân hồi chỉ liên quan đến chúng sinh, tức là các sinh vật sống thôi.
Ngược lại, TQ có quan niệm thời gian tuần hoàn. Vi dụ như Âm lich ta vẫn dùng. Nhưng nó không có quan niệm luân hồi. Luân hồi ở TQ là nhập khẩu từ Phật giáo.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Hưng
post Feb 22 2003, 04:43 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #9

Unregistered









Tư tưởng luân hồi không chỉ là sản phẩm của Triết Đông. Triết học phương Tây thời Hy Lạp cũng có tư tưởng luân hồi về linh hồn mà điển hình như Platon khi ông nói đến sự kế thừa tri thức qua nhiều tiền kiếp mà về sau này người ta lý giải cho các trường hợp thiên tài bẩm sinh.



Go to the top of the page
+
yuyu
post Feb 23 2003, 05:28 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #10

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



[quote author=Ubu II link=board=9;threadid=1420;start=0#22081 date=1045907026]
Tư tưởng luân hồi không chỉ là sản phẩm của Triết Đông. Triết học phương Tây thời Hy Lạp cũng có tư tưởng luân hồi về linh hồn mà điển hình như Platon khi ông nói đến sự kế thừa tri thức qua nhiều tiền kiếp mà về sau này người ta lý giải cho các trường hợp thiên tài bẩm sinh.
[/quote]

Cái này đúng là có ghi nhận trong triết học Hy lạp cổ đại, nhưng có phải là những tư tưởng phổ biến trong triết Tây không thì chưa chắc, vì nó chỉ được coi là một trường hợp đặc biệt của trường phái Platon.

Platon được coi như một trong những ông tổ của triết học duy tâm phương Tây.
Platon tin rằng con người có linh hồn bất tử. Lần đầu tiên , Palton đưa ra khái niệm " Hồi ức của tri thức " ( Réminiscence de la Connaissance ).
Luận điểm về Hồi ức của Tri thúc này đã được Platon đưa ra trong tập Menon ( ≈ 385 tr.CN) ghi chép những đối thoại với một nhân vật giả tưởng cùng tên, trong đó để trả lời những câu hỏi nghịch lý, nguồn gốc của ngụy biện sau này, Platon đã nói rằng : " người ta không thể học được gì cả, bởi vì, hoặc là người ta đã biết rồi - do đó không cần học, hoặc là người ta không biết - do đó người ta không biết làm thế nào để biết ".( On ne peut rien apprendre, car soit on sait déjà et on n’a pas à apprendre, soit on ne sait pas et donc on ne sait pas comment chercher )
Sư phụ của Platon là Socrate nói rõ hơn, khi nhấn mạnh là Tri Thức thuộc về linh hồn , đã có trước khi nó nhập vào xác thân hiện tại. Dó đó “ học “ tức là một hành động để “ nhớ lại “ nhằm khôi phục những tri thức mà linh hồn đã quên ..
Triết lý chủ yếu của tư tưởng này là tất cả tri thức thuộc về linh hồn đã được thu nhận từ trước khi đầu thai và nó sẽ bị lãng quên ngay khi nhập vào một thân thể phàm tục....
Tuy nhiên Platon ( 427 – 347 tr.CN) sinh sau Thich Ca cả trăm năm nên không rõ là những tư tưởng trên là do Platon bị ảnh hưởng Phật Giáo hay do ông tự đề xướng ra ?

Mặt khác phải công nhận là « chí lớn gặp nhau » . Đê giải thích các hiện tượng của thế giới, thì tư duy con người nhiều khi đi đến những ý tưởng giống nhau.

Về quan điểm Platonicienne « hồi ức của tri thúc » xem ra lại có vẻ gần với quan điểm về « thiên tính » của Nho Giáo. Khổng Tử trong khi đánh giá khả năng thu nhận tri thức của con người thì ông chia thành 4 hạng như sau :
1/ « Sinh nhi tri chi giả, thượng dã » (Không ai dạy mà biết là hạng thượng thừa ). Thông minh vốn sẵn tính Trời. – đó là hạng Thiên Tài
2/ « Học nhi tri giả, thứ giã » ( học rồi mới biết, là hạng trung ). Gồm tuyệt đại đa số các tri thức khoa bảng.
3/ « Khốn nhi học chí, hữu kỳ thứ dã » ( Dốt nhưng chịu khó học, là hạng thấp ) Gồm chung những người hiếu học bình thường.
4/ « Khốn nhi bất học, dân tư vĩ hạ hỉ » ( Dốt nhưng không chịu học, là hạng bỏ đi ) Đây là dạng sinh lộn kiếp, bất cần đời, hết thuốc chữa.
Như vậy đánh giá về hạng thượng thừa của tri thức, Khổng Tử mặc nhiên công nhận có một tri thức trước giáo dục và trước cả thân xác phàm tục .

[quote]Theo tôi bác yuyu đã nhầm khi đồng hoá luân hồi là một khái niệm của Ấn Độ, với khái niệm tuần hoàn của TQ. Ở Ấn Độ, cách đo thời gian giống phương Tây. Nó là một đường thẳng. Ví dụ như Phật Lịch chẳng hạn, bắt đầu bằng năm Phật ra đời. Hay lịch Caka được dùng ở các nước Chân Lạp, Phù Nam, Chăm pa..Khái niệm luân hồi chỉ liên quan đến chúng sinh, tức là các sinh vật sống thôi.
Ngược lại, TQ có quan niệm thời gian tuần hoàn. Vi dụ như Âm lich ta vẫn dùng. Nhưng nó không có quan niệm luân hồi. Luân hồi ở TQ là nhập khẩu từ Phật giáo. [/quote]

Đúng , chỗ này tôi có hơi “ vơ vào “ khái niệm luân hồi cho Triết Học trung Hoa. Thực ra không hẳn là như vậy. Khái niệm thời gian tuần hoàn thì tôi nghĩ cả Ấn và Hoa cổ đại đều giống nhau. Chuyện tính Phật lịch chỉ là khái niệm sau này , do ảnh hưởng phương Tây du nhập vào thôi và cũng do để tôn vinh Phật Giáo, người ta đặt ra niên đại, chứ thực ra cũng không rõ đức Phật sinh năm nào. Vả lại trước đấy ngài cũng có nhiều tiền kiếp, chỉ khi nài thành Phật mới chấm dứt vòng luân hồi thôi.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Thiền Học & Tôn Giáo · Bài mới tiếp theo »
 

2 Trang  1 2 >
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC