Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

2 Trang  1 2 > 

· [ ] ·

 Truyện Ngắn Phạm Hải Anh, một cây bút đặc sắc

yuyu
post Nov 25 2004, 05:34 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Phạm Hải Anh thuộc lớp nhà văn trẻ 7X.
Truyện ngắn của chị thường có 2 sắc diện trái ngược nhau : Văn mộc mạc, gỉản dị nhưng không kém phần sắc sảo. Bên ngoài lớp vỏ ngôn từ hóm hỉnh, châm biếm, cười cợt...thường ẩn dấu đằng sau những giọt châu xót xa, âm thầm, khóc thương cho nhân tình, thế thái của thời mạt kiếp ....


L C

Phạm Hải Anh


- Các hồn hãy xếp hàng thứ tự, đừng chen lấn, xô đẩy.

Hồn đeo băng đỏ đứng cạnh thựng cháo nghi ngút khói nhắc luôn miệng :

- Mỗi hồn đúng một muôi thôi đấy ! Ðưa tem phiếu đây. Cái hồn này, vừa nãy lĩnh cháo rồi, bây giờ lộn lại đây làm gì, định ăn gian hả ? Cháo lú đấy chứ béo bổ gì mà ăn nhiều.

Hồn bị mắng là ăn gian đứng ngớ ngẩn, hỏi đường ra. Hồn đeo băng đỏ vung tay ra xa :

- Ðấy, đường đầu thai lối kia kìa. Ði một đoạn rẽ phải, lên dốc rồi rẽ trái qua cái đường hầm trơn trơn. Cẩn thận không là lộn kiếp đấy!

Hồn kia cám ơn rối rít, sắm nắm đi. Ðến sáng hồn mò về, khổ sở :

- Bác làm ơn chỉ lại giúp. Tôi tìm mãi không thấy cửa.

Hồn đeo băng đỏ giơ cả hai tay lên trời than :

- Chắc lại ăn cháo quá liều rồi ! Trên ấy kêu gào hơn ngày trời nay, tưởng hồn đã ra lâu rồi, ai ngờ vẫn lú lẫn ở đây. Thế có chết người ta không !

Hồn đeo băng đỏ áp tải hồn lạc đường ra tận cánh cửa đen hình tam giác giữa có chữ " Lối ra " xếp dọc màu hồng, tống cho một đạp.

***

...Con bé chào đời lúc bảy giờ ba chín phút sáng, sau cơn đau đẻ kéo dài hai bảy tiếng của sản phụ. Nó chui tuột ra mau lẹ, bất ngờ như có ai đẩy, mắt mở thô lố, không khóc. Bà đỡ nhận xét con bé này có bộ mặt ngơ ngác bẩm sinh.

***

Phản đối lại bà đỡ, hoặc giả vì tình mẫu tử vốn mù quáng, mẹ đặt cho con bé - tức là tôi - một cái tên thật sáng suốt : Tâm Minh. Bố thực tế hơn, ngậm ngùi công nhận tôi có gien của bố, cùng nòi Lạc. Cụ tổ Lạc Long Quân, con cháu Lạc Long Ðầu Gối. Bạn bố, lần đầu gặp đã nhận ngay ra tôi trong đám trẻ con tan trường lố nhố. Dễ lắm, ông bác vui vẻ giải thích, cứ tìm đứa nào mặt mũi ngẩn ngơ nhất. Cũng ông bạn quý này đã đúc kết ra rằng bố tôi có tật mãn tính, đến nhà ai chơi, lâu mau gì cứ phải đi tiểu trước khi ra về. Bố cười trừ, riêng hai bố con biết với nhau đấy là giải pháp tình thế, khi thay vì cửa ra, ông luôn luôn tông nhầm vào nhà vệ sinh. Tình yêu của bố mẹ bắt đầu trong rạp chiếu phim, khi mẹ bỏ quên bà ngoại sờ soạng giữa hai hàng ghế, ân cần dắt tay chàng thanh niên bốn mắt đến tận chỗ ngồi. Cảm động vì người hướng đạo nhiệt tình, bố để mẹ dắt đi luôn từ độ ấy. Một lần say rượu, bố khề khà tâm sự :

- Con có biết lần lạc lối trầm trọng nhất trong đời bố là gì không ?... Là cái hôm trong rạp chiếu phim ấy đấy. Sau lần đó, mấy cái lạc đường tẹp nhẹp có sá gì. Nhưng mà... - bố gục gặc cái đầu - thực ra thì bố lạc từ lâu rồi con gái ạ. Con có biết thế nào là nhầm thế kỷ không ? Cái thời của bố, lẽ ra nó phải khác. Hà hà, bố mày ấy, nhẽ ra ...

Mắt kính bố mờ như thể sương phủ, khoé mép giật giật. Trong một hộp sắt rỉ sét chìm lấp nơi đáy tủ, có lần tôi tìm thấy vài tấm hình bố thời trẻ. Dắt xe đứng bên đường Cổ Ngư lúc ấy còn nhiều bụi rậm hoang vu. Âu phục trắng chải chuốt, mũ phớt. Lại tấm ảnh chụp cùng bạn bè, tóc chải mượt, rẽ ngôi gọn ghẽ, những gương mặt khôi ngô sáng trưng. Chẳng hiểu sao ngần ấy năm sống trên đời, tôi chưa từng gặp một người đàn ông mang khuôn mặt sáng láng như thế. Như thể họ đã chui tuốt vào trong ảnh, giấu mình xa lắc ở cái thời bí hiểm ấy, cái thời mà cuối cùng bố cũng chẳng biết miêu tả ra sao, ngoài hai chữ " lẽ ra " lơ lửng. Dư âm của nó hiện thân thành cái mũ phớt ao ước của tất cả các ông già miền Bắc Việt Nam. Ngày Tết, tôi thường cảm động chứng kiến cuộc gặp gỡ của những chiếc mũ phớt tại nhà. Những cái mũ phớt nói chuyện với nhau đệm bằng thứ tiếng Pháp của nửa thế kỷ trước. Bản thân ngôi nhà chúng tôi ở cũng hùa theo không khí cổ điển này. Mặc dù lở lói và phình ra quái gở với những cái ban công cơi nới, nó vẫn giữ màu vôi vàng nguyên thuỷ, cửa sổ sơn xanh, trần rất cao. Nó đứng như một người đàn bà nhan sắc tàn tạ cưu mang trong lồng ngực mệt mỏi của mình người tình mũ phớt nói tiếng Pháp, xúm xít bu quanh dưới chân là những phở, cháo, mì, trứng vịt lộn, xôi xéo, trà chén... vui vẻ và nhếch nhác. Tôi thích phía dưới hơn, những tiếng ì xèo bất tận vẳng ra từ các hàng quán vỉa hè, thường đệm rất giòn bởi Ð., L., C. và một số âm quen thuộc khác, nghe có vẻ sinh động thành thực. Năm lớp vỡ lòng - bây giờ người ta gọi là lớp mầm, chồi gì đó nghe nhiều triển vọng hơn - lần đầu tiên từ trường về, tôi ngồi quay mặt vào tường, lẩm bẩm bài học đầu tiên. Bố mẹ rón rén đến đằng sau, hồi hộp rình đón thiên hướng đầu đời của con gái. Không phải thơ, cũng không phải bài hát, tôi đang tập nói " đ.m. mày ". Ba roi quắn mông và lời đe doạ kiên quyết của bố " Ðây là lần đầu, cũng là lần cuối cùng nghe không ! " làm thui chột mầm non, lẽ ra, triệt để đi theo con đường này, tôi có thể thành một cái gì đó nhiều màu sắc hơn bây giờ. Ba tuổi, tôi nỉ non đọc Kiều. Năm mười chín, tôi bắt đầu đeo kính lục sách thư viện đọc thơ Ðường giữa những cụ già lục tuần. Thay vì tiếng Pháp, tôi đi học tiếng Nga, rồi lại bỏ tiếng của cái nước không còn là anh em này, xoay sang học tiếng Anh, sau đó là tiếng Nhật. Cái lưỡi của tôi giả thiết sinh ra là để phát lên những âm thời thượng thanh lịch mà tụi hay chửi bậy không hiểu là gì. Năm hai bảy tuổi, tôi bị một cơn đau bụng cấp tính. Tất cả các từ " đ.m." không nói được ra trong suốt gần ba chục năm kết tủa trong khoang bụng, vón thành cục nặng nề, một phần khác lên men chua như axit, gây viêm loét. Cuối cùng cũng có thể hiểu được làm sao dân trí thức lịch sự hay bị đau dạ dày như thế.

***

Bố bảo lạc mà xem bản đồ hay hỏi đường chỉ là chữa bệnh tại ngọn. Cần phải định hướng chiến lược, đời bố lạc đủ rồi, Tâm Minh phải khác. Bố sắm la bàn, mua sách phong thuỷ về nghiên cứu. Xoay bàn thờ đón hướng Phúc đức, cửa chính Thiên y, giường nằm Sinh khí. Cái bếp đặt ở phía Bắc, thuỷ hoả tương khắc không tốt cho sự nghiệp, phải chuyển dịch sang hướng Nam. Hướng Ðông là Chấn, tượng trưng cho giao thiệp, thông tin thì phải đặt điện thoại. Ðông bắc là Thổ, quét vôi vàng, tượng trưng cho kiến thức nên kê tủ sách... Mọi vật trong nhà đảo lộn, lẽ ra đi nấu cơm thì đâm sầm vào toalét, vào bàn làm việc thì bước lên giường. Triệu chứng lạc có phần trầm trọng hơn nhưng cần hi sinh tiểu tiết cho đại cục thì mới khá được. Bố chú ý đặc biệt đến hướng Bắc - sự nghiệp, mua gương to về treo, sơn tường màu lam cho đúng chất Khảm Thuỷ. Mẹ thì chỉ chăm chăm vào hướng Tây Nam - tình duyên cho con gái. Sách phong thuỷ viết có cô muộn chồng, theo lời thầy địa lý mua vật cát tường là một bức tượng đàn ông đặt vào chỗ ấy. Ngay hai tuần sau cô gặp tiếng sét ái tình, thiêng nhất là tượng đồng đen nên chàng đến từ lục địa đen, trong bóng tối phải cười mới thấy. Cô này yêu nên đen trắng kể gì, nhưng mẹ rút kinh nghiệm. Tượng Á châu ngoài chợ toàn Lã Vọng già lụ khụ, thằng cu ôm cá chép, ông Thọ đầu nổi u, ông Phúc Lộc bụng phệ, Trương Phi mắt trợn, mặt như nhọ chảo, được ngài Quan Công mặt mũi uy nghi thì râu dài tới rốn. Mẹ đành chọn tượng Tây, chàng Apollo trắng tinh điển trai. Kể ra để Tâm Minh da vàng mũi tẹt, mắt cận ngơ ngơ đứng cạnh Apollo thì không được cân xứng cho lắm, nhưng thế thì mới cần đến phong thuỷ.

***

Hiệu nghiệm ! Hai tuần sau cuộc cách mạng Phong thuỷ của bố, tôi nhận việc làm mới : hướng dẫn viên du lịch cho Tây. Tôi dắt khách đi sâu vào phố giăng chi chít bàn cờ, Văn Miếu với Chùa Một Cột lúc ẩn lúc hiện, loanh quanh một quãng rồi lại thấy. Tây khen Hà Nội di tích rậm rịt như rừng, đâu cũng gặp. Tôi thường tránh lối đi qua cầu Thê Húc. Chỗ đó có người đàn ông ăn mặc tồi tàn, ngồi xệp bên vỉa hè bán mấy con rùa mu bằng bìa đen, dán trên lõi cuộn chỉ gỗ. Kéo dây, cuộn chỉ lăn, con rùa bò tới lui, đầu gục gặc. Rùa giấy bán cho trẻ con ta năm trăm, một nghìn một con, nhưng Tây động tới là phải trả bằng đô. Tây sẵn tiền lại khù khờ, ai thấy mỏ tiền lộ thiên như thế mà không bốc thử vài đồng có hoạ là ngu. Tôi không biết chân lý ấy nên dại dột ngăn mấy vị khách đang sốt sắng rút ví. Người đàn ông bán rùa chỉ thẳng tay vào mặt tôi :

- Ðồ theo đít Tây ! Không để người ta kiếm cơm nuôi con, mày là cái giống gì hả ?

Tôi lùi lũi đi, họng đắng ngắt. Con lương tâm bắt đầu cắn, mỗi miếng đau nhói lại hỏi : " Sao lại cướp cơm ? Sao lại cướp cơm ? ". Tôi dỗ nó im đi, lén quay lại mua mấy con rùa giấy giá cho Tây. Những con rùa đen rất lâu sau còn bò lổm ngổm trong cơn mộng mị. Biển cuồn cuộn dâng sóng, thần Kim Quy nổi lên quát : " Kẻ phản bội ở ngay sau lưng bệ hạ đó ! ". An Dương Vương quay lại, rút gươm chém đứt đầu Mỵ Châu. Máu vô tội kết ngọc trai đáy biển. Rùa đen này chắc là hậu duệ của rùa thần. Con cháu An Dương Vương bán rùa kiếm cơm cạnh hồ Gươm đã điểm mặt tôi, biến thân lạc loài của Mỵ Châu. Bi kịch thời nay chỉ tủn mủn được cỡ đó. Nước mắt tôi trong đêm không kết ngọc ngà gì cả. Không đáng một đồng xu, nó chỉ trong veo và rất mặn.

***

Tôi đi cùng ông khách vào bệnh viện Trung ương. Vết thương ngã xe đạp chảy máu đầu gối lẽ ra chẳng cần vào viện, nhưng ngọc thể Tây chẳng biết thế nào. Tôi dắt ông ta qua hành lang la liệt bệnh nhân ta nằm ngồi ngắc ngoải, xin gặp bác sĩ. " Tây à ? ", bác sĩ trực vẻ nghiêm trọng : " Ðưa ông ta vào phòng chờ đặc biệt ". Phòng chờ đặc biệt có một cái giường ga trải hình như vốn màu trắng đã ngả sang vàng khè, nó đặc biệt có lẽ vì là phòng duy nhất trống trong cả bệnh viện chật ninh ních bệnh nhân. Ông ta rón rén ngồi lên mép giường chờ đợi. Chốc chốc lại có bóng áo trắng ló đầu vào : " Tây à ? Bị làm sao ? ". Ông ta sốt sắng tụt quần dài, trình vết thương. Áo trắng xem xong lắc lắc đầu bỏ đi, chữa cho Tây, động vào quan hệ quốc tế chứ chả đùa, ngã thì chờ bác sĩ trưởng khoa Ngoại. Lại một áo trắng khác, lại tụt quần. Cởi ra mặc vào suốt buổi sáng, ông ta rút kinh nghiệm cởi luôn. Tôi ngồi nghiêng bẽn lẽn không dám nhìn hai bắp đùi rất Tây. Bác sĩ trưởng khoa Ngoại đầu giờ chiều mới tới. Vết thương đó tự cầm máu, đen bẩn bẩn. Bác sĩ nhìn qua phán " Tây thì phải hỏi Viện Trưởng, tôi không đủ thẩm quyền ". Viện trưởng đang họp chuyên môn, sau đó thì bận đi ăn cưới. Thế này phải làm giấy chuyển viện, vào bệnh viện quốc tế. Tôi nghĩ đến một ngày trời nữa ngồi chứng kiến ông ta tụt quần chờ bác sĩ, sợ tái mặt. Cuối cùng thì bác sĩ trưởng động lòng, gọi y tá đến rửa vết thương, băng lại. Tôi ra nhà thuốc, y đơn bác sĩ kê, mua về chừng hơn nửa cân kháng sinh vân vân đủ loại, chả biết gì về thuốc, tôi ngờ rằng chỗ kháng sinh này đủ chữa nhiễm trùng cho cả đàn bò. Ông ta mời tôi ăn tối để cám ơn cả ngày vất vả. Nhà hàng 93 Phùng Hưng, nằm cạnh đường ray xe lửa. Bàn ăn trải khăn đỏ, dương cầm thánh thót. Nửa tiếng một lần, xe lửa rầm rầm chạy qua nghiến đứt nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Chopin, Bach. Ông ta đăm đăm nhìn tôi, mỉm cười bảo em giống như Hà Nội. Là sao ? Cổ điển, phức tạp, và quyến rũ. Là như sáng nay mưa bụi phun bạc dọc con đường Cửa Bắc những ngôi biệt thự Pháp điêu tàn dưới tán cây xanh nhú lộc. Có một người đàn bà đèo con bằng xe đạp đi ngang, đầu đứa bé chụp cái túi ni lông hồng tránh mưa, gió thổi phồng như bong bóng, nó cười. Là một góc Viễn Ðông Bác Cổ trầm mặc giữa phố xá còi xe inh ỏi. Là áo dài trắng mong manh nghiêng mình bên đoá loa kèn. Là những công sự bê tông thỉnh thoảng trồi lên giữa vườn hoa. Là cái bệnh viện khủng khiếp và mắt em lo âu... Ông ta còn nói nhiều nữa tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ lúc nói thế trông ông ta hơi giống Apollo, da trắng như thế, tóc quăn như thế, riêng cái mũi to hơn hẳn. Hơn tháng sau buổi tối ấy, tôi nhận được thư ông ta từ Paris, bảo rằng muốn trở lại để mang Hà Nội đi cùng.

***

...Tôi dắt đám du khách đến đền Cổ Loa. Ba bức tường đất lè tè bao bọc quanh đền là thành quách năm xưa chống Triệu Ðà, An Dương Vương khó nhọc mãi mới xây được. Giặc ngày ấy hẳn rất lùn, hoặc giả thời gian đã bào mòn tất cả. Tôi tin ở sức mạnh thời gian hơn. Ngoài sân đền là giếng Ngọc. Chàng Trọng Thuỷ thất tình nhảy xuống đây trầm mình. Ai tìm được ngọc trai biển Ðông đem tới giếng này rửa, lấy tình chàng Trọng Thuỷ tẩy sạch oan khiên cho Mỵ Châu, ngọc sẽ sáng lạ lùng. Khách bấm máy ảnh tanh tách. Nắng chiều viền vàng thành giếng Ngọc. Không có tượng Trọng Thuỷ, ở hậu cung chỉ có tượng Mỵ Châu cụt đầu, trùm tấm vải đỏ. Trong ánh ngày nhập nhoạng, màu vải đỏ sẫm rờn rợn buồn. Mỵ Châu là cô gái Việt đầu tiên lấy chồng ngoại quốc, không đến nỗi bị gả bán cho Ðài Loan kiếm tiền nuôi cha mẹ nhưng cũng chỉ là món hàng mua hoà hiếu mà thôi. Nếu cứ an phận như một món hàng, Mỵ Châu chắc chẳng đến nỗi bị cha chém đứt đầu. Yêu đương vào đâm rắc rối, chuyện đời xưa hơi đâu lo cho mệt, tôi vòng ra sân sau một mình. Ở đó có khóm hoa mạt lỵ. Hoa mạt lỵ màu tím mỏng manh, khi kết hạt cho một thứ phấn trắng mịn, thơm man mát. Những cô gái nhà nghèo ngày xưa lén lấy phấn hoa ấy bôi mặt, da sẽ đẹp lạ lùng. Chiều lặng lẽ. Mạt lỵ tỏa hương dìu dịu. Ngồi đây không thấy hết được ba vòng thành cổ, ao Mắt Rồng, hồ Ấn, giếng Ngọc. Chỉ có những thân mạt lỵ xanh mảnh vươn lên níu vào áo. Lâu lắm rồi, có một người con trai đứng ở chỗ này. Người con trai xiết hạt mạt lỵ, lấy phấn xoa nhè nhẹ lên má tôi, trơn, mịn, mát. Chỗ này, tôi khép mắt lại thấy màu tím mạt lỵ dâng lên dâng lên, khi đó quên cả Mỵ Châu quên cả Trọng Thuỷ, chỉ có... Nhưng mà ở góc Tây Nam mẹ đã đặt tượng Apollo. Apollo không biết thứ phấn mạt lỵ của nhà nghèo. Chàng tặng hàng mỹ phẩm made in Paris - London - New York. Apollo mua tặng bố mũ phớt dạ Pháp, cà vạt lụa Italia, lại hứa bảo lãnh em trai Minh Tú sang Pháp học. Người con trai ấy đến nhà, gặp lúc Apollo thận trọng đeo giúp tôi đôi hoa tai ngọc trai, đã lặng lẽ bỏ về. Ngọc trai biển Ðịa Trung Hải không cần rửa nước giếng Ngọc cũng được giá lắm rồi.

***

Ngày tôi theo chồng đặt chân tới Paris, tuyết bay trắng trời như lông ngỗng. Mỵ Châu ơi !...?


Amsterdam 31/07/02
Phạm Hải Anh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
post Nov 25 2004, 05:34 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #2




Nhóm:
Số bài viết: 0
Tham gia từ: --
Thành viên thứ: 0

Nói bậy: (0%) -----


2 Users already said Thank You!

biendep, Hoang Yen,



User is offline
Go to the top of the page
+
Mr. Smith
post Nov 26 2004, 02:59 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

ma
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 5.622
Tham gia từ: 12-March 02
Thành viên thứ: 49

Tiền mặt hiện có : 78.619$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Có một bài tản văn của Phạm Hải Anh về Lý Bạch cởi truồng, đọc cũng hay hay. Văn chị Hải Anh này tuy không phải là độc đáo nhưng cũng hay, sắc cạnh nhưng vẫn lắng dịu.


--------------------
Here comes the sun, here comes the sun.
And I say, it's all right.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Nov 26 2004, 06:52 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Anh đào bên biển
Phạm Hải Anh

Quyển sách do ông thầy dạy Hán văn đề tặng, chữ Anh có bộ mộc ở bên. Thầy giải thích Hải Anh là hải ngạn anh đào, hoa anh đào bên biển. Một cành đào thắm giữa trời xanh biển biếc, lọt tai quá, tôi nhận ngay về mình, lờ đi rằng từ Anh trong tiếng Hán có tới mười mấy nghĩa. Bấy lâu tôi cứ ghét cái tên mình, Hải Anh, nghe cứng như tên đàn ông. Mẹ đọc đâu đó một truyện Tàu, du kích Hải Anh kiên cường chống giặc, đến đoạn Hải Anh hi sinh, mẹ cảm động quá đau bụng trở dạ sinh ra tôi. Theo sự tích này thì tôi là hóa thân của du kích Tàu, nghe chẳng mấy lãng mạn. Mà tôi cũng không đáp ứng sở nguyện thầm kín của mẹ, tức là mang đức tính dũng cảm của nhân vật nọ. Tôi nhát như một con ốc sên, động tí đã chui đầu vào vỏ, chưa bao giờ biết đòi hỏi, tranh đấu. Sự dũng cảm duy nhất mà tôi có là ủ ê thừa nhận mình xấu gái. Tả kỹ ra thêm buồn.

Thị Nở còn có Chí Phèo cầu cạnh đến mức gây ra án mạng vì tình. Lẽ ra mẹ chẳng đến nỗi lo âu như thế, nhưng mà tôi còn thua Thị Nở ở cái tính không vô tâm. Nhà nghèo, xấu, nhát, lại mắc bệnh sính tâm hồn, ngần ấy thứ gộp vào, dẫu an ủi nồi nào úp vung ấy, tôi vẫn có nguy cơ thành cái nồi vĩnh viễn không vung. Ðể bù lại, tôi viết truyện. Tất cả các nhân vật nữ chính của tôi đều cực kỳ duyên dáng, mặn mà. Thế nào cũng có khối anh đọc rồi tơ tưởng văn là người. Ai dại thì chịu, cho bõ những khi họ đi ngang qua tôi như thể tôi là cái cột đèn, không phải giống cái. Tôi băn khoăn giữa hai bút danh Hương Nhu và Thùy Miên. Cả hai đều nghe rất nữ tính, dịu dàng. Ðàn ông ấy, họ chỉ thích dịu dàng thôi, cái đó tôi lại cũng hơi hiếm, nhưng mà các nhân vật của tôi thì tràn trề.

Tưởng tượng đến một ngày tôi nổi tiếng. Báo chí đăng tên nữ sĩ Thùy Miên, thôi thì chọn tên Thùy Miên đi, giấc ngủ êm đềm, nghe cái tên này con mắt đã muốn khép lại mơ màng, lúc ấy xấu hay đẹp kể gì nữa. Nếu cần tôi cũng có ảnh, ảnh nghệ thuật mờ mờ sương khói, chụp nghiêng một bên tóc bay gió lộng, tưởng tượng vào sẽ thành kiều diễm. Ai cũng nói hình thức không quan trọng, nhưng tôi thì tôi e nó quan trọng lắm. Biết thân biết phận, tôi đâm ra bình tĩnh trước cánh đàn ông, kể cả với những nhân vật hấp dẫn nhất. Thì cứ coi như mình đang xem tivi, rằng hay thì thật là hay, nhưng rút cục nó thuộc thế giới khác, mình chẳng xen vào làm gì. Tôi chỉ xáo động bởi những bức thư gửi cho Thùy Miên. Trong thế giới ấy, mọi điều đều có thể. Trong thế giới ấy, tôi xinh đẹp, quyến rũ, kiêu hãnh và đa tình. Ai mà không mê mệt bởi một người đàn bà như thế, ngay cả tôi cũng vậy.

Bà dì bảo có tin mừng cho cháu đây. Dì đưa xem ảnh một đám cưới lố nhố những mặt người, trong đám ấy có người có thể là ý trung nhân tương lai của tôi. Ai thế, tôi dí mắt tìm kiếm, quên không nói thêm là tôi bị cận nặng mà lại lười đeo kính. Bà dì bảo đấy, trẻ đẹp trai nhất ảnh đó, dì biết tính mày thế mà ưa hình thức lắm. Tôi tìm vẫn không ra, bà dì chỉ tay vào chú rể. Nó đấy. Chú rể complê sáng màu đứng ngoẹo đầu cười bên cô dâu nom quả có sạch nước cản nhất trong tấm ảnh thật. Chỉ cần tẩy mặt cô dâu thay bằng mặt tôi là có ngay ảnh cưới. Tiện! Dì giải thích dì chỉ có mỗi tấm ảnh đó, chứ thực ra thì nó li dị rồi. Ðẹp trai thế mà vợ đang tâm bỏ. Chỉ tại cái tội nhỡ tay đánh vợ, con vợ ức quá đi ngoại tình rồi bỏ nó. Nó buồn đời đâm rượu chè, con cái gửi hết về quê cho ông bà nuôi, một thân một mình tội lắm. Ðẹp trai nhé, trẻ nhé, hiền nhé. Còn cái vụ rượu chè thì dễ, mỗi ngày cho nó một chai là êm thấm cửa nhà. Thế có đồng ý không mai kia dì dắt cháu đến gặp nó?

Viết đến đây thì tôi bí. Trước nay tôi vẫn quen sắp xếp đời các nhân vật tưởng tượng, hứng lên cho yêu, ghét bắt chết, đóng vai thượng đế toàn năng sướng thì thôi. Bây giờ đến đời Hải Anh, tôi không biết tính sao. Ðành rằng Hải Anh cũng chỉ là một nhân vật, nhưng trót để cô ta mang tên mình thì cũng phải cẩn thận tí chút. Tôi không muốn cô ta cứ mãi chua chát ế ẩm, nhỡ sáng tác nhằm giờ thiêng nó vận vào mình. Cô ta kể ra cũng hơi quái dị, việc gì phải tự châm biếm như thế, cô ta đâu đến nỗi nào. Công bằng mà nói tôi thích cô ta hơn cái ả Thùy Miên õng ẹo kia. Chỉ cần cô ta nghe tôi, đừng có vỗ ngực gào lên là mình xấu xí, cứ bình thường thôi, thế nào tôi cũng lo liệu được cho cô ta một đám kha khá.

Mưa hắt mãi nước vào cửa sổ. Qua ô kính, những mặt người nhòe nhoẹt mưa, hối hả lại qua. Ai trong số đó tôi sẽ chọn để gả nhân vật của mình? Ông kia đầu hói, chắc già rồi, không nên. Cái cậu đeo kính mỉm cười nhìn mưa nom hay hay, nhưng con mắt nhà nghề mách bảo tôi rằng cậu ta hợp hơn với cô nào sexy, đẹp mà hơi ngu ngu, nhân vật của tôi không thế. Còn anh này, anh này nữa… Mới làm thử ông Tơ bà Nguyệt có mười lăm phút mà mệt quá. Thế giới mấy tỉ người, phải se tơ đám nào vào đám nấy, se đi rồi se lại, hơi rối một tí là thiên hạ gào lên oán trách. Hai ông bà già làm việc cực nhọc như thế làm gì chả có lúc lú lẫn, se nhầm. Thông cảm!

Anh gọi điện rủ nghỉ tí đi chơi với anh, cả ngày bận rộn kiếm chồng cho nhân vật, em phải nghĩ đến thân mình nữa chứ. Tôi nói em thì dễ. Tu là cỗi phúc, tình là dây oan, chỉ cần chọn được đạo nào phù hợp, em theo ngay, xa lìa thế tục. Tính tôi đại khái, tu hành cũng không cầu kỳ, đạo gì cũng tốt, miễn là vẫn được mặc đồ đẹp, không phải ăn chay, ngủ thì lúc chay lúc mặn. Anh bảo đạo ấy thì anh biết. Có cô nhà thơ nguyện suốt đời tu dưới gốc bồ đề Anh. Tu ở đấy thì được lên tiên ngay trong cõi trần ai. Nghe bùi tai, tôi thay quần áo đi theo anh.

Quán cà phê nằm bên hồ nước. Anh chọn chỗ ngồi dưới tán anh đào. Ðang mùa xuân, anh đào nở hồng rực, cành nghiêng soi bóng xuống hồ. Một ly ca cao nóng với thật nhiều kem sữa cho tôi. Cà phê đen cho anh. Khói cà phê thơm ấm gió xuân lành lạnh. Chim kêu lích chích trong hoa. Tôi từ tốn nhấp môi lên lớp kem sữa trắng ngậy. Biết anh đang nhìn, tôi điều chỉnh cử động khoan thai, quý phái giống Thùy Miên. Mà không, chính tôi đang là Thùy Miên. Giấc mơ dịu dàng này với anh tôi đã mơ cả trăm lần. Anh đào thả cánh xuống tóc anh, xuống vai tôi. Rơi rơi như mưa hồng, như xác pháo lễ vu quy. Riêng hoa anh đào nở đẹp, rơi càng đẹp. Xem kìa một trời lãng đãng những cánh đào hồng thắm. Hoa nhựa bám chắc trên cành có bao giờ bay được thế đâu. Thùy Miên thầm thì mơ đẹp thì cứ mơ đi. Tôi biết nhân vật của tôi thích anh, có thể là rất thích. Một lần anh nói tôi giống Thùy Miên. Khi nói thế, mắt anh trìu mến lạ thường. Nhưng tôi không phải cô ta. Tôi uống thêm ngụm ca cao nữa, vị ngọt đắng đọng nơi đầu lưỡi. Anh biết không, cô ả Hải Anh cũng đang ở đây ngắm anh đào. Cô ấy ngắm và sợ run lên khi từng cánh hoa rụng xuống, hoài phí bay đi bao nhiêu mảnh xuân thì...

Cũng khó nhỉ, chọn cái kết cho một nhân vật. Thôi thì cứ để vậy, trắng trơn như trang kinh Vô Thường Ðường Huyền Tăng cất công thỉnh từ Tây Trúc xa xôi.

Tôi nhìn đồng hồ, anh biết ý bảo ừ mình về. Chúng tôi đi. Sau lưng, anh đào vẫn thong thả rơi. Từng cánh. Từng cánh. Không ồn ào. Không tiếc nuối. Hoa đào rụng rồi lại nở. Tên tôi là Hải Anh. Hải ngạn anh đào.


Amsterdam, rằm tháng bảy Nhâm Ngọ 2002



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
biendep
post Nov 27 2004, 02:42 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

Hay té ghế do cười vật vã
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 2.873
Tham gia từ: 14-November 03
Đến từ: chi bộ Ba Lê
Thành viên thứ: 1.293

Tiền mặt hiện có : 107.365$
Số tuần chưa đóng thuế : 6

Bình chọn :



QUOTE(yuyu @ Nov 26 2004, 06:52 AM)
Tên tôi là Hải Anh. Hải ngạn anh đào.



Lúc đầu tớ đọc văn của HA vì thấy thú vị khi tìm ra 1 người cùng tên với mình, lâu nay cứ tưởng mình là của quý hiếm không có đứa con gái nào có thể cùng tên được w00t.gif, càng đọc càng thấy hay, văn không trau chuốt bóng bẩy, văn mộc mạc hóm hỉnh nhưng khi đọc hết để lại gợn buồn. Thích lời giải nghĩa của cái tên HA, phát hiện thêm 1 nghĩa hay ho nữa của cái tên này. Rất muốn đọc thêm văn của HA nếu các bác có trong tay để post tiếp wub.gif


--------------------
Bình yên để sóng nâng niu bờ, chờ nghe tình vỗ lên tim mình ...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Nov 27 2004, 06:17 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE(biendep @ Nov 26 2004, 08:42 PM)
QUOTE(yuyu @ Nov 26 2004, 06:52 AM)
Tên tôi là Hải Anh. Hải ngạn anh đào.



Lúc đầu tớ đọc văn của HA vì thấy thú vị khi tìm ra 1 người cùng tên với mình, lâu nay cứ tưởng mình là của quý hiếm không có đứa con gái nào có thể cùng tên được w00t.gif, càng đọc càng thấy hay, văn không trau chuốt bóng bẩy, văn mộc mạc hóm hỉnh nhưng khi đọc hết để lại gợn buồn. Thích lời giải nghĩa của cái tên HA, phát hiện thêm 1 nghĩa hay ho nữa của cái tên này. Rất muốn đọc thêm văn của HA nếu các bác có trong tay để post tiếp wub.gif

Thế ra em biendep cũng tên là Hải Anh à ? Thật không đấy ? read.gif ohnono.gif



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Mr. Smith
post Nov 27 2004, 06:24 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

ma
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 5.622
Tham gia từ: 12-March 02
Thành viên thứ: 49

Tiền mặt hiện có : 78.619$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Thế giải nghĩa cái tên ấy thế nào cơ? Xem nào, tớ quen ít nhất là 3 đồng chí Hải Anh trong đó có 1 đồng chí gái.


--------------------
Here comes the sun, here comes the sun.
And I say, it's all right.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Nov 27 2004, 07:46 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #8

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



QUOTE(Matrix @ Nov 27 2004, 12:24 AM)
Thế giải nghĩa cái tên ấy thế nào cơ? Xem nào, tớ quen ít nhất là 3 đồng chí Hải Anh trong đó có 1 đồng chí gái.

Chữ Anh có nhiều cách viết ( khoảng 13 cách ) tuỳ viết cách nào mà giải nghĩa theo cách ấy. Phần lớn đều là nghĩa Đẹp, Hay...
Ví dụ :
Nếu đi với bộ Thảo, có nghĩa là Hoa cỏ đẹp, hoặc tố chất tốt đẹp, tài năng hơn người như trong Anh Hào, Anh Kiệt...
Nếu đi với bộ Ngọc, có nghĩa là sáng láng, thông suôt như Tinh Anh, Anh Minh...
Nếu đi với bộ Mộc có nghĩa là cây Anh Đào.
Nếu đi với bộ Mịch có nghĩa là cái giải mũ quan, trong thành ngữ Trâm Anh, Thế Phiệt, chỉ con nhà quyền quí, cao sang...
Nếu đi với bộ Vũ có nghĩa là Bông Tuyết.
Nếu đi với bộ Nữ chỉ con Gái.
Nếu đi bộ điểu chỉ con chim Anh Vũ.
v.v....
Như vậy Hải Anh, tuỳ theo cách viết, có thể có những nghĩa là ...Biển Đẹp, Biển Lung Linh, Tuyết Biển, ...Con Gái Biển , chim Hải Âu v.v...
Nhưng Hải Anh với bộ Thảo, nghĩa là Biển Đẹp, là thông dụng nhất . Hải Anh với bộ Mộc mà tán ra là Hải Ngạn Anh Đào - Cây Anh Đào bên bờ Biển thì nghe rất đẹp, nhưng hơi khiên cưỡng ....



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
biendep
post Nov 27 2004, 05:47 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #9

Hay té ghế do cười vật vã
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 2.873
Tham gia từ: 14-November 03
Đến từ: chi bộ Ba Lê
Thành viên thứ: 1.293

Tiền mặt hiện có : 107.365$
Số tuần chưa đóng thuế : 6

Bình chọn :



QUOTE(yuyu @ Nov 27 2004, 07:46 AM)

Chữ Anh có nhiều cách viết ( khoảng 13 cách ) tuỳ viết cách nào mà giải nghĩa theo cách ấy. Phần lớn đều là nghĩa Đẹp, Hay...
Ví dụ :
v.v....
Như vậy Hải Anh, tuỳ theo cách viết,  có thể có những nghĩa là ...Biển Đẹp, Biển Lung Linh, Tuyết Biển, ...Con Gái Biển , chim Hải Âu v.v...
Nhưng Hải Anh với bộ Thảo, nghĩa là Biển Đẹp,  là thông dụng nhất .

clap.gif bác Yu giải thích quá đúng, cũng là lý do em lấy nick này trên thế giới mạng, cho nên giải thích ngược lại là ra tên cúng cơm của em ngay hihihi. Cái nhà Ma này may mắn nhờ leuleu.gif , được gặp ít nhất đến tận 3 đồng chí tên HA, vậy mà từ bé tới lớn tớ chưa được gặp 1 ai cùng tên này với tớ cả (à gần đây thì có nghe diễn viên người mẫu Hải Anh nhưng lại là nam :whatt: ) cho nên nghe có ai cùng tên mà lại là con gái thì khóai chí lắm w00t.gif . Hồi nhỏ đi học hay bị bạn bè thầy cô trêu là tên gì giống con trai lại dài dòng mỗi lần gọi là phải đọc cả 2 tên mất thời giờ :acacac:, có cô giáo lớp 3 còn tự động rút ngắn tên tớ lại là Hải nữa mới khủng hỏang read.gif, cho nên mỗi lần cô kêu Hải là phải tự động bít thân bít phận ấy là cô kêu mình stress.gif.
À, tớ chờ xem tiếp văn của bạn HA nhé ! wub.gif


--------------------
Bình yên để sóng nâng niu bờ, chờ nghe tình vỗ lên tim mình ...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
yuyu
post Nov 27 2004, 06:28 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #10

Irreplaceable Member
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 3.883
Tham gia từ: 30-August 02
Thành viên thứ: 300

Tiền mặt hiện có : 18.479$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Phạm Hải Anh
Nguyên Xuân


- Mình cố gắng nhịn đến sáng mai được không ?

Ông đeo kính hỏi, mắt thất thần nhìn gương mặt méo mó đẫm mồ hôi của vợ. Bà đỡ gắt :

- Đau đẻ còn chờ sáng giăng. Đàn ông đàn ang mò vào đây làm gì ?

Ông đeo kính cum cúp đi. Đứng ngoài hành lang, chốc chốc thót người nghe tiếng rên la từ trong phòng đẻ vọng ra. Khi tia nắng đầu ngày chọc xiên qua lớp mây đông thì có tiếng trẻ con oe lên. Ông đeo kính nhảy chồm sung sướng:

- Nhịn được rồi ! Ra rồi !

Con bé được đặt tên là Nguyên Xuân. Bố mẹ đã đồng loã dành cho nó một ngày sinh đặc biệt : mùng một tháng một. Phía trước nó là một năm mới tinh khôi với nguyên vẹn mùa xuân.

Ở nhà thì Nguyên Xuân được gọi là Nhịn, có lẽ để vinh danh thành tích nhịn đẻ ba mươi sáu tiếng của mẹ. Nhịn được dạy dỗ rằng ở đời, có nhịn thì nên. Sau này Nhịn được biết thêm rằng nhịn nhà mình là gia giáo thâm thuý lắm chứ không phải nhịn bừa bãi vô tổ chức. Như mấy ông bà nhà quê dở buổi làm đồng nhịn dành cứt về nhà bón cây, đấy là thói nhịn tiểu nông. Hay như cô Dự hàng xóm, chồng say đánh ngày ba bận, nuốt nước mắt cắm mặt nuôi con, ấy là thứ nhịn đàn bà ngu muội. Nhịn nhà mình đây có chữ thờ đàng hoàng, nét mực Tàu đen xì, nền giấy ố vàng, đồ cổ xịn. Nghe bảo cụ tổ làm quan to, cuối đời ngẫm nghĩ, viết ra độc chữ ấy truyền lại cho con cháu. Cả họ thờ chữ ấy mấy đời, đến đời bố thì cuộn lại, sợ tàn tích phong kiến. Mấy năm sau này, bố lục đục lấy ra, treo lên. Đứng giữa cửa ngắm nghía, bố lớn giọng bảo chúng nó có sắm sa lông, cúp kiếc, giàn karaôkê ôkiếc gì gì thì được chứ đừng hòng sắm nổi truyền thống. Một chữ này của nhà mình, đố thằng trọc phú nào mua nổi. Nhịn hỏi đấy là chữ gì hả bố. Bố cũng không rõ lắm, chắc là chữ "Nguyễn", họ nhà mình.

- Tao học chữ Tây chứ có học chữ Nho đâu. Để hỏi lại xem.

Bố đi hỏi khắp nơi, hoá ra đấy là chữ "Nhẫn ". Bộ "đao" đứng trên bộ "tâm", "nhẫn" ý như cầm dao cắt gọt con tim nông nổi của mình, nhẫn nhục nuôi chí lớn. Bố vỗ đùi đánh đét, công nhận các cụ thâm thật. Chữ này phải lồng khung kính mà treo mới xứng. Nhưng hỏi giá mấy nơi làm khung đắt quá, mẹ cằn nhằn phí tiền, bố và chữ "nhẫn" đành chờ. Buổi trưa, Nhịn nằm ngọ nguậy trên giường, tay bị bố giữ chặt. Giá được đi chơi thì thích hơn nhưng bố bắt Nhịn phải ngủ trưa để lấy sức chiều học tiếp. Nhịn he hé mắt đếm những vệt cứt ruồi bám trên tờ chữ gia bảo, nhiều quá, lần nào cũng đếm dở dang là ngủ mất.

Gương mặt bố mẹ rạng rỡ tự hào khi đón Nguyên Xuân vào nhà mới. Từ lúc ở nước ngoài, Xuân đã được xem ảnh, nhưng thực tế vẫn làm choáng váng. Cái nhà ba tầng đồ sộ, mái củ tỏi Nghìn lẻ một đêm, cột chống Hi lạp, phòng ốc kiểu Tây nhưng trang trí nội thất Á Đông. Bàn ghế, tủ chè nhất loạt thửa từ Đồng Kỵ, gỗ gụ đen khảm trai óng ánh, tưng bừng những chim những hoa.

- Con thấy thế nào ? Bố mẹ đồng thanh hỏi.

- Đẹp lắm ạ.

Xuân đáp, đưa mắt khắp phòng cố tìm một vật dụng quen thuộc.

- Bức thư pháp "Nhẫn" đâu hả bố ?

- Treo cái này hay hơn chứ ! Bố chỉ tay vào bức thêu to bằng cái mâm treo cạnh tủ thờ, chữ "Phúc" vàng trên nền kim tuyến đỏ lấp lánh.

- Chữ này lộn ngược. Xuân nhận xét.

Bố đắc ý :

- Ăn nhau ở cái lộn ngược ấy đấy ! Phúc lộn ngược là "Phúc đảo", đồng âm với "Phúc đáo", là "phúc đến", gọi phúc lộc đến nhà mình. Từ hôm treo nó lên, bố mẹ bán nhà cũ được giá, mua đất cát cũng gặp thời nên mới lên được cơ ngơi này đấy con ạ.

Ngày thứ hai, Xuân chắp tay sau lưng, đứng xa ngắm nghía cái nhà, càng ngắm càng tự hỏi sao lại củ tỏi, sao lại vôi hồng, sao lại cửa sổ xanh lá cây. Mẹ giải thích :

- Bố mẹ già rồi, mua nhà xây sẵn cho tiện. Mái củ tỏi hết mốt nên được giảm giá. Củ tỏi trên mái, mình trong nhà, có phải nhìn đâu mà sợ. Kệ thiên hạ.

Ngày thứ ba, Xuân đi vòng quanh nhà, cố không bình luận về tranh thảm Ba tư, chùm đèn thủy tinh mạ vàng sáng choé, nhưng không nhịn được lại hỏi :

- Cái tượng kia ai tặng nhà mình ?

Bức tượng nàng tiên cá đứng ưỡn vú dưới chữ Phúc lộn ngược. Bố tự hào :

-Bố mua từ tận Đà Nẵng đấy. Đá trắng nguyên khối quý lắm, ai cũng phải khen.

Nàng tiên cá tự biết mình trắng đẹp, ngoảnh mông vào ông Lộc bụng phệ tay nâng thoi vàng miệng cười hể hả. Cạnh ông này là ông Lã Vọng cù rù ngồi câu cá trên hòn non bộ xi măng, một anh nông phu nằm tênh hênh bên cây cầu, con trâu, mái chùa... tất cả to bằng nhau, cùng nép bóng cây si bonsai. Nhìn mãi thấy vui mắt.

Sang đến ngày thứ tư, Xuân đã tập được thói quen đi vệ sinh xong không giật nước. Bệ xí Thái Lan trắng tinh hiện đại nhưng giật nước ào ào tốn chết. Mẹ cẩn thận đặt cái chậu nhựa đầy nước và cái gáo bên cạnh, xong việc chỉ cần với tay múc đúng hai gáo dội là vừa đủ. Xuân cũng học cách vào nhà vệ sinh không bật đèn khi trời còn sáng và trong bóng tối nhờ nhờ tránh bước thẳng vào chậu nước dội, chậu rửa mặt, chậu ngâm quần áo bày la liệt như bát quái trận đồ trên sàn. Nhà có máy giặt nhưng mẹ thích giặt tay. Giặt máy tuy không phải động chân tay nhưng ngồi rỗi mà nghe nước chảy rồ rồ, máy quay rung tường nhà, tưởng tượng ra con quái vật phàm phu mỗi phút ngốn bao nhiêu là điện, là nước, là xà phòng, gan vàng dạ sắt nào chịu cho thấu. Nhưng thiếu nó thì không được. Ngày ngày, mẹ âu yếm lau bụi trên máy hút bụi, máy giặt, máy điều hoà, lò vi sóng, đầu video... Rồi mẹ bồi hồi ôn lại ngày xưa, nhà mình chỉ có độc cái tủ với cái phản. Căn phòng mười một mét vuông, sinh hoạt tất tật bên trong, kéo riđô để bố dạy học bên ngoài. Tối tối, hai mẹ con nằm trong giường, cấm nói chuyện sợ ảnh hưởng đến buổi dạy của bố. Con vân vê núm vú mẹ, món đồ chơi duy nhất. Khi ấy, mẹ ôm con vào lòng, ao ước có cái máy khâu để máy hàng thuê phụ bố đỡ vất vả. Mơ có một chỗ nấu ăn, rửa bát trời mưa không bị ướt đầu. Có tiền thì mình sắm cái chạn để chống chuột, mua cho hai bố con chiếc bàn học nhỏ kê ở góc kia. Rồi cả tivi, tủ lạnh. Căn phòng mười một mét vuông chật ních những đồ đạc mơ ước. Đến hôm mua được tủ lạnh, mẹ vui mất ngủ, nghĩ nhà mình thế là có máu mặt trong xóm, chẳng thiếu thứ gì. Mùa hè, cả xóm phải sang xin đá, mẹ xởi lởi đem cho, thật nở mày nở mặt... Mẹ kể, vừa kể vừa cười mình ngày xưa sao khổ thế, khổ mà không biết là mình đang khổ. Chiều muộn, bóng tối lan trùm căn phòng, Xuân với tay định bật đèn nhưng mẹ ngăn lại. Ngồi không có làm gì đâu mà bật đèn cho tốn điện. Xuân bùi ngùi nhìn mẹ ngồi trong bóng tối, kể mãi chuyện đổi đời. Cái xóm ngày xưa, theo lời mẹ, bây giờ nhà nào cũng triệu phú tỉ phú. Bố mẹ bán căn phòng nhỏ ở trung tâm, mua nhà ba tầng ven đô tưởng đã to nhưng thấm vào đâu so với nhà mặt tiền của các chú các bác. Động đến là trăm cây, nghìn cây vàng. Bà Sâm từ độ bán nhà đâm ra lên huyết áp vì lo trấn lột. Nhà mới của bà tường cao kín mít rắc mảnh chai nhưng vẫn phải nuôi thêm chó dữ. Hai con bécgiê lồng lộn đuổi nhau suốt ngày trong mảnh sân kín, mở cửa ra là nước đái chó xông lên người chết cũng phải tỉnh dậy. Bà Sâm lam lũ với hai con chó chả khác nào khi xưa phải tăng gia lợn trong nhà. Chú Thịnh cũng là tỉ phú. Chú mua hơn nghìn mét đất, xây tường bao, kẻ biển "Biệt thự Triệu Bông Hồng". Chú Thịnh nguyên văn sĩ bỏ nghề về phụ vợ bán cháo lòng, còn tí máu văn chương trút cả vào cái biển, tô vẽ hoa hồng rực rỡ. Cũng phải tâm hồn lãng mạn lắm mới tưởng tượng ra được Triệu Bông Hồng giữa khu đất chó ỉa bên cống thối sông Tô Lịch quanh năm nghẽn đặc rác rưởi, xác mèo, chuột chết trương phềnh.

Thế là cả xóm lên đời hết. Chữ "Nhẫn" qua lần chuyển nhà thất lạc vào đâu chẳng biết, châm ngôn mới của bố nghe oanh liệt hơn : "Cứ đạn bắn xối xả là xong". Túi bố luôn có "đạn", là mấy tờ đô xanh xanh không phải để tiêu mà để làm "chúng nó" sợ. Bố uống bia để bụng phát triển tự nhiên. Bụng phệ cộng với đô la trong ví là tướng giám đốc, đi đâu cũng được vị nể khác thường. Mẹ không còn tiêu những buổi tối vào mơ ước nữa. Cái gì mua được bằng tiền thì đã mua rồi, mẹ đâm buồn. Thú vui của mẹ bây giờ là đi gọi hồn. Nói chuyện với người sống chán rồi, bây giờ mẹ chuyển sang tín nhiệm ma.

Bà Sâm giới thiệu cho mẹ một cô đồng rất giỏi. Bà là khách thường xuyên của cô đồng, hai tuần đến gọi hồn một lần, khi đi háo hức, khi về bâng khuâng. Mẹ úp mở bà ấy đang có bồ đấy. Bố bực dọc :

- Nhảm nhí ! Sắp xuống lỗ rồi còn bồ bịch gì. Đến tai chồng bà ấy thêm rách việc ra.

Mẹ hứ một tiếng :

- Tôi mắt thấy tai nghe nhé, không thèm đặt điều ! Ông có ở đấy đâu mà biết. Không tin thì tuần sau đi với tôi. Mà không, ông đi thì "họ" lại ngượng, vía dữ như hùm ấy. Thôi để con Xuân đi với tôi. Với lại cô đồng này cũng hay lắm, xem một lần cho biết.

Bà Sâm là chị họ bố, ngót nghét bảy chục tuổi. Bà thuộc loại phụ nữ cổ, chỉ chăm chăm chúi chúi vào chồng con, suốt ngày ru rú trong nhà. Con cái lớn dựng vợ gả chồng ra ở riêng hết, bà sống với ông chồng, tiền bán cái nhà cũ thừa ra, ăn đến chết cũng không hết. Chồng bà còn khoẻ, nhập hội "Ham sống sợ chết", các cụ già rủng rỉnh, ăn chơi dối già, đi vắng suốt. Còn lại mình bà với hai con chó giữ nhà và màn hình tivi mở từ sáng đến khuya. Bà ngồi, cằm phị xuống tận ngực, chương trình gì cũng mở tới cùng nhưng không ai dám chắc bà đang thức hay ngủ bởi cặp mắt sụp mí, những nếp nhăn trên mặt không động đậy. Thỉnh thoảng như sực tỉnh, bà đấm thùm thụp vào cái chân bị thấp khớp, rên "Ôi giời" bình luận cho tất cả các chương trình từ hoạt hình, phim hài, bạo lực đến tin thời sự động đất, tăng năng suất lúa, cúp bóng đá, thăm viếng ngoại giao. Bà Sâm bây giờ cũng xoay ra bồ bịch thì khiếp thật, mà lại có ông già nào lãng mạn đến mức vắt ra được giọt tình ở bà lão bảy mươi như thế.

Nhưng mà có khi mẹ chẳng nói ngoa... Buổi sáng hôm sang rủ bà Sâm đi gọi hồn, Xuân kinh ngạc thấy một bà Sâm hoàn toàn khác. Tivi vẫn bật nhưng bà không xem mà lăng xăng đi lại. Đồ lễ đó chuẩn bị tươm tất. Gà quay, xôi gấc, hoa quả thượng hạng. Nhất là một bó hồng đỏ lộng lẫy, cành vừa mập vừa dài, mười bông như một, cánh nhung lóng lánh nước đọng, đẹp không chê vào đâu được. Mẹ ghé tai Xuân thì thào: "Hồng tặng bồ đấy. Bà này thế mà lãng mạn lắm !" Bà Sâm hôm nay diện quần tây, áo nhung đen, tóc búi cài trâm, nom nhẹ nhõm, trẻ trung ra cả chục tuổi. Xuân nghi hoặc để ý bà đang trang điểm. Nhìn các bà già son phấn bao giờ cũng cảm động. Giống như hàng rau xót xa vảy đẫm nước vào mớ rau héo chợ chiều, biết chắc là vốn liếng sắp đi tong rồi nhưng vẫn cứ ngồi cố đến khi tàn bóng. Cái cách bà Sâm hôm nay chải chuốt không giống thế. Nó nắn nót, âu yếm trên từng nếp nhăn. Chưa hết, thay vì bôi dầu Nhị Thiên Đường như thường lệ, bà lại xịt tí nước hoa. Bảy chục tuổi, cả đời hết nuôi lợn đến nuôi chó mà bây giờ bỗng dưng thích nước hoa thì nhất định là có vấn đề.

Nhà cô đồng nằm sâu trong ngõ, trên gác. Cửa chính treo mành mành nhưng cửa sổ mở rộng nên thoáng. Chính giữa phòng là điện thờ, khói hương nghi ngút. Ánh sáng nhiều nên không khí không có vẻ âm u, huyền bí như Xuân tưởng. Bà Sâm nhanh nhẹn bày đồ lễ. Cô đồng dọn ra đĩa gạo, đĩa muối, chén rượu, thuốc lá, bình trà. Mẹ rút nén hương thắp, cắm vào cốc gạo để trước mặt cô đồng. Người nào việc nấy thành thạo, nhịp nhàng. Xong xuôi, ba người quỳ một hàng sau lưng cô đồng. Cô này xuýt xoa khấn vái, gieo âm dương rồi chắp tay, đầu gục xuống. Im phăng phắc. Xuân nhớ ông nội. Hôm ra thăm mộ ông, Xuân khóc. Khóc với người chết dễ hơn với người sống. Không cần giải thích, không cần kể lể, chỉ nước mắt mặn chát rơi xuống, thấm vào đất mộ. Thần giao cách cảm. Ông linh thiêng chắc hiểu vì sao Xuân bỗng dưng bỏ việc, ngàn dặm trở về... Cô đồng chợt rùng mình như có ai đẩy. Cô ngáp, mặt vếch lên bốn nhăm độ, cặp mắt khép hờ toàn lòng trắng liếc xéo sang bên, dài dại :

- Trung. Trung đây.

Mẹ và bà Sâm nhìn nhau. Đồng thanh thưa :

- Dạ, không quen hồn nào tên là Trung cả.

- Trung họ Vũ. Tìm cô Bé.

- Dạ, chắc hồn nhầm người.

- Thôi thế hồn đi vậy.

Cô đồng lại ngáp. Rùng mình. Hồn đi. Nửa tiếng trôi qua, có hồn ông Lục tìm bà Tài, hồn cụ Tô tìm Uyên, hồn cô Vị, hồn bà cả Tẹo tạt qua chơi, không ai nhận lại đi. Mỗi lần hồn nhập, hồn đi, cô đồng lại ngáp. Miệng cô chắc là cửa để hồn chui ra chui vào. Xuân quỳ mãi mỏi chân, lơ đãng ngó ra cửa sổ, tưởng tượng các hồn đang đi mây về gió đông đúc. Mẹ thì thào : " Mãi chưa thấy ông Tuấn về. Mọi khi nhanh lắm cơ." Cô đồng lại ngáp :

- Tuấn đây.

Bà Sâm nhổm lên :

- Anh đã về.

Mẹ bấm tay Xuân. Hai mẹ con dỏng tai nghe. Bà Sâm trách :

- Hôm nay anh về chậm thế.

- Anh bận đi mua thuốc cho em. Qua đò đông phải chờ lâu quá. Thế hôm nọ ngã có đau không ?

Bà Sâm bắt đầu sụt sịt :

- Em vấp vào cái xích chó, chúi đầu xuống. May mà chỉ tím chân thôi chứ không gẫy xương.

Cô đồng dịu dàng :

- Anh đã gọi mà em không nghe. Anh đỡ cho em đấy. Thế em đó bóp thuốc chưa ?

Cô đồng cầm tay bà Sâm, nắn bóp nhẹ nhàng. Mắt cô đồng vẫn khem khép, miệng thủ thỉ :

- Anh thương em.

Nước mắt bà Sâm trào ra, giàn dụa :

- Sao không về thăm, báo mộng cho em ?

- Hôm nọ anh về, là con bướm nâu bay quẩn mãi trong bếp của em đấy thôi. Gớm hai con chó nó cứ vừa cắn vừa sủa. Mấy lần khác thì bà cô ông mãnh nhà em không cho anh vào.

Hồn khoe với bà Sâm đã xin được việc mới, lương khá lắm, bà không phải đốt tiền âm nữa. Hồn lại dặn kỹ tuần sau bà Sâm đi chợ, thấy chị áo xanh bán thuốc thấp khớp thì mua. Thuốc ấy đích thân hồn tìm cho bà, uống vào sẽ đỡ... Trời gần đứng bóng. Nắng chiếu qua cửa sổ sáng rực căn phòng. Xuân kinh dị nhìn bà Sâm với cô đồng ngồi miên man trong nắng, lời tâm sự nửa thật, nửa kỳ quái hoang đường.

Mẹ và Xuân hôm ấy về không. Thăm nom cũng có giờ, hồn ông bà nội ngoại chắc thấy tình yêu của bà Sâm mãnh liệt quá nên nhường. Mẹ cứ tấm tắc hồn thiêng thật, chuyện bà Sâm ngã, đến ông chồng kề bên cũng không biết, thế mà hồn nói vanh vách. Bà Sâm hỉ mũi, ngậm ngùi :

- Ông ấy theo tôi hơn bốn chục năm nay, chuyện gì mà không biết !

Mồ ma ông Tuấn si mê bà Sâm từ lúc bà còn con gái nhưng chả được xơ múi gì ngoài một tấm ảnh. Ông chết trận lúc mới hai tư, ảnh người tình trong mộng đút túi áo ngực cũng chôn theo. Cho đến năm vừa rồi đi gọi hồn, bà Sâm mới ngớ ra là mình được yêu suốt mấy chục năm. Hồn kể ra trăm ngàn kỷ niệm, bao nhiêu lần hồn luẩn quẩn bên bà những khi bà ốm đau, buồn giận chuyện chồng con. Một chồng, bốn con với bảy đứa cháu nội ngoại, thế mà ngẫm suốt đời, hoá ra không ai gần gụi bà như hồn. Mà cũng chỉ có ma mới chung tình vô điều kiện như thế ! Bà Sâm cảm tấm lòng ấy nên nhận lời yêu ma sau hơn bốn chục năm âm dương cách trở. Bà Sâm chia tay mẹ con Xuân, đi ngay ra Hàng Mã. Bà đã hứa với hồn là mua sổ tay và bút máy để hồn chép thơ, chắc là thơ tình.

Nhưng sổ với bút ấy không đến tay được hồn tình. Bà Sâm đang lom khom hoá vàng thì ông chồng ở đâu xồng xộc về. Ông túm tóc bà, lôi thẳng vào buồng. Này thì đồng cốt ! Này thì đú đởn ! Này thì nhân tình nhân bánh ! Không cần tra hỏi, cứ mỗi câu ông thụi cho bà một quả. Hai ông bà già, sức lực chẳng còn mấy, chỉ thấy xương với da đụng nhau lục cục. Bà Sâm không cãi, cũng không đỡ đòn, chỉ khóc. Bà càng khóc, ông càng điên tiết. Mấy chục năm cứ tưởng lấy được con vợ đức hạnh, nào ngờ nó bồ bịch ngay trước mũi ông, làm người ta đồn giăng giăng đến tai ông, rằng ăn ở với vợ ra làm sao mà bà ấy chán đến độ xoay ra mê một cô hồn. Yêu hồn thì làm sao ông kiểm soát được, ai mà biết đêm nào chúng nó cũng tình tẹo với nhau trên giường ông, ông sờ sờ ra đấy mà chúng nó làm gì ông cũng đành chịu. Khốn nạn quá ! Cái sừng vô hình bị ma cắm bốn mươi mấy năm chắc đã sum suê gốc rễ. "Mày yêu ma. Mày có giỏi ngủ với nó được không ? Nó có cái này không?" Ông hùng hục trật quần, phô bày vốn quý hơn hẳn con ma. Nhưng bất chấp nộ khí xung thiên của ông, thằng cu _ bây giờ gọi là ông lão cũng được _ chỉ rủ xuống rất nhu mì. Hai ông bà nhìn chăm chăm vào nó một lúc. Nó rung rung dịu dàng, không ngẩng lên. Ông đỏ mặt, càng giận hơn, chửi : "Đồ ngu" rồi kéo phắt quần lên. Ông lao ra đá tung chậu vàng mã, đái thẳng vào ngọn lửa đang thoi thóp. Cuốn sổ thơ cháy dở dang thâm đen, những lời tình tự không chỗ đậu theo tàn tro bay tứ tung. Ông hầm hầm lên công an phường tố cáo cô đồng hành nghề mê tín dị đoan. Đòn dương đã vậy, đòn âm, ông thuê hẳn một thày pháp cao tay trấn bùa, mấy lá bùa đỏ ngoằn ngoèo dán từ cổng chính vào buồng ngủ. Ông còn đặt con dao dưới gối, doạ ma nào vớ vẩn mò đến ông chém chết. Họp gia đình, ai cũng trách bà dại dột, tin đồng cốt quàng xiên, cúng bao nhiêu tiền cho nó. Bà Sâm đổ ra ốm một trận tưởng chết. Hôm Xuân sang thăm, bà đã đỡ nhưng còn yếu, chỉ ngồi bất động trước tivi, đến cái câu "Ôi giời" mọi khi cũng không thấy bà nói nữa.

Xuân một mình tìm đến cô đồng. Biết là chẳng ích gì nhưng vẫn đến. Có một chút niềm tin dù là hoang đường vẫn còn hơn chẳng có gì. Nhà cô đồng khoá cửa im ỉm. Xuân về, ngang qua quán cà phê cũ. Nắng cuối thu lốm đốm rơi qua tán lim già, lá sẫm xanh, bí ẩn. Xanh như mười năm trước, khi Xuân nói "Em sẽ đi xa", xanh như hôm qua Xuân lại nói "Em muốn trở về". Hai lần cùng nói với một người. Hai lần người ấy chỉ nhìn Xuân thương xót, thương như Xuân nhìn bà Sâm tình tự với hồn ma. Xuân nhớ lúc ấy có một cái lá lim bay tạt xuống mặt bàn. Nó nằm chơ vơ, con mắt xanh lặng lẽ. Mười năm có khi cũng rơi như thế, mười năm, là một phần mấy của cuộc đời ?

Xuân ra sân bay vào buổi chiều cuối năm rét ngọt. Xe băng ngang sông Hồng. Dưới chân cầu những xoáy nước đỏ quạch phù sa như vết thương hun hút. Một lá ngô già ngập ngừng nơi mé nước rồi thong thả xuôi dòng. Xuân ngoái ngược trở lại phía những cụm nhà lố nhố ven đô, cố tìm cái mái củ tỏi màu hồng, sao bây giờ ngó thân thương hơn mọi thứ khác. Gió lùa cay mắt. Ngước lên trời cao, chợt thấy mình không phải là người đàn bà cứng cỏi, mạnh mẽ như bạn bè vẫn bảo, chỉ là con bé Nhịn tay bị giữ chặt, buồn nhìn chữ "Nhẫn" bộ "đao" đè lên bộ "tâm" nghiệt ngã. Lưỡi dao vô hình cắt gọt con tim nông nổi, gọt bao nhiêu cho tròn một kiếp người ?

Xuân ngồi nhìn căn buồng mới thuê trống trải, trang trí duy nhất là cành hoa sữa đã rụng tiệt hoa sau chuyến bay gần trọn một ngày. Tay Xuân luồn trong túi áo mân mê cái chìa khoá ngôi nhà cũ. Nó không quá xa, nửa tiếng chạy xe, Xuân sẽ về lại đấy. Lò sưởi bập bùng, salon bọc da êm ái, và một người đàn ông quen thuộc. Anh ta sẽ đón Xuân vào, đại lượng như đón người đàn bà dại dột, vài năm một lần đem đời mình ra đập vỡ chơi rồi loay hoay hàn gắn lại. Sẽ không đả động gì đến chuyện Xuân đã bỏ việc, đã dọn đi..., những cơn đồng bóng đàn bà. Sẽ bình thản cùng ngồi xem tivi như năm ngoái, năm kia, như mười năm trước. Bình thản cho đến khi anh ta lột chiếc áo ngủ, ấn giúi Xuân xuống nệm. Vùi sâu, xoáy lút những nhát đâm ngoáy vào vết thương chưa bao giờ khép miệng giữa hai người... Xuân rùng mình, rút hẳn chìa khóa ra khỏi túi, tìm một phong bì. Nắn nót viết lên địa chỉ căn nhà cũ. Bỏ chìa khóa vào. Dán kín.

Khi Xuân từ bưu điện trở về thì pháo lác đác rộ lên. Sắp giao thừa. Xuân mở gói quà mang theo từ Hà Nội. Một bức thư pháp. Mực tàu đen đằm trên nền giấy dó, nét bút tinh anh, phóng khoáng. Chữ "Tâm". Không có bộ "đao" ở trên, chỉ một chữ "tâm" thật đậm, cái đường móc hất lên, nửa như khát khao, nửa như thách thức. Xuân treo bức thư pháp lên khoảng tường trống gần cửa. Gió lùa qua khe chữ lay nhè nhẹ. Văng vẳng tiếng chuông nhà thờ. Xuân mở tung cửa sổ. Úp mặt vào làn không khí giá băng tinh khiết, nồng nàn hương pháo. Nền trời đen thẫm bùng lên muôn vạn chùm hoa lửa. Nước mắt ấm trên môi, Xuân nhận món quà sinh nhật bố mẹ đã dành cho từ lúc chào đời. Một năm mới phong kín như chưa từng mất mát. Nguyên Xuân.

14/02/2002
Viết cho ngày sinh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

2 Trang  1 2 >
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC