Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Hồ Biểu Chánh, qua Thanh Lãng, Nguyễn Huệ Chi, Vũ Ngọc Phan

tao_lao
post Sep 14 2005, 01:35 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Senior Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 591
Tham gia từ: 26-April 05
Thành viên thứ: 1.682

Tiền mặt hiện có : 6.392$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



Bài của Thanh Lãng

HỒ BIỂU CHÁNH
(1885-1958)
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn kỳ cựu nhất của làng văn Việt Nam. Đời của ông đã nhiều ít trải qua tất cả mọi biến chính quan hệ nhất của lịch sử Việt Nam. Chính năm kinh thành Huế thất thủ là năm ông ra đời (1885) rồi từ đó hết biến chính này đến biến chính khác của thời kỳ thực dân chiếm đóng Việt Nam. Ông được chứng kiến cuộc đảo chánh Nhật, cuộc cướp chính quyền của Việt- Minh cuộc chiến tranh tàn sát giữa Pháp và Kháng chiến, cuộc tàn sát giữa quốc gia và cộng sản, cuộc chia đôi đất nước do Hiệp định Dơ-neo, việc dân Bắc ào ạt di cư vào Nam lật đổ chánh thể quân chủ để thiết lập chế độ Cộng Hòa. Như vậy Hồ Biểu Chánh đã sống lợp qua cả chiều dài và rộng của lịch sử chiến đấu của dân tộc Việt Nam.

A- Tiểu sử:
1) THỜI NIÊN THIẾU

Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ Văn Trung sinh ngày 1 tháng 10 năm 1885, tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công. Theo lời của Hồ Văn Kỳ Trân, con trưởng của ông, thì Hồ Biểu Chánh vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo, nhưng nội tổ hồi trước lập làng nên có bảng vị Tiên hiền thờ trong đình thần, và thân phụ được tham dự trong Ban Hội hương chánh lần tới chức Hương chủ và Chánh bái(1).
Mãi năm lên 8, Hồ Biểu Chánh mới học vỡ lòng chữ Nho tại trường làng. Năm ông lên mười hai, cha mẹ ông rời quán về chợ Giồng ông Huê, lúc đó mới cho ông đi học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường Vĩnh Lợi, rồi sau lại cho xuống học tại trường tỉnh Gò Công. Nơi đây, ông được cấp học bổng để lên học trường trung học Chasseluop-Laubat ở Saigon. Cuối năm 1905, ông thi đậu bằng Thành chung (Diplôme de fin déludé).

2) ĐỜICÔNG CHỨC :

Năm 1906 là năm được 21 tuổi, ông thi Ký -lục Soái phủ Nam Kỳ và từ đó cho tới 1945, ông liên lỉ sống cái đời bình thường của một công chức, đi từ Ký-lục lên tới Đốc phủ Sứ. Từ 1906-1912, tòng sự tại dinh Hiệp -Lý: từ 1912-1914, tòng sự tại Bạc Liêu, Cà Mau; năm 1914, tòng sự tại Long Xuyên; năm 1919, tại Gia Định. Năm 1920, làm tại văn phòng Thống Đốc Nam Kỳ; cuối năm 1921, thi đậu tri huyện; năm 1927 được thăng tri phủ quận Càng Long (Trà Vinh); năm 1932 chủ Quận Ô Môn (Cần Thơ); năm 1934, đổi đi Phụng Hiệp; năm 1935, về Saigon lãnh chức phó chủ Phòng 3, kiểm soát ngân sách các tỉnh và thành phố. Năm 1936 thăng Đốc Phủ Sứ. Đến nửa năm 1935, tính ra đời công chức đã chẵn 30 năm, ông đệ đơn xin về hưu trí. Ông được chính phủ Pháp cho hồi hưu kể từ đầu tháng giêng 1937, nhưng vì chưa có người thay thế, nên ông phải ở tại chức cho đến năm 1941 mới được thôi. Nhưng chỉ được tự do ít bữa, vì mồng 4 tháng 8 năm 1941, Pháp lại cử ông làm Nghị viện Hội Đồng Liên Bang Đông Dương, rồi 26 tháng đó lại kiêm cả nghị viên Thành Phố Saigon với chức với Chức Phó Đốc Lý. Cuối năm 1941. Saigon và Chợ lớn được sát lập làm một ông lại phải làm Nghị viên trong Ban Quản Trị Saigon, Chợ Lớn cho đến 1945. Năm 1946, khi Nguyễn văn Thinh làm Thủ Tướng Nam Kỳ Quốc, có mời Hồ Biểu Chánh làm cố vấn.

3) ĐỜi HƯU TRÍ

Từ năm 1946 Hồ Biểu Chánh về hưu tại Gò Công là chốn cố hương.. Qua 35 năm làm công chức, ông dã được những huy chương sau đây:
- Khuê bài danh dự bằng bạc (28-12-1920)
- Kim Tiền (6-4-1921).
- Monisaraphon (26-8-1924)
- Ordre Royal du Dragon de I'Annam (25-31927)
- Ordre Royal du Camdedge (22-9-1927).
- Chevalier de la Légion d'Honneur (9-8- 1924)
Ngày 4 tháng 11 năm 1958, Hồ Biểu Chánh chết tại biệt thừ Biểu-Chánh (Phú - Nhuận) hưởng thọ 73 tuổi.

4) ĐỜi VIẾT VĂN

Thực chưa có nhà văn nào sống trùm lợp tất cả lịch sử văn học mới Việt Nam như nhà văn Hồ Biểu Chánh. Theo phương pháp mới, chúng tôi đã chia văn học Việt Nam thành 5 thế hệ:
- Thế hệ 1862 (1862-1913) : Văn học đối kháng.
- Thế hệ 1913 (1913-1932) : Văn học điều hòa Âu Á
- Thế hệ 1932 (1932-1945) : Văn học cấp tiến theo mới
- Thế hệ 1945 (1945-1954) : Văn học kháng chiến
- Thế hệ 1954 (1954-1963) : Văn học Nam Bắc phân tranh.
Như đã thấy và sẽ thấy sau này, những biến cố quan trọng quyết liệt khai mạc và bế mạc các thế hệ văn học và đánh dấu riêng biệt cho từng thế hệ một. Ít ai có một đời sống bao trùm ca năm thế hệ văn học như Hồ Biêủ Chánh.

- THUỘC THẾ HỆ 1862 (1862-1913):
Những năm cuối thế hệ 1862, nghĩa là vào khoảng 1906- 1913, Hồ Biểu Chánh lúc hãy còn trẻ, nhưng cũng đã sớm tập viết văn. Theo con ông thuật lại, thì vào khoảng 1906, có phong trào đọc sách dịch của Tàu. Hồ Biểu Chánh thấy mình cần phải học chữ Nho, cho nên đã nhờ một người bạn dạy dùm. Kịp khi đọc được chữ Nho, ông liền chọn những truyện hay trong bộ Tình Sử hay Kim cổ kỳ quan đem dịch ra quốc văn nhan đề là Tân soạn cổ tích. Nhưng dịch thì dịch mà Hồ Biểu Chánh thấy người mình đọc truyện dịch của Tàu không bổ ích là bao nhiêu cho nên ngay từ đầu ông đã mơ tưởng viết truyện Việt cho người Việt đọc. Trước hết ông viết truyện dài theo thể 6, 8 nhan đề là U Tình Lục. Hồi này, Trần Chánh Chiếu cho xuất bản cuốn Hoàng Tổ Anh Hàm Oan là một cuốn tiểu thuyết tình mà vai truyện toàn là người Lục tỉnh. Đọc truyện đó, Hồ Biểu Chánh thấy viết truyện bằng văn xuôi dễ cảm người đọc hơn là văn vần, cho nên ông tập viết những chuyện văn mô phỏng truyện của Tây gửi đăng ở mấy tờ báo. Chính trong thời kỳ này, Hồ Biểu Chánh viết ra hai cuốn tiểu thuyết dài: cuốn Ai làm được năm 1912, và cuốn Chúa Tàu Kim Qui, năm 1913. Ở cuốn hai cuốn đó, ta đọc mấy chữ như:
Tự thảo sáng, Cà Mau 1912
Tự nhuận sắc, Saigon 1922
Ngày nay chúng ta chỉ có trong tay những bản đã nhuận sắc năm 1922. Như vậy, những tài liệu về hoạt động văn nghệ của Hồ Biểu Chánh trước năm 1913, quả thật là hiếm hoi. Mặc dầu chưa đủ tài liệu để phác họa bộ mặt của Hồ Biểu Chánh của thệ hệ 1862 (1862-1913), ta cũng đoán được đấy là một thời kỳ tập sự của nhà văn họ Hồ. Tên của Hồ Biểu Chánh bị lút bên cạnh những danh sĩ danh văn như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Chu Trinh, Hoàng Cao Khải…

- THUỘC THẾ HỆ 1913 (1913-1932)
Qua thời kỳ tập sự ở những năm cuối thế hệ 1862, Hồ Biểu Chánh bắt đầu trưởng thành ngay từ đầu thế hệ 1913. Ngay từ hồi này, sức làm việc tinh thần của Hồ Biểu Chánh xem ra đã phong phú lắm rồi. Theo chỗ con ông thuật lại, thì từ 1913-1932. Hồ Biểu Chánh đã cho xuất bản cả thảy 18 cuốn tiểu thuyết. Trong số đó ta có thể kể đến: Ai làm được (1922), Chúa Tàu Kim Qui (1922), Vì nghĩa vì Tình (1929), Cha con Nghĩa Nặng (1929), Khóc thầm (1930), Con Nhà Giàu (1931), Chút Phận Linh Đinh (1931)

- THUỘC THẾ HỆ 1932 (1932-1945):
Trong thời kỳ này, Hồ Biểu Chánh viết được 4 tuồng hát bội, 3 tuồng cải lương và 25 cuốn tiểu thuyết. Ngoài ra ông còn làm Giám Đốc tờ báo Đại Việt Tập Chí và Nam Kỳ Tuần Báo.
- THUỘC THẾ HỆ 1945 (1945-1954):
Từ năm 1945, Hồ Biểu Chánh tản cư trót 9 năm ở Gò Công, viết thêm được gần 20 cuốn tiểu thuyết nữa. Cũng trong thời kỳ này ông để tâm nghiên cứu văn học, luân lý, tôn giáo.

- THUỘC THẾ HỆ 1954 (1954- ?)
Từ sau 1954, Hồ Biểu Chánh không cho in tiểu thuyết mới mà chỉ gửi truyện đăng trong các báo Tiếng Chuông, Saigon Mới. Trong thời kỳ này, ông viết thêm được 4,5 truyện mới, một ít tập ký ức và ít nhiều bài khảo cứu về lịch sử, về tôn giáo

B- Hồ Biểu Chánh của Thế Hệ 1913 (1913-1932)

Chương này chỉ học về Hồ Biểu Chánh của thế hệ 1913 (1913-1932), nghĩa là ta chỉ khảo sát các tác phẩm của ông ra đời trong giai đoạn xây dựng văn học mới này. Nhưng trước khi phác họa từng chi tiết bộ mặt của Hồ Biểu Chánh, của thế hệ 1913, chúng ta cần nhận định ngay điều này; đối với Hồ Biểu Chánh, dù ở thế hệ nào mặc lòng, chẳng kỳ thuộc thế hệ 1862, hay 1913, hay thế hệ 1932, hay thế hệ 1945, hay thế hệ 1954, ông vẫn giữ hầu y nguyên bộ mặt; điều thứ hai ta cần nhận định là nhà văn họ Hồ hầu như đứng ở ngoài hẳn các trào lưu tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật: khuynh hướng đối kháng thuật hay nghịch của thế hệ 1862, nhất là về những năm 1905-1912 không có tiếng vang ở nơi ông; phong trào lãng mạn vượt bực theo tiểu thuyết Tuyết Hồng Lệ Sử hay Tố Tâm của thế hệ 1913 hầu như không vang vọng gì trong sự nghiệp của ông, chủ trương phá phách rầm rộ theo kiểu Đoạn Tuyệt của thế hệ 1932, hầu như ông không biết tới : những sát khí có tính cách tuyên truyền kháng chiến của thế hệ 1945 không len lỏi vào được tác phẩm ông; và sự bồng bột, sôi nổi của cuộc tương tàn Nam Bắc của thế hệ 1954 cũng không có chỗ đứng trong sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh cái cảm giác chung mà chúng ta nhận thấy là hình như ở đấy, thời gian như cô đọng lại, không đi, màu sắc không phai, có thể nào buổi đầu thì lúc cuối còn y nguyên vậy. Nói vậy chúng ta không có ý bảo rằng : Hồ Biểu Chánh thủ cựu, thoái hóa, không có ý chí muốn đổi mới. Nhưng ta chỉ có ý nói rằng cái mới của Hồ Biểu Chánh cuả năm 1906, với cái mới của Hồ Biểu Chánh của năm 1956 không khác là bao nhiêu. Ngược lại, ta thấy có những nhà văn như Hoài Thanh của năm 1944 với Hoài Thanh của năm 1947 là hai thái cực, chối bỏ, loại trừ nhau hầu như hoàn toàn.
Riêng về thế hệ 1913, hoạt động của Hồ Biểu Chánh quả thực đã to tát quá điều chúng ta ngờ. Điều lạ hơn nữa là tại sao cái sự nghiệp ta tát ấy quá ư bị chìm lặng bên cạnh những công việc làm lẻ tẻ mà kém giá trị như những truyện ngắn của Tương Phố chẳng hạn. Phải chăng vì Hồ Biểu Chánh là người Nam Kỳ với cái lối văn mộc mạc, bị tưởng lầm là quê mùa, thô tục. chứ thực ra Hồ Biểu Chánh bước vào làng văn không muộn gì hơn Nguyễn văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh. Đông Dương tạp chí ra đời năm 1913, nhưng ngay năm 1912 Hồ Biểu Chánh đã có tác phẩm sáng tác. Theo tài liệu của Hồ văn kỳ-Trân là trưởng nam, thì nhân việc Trần Chánh Chiếu xuất bản cuốn Hoàng Tố Anh Hàm Oan bằng văn xuôi với những vai truyện toàn người lục tỉnh, Hồ Biểu Chánh liền nảy ra ý tưởng bắt chước Trần Chánh Chiếu. Bởi vậy, năm 1912, đương lúc làm việc tai Cà Mau, Hồ Biểu Chánh viết cuốn Ai làm được là cuốn tiểu thuyết đầu tay bằng văn xuôi của ông; nhân vật cũng là người Cà Mau. Năm sau, 1913 đổi lên Long Xuyên, ông viết cuốn thứ hai nhan đề là Chúa Tàu Kim Qui. Sau hai cuốn tiểu thuyết đầu tay trên đây, Hồ Biểu Chánh, trong suốt thời đại chiến thứ nhất hầu như không viết thêm gì ngoài ít hài kịch cho con hát diễn kiếm tiền giúp cho chiến tranh Pháp. Năm 1917, Hội Khuyến Học Long Xuyên cho xuất bản Đại Việt Tạp Chí có mời Hồ Biểu Chánh viết về khoa kinh lý tài. Năm 1918, đổi về Gia Định ông giúp cho mấy tờ báo như Quốc Dân diễn đàn, Công luận báo, Đông Pháp thời báo vì báo bị kiểm duyệt quá gắt gao, Hồ Biểu Chánh tạm ngừng hoạt động báo chí. Ông để tâm suy nghĩ và lợi dụng khai thác những kinh nghiệp của mấy năm qua, sửa chữa những sách đã viết và xây dựng thêm nhiều cốt truyện mới, ông nhuận sắc lại hai cuốn tiểu thuyết viết năm 1912 và 1913, tức là hai cuốn Ai làm được, Chúa Tàu Kim Qui, và cho xuất bản năm 1922. Rồi từ đó Hồ Biểu Chánh sáng tác liên miên. Cho đến 1932, tổng số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lên tới 18 cuốn.



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
tao_lao
post Sep 14 2005, 01:38 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Senior Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 591
Tham gia từ: 26-April 05
Thành viên thứ: 1.682

Tiền mặt hiện có : 6.392$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



..............

- VỀ ĐỀ TÀI:

Khác hẳn các tiểu thuyết cổ điển, các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không còn ưa đặt ra những vấn đề tài mệnh tương đố, hiếu tình xung đột nữa. Như phần đông các văn gia thuộc thế hệ này, Hồ Biểu Chánh ưa xây dựng những truyện có nhiều tính cách phiêu lưu, động đạt, nhiều tình tiết đau đớn lãng mạn, nhiều cảnh chết chóc thương tâm, nhiều bài đạo đức luân lý khô khan,

Cả năm truyện chúng ta vừa lược thuật trên đây đều minh chứng điều đó. Cả năm truyện đều dồi dào tình tiết phiêu lưu: trong Ai làm được, Bạch Tuyết là một thân gái mà đã từng cương quyết ra đi, phiêu dạt để cố tự xây dựng sự nghiệp, còn Chí Đại, người yêu của nàng thì đã từng trôi dạt qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để mò vàng, Đến Chúa tàu Kim Qui, thì tính cách phiêu lưu càng rõ rệt: Thủ Nghĩa hết phiêu lưu trên đất vào gông cùm, lén lút qua hết các tỉnh miền Nam rồi lại lênh đênh theo duyên hải Thái Bình Dương từ Thái Lan qua Trung Hoa. Trong Chút Phận Linh Đinh thì trong lúc chồng đi du học Pháp bị đắm tàu lênh đênh lưu lạc qua nước người mười mấy năm trường, nàng Thu Vân ở nhà cũng lưu lạc khổ sở gian truân suốt từ Hà Nội cho đến Trà Vinh, Sa đéc. Trong Vì Nghĩa vì Tình, không những cha mẹ chúng lênh đênh mà đến hai đứa trẻ như thằng Hội và thằng Quì cũng trôi dạt và say sưa mạo hiểm. Đã có lần thằng Hội, đứa trẻ 12 tuổi bảo bạn nó “ nhựt trình họ biểu phải đi du lịch đặng mới mở trí khôn. Mày nhớ hôn?(1)Trong Cha con nghĩa nặng vì trốn tránh Tòa Án, Trần văn Sửu đã phiêu dạt hơn mười năm trời. Phiêu lưu, bởi vậy là đặc tính chung của cốt truyện thế hệ này. Ảnh hưởng do các tiểu thuyết Pháp rất mạnh. Đặc tính thứ hai của tiểu thuyết thời kỳ này là tính cách đau đớn, lãng mạn, nhất là nhiều cảnh chết chóc thương tâm. Trong Ai làm được, trong Chúa Tàu Kim Qui, cũng như trong Chút phận linh đinh, hay Vì Nghĩa vì Tình, các nhân vật đều chỉ xuất hiện ra để rồi thi nhau mà chết những cách thê thảm.

Sau hết cùng một truyền thống chung với các nhà văn viết truyện thế hệ này, Hồ Biểu Chánh cũng để cho chủ trương luân lý đạo đức chi phối cốt truyện rất mạnh. Có điều giáo lý theo truyện cổ điển có tính cách cao kỳ, lý tưởng, dành riêng cho một thiểu số trường giả, còn cái luân lý, đạo đức thực tiễn, cụ thể của cả một tầng lớp nhân dân. Nhưng cái mới chung cho cả thế hệ, Hồ Biểu Chánh đã để lộ khá rõ những mầm non báo trước sự hình thành của thế hệ sau (1932-1945). Thực vậy, đề tài các truyện của ông nghiêng về thế hệ sau nhiều lắm. Các tiểu thuyết đi trước hay đương thời với Hồ Biểu Chánh, tuy đã mới ở chỗ không mô tả những nhân vật lịch sử xa vời trong khung cảnh chết, không màu sắc: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, đã biết đem lên sân khấu những người đương thời với những mầu sắc quen thuộc.

Nhưng nó vẫn còn giống kiểu tiểu thuyết cũ ở chỗ chuyên tả những hạng người nếu không cao quí trưởng giả, thì cũng là một lớp người đang được xã hội đương thời kính trọng, thèm muốn: giai cấp tiểu công chức. Hồ Biểu Chánh đã bước thêm một bước, ông không thích người phường phố. Ông quay về đồng ruộng quan sát và phân tích tâm lý của một lớp người còn đang sống ngoài lề rìa của nền văn minh mới, chưa biết đến những phát minh mới lạ của khoa học, chưa bị cám dỗ, lôi hút bởi cái đời xa hoa nơi thành thị, nhất là còn ít kinh nghiệm đối với cái đời tình cảm rạo rực như các vai truyện của Hoàng Ngọc Phách, của Tương Phố. Vai truyện của Hồ Biểu Chánh là những người như bác tá điền Trần văn Sửu trong Cha con nghĩa nặng. Cái mới thứ hai mà Hồ Biểu Chánh đem vào tiẻu thuyết là tính cách hoàn toàn bình dân: bìnhdân từ tâm tình các nhân vật cho đến khung cảnh trường sở của câu truyện. Văn minh mới đang làm mất dần đi cái cuôc sống êm đềm, lặng lẽ của đồng quê, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bức truyền thần ghi lại bộ mặt của một thời.

Một yếu tố mới khác rất được Hồ Biểu Chánh yêu mến là lòng ham ra đi, đi trên mặt biển. Hầu như truyện nào của ông cũng nhiều ít có những cuộc vượt biển. Đó là một hoạt động mới hoàn toàn đối với các nhân vật tiểu thuyết Việt Nam. Phải chăng Hồ Biểu Chánh muốn bảo cho con người trước mình phải biết ra đi, ra đi mà doanh thương, cạnh tranh với người Tàu.
Ngoài ra, qua sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh, một hình thức sống mới được phác họa, cái cuộc sống đen tối, bấp bênh, chui rúc của công nhân. Với những nét tuy chưa đậm đà lắm nhưng cũng đã thấm thía, nhiều khía cạnh của cuộc đời cái giai cấp mới phát sinh ra do cuộc sống kỹ nghệ tập trung các đô thị. Chút phân linh đinh, Chúa Tàu Kim Qui, Ai làm được … đều đã hé cho ta thấy tình cảnh đau đớn của con gái giai cấp làm thân phận loài chuột chui rúc trong các ngõ hẻm ẩm ướt, chật hẹp, thối tha, thiếu vệ sinh.

Nhưng cái mới nhất mà Hồ Biểu Chánh đem vào tiểu thuyết là án mạng, là tội ác. Từ đấy trở về trước, trong truyện của ta có nhiều lần đề cập đến để mà kết án, để mà luận tội. Chứ ở trong truyện Hồ Biểu Chánh nếu án mạng hay tội ác không được ca ngợi thì ít ra cũng được nhắc đến mọi tình tiết khác: tội thông dâm, ngoại tình trong Cha con nghĩa nặng, mà nhất là trong Vì nghĩa vì tình. Trọng Quí lấy làm hiên ngang để thuyết phục được Tố Nga muốn ly dị chồng:
Cô không trả lời liền. Cô suy nghĩ đến mấy tuần lễ rồi cô mới viết thơ mời Quí lên nói chuyện. Quí lên liền. Cô tỏ hết gia đạo cho Quí nghe. Quí khuyên cô phải nên để chồng lập tức đặng Quí cưới cô.
- Cô chịu hôn?
- Chịu…(1)
Thực là hầu như không có cuốn truyện nào của Hồ Biểu Chánh mà không có án mạng hay tội ác, nhất là tội thông dâm, tội ngoại tình.

- VỀ CÁCH XÂY DỰNG TRUYỆN

Tương đối với thời đại nó mà xét, truyện của Hồ Biểu Chánh đã được xậy dựng cứng cát vào bậc nhất của thế hệ này. Không nói làm gì đến những truyện ra đời trước hay đồng thời với hai cuốn Ai làm được hay Chúa tàu Kim Qui ngay những chuyện ra đời sau này như các truyện Nho Phong hay Quay tơ của Nguyễn Tường Tam, đem so sánh với hai truyện đầu tay của Hồ Biểu Chánh ta thấy tất cả đều mô phỏng truyện của Tây hết thảy. Chúng ta không chối cãi điều đó. Nhưng chúng ta cũng không có quyền chối cãi một thực tại khác đó là không riêng gì Hồ Biểu Chánh mà tất cả các nhà văn viết truyện trong thế hệ này - và nhiều nhà văn viết truyện trong thế hệ sau - đều mô phỏng của Tây cả.
Hồ Biểu Chánh mô phỏng mà biết chế biến làm cho truyện của ông có màu sắc, khí hậu Việt - Nam. Các tình tiết, các phần đoạn được quan niệm, sắp xếp khá chặt chẽ, liên tục hơn các truyện của Nguyễn Trọng Thuật nhiều.

- VỀ CÁCH VIẾT

Có lẽ ở đây Hồ Biểu Chánh mới hơn cả đã xây dựng cho ông một hướng đi riêng biệt, không riêng gì văn học điển cố mà ngay văn học đương thời văn cách hãy còn trang trọng lắm. Không những tiếng dùng đã đài các. Văn thường dùng nhiều chữ Nho, thích lối biền ngẫu từng điệp những câu bốn năm chữ. Ấy là chưa nói đến chêm đệm vào giữa văn xuôi những bài văn vần vô lối, Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên làm cách mạng đập vỡ cái khuôn khổ văn chương đài các giả tạo ấy. Ông đặt vào miệng các vai truyện của ông những ngôn ngữ đơn sơ, chất phác, lắm khi thô tục nữa là khác. Hồ Biểu Chánh đã để tâm quan sát, nghe ngóng và ghi lại được tiếng nói của từng hạng người. Lần đầu tiên, trong tiểu thuyết Việt Nam, người ta thấy giữa bạn bè, giữa vợ chồng những cách xưng hô bình dân "mày, tao". Hơn thế Hồ Biểu Chánh còn là văn sĩ của miền Nam, dùng tiếng địa phương. Văn của ông là văn cùng chung một truyền thống với Huỳnh Tịnh Của, Trương vĩnh Ký… tức là nói và viết "tiếng An-Nam ròng" là tiếng Việt "trơn tuột như lời nói". Cái chủ trương của các văn gia miền Nam: chống lối văn đài các miền Bắc. Nhân vụ án chữ Hán, ta đã có dịp được thấy rõ cái lập trường đó qua lời tuyên bố của ông NG.H.V. : "Khi nước Lăng Sa qua giao thông với nước ta thì trong cõi Nam Kỳ nổi lên một người là ông Trương Vĩnh ký mượn cái xác Latin mà đựng cái hồn của tiếng An nam còn sót lại. Cái xác Latin ấy là chữ quốc ngữ bây giờ. Cái hồn của tiếng ta còn sót lại lần lần nhập vào xác mới và trong khoảng 5,60 năm vừa rồi, cái xác mới với cái hồn xưa vừa ưa nhau, vừa quen hơib nhau, hiệp sức mà tiêu hóa sự phát ách tiếng chệt", phải chăng vì theo cái lập trường dùng tiếng Việt "trơn tuột như lời nói" ấy mà tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không được văn giới Bắc Việt chú ý.
Nhưng Hồ Biểu Chánh không phải là con người của các trào lưu mà là của truyền thống. Mặc cho thiên hạ khen chê, ông cứ thẳng băng đường của ông, ông tiến. Các văn gia thế hệ 1913 không thuyết phục được ông đã vậy, ngay đến các văn gia thuộc các thế hệ 1932, hay 1945 cũng không làm sao thay đổi được ông. Qua suốt 73 năm, nhất là qua gần 50 năm hoạt động văn hóa, ông vẫn giữ được nguyên vẹn bản lĩnh của mình đồng thời lại thích ứng được với mọi biến rời, lắm khi trầm trọng của cuộc sống phân quần xã hội. Sống trùm lợp mấy thế hệ văn học, mà đối với thế hệ nào ông cũng hầu như đi mon men ở ngoài rìa; ông tạo cho ông một con đường hầu như độc lập, ít khi nhảy vào con đường sẵn có cả lũ đông.
******

( Trích từ Bảng Lược đồ văn học Việt Nam- Quyển hạ - Thanh Lãng- NXB Trình Bầy- năm 1967)




User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
tao_lao
post Sep 14 2005, 01:41 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Senior Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 591
Tham gia từ: 26-April 05
Thành viên thứ: 1.682

Tiền mặt hiện có : 6.392$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



Bài của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại

HỒ BIỂU CHÁNH
(Hồ Văn Trung)

Ông là một nhà tiểu thuyết đã nổi tiếng một thời vậy mà gần đây ở ngoài Bắc không còn mấy người nhớ đến nữa. Cái đó chỉ vì một lẽ những tiểu thuyết của ông đã mười năm nay không còn lưu hành ngoài Bắc nữa. Hồi trước, người ta được đọc tiểu thuyết của ông là vì ông đăng trong Phụ Nữ tân văn, một tạp chí mà sức truyền bá đã rất mạnh trong đám người trí thức đương thời. Đó là những truyện: Vì nghĩa vì tình (đăng trong P.N.T.V. từ số 1, ngày 2-5-1929); Cha con nghĩa nặng (P.N.T.V từ số 23, ngày 3-10-1929); Khóc thầm (P.N.T.V từ số 46, ngày 3-4-1930); Con nhà giàu (P.N.T.V từ số 85, ngày 4-5-1931) vân vân. Theo Thiếu Sơn trong cuốn Phê bình và cảo luận, Hồ Biểu Chánh còn là tác giả những tập tiểu thuyết: Cay đắng mùi đời, Chút phận linh đinh, Ai làm được? Thầy thông ngôn, Kẻ làm người chịu và Tỉnh mộng, nhưng những tiểu thuyết này từ lâu không thấy có ở một hiệu sách nào ngoải Bắc cả.

Về đường lý tưởng, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng giống như tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách, nghĩa là cả hai nhà văn đều lấy luân lý làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời. Nhưng tiểu thuyết của họ Hồ lại khác tiểu thuyết họ Hoàng về mấy phương diện. Tiểu thuyết của họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị cầu kỳ, không tự nhiên, còn tiểu thuyết của họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, nhiều chỗ như lời nói thường.
Thật thế, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những tiểu thuyết đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mà lại chê là kém mặt tả tình và về tưởng tượng không được dồi dào, thì thật không biết xét nhận. Tính tình của người ta biểu lộ ra ở lời nói đã đành, nhưng nó còn biểu lộ ra ở cả mọi sự hành động nữa, mà biểu lộ ra ở hành động mới thật đầy đủ, mới thật là những tính tình đã trải qua thời kỳ tranh đấu và chọn lọc trong tâm trí. Về đường tâm lý, nếu tính tình cùng tư tưởng chỉ ở trong tâm trí và chỉ diễn ra được đến lời nói là cùng, tức là có bệnh về đường ý chí. Bởi vậy, qua một thời kỳ dự định, phải đến một thời kỳ quyết định và hành động mới được. Một thiên tiểu thuyết mà động tácdồn dập bao giờ cũng là một thiên tiểu thuyết kỳ thú. Chỉ khó một điều là tác giả phải biết "khiến việc", cũng như một viên tướng phải biết cầm quân trong khi số quân hàng vạn hàng triệu, đừng để đến nỗi có sự rối loạn.
Muốn có nhiều động tác mà vẫn giữ được trật tự, điều cốt yếu là tác giả cần phải là một nhà văn rất giàu tưởng tượng. Vậy một nhà văn nghĩ ra được nhiều động tác không bao giờ lại có thể là một nhà văn nghèo về tưởng tượng được. Những tiểu thuyết của Alexandre Dumas là những tiểu thuyết rất nhiều động tác mà ai đọc nhà văn Pháp này cũng phải khen là ông rất giàu tưởng tượng.
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ những nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa. Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thợ thuyền, hạng dân quê. Những hạng người ấy không phải những hạng người sống về tư tưởng, mọi cách hành vi của họ không có gì là sâu sắc, nên có người đã chê sự quan sát của Hồ Biểu Chánh là cạn hẹp.

Đây tôi đề cử ra một truyện dài của Hồ Biểu Chánh, một truyện có thể tiêu biểu cho các truyện khác của ông, để xét về văn, về cách dựng việc, về sự quan sát và về lối kết cấu. Đó là truyện Cha con nghĩa nặng.

Truyện rất giản dị, tả một gia đình dân quê nghèo khổ mà người chồng tuy chất phác thực, nhưng hiểu rất rõ nghĩa vụ của mình. Có thể tóm tắt như sau này: “Trần Văn Sửu là một anh dân quê thật thà, nhưng phải vợ là một mụ có tính trai lơ, lại mồm loa mép giải. Hai vợ chồng được ba đứa con: thằng Tý, con Quyên và thằng Sung. Sửu lĩnh canh ruộng cho hương hào Hội, và anh này dan díu với vợ Sửu, làm cho dân làng dị nghị. Câu chuyện đến tai Sửu và Sửu nghi thằng Sung không phải con mình. Một đêm, chàng nằm canh lúa ngoài đồng thấy đau bụng, liền chạy về nhà định lấy ít nước nóng để uống thì không ngờ bắt gặp đôi gian phu dâm phụ đang tình tự, Hương hào Hội chạy thoát, Sửu đánh mắng và xô đẩy vợ, chẳng may vợ ngã vỡ sọ chết. Sửu trốn lên Mường, người ta tưởng chàng chết đuối; còn Hương hào Hội nhờ sự lo chạy, nên thoát tù tội. Trong cái thời gian Sửu trốn ấy, hai đứa con Sửu là thằng Tý và con Quyên mới đầu ở với ông ngoại chúng, sau đến làm mướn cho một nhà cự phú là bà Hương quản Tồn, góa chồng và chỉ có một trai một gái: người con gái đã có chồng, còn người con trai là ba Giai ham chơi bời, bỏ nhà đi từ lâu. Bà Hương quản tồn rất thương yêu Tý và Quyên vì chúng đều là những thiếu niên chăm làm và có nết, không như đứa con trai lêu lổng của bà. Khi hai đứa lớn lên, bà cấp vốn cho Tý về nhà làm ăn, ở với ông ngoại, còn Quyên bà giữ lại cho học chữ, học nữ công và coi như con đẻ. Đến lúc cậu ba Giai con bà Hương quản, ăn năn, bà tha thứ cho về ở nhà. Giai ở gần Quyên, sinh lòng yêu mến nàng và bà Hương quản cũng ưng thuận cho đôi lứa lấy nhau. Bà lại dự định hỏi một người con gái nhà giàu cho Tý nữa. Giữa lúc ấy thì Sửu vì nhớ con quá, nên từ giã xứ Mường về thăm nhà trong một đêm tối. Bố vợ Sửu thấy rể, vội vàng xua đuổi chàng đi, sợ dân làng bắt chàng thì làm lỡ cả cuộc hôn nhân của hai trẻ, nhưng Tý cố giữ cha ở lại và sau nhờ sự vận động của cậu Giai, mà tòa án thôi không truy tố Sửu nữa, nhờ thế, có sự sum họp của cha con trong một cảnh nhà sung sướng, khác hẳn ngày xưa.”Thật là một truyện có "hậu", một truyện hợp với luân lý Đông Phương.

Nhưng cái thú vị đệ nhất trong tập tiểu thuyết này không phải ở đó, mà ở cuộc đời người dân trong Nam nơi đồng ruộng, cái đời cực nhọc mà tác giả đã tả rất khéo và rất đúng. Nếu có được sự an ủi trong gia đình thì sự cực nhọc ấy cũng không đến nỗi gây nên đau đớn, nhưng vào cái "ca" anh Sửu, vợ vừa dâm đãng vừa lăng loàn, thì thân anh thật là thân trâu ngựa. Trần Văn Sửu ngồi chết trân, tay níu bụi cỏ, mắt ngó mông trong đồng, không nói được nữa".
Những "xen" vợ chồng Sửu cãi nhau là những "xen" tuyệt khéo (trang 31 và 28) - P.N.T.V số 24 và 25 - 10 và 17-10-1929). Tất cả sự thô lỗ của anh nhà quê phác thực và khờ khạo, tất cả những cái già mồm và tinh rang của một cô gái đều diễn ra trong mấy xen ấy. rồi tác giả đem một cảnh hòa hợp trong đêm tối để "đóng" xen ấy lại:
Cách một hồi lâu, Thị Lựu ở trong buồng cất tiếng kêu rằng:
- Cha thằng Sung, a.
- Giống gì?
- Vô biểu một chút.
Trần Văn Sửu lồm cồm ngồi dậy đi gài cửa, bưng đèn đem để trên bàn thờ mà tắt, rồi mon men đi vô buồng, miệng cười ngỏn ngoẻn...
Sửu quên hết những lời người ta nói về vợ mình, cho mãi đến khi chàng gây nên án mạng. Cái án mạng giữa một đêm tối, diễn ra trước mắt mấy đứa trẻ thơ. Đây là thằng Tý và con Quyên trước cảnh mẹ chúng vừa mới chết.
"Khi Trần Văn Sửu dỡ cửa chạy mất rồi, thằng Tý sẽ lén bước ra và lại đứng gần mẹ nó mà coi. Con Quyên cũng đi theo đứng một bên đó. Chúng thấy Thị Lựu mở cặp mắt trao tráo mà nằm im lìm thì lấy làm lạ, không dè đã chết rồi. Con Quyên nắm tay mẹ nó và lúc lắc kêu rằng: "Má ơi, má! Sao má nằm hoài đó, má? Dậy vô buồng mà ngủ với em chớ. Cha đi nữa rồi:. Thị Lựu nằm trơ trơ. Thằng Tý bưng đèn lại coi, thấy máu chảy dưới cổ dầm dề, nó rờ mặt mẹ nó thì lạnh ngắt, nó nhớ lại hồi nãy cha nó có nói mẹ nó đã chết rồi, nên nó sợ, lật đật để đèn ra ghế, kéo tay em nó mà dắt ra cửa và nói rằng:
"Má chết rồi, đi kêu ông ngoại đi em!"
Hai đứa nhỏ ra sân. Trời sáng trăng như ban ngày. Thằng Tý muốn chạy cho mau, ngặt vì con Quyên chạy không mau được nên nó phải chậm mà dắt ..."
(P.N.T.V số 26, trang 30)

Trong "Cha con nghĩa nặng", cái lối tả linh động như thế rất nhiều. Trừ đoạn Trần Văn Sửu ngồi than thân trách phận trong khi đi trốn, còn tất cả các vai đều diễn tính tình của mình bằng những cử chỉ và hành vi. Diễn được cái tính tình trẻ con thơ ngây trước một cảnh thê thảm như trên này vào một thời mà lối tả chân ở nước ta chưa có, tôi cho là cần phải có cây bút tài tình và có con mắt quan sát tinh vi.
Tả cảnh, Hồ Biểu Chán cũng chỉ dùng vài nét bút. Như tả cảnh làm lụng ngoài đồng ruộng:
"Một bữa nọ, nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm, lu ỳ. Ngoài đồng nông phu làm lăng xăng, người thì lo phát cỏ, kẻ thì lo trục đất. Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng vàng; trong hào ấu, trái già cuốn đỏ đỏ"
(P.N.T.V số 32, trang 31)
Còn đây là một cảnh chiều ngoài đồng:
"Mặt trời chen lặn, ếch uệch oạc kêu vang mé hào, trâu na nần đi lần về xóm. Lúa cấy đã giáp đồng hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng khè, đám nào đã nở, thì coi xanh mướt .."
(P.N.T.V số 32 trang 30)
Về cảnh, bao giờ Hồ Biểu Chánh cũng tả đơn sơ như thế. Văn ông không bao giờ rườm rà đôi khi lại khí vắn tắt quá. Cái vắn tắt ấy là một điều hay ở những chỗ cần phải linh hoạt nhưng không phải chỗ nào cũng đều hay cả:
Những đoạn thằng Tý và con Quyên đến làm ở nhà bà Hương quản Tồn, tác giả tả rất kỹ; trái lại, từ đoạn Trần Văn Sửu trở về làng, tác giả để cho việc trôi đi mau quá, làm cho truyện hóa ra khô khan, mất cả hứng thú. Cái đoạn ba Giai bắt gặp Quyên và Tý đang nói chuyện về Sửu ở chòi ruộng của Tý và bắt đầu nhận bố vợ là một đoạn rất vụng. Kế đến đoạn lo chạy cho Sửu, tác giả cũng dàn cảnh một cách sơ sài, chẳng khác nào một phim chớp bóng, nên truyện kém hẳn phần thiết thực.
Tuy truyện "Cha con nghĩa nặng" đã tiến bộ về mặt tả chân khi ta đem so với những truyện ngắn, truyện dài của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật hay Phan Khôi, nhưng kết cấu vẫn còn chưa được khéo.
Song trong sự phê bình tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, ta không thể nào đem so sánh với tiểu thuyết của những nhà văn có tiếng nhất, và mới xuất bản gần đây. Ta nên nhớ rằng những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, như truyện "Cha con nghĩa nặng" trên này đã ra đời từ trước “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng ba năm, mà từ “Hồn bướn mơ tiên” đến “Hạnh”, nghệ thuật và tư tưởng của Khái Hưng cũng đã thay đổi khá nhiều. Và đã thay đổi như thế trong khỏang bao nhiêu năm? Trong khoảng có tám năm! Vậy không thể nào đem một truyện viết cách đây mười ba năm, như truyện “Cha con nghĩa nặng”, so sánh với những tiểu thuyết viết trong một bầu không khí khác.
Tôi đã nói ở trên: sự tiến hóa về đường văn học ở nước ta hiện nay đang rất mau, vài mươi năm ở nước ta có thể coi như một thế hệ ở những nước mà sự tiến hóa về đường ấy đã được đầy đủ ...
*
* *
Dù sao, nếu đã đọc những tiểu thuyết của các nhà văn đi tiên phong, từ Nguyễn Bá Học trở lại, ai cũng phải nhận rằng từ Hoàng Ngọc Phách và Hồ Biểu Chánh, tiểu thuyết nước ta mới bắt đầu đến bước vững vàng, để dần dần đi tới ngày nay là lúc đã có thể chia ra nhiều ngả, phân ra nhiều loại.
-----------------
Trích từ “Nhà văn hiện đại”, tập I, của Vũ Ngọc Phan- NXB Khoa học xã hội- 1989.




User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
tao_lao
post Sep 14 2005, 01:44 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Senior Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 591
Tham gia từ: 26-April 05
Thành viên thứ: 1.682

Tiền mặt hiện có : 6.392$
Số tuần chưa đóng thuế : 1

Bình chọn :



LỜI TỰA tiểu thuyết “Tiền bạc bạc tiền” của Nguyễn Huệ Chi

Trong lịch sử Văn học cận đại Việt Nam, Hồ Biểu Chánh là một trường hợp lý thú. Ông là một tiểu thuyết gia để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có thể nói đứng hàng thứ hai - sau Lê Văn Trương - trong số những cây bút tiểu thuyết sung sức của nước ta ở thế kỷ XX này: 64 cuuốn truyện dài, 12 tập truyện ngắn và truyện kể. Tiểu thuyết của ông ra đời từ những năm 20(1) sớm thoát ly loại hình tiểu thuyết "diễn nghĩa - chương hồi " tiểu thuyết " kỳ tình - võ hiệp " của nhiều cây bút miền Nam lúc ấy, để lập tức định hình như một chủng loại riêng mà ta có thể tạm gọi là tiểu thuyết " đạo lý - xã hội " trên con đường tìm kiếm hối hả và vật lộn để trưởng thành của văn xuôi tự sự hồi này. Chỉ vài năm sau khi xuất hiện Hồ Biểu Chánh đã gây được một tiếng vang đáng kể trong đông đảo độc giả, nhất là độc giả miền Nam và mặc dù ngòi bút sáng tạo của ông từ khỏang giữa những năm 34 trở đi không có gì mới hơn, cách viết của ông vẫn là cách viết cổ điển, nghiêm trang, “tả” phối với "kể” cho đến tận cuối đời, các cuốn sách ông viết ra vẫn “ăn khách”. Có thể nói nhà tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã tạo được một khu vực ảnh hưởng lâu dài cho riêng mình, trong đời sống văn học. Từ góc độ tâm lý học sáng tạo và tiếp nhận văn học mà nói thì đó là một thành công đáng suy nghĩ mà không phải hễ cứ là người cầm bút có tên tuổi, đều dễ dàng đạt được.

Đi sâu vào nội dung nghệ thuật, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh còn đặt cho người nghiên cứu nhiều vấn đề phải nghiền ngẫm lâu dài. Thoạt mới nhìn, tiểu thuyết của ông cũng như phần lớn tiểu thuyết thuộc dòng đạo lý trước 1932(2), lấy kết cấu đối lập chính - tà làm đường dây phát triển. Đó là những câu chuyện được kể lại một cách bình dị, kết thúc thường có hậu và trình tự diễn tiến cũng không có gì khúc mắc, bất ngờ. Nhân vật trong các truyện được xếp đặt theo hai tuyến chính nghĩa và gian tà, bên chính nghĩa nhiều khi nặng về màu sắc lý tưởng và do đó thường sơ lược, bên gian tà thì sắc sảo linh hoạt, do đó có vẻ "thật” hơn: nhưng nói chung dù chính nghĩa hay gian tà đều là những kiểu người có thể có ở giữa đời thường, không đẩy lên mức kỳ dị để làm "mê mẩn” người đọc. Trừ một ít tác phẩm cá biệt nào đấy, còn thì phần lớn các truyện được gọi là “truyện dài” cũng đều có số trang ngắn gọn. Và tuy có chú ý trau chuốt, tu sức, ngôn ngữ nghệ thuật của Hồ Biểu Chánh vẫn là ngôn ngữ đời sống, “trơn tuột như lời nói thường”(3). Hồ Biểu Chánh quả là người đã tích cực kế thừa những đặc điểm của truyện nôm bình dân, một mảng sáng tác quan trọng bậc nhất trong đời sống văn học của quần chúng các thời kỳ quá khứ. Nói cách khác, ông biết tìm con đường riêng cho tiểu thuyết của mình bằng cách phát huy kinh nghiệm truyền thống khai thác nguồn cảm hứng nghệ thuật phù hợp với khẩu vị của bạn đọc phổ cập và đông đảo. Chính vì thế đối tượng đọc Hồ Biểu Chánh rộng rãi hơn rất nhiều nhà văn có cách viết cao xa, bay bướm, sang trọng.

Nhưng truyện nôm bình dân sở dĩ có một sức hấp dẫn lớn và một vận mệnh lâu dài trong lịch sử, một phần quan trọng cũng còn là nghệ thuật ứng diễn “nói thơ”, “kể vè”, “bẻ chuyện”.... đều là những phương thức đưa văn học nôm vào quần chúng, làm cho những cốt truyện đơn giản trở nên phong phú sinh động, nhằm tạo nên trong người nghe những "trường liên tưởng rộng rãi” huy động mọi tri thức về đời sống đã chất chứa trong tiềm thức của họ để cùng tham gia vào quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tác phẩm do đó, không còn đơn thuần là một truyện thơ cố định, mà đã được bổ sung, được "lạ hóa” như một chặng đường sáng tạo thứ hai. Hồ Biểu Chánh là một người viết văn xuôi ở thế kỷ XX, viết ra để in chứ không phải để ứng diễn, thì làm thế nào có được ưu thế đó? Ông đã biết tìm một con đường khác để bù đắp vào chỗ thiếu : thông qua ngôn ngữ kể chuyện, nhà văn đã biết rót vào tình cảm người đọc - theo cái cách nhẩn nha, điểm xuyết chứ không tỷ mẩn - vốn sống chứa chất nơi mình. Và người đọc dễ dàng bỏ qua đi mọi cái sườn đạo lý sẵn, mọi cốt truyện dễ dãi, giản đơn, để chú tâm vào bức tranh sống thực trong các thiên truyện của ông. Ở chỗ này, Hồ Biểu Chánh đã làm được những điều có lẽ chính ông cũng không ngờ tới : lần đầu tiên ông đem vào văn học dân tộc một mảng đề tài mà trước ông còn tương đối trống vắng : cuộc sống trên mảnh đất Lục tỉnh với những nét riêng về phong tục tập quán, cung cách sinh hoạt, đặc điểm thiên nhiên, và tính cách con người.... Không chỉ có thế, ông còn cung cấp cho ta hình ảnh cuộc sống người dân Nam Bộ trong cái bối cảnh chuyển động gấp rút vài ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, là giai đoạn thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, qua đó sẽ diễn ra bao nhiêu xáo trộn làm đổi thay mọi nề nếp cổ truyền; sẽ xuất hiện những lối sống mới, những cung cách ứng xử và quan hệ đạo lý khác trước, những tâm lý xã hội thích hợp và những mẫu người thời đại.

Hồ Biểu Chánh đã tóm bắt được tất cả những thần thái cốt yếu ấy của xã hội. Người đọc như cảm thấy được dưới ngòi bút của ông cái " khí hậu” đặc trưng cho một xứ sở thuộc địa tư bản với những nét bon chen, hối hả trên con đường tư sản hóa, một xứ sở đang bị tâm lý cạnh tranh háo hức làm giàu thúc đẩy, song làm giàu chủ yếu cũng là buôn bán đầu cơ trục lợi, và do đó cũng bộc lộ những mặt trái xấu xa nhất: cướp đoạt, lừa phỉnh, mại bản, buôn gian bán lận, mua danh bán tước, nịnh bợ, luồn lọt, xa hoa trác táng, hãm hiếp, giết người, thất nghiệp, khủng hoảng, bần cùng... Hồ Biểu Chánh đã khắc được vào tác phẩm những cảnh có ý nghĩa điển hình: cảnh những anh tư sản dùng thủ đoạn mua phiếu bầu để tranh nhau trong kỳ ứng cử Hội đồng Quản hạt; cảnh những ông chủ điền ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhưng vẫn ra sức ếm gạt người nghèo để cướp thêm ruộng; cảnh một nhà cha mẹ vợ con nợ nần chồng chất, sinh lục đục, quẫn bách phải làm liều và sa vòng tù tội; cảnh những anh “Thông ngôn” theo chủ Tây đi về các tỉnh và vì môi trường sinh hoạt luôn luôn thay đổi nên đâm ra tha hóa; hoặc những anh kỹ sư, “bác vật”, hành nghề thì ít mà tìm cách “kết thân” với con gái các vị điền chủ thì nhiều ... Hồ Biểu Chánh đã dựng lên hầu như đủ mặt mọi lớp người trong xã hội miền Nam bấy giờ, nào hội đồng, điền chủ, nghị viên, chủ quận, tri phủ, cai tổng, chủ nhà máy, chủ hãng xe, chủ tàu, ký lục, thông ngôn, kỹ sư, bác vật, com-mi, hương chức, thầu khoán, thầy giáo, học sinh, thợ thuyền, tá điền, tá thổ, trộm cướp, thất nghiệp, du đãng, gái đĩ, me Tây ... Đặt trong tình hình văn học 30 năm đầu thế kỷ XX, rõ ràng không có một nhà văn nào có khả năng bao quát hiện thực rộng rãi đến như vậy. đằng sau cái vỏ đạo lý, truyện của Hồ Biểu Chánh, dù không tỉa tót, tỉ mỉ, nhưng thực đã dựng nên toàn cảnh một bức tranh xã hội. Thậm chí ở một vài tác phẩm nào dấy nếu chịu khó “tân biên” ít nhiều về cả kết cấu hình tượng cũng như ngôn ngữ, hoặc giả chuyển thể sang kịch bản phim truyện chẳng hạn, thì chưa chắc những sáng tác đó của Hồ Biểu Chánh đã thua kém gì lắm các tác phẩm được xếp vào hàng xuất sắc của chủ nghiã hiện thực phê phán ở giai đoạn sau. Chứng tỏ ngòi bút của Hồ Biểu Chánh bên cạnh những mặt hạn chế tất nhiên ông không thể nào theo kịp bước phát triển của văn học Việt Nam từ sau 1932, vẫn có những mặt báo hiệu một sức sống lâu bền, một khả năng hướng tới hiện đại, một tầm nhìn đi trước thời đại, Hồ Biểu Chánh trong phong cách của ngòi bút mình phần nào có sự hòa quyện giữa hai kiểu tư duy nghệ thuật : vừa bình dân, lại vừa hiện đại.

Việc in lại các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh trong thời gian gần đây là công việc đáng được khuyến khích. Nhưng để giúp cho bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về Hồ Biểu Chánh ở chính giai đoạn mà ông là đại diện xuất sắc - giai đoạn 1900 - 1932 - trong điều kiện chưa thể và cũng không nên ồ ạt in lại tất cả, thiết tưởng cần ưu tiên in lại những tác phẩm Hồ Biểu Chánh viết trong vòng mười năm hoặc mười lăm năm đầu cuộc đời sáng tác của mình (1922 - 1932; hoặc 1922 - 1936). Mặt khác, để có thể tiến tới có một tổng kết thật khoa học về Hồ Biểu Chánh, thì bên cạnh những nhận định chung, trong khi in lại từng tác phẩm, cũng cần đi sâu vào giá trị riêng của từng cuốn, để xem với tác phẩm đó, Hồ Biểu Chánh đã góp vào dòng văn học trước chủ nghĩa hiện thực phê phán những phát hiện mới mẻ gì và còn những chỗ nào ông tỏ ra bất cập.

Trên tinh thần đó, lần này Ban Văn học cổ cận đại thuộc Viện Văn học mạnh dạn cho ra mắt bạn đọc một trong những tác phẩm tiêu biểu của Hồ Biểu Chánh được viết năm 1925 và in năm 1926 : tiểu thuyết Tiền bạc bạc tiền. Đây là một tài liệu nằm trong hồ sơ nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh từ vài chục năm nay của Ban, nay được chị Phạm Ngọc Lan kế thừa và đẩy lên một bước. Bài khảo luận của chị về Tiền bạc bạc tiền cũng là một kết quả nghiên cứu của chị nhằm chuẩn bị lựa chọn đề tài cao học.
Phần văn bản, chúng tôi cho in đúng theo bản in lần thứ nhất của nhà in L´Union Sài Gòn. Tuy nhiên, do nhà in khi in có sai sót, cũng do sự phát triển của đời sống ngôn ngữ chúng ta hơn sáu mươi năm đã có một bước tiến khá xa, nên một số từ ngữ trong sách nay trở thành khó hiểu với đông đảo bạn đọc. Ở những chỗ đó, chúng tôi đã góp phần cùng chị Phạm Ngọc Lan đính chính hoặc chú giải. để thống nhất về mặt chính tả cho cả hai miền cùng hiểu, nhưng vẫn không bỏ mất những từ ngữ của địa phương Nam Bộ vốn là một đặc sắc của văn phong Hồ Biểu Chánh, chúng tôi có đối chiếu với cuốn Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ.
Ngày 22 - 3 - 1989
GS. NGUYỄN HUỆ CHI




User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC