“Hi! Wot r u doin 2day? R u free? Got to tkts for 2 nite’s rock show. C U at 8.00. Keep u’r cell switched on. Call u b4 I leave. Luv. Ri2."
(Chào! Hôm nay làm gì không? Rỗi không? Có 2 vé đi xem nhạc Rock tối nay. 8 giờ gặp. Đừng tắt di động. Sẽ gọi trước khi đi. Thương yêu. Ritu”.

Đây không phải là một thông điệp được mã hóa. Đó chỉ là email của Ritu mời bạn trai đi xem nhạc rock. Đây cũng là ví dụ điển hình của ngôn ngữ mà giới trẻ đang ưa chuộng.
Những quán cà phê Internet ở khắp nơi, những lần nhấp chuột là những lần mở cánh cửa ra không gian ảo. Những địa chỉ giải trí làm cho giới trẻ phấn khích và quan hệ qua mạng bắt đầu và chấm dứt có thể chỉ trong nháy mắt. Có còn đủ thời gian dành cho sự yêu thương, những mối quan hệ, gia đình và những mô phạm đạo đức không?
Ngày mùng 7 tháng 2 cách đây 2 năm, Yahoo! đã bị tê liệt ba giờ liền vì một vụ tấn công của các hacker. Các hacker thực hiện cuộc tấn công này với mục đích chứng tỏ rằng không ai được an toàn tuyệt đối trên mạng, kể cả một hệ thống vốn được coi là hoàn hảo như Yahoo!
Có bao giờ bạn dùng máy tính của cơ quan (bố/mẹ) hay của trường học để chơi games hay thậm chí lén xem các trang Web “cấm trẻ em dưới 18 tuổi” ? Nếu câu trả lời là có thì bạn chính là một “cyber slacker” (người dùng mạng chểnh mảng – bất hợp pháp ở VN). Bạn là những slackers khác đang phung phí hàng triệu đô la mỗi năm.
Internet đang được sùng bái hơn cả nhiều đối tượng tôn giáo. Người ta gọi những người dùng Net là “cyber community” (cộng đồng điện tử). “Hội chứng giảm thị lực vì dùng máy tính” – CVS (Computer Vision Syndrome) – trở nên bình thường đối với tất cả mọi người. 80% người dùng Net thừa nhận rằng họ không quản lý được quỹ thời gian của mình, 6% bắt buộc phải dùng Net và 17% phải làm việc có liên quan đến Net dù có trực tuyến hay không. Với xu hướng sử dụng Internet ngày càng tăng, những người tinh thần minh mẫn trở nên trì trệ và dần có thói quen xây dựng những mối quan hệ “ảo” qua mạng.
Khi Internet và công nghệ email được đưa vào chương trình giáo dục như một công cụ thì kết quả là “đào tạo từ xa”. Nói cách khác, đó là “sự học tập tương ứng với số byte truyền từ máy tính giáo viên đến máy sinh viên”. Đó không phải là phương thức đào tạo tốt nhất.
Sinh viên của kỷ nguyên thông tin không còn khả năng thực hiện những nghiên cứu thực sự. Gõ một từ khóa tìm kiếm trên hàng loạt các công cụ dò tìm mạnh như Yahoo!, Altavista hay Licos dễ hơn nhiều. Sinh viên không cần phải đi đến thư viện hay các nhà sách để tìm kiếm thông tin nữa.
Hãy thử xem nhé, nếu có chiến tranh thế giới lần thứ 3, đó sẽ là một cuộc chiến điện tử. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như quân khủng bố có thể phóng tên lửa trực tuyến. Mạng cũng thúc đẩy nền kinh tế với nhu cầu mua hàng qua mạng và các dịch vụ trực tuyến khác.
Như một hoạt cảnh dựng lại vụ nổ Big Bang, không gian điện tử phân chia nhanh chóng thành những mảnh nhỏ, riêng rẽ với cái tên “Thế giới ảo” cho từng nhóm người. Tôi nghĩ rằng “WWW” nên được hiểu là “World Without Work” (Thế giới không làm việc).
Internet giống như con dao hai lưỡi. Tôi sẽ trở thành võ đoán nếu nói rằng việc sử dụng Internet là hoàn toàn lãng phí. Chúng ta cần tách hạt thóc ra khỏi vỏ trấu. Nên nhớ rằng Internet chỉ là công cụ phục vụ chứ không phải đối tượng để sùng bái.

Interneter
- Tuần san Hoa Học Trò -