Ông già lái đò và vụ án của lương tâm
(VDC/tat-02/06-14:50)


Đó là ông già lái đò 81 tuổi ở bến Cà Tang. Sau sự kiện bi thảm nơi bến sông này, ông không ǎn, không ngủ, chỉ khóc khi chúng tôi đến thǎm...

Trên chiếc giường gỗ trong góc phòng trụ sở công an xã, một ông lão nhỏ bé, gầy gò nằm co quắp. Tô cơm gần đó ông không hề đụng tới. ánh mắt vô hồn nhìn tận đâu đâu. Dường như mọi thứ quanh ông đều dừng lại cả rồi, thời gian ngừng trôi, không gian cô đặc. Trong sự tĩnh lặng ghê người đó, chỉ có một thứ duy nhất còn tỏ ra sống động: ấy là những dòng nước mắt lặng lẽ rơi tuôn, ngày cũng như đêm.

Người làng qua lại ít ai ngó ngàng tới ông lão. Người ta vừa thương vừa giận ông. Thương vì thấy ông cũng một đời khó nghèo, lầm lụi bến sông, 81 tuổi rồi mà vẫn còn chưa được nghỉ ngơi. Giận là giận ông đã lái chiếc đò định mệnh đó, gây cái chết oan nghiệt cho 18 đứa trẻ ǎn chưa no lo chưa tới. Nỗi đau này ước sức kêu gào có thể thấu tận trời xanh, nhưng không bộc ra được mà phải nuốt vào trong. Cho nên người ta im lặng. Im lặng đã là quí lắm với ông rồi, nhưng chính sự im lặng đó làm ông không chịu nổi. Hơn một tuần nay ông bỏ ǎn bỏ ngủ, miệng lẩm bẩm một mình như kẻ mất hồn.

Cuộc đời ông là cả một chuỗi dài những ngày nghèo khó. Từ lúc lên 7 tuổi ông đã phải theo cha mẹ giǎng câu, thả lưới, kiếm sống trên đoạn sông này, không được đến trường vì nhà quá nghèo. Ông sinh ra trên đò, lớn lên cũng trên đò, 60 nǎm sau mới được lên bờ. Cả ba đứa con ông cũng được sinh ra trên con đò nhỏ, rồi ba đứa lớn khôn bỏ lên bờ đi tìm cuộc sống. Tưởng rằng cuộc đổi đời của những đứa con tìm ra nơi thành phố sẽ giúp ông có được cuộc sống nhàn hạ ở tuổi về già, vui vầy bên con, cháu, nhưng ai có ngờ đâu đời ông lại nối dài những chuỗi ngày oan nghiệt. Cô con gái có chồng, dựng nhà bên bến sông Cà Tang, cũng nghèo khó như ông. Một đứa con trai vào tận TP.HCM làm việc, bị tai nạn chết. Một con trai khác ở lại với ông, không may một buổi chiều tự nhiên ngã lǎn ra chết, đến lúc đó ông mới hay là con mình bị chó cắn cách đó ba tháng, không có tiền về huyện chích ngừa nên đã phát dại. Ông trắng tay, sống vật vờ như chiếc bóng. Lẽ ra ở tuổi 81, cái tuổi xưa nay hiếm, ông phải được sống nhàn hạ, sum vầy bên con cháu, thế mà cuộc mưu sinh cơm áo đã "ném" ông trở ra bến sông kiếm sống. Oan nghiệt nối tiếp oan nghiệt. Buổi chiều hôm đó (19/5/2003), nếu ông không nhận đứng sau mái chèo để kiếm 3.000 đồng - là suất lái đò trong ngày của người em Võ Quang Trung (cũng đã 76 tuổi) nhường lại do bận đi họp Hội Người cao tuổi - thì ông đã thoát tội với dân làng, với pháp luật.

"Tui bảo lên ít ít thôi nhưng có đứa mô nghe đâu, cứ thế mà nhảy ào lên bảo tui đưa qua, mà lúc đó trời tối rồi, không đưa các cháu qua để kịp về nhà thì không được. Mà tại sao chiếc phà lại không qua đưa con em mình về...?". Kể lại chuyện này, ông lại khóc. Ông khóc không biết đã bao nhiêu lần rồi.

Chiều 23/5, chúng tôi gặp lại ông Võ Nghĩnh - ông lái đò già - tại cơ quan điều tra. Trước đó một ngày ông đã bị khởi tố về hành vi "vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy". Chúng tôi xin mấy anh công an cho gặp ông và trao cho ông số tiền nhỏ của bạn đọc Tuổi Trẻ. Ông từ chối không dám nhận, bảo hãy trao số tiền ấy cho gia đình các cháu bị nạn để thắp thêm một nén nhang. Rồi ông lắc đầu, nước mắt lǎn dài trên gò má đen sạm vì nắng gió của cả một đời bươn chải kiếm sống. Ông bảo chờ cho nỗi đau nguôi ngoai trong lòng những đôi vợ chồng trẻ, mọi người bình tĩnh trở lại, ông sẽ đi đến từng nhà các em bị nạn mà quì xuống, xin nhận một cái tát hay một lời chửi mắng thì ông mới thấy lòng được tạm yên. Còn không có lẽ ông chỉ còn cách nhảy xuống sông để đi theo các cháu mới mong chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra.

Thông thường, điều tra viên phải truy xét để làm rõ hành vi phạm tội và buộc tội đối với bị can, nhưng trong vụ án đặc biệt này điều tra viên lại chính là người an ủi, động viên, bởi lẽ bị can đã tự buộc tội và tự tuyên án mình rồi.

Điều tra viên Kiều Vǎn Vương (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết mấy ngày qua ông lão đã không ǎn uống, chỉ nằm khóc. "Ǎn chi được, làm rǎng mà nuốt trôi hả chú. Cầm bát cơm lên là tui không thể nào nuốt được, cứ nghĩ đến các cháu đã vì mình thiệt mạng là tui ân hận lắm, không biết làm rǎng mà rửa được nỗi đau ni...". Ông Nghĩnh thở dài nhìn về hướng đỉnh Cà Tang và khóc. Cả ba lần chúng tôi gặp, lần nào ông cũng khóc, những giọt nước mắt ân hận, khổ đau chất chứa trong tâm can dường như chỉ được dịp để tuôn trào.

Cuộc điều tra rồi sẽ kết thúc, Viện Kiểm sát sẽ truy tố, tòa án sẽ đưa ông ra xét xử? Tội "vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" có khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ, cao nhất là 15 nǎm tù. Với 5 nǎm, 10 nǎm hoặc 15 nǎm thụ án... quả là dài so với một đời người nhưng rồi cũng sẽ trôi qua. Còn nỗi đau khổ, dằn vặt thì không có thời hạn - nó như bản án chung thân mà tòa án lương tâm đã phán quyết - có khi sẽ đi theo con người đến tận lúc xuống mồ. Ông lão tội nghiệp ấy đang và sẽ phải chấp hành cả hai bản án. Còn em của ông - ông già 76 tuổi tên Võ Quang Trung, "người chèo đò chuyên nghiệp" - cũng đang bị khởi tố về hành vi "giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy".

Từ vụ án thương tâm này rồi ngẫm nghĩ trên đất nước nhiều sông rạch này có hàng vạn bến đò, với bao người chèo đò già, trải gần hết đời người trên những con đò mỏng manh, làm chiếc cầu nối cho muôn người qua lại. Tất cả đều trong tình trạng "vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy", thế nhưng ngày này sang ngày khác những con đò nhỏ vẫn lắt lay đưa khách sang sông. Tất cả vẫn được xem là chuyện bình thường cho tới khi tai họa ập xuống, và luật pháp lại làm nhiệm vụ lạnh lùng kết án...


(Anh Thi - anhthi@media.vnn.vn - VDC Media)