Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Chuyện Làng Ven
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Loa phóng thanh của làng Ven
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20
mưa
Chuyện làng Ven

1.

Em tôi tên là Tèo, nhưng ngay từ khi nó sinh ra, mẹ tôi và cả nhà đã âu yếm nâng niu gọi nó là Cò. Bà nội tôi bảo gọi nó là Cò vì con chim con cò của nó làm cho ông nội mày vui. Ông nội mày có cháu đích tôn, phấn khởi lắm, giờ có nhắm mắt cũng yên lòng. Mẹ hay ôm nó vào lòng, hít hà cái mùi thơm trẻ thơ của nó mà nựng nịu « Ui chao thương thằng Cò của mẹ quá ».

Khi thằng Cò nhỉnh nhỉnh lớn, cả nhà vẫn gọi nó là Cò. Suốt ngày Cò lang thang ngoài đồng với lũ trẻ con trong làng, con Chip, thằng Bu, con Khoai, con Ếch, con Nống, thằng Mít… Trong đám đó, nó có vẻ thân nhất với con Nống. Con bé bụ bẫm, tóc cháy nắng bông xù, da ngăm ngăm như củ khoai mật. Hai đứa cứ khi chơi đánh trận giả là về một phe với nhau. Thằng Cò là con trai nên đòi chỉ huy, con Nống cứ lúp xúp chạy theo sau. Con Nống bảo:

- Này Cò, mày là chỉ huy, mày đừng tên là Cò nữa. Bây giờ tao gọi mày là Tướng cướp cho nó oai, nhé. Xong tao với mày đánh cho bọn thằng Bu chạy quắn đít, hi hi...

Thằng Cò ngẫm nghĩ. Ừ, nó thấy con Nống có lý, là tướng thì ít ra cái tên cũng phải kêu kêu chứ. Nhưng nó lại nghĩ, tên Cò mẹ nó đặt cho, giờ lại bỏ đi nó cũng thấy sao đó. Con Nống thấy nó thừ người ra thì tiếp tục:

- Thế mày có biết là "Con cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao" không? Mày thích lộn cổ xuống ao à?

Thằng Cò bị con Nống thuyết phục nên đồng ý đổi tên thành Tướng cướp. Chả biết con Nống mồm miệng xui xẻo thế nào mà thằng Cò thì không sao, nhưng hôm ấy chơi đánh nhau, mải chạy thế nào, con Nống lộn cổ xuống ao thật. Thằng Cò lôi con Nống lên. Con Nống ướt lướt thướt, người nó run cầm cập vì lạnh và vì sợ mẹ mắng. Trời mùa đông tối sớm, thằng Cò đi kiếm một ít cành và rơm khô rồi nhóm lửa. Nó bảo con Nống cởi đống áo quần ướt để nó hơ cho khô. Nó cởi áo đưa cho con Nống rồi nói:

- Mày mặc áo của tao vào đi, bỏ quần áo ra đây tao hong. Thay đi, tao đi kiếm cho mày mấy củ khoai.

Lúc nó kiếm khoai về thì con Nống đã ngồi co ro trong cái áo rộng thùng thình của thằng Cò. Thằng Cò lẳng lặng không nói gì. Nó giăng quần áo ướt của con Nống gần đống lửa. Nó lục túi quần, lấy ra mấy củ khoai lang gầy nhỏng nheo, rễ còn bám đất vùi vào đống lửa. Một hồi, mùi khoai nướng bay ra thơm phức. Trăng cũng vừa lên. Nó moi mấy củ khoai ra, ấn vào tay con Nống:

- Ẵn đi.

Con Nống xuýt xoa, vừa bóc vỏ khoai, vừa thổi, vừa cắn. Nó đưa củ khoai cắn dở cho thằng Cò:

- Tao với mày ăn chung.

Hai đứa nhai ngon lành. Con Nống ngửa mặt lên nhìn trời:

- Trăng to nhỉ.

Thằng Cò bảo:

- Ừ, khi nào tao lớn, tao sẽ lên trời mang trăng xuống đất cho mày làm cái đĩa đựng khoai nhé.

***

Thời gian thấm thoắt trôi đi, thằng Cò bây giờ đã lớn. Nó không cho tôi gọi nó là Cò trước mặt bạn bè nữa. Nó bắt tôi gọi nó là Tèo. Lũ trẻ trong làng giờ không còn chơi đánh trận giả như bọn thằng Tèo ngày xưa. Chúng nó hay tụ tập ở quán trò chơi điện tử đầu làng. Con Chip trông thế mà thức thời. Nó mở ngay một quán bán đủ kẹo vừng, kẹo dồi, chè xanh, nước vối, lại có một góc cho lũ trẻ vào bắn nhau bằng xe tăng, máy bay loạn xạ. Con Chip lớn lên xinh hơn hẳn, môi mắt đưa đẩy lúng liếng. Trai làng ngồi mọc rễ ở quán của nó, một ngày ăn không biết bao nhiêu cái kẹo lạc, uống không biết bao nhiêu cái thứ rượu trắng mà nó đặt tên là rượu Sương sen (sương đọng trên lá sen). Ấy thế mà nó chẳng chấm anh nào. Nghe đâu nó mê anh họa sĩ nào trên tỉnh. Con Khoai và con Ếch thì hợp nhau mở một cái restaurant tận trên tỉnh. Khách ăn nườm nượp, ai vào cũng không thể bỏ qua món Khoai tây rán chấm thứ nước sốt màu đỏ, tiếng Tây gọi là ketchup và món Ếch chiên bơ béo ngậy. Thằng Tèo có dịp ghé qua, con Khoai cũng mời nó đĩa khoai tây rán không lấy tiền. Thằng Tèo không khách khí gì, thò tay vào bốc khoai ăn. Nó đòi con Khoai bát nước chấm xì dầu pha tỏi. Nó chê cái thứ nước đo đỏ kia chua loét, nhạt thếch. Ếch chiên bơ thì nó không ăn. Nó bảo muốn ngon phải xiên ếch vào que, nướng lửa mới thơm. Thằng Mít nghe đâu đã vào Lái Thiêu tậu được miếng đất trồng cây ăn quả, sống đề huề lắm. Con thằng Bu hình như theo lão chăn Vịt, lúc đầu định nuôi tôm nhưng không thành, sau làm VAC (vườn - ao - chuồng) cũng èo uột, sau nuôi vịt cũng không khấm khá là mấy. Nó bỏ đi lao động ở Đức, giờ là ông chủ tiệm Cà phê to tướng trên tỉnh, các em chân dài mông cong suốt ngày vây bám xung quanh. Nó đặt tên tiệm cà phê là U Bu (nó bảo đặt tên Bu không thì không sành điệu lắm).

Con Nống học giỏi nhất làng nên khăn gói từ giã chốn thôn quê lên tỉnh học. Nó chọn ngành nông nghiệp. Nó bảo với thằng Tèo nó sẽ học để về sau khoai lang làng mình không gầy nhỏng nheo nữa mà phải mập ú, ngọt lừ như nó. Thằng Tèo cũng đỗ tổng hợp văn. Nó lên tỉnh cùng ngày với con Nống. Buổi sáng nó tới giảng đường. Buổi trưa nó tranh thủ vừa gặm bánh mì vừa đọc nghiến ngấu mấy cuốn sách Phê bình văn học. Buổi chiều nó thành thằng xe ôm. Tôi bảo nó: "Nhà mình có thiếu thốn lắm đâu mà em phải làm xe ôm". Nó bảo "Văn học phải có thực tế chị ạ, phải cọ sát với đời thường. Chứ chỉ ngồi bó gối trong thư viện cả ngày thì không mụ mị cũng thành thằng đần. Em làm xe ôm, gặp khối chuyện hay, nghe được khối điều thú vị. Vả lại, nhiều khi cũng muốn làm thằng tướng cướp lang bạt giang hồ tí chút". Mắt thằng Tèo nhìn xa xăm. Nó nhấp ngụm nước trà nóng hổi, thở dài:

- Ngày xưa Nống gọi em là tướng cướp chị ạ. Mang tiếng là học cùng tỉnh nhưng từ khi lên đây cũng có lúc nào gặp nhau đâu.

(còn tiếp)
Tuongcuop
Phải noi rằng sáng kién viết những kiểu này rất thích. Nó nhẹ nhàng và hơi hướng điều gì đó mong manh trong sáng, có tình dẫu co khi trêu nhau một tẹo...
Em vừa đi Thanh Hớa về, một thằng đi lấy hài cốt của anh nó đào vàng. Gần một tuần. Xa oqwi là xa. Qua Thanh , qua Rùng Thông lên mãi giáp biên giói. Xuong của anh gã cũng nhẹ. Chỉ tội hôm ngủ ở đó ruồi vàng nhiều. Nóng xuống tắm cứ nhoi lên là nó đố. Mưa thì lại ra nhiều. Cũng may là đầu xuôi đuôi lọt kiếm đu2ợchai trăm ngàn!
Em về tới Hà Nội thi nóng ơi là nóng. Nghe nói Hồ Bẩy mẫu đầy cá nổi. Bà hàng xóm rủ đi vớt mấy ngày được hơn bốn tạ cá. Hai chị em muối. Em dự tính ba tháng tới sẽ thành chượp mà nấu thì đựoc khỏang hai trăm lít nước mắm tốt. Quê em là làng hải sản mà chị Mưa ạ...
Hôm nay vào VN E này đọc thấy thư thái, Rất nhẹ như gió quê, dường như ngửi thấy mùi ngô, mùi rạ , khói và ngai ngái của rau tập tàng khi mưa xuân về.
Hư, nếu tất cả như thế...những đứa tre, Chíp lấm lem bùn đất và cười phô răng xún... furious.gif Ừ ko biết bây giờ nó thế nào chư dạo ở quê xấu ơi là xấu. Còn bà chi Cỏ ko biết sang Tây làm mũi chưa . nghe bên tây mĩ viện dữ lắm . Mũi Cỏ Xanh hơi tẹt, được cái mắt chị ấy, em nhớ, dạo bé đã mơ mộng lắm...Chị bvieest thế em nhớ lần chị Nống đi cắt cỏ mặc quần thủng đít bị bọ n làng bên trêu về khóc hu hu. Tụi em cưỡi trâu sang khiêu chiến với chúng..Bây giờ chắc khác xưa nhiều. Không biết dạo này chị Nống còn hay có tật liếm môi và mút tay không?
Em hình dung chị rất nhè nhẹ...như Gió.
Chị viết tiếp đi.Co thể đây sẽ là một chuyện ...hay.
Còn Cụ Phó bây giờ khỏe ko?
Cái cô bé nào người ieu anh Tdna co bài thơ Khóc chó bị thịt hơi bị được, ko chuối như anh Idna..
The nhé hẹm mai tắm rửa sạch hết mùi tanh lại vào thăm VNE
mưa
2.

Tôi lắc đầu nhìn thằng Tèo:

- Chúng mày buồn cười thật, cùng làng cùng quê, ngày bé lúc nào cũng dính tịt vào nhau, thế mà giờ lên tỉnh cũng không đứa nào buồn ngó đến đứa nào.
- Nhưng mà chị thấy đấy, em cũng bận chứ có rảnh rỗi gì đâu, Nống chắc cũng thế!
- Bận thì bận, mày bỏ cuốc xe, tới thăm nó một hôm có chết ai!

Hôm sau, thằng Tèo lò dò tới khu ký túc xá của con Nống. Lúc nó tới, bọn con gái trong phòng đi vắng hết, có mỗi con Nống đang loay hoay làm gì đó. Thấy thằng Tèo, con Nống mừng rỡ, miệng ríu rít chào hỏi và trách móc. Con Nống vẫn bụ bẫm như thế, nhưng da có vẻ trắng hơn và tóc có vẻ mượt hơn hồi ở làng. Con Nống nắm tay thằng Tèo lôi vào "giang sơn" riêng của nó. Đó là cái giường một với một cái hòm gỗ con con đựng quần áo, một đống tranh ảnh dán trên tường, toàn những hoa với lá, cỏ với cây, trông cũng vui vui mắt. Con Nống tíu tít kể chuyện, thằng Tèo ngồi yên lặng nghe, thỉnh thoảng gật đầu cười. Nó ngắm ánh mắt rạng rỡ của con Nống. Tự nhiên nó muốn đưa tay vuốt mái tóc bồng bềnh của con Nống, nghĩ sao, nó lại thôi. Ngày bé, nó đã từng cõng con Nống trên lưng, nhưng giờ nó bỗng thấy ngại ngại.

Con Nống bảo:

- Anh Tèo à, thứ bảy này em định về thăm làng. Em được chọn đi Hà lan học, định về thăm nhà và nhân thể chào mọi người ở làng luôn. Anh có về với em không?

Thằng Tèo nhìn con Nống sững sờ vì bất ngờ.

- Sao? Em đi Hà lan à? Bao giờ đi? Học gì bên đó? Có lâu không?
- Hì hì, em đi học để làm sao cho khoai lang làng mình không còi cọc như ngày xưa anh nướng cho em ăn ấy, anh quên rồi à. Đi vài năm, sắp đi rồi...

Giọng con Nống thoảng nhẹ, nó quay mặt đi chỗ khác, mặc cho thằng Tèo nhìn đăm đăm vào mặt nó.

***

Thứ bảy ấy, hai đứa ra bến xe về làng. Trời mưa gió sụt sùi. Nó và con Nống ngồi bên nhau trên chiếc xe khách chật ních, mỗi đứa nhìn về một hướng khác nhau, không đứa nào nói gì cả. Chiếc xe khách lăn bánh nặng nề, chốc chốc lại nhảy chồm lên vì vấp phải ổ gà. Ì ạch mãi cuối cùng cũng tới con sông quen thuộc. Chỉ qua con sông này, đi bộ chừng 1km nữa là tới làng. Không ngờ nước sông lên to quá, chẳng có con đò nào. Chỉ có duy nhất một thanh sắt trần bắc ngang sông làm cầu. Thanh sắt này rộng chừng 50cm, lúc bình thường dân làng vẫn dùng để đi tắt qua cho tiện. Cả ngày nay mưa to, con sông cuồn cuộn nước đỏ đục ngầu mầu đất. Thanh sắt đã chìm nghỉm dưới nước, chỉ còn nhìn thấy một gợn sóng chạy dài từ bờ bên này qua bờ bên kia. Trời chạng vạng tối, mấy bóng người đứng lố nhố bên này bờ. Thằng Tèo và con Nống đi tới, thấy họ đang bàn luận về chuyện qua sông bằng cách nào. Giờ này đò không còn nữa, cách duy nhất là băng qua cây cầu sắt không thành, không tay vịn và đang chìm nghỉm mất dạng dưới nước này. Con Nống sốt ruột muốn qua, qua được cầu là coi như về tới làng. Nhưng có người gạt đi nói nước chảy xiết lắm, cầu lại trơn, hồi nãy có người chịu mất chiếc xe đạp vì lúc vác qua trượt chân, phải thả cho nước cuốn xe để bám lấy cây cầu. Bàn luận một hồi, họ cũng tản đi đâu hết. Thằng Tèo bảo:

- Hay là mình ngồi tạm bờ bên này, chui vào mấy cái lán chợ kia cho khỏi mưa, rồi sáng mai nước xuống hoặc có đò sớm thì qua sông.

Con Nống bướng bỉnh lắc đầu. Nó muốn qua liền bây giờ. Nó bảo chỉ cần nhìn vạch nước là biết cây cầu nằm ở đâu. Vả lại từ nhỏ đến lớn hai đứa thường xuyên qua cây cầu này, không lạ lẫm gì nữa. Nó khăng khăng đi xuống bờ sông, bỏ ngoài tai mọi lời phân tích phải trái của thằng Tèo. Thằng Tèo đành lẽo đẽo đi theo sau con Nống. Tới bờ sông, thằng Tèo bắt con Nống đi sau, đưa tay cho thằng Tèo nắm. Thế là hai đứa dắt díu nhau mò mẫm bước lên thanh sắt trơn trượt. Dưới chân nước réo, thằng Tèo phải bám chặt mấy ngón chân vào thanh sắt. Trên đầu vẫn mưa gió ào ạt. Con Nống run rẩy tóm chặt tay thằng Tèo. Mặt nó căng thẳng, tái nhợt, môi cắn lại, ánh mắt không còn vẻ tự tin nữa. Được vài bước, con Nống trượt chân rơi tỏm xuông sông. Thằng Tèo loạng choạng mất đà nhưng lấy thăng bằng lại được, nó nghiến răng lôi con Nống lên. Con Nống quần áo tóc tai ướt lướt thướt, lập cập bám vào người thằng Tèo quay lại bờ, không dám đi tiếp nữa.
lão chăn vịt
Đọc mấy bài trong topic này thấy nhẹ nhàng. Ngày xưa và cả bây giờ, vẫn thích thể loại này.
Cũng muốn viết gì đấy, nhưng lâu thành ra không còn cảm hứng. Thôi ủng hộ bằng một lời khen động viên em mưa vậy.
mưa
Thanks lão!

Nhưng có mỗi một mình độc diễn cũng chán nhỉ sad1.gif
lão chăn vịt
À, anh hiểu tâm trạng của em, nhưng có ai bắt em phải ... sản xuất đâu, khi nào có cảm hứng thì ... sáng tác cho mọi người thưởng thức thôi mà.
Chitto
1.

Mưa, mưa cả ngày.

"Nước sông lên to quá, thế này thì đò làm sao sang được, trên huyện không thằng nào về xây cho cái cầu tử tế thay cho cái thanh sắt kia đi à". Vừa xua bầy vịt vào trong lều, lão vừa lẩm bẩm.
Cái thói quen lẩm bẩm một mình đến với lão chả biết từ bao giờ. Phải chăng từ hồi lão bị bọn trẻ con đánh bả mất con chó vàng của lão. Người ta không biết vì người ta ít khi nghe thấy, mà lão càng không nhớ vì lão cũng không biết mình nói một mình.
Lão chăn vịt ở bên sông dễ đến hơn chục năm nay rồi ấy nhỉ. Từ cái đận lụt năm Dậu nước ăn vào đồng thành cái đầm Trấu thì vịt của lão đã lạp cạp chúi đầu xuống đám chân rạ sũng ướt rồi. Cái lều của lão dựa vào khóm tre ba lần tốc mái tranh, cũng như những thằng mang tiếng hộ đê đòi dỡ mấy lần làm củi đun, (thực ra là vòi mấy con vịt bầu của lão), thế mà vẫn chơ vơ trèo trẹo ở đó. Cái cây tre buộc túm lá chuối trên đầu lão chống, lão dùng để xua, có lẽ cũng vài năm rồi.

Nghe tiếng trời gầm là lão đã lo. Cái thứ mưa này không chơi được, nó cứ là làm nước sông tràn hết vào đầm Trấu, có thêm tôm cá đấy, vịt của lão có cái ăn mà đỡ phải đi xa đấy, nhưng mà người ta không sang sông được.

Chả hiểu sao không liên quan đến lão, mà lão vẫn mong có người sang sông....

Chitto
2.

"Lại thế rồi, chúng mày cứ làm khổ ông, làm khổ bọn bên kia sông với lại cái bọn bên này,...."

Lão ngồi rên rỉ bên siêu nước đun bằng mấy thanh tre cắm vào cạnh ba viên gạch vồ nung dối, màu đen phòi cả lên giữa thân gạch. Ừ thì lão đang nung tiếp cho chúng đây. Nhưng mà cái sự nung sau khi đã vứt khỏi lò, có làm chín thêm được viên nào đâu. Cũng như cái bệnh thấp khớp ấy. Ngày trước cụ lang Mí Lù bảo lão uống liền 4 thang thuốc của cụ ấy đưa thì đỡ nhiều lăms, thế mà lão chỉ vì một hôm giông đi xua vịt đến tối là lỡ mất một hôm không uống, sau có bổ thêm mấy cũng chả ăn thua gì.

"Mẹ mày, cái lũ chúng mày đói thì tao lại không à", lão lầm bầm khi mấy con vịt bị xua về sớm lục xục trong cái chuồng cót ép ngay bên lều. Cũng mưa thế này, cũng nghe tiếng nước cuộn như thế kia, mà sao khác thế, khác hồi hai chục năm trước thế ?
Lão chả buồn nghĩ nữa. Mai mà không hết mưa thì cứ xua chúng nó ra, kiếm được gì thì kiếm. Nhức thế này chắc chả theo được. Mất con nào thì cũng chiu thôi. Mà lạ, hồi trước để mất bao nhiêu còn chả nghĩ, giờ lại nghĩ. Đến mụ ấy còn...

Thôi đã bảo chả nghĩ nữa cơ mà. Mai chặt mấy cành tre gài lại cái mái kia vào không chả mấy đỗi gió lại tung hết. Cái thằng cả Bu bảo đến chằng lại tấm liếp mà chả thấy nó đâu, chỉ được cái hứa suông, hứa thế thì hồi trước tao có mà hứa cả tổng này đi vác võng cũng được à. Mà cái võng này cũng sắp đứt dây rồi không kiếm cái thừng khác xâu vào thì có lúc rơi phịch xuống đất ấy chứ. Cái võng từ hồi con mụ ấy...

Đấy, đã bảo không nghĩ lung tung nữa. Gặp thằng cả Bu phải hành nó một trận. Đã hứa mà không đến..

lão chăn vịt
Khâm phục lão đấy, chitto.
Giọng văn, cách hành văn và sự hiểu biết của lão. thumbup.gif clap.gif
Tôi rất thích kiểu hành văn này, có cảm giác như mình đang nằm đưa võng vậy, lâng lâng nhẹ nhàng. stretcher.gif (...ek có icon nằm võng, nằm trên này tạm vậy laugh1.gif ) clap.gif

Dạo này đầu óc có vấn đề thật stupid.gif rhino.gif
mưa
3.

Hai đứa tìm một cái lán kín gió nhất, rải ni lông ngồi chờ đêm qua. Thằng Tèo cởi áo đưa cho con Nống:

- Áo em ướt hết rồi, bỏ ra không có nhỡ cảm lạnh thì khổ. Mặc tạm cái áo của anh và khoác thêm cái áo mưa này cho ấm. Anh có mảnh ni lông này rồi, anh quấn vào người là ổn cả.

Con Nống hơi lúng túng, nó lưỡng lự giây lát rồi đưa tay cầm lấy chiếc áo của thằng Tèo. Thằng Tèo biết ý quay đi chỗ khác. Vài tiếng loạt soạt, giọng con Nống nhè nhẹ:

- Xong rồi, cám ơn anh.

Trời bắt đầu tạnh mưa. Không khí thoáng đãng, mùi đất ẩm và mùi cỏ cây ngai ngái. Hai đứa thở phào nhìn nhau, hy vọng sáng mai qua sông được, chứ nếu vẫn mưa to thì có khi không có đò, mà cũng chẳng có xe bus để đi vòng đường khác.

Trăng bắt đầu lộ ra khỏi những đám mây. Trăng tỏa ra một thứ ánh sáng xanh nhè nhẹ, mát dịu, quyện vào mặt sông mênh mang nước, hắt vào khuôn mặt con Nống khiến khuôn mặt nó trở nên huyền ảo, như thực, như mơ. Thằng Tèo đăm đăm nhìn con Nống. Mái tóc bồng bềnh của nó giờ ướt nhoét, mấy sợị tóc bết vào vầng trán bướng bỉnh. Bỗng dưng, thằng Tèo nhớ cái đận hồi bé con Nống ngã xuống ao khi chơi trò đánh trận giả với bọn thằng Bu. Thằng Tèo cũng vớt nó lên, nó cũng ướt nhoét, cũng run lập cập, cũng chui lọt thỏm trong cái áo của thằng Tèo. Chỉ khác là hồi đó cách đây đã mười mấy năm, và hồi đó nó còn đi tìm được mấy củ khoai đem về nướng cho con Nống ăn. Bây giờ đêm khuya, sông nước mênh mông, biết kiếm khoai chỗ nào. Thằng tèo bỗng buột tiếng thở dài khe khẽ. Con Nống dường như không mấy bận tâm đến hoàn cảnh thê thảm này. Nó ngồi chống tay lên đầu gối, hai bàn tay đỡ lấy cằm, mắt nhìn mông lung ra khoảng xa tối sẫm. Bỗng nhiên nó nói:

- Anh Tèo này, ngày xưa có lần em cũng ngã xuống ao, anh lôi em lên. Rồi em cũng mặc áo của anh, anh đi kiếm khoai về nướng cho em ăn. Anh nhớ không?
- Ừ, anh nhớ.
- Ngày ấy anh còn nói, chừng nào lớn, anh sẽ lên trời mang trăng xuống cho em làm cái đĩa đựng khoai, anh nhớ không?
- Có, anh có nhớ.
- Hì, vậy bây giờ chắc mình chưa đủ lớn nên trăng vẫn còn trên kia kìa, to và xanh như cái đĩa men nhỉ.

Thằng Tèo bật cười. Nó thích cái vẻ trẻ thơ của con Nống. Nó cảm thấy bồi hồi, rưng rưng rất lạ. Rồi thở ra một hơi như để gạt cái cảm giác ấy đi, nó trả lời:

- Tại lúc này đâu có khoai để đựng đâu, anh lên trời mang trăng xuống làm gì.
- Anh Tèo này, vậy lúc em đi rồi, anh có mang trăng xuống cho ai làm đĩa đựng khoai nữa không?
- Không.
- Thứ hai em lên trường, thứ tư đi tập trung rồi. Em đi mấy năm, anh giữ cho em nhé.
- Ừ.

Bỗng có tiếng nước ì oạp, nghe như tiếng mái chèo. Rồi tiếng người lẩm bẩm:

- Nước lên to thế này, mai có tạnh mưa cũng vẫn chả có cầu mà qua. Ít thì cũng phải đến chiều mới rút. Cái thằng cả Bu, chắc lại bận cà phê cà pháo, gái với mú trên tỉnh... Thanh niên bây giờ chúng nó lên tỉnh hết, bỏ lại làng mấy lão già như mình, có cái tấm liếp cũng phải chờ chúng nó đến chằng lại hộ... Mưa với gió!!!

Thằng Tèo bảo con Nống:

- Hình như Lão chăn vịt.

Nó vọt ra khỏi lán, gọi toáng lên:

- Bác Chăn vịt ơi, có phải bác đấy không?
- Đứa nào gọi tao thế?
- Cháu đây, Tèo đây, nước to quá, chúng cháu không qua sông được.

Lão chăn vịt cho đò vào sát bờ.

- Lên đi, tao chở qua, ngồi đây cả đêm có mà muỗi nó cắn cho sưng mông. Mẹ nó, mưa với chả gió. cái thằng Bu bảo qua chằng cho tao cái liếp cũng có thấy mặt đâu... Đứa nào nữa kia?

Con Nống lúc này cũng đã nhảy tót ra, nó nhí nhoét chào lão chăn vịt:

- Cháu là cái Nống đây bác.
- Lên đi.

Con đò nhẹ nhàng trườn vào nước. Mặt sông mênh mông, trăng vẫn xanh nhàn nhạt, tiếng cười nói văng vẳng trong đêm.
Chitto
3.

Chờ cho mấy thanh nứa ẩm xì đầy khói cháy đến cong cả tàn tro, siêu nước vẫn chưa sôi hẳn. Nhưng thôi, đổ vào cái gói mì này cũng được rồi. Mì của bố thằng cả Bu mua cho ngon hơn là ở quán bà Thủy, mì gì mà bở bở, bỏ vào chưa được tí đã nát ra rồi. Buôn gian bán lận cũng vừa vừa chứ. Cái thằng cả Bu cứ gọi lão là ông, ông họ xa tít mù, có khi cũng chả họ hàng gì, nhưng làng xã cứ nói thế thì biết thế. Mà được cái thằng đấy nó cũng hay qua lại, lão thì lão chả cần, nhưng có nó qua lão cũng còn có người để mà bảo “Mày chặt cho tao cây tre, khúc trên pha thành bó lạt mai tao đem sang chợ”. Lão thì ai cũng mày tao hết, đến bà Thủy mà có lúc lão cũng mày tao, chắc chỉ có cụ lang Mí Lù với sư ông chùa Thất Lục là không thôi.

Nhưng mà ăn mì không, lão chả buồn nuốt nữa. Lão lại thèm rượu. Lão không uống được mấy, chính vì thế lão lại muốn uống, cho nó chóng say. Say một mình thì lão say, còn với mấy thằng canh đê thì chẳng thà lão đổ xuống đất còn hơn. Hoặc giả bố con nhà cả Bu có đến mà lão còn rượu thì cũng bắt con vịt bó bùn nướng mà uống vài chén, rồi có khi hai bố con nó còn ngồi đấy thì lão đã lơ mơ mất rồi. Hôm nay lão cũng muốn lơ mơ.

Cái chai lăn lóc góc lều, nùi lá chuối khô rơi ra một bên.

Lão ngửa nghe tiếng mưa đang ngớt dần. Thế thì lão sang bên sông một cái.

Chitto
4.

Hồi hôm lão đã lấy ở quán bà Thủy một chai, nhưng mà đang bận lũ vịt ngoài bên đê nên không tiện xách, lão bảo bà ấy dúi vào dấu dưới gầm quán. Được cái quán ấy gần bờ, lúc nào cần lão đi qua, giả vờ cúi xuống là lôi chai ra thôi. Rượu có hơi đất có khi hoá hay, mụ ấy ngày trước cũng hay chôn rượu nếp dưới đất cả tháng, đào lên, cứ gọi là ngọt lừ, ăn tí là say, lão thì chóng say mà sao mụ ấy vẫn hay làm?

Mưa mùa này đến rõ hãi mà tạnh cũng chóng, chả thế mà trời đã quang cả ra. Trăng đã lại loáng loàng trên nước sông lờ đờ kia kìa. Trông lờ đờ thế nhưng xiết lắm đấy, bao nhiêu năm với con sông này lão lại chẳng rõ quá à. Rõ nên lão chả ngại, mà sang sông lúc nước to thế này cũng thấy vui vui, cứ như hồi bé cưỡi con trâu dữ, ghê ghê nhưng vẫn cưỡi được.
Lão cởi cái nút buộc dây mũi ở gốc tre. Buổi sáng buộc thế nào mà cởi mãi chả được thế này ? Cái nút cột chèo mọi khi lại khó thế à? Hay tay mình nó nhác rồi.
Đã thế không đi nữa, lão quay vào thôi.
Lão quay vào thật.
Nhưng rồi lão lại đi ra. Trăng sáng sau cơn mưa thế kia mà đi ngủ sớm, cái chân lại nhức thế này thì chả ngủ được.

Lúc sau là lão đã ở giữa dòng rồi.
Cái cây chèo khua đều đều, lượn tránh những chỗ nước xoáy. Đáy con sông này có gì có khi lão cũng thuộc chứ nói gì nước. Nhiều người vẫn gọi cái thuyền của lão là đò, bởi lão cũng hay chở người làng, dân chợ qua sông mà chả lấy đồng nào, nhất là những lần nước to thế này. Nhưng đấy là người quen thôi, hay người lão biết, lão không ghét, hoặc như bà Thủy, lão ghét nhưng mà cần. Chứ người không quen biết thì có năn nỉ trả tiền lão cũng chả đi. Lão lấy tiền làm gì đâu. Mụ ấy với lão đâu phải vì tiền.

Loáng quáng thế nào, lấy xong chai rượu thì cái thằng tướng cướp với con Nống lại ở đấy. Lần mò gì thế không biết. Không có tao thì chúng mày đêm có khi sờ được cả rắn nước đấy.

Chitto
5.

Cái chèo trong tay lão lại đều đều. Lần này chậm hơn, cẩn thận hơn, không như lúc sang sông lão chèo hơi ngược dòng, giờ vì có thêm người nên con thuyền lão để trôi xuôi xuống dưới, rồi lựa mà sang ngang, cho nó dễ. Chứ cứ cố ngược về gần bến đò có khi lật thuyền thì đi thăm hà bá cả ba như chơi.
Các cụ hồi xưa nói là "Bà" ở sông này khi thường cũng gia ân hiền hậu, nhưng những đêm trăng là "Bà" hay cưỡi thuồng luồng tuần hà, gặp ai không tránh là "Bà" lôi xuống.
Cũng lạ, nơi khác người ta kính Ông, vùng này lại tế bà. Hình như Bà là quận chúa thời xưa, oan khuất sao đó mà trầm mình nơi sông này, thế rồi thành thần, thành hà bá, thành Bà Thuỷ. Ồ mà cũng lạ, sao lại là Bà Thuỷ nhỉ ? Có giống bà Thuỷ bán tạp nham trong chợ không? Liệu khi Bà nổi giận, có khiếp bằng lúc cái giọng xoe xoé vóng vót từ cái miệng trầu đỏ lòm của bà bán rượu chửi bọn mua quịt không nhỉ ? Bà ta cũng Thuỷ đấy, mà sao toàn bán điêu với lại chửi người ghê thế.

Hồi trước còn bé, lão cũng cùng mụ ấy được nghe cụ từ kể chuyện Bà Thuỷ độ cho người tốt ngã sông khỏi chết đuối mà lại dấn lật thuyền quân gian cho trôi xác đến cửa miếu bà mới nổi lên, mụ ấy cứ ngồi dúm lại gần lão, mắt đăm đăm nhìn lên. "Đấy, nếu không được Bà hoá phép cho cây lau bỗng dai như dây mây, thì thằng Phó đã thụt bãi lầy từ cái đêm đi đánh giậm rồi ấy à", cụ từ mắt kèm nhèm toàn gỉ, tay gãi loạo quạo dọc ống chân mốc meo bảo thế.
Mụ ấy sợ dúm, còn lão thì cứ túm tay lôi ra bờ sông "để cho Bà Thuỷ lôi xuống ngắm đáy sông", lão làm cho mụ ấy hét váng bờ sông mới chịu buông.
Một đận dài mụ ấy nhất định không chịu ngồi thuyền lão để qua sông, bởi "anh hay báng bổ Bà, Bà lật thuyền lúc nào không biết", mụ ấy nói lão, lão tức ghê, lại càng hay báng bổ bà hơn. Có lần lão còn chờ đêm trăng ra bờ sông vạch quần mà đái, mà thách Bà lên đấy. Giỏi thì lên lôi lão xuống đi. Lão nhớ, cho đến cái lần cuối cùng lão chở mụ qua sông mụ cũng nhắc lại.

Lão bao nhiêu lần đi lại trên sông trong đêm, mà có đêm nào gặp Bà Thuỷ đâu. Ấy thế nhưng khi gặp lũ trẻ con, lão lại doạ "Chúng mày cấm có dại mà bơi sông, Bà Thuỷ bà ấy lôi tuột xuống đấy thì tao chỉ có đứng trên bờ mà vái, đấy, như ông Phó đấy, đi đánh giậm đêm gặp Bà, Bà lôi xuống, may vớ được cái dây mây chứ không thì..."
Ấy thế mà bọn nó cũng có đứa tin.

Đêm nay lại có những hai đứa. Hình như hai đứa này lão cũng nói chuyện Bà Thuỷ rồi, thôi lão chả nói nữa kẻo lại nhàm, chúng nó lại cười như lão cười ông từ hồi xưa....

FR
4.

Con Nống ở làng đến hết tối chủ nhật. Sáng thứ hai nó đi sớm. Thằng Tèo chỉ đưa nó ra bờ sông rồi quay về làng. Thằng Bu không về, thằng Tèo xắn tay lợp lại cái mái cho Lão chăn vịt. Thấy lão cứ lủi thủi, không vợ không con, chỉ có mỗi con đò, chai rượu nút lá chuối làm bạn, nó cũng thấy tội tội. Lão cũng chẳng giao du với ai. Tính lão gàn gàn, ngang ngang. Lão thích thì lão giúp, không thì có khi lão đuổi xơi xơi. Dân làng cũng chẳng trách móc gì lão, nhưng người ta ngại. Nghe đâu hồi trẻ trông lão cũng được lắm. Thấy bảo lão yêu cô Cam nào đó. Nhưng khổ nỗi cô Cam lại phải lòng lão Tỏi trong làng. Mà lão này thì chuyên gọi cô Cam là cô Mướp bí. Lão Tỏi lên tỉnh làm nghề Khoan phá bê tông, cô Cam cũng đi theo. Lão cứ viết quảng cáo ở bờ tường "TỎI - khoan phá bê tông, xin liên hệ...". Rồi thì mưa gió, chữ TỎI cũng sứt sẹo mờ dần đi, mất cả cái dấu hỏi. Sau người ta quen gọi lão là Toi, lão có đính chính một hai lần, rồi mặc kệ. Lão có về làng chơi, mang cả cái khoan về giúp làng xây lại cái đình. Lão quảng cáo khoan Liên xô bền lắm, tốt lắm nên từ đó cả làng gọi lão là Ivan Toi. Kể làng này cũng lắm chuyện buồn cười.
Mr. Smith
Rain viết có duyên nhỉ. Tiếp tuc đi chứ.
Chitto
6.

“Mấy con mẹ với thằng cha chúng mày mà nhìn thấy chúng mày thế này, lại chả tế lên ấy à, rồi là đến khổ với lão Phó, cái lão khó tính đến vênh cả ván”. Lão chẹp miệng than khi hai đứa kia đã lên bờ. Ấy là lão nhớ lại cái thời ông Phó đóng cái thuyền cho lão. Ông ấy chắc tay nghề lắm, đồ mộc trong làng này, trừ khi đồ tế tự ngoài đền phải thỉnh ở làng Cầu, hay bây giờ chúng nó chơi sang mua đồ trên tỉnh, còn không thì ông ấy làm, sửa được cả. Cái thuyền này cũng tay ông ấy đấy. Bào đục, trám nhựa, đốt hong, cùng em trai, ông ấy làm riêng cho lão. Mà em trai ông ấy chính là bố thằng Tèo chứ đâu, ông ấy là trưởng cái họ bên đấy, chặt chẽ lắm.

Thôi thì chúng mày cứ về nhanh nhanh lên không ông ấy biết lại chửi. Gớm, cái thuyền người ta thường hun một ngày, ông ấy làm cho lão đốt đến hơn hai đêm, xong rồi còn dặn lão đủ thứ. Kĩ tính quá, lão đâm ngại.

Thế nhưng kĩ mấy rồi cũng phải cũ lão Phó ạ. Đêm qua chở ba người, nước dò vào nhiều quá, cái thuyền kể ra cũng đáng hết đời từ lâu, nhưng lão vẫn dùng, mà người ta vẫn tin lão nên cứ đi thôi, chứ còn chốc chốc lại phải lấy cái bát sắt men thủng tát nước ra ngoài. À mà cái bát sắt men ấy cũng của ông Phó cho, ông ấy cho ngay từ khi đóng xong thuyền, bảo lão đề tát. Ông ấy tính đến cả thế nữa giời ạ. Bát từ thời thằng Tàu, men trắng bên trong, xanh ngoài, ngâm nước mãi nó thủng đến dăm lỗ đen sì. Kể ra hồi trước cũng toàn dùng ăn tốt, nhưng giờ chúng nó dùng bát sứ tàu hoa đỏ chứ ai dùng bát sắt.
Hồi đêm sang sông một mình, lão chỉ tát đại khái (mưa to nước đầy cả thuyền), nhưng lúc về có thêm hai đứa, chúng nó phải hì hụi tát ra. Dưới ánh trăng, thằng Tèo thì dùng tay, con Nống dùng bát sắt, hắt ra ngoài những vầng sáng bạc. Lão thấy hay hay. Lão lại nhớ những đêm đi tát nước hồi trước. Lão thì mong có mụ ấy đi tát cùng lắm, nhưng mụ ấy ngượng, nên chả chịu. Bây giờ chúng nó vẫn tát nước đấy, nhưng trông ngứa mắt thế nào ấy…

Toi
Có một thời trời nổi can qua
Dân tứ chiếng về đây lập ấp
....
Tôi vào làng lần đầu cùng những người bạn vui tính, vào một ngày cuối hè lập thu, tiêu điều bơ phờ. Làng nho nhỏ mang nặng tính phong kiến, do gã trưởng làng : Bu - là một gã phú hộ không giàu không nghèo làm chủ. Gã còn trẻ, nhưng khá bản lĩnh, cũng khá ngông cuồng, hầu như quan điểm cũng như hành động chẳng giống ai, lập dị và ấn tượng. Làng của gã, nhưng gã không phải là người duy nhất cư ngụ nên về sau này, khi mà cư dân phát triển hơn, thì vai trò trưởng làng của gã cũng mờ nhạt, gã thành giám đốc dự án làng Vne,quản lý vốn và bộ phận kỹ thuật canh tác phát triển. Trong làng những ngày tôi mới đến, có nhìu mạng hơn bây giờ, chẳng biết tại sao ,có lẽ làng này già hơn những làng khác kế bên, thành ra nam thanh nữ tú của làng theo tiếng gọi con tim mà ra đi chăng ? Chỉ còn nhớ hồi ấy, có gã Việt hẻo, gã này vui tính, gặp ai là chọc người ấy, hoặc thỉnh thoảng bốc đồng, gã chọc luôn cô Mướp - phó chủ tịch hội phụ nữ làng - một(vài) cái. w00t.gif Cô Mưa- chủ tịch hội đàn bà làng- nhan sắc đằm thắm lắm, đồng ý cho tôi thuê một mảnh đất rìa đầu làng- mảnh đất chó i ả ấy, bây giờ lại thành đắc địa hihi tôi thành ra khấm khá . Cô Mưa nghe nói là con gái một nhà giàu có tiếng trong vùng dưới xuôi, cô lên đây từ những ngày đầu, hình như là do cái tính thích gầy dựng của cô, giá cô mà làm kinh thương thì chắc giàu lắm, nhưng cô lại đi làm báo - một nghề mạt , theo như lời chị Khoai thì bố mẹ cô mưa đặt tên con vào một đêm mưa sầu mưa tủi,trong một tháng mà mưa chùn mưa nhụt thối đất thối cát mưa trùm mưa phủ lên hết thảy mọi vật, các cụ khó ngủ, mưa to quá.! v.gif Lại có ông Phó cả, ông này mặc dù hành nghề thổi lò chỉ vào hạng xoàng , bù lại hiểu biết rất nhiều việc thời việc đời, nên dân làng gọi bác cả Phó(hihi cũng có thể tại lúc ông thổi bễ thì phùng mang trợn má trông kỳ quặc và buồn cười?) Bác Phó nhiệt tình lắm, hễ trong làng có việc ăn nhậu ở bất kỳ đâu, không quản mưa gió dặm trường, gần xa mặc dầu, bác phải tham gia cho kỳ được, ... rồi sau dăm chén rượu chóac, bác lại ngâm nga đọc thơ, rồi kể chuyện ngàn xưa, rồi đôi lúc từy hứng , bác lại giáo lý cho chúng tôi... Thực tình những lời bác nói, những chuyện bác kể, nào tôi có hiểu mấy, nhưng tôi thích bác, vì lời kể của bác đều đều, xa xăm luôn gợi cho tôi đến không khí quen thuộc của bài giảng môn Triết học chủ nghĩa Mác-Lênin , cứ vào giờ có môn này, tôi lại được ngủ thoải mái mơ thoải mái. Cuối làng là nhà chị Khoai, chị trồng rất nhiều khoai lang khoai tây, có người hỏi chị sao lại thế, chị bảo : vì thích khoai, có thế!. Chị Khoai dạo này rất âu , toàn mặc áo hai dây hở cổ, hở tay, quần cạp trễ, tay chân đeo vô số vỏ ốc... làm đám trai làng chúng tôi, lơ tơ mơ cứ gặp chị là lại đỏ dừ cả mặt mày chân tay là cứ lóng nga lóng ngóng...
Phó Thường Nhân
Tổng Vân Phong, huyện Thạch Thất, Bắc Thái có chùa Thất Lục nổi tiếng. Sư cụ chùa này, nổi tiếng gần xa. Truyền rằng, đêm trăng thanh vắng, cụ đang ngồi đọc kinh trong vường chùa thì được Trời sai Đế Thích xuống rạch bụng rửa ruột, lại nhét hạt trân châu vào nên mới sáng dạ thế. Từ đấy đọc đâu nhớ đấy, bói toán như thần. Mọi người đều trọng.
I
Cụ vốn là người làng, tên tục là Chít. Thủa xưa, lúc còn nhỏ hay đầu têu đám trẻ nhỏ đánh khăng đánh đáo đầu làng. Một hôm có sư, tự là Nhất Hạnh vân du qua. Nhất Hạnh vốn tu từ lâu, nhưng càng tu càng mù mịt, không ngộ được đạo nên phẫn chí, bỏ chùa đi vân du thế gian. Tình cơ mà qua làng. Đang lúc mệt mỏi, Sư nhìn thấy có một đám trẻ con đang xúm xít, nên cũng tò mò nghé mắt vào xem. Lại gần thì hóa ra có quả bóng rơi xuống cái hố. Hố sâu, không với tay được. Lũ trẻ xôn xao, nhưng đều thuộc loại nói nhiều làm ít. Chỉ thấy có một thằng bé, người nhỏ quắt, tóc cháy nắng hì hụi lấy lá chuối quấn lại làm túi rồi hì hui đi đổ nước vào hố. Bóng nổi lên, lấy ra được. Sư bất giác than "Cuộc đời trôi nổi, đạo như nước, đời như bóng. Đạo đời đun đẩy nhau, chẳng cái nào thiếu được cái nào". Nói thế rồi ngộ. Mừng lắm. Lạy nghĩ trời cho duyên mình gặp thằng bé. Nên có ý độ nó làm sư. Liền lân la làm quen rồi theo nó về nhà. Sư chẳng phải nói nhiều. Nhà đứa bé có tới 10 miệng ăn, nheo nóc. Khi sư nói ý định của mình cho bố mẹ nó, cả hai đều mừng, vì thoát được một miệng ăn. Thế là Chít khăn gói quả mướp theo Thầy Nhất Hạnh về Hà nội, tu ở chùa Quan Âm.
II
Thấm thuắt đã hơn cả chục năm. Tiểu Chít lúc này thông thạo cách cúng bái lắm, chỉ phải tội đọc đâu quên đấy, không nhớ được một dòng kinh nào, làm cho Thầy Nhất Hạnh rất buồn. Ngược lại việc đời ,tiểu Chít lại rất nhanh nhẹn. Thấy vậy, Nhất Hạnh mới nghĩ rằng "Có lẽ Thầy nào trò ấy, phải đi vào đời mới tìm được đạo". Nghĩ rồi liên khuyến khích tiểu Chít làm kế khất thực, ngày ngày lang thang xin ăn ở trong 36 phố phường. Chít vốn khéo nói, nên của cúng mang về chùa ăn không hết. Nhưng ngộ đạo thì vẫn tịnh không.
III
Một hôm lúc lang thang vào Văn miếu, thấy trước Khuê văn Các có một đám du lịch Ba lô đang xúm xít xem cái gì đó. Tây trắng, mắt xanh tóc vàng. Trời nóng, cô nào cô ấy đều mặc mini quần sóc, để hở những cặp đùi trắng nõn, mũm mĩm như ngà voi. Nhìn thích mắt. Chít cũng lân la lại gần. Thấy giữa đám đông là một họa sĩ, tay vẽ mồm thao thao giảng bằng tiếng phú lang xa (tiếng Pháp). Trên thấy đề biển "Đệ Nhất thủ khoa đại học mỹ thuật Đông dương. Danh Họa Ưu Ưu". Tò mò, Chít cũng đứng lại xem. Thấy Ưu Ưu, lấy ra một tờ giấy trắng, khổ to đến thước rưỡi, cỡ bằng nửa cái chiếu hoa. Rồi hết sức sơn phết lên trên. Xanh xanh, đỏ đỏ. Trông xa thì giống như một gói mì Vi phong. Rối tung rối mù. Lại thấy Ưu Ưu đề tựa ở dưới "Khuê văn Các", rồi quay ra nói gì đó với thằng Tây đứng xem bên cạnh. Vẫn bằng tiếng Pháp. Thằng đó gật gù trả lời "Phai, Ve ri phai" (fine, very fine), rồi móc túi rút ra 2000$ đưa cho Ưu Ưu để lấy tấm tranh, nét mặt lạnh như tiền. Chít đợi lúc vãn người, mới rụt rè hỏi Ưu Ưu "Chẳng hay cái tranh lúc nẫy là bác vẽ Khuê Văn Các". Trả lời "Đúng vậy". Chít băn khuăn "Nhưng thấy không giống". Ưu Ưu cười phá lên "Đạo khả đạo phi thương đạo. Người vẽ phải thể hiện được cái thần, thể hiện được cái không hình không dáng thì mới là họa sĩ chứ. Bây giờ mà còn vẽ minh họa thì vứt" Lại thấy Ưu Ưu rút ra 5 mảnh giấy khổ vừa. Mỗi mảnh tô một mầu. Cái mầu đen, cái mầu đỏ, mầu vàng. Rồi đề ở dưới "Ngũ Hành". Nét mực chưa ráo, đã thấy một cô Tây, ngón tay mũm mĩm như búp sen, rút ngay ra 5000$ trả để lấy. Không những thế, lại còn thơm vào má Ưu Ưu mỗi bên hai cái, rồi nói "Sa luy" (salut) rồi bỏ đi. Chít bị choáng thực sự. Thầm nghĩ "Cái gì nói được tả được thì không phải là đạo nữa, sao ta lại phải chìm đắm trong kinh Phật như vậy. Đúng là ta có mắt như mù". Nghĩ rồi rảo bước về chùa.
(Còn tiếp)
Phó Thường Nhân
IV
Tối hôm đó, tiểu Chít lên giường đắp chăn từ sớm. Bỏ không theo thời khóa, không tụng kinh gõ mõ. Sư Nhất Hạnh rất lo lắng. Nghĩ thầm "Thằng này lớn, hay dục tình phát, hôm nay đi vào phố lại gặp một con cáp ve nào nó chài rôi. Nếu thật là vậy thì đúng là ta không có đức". Nghĩ vậy rồi lựa lời do xét. Tiểu Chít cứ sự thật mà kể. Nghe xong Nhất Hạnh trầm ngâm nói "Con ơi, Họa là một nghề, không phải là đạo. Là Nghề thì người có người không. Còn Đạo thì ở đâu cũng có, ai cũng có. Làm sao mà lừa được người ta". Lại nghĩ. Hà nội là xứ phồn hoa, tinh tế. Dân gian tinh quái, đời nhiều cạm bẫy. Người Hà nội lại là kẻ lắm chữ, thích lý sự, khó bắt bẻ được. Liền hối giục Chít vân du vào Nam. Trong đó, Phật giáo phát triển. Con người tính tình thực tế, đấy mới thực là đất Phật. Khí hậu lại nóng, có thể ngồi thiền quanh năm ngoài trời đều được. Tiện lợi nhiều bề. Nói rồi liền giục Chít đi ngay. Thầy trò chia tay nhau, rơm rớm nước mắt.
V
Chít vào đến Sài gòn, nhân lúc lang thang qua quán bia đầu đường xin cốc nước lã thấy một người khôi ngô phong nhã đang ngồi uống pép xi. Người đó mặc áo trắng cộc tay, là phẳng phiu. Tóc cắt ngắn. Xung quanh đó, cả một đám phu xe xích lô chờ khách, đang "dzô 100%". Tay ai cũng 2 cốc bia, cầm lăm lăm như Chu Nhuận Phát đấu súng. Mặt ai đấy cũng đỏ gay gắt, mắt lờ đờ hơi men. Thật là đối nghich với vẻ ung dung của người nọ, liền lân la làm quen. Biết người đó tên là Root. Root hỏi "Bác vào đây làm gì ?". Trả lời " Tôi thấy Sài gòn là đất đạo nên vào học hỏi". Root cười lớn "Nhà tôi ở cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, ngày mồng một ta rồi ngày rầm đến khổ với nó. Người ta cứ bắc loa phóng thanh đọc kinh oang oang ngoài đường không ngủ được. Tôi chẳng biết đạo là gì, chỉ biết có compaq và babyqueen". Lại hỏi "Compaq là gì ?" Trả lời "Đấy là mác máy tính Mỹ. Trong này người ta chỉ chuộng đồ Mỹ chứ không chuộng đồ Tầu". Lại hỏi "thế còn BabyQueen". Trả lời "Đất Sài gòn theo Âu Mỹ, cấm ngặt hỏi chuyện đời tư". Root nói với Sư "Hay Bác bỏ nghề tu theo nghề buôn đồ điện tử với tôi. Bác vốn quen biết trong giới thiền môn, đây là thị trường vẫn còn để ngỏ. Có thể làm giầu được đấy. Tôi sẽ làm đại lý bán Compaq cho bác". Chít hỏi "Dùng Compaq dễ không ?" Root trả lời "Không dễ lắm, vì nó hay dễ tự ái, tính tình bất thường, nhiều khi chết đứng. Bác tu không biết, chứ nhiều khi máycũng như người". Lại hỏi "Thế thì phải chữa như thế nào". Trả lời "Máy có 3 cái huyệt, hai cái ở trên, một cái ở dưới. Tiếng Mỹ họ gọi là Alt, Ctrl rồi Supp. Cứ vừa bấm vừa day cùng một lúc thì tự khắc nó sẽ khỏi". Chít nghĩ thầm "Ta vốn dốc lòng theo đạo. Không tìm được đạo không về. Nếu máy cũng đỏng đảnh như người, thì chi bằng tìm người ân ái cho xong, cần gì đến máy. Dù có là compaq, hay đồ Mỹ đi nữa". Nghĩ rồi liền từ chối. Root cũng không nài ép, chỉ khuyên là nên xuống Cần Thơ. Ở đó có cả người Việt lẫn người Khơ Me. Mà người Khơ Me sùng đạo lắm, có thể giúp đỡ được.
(Còn nữa)
Phó Thường Nhân
VI
Chít xuống tới Cần Thơ thì trời đã tối. Liền vào quán trọ đầu bến sông ngủ. Đêm tối, sóng vỗ ỳ ọap, ếch nhái kêu ong ong cả đêm khiến Chít không ngủ được. Đến gần sáng mới chợp mắt được một tí. Trong cơn mơ tư nhiên thấy một chân nhân, đầu quấn khăn nhiễu đỏ. Quần trắng, thắt lưng mầu lục, mắt trợn ngược, ngồi trong đám mây ngũ sắc vù vù bay tới. Người đó nói " Ta là Quý Zen, thông điệp viên của Đế Thích cảm người dốc lòng tìm đạo nên tới giúp đỡ đây. Hãy nói ngay Phật là gì ? Pháp là gì ? rồi ta gỡ rối cho" Chít bối rối "Bạch thầy .." Chưa kịp nói dứt lời lại bị hỏi dồn "Thế ngươi hiểu Bạch thầy là gì". Chít toát mồ hôi hột, nói không ra lời, ú ớ. Quý Zen cười thông cảm " Đế Thích cho ta xuống nói với ngươi là nguyện vọng của ngươi sẽ được toại nguyện. Người sẽ được ngộ. Chỉ nên nhớ, không được vỗ tay bằng một bàn tay thôi". Nói rồi biến mất. Chít giật mình tỉnh dậy, thấy trời đã gần sáng. Trong bụng hồ nghi không biết nên hiểu thế nào.
VII
Trong lúc ngồi ăn hột vịt luộc điểm tâm. Chợt thấy một cô gái, vóc người mảnh mai, nhưng cân đối. Người đẹp như người mẫu, tóc đen nháy. Nhưng nét mặt buồn rười rượi. Người đẹp ngồi xuống đối diện với Chít, thờ ơ goi bát bún ốc. Chít thấy trong lòng rạo rực. Không thể không bắt chuyện. Cô gái tên là iltdna, đang tương tư. Kể rằng "lạ quá, đời Em đã yêu không biết bao nhiêu Anh, được tình, thất tình không biết bao nhiêu lần mà sao lần này lạ qua. Ăn không ngon, ngủ không yên. Thầy có cách gì giúp E khỏi cảnh khổ được không ?". Chít giơ tay lên định đưa vào dưới lưng cô gái, nhưng chợt nhớ tới lời chân nhân nên dừng lại buồn bã nói " Thế cái tương tư ở đâu mang ra đây cho ta coi". Cô gái giật mình "Bạch thày, con hiểu rồi. Vậy là tự con làm khổ con. Chẳng ai biết cho cả. Tương tư là khổ, khổ là không. Đa tạ thày". Nói rồi đứng lên tươi tỉnh ra đi. Chít tiếc rẻ, nhìn quanh thấy hòn sỏi, không cầm được bực tức ném vèo nó ra sông. Thốt nhiên nghe thấy "cạch" một cái ở dưới chân. Nhìn xuống thì lạ quá, hòn sỏi được ném đi đã quay trở lại, như cái bum mê răng của thổ dân châu Úc. Chít chợt giật mình "Ta thế mà không bình tâm được như hòn sỏi này". Nói thế rồi ngộ.
VIII
Từ đó Chít tấn tới, học đâu nhớ đấy. Bất cứ việc gì dù bói toán, đoán mộng, tử vi đều tinh thông cả. Tiếng tăm nổi như cồn khắp vùng lục tỉnh. Tiền cúng lễ của đệ tử mỗi ngày cả ngàn đô la. Đệ tử có hàng vạn.
Đi đâu cũng dùng xe Mẹc xê đét. Rồi một hôm, tự nhiên nhớ nhà, nhớ thầy Nhất Hạnh, liền rảo bước về quê. Thầy Nhất Hạnh đã mất. Chít mang tiền cúng dường về xây chùa Thất lục ở làng, và không đi đâu nữa. Dân làng thường kể, trong Am của Chít bao giờ cũng có một đống sỏi. Tối nào thầy cũng ra ném sỏi ở sau vườn nhà. Nhưng ném mãi không bao giờ hết. Hòn sỏi bao giờ cũng quay trở lại...

HẾT.
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Loa phóng thanh của làng Ven
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.