Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Chuyện Làng Ven
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Loa phóng thanh của làng Ven
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20
Milou
Gớm tưởng gì chứ trường tôi học mẫu giáo ngày xưa, phía sau CĐ Sư Phạm SG từ 1994, bố mẹ muốn con vào đấy phải lo lót từ khi úp lồng bàn trên bụng.
root
Chuyện chạy vào các truờng, xin điểm rồi thi tuyển công chức trong ngành giáo dục là em rất rành. Bác Net muốn nghe chuyện thì xin mời sang chủ đề bàn về học sinh ngỗ ngược của em (để khỏi spam).

"Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" laugh.gif)
Hoang Yen
Biển làng

Cụ A: Phải có hình ảnh làng, luỹ tre, đàn trâu, thằng bé cởi truồng, cây đa, con đò, bến nước...
Cụ B: Nhiều chi tiết nhung nhúc thế thì làm sao mà nổi bật, tre mới trâu mới lại truồng thôi
Cụ C: Truồng không ổn với thuần phong mỹ tục, tre với trâu là đủ.
Cụ D: Bỏ trâu đi, vừa vào cổng làng đã bắt ngửi mùi trâu là sao? Để lại tre thôi!
Cụ E: Tre à? Làng Việt nam làng nào mà chẳng có tre, nói đến làng là nghĩ ngay đến luỹ tre xanh xanh rồi còn trương tre lên làm gì nữa?

Sau cuộc họp của các cụ, ngoại trừ cái tên, biển làng hoàn toàn trống rỗng.
khoaitayran
Sau cuộc họp lần một đổ bể, hội nhiếp ảnh làng đưa ra cái ảnh đạt giải khúc khích trên huyện năm rồi với chủ đề thanh nữ làng văn hoá mới, ít ra là để tạm vào thay cái biển dẫn đưòng mời khách vào làng nhưng các cụ lại gạt phắt đi: gớm, con gái con đứa gì ban ngày ban mặt ra ao làng vầy nước, rõ là nỡm ở đâu ý sp_ike.gif

Mà nàng Yến ơi, hỏi nhỏ chứ cái này lẽ ra phải vào topic "cổng làng" chứ nhỉ?
Hoang Yen
Úi, Khoai à, cái việc sắp xếp là cứ phải cụ Chánh Milou, tớ đâu có biết. Mà cụ dạo này đanh đá đáo để, xem này:


QUOTE(Milou @ May 2 2005, 08:25 AM)
Gớm tưởng gì chứ trường tôi học mẫu giáo ngày xưa, phía sau CĐ Sư Phạm SG từ 1994, bố mẹ muốn con vào đấy phải lo lót từ khi úp lồng bàn trên bụng.
*

khoaitayran
Tớ xem rồi, không dám cười nhỡ bị cái rọ để biển nói bậy thì chết baby.gif
yuyu
QUOTE(Hoang Yen @ May 2 2005, 06:58 PM)
Biển làng

Cụ A: Phải có hình ảnh làng, luỹ tre, đàn trâu, thằng bé cởi truồng, cây đa, con đò, bến nước...
Cụ B: Nhiều chi tiết nhung nhúc thế thì làm sao mà nổi bật, tre mới trâu mới lại truồng thôi
Cụ C: Truồng không ổn với thuần phong mỹ tục, tre với trâu là đủ.
Cụ D: Bỏ trâu đi, vừa vào cổng làng đã bắt ngửi mùi trâu là sao? Để lại tre thôi!
Cụ E: Tre à? Làng Việt nam làng nào mà chẳng có tre, nói đến làng là nghĩ ngay đến luỹ tre xanh xanh rồi còn trương tre lên làm gì nữa?

Sau cuộc họp của các cụ, ngoại trừ cái tên, biển làng hoàn toàn trống rỗng.
*



Cụ Chánh Mì đi họp trên Trung Ương về : Làng Ven ta có những 5 Chánh Tổng, lừng danh cả nước ai không biết ? Việc gì phải hô hoán lên ? Cất cái biển đi, thế là khỏi lôi thôi !
Chitto
1014.

Thằng Bu đi, làng họp lại.

Sìn ra tranh chức trưởng thôn. Hắn đã mấy năm luồn ngóc này ngách nọ trên Thành Thị*, giao du các tay anh chị lừng danh, và cả bố già Ảo Thành Chân. Tên thật hắn là gì không ai rõ, hồi ở trên thành phố làm chân bảo kê chuyên nghiệp cho cái Chợ to nhất, thì gọi là Phan Đặng Hoắc Cơ. Tha hồ chặt chém, đứa nào không vừa ý là cho tiệt đường làm ăn, bao nhiêu hàng hóa hắn chỉ một câu “tịch” là người ta mất trắng.

Làm dân anh chị mãi cũng chán, hắn tỏ ý muốn làm người lương thiện thử xem sao. Ảo Thành Chân vê sợi râu mọc ở bên má (béo quá râu chỗ khác không mọc được) cười bảo : Chú muốn làm lương thiện thì anh mừng quá, ừ, chú cứ tự nhiên làm lương thiện, xong rồi kể cho anh nghe, anh học theo chú. Rồi vỗ vào vai hắn ba cái. Vai hắn như có ba cục than hồng đặt vào, cục sau to hơn cục trước. Mà sống lưng lạnh buốt, bàn tay mồ hôi ra tong tỏng.

Phải bày ra một vụ giả vờ là bọn đàn em lật, trốn về làng, làm lại giấy tờ, đổi tên là Sìn cho dân dã, lại đặt ra câu chuyện hồi bé hay xin các thứ để lòe mọi người. Tuy vậy hắn không đi tay không. Hắn đủ khôn ngoan để đi đêm, kiếm cho mình những mối quan hệ mà các đại ca của hắn cũng không biết. Vì thế hắn được làm công chức, nắm giữ trọng trách quy hoạch đất cát cả vùng này. Cái đấy hắn khoe ra. Cả làng sợ lắm. Lơ mơ mà phật lòng thằng này, nó chỉ kẻ roẹt một cái, là con đường ô tô đâm thẳng vào nhà, không thì nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên gì cũng thành khu đất quy hoạch, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, làm khu công nghiệp như chơi. Lơ mơ là tan cửa nát nhà, bơ vơ tha hương cầu thực ngay ấy.

Thế là cả làng đồng thanh mời hắn làm trưởng thôn. Lúc đầu hắn khiêm nhường nhún mình, sau rồi hắn nắm hai bàn tay vào nhau, giơ lên cao lắc lắc, luôn miệng: Cảm ơn mọi người đã ủng hộ tôi, xin hết lòng hết sức, xin tận tâm phục vụ,… (giống hệt cách Ảo Thành Chân làm khi đứng trước hai kì Đại hội). Thế là hắn làm trưởng thôn thay cả Bu !!!


(*: Thành thị Việt Nam)
Chitto
1015.

Sìn tuyên bố: Phải làm sao cho làng ta lừng danh cả nước, không ai không biết. Phải dân chủ, phải có 5 chánh tổng ! Khung thì hắn định sẵn rồi.

Ra đình làng, hắn công bố cho mọi người biết:

Này nhé, cụ lang Mí Lù, người của Nho học, già cả trọng vọng nhất, làm lang cũng như làm bác sĩ. Ấy là .

Ông Phó, một đời nông dân chân chất, về sau hay làm mộc, nhưng cũng là nông dân từ khi mẹ ông còn úp lồng bàn vào bụng. Ấy là Nông.

Tiểu Vũ, học hành công nghệ, sau này cũng chỉ làm đến thằng công nhân cho tư bản bóc lột thôi. Ấy là Công.

Họa sĩ Ưu Ưu, chiến sĩ một đời không mỏi cho sự nghiệp dân chủ, ấy là Binh.

Con trai ông giáo Linh, vì sinh ra ở Tây, học Tây học, giờ về làng làm đại lý cho công ty chuyên thu mua Mít, chuyên về thu mua Xơ, nên gọi là Sơ Mít. Cu này học Thương mại trường Kinh tế, đích thị là dân buôn bán, ấy là Thương.

Vậy là Hội đồng làng ta, Sĩ Nông Công Binh Thương đủ cả. Cấm ai chê vào đâu được.

Thằng Sìn tính rồi, cụ lang, ông Phó già cả, chỉ ngồi góc nhà nói lầm bầm như ma xó cả ngày. Ông Ưu Ưu thì chỉ quan tâm đến sự nghiệp cách tân xã hội ở đâu đâu. Tiểu Vũ thì thấp cổ bé họng, nếu có tân tiến quá cũng dễ trị, đưa vào cho có đủ phụ lão lẫn thanh thiếu niên, còn Sơ Mít chỉ mải mê làm ăn, với việc làm thì thờ một chữ Nhàn. Ấy vậy là Sìn khỏi phải lo. Già thì bảo cổ hủ, trẻ thì bảo nông nổi, kiểu gì cũng có cách áp chế.


Chitto
1016.

Lúc ấy bỗng sư ông chùa Mốc lảo đảo đứng dậy lè nhè bảo:

- Còn thiếu, còn thiếu. Thời buổi tự do tín ngưỡng, cần đoàn kết mọi thành phần xã hội. Phải có chân đại diện Tôn giáo. Sư tôi xin tự ra ứng cử làm thành phần thứ 6 gọi là Tăng. Sĩ Nông Công Binh Thương Tăng!. Xin một tràng vỗ tay !!

Các bà già vỗ tay ầm ầm. Các bà này vẫn thường lê la trong chùa để kể xấu con cháu, tán thưởng sư lắm. Vốn làng có sư Quý, làm đến trưởng ban tuyên truyền Thiền học của Thư viện Hoa Sói, nhưng đi biền biệt, lại hay hỏi vặn, chả như sư cụ dễ thương thích buôn chuyện và ăn ngon, nên các bà ủng hộ rầm rầm.

Sìn lại gần sư, nhìn vào mặt sư rồi bảo:

- Được, chỉ phiền sư ông đóng thêm mỗi 100 gạch nữa cho làng là thể nào chả được lên chiếu trên, rồi bấy giờ Hội đồng làng sẽ xét.

Sư ông méo mặt. Dù mang tiếng tu trong chùa Mốc nhưng sư cũng hiểu rõ thế nào là “gạch cho làng” của thằng Sìn. Tiu nghỉu ngồi xuống.

Sìn quay đi, lầm bầm: Sư mà cứ hồn nhiên như cô tiên thế. Tiên Sư !


Vante_Sellenberg
Chít cười mất thôi thumbup.gif
Hoang Yen
X...

Lại nói chuyện sư cọ chùa Mốc. Hàng ngày sư lụi hụi vác rễ đi quét quáy trong chùa ngoài ngõ sạch tinh tươm, đấy vốn là việc của Vãi, phải lúc mùa màng, vãi cũng chổng mông ra đồng gặt hái nên sư cứ là kiêm cả quét tước lẫn nấu nướng giặt giũ..., kiêm tất.

Ngày nọ sư bấn quét vì lá không biết ai xui mà rụng nhiều quá đỗi nên đến muộn mà chưa đi chợ mua đậu phụ được. Chợt sư nghe có tiếng hát "Ngày xưa, biển chưa có cát như bây giờ..."
Sư dỏng tai nghếch mắt qua bờ rào găng, ra là thí chủ Biển đẹp, nam mô a di, thí chủ má hồng mắt biếc mí đẹp đẽ tươi ròn làm sao, tội thân sư quá thí chủ ơi...

Sư đằng hắng cho thí chủ khỏi giật mình ngọc : "Nam mô a di...Chẳng hay thí chủ đi đâu đấy ạ"

Thí chủ cười tươi như hoa đỗ quyên nói rằng đi chợ , sư mới nghĩ ra việc nhờ thí chủ mua giùm vài bìa đậu. Thí chủ tủm tỉm đôi môi trái tim đỏ mọng rồi hăng hái nhận lời.

Khi sư quét xong thì đậu cũng về tới, đậu bọc mấy lần lá chuối rồi đút trong túi ni lông, thí chủ lễ phép đưa đậu cho sư rồi lại tung tăng chân sáo miệng hát véo von "rồi một ngày anh đến, biển hát anh nghe..."

Sư quầy quả xách đậu vào Chùa, không biết mấy bìa mà nặng nặng, sư giở ra, có mấy bọc, một bọc to nắn như cái đùi, giở mấy bọc bé, riềng cắt miếng, lá mơ, túm mắm tôm, chanh... Sư mụ mị cả người sục vào cái bọc to...

Từ đấy sư tương tư thí chủ Biển đẹp, ngày đêm thèm thứ đậu nàng mua. Chả biết bao giờ thì nguôi được lòng sư...
biendep
hihihi, kết câu "hồn nhiên như cô tiên" hahhaha w00t.gif w00t.gif
Chitto
1017.

Sư không tranh cử Hội đồng được, cũng ấm ức. Đống sỏi đằng sau chùa ném sang vườn chuối đã vơi hết. Chả có viên nào quay lại (*). Nhưng thôi, ông Nét về làng làm ăn, sư cũng lân la muốn kiểm một chân. Xem ra không làm chức dịch thì làm bạn với nhà đầu tư cũng được.

Sư bảo Nét: Quan bác tuy mệnh phát tài phát lộc, nhưng để an tâm, cứ là phải cúng sao giải hạn, sửa cái lễ xôi gà sang đình, cái lễ oản quả vào chùa tôi. Mà sang hơn thì làm hẳn cái thủ lợn. Nếu bận quá để tôi sắm luôn cho cũng được. Mấy bà vãi già trong làng ngày xưa làm mậu dịch viên lâu năm, chân tay cẩn thận, đảm bảo làm gà tự làm, xôi tự đồ, sạch sẽ cho ông, không phải lo.

Thấy sư cứ xoắn xuýt, ông Nét không nỡ chối, nhưng vướng chân quá đẩy sang cho Biển Đẹp. Rồi cứ như là bia gặp lạc rang ý.

Sau có một buổi biết nhau, thì sư ngồi gần Biển Đẹp mà rằng: “Nhà chùa xem ra nhà em là có tướng con ngan, khật khưỡng mà sang hết chỗ nói, con cháu ăn mười đời cũng không hết phúc. À mà nhà em biết chuyện Phật chỉ trăng chưa?”

Thấy Biển Đẹp háo hức, sư giả bộ ngấm nghĩ chán rồi thủng thẳng kể: Ngày xưa Phật dạy học trò, xòe bàn tay phải mình ra, tay trái chỉ vào giữa mà bảo: “Tay ta tròn như mặt trăng, các đường các chỉ tay đều như mặt trăng cả. Chừng nào các con tu hành mà tay tròn được như mặt trăng giống tay thầy thì sắp đạt chính quả rồi đấy”. Úi, nhà em xòe tay ra thầy xem nào, bàn tay em là tay chuối ngự cúng Phật, ngũ khâu đẹp như thỏ ngọc thế này, hiếm có lắm, chịu khó tu hành thì cũng gần thành tay mặt trăng rồi đấy. Cổ tay tròn lẳn thế kia, y tay Quan Âm ấy. À mà nhà em nghe chuyện Niêm hoa Hi tiếu chưa?”

Biển Đẹp lúc này thẽ thọt mỉm cười lắc đầu. Sư lại rủ rỉ kể: Ngày xưa Phật dạy, gọi ông Ca Diếp đến bảo : Ngươi xòe tay ra, như bông hoa sen mới nở, để ta chỉ điểm cho, ấy là Niêm hoa – tay sư nắm lấy năm quả chuối ngự của Biển Đẹp.

Chả biết sư làm thế nào mà Biển Đẹp cười rin rít lên không thành tiếng. Sư tiếp: Ấy, đúng thế đấy, ông Ca Diếp cười lên, tức là Hi tiếu, tiếu hi hi ấy mà, thế rồi sau thành A la hán. Nhà em cứ chịu khó đến chùa đọc kinh lễ phật rồi thì là phúc đẳng hà sa, à mà còn chuyện ông Mục Liên…..




(*): truyện của bác Phó, trang 2
Chitto
1018.

Biển Đẹp chăm về làng, mà mỗi lần về lại càng ở lại lâu hơn. Bu đã bắt đầu thấy nghi ngờ khó chịu.

Rồi một hôm, Biển Đẹp về muộn lắm. Bên nhà trọ trông sang, cửa hàng biển tối om om mà Bu lòng như lửa đốt. Mãi tối mới thấy tiếng lạch cạnh, gã bổ ra ngoài. Trời ơi sao về muộn thế? Có làm sao không, xe hỏng à, hay là có chuyện gì mà muộn thế. Biển Đẹp ơ hờ, không sao cả, về muộn, thế thôi. Nghe giọng “không sao cả” thì lại càng sốt ruột. Hay là lại léng phéng chỗ nào? Hay là thằng Sìn dở trò gì, bảo anh cho nó một mẻ, hay thằng sư chùa Mốc à. Này, cẩn thần đấy, thằng đấy là lừa lấy tiền của mấy bà trong làng rồi đấy, không biết à…

Biển Đẹp hơi giật mình. Tí xíu thôi. Nếu Bu hỏi câu đấy lần trước thì cô còn lo, chứ hôm nay cô đã chuẩn bị kĩ rồi. Người nhiều kinh nghiệm như mình ai lại không lo trước dăm ba đường trốn nợ?

Vào nhà, mặt mũi tươi cười hỏi: Anh biết hôm nay em gặp ai không?

Gặp ai?

Gặp cô giáo dậy văn cũ, cô giáo mà khen em làm thơ hay ấy. Hóa ra cô giáo nghỉ hưu về làng, trông trẻ và viết thơ, là cô Hoàng Yến đấy. Bọn trẻ cô trông ngoan lắm, đứa nào cũng thuộc thơ của cô. Sau này mà có con đem gửi cô thì yên tâm phải biết. Úi, cô giáo tốt ghê lắm, cứ giữ em lại ăn cơm với cô (quái, cơm chay các vãi làm kiểu gì, giả gà giả mực giống thế, lại không béo), cô lại còn cho em hoa quả vườn nhà cô mang về này.

Biển Đẹp bày ra bàn la liệt cam, chuối. Bu cận thị, chứ nếu tinh mắt gã sẽ nhận ra trên nải chuối còn dính đầy tàn hương.



Chitto
1019.

Bà Yến về làng trông trẻ. Con cái bà đã phương trưởng, nhưng chưa đứa nào chịu lấy vợ lấy chồng cho bà có cháu bế. Những ngày trước còn đi dậy ở trường phổ thông, lũ học sinh nghịch như quỷ sứ, bà phát mệt với chúng nó, nhưng cũng vui. Về hưu rồi, có trường dân lập cũng mời bà về dậy văn, nhưng được một kỳ là họ lịch sự từ chối. Bà cũng gật đầu hiểu lẽ đời mà về quê.

Bây giờ người ta khác lắm, bà không quen được. Đấy, như cái trường bà dậy khi trước, giờ thành trường điểm. Người ta cứ gọi là chạy chọt cho con vào ầm ầm. Vào rồi, mười phần thì đến mấy phần là không con người này cũng cháu người nọ, hoặc dây mơ rễ má, con người bạn buôn của cô hiệu phó, thằng cháu nhà ông thông gia với ông phòng tài vụ,…, nên chả thể nào làm gì được chúng nó. Cứ mỗi kỳ thi học kì đến là “phiếu bé ngoan” gửi gắm nhiều như bươm bướm. Người xin một, người xin hai điểm. Khốn nạn là cái môn Văn, là môn quan trọng ngang với Toán, nhưng lại chả có khung điểm chuẩn gì cả, muốn cho mấy điểm là tùy cô giáo, nên người ta càng hay xin xỏ.

Bà bức bối và xót xa.

Bọn học trò phổ thông của bà có đứa viết văn phân tích nhân vật chị Dậu thế này: “Chị Dậu là điển hình về người đàn bà có hương sắc và giỏi đẻ nhưng giỏi nhất là chạy chọt. Chị đã biết chạy từ cửa trương tuần, lý trưởng, đến thẳng nhà nghị Quế, lên hẳn quan trên tỉnh, chạy vào tận giường cụ cố tổ. Chị biết bán đi mấy con chó để lo lót cho chồng từ ở tù lên thẳng làm lý trưởng làng, mỗi tội đúng lúc cụ cố định ký giấy thì công an ập vào, may chị chạy thoát được trong đêm đen tối như cái tiền đình của chị nên công an không đuổi kịp. Sau chuyện này chắc chắn chị sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hơn, tiến theo con đường cách mạng. Con của chị là cái Bé, từ nhỏ mẹ đã đi đánh giặc suốt nên rất giỏi chăm em, mỗi lần có tiếng pháo là nó trèo lên ngọn dứa xem mẹ chạy về chưa”.

Thế mà cứ phải cho 8 điểm, 9 điểm văn cơ đấy.

Bà biết làm sao dậy dỗ được chúng nó. Chúng nó lớn rồi, viết văn chưa thành câu nhưng hôn nhau đã thành tiếng, cặp nhau đã có bầu rồi. Bố mẹ chúng nó chạy 500$, 1000$ để vào trường, rồi thì nghĩ là cứ tiền là xong. Mỗi lần thế bà chỉ muốn về hưu nhanh lên.

Về hưu về làng thôi. Làm thơ và trông trẻ.


Hoang Yen
Trang phục


Đường làng Ven sặc sỡ các màu trang phục. Mới đầu, bạn có thể tưởng đó là ngẫu nhiên, nhưng để ý kỹ, bạn sẽ thấy sự khác biệt của màu sắc được dùng để phân chia làng ra từng nhóm.

Nhóm đông đúc nhất mặc áo màu đen được gọi chung là dân làng Ven (khổ, dân đen đây mà!) Nhóm này không có thông tin về giới tính hay vai vế. Mặc dù vậy, Dân Đen vẫn là nhóm mạnh nhất.

Cùng là ko vai vế nhưng nhóm Thanh nữ làng Ven thì có màu áo hồng phấp phới như hoa đào chính Tết, đẹp lả lướt trong khi nhóm Trai làng thì màu nâu gụ (sao lại nâu gụ nhỉ?). À, để cho mộc mạc nhưng khoẻ khoắn?

Hai nhóm còn lại số người thì ít mà nhiễu sự dân lành thì lắm nên màu sắc cực kỳ sặc sỡ. Nhóm Chánh tổng đỏ chon chót như ớt chín. Ớt chín thì cay, cay kinh lên ý chứ, hãi chưa hỡi dân đen, đi ngoài đường thấy ớt là tránh nhe! Trùm xã hội đấy.

Nhóm Xanh le xanh lét ấy là lý trưởng, một lũ bung xung nịnh trên trấn dưới, dân đen cũng phải cẩn thận với lũ này, bọn này hay ton hót với lũ Trùm nhưng lại luôn luôn dở giọng ôn tồn trấn an dân.

Này bác nông dân áo đen kia, đã rõ ngọn ngành chưa hử?
mưa
II - Đường làng

1.
Tiểu Vũ từ khi nhậm chức Chánh Tổng Công thì thích lắm. Cứ xâm xẩm tối là Vũ lái cái xe công nông chạy phành phạch trên đường làng. Rơm rạ bay loạn xạ, bùn đất bắn tung toé. Dân làng thập thò ngó ra rồi thụt cổ vào nhà, vặn nhỏ đèn dầu Hoa kỳ, tránh gây sự chú ý của Vũ. Chỉ có bọn trẻ con thì không sợ gì gã cả. Mỗi lần thấy cái xe của gã chạy òng ọc, chúng nó lại reo ầm lên rồi chạy theo, nhảy bám lên đuôi xe. Vũ lại phải lấy cành tre phẩy phẩy đuổi lũ chúng nó xuống. Sư chúng mày, chỉ được cái nhố nhăng là giỏi. Nhà ông có mỗi cái công nông để ra oai, vừa để đi họp trên huyện nhận chỉ thị mới, vừa để tán gái làng mà chúng mày làm như cái ổ rơm nhà chúng mày không bằng. Chúng mày có để ông "hoành tráng" không thì bảo. Mẹ, đầu 3, đầu 4 xồng xộc lao vào mặt rồi mà vẫn chưa làm được gì cho đời, à quên, quen miệng, cho mình đây này.

Thi thoảng, gã lại đậu xe vào bên rệ đường, dưới bụi tre hay bụi cây gì đó, tắt máy, ngửa mặt nhìn giời, tâm hồn treo lủng lẳng trên nhánh lưỡi liềm xanh biếc. Gã lẩm nhẩm:

Tịch mịch phòng trai tối
Nửa đêm nghe tiếng mưa
Buồn buồn lay gối khách
Giọt giọt điểm canh mờ
Luồn trúc gõ song cửa
Theo chuông vào giấc mơ
Ngâm xong nằm chẳng ngủ
Đến sáng nhặt rồi thưa


Rồi gã gật gù một mình:
- Đẹp quá, đẹp vô ngôn, không nói hết bằng lời được. Càng cố diễn tả thì càng phiếm. Càng đi nhiều, thấy nhiều ta càng hiểu thêm về chiều sâu của nó, nhưng chẳng bao giờ nói ra được đầy đủ. Chỉ có sự đối diện tĩnh lặng, tâm đối tâm, dù chỉ trong một sát na ngắn ngủi mới cho ta sự cảm nhận đầy đủ. Đó là cái đẹp tồn tại trong tiềm thức của mỗi người.

Lần nào cũng như lần nào, đúng lúc gã tâm đắc lim dim nhất thì:
- Tiên sư mấy con sâu. Bác Tổng cẩn thận không lại vều môi lên như em đấy, đậu xanh cũng vô ích thôi bác ạ. Mà bác đọc cái thơ gì chán thế. Bác nghe thơ em, bài mới nhất, Con đường tới cõi vô thường:

Lâu nay đời thật chán
Bài vở cũng nhiều nhiều
Lại bận kiếm tiền tiêu
Nên yêu đương chểnh mảng

Về đến nhà mệt nhoài
Chim cò bay hổng nổi
Sống cuộc đời vô tội
Trong trắng tựa mây trời

Thế mà chẳng thảnh thơi
Bởi vì nàng xuất hiện...


Vũ bật dậy, vừa giật mình vừa tức.
- Thôi chú Hường, anh xin chú. Thơ của chú thì toàn ngực tấn công, mông phòng thủ chứ có cái cóc gì.
mưa
2.
Vũ khoái nhất là tối chủ nhật. Tối chủ nhật, cả làng bao giờ cũng phải tập trung ở nhà Sìn. Đoạn phổ biến chủ trương này nọ, gã chả quan tâm. Gã thích nhất là khi đến phiên gã lôi cuốn sổ xập xệ lem nhem ra. Gã sẽ giở loạt xoạt từng trang, vừa giở vừa đưa mắt nhìn xoáy vào từng bộ mặt dân đen, từng chiếc áo nâu gụ sờn vải, từng chiếc quần hồng phấp phới. Tất nhiên là trong đám quần hồng cũng có cô e thẹn cúi mặt xuống, nhưng đa phần con gái làng này rất táo tợn. Mỗi lần gã nhìn, cô Biển đẹp, cô Tít lại nhìn chòng chọc vào gã một cách thách thức. Cô Tin lại còn thích chí, liếc mắt đánh xoẹt, miệng cười toét ra. Thỉnh thoảng cô còn bắt chước Tây (là cô xem bộ phim 50 thế dành cho vận động viên điền kinh chiếu lậu bên nhà Sìn và đọc cuốn cẩm nang Ăn sushi xong rồi trèo đồi ông Net viết ngày xưa) chúm môi chút một cái rồi đưa bàn tay chuối ngự thổi phù một phát vào mặt Vũ. Vũ thích lắm, nhưng chuyện này để sau nói...

Lại nói chuyện cuốn sổ xập xệ. Mỗi lần Vũ lôi ra, dân làng ngồi im thít. Vũ chậm rãi đọc, mặt khinh khỉnh:
- 14 người bị dân quân xã lập biên bản trong tuần vừa rồi vì tội lượn lờ đánh võng trên đường làng. 2 khách vãng lai, 10 dân làng và 2 thầy mo: Malchik, Hoàng Yến, khoaitayran, ngautuan, Lissette, dandumuc, Nhat Nguyet, max, trademark, moonandcoin.
Bà Hoàng Yến ré lên thảm thiết:
- Ối!!! Mỗi tuần vài lần bị lập biên bản thế này thì tui giảm thọ lắm các bác dân quân ơi, tui thề là tui chỉ kéo xe bò chậm rãi men rệ cỏ chứ không có phân khối lớn rùi đánh võng lượn lờ gì đâu ạ. Mong bác Tổng Công xem xét lại ạ.
Sư ông chùa Mốc cười hé hé, giọng đầy mùi rượu, đá vào:
- Kéo xe bò mà vẫn còn đánh võng thì tội còn nặng hơn đi xe máy. Làng này là cấm bò đánh võng.
Tiểu Vũ nói:
- Báo cáo các bác là tình hình giao thông trong làng đang phát triển theo chiều hướng rất đáng lo ngại. Nào có đánh võng xe bò không thôi đâu, bắt đầu có hiện tượng tập trung tổ chức đua xe bò phân khối lớn nữa cơ đấy. Hí hí, hôm nọ em đuổi theo xem, thấy nhà Khoai có vẻ hăm hở nhất trong đám, dù vẫn đang ở áp chót, bám ngay sau là Malchick long tong mồ hôi mồ kê.
Cậu Sơ Mít tự nhiên chêm vào một câu chả ăn nhập gì:
- Cái quần hồng mới của Mưa trông yêu nhỉ! Nhưng mà hình như quần nào của nàng trông cũng đều đáng yêu cả.
Cô Khoai quay sang lườm Sơ Mít rồi nói với Tiểu Vũ:
- Sau khi về chót cuộc đua xe bò Khoai sẽ làm quả công nông sang bên đó.
- À vâng, xin chú thích, sau cuộc đua kết quả là con bò nhà Khoai đang trong tình trạng "ngất ngây" nên Khoai phải làm quả công nông cho chắc ăn vì công nông thì không biết chóng mặt. Các bác không phải lo về tình trạng con bò nhà Khoai, sau một hồi được chăm sóc tận tình bởi các anh dân quân lành nghề tự nó sẽ về được chuồng. Chỉ hi vọng hắn không đi hình chữ chi theo quán tính - Tiểu Vũ quên khuấy mất việc lẽ ra gã phải phê bình, phải nêu ra những bài học đau xót, phải giáo dục, phải tuyên truyền dân làng nhằm giữ gìn đường làng an ninh sạch đẹp. Gã cũng như bọn đàn ông trong làng, thấy bóng hồng ở đâu là cứ rộn ràng hết cả lên, rồi thì quên sạch.
- Hình cái quẩy - cô Khoai cười hích hích, nhấm nháy Tiểu Vũ.
mưa
3.

Mấy hôm nay, tự nhiên có một cậu gánh hành cứ đi nhong nhong trên đường làng. Cậu này mặc một cái áo vải mộc dài thườn thượt dính nhoe nhoét mực tàu. Mặt mày cũng lem nhem, chỗ đen, chỗ đỏ. Gặp ai cậu ta cũng hỏi:
- Làng này có gái đẹp không bác? Gớm, đi rã cả chân mà toàn thấy mấy bà già.
Bà Hoàng Yến lắc đầu chép miệng rồi thủng thẳng:
- Có đấy, có em Biển đẹp, đẹp cả tên lẫn người, học trò có đủ tài để cưa cẩm người ta ko?
Cậu lưng dài quăng tọt cái đòn gánh xuống đất, tí thì văng vào người bà Hoàng Yến, may bà uyển chuyển né người tránh kịp.
- Em chị Hoàng Yến chỉ đẹp mỗi tên và người thôi à? Chị Hoàng Yến gọi em Biển đẹp ra cho học trò làm quen được không?
Cô Khoai từ nãy đến giờ đứng vứt thóc cho gà ăn không nói gì, giờ nghe thấy liền nguýt một cái sắc như dao, làm cậu lưng dài lao đao.
- Em Biển đẹp vẫn đi về làng hàng ngày, chú muốn làm quen chú phải đánh tiếng chứ làm gì có chuyện con gái đẹp người đẹp nết có chị dắt tay ra cho chú làm quen, nhất là lại để dắt tay lên Thành thị thì...
Cô Biển đẹp chui đầu ngó ra cửa sổ, phất phất tay ra hiệu rồi thì thầm:
- Rinh lên Thành thị làm gì ở trển hở ông bán hành? Trai làng này dữ như cọp già, gái làng này cấm có đi léng phéng đựơc, thấy học trò ở xa tới là trai làng đã dắt trâu đi tới đi lui cảnh cáo rồi, khó đi lắm khó đi lắm...
Vừa thoáng nhìn thấy Biển đẹp và nghe giọng lào thào của nàng, cậu lưng dài quì thụp xuống, hai tay giơ lên trời:
- Biển đẹp nàng ơi. Ta đã nghe giọng oanh vàng thỏ thẻ. Nàng đừng xua chó ra, học trò này trói gà không chặt. Nàng có đẹp nết không hay chỉ đẹp người? Ta sợ giọng oanh vàng một ngày nào đó sẽ chuyển thành mỉa mai. Nếu nàng đẹp cả người lẫn nết thì ta sẽ sắm ba vạn bánh cốm, ba vạn bánh phu thê làm lễ ra mắt với cụ chánh, cụ lí. Nàng chịu lên Thành thị thì ta sẽ mua ba vạn gạch lát đường cho làng Ven. Làng Ven có thách gì thì ta cũng cố lo cho đủ. Ta sẽ mời nàng về khu nhà trọ của ta ở Thành thị, xây một quán karaoke cho nàng và nuôi thật nhiều chim để nàng ngắm.
Cô Khoai lê dép quèn quẹt đi ra, đứng chắn trước hai cánh tay đang run rẩy vì quá mỏi của cậu bán hành:
- Chú lưu ý làng chị có năm Chánh Tổng nhé! Xưa nay các doanh nhân cũng méo mặt với lễ của các cụ chứ chưa nói học trò đâu. Cho nên gái làng ế kinh - cô lẩm bẩm câu cuối. Bỗng cô thấy một bóng người nhổm lên từ dậu cúc tần và chạy vụt đi.
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Loa phóng thanh của làng Ven
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.