Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Ăn Chay Là Thế Nào ạ ?
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Pages: 1, 2, 3, 4
Isu
Em đọc trong lời giải thích của câu "Ăn chay niệm Phật nói lời từ bi" có nói ăn chay là ăn không quá giờ Ngọ, niệm Phật là xưng đọc, nhớ đến danh hiệu Phật. Từ là ban cho sự vui, bi là cứu cho khổ ải. Em không hiểu thế ăn chay sau giờ Ngọ là nhịn đói à ? hic hic bangin.gif
yuyu
Mình được nghe thượng toạ Tâm Tịch giải thích một lần rằng các tu sĩ và nói chung các Phật tử nào thành tâm và từ bi thì không nên ăn quá Ngọ, nghĩa là quá 13h , vì đó là giờ ăn của ....quỉ đói dưới Âm Ti. Theo một tín ngưỡng nửa Phật giáo, nửa dân gian thì, những người phạm tội phải đầy đoạ làm quỉ đói dưới địa ngục, thèm ăn mà không ăn được: hễ cứ đưa miếng cơm vào miệng thì nó hoá thành ...cục lửa ! Từ giờ Ngọ và dĩ nhiên kéo dài đến giờ Tý ( 1h đêm ) là giờ mà cõi Âm có thể giao hoà với cõi Dương !? Nếu ăn vào giờ Ngọ thì quỉ đói lúc ấy có thể nghe thấy tiếng đũa bát lạch cạch, nguiửi thấy mudi thức ăn thơm phức mà không ăn được nên càng thèm và bị cơn đói hành hạ ....Vì vậy người từ bi không nên ăn vào lúc ấy để tránh làm quỉ đói đau khổ hơn ....
Quên không nói là các tu sĩ thuộc phái chùa Bà Đá chỉ ăn mỗi ngày một bữa vào lúc trước giờ Ngọ thôi.
Điều này khá giống với sự kiêng khem của người Hồi Giáo vào dịp tháng lễ Ramadan .
Tháng này không cố định , nhưng thường rơi vào mùa thu hoặc đông trong năm. Trong tháng Ramadan, tín đồ Hồi giáo ngoan đạo chỉ ăn sau khi mặt trời lặn và hoàn toàn nhịn đói lúc ban ngày. ( Có thể đó cũng là lý do khiến tháng thánh này chỉ rơi vào mùa thu - đông là mùa có ngày ngắn )
Isu
ơ cái này nghe hay thật sp_ike.gif
Phó Thường Nhân
Thực ra ăn chay chỉ có phật giáo VN và Trung Quốc thôi. Phật giáo Nhật Bản rồi Triều tiên (với Triều tiên thì tôi không chắc lắm) đều có thể ăn mặn được. Ở Nhật Bản việc sư ăn mặn và lấy vợ được thực hiện sau cải cách của tông Tịnh đô chân tông vào khoảng thế kỷ XV-XVI.
Phật giáo của các nước theo Nam tông đều được phép ăn mặn. Nhưng không được phép tự mình giết thịt,do tuân theo giới cấm sát sinh.
Đã ăn chay thì vẫn có thể ăn bữa tối. Ngược lại theo phật giáo Nam tông, thì người ta mới không được ăn quá trưa. Có thể bây giờ ở VN, người ta kết hợp cả hai hình thức lại với nhau.
yuyu
Sau đây là những lời giải thích, trích trong tập san Phật Học :

Hầu hết ai cũng biết trong Phật giáo có Ngũ Giới là 5 điều răn của PHật đối với Phật tử, nhưng ít người biết đến Bát Giới thường ọi là bát Quan Trai cũng là sự tiếp nối của Ngũ Giới cộng thêm Tam Giới nữa.

Trong nghĩa Hán Việt: Bát là tám, Quan là cửa, còn Chữ Trai hay Chay nguyên chữ Phạn là Posadha, có nghĩa là khi đã qua giờ Ngọ ( 12 giờ trưa ) thì không ăn nữa.

Bát Quan Trai cũng còn gọi là Bát Trai Giới, Bát Chi Trai hay gọi tắt là Bát Giới ( tám giới ), có nghĩa là tám cửa ngăn cản tội lỗi và không ăn quá Ngọ của người cư sĩ tập tu trọn một ngày một đêm trong chùa.
Ðức Phật chế ra Bát Quan Trai để cho hàng cư sĩ tại gia thực hành hạnh xuất gia.

Tám giới : ?

Gồm có :
1.- Không giết hại.
2.- Không trộm cướp.
3.- Không tà dâm.
4.- Không nói sai sự thật.
5.- Không được uống rượu.

Và thêm 3 giới nữa :

6.- Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem nghe múa hát.
7.- Không được nằm ngồi giường cao, rộng đẹp đẽ.
8.-Không được ăn quá giờ Ngọ.

Về ý nghĩa của Ngũ Giới, hầu hết mọi người đã rõ, còn ý nghĩa của 3 giới còn lại như sau :
6.- Không trang điểm, xức dầu thơm, múa hát và xem nghe múa hát : Chúng ta biết rằng những giác quan của chúng ta đều là những cửa dễ làm cho chúng ta sa đọa như tai thích nghe hát xướng, mắt ưa nhìn cảnh lạ đẹp, mũi ưa ngửi mùi thơm , do vậy cần phải sống giản dị, năm giác quan không bị lôi cuốn vào những điều mà chúng ưa thích, thân tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh.
7.- Không được nằm, ngồi giường cao, rộng đẹp đẽ : Xác thân của chúng ta luôn luôn ưa thích hưởng thụ, thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thích sống tiện nghi ... những thích thú nầy sẽ là sợi dây ràng buộc chúng ta vào vòng luân hồi mà thôi, theo thuyết Trung ấm thân , lúc chúng ta gần chết mà còn ưa cái nọ, thích cái kia, chúng ta sẽ thác sinh vào nơi chốn mà kiếp sau dễ đạt được điều ưa thích đó, tức nhiên chúng ta không thể giải thoát, do vậy giới thứ bảy nầy tập cho chúng ta sống giản dị, dễ giải thoát vòng luân hồi sinh tử.
8.- Không được ăn quá giờ Ngọ : Chư thiên ăn buổi sáng, Phật ăn vào buổi trưa, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn buổi tối, chúng ta tu tập theo Phật, nên chúng ta ăn theo Phật vã lại ngạ quỷ vì cổ họng nhỏ, không ăn được, chúng luôn luôn bị đói, chúng ta ăn vào buổi tối làm cho chúng thèm thuồng, vì lòng từ bi nên chúng ta tránh ăn vào buổi tối.
Lissette
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Jun 17 2003, 11:20 PM)
Thực ra ăn chay chỉ có phật giáo VN và Trung Quốc thôi. Phật giáo Nhật Bản rồi Triều tiên (với Triều tiên thì tôi không chắc lắm) đều có thể ăn mặn được. Ở Nhật Bản việc sư ăn mặn và lấy vợ được thực hiện sau cải cách của tông Tịnh đô chân tông vào khoảng thế kỷ XV-XVI.
Phật giáo của các nước theo Nam tông đều được phép ăn mặn. Nhưng không được phép tự mình giết thịt,do tuân theo giới cấm sát sinh.
Đã ăn chay thì vẫn có thể ăn bữa tối. Ngược lại theo phật giáo Nam tông, thì người ta mới không được ăn quá trưa. Có thể bây giờ ở VN, người ta kết hợp cả hai hình thức lại với nhau.

Dạ, cho em hỏi thêm nữa ạ. Em vẫn còn thắc mắc là, vậy nếu ăn chay cả ngày thì tức là bữa trưa ko ăn sau giờ ngọ, thế còn bữa tối thì sao ???
Phó Thường Nhân
To Liz,
Không được ăn sau giờ Ngọ, tức là hàng ngày người ta chi ăn một bữa thôi, trước 12 h trưa. Còn từ sau đó đến sáng hôm sau thì không ăn gì nữa. Người ta có thể thấy điều này khi quan sát sinh hoạt của chùa người Khơ Me, hay Lào Thái Lan.
Buổi sáng sớm, tăng sĩ đi khất thực. Sau đó trẻ về chùa ăn những đồ xin được trước 12h trưa. Thời gian còn lại, từ trưa đến tối được dùng vào việc cầu kinh, dọn dẹp, tu bổ chùa, hay học phật giáo.
Còn ăn chay như người Việt thì ăn uống theo giờ giấc bình thường, chỉ có khác là ăn đồ chay. Tôi biết một cư sĩ người Việt ở Pháp. Một tháng cô ăn chay hai lần, vào ngày mồng một và ngày rằm. Nhung cô vẫn ăn cùng với gia đình. Chỉ có điều mọi người ăn đồ mặn còn cô ăn đồ chay.
Ngược lại luật định của chùa Việt Nam hiện đại cho tăng sĩ như thế nào thì tôi không biết.
Ăn chay trường thực ra là không tốt. Tôi cũng biết một ông nữa ở Pháp, bây giờ đã mất. Ông này ăn chay trường kỳ. Người xanh rớt như tầu lá. Nhìn đã thấy ốm yếu, bệnh hoạn. Bản thân trong phật giáo, người ta cũng tránh những biện pháp cực đoan. Phật giáo bao giờ cũng đi vào giữa, cân bằng, không thái quá. Trong một kinh phật nguyên thủy do chính Phật Thích Ca truyền giảng có kể một tích như thế này. Khi có người hỏi thế nào là cố gắng đúng mức (một nguyên lý trong Bát chính đạo) Phật Thích Ca đã lấy ví dụ về cây đàn được căng dây đúng mức. Dây đàn căng quá thì đứt. Còn nếu dây đàn trùng thì đánh không thành tiếng. Đạo Phật cũng chủ trương học đạo như vậy.
Bản thân Phật Thích Ca, trong quá trình tìm tòi học đạo, thời kỳ đầu cũng làm những biện pháp hành xác thái quá trong suốt 6 năm đầu. Bây giờ vẫn được nghệ thuật Phật giáo ghi lại trong hình ảnh tượng "Tuyết Sơn Hành giả". Việt Nam có một pho tượng này rất đẹp ở chùa Tây Phương. Nhưng người ta cũng có thể chiêm ngưỡng nó ở bảo tàng nghệ thuật (hay lịch sử tôi nhớ không rõ ) ở Hà Nội. Điều đáng chú ý là dù hành xác như vậy, Phật Thích Ca không tìm ra được chân lý. Cuối cùng chính Phật đã tự rứt bỏ những hình thức đó, đi vào làng xin ăn. Lúc đó có một cô gái chăn dê đi qua, đã dâng cho Phật một bát sữa. Sau khi hồi sức. Phật Thích Ca đã ngồi thiền nhập định suốt một đêm dưới gốc cây Bồ Đề và ngộ đạo. Chân lý được Phật tìm ra gọi là Phật giáo.
Xem như thế thì Phật giáo không khuyến khích khắc khổ, hành xác. Phật chỉ yêu cầu người ta sống đúng đắn giản dị thôi.
Về ăn chay thì như tôi đã nói, chỉ có Phật giáo Trung quốc, Việt Nam là có tục này. Theo tôi có lẽ tốt nhất là ăn chay hai lần một tháng. Thỉnh thoảng ăn có lẽ là một điều tốt để chống lại việc "vòng bụng càng to vòng đầu càng nhỏ". Nhưng ăn trường kỳ thì có hại chứ không có lợi. Và Phật giáo không khuyến khích chuyện này.
Phó Thường Nhân
Đạo Phật Việt Nam hay nói tới ăn chay.Thường Phật tử hay có câu "ăn chay niệm phật" coi đó là một hình thức sám hối hay cứu tội cho người khác. Một ví dụ cụ thể, tôi mới đọc trong báo điện tử, nói con gái của ông Năm Cam, đã cắt tóc đi tu hiện đang ngày ngày "ăn chay niệm phật" để cầu cho Bố tai qua nạn khỏi. Như vậy ai đó khuyên Liz ăn chay cũng là theo cái mạch tư duy đó thôi. Nhưng hãy thử phân tích hình thức ăn chay một chút.
Ăn chay không phải chỉ là truyền thống trong Phật giáo (chính xác hơn là Phật giáo TQ,VN). Người ẤN ĐỘ cũng có tục ăn chay. Nhất là những tín đồ đạo Jianism, hình như tiếng Việt dịch là đạo lõa thể. Vì những tín đồ đạo này không mặc quần áo. Người ta nhiều khi còn đeo khẩu trang để khỏi nuốt nhầm phải vi sinh vật, gây tội sát sinh. Truyền thống ăn chay như vậy có từ lâu đời trong văn hóa ẤN ĐỘ, đồng thời với sự phát sinh của Phật giáo ở đây. Vì đạo Lõa thể tồn tại song song với đạo Phật.
Hiện nay trong các thàng phố lớn trên thế giới, ở đâu có người ẤN đều có những tiệm ăn chay của họ (Restaurant Végétarien). Thánh Găng Đi, người truyền bá cho chủ nghĩa bất bạo động và là cha đẻ của nước ẤN ĐỘ hiện đại cũng là người ăn chay truyền thống. Trong hồi ký của ông, ông có kể lại chuyện thủa nhỏ trốn nhà đi "ăn thịt" do suy nghĩ người Anh thống trị được ẤN ĐỘ do họ ăn thịt nên khỏe. Nhưng ông không ăn được vì không quen. Và từ đó về sau, dù học ở Anh hay sang Nam Phi, ông cũng đều ăn chay cả. Như thế để thấy ăn chay nhiều khi là một tập tục văn hóa, mà nếu người ta quen từ nhỏ, thì khó bỏ được.
Mặc dù đạo Phật ra đời ở một nước có truyền thống ăn chay như vậy, Phật Thích Ca cũng không đưa nó vào Phật giáo. Phật giáo nguyên thủy là phật giáo khất thực, xin ăn. Tăng sĩ có gì ăn nấy.
Chỉ có khi nhập vào TQ, đạo Phật mới có tục ăn chay. Tục này từ đâu mà ra thì tôi chịu. Ngược lại người TQ có hai quan niệm với đồ ăn liên quan tới đạo Lão. Thứ nhất đó là quan niệm y học. Thức ăn được coi là thuốc. Thứ nhì là quan niệm tu trường sinh bất tử bằng cách giảm dần đồ ăn (được gọi là tịnh cốc), cho đến lúc uống thủy ngân để làm cho thân bất hoại mà đạt tới trường sinh.
Quan niệm về tu luyện qua ăn uống đã được đạo Lão bỏ từ lâu. Vì nó chỉ gây chết người chứ không có tác dụng gì. Hiện nay đạo Lão chỉ còn luyện bằng khí công, bằng tư duy. Đại khái giống như Yoga. Chứ không ai luyện bằng cách nhịn ăn nữa. Phép tịnh cốc này thường người ta thực hiện bằn cách giảm ăn dần dần, thay vào đó là uống các độc dược như thủy ngân chẳng hạn. Mâu Tử, một người đã bỏ đạo Lão theo đạo Phật, nổi tiếng bởi 6 bức thư tranh luận Phật học với Nho sĩ ở Giao Chỉ VN thời thế kỷ thứ IV, đã từng tố cáo những tác hại của phép tu đạo Lão này.
Ngược lại, quan niệm thức ăn là thuốc của đạo Lão là đúng đắn, và đây là cơ sở phát sinh ra các phép dưỡng sinh bằng ăn uống. Trong đó có phép của ông người Nhật mà Bác Milou sưu tầm ở trên. Như vậy,ăn chay ở đây là để chữa bệnh, chứ không liên quan gì đến đạo Phật, đến sám hối cả. Độ đúng sai của nó thế nào, thì vẫn còn phải bàn. Điều duy nhất mà khoa học về dinh dưỡng hiện tại chứng minh được là ăn nhiều rau xanh có tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng không chứng minh được là ăn toàn rau, ăn chay tốt hơn ăn đầy đủ.
Theo quan niệm của tôi, thì Phật giáo đề cao nhận thức, giác ngộ. Từ đó mà nó thể hiện qua ứng sử xã hội, quan hệ với mọi người cũng như là giúp người ta tĩnh tâm, sáng suốt, không hành động thiếu lý trí. Nó hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề ăn thịt cá hay rau quả cả. Nếu quả thật nó có sự liên quan , thì sao Phật Thích Ca lại bỏ nó, như tôi đã nói ở trên, hay không đặt ra thành luật trong Phật giáo nguyên thủy.
Còn nếu thỉnh thoảng ăn chay cho nó "nhẹ người", thì đây hoàn toàn là vấn đề dinh dưỡng thuần túy, không phải là đạo. Tất nhiên người ta cũng có thể suy nghĩ một cách biểu tượng (symbolique) về giới cấm sát sinh, nhưng đó cũng chỉ là cách thêm thắt vào thôi.
Tâm thông hay không với tôi hoàn toàn là vấn đề tinh thần. Không liên quan tới ăn chay.
hatdau
Đạo Phật ở Việt nam là sự pha tạp giữa tôn giáo, tín ngưỡng bản địa với Phật giáo. Do vậy các phương thức thức tu tập, nghi lễ hành đạo nhiều khi không được hiểu rốt ráo, kể cả các tăng ni phật tử cũng không biết rõ mình đang làm cái gì và làm thế để làm gì. Trong chùa chiền ở Việt nam thường thờ cả Thích ca, Bồ tát lẫn lộn với các thần bản địa, ngọc hoàng thánh mẫu v.v Các giới luật, giáo điều của Phật thường được hiểu và diễn giải theo tín ngưỡng địa phương, đôi khi mang đậm màu sắc mê tín dị đoan. Như những suy nghĩ về ăn chay chẳng hạn. Đạo Phật thực chất là một tôn giáo thiên về triết học, Phật có bao giờ vẽ ra thiên đường với lại địa ngục, có bao giờ phân định giờ ăn của ma quỷ thần thánh gì đâu. Cái gì là từ bi với quỷ đói nuốt cục lửa, thật là buồn cười laugh.gif
Ăn chay là một phương pháp dưỡng sinh nhưng cũng được đưa thành một giới luật của Phật giáo, Ấn độ giáo, Yoga và một số tôn giáo khác vì không những là một phương pháp dưỡng sinh có lợi cho sức khoẻ nó còn có liên quan dặc biệt đến việc thanh lọc thể xác và tinh thần, điều mà các tu sĩ nhất thiết phải làm để có thể tinh tiến tu hành. Bác Phó nói không đúng lắm khi cho rằng ăn thịt cá hay rau quả cũng không liên quan gì đến tu hành Phật pháp và Thích ca không đưa việc ăn chay như là một giới luật. Thích ca chỉ từ bỏ lối tu hành xác khổ nhục thôi, chứ ngài chưa bao giờ nói rằng Phật tử ăn gì không quan trọng.
Ý kiến này của bác :
QUOTE
Theo quan niệm của tôi, thì Phật giáo đề cao nhận thức, giác ngộ. Từ đó mà nó thể hiện qua ứng sử xã hội, quan hệ với mọi người cũng như là giúp người ta tĩnh tâm, sáng suốt, không hành động thiếu lý trí. Nó hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề ăn thịt cá hay rau quả cả. Nếu quả thật nó có sự liên quan , thì sao Phật Thích Ca lại bỏ nó, như tôi đã nói ở trên, hay không đặt ra thành luật trong Phật giáo nguyên thủy
e rằng đúng cho thuyết Trung dung của Khổng giáo hơn.
Ăn chay là quan trọng với ngưòi tu hành vì các lý do sau :
1/ Về mặt sức khoẻ, một chế độ ăn chay đủ chất và hợp lý có tác dụng rất tốt. Nó tăng cường sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể, những người ăn chay ít mắc các bệnh về tiêu hóa, tuần hoàn và nội tiết hơn. Sức mạnh cơ bắp cũng không hề bị giảm sút, trên thực tế có nhiều vận động viên là người ăn chay. Các thông tin chi tiết về ảnh hưởng của ăn chay lên sức khoẻ có thể dẽ dàng tìm thấy trong các sách hướng dẫn.
2/ Về tinh thần, ăn chay giúp người ta thanh lọc tinh thần, điều hòa các giác quan, làm cho tâm trí thanh thản hơn. Thực nhục giả dũng hãn, người ăn thịt thì hung mãnh, người ăn chay thì bình hòa điềm đạm. Tất nhiên không phải cứ ăn chay là được như vậy, song đó là một yếu tố hỗ trợ rất tốt.
3/ Về tâm linh, những thức ăn chúng ta ăn vào sẽ được đồng hóa trong cơ thể. Không những chúng ta chỉ ăn các chất hữu cơ thể vật lý mà còn ăn cả những dạng năng lượng và vật chất vi tế hơn trong thức ăn, cái thường được goi là " trường sinh học " của vật chất. Trường sinh học của thịt các loại động vật được coi là ô trọc và không thích hợp với con người, hơn nữa khi bị giết chúng đau đớn, sợ hãi và hoảng loạn, điều này tạo ra các độc tố cả trong thức ăn thể vật chất và trong trường sinh học, những thứ này thấm ướp vào người đương nhiên là không tốt, đặc biệt là với nguời tu hành. Hơn nữa giới luật cấm sát sinh là một trong những giới luật hàng đầu của Phật giáo. Ăn thịt cá, tuy có thể không trực tiếp sát sinh nhưng cũng là gián tiếp. Không có kẻ mua thịt thì cũng không có đồ tể. Vậy nghiệp chướng của đồ tể và của kẻ ăn thịt cũng chẳng khác gì nhau.
Bác Phó nói tâm thông hay không chẳng liên quan gì đến ăn uống, điều này cũng không đúng. Phật pháp không phải đơn thuần là một triết lý, chỉ ngồi suy tưởng là thông, là ngộ. Chẳng những Phật pháp mà phàm điều gì cũng vậy, nếu không bỏ công sức xứng đáng, không thực sự sống chết với nó thì chẳng bao giờ đạt được thành tựu. Phật pháp đòi hỏi phải thực hành, phải tu tập. Giới luật không phải là những thứ vẽ ra để dọa ma hay để làm màu trang trí. Nó cần thiết trên con đường nhận thức chân lý, không phải chỉ có ý nghĩa như là một symbol , mà là có ý nghĩa thực tế. Ăn uống thoải mái chiều nịnh các giác quan, tâm không trong sáng thanh đạm thì làm sao mà thông? nếu thông thì cũng chỉ là thông cái mà mình cho rằng như thế là thông, chứ không phải là thông thật sự.

Một sai lầm hay gặp khi quan niệm rằng ăn chay là hoàn toàn kiêng ăn những gì có nguồn gốc động vật. Thực ra là chúng ta kiêng sát sinh động vật trực tiếp hay gián tiếp để làm thức ăn. Như vậy bơ, sữa hay phomat vẫn được dùng trong các bữa chay và là nguồn bổ sung Protein rất tốt.

Còn việc không ăn sau 12 giờ, có lẽ nó bắt nguồn từ một nguyên tắc dưỡng sinh của người xưa hơn là được giải thích bằng dị đoan, điều mà Phật giáo chính thống không bao giờ dung nạp. Y học đã chứng minh là trong khoảng 12h - 13h nên để cơ thể nghỉ ngơi. Còn nếu ăn lúc 14 - 15h thì lại quá gần bữa tối. Vậy đương nhiên là nên ăn trước 12h trưa.
Phó Thường Nhân
to Hạt đậu,
Hìhì xin mời bác cốc nước trước khi tranh luận. cheers.gif

1. Về chuyện trong Phật giáo không ăn quá ngọ, cách giải thích theo khoa học như bác không có lý. Vì người ta chỉ ăn một bữa trong ngày. Buổi tối không ăn. Vậy nếu không muốn tổn hại sức khoẻ, thì phải ăn muộn hơn chứ. Tất nhiên đây là tôi nói về phật giáo nguyên thủy. Vì cái luật này nó có từ trước. Còn hiện tại Tăng ni VN ăn mấy lần một ngày,thì tôi không biết. Nếu họ có ăn tối, thì cách giải thích của bác là đúng. Nhưng xét từ khởi thủy, thì nó không đúng.

2. Phật giáo vừa là triết học vừa là tôn giáo. Cái nhân của nó là triết học, những trong quá trình phát triển nó đã tiến tới tôn giáo. Thực ra cách hiểu này không thực chính xác, vì ở đông Á không có khái niệm triết học, cũng như không có khái niệm tôn giáo như người phương Tây. Theo tôi hiểu thì có lẽ phải coi nó như một lối sống, mà trong cách thể hiện có yếu tố tín ngưỡng. Một lối sống không hoàn toàn là triết học. Hay nói đúng hơn là nó bao trùm một phần triết học, vì trong đó bao hàm một cách thức tư duy. Tín ngưỡng cũng không phải hoàn toàn là tôn giáo. Trong Phật giáo không chỉ có tư duy (triết học), nó có cả tín ngưỡng (tôn giáo). Trong phật giáo có khái niệm địa ngục, có quỷ, có thần. Đây chính 6 thế giới (hay sáu trần) của bánh xe luân hồi (samsara). Theo đó thì nếu người ta có công đức sẽ đầu thai vào trần thế(thế giới loài người), cao hơn nữa thì vào thế giới thần linh. Tồi tệ thì hóa thành súc vật, tệ hơn nữa thì bị đầy vào địa ngục thành quỷ.
Trong Phật giáo cũng có một tông phái hoàn toàn dựa vào tín ngưỡng đó là Mật Tông. Trong đó người ta tu bằng đọc chú, bắt quyết và các phép ma thuật. Nói chung Phật giáo dân gian chịu ảnh hưởng nhiều của Mật Tông, nhiều khi nó còn hòa lẫn vào tín ngưỡng đạo Lão nữa không phân biệt ra được như việc đeo bùa, lập đàn giải oan, đốt sớ ... Như vậy khi Phật giáo lấy cái lý của nó trong chuyện Ma quỷ, thần thánh, cũng không hẳn là tín ngưỡng bản địa nhập vào, mà ngay trong Phật giáo cũng có.

3. Nói về việc ăn chay theo quan niệm y học dưỡng sinh thì tôi không bàn. Vì nó không thuộc phạm vi Phật giáo. Tôi chỉ chỉ ra một điều là trong văn hóa Ấn độ, người ta biết đến ăn chay từ lâu. Nhưng Phật Thích Ca không đưa nó vào giới luật. Phật Thích Ca cũng không khuyến khích khổ hạnh, chỉ dậy người ta sống giản dị thôi, ví dụ không nằm giường cao, không nằm đệm... Hiện tại phật giáo Nam Tông, được coi là nhánh phật giáo trung thành nhất với những lời dạy của Phật Thích Ca, tăng ni vẫn ăn thịt cá. Chẳng nhẽ tâm họ lại không thông.
Thế thì cái gì sẽ làm tâm người ta không thông ? theo tôi, đó là tâm lý. Mà chính trong giáo lý Phật giáo cũng nói như vậy. Đó chính là Tham (Tham lam), Sân (giận dữ, không bình tĩnh), Si (ngu muội không hiểu biết). Tâm không thông, bất an là từ đó mà ra.
Tôi không phản đối việc ăn chay. Đó là một nét đẹp của văn hóa Phật giáo. Nhưng trước khi thực hiện nó thì phải xem sức khỏe của mình thế nào đã. Nếu đang mệt mỏi, gầy yếu thì ăn chay hại nhiều hơn lợi. Có lẽ cũng phải ăn chay sao cho đủ chất nữa.
Tâm thông không phải chỉ có suy tưởng, triết lý. Nó phải thể hiện trong cách sống, trong quan hệ với mọi người xung quanh cũng như trong đời sống tinh thần. Theo tôi điều này quan trọng hơn ăn chay. Lại nhớ lại lúc xem phim "thằng cuội", có cảnh bà thím đang múc cháo lá đa bố thí cho các hồn bơ vơ nhân ngày rằm tháng 7, xá tội vong nhân, nhưng mồm thì cứ chửi ra ra. Đằng sau, đã bắt chú cuội bỏ rọ, chuẩn bị cho trôi sông. Làm như thế thì có rải nghìn vạn bát cháo bố thí cũng vô ích, chưa hiểu gì về Phật. Cũng như vậy, ăn chay đâu phải là cách chống sát sinh hiệu quả nhất.
hatdau
Chào bác, bác làm tôi phải online hơi nhiều laugh.gif sẽ bị càm ràm.
Thôi đã trót thì chơi nó luôn laugh.gif
1/ Nếu đã ăn một bữa một ngày, thì ăn vào lúc nào chả như nhau, đúng không bác. Sao bác lại bảo nên ăn muộn hơn? vì đăng nào chả 1 bữa/ 24h. Sáng nay ăn thì sáng mai lại ăn. Chiều nay ăn thì chiều mai lại ăn. Vậy nếu ăn sáng có lợi hơn thì nên ăn vào buổi sáng.
Ở đây ý chính mà tôi muốn nói là ở Phật giáo và nhiều tôn giáo khác chúng ta hay gặp những giới luật, những phép kiêng kị dành cho những sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, ăn uống, thức ngủ v.v Những giới luật và kiêng kị này thường được nhìn nhận theo hai hướng cực đoan, hoặc là mang màu sắc linh thiêng, hoặc là cho rằng không có tác dụng gì, chỉ là mang tính hình tượng, hành lễ. Trên thực tế thì nếu nhìn nhận khách quan hơn chúng ta sẽ thấy những quy tắc này có tác dụng thiết thực phục vụ cho người tu hành. Đôi khi chúng được thần bí hóa, không có mục đích gì hơn là làm cho các tín đồ tuân thủ triệt để và vô điều kiện.
2/ Những khái niệm ma quỷ, thần thánh của Phật giáo, có lẽ bác nên tìm hiểu nó theo cách thức "ý tại ngôn ngoại " sẽ thích hợp hơn. Có một ví dụ như sau :
Một người có ba đứa con, một hôm nhà bị cháy, lửa bốc lên ngùn ngụt, vậy mà các con vẫn thản nhiên chơi đùa ko biết đến hiểm nguy. Không biết làm cách nào gọi được các con ra, ông bèn gọi : này các con ra mau đây, ba có nhiều thứ đẹp cho các con chơi lắm, này là xe hưou, xe dê, xe bò...Thực ra thì người cha chỉ có mỗi loại xe bò mà thôi.
Người đó là Phật, các con là chúng sinh, lửa thiêu đốt chúng sinh chính là lòng tham, dục vọng, vô minh v.v Những cỗ xe đó chính là Phương Tiện mà Phật dùng để độ chúng sinh. Chúng có thể không có thật, nhưng chúng có tác dụng dẫn độ chúng sinh ra khỏi ngôi nhà cháy.Phương tiện chỉ là thứ mà dựa theo trình độ, tính tình của chúng sinh Phật tùy biến ra, bản thân chúng không phải là chân lý. Ngôn ngữ văn tự trong kinh sách không phải là chân lý, là thứ "nói vậy mà khôgn phải vậy". Do ngôn ngữ nhị nguyên không thể diển tả được Chân như nên Phật thường phải dùng cách ẩn dụ, "vẻ mây nẩy trăng" để truyền ý. Nếu đọc là ma thì bảo là ma, đọc là Phật thì bảo là Phật thì khác nào chấp ngón tay là mặt trăng? Bác đọc kinh Adi đà thấy mô tả thế giới của Phật Adi đà tràn ngập chân châu bảo vật, lầu các giăng giăng, lẽ nào đó cũng là chỉ trân châu bảo vật, lầu các thật?
Về Mật tông và việc bác cho rằng họ tu hành theo tín
ngưỡng, vấn đề hơi dài nên không tiện trao đổi với bác. Chỉ xin nói rằng, có những thứ tưởng chừng như hoàn toàn mang tính nghi lễ, tín ngưỡng nhưng lại không phải là như vậy. Chẳng hạn những câu thần chú, mật ngữ ( mantra) đọc theo ngữ điệu chuẩn xác có tác động thật sự lên cơ thể, tinh thần của người niệm và người được niệm. Lĩnh vực này nếu chỉ nghiên cứu theo đường lối : đọc , hiểu, phân tích, tổng hợp v.v duy lý thì sẽ không thể tiếp cận được, dẫn đến đánh đồng nhiều khái niệm.
3/ Thông tin Phật tử Nam Tông vẫn ăn thịt cá của bác tôi không biết, nên không có ý kiến . Nhưng theo cá nhân tôi thì tôi không tin, vì cấm sát sinh là một trong những giới luật chính của Phật giáo ở mọi tông phái. Có thể các đệ tử tại gia không cần tuân thủ cấm kị lắm, nhưng đã là người tu hành chính thức thì không thể không theo. Đã không sát sinh mà lại ăn thịt cá thì chẳng có lý gì cả.
Bác nói chuyện tâm thông hay không thông chỉ đơn thuần là vấn đề tâm lý. Điều đấy đúng và cũng không đúng. Không đúng là vì tâm lý và cả tâm linh nữa, không đứng tách ra như một thực thể độc lập với thân xác được. Những yếu tố ảnh hưởng đến thân xác thì cũng tác động đến tâm lý, dù là nhỏ nhất. Vậy mới nói tu hành không chỉ là ngồi suy tưởng mà thành. Những thứ mà bác ăn vào, cách thức ăn uống, thái độ với thức ăn uống, nguồn gốc của đồ ăn uống, tất thảy đều có ảnh hưởng đến tâm lý, tâm linh của bác, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, hoặc nhìn thấy được, hoặc chưa nhìn thấy được, và từ đó ảnh hưởng đến sự "thông" hay "không thông"của bác.
Tất nhiên ăn chay không phải là điều kiện đủ như ví dụ của bác, nhiều người ăn chay vẫn ngu muội, thất đức. Nhưng nó cũng là điều kiện cần. Nếu chỉ học Phật ở mức độ để "hiểu biết", "ứng dụng khoa học" hoặc là "làm lành tránh dữ" thì cũng chả cần ăn chay lắm. Nhưng muốn tinh tiến trong Phật pháp thì không thể không ăn chay.
Nói một ví dụ thô thiển, nếu bác chỉ tập thể hình cho ngực to tay khoẻ thì cúng chả cần 1 chế độ ăn đặc biệt làm gì, ăn nhiều lên một chút là đủ. Nhưng nếu bác muốn tập thành vận động viên chuyên nghiệp thì chế độ ăn lại thành cực kỳ quan trọng. Tất nhiên không phải cứ ăn giống như Lý Đức là thành Lý Đức, nhưng nếu như không ăn giống như Lý Đức thì cũng không thành Lý Đức được.
Phó Thường Nhân
To Hạt Đậu,
Không biết bác có còn online vào đây nữa không ? Vì bây giờ tôi mới trả lời bác được.

1. Đúng là trong Phật giáo, kinh sách không có ý nghĩa chân lý bất di bất dịch như trong Thiên Chúa chẳng hạn. Người ta chỉ coi nó là phương tiện để tu hành giác ngộ. Tất cả đều được coi là phương tiện để giác ngộ. Hình ảnh thường được đưa ra là "ngón tay chỉ mặt trăng", như Bác nói. Ngụ ý là kinh sách chỉ là ngón tay, giác ngộ là mặt trăng. Không nên nhầm phương tiện và mục đích. Điều đó hoàn toàn đúng. Ví dụ bác đưa ra là một phẩm trong kinh Pháp Hoa. Hiểu kiểu ẩn dụ như Bác là hoàn toàn chính xác. Tôi cũng hiểu như thế. Trong kinh Pháp Hoa còn có phẩm Phổ Môn, nói về Quan Âm Bồ Tát, trong đó những khái niệm về lửa, nước, ngục tù, cũng phải được hiểu tương tự. Nhưng điều đó không cấm người ta tách nó ra làm một kinh riêng, gọi là Kinh Quan Âm, và dùng nó để trì tụng, cầu xin, vẫn được dùng thường trong các nghi lễ phật giáo. Như vậy luôn tồn tại hai cách hiểu trong Phật giáo. Một cách hiểu tượng trưng, một cách hiểu bình thường. Phật giáo do đó vừa là triết học vừa là tín ngưỡng. Và người ta vẫn hiểu nó bằng hai cách. Chính cách hiểu tín ngưỡng đã nuôi Phật giáo, chứ không thì Phật giáo không còn tồn tại đến ngày nay.
Tương tự như vậy với kinh A di đà. Cõi Tây phương Cực lạc có thật không ? Vàng bạc, châu báu, mã não được mô tả trong kinh có thật không ? Phật A di đà có tồn tại không ? Nếu hiểu theo kiểu Thiền, thường được cổ súy trong pháp môn Thiền Tịnh song hành (Tu cùng lúc Tịnh độ và Thiền) thì đây chỉ là một cách ẩn dụ để tu hành giống như chuyện "ngôi nhà cháy" của bác, trong đó Tây phương cực lạc chỉ là một cõi ảo để tập thiền. Cách hiểu đó có thể rất hay nhưng không đủ. Nhất là đối với Tịnh độ. Vì sao ? vì Tịnh độ đề cao lòng tin và ý nguyện cũng như sự cứu trợ của Phật A di đà. Phật giáo hiểu theo kiểu Thiền thực ra là ngược hoàn toàn với Tịnh độ, vì nó chú trọng vào sự tự giác ngộ, tự lực cánh sinh. Trong khi Tịnh độ đề cao sự cứu vớt của Phật. Hai cách hiểu dẫn đến hai cách hành động hoàn toàn khác nhau. Như vậy, nhiều khi người ta viện dẫn cách hiểu tưởng trưng ẩn dụ , thực ra chỉ là một hình thức biện luận, nên phải dùng nó rất cẩn thận. Nếu không thì không hiểu được hết ý trong Phật giáo.
Tương tự như thế trong Mật Tông. Người ta có thể hiểu như những kỹ thuật bắt quyết, nhẩm chú, dùng thế tay, ngắm mantra, thậm chí sinh hoạt tình dục làm phương tiện tu hành. Nhưng nó vẫn không làm mất đi cái ý nghĩa mê tín, thần thánh trong một số kỹ thuật này.
Cũng như thế, trong Phật giáo có 33 tầng trời, 10 hay 12 tầng địa ngục. Có quỷ sứ "đầu trâu, mặt ngựa", có ma đói, quỷ đói... v..v.. Người ta có thể hiểu theo kiểu ẩn dụ, kiểu như trong kinh Pháp Hoa, tông Thiên thai, coi trong một niệm có 3000 (hay bao nhiêu tôi không nhớ rõ) thế giới sinh diệt. Nhưng đây chỉ là một kiểu hiểu. Không phải là tất cả.
Kết luận là, các khái niệm ma quỷ, thần thánh trong Phật giáo cũng có. Và nhiều khi nó chính là cơ sở cho những sinh hoạt tín ngưỡng. Đồng thời cũng có những cố gắng trìu tượng hóa, ẩn dụ hóa nó để cho nó mang tính triết học, tư duy. Việc này cũng không khác gì Thiên chúa giáo triết học hóa thần linh của họ. Có điều trong Phật giáo việc này được thực hiện tương đối đơn giản, vì tính không giáo điều của kinh sách, cũng như người ta chỉ coi nó là phương tiện, không phải là chân lý bất khả xâm phạm cũng như khởi thủy Phật giáo đã là triết học.
( Còn tiếp)
Phó Thường Nhân
(Tiếp)
2. Về chuyện ăn chay, việc Bác không tin là có các tông phái phật giáo khác ăn thịt cá, cụ thể là Nam Tông làm tôi nhớ tới một chuyện. Tôi hồi trước, cách đây cũng cả mấy năm có kiếm được những cuốn sách của Thầy Thích Trí Siêu viết. Ông này là một Việt kiều, từ nhỏ đã sống ở Pháp. Theo như ông kể trong sách thì lúc 15 tuổi lên chùa làm lễ cầu siêu cho Ông mình, nhân đó thấy cảm Phật giáo rồi quyết đi theo nó. Trong nhưng quyển đầu (tôi không nhớ được tên) ông rất quyết tâm giữ giới luật. Ăn chay, tụng niệm, ...v...v... Nhưng trong quyển cuối cùng mà tôi có do ông viết, được đặt tên là "Đạo gì ?" ông có vẻ rất ngạc nhiên trước những tập tục khác nhau của Phật giáo từng nước. Ví dụ ông thấy sư Tây Tạng lấy vợ, ăn thịt. Rôi cũng có lần ông đến gặp một tăng Tây tạng, khi gõ cửa, người mở cửa là một cô đầm tóc vàng mắt xanh làm ông giật mình. Thì ra cô ta là đệ tử của ông Thầy Tây tạng kia, và khi ông này đến Pháp thì ở nhà cô này. Tất cả những điều đó làm ông luống cuống. Không biết bây giờ ông ta còn tu không hay đã "hóa trần".
Chính vì thế mà theo tôi, phải phân biệt được cái gì là cốt lõi của đạo Phật, cái gì là hình thức văn hóa đã được bản địa hóa của nó. Ăn chay là một tập tục của Phật giáo VN. Nhưng không phải là của chung Phật giáo. Nói thế không phải là để tuyên truyền không ăn chay, ở đây tôi chỉ muốn nói đến tính tương đối của nó thôi. Còn việc cấm sát sinh trong ngũ giới, khởi thủy của nó là chống lại việc sát sinh trong các tục lệ tế lễ của Bà La Môn giáo. Trong kinh Phật nguyên thủy có rất nhiều kinh mà Phật Thích Ca đã tranh luận với tăng lữ Bà la môn về vấn đề này. Với Phật thì lòng thành, không bị lửa Tham sân si thiêu đốt còn có ý nghĩa hơn việc tế tự bề ngoài.
Việc ăn chay hay ăn thịt tất nhiên là ảnh hưởng đến sức khỏe. Tất nhiên là có ảnh hưởng đến tình dục chẳng hạn. Nhưng với tôi thì điều đó không quyết định sự tinh tiến trong Phật giáo. Ngay cả việc có gia đình cũng không ảnh hưởng đến việc này. Tuệ Trung Thượng Sĩ , được coi là tổ sư của Thiền Trúc Lâm, vì là thầy dậy của vua Trần Nhân Tông, là một đệ tử tại gia. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ các tăng đời Lý Trần cũng có vợ. Ví dụ Cha của Từ đạo Hạnh, là Đại Diên cũng là một tăng lữ. Chẳng lẽ ông không có gia đình mà lại sinh ra được Từ đạo Hạnh.
Thế cho nên học phật quan trọng là cách ứng sử, tư duy, lối sống...Không bắt buộc phải ăn chay hay ăn thịt. Với tôi thì nó chỉ là một nét văn hóa, có thể là một thuật dưỡng sinh, nhưng không phải là một điều kiện bắt buộc để học Phật. Càng không phải là một cách giải tỏa tâm lý.
hatdau
Có khi chủ để này rồi sẽ phát triển thành thế nào là đạo Phật xịn và không xịn mất laugh.gif.
Kinh sách của Phật giáo thì bạt ngàn, các chi phái cũng vậy. Ngay từ những cuộc kết tập sau khi Phật tịch diệt đã nổ ra biết bao nhiêu cuộc tranh luận về tư tưởng của Phật, về giới luật của đạo, về cách thức tu hành. Rồi từ đó nảy sinh ra biết bao nhiêu là tông phái, là kinh, luận. Đi tìm câu trả lời rốt ráo cho vấn đề cái gì là đúng, là cốt lõi nhất của Phật giáo có lẽ là một việc thừa, và cũng không thể làm được. Các đệ tử của ngài còn tranh cãi, nói gì đến chúng ta laugh.gif Phật đã nói tất cả chỉ là phương tiện, cái nào thích hợp cho ta thì là phương tiện tốt, cái nào người khác bảo là tốt nhưng ta không dùng được thì cũng chẳng coi là tốt. Nói như bác :
QUOTE
Thế cho nên học phật quan trọng là cách ứng sử, tư duy, lối sống...Không bắt buộc phải ăn chay hay ăn thịt. Với tôi thì nó chỉ là một nét văn hóa, có thể là một thuật dưỡng sinh, nhưng không phải là một điều kiện bắt buộc để học Phật. Càng không phải là một cách giải tỏa tâm lý.

cũng được, vì có thể điều đó tốt cho bác. Nếu bác đã không cho ăn chay là quan trọng, thì dù cho có cố ăn chay cũng chẳng có ích lợi gì.
Những điều tôi nói với bác kỳ thực cũng không bao giờ có thể chứng minh là đúng đắn, là chân lý được. Như trên đã nói, hàng ngàn tông phái, có tông phái nào không cho mình phải? Hàng ngàn vị tổ sư, có vị nào không giảng phương pháp tu hành của mình hay. Nếu tôi tranh luận nhiều hơn với bác, phát triển lý luận của mình sâu xa chi tiết hơn thì biết đâu ngoài Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông, Thiên thai tông v.v lại ra thêm được một Hạt đậu tông laugh.gif Hạt đậu tông dẫu có ra đời, thì cũng chỉ làm thêm phong phú cho Phật giáo, chứ cũng không mong gì cải biến được Phật giáo nói chung và bác Phó nói riêng . Vậy nên có lẽ cũng không dám tranh luận với bác nhiều, vì tôi tự xét thấy mình tạm thời chưa có khả năng làm tôn sư một phái laugh.gif
Nói 1 tí chuyện ngoài lề với bác.
Ngày trước tôi cứ nghĩ, Phật dạy " vạn cảnh giai không", "thế gian như huyễn", bèn nghĩ : đã giai không, đã như huyễn rồi còn đặt giới luật. kiêng kị, đuờng lối tu hành làm gì, như thế chẳng phải là còn " chấp tướng" sao ? Phật dạy cứ buông, xả, vô chấp, vô trụ, là "không có", cũng " không không" " Niết bàn là khổ não, khổ não cũng niết bàn" v.v thế thì mình cứ thế mà theo. Nhìn thấy con rắn thì coi nó là sợi dây, suy xét Thể, Dụng, vậy cần gì cạo đầu, ăn chay, xuất gia đầu Phật? lại nghĩ rằng các cụ nhà ta hủ lậu, không thấu triệt nhanh như mình.
Nhưng rồi, do ngẫu nhiên thôi, tôi có ăn chay một thời gian, trong thời gian đó cũng có lúc ăn mặn chứ chẳng phải là chay tịnh hoàn toàn, rồi hết đợt đó lại ăn mặn trở lại. Sau lần đó nhận ra được nhiều điều thay đổi trong cơ thể và tinh thần, nhận ra được chay và không chay có khác nhau như thế nào. Rồi lại ngồi thiền một đợt, rồi lại không ngồi thiền.,và cũng nhận ra được sự khác nhau của ngồi thiền và không ngồi thiền. Đại khái là đến bây giờ hơi có cảm giác được là thế nào là " hiểu bằng lý" và thế nào là " hiểu bằng tâm", thế nào là " học đạo" và thế nào là " hành đạo", thế nào là "biết mà chưa thấm", thế nào là "thấm chẳng cần biết", thế nào là " hiểu mà không nói ra được" . Vì thế theo quan điểm cá nhân tôi mới cho rằng mọi thứ bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt và cơ bản nhất, rằng chân lý không thể là thứ " nghĩ mà ra được", "lý thuyết mà theo được". Kể ra biết đâu đến một trình độ nào đó " vào nước không ướt, vào lửa không cháy" ta có thể muốn làm gì thì làm, ăn gì cũng là chay, have sex cũng là tịnh cũng nên:)
Phó Thường Nhân
To Hạt đậu,
Đúng rồi, kinh phật thì bạt ngàn. Đây cũng chính là điểm mạnh và yếu của Phật giáo. Ngay từ hồi tranh luận Phật Nho của Mâu Tử người ta đã nói tới điều này. Các nhà Nho đã phản bác lại phật giáo, nhấn mạnh vào điểm Nho giáo chỉ có Tứ Thư, Ngũ kinh, tổng cộng là 9 quyển sách, trong khi kinh Phật có hàng ngàn làm sao mà đọc hết.
Nếu coi Kinh Phật là luật lệ, là chân lý bất di bất dịch theo từng chữ, từng câu một như một kiểu Kinh Thánh thì người ta sẽ thấy nó bất lợi. Những nếu hiểu nó như một kiểu sách giáo khoa, giáo trình thì lại thấy nó rất hay. Cũng như người ta học toán vậy. Người ta có thể học bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, sách có thể do nhiều người viết nhưng toán vẫn là toán thôi. Kinh Phật chỉ là phương tiện, giúp người ta hiểu đạo Phật và ngộ nó. Cũng chính vì có chữ Ngộ này, mà mỗi người đều có thể có một nhận thức Phật giáo của mình, nhưng vẫn có cái chung, đó là nó không đi ra ngoài những giáo lý Phật giáo. Học Phật vì thế không phải là một sự bắt buộc, mà lại là một sự tự do. Đây chính là điều khiến tôi thích tìm hiểu, nghiên cứu nó.
Nhưng dù vậy nó vẫn có những điều căn bản, mà thiếu nó thì không thể gọi là Phật giáo được. Đó là các giới, là các Pháp (quy luật). Tức là ngũ giới, là tứ diệu đế, bát chính đạo, là Thập nhị nhân duyên, là các khái niệm về Không, vô thường, vô ngã, luân hồi, nhân duyên.
Đạo Phật do đó giống như cái tên lửa đạn đạo vậy. Nó có nhiều tầng đẩy. Nhưng ít ra là phải có tầng cơ bản để đẩy nó ra khỏi bệ, rồi lúc lên trên trời, sau khi đánh rơi cái tầng cơ bản này, nó lại nổ tiếp đẩy con tầu vũ trụ vào quỹ đạo.Như vậy là từng thời điểm khác nhau, điều kiện khác nhau mà người ta dùng tầng này hay tầng khác. Nếu là quan hệ xã hội, thì không thể không dùng ngũ giới, thập thiện. Nếu là tư duy lô gics, thì không thể thiếu được các khái niệm Vô thường, vô ngã, nhân duyên... Nếu tìm nguyên nhân đau khổ, tâm lý thì không thể ra khỏi Tham, Sân ,Si. Nếu muốn chiêm nghiệm ta và vũ trụ thì không thể tránh được "vạn cảnh giai không", "thế gian như huyễn". Với tôi đại khái là như thế. Ăn chay, ăn mặn, cắt tóc,gọt đầu, tụng kinh, gõ mõ hay không thì là văn hóa.
Tôi không phủ nhận là tất cả những điều này có thể liên quan tới nhau. Vì thế đạo phật mới là một hệ thống (system). Nhưng trong mỗi hoàn cảnh, nó đều có điều chính điều phụ. Thông thường thì các yếu tố văn hóa có thể thay đổi mà không ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của Phật giáo. Ăn chay là một trong yếu tố đó. Thế cho nên có nơi ăn chay, có nơi ăn mặn, nhưng không có ai nói tới đạo phật mà không nói tới tứ diệu đế, bát chính đạo cả hay những giáo lý căn bản khác của nó.

Còn về các chuyện "hiểu bằng tâm", "biết không thấm", "thấm không biết" thực ra chỉ là một cách nói. Tôi thấy Thiền tông, bình thường là "vô ngôn", nhưng số lượng "lục" của nó, tức là những điều mà các Thiền sư chiệm nghiệm viết thành sách có thể nhiều chẳng khác gì số lượng kinh. Mà Ta về sau, muốn hiểu họ ngộ như thế nào, cũng phải thông qua kinh, lục. Thế cho nên chữ "vô Ngôn" có lẽ nên hiểu là "không chấp ngôn".
Mèo béo
wub.gif Sau một thời gian ăn quá nhiều thịt, tớ quyết sẽ ăn chay, đầu tiên sẽ là ăn khoảng 1 ngày trong tuần, nếu sau này thấy tốt thì ăn chay trường luôn wacko1.gif Nhưng chưa bắt đầu ạ, các bác có bí quyết gì không ?

Làm sao để ăn chay mà vưỡn mạnh khoẻ?
grass
Nếu nghĩ ăn chay có thể không mạnh khỏe thì sao phải ăn chay shuriken.gif
Mèo béo
lala.gif ăn chay phải đúng cách và liều lượng thì mới khoẻ mạnh chứ nhỉ? Tại vì ăn thịt mà ăn linh tinh cũng yếu mà sad1.gif

Tớ chỉ muốn hỏi kinh nghiệm thôi mà...
grass
Nói chung cứ ăn mỗi thứ một ít là tốt, không thái quá cái gì. Ăn nhiều thịt quá không tốt, nhưng nếu không ăn thịt thì nguy cơ sẽ bị thiếu nhiều chất. Ví dụ hôm trước tớ thấy bác sỹ bảo một số vi chất như Mg có tác dụng cân bằng thần kinh hay Canxi nếu chỉ ăn các thức ăn thực vật sẽ không đủ. Nhất là Canxi, phụ nữ nếu thiếu nhiều và có thai thì rất ảnh hưởng đến con, nên nếu bạn Mèo béo chưa có con và cũng có dự định có trong một tương lai gần / xa nào đó chắc không nên ăn chay vội, hi hi. Ví dụ có thể ăn chay 1 ngày trong tuần nếu thích nhưng không nên ăn chay trường.
yuyu
Chay lòng hơn chay miệng em ạ. Muốn mạnh khoẻ thì ăn uống là một phần - phần xác thôi - còn tinh thần - phần hồn nữa - phải thanh thản.
Bình an, thanh thản trong tâm hồn chẳng những có lợi cho sức khỏe mà còn là cội nguồn của hạnh phúc nữa. Tâm hồn quan trọng hơn thể xác. Bởi vì nếu em " còn suy nghĩ là còn tồn tại" trong khi nếu em chỉ là cái xác không hồn thì đã chết hẳn rồi !
Nếu chỉ chay miệng mà không chay lòng, thì chỉ lo phần xác mà quên phần hồn - vô ích.
Thế nên cần chay lòng, trường chay, vĩnh chay càng tốt.
Pages: 1, 2, 3, 4
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.