Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trước áp Lực Cuộc Sống: Thiên đường ở đâu ?
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Vitamin béo
Hình ảnh những người còn rất trẻ, quần áo không một nếp gấp, với nước da trắng và khô của dân ngồi máy lạnh mỗi chiều túa ra từ các tầng cao ốc luôn là nỗi ao ước của dân thất nghiệp và mới ra trường, như là biểu trưng của sự thành công và may mắn. Nhưng một chiếc ghế cùng máy vi tính cá nhân, đặt trong căn phòng máy lạnh thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế ở trên một tầng cao ngất nghểu của tòa building... thực tế không phải là một thiên đường cho tất cả mọi Adam và Eva.

1. Cuộc đời chết lúc 30 tuổi hay thuyết hết việc chứ không hết giờ
Qua hai vòng thi tuyển, hạ gục 27 đối thủ đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ dự tuyển chỉ chọn một, chàng kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp N.D suýt chết vì mừng khi là người được ngồi vào vị trí trợ lý giám đốc của một văn phòng đại diện của công ty Xingapo chuyên xuất nhập khẩu máy móc xây dựng. Với mức lương 180 USD/tháng trong một văn phòng có ba người tính cả N.D, công việc của N.D bao gồm : phiên dịch, giao dịch ký kết hợp đồng, kiểm tra tính năng máy móc, làm thủ tục xuất nhập khẩu cùng đủ thứ việc không tên khác do bà giám đốc người Xing sai phái. Cậu quay như đèn cù bất kể sáng trưa chiều tối. Thứ bảy, chủ nhật với một cái lệnh quái ác : ''Không được tắt di động mọi nơi mọi lúc, nguyên tắc của chúng tôi là hết việc chứ không hết giờ''. Nhưng trời ơi, việc của bả có bao giờ là hết đâu. Một mình tui làm choàng việc của khoảng ba người thì làm sao mà hết được''. Thực ra, anh có muốn ''khiếu kiện'' bà giám đốc đó cũng không được, vì tất cả những công việc trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của anh khi được tuyển vào văn phòng đã được thoả thuận từ trước rồi. Vì lúc đó, chỉ có một mục đích là được làm việc ở một văn phòng nước ngoài trên tầng 11, khiến anh có thể đặt bút ký vào cả những điều khoản bán linh hồn, nếu có.

Trường hợp như N.D là khá phổ biến ở những văn phòng nhỏ, mới mở. Để tiết kiệm chi phí, họ thường trả lương cho một người để kiêm công việc cho nhiều người và kết quả là nạn nhân ngóc đầu không lên với đống công việc không bao giờ giải quyết hết. Cho nên mỗi ngày họ có 14 tiếng tự do, có hai ngày nghỉ, mỗi năm có 12 ngày phép thật đấy nhưng trên thực tế, họ làm việc quần quật trong một môi trường được thiết kế, tính toán chi li, đến mức, ngồi trong ấy, không bao giờ bạn biết được ngoài trời đã tối mịt, thậm chí đã về khuya. Nhưng ngay cả ở những nơi người nào việc nấy đi chăng nữa, thì khối lượng công việc của một người bao giờ cũng thường ở mức quá tải, không cách gì giải quyết xong trong 8 tiếng đồng hồ. Đi ngang những tòa cao ốc văn phòng vào ban đêm, người ta vẫn thấy vô cùng nhiều những ô cửa sáng đèn. Mà xin đừng nghĩ rằng họ làm ca.

Làm việc, làm việc và làm việc, tuy có tiền thật nhưng lại không có thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Thế nên có người mới chua chát thốt lên, cuộc đời họ chết vào lúc 30 tuổi bởi chính cái thuyết hết việc chứ không hết giờ của mấy ông chủ nước ngoài.

2.Cơn ác mộng mất việc
H.A làm ở bộ phận bán vé cho một hãng hàng không nước ngoài có phòng khai thác tại Việt Nam với mức lương 180 USD/tháng và cô đi học thêm tiếng ý. Mọi người hết sức ngạc nhiên khi cô từ chối một suất học bổng toàn phần ngắn hạn 2 tháng tại ý để nâng cao kỹ năng giao tiếp và kết hợp du lịch. Vì tôi là bạn thân, nên cô nói thật: Nắm lấy cơ hội kia, cô có thể mất chỗ làm này. Trong hai tháng cô đi vắng, đằng nào họ cũng phải điều động người thay thế. Kinh nghiệm từ những người bạn làm công ty nước ngoài khác cho biết, gián đoạn công việc nghĩa là mất việc. Đó là tình trạng của rất nhiều người, còn trẻ tuổi và chưa khẳng định được mình ở một chức vụ nào. Họ rất dễ bị thay thế nếu họ không liên tục công tác, dù họ có việc làm tốt mấy đi nữa. Chính vì thế mà dù họ có chế độ nghỉ chữa bệnh, thai sản ... theo như quy định chung của Luật lao động nhưng nghỉ sinh đồng nghĩa với việc sau 4 tháng nuôi con lại phải vác đơn đi tìm việc làm mới. H.A có bệnh mà không dám nghỉ một tháng để điều trị vì biết sau thời gian đó quay lại, chiếc máy vi tính của cô ở công ty đã có chủ mới.

Chị T.L, trưởng phòng một công ty kinh doanh về cáp quang ở một công ty có 100% vốn nước ngoài với mức lương thật hấp dẫn 1.150 USD/tháng, sau ba năm níu kéo mới đây đã phải quăng tên mình lên trang web của các công ty săn đầu người để tìm đến một công ty nhà nước, chấp nhận một vị trí công tác lẫn thu nhập đều khiêm tốn hơn nhiều. Nguyên do : để giữ vững chiếc ghế của mình, đã hai lần chị phải phá thai và đến khi mọi việc ổn định, chị có thể sinh con thì bác sĩ cho biết chị bị vô sinh. Vậy là phải tìm đến một môi trường làm việc ít cạnh tranh hơn để có thời gian theo đuổi việc thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con ở Xingapo với phí tổn lên đến 25.000 USD. Riêng anh X.Q lại rời bỏ thiên đường vì một nỗi ấm ức không của riêng anh : Làm việc cho một công ty Anh, cùng chức năng nhiệm vụ, thậm chí anh còn nhiều bằng cấp hơn, nhưng trong khi anh đồng nghiệp Việt kiều quốc tịch Mỹ của anh nhận lương trên 2 ngàn đô la thì lương anh chưa tới 1 ngàn.

Khách quan mà nói, việc phấn đấu, làm việc không ngừng ở các thiên đường trên cao có một phần là bởi nghệ thuật quản trị của mấy sếp, một phần là sự tự giác của người làm việc. Trong một điều kiện cạnh tranh, năng lực và khối lượng công việc được đặt lên hàng đầu cho mọi cuộc đề bạt và mọi đợt tăng lương chứ không theo kiểu sống lâu lên lão làng, thì mọi người chỉ còn một cách chứng tỏ mình là luôn đưa ra sáng kiến và triển khai thực hiện sáng kiến, luôn nâng cấp mình bằng những khóa học ban đêm nối tiếp để khỏi lạc hậu, bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Cứ hăng say như vậy cho đến năm gần 40 tuổi, tạm hài lòng về địa vị và thu nhập của mình thì nhìn lại mình đã thành bà cô quá lứa lỡ thì. Vậy nên cô L.L mới đành tiếc nuối trong mừng rỡ bỏ lại chức trưởng phòng cùng mức lương trên 1 ngàn, ôm mớ tiền tích cóp được bấy lâu theo ông tây già làm nghề phát thư sang Pháp định cư, chấp nhận về hưu khi mới 39 tuổi cùng một tấm bằng thạc sĩ quản trị mới lấy thêm năm ngoái tại Pháp...

Cuộc đời chết khi mới ba mươi tuổi vì thuyết hết việc chứ không hết giờ,vì mức độ cạnh tranh khốc liệt. Cơn ác mộng mất việc khiến họ phải đều đặn lên cao làm việc mỗi ngày, phải quên đi tình trạng sức khoẻ và điều kiện gia đình. Tệ phân biệt đối xử giữa người trong nước và người nước ngoài... Tất cả những điều đó khiến cho nhiều người, khi rời bỏ thiên đường trên cao thường quay lại nhìn nó với ánh mắt của một người vừa thoát khỏi địa ngục. Nhưng nói cho cùng, những tòa cao ốc văn phòng, là thiên đường hay địa ngục, điều đó tuỳ thuộc vào việc bạn có phải là người sợ độ cao hay không mà thôi.
Thiên Lang
Chuyện này cứ phải bàn mãi,
Nếu đưa ra được tiêu chuẩn thiên đường là làm chức vụ gì? Phòng có mấy chiêc máy lạnh? Bao nhiêu thư ký? Xinh đẹp ra sao?... thì sớm muộn gì cũng có người đạt đến thiên đường.
Loài người lúc nào cũng muốn đạt được những cái mà họ "sắp có", làm gì có ai phấn đấu cho cái mình đã có rồi!
Còn nếu nói thiên đường chỉ là cảm giác mãn nguyện thì thỉnh thoảng cũng có người thấy chứ. Có điều nếu ai thấy mãn nguyện liên tục không nghỉ thì phải đi khám bác sĩ thôi.
Phó Thường Nhân
Vitamin Béo viết hay sưu tập bài này ở đâu vậy. Thực tế làm việc như thế này là của phương Tây, nhưng rồi lần lượt nó sẽ lan ra khắp thế giới thôi. Vì chỉ có cách làm việc hiệu quả mới phát triển được. Trong thực tế thì nó không ghê gớm đến như thế, do nhiều lý do:
1. Ở một thời điểm nào đó, người ta sẽ rất bận, nhưng không thể bận liên tục như thế được, vì công việc còn phụ thuộc vào môi trường, điều kiện. Nếu bận liên tục như vậy có lẽ là do cách tổ chức làm việc kém và không có hiểu quả.
2. Trong một môi trường làm việc cường độ cao, thì luật lao động là rất quan trọng. Nó ngăn chặn việc chủ có thể gây áp lực với người làm. Ngoài ra người làm cũng phải tự bảo vệ mình, phải phản ứng, không thể cứ im im chịu trận như vậy được. Phản ứng như thế nào thì tùy thuộc vị trí, vai trò của mình. Như ví dụ mà Vitamin béo đưa ra thì với đồng lương 120$, công việc làm như vậy không phải là béo bở gì và chủ cũng không dễ tìm được người thay thế với đồng lương như thế, vậy thì tại sao không nói. Quan hệ làm việc là quan hệ trách nhiệm, giao kèo nhưng nó cũng phản ảnh một tương quan quyền lực. Trong tương quan này, Chủ chiếm phần thượng phong, nhưng không phải người làm không có lợi thế của mình.
3. Cũng phải tập thói quen, khi rời khỏi phòng làm việc là không nghĩ tới công việc. Việc này rất khó, nhưng bắt buộc phải tập, nếu không thì mình tự sa chân vào vũng lầy không cứu vớt được.

Việc người ta sẵn sàng bỏ nhưng công việc đòi hỏi cường độ lao động cao để tìm những việc làm khác cường độ thấp hơn đồng thời chấp nhận đồng lương thấp hơn ở đâu cũng có. Ở Pháp nhiều người cũng thích làm cho nhà nước hơn là làm tư nhân, vì công việc ổn định. Nhưng càng ngày sức ép của thị trường càng lớn, khiến nhà nước tư hữu hóa các hãng, chuyện phải làm việc với cường độ cao càng ngày càng phổ biến. Cách tốt nhất để điều hòa nó là nhà nước phải có một cơ chế luật lao động rõ ràng, quan hệ sòng phẳng. Không để lẫn lộn quan hệ cá nhân và công việc, không cả nể. Nếu không thì người ta sẽ vị "vạc đến tận xương".
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.