Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Thế Lớn Trong Thiên Hạ Tan Rồi Lại Hợp
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
yuyu
Bắt đầu từ Ngày hôm nay 1.5.2004 Liên Hiệp Châu Âu kết nạp thêm 10 nước thành viên mới (trong đó có 8 nước cựu cộng sản đến từ Đông Âu )
Như vậy qui luật vận động của lịch sử vốn được La Quán Trung tổng kết trong Tam Quốc, tuy chỉ nói về xã hội nước Tầu, nhưng thực ra là qui luật phổ biến của cả lịch sử nhân loại, lại một lần nữa ứng nghiệm: " Thế lớn trong Thiên Hạ cứ Tan rồi lại Hợp, Hợp rồi lại Tan ...." . Mới chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ lại đây mà bao chuỵên Hợp - Tan đã diễn ra như đèn cù : Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi Đế Quốc Anh, Pháp Tan thì khối Cộng Sản Hợp, cuối thế kỷ 20 khi khối Liên Âu Hợp thì khối Cộng Sản lại Tan và cứ thế ....

Các thành viên mới ăn mừng

user posted image
Hàng trăm ngàn người ăn mừng ở khắp châu Âu

Một loạt 10 nước châu Âu đã chính thức gia nhập Liên hiệp châu Âu sau một loạt lễ chào đón kéo theo các múi giờ từ Đông sang Tây.
Lãnh đạo các nước thành viên sẽ tham dự một buổi kéo cờ đặc biệt tổ chức tại Dublin, thủ đô Cộng hòa Ireland là nước giữ vai trò chủ tịch Liên hiệp châu Âu năm nay.

Lễ kéo cờ này do Thủ tướng Ireland Bertie Ahern chủ trì.

Việc mở rộng đã khiến Liên hiệp châu Âu trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số 455 triệu người.

Tại thủ đô Warszawa của Balan, nước lớn nhất trong số các quốc gia EU mới đã có lễ kéo cờ EU với sự chủ tọa của tổng thống Aleksander Kwasniewski.

Theo cộng tác viên của BBC Nguyễn Đức Hà có mặt tại thành cổ Warszawa vào đúng nửa đêm giờ địa phương thì buổi hòa nhạc nối cầu truyền hình với Berlin của Đức thu hút hàng nghìn thanh niên Balan.


Tường thuật của Nguyễn Đức Hà

Họ mang theo cờ Balan và cờ EU để chào mừng giờ phút lịch sử. Trên sông Wisla chảy qua thủ đô đã có một lễ thả thuyền biểu tượng cho việc cùng vào EU.

CH Ailen hiện đang làm chủ tịch luân phiên của EU thì đã có lễ đón chào các tân thành viên tổ chức ở Dublin. Tại đó, người ta đã chơi nhạc của Áo.

Còn tại Slovenia thì ngay từ chiều 30.04 giờ địa phương đã có các lễ hội mừng sự kiện gia nhập EU.

user posted image
Ngoại trưởng Ba Lan và Đức chung vui

Còn tại Berlin thì trong ngày hôm nay 1.05 sẽ có nhiều lễ hội. Không khí vui mừng được chính giới nhấn mạnh nhưng theo cộng tác viên của BBC tiếng Việt tại Berlin là Phạm Đăng Hiếu thì điều tra dư luận cho thấy số người Đức lo ngại về việc EU mở rộng đang nhiều hơn số người lạc quan.

Theo họ thì các doanh nghiệp Đức đã và đang chuyển các cơ sở kinh doanh sang các nước như Balan và CH Czech khiến họ mất việc. Họ sợ rằng trong tương lai xu hướng này còn tăng nữa.

Châu Âu là những giá trị chung

̉ Estonia, một trong ba nước vùng biển Baltic vốn thuộc Liên Xô trước đây, thủ tướng Juhan Parts đã phát biểu trước dân chúng.

Ông nói trong một chương trình truyền thông rằng ‘chỉ còn vài giờ nữa Cộng hòa Estonia sẽ vào EU. Đây là quyết định chung của nhân dân cả nước và với quyết định đó, đất nước sẽ hùng mạnh và tự do hơn bao giờ hết’.


Estonia vào EU vì các giá trị nhân bản, tự do, dân chủ và đa nguyên chính trị
Thủ tướng Juhan Parts

Ông cũng nhấn mạnh từ trước đến nay Estonia luôn ở trong châu Âu nhưng nay là lúc ‘gia nhập một liên hiệp xây dựng trên nền tảng các giá trị nhân bản, vì tự do, dân chủ và đa nguyên chính trị’.

Còn tại CH Czech, tổng thống Vaclav Klaus lại có phát biểu có vẻ như dè dặt về ‘sự kiểm soát của EU’.

Ông nói trước giờ CH Czech vào EU rằng ông ‘có thiện cảm nhiều hơn với ý tưởng cơ bản (của EU) là cởi mở, là tự do giao thông và giao lưu ý tưởng, con người, hàng hóa, sức lao động’. Theo ông đó là mặt tích cực của EU.

Còn nay, ông ‘lo sợ rằng EU ngày càng trở nên một tổ chức bị kiểm soát’ từ trên xuống.

Ý của tổng thống Czech nói đến các quy định mà Brussels áp dụng đối với mọi nước thành viên.

Dân chúng cũng có người lo

Trong khi đó, bước vào hai ngày cuối tuần, dân chúng ở một số nước EU mới lo ngại sự kiện này sẽ khiến giá cả tăng cao.


Dân Hungary lo rằng giá thịt sẽ tăng sau ngày vào EU

Những người bán hàng và mua hàng ở chợ Nagycsarnok tại Budapest, Hungary cho biết một số mặt hàng đã tăng giá.

Họ cũng không hiểu vì sao nhưng tin rằng giá sẽ còn tăng. Và một số còn lo xa rằng ngày Hungary vào khu vực tiền euro thì giá sẽ còn tăng nữa.

̉ mọi nước EU mới, những người trẻ tuổi thì hào hứng với sự kiện này nhưng nhiều người già tưởng nhớ về chế độ an sinh xã hội thời cộng sản.

Với họ, tự do đi lại không có nhiều ý nghĩa nếu không có tiền để đi nghỉ. Qũy thời gian họ cũng chẳng còn nhiều để học hỏi nâng cao tay nghề trong xã hội mới.

Như vậy, xét ra việc vào EU là sự lựa chọn cho tương lai nhiều hơn là vì quá khứ.
yuyu
10 nước mới gia nhập Liên Âu là :

01. Hungaria
02. Slovenia
03. Slovakia
04. Latvia
05. Estonia
06. Litva
07. Poland
08. Czech
09. Cyprus
10. Malta

Riêng 2 ứng cử viên là Romania, Bulgaria thì phải chờ tới năm 2007. Ấy là chưa kể còn Thổ Nhĩ Kỳ, dập dình cả từ mấy năm nay mà chưa được vô...

Như vậy ngoài Hung, Ba Lan, Tiệp-Khắc là những nước XHCN Đông Âu cũ, còn lại Slovenia, thuộc Nam Tư cũ và Latvia, Estonia, Litva là 3 nước cộng hoà Bantic thuộc Liên Xô cũ. Nhưng còn Albania hình như bị " quên " mất ?
yuyu
user posted image
Liên hiệp Âu châu 1952-2004

Mười nước chính thức vào Liên hiệp Âu châu (EU) vào ngày 1 tháng 5 năm 2004, nâng số thành viên của khối lên thành 25.

Khi ra đời năm 1952, EU chỉ có 6 nước.

EU sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất trên thế giới nếu tính trên dân số. Với 74 triệu dân của 10 nước mới gia nhập, dân số của EU sẽ là 455 triệu.

Diện tích của EU tăng một phần tư và có một đường biên giới mới với Liên Xô cũ.
Milou
Không biết hệ thống thuế thu nhập cá nhân trong khối EU có thay đổi để lập ra 1 hệ thống ngân quỹ liên bang như Mỹ không nhỉ? Vừa xem lại số thuế thu nhập năm 2003 của mình thì thấy liên bang lấy đến 5/6 phần thuế, 1/6 về tay tiểu bang Cộng Hòa California.
TanNg
QUOTE(Milou @ May 2 2004, 08:38 AM)
Không biết hệ thống thuế thu nhập cá nhân trong khối EU có thay đổi để lập ra 1 hệ thống ngân quỹ liên bang như Mỹ không nhỉ? Vừa xem lại số thuế thu nhập năm 2003 của mình thì thấy liên bang lấy đến 5/6 phần thuế, 1/6 về tay tiểu bang Cộng Hòa California.

Thể chế chính trị châu Âu đi theo hướng federation ở mức cao với các thực thể thuộc liên bang có tính độc lập rất cao nên ngân sách trung ương thường là thấp so với ngân sách địa phương. Vấn đề bác đề cập có thể xảy ra, nhưng trong 20 năm trước mắt thì chắc chưa thể, hiện nay mới chỉ có việc thông qua hiến pháp mới của EU với một số thay đổi về cơ chế ra quyết định, cũng đã thấy có vẻ khó khăn, phức tạp lắm rồi. Mà sắp tới có thể Anh sẽ ra khỏi EU không biết chừng.
Mr. Smith
Các bác ở châu Âu sướng nhỉ. Chẳng mấy chốc sẽ được sang mấy nước kia tự do không cần visa.
Milou
Đài Truyền Hình Đức DW hôm 30-4 bảo là Ba Lan chỉ mở cửa biên giới cho thiên hạ ăn mừng một tí là phải đóng lại ngay hôm sau. Nhưng có vẻ như điều này không đúng, xem trên
http://www.dw-world.de/english/0,3367,1430...677_1_A,00.html
thì thấy

"The new EU members will enjoy relaxed border restrictions within the bloc. But the external borders will be strengthened, causing problems for those traveling from Russia through Kaliningrad to EU nations."
Phó Thường Nhân
EU còn lâu mới đạt được sự thống nhất như các tiểu bang ở Mỹ. Người ta hay so sanh EU hiện tại như đế quốc thần thánh Đức ngày xưa. Một đất nước không có dân tộc, không có thủ đô, không có người đại diện đứng đầu, nơi mà người ta mất thời gian đấu đá lẫn nhau một cách hoà bình nhiều hơn là hoạt động như một đất nước thống nhất.
Ngân sách đóng góp cho EU được giới hạn 1% ngân sách nhà nước. Trong 25 nước hiện tại, thì chỉ có 6 nước là đóng góp thực thụ, tức là tiền chi ra nhiều hơn là tiền nhận vào bao gồm Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Áo, Hà Lan. Nước thứ 6 thì tôi không nhớ. Như vậy người ta vào EU cũng vì muốn nhận tiền, coi nó như là cái két nhà băng, chứ không phải đơn giản vì nhân bản, hay dân chủ như bác yuyu nghĩ đâu. Tất nhiên một nước muốn vào EU phải thoả mãn điều kiện mà EU đặt ra, trong đó có dân chủ. Nhưng nó là cái norme để hoạt động cho dễ.
Hiện tại cho đến năm 2009, thì EU vẫn chỉ là đầu voi đuôi chuột, lủng củng do cái hiệp định ở Nice quy định. Còn hiến pháp châu Âu mới thì chẳng biết đời nào mới xong.
Ở Pháp, thì dân người ta sợ châu Âu hơn là thích. Thế cho nên các quyết định liên quan đến EU, thường không được giới chính trị mang ra trưng cầu dân ý. Sự lo sợ cũng có nhiều lý do, trong đó có cả lý do chính phủ hay viện cớ « EU đòi hỏi » để thực hiện các cải cách cắt giảm phúc lợi xã hội.
Thế cho nên ở Paris chẳng có hoạt động có ý nghĩa nào chào mừng ngày EU mở rộng cả.
TanNg
QUOTE(Phó Thường Nhân @ May 6 2004, 10:10 PM)
EU còn lâu mới đạt được sự thống nhất như các tiểu bang ở Mỹ. Người ta hay so sanh EU hiện tại như đế quốc thần thánh Đức ngày xưa. Một đất nước không có dân tộc, không có thủ đô, không có người đại diện đứng đầu, nơi mà người ta mất thời gian đấu đá lẫn nhau một cách hoà bình nhiều hơn là hoạt động như một đất nước thống nhất. 
Ngân sách đóng góp cho  EU được giới hạn 1% ngân sách nhà nước. Trong 25 nước hiện tại, thì chỉ có 6 nước là đóng góp thực thụ, tức là tiền chi ra nhiều hơn là tiền nhận vào bao gồm Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Áo, Hà Lan. Nước thứ 6 thì tôi không nhớ. Như vậy người ta vào EU cũng vì muốn nhận tiền, coi nó như là cái két nhà băng, chứ không phải đơn giản vì nhân bản, hay dân chủ như bác yuyu nghĩ đâu. Tất nhiên một nước muốn vào EU phải thoả mãn điều kiện mà EU đặt ra, trong đó có dân chủ. Nhưng nó là cái norme để hoạt động cho dễ.
Hiện tại cho đến năm 2009, thì EU vẫn chỉ là đầu voi đuôi chuột, lủng củng do cái hiệp định ở Nice quy định. Còn hiến pháp châu Âu mới thì chẳng biết đời nào mới xong.
Ở Pháp, thì dân người ta sợ châu Âu hơn là thích. Thế cho nên các quyết định liên quan đến EU, thường không được giới chính trị mang ra trưng cầu dân ý. Sự lo sợ cũng có nhiều lý do, trong đó có cả lý do chính phủ hay viện cớ « EU đòi hỏi » để thực hiện các cải cách cắt giảm phúc lợi xã hội.
Thế cho nên ở Paris chẳng có hoạt động có ý nghĩa nào chào mừng ngày EU mở rộng cả.

Ối giời, bác Phó viết đoạn ngắn mà nhiều quan điểm quá nên muốn phản đối đầy đủ chắc phải viết dài lắm nên tôi cứ phản đối vài chỗ thôi. Xuất phát từ cách tiếp cận, tôi có cảm giác bác Phó thuộc trường phái hoài nghi và có nét tiêu cực, chú trọng vào cái chưa hoàn thiện hơn là cái đã tốt, chú trọng vào phê phán cái dở nhiều hơn là thúc đẩy cái tích cực. Thế cho nên tôi sẽ sử dụng lập trường đối lập là tin tưởng và tích cực để tranh luận.

Về kinh tế, tôi cho rằng lợi ích của việc nhận được tiền từ các nước đóng góp nhỏ tới mức mà người ta không trông chờ nhiều vào nó. Thay vào đó các nước nghèo hy vọng vào việc được tiếp cận một thị trường với sức mua lớn các hàng hóa thấp cấp, nhân lực trình độ của họ có cơ hội làm việc để trưởng thành trong các công ty hùng mạnh của châu Âu, tiếp nhận đầu tư, vốn, công nghệ chuyển giao từ các nước giầu. Các nước giàu thì hy vọng vào cơ hội phát triển đầu tư vào thị trường rộng lớn các hàng hóa công nghệ cao, sử dụng nguồn lực hùng mạnh về nhân lực, công nghệ, tài chính vào các lĩnh vực còn bỏ trống, lấp đầy các khoảng trống về nhân lực với cả kỹ năng cao và thấp. Mặt trái không phải là không có, nhưng cả lý thuyết và thực tế đều đã chứng minh rằng sự thông thương về thương mại giữa các quốc gia có lợi thế cạnh tranh khác nhau sẽ đem lại lợi ích khổng lô cho tất cả các bên.

Về chính sách vĩ mô. Các hoạt động kinh tế bề nổi vận hành dưới sự tác động của các cơ chế chính sách vĩ mô, chính là những cái mà bác nói "EU quy định", vì các lợi ích toàn cục và lâu dài của EU mà người ta phải cố gắng tuân thủ các quy định đó, câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa thì ai cũng biết, nhưng ít người chú ý rằng các chiếc đũa muốn gắn chặt với nhau thì cần một sợi dây thắt chặt xung quanh. Lấy ví dụ trực tiếp vào vấn đề phúc lợi xã hội bác đặt ra. Phúc lợi xã hội kiểu châu Âu thực chất là một hình thức sử dụng tiền của người kiếm được để chia sẻ cho người khác (trẻ làm việc nuôi già, trẻ em, người khoẻ làm việc nuôi người tàn tật, người có công việc nuôi người thất nghiệp), vấn đề của châu Âu là tỷ lệ thu nhập người lao động để nuôi người đóng góp quá cao (ở một số quốc gia lên tới trên 61% thu nhập). Điều này kéo theo nhiều hậu quả khủng khiếp về lâu dài như người lao động không có khả năng tích lũy để tái đầu tư, chủ doanh nghiệp chịu chi phí lao động quá cao, tâm lý thà nghỉ để hưởng phúc lợi còn hơn làm việc, cũng như việc tiêu sài lãng phí các nguồn lực phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó châu Âu còn đang chịu sức ép về dân số, tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, lại càng kéo theo sự suy giảm về khả năng đóng góp vào GDP. Năng suất lao động của châu Âu tăng trưởng không hề kém Mỹ, trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP của châu Âu lại kém hơn Mỹ, nguyên nhân chính là các hậu quả của chính sách xã hội. Những điều này không có gì mới mẻ, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách đã hiểu nó từ rất lâu rồi. Nhưng tính xã hội đã ăn sâu vào châu Âu tới mức mà bất kỳ một chính trị gia nào cũng ngần ngại trong việc cải cách nó. Từ khía cạnh của người lao động họ chẳng cần biết đến ích lợi 50 năm sau, với họ, việc bỏ phiếu ủng hộ một chính sách cắt giảm phúc lợi của chính họ là điều không thể tưởng tượng nổi. Với lý do đó tôi cho rằng nước Pháp đã làm đúng khi không tiến hành trưng cầu dân ý, còn Tony Blair thì đã vì quyền lợi chính trị cá nhân mà rời bỏ lý tưởng khi chấp nhận trưng cầu dân ý về hiến pháp EU. Một ví du này chắc cũng đủ thấy tầm quan trọng của các sợi dây quy định của EU mà tạo nên bộ khung (framework) cho các nền kinh tế vận hành như: ngân sách, tiền tệ, thị trường lao động, phúc lợi xã hội, chính sách thương mại, cơ chế sở hữu, sở hữu trí tuệ, v.v...

Về xã hội và chính trị. Bên cạnh cách chính sách vĩ mô thì các luật chơi không thành văn chịu tác động lớn của văn hóa, xã hội. Thiếu đi sự hòa trộn, hội nhập của các yếu tố văn hóa, xã hội cũng có nghĩa là thiếu đi các sợi dây trói buộc, giúp cho EU hướng về cùng một hướng và tạo nên sự cộng hưởng. Mặt khác, sự hòa trộn, hội nhập về các giá trị xã hội và tư tưởng là sự đảm bảo cho sự ổn định bền vững, lâu dài. Quan sát con đường hội nhập của EU có thể thấy các chính trị gia châu Âu đã coi sự hòa nhập về các giá trị xã hội, thể chế chính trị là nhân tố chủ chốt đảm bảo thành công và lợi ích, chứ không đặt đồng tiền chung, ngân sách chung, biên giới chung, quân đội chung từ vị trí của phương tiện sang vị trí của mục tiêu. Chính vì lý do này mà EU sẽ mở rộng dần dần, hội nhập dần dần nhưng một cách có lợi ích và bền vững.
Trần Tèo
Lợi hại đâu chẳng biết ,trước mắt là muốn qua nước nào chúng em vẫn cứ phải visa cái đã , sau thì giá cả leo thang , học bổng chết đói lại càng chết đói hơn . 1 tháng tiền phô tô tài liệu có khi tèo mất học bổng em rồi ,nhất là những khi sắp thi cử như thế này .Tiêu Văn Đời rồi
Phó Thường Nhân
Từ khi có đồng EURO đến giờ, thì giá cả đều tăng, mặc dù báo chí kinh tế của nó cứ khăng khăng nói rằng không. Nhưng nếu đi chợ, thì thấy giá cả đồ thực phẩm, sinh hoạt bình thường đều tăng cả. Cũng có thể tại việc đổi tiền nữa. Chỉ cần người ta bỏ bớt đi một hai con số sau dấu phẩy của giá EURO, là giá hàng đã tăng rồi. May mà kinh tế của nó không tăng trưởng, chứ nếu không thì giá còn tăng phi mã nữa.
Lại nói chuyện tăng trưởng kinh tế, một trong những lý do biện hộ cho EU là việc thống nhất này sẽ làm cho thị trường châu Âu độc lập hơn, ít bị ảnh hưởng bởi giao động trên thế giới. Như vậy việc hoạch định một chiến lược kinh tế sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ, Pháp quan hệ thương mại nhiều với Đức (hơn 30% ngoại thương). Thống nhất thị trường khiến cho quan hệ này trở thành nội thương, tự động ảnh hưởng của thế giới sẽ giảm 30%. Một thị trường khép kín hơn sẽ giúp cho các chính sách kích thích sản xuất có hiệu quả hơn. Nhưng cho đến nay thì EU chẳng có chính sách kích thích kinh tế nào cả, và vùng Euro, trở thành vùng lệt bệt nhất về tăng trưởng trên thế giới. Không kể nó còn tự trói tay nó bằng luật chơi Euro, vì đồng EURO không phải là một đồng tiền mà là một giỏ đồng tiền cùng dùng chung một tên , nên không điều khiển được. Mà muốn điều khiển được cũng khó vì ai là người điều khiển. Chẳng có ai cả. Cho nên EU chẳng khác gì cái máy bay bay do thám không người lái.
Như vậy cách duy nhất để bay lên được là giảm trọng lượng chở hàng, tức là phá bỏ những phúc lợi xã hội. Nhưng nếu giảm phúc lợi xã hội là điều kiện phát triển thì những nước thế giới thứ 3 phải là những nước phát triển nhất chứ, vì ở những nước này làm gì có phúc lợi xã hội mà mất.
Thế cho nên theo tôi, nói như bác TanG không được, bác học thuộc bài Economie liberale quá. Một con người vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu thụ. Cắt bỏ phúc lợi xã hội cũng có nghĩa là cắt bỏ sức mua. Sản xuất nhiều mà sức mua giảm thì làm sao mà tránh được khủng hoảng kinh tế.
Hiện tại ở trên thế giới có lẽ chỉ có nước Mỹ là có thể thi hành một chính sách liberal nhất được, vì sức mua giảm được nó bù bằng nợ tiêu thụ (credit comsomation). Nước Mỹ là nước mà người dân có tỉ lệ nợ trên đầu người cao nhất. Nhưng Mỹ làm được thế vì nó là người in tiền thế giới (Đô la), và nó có sức mạnh quân sự, chính trị kèm theo. Giống như thằng nhà giàu, dù ăn chơi hoang tàn, muốn vay tiền người ta vẫn cho vay. Cho nó vay, nó muốn trả lúc nào thì trả, người ta không sợ mất vì nó ..giàu và mạnh. Nhưng những nước khác làm sao làm được thế. Các nước đang phát triển cũng có thể áp dụng chính sách liberal được, vì thị trường nội địa quá nhỏ , cho nên vai trò sản xuất cao hơn vai trò tiêu thụ (sản xuất nội địa, tiêu thụ bằng xuất khẩu). Nhưng với thời gian thì cũng phải « làm phồng » cái thị trường nội địa lên, kiểu như TQ thì phát triển mới điều hoà được.
Chính vì thế khi người dân châu Âu bình thường ủng hộ EU là với lô gíc là quần hùng lại thì mạnh hơn, giúp họ bảo vệ được lối sống của họ, xã hội của họ. Còn nếu hợp lại để xa sút, dù có được gọi mỹ miều là cải cách thì họp lại làm gì, để mang nợ vào thân à.
TanNg
QUOTE(Phó Thường Nhân @ May 7 2004, 06:28 PM)
Từ khi có đồng EURO đến giờ, thì giá cả đều tăng, mặc dù báo chí kinh tế của nó cứ khăng khăng nói rằng không. Nhưng nếu đi chợ, thì thấy giá cả đồ thực phẩm, sinh hoạt bình thường đều tăng cả.

Lại nói chuyện tăng trưởng kinh tế, một trong những lý do biện hộ cho EU là việc thống nhất này sẽ làm cho thị trường châu Âu độc lập hơn, ít bị ảnh hưởng bởi giao động trên thế giới.

Như vậy cách duy nhất để bay lên được là giảm trọng lượng chở hàng, tức là phá bỏ những phúc lợi xã hội. Nhưng nếu giảm phúc lợi xã hội là điều kiện phát triển thì những nước thế giới thứ 3 phải là những nước phát triển nhất chứ, vì ở những nước này làm gì có phúc lợi xã hội mà mất.

Thế cho nên theo tôi, nói như bác TanG không được, bác học thuộc bài Economie liberale quá. Một con người vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu thụ. Cắt bỏ phúc lợi xã hội cũng có nghĩa là cắt bỏ sức mua. Sản xuất nhiều mà sức mua giảm thì làm sao mà tránh được khủng hoảng kinh tế.

Hiện tại ở trên thế giới có lẽ chỉ có nước Mỹ là có thể thi hành một chính sách liberal nhất được, vì sức mua giảm được nó bù bằng nợ tiêu thụ (credit comsomation). Nước Mỹ là nước mà người dân có tỉ lệ nợ trên đầu người cao nhất. Nhưng Mỹ làm được thế vì nó là người in tiền thế giới (Đô la), và nó có sức mạnh quân sự, chính trị kèm theo. Giống như thằng nhà giàu, dù ăn chơi hoang tàn, muốn vay tiền người ta vẫn cho vay.

Các nước đang phát triển cũng có thể áp dụng chính sách liberal được, vì thị trường nội địa quá nhỏ , cho nên vai trò sản xuất cao hơn vai trò tiêu thụ (sản xuất nội địa, tiêu thụ bằng xuất khẩu). Nhưng với thời gian thì cũng phải « làm phồng » cái thị trường nội địa lên, kiểu như TQ thì phát triển mới điều hoà được.

Khì bác Phó. Có đồng Euro hay không thì giá cả vẫn cứ tăng, nguyên nhân là nền tảng kinh tế của châu Âu bị lệch lạch, thị trường lao động quá kém tự do kéo theo sự trì trệ và kém sáng tạo. Còn mấy cái vụ chính sách kích thích kinh tế của bác là câu chuyện của nhiều năm về trước, bây giờ người ta sử dụng các biện pháp tinh tế hơn hướng về các điều kiện hạ tầng kinh tế (tài chính, thông tin, v.v.) nhiều hơn là các chính sách kích thích cổ xưa.

Còn về vụ phá bỏ phúc lợi xã hội thì lập luận của bác không ổn, châu Âu ở phía bên này của đỉnh parabol, các nước kém phát triển ở phía bên kia của đỉnh parabol, như vậy châu Âu thì cần giảm tải gánh nặng phúc lợi xã hội, còn các nước kém phát triển lai phải thúc đẩy gánh nặng phúc lợi xã hội. Việc hội nhập EU cũng giúp các nước EU hạng một giải quyết vấn đề phúc lợi xã hội, nay đã có những công dân của EU hạng hai gánh hộ họ một phần gánh nặng lao động. Phía EU hạng hai cũng được lợi vì nền kinh tế của họ không đủ lực để sử dụng hết các nhân lực dư thừa này. Tôi làm phép so sánh hơi cọc cạch nhưng dễ hình dung là cô bé Osin ở nhà tôi, ở nhà quê nó chẳng có việc gì làm, lên đây làm Osin nó còn kiếm được dăm trăm nghìn một tháng gửi về nhà, còn nhà tôi thì đỡ được gánh nặng công việc gia đình. Việc mở cửa biên giới EU về một mặt nào đó cũng tương tự với việc thông quan thành phố - nông thôn.

Kết luận của bác Mỹ muốn vay, muốn in tiền thế nào cũng được của bác cũng rất sai với thực tế. Thứ nhất, khi Mỹ lạm dụng chính sách tiền tệ thì họ là người đầu tiên chịu thiệt hại vì thị trường nội địa và các doanh nghiệp Mỹ là những người sử dụng đồng Đôla tích cực nhất. Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay trên thị trường tài chính thì luồng tài chính sẽ đổ về nơi nào đem lại lợi nhuận cao nhất. In tiền và vay mượn sẽ làm đồng Đôla mất giá, điều đó có nghĩa là đầu tư vào châu Âu có lợi hơn do lợi nhuận nhận được là lợi nhuận thu được cộng với mức lên giá của Euro. Kết quả là vốn đầu tư đổ về châu Âu kéo theo cả lợi ích ngắn hạn lẫn dài hạn. Thứ ba, hiện nay không còn nhiều người cho rằng chính sách tiền tệ là công cụ để thúc đẩy nền kinh tế, mà chỉ coi nó là công cụ điều chỉnh nền kinh tế, giúp nó biến chuyển một cách smoothly hơn, hạn chế tối đa các thay đổi đột ngột.

Kết luận của bác về việc làm phồng thị trường nội địa lên về chất cũng ko khác những gì tôi đã nói. Nhưng cách hội nhập EU là cách đơn giản và dễ dàng nhất, thị trường hàng cấp thấp của các nước EU hạng hai được mở rộng ra toàn EU mới, thị trường hàng cấp cao của các nước EU hạng nhất được mở rộng ra toàn EU mới. Như vậy, thay cho việc cạnh tranh trong không gian hẹp với hậu quả là margin thấp thì cả EU hạng nhất và EU hạng hai đều có được lợi ích là cạnh tranh trong một không gian rộng với lợi thế tự nhiên của mình.
Phó Thường Nhân
To TanNG,
Thế nào là thị trường lao động "kém tự do kéo theo sự trì trệ và kém sáng tạo". Đây là điều mà các lý thuyết gia của chủ nghĩa liberal muốn nhét vào đầu người ta, nhưng trong thực tế thì không phải vậy đâu, mặc dù xét theo cảm giác thì có vẻ đúng như vậy. Khi giới liberal nói thị trường lao động kém tự do là vì họ muốn xóa sổ tất cả các lợi ích, phúc lợi giành cho người lao động. Nhưng giả dụ EU có phá bỏ tất cả nhưng phúc lợi đó thì giá sản xuất ở EU có cạnh tranh nổi với hàng TQ không ? Một điều thú vị nữa là hiện tại, giá thành lao động của Mexico trong các nhà máy lắp ráp ở biên giới với Mỹ còn rẻ hơn ở TQ, thế thì tại sao người ta vẫn dồn vào đầu tư ở TQ. Như tôi đã nói, nếu giá thành rẻ do hạ giá sản phẩm lao động thì châu Phi phải phát triển đứng đầu thế giới chứ không phải là Mỹ hay EU.
Như vậy sức mạnh của một nước không phải là do nó có nhân công rẻ, bèo bọt, xã hội không có phúc lợi mà là do có công nghệ, có tổ chức, có đường đi nước bước để tranh cướp lũng đoạn thị trường. Chính vì thế mà TQ có thể qua mặt được Mexico, và châu Phi nằm trong vòng lạc hậu không thoát ra được.
Thế còn về sáng tạo ? Trong thực tế, quy trình sáng tạo là một quy trình được tổ chức, hướng dẫn. Ví dụ đơn giản, trong công nghệ cao cấp dù là vi tính hay nguyên tử, hàng không nhưng phát minh sáng tạo của nó đều là những công trình dài hơi huặc do nhà nuớc tài trợ định hướng như ở Pháp, hay là hệ quả của nghiên cứu quân sự như ở Mỹ. Mà nghiên cứu quân sự thực ra cũng là một bàn tay khác của nhà nước. Muốn trở thành một kỹ sư sáng tạo được, ngoài việc mài mòn đít trên ghế nhà trường, người ta cũng phải có môi trường, tổ chức để sáng tạo. Chứ đâu có đơn giản.
Như vậy sự phát triển đâu phải được định hướng bằng một xã hội bấp bênh, bất công, sống hôm nay không biết ngày mai.
Bây giờ trở lại với cái EU. Việc các nước Đông Âu gia nhập, không có nghĩa là các nước này gánh chịu phần lao động cho các thành viên cũ, để cho các nước này lên lão làng hưởng lộc. Trong thực tế EU không thể có thị trường lao động thống nhất. Ngoài việc bị chia xẻ do luật lệ khác nhau, nó còn có một vật cản rất lớn là ngôn ngữ, văn hóa. Một người Mỹ mất việc ở Floride có thể tìm việc làm ở California cách đó 4000 Km. Nhưng một người Pháp mất việc ở Nice, không thể sang Milan (Ý) cách đó 4 giờ xe hơi để làm việc, cũng như người Pháp không chi trả phúc lợi cho người Đức và ngược lại. Như vậy ở EU chỉ có mobility về tư bản tiền tệ và hàng hóa, nó không có mobility về sức lao động. Nếu xét thuần tuy về thị trường lao động thì EU không khác gì một cái liên hợp quốc thu nhỏ, với tất cả sự thiếu hiệu quả của nó. Sự thống nhất của châu Âu như vậy chỉ có lợi cho các hãng và tư bản, còn cho người lao động thì chẳng có là bao ngoài việc đi chơi không phải xin visa và không phải đổi tiền. Không kể sự thống nhất châu Âu được thực hiện hầu như ngoài vòng kiểm soát của người dân ở đây.
TanNg
QUOTE(Phó Thường Nhân @ May 24 2004, 11:27 PM)
To TanNG,
Thế nào là thị trường lao động "kém tự do kéo theo sự trì trệ và kém sáng tạo". Đây là điều mà các lý thuyết gia của chủ nghĩa liberal muốn nhét vào đầu người ta, nhưng trong thực tế thì không phải vậy đâu, mặc dù xét theo cảm giác thì có vẻ đúng như vậy.

Bác Phó, rất khó khi bác luôn cho rằng chủ nghĩa Liberal nhồi nhét một cái gì đó và người ta làm vậy vì mục đích muốn cướp đi quyền lợi của một ai đó. Mỗi người có một cách nhận thức riêng, bác có định kiến của bác, tôi cũng có định kiến của tôi, nhưng đừng ví thế mà cho rằng người khác không có khả năng suy nghĩ phân tích, dễ dàng bị nhồi nhét đến vậy.

Nhưng mà bác kiên quyết chỉ nhìn vào mặt hại mà không đánh giá lợi ích của hội nhập thì tôi sẽ rất khó thuyết phục bác, vì cả một ngành kinh tế đã thừa nhận điều đó mà không thuyết phục nổi bác thì tôi làm sao thuyết phục nổi.
Phó Thường Nhân
To TanNG,
Thực ra tôi không có gì để « căm ghét » chủ nghĩa liberal cả. Tôi chỉ muốn nói rằng nhiều khi dưới những từ ngữ mù mờ, nghe rất có lý, người ta có thể bị lừa dối, nếu không phân tích nó một cách rõ ràng. Cũng như mọi thứ tư tưởng, chủ nghĩa liberal hiện tại được người ta tuyên truyền như một thứ thuốc tiên chữa bách bệnh, giống như chủ nghĩa Marx cách đây nửa thế kỷ, trở thành một cái mốt. Không kể sự đúng đắn của nó, còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh làm nó có thể hữu hiệu hay không.
Ví dụ ở VN, chủ nghĩa liberal rõ ràng tốt hơn hình thức quản lý bao cấp, vì nó tạo nên thị trường, bắt buộc người ta sớm hay muộn cũng phải làm luật, trong khi nó chẳng có gì để mà phá vì ở VN làm gì có phúc lợi xã hội mà phá. Ngược lại, do điều kiện không đủ, tất cả những biện pháp phúc lợi lại bị hoá giá. Trường học không mất tiền nhưng học sinh bắt buộc phải học thêm. Có bảo hiểm y tế, nhưng chữa bệnh vẫn phải đút tiền. Như vậy phúc lợi chỉ là cái vỏ, gây tệ nạn, thà bỏ quách nó đi, mà trưng biển giá cả rõ ràng, dù là đắt để xoá bỏ tệ nạn có tốt hơn không ?
Nhà nước không đủ lực để điều chỉnh kinh tế, tìm đường đi nước bước để phát triển, thì rõ ràng để cho dân tự làm (liberal), còn hơn là trói họ lại để chết đói. Trong hoàn cảnh như vậy thì bài thuốc liberal hữu hiệu, nhưng nó cũng chỉ hữu hiệu đến một mực nào đó thôi. Cho đến lúc kinh tế đòi hỏi nhiều vốn, nhiều trí thức, với những tổ chức cao hơn, thì việc định hướng cho nó lại trở nên cần thiết.
Vừa rồi, tôi được xem bộ phim của Karmen về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến hình ảnh cuối của bộ phim, khi con tầu hoả treo đầy cờ chạy vun vút với lời bình « người lao động làm chủ,sức lao động được giải phóng », thì tôi không khỏi mỉm cười « ruồi ». Vì đấy thực ra cũng là một lời mù mờ, nguỵ biện. Như vậy sự nguỵ biện không phải là của riêng bất cứ ai.
Trở lại với EU của chủ đề này. Việc EU thống nhất lại, không phải là không có mặt tốt. Ví dụ, sự ra đời của đồng EURO, đã có tác dụng ổn định thị trường tiền tệ châu Âu so với Mỹ, Nhật. Người ta không thể « tấn công tiền tệ » như George SOROS đã làm trước đây nữa. Điều này đã khiến châu Âu độc lập hơn. Chirac, Schroder, có thể công kích Mỹ mà không sợ Mỹ trả thù bằng tẩy chay hàng hoá, hay tấn công tiền tệ. Nhưng nói mồm không đủ, còn phải có công cụ để thực hiện lời nói của mình đó là quân sự, chính trị. EU hiện tại mới chỉ là một người khổng lồ về thị trường, chưa phải là một cường quốc.
yuyu
Nhiều hoạt động kỷ niệm D-Day 6.6.1944

Các tổng thống Mỹ, Nga, Nữ Hoàng Anh, thủ tướng Đức v.v... đều tề tựu sang Pháp cùng tham dự ngày lễ kỷ niệm 60 năm "cuộc đổ bộ vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại"
Thái tử Charles của Anh thăm hỏi cựu chiến binh .
Nguyên thủ quốc gia và hàng ngàn cựu chiến binh vừa bắt đầu buổi lễ kỷ niệm tại bờ biển nước Pháp đánh dấu 60 năm ngày kỷ niệm cuộc đổi bộ vào năm 1944 giải phóng Pháp.
Cuộc đổi bộ xảy ra vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 thường được biết dưới ký danh ngày N năm 1944 hay D Day trong tiếng Anh.

Nữ hoàng Anh đang có mặt tại Normandy cùng với ít nhất là 16 nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có sự tham gia của Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức.

Các hoạt động bao gồm lễ tưởng niệm và thăm viếng mộ của khoảng 250 ngàn binh lính bị thiệt mạng trong trận chiến giải phóng Normandy.

Những vòng hoa được đặt tại các nghĩa trang liệt sĩ rộng lớn tại Colleville, gần bờ biển Omaha, và đây là một trong số những buổi lễ được Tổng thống Bush của Hoa Kỳ tới dự.

Nữ Hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh tới thăm bãi biển Juno để tưởng nhớ sự hy sinh của binh lính Canada và Lữ đoàn Hoàng gia Anh tổ chức một buổi lễ tưởng niệm tại Thánh đường Bayeux.

Phát biểu tại buổi lễ, bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, Nữ hoàng Elizabeth miêu tả cuộc đổ bộ Juno là "một trong những chiến dịch quân sự có tính đột phá nhất trong lịch sử" và bà nghiêng mình tỏ lòng tôn kính đối với tất cả các chiến binh đã giúp giải phóng châu Âu.

Nhìn lại

Những tàu phà được hộ tống bởi các chiến hạm của hải quân Hoàng Gia Anh, Pháp và Hoa Kỳ cùng một số tàu đổ bộ từ thời thế chiến thứ hai.

Ít nhất 12.000 cựu chiến binh Anh được biết đang vượt eo biển giữa Anh và Pháp đến Normandy để tưởng nhớ nhiều ngàn chiến hữu đã hy sinh tính mạng trong cuộc giải phóng Pháp khỏi ách thống trị của Đức Quốc Xã.

̉ Portsmouth, đoàn tàu chở các cựu chiến binh đã được các viên chức địa phương tiễn đưa long trọng với quân nhạc vang lừng.

Hơn 450 cựu chiến binh vượt biển trên một tàu du lịch đại dương Van Gogh, vốn đã được Hội Cựu Chiến Binh Anh thuê bao.

Trên tàu, ở giữa dòng, các cựu chiến binh sẽ tổ chức một lễ truy điệu để tưởng nhớ anh hồn của những người đã hy sinh.

Khi họ gần đến Pháp, một phi cơ Lancaster từ thời Thế Chiến thứ 2, sẽ thả những bông hoa phù dung lên đoàn tàu, ngay trước khi họ cặp bến ở thị trấn Ouistreham nơi trận chiến đầu tiên của ngày này cách đây 60 năm xảy ra.
Một cựu chiến binh trên đường trở về Pháp

Những nghi lễ chính sẽ là ở Normandy, với nhiều nghi lễ tại những địa điểm chiến sự chính vào ngày này năm 1944.

Thái tử Charles sẽ tham dự nhiều nghi lễ, kể cả việc mở cửa vườn hoa tưởng niệm tại Caen, thủ phủ của vùng Calvados nơi hầu hết vụ đổ bộ xảy ra.

Thái tử Charles cũng sẽ vén màn một bức tượng Chuẩn tướng James Hill. Là chỉ huy trưởng của Lữ đoàn 3 Nhảy dù, năm nay 92 tuổi, chuẩn tướng Hill đã mất gần nữa lực lượng, 1500 người, bảo vệ sườn phải của lực lượng Anh trong ngày đổ bộ.

Các cựu chiến binh sẽ được chào đón nồng hậu ở Normandy. Cờ Anh và Pháp đã được treo đầy đường phố và trước cửa nhà của dân chúng trong vùng.

Tuy nhiên an ninh cũng sẽ rất nghiêm ngặt với 20.000 binh sĩ và cảnh sát Pháp bảo vệ cho nghi lễ hôm nay.

Đài truyền hình nhà nước Pháp FR3 dành cả ngày hôm nay từ 9h30 đến 21h30 để nói về sự kiện này.

Lời bàn :

Cuộc đổ bộ ngày 6.6.1944 có thể được coi như sự mở đầu cho quá trình tan rã của những học thuyết tư tưởng, chính trị Tây phương cực đoan , độc đoán , toàn trị, muốn qui thế giới về một mối....
Nhân loại ngày nay dường như đã được giải phóng về cơ bản khỏi những tư tưởng này, ngoại trừ một số ít còn tiếp tục bị kiềm chế, nhưng họ cũng hoang mang trước một tương lai vô định, một tương lai mà các nhà tư tuởng lạc quan và xảo quyệt dù nói thế nào cũng không thoát khỏi những nghịch lý tréo ngoe và thực tế phũ phàng ...
Phó Thường Nhân
Bác yuyu xem ra có vẻ hơi lạc quan. Nếu nước Mỹ thật sự tham chiến ở châu Âu chỉ vì nó muốn mang lại tự do, thì sao nó không tham chiến ngay từ năm 1939. Lúc đó nước Đức còn chưa thống trị châu Âu, đánh nó dễ hơn nhiều chứ ? Cách đây ít lâu tôi có đọc một bài báo trong báo le point nói đến việc hãng IBM cung cấp các thiết bị tin học cho nước Đức quốc xã. Người ta định kiện nó, nhưng rồi chuyện lại ỉm đi. Vậy bác nói thế nào ? Cuộc đổ bộ ở Normandie là vào năm tháng 6 năm 1944. Đến tháng 8 năm 1945, cuộc chiến đã kết thúc. Mỹ tham chiến lúc tàn cuộc và việc họ tham chiến là vì quyền lợi của chính mình. Còn công đánh phát xít Đức chủ yếu do người dân Liên Xô gánh chịu là chính.
Sau đại chiến thế giới, nếu châu Âu yên ổn được là vì sự đối đầu hạt nhân, chứ chưa chắc là do Mỹ.
Bản thân việc người Pháp mời cả 17,18 nước đến dự lễ, rồi thưởng huân chương cho cả những nước nhỏ xíu như Lúc xăm bua, chứng tỏ họ muốn ngầm chỉ cho Mỹ rằng « Anh không phải là người duy nhất giải phóng châu Âu ». Trong bài diễn văn của Chirac, phần giành cho nước Đức, cho việc hoà hiếu Pháp Đức có lẽ còn lớn phần cảm ơn Mỹ. Và đó là điều đặc biệt nhất của cuộc kỷ niệm lần này.
yuyu
Hì, Tôi có lạc quan đâu, bác xem lại xem. Tôi chỉ trích đăng tin và nhận định lại lịch sử thế giới từ 60 năm qua thôi. Không hiểu bác đọc thế nào mà lại hiểu thành như thế ?
Nhưng mà vấn đề bác đưa ra cũng hay, dù hơi lạc đề ở đây.
Tôi cũng chưa nói gì vê Mỹ và Liên Xô, chưa nói là công lao thuộc về bên nào, nhưng nói chung, thì người ta nhận thấy là Liên Xô chịu thiệt hại lớn nhất, chứ chưa chắc là có công nhiều nhất, vì 2 điều ấy không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Và một phần nào có thể nói đó là hậu quả của chính chính sách đối ngọai của Liên Xô hồi ấy.
Chuyện hãng IBM chỉ là những chi tiết rất nhỏ và chẳng có ý nghĩa gì mấy với cuộc đệ nhị thế chiến. Mỹ dĩ nhiên là muốn tọa sơn quan hổ đấu và thủ lợi với cả hai bên chứ chả dại gì dây vào, nếu không bị buộc phải làm như thế. Điều đó cũng là chính đáng, nước nào trong trường hợp này cũng làm như thế, ta không thể trách được. Vấn đề là anh nào vận dụng giỏi hơn giữa lợi và nghĩa mà thôi. Mặt khác cũng không thể phủ nhận là cuộc WWII có những lý tưởng tốt đẹp nhắm giải phóng nhân lọai, dù mỗi bên có những lý tưởng giải phóng khác nhau, nhưng nước nào cũng muốn dùng nó với phương châm " nhất cử tam tứ tiện", nghĩa là vừa đạt lý tưởng vừa đạt quyền lợi. Nhưng hãy thử phân tích xem mục tiêu tối quan trọng của cuộc chiến là gì ? Nước Đức Hítler nằm giữa 2 khối siêu cường đối địch nhau, bên Tây là khối Anh Pháp, bên Đông là khối Liên Xô. Muốn sống còn thì nó phải tiêu diệt cả hai khối. Ngược lại hai khối đông - tây cũng hằm hè muốn "tá đao sát nhân ", mượn con dao Quốc Xã để thịt bên kia. Tuy nhiên nếu xét mục tiêu ngắn thì thấy bọn Đức sẽ ưu tiên thịt Anh, Pháp trước rồi mới thịt Nga, vì vấn đề quyền lợi sát sườn.
Biết thế cho nên Nga ra sức muốn lợi dụng tình thế để hướng con dao Đức sang bên phía Tây bằng cách ký Hòa Ước Bất tương xâm với Hitler, ngày 23.8.1939, trong đó có hiệp ước bí mật, nếu chiến tranh xảy ra, Nga sẽ làm ngơ và chia chác với Hitler : Nga sẽ nuốt các lãnh thổ Estonia, Lettonia, Finland, Đông Ba Lan, đổi lại Đức sẽ xơi Lituania, Tây Ba Lan. Đó chính là điều kiện khởi đầu gây ra cuộc Đại Chiến, vì trước đấy Liên Xô biết là Anh, Pháp đã ký đồng minh với Ba Lan. Vì thế sau khi yên tâm ở mặt đông, ngày 1.9.1939 khi Đức tấn công Ba Lan, thì ngày 2.9 Anh Pháp đành phải tuyên chiến với Đức để bảo vệ đồng minh, trong khi Stalin rảnh tay tiến quân vào các nước Baltic....
Lịch sử đã cho thấy, tính tóan của Stalin " lợi bất cập hại", vì nếu như Nga không hòa với Đức ở mạn đông thì Đức khó lòng dám gây chiến với Anh, Pháp. Vả lại nếu chiến tranh vẫn xảy ra, Nga, Ba Lan hợp tác với Anh, Pháp thì khả năng tiêu diệt Đức là rất có thể, và chính Nga có thể sẽ tránh được cuộc chiến khốc hại ập xuống mình sau khi Đức đã "bình định " được phía Tây. Vì thế có thể nói, một phần nguyên nhân trực tiếp và sự thiệt hại to lớn mà Liên Xô phải gánh chịu, chính là vì bản hịệp ước tai hại kia...

Còn nếu nói Nga có công trong việc tiêu diệt Đức là chỉ nhìn gần thì như vậy, vì lúc đó còn Ý và Nhật. Quân đồng minh mất cả năm 1943 để đánh bật Ý khỏi bắc Phi, Trung Đông và tiêu dịệt đế chế Musolini,cầm chân Nhật ở Đông Nam Á - giáng một đòn nặng vào khôí trục, tạo điều kiện cho Liên Xô giành chiến thắng với Đức.
Vì thế trên cục diện toàn cầu thì tất cả các bên Đồng Minh và Liên Xô đều có công trong việc tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã, chứ không thể nói là bên nào có công hơn bên nào....
Vả lại đến đây lạc đề rồi.
Đại để tôi muốn nói ngày D-Day có ý nghĩa như việc mở đầu sự tan rã của các thể chế toàn trị, mở đường cho một châu Âu hợp nhất , dân chủ và đa nguyên như ngày nay ....Còn việc nhìn nhận vai trò của Mỹ, không nên tuyệt đối hóa quá một mặt nào. Mỹ nhất định là phải tính đến quyên lợi của họ, điều đó hòan tòan chính đáng, chỉ có anh nào dại mới tính đến lý tưởng đơn thuần, nhưng cũng không thể phủ nhận là họ không có công trong việc giải phóng châu Âu, vì nếu Mỹ không nhảy vào, không thể nào tiêu diệt được Đức, hoặc ít ra cũng là "hòa" và nguy cơ của chủ nghĩa phát xít có lẽ vẫn còn đe doa đến ngày nay và biết đâu thế giới đã khác đi nhiều ?
Phó Thường Nhân
Tôi nghĩ là không lạc đề đâu, vì mấy lời nhận xét viết chữ xanh xanh của bác hơi võ đoán và ngây thơ. Nhưng điều nhận xét của bác chỉ đúng khi những vấn đề sau được giải đáp.
1.Mỹ tham chiến vì tự do của châu Âu.
2.Mỹ đóng vai trò quyết định trong việc giải phóng châu Âu.
3.Những chế độ chính trị ở châu Âu là do Mỹ đưa vào
4.Quá trình tập hợp các nước ở châu Âu trong EU là do Mỹ cầm trịch và mong muốn.

Tất cả 4 câu hỏi đó, không có câu hỏi nào có thể trả lời khẳng định vai trò tuyệt đối của Mỹ cả.
-Câu thứ nhất: Mỹ tham chiến vì quyền lợi của nó bị đụng chạm. Bởi vì nếu Mỹ lấy dân chủ, tự do làm ngọn cờ thì không khi nào Mỹ lại quan hệ mật thiết với Đức Quốc xã, mà vụ IBM là một bằng chứng.
-Câu thứ nhì: Mỹ không đóng vai trò quyết định trong việc giải phóng châu Âu. Bác chỉ cần đem số liệu quân đội Đức ở mặt trận Nga và mặt trận phía Tây đem so sánh thì thấy ngay. Hôm nay người ta kỷ niệm D-Day, nhưng họ lờ đi là sau đó cả mùa đông năm 44 Mỹ nằm chết gí ở vùng biên giới Pháp-Đức (vùng Ardennes), cách vùng Normandie là địa điểm đổ bộ có khoảng 300Km, trong khi đối mặt với họ số lượng quân Đức quốc xã không có gì là khủng khiếp cả. Đức Quốc xã chết chủ yếu do Liên Xô. Thế thì lấy đâu ra cái quan niệm ngọn cờ tự do của Mỹ đánh thắng Đức Quốc xã.
-Câu thứ 3: Khi nước Đức quốc xã bị tiêu diệt, thì nước Pháp lại trở lại với hình thức dân chủ vốn có của nó từ năm 1789. Có lẽ chỉ có nước Đức là được tổ chức lại hoàn toàn. Nhưng có thực sự là nước Mỹ muốn mang dân chủ đến Đức không ? Không hoàn toàn, vì Mỹ có thể bảo vệ những chế độ độc tài như Tưởng, như Pắc chung Hi, hay những chế độ độc tài ở Nam Mỹ. Vào thời điểm ấy, Mỹ chỉ muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô thôi. Chế độ dân chủ ở Đức có nhiều đặc điểm của nhà nước xã hội, giống như các nước châu Âu già đời kiểu Pháp, Anh, Bắc Âu chứ không liên quan gì đến kiểu Mỹ. Chỉ cho đến bây giờ, Mỹ mới tự khoác cho mình cái áo « thành trì dân chủ ». Điều này chỉ có từ cuối những năm 1980, chứ nó không tồn tại từ năm 1945.
-Câu thứ 4: Quá trình thành lập EU bắt đầu từ liên minh gang-thép châu Âu gộp 6 nước gồm có Pháp, Bỉ, Lục, Hà, Y, Đức. Nhìn vào đó thì người ta thấy ngay có 2 nước bại trận là Đức và Ý. Nước thắng trận là Pháp cũng là thắng trong kiệt quệ. Như vậy liên minh này, ngay từ đầu đã là một cố gắng liên minh với nhau để có tiếng nói to hơn nhằm độc lập vói Mỹ. Theo đó, Đức, Ý vốn bị Mỹ kiểm soát về chính trị có thể thông qua Pháp mà chống lại Mỹ. Ngược lại Pháp sẽ được Đức trợ giúp về nông nghiệp. Liên minh này cũng là cố gắng của các nước Tây Âu, đặc biệt là Đức-Pháp hoà hiếu với nhau. Thời gian đầu Mỹ có ủng hộ, thông qua hiệp hội liên minh châu Âu do CIA tài trợ, vì Mỹ cũng nhân đó mà muốn có một liên minh chống Liên Xô mạnh hơn. Nhưng sau này khi EU càng đi dần vào việc thống nhất thì Mỹ càng chống và chỉ muốn duy trì EU như một liên minh thị trường kiểu ALENA ở Bắc Mỹ. Như vậy sự phát triển của châu Âu sau đại chiến không hoàn toàn đi theo mô hình Mỹ. Còn việc chiến tranh không bùng nổ ở châu Âu, thì chủ yếu là do vũ khí nguyên tử, khiến các bên mâu thuẫn đều phải tự kiềm chế.

Xét như thế thì người ta sẽ thấy, châu Âu dù có ảnh hưởng của Mỹ, vẫn phát triển tuỳ theo nội lực của nó, làm sao có thể nói được là do châu Âu theo Mỹ mà được tự do.
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.