Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Tìm Lao động Xuất Khẩu Bỏ Trốn
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Milou
Thứ sáu, 7/1/2005, 11:36 GMT+7

Tìm lao động xuất khẩu bỏ trốn như 'mò kim đáy bể'

user posted image
Trại Tam Hiệp, Đài Loan, nơi giam giữ khoảng 100 lao động Việt Nam bỏ trốn. Ảnh: Thu Thuỷ
Mấy tháng nay, doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan như ngồi trên đống lửa bởi lời đe dọa của Chính quyền Đài Bắc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam nếu không đưa về nước 2.000 trên tổng số gần 8.000 người bỏ trốn. Theo họ việc tìm kiếm rất khó khăn.

Một cán bộ phụ trách lao động Việt Nam đang ở Đài Loan (đề nghị giấu tên) cho biết, người bỏ trốn sợ ra đầu thú, chấp nhận sống chui lủi. Các đường dây dụ dỗ lao động trốn ra ngoài làm việc lại được "xã hội đen" bảo kê. Một số khác được thân nhân che giấu (Việt Nam có khoảng 70.000 nàng dâu tại Đài Loan). Phía Đài Loan không chủ động tìm giúp lao động Việt Nam bỏ trốn vì họ không được hưởng lợi gì, còn nếu không bắt cũng chẳng sao. Mọi nỗ lực chỉ trông chờ vào Văn phòng đại diện Việt Nam ở Đài Bắc.
QUOTE
Trao đổi với Báo Giao thông vận tải tại Đài Loan, ông Liêu Vi Nhân, Trưởng ban tác nghiệp lao động nước ngoài thuộc Cục huấn luyện nghề nghiệp, Ủy ban lao động Đài Loan, cho biết, đến cuối tháng 9/2004 có 7.935 lao động bỏ trốn trên tổng số 80.890 người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan (không tính số đã đưa về nước). Việt Nam đứng thứ 3 trong số những nước có người làm việc tại Đài Loan, nhưng đứng đầu về số bỏ trốn. Đã hơn 2 năm, Ủy ban lao động Đài Loan báo động với các doanh nghiệp Việt Nam về tình hình lao động phá vỡ hợp đồng, nhưng các giải pháp thực thi của Việt Nam không hiệu quả. Lao động bỏ trốn ngày càng nhiều hơn. Hiện nay sức ép từ phản ứng của người dân Đài Loan với lao động Việt Nam rất lớn. Theo luật Đài Loan chỉ khi lao động bỏ trốn bị bắt, họ mới có quyền thuê người khác thay thế.

Tuy nhiên, nhân viên của Văn phòng Việt Nam tại Đài Bắc và đại diện công ty xuất khẩu lao động rất ít. Doanh nghiệp muốn cử người sang phối hợp với Văn phòng và cảnh sát Đài Loan truy tìm lao động bỏ trốn cũng không đơn giản vì visa chỉ được cấp trong 14 ngày. "Thời gian ngắn, nhân viên toàn làm văn phòng, chân yếu tay mềm, không thông thạo địa hình thì làm sao tìm và đuổi bắt được. Có khi thấy rõ ràng lao động của mình, song đành để họ chạy mất", ông Phạm Văn Động, Giám đốc Trung tâm tư vấn khoa học công nghệ đào tạo và xuất nhập khẩu (thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội), cho biết. Từ tháng 10/2003 đến nay, trung tâm có 20 lao động bỏ trốn. Giữa tháng 12/2004, đơn vị cử 2 cán bộ sang, nhưng chẳng tìm được ai.

Chi phí tìm và đưa lao động bỏ trốn về nước cũng là vấn đề đau đầu với doanh nghiệp. Ông Trần Minh Thụ, Giám đốc Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định cho hay: "Cử một cán bộ sang, công tác phí mỗi ngày khoảng 45-50 USD, chưa kể vé máy bay, song chưa chắc đã tìm được". Trung bình, tổng chi phí đưa một lao động về khoảng 15.000-30.000 Đài tệ, tương đương 500-1.000 USD (trong đó 3.000 Đài tệ thưởng cho cảnh sát Đài Loan, 2.000 Đài tệ thưởng cho người phát hiện lao động Việt Nam bỏ trốn). Nếu đưa về được 10 người thì tổng chi phí lên tới 10.000 USD, một số tiền không nhỏ.

Trước lời đe dọa của Chính quyền Đài Loan, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tìm kiếm và đưa nhanh số người bỏ trốn về nước như: vận động gia đình kêu gọi con em về; không tuyển lao động ở những địa phương có nhiều người trốn; đình chỉ doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ trốn trên 3%; khẩn cấp cử cán bộ sang tìm kiếm... Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp, các giải pháp trên không phát huy tác dụng. Nhiều gia đình không biết con mình ở đâu mà gọi về. Địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều cũng không hẳn là trốn theo dây chuyền tỉnh hay huyện, xã. Những đối tượng trong đường dây dụ dỗ lao động Việt Nam trốn gặp ai họ cũng dụ, không kén người. Còn với giải pháp đình chỉ tạm thời 3-6 tháng, doanh nghiệp có thể chuyển hướng thị trường.

Ngày 31/12/2004 là hạn cuối cùng Việt Nam phải đưa 2.000 lao động bỏ trốn về nước. Nếu không, phía Đài Loan có thể ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Trao đổi với VnExpress chiều 6/1, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục phó Quản lý lao động Việt Nam, cho biết, đến nay phía Đài Loan vẫn chưa đưa ra quyết định đóng cửa thị trường. Nhưng Cục và ngay cả doanh nghiệp rất lo lắng bởi lệnh này có thể được thực thi bất cứ lúc nào.

Hiện nay dù chi phí thủ tục, học nghề, vé máy bay và tiền đặt cọc đưa lao động sang Đài Loan khá cao (35-45 triệu đồng), song đây vẫn là thị trường tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn Việt Nam nhất. Riêng năm 2004, trong 67.440 nhân công xuất khẩu thì số xuất sang Đài Loan lên tới 37.740 người. Nguồn ngoại tệ từ những người này mang về không nhỏ. Trừ chi phí ăn ở, trung bình sau 2 năm làm việc ở Đài Loan, một lao động có thể tiết kiệm 100 triệu đồng nếu làm việc tốt. Đây là hướng xoá đói giảm nghèo cho nhiều lao động nông thôn.

Để giữ thị trường, ông Phạm Văn Động cho rằng Nhà nước cần có cơ chế mạnh để xử lý lao động bỏ trốn, tốt nhất là phạt tù. Vì khi bỏ trốn, họ đã phá vỡ hợp đồng, vi phạm pháp luật Việt Nam và nước đang làm việc. Trước đó, trong một hội nghị về xuất khẩu lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động Tralacen, từng đề xuất lao động bỏ trốn nếu về nước trong thời gian 3-6 tháng thì được hỗ trợ vé máy bay. Sau 6 tháng mới về thì bị phạt tù. Biện pháp này đã được Trung Quốc và Indonesia áp dụng.

Như Trang
Milou
"lao động xuất khẩu" được dùng như 1 danh từ vô tri vô giác như 1 món hàng vì được "xuất khẩu". Tại sao lại phải bỏ mất chữ "người"? Chán bỏ bu với cái tiếng Việt quốc doanh này.
traucau
Bởi vì thứ hàng xuất khẩu là LAO ĐỘNG chứ không phải là NGƯỜI nên người ta bỏ đi chữ "người" vì lí do này. Chỉ là một cách giải thích, không nặng vấn đề chân lí (đúng/sai).
Phó Thường Nhân
Có bác nào biết tại sao người ta bỏ hợp đồng không ? Hồi trước, khi tôi còn ở Đông Âu, lao động VN không bỏ trốn, nhưng nhiều người tinh ranh, thường thuê người khác làm hộ để đi buôn. Vì đi buôn kiếm được nhiều tiền hơn, có vất vả nhưng không thấm gì với lao động trong nhà máy. Vào một đội lao động VN sẽ thấy 3 loại người. Một loại không biết gì thì cung cúc làm việc lấy công làm lãi, có khi 2 ca một ngày . Một loại khác thì nhởn nhơ đi ra đi vào, có lúc biến đi cả tuần lễ để "đánh quả". Một loại nữa là phiên dịch, có thể coi như lý trưởng, vì anh ta "độc quyền tiếng nói", ai cũng phải nhờ vả nên sống như vua. Nguyên nhân hồi đó là có rất nhiều người đi lao động, nhưng trình độ của họ cao hơn, đi lao động với họ thực chất chỉ để tìm được cách ra nước ngoài. Phần nữa nhiều người (có lẽ phần lớn) đều phải vay mượn rất nhiều để trả tiền phí, nếu cứ tằng tằng làm bình thường thì lúc hết hạn hợp đồng, ra về cũng trắng tay như lúc đi, có khi còn nợ thêm. Từ đó mà sinh ra đi buôn hay tăng ca.
Còn ở Đài loan thì sao ? Nếu cũng do những vấn đề tương tự, thì có lẽ giảm tiền phí tuyển lao động cũng là một cách. Nhưng điều này có lẽ quá ảo tưởng.
Thích Đậu Phụ
Em nghĩ là cứ cung cúc làm trong nhà máy / phân xưởng thì tiền kiếm được không nhiều và phải về nước đúng hạn hợp đồng . Đó là có lẽ là những lý do chính mà nhiều người lao động Việt Nam ở nước ngoài hiện nay bỏ trốn .
Nói chung thì đưa càng nhiều người Việt Nam ra nước ngoài và nếu họ được cư trú dài hạn thì càng tốt . Em cũng quen thân nhiều gia đình ở đây . Đa số họ trước là công nhân đi lao động xuất khẩu thời XHCN , sau năm 90 thì bị chính quyền sở tại cho về nhiều ( chính sách đối ngoại thay đổi , các nhà máy phân xưởng bị giải thể ) . Tuy nhiên rất nhiều người đã làm nhiều cách để ở lại , kể cả những cách như bỏ ra 1 khoản tiền để thuê 1 anh/chị tây làm chồng/vợ , cưới xong , làm xong thủ tục giấy tờ định cư là tiền trao cháo múc , anh đi đằng anh chị đi đằng chị . Người Việt Nam , nhất là những người công nhân như thế này , tuy họ ko có trình độ hay bằng cấp gì cao nhưng bù lại rất lam làm , chịu khó . Nhiều người ban đầu chỉ là đôi bàn tay trắng nay đã có nhà vườn xe hơi , con cái được học hành tử tế , cuộc sống sung túc mà mà về VN nếu mơ cũng khó . Những bác như thế này có chết cũng quyết không về VN đâu , vì với trình độ của họ , về VN rất khó kiếm tiền . Bên này ,tệ nhất là buôn thúng bán mẹt ngoài chợ đầu óc chẳng cần cao siêu , đừng học đòi vào casino thì dù khó khăn mấy cũng có của ăn của để và còn giúp đỡ được bà con anh em ở VN .
Mấy bác sinh viên trên em độ 10 năm nhiều bác bây giờ là đại gia , có bác học hết năm đầu học tiếng đã có xe xịn phóng băng băng rồi . Nhưng thời thế thay đổi , anh em sinh viên bây giờ dù có năng động mấy thì có mơ cũng không được như các bậc đàn anh .
Phó Thường Nhân
Đúng rồi, khi người ta đi lao động nước ngoài, phần lớn ai cũng muốn tích góp được chút gì đó để « đổi đời » sau này, một phần khác thì muốn định cư ở lại. Điều này cũng hoàn toàn hợp tự nhiên. Như vậy nếu phải có chính sách gì đó thì đầu tiên là phải giảm phí chi tiêu của họ cho một xuất đi lao động. Cũng phải chọn lựa cẩn thận đầu ra (nếu có thể), tức là thu nhập của người ta ở nước ngoài ra sao. Không thiếu gì chuyện hứa một đằng làm một nẻo, tiền lương hứa ở VN là một chuyện, lương thật sự kiếm được là chuyện khác.
Nhưng ở Vn vốn có truyền thống « đem con bỏ chợ » rồi « sợ nước ngoài, oai trong nước » , tức là gặp nước ngoài thì khúm núm, còn gặp công dân của mình hành hạ, ra oai. Chuyện này ở Đông Âu, ngay xưa là chuyện thường tình (bây giờ thì không biết).Ở Tây Âu, do ông chỉ có « chủ quyền hạn chế » vớiViệt kiều, nên việc này cũng hạn chế ít nhiều. Cho nên những việc nghe tưỏng nhỏ nhoi những làm được nó thì có lẽ lại trong lĩnh vực ảo tưởng.
traucau
Đa số dân ta xưa nay đi ngoại quốc toàn buôn lậu chứ làm ăn lương thiện được mấy đâu. Ngay cả buôn lậu thì trăm người được một người làm khá, còn lại long đong lận đận cả.
Mừng mỗi cái duy nhất là hàng năm vẫn gửi tiền về đều đều xây dựng tổ quốc - dù thế nào vẫn có cái công trạng với quốc gia.

Em vẫn cứ phải nói nhiều với các bác một chuyện. Các bác có đồng nào thì bỏ hết ra mà đi buôn đi, trăm người được một doanh nhân thành đạt là vui vẻ lắm rồi. Cứ ngồi húp cháo mãi mà không xót ruột à ?
Thích Đậu Phụ
Bạn traucau này nói lạ nhỉ . Đành rằng có người làm ăn vi phạm phát luật nhưng không thể nói " toàn " được .Điều bác nói chỉ đúng cách đây 10 năm trước . Bởi bây giờ , chẳng hạn ở chổ tôi , cái gì cũng luật lệ ngặt lắm , lơ mơ là bị trục về nước ngay ( mà 1 lần về nước rồi là coi như cơ hội để ra tiếp nước ngoài [ kể cả nước khác ] là 1% . 1 người buôn bán nhỏ thôi cũng chịu bao nhiêu thứ tiền không nhỏ chút nào : tiền thuế thu nhập , thuế quầy , chưa kể tiền sinh hoạt nhà ở . Nói " buôn lậu " thì to tát quá . Tôi có thâm niên bán hàng mấy năm ngoài chợ và thân quen nhiều gia đình ở đây , kể cả những người đánh hàng từ VN sang hoặc những người có phân xưởng sản xuất hàng ở nước bản địa nên cũng chút ít hiểu biết. Người nào ghê lắm ( ngàn người mới có 1 ) thì mới dám làm mác giả ( nếu bị bắt được thì 3 ngày sau ra tòa ngay , có 2 chọn lựa : 1 ngồi tù 3 năm , 2 về nước ngay lập tức ) . Còn 1 số người khác liều lắm mới bán hàng mác ( mác giả ) . Với tội này thì thường là thu hết hàng , lơ mơ cũng về nước . Còn đại đa số còn lại về mặt luật pháp chẳng có gì đáng than phiền . Lỗ lãi hay không là do trình độ đầu óc kinh doanh , may mắn thương trường , lấy đâu ra đồ mà buôn lậu . Có lẽ bác chưa ra nước ngoài hoặc nếu ra thì cũng mới biết sơ sơ chứ chưa hiểu kỹ . Bởi 1 người nếu hiểu rõ chẳng bao giờ phát biểu 1 câu như vậy , nhất là đối những người đã lăn lộn để kiếm những đồng tiền xương máu và lương thiện nơi đất khách .
Với lại nếu có gửi tiền về thì chẳng ai thèm được có chút công trạng với quốc gia đâu bác ạ . Bác nói thế là hơi xúc phạm . Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người Việt ở nước ngoài vẫn muốn được giúp đỡ người thân về vật chất tiền bạc , ai thèm quốc gia với lại đất nước như bác . Cóc ngồi đáy giếng lại cứ hay gáy o o .
traucau
Nghe văn bác em đã thấy bác lương thiện rồi, a di đà phật !
Buôn lậu mà bác nghĩ không phải là cái mà em nói ạ. Cách đây quãng 10-15 năm thì đồng bào ta có làm lậu thật, nhưng là lậu thuế chứ không phải buôn bán hàng cấm. Dân buôn hàng cấm thì ít thôi nhưng kiếm khá hơn nhiều nhiều.

Em lại bận việc rồi, xong em vào chửi bác sau nhé !
Sóng
Tôi ko biết bên Hung thế nào bên Đức thì các bác nhà mình lậu thuế là chuyện 100%. Nhà nào cũng phải lậu thuế. Nếu mua bán đuợc 1005 thì chỉ khai 50-60% là hết cỡ.
Thích Đậu Phụ
Lậu thì tất nhiên phải lậu , cụ thể là các chợ tàu / Việt thứ gì cũng có nhưng không mấy khi có hóa đơn và bảo hành ( có trốn thuế thế mới chọi nôỉ với hệ thống siêu thị rẻ thối ) . Chợ Tàu mà đắt thì còn ai thèm cất công đi mua Các chính phủ cũng biết điều đó nên họ đã đánh thuế thật nặng để bù lại rồi .
Còn 10 năm trước thì khác . Lúc ấy nhờ buôn lậu ( theo nghĩa gần như là cửu vạn biên giới ) nên nhiều bác học chưa xong năm học tiếng là đã có xe hơi để băng băng .
yuyu
Các bạn đọc mà không hiểu được những thông tin đằng sau những con chữ.
Chúng ta ai cũng công nhận " Không đâu bằng quê hương ".
Nhưng tại sao vẫn có nguời bỏ quê hương ra đi ?
Bởi sống khó khăn quá . ( Tất nhiên còn nhiều lý do khác, nhưng trong trường hợp cụ thể này là như vậy)
Tại sao cuộc sống khó khăn ?
Rõ ràng đằng sau thông tin này cho ta thấy một vấn đề :
Mặt trái của tấm mề đay tăng trưởng kinh tế.
Nếu nhìn trên con số tăng trưởng trung bình trên 7% của Việt Nam, ai cũng nghĩ là ở Việt Nam cuộc sống đang lên.
Đúng thế. Cuộc sống đang lên. Đấy là nói chung, nhưng thực chất thì chỉ đang lên đối với một số người, thậm chí đang rất lên đời. Đó trước hết là những người có chức quyền, lợi dụng cơ chế quái gở " Kinh Tế Thị Trường theo định hướng XHCN" có cơ hội cướp phá tài sản quốc gia, trở nên cực kỳ giầu có. Sau đó là những người ăn theo do có họ hàng hay ô dù trong bộ máy quyền lực. Tiếp theo có một số người láu cá, tranh thủ được tình trạng nhập nhằng này cũng đục nước béo cò, kiếm chác không ít .
Còn lại tuyệt đại bộ phận nhân dân vẫn sống nghèo khổ, cuộc sống chẳng những không lên mà đang bế tắc, tuyệt vọng.
Điều đó rất dễ thấy. Bình quân đầu người Việt Nam hiện nay chỉ khỏang 450USD/năm. Đấy là tính đổ đồng trên 80 triệu dân.
Tuy nhiên có những người giàu có bạc triệu, bạc tỉ USD, hoặc một số thu nhập cỡ hàng chục , hàng trăm ngàn USD/năm....
Trên tổng số GDP khỏang 36tỉ USD của Việt Nam. Tất cả những người có thu nhập " ngọai hạng" này chắc giỏ lắm chỉ chiếm 10% dân số
Vậy thì với số của cải còn lại, chia ra, bình quân đầu ngưòi đại trà, thực tế đối với 90% dân số còn thấp hơn nhiều.
Đó chính là tình trạng bi đát ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
Chẳng cần đi vùng sâu, vùng xa, chỉ cần về ngọai thành cách Hà Nội vài mươi km đã thấy cảnh bần cùng phơi bầy ngay trước mắt. Có rất nhiều người không kiếm nổi 1/2USD trung bình 1 ngày, nghĩa là chỉ khỏang 180USD/năm.
Do đó bản chất của vấn đề là : Sự phân phối không đồng đều thành quả tăng trưởng kinh tế
Tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng gia tăng và khỏang cách chênh lệch ngày càng lớn, trong khi nhà nước lại chưa có một hệ thống An Sinh Xã Hội, khiến cho cảnh Người Ăn Không Hết, Kẻ lần không ra, đang là một hiện thực nhức nhối của Xã Hội ta ngày nay, và nạn nhân chủ yếu là những người dân nông thôn ở những vùng đất chật người đông, lại bị nạn cường hào mới và các chính sách kinh tế bất hợp lý làm cho trầm trọng thêm.
Trong khi có những người đi những chiếc xe bạc tỉ, thì lại có những người phải đi bới rác kiếm ăn.
Chính vì vậy, đôi với nhiều người, ra nước ngoài vẫn là lối thóat duy nhất. Mặc dù không phải họ không biết, cuộc sông nơi đẩ khách quê người đối với họ không phải dễ dàng, nhưng họ vẫn hy vọng còn dễ sống hơn ở quê hương, nơi mà họ hòan tòan tuyệt vọng.
traucau
quote: Với lại nếu có gửi tiền về thì chẳng ai thèm được có chút công trạng với quốc gia đâu bác ạ . Bác nói thế là hơi xúc phạm . Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người Việt ở nước ngoài vẫn muốn được giúp đỡ người thân về vật chất tiền bạc , ai thèm quốc gia với lại đất nước như bác . Cóc ngồi đáy giếng lại cứ hay gáy o o .

Bác này biết chữ mà không biết đọc. Em mừng là ở chỗ hàng năm Kiều bào ta gửi về cho gia đình họ hàng bà con ruột non ruột già trong nước vài tỉ USD, giúp đời sống bà con ta bớt nghèo đói... Em nghĩ đó là cái công trạng với quốc gia, em ghi nhớ và biết ơn. Có vậy thôi mà bác đã mắng em xúc phạm (ai nhở ?) thì chán quá.

Còn cái chuyện buôn lậu thì bác đồng ý rồi nên em tha cho bác "Lậu thì tất nhiên phải lậu , cụ thể là ..."
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.