Cuối cùng, bản dự thảo lần thứ 4 Luật điện ảnh Việt Nam cũng được đưa ra thảo luận công khai vào ngày 24/5 sau hơn 10 năm trông đợi. Thế nhưng, hầu hết các đạo diễn, nhà sản xuất- những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật- lại không hề thoả mãn.

1. Nhiều vấn đề gay cấn không được giải quyết.

Không ít nhà sản xuất và đạo diễn tin rằng điện ảnh Việt Nam chỉ có thể phát triển vững chắc khi Luật điện ảnh ra đời. Tuy nhiên, khi đọc dự thảo, họ đều có cảm giác bị " dội một gáo nước lạnh".

Đạo diễn Khái Hưng (GĐ hãng phim truyền hình Việt Nam) "nóng mặt": "Chẳng lẽ Luật làm ra chỉ để quản lí 10-15 phim truyện nhựa/năm và một lượng phim video nhất địn, còn lại khoảng hơn 500 tập phim truyện truyền hình sản xuất hàng năm thì sao? Hơn nữa, đội ngũ của những người sáng tác phim truyền hình đều do các trường đào tạo hoặc chuyển sang từ các đơn vị sản xuất phim điện ảnh. Đài truyền hình VN do chính phủ quản lí về mặt nhà nước nhưng hoạt động theo luật Báo chí. Các đài địa phương chịu sự quản lí của UBND tỉnh và TP nhưng lại qua sự kiểm duyệt của sở VH-TT, Cục điện ảnh. Như vậy, rõ ràng có sự thiếu thống nhất và chồng chéo giữa truyền hình và điện ảnh. Cách thức quản lí hiện nay gây khó khăn cho các cơ quan quản lí nhà nước". Có một thực tế là phim truyền hình (không cần xin giấy phép của cục điện ảnh mà hoạt động theo Luật Báo chí) nhưng sau đó chuyển thể thành phim nhựa thì có cần xin giấy phép không hay chỉ vô tư làm như trường hợp 39 độ yêu của Phim Việt và TFS? Trào lưu biến phim truyền hình thành điện ảnh cũng đang thịnh hành trên thế giới.

Một vấn đề khác là ứng xử như thế nào với dòng phim truyền thống vốn là dòng phim luôn được ưu ái chăm chút từ nhiều phía, cấp đầu tư và quản lí cũng như người sáng tác, công luận... nhưng kết quả thì chẳng thoả mãn ai! Đặc biệt là những thất thoát, tiêu cực... do thoải mái vung tay xài "tiền chùa" dẫn đến nhiều chuyện rắc rồi, gây kiện cáo như phim Chiếc hộp gia bảo, Ngã ba Đồng Lộc...Đây là điều mà người trong nghành từng gọi tên là "ăn đầu vào", tức là đã đến mức thành thông lệ (tuy mức độ ở từng phim có khác nhau). Vậy, phải xử lí như thế nào mỗi khi nghệ thuật bị các động cơ vụ lợi lấn át? Tuy nhiên, chương 7 dự thảo "khiếu nại, tố cáo và xử lí vi phạm trong hoạt động điện ảnh" lại hoàn toàn làm ngơ!.
Nhưng câu chuyện mang ý nghĩa "tồn tại hay không tồn tại" như: cổ phần hoá các hãng phim nhà nước, hành lang pháp lí cho các hãng phim tư nhân, nhất là các hãng có yếu tố nước ngoài, cũng chẳng được dự thảo Luật này mảy may bận tâm! Nhàoi ra, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, tiêu chí duyệt kịch bản, duyệt phim (cần có sự khác biệt về tiêu chí xét duyệt giữa phim có tài trợ của nhà nước và phim làm bằng tiền góp vốn của các cổ đông), rồi ranh giới phân biệt giữa phim hành động và phim bạo lực, cảnh bày tỏ tình cảm, hở hang mức nào thì bị coi là khiêu dâm cũng chưa rõ ràng...chuyện bảo hiểm nghề nghiệp cho những diễn viên chẳng may dính phải tai nạn...Còn đạo diễn Lê Đức Tiến (GĐ Hãng phim Giải Phóng) thì kiến nghị bổ sung ngay một chương về thị trường điện ảnh. Vì việc mua, bán phim hoàn toàn là nhu cầu có thật. Không mua bán, trao đổi thì lấy đâu để tái đầu tư, sản xuất tiếp, lấy tiền đâu để làm những bộ phim nghệ thuật.

2. Có cần thiết phải làm luật :

Luật Điện ảnh mới chỉ ở dạng dự thảo. Tất nhiên sẽ có chỉnh sửa, bổ sung. Thế nhưng điều khó hiểu là tại sao sau hơn 10 năm suy ngắm tìm tòi, những người làm luật vẫn xa rời thực tế như thế? Vì thế có đạo diễn đã đặt câu hỏi ngược là liệu có cần thiết phải làm luật không khi những ngôn từ trong dự thảo chỉ mang giọng điệu của chính sách, nghị quyết! Thậm chí, theo đạo diễn Hải Ninh, ngay những người làm luật còn rất mù mờ về khái niệm chuyên môn. Chẳng hạn, điều 16 "thay đổi nội dung kịch bản văn học" tức là "thay đổi hình ảnh, âm thanh, lời thoại, hành động và bối cảnh". Mà kịch bản văn học trên giấy thì làm gì có âm thanh. Hay giải thích thuật ngữ một cách vòng vo như "sản xuất phim" (điều 3) là "việc cung cấp phương tiện, trang thiết bị kĩ thuật và con người phục vụ cho quá trình sản xuất phim"
Chưa hết, người làm luật còn đánh đồng giữa cá tính sáng tạo của nghệ sĩ và chức năng phục vụ chính trị, ví dụ: điều 15 quy định đạo diễn phải "sửa chữa nội dung tư tưởng, nghệ thuật, kĩ thuật phim theo yêu cầu của cơ quan quản lí nhà nước về điện ảnh"... Và, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đặt nghi vấn rằng đằng sau những sai sót về tu từ, về thuật ngữ chuyên môn là một tư duy làm luật nặng về khuôn sáo đến mức quy định những đạo diễn, nhà sản xuất phim phải có trình độ đại học về đạo diễn. "Nếu thế thì gần một nửa số đạo diễn VN sẽ phải giải nghệ. Hơn nữa, bằng cấp không quan trọng bằng tài năng. Nếu muốn làm phim, hãng chúng tôi chỉ cần đi thuê đạo diễn có bằng cấp để lấy danh nghĩa rồi việc mình mình cứ làm thì ai kiểm soát", giám đốc hãng phim Phước Sang thắc mắc. Thế thì chẳng khác nào làm luật chỉ để cho có, rồi cuối cùng thì sai đâu sửa đấy, càng sửa lại càng sai...

(Theo TT-VH)