Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trách Nhiệm Của Người Có Học Khi Phát Biểu
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Mr. Smith
http://www.tiasang.com.vn/newspage?id=300

Bài này của Phan Việt viết tốt hơn hai bài trước trên Tia sáng. Thẳng thắn và khá thuyết phục.

user posted image

Gần đây, trên báo chí của Việt Nam liên tục xuất hiện các phỏng vấn, kêu gọi, giao lưu và thảo luận mang tính quốc gia với những người có học hàm học vị, mà nổi bật nhất là với tiến sỹ Vũ Minh Khương (tốt nghiệp ĐH Harvard - Mỹ) về các vấn đề như cải cách giáo dục, phát triển kinh tế, đánh giá cán bộ, kêu gọi thanh niên, thời cơ quốc gia... (cụ thể, xin xem trên website của Vietnamnet và Tuổi Trẻ trong thời gian qua và xem buổi giao lưu nhân dịp Tết của Vietnamnet với tiến sỹ Khương). Đây là những vấn đề quan trọng; nhưng theo dõi những bài phát biểu của tiến sỹ Vũ Minh Khương, tôi nhận thấy rất nhiều phát biểu và hô hào của anh thật là vô nghĩa và lẽ ra không nên được thổi phồng trên quy mô quốc gia, vì chúng có thể đưa đến những nhận thức lệch lạc cho công chúng. Bài viết này trình bày một vài suy nghĩ của tôi về trách nhiệm của người có học khi phát biểu về các vấn đề xã hội trước công chúng


Không phải tiến sỹ nói gì cũng đúng, cũng nên tin

Một ví dụ cụ thể cần phải được báo động là việc tiến sỹ Vũ Minh Khương liên tục phát biểu những lời hết sức thiếu khoa học và những hô hào vô nghĩa trên nhiều báo chí cả nước trong thời gian qua. Bài mới nhất của anh về Tầm vóc dân tộc và công cuộc phát triển (đăng trên Vietnamnet, ngày 5-1-2006) là một ví dụ điển hình. Ở bài này, anh cho rằng tầm vóc dân tộc là yếu tố sống còn cho phát triển, và tầm vóc dân tộc bao gồm (1) khát vọng dân tộc, (2) tầm nhìn và tư duy, (3) tâm huyết và tài năng của những đội ngũ trụ cột, (4) tinh thần học hỏi và hợp tác, và (5) đặc tính văn hóa. Phân tích cụ thể thì dài, tôi chỉ xin chỉ ra một ví dụ nhỏ, ngay từ phần đầu trong nhận định của anh.


Anh cho rằng khát vọng dân tộc là yếu tố rất quan trọng, dựa trên “nền tảng của lòng yêu nước, tính tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai”. Nhưng không hiểu, những thứ này – ví dụ như tính tự tôn dân tộc – là đặc điểm trong mỗi cá thể hay là một thứ chung chung cho cả nước? Nếu là thứ chung chung cho cả Việt Nam thì anh tính nó bằng cách đem cộng tổng số khát vọng dân tộc của mỗi người Việt Nam lại hay thế nào? Ví dụ như nếu cần phải cải thiện khát vọng dân tộc thì cải thiện ở từng cá nhân hay ở đâu, làm thế nào? Nếu như khát vọng dân tộc là đặc tính di truyền cho mỗi nhóm người, thì còn bàn đến làm gì? Còn nếu có thể dùng đến giáo dục để nâng cao khát vọng dân tộc thì sao anh không nói thẳng luôn giáo dục là yếu tố sống còn của phát triển mà lại đi dùng một cái khái niệm trên ngọn cây và hết sức mơ hồ như thế kia?


Đứng về mặt xã hội, lối tư duy của anh nguy hiểm ở chỗ nó cứ hướng người ta tới một sự đua tranh ảo nào đó; rằng chúng ta phải cố mà lên được tầm này tầm khác, đứng hàng nọ hàng kia trong thế giới. Sao không nghĩ rằng chỉ cần chúng ta no ấm, đời sống con người văn minh là đủ, ở chỗ nào trong thế giới mà chả được? Sao không nghĩ rằng ở các nước khác, các nhà chính trị muốn làm gì thì làm, người dân chỉ chú trọng một điều là họ là người lao động tốt, sống có đạo đức, có sự chuyên nghiệp, họ làm cha làm mẹ một cách tử tế, cần gì biết đến chuyện nước họ đứng ở đâu? Sao không nghĩ rằng người ta thậm chí không cần đến cái tinh thần dân tộc một cách cục bộ; cái mà người ta cần là ý thức về sự làm người của mình, rằng dù sống ở Việt Nam hay ở Mỹ hay ở Nam Phi thì người ta cũng vẫn cần phải có những phẩm chất như nhau – ví dụ như sự trung thực và trách nhiệm trong lao động, lòng trắc ẩn với con người, sự dũng cảm và ham học hỏi... có những cái đó ở mỗi người thì tự khắc mọi việc sẽ tốt lên? Sao không nghĩ rằng chỉ có một thế giới chung mà lại cứ phải tách ra thành hai thế giới - Việt Nam và các nước còn lại? Sao không nghĩ rằng những thứ to tát trên không thể thay thế được trình độ lao động, nhận thức và tính chuyên nghiệp của người lao động?


Lẽ ra, thay vì kêu gọi thanh niên có lòng yêu nước, có ý chí dân tộc, phải biết vươn mình như Thánh Gióng, anh nên kêu gọi thanh niên học tập cho tốt, trở thành những người lao động lành nghề và có trách nhiệm. Có đội ngũ lao động như thế thì Việt Nam mới mong có thể thu hút đầu tư hay gia công xuất khẩu gì đó; chứ hiện nay trên thị trường Mỹ, đi đâu cũng chỉ thấy hàng gia công từ Trung Quốc, hoạ hoằn lắm mới thấy hàng gia công từ Việt Nam.
Lẽ ra, thay vì làm cho người ta có ảo tưởng rằng cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam, rằng thời cơ Thánh Gióng đã đến với Việt Nam, anh nên nói một cách khách quan rằng thời cơ là cho tất cả thế giới và Việt Nam thực sự chỉ là một phần nhỏ trong cả thế giới; muốn đi lên thì cứ bình tĩnh mà cải tổ từng bước, đừng ảo tưởng vào sự lớn vụt hay vươn mình nào vì quán tính của cách suy nghĩ và tư duy cũ còn rất nặng nề tại Việt Nam – anh Khương chính là một đại diện tiêu biểu của lối tư duy “cán bộ Đoàn” đó mặc dù anh đã đi học ở Mỹ rất lâu.


Lẽ ra, thay vì phát biểu những điều to tát trên báo chí về phát triển kinh tế, về đánh giá cán bộ như thể chúng được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, anh nên nói rõ rằng chúng chỉ dựa trên lý thuyết trong trường học. Thế mà nguy hiểm là chúng lại tạo những ảo tưởng rất tai hại cho những người đọc trong nước, những người không có nhiều công cụ phân tích và ít được nghe các khái niệm to tát. Cụ thể là đọc những bài phản hồi của bạn đọc với các bài viết của anh trên báo Tuổi Trẻ và Vietnamnet, tôi rất lấy làm phiền lòng vì sự háo hức và ảo tưởng mà các bạn trẻ lây từ anh về một cuộc đổi đời, hoá rồng nhanh chóng nào đó chỉ bằng niềm tin và lòng nhiệt tình. Lẽ ra anh nên nói rằng cái cần nhất lúc này là lao động, lao động, và lao động. Là học lấy sự chuyên nghiệp và sự văn minh trong cư xử, từ cái nhỏ nhất trở đi chứ đừng mơ mộng hão huyền.


Lẽ ra...

Vài suy nghĩ về trách nhiệm của một người có học khi phát biểu trước công chúng

Xưa nay, người ta thường tin vào những người có bằng cấp, đã thành công, có quan hệ với người này người kia... nói theo thành ngữ Việt Nam là “miệng kẻ sang có gang có thép”. Ở Việt Nam, xã hội đang thay đổi mạnh nên có động thái “có bệnh thì vái tứ phương” mà không kịp tìm hiểu xem thày mình mời bốc thuốc là thày nào. Tâm lý này đưa đến sự tôn vinh không chính xác những thứ hào nhoáng giả vờ, như người có bằng tiến sỹ, giáo sư tại Mỹ, Việt kiều thành công ở nước ngoài, sinh viên giỏi ở nước ngoài... mà không biết thực chất những sự thành công và bằng cấp kia là thế nào.


Tôi nghĩ, càng được tin tưởng và có nhiều người nghe, người ta càng phải thận trọng và có trách nhiệm với các phát biểu của mình. Giả sử tôi viết tiểu thuyết, có ngớ ngẩn một tí thì chắc cũng không chết ai; nhưng nếu triển khai một chính sách sai thì cái hại không biết đâu mà lường. Tạo ra một ảo tưởng sai cho một đám đông thì cái hại cũng không biết bao giờ mới sửa được.


Trừ những ngành khoa học kỹ thuật như toán, lý, hóa, tin học, y học, dược học, cơ khí... - những ngành mà phạm vi áp dụng của nó khá tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam, theo tôi, các ngành khoa học xã hội đòi hỏi người làm chính sách hoặc xây dựng lý thuyết phải có thời gian tìm hiểu thực tế và sống trong môi trường thực tế chứ không chỉ nói chung chung trên các lý thuyết, nhất là lý thuyết học từ nước ngoài - trừ khi anh là thiên tài có khả năng tư duy trừu tượng rất cao, điều mà tôi nghi ngờ ở những người Việt Nam sang Mỹ du học. Vì thế, việc phát biểu những điều to tát về chính sách hay về các phong trào xã hội là một điều một người có học nên hết sức thận trọng. Nếu có phát biểu, cần nêu rõ giới hạn những phát biểu của mình.


Chốt lại, tôi muốn nói rằng đừng nhìn thấy một người có học vị tiến sỹ ở Mỹ, dù ở trường nào, mà nhầm tưởng người đó có thể kinh bang tế thế. Xã hội nên thận trọng khi giao phó những bài toán lớn cho những người mới chỉ được chứng minh khả năng qua học vị tiến sỹ. Bản thân tôi, nếu có được hỏi phát biểu trên báo chí thì tôi chỉ trả lời các phỏng vấn về chuyện du học, về chuyện đời sống ở Mỹ...; chứ tuyệt nhiên ở thời điểm này và kể cả đến lúc lấy được bằng tiến sỹ, tôi sẽ không cho phép mình phát biểu bất cứ điều gì về chính sách xã hội ở Việt Nam. Đơn giản là tôi nghĩ tôi không có hiểu biết thực sự về các vấn đề xã hội khi mà tôi sang Mỹ đã 5 năm nay và từ lúc bắt đầu học về chính sách xã hội thì tôi chưa có lúc nào về Việt Nam để thực sự tìm hiểu mọi thứ trong khi xã hội Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng. Lẽ dĩ nhiên, nếu phát biểu chỉ dựa trên lý thuyết được học tại trường thì tôi có thể nói tràng giang đại hải rất nhiều (và có lẽ với rất nhiều mỹ từ) về các loại chính sách xóa nghèo, chính sách phát triển cộng đồng, về các chính sách phúc lợi trẻ em, chính sách lao động, nhân tố nọ, nguồn lực kia, mô hình nọ, khái niệm kia; nhưng nói những điều lý thuyết sách vở đó là vô nghĩa và thiếu trách nhiệm.


Bản thân là người học qua chương trình thạc sỹ về truyền thông và cũng là người viết báo, tôi biết cái hạn chế của việc trình bày các vấn đề học thuật trên mặt báo cũng như những yếu tố khác nữa trong guồng máy sửa chữa, lên bài cho đúng chủ trương chính sách. Nhưng tôi thiết nghĩ, nguyên tắc của người làm khoa học là mỗi lời nói ra phải có ý nghĩa và phải có chất lượng cao nhất. Nghĩa là về tính chính xác, phát biểu đó phải chính xác ngang nhau khi nói với người đọc đại chúng trong nước hay trước một hội đồng các giáo sư, hay để nộp cho một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Ngôn ngữ, giọng điệu có thể khác, nhưng ý nghĩa của các nhận định thì phải như thể người ta đang phát biểu trước một hội đồng kiểm duyệt khắt khe nhất của những người có trình độ cao. Nếu nó không đạt được tính chính xác đó, thì tốt nhất là không nên nói. Im lặng không nói điều vô nghĩa cũng là một phẩm chất cần có của người có suy nghĩ vậy.


Phan Việt
Tiểu Vũ
Nhiều luận điểm của chị Việt chưa thật sự thuyết phục, tính ngộ nhận cao. Nhưng có mấy cái nhầm lẫn này là căn bản nhất:

- Dù là khoa học căn bản hay khoa học xã hội, người làm khoa học không có trách nhiệm phải chỉ ra sự thật 100%. Người làm khoa học chỉ có nghĩa vụ phân tích các hiện tượng chọn lọc và đưa ra các kết luận chuyên môn dựa trên một mô hình lý thuyết cụ thể nào đó. Chuyện sai sót là bình thường và người đọc phải chấp nhận sự rủi ro ấy như một phần đương nhiên thường xuyên xảy ra trong cuộc sống (cũng đừng nghĩ một kết luận khoa học sai thì vô giá trị, có khi một kết luận sai còn giá trị hơn một kết luận đúng). Bài viết của anh Khương cũng không nằm ngoài hiện thực này. Đơn giản anh Khương chỉ đưa ra những nhận định cá nhân dựa trên những căn cứ khoa học có cơ sở đáng tin hữu hạn nhất định.

- Đối với việc bình phẩm chuyên môn một bài viết kinh tế (một ngành lý thuyết tương đối trừu tượng) thì nên nắm các kiến thức căn bản, qua đó biết được người viết xuất phát điểm từ đâu và đang đi về đâu. Chưa làm được điều này tức là gần như chắc chắn anh chưa có đủ cảm quan để nhìn đúng bản chất bài viết của người ta. Như thế mà vội vàng chặt chém thì dễ trượt ra ngoài trọng tâm vấn đề. Trong bối cảnh đó, nghiêm trọng nhất ta cũng chỉ nên phê phán về hình thức và độ đáng tin trong các luận điểm của tác giả. Còn lớn tiếng tới mức bảo tác giả phát ngôn "vô nghĩa" thì quả thật chị Việt đã phấn khích hơn mức cần thiết.
Tất nhiên, anh Khương chưa làm hết nhiệm vụ của người làm khoa học, đó là dẫn dắt tư duy của mình một cách rõ ràng hơn, trình bày việc lấy cơ sở lý luận từ đâu và quá trình hoàn thiện luận điểm như thế nào, vân vân. Tuy nhiên, đối với bài viết cho đại chúng với mục tiêu cần thiết hơn là đi thẳng vào tâm vấn đề một cách nhanh chóng gọn gàng, thì điều này có thể tạm châm chước được. Có lẽ cái thiếu của anh Khương là những dẫn chứng cụ thể sinh động, nhằm biểu đạt được bản chất luận điểm của mình mà vẫn dễ thông hiểu được bởi độc giả ngoại đạo.

- Chị Việt bác bỏ tư duy kinh tế của anh Khương bằng tư duy kinh tế của mình thông qua một loạt các luận điểm "lẽ ra ..." Ở đây tôi gọi những luận điểm của chị Việt là các tư duy kinh tế vì chị đã trực diện phê phán các kết luận của anh Khương, vốn chỉ hữu hạn trong phạm trù kinh tế học. Cụ thể điều ấy nghĩa là chị Việt đang muốn làm tốt hơn anh Khương trong việc giải quyết một câu hỏi kinh tế hoàn toàn nghiêm chỉnh: cái gì là quan trọng thiết thực cho tiến trình phát triển kinh tế đất nước. Điều này tốt thôi, phù hợp với quyền tự do phát biểu chính kiến cá nhân. Nhưng nó không hề phục vụ cho mục tiêu mà bài viết của chị đang đặt ra, đó là phân tích về trách nhiệm khi phát ngôn của người trí thức. Đơn giản bởi vì anh Khương không hề có trách nhiệm phải có quan điểm chuyên môn giống như của chị Việt khi phát ngôn. Điều đó là đương nhiên. Ở đây chị Việt đã việt vị quá xa.

- Điểm cuối cùng này tế nhị một chút. Chị Việt thiếu một cái nhìn chính trị. Trước đây tôi đã nói vui với anh Xơ Mít thế này. "Đọc Tam Quốc thì không ai đi bình phẩm kiếm pháp của ông Lưu Huyền Đức cao thấp ra sao khi cùng Quan, Trương ra múa may cản đường Lã Bố". Việc bình phẩm ấy vô vị và buồn cười. Với bài viết này, chị Việt đã chọn một con dao bầu rất to để chém một cọng cỏ nhỏ hypocrite.gif
yuyu
QUOTE
Bản thân tôi, nếu có được hỏi phát biểu trên báo chí thì tôi chỉ trả lời các phỏng vấn về chuyện du học, về chuyện đời sống ở Mỹ...; chứ tuyệt nhiên ở thời điểm này và kể cả đến lúc lấy được bằng tiến sỹ, tôi sẽ không cho phép mình phát biểu bất cứ điều gì về chính sách xã hội ở Việt Nam. Đơn giản là tôi nghĩ tôi không có hiểu biết thực sự về các vấn đề xã hội khi mà tôi sang Mỹ đã 5 năm nay và từ lúc bắt đầu học về chính sách xã hội thì tôi chưa có lúc nào về Việt Nam để thực sự tìm hiểu mọi thứ trong khi xã hội Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng. Lẽ dĩ nhiên, nếu phát biểu chỉ dựa trên lý thuyết được học tại trường thì tôi có thể nói tràng giang đại hải rất nhiều (và có lẽ với rất nhiều mỹ từ) về các loại chính sách xóa nghèo, chính sách phát triển cộng đồng, về các chính sách phúc lợi trẻ em, chính sách lao động, nhân tố nọ, nguồn lực kia, mô hình nọ, khái niệm kia; nhưng nói những điều lý thuyết sách vở đó là vô nghĩa và thiếu trách nhiệm.



Riêng đoạn này cũng đủ cho cả bài viết của Phan Việt vào sọt rác rồi.

Tại sao lại phải Tự Ti như vậy ?
Phan Việt phản đối Tự Tôn, cho rằng đừng nên ăn to nói nhớn, "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ", đồng ý cũng có ý đúng. Tiến sĩ cũng chưa phải là to.
Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chẳng dám suy nghĩ, phát biểu hay dám làm gì ?
Cái kết luận của Phan Việt là dựa trên một cái fact đã sai lầm đó là những lời phát biểu của tiến sĩ Vũ Huy Khương.
Đi học tiến sĩ mà như Khương hay Việt thì học làm gì cho phí rượu vì chung qui vẫn không thoát khỏi cái sọ bị nhồi đầy những sai lầm từ thời còn làm " cán bộ đoàn " đó là cái nhìn của một con đà điểu.

Người xưa đã nói " Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Nghĩa là sự hưng vong của một quốc gia cũng có trách nhiệm của cả một kẻ tầm thường, chứ không phải chỉ là của những lực lượng tinh hoa. Vậy thì một người phó thường dân cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm suy nghĩ, phát biểu hay hành động vì đất nước chư đâu cần phải tiến sĩ, giáo sư này nọ.
Vệ Quốc, Kiến Quốc, Hưng Quốc hay Vong Quốc là trách nhiệm của Toàn Dân, bất kể nam, phụ, lão, ấu, trí, ngu, quí, tiện, sang, hèn ....Hà tất lại phải câu nệ, phân biệt ?
Tất nhiên mỗi người có trách nhiệm và đóng góp công sức mình ở địa vị , khả năng của mình. Điều đó không có gì đáng bàn.
Vấn đề nổi cộm hiện nay của Việt Nam là vấn đề Nghèo Đói và Thiếu Dân Chủ. Do đó con đường tương lai của Việt Nam hướng tới phải là xây dựng một đất nước Dân Chủ và Giàu Mạnh.
Điều đó quá đơn giản và rõ ràng, một người dân bình thường thất học cũng nhận ra chứ không cần phải là người có học.
Vậy mà những người như anh Khương, chị Việt, mang tiếng là học hành, bằng cấp tại Mỹ này nọ mà ú a ú ớ, lằng nhà lằng nhằng trong những phát biếu rất dài dòng và mơ hồ của mình , không toát lên được một ý nào về Dân Chủ chứ chưa nói đến việc dùng đích danh từ Dân Chủ .

QUOTE
Đơn giản là tôi nghĩ tôi không có hiểu biết thực sự về các vấn đề xã hội khi mà tôi sang Mỹ đã 5 năm nay và từ lúc bắt đầu học về chính sách xã hội thì tôi chưa có lúc nào về Việt Nam để thực sự tìm hiểu mọi thứ trong khi xã hội Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng.



Viết câu trên chứng tỏ chị Việt rất là ngố, nếu không muốn nói là ngu khi có quan điểm như vậy.
Nếu cứ ở đâu mới biết ở đấy, ở lúc nào mới biết lúc ấy thì đi du học làm gì cho phí rượu ? Rõ là cái tư duy ngắn ngủn của một người đàn bà dốt nát chứ chưa được là một người đàn bà bình thường, vì chị hoàn toàn không có khái niệm gì về khả năng tư duy trừu tượng, óc tổng hợp, khái quát và khả năng suy luận logic.
Người như chị thì nên ở nhà làm bộ trưởng bộ khói um còn hơn là đi du học đây đó mà suy nghĩ không vượt quá ngọn cỏ.

Trở lại vấn đề:
Chẳng cứ là người có học, mà nói chung , mọi người Việt Nam đều nên và đều phải có trách nhiệm suy nghĩ về tình hình đất nước. Nếu ai không làm nổi hay không dám làm việc đó thì nên tránh ra, về nhà đắp chăn, bú mẹ, để người khác làm việc đó, chứ không nên phát biểu lăng nhăng , mơ hồ như anh Khương, chị Việt.
Vấn đề của Việt Nam vốn đơn giản và rõ như ban ngày, vậy mà các anh chị lại làm cho nó rối rắm và mơ hồ, đến mức chẳng còn có vấn đề gì cả, hoặc toàn những vấn đề ở 2 đầu cực đoan, hoặc là quá mơ hồ, viển vông như " tầm vóc dân tộc " hoặc là quá tầm thường, nhỉ mọn như " lao động, kiếm xèng cho tốt ".

Vấn đề của Việt Nam đơn giản và rõ như ban ngày, đó là nghèo đói, tham nhũng, bất công, độc tài, thiếu dân chủ, tự do.
Vì vậy mọi trí tuệ sức lực của toàn dân đều phải và nên hướng vào đó. Chúng ta đang khắc phục sự nghèo đói, đó là việc làm tốt, đáng mừng, nhưng chưa đầy đủ, bởi muốn có phát triển ổn định, bền vững và sự phân phối thành quả tăng trưởng đồng đều hơn, giảm thiểu các quốc nạn và tệ nạn thì phải có cải cách cơ chế, cải cách chính trị, tức là phải Dân Chủ Hoá đất nước. Xây dựng một nhà nước Dân Chủ - Pháp Trị.
Vấn đề rõ ràng sáng sủa như vậy mà các anh chị đi học ở Mỹ , không nói đến nửa chữ, thì rõ là toi cơm.
Lê Ki Ma
Anh Khương thích gì thì cứ phát biểu thôi. Cái em không đồng ý với anh Khương là bài viết của anh rất dễ làm cho các em út tuổi teen thêm ngộ nhận về những điều đã thấm sâu vào suy nghĩ của người VN ta hơn mấy chục năm nay. Bây giờ là thời điểm để nhìn lại thực lực và thằng thắn với thực tế chứ không nên tiếp tục mấy trò hô khẩu hiệu mị dân .
Tiểu Vũ
Chị Việt không phải người làm khoa học lý thuyết mà đi bắt bẻ tư duy của một ông làm khoa học lý thuyết là lộn sòng rồi. Những cái "lẽ ra ... " mà chị đưa ra để chất vấn bác Khương hoàn toàn cảm tính chủ quan. Trước khi hỏi tại sao lại là A chứ không phải B, ta phải thật hiểu A bao hàm những cái gì, trong đó đã có B hay chưa.

Ngành kinh tế học đã là ăn tục nói phét khá nhiều, sống lệ thuộc bằng các tư duy của toán học và độ chính xác chỉ có tính tương đối dựa trên công cụ toán thống kê. Tuy nhiên nó vẫn có độ chặt chẽ và tính hệ thống cao, tạm coi là một ngành khoa học lý thuyết được. Còn những ngành như báo chí với xã hội học thì lại càng đầu không chạm trời, chân không chạm đất, tư duy đụng đâu đổ đấy là đương nhiên. Các ngành này vai trò chỉ hạn chế ở việc đưa ra con số và đưa ra những nhận xét chủ quan sơ bộ.
Mr. Smith
QUOTE(Tiểu Vũ @ Feb 24 2006, 04:16 PM)
Chị Việt không phải người làm khoa học lý thuyết mà đi bắt bẻ tư duy của một ông làm khoa học lý thuyết là lộn sòng rồi. Những cái "lẽ ra ... " mà chị đưa ra để chất vấn bác Khương hoàn toàn cảm tính chủ quan. Trước khi hỏi tại sao lại là A chứ không phải B, ta phải thật hiểu A bao hàm những cái gì, trong đó đã có B hay chưa.

Ngành kinh tế học đã là ăn tục nói phét khá nhiều, sống lệ thuộc bằng các tư duy của toán học và độ chính xác chỉ có tính tương đối dựa trên công cụ toán thống kê. Tuy nhiên nó vẫn có độ chặt chẽ và tính hệ thống cao, tạm coi là một ngành khoa học lý thuyết được. Còn những ngành như báo chí với xã hội học thì lại càng đầu không chạm trời, chân không chạm đất, tư duy đụng đâu đổ đấy là đương nhiên. Các ngành này vai trò chỉ hạn chế ở việc đưa ra con số và đưa ra những nhận xét chủ quan sơ bộ.
*



Có một số điều chưa đồng ý với Tiểu Vũ với bác yuyu nhưng dạo này tớ lười nên ngại viết với tranh luận, có điều là riêng câu trên đã có 2 cái sai.
1. Anh Khương học về Public Policy là một ngành khoa học xã hội về chính sách, không phải khoa học lý thuyết. Bạn Việt học về Social Works (báo chí Việt Nam dịch nhầm là xã hội hoc (Sociology) nhưng không phải), chính ra cũng khá gần với ngành của anh Khương nhưng thiên về vi mô.
2. Không phải cứ học về khoa học lý thuyết mới được quyền bắt bẻ tư duy của người học khoa học lý thuyết.
Tiểu Vũ
QUOTE(Agent Smith @ Feb 24 2006, 11:21 PM)
QUOTE(Tiểu Vũ @ Feb 24 2006, 04:16 PM)
Chị Việt không phải người làm khoa học lý thuyết mà đi bắt bẻ tư duy của một ông làm khoa học lý thuyết là lộn sòng rồi. Những cái "lẽ ra ... " mà chị đưa ra để chất vấn bác Khương hoàn toàn cảm tính chủ quan. Trước khi hỏi tại sao lại là A chứ không phải B, ta phải thật hiểu A bao hàm những cái gì, trong đó đã có B hay chưa.

Ngành kinh tế học đã là ăn tục nói phét khá nhiều, sống lệ thuộc bằng các tư duy của toán học và độ chính xác chỉ có tính tương đối dựa trên công cụ toán thống kê. Tuy nhiên nó vẫn có độ chặt chẽ và tính hệ thống cao, tạm coi là một ngành khoa học lý thuyết được. Còn những ngành như báo chí với xã hội học thì lại càng đầu không chạm trời, chân không chạm đất, tư duy đụng đâu đổ đấy là đương nhiên. Các ngành này vai trò chỉ hạn chế ở việc đưa ra con số và đưa ra những nhận xét chủ quan sơ bộ.
*



Có một số điều chưa đồng ý với Tiểu Vũ với bác yuyu nhưng dạo này tớ lười nên ngại viết với tranh luận, có điều là riêng câu trên đã có 2 cái sai.
1. Anh Khương học về Public Policy là một ngành khoa học xã hội về chính sách, không phải khoa học lý thuyết. Bạn Việt học về Social Works (báo chí Việt Nam dịch nhầm là xã hội hoc (Sociology) nhưng không phải), chính ra cũng khá gần với ngành của anh Khương nhưng thiên về vi mô.
2. Không phải cứ học về khoa học lý thuyết mới được quyền bắt bẻ tư duy của người học khoa học lý thuyết.
*



1. Bài viết của anh Khương "nâng tầm vóc dân tộc để phát triển" (nhớ không nhầm thì là vậy) bàn về các yếu tố mà anh ta coi là quan trọng trong phát triển kinh tế bối cảnh VN. Các luận điểm của anh Khương tuy bề ngoài thì nôm na nhưng bài viết thì đã có khung sườn của một bài báo khoa học lý thuyết (kiểu một cái conceptual frame work laugh1.gif). Như vậy muốn bác bỏ các luận điểm của nó ta vẫn phải tiếp cận một cách khoa học, tức là biết cơ sở lý thuyết xuất phát của nó từ đâu, đang đi về đâu, tầm bao quát thế nào. Không làm vậy thì bài phản biện sẽ chỉ có giá trị cảm tính không chuyên nghiệp.

2. Nhãn hiệu ở đây không quan trọng. Quan trọng là thực chất. Thực chất thì tư duy của chị Việt trong bài viết khá lộn xộn. Mục tiêu và công cụ sử dụng không tương đồng. Đặt tựa đề thì lớn lao trong khi thực chất chỉ là những khái quát vội vàng dựa trên một cái case study là đồng chí Khương nhà ta. Bàn về tính chuyên nghiệp trong phát biểu khoa học nhưng lại hiểu rất lơ mơ về tính năng và các giới hạn của khoa học.

Nhưng bao trùm lên bài viết vẫn là tư duy cảm tính. Như đã nói phía trên, khăng khăng khẳng định "lẽ ra" phải là B chứ không phải A, trong khi chưa phân định rạch ròi A là gì, giới hạn của A ra sao. Cụ thể bài viết của anh Khương bàn về "tầm vóc dân tộc" dựa trên những tiêu chí mà riêng anh ta đặt ra. Vậy thì ta không thể nào hiểu những khái niệm này một cách mơ hồ chung chung. Chưa cần đi đâu xa, phải bàn lại cho thật chặt các giả thiết căn bản đã. Đó là tư duy khoa học tối thiểu mà chị Việt không có.
NguoiVN
đồng ý với bác tiểu vũ
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.