Siêu hình sự yêu
Tác giả: anh Đao, biệt danh voldermort_x

Phàm là việc ái tình trong thiên hạ, yêu lâu tất chán, chán lâu tất bỏ, như Dô - mê - ô và Du – ly - ét bởi không muốn chi ly nên phải cùng nhau xơi thuốc chuột, đau xót không biết bao nhiêu mà kể. Lại nữa, ngày nào ngó qua các blog cũng gặp nhiều tâm sự tình cảm lâm li làm đương sự xúc động vô ngần. Đương sự tự cảm thấy không thể nào đứng ngoài trào lưu thời đại này mãi được, nên mới buông những nhời ong bướm dưới đây mà mua vui cho các tài tử giai nhân đã ghé thăm tệ xá này.

Trong bài này thực chất đương sự chỉ nhai lại cuốn “Siêu hình tình yêu – Siêu hình sự chết” (* ) của Arthur Schopenhauer (Hoàng Thiên Nguyễn dịch – Nhà xuất bản văn học), thế nên anh em nào đọc rồi xin miễn đọc tiếp. Sách đề cập tới 2 vấn đề lớn của cuộc sống: 1. Cái tạo ra nó (tạm coi là tình yêu) và 2. Cái hủy diệt nó (tạm coi là sự chết). Tuy nhiên ở đây đương sự chỉ dám luận đến cái số 1, tức là cái sự yêu.

Schopenhauer thuyết về ái tình không phải dưới góc độ “sinh ní học” thuần túy mà là lý giải nó bằng những động lực siêu hình nằm ngoài chúng ta và điều khiển hành vi của chúng ta. Cái “driving force” của tình yêu ở đây, theo Schopenhauer, là “bản năng chủng tính” (**). Ông này quy ái tình, dù thiên biến vạn hóa thế nào, cũng chỉ là ảo ảnh không hơn không kém, một sự “huyễn hoặc hơn hết trong một sự vật”. Sự thỏa mãn của mỗi cá nhân trong ái tình thực ra chỉ có lợi cho chủng loại, nhưng lại khiến cho nạn nhân hý hửng tưởng là đang làm lợi cho mình. Nực cười thay khi việc chúng ta mất bao công sức cân nhắc bạn zai, bạn gái của mình, nào là có trong tuổi sinh sản hay không (cái này luôn là tiêu chuẩn số 1), có khỏe mạnh không, dũng cảm không, thông minh không, tóc vàng hay là tóc đen, vóc vạc thế nào, cằm dô trán thẳng ra làm sao, rút cục không phải để cho chúng ta, mà thực ra là để duy trì một giống nòi tử tế “ Vì thử xem một con côn trùng chịu khó đi tìm cho được một loại hoa, loại phân hay loại thịt nào đó bất chấp mọi hiểm nguy cũng giống đúc như thái độ của một người đàn ông để thỏa mãn bản năng tính dục của mình cố lựa chọn cho được một người đàn bà có một bản chất như thế nào đó, một bản chất hoàn toàn tương ứng với bản chất mình, tha thiết đến nỗi để đạt được mục đích của mình thường bất chấp mọi lẽ phải trái, lấy cho được để rồi khổ cả một đời, không từ mọi thủ đoạn có thể làm tiêu tan cả sự nghiệp lẫn danh vọng, dám phạm những tội ác như gian dâm, chỉ để phục vụ cho chủng loại bằng một cách thích hợp nhất và phù hợp với ý chí ngự trị khắp nơi của thiên nhiên”. Khốn thay, khoái lạc mà anh ta được hưởng với người đàn bà ấy, thực ra cũng chẳng làm anh ta sung sướng hơn “Thật vậy, vì tình yêu dựa vào ảo tưởng để làm cho lóng lánh những gì chỉ có giá trị cho chủng loại như một của quý cho cá nhân, nên một khi mục đích đã đạt được thì ảo tưởng cũng tiêu tan, tinh thần chủng loại xâm chiếm cá nhân lúc đó cũng trả lại tự do cho ý chí cá nhân, và hắn sẽ lấy làm lạ rằng sao bao nhiêu nỗ lực cao đẹp như thế, phi thường như thế, rút cuộc hắn chỉ còn được hưởng một cái thú nhục dục, và cũng chẳng sung sướng gì hơn trước”. Sở dĩ hắn ta nhăm nhăm chọn người đàn bà ấy mà không phải người đàn bà khác, rồi hùng hục chạy đi thỏa mãn những ước muốn vớ vẩn của cô nàng, là vì tình yêu được cá nhân hóa đến mức nếu ko đạt được cá nhân mà nó nhắm tới thì ngay cả cuộc sống cũng chả còn ý nghĩa,. Ở đây, các lực lượng siêu nhiên muốn rằng một sinh linh nhất định chỉ được sinh ra bởi một người cha và một người mẹ nhất định “Vì lẽ Salomon chỉ có thể được sinh ra do Bethsabee thụ thai với tinh trùng của David, nên Chúa đã phối hợp họ với nhau, mặc dù như thế là nàng phạm tội ngoại tình”.

Do bản chất siêu hình của nó, tình yêu bất khả chiến bại trước các lực lượng nhân tạo, tỉ dụ như tiền tài, danh dự, sự nghiệp, luân lý, đạo đức “Nó làm gián đoạn bất cứ lúc nào những công cuộc đứng đắn nhất, len lỏi vào các cuộc thương lượng của các chính khách cùng các cuộc tìm tòi của nhà bác học để làm họ rối trí…lại còn hàng ngày âm mưu những cuộc xung đột hết sức rối rắm…khiến con người xưa nay lương thiện trở thành kẻ bất lương, con người xưa nay chung thủy trở thành kẻ phản bội”. Hy vọng chiến thắng được nó thì phải dùng một lực lượng siêu hình không kém, là ý chí ham sống. Điều này lý giải tại sao trong những lúc yêu đương nồng nàn nhất, bạn zai thường bị hỏi những câu đại loại như “anh có dám chết vì em không?”. Rơi vào tình thế ngặt nghèo này, một câu trả lời dõng dạc “có” của bạn zai ngay lập tức nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt. Nếu y nói dối (đa phần là nói dối) có nghĩa y là kẻ thông minh, hiểu được bản chất của vấn đề, còn nếu y nói thật thì càng đáng được tuyên dương bởi sự hy sinh mù quáng lợi ích cá nhân cho quyền lợi của chủng loại. Tương tự như vậy, một cô gái bất chấp sự ngăn cản của gia đình để yêu một chàng trai thì được người đời khen ngợi, bởi cô đặt quyền lợi của chủng loại lên trên hết. Hàng tá phim ảnh, tiểu thuyết diễm tình đều chứng minh cho luận điểm này, và bởi thế thời nào cũng đắt khách. Những luận điểm trên dẫn đến kết luận rằng "chết vì gái" không phải là một cái chết ngu xuẩn như người ta vẫn nghĩ mà trái lại, là cái chết cao đẹp nhất, là sự hiến dâng của cá nhân cho sự tồn tại vĩnh hằng của loài người Image

Vậy thì cái tình yêu cao đẹp bách chiến bách thắng ấy thường kết thúc như thế nào? Các cuộc hôn nhân vì ái tình đáng buồn thay thường kết thúc không tốt đẹp “vì chúng lo cho tương lai mà lơ là thế hệ hiện sống”.Cái ảo ảnh kết hợp hai người với nhau tuy là vĩnh hằng đối với chủng loại, nhưng lại rất bất nhất đối với các cá nhân, bởi thế nên rất dễ đổ vỡ. Đáng ngạc nhiên là những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối lại thành công hơn, vì chúng thực tế và dựa trên những định luật rất con người, không thể tiêu tán trong một sớm một chiều “chúng chú trọng vào hạnh phúc của những cá nhân hiện hữu, đành rằng bất lợi cho những kẻ đến sau; và cái hạnh phúc kia dù sao cũng chả lấy gì làm chắc”.Bi kịch của hôn nhân nằm ở chỗ một là quyền lợi cá nhân, hai là quyền lợi của chủng loại, một đằng phải chịu thiệt, bởi vì dung hòa được cả hai thì quả thật là một sự may mắn hi hữu. Schopenhauer kết luận “Sở dĩ bản chất của đa số nhân loại thật tồi tệ về phương diện thể chất cũng như đạo đức và trí tuệ cũng phần vì người ta lấy nhau, chẳng phải vì lựa chọn vì tình yêu không thôi, mà còn theo đủ thứ yếu tố ngoại lai cũng như những trường hợp ngẫu nhiên này khác”. Đắc chí với tư tưởng này, Schopenhauer suốt đời không kết hôn, dù đã yêu khá nhiều cô trẻ đẹp.

Túm lại triết thuyết ái tình của Schopenhauer quy mọi tội lỗi mà đôi giai gái mắc phải: thích nhau, yêu nhau, rồi giận hờn, oán trách, cãi lời cha mẹ, lường gạt bạn bè, phản bội người tình, tự bắn vỡ sọ v.v….là do bị một thế lực cao xanh vô hình vô ảnh sai khiến, chứ chả phải bản thân muốn làm. Nó bàng bạc kiểu Lão, Trang, ko hẳn là mới nhưng vẫn thú vị. Vậy nên anh em nào chưa ngó qua cuốn này thì nên mua mà đọc, bởi hai lẽ: 1/Rẻ, nếu mua sách lậu chỉ 20k/quyển; 2/ Mỏng và nhẹ, đâu có 200 trang khổ bé tí, mang theo vào toilet đọc vèo cái là xong, chắc chắn sẽ có những giờ phút giải trí bổ ích.

P/S: sách rất hấp dẫn, đọc xong nhớ dội nước.

(*): Theo người dịch, cuốn sách này thực ra là hai chương của tập bổ túc cho cuốn Thế gian như thể Ý chí và Biểu tượng, tiếng Anh là “The World as Will and Representation”.

(**):Chú ý là Schopenhauer chết năm 1860, chỉ một năm sau khi cuốn “Nguồn gốc của muôn loài” của Darwin ra đời, nên rất có thể ông chưa đọc qua cuốn này. Quan điểm của Schopenhauer do đó mới bị hạn chế ở “bản năng chủng tính”, còn với Darwin (và tất cả những người theo thuyết Darwin như chúng ta), thì chủng loài chả phải vĩnh hằng gì cho cam, mà cũng biến mất như cơm bữa, vậy nên cái ý chí yêu đương vĩnh hằng duy trì ở các cá nhân không thể nào đơn thuần chỉ là chủng tính, mà phải là mức cao hơn nữa (là cái gì thì đương sự cũng không dám lạm bàn).