Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trà
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Pages: 1, 2, 3, 4
tao_lao
Vừa rồi tui có mua được 1 quyển sách của Vũ Thế Ngọc nhan đề Trà kinh, 1 quyển sách được viết rất kĩ, nhiều thông tin về trà: từ trà sử đến ấm tách, nước nấu trà, trà cụ, trà Việt và trà Tàu v.v. Nhân đấy cũng muốn mở 1 quán trà nhỏ trong làng để bà con cũng tán chuyện về trà và thú uống trà.

Thêm bài/sách viết về
- Trà Tàu và ấm Nghi Hưng của Nguyễn Duy Chính trên http://www.vietkiem.com/ (mục bài nghiên cứu)
- The book of tea của Kakuzo Okakura về trà đạo Nhật Bổn. Quyển này ông Vũ Thế Ngọc giới thiệu trong quyển Trà Kinh.

Trước giờ tui chỉ uống trà theo kiểu rừng, tức là cứ ra cho mua ấm tách và trà bày bán ở siêu thị. Nói chung là tui đã uống thử tất cả các loại trà ở siêu thị , chốt lại trà uống khá tui thấy có Trà bắc, Trà Thái Nguyên và trà búp đắng Cao Bằng. Những loại khác tui uống thấy ngon hơn thì trước giờ là đồ tặng của ông thông gia của ba tui với ông bác (mà các vị này cũng không biết là người ta mua ở đâu, trà ko hiệu). Giờ tui muốn mua trà 'ngon' ờ SG mà ko biết là nên mua ở đâu? 1 cái nữa là Ấm đất Nghi Hưng đã nghe thiên hạ quảng cáo nhiều nhưng không biết ở SG có bán ko nhỉ? Trước ra Nha Trang tui có mua 1 cái trong cửa hàng lưu niệm (nắn hơi xấu) nhưng hỡi ôi ,đúng là thiếu kinh nghiệm, nên mua về mới tá hỏa là trà rót ra khi dừng lại thì bị đổ vì vòi quá ngắn và ko cao đủ. 1 bộ khác tui có lá ấm xứ bát tràng nhưng lại quá nhỏ (ko đủ để độc ẩm) và uống cũng ko thấy effect lắm. Bà con biết chổ nào bán trà ngon, ấm đẹp thì chỉ giúp. Cảm ơn.
Evil
Bác ơi, sách mới hay sách cũ ạ? giờ có thể... mua được một quyển nữa không ạ?
tao_lao
QUOTE(Evil @ Mar 7 2007, 08:55 AM)
Bác ơi, sách mới hay sách cũ ạ? giờ có thể... mua được một quyển nữa không ạ?
*



Mới
tao_lao
Hôm qua tui có đi phố Tàu mua được 1 cái ấm Nghi Hưng và 1 hộp trà Long tĩnh. Cái ấm trà Nghi Hưng thì tui đang 'nấu' với trà cho thấm mùi (chưa xài hổng biết ngon hôn) nhưng nói chung là rất đẹp, mịn màng, trông rất vừa mắt. Dân Tàu ở đây bài bán la liệt cái loại ấm Nghi Hưng thượng vàng hạ cám, 1 bộ ấm rẻ rẻ chừng 10 đồng với đầy đủ tách, dĩa, ấm đắt thì trông cũng cũng tương tự với giá lên trên 200-300 đồng. Chỗ khác nhau là độ mịn màng của ấm ở bên trong và bên ngoài, những chiếc ấm rẻ thỉ bên trong ko được smooth lắm, cái ấm tui mua thuộc loại trung bình , còn mấy cái 200-300 trăm thì coi qua thấy cũng ko khác cái tui mua. Hỏi chủ quán thì họ nói những chiếc ấm rất đắt đó là do master nắn.

Trà Long tĩnh thì tui mới uống thử: mùi vị nhẹ nhàng và thanh thoát. Tui pha bằng chiếc ấm cũ và nước phông tên nên hổng biết là khi pha với nước suối (đóng chai) có khác ko. Cảm nhận ban đầu là trà long tĩnh so ra đắt so với trà VN mà chất lượng cũng ko hẳn là vượt trội (chắc tại tui quen với trà Việt chăng)

Long Tĩnh: thuộc chủng loại trà xanh (green tea), pha với nước 70-80 độ C, thường là lá và búp non của cây trà
ngautuan
Tớ chưa uống nhiều trà Tàu, nhưng mấy loại đã uống qua thì đều ko thích, nhạt toẹt.
Có lẽ trà Tàu nặng về hương hơn là vị chăng?
tao_lao
Đậm hay nhạt chắc là do bỏ nhiều hay ít trà. Trà tàu có loại ướp hương và loại ko ướp hương (hoa lá cành).

1 link về trà: http://www.sensationalteas.com/, ấm Nghi Hưng= yixing teapot (Nguyễn Duy Chính phiên âm là Yi Hshing)
Hoang Yen
Tôi sinh ra ở Thái nguyên, nơi chè là đặc sản được đem đi khắp nơi. Chè Thái nguyên, vùng tôi họ vẫn gọi vậy chứ không gọi là trà (công nhận chữ "trà" đọc lên thanh lịch hơn nhiều phần), có nhiều loại, lấy tên từ những địa danh nơi trồng chúng, chè Tân Cương, chè Trại cau... Ở mỗi nơi, phong vị của chè cũng hơi khác, người nghiện chè có thể nhận ra.

Tôi nhớ ba, mẹ, anh và nhiều người họ hàng của tôi đều là những người nghiện chè. Nghĩa là ngày nào cũng phải làm vài ấm, không có thì rất bứt rứt. Sáng ra mẹ pha một ấm chè móc câu, ba, anh vào ngồi đợi chè ngấm, nếu có bác hàng xóm nào đi ngang qua thì dĩ nhiên là sẽ được gọi vào làm chén chè. Nước một, rồi nước hai, thể nào mọi người cũng bình luận vài câu, chè này được nước, chè này lên hương, chè này vị đậm... Tôi không uống được vì uống vào thường hay mất ngủ nên không được tham gia, nhưng tôi cũng đã thử cho biết. Tôi biết những ấm chè pha đặc "cắm tăm" anh tôi uống lúc sắp đi ca, những ấm chè ướp hoa nhài trong vườn thơm ngát ba tôi pha mời bạn bè. Chè Thái nguyên dư vị ngọt đọng lại sau vị đắng chát, và vị ngọt ấy cứ ngân nga mãi sau khi uống...

Tôi nhớ vườn chè của nhà chồng khi tôi về làm dâu. Mẹ chồng tôi thích uống chè xanh, nghĩa là hái lá chè tươi từ ngoài vườn hãm với nước sôi già trong một cái giỏ tích. Tôi dần dần cũng thích uống chè xanh. Hồi chồng tôi còn đi học đại học, mỗi lần về đều được cho cân chè đem xuống trường bán đi lấy tiền ăn sáng, bố mẹ chồng tôi nuôi ba con ăn học đại học một phần cũng nhờ có vườn chè. Ở Thái nguyên, hầu như chợ nào cũng bán nhiều chè, đủ các loại, chè sao suốt, chè sao máy, chè loại một, loại hai, chè bổi, chè vụn, chè cám... được hái và sao bởi những bàn tay thô ráp lam lũ dính đầy nhựa chè từ những đồi chè bát úp nối nhau xanh biếc. Nghề trồng và sao chè từng nuôi sống bao người Thái nguyên, giờ không biết nghề ấy ra sao rồi...
ngautuan
Chè sao suốt bây giờ chắc ko còn. Mất công quá, ít người làm. Chỉ có lễ Tết may ra có người làm một vài lạng cho nhà uống thôi.

Còn sao suốt bán ngoài chợ bây giờ chắc toàn sao suốt bằng máy.

-------------------

Bác tào lao, cái vị chè nhạt hay đậm ở đây ko liên quan đến pha ít hay nhiều, mà nó là cái vị chát đậm đà dư vị của trà Việt mà em ko thể tìm thấy ở những loại trà Tàu đã uống.
tao_lao
' Chè Thái, gái Tuyên' là câu mà tui từng nghe các bạn miền Bắc hay nói. Gái Tuyên thì chưa biết sao chứ chè Thái thì đúng là ngon. Chè ngon nhất mà tui từng được uống là loại trà mà thầy dạy văn của tui mua ở Thái Nguyên trong 1 dịp công tác ra Hà Nội. Thẩy kể là đi xe đò ngang và ghé mua loại trà ko ướp. Đi về, biết tui cũng khoái uống trà, thấy mới tui tới uống thử. Phải nói là cái vị của nó rất đậm đà, 'cái hậu' của nó rất đặc biệt mà tui ko có từ ngữ để diễn tả. Rồi trong 1 lần tình cờ tới chơi nhà ông bác, ông mời tui uống trà, 1 loại được người ta tặng, thì đó cũng chính là loại trà mà tui được uống ở nhà thầy tui trước đây. Nhưng hỏi ra thì ko biết mua ở đâu vì nó ko có hiệu, trà chợ thì ko loại nào tương tợ.

Rất vui khi biết bác Hoàng Yến quê ở Thái Nguyên. Thuở cha sanh mẹ đẻ, tui uống trà mà ko biết mặt mũi cây trà nó ra làm sao. Nếu được thì xin nhờ bác Hoàng Yến cung cấp cho vài cái ảnh về các vườn trà ở Thái Nguyên, về các công đoạn làm trà, chủng loại và chất lượng trà Thái Nguyên, được vậy thì cảm ơn bác lắm.

Nói tiếp về cái ấm mới. Sáng nay tui đã 'tôi ấm' xong, tức là bỏ nó vô nồi nấu chung với trà hơn 3 tiếng. Hương từ cái nồi trà lớn được nấu suốt mấy tiếng thật đặc biêt, thơm khắp cả nhà. Ấm tôi xong lúc mới vớt ra thì nước bóng lộn (y như trong sách nói) nhưng để khô lại thì cũng hổng bóng lắm laugh1.gif , nhưng trông cũ đi thấy rõ. 1 điều ngạc nhiên là trong thành ấm có đất (hổng biết ở đâu ra) và tui đau đớn phát hiện thành ấm có 1 lổ nhỏ (đường kính nửa milimet, bó tay), tui đoán là mấy tay bán âm an gian đã chơi trám nó lại, mình tôi xong nó mới lồi ra.

@ ngautuan: đồng ý với bác là cái hậu của trà Việt thật đặc biệt, còn trà Tàu tui chưa đám nói vì trà Long tĩnh là loại đầu tiên tui uống. À, cho tui hỏi 'chè sao là chè gì thế?'
Mr. Smith
Bác taolao nói thêm về việc tôi ấm đi, tức là mua ấm đất về thì cần tôi trước khi pha trà à.
Tớ cũng thử một số loại trà Tàu ở siêu thị nhưng đúng là không uống thích bằng trà Việt, vị nhạt chứ không có vị ngọt đậm đà sau khi uống như trà Thái. Trà sữa thì vị càng lợ lợ khó chịu, mình chịu không uống được, hình như trà sữa vốn là sản phẩm của Tây Tạng. Ngoài trà Việt Nam tớ thấy trà xanh túi lọc của Lipton uống cũng khá thích.
Tớ thích cả trà mạn và trà xanh. Trà xanh ban đầu hơi khó uống nhưng uống quen vào thì lại rất thích, cảm giác như gần gũi với thiên nhiên hơn, hương vị hơi thô mộc. Trà mạn thì lại có vị khác, ban đầu hơi đắng, sau thì ngọt ngào đậm đà trong miệng. Những cái này ở trà không có được trong khi uống cafe chẳng hạn.
Uống trà còn có cái thú vị trong động tác giọt nước từ ấm sang chén trà, rồi việc nâng ly trà lên uống một ngụm, nhìn màu nước mà cũng có một cảm giác ấm áp.
Không phải nghiện trà vì không phải ngày nào cũng uống (bình thường thì uống trà Lipton pha bằng microwave là tiện nhất) nhưng khi uống trà tớ cũng thích uống trà thật đặc. Nhưng mọi người quanh tớ chẳng có ai hay uống đặc như tớ thành ra mình mà pha trà thì hay bị kêu là pha đặc quá.
Mà không biết trong Nam có hay uống trà không nhỉ, chắc không hay uống bằng miền Bắc. Trong Nam liệu có phải nhà nào cũng pha trà tiếp khách như ngoài Bắc không? Ở nông thôn và thành phố trong Nam có gì khác biệt trong thói quen uống trà không? Tớ hỏi thế vì tớ có cảm giác trong Nam, mọi người thích uống cafe hơn trà.
Kể ra VN tuy là nước xuất khẩu cafe lớn thứ 2 thế giới nhưng người Việt vẫn cứ uống trà nhiều hơn cafe nhỉ.
Cũng hỏi thêm về trà Thái Nguyên, ở Hà Nội giờ mua trà chỗ nào cũng kêu là trà Thái Nguyên thành ra chẳng biết thật sự thế nào. Không biết mua trà ở HN thì chỗ nào ngon, mua loại trà nào?
lơ ngơ
Xưa tôi có một người bạn là người Nhật, rất mê, rất sành trà. Ông ấy dạy cho tôi cách chọn trà, pha trà, uống trà. Không phải chỉ trà Nhật, mà phần lớn là trà Tàu, và cả trà Ấn độ, trà Anh.

Lúc đó tôi không nghiện trà, nhưng nhà lúc nào cũng có nhiều loại, và mỗi tuần pha hai ba bình vào những giờ nhàn nhã, cũng là một cái thú nho nhỏ. Nếu một thành phố không nhỏ quá, sẽ có một tiệm trà nằm khuất đâu đó, bước vào thơm ngát, tìm được vài vị trà ngon, cũng vui.

Rồi một hôm, tôi đi Hà Nội. Ở đây ai cũng uống trà Thái Nguyên, và uống bất cứ lúc nào trong ngày, tôi không thể hiểu nổi. Tôi đi đâu cũng được mời chén trà, tôi không thích mấy. Khách càng quí thì trà pha càng đặc, đắng ngắt, chát ngấm, uống chừng hai ba chén là... xỉu. Mà thường người ta ngâm trà trong bình cả ngày (điều kỵ cho mấy người theo đạo trà, khi mua trà phải biết trà này hãm 5 phút, trà kia 8,5 phút, trà quí thì sai một ly đi một dặm, không dám sai, thế mà dân Hà Nội lại ngâm trà trong bình đến vô tận).

Rồi vì công việc phải ở lại Hà Nội, cuối cùng tôi cũng phải tập uống trà Thái Nguyên (vì cà phê Hà Nội dở không kém gì Maxwell của Mỹ). Mới đầu pha loãng một chút, sau đậm dần lên. Rồi tôi giống như người Hà Nội, uống trà cả ngày bất kể giờ nào và không biết mấy chén một ngày.

Rời Hà Nội, tôi không làm gì được trong gần 2 tuần, vì lúc nào cũng buồn ngủ và... ngơ ngác: Tôi đã nghiện trà Thái Nguyên mà xem thường không mua một cân trà nào mang đi.

Tôi cũng có vài chương trình cai nghiện, nhưng không xong. 1. Ngày của tôi không thể thiếu trà. 2. Tôi không uống được trà gì nữa ngoài trà Thái Nguyên. Bây giờ uống trà Tàu, trà Ấn, trà Anh vào thì như anh ngautuan nói, nó nhạt toẹt. Thế là cái công học chọn trà, uống bao nhiêu cái loại trà có những cái tên lãng mạn trên thế giới này đều tiêu ma. Tôi nhìn mấy cái ấm Nghi Hưng đẹp tuyệt vời lòng cũng lạnh tanh, vì không dùng để pha trà Thái Nguyên được.
phatastic
@Xơ Mít: ở trong Nam hình như không có thói quen uống trà. Thường khách tới nhà thì nghe người lớn dặn con nít trong nhà "rót nước ra mời/cho khách". Đoán là trong Nam ở nhà chỉ uống nước lã thôi. Cái món trà mà trong Nam có thói quen uống là món ... trà đá laugh.gif (hình như là loại trà lài). Đó là tiếp nối truyền thống uống ở đây, uống cái gì cũng phải cho nước đá vào, từ cafe, bia bọt, cho đến trà. May là có món rượu là họ vẫn chưa kịp bản địa hóa kiểu uống đó, nhưng chắc chắn là người ta cũng kô làm nóng rượu trước khi uống bao giờ.


Tôi uống trà tàu trước khi uống trà Việt. Cái gì tiếp xúc trước thường dễ được ưu ái hơn và lấy nó làm tiêu chuẩn so với mấy cái tiếp xúc sau. Trà tàu mà tôi uống là loại bình dân, vị nhẹ hương thơm, uống vào làt lạt miệng lại thấy có thể uống thêm nữa 1 tợp nữa, rồi 1 tợp nữa. Uống cả ngày thay nước lã cũng chả sao, uống riết rồi thấy nó có duyên hồi nào không hay.

Trà Việt mà tôi uống cũng là loại bình dân- trà nguyên thau múc vào ly, hoặc từ trong ấm rót ra ly bỏ vài cục đá vào, rồi cứ thế mà giải khát. Sau này ở mấy quán cafe mới mở, trà đá pha ngon hơn nhiều nhưng cũng cái vị gần gần thế. Trà Việt, cho dù đã pha loãng, bỏ nhiều đá vào, tôi cũng chỉ uống từng ngụm bởi cái hậu vị đắng của nó hơi gắt so với trà tàu.

Uống trà đá mà còn như thế, khỏi phải nói các bác cũng biết tôi uống trà Thái thế nào. Lâu lâu đến nhà bạn chơi, được gia đình mời trà mới biết là có những thức trà khác với loại trà đá 500 đồng/ly vỉa hè. Biết là quý lắm, cũng thấy được hậu vị ngọt sau cái đắng của trà Thái Nguyên, nhưng mà thôi, khó thích quá. ohgirl.gif Nếu phải uống 1 chung đắng như vậy, tôi thà làm ly cafe (nhiều đá, dĩ nhiên rồi) sướng hơn.

ngautuan
Cái món trà đá đặc sản SG cũng mắc cười. Một nhúm trà ba lăng nhăng bỏ vô ấm đun lên thật kỹ, xong rót ra một cái "ao" nước lã, cái "ao" đó thành ra "ao" trà, rót vô ly, cho đá, thành ra trà đá laugh.gif

Nhà em mấy năm nay toàn uống chè xanh chứ ko uống trà, đi vắng thì thôi, ở nhà thì em chỉ uống chè xanh, hầu như ko uống nước gì khác, kể cả nước trắng.

================

Bác tào lao, chè sao suốt thì chắc phải chờ chị Yến vào mới biết chính xác. Em thì chỉ nghe kể lại thôi, đại khái người ta chọn những búp chè ngon nhất đem sao, sao liên tục trong mấy tiếng đồng hồ, đặc biệt người sao chè phải dùng tay để đảo chè để cảm nhận và canh nhiệt độ được chính xác, thời gian thì em ko nhớ rõ, 5-6h gì đó mới xong 1 mẻ, mất công và mất thời gian như vậy nên bây giờ rất hiếm.

Hồi đầu năm em ra HN được uống 1 lần món sao suốt này, em cũng ko sành trà lắm, nhưng quả thực là thấy rất ngon, rất thấm.
tao_lao
@ bác Smith: tôi ấm theo như Nguyễn Duy Chính chỉ là như vầy (trong bài trà Tàu và ấm Nghi Hưng): ấm mới mua về dùng giấy nhám đánh nhẹ trong ngoài cho sạch lớp đất. Kế đến bỏ vô nước sôi nấu 1 lúc, hoặc nấu cái ấm với trà trong 3 tiếng (bỏ vô nồi nước +trà+ ấm) gọi là tôi ấm, hoặc pha 4 lần trà rồi đổ (ko uống). Tui làm theo chỉ dẫn đơn giản này của NDC. Vũ Thế Ngọc có chỉ 1 cách khác làm cho bình trà giống như xài rồi cả 100 năm (trong khi thật ra chỉ xài vài năm): ninh ấm với trà 7 ngày 7 đêm, xong vớt ra rữa sơ rồi đem ủ trong trà 2 tuần. Tui thấy cầu kì quá nên ko làm.

@ bác Phá: trong Nam có uống trà chứ bác, chỉ có điều thường chỉ giành cho người lớn tuổi. Trà thì chỉ thường uống trà chợ, có trà móc câu thì đã là rất quí. Khách đến nhà, nếu là từ hạng trung niên trở lên thì người ta đều mới trà (là tui nói theo như quê tui ở Bến Tre, chứ ở SG thì tui ít thấy). Một thức uống khác cũng rất phổ biến ở miền quê là 'nước mát', uống như kiểu bác Hoàng Yến nói nhưng thay vì trà tươi thì người ta dùng cây thuốc nam hay các loại cây mà người ta tìm thấy gần nhà. Trong nhà lúc nào cũng có 1 nồi nước mát to đùng, đi làm đồng, làm giồng về mệt hay có khách từ xa tới thì người ta hay mời nước mát (uống trà chỉ giành cho mấy lão tiền bối)
Hoang Yen
QUOTE(ngautuan @ Mar 11 2007, 02:11 PM)
chè sao suốt... đại khái người ta chọn những búp chè ngon nhất đem sao, sao liên tục trong mấy tiếng đồng hồ, đặc biệt người sao chè phải dùng tay để đảo chè để cảm nhận và canh nhiệt độ được chính xác, thời gian thì em ko nhớ rõ, 5-6h gì đó mới xong 1 mẻ, mất công và mất thời gian như vậy nên bây giờ rất hiếm.

Hồi đầu năm em ra HN được uống 1 lần món sao suốt này, em cũng ko sành trà lắm, nhưng quả thực là thấy rất ngon, rất thấm.
*



Đúng như ngautuan nói, có loại chè người ta sao theo cách hái về đem phơi cho khô bớt nước trong búp chè rồi mới sao hoặc sao chín chè thì ngả ra phơi cho đỡ tốn công, khô chè rồi lại đem vào sao thêm. Chè sao theo kiểu này uống nước đỏ quạch, vị cũng không ngon bằng chè sao suốt. Chè sao suốt hái ngọn chè từ 5h sáng thì hái đến sang chiều là gom về đem sao, và cứ sao như thế không qua một lần phơi nào, búp chè được đảo trên chảo nóng vừa sẽ khô dần, vì không phơi nên sao thế này rất mệt, nhất là những khi ngoài trời nắng to, trong bếp nóng nực. Hơn nữa cứ nửa giờ đến một giờ khi thấy nhựa chè chảy nhiều ra chảo làm chảo bốc khói là phải đổ chè ra để rửa chảo cho sạch nhựa rồi hong khô chảo để sao tiếp. Người sao cũng phải có tay sao, tức là có kinh nghiệm nhìn, sờ, nếm chè để tăng giảm nhiệt và thay đổi tốc độ đảo chè. Người trẻ thường đeo găng chứ người già họ sao bằng tay trần vì da tay họ chịu được nhiệt, họ cũng thường sao được những mẻ chè ngon hơn người trẻ. Tôi thì chỉ mới được hái chè thôi, chưa có tay sao laugh.gif

Bác Tào lao, tôi xa Thái nguyên cũng lâu rồi nên không có ảnh cây chè, nhưng tôi nghĩ là trên mạng có. Ngày xưa tôi thấy các cô các mẹ ra chợ mua chè ở ngay Thái nguyên cũng có lúc gặp phải chè dở. Nhiều lần đi chợ cùng mẹ tôi thấy mẹ tôi thử chè bằng cách nhấm vài cánh chè. Nếu khi nào mẹ mua nhiều (gửi về quê làm quà vài cân) thì bà bán chè cho pha uống thử một ấm ở quán trong chợ.
Hoang Yen
Trong link này có ảnh lá chè xanh hãm trong tách:

http://en.wikipedia.org/wiki/Tea

Ảnh bụi chè tôi thấy hơi khác, bụi chè Thái nguyên trông cằn cỗi hơn, búp cũng nhỏ hơn, không tốt tươi như thế này.
TươngGiang
QUOTE(Hoang Yen @ Mar 12 2007, 09:53 AM)
Người trẻ thường đeo găng chứ người già họ sao bằng tay trần vì da tay họ chịu được nhiệt, họ cũng thường sao được những mẻ chè ngon hơn người trẻ. Tôi thì chỉ mới được hái chè thôi, chưa có tay sao laugh.gif

Bác Tào lao, tôi xa Thái nguyên cũng lâu rồi nên không có ảnh cây chè, nhưng tôi nghĩ là trên mạng có. Ngày xưa tôi thấy các cô các mẹ ra chợ mua chè ở ngay Thái nguyên cũng có lúc gặp phải chè dở. Nhiều lần đi chợ cùng mẹ tôi thấy mẹ tôi thử chè bằng cách nhấm vài cánh chè. Nếu khi nào mẹ mua nhiều (gửi về quê làm quà vài cân) thì bà bán chè cho pha uống thử một ấm ở quán trong chợ.
*



Hồi 2005 em qua chỗ Mai Trang Ô thôn ở Hàng Châu, có được xem đảo chè, sao chè bằng tay. Mà toàn là các cụ già làm cả, nghe đâu họ dùng khí công. Em có chụp cả hình lại. Đứng xem, rõ ràng thấy chè đang còn lá xanh, chỉ trong chốc lát đã trở nên thẫm màu dần, rồi dần ngả sang màu xanh tái, bốc khói nghi ngút.
Hôm bữa vào Bảo Lộc, uống trà trong đó cũng thấy ngon, không ngọt hậu như trà ngoài Bắc nhưng có hương thơm thanh thoát. Sáng sớm thức dậy đi giữa mênh mông những đồi chè, mùa này hoa đang nở trắng, cảm thấy lòng thật thanh thản.
tao_lao
Cho tui hỏi chữ này: sao=xào trộn?
Trong làng có vị nào đã uống thử trà đen (black tea) chưa nhỉ? Tui trước giờ chỉ uống trà xanh (green tea), mà đâu thấy giấy người ta viết trà xanh (vd như Long tĩnh) thì không nên uông với ấm đất Nghi hưng bởi lẽ ấm này giữ nhiệt rất tốt nên sẽ hủy hương vị trà xanh (70-80 độ), uống trà xanh thì nên dùng ấm sứ. Bà con có ai có kinh nghiệm vụ này chưa hén?

Cảm ơn bác HY về cái link. Cây trà nhìn chút éo nhỉ, chắc là trà vườn (nhỏ cho dễ thu hoạch?). Tui nghe nói có loại trà cao cả 10 m nữa. Còn bụi chè Thái bự bây lớn ha?
TươngGiang
QUOTE(tao_lao @ Mar 12 2007, 11:57 AM)
Cho tui hỏi chữ này: sao=xào trộn?
Trong làng có vị nào đã uống thử trà đen (black tea) chưa nhỉ? Tui trước giờ chỉ uống trà xanh (green tea), mà đâu thấy giấy người ta viết trà xanh (vd như Long tĩnh) thì không nên uông với ấm đất Nghi hưng bởi lẽ ấm này giữ nhiệt rất tốt nên sẽ hủy hương vị trà xanh (70-80 độ), uống trà xanh thì nên dùng ấm sứ. Bà con có ai có kinh nghiệm vụ này chưa hén?

Cảm ơn bác HY về cái link. Cây trà nhìn chút éo nhỉ, chắc là trà vườn (nhỏ cho dễ thu hoạch?). Tui nghe nói có loại trà cao cả 10 m nữa. Còn bụi chè Thái bự bây lớn ha?
*



Trà có nhiều loại. Có những gốc trà cổ thụ, cây cao lớn, ví như giống trà shan tuyết Hà Giang.
Ở nhà em có rất nhiều bộ đồ uống trà. Đúng là uống trà xanh thì họ thường dùng ấm sứ. Ấm khi mua về, được đem đun nước sôi, có cho dấm vào để khử độc.
Bộ đồ uống trà hình như có chén tống và chén quân. Chén tống loại dài, chén quân loại tròn nhưng có cùng dung tích. Khi trà pha xong rót ra chén tống vì chén này dài, giữ nhiệt lâu, rồi lấy chén quân úp vào chén tống, bỏ chén tống ra thì trà đổ hết sang chén quân, bấy giờ mới uống.
Em đã uống trà đen rồi, trà đen thì ko có gì khác với trà túi lọc kiểu Lipton, Dilmah, em nghĩ vậy đó.
ngautuan
"Sao" ở đây cũng giống như trong cụm "sao vàng, hạ thổ" trong truyện "Tuổi thơ dữ dội" ấy, bác. Đại khái là 1 phương pháp sấy khô, bắc nồi không hoặc chảo không lên bếp, cho thứ cần sao vào và đảo cho đến khi đạt yêu cầu, bác cứ tưởng tượng giống như rang lạc vậy laugh.gif

À em quên, rang lạc theo kiểu miền Trung quê em, ko cần dầu mỡ ấy laugh.gif
Pages: 1, 2, 3, 4
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Sức Khỏe & Ẩm Thực
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.