Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Phản đối đặt Tên đường Alexandre De Rhodes?
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: 1, 2, 3, 4
NVT2002
https://laodong.vn/van-hoa/vi-sao-nhom-tri-...odes-768547.ldo

Luận điểm mở đầu của PGS.TS Lê Cung và nhóm trí thức Huế viết trong bản kiến nghị gửi Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là do Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ.



Mới đây, thành phố Đà Nẵng lấy ý kiến về đặt và đổi tên đường, trong đó điểm đáng chú ý là thành phố dự kiến lấy tên 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina - 2 người được coi là "ông tổ" chữ quốc ngữ đặt tên cho 2 tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng trong số 137 đường vào dịp này.

–– ADVERTISEMENT ––



Tuy nhiên sau đó, Sở Văn hóa Thông tin thành phố Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND thành phố Đà Nẵng chưa đặt tên đường lần này đối với 2 linh mục nói trên do "do còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa có sự đồng thuận cao".


Trước đó, một nhóm trí thức Huế gồm 12 người, do PGS.TS Lê Cung, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina.

Lý do, theo bản kiến nghị viết: "Dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công “khai hóa”, nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ quốc ngữ. Sau ngày bại trận ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp cuốn gói về nước, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có cả những linh mục, đã chứng minh Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ".

Dưới đây, Lao Động xin trích đăng nguyên văn phần dẫn giải của nhóm trí thức Huế về lý do không đặt tên đường:

“Giáo-sĩ Đắc-Lộ (tức Alexandre de Rhodes) thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ. Trước ông, đã có nhiều người đã cố gắng tìm cách phiên âm tiếng nói của dân Việt bằng vần La-tinh và chính ông cũng đã bao lần trong những tác phẩm của ông nói đến nhiều sách vở được viết ra trước ông bằng tiếng Việt (...).

Và đồng thời với giáo sĩ Đắc-Lộ, chắc chắn cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề phiên âm: Đó là lẽ dĩ nhiên vì công cuộc phiên âm là một lợi khí rất lớn cho việc truyền giáo. Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc-Lộ là ông tổ và ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ” (Giáo sư, Tiến sĩ Trương Bửu Lâm, trong Việt Nam khảo cổ Tập san, số 2-1961, tr. 11).


“Đắc-Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc-Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó. Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc-Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên” (Linh mục Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn, 1972, tr. 78).

Chân dung Linh mục Francisco de Pina. Ảnh: Tư liệu

“Đắc Lộ đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ người Việt tiếp xúc gần gũi với ông, chia sẻ chí hướng của ông (...).

Thực sự công trình sáng tạo chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó Đắc Lộ là người đã có một vị trí cốt yếu khi sử dụng rộng rãi thứ chữ mới này trong các tác phẩm in trình bày những kiến thức sâu rộng.

Các bậc thức giả như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người” (Đỗ Hữu Nghiêm, Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ, báo Công giáo và dân tộc, số 798,17/3/1991, tr. 14).

“Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ… Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách (tức Từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày) được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ” (Linh mục Thanh Lãng, trích trong “Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, Nxb. Tp. HCM, 1988, tập II, tr. 136-137).

Và chính A. de Rhodes cũng đã viết: “Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt - Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ - Đào (tức là từ điển Bồ - Việt), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn,...” (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, tức Từ điển Việt - Bồ - La, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, phần phiên dịch, tr. 3).


Tên đường Alexandre de Rhodes đã được đặt từ lâu ở TP.HCM. Ảnh: Tư liệu

“Vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa. Ông ta chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo kia rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi…

Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện ‘gậy ông đập lưng ông’ mà thôi” (An Chi, “Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt”, báo An ninh thế giới, 28-9-2010).
NVT2002
Alexandre de Rhodes và sự tưởng tượng về lịch sử cận đại của nền sử học Việt Nam
BY KHOIN · THÁNG MƯỜI MỘT 27, 2019

Gần đây, thành phố Đà Nẵng muốn lấy tên Alexandre de Rhodes để đặt tên đường phố. Một số trí thức, trong đó có nhiều người giảng dạy lịch sử trong môi trường đại học, viết thư phản đối, cho rằng Alexandre de Rhodes là một nhà truyền giáo mang tư tưởng thực dân, là kẻ có tội với Việt Nam. Lá thư của họ khiến cho thành phố Đà Nẵng rút lại ý định.

Tuy vậy, những người phản đối ấy hoàn toàn dựa theo những niềm tin có tính tưởng tượng về Alexandre de Rhodes nói riêng và hình ảnh “Tây phương” nói chung, được kiến tạo từ trước 1975 ở miền Bắc.

Bài viết này nhắc lại một cách ngắn gọn những tưởng tượng về lịch sử ấy để gợi mở cho chúng ta suy nghĩ về sử học, giáo dục và chính trị đương đại.

Tưởng tượng về Alexandre de Rhodes

Năm 1971, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, trong quyển “Lịch sử Việt Nam”, tập 1, trang 304, trích dẫn lời Alexandre de Rhodes thể hiện một âm mưu có tính thực dân của mình:

Alexandre de Rhodes Ảnh: Internet
“Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú”

Uỷ ban này chú thích rằng câu trích này được trích từ sách “Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient” (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653, tr. 109-110.

Tuy vậy, người ta không thể tìm thấy câu nói ấy trong tài liệu nói trên.

Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam là một định chế nghiên cứu cấp quốc gia. Vị thế của nó bảo đảm cho uy tín học thuật của nó. Thành ra từ đó, người ta cứ trích dẫn và lan truyền niềm tin lệch lạc như vậy về Alexandre de Rhodes mà không cần kiểm tra lại. Từ lâu, những nhà nghiên cứu như Vương Đình Chữ (1996), Nguyễn Đình Đầu (2006) đã chỉ ra lỗi trích dẫn này của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhưng niềm tin ấy vẫn chưa mất. Lá thư phản đối đặt tên đường của nhóm “trí thức” nói trên là một ví dụ.

Cũng trong sách này, Alexandre de Rhodes nói đến việc xin nước Pháp cung cấp nhiều “soldats” để “chinh phục toàn cõi phương Đông, đem về quy phục Chúa Jesus”. Cao Huy Thuần coi từ “soldats” là “binh lính” quân sự, từ đó kết tội Alexandre de Rhodes mở đường cho thực dân xâm lược Việt Nam, dù nhà truyền giáo ấy chết trước cuộc xâm lược ấy đến hai trăm năm, còn Nguyễn Đắc Xuyên coi “soldats” không phải là “binh lính” theo nghĩa đen mà chỉ “chiến binh Phúc âm”, tức giáo sỹ truyền đạo. Số người hiểu theo cách hiểu của Cao Huy Thuần đông hơn hẳn cách hiểu của Nguyễn Đắc Xuyên, các cuộc tranh luận, đúng hơn là cãi vã, về nghĩa của từ “soldats” hầu như không đặt từ này trong toàn bộ văn bản của “Hành trình và truyền giáo” để xem tinh thần thực sự của khái niệm cũng như của sách này là gì, có liên quan đến việc đánh chiếm thuộc địa hay không.

Trí tưởng tượng nói trên về Alexandre de Rhodes sở dĩ khó có thể nhạt phai vì nó nằm trong một tưởng tượng khác, lớn hơn, về lịch sử cận đại. Tưởng tượng về lịch sử cận đại này cũng do Uỷ Ban khoa học xã hội Việt Nam, từ tiền thân của nó là Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, xây dựng nên từ giữa thập niên 1950, sau khi Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam) lấy được miền Bắc.

Tưởng tượng về thế kỷ 19

Tôi có làm “phỏng vấn” nhỏ một số bậc thức giả, bao gồm cả những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử, một câu hỏi duy nhất: Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc đối với Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?

Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung.

Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp.

Tại sao hầu hết những người am tường sách vở ở Việt Nam mà tôi có dịp được hỏi lại hoàn toàn không nhớ gì về cuộc xâm lược trong thế kỷ 19 này của Trung Quốc? Vì nó hoàn toàn bị xoá khỏi lịch sử. Nó không được dạy trong chương trình sử ở cả bậc đại học lẫn trung học.

Câu chuyện bị lãng quên: Nước Đại Nam trước hai “gọng kìm lịch sử” Pháp – Mãn Thanh

Cuối thế kỷ 19, Việt Nam đối diện với hai siêu cường, Pháp và Mãn Thanh, một bên đến từ phương Tây, mang theo nền văn minh của chủ nghĩa tư bản, một bên là thiên triều ngàn năm vẫn đang chìm đắm trong ảo giác mình là trung tâm của thế giới.

Ngay sau khi Pháp lấy Nam Kỳ, Mãn Thanh cũng lập kế hoạch đánh chiếm miền Bắc. Mãn Thanh quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ vì Việt Nam đã suy yếu, nhằm bảo vệ mô hình thiên triều – chư hầu ngàn năm, còn Pháp quyết lấy nốt phần còn lại. Hai bên tất yếu bước vào một cuộc đụng đầu lịch sử, dần dần đi đến chỗ đánh nhau ác liệt ngay trên lãnh thổ Việt Nam, qua một loạt trận đánh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang năm 1883.

Mãn Thanh đã quyết tâm đến mức dốc tổng lực đánh bại Pháp trên đất liền, chiếm toàn bộ vùng trung du phía Bắc, áp sát khu vực đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Pháp phải từ chức. Nhưng quân Pháp lật ngược thế cờ bằng cách mở ra chiến trường trên biển, đánh chiếm đảo Đài Loan và huỷ diệt Bắc Dương hạm đội của Mãn Thanh ở Phúc Châu.

Pháp – Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân 1885 Ảnh: Internet
Mãn Thanh ban đầu thấy chỉ khả thi khi đặt mục tiêu giữ lại vùng Bắc Kỳ, nhưng khi phải ký vào Hiệp ước Thiên Tân 1885, Mãn Thanh buộc chấp nhận mất toàn bộ chư hầu Việt Nam.

Hiệp ước Thiên Tân 1885 giữa Pháp và Mãn Thanh đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cả Mãn Thanh và Việt Nam.

Nếu như việc phải nhượng địa Hong Kong cho nước Anh chỉ khiến Mãn Thanh thức tỉnh về khả năng kỹ thuật của phương Tây nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào hệ thống thiên triều – chư hầu, thì đến khi mất chư hầu Việt Nam vào tay Pháp, ý thức hệ và cấu trúc thiên triều – chư hầu của họ bị đánh tận gốc rễ. Việc Mãn Thanh không thể giữ Việt Nam trong cấu trúc thiên triều – chư hầu đã khiến Nhật Bản, lúc này đã trở thành một cường quốc, quyết định giành lấy một chư hầu khác của Mãn Thanh là Triều Tiên. Mãn Thanh tiếp tục mất Triều Tiên trong cuộc chiến Nhật Thanh 10 năm sau đó.

Từ đó, việc cấu trúc và ý thức hệ thiên triều – chư hầu bị sụp đổ toàn diện trong thế kỷ 19 trở thành một trong những nội dung chủ yếu của ý niệm “thế kỷ ô nhục” trong chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa hiện đại.

Còn ở Việt Nam, do cuộc chiến Pháp – Thanh ảnh hưởng quá lớn đến số phận Việt Nam, nên dù xoá cuộc chiến này khỏi Sách giáo khoa sử cho học sinh phổ thông, ngày nay, các sử gia ở Hà Nội vẫn phải dạy học sinh về một số điều liên quan đến cuộc chiến ấy: đội quân Cờ Đen của tướng Mãn Thanh là Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Thiên Tân 1885.

Đó là sự kiện không thể không dạy. Quân đội Lưu Vĩnh Phúc của Mãn Thanh đã lập hai chiến công là giết hai chỉ huy của Pháp trong hai trận ở Cầu Giấy, còn Hiệp ước Pháp – Thanh 1885 thì mở ra trang sử mới của Việt Nam. Nhưng, nói về Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Pháp – Thanh mà lại không nói gì về cuộc chiến tranh quyết định quyền kiểm soát Việt Nam của hai nước Pháp – Thanh này, các sử gia của chúng ta đã cho học sinh phổ thông học một bức tranh lịch sử cận đại theo kiểu… Pháp xâm lược Việt Nam, rồi đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta.

Lưu Vĩnh Phúc vốn là quân Thái Bình Thiên Quốc, bị triều đình Mãn Thanh đánh bại, chạy sang Việt Nam làm thổ phỉ, gây ra vô số tội ác cho dân chúng. Triều đình Huế không thể đánh dẹp, phải nhờ Mãn Thanh đánh giúp. Khi triều đình Mãn Thanh cử quân đội vào Việt Nam để đụng đầu với Pháp, quân đội triều đình Mãn Thanh đã thâu nạp luôn đội quân thổ phỉ Lưu Vĩnh Phúc, ban cho phẩm hàm triều đình, thay vì tiêu diệt nó.

Sách giáo khoa sử lớp 7 hiện nay ở Việt Nam dùng khái niệm “quân ta” để gọi Lưu Vĩnh Phúc. Lối giáo dục này bắt đầu từ hơn 70 năm trước, khi sử gia Trần Văn Giàu và Trần Huy Liệu ở Hà Nội bắt đầu xây dựng bức tranh “lịch sử cận đại”. Lưu Vĩnh Phúc có tờ Hịch kêu gọi binh lính của mình đánh Pháp, trong đó, đoạn đầu tiên, ông nói rõ mục đích của cuộc chiến: Việt Nam là chư hầu của Mãn Thanh, nay Pháp sang chiếm mất chư hầu của ta, ta và Pháp là kẻ thù không đội trời chung.

Sử gia Trần Văn Giàu làm gì khi trích dẫn bài Hịch này vào bộ sử “Bắc kỳ kháng Pháp”? Ông cắt bỏ đoạn mở đầu thể hiện rõ ý thức hệ và mục đích chiến tranh của họ Lưu. Nhờ thế, sử gia họ Trần dễ dàng gắn huân chương “tình hữu nghị chiến đấu của hai dân tộc Việt Trung” cho Lưu Vĩnh Phúc.

(còn tiếp)
NVT2002
(tiep theo)

Lịch sử của sự phân đôi phải / trái

Xoá bỏ cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh vào thế kỷ 19, các sử gia miền Bắc xây dựng thế kỷ 19 theo mô hình phân đôi: một bên là thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn hèn nhát hàng giặc, một bên là “dân tộc” anh hùng kháng chiến chống ngoại xâm. Trên cái nền bức tranh phân đôi con người làm hai tuyến, bên trái là “xâm lược phương Tây” và bên phải là “nhân dân anh hùng”, người ta lần lượt điêu khắc các nhân vật lịch sử sao cho ăn khớp với bức tranh ấy: Alexandre de Rhodes dĩ nhiên thuộc bên trái bức tranh, phong trào văn thân (vốn không có ý niệm về lòng ái quốc mà chỉ chống người theo đạo Thiên chúa giáo để bảo vệ hệ thống phong kiến nơi họ có thể tìm thấy vị trí xã hội của mình) được xếp vào bên phải.

Vẽ bức tranh thế kỷ 19 theo cách ấy, các sử gia của Viện Sử học ở Hà Nội từ thập niên 1950 dễ dàng tiếp tục vẽ bức tranh của giai đoạn tiếp theo như cách chúng ta thấy trong các giáo trình “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” ngày nay: “nhân dân” tuy anh hùng nhưng không có đường lối đấu tranh đúng đắn, liên tục thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, mang về Việt Nam vũ khí tối tân là con đường cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân vật trung tâm của bức tranh. Lịch sử quốc gia thế kỷ 20 được đồng nhất với lịch sử Đảng.

Cách học ấy bắt đầu từ giữa thập niên 1950, đến nay đã kéo dài khoảng 4 thế hệ.

Phục hồi ký ức?

Trần Trọng Kim, người cha của sử học hiện đại Việt Nam, 1883-1953
Cuộc chiến Pháp – Thanh và sự thất bại của Việt Nam khi bị kẹt giữa hai siêu cường ấy đã được sử gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Trần Trọng Kim, phân tích kỹ lưỡng trong “Việt Nam sử lược”, bộ sách giáo khoa lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam, xuất bản vào 1919-1920. Cuốn sách đã bị cấm ở miền Bắc sau 1954 và toàn quốc sau 1975. Nếu chấp nhận phục hồi ký ức về cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp Thanh thế kỷ 19, chúng ta sẽ phải chấp nhận bức tranh thế kỷ ấy như người cha của nền sử học Việt Nam đã khắc họa một cách khách quan: Đó là thế kỷ mà Việt Nam bị mắc kẹt vào hai gọng kìm Pháp – Thanh, bị giằng xé giữa hai mô hình “chư hầu của thiên triều phương Bắc” và “thuộc địa của thực dân phương Tây”, bị buộc phải lựa chọn giữa hai con đường “Tây phương hoá” hay “tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của vùng văn hoá chữ Hán”.

Điều đó có nghĩa là bức tranh lịch sử từ đầu thế kỷ 20 cũng cần được vẽ lại toàn bộ. Trong bức tranh này, vị trí của các lực lựợng chính trị, các phong trào xã hội, các vấn đề thuộc phạm vi tinh thần như lịch sử tư tưởng, văn hoá, văn học nghệ thuật… cũng sẽ được tái định vị một cách căn bản.

Năm 1987, sử gia Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu xuất bản “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, phân tích thế kỷ 19, trọng tâm là thời Tự Đức, như là thời đại Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường. Cuốn sách được các học giả Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng, Tăng Văn Hỷ, Vũ Văn Kính dịch ra tiếng Việt và Trần Văn Giàu là người viết lời giới thiệu. Trần Văn Giàu đã đánh giá cách tiếp cận của Tsuboi là “mới mẻ” mà “quên” mất rằng, cách hiểu ấy về thế kỷ 19 đã ra đời ngay từ đầu thế kỷ 20, trước sử gia Nhật Bản ấy đến bảy thập niên, trong “Việt Nam sử lược”, cuốn sách mà chính các sử gia kiêm chính trị gia ở Hà Nội đã cấm đoán từ thập niên 1950 để độc quyền một cách kể chuyện lịch sử duy nhất.

Nhận thức về lịch sử (trả lời câu hỏi “chúng ta đến đây từ đâu và như thế nào?”) và lựa chọn chính trị (trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì bây giờ?”) chỉ là hai mặt của một tờ giấy. Hiểu theo cách đó, như ta thấy qua câu chuyện phản đối đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes nói trên, những lựa chọn của người Việt Nam hôm nay vẫn chìm đắm trong một màn sương mù của tư duy được đình hình từ giữa thế kỷ trước bởi Ban nghiên cứu Văn Sử Địa.

Lãng quên bài học thất bại khi đối diện yêu cầu lịch sử phải lựa chọn giữa Pháp – Thanh với tư cách là hai mô hình, hai thế giới, Việt Nam ngày nay tiếp tục đối diện câu hỏi ấy một lần nữa.

Khôi Nguyễn, Đại học Oregon
NVT2002
Thật tiếc là tác giả Khôi Nguyên đã không cập nhật nội dung: cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, sau năm 1975, đã được xuất bản và tái bản rất nhiều lần ở trong nước.
NVT2002
Thêm luận điểm của nhóm phản đối:

Đặc biệt, Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông. Trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653, ở đoạn cuối chương 19, phần thứ 3, Alexandre de Rhodes viết: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.

Chính vì thấy những ý định không tốt của A. de Rhodes (chống đối truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta…) nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất A. de Rhodes, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam. Vì những lẽ trên, ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975, các đường phố, trường học,… mang tên A. de Rhodes (do thực dân Pháp hay chính quyền Việt Nam Công hoà đặt) đều bị xóa. Gần đây, một số người lặp lại luận điệu sai trái của thực dân trước đây để đòi phục hồi tên của A. de Rhodes, nhằm những ý đồ chính trị hay tôn giáo của họ.

Chúng tôi khẳng định: “A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ,..”. Trái lại đối với dân tộc Việt Nam, Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được. Quan điểm của các sử gia Việt Nam là quá rõ: “Sau hàng thế kỷ trường kỳ mai phục bằng hội Truyền Giáo đối ngoại, tới đây tư bản Pháp đã nắm được thời cơ can thiệp thẳng vào Việt Nam. Đó là cái mà các sử gia triều đình phong kiến thực dân gọi là “công nghiệp” của Pi-nhô đờ Bê-hen (Pigneau de Béhaine), người được Lu-i XVI phong tước công và cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Nguyễn Ánh và được Nguyễn Ánh tôn lên làm “cha cả” với chức thái phó tước quận công. Nhưng vai trò Bá Đa Lộc vốn chỉ là kẻ trực tiếp khiến cho tư bản Pháp nắm được Nguyễn Ánh, còn yếu tố quyết định đầu tiên là cả một quá trình hoạt động không biết mệt mỏi của hội Truyền Giáo đối ngoại nằm trong tay thế lực tư bản Pháp, vốn do Rốt sáng lập” (Hoàng Văn Lân, Đặng Huy Vận, Mưu đồ chính trị của A-lếch-xăng-đờ-rốt và vấn đề chữ quốc ngữ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, số 63, tháng 6, 1964, tr. 14-28).

(Trích nguyên văn từ bản kiến nghị)
Phó Thường Nhân
Vừa rồi tôi cũng đọc trên báo VN, thấy nói là Đà Nẵng đã rút tên hai giáo sĩ này ra khỏi dự định đặt tên đường, nhưng không rõ là nó lại trở thành một cái Buzz trên mạng, gây tranh cãi. Câu chuyện này cũng là câu chuyện thú vị, và có thể tôi sẽ viết dài, nhưng vì không có thời gian nên sẽ lai rai, vì với tôi nó là một câu chuyện lịch sử, nên rất có thể khi viết xong thì cái buzz này không còn là thời sự nữa. Vì thế tôi viết trước ở đây kết luận, và sau đó sẽ giải thích tại sao lại có thể có kết luận đó.
Với tôi, việc Đà Nẵng rút tên hai giáo sĩ, đặc biệt Alexandre de Rhode ra khỏi dự định đặt tên là đúng, đáng hoan nghênh.
Câu chuyện chữ quốc ngữ là một vấn đề rất thú vị, vì là người tò mò theo hobby sưu tập về văn hoá, đã từ lâu tôi để ý tới ông này, cũng như vấn đề chữ quốc ngữ ở VN. Hiện tại tôi còn có một bản lịch sử VN do các giáo sĩ (hay người công giáo tôi nhớ không rõ) viết về lịch sử VN vào thời phôi thai của nó. Sách này là sách Sài gòn xuất bản từ trước. Tôi cũng sưu tập kinh thánh bằng tiếng việt, bản cũ, vì nó chinh là những tác phẩm đầu tay của chữ quốc ngữ.
Bản thân về Alexandre de Rhode, tôi cũng có một quyển sách của Pháp viết về thân thế sự nghiệp của các tu sĩ dòng Giê Su (VN gọi là dòng tên) đi truyền đạo ở Đông Á, trong đó có ông này, và François Xavier là người truyền đạo vào Trung quốc và Nhật bản. Tôi cũng có sách viết bằng tiếng Pháp nói về vấn đề khác biệt giữa đạo Nho (với quan niệm Trời(Thiên) và quan niệm chúa Trời của Thiên chúa, dẫn tới một câu chuyện tranh cãi giữa Giáo Hoàng và vấn đề truyền đạo ở TQ, được biết tới như câu chuyện về “nghi lễ TQ” (tiếng pháp : rite chinoise).
Và tất nhiên tôi có khá nhiều sách vở về lịch sử liên quan tới các công ty Đông Ấn của phương Tây thâm nhập vào Đông Á. Cũng như buổi đầu của các cuộc xâm lược thực dân từ thế kỷ XVI đến XIX. Nhưng điều liên quan chặt chẽ tới vấn đề truyền đạo thiên chúa ở đây. Tôi cũng có quyển sách của Alexandre de Rhode viết về công cuộc truyền đạo của ông ở Vn, do VN hiện thời in. Trên mạng, mọi người cũng có thể tìm thấy quyển này.
Rất tiếc là những sách vở này tôi có trong thư viện riêng của mình, nhưng nhà tôi chật, sách chất đống, tìm được nó để đọc lại để viết cho chỉnh chu thì khó mà cũng ngại. Nên tôi chỉ viết dưới dạng những kiến thức mình thu thập được, còn nhớ lại như đại ý. Vì tất nhiên mỗi khi đọc xong, thì kiến thức trong sách sẽ được tôi ghi nhớ lại một cách tự nhiên (như hobby) trong đầu, nhưng ghi nhớ này cũng là nhận thức của tôi về vấn đề đó.
Nếu theo đúng được dàn bài mà tôi vừa xây dựng trong đầu, thì tôi sẽ viết chủ đề này theo những hướng như sau:
1- Alexandre de Rhode và việc hình thành bản chữ quốc ngữ ? Tại sao ông này lại được vinh danh là ông tổ của bảng chữ cái này ? thật hay giả ?
2- Chữ quốc ngữ có tác dụng như thế nào với văn hoá VN ? Quá trình hình thành của nó với văn hoá VN ? Nước Vn có thể sống không có chữ quốc ngữ không ? Điều đó có ngăn cản sự phát triển của nước ta không ?
3- Những vấn đề liên quan tới vinh danh Alexandre de Rhode ? nó có hệ luỵ gì đặc biệt là những vấn đề khúc mắc liên quan tới truyền đạo Thiên chúa vào VN (tức là động chạm tới cộng đồng công giáo VN hiện tại, và « đối thủ » của nó (tôi để trong ngoặc kép) là đạo Phật hiện đại) cũng như nhận thức về thời thực dân, hệ quả của nó.
Tất nhiên tôi cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp để chọn lựa.
Phó Thường Nhân
Bắt đầu bằng vấn đề đầu tiên. Liên quan giữa Alexandre de Rhode và văn tự chữ quốc ngữ.
Alexandre de Rhode là ai ? ông ta là một người gốc Do Thái, nhưng sinh ra ở miền Nam Pháp (theo bản đồ bây giờ). Tên ông ta là De Rhode nhưng không có nghĩa là có nguồn gốc quý tộc Pháp (“de” này “de” kia), và như trong quyển sách của tôi viết về thân thế của ông, thì tên của ông ta bắt nguồn từ chữ Rosiers, tức là xuất thân trong một gia đình sản xuất thủ công rổ rá làm bằng các cọng cây lác.
Nguồn gốc sâu xa của gia đình ông liên quan tới Tây ban Nha. Và vào thời ông ra đời, vấn đề cải đạo của người Do Thái ở bán đảo này sang đạo Thiên chúa là một vấn đề nóng bỏng. Dẫn tới việc đạo Thiên chúa ở Tây ban nha tiến hình các toà án tôn giáo, để truy quét những người cải đạo, mà theo đạo này là “không thành thật” (inquisition).
Alexandre De Rhode cũng theo dòng Giê Su, là một dòng thanh do Isaac de lyola, một tu sĩ người Tây ban Nha lập ra. Isaac đầu tiên là kị sỹ, sau khi đánh nhau bị thương mới “ngộ đạo” mà lập ra dòng Giê Su này.
Chính vì Alexandre de Rhode sinh trưởng trong một môi trường có thể gọi là “đa văn hoá” như thế, mà ông biết nhiều thứ tiếng. Nhưng về mặt hành chính, ông ta được coi là người Pháp, nằm trong giáo đoàn Giê Su của Pháp. Thư từ ông ta viết với hội truyền đạo pháp ở nước ngoài (cơ quan quản lý ông, nói theo từ hiện tại) được viết bằng tiếng Pháp.
Tại sao tôi lại nói dài dòng văn tự như thế về ông. Bởi vì xác định ông ấy nói tiếng nào rất là quan trọng để có thể xác minh ông ấy có thực là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ không ?
Tại sao ? hiện nay, bất cứ ai biết tiếng Pháp, hoặc là muốn xác minh bẳng chữ quốc ngữ giống thứ chữ nào ở phương Tây có thể thấy rằng bảng chữ cái tiếng việt, khác xa bản chữ cái tiếng Pháp, nhưng nó lại giống tiếng Bồ đào Nha.
Ví dụ ở trong bảng chữ cái tiếng việt, có chữ “nhờ” (nh) chữ này phát âm y chang như chữ “nhờ” tiếng Bồ (ví dụ “da cunha” đọc là đa cu nha). Tiếng việt cũng có dấu ngã. Dấu này cũng có trong tiếng Bồ. Tham chiếu hai bảng chữ cái, Việt Bồ, thì ta dễ dàng nhận ra rằng, bản chữ cái tiếng Việt, là bản chữ cái Bồ có thêm những âm, dấu mà tiếng Bồ không có, do tiếng việt có tới 6 âm vực khác nhau (huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng..). Và có thể đoán ra rằng, khởi điểm của nó là cách viết phiên âm tiếng việt, của người có nguồn gốc Bồ Đào Nha, dùng để học tiếng việt. Y hệt như kiểu tôi giờ muốn học tiếng Anh thì cụm từ “thank you” sẽ được tôi viết bên cạnh cách đọc (tương đối) bằng chữ việt thành “thanh kiu”.
Như vậy một cái câu hỏi đầu tiên phải đặt ra, nếu coi Alexandre de Rhode là ông tổ của chữ cái VN, thì tại sao là người Pháp, ông ấy lại dùng bản chữ tiếng Bồ để viết tiếng Việt ? Để muốn chứng tỏ minhg giỏi ngoại ngữ !!!!
NVT2002
Thêm một bài viết https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/chuyen-it-...02073837133.htm
Phó Thường Nhân
Bản thân lịch sử truyền đạo Thiên chúa vào VN bắt đầu bằng các giáo sĩ Bồ Đào Nha, và như vậy việc “dúi cho” Alexandre de Rhode là ông tổ của bảng chữ cái Việt nam là “FAKE NEWS”. Thật lạ lùng là dấu ấn của tiếng Bồ còn ngay trong bảng chữ cái này, mà vẫn “dúi lấy được” cho Alexandre de Rhode thì thật là quái đản.
Hôm trước, khi NVT đưa cái chủ đề này ra, tôi cũng tò mò vào tra chú gúc xem trên mạng, và thấy rằng cái FAKE NEWS này chiếm lĩnh hoàn toàn, cũng chính vì điều này, mà như tôi đã nói trong các chủ đề phật giáo tôi đã viết, trên mạng tôi chỉ kiếm các đầu sách PDF, mà tôi không có điều kiện hoặc khả năng mua, còn thông tin của nó thì phải thanh lọc. Ngược lại tôi tin vào sách giấy hơn.
Một điều nhậy cảm hơn là vai trò của Alexandre de Rhode trong công cuộc chinh phục thuộc địa của thực dân Pháp ở VN. Gọi là nhậy cảm vì nó liên quan tới cộng đồng thiên chúa giáo ở VN, và liên quan tới việc đánh giá “di sản” của chế độ thực dân ở VN. Từ khi đổi mới (1986), thì người ta có xu hướng nói ngược, tức là đánh giá nó một cách tích cực (positif) mà lờ tịt đi phần negative của nó. Theo một cái lô gíc, càng nói ngược, thì càng có vẻ khách quan, cởi mở, là một dạng chí sĩ hơn đời. Điều này tôi đã từng nói đến.
Câu trả lời là Alexandre de Rhode có liên quan tới công cuộc chinh phục thuộc địa của Pháp không thì câu trả lời là CÓ và KHÔNG.
Tại sao lại có thể trả lời nước đôi như thế, bởi vì phải định nghĩa cuộc chinh phục thuộc địa của Pháp là vào lúc nào.
Alexandre de Rhode đến VN vào thế kỷ XVI, thời còn Đàng Trong Đàng Ngoài. Thực dân Pháp xâm lược VN vào thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn. Hai sự kiện này cách nhau 3 thế kỷ. Vì thế câu trả lời KHÔNG là để nói rằng, Alexandre de Rhode không phải là giáo sĩ giúp thực dân Pháp xâm lược VN. Vai trò này được dành cho nhưng linh mục người Pháp khác như Bá đa lộc, hay Cố Du, hay cha Sáu .. vào thế kỷ XIX.
Còn câu trả lời CÓ cũng đúng, bởi vì bản thân cách đạo Cơ đốc truyền đạo vào thế kỷ XV, thời Alexandre de Rhode đã là một kiểu xâm lược. Có điều khác là cuộc xâm lược này đã thất bại.
Tôi sẽ nói rõ điều này ở đây. Việc một tôn giáo truyền tới một nước không phải là điều gì đặc biệt. Ở VN cũng đã có việc truyền đạo Phật, rồi đạo Nho, rồi đạo Lão. Điều quan trọng là cái cơ cấu nào truyền nó, tổ chức như thế nào, và cái cách người ta dậy cách ứng dụng đạo ấy như thế nào.
Việc “truyền đạo xâm lược” này của cơ đốc giáo vào thế kỷ XVI không chỉ gặp phải sự phản ứng từ chính quyền phong kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài, mà ngay cả ở TQ , rồi Nhật bản, rồi Hàn quốc, Thái lan, Miến Điện .. Việc tất cả các chính quyền rất đa dạng, rất khác nhau, không liên quan gì đến nhau không hợp đồng với nhau, kiểu như một liên minh mà lại có cùng thái độ “dị ứng” với cơ đốc giáo truyền vào cũng bởi tại lý do này.
Tại sao lại thế ? Khi đạo cơ đốc truyền đạo vào thế kỷ XVI sang châu Á, nó đã mang tới một khái niệm tôn giáo hoàn toàn khác lạ với quan niệm tôn giáo ở đây. Hiện nay ta vẫn dịch từ religion là tôn giáo thực ra là không đúng. Nó chỉ đúng là cả hai khái niệm này đều nhằm vào nhu câu tâm linh. Nhưng cách sử lý nhu cầu tâm linh (nếu ta có thể nói như vậy) hoàn toàn đối nghịch nhau như nước với lửa.
Từ tôn giáo nghĩa của nó là giáo dục (giáo) được đưa cao lên (tôn), giống như tôn thờ. Sự giáo dục này nhằm để giải thoát (đạo phật) hay là tu thân (tức là hoàn thiện hoá con người một cách tự giác). Khi con người đã được hoàn thiện, hay giải thoát thì chinh họ cũng trở thành thần, thành phật.
Từ religion của phương Tây có nghĩa khác hẳn. Nguyên bản của nó có nghĩa là “nối lại” (relire). Nối cái gì ? nối con người với chúa Trời, trong đó chúa trời là chủ đạo, như dạng một ông chủ nô lệ, và con chiên là nô lệ ngoan ngoãn nghe lời, vì thế hình ảnh một tín đồ mới được coi như một con cừu, là một loại động vật hiền lành trong văn hoá chăn nuôi du mục thịnh hành ở phương Tây.
Con người phải nghe lời chúa, được “lộ ra” (revelation) qua kinh thánh, nhưng con người không thể trở thành tương đương với chúa, mà chỉ là cục đất để cho chúa để cái linh hồn vào. Nhưng linh hồn này không phải cùng chất với chúa. Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi về lý thuyết vấn đề thần-người này trong lịch sử thiên chúa giáo, và người ta mang nhau lên dàn hoả, chém giết nhau cũng vì những thứ này, mà đằng sau nó là sự kiểm soát “bộ máy hành chính” của giáo hội, và tất nhiên sau đó là TIỀN và QUYỀN.
Như vậy đạo cơ đốc đề cao nghe lời, tuân lệnh. Theo lý thuyết, nó là lệnh của chúa. Trong thực tế đó là lệnh của tăng lữ, mà đứng đầu là giáo hoàng. Chính vì thế, cơ đốc giáo được tổ chức như một nhà nước, mà các chức vụ như linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng giống như uỷ ban phường, huyện, tỉnh rồi tới nhà nước mà giáo hoàng là một ông vua toàn cầu. Ở Tây Âu, cơ cấu này tồn tại song hành với nhà nước từ thời sơ kỳ phong kiến, khi đế quốc La Mã tan rã. Lịch sử Tây Âu vì thế luôn là các cuộc chiến tranh, nhưng thông qua tôn giáo. Ta có thể kể tới như cuộc chiến tranh trăm năm giữa Anh và Pháp, rồi thánh chiến, rồi chiến tranh giữa tin lành và cơ đốc. Lịch sử chính trị ở Tây Âu từ thời phục hưng đến nay, chính là lịch sử chính trị của các nhà nước ở đây (Anh, Pháp, Đức) thoát khỏi cái chính quyền kép mà đạo cơ đốc đã tạo ra này. Ở Anh, đó là việc Vua Henri VIII, bắt đạo cơ đốc phải phụ thuộc vào nhà vua, và vua Anh trở thành người đứng đầu nhà nước cũng như đứng đầu tôn giáo. Ở vùng văn hoá Đức, tức là nước Đức, Áo,Thuỵ sĩ, Bắc âu tạo ra đạo tin lành, thoát khỏi sự kiểm soát của giáo hoàng. Ngay ở Pháp, vốn là nước được coi là chị cả của đạo cơ đốc, cách mạng Pháp 1789, và đặc biệt từ luật của thời Jule Fery (cuối thế kỷ XIX, đồng thời với cuộc xâm lược của Pháp ở VN), đạo cơ đốc không can thiệp vào nhà nước được nữa, và nhà nước không cần giáo hoàng và đạo cơ đốc chính danh…tôi có thể kể ra các trường hợp các nước khác từ Ý, Bồ, Tây ban Nha, ..v..v.. nhưng mà thôi, vì nó hơi dài dòng.
Điêù đáng nói là trong khi các nước ở Tây Âu tìm cách thoát ra khỏi cái tròng tôn giáo này, thì cơ đốc giáo vào thế kỷ XV lại muốn mang cái đó sang các nước khác trên thế giới. Và để lập lại cái mô hình này, các giáo sĩ Cơ đốc giáo như Alexandre de Rhode muốn tìm cách cải đạo tầng lớp lãnh đạo ở Đông Á (vua, quan, nhà nho..) theo mô hình, một khi vua đã cải đạo, thì sẽ ép cả nước cải đạo theo. Đã cải đạo thì giáo sĩ trở thành cố vấn nhà nước giật giây, hay ra nắm quyền (thời phong kiến của Pháp, vị trí thủ tướng của Pháp thường là cố đạo, ví dụ Richelieu). Khác với đạo Phật, và đạo Nho, Cơ đốc giáo sống bằng thuế tôn giáo, người ta gọi là dime(tiếng Pháp) được thực thi thông qua nhà nước, và chính vì thế nó mới thích cải đạo nhà nước. Và để cải đạo kiểu này, các giáo sĩ cơ đốc không ngần ngại yêu cầu chính quyền bản quán của mình can thiệp quân sự, mà họ sẽ chính danh cho các cuộc xâm lược này, gán cho nó một ý nghĩa cao cả là truyền đạo. Chính vì thế mà mới có lời yêu câu của Alexandre de Rhode đòi hỏi vua Pháp can thiệp vào VN. Rất may mắn là vào thời điểm đó, thế kỷ XVI, chính quyền phong kiến Pháp không đủ mạnh để xâm lược VN cũng như họ không cải đạo được tầng lớp “elite” ở đây, dù là ở Nhật, TQ, hay VN, khiến ý đồ của các giáo sĩ như Alexandre de Rhode thất bại. Và chính sự thất bại này là một lý do để ông này trở thành cha đẻ của chữ quốc ngữ mà thực dân Pháp tuyên truyền về sau. Tại sao thì tôi sẽ nói sau.
Như vậy bản thân cách truyền đạo, đã là một cuộc xâm lược có ý thức. Hiện nay tình hình của đạo này có nhiều điều khác với thời kỳ này (thế kỷ XVI) cũng như thời kỳ Pháp xâm lược VN vào thế kỷ XIX. Cái này tôi cũng sẽ nói sau, để tranh việc hiểu lầm tai hại, là phủ nhận Alexandre de Rhode có nghĩa là chống lại người công giáo VN, ngược lại người công giáo VN hoàn toàn có thể quên đi cái FAKE NEWS này và tự hào về tôn giáo của mình.
Phó Thường Nhân
Với một chút ít kiến thức lịch sử ở trên. Bây giờ ta chỉ cần nhập vai thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX ở VN như kiểu “nhập hồn” trong đạo Mẫu vào vai một tên thực dân, thì sẽ lý giải được việc Alexandre de Rhode tại sao lại trở thành ông tổ của bảng chữ cái Vn dù nó FAKE NEWS. Tôi gọi nhập vai hay nhập hồn là một cách nói ví von hình ảnh của việc tìm hiểu nhu cầu, cách thức thực dân Pháp tuyên truyền thế nào ở Đông Dương để người Vn chấp nhận chế độ thuộc địa này.
Trong suốt thời kỳ xâm lược và thống trị của thực dân Pháp ở VN (1872-1954) (cách tính của tôi là lấy mốc 1872, là năm Pháp chiếm được Sài gòn và 3 tỉnh Nam kỳ làm khởi điểm, và năm 1954 khi Pháp phải rút đi là kết thúc. Nhưng thông thường ta hay lấy năm 1858, khi Pháp tấn công Đà Nẵng làm khởi điểm. quả thực nếu là bắt đầu hành động xâm lược thực sự là 1858. Nhưng tôi lấy mốc 1872, để nhấn mạnh sự thống trị của nó. Vì từ năm 1872, mà Pháp bắt đầu quản lý hành chính, khai thác một bộ phận đất đai VN, và dùng nó làm bàn đạp để chiếm nốt phần còn lại. Ta cũng có thể lấy mốc là sau khi Pháp-Thanh ký hiệp ước Thiên Tân (tôi không nhớ rõ năm), sau khi Pháp – Nhà Thanh giao chiến ở Lạng sơn. Đây là kiểu hiểu của giới học giả Sài gòn cũ. Còn tại sao họ hiểu như thế thì tôi sẽ giải thích tiếp sau), thực dân Pháp không chỉ xâm lược mà phải tuyên truyền để biện minh cho sự xâm lược đó, ngay đối với người dân Việt nam. Sự biện minh đầu tiên là bảo vệ Thiên chúa giáo khỏi sự đàn áp của nhà Nguyễn. Và khi Pháp thiết lập được thuộc địa rồi, thì nó lại đổi ra là đem văn minh tới cho VN.
Trong nhu cầu tuyên truyền này mà Alexandre de Rhode trở nên “đắc địa” vì đáp ứng được tất cả nhu cầu của thực dân Pháp. Bởi ông ta là người Pháp (khác với các giáo sĩ truyền đạo khác là người Bồ, dù chính họ mới là người sáng tạo ra cái bản chữ cái này), và vì cuộc xâm lược bằng truyền đạo của Alexandre de Rhode thất bại, không liên quan gì tới các linh mục Pháp thời thế kỷ XIX có dấu ấn trực tiếp với cuộc xâm chiếm thuộc địa vừa diễn ra , nên ông ta lại trở nên “sạch sẽ” hơn.
Như vậy Alexandre de Rhode trở thành biểu tượng của nhà truyền đạo thông thái, mang lại văn minh cho VN (lập ra bảng chữ cái), và lại là người Pháp để từ đó móc vào là chế độ thuộc địa ở VN tiếp tục “con đường khai hoá văn minh” đó của nước Pháp, vì Alexandre de Rhode là người Pháp. Tất nhiên sự tuyên truyền này phải lờ tịt đi bản chất, cách tuyên truyền, .. của các cố đạo vào thế kỷ XVI, như tôi đã nói ở trên.
Nếu ai phản đối việc này, thì được coi là chống lại, kỳ thị cơ đốc giáo.
Cách tuyên truyền này của thực dân Pháp cực kỳ có hiệu quả, vì nó đã lồng vấn đề xâm lược thành vấn đề xung đột tôn giáo. Lồng quá trình xâm lược, thành truyền bá văn minh.
Sau khi thực dân Pháp bắt buộc phải bỏ VN, sự tuyên truyền này trở thành “sự thật” cho giới học giả Sài gòn cũ trong chính quyền Sài gòn tồn tại từ năm 1954 đến 1975. Tại sao lại thế ? bởi chính quyền này là do Pháp nặn ra (từ năm 1948), nhân sự của nó chính là bộ máy cai trị thực dân cũ để lại. Chính quyền này được “độc lập” (tôi để trong ngoặc kép) vì đấy là cách thức Pháp sử dụng để lấy viện trợ Mỹ tiến hành chiến tranh ở VN (1945-1954). Không phải ngẫu nhiên mà Pháp “trao trả độc lập” khi Pháp thất bại trong chiến dịch sông Lô đánh lên Việt Bắc (mùa đông năm 1947). Hiện nay chiến dịch này vẫn được lưu lại trong lịch sử qua bài hát “chiến thắng sông Lô” của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Chiến dịch này thất bại, đã khiến Pháp hiểu rằng không thể đánh nhanh thắng nhanh, và như vậy phải che dấu công cuộc chinh phục thuộc địa lại này bằng ..chống cộng. Giống như khi xâm lược VN thì thành bảo vệ tôn giáo.
Từ khi VN đổi mới (1986), nhân danh đổi mới tư duy, mà người ta lại bập vào đây, theo nguyên tắc bất cứ cái gì nói ngược lại nhận thức thời kháng chiến là ..đúng, vì “đổi mới mà lị”.
Phó Thường Nhân
Nhìn về mặt trực quan cảm giác, thì chữ quốc ngữ với ký tự la tin rõ ràng là tiện lợi hơn chứ Nho và chữ Nôm thời trước (đặc biệt với nhưng người chỉ còn biết chữ quốc ngữ như đa số hiện nay). Và sự tiện lợi này là có thật. Do ngôn ngữ trùng với âm thanh, lại chỉ cần nhận biết một số nhỏ ký tự (a,b,c ,d..) là có thể đọc được dễ dàng. Nhưng cũng chính vì thế mà nó lại khiến tôi đặt ra một câu hỏi, nước VN ta vốn là một nước văn hiến, tức là có ký tự từ rất lâu (tất nhiên là chữ tượng hình), vậy điều gì khiến tổ tiên ta lại không nghĩ ra một bảng chữ cái để viết, mà lại dùng chữ Nho và phải đợi tới các giáo sĩ Bồ tới nghĩ ra điều này.
Một điều đáng để ý nữa, đó là VN nằm trên vùng giáp gianh giữa chữ Nho (xuất phát từ TQ), và các nước nằm phía nam như Cham Pa, Chân Lạp, dùng bảng ký tự. Các nước này do ảnh hưởng của văn hoá Ấn độ, nên có bảng chữ cái. Ai lên thăm tháp chàm ở Nha Trang, hay bất cứ nơi nào khác, đều thấy những văn bia hoặc bằng chữ pali của Ấn độ, hoặc bằng chữ Chàm.
Hiện nay, mọi người đều biết là Phật giáo vào Giao Chỉ từ Trung quốc cũng có mà từ đường biển vào trực tiếp cũng có. Trong Thiền uyển tập Anh, có nói tới sư Ma ha kỳ vực, dịch kinh từ tiếng Phạn ra chữ Nho.
Như vậy tổ tiên người Việt không chỉ biết có một loại văn tự như chữ tượng hình tồn tại (chữ Nho) mà còn biết có cả loại chữ nữa theo bảng chữ cái. Những văn tự này cũng chuyển tải cả sự linh thiêng (tức là đạo Phật), cho nên không thể nói nó kém cạnh về tâm linh so với chữ Nho.
Lịch sử văn hoá VN là một lịch sử có tích tụ rất nhiều các yếu tố của văn minh Cham pa. Vậy tại sao không ai nghĩ ra việc sử dụng bộ ký tự Pali hay cham pa, cải biên nó đi để viết tiếng Việt mà lại dùng chữ Nho. Tại sao rất nhiều giá trị văn hoá Chàm được tích hợp vào văn hoá người Kinh, nhưng ta lại không sử dụng lô gíc chữ cái này.
Bây giờ nếu dặt tiếp một câu hỏi khác, có tính chất “cơm áo gạo tiền” vật chất hơn, đó là bảng chữ quốc ngữ đóng góp thế nào vào sự phát triển của văn hoá VN, có phải nó là yếu tố bắt buộc để nước VN có thể hiện đại hoá, công nghiệp hoá không ? Câu trả lời hiển nhiên là KHÔNG.
Tại sao ? vì ta chỉ cần nhìn ra xung quanh VN thì thấy. TQ, Nhật bản là hai cường quốc hiện tại. Trình độ phát triển của họ đều trên VN. TQ có thể trở thành cường quốc thay chân Mỹ. Nhật thì không cần nói. Cả hai nước này đều dùng chữ tượng hình. Điều đặc biệt hơn chính ở Nhật bản. Họ có tới 4 kiểu ký tự khác nhau. Trong đó có 3 là ba bảng chữ cái, và ký tự thứ 4 là chữ tượng hình,chữ Nho. Kỳ lạ hơn nữa, với người Nhật, một trí thức nhất định phải biết Kanji (phiên âm tiếng Nhật của Hán tự, tức là chữ Nho ở VN), một người Nhật mà không biết Kanji, không dùng được Kanji, thì chỉ là người tầm thường. Như vậy ở đây, bất cứ một người Nhật nào cũng có thể chọn viết bằng bảng chữ cái, hoặc trộn lẫn Kanji, và họ vẫn trọng chữ tượng hình hơn, dù nó phức tạp hơn. Dường như khả năng viết chữ đơn giản, điều mà người VN dùng chữ quốc ngữ cho là lợi thế, thì người Nhật lại không nghĩ vậy.
Với tôi đây chính là cái lô gíc khiến tổ tiên ta dù biết có thể viết chữ bằng bảng chữ cái, các cụ cũng không dùng nó, không chế ra nó. Và việc dùng chữ quốc ngữ, hay chữ Nho, chữ Nôm không có tác động quyết định đến sự hiện đại hoá, công nghiệp hoá, phát triển của đất nước. Nó thực ra chỉ là một thói quen. Và tôi dám thách đố bất cứ ai có thể chỉ cho tôi rằng, chỉ có dùng chữ quốc ngữ thì VN mới phát triển được.
Phó Thường Nhân
Trước khi viết tiếp về vai trò của bảng chữ cái quốc ngữ, trong một tổng thể lớn hơn của ngôn ngữ học. Tôi “lạc đàn” một chút để bình luận cái trích đoạn của những người mà tôi gọi là “lề trái” để thấy nó buồn cười thế nào. Tôi bình luận nó với giả thiết là tất cả những điều mà người này viết, kiểu trích đoạn, ngày này ngày kia, của người này người kia đều đúng là thế cả, chứ không phải là nhiều khi họ bịa đặt.


Theo “Thư kiến nghị” của các đồng chí (phản đối kế hoạch đặt tên đường Alexandre de Rhodes ở Đà Nằng) thì tội trạng “đặc biệt” của Alexandre de Rhodes hẳn là “… âm mưu dẫn QUÂN VIỄN CHINH PHÁP tới xâm lược nước ta…”, với luận cứ sau, có phỏng ?!:

[…]
Đặc biệt, Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông. Trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653, ở đoạn cuối chương 19, phần thứ 3, Alexandre de Rhodes viết: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.
Chính vì thấy những ý định không tốt của A. de Rhodes (chống đối truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân tộc, chia rẽ tinh thần đoàn kết giữa đồng bào lương và giáo, âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta…) nên cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đều đã trục xuất A. de Rhodes, không cho ông ta cư trú và hoạt động ở Việt Nam.
[…]

(Hết trích)

Kính thưa các đồng chí, chữ “soldats” trong ngữ cảnh của cuốn sách "Divers voyages et missions.." này đâu phải là “binh lính” hay “quân viễn chinh Pháp” theo kiến nghị của các đồng chí. “Soldats” ở đây chính là “các cha cố thuộc dòng Jésuites” đấy, kính thưa các đồng chí !

Các đồng chí hãy bình tĩnh đọc lại cuốn "Divers voyages et missions... bản in 1653 (ở trang 78 và 79) một lần nữa, và tham khảo thêm bài “Ông Alexandre de Rhodes (1591-1660)” của hai học giả Hoa Bằng và Tiên Đàm đăng trên tạp chí Tri Tân ngày 10-6-1941, có đoạn như sau nhé:

[…]
“Compagnie de Jésus” là một cơ quan do Ignace de Loyola (1491-1556), một võ quan Tây-ban-Nha sáng lập. Người đứng đầu hội đó được kêu là “đại tướng (général); còn các hội viên thì là “lính của Jésus” (soldat de Jésus). Trong hội chia làm hai hạng người: 1. rất học thức, rất thông thái; 2. rất tinh tiến, rất dõng cảm. Những ông cố Jésuites đều là hạng người rất thông thái! Đây xin kể một chuyện làm thí-dụ:

Dưới triều Khang-Hi đời Thanh bên Tàu, có bảy ông cố Jésuites làm việc với nhà Mãn-Thanh, lên tới chức thượng quan trong triều-đình. Họ có vẽ một bức bản-đồ đầu tiên về nước Tàu, vậy mà rất đúng, không sai một chút nào. Đủ biết con mắt và bàn tay của họ phi thường thật !

Nhập vào “đội quân” Jésuites ấy, ông Alexandre de Rhodes tỏ ý muốn dâng mình làm việc trong các Hội Truyền-giáo ở Á-châu.
[…]

Bình luận của tôi.
Những điều được đăng trên báo tuổi trẻ (theo như tác giả đoạn văn) rất chính xác. Vào thế kỷ XVI, khi Alexandre de Rhode vào truyền đạo, thì người theo đạo phải từ bỏ thờ cúng tổ tiên. Và đây chính là điều chia rẽ xã hội VN lúc đó. Điều này các nhà truyền đạo cơ đốc cũng làm ở TQ, nhưng với một khía cạnh hơi khác. Đó là ở TQ , các giáo sĩ dòng Giê Su này, thấy truyền thống văn hoá TQ quá lớn, quá huy hoàng, nên đâm ra ..kính phục. Và vì họ muốn lợi dụng quan niệm Thiên (Trời) của đạo Nho đánh đồng quan niệm này với chúa trời trong thiên chúa để truyền đạo, mà họ chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên với người TQ theo đạo cơ đốc. Nhưng chuyện này bị giáo hội cơ đốc La mã phát hiện ra, và giáo hội đã bắt các giáo sĩ phải từ bỏ điều đó. Điều này gây phản ứng trong các nhà Nho TQ, và kết quả là đạo cơ đốc bị cấm. Câu chuyện này được biết tới như vấn đề “ritual chinois” mà tôi nói ở đầu chủ đề này. Chính vì thế cách truyền đạo này, tự thân nó đã là một sự xâm lược, vì nó đòi hỏi người ta chối bỏ tất cả truyền thống, chỉ nghe lời ông trùm đạo, và ông trùm đạo lại chỉ nghe lời Vatican, và Vatican hành động theo lợi ích của các nước phương Tây.
Chỉ tới năm 1962, sau khi có đại hội đồng Vatican II, thì giáo hội cơ đốc giáo mới công nhận các truyền thống khác, người công giáo VN có thể thờ tổ tiên, và cũng từ thời điểm này, giáo hội cơ đốc không đi truyền đạo nữa, vì họ nhấn mạnh tới “eucumenisme” tức là đối thoại giữa các tôn giáo với nhau. Chính vì thế hiện nay, chỉ còn phần tin lành trong Thiên chúa giáo là đi truyền đạo. Và các nhóm truyền đạo này cũng rất giáo điều, như một hình ảnh của việc truyền đạo cơ đốc thời trước.
Còn việc người viết đoạn văn trên nguỵ biện từ binh lính (soldat trong tiếng Pháp) phải hiểu như là hình tượng của người đi truyền đạo là bính linh của chúa Giê Xu (soldat de Jesus) là sai, hiểu sai. Và nếu đây là quan niệm của một học giả nào đó từ những năm 1941 mà người viết kia chỉ trích lại, tức là lúc ấy VN còn là thuộc địa Pháp , thì điều này nói lên là các học giả này cũng sai. Hiện nay, ở VN in lại rất nhiều các tác phẩm thời thuộc địa của Pháp, hoặc đã được in ấn dưới thời miền Nam cộng hoà trước. Tôi rất hoan nghênh điều này, vì điều đó giúp cho bạn đọc VN hôm nay có nhiều tư liệu để tìm hiểu lịch sử hơn. Nhưng không thể đánh đồng các tác phẩm này như là sự thật. Người ta chỉ có thể dùng nó như sử liệu.
Từ soldat (binh lính) mà Alexandre de Rhode dùng trong tác phẩm của ông, không phải là chỉ linh mục đi truyền đạo, mà là người lính thật. Và đoạn văn này chính xác là sự kêu gọi xâm lược Đại Việt dưới chiêu bài truyền đạo. Nguyên nhân như tôi đã nói ở trên. Từ thời Trung cổ ở Tây Âu, sau khi Đế quốc La Mã tan rã, chính quyền các vương triều ở đây là chính quyền kép. Trong đó Vua cai quản phần thế tục, nhà thờ phần tinh thần. Và các nhà truyền đạo không ngại ngần gì kêu gọi Vua chúa xứ mình xâm lược. Điều này đúng với Alexandre de Rhode cũng như các linh mục tiếp về sau thời thế kỷ XIX.
Alexandre de Rhode được “quản lý” bằng hội truyền giáo nước ngoài (mission étrangère) ở Pháp. Trụ sở của nó ngày nay vẫn còn ở trung tâm Paris, o Rue du Bac. Hội truyền giáo nước ngoài này là do giáo hội La Ma quản lý, không phải là của vương triều Pháp. Vì thế nếu Alexandre de Rhode muốn kêu gọi “binh lính” dưới dạng linh mục truyền đạo, như người ta cố tình hiểu lầm để chạy tội, thì ông ta phải viết thư cho giáo hoàng, chứ không phải là kêu gọi vua Pháp. Vì vua Pháp không có quyền lực gì để sai khiến các linh mục cả.
Trong quyển sách mà Alexandre de Rhode viết, tôi cũng có quyển này. Ông ta trong thực tế đã thổi phồng số lượng người cải đạo, với mục đích để khuyến khích sự xâm lược. Đây là cách làm việc bình thường của các cha cố truyền đạo lúc đó không chỉ ở Vn mà cả ở TQ, Nhật bản... Vì thế khi mission tiếp sau tới, thì họ đều vỡ mộng, vì sự thể không phải như vậy.
NVT2002
Em biết bác Phó không vào FB nên em copy bài của tác giả Chung Nguyen ra đây. Bài viết có phần cực đoan và dung tục, nhưng mà đại ý cũng trùng với quan điểm của bác Phó


QUOTE
Chữ Cuốc Ngữ - sự xaolon thế kỷ.

Nhân vụ anh anh em Đà Nẵng sáng suốt và quyết đoán, từ chối đặt tên thằng thực dân mặt giặc De Rhodes cho con đường ở thành phố, mình muốn giải thiêng nhẹ mấy huyền thoại về cái-gọi-là sự thần thánh của chữ Cuốc Ngữ - một thứ mọi tự gốc Bồ (Latin) dùng để ký âm tiếng Việt (Hán cổ thời Đường), được các thể loại me Tây đặc biệt là anh em Công giáo vẽ ra cả trăm năm nay, tô vẽ cái công cụ của thằng cướp nước, cưỡng hiếp văn hóa truyền thống của người Đông Lào ta.

Huyền thoại đầu tiên là, "chỉ duy nhất người Việt có hệ thống chữ viết ký âm latin thành công". Anh em me Tây quả quyết rằng bọn Châu Á khác không làm được một hệ chữ viết tương tự Quốc Ngữ, vì không có một anh thần thánh tương tự De Rhodes, các anh em gọi điều này là "De Rhodes đưa Việt Nam đi trước Tàu 3 thế kỷ".

Tuy nhiên có sự khác nhau giữa "không thể ký âm" và "đéo thèm dùng ký âm". Thực tế thì mọi ngôn ngữ đều có thể ký âm Latin, ngoại lệ duy nhất có lẽ là tiếng của người Khoisan săn bắn hái lượm ở Châu Phi, chính là đồng bào của gia đình trong phim "Thượng đế cũng phải cười", do tiếng nói của họ tồn tại các phụ âm click dùng tiếng bật của răng và lưỡi, không có ký tự tương tự trong bảng chữ cái Latin. Các nhà ngôn ngữ học khi thử ký âm Latin tiếng nói của bộ tộc này, họ phải dùng cả các ký tự đặc biệt như "!" hay "ǂ" mới ghi được.

Người Trung Hoa cũng có một hệ chữ ký âm latin tương tự Quốc Ngữ, chính là Pinyin (Bính Âm), có đầy đủ cả dấu như tiếng Việt, viết thành văn bản đọc vẫn hiểu bình thường. Phòng trường hợp các anh chị mõm vẩu không biết, thì bản thân từ "China" cũng là một chữ ký âm, khi người La Mã lần đầu tiên tiếp xúc với người Hoa Hạ vào triều đại nhà Tần (Qin - đọc là Chin) cách đây từ hơn 2000 năm, và họ lấy luôn chữ Chin đó để đặt tên cho vùng đất nơi họ hàng năm phải đem vàng sang quỳ lạy để mua lụa và đồ gốm sứ.

Nhưng Bính Âm chỉ dùng để người nước ngoài học tiếng Tàu, hoặc bỏ dấu để đặt tên cho các công ty, nhãn hàng cho người nước ngoài đọc được, chứ đéo thể dùng trong giáo dục, khoa học kỹ thuật được, vì cũng giống như Quốc Ngữ, nó chỉ đơn giản là ký lại cách phát âm, hoàn toàn đéo truyền tải được nội hàm của từ như chữ tượng hình. Trí thức Đông Lào trở nên ngu dốt hơn một thế kỷ gần đây, chính là hậu quả của việc dùng chữ ký âm, trong khi bản thân tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, vốn phù hợp với dùng tượng hình thần thánh.

Huyền thoại thứ hai, đó là "chữ Hán là chữ tượng hình nên không thể ký âm như chữ Quốc Ngữ". Đây thực tế là trò, mà như tôi hay gọi, là "trộn cứt với xôi". Việc chữ Hán là tượng hình không liên quan tới khả năng ký âm, khi ngay chính tên của thằng De Rhodes vẫn được ký âm là Đắc Lộ (德羅).

Tên tất cả các quốc gia mà ta đọc được bằng tiếng Việt, từ Anh, Pháp, Hà Lan, Hoa Kỳ... thực tế đều là ký âm bằng chữ Hán.

Huyền thoại thứ 3, đó là "chữ Quốc Ngữ giúp người Việt tiếp cận khoa học kỹ thuật phương Tây dễ dàng hơn". Đây là quan điểm được nhai đi nhai lại nhiều nhất, nhưng lại là ngu nhất trong tất cả các luận điểm.

Tất cả mọi khái niệm khoa học kỹ thuật, triết học, âm nhạc của phương Tây đều dịch được ra chữ Hán, và do đó người Việt vẫn có thể dùng trực tiếp mà chả cần phiên âm kiểu hamlol như xích-lô, gác-đờ-bu...., và điều này sẽ giúp hiểu cặn kẽ nội hàm của khái niệm bằng chính tiếng mẹ đẻ.

Ngay như trong toán học, tất cả các khái niệm toán mà ta học ở THPT cũng vốn là từ sách toán của Tàu thời Minh, chứ các anh chị nghĩ bọn Pháp nó biết "tam giác", "tích phân", "khai căn".... nghĩa là gì để dạy các anh chị theo kiểu tổ tiên ta là người Gô-loa, hay sao???

Thực tế thì ngay ở Châu Á, chính các nước dùng chữ vuông (như Tàu, Nhật, Đài, Hàn...) mới là các cường quốc khoa học kỹ thuật, mới làm được kỹ sư, bác học và ông chủ, còn bọn dùng latin hay chữ giun thì chỉ làm được cu li, làm phò, mặc sịp cầu vồng, hát trên 4 vùng chiến thuật và nói về tình người, mà thôi.

Hangul của Hàn bàn chất cũng là chữ ký âm, do tự họ sáng chế ra để ký âm tiếng Cao Ly, tuy nhiên hệ chữ ký âm "cực dễ học và đẹp nhất thế gian", theo lời Triều Tiên Thế Tông anh tôi, vẫn đơn giản là dùng như một bạch thoại và teencode. Sinh viên Luật và Y Khoa hay các chuyên ngành khác của Hàn vẫn phải dùng Hán Tự Hỗn Dụng - một dạng văn bản kết hợp cả Hangul lẫn chữ Hán, tương tự như người Nhật, vì chữ ký âm, tượng thanh, như đã nói, không thể truyền tải được nội hàm của các khái niệm hàn lâm.

Indo và Mã Lai là hai ví dụ châu Á dùng ký âm latin, và hậu quả là đéo thể viết một hóa đơn sửa xe máy bằng tiếng Bahasha mà không dùng 100% các thuật ngữ bằng tiếng Anh.

Cái tiện nhất của Cuốc Ngữ, theo tôi thấy, đó là dùng làm thơ con cóc. Xưa kia thơ thì phải gieo vần, tuy nhiên các chữ Hán hay Nôm luôn hữu hạn, cần phải có vốn từ vựng rộng mới làm được thơ, còn giờ thì ai cũng là nhà thơ, chỗ nào gieo vần khó quá thì ta chế ra từ mới, đến người Saigon ngày nay còn làm được thơ, là đủ hiểu.

Vậy nên, cần nhìn nhận cho đúng, rằng chữ Quốc Ngữ là một hệ chữ mọi, và chúng ta, do hoàn cảnh lịch sử, đang phải viết một loại chữ mọi, thế thôi. Loại chữ này giống như cây tre, mọc rất nhanh, dùng cũng rất tiện, nhưng nghìn năm sau nữa cũng chỉ có thể dùng làm chuồng trâu, chuồng vịt mà thôi, chứ làm cột lâu đài là vĩnh viễn bất khả thi.

Liệu có cần phải mang ơn một thằng thực dân, chỉ vì một loại chữ ký âm, mà vốn cái mục đích của nó sinh ra từ đầu, là vĩnh viễn giữ trí tuệ, tư duy và tâm hồn dân tộc ta ở mức trung bình và nô lệ?
Phó Thường Nhân
Những điều anh bạn ở trên nói về cơ bản là đúng. Nhưng nó có một số điều mà tôi sẽ bình luận bổ xung thêm cho rõ sau,nhất là vấn đề ký tự TQ. Ngược lại nói rằng chữ quốc ngữ là một cố gắng của thực dân Pháp giữ vN ở mức độ trung bình thì lại có phần thiên lệch,bởi hiện nay chữ quốc ngữ không kém cạnh gì với chũ Nho cả, và hoàn toàn tồn tại độc lập. Ngược lại, nếu ai biết cả chữ nho, thì lại càng hiểu tiếng Việt hơn. Ta có thể hiểu chữ Nho trong tiếng Việt giống như tiếng Latin với các thứ tiếng phương Tây,hay chữ phạn (sancrit) với các tiếng Ấn độ, Lào, Thái, Cam pu chia.
Tôi sẽ viết tiếp cái mạch tôi viết ở trên. Để trả lời hai câu hỏi: tại sao người Nhật lại viết phức tạp, và vào thời cận đại, khi VN tiếp xúc với văn minh phương Tây, thì trong ngôn ngữ phải có sự thay đổi thế nào để đáp ứng điều này. Sự thay đổi này đúng với tất cả các ngôn ngữ, với mọi nước (TQ, Nhật, Hàn) thậm chí cả ở phương Tây. Điều đặc biệt là sự thai đổi này ở VN diễn ra dưới thời thuộc địa, nhưng ngay cả ở trong tình trạng này, công lao làm biến đổi là của trí thức VN, chứ không phải là người Pháp.
Về cơ bản lịch sử các ký tự ghi chép ngôn ngữ, từ đó chuyển tải thông tin, dẫn đến phát triển xã hội đều bắt nguồn từ tôn giáo, và nhu cầu tôn giáo. Ví dụ chữ Nho đầu tiên là do các thày mo thầy bói phải đánh giá, trao cho các vết nứt trên mai rùa một ý nghĩa, mà chữ Nho ra đời. Còn ở các vùng văn tự theo bảng chữ cái, thì các bộ chữ đầu tiên cũng là để dùng viết văn khấn vái. Ở Ấn độ, nơi mà tôn giáo nguyên thuỷ của loài người được bảo tồn tốt nhất, thì nhiều Âm thanh được coi như thần linh. Ví dụ chữ OM (mà ở ta trong phật giáo mật tông hay đọc) : “om ma ni pát mi hông” chính là một ví dụ. Nhưng đồng thời với tính chất linh thiêng này, ký tự cũng dùng để viết văn bản hành chính, quan lý. Vì thế hiển nhiên tầng lớp quan lại đầu tiên chính là các thầy tu, vì họ biết chữ. Điều này đúng từ Tây đến Đông. Khởi thuỷ vì thế chỉ có một số loại ký tự: La tinh, chữ Nho, Phạn,.. Nhưng chữ này không cần có một dân tộc nói chúng. Ở Tây Âu, tới thế kỷ XIV, XV chữ viết của nhà nước vẫn là chữ la tinh, trong khi dân chúng nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức .. Ở châu Á cũng vậy. Chữ Nho được dùng bởi người TQ, VN, Nhật, Hàn .. Còn chữ phạn thì khỏi phải nói, vì ở ấn độ có cơ man các loại tiếng.
Ở Tây Âu, thì từ thời phục hưng, các thứ tiếng dân tộc mới ra đời. Vì thế văn học Pháp mới được coi là xuất phát từ khoang thế kỷ XV. Tương tự như vậy ở các nước Đức, Ý, Tây ban Nha ..
Ở Đông Á, sau khi có chữ Nho, thì một loại chữ nữa cũng ra đời, ở VN là chữ Nôm, nhưng ở các nước khác trong vùng văn hóa Nho giáo cũng có những hiện tượng tương tự. Sự ra đời của nó là do nhu cầu phản ánh những thông tin mà chữ Nho không không làm được. Ví dụ các từ ngữ địa phương, các loại rau quả, các khái niêm đặc biệt Ví dụ chữ LỈM đây là một từ việt cổ, ý là chìm xuống, chữ này không có trong bộ chữ Nho, vì thế nó chỉ có trong chữ Nôm.. Sự hình thành các kiểu chữ Nôm này tồn tại ngay ở trong lòng TQ, ví dụ ở Quảng Đông, họ cũng có hệ thống chữ Nôm này. Tóm lại từ vựng khác biệt đã làm nẩy sinh ra nhu cầu tạo chữ tạo từ vựng này.
Có chữ rồi không đủ, mà phải có ngữ pháp để viết, để chuyển tải tư tưởng. Với chữ Nho cổ điển, nó chính là cổ văn. Cổ văn này ta còn có thể đọc được, khi các bác đọc tứ thư của nhà Nho chẳng hạn (Luận ngư, Trung dung, ..) hoặc các loại Hich, cáo, tế.. mà tôi đã có lần nói đến khi nói về Bình Ngô Đại Cáo của Nguyên Trãi.
Nhưng nó cũng có một loại khác bình dân, mà ở Trung quốc gọi là Bạch thoại. Các ví dụ của nó như kinh phật chữ Nho, các tiểu thuyết chương kỳ : Tam quốc, Thuỷ Hử, ..
Ở VN ngoài các loại bạch thoại này của TQ ta còn có các văn thơ bằng chữ Nôm. Hầu hết nhà Nho nào ở VN cũng biết chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm chỉ thành tuyệt tác, khi câu trúc ngữ pháp, cách dùng từ hoàn chỉnh vào thế kỷ XVII, và người ta thường coi Nguyễn Du với truyện Kiều là điểm đánh dấu. Trong thực tế truyện Nôm đã có từ đời nhà Trần (thế kỷ XII) và thời nhà Tây Sơn, chữ Nôm là chữ của nhà nước thay chữ Nho. Tới khi nhà Nguyễn lên thì lại đổi lại lấy chữ Nho. Sự thay đổi này thực ra không quan trọng lắm. Vì muốn đọc chữ Nôm phải biết chữ Nho. Và đã từ lâu , người Việt đã đọc chữ Nho theo kiểu người Việt. Vào thời điểm này. Trí thức VN dùng văn tự cũng như người Nhật hiện tại. Chỉ có điều khác là chữ Nôm cũng là chữ tượng hình, trong khi thứ chữ bổ xung cho Kanji của Nhật lại theo bảng chữ cái.
Xu hướng chung là các ngôn ngữ chuyển dịch dần từ nhu cầu tôn giáo, sang phản ánh sử dụng trong các nhu cầu đời thường trong xã hội. Từ khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên.
Từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, thì nhu cầu này lại càng lớn và điều cấp bách nhất là từ vựng. Vì văn hoá phương Đông và phương Tây chạy song hành với nhau, nhưng không cắt nhau. Bản thân các thứ tiếng phương Tây cũng gặp khó khăn khi chuyển đổi các khái niệm Đông Á vào ngôn ngữ của mình. Lấy ngay ví dụ đạo Phật, các khái niệm rất bình thường với phật tử người Việt như Kiếp, Nghiệp, Tâm .. đều không chuyển được. Hiện nay, họ thường dùng luôn nguyên bản ví dụ Nghiệp thì được giữ nguyên như tiếng phạn karma, rồiqua nhưng ví dụ, giải thích, mà người ta hiểu đó là gì.
Nhưng vào thế kỷ XIX, thì vấn đề này cấp bách với phương Đông nhiều lân hơn, vì sự thâm nhập của phương Tây ở đây. Ngược lại sự thẩm thấu ngược từ đông vào tây có thời gian hơn, không cấp bách, và là một sự giao thoa văn hoá bình thường không phải là một dạng xâm lược.
Như vậy để bắt kịp văn minh hiện đại, thì vấn đề ngữ pháp và từ vựng rất quan trọng. Quan trong hơn nhiều cái bảng ký tự. Tiếng việt ngày nay có đủ khả năng diễn đạt tất cả mọi nhu cầu của xã hội hiện đại, từ khoa học kỹ thuật tới khoa học xã hội rồi tâm linh. Người ta ước lượng có tiếng việt có khoảng 50000 từ.Trong đó khoảng 30000 từ là dịch từ các khái niệm của phương Tây sang. Nếu không có số lượng khái niệm khổng lồ này, thì tiếng việt sẽ không được sử dụng để dậy học, để trao đổi thương mại,thông tin xã hội . có nghĩa là nó sẽ biến mất khỏi bản đồ ngôn ngữ thế giới. Đây là chuyện đã xẩy ra với các nước châu Phi, họ phải dùng tiếng Pháp để làm điều này (tất nhiên là các nước thuộc địa Phap cũ). Ở đây người dân vẫn có tiếng mẹ đẻ, nhưng chỉ dùng để trao đổi thông thường. Khi dính tới văn học, khoa học, kinh tế .. thì phải dùng tiếng Pháp.
Điểm giống nhau về vấn đề gập phải của tiếng việt ở VN cũng là vấn đề ở TQ, Nhật, Hàn.. Vày đây là điều quyết định sự hiện đại của ngôn ngữ. Vì những chuyện này bắt đầu ở Vn thời thực dân. Ta hãy xem ảnh hưởng Pháp, tác động Pháp vào vấn đề này ra sao. Từ đó mới có thể có cái nhìn chính xác tới sự đóng góp của người Pháp, chế độ thực dân Pháp .. có hay không.
Phó Thường Nhân
Điều đầu tiên có thể khẳng định ngay, đó là ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, cũng như việc tạo ra từ mới, dịch từ các từ ngữ phương Tây (chủ yếu thông qua tiếng Pháp) là do trí thức VN được Pháp đào tạo lập ra. Bởi vì rất dễ hiểu là người Pháp thì chỉ biết tiếng Pháp. Vì muốn đào tạo một lớp người trung gian phục vụ cho chế độ thuộc địa mà Pháp đào tạo người VN. Một nhiệm vụ rất lớn của họ là phiên dịch. Phiên dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt (cho người VN), và ngược lại phiên dịch từ chữ Nho, Nôm ra tiếng Pháp cho người Pháp. Hầu như không có người Pháp biết tiếng việt giỏi đến mức này.Ngay cả các nhà nghiên cứu người Pháp trong viện Viễn đông bác cổ (vị trí là bảo tàng lịch sử VN ở Hà nội) cũng đều phải dùng người Việt để dịch di sản văn hoá chữ Nho cho họ. Ta có thể kể tới tên hai người. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố và học giả Nguyễn Văn Huyên. Cụ Nguyễn văn Tố hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, và ở quận Hoàn kiếm ngày nay con có một con phố nhỏ trong khu vực phố cổ mang tên ông. Còn ông Nguyên Văn Huyên thì sau là bộ trưởng bộ giáo dục ở miền Bắc. Ông Nguyễn văn Huyên còn để lại tác phẩm nói về đình làng, mà theo ông thì nó là biến thái của cái nha rông của đồng bào Tây nguyên, cũng như của các tộc dân ở Indonesia, là một bằng chứng rằng người việt có phần nguồn gốc Đa đảo (một phần khác là từ lục địa châu Á, và rất phù hợp với truyền thuyết con rồng – cháu Tiên). Có những tên công sứ Pháp cũng biết tiếng Việt, ví dụ Pasquier công sứ ở Huế, có thể ăn được cả mắm tôm, nhưng khả năng dịch ra tiếng việt thì không có.
Một nhóm trí thức khác cũng tham gia vào việc dịch thuật này, đó là các nhà Nho “Tân thư”, ví dụ như các nhà Nho tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Gọi là tân thư vì đây là những tác phẩm được viết bằng chữ Nho, do các nhà Nho Trung quốc dịch các tác phẩm phương tây mà ra. Ví dụ các tác phẩm triết học của các nhà triết học ánh sáng Pháp như Voltaire (Vôn te), Montesquier (mông tét xơ ki ơ, được các cụ dịch là Mạnh đức thư cưu), hay Rouseau (rút xô). Sự khác nhau của hai nhóm là các cụ dùng chữ Nho còn các trí thức học Pháp thì dùng chữ quốc ngữ.
Các nhà nho TQ cũng không phải làm việc này từ đầu, mà nhiều từ vựng đã được người Nhật dịch. Và vì người Nhật dùng Kanji, tức là chữ Nho, nên cả VN và TQ đều dùng được. Có những từ dịch rất là tuyệt vời ví dụ liberty (liberté) được dịch là tự do, hay demonstration(manifestation) được dịch là biểu tình, hay democratie dịch là dân chủ . Có những từ toán học cũng dịch cực chuẩn ví dụ linear đươc dịch là tuyến tính. Còn tại sao Người Nhật lại mở đường là bởi vì ngay từ thời Mạc Phủ (Shogun), nước Nhật không bao giờ cắt liên lạc với phương Tây, cụ thể là người Hà lan. Và vì thế ta có thể hiểu là cái day chuyền dịch ngôn ngữ này là Hà lan - > Nhật -> TQ (nhà Thanh) –> VN
Khi chữ quốc ngữ được phổ cập, mặc dù thứ chữ này có thể dịch âm các từ tiêng Pháp, ví dụ như từ tự do tôi nói trên, thì ta có thể dịch là li-béc-tê, tại sao ta lại dùng từ tự do, trong khi Pháp đang cai quản VN. Nó có hai lý do,
Lý do thứ nhất là người ta không cần tới chữ quốc ngữ phiên âm để dịch.
Lý do thứ hai thú vị hơn, đó là bản chất cấu trúc của tiếng việt về âm thanh làm người ta không thể chấp nhận kiểu dịch này (tức là dịch trực tiếp từ tiếng Pháp ra tiếng việt, kiểu tự do là li bẹc tê mà tôi nói ở trên).
Tại sao, vì tiếng việt là tiếng nhị âm, tức là mỗi từ cấu trúc bằng hai âm. Ta có rất nhiều từ kiểu này thuần việt : mênh mông, mênh mang, bảng lảng .. Ngược lại nếu cụm từ trở thành ba âm hay nhiều hơn, thì người ta có xu hướng rut gọn để xuống hai âm cho nó việt hơn. Ví dụ cụ thể. Người việt không ai bảo ai đều gọi Ca li để chỉ bang California của Mỹ, chứ không ai noi dài dòng ca li phọc ni a cả. Miền Nam cũ nó có bài hát có câu “đường về Ca li Anh đã bỏ quên con tim” , hãy tưởng tượng phải hát đường về ca li phọc ni a, Anh đã để quên con tim” thì độ trúc trắc làm hỏng hẳn bài hát. Tiếng pháp là tiếng đa âm, như các tiếng phương Tây khác. Như vậy là nó kênh với cái tai người Việt, đây là một điều cản trở lớn trong phiên dịch, tạo từ vựng.
Ngay cả trong trường hợp, nếu dịch qua chữ Nho nhiều hơn hai âm, thì người ta cũng bỏ, mà chỉ tìm từ hai âm. Ví dụ. Phạm Quỳnh, là một nhân vật tham gia vào phi vụ “chữ quốc ngữ” này, đã đề nghị dịch chữ ô tô là “tự động xa” (tức là cái xe tự đi được, xa nghĩa là xe), nhưng tiếng việt đã chọn chữ ô tô, vì nó ngắn gọn hơn, hợp cái tai nghe người việt hơn.
Kết quả, mặc dù bảng chữ cái là bảng ký tự la tinh, do giáo sĩ Bồ đặt ra để học tiếng Việt, được thực dân pháp gắn bản quyền (copyright) cho Alexandre de Rhode, nhưng nó không ảnh hưởng quyết định tới các từ vựng tiếng việt được đặt ra. Ngược lại chúng lại phần nhiều lại có nguồn gốc chũ Nho như ở TQ, Nhật bản. Chính vì điều này mà tôi mới nói ở trên. Nếu ai muốn biết tiếng việt giỏi, thì nên học chữ Nho (phiên âm theo VN), vì mình sẽ hiểu được nghĩa cặn kẽ của nó, và cũng chính vì thế chữ Nho với tiếng Việt có vai trò như tiếng la tinh với các ngôn ngữ phương Tây, bất chấp dùng bảng ký tự kiểu gì.
NVT2002
Cụ Nguyễn Văn Tố là người đã dựng bia ghi công cha Đắc Lộ ở HN đấy
Phó Thường Nhân
Lạc đề một chút, trước khi viết tiếp. Cụ Nguyễn Văn Tố có hai điều làm tôi cảm phục. Đó là cụ là một nhân vật trí thức, nhờ có cụ mà nhiều học giả Tây ở viện Viễn Đông bác cổ mới có sách được, vì họ cần có người như cụ thì mới có thể tiếp xúc với vốn cổ VN.
Nhưng điều thứ hai còn lớn hơn. Đó là cụ tham gia vào chính quyền cách mạng sau cách mạng tháng tám. Và còn lớn hơn nữa là khi kháng chiến bùng nổ, khó khăn, thì không ít các trí thức lúc đầu ủng hộ độc lập nhiệt liệt, đều “dinh tê” về vùng Pháp chiếm đóng. Với vị thế của cụ Tố, cụ có thể hoàn toàn làm được như thế, và Pháp sẽ mở rộng bàn tay đón, vì điều này sẽ làm cho Pháp càng có cớ để nói cuộc chiến tranh thiết lập lại thuộc địa ở VN là “chống cộng”.
Cụ đã bị Pháp bắn chết trong một cuộc càn quét vào năm 1947. Có một số trí thức khác cũng như vậy, ví dụ nhà văn Nam Cao.
Tại sao thời thuộc Pháp người ta tôn thờ Alexandre de Rhode, thì tôi đã nói một phần rồi, sau sẽ nói tiếp. Có thể thái độ của cụ Tố với ông này có lý do như tôi sẽ nói .
Ở trên, tôi đã nói tới vấn đề từ vựng, điều quan trọng nữa của tiếng việt hiện đại (dùng chữ quốc ngữ hay không cũng vậy) là vấn đề ngữ pháp. Bởi nếu ngữ pháp không rõ ràng, thì từ vựng chỉ là một đống hổ lốn không sử dụng được, không chuyển tải được thông tin. Chính vì thế mà tôi rất quan tâm (với mức độ là một hobby nghiệp dư), sự phát triển của ngữ pháp tiếng việt hiện đại thế nào.
Như ở trên tôi đã nói, lúc đầu chủ đề. Tôi có một quyển sách có thể thuộc dạng những văn bản đầu tiên bằng chữ quốc ngữ nói về lịch sử đàng trong, do miền Nam in ngày xưa. Khi đọc nó, có lẽ chỉ cần đọc khoảng 1 trang thì sẽ phải đi uống một viên Aspirine vì quá đau đầu, do ngữ pháp lủng củng của nó. Ngữ pháp lủng củng kiểu này, ta có thể tìm thấy ngay trong những bản kinh tân ước tiếng Việt của đạo thiên chúa, dù nó đã được viết tốt hơn. Ngay cả hiện nay, nếu đọc kinh tân ước này, thì tôi cũng sẽ đọc bằng tiếng Pháp, chứ không đọc tiếng việt vì sự lủng củng tối nghĩa của nó.
Cũng như đã nói ở trên về phần lịch sử ngôn ngữ nói chung, bản thân trong quá khứ VN cũng đã có thể loại văn bình dân. Vì thế chính ngữ pháp của thể văn này trở thành xương sống của ngữ pháp tiếng việt hiện đại. Chính xác hơn nữa, ta có thể nói ngữ pháp VN hiện đại có 3 nguồn (ba kiểu viết):
1- Nguồn văn bạch thoại từ chữ Nho để lại, như các kiểu tiểu thuyết chương hồi của TQ
2- Nguồn văn chữ Nôm, tức là bạch thoại của VN, mà điển hình là truyện Kiều, hay các truyện của các nhà Nho vào thế kỷ 19. Nhưng truyện này đã được in ở VN, và được gọi là “truyện Nôm chữ vuông”. Tôi cũng có quyển sách này. Ta cũng có thể coi các tiểu luận, khảo sát của các nhà Nho như “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm đình Hổ cũng thuộc dạng này.
3- Nguồn văn học Pháp, được chuyển tải sang tiếng việt, hay được các nhà văn đương thời như tự lực văn đoàn, hiện thực phê phán. Các nhà thơ mới như Xuân Diệu, Chế lan Viên, ..sử dụng.

Tuỳ theo nhà văn VN học ở đâu, có nguồn gốc nào mà dấu ấn của kiểu viết rõ rệt. Ví dụ khi đọc Việc làng, hay lều chõng của Ngô Tất Tố, thì kiểu văn của ông có thể hiểu là bạch thoại và văn chữ Nôm ảnh hưởng, vì ông là Nhà Nho tự học chữ quốc ngữ. Điều này cũng đúng với các tác phẩm chính luận của Phan Bộ Châu về cuối đời, khi ông viết bằng chữ quốc ngữ, ví dụ quyển luận của ông về chủ nghĩa xã hội. Tại sao lại thế, vì cụ Phan Bội Châu khi ở hải ngoại, chủ yếu là ở TQ thì cụ vẫn viết chữ Nho. Chỉ từ khi cụ bị Pháp bắt, giam lỏng ở Huế, thì cụ mới viết chữ quốc ngữ. Trường hợp của cụ Huỳnh thúc Kháng cũng vậy. Là một nhà Nho cùng thế hệ với cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, ông cũng tự học chữ quốc ngữ để làm báo.
Nhưng ví dụ với Thạch Lam, hay cách nhà văn tự lực văn đoàn, thì phong cách viết, và qua đó có ngữ pháp lại là văn học Pháp. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của văn hoá Pháp về mặt ngữ pháp chính là thơ Xuân Diệu. Đọc thơ Xuân Diệu thì thấy thơ ông chẳng khác gì thơ của Rim bô (Rimbaud) hay Vẹc len(Verlaine) của Pháp.
Do các nhà văn, trí thức VN vào thời đầu thế kỷ XX đều có chút ít vốn chữ Nho chữ Nôm, nên các nguồn ngữ pháp này pha vào nhau, thành ra ngữ pháp VN hiện đại.
Sau năm 1975, khi thống nhất đất nước. Tôi có đọc một số sách của miền Nam cũ. Lúc đó tôi còn là đứa trẻ con, nhưng cũng rất ngạc nhiên ra sách dịch của miền Nam không hay theo gu của tôi. Ví dụ. Tôi có hai bộ tam quốc, một bộ là dịch ngoài Bắc, một bộ dịch trong Nam. Bộ ở ngoài Bắc dịch hay hơn hẳn, nguyên nhân có thể vì trong Nam dùng nhiều tiếng địa phương, và lạm dụng từ hán việt, cũng có thể do người ta bị ảnh hưởng của các tiểu thuyết chưởng kiểu Kim Dung. Có những bộ sách dịch ngoài Bắc, như “chiến tranh và hoà bình”, hay Ê giê ni gơ răng đê (Eugenie Grandet) thì tuyệt vời. Làm được thế, bởi các dịch giả đã dịch từ tiếng Pháp, và vì ngữ pháp Pháp ảnh hưởng tới tiếng Việt.
Mặc dù vậy, cũng như trong vấn đề từ vựng, ảnh hưởng của ngữ pháp Pháp chỉ ở trong vấn đề đặt câu có chủ ngữ, vị ngữ .. trong tiếng việt hiện đại, chứ còn các phần khác như phân khúc thời gian của động từ kiểu imparfait, parfait, .. không có, do sự cập kênh của tiếng Việt với tiếng Pháp.

Hiện nay khi về VN, nếu mua sách dịch tiếng Việt, tôi chủ yếu mua sách dịch các tác phẩm của TQ ra tiếng việt, do sự gần gũi của ngữ pháp, sự dịch dễ dàng của từ vựng, mà một người dịch trung bình cũng có thể dịch hay. Ngược lại tôi không bao giờ mua sách dịch các tác giả phương Tây, vì khả năng dịch tồi rất lớn. Nếu tôi muốn xem, tôi sẽ tìm sách dịch qua tiếng Pháp. Nói như thế để thấy rằng, ngay cả khi có ảnh hưởng, do cấu trúc ngôn ngữ quá xa nhau, mà tiếng Pháp cũng không thể ảnh hưởng lớn tới tiếng việt, dù ở VN đã bỏ học chữ Nho.
Phó Thường Nhân
Bây giờ tôi sẽ nói tới một vấn đề thú vị khác, đó là hiện tại ở Vn cũng đã có những dấu tích kỷ niệm về Alexandre de Rhode, ví dụ như tấm bia mà cụ Nguyễn Văn Tố có tham gia dựng lên ở Hà nội, mà NVT có đưa vào chủ đề này. Như tôi đã nói ở trên, cụ Nguyễn Văn Tố là một trí thức yêu nước. Tên cụ, sau giải phóng thủ đô năm 1954, được đặt cho một phố ở Hà nội. Như vậy ta có thể suy ra rằng. Cụ Nguyễn văn Tố là một trí thức yêu nước, vậy khi cụ tham gia (hay cầm chịch) việc dựng bia kỷ niệm Alexandre de Rhode, thì cũng có nghĩa là Alexandre de Rhode thực sự có công với người VN, là người tạo ra bảng chữ cái, vậy thì còn cãi nhau phản đối việc quy hoạch đưa ông này vào đặt tên đường ở Đà Nẵng làm gì ?
Cách suy luận kiểu quy nạp toán học này hơi đơn giản. Cách chính xác nhất là .. hỏi cụ Nguyễn Văn Tố xem tại sao, vì lý do gì mà cụ (và cái hội trí tri thời đó ở Hà nội) dựng tấm bia này. Rất đáng tiếc là cụ đã mất, nên điều này không làm được. Vậy có cách gì có thể dùng để “gọi hồn” cụ dậy trả lời không ?
Câu trả lời là CÓ, dù nó không thể chuẩn được 100%. Cách đó chính là phương pháp Duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Cái lý của nó như thế này. Một sự kiện (ví dụ như việc dựng bia này) đầu tiên là một sự kiện thời sự vào thời điểm nó xẩy ra, trước khi trở thành lịch sử, sự kiện lịch sử nếu nó có ý nghĩa lâu dài, vì không ít sự kiện thời sự đi vào quên lãng, nếu không nói là đa số.
Một sự kiện xẩy ra luôn ở trong một khung cảnh, điều kiện. Việc dựng bia này cũng vậy. Như vậy nếu ta tìm hiểu chính sách, thái độ của thực dân pháp vào thời điểm đó (ở đây là năm 1941), thái độ của trí thức VN nói chung vào lúc đó (trong đó có cụ Tố), Hà nội vào thời điểm đó. Thì ta có thể hiểu được ý nghĩa thời sự của việc dựng bia, và từ đó có thể suy đoán ra ý tưởng của người thực hiện. vì dù ý tưởng của người thực hiện thế nào, nó không thể vượt qua được điều kiện bên ngoài ấn định lên nó.
Thời điểm tấm bia này được dựng, là thời thực dân Pháp đang thống trị VN. Chính sách kiểm duyệt kiểm soát của Pháp rất khắc nghiệt, vì thế bất cứ chuyện gì cũng không thể vượt được mặt thực dân Pháp. Để có nhận thức được vấn đề này, các bác ở VN hiện tại có thể tìm được một dẫn chứng rất đơn giản.
Thủa bé, tôi rất thích cuốn “Dế mèn phưu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Quyển mà tôi có là bản in cỡ năm 1955,1956, đã rách nát. Điều bực nhất là thỉnh thoảng lại có một dòng chấm chấm, được chú thích là “kiểm duyệt của thực dân Pháp, bỏ một đoạn”. Điều này cũng khiến tôi tò mò, không hiểu cái đoạn bị bỏ kia có cái gì. Cái câu hỏi này của tôi, ai ở VN hiện tại rất dễ dàng tìm được câu trả lời, vì quyển “Dế mèn phưu lưu ký” bây giờ được tái bản rất nhiều, hầu như tiệm sách nào cũng có. Và nếu tiết kiệm không muốn mua nó, hoặc chỉ muốn kiểm chứng xem “bác Phó nói có đúng không”, thì mọi người chỉ cần vào tiệm sách giả vờ như đọc thử là có thể thấy được. Các bản tái bản hiện nay, đều có việc phục hồi lại những đoạn mà thực dân pháp kiểm duyệt, chúng được viết bằng chữ nghiêng, để nói rằng nó không phải là nguyên tác, mà nhà văn Tô Hoài nhớ lại, viết lại mà thôi. Nếu đọc những đoạn đó, thì ta không thấy có gì khủng khiếp đáng phải kiểm duyệt, vì thường nó chỉ là những đoạn văn đề cao sự tự lực tự cường, không ru ru xó nhà. Bằng một sự tưởng tượng xa xôi, nếu đặt mình vào hoàn cảnh đầu thế kỷ XX, thì có thể cảm nhận nó có gì liên quan tới phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, hay các cuộc cổ động chấn hưng xã hội của Đông kinh nghĩa thục.. Nhưng thực sự phải cố gắng lắm, tưởng tượng lắm mới nhận thấy. Vậy mà Pháp cũng kiểm duyệt. Vì thế việc dựng bia kia, không thể ra ngoài chính sách tuyên truyền của thực dân Pháp, ít ra phải “compactible” với nó.
Nếu ai thăm Hà nội vào thời thực dân này tức là cho tới năm 1954, thì họ sẽ rất ngạc nhiên bởi các tên phố Hà nội đều là tên Tây. Ngoại trừ khu vực phố cổ. Ví dụ đường Lý thường Kiệt có tên là đường Gambetta (đây là một nhân vật chính trị của Pháp vào thế kỷ XIX), Phố Phùng Hưng, có tên là Henri d’Orléan (đây là tên vua Pháp), phố Chân Cầm có tên là Lagisquet (đây là tên người kiến trúc sư xây nhà hát lớn), một phố nữa tôi quên mất tên Việt có tên là Puginier (đây là tên cha xứ người Pháp đã tham gia đàm phán sự đầu hàng của nhà Nguyễn khi Pháp đánh ra Hà nội lần thứ 2, xác lập sự thống trị của Pháp ở miền Bắc). Cầu Long Biên có tên là cầu Doumer, là tên toàn quyền Pháp ở Đông dương đã đặt ra các loại thuế khoá khiến thuộc địa Đông Dương có lãi (tạo lãi) cho thực dân Pháp. Viện bảo tàng lịch sử có tên là Luis Finot (là nhà khảo cổ học khai quật ăng co). Tóm lại tất cả các tên phố xá đều liên quan tới lịch sử mẫu quốc (số ít) , chủ yếu tên đường còn lại liên quan tới việc xâm lược thuộc địa, hay “công lao” của Pháp ở Đông Dương. Ở trung tâm thành phố, nơi là đại học y khoa cũ thời Pháp, còn có tượng người lính thực dân che đầu một em bé thuộc địa. Ngoại trừ bức tượng này bị đập đổ vào thời cách mạng tháng 8, các tên phố kia còn được giữ tới năm 1954, tới khi giải phóng thủ đô.
Như vậy tên Alexandre de Rhode có gì đặc biệt so với những tên đường phố kia ???
Phó Thường Nhân
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi, như đã nói ở trên, về phía thực dân Pháp, tên tuổi Alexandre de Rhode có vẻ sạch sẽ hơn cả, vì nó không liên quan trực tiếp tới công cuộc xâm lược thuộc địa của Pháp, cũng như “công lao trực tiếp” của chế độ thuộc địa Pháp ở VN. Như vậy tên Alexandre de Rhode là “đi giật lùi” so với việc kể công của thực dân Pháp qua những tên phố xá ở Hà nội, mà thực dân Pháp đặt ra.
Bây giờ hãy xét tầng lớp trí thức ở VN thời Pháp thuộc, đặc biệt các trí thức “Pháp học”, “Tây học”. Một điều chắc chắc là họ không ghét văn hoá Pháp. Đây là điều chung, là mẫu số chung cho tất cả các trí thức Pháp học, dù họ là tay sai cho thực dân Pháp hay làm cách mạng. Phần tiếp theo là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây chính là phần phân biệt giữa trí thức yêu nước theo cách mạng và trí thức tay sai. Nếu đi sâu vào tìm hiểu, thì ta có thể dễ dàng nhận thấy, trí thức yêu nước đi làm cách mạng là những người Pháp học nhưng không dính dáng tới chính quyền thực dân Pháp, có khi họ theo cách mạng từ khi còn là sinh viên, học sinh. Phần lớn những nhà lãnh đạo VN sau này (ví dụ ông Lê Đức Thọ) là như vậy. Một bộ phận khác theo cách mạng thì học cao hơn, ví dụ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng là giáo viên tư thục. Nếu họ làm việc cho Pháp, thì không có phần cách mạng, mà giỏi lắm thì chỉ là lòng tự hào dân tộc. Điều đáng nói ở đây nữa, là ngày cả trí thức tay sai cho Pháp, cũng che giấu việc này bằng một dạng “tự hào dân tộc đểu” , mà Phạm Quỳnh là một ví dụ (giống như chống TQ đểu hiện tại, mà mục đích là đẩy VN làm tay sai cho Mỹ). Như vậy chỉ có thể lấy hòn đá thử vàng, tức là cách mạng tháng 8, và kháng chiến chống Pháp, Mỹ để đánh giá.
Nhưng vào thời điểm mà cái bia kỷ niệm ghi công Alexandre de Rhode được dựng lên, tức là năm 1941, thì chưa thể biết được. Như vậy việc dựng bia này, có thể coi như một hành động, vừa là tình yêu văn hoá Pháp, vừa là ..tự hào dân tộc khéo trong vòng kiểm toả của kiểm duyệt thực dân Pháp. Cái ý mà người ta có thể cảm nhận ở đây, nếu đặt mình vào cuộc sống sinh hoạt của VN thời thuộc Pháp thì ta sẽ thấy nó nổi lên cái ý này. Đó là người trí thức VN yêu văn hoá Pháp, nhưng không yêu công cuộc xâm lược của Pháp. Điều thứ hai là tự hào về chữ quốc ngữ như một thứ chữ dân tộc. Điều đầu tiên thì dễ hiểu, vì Alexandre de rhode đến VN từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh cách cuộc xâm lược của thực dân Pháp 250. Còn điều thứ hai thì hơi khó hiểu hơn, vì muốn tìm hiểu điều này thì phải tìm hiểu tại sao thực dân Pháp quảng bá cho chữ quốc ngữ. Điều này tôi sẽ nói sau khi phân tích trường hợp Phạm Quỳnh, một nhân vật không thể không nói tới khi nói tới chữ quốc ngữ. Thái độ, ý tưởng của thực dân Pháp và người VN yêu nước với chữ quốc ngữ có thể coi là một sự “đồng sàng dị mộng”.
Trong bài báo mà NVT đưa lên về tấm bia, có nói là cụ Nguyễn Văn Tố đã chủ trì việc này. Điều có lẽ hơi đơn giản. Theo đánh giá của tôi, thì tấm bia này được dựng lên là do hội Trí Trí, tức là một hội tụ họp các trí thức ở Hà nội thời thuộc Pháp, hội có ra tờ báo Tri tân. Cụ Nguyễn là trong ban lãnh đạo hội này, nên thành yếu nhân. Hiện nay tôi không có đủ tài liệu để xác định là tấm bia này được dựng lên theo ý của bên nào, của chính quyền thực dân, hay là của cái hội người VN. Nhưng khả năng là hội trí tri khởi xướng, có sự tham gia hoặc chủ trì của cụ Tố, và được thực dân Pháp đồng ý thì đúng hơn. Vì có nhiều lý do khiến tôi suy luận như vậy. Điều đầu tiên, như đã nói, đó là sự sạch sẽ của Alexandre de Rhode, so với các tên nhân vật khác được đặt ở Hà nội. Điều thứ nhì là thời điểm (1941).
Hãy phân tích cái điều thứ hai này. Vào năm 1941, số phận thực dân Pháp ở VN rất “cô đơn”, vì mẫu quốc Pháp đã bị Đức chiếm đóng từ tháng 6-1940. Chính quyền Vichy lập nên ở Pháp của thống chế Pê tanh (Petain) là một chế độ bù nhìn do Đức Phát xít lập nên. Mặc dù chính quyền Đờ Cu ở Đông dương nằm dưới quyền kiểm soát của Pê tanh, nhưng nó phải tự sống, không thể trông chờ vào sự chi viện quân sự, chính trị của mẫu quốc. Lực lượng của thực dân Pháp ở Đông dương rất mỏng. Tính tới năm 1945, Pháp chỉ có ở đây 8 tiểu đoàn lính chuyên nghiệp (bao gồm cả Pháp và lính khố đỏ), dưới 10 chiếc máy bay đa cô ta (dacota) cánh quạt có thể ném bom. Tổng cộng số kiều dân Pháp ở ba miền VN khoảng 5 vạn trên một số dân VN khoảng 30 triệu. Nếu tính kiểu tương đương, thì có thể số pháp kiều tương đương với số dân Hàn quốc ở VN hiện tại (số dân Hàn quốc ở VN hiện tại là 150000 trên tổng số dân 90 triệu. Vậy tính tỉ lệ với 30 triệu dân là 50000 người). 5 vạn “người Pháp” này cũng không hoàn toàn là “pháp trắng” thật, mà tính cả me tây, người VN vào làng Tây, người lai. Số người VN vào làng Tây không nhiều, vì phải thật mẫn cán với Pháp mới được vào. Đặc biệt trong số lượng người lai, me tây, Pháp tuyển dụng những loại người mẫn cán nhất. Đặc biệt là người lai, vì nói được cả hai thứ tiếng, và có mối liên hệ “dòng máu” với Pháp. Nhiều mật thám pháp được tuyển ở đây.
Bên ngoài chính quyền thực dân này cũng phải đối phó với sức ép của Phát xít nhật, Và cuộc đụng độ đầu tiên chính là việc chính quyền Xiêm la (Thái lan hiện tại) lúc đó đòi thực dân Pháp trả lại ..tỉnh Xiêm Riệp, Vì Xiêm la theo Nhật. Pháp phải điều đông lính khố đỏ lên biên giới Xiêm- Cam pu chia. Và đấy chính là một nguyên nhân khách quan dẫn tới khởi nghĩa Nam kỳ vào năm 1940.Kết quả Xiêm la chiếm Xiêm riệp tới năm 1945, lúc đồng minh thắng thế thì Xiêm la lại bỏ Nhật quay về với “đồng minh” và trả lại đất.
Chính để ve vãn người Việt, mà Alexandre de Rhode mới được tung hô, vì nó không cào vào lòng tự hào của người Việt về dân tộc mình, đang là thuộc địa, mà vẫn biểu dương được “công lao khách quan” của Pháp. Có lẽ chính điều này khiến Alexandre de Rhode trở thành ông Tổ FAKE của chữ quốc ngữ. Dù đó không phải là sự thật.
NVT2002
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-can...22204508438.htm

QUOTE
Đặt tượng Hàn Thuyên và Alexander de Rhodes tại ĐHQG TP HCM

Để ghi nhận công lao của hai danh nhân, trong khuôn viên ĐHQG TP HCM đã đặt tượng danh nhân Hàn Thuyên, người có công trong việc truyền bá, nâng tầm văn tự chữ Nôm thành ngôn ngữ văn học và Alexander de Rhodes với cuốn "Từ điển Việt Bồ La" góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ hiện tại. Hai bức tượng do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện và đặt tại khuôn viên ĐH năm 2012, vì còn nhiều tranh cãi nên đến nay mới được công bố rộng rãi.
Pages: 1, 2, 3, 4
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.