Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
yuyu
QUOTE(K. @ Sep 15 2003, 04:47 PM)
QUOTE(K. @ Sep 14 2003, 10:21 PM)

Quả đã có thời mà việc đọc sách được hình dung chỉ với một thái độ: cực kỳ nghiêm túc. Và thời sự văn hoá là thời sự của những cuốn sách văn học. Thập kỷ 80 chẳng hạn, ai cũng đọc Gienny Ghechac, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Mùa tôm, Jên Erơ, Đồi gió hú, Ngôi nhà của những hồn ma , Tê-rê-da, Thao thức, Trò đùa...



Ông Dương Phương Vinh này cũng mắc cười không kém w00t.gif. Thứ bảy rồi K. mới tậu cuốn "Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma", nguyên tác của Isabel Allende, bản dịch Việt ngữ của Mạnh Tứ, Đòan Đình Ca. Bây giờ đang dòm cái trang sau cùng, thì thấy là:

Nhà Xuất Bản Văn Nghệ T. P. Hồ Chí Minh
In 1000 cuốn, GPXB số 380/1397/XB-QLXB ngày 20/11/2000.
In xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2001.

Trong trang đầu, phần giới thiệu thì: đây là lần đầu tiên tác phẩm này đựơc dịch ra xuất bản ở Việt Nam, tức là tháng 4/2001.

w00t.gif w00t.gif


K.

Ông Dương Phương Vinh này viết về văn học mà dùng tiếng Việt cũng không sạch nước cản Thập kỷ 80
Là lỗi rất phổ biến trên sách báo Việt Nam và cửa miệng của nhiều nhà phát ngôn thuộc giới trí thức hoặc lãnh đạo văn hóa
Thập kỷ là danh từ Hán Việt chỉ một thời kỳ 10 năm, cũng như Thế Kỷ là thời kỳ 100 năm, Thiên Kỷ 1000 năm v.v...
Do đó 1 thế kỷ chỉ có 10 thập kỷ.
Nói thập kỷ 80 có nghĩa 1 thế kỷ có 100 thập kỷ ?
Chỉ có thể nói thập kỷ 8, thập kỷ 9 v.v...( đúng ra là Thập kỷ thứ 8, thứ 9 )
( Tất nhiên có thể coi 80 như một tính từ chỉ những năm 80) Nhưng tốt nhất không nên sính nói chữ Hán khi chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó. Nên thuần Việt : Những năm 80 , hoặc cùng lắm vẫn thích nói chữ thì Thập Niên 80....
TanNg
QUOTE(yuyu @ Sep 15 2003, 11:19 PM)
Các đây 15 năm thì Sơn mới chỉ là cậu bé choai  choai, biết quái gì mà nói thay  các cụ đọc sách hồi ấy ? Lại còn dám nói về trung học Pháp với đại học Mỹ ?

Tôi nghĩ không dứt khoát là phải trưởng thành cách đây 15 năm mới có thể đánh giá những vấn đề cách đây 15 năm. Người ta chẳng đánh giá lịch sử cách đây cả nghìn năm đấy sao, đâu cần phải sống trong thời đó. Thanh Sơn có thể dựa trên những trao đổi, hoặc thông tin ở nguồn khác. Nói chung là tôi cũng cảm giác là so sánh VN với Pháp, Mỹ thì đúng là không ổn, vì để đánh giá chĩnh xác đòi hỏi phải có các nghiên cứu kỹ lưỡng.
n/a
Bây giờ ở nhà chịu dịch sách nhưng vẫn chỉ những cuốn "an toàn" thôi . Tại sao Camus và Sartre cổ xưa thế mà người ta vẫn phải mua sách cũ của miền Nam, Sholzhenytsin, Orwell, Koestler... tuy cũng cũ rồi nhưng làm gì có bán.
Mr. Smith
Trước nghe nói Trung tâm Đông Tây chuẩn bị in Tuyển tập Camus, không rõ đã in trưa?
Hưng
Em thì lười đọc văn học cho nên văn học Pháp hiện đại coi như em chưa đọc chữ nào. Nhưng em nhớ mang máng Camus hay Sartre không phải là những cái tên mới ở VN từ thời mở cửa. Có lẽ người ta đã biết rõ hai ông này kể từ thời các cụ như Trần Đức Thảo, Hòang Xuân Hãn về VN rồi. Em về VN được anh bạn kể rằng bọn được gọi là trí thức ở VN tay nào cũng phải vào đúng thư viện quốc gia ở Hà Nội, copy đúng cái bản dịch cuốn "Buồn nôn" của Sartre về gối đầu giường mới được coi là trí thức ( nhất định không chịu mua một cuốn mới! ). Tin này thế nào, liệu có phải anh bạn em nói đùa không các bác nhỉ?
Ngòai ra về chủ nghĩa hiện sinh, em nghe ông Nguyễn Văn Trung nói chuyện hồi từ Canada sang Berlin thì có vẻ như ở VN người ta biết rất rõ. Ông Trung thuộc thế hệ giáo sư ở miền Nam từ ngày xưa đi học ở Pháp, Bỉ trở về dạy tổng hợp Sài Gòn.
Sách triết học và văn học thế giới giai đọan sau thế chiến thứ 2 ( và cả những luồng tư tưởng trước thế chiến thứ 2 như bọn Husserl, Heidegger..) có lẽ trong Nam vẫn lưu truyền- chỉ có miền Bắc là không có sách để đọc mà thôi. Em có nói chuyện với mấy đứa bạn ở miền Nam- thấy chúng nó cũng có sách của mấy ông này để đọc, chứ không như ngòai Bắc.
Phó Thường Nhân
Đúng là Sartre và Camus không có gì mới với cụ Trần Đức Thảo, vì bản thân cụ còn đấu võ bút với Sartre từ hồi những năm 50 cơ mà. Nhưng với công chúng ngoài Bắc thì Sartre là mới. Ở miền Nam, thì người ta đã biết tới Sartre từ những năm 60, nhưng không rõ có dịch ra tiếng Việt hay không.
Quyển "Buồn nôn" đọc chán lắm. Vì nó là chuyện không có cốt chuyện. Một dạng minh họa triết học. Nếu đọc được bằng tiếng Pháp và thưởng thức câu cú, văn phong của nó thì còn thấy hấp dẫn, còn đọc bằng tiếng việt thì không biết thế nào
Mr. Smith
Các cuốn Buồn nôn, Dịch hạch, Người xa lạ... đều có in ở ngoài Bắc đấy chứ (và một số cuốn tái bản gần đây). Năm ngoái cũng nhìn thấy ngòai Nguyễn Xí có cuốn Heidegger của Bùi Giáng thì phải.
yuyu
Các chú nói chuyện sau Đổi Mới thì nói làm gì ? Sau 1990 thì vỡ tổ sách, gần đây loạn sách là khác....Tuy vậy vẫn làm gì có Alexandre Soljenitsyne, George Orwell ....?
Đây mình đang phê phán đoạn trích lời nhận định bốc phét của Nguyễn Thanh Sơn khi phán là " trước đây 15 năm" thì độc giả VN nắm vững văn học hiện đại Nga , trong khi đến nay vẫn chưa in Soljenitsyne ( prix Nobel văn chương 1970), còn trong Từ Điển Văn Học xuất bản 1988 thi thậm chí không có cả tên ông này và Boris Pasternak , prix Nobel văn chương từ 1958.
Còn độc giả bình thường miền Nam cũng chỉ biết nhiều đến Camus, Sartre từ 1970, cuốn Buồn Nôn của nhà Khai Trí in lần đầu năm 1970 , vì Sartre trở nên nổi tiếng với công chúng hơn, nhất là công chúng ngoài châu Âu như Việt Nam từ sau vụ ông từ chối nhận prix Nobel văn chương năm 1968 và đứng về phía cánh tả trong cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp mùa hè 1968, dẫn đến sự từ chức của De Gaulle ....Trước đấy thì dĩ nhiên Sartre nổi bật trong giới trí thức cấp cao thì không nói làm gì .....
Mr. Smith
Hì hì, Solijenitsyn, Orwell đều có những tác phẩm chống cộng trực tiếp hay gián tiếp, lên án chế độ chuyên chính vô sản thì tất nhiên không thể được in ở Việt Nam rồi. Chúng ta vẫn đang là nền dân chủ chuyên chính vô sản mà. ;-).
Trước có thấy Solijienitsyn có được giới thiệu và in một số tác phẩm trên Tia sáng hay là Văn nghệ nhưng mà là mấy bài thơ của ông này, hi hi, vô hại về chính trị.
Mr. Smith
Tự do hít thở
Alexander Solzhenitsyn

(Trần Tuệ Minh dịch)


Cơn mưa rào rơi trong đêm và giờ đây những đám mây xám trôi ngang trời, thỉnh thoảng rắc một làn mưa bụi.

Tôi đứng dưới cây táo đơm bông và hít thở. Chẳng riêng gì cây táo mà vùng cỏ quanh đó cũng loang loáng hơi nước; không từ ngữ nào có thể diễn đạt hương vị ngọt ngào lan toả trong không gian. Hít vào thật sâu, mùi hương tràn ngập hiện hữu tôi; hô hấp với đôi mắt mở, hô hấp với đôi mắt nhắm -- không biết điều nào mang đến cho tôi niềm hoan lạc mênh mông hơn.

Tôi tin rằng chỉ có thứ tự do này là quý giá nhất mà ngục tù đã tước đoạt của chúng ta: tự do hít thở thư thái, như tôi trong giây phút này đây. Không có thức ăn nào trên trần gian, không có loại rượu nào, và ngay cả không có nụ hôn của một người đàn bà nào khả dĩ làm tôi ngây ngất hơn không khí đẫm hương hoa và tươi mát này.

Chẳng hề gì nếu đây chỉ là một khu vườn nhỏ với những toà nhà năm tầng như chuồng thú vây quanh. Tôi không còn nghe tiếng xe cộ gầm rú, tiếng đài phát thanh lải nhải, tiếng loa sắt rền rĩ nữa. Chừng nào còn được hít thở không khí trong lành dưới một cây táo sau cơn mưa rào, chừng đó chúng ta còn sống sót.

Nguyên tác: "Freedom to Breath", trong Alexander Solzhenitsyn, Matryona's House and Other Stories
(Ringwood, Vic.: Penguins Books Australia Ltd.: 1985)
n/a
full text các tác phẩm cổ điển có thể search ở Project Gutenberg Etext:
http://gutenberg.net/index.html
Milou
21 quyển sách được người Anh yêu thích

Danh sách 21 tác phẩm được chon ra trong số 100 quyển mà 140.000 người chọn qua vòng sơ tuyển hồi tháng Tư.

Đây là chương trình có tên Big Read do đài BBC thực hiện.

Danh sách 21 tác phẩm bao gồm sáu sách trẻ em, tác phẩm của chị em nhà Bronte và các tác phẩm best-seller hiện đại.

Các tiệm sách ở Anh nói các quyển sách được chọn trong danh sách 100 đã trở nên bán chạy hơn.

Trong bảy tuần nữa, những người nổi tiếng sẽ bày tỏ quan điểm của họ xung quanh 21 tác phẩm.

Mỗi tuần, người dẫn chương trình Clive Anderson sẽ tóm tắt các tranh luận. Người xem sẽ bầu chọn ra quyển sách được nước Anh ưa chuộng nhất (the Nation's Favourite Book) vào ngày 13-12.

Trong danh sách 21 quyển, có truyện của Charles Dickens, Jane Austen và chị em Charlotte và Emily Bronte.

Tác phẩm của họ cạnh tranh với Lord of the Rings (JRR Tolkien), His Dark Materials (Philip Pullman), và The Lion, the Witch and the Wardrobe.

Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell cũng lọt vào danh sách 21, ngoài ra có Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy.

Mỗi tác giả chỉ được phép có một tác phẩm lọt vào Top 21, nên JK Rowling chỉ có quyển Harry Potter and the Goblet of Fire. Sự nổi tiếng của bà hiện rõ, khi ba quyển sách khác về Harry Potter xếp thứ 22, 23 và 24.

Nếu bạn ở Anh, có thể bầu cho tác phẩm được yêu thích nhất qua các cách sau:

Điện thoại: 0901 522 9000 (cuộc gọi tốn 15p), SMS: gửi text tên cuốn sách được chọn vào số 86200. Hoặc internet, tại địa chỉ www.bbc.co.uk/bigread .

The Nation's best-loved book: which of The Big Read Top 21 will win the title? Vote here for your favourite.


To send us your vote:

Select your best-loved book from the list
Fill in the information about yourself below
Click on the 'Send Your Vote' button
Make sure you read the rules before voting.

Thanks for your vote and keep reading!


Birdsong, Sebastian Faulks
Captain Corelli's Mandolin, Louis de Bernieres
Catch 22, Joseph Heller
The Catcher in the Rye, JD Salinger
Great Expectations, Charles Dickens
Gone with the Wind, Margaret Mitchell
Harry Potter and the Goblet of Fire, JK Rowling
His Dark Materials, Philip Pullman
The Hitchhiker's Guide to the Galaxy, Douglas Adams
Jane Eyre, Charlotte Brontë
The Lion, the Witch and the Wardrobe, CS Lewis
Little Women, Louisa May Alcott
Lord of the Rings, JRR Tolkien
Nineteen Eighty-Four, George Orwell
To Kill a Mockingbird, Harper Lee
Pride and Prejudice, Jane Austen
Rebecca, Daphne du Maurier
War and Peace, Leo Tolstoy
The Wind in the Willows, Kenneth Grahame
Winnie the Pooh, AA Milne
Wuthering Heights, Emily Brontë
Bonnie
... Mặt đất đang rung chuyển bởi những tiếng gầm gừ của xe tăng. Và xe tăng sẽ nghiền nát mọi nỗi buồn. Cả thế giới toàn niềm vui. Tất cả mọi tiếng thở dài sẽ lẫn vào trong gió. Kẻ đói và người no đều được ăn. Người khát và không khát đều được uống. Muối iod sẽ được rải đều từ rừng xuống biển. Phụ nữ không còn bệnh bướu cổ. Trẻ em hết đần độn. Một trời mới, đất mới sẽ mở ra bát ngát mà mật độ anh hùng sẽ trở thành lá cờ đầu của phong trào giải phóng nhân loại khỏi sự ù lì và hôn ám của chủ nghĩa an phận.
...
Ta bảo mi là ngụy vì mi chưa bao giờ là chính mình. Mi mượn áo kẻ khác và nói giọng chiêm bao, mi đi với ma và mi mặc áo giấy. Mi sẽ phải thống khổ và ăn năn cải tạo. Mi không có tổ quốc và số phận mi là lưu đày. Mi sẽ phải khóc trên những giòng sông mờ mịt.
...
Máu các ngươi chỉ là nước lã được múc từ giếng của hợp tác xã. Nhưng ngay cả nước có trôi đi rồi nước cũng về nguồn...


Nhà em xin giới thiệu với bác nào chưa đọc, đây là vài đoạn trong Thời của những tiên tri giả của bác Nguyễn Viện. Ai chịu khó lục lọi sẽ tìm được các truyện ngắn của bác ý trên Internet. Việc Thời của những tiên tri giả có mặt tại các hiệu sách thật là 1 điều đáng mừng và đáng ngạc nhiên, hy vọng nó sẽ còn ở lại đó lâu dài.

Diễu cợt và đau đớn, hoài nghi và xác tín, tìm kiếm, hy vọng và thất vọng, và một cái gì đó, như bác Dương Tường nói, "vốn khác".
Ubu
Văn bác Nguyễn Viện này hay quá wub.gif . Không hiểu đọc cả truyện thì cái kiểu câu ngắn xúc tích có nhịp này còn hay nữa không. Bonnie có kiếm được cả truyện thì post lên đây cho bọn tớ thưởng thức với. w00t.gif
Bonnie
Truyện này cóp trên trang eVăn, trang mới mở của vnexpress. Thời của những tiên tri giả không tìm thấy toàn vẹn trên net. "Về nhà" cũng đầy ám ảnh sống chết, tìm kiếm bản thân trong ký ức và tôn giáo. Nếu như xác định một phong cách là điều quan trọng đối với nhà văn, thì bác Viện đã làm được.

Về nhà
Nguyễn Viện
Tôi đã trở về căn nhà mà tôi từng sống với bố mẹ và những đứa em. Căn nhà ấy giờ đây không còn nữa. Nó đã thuộc về một ai đó, tôi không biết. Điều chắc chắn nhất là tôi đang bước lên chiếc cầu thang gỗ. Phía dưới, đứa em gái áp út nằm ngủ trên ghế bố sau quày hàng. Mẹ tôi nằm ở chiếc giường phía trong. Tôi chỉ nghe thấy tiếng họ trong ký ức. Bố tôi đang bận bịu gì đó trong nhà bếp. Cũng chỉ là những âm thanh rất xa tiếng bố tôi phàn nàn vì đồ đạc thất lạc. Không nhìn nhưng tôi cũng biết đứa em gái kế tôi đang thay quần áo sau cánh cửa tủ. Tôi nghĩ cần phải sắp xếp lại căn gác cho hợp lý. Sẽ kê cái tủ ngay sát đầu giường cô em thay bức bình phong cho kín đáo. Bàn máy vi tính của thời tương lai đưa vào sát tường. Phần giữa nhà sẽ kê một bộ bàn ghế mây. Còn chiếc giường sát cửa sổ phía sau, trong một thoáng tôi không nghĩ được nó thuộc về ai. Tôi không nhớ được mình vẫn ngủ ở đâu trong căn nhà này. Và một nỗi bơ vơ tràn ngập tôi. Chiếc cửa sổ nhìn ra ngôi nhà thờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng đọc kinh khi nhà thờ hoàn toàn vắng người, lúc ban trưa hoặc nửa đêm. Cuộc chiến tranh đã đưa đẩy gia đình tôi đi nhiều nơi, ở nhiều căn nhà khác nhau, và tất cả chúng tôi đều nghĩ đây sẽ là căn nhà chúng tôi sống mãi mãi, cả khi chúng tôi không một ai còn tồn tại. Có lẽ vì thế mà tôi đã trở về. Các em tôi cũng đã trở về. Bố mẹ tôi cũng trở về. Tất cả họ đều im lặng. Ký ức của tôi không phải là một ngăn tủ đóng kín. Trước cửa căn nhà, tấm màn gió màu xanh lá cây rũ xuống ngăn cách với mặt đường. Hình như có ai đó sợ ánh sáng. Nhưng bóng tối không phải là chỗ an toàn. Tôi vén màn nhìn ra ngoài, chú tôi vừa đi ra nói vọng lại: Mọi sự đã sẵn sàng. Đấy là cái gì tôi không hiểu. Chúng tôi sắp phải ra đi sao? Tiếng bố tôi vẫn càu nhàu, không thấy cái búa đâu cả. Làm sao bố tôi thấy được khi tôi đang cầm nó trong tay và đập vào bức tường. Tôi cũng không hiểu tôi đập tường để làm gì, nhưng tôi biết chắc đó là điều cần thiết. Sau này tôi mới biết được nhờ cái lỗ ấy mà tôi sống sót. Viên đạn pháo rơi ngay trước cửa và căn nhà bốc cháy bịt kín lối ra bằng lửa. Tôi chui ra cái lỗ nhỏ như lỗ chó ấy thoát ra đường. Tôi đã được chọn để sống. Và đôi khi tôi vẫn tự hỏi sự sống ấy để làm gì. Trong rất nhiều năm, tôi đã bị dằn vặt bởi ý nghĩ ích kỷ. Nhưng điều ấy cũng không làm cho đời sống tôi trở nên sáng tỏ. Sự mù mờ ảo ảnh sương khói và những giấc mơ nửa hư nửa thật luẩn quẩn mà tôi cũng không biết nó nằm trong đầu hay đang hiện hữu bên ngoài tôi. Có tiếng ai gọi ngoài cửa bảo: Đã đến giờ rồi. Tôi không biết chuyện gì, bố tôi trong nhà bếp nói vọng ra: Chúng tôi chưa chuẩn bị xong. Người ngoài cửa lại nói: Không cần chuẩn bị gì cả. Tôi nghĩ cho dù có là cái chết thì cũng nên chuẩn bị. Người ngoài cửa dường như nói với tôi: Nếu mày không muốn đi thì thôi. Vâng, tôi chỉ muốn ngủ. Thế thì hãy ra đường mà ngủ. Bố tôi bảo: Không được, nó là thằng hay ốm vặt. Người ngoài đường nói với tôi: Mày phải tự thu xếp. Dường như tôi bừng tỉnh nói thật to: Ông là ai? Không có tiếng trả lời. Người ngoài đường đã bỏ đi. Căn nhà yên tĩnh trở lại. Tôi nghĩ cần phải treo một cái gì đó lên tường. Tôi tìm trên kệ sách những tấm lịch cũ. 1974. 1973. 1972. Có những bông hoa đã úa tàn từ thế kỷ trước. Những người đàn bà khỏa thân sau bữa cơm chiều. Ánh trăng chiếu vào họ làm cho làn da ẩm ướt và có mùi cỏ. Phải treo họ lên ở đâu đó trong ký ức của những con giun. Tôi hỏi bố nhà mình còn đinh không? Bố tôi bảo không cần đinh. Cứ đóng đi. Liệu những người đàn bà có sống được không khi bị cất vào trong kệ sách? Mẹ tôi bảo đừng có dớ dẩn. Tôi nói mẹ đang ngủ cơ mà. Ừ mẹ ngủ đây, nhưng đừng có đóng đinh họ. Cô em gái đã thay quần áo xong và bước ra lan can. Tôi nói không nên mơ khi còn thức. Ít ra thì cũng để em nhìn thấy một thế giới khác chứ, em tôi nói. Làm gì có một thế giới khác. Tất cả chỉ là một thôi. Ở phía nhà thờ, những con chim sẻ ríu rít trên mái ngói. Người đàn ông đi tìm ý Chúa gục đầu trên những phím phong cầm. Mẹ tôi bảo khi con băn khoăn hoặc sợ hãi thì hãy phó dâng cho Chúa. Tôi đã chui ra khỏi cái lỗ chó nhìn ngọn lửa bùng bùng trên mái nhà. Cách thượng đế đến với con người giống như thợ săn dồn con thú vào bước đường cùng. Tôi đi tìm người chú để nương náu. Nhưng dường như chú tôi cũng chỉ là cái bóng. Những ngôi mộ đã được giải tỏa dành đất cho người sống. Người chết vất vưởng lang thang trên những cỗ bàn đã thiu mốc. Tôi quay lại ngôi nhà mình. Ngọn lửa vẫn cháy. Rất nhiều người đang đứng đọc kinh. Người đi tìm ý Chúa dang tay và ngửa mặt lên trời. Trong đầu ông ta có những con mọt đang đục đẽo. Tôi nghe thấy tiếng của chúng đùa rỡn với nhau. Thằng em trai út ngồi hút thuốc lá trong góc nhà. Nó bảo đốt cả thế giới thì mới mong diệt được chuột. Đứa em gái nằm ngủ sau quầy hàng đã thức. Nó chải đầu và ngứa miệng. Nhưng nó chỉ ú ớ những âm thanh của một cơn gió giật. Cái lược rơi xuống đất. Tôi bảo lại đây anh bóp đầu cho. Dùng cả mười đầu ngón tay bấu vào đầu nó, cái sọ nhũn như một quả bóng, tôi nói lý thuyết cấu trúc là một điển hình cho những áp đặt sinh tồn. Chẳng ai hiểu được câu nói ấy, tôi vẫn tiếp tục vò cái đầu đứa em cho đến khi nó thật sự mềm. Tôi bảo nó muốn nói gì thì nói đi. Nó lắc đầu. Thế gian khép mắt. Bóng tối tràn từ tây sang đông. Những ngọn cây cúi xuống ngủ. Trên mỗi một ngôi mộ mọc lên một ngọn nến. Những người đọc kinh đã xếp thành hai hàng. Họ đi dọc theo những ngôi mộ, một tay lần tràng hạt, một tay cầm hoa. Tôi nhìn thấy họ khuất sau đường cong của quả đất. Bố tôi đã tìm thấy cái búa, ông bảo Chúa vẫn chờ chúng ta đóng đinh người. Tôi không thích tranh luận với bố hay bất cứ ai, nhưng tôi vẫn nói một mình. Chúa đã xuống khỏi thánh giá và đi vào sa mạc. Tiếng búa của bố đập ong ong trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình cần phải đi ngược về phía biển. Những người lưới cá đang ngồi khóc vì thuyền của họ đã vỡ. Tôi hỏi Chúa của các ông đâu? Ngài đã lên trời, họ nói. Tôi bảo không phải, Chúa của các ông trong sa mạc. Họ lấy đá ném tôi. Dường như tôi đã chui xuống đất và thoát ra ở dưới chân núi. Con khỉ nói: Ngộ cũng chuẩn bị chạy trốn đây, nị nên giả vờ chết thì mới may ra sống được. Cái đồ khỉ Tàu, tôi rủa và tiếp tục chạy lên núi. Với tay tới mặt trăng, tôi cầm cái nia vàng ném xuống đất. Ánh sáng vỡ ra tung tóe làm mù mắt những người lưới cá. Mẹ tôi bảo đừng có viển vông, hãy cứ ngồi ở nhà khâu cúc áo đơm khuy cho mẹ, tao lấy vợ cho. Hãy chọn một cách sống an toàn cho đến khi ý Chúa được hoàn tất. Trong khi ấy, người đi tìm ý Chúa vẫn ngửa mặt lên trời. Những con mọt trong đầu ông ta đã gặm tới sổ kế toán thu chi. Và người đàn bà đứng gần nói: Thưa cha, đã tới giờ ăn cơm. Người đàn bà quạt cho ông ta bằng cái quạt giấy. Tôi hỏi: Cha có thể nuôi con một ngày không? Người đi tìm ý Chúa bảo: Thực phẩm này không phải của ta, con cứ ăn. Cha có thể cho con trú ẩn không? Chỗ này không phải của ta, con cứ ở. Mồm người đàn bà há to như mồm con cá sấu, răng chĩa ra tua tủa, quát vào mặt tôi: Vấn nạn của ngươi là gì? Ôi, to chuyện quá. Tôi bỏ chạy trước khi có thể mang họa. Phía sau lưng tôi, người đàn bà cười sằng sặc: Bé giái non hột mà cũng học đòi. Mẹ tôi bảo về nhà đi con, thế giới này đầy cạm bẫy. Tôi thắp một cây nhang cắm xuống đất. Lạy thổ thần, người là mẹ của hoa trái, là bà cố của tai ương, xin hãy chỉ đường cho tôi về nhà. Người đàn bà đốt phong long quơ ngọn lửa ngoài cửa. Thổ thần uống rượu trắng khề khà. Tất cả chúng mày đều vớ vẩn. Tôi nhắm mắt bước. Con đã về rồi đây mẹ ạ. Nhưng quả thật, tôi không thể nào nhớ được cái giường tôi vẫn ngủ nằm ở đâu.
Ubu
Đọc mấy câu đầu truyện này lại chẳng thấy vào. Có khi văn bác NV này hợp với văn ca thán, phê bình hơn là viết truyện. sp_ike.gif
yuyu
QUOTE(Ubu @ Dec 16 2003, 08:21 AM)
Văn bác Nguyễn Viện này hay quá wub.gif . Không hiểu đọc cả truyện thì cái kiểu câu ngắn xúc tích có nhịp này còn hay nữa không. Bonnie có kiếm được cả truyện thì post lên đây cho bọn tớ thưởng thức với. w00t.gif

NHững câu mà chú thấy hay là bác Viện mượn nhời trong Kinh Thánh mà phóng tác ra chứ có phải văn của bác ấy đâu ? Văn thật của bác ấy thì chán lắm . Kinh Thánh là một kiệt tác văn chương mà. Chú đọc thử Kinh Thánh thì biết....
Question
QUOTE(lananhhanoi @ Oct 21 2003, 12:31 PM)
QUOTE(Milou @ Oct 6 2003, 06:59 PM)

Disgrace (giải Booker 1999) - đã được dịch ra tiếng Việt với tựa là "Ruồng bỏ". 


. Bây giờ thì tìm ở đâu ra cái cuốn này và bao giờ mới đựơc đọc Tác phẩm của ông cơ chứ? Chắc cỡ cũng gần năm nữa là giỏi lắm.

Quả thật, trước kia , Disgrace không được chú ý lắm.
Đến bây giờ, nó đã được tái bản, và bán chạy ko thể tưởng tượng nổi ( thị trường sách VH ở VNam )

Cuốn sách đã thu hút tôi đến nỗi ko có cuốn nào gạt bỏ được, để xen vào giữa những lúc đọc 1 cuốn sách
Tôi có một tính rất tệ, là một lúc tôi đọc 3-4 cuốn sách, cuốn này vài trang, cuốn kia vài đoạn, tùy theo tâm trạng và địa hình ( nằm, ngồi, thoải mái, hơi bực v.v...)


Disgrace, mà chị Thanh Vân dịch: Ruồng bỏ, còn Jennifer Tran dịch Ô nhục.

Thật ra, hai nghĩa này có một độ khác nhau rất lớn.

Có lẽ, sự Ô nhục là cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm, nhưng cảm giác bị Ruồng bỏ lại là ý nghĩ mà nhân vật đã phải mang theo trong suốt cuộc sống kể từ khi có biến cố xuất hiện.

Nội dung thì chắc các bác đọc qua, có thể đọc bên evan.


Chết, t vào net đã hết.

Hy vọng có ai đó bàn bạc thêm, mai sẽ conti.....
Amt
Em rất khoái đọc sách, nhưng vì không có định hướng, nên gần như vớ được quyển nào là đọc quyển đấy, không có mảng mảnh, thời gian, ngành ngọn rõ ràng. Hiện tại em mong được đọc một cách hệ thống hơn, trước hết là tự khai sáng về mảng triết học, xã hội học, và nhân chủng học. Có bác nào hay đọc về mảng này có thể bổt một cái list khoảng 10 quyển nhập môn và tìm hiểu sơ bộ thì em vô cùng cảm ơn.
Amt
Cái tôpíc này là sách hay, nên em cũng xin góp vài ý kiến. Tiểu thuyết văn học nên đọc với em gồm có:

+Tội ác và trừng phạt (Dostovesky)
+1984 (George Orwell)
+Anna Karenina (Leo tolstoy)
+Bố già (Mario Puzo)

Ngoài ra những quyển mỏng hơn nhưng cũng không kém phần hấp dẫn như sách của Camus hay Borges. Em rất khoái cách kể chuyện và phân tích nội tâm nhân vật của Đốt, không phải chỉ trong tội ác mà còn trong nhiều truyện ngắn hơn như Đêm trắng, notes from the underground. Orwell thú vị ở sức thuyết phục và độ sâu của tác phẩm. Đọc 1984, sau đó đọc những tác giả khác viết về các chính quyền tập trung hay những nhà độc tài, không thể không ngạc nhiên vì những nét tương đồng. Nhưng khác với các tiểu thuyết mang nhiều tính tự thuật (như chuyện kể năm hai ngàn, hồi ký các loại) 1984 nhìn xa hơn rộng hơn, và nó cũng ra đời sớm hơn so với dòng tương tự. Em cũng cho là quyển này có thể thâu tóm ý tưởng của tất cả những quyển khác cùng đề tài. Về Tolstoy thì văn ông miêu tả cuộc sống vừa triết lý, vừa thực tại, đọc, tự nhiên ta phải suy ngẫm rất nhiều. Còn Puzo hấp dẫn vì cốt truyện, cách thắt mở nút. Truyện của Camus hay Borges thì lại thuộc thể loại khác. Vừa đọc vừa khám phá một khoảng không mập mờ, phải dành nhiều thời gian suy cho tác phẩm, nhưng đọc rất sướng, tựa như ta dang đi vào thế giới khác. Có bác nào cùng sở thích ko ạ?
Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.