Langven.com Forum

Full Version: Trịnh Công Sơn
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, 6, 7, [>], [>>]
Người Thăng Long
Người ta hay nói TCS bị ảnh hường của Phật giáo có lẽ bởi anh hay lui lại đàm đạo với các nhà sư? Trong khá nhiều bài hát của TCS có tư tưởng của đạo Phật những cũng có rất nhiều bài viết theo ảnh hưởng của đạo thiên Chúa nữa.

Sơn hay nói về Giáo đường, Chúa Nhật...

:-X
yuyu
Ô hay ! " hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi , để một mai tôi quay về làm cát bụi ? " thì rõ là ảnh hưởng Kinh Thánh rồi còn gì ? Nhưng bác đừng có bận tâm TCS nhuốm mầu Phật hay Chúa ? Mấy ông " maître " lớn này thì Phật hay Chúa cũng chỉ là cái cớ cho âm nhạc thôi ;D
Diễm Xưa
Nghe nhạc TCS không hiểu sao Diễm cứ nghĩ tới những toà giáo đường thôi ???

:-[
Phó Thường Nhân
Tôi cũng nghĩ như vậy, TCS bị ảnh hưởng của cả triết lý đạo thiên chúa và triết lý Phật giáo. Đây là tôi nói về từ ngữ bài hát, chứ không phải về nhạc.Vì về lý thuyết nhạc nhẽo, tôi chẳng biết gì cả.
Tiếc là không thể lọc trong lời các bài hát của ông để xem cái gì trả về Phật, cái gì trả về Chúa. Muốn làm điều đó thì phải ngồi lọc lời các bài hát, mà tôi lại không có nhiều thời gian lắm, toàn viết theo hứng. Nhưng nếu lọc được nó, thì có thể biết được sự tư duy tổng hợp (syncretise) của người Việt nói chung với các tôn giáo lớn. Thú vị ra phết đấy. Sơ khảo theo ý chủ quan của tôi thì từ Phật giáo và Thiên Chúa TCS tìm thấy điểm chung ở trong kiếp người, trong đời buồn, trong dang dở. Cái này Phật cũng có trong "Duyên Kiếp". Còn trong những điều khác nhau thì Thiên Chúa làm cho TCS có thể nói tới "tình yêu cao cả" kiểu triết học. Vì sao ? vì chúa trời trong Thiên chúa là một sức mạnh siêu nhiên đã được nhân cách hoá, nên mới có thể yêu được. Trong Phật giáo, ông laij lấy được cái tương đối, từ đó suy ra lối nói đối lập như trong bài của FR sưu tầm, cũng như tính "vô thường" luôn thay đổi của vạn vật. Không biết có đúng không ? :-X :-X
Người Thăng Long
Thử tìm hiểu trong một số bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh này đâu là Phật giáo, đâu là Thiên Chúa giáo nhé.
Theo ý kiến của tôi thì Thiên Chúa giáo thiên về cứu rỗi linh hồn còn Phật giáo lai thiên về định mênh, xoa dịu nỗi đau trần thế và mơ về một kiếp luân hồi ?

Có một bài chắc chắn là viết về Thiên Chúa rồi vì tên là « Phúc Âm buồn » :

« Người nắm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm »

Nghe giai điệu đã thấy là Kinh Thánh rồi và khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh Chúa Jésus
trên cây thập ác.

Trong bài « Này em có nhớ » nhạc sĩ họ Trịnh lại nói đến cả Chúa và Phật như những đấng cứu sinh :

« Chúa đã bỏ loải người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người
Này em xin cứ phụ tôi …

…Chúa đã bỏ loải người
Phật đã bỏ loài người
Này em có nhớ cuộc đời
Này em có biết các loài người
Này em có nhớ gì tôi »

Trong « Tuổi đá buồn » thì Sơn hình như nhớ về một mối tình ngày xưa khi chờ đón một người con gái nhỏ sau buổi lễ ngày Chúa Nhật xa xăm…

« Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn em mang em mang
Đi về giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đoá hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn…

Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đoá hoa hồng tàn hôn lên môi… »

Không hiểu sao tôi lại thấy trong « Cỏ xót xa đưa » có nét gì đó rất giống trong Kinh thánh khi người ta miêu tả về những nỗi đau của nhân loại :

« Trên đời người trổ cánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cánh lá mù

Những tim đời đập lời hoang phế
Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê …

Có biết gì về ngày chưa tới
Những ngày ngồi rủ tóc âm u »

Hãy đọc trong « Như tiếng thở dài » để thấy thân phận con người qua cái nhìn mang đầy mầu sắc tôn giáo của Sơn :

« Người đi quanh thân thế của người
Một trăm năm như thiéng thở dài…

Người vinh quang mơ ước địa đàng
Người gian nan mơ ước bình thường »

Và lẽ dĩ nhiên « Lời buồn Thánh » là Sơn viết về Thiên Chúa rồi nhỉ , nghe đầy sám hối :

« Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều…

Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn »

Nỗi buồn trong thi ca của Sơn nghe rất…Thánh, « Dấu chân địa đàng » :

« …Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca kêu lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm…

Vùng u tối,
Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…

Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó loài rong yên ngủ sâu…

Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên »

Trong « Gần như niềm tuyệt vọng » thì ta lại thấy bảng lảng cả Thiên Chúa và Phật giáo :

« Cos điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi rất gần rơi xuống trong tôi…
Đời sống mỗi khi đưa tiễn người
Là tôi lắng nghe lòng tôi rã rời…
Trong xuân thì thấy bóng trăm năm
(Xin được lưu ý ở đây là ý tưởng về cái chết nằm trong sự sống đã được thấy trong « Mưa Hồng » rồi)

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Sông bao lần sông đã ra đi
Những ngàn xưa trôi đén bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về »

Khổ thơ cuối này thì rõ ràng là luân hồi rồi nhỉ ? !

Cuộc sống có phải là « Ngẫu nhiên » ?

« Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng »

* * * * * * * * * * *

Tư tưởng Phật giáo dùng để xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cũng thấy rất rõ trong thơ của Sơn . Bài « Ru đời đi nhé » :

« Ru đời đi nhé
Cho ta nương nhờ lúc thở than
Chân đi nằng nặng hoang mang
Ta nghe tịnh lặng rơi nhanh
Dưới khe im lìm

Ru đời đi nhé Ôi môi ngon này giữua trần gian
Ru từng chiếc bóng
Lênh đênh vào giấc ngủ ngon
Cho tôi tay gối mong manh
Cho tôi ôm lấy vai thon »

Sơn yêu dời tha thiết dù những nỗi đau nhiều khi tưởng như không thể nào vượt qua nổi. Và như thế anh viết « Đời gọi em biết bao lần » :

« Đi về đâu hỡi em
Khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng
Bước chân không chờ ai đón…

Em về đâu hỡi em ?
Có nghe tình yêu lên tiếng !
Hãy chôn vào quên lãng
Nỗi đau hay niềm cay đắng
Đời nhẹ nâng bước chân em
Về lại trong phố thênh thang
Bao buồn xưa sẽ quên
Hãy yêu khi đời mang đến
Một cành hoa giữa tâm hồn »

Và quan niệm về « Nợ nhân duyên, nợ tiền kiếp » cũng được Sơn đưa vào trong thi ca rất đẹp : Xin trả nợ người

Hai mươi năm xin trả nợ đời
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi

…Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu
Trả nợ một lần quên hết tình đau
Hai mươi năm vẫn là thủa nào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau »


Khái niệm của Phật giáo về cuộc sống tạm nơi trần thế được thấy trong những mảng tình của Sơn, « Tình xa » :

« Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã xa khơi ta còn mãi nơi đây…

Đôi khi ta lắng nghe ta
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
Hồn ta gió cát phù du bay về…

Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu »

Hay như được thể hiện trong « Phôi pha » :

« Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…

Có những ai xa đời
Quay về lại
Về lại nơi cuối trời…

Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa… »

Có một bài thơ khác của Sơn nói thẳng ra ý này - « Ở trọ » :

« Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xôi cuối trời

hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời »

Quan niệm về kiếp luân hồi của Sơn thế này :

« Không hẹn mà đến, không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta »

Hạnh phúc vô thường và kiếp người là một trong những đề tài mang nặng quan điểm Phật giáo của Sơn : Một cõi đi về

« Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…

…Trăm năm vô biên chưa từn hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ
Suối khe…

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì »

Vô thường còn thấy ngay trong cuộc sống thường nhật khi Sơn viết « Một ngày như mọi ngày » :
« Một ngày như mọi ngày
Đời nhẹ như mây khói…
Mang nặng hồn tả tơi…
Đau nặng từng lời nói…
Từng mạch đời trăn trối…
Đi về một mình tôi…

Sóng đong đưa linh hồn…

Một ngày như mọi ngày
Xếp vòng tay oan trái
Từng chiều lên hấp hối…
Bóng đổ một mình tôi »


Hiểu rõ về cuộc đời, về sự sống và cái chết, Sơn viết như để cho chính mình « Tôi ơi đừng tuyệt vọng ». Quan điểm này thì chung cho cả Thiên Chúa và Phật giáo.

« Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông…

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diểu rơi cho vực thẳm buồn theo…
Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai là ai…mà yêu quá đời này

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh… »

Và như thế Sơn thanh thản, nhẹ nhàng chia tay với cuộc đời « Như một lời chia tay » :

« Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui…

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi…

Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay »

Như thế tôi cũng xin tạm chia tay với một chút tìm tòi thử nghiệm về linh hồn trong thơ của Sơn. Lẽ dĩ nhiên là còn rất nhiều tác phẩm khác có thể đem ra đẻ phân tich, dẫn chứng nhưng thời gian và…màn hình có hạn.
Bài viết này hơi dài so với độ kiên nhẫn nhỉ ? nhưng mà Sơn lại có tận hơn 600 bài hát cơ, thế này mới chỉ là « Cát bụi » !
Phó Thường Nhân
Đúng là Bác NTL "khổ công" thật. Mà Bác cũng thuộc TCS nữa. sp_ike.gif
có lẽ cái đẹp của TCS là ở chỗ đã nhào trộn tất cả lại để biến thành của minh, để cho lời bài hát phiêu du hơn, lãng đãng hơn, cao thượng hơn. Thế mà không hiểu tại sao người ta chỉ nói tới ảnh hưởng Phật giáo tới TCS mà không nói tới Thiên chúa giáo nhỉ :P :P ;D :-X
Người Thăng Long
Bác Phó phải viết là "khổ sở" thì mới đúng đấy nhé ;D
Thư thật là tôi viết vội, nhớ đến đâu viết đến đó nên chưa mạch lạc lắm.
Hẹn khi nào có thời gian nhé ;D

:-X
FR
Giấc mơ Hạ trắng

Trịnh Công Sơn


Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.


Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.


Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài "Hạ Trắng".


Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy

Gọi nắng!
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài

Thôi xin ơn đời
Trong cơn mê này
Gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về
Chân em bước nhẹ
Trời buồn gió cao
Đời xin có nhau
Dài cho mãi sau
Nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau

Gọi nắng!
Cho tóc em cài
Loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về
Miền cao gió bay
Áo em bây giờ
Mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi
Suốt cơn mê này...


FR
Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Trịnh Công Sơn


Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.


Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.


Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
FR
Ðêm giao thừa 1993

Trịnh Công Sơn

1.1.1993

Tôi có bao nhiêu tuổi thì tôi cũng có bấy nhiêu đêm giao thừa. Có Tết tây và Tết ta. Tờ lịch cuối cùng bóc ra và tự dưng thấy trơ trọi một nỗi buồn vu vơ. Nỗi buồn đó thuộc về lịch tây. Chờ thêm mấy mươi ngày nữa thì lại thêm một nỗi buồn ta. Nỗi buồn của một người thấy mùa xuân thuộc về kẻ khác. Nỗi buồn của kẻ không dám thốt lên hai tiếng tương lai..

Có những đêm nằm không ngủ được. Nghĩ đến tương lai thuộc về người khác mà lòng cứ rầu rầu. Vì sao phải vậy. Quy luật tự nhiên là cái quái gì vậy mà làm não nề những cõi lòng ham sống, thèm yêu cuộc đời. Yêu đời và cứ muốn tồn tại mãi đâu phải là một cái tội. Nếu là tội lỗi thì xưng tội, sám hối với ai.

Cuộc đời sắm ra cái sự yêu thương nhức nhối này làm tình làm tội biết bao nhiêu thân phận con người. Yêu cuộc đời và muốn ở lại mãi mãi. Vì sao không cho ở lại. Trái đất quá chật và vì vậy phải có kẻ ở người đi. Buồn lắm mà không thể than phiền với ai cả.

Ðêm giao thừa dù tây dù ta tôi vẫn luôn luôn một mình một cõi. Số phận vẫn thường hay hậu hĩ với kẻ này mà lại bạc đãi kẻ kia. Có rất nhiều bạn bè thân hữu chứng nhân cứ thấy mỗi lần vào dịp lễ là tôi lại một mình một cõi. Ðành vậy biết làm sao - Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần một đời nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi một chốc. Một chốc mà là tất cả. Cái sát na nhỏ bé của thời gian đôi khi cũng quy định cả đời người. Một người mẹ bỏ đi. Một người tình bỏ đi cũng nằm trong cái sát na đó.

Ðừng than thân trách phận. Ðời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Ðêm giao thừa không có người yêu thì buồn lắm nhưng cũng không vì thế mà chết được. Những lễ lạc đi qua đời người mà thiếu vắng hồng nhan thì vẫn có thể vui nhưng là một niềm vui không trọn. Như một khúc hát dở dang. Symphonie inacheveé. Một mùa thu không có lá vàng. Một mùa hè không có nắng. Một đêm đông không giá rét.

Ðêm giao thừa ngồi một mình và hát :

“Ðừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông...”

Ðừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.

Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.

Không bao giờ có điều gì tuyệt đối. Và như thế phải có một đêm giao thừa nào đó phải có người yêu. Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy.
Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, 6, 7, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Thư viện làng Ven > Người Việt Nam
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.