Langven.com Forum

Full Version: Cam Nhan Ve Tet
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [1], 2, 3, [>], [>>]
Phó Thường Nhân
Đầu năm khai bút, tán phét một chút về tết. Bắt đầu từ gần đây, có lẽ rõ rệt nhất là năm nay, tết VN được dịch trên các báo nước ngoài là lunar new year, năm mới âm lịch hay lịch mặt trăng, vì âm lịch tính theo chu kỳ của mặt trăng, mà không còn gọi là năm mới TQ Chinese new year. Cách gọi mới này rõ ràng khách quan hơn cách gọi cũ, dù trong thực tế, các nước có tết bao gồm TQ, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn quốc, VN đều nằm trong vùng thế giới Nho giáo. Trước thế kỷ XIX, Nhật cũng nằm trong cộng đồng này, nhưng từ sau cách mạng Minh Trị (1868) họ đã chuyển sang dương lịch.
Nhưng khác với các nước còn lại trong thế giới Nho giáo, Nhật vẫn giữ niên đại theo triều đại. Ngược lại các nước khác đã chuyển sang dương lịch, mà không còn niên đại, nguyên nhân bởi vì ở Nhật cấu trúc xã hội vẫn có vương triều, trong khi ở các nước Nho giáo khác, bao gồm cả TQ đã chuyển sang chế độ cộng hòa, không còn vua.
Tết mang tới cho tôi nhiều cảm nghĩ, vì tôi ăn tết ở trong nhiều môi trường rất khác nhau. Nếu chỉ ở Vn, tết là một phong tục, một lối sinh hoạt của cả một cộng đồng, cho nên nó trở thành một nhận thức tự nhiên, không khiến người ta đặt câu hỏi về nó. Nhưng ở những nơi khác, khi sinh hoạt trong nhưng môi trường khác, không còn là văn hóa VN thì nó sẽ đem đến cho mình một cách ăn tết khác, cảm nhận khác.
Cảm nhận đầu tiên mà tôi còn nhớ được là ăn tết lúc còn nhỏ, thời còn là học sinh phổ thông. Đấy là thời kỳ bao cấp, ăn tết đơn giản, không có nhiều thủ tục nghi lễ như bây giờ. Ví dụ, nhà tôi chỉ ăn tết từ 30 đến mồng 3. Cao điểm là 30, mồng một, mồng hai, cũng như tôi không thấy nhà làm lễ cúng ông táo vào ngày 23 bao giờ, do đó là thời chiến tranh, gian khổ.
Mặc dù thế, không khí tết có từ rất sớm, là học sinh lúc đó, chắc không ai không biết cụm từ “rã đám”, để chỉ cho việc học hành trễ nài của học sinh trước lúc nghỉ tết. Nhưng công việc như đi mua lá dong, đãi đỗ, gói bánh, luộc bánh trưng, .. đã khiến tết đến một cách đặc biệt.
Cảm nhận tiếp theo mà tôi có, là các tết đi học xa. Lúc có tết, thường nó rơi đúng vào dịp thi hết học kỳ, và cũng là kỳ nghỉ đông. Lúc đó ký túc xã vắng hết sinh viên, chỉ còn lèo tèo sinh viên nước ngoài. Căng tin cũng đóng cửa, chỉ còn phát đồ ăn nguội. Đó là lúc ăn tết với mỳ xì dầu không người lái. Cảm nhận nhớ lại những ngày tết đó ..là tình yêu nhạc Jazz.
Thật vậy,cứ vào buổi đêm, đài truyền thanh ký túc xá hay phát nhạc Jazz, có lẽ là để lấp chỗ trống thời gian hơn là một chương trình thực sự. Lúc đó phải học khua để chuẩn bị thi. Trời ngoài tuyết lạnh, âm thanh tiếng kèn saxophone vừa xé tai, vừa rên rỉ như tiếng kêu than của người dân nghèo thành thị cô quanh, càng làm cho cảm giác nhớ tết da diết hơn.
Tôi cảm được nhạc Jazz từ lúc đó, đặc biệt các kiểu solo rên rỉ nỉ non của nó. Với lỗ tai của một người châu Á, tôi rất ghét tiếng choe chóe của bộ kèn kim loại, và cũng vì thế hoàn toàn không hợp gu với nhạc pop da đen, ngay cả với Mai cơn giắc sơn, mà hòa âm vốn đã trắng hóa nhiều. Nhưng tiếng kèn saxophone, với cách thổi êm, vừa đủ độ khàn khàn, nỉ non lại cảm được tôi, nhờ những ngày tết ký túc xá này.
Một tiếng kèn nữa mà tôi yêu thích là nó có thể solo thay cho ghi ta, như trong ban nhạc Dires Straits
Tiếng có âm đồng, nhưng không choe chóe.
Do ở nước ngoài mà tôi phát hiện ra một điều đặc biệt, đó là tết của VN không giống ở đâu. Trong tất cả các nền văn hóa khác, hầu như không có lễ hội năm mới. Lễ hội lớn nhất của họ đều theo tôn giáo, và không trùng với sự đổi thay của trời đất. Ở châu Âu, Mỹ, ngày lễ lớn nhất là Giáng sinh(Nô en), ở Mỹ có lẽ là lễ tạ ơn (thankgivings), trong thế giới đạo hồi đó là ngày lễ cuối ramadan. Ngay cả cac nước theo đạo phật Nguyên thủy, lễ lớn nhất là lễ té nước cũng vào tháng 4. Với người Ấn độ, thì lễ lớn nhất là lễ ánh sáng, kỷ niệm một sự tích của thần Si va.
Tất cả những ngày lễ này đều không trùng với năm mới. Và nếu năm mới cũng là ngày nghỉ, thì nó không có nghĩa lớn như những ngày kia.
Chỉ có tết ở VN và những nước Nho giáo, hiện tại còn 4 nước (TQ, Mông Cổ, hai nước Triều Tiên, và VN). Tất nhiên ta có thể tính thêm Sing, Malay, Thái, .. nhưng sự tồn tại của nó là do xã hội của họ có một bộ phận là gốc TQ. Vì thế ở Thái hay Malaysia nó chỉ có ý nghĩa của một cộng đồng mà không có tính quốc gia.
Vậy ngày tết ở VN có ý nghĩa gì ? có từ khi nào ? và tại sao ở VN lại không có hiện tượng lễ tôn giáo lớn hơn năm mới ?
Câu trả lời đầu tiên tết hiện tại tồn tại từ khi có lịch, và như vậy nó phải tương đương với việc chấp nhận âm lịch xuất phát từ TQ. Sự chấp nhận âm lịch này không nhất thiết phải tồn tại đồng thời với thời kỳ Bắc thuộc, vì do ảnh hưởng văn hóa, nó có thể được chấp nhận sớm hơn, điều này hơi bị khó trong trường hợp VN, nhưng cũng có thể được chấp nhận muộn hơn, tức là cho đến lúc giao thoa văn hóa phổ cập hơn. Hiện tại, không có một bằng chứng cụ thể nào thuyết phục chắc chắn, thời điểm. Nhưng ta có thể theo các nhà Nho mà đặt nó vào thời điểm hai thái thú nhà Hán là Nhâm Diên và Tích Quang ở VN. Theo các nhà Nho, thì đây là lúc đạo Nho bắt đầu phổ biến ở VN.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người VN không có tết, mà vẫn có một ngày tết chuyển năm tương tự. Sự tích bánh chưng bánh dầy nói lên điều này. Chỉ có điều thời điểm của nó chính xác vào lúc nào, theo lịch nào thì không rõ. Nhưng chắc chắn nó không thể xê dịch quá xa ngày tết âm lịch hiện tại, vì là cư dân nông nghiệp trồng lúa, thời điểm tết phải trùng với thời điểm “nông nhàn”, nằm giữa các thời vụ, cũng như sự chuyển đổi từ đông sang xuân.
Khi ở VN đã ăn tết theo âm lịch như ở TQ, thì điều đó cũng không có nghĩa là cách tổ chức tết, quan niệm sẽ giống như TQ, mà tất cả những tập quán của một ngày tết sẽ nhập vào đây. Những tập quán này lại càng ngày càng dầy lên, theo lịch sử.
Ví dụ, hiện tại có việc cúng bắt đầu vào ngày 23, tiễn ông táo lên trời. Tục lệ này chỉ có khi tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng, Táo Quân xuất hiện. Theo đánh giá hiện tại, thì tín ngưỡng này xuất hiện ở TQ vào đời nhà Tống (thế kỷ X, XI). Như vậy nó xuất hiện ở VN cũng vào thời điểm tương đương hay muộn hơn, và đây là một sự du nhập văn hóa, vì lúc này các triều đại VN đã độc lập. Không phải do thời Băc thuộc ép buộc.
Nhưng sự nhập khẩu này không nguyên ven, mà đi liền với một tấp tục khác là phóng sinh. Tức là thẻ chim cá về tự nhiên. Tục phóng sinh này tồn tại ở các nước theo Phật giáo Nam Tông (Lào, Cam pu chia) vào thời điểm lễ hội phật giáo. Ở VN nó được thực hiện vào ngày trước tết, và ta thả cá chép. Giữa con cá chép này và con cá mà Táo quân cưỡi về trời có gì giống nhau ??. Nét phật giáo này là nét đặc trưng thêm vào của VN
Vào đêm 30, ta có tục cung thiên, tức là cúng trời đất. Tục cúng thiên này có thể được cấu trúc lại bởi đạo Nho (như tôi đã từng nói tới về vấn đề thờ cúng tổ tiên, trong chủ để “con gái có thờ cha mẹ được không”), nhưng nguồn gốc của nó có lẽ sâu xa hơn. Vì ngày tết chính là một ngày lễ cũng trời đất và xum họp gia đình (bao gồm cả người đã mất, nên mới có cúng gia tiên, tổ tiên).
Về mặt cơ bản, tín ngưỡng của ngày tết là tín ngưỡng truyền thống. Do là cư dân nông nghiệp, sự thay đổi của trời đất, đặc biệt từ ĐÔNG vào XUÂN rất quan trọng. Do quan niệm thế giới âm dương tồn tại đồng thời song song, mà ta có tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tất cả những điều này là cái lõi văn hóa VN, chỉ được tô điểm cấu trúc lại thông qua nghie lễ của các tôn giáo đã trở thành tôn giáo dân tộc ở VN đó là đạo Phật, đạo Nho, và Thần đạo (mà ở VN hay nhầm nó là đạo Lão, hay chỉ nhỏ nó ra thành đạo Mẫu, đạo thờ Thành Hoàng, ..)
Như vậy điều thú vị là sao các tôn giáo kia không “vùng lên” đòi “xóa xổ hết” các tư duy bản địa để VN chỉ có các ngày lễ tôn giáo như ở các vùng văn hóa khác trên thế giới như tôi kể ở trên.
Có được điều này bởi đặc trưng của đạo Phật, đạo Nho. Chúng không được xây dựng như một thứ tôn giáo độc tôn, như kiểu đạo Thiên chúa, đạo Hồi, .. Các nhân vật quan trọng nhất của hai đạo : Phật Thích Ca, Khổng Tử.. đều là con người. Tôn giáo, như tên gọi của nó là một giáo lý.
Chính vì thế ta mới thấy không có chiến tranh tôn giáo nhân danh đạo Phật, đạo Nho. Điều mà trong quá khứ đã xẩy ra với đạo Thiên chúa, cũng như đang hiển hiện với đạo Hồi. Hiện nay phương Tây không còn áp đặt thiên chúa, nhưng việc áp đặt “dân chủ đa nguyên đa đảng” tiến hành chiến tranh xâm lược, can thiệp nhân danh nó khiến ta thấy cái lô gics của nó vẫn giữ nguyên, chỉ có thay tên. Hiện tại nếu đạo Cơ đốc không còn thực hiện truyền giáo, thì đạo tin lành vẫn tiếp tục. Và khi truyền tới đâu, thì nó bắt người ta từ chối văn hóa truyền thống. Điều này gây tổn hại mất mát không nhỏ với văn hóa các tộc người thiểu số trên thế giới.
Tết ở VN không phải chỉ có một ngày, mà nó nằm trong một mùa lễ hội lớn, điều người ta có thể thấy rõ rệt nhất ở miền Bắc, đặc biệt là ở Đồng Bằng Bắc Bộ, cái nôi văn hóa của dân tộc.
Mùa lễ hội này kéo dài cho tới khi bắt đầu lại công việc nhà nông, bắt đầu vụ chiêm.
Như vậy tết ở VN là một lễ hội truyền thống, có thể coi là tồn tại từ vô thủy vô chung, và điều đặc biệt nhất đó là nó càng ngày càng giầu lên theo lịch sử, thể hiện các tư duy tín ngưỡng của người việt trong qua trình phát triển, nhưng không mất đi mùi vị nguyên sơ, bản nguyên của nó.
Thống nhất trong đa dạng, đây là điều mà chỉ có tết ở VN mới có.
root
Jazz là nhạc mà em vẫn thường xuyên nghe. Bác Phó giờ còn nghe chăng?
Phó Thường Nhân
@root,
Có, tôi vẫn nghe nhưng không cập nhật, thường là đĩa cổ CD, ví dụ Nat king cole, Mike Davis, Billy Holliday, giọng Billy nghe gai gai, âm đồng rất thú vị. Jazz gần đây nhất (nhưng cũng cổ rồi, vì nhưng đĩa có cũng không phải là mới ) mà tôi nghe lọt tai là Norah John hay Diana Krall. Nhưng loại Jazz này êm dịu và “trắng” hơn rất nhiều Jazz cổ điển, gần với Pop hơn, chứ nó không có tính da diết, phản ứng xã hội, “tâm trạng”..
Những bài Jazz mà tôi nghe hồi sinh viên, giờ cũng không tìm lại được, vì tôi không nhớ tên tuổi, cung như bản nhạc, vì tôi chỉ là người nghe a ma tơ, và nó cũng được chơi bởi các ban nhạc Đông Âu, chứ không phải là Jazz Mỹ, nên càng khó kiếm, và thời gian cũng trôi xa rồi, từ thời bao cấp.
root
Em bắt đầu nghe Jazz kể từ lúc tham gia phong trào audiophile. Mà Jazz đúng chất thì phải là loại của những năm 50-70, như Natking Cole với Billie Holiday... ngoài cây kèn saxophone đặc trưng, trong dàn nhạc đệm còn có cả một loại violon nữa, gần như là một dàn giao hưởng thu nhỏ. Về sau này, chả hiểu sao không còn ai hát theo trường phái Jazz đó nữa. Diana Krall hát cũng rất chất, dàn nhạc đệm thì tuyệt vời, đĩa "Live in Paris" của cô này phải nói là kinh điển. Còn những người hát Jazz mới thì lại theo hướng Pop hoặc nhạc đồng quê, nổi tiếng thì có Norah Jones, em không thích lắm. Nghe tạm được thì có Halie Loren, Stacey Kent, Laura Fygi...

Ngoài ra còn có những đĩa hoà tấu nhạc Jazz cũng rất hay, thí dụ như "Jazz at the pawn shop" chẳng hạn
Phó Thường Nhân
Đúng rồi, Jazz thực ra là cách cảm thụ âm nhạc của người da đen, khi sử dụng nhạc cụ của người da trắng. Vì thế dòng nhạc Blue (cũng của người da đen) và Jazz có nhiều tương đồng. Nhưng bây giờ khái niệm Jazz được mở rộng như thể khi người ta chắp vá bất cứ loại hình âm nhạc nào không phải cổ điển châu Âu, thì cũng tự xưng là Jazz.
Tôi cũng có một đĩa CD của một nhạc sĩ VN hiện tại, mà tôi không nhớ tên, sáng tác Jazz nhưng đưa vào nó kiểu hát văn, hát ca trù. Có bài “chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt” gì đó nghe cũng buồn cười.
Norah John cũng có nhiều bài nguyên bản là nhạc Folk hay Country của Mỹ hát lại theo kiểu Jazz, vì thế có thể hiểu nó như một loại Jazz mở rộng, như dạng “chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt” của Vn kia, như chất lượng cao hơn, đẳng cấp hơn.
Vào thủa ban đầu, nhạc Jazz được chơi với một dàn kèn đồng lớn, có lẽ phải tới trên mười người. Nhưng tôi không thích cái phỏm này của nó, vì nó da đen quá, tôi gọi là choe chóe, như nhạc để diễn xiếc, khi nhạc công đồng loạt chĩa trombone, Saxo rồi ré lên thì đau hết cả lỗ tai. Tôi chỉ nghe được với phỏm nhỏ hơn, 4,5 người, có saxo, Base, trống.. giống như kiểu một ban nhạc Pop về sau.
Ở trên tôi có nói tới ban nhạc Dire Straits, trong ban này cũng có một tay chơi Saxo solo mà tôi rất thích. Thường ban nhạc Pop, bao giờ cũng có một tay ghita solo, và cách biểu diễn của Jazz và Pop giống nhau ở điểm solo ngẫu hứng (điều mà trong một dàn nhạc giao hưởng cổ điển không thể có được). Điều dặc biệt của Dire Straits, là không chỉ solo bằng ghi ta mà bằng cả Saxo.. Âm Saxo kiểu này tôi cũng rất thích.
Một điều thú vị nữa, là nghe cả nhạc cổ điển và nhạc Jazz. Đây là trường hợp của tôi. Nếu nghe thế thì sẽ thấy nhạc cổ điển rất lạc điệu (nếu lấy Jazz làm chuẩn), và Jazz cũng rất lạc điệu nếu lấy nhạc cổ điển làm chuẩn. Từ đó càng thấy chúng thú vị hơn.
Phó Thường Nhân
Trở lại với chủ đề tết. Tự nhiên hôm nay tôi lại đọc được một bài, đã cũ, vì viết từ năm 2017 của một tác giả tên là Nguyễn Quốc Vương, được báo Vietnamnet giới thiệu là nghiên cứu sinh ở Nhật. Tác giả này có bài viết phản bác về quan niệm “người Nhật giầu vì đổi tết ta ăn tết tây”. Câu chuyện cải cách đổi ăn tết này cũng đã rộ lên trên mạng, và nếu tôi nhớ không nhầm thì ngay trong langven, tôi cũng có “bàn loạn” về nó, với ý kiến không nên thay đổi.
Nhân bài viết này của tác giả mà tôi lục được hơn 30 bài báo của người viết, chủ yếu những cảm nhận về Nhật. Điều này rất thú vị với tôi, vì nó như là một kiểu điền dã để hiểu xem nước Nhật thông qua con mắt của một người Vn thế nào, cũng như “cái nhìn theo Nhật về VN” thế nào.
Nước Nhật cũng là nước tôi rất để ý theo dõi về lịch sử-văn hóa-xã hội, đáng tiếc là tôi không thể đọc được tiếng Nhật nguyên bản, nên đành phải sử dụng các sách vở bằng tiếng Pháp, Anh,..rồi “trừ bì” cái đế phương Tây của họ đi để tìm hiểu.
Trong thế giới Nho giáo bao gồm 4 nước chính : TQ, Nhật, Triều Tiên (hai nhà nước Triều/Hàn), VN và các nước có cộng đồng người Hoa đông đảo : Sing, Mã, Thái..không kể Đài loan, thì VN có hình thức tín ngưỡng văn hóa giống Nhật nhất. Trước đây khi chưa tìm hiểu sâu, tôi đã có giả thiết là VN giống với bán đảo Triều tiên hơn. Nhưng hóa ra lại không phải.
Điều này ta thấy rõ rệt nhất về văn hóa khi tín ngưỡng VN được cấu thành bởi ba bộ phận : Phật giáo – Nho giáo – Thần đạo.
Trong mỗi cấu trúc này, Nhật – Việt lại có điều khác nhau.
Về phật giáo, điều khác của VN là bị gián đoạn từ cuối đời Trần, khi nhà Minh xâm lược, cho tới hết thời vua Lê Nhân Tông, tức là khoảng hơn 100 năm. Đây là giai đoạn phật giáo Lý-Trần suy thoái rồi bị tiêu diệt bởi nhà Minh, tiếp đó là thời độc tôn Nho giáo. Nhưng từ giai đoạn nhà Mạc, Lê Trung hung, thì phật giáo lại phát triển lại nhưng nhập khẩu từ TQ (qua sự phát triển của các dòng Thiền Lâm Tế, Tào động, cũng như Tịnh độ tông. Phật giáo VN từ thời Lê Trung Hưng ảnh hưởng của Phật giáo đời nhà Minh TQ).
Ngược lại ở Nhật bản, do không bị xâm lược, nên các tông phái Phật giáo vẫn phát triển, mặc dù vậy nước Nhật cũng phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài gần 200, để dẫn tới sự chính thống của Nho giáo từ thời Mạc phủ (Shogun)
Về Nho giáo, thì ở cả hai nước đều có một hình thái Nho giao mềm mỏng, kết hợp với Phật giáo, mà không có hình thức độc tôn Nho giáo quyết liệt như ở TQ hay ở bán đảo Triều tiên. Điều khác biệt duy nhất là ở Nhật không có giai đoạn triều đình trung ương là Nho giáo, mà Nho giáo thể hiện qua chính quyền kiểu vua Lê – chúa Trịnh, tức là thời Mạc phủ.
Về Thần đạo, thì ở cả hai nước rất giống nhau. Sự khác nhau chỉ là thần đạo ở Vn được cấu trúc lại bởi Nho giáo, trong khi ở Nhật nó được cấu trúc dưới tác động của Phật giáo. Ở VN Thần đạo được che khuất đi bởi vì nó có nhiều dạng, như thờ Thành Hoàng, thờ tổ tiên, đạo Mẫu, đạo tứ phủ.. Trong khi ở Nhật nó không bị chia ra như vậy.
Chính vì thế, Thần đạo ở VN không được coi là Thần đạo, và lại bị đánh giá sai là ảnh hưởng từ đạo Lão. (Do có việc thờ Ngọc Hoàng thượng đế trong đạo Mẫu).
Trong thần đạo của VN cũng có điều khác biệt với Thần đạo Nhật, đó là vai trò của nhân thần, tức là các thánh, thường là các anh hung dân tộc chiếm phần chủ đạo, còn thần tự nhiên ít hơn. Đây chính là tác động của đạo Nho vào Thần đạo.
Sự giống nhau đặc biệt giữa Nhật và VN là vai trò của Nho giáo được kết hợp với Thần đạo và Phật đạo. Điều mà ở TQ và bán đảo Triều Tiên không có.
Sự giống nhau nữa là vai trò của Thần đạo trong việc bảo vệ và phát triển tín ngưỡng dân tộc. Điều mà ở cả TQ và bán đảo Triều tiên cũng không có.
Tóm lại, trong thế giới Nho giáo gồm 4 nước ở trên, thì Nhật-Việt là một cặp, và TQ-bán đảo Triều tiên là một cặp.
Khi tôi thăm Hàn quốc, điều tôi cực kỳ kinh ngạc đó là ngay tại thủ đô mà rất ít chùa, và hiện tại thì có rất nhiều nhà thờ Thiên chúa (gồm cả tin lành và cơ đốc). Tìm hiểu kỹ hơn, thì mới biết là suốt thời kỳ Choson, tức là từ thế kỷ XV (tương đương với nhà Lê ở VN) đến đầu thế kỷ XX, các vương triều ở đây độc tôn Nho giáo. Và sự độc tôn này tiếp diễn tới khi Nhật xâm lược, vào đầu thế kỷ XX.
Vai trò của đạo Thiên chúa ở đây cũng khác ở VN, nếu ở VN nhân sự của nó là giáo sĩ VN hay nước ngoài là đội quân thứ 5 để thực dân Pháp xâm lược, thì ở Triều Tiên đạo Thiên chúa không có vai trò này. Ngược lại khi đế quốc Nhật xâm lược, thì lại cổ xúy cho ..Phật giáo. Ngôi chùa có lẽ đẹp nhất Sê un, lại là một ngôi chùa mà Nhật ủng hộ xây.
Nhưng nếu VN và Nhật có nhiều tương đồng lớn về tín ngưỡng, văn hóa, xã hội như thế, thì quan niệm tết của Nhật và VN có giống nhau không ?
Cái này thì lại hoàn toàn không ? Vào thời Minh Trị, khi Nhật chuyển sang ăn tết Tây, đơn giản không phải chỉ là việc đổi lịch, mà còn là một cách đổi cách sống cưỡng bức. Ít ai để ý là, thời kỳ đó, người Nhật thay đổi cả các ăn mặc, tóc tai, ..để giống người châu Âu. Bởi vì họ tin rằng điều này là văn minh. Hiện đại hóa ở Nhật như vậy trùng với khái niệm âu hóa. Một trong những điều người Nhật lấy lý do để quan hệ, đàm phán, thương lượng với phương Tây nhằm xóa bỏ các hiệp ước thương mại bất bình đẳng là họ đã giống phương Tây, không còn “man rợ kiểu châu Á” nữa.
Ở VN, việc hiện đại hóa có nghĩa là âu hóa này xuất hiện ở thời thực dân Pháp cai trị. Và đây là cách thức tuyên truyền của thực dân Pháp để biện hộ cho chế độ thực dân. Vì thế quan niệm âu hóa là hiện đại hóa này, chỉ có các trí thức phò Tây tay sai cổ xúy. Một trong những tác phẩm mô tả hình thức âu hóa kiểu này một cách rất trào phúng mà lại chính xác, đó là quyển tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Khi người VN đứng lên chống Pháp, rồi chống Mỹ sau này, chính là để bảo vệ văn hóa dân tộc mình, và vì thế hiện đại hóa không trùng với Âu hóa mà trùng với .. công nghiệp hóa và chủ nghĩa xã hội.
Ở đây, do điều kiện hoàn cảnh, mà quan niệm hiện đại của Nhật với VN khác nhau.
Như vậy ngày tết ở VN là kết tinh của những đặc điểm văn hóa cổ truyền nhưng vẫn rất cập nhật của VN. Ở đây có hội tụ tất cả nhận thức tâm linh của người Việt, bảo gồm cả truyền thống nguyên thủy, kết hợp với các tâm linh, Thần, phật, Nho một cách rất tinh tế. Và điều này làm tết VN khác với các lễ hội trọng thể khác của các nền văn hóa khác.
root
Có một điều mà có thể bác Phó không biết, đó là âm lịch vẫn được dùng rất phổ biến ở VN. Tại các thành phố lớn, thì người ta dùng dương lịch, vì ngày nào cũng đi làm, đi học,... theo các thứ trong tuần. Khi nghỉ ngơi, sắp xếp đi du lịch thì cũng để ý đến thứ bảy, chủ nhật... hoặc các ngày lễ quốc gia. Tuy nhiên, ở nông thôn thì ngược lại, tất cả các sinh hoạt đều làm theo lịch âm, do nó thuận tiện cho việc gieo cấy, làm nông nghiệp. Nhân dân ở đó không để ý hôm nay là thứ mấy, muốn biêt thì lại hỏi bọn trẻ con, vì chúng nó đi học theo lịch dương.

Mấy bà giúp việc ra thành phố, thường hay kêu là: tính tiền công cho tôi theo lịch âm, để còn dễ theo dõi sp_ike.gif

Tóm lại là lịch âm ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo nhân dân VN, những thói quen sinh hoạt đến tận hôm nay vẫn không thay đổi. Vì vậy, các lễ hội, kể cả tết ta, vẫn sẽ diễn ra theo lịch âm thôi!
Phó Thường Nhân
Từ lâu tôi đã đặt câu hỏi, tại sao ở VN lại theo âm lịch mà không có dương lịch. Dương lịch chỉ vào VN từ thời Pháp thuộc. Mãi tới gần đây, khi nói chuyện với người Hồi giáo, tôi mới cảm nhận được lý do tại sao. Chính xác hơn là một giả thiết trả lời.
Người Hồi giáo có tục lệ một tháng nhịn ăn ban ngày, được gọi là ram ma đan. Theo truyền thống, người ta chỉ được ăn khi mặt trời lặn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người Hồi giáo ở xứ lạnh như ở Pháp, vì là một nước ở vùng khí hậu ôn đới, nên vào thời điểm có lễ hội này, ngày rất dài và đêm rất ngắn. Khác với vùng sa mạc, hay vùng nhiệt đới, thời gian ngày và đêm cân bằng nhau. Lịch để tính ra ma đan cũng là âm lịch. Hiện tại, trong thời gian lễ hội, được phép ăn từ giờ nào, cũng như ra ma đan bắt đầu từ ngày nào, kết thúc lúc nào, trở thành một dạng tranh cãi giành ảnh hưởng của các nhóm hồi giáo khác nhau. Ví dụ ở Pháp, nếu người Hồi theo lịch do Thổ làm ra thì sẽ kết thúc lễ này sớm hơn một ngày so với người Hồi theo Hồi giáo của Ma rốc, hay An giê ri. Cũng như giờ được phép ăn buổi tối khác nhau.
Nó trở thành một dạng tranh dành ảnh hưởng, kiểu kiếm khách marketing. Nhưng trước khi có những chuyện này, thì người theo đạo hồi có thể thực hành đạo rất đơn gian, khi nhìn mặt trời lặn xuống trên sa mạc. Nói một cách khác cách nhận biết nó là trực quan, không cần có giấy tờ, tổ chức, cãi vã gì cả.
Điều này khiên tôi liên tưởng tới âm lịch. Nếu nhìn mặt trời lên xuống hàng ngày, một người thường không thể biết được ngày này là ngày nào. Ngược lại, nhìn mặt trăng, người ta có thể đoán được ta đang ở ngày nào trong một tháng. Nó là ngày răm (trăng tròn), hay ngày đầu tháng (không có trăng). Như vậy, chỉ cần chú ý nhớ được tháng nào, thì người ta có thể có nhận thức thời gian nhìn theo trăng mà không cần bất cứ thứ giấy tờ, lịch liếc gì cả.
Nói một cách khác, người ta có thể cảm nhận được ngày âm bằng quan sát tự nhiên, trong khi với dương lịch thì không.không thể nhìn mặt trời mà biết ngày tháng.
Cũng chinh vì phép biết ngày tháng tự nhiên « trời cho » này, mà ta thấy có nhiều tập tục theo nó. Ví dụ việc ăn chay hai ngày đầu tháng và rằm của tind đồ tịnh độ tông, hay việc cũng lễ trùng với ngày rằm.
Hiện nay, nếu ta ở thành phố, không làm nông nghiệp, thì khả năng nhận biết ngày tháng tự nhiên này không còn. Nhưng nếu ở nông thôn, vẫn có liên quan tới nông nghiệp, thì âm lịch hết sức tự nhiên
Khi tôi về VN chơi, điều tôi để ý thấy là ngoại trừ nhóm công nhân viên chức , do tổ chức nhà nước tinhd theo dương lịch, nên sinh hoạt của họ giống như ở phương Tây, tức là có ngày chủ nhật. Ngược lại đại bộ phận dân thì không. Đi ra đường ở Vn ngày chủ nhật, không có khác gì ngày thường.
Tìm hiểu sâu thêm một chút, thì tôi thấy thêm là không chỉ có nông dân, thương nhân thành phố « bất chấp chủ nhật », mà bản thân nhiều công ty tư nhân ở VN cũng sinh hoạt như vậy. Người ta chỉ nghỉ khi có ngày lễ, hoặc có việc gia đình.
Một điều thú vị nữa, do lịch sử đấu tranh cách mạng ở VN thường có việc đặt chỉ tiêu mừng chiến thắng, dẫn tới việc các ngày lễ cách mạng gần gần nhau. Ví dụ ngày giải phóng Sài gòn 30/4 thậm chí ngày chiến thắng Điện biên cũng là ngày mồng 7/5. Tại sao ? bởi vì khi có các sự việc này, « chỉ tiêu của ta » là làm sao thắng lợi vào gần ngày kỷ niệm 1/5 quốc tế lao động. Kết quả ở VN có các chuỗi ngày nghỉ lễ cận kề nhau, tạo thành một dạng golden week, giống như một dạng nghỉ nông nhàn, giữa thời vụ theo truyền thống.
Vấn đề golden week này không chỉ có ở VN, mà còn có ở TQ, Nhật bản. Vì hiển nhiên ở những nước này, theo truyền thống họ cũng có truyền thống nông nghiệp như VN.
Golden Week đã mang lại một lợi ích rất lớn cho người lao động, đó là nhờ đó họ có nghỉ phép mà không cần phải có « đấu tranh giai cấp » trong các cơ sở kinh doanh để có ngày nghỉ như ở phương Tây. Nó giúp cho người lao động thêm quyền lợi, vì tất cả ngày nghỉ lễ này được nhà nước áp đặt luôn từ trên xuống.
Cái dở của nó, là cách này sẽ tăng áp lực lên các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, giao thông.. về mặt cung ứng, nhưng lại làm cho chúng có lãi hơn (vì thời điểm nóng, tất nhiên giá cũng nóng).
Để giúp các bác có nhận thức thêm, thì việc có ngày chủ nhật và một tuần có 7 ngày thực ra là từ đạo Thiên chúa mà ra. Chủ nhật, chính là đọc chệch của từ chúa nhật, tức là ngày của chúa. Vào ngày đó người ta phải sử dụng cho chúa trời, tức là đi lễ nhà thờ. Một tuần có 7 ngày cũng do có ý nghĩa trong thiên chúa, vì chúa trời đã tạo ra thế giới trong 7 ngày (theo Genese trong kinh thánh), trong đó chúa làm 6 ngày, nghỉ một ngày, chứ không lao động theo thời vụ như nông dân ta, văn hóa truyền thống của ta.
Do các nước phương Tây đều có truyền thống thiên chúa giáo, nên khi áp dụng vào đời thường nó vẫn có giấu ấn này, mặc dù hiện tại, có lẽ không ai nhớ tới nguồn gốc nó nữa.
Cũng phải nói thêm là ở các nước Hồi giáo cũng không có ngày chúa nhật (Chủ Nhật), mà họ lại nghỉ vào thứ 6. Và người Do thái, thì lại nghỉ ngày thứ 7.
Trở lại với âm lịch. Một trong những tâm linh lớn nhất của người việt, vốn có tư duy nông nghiệp nên phải có âm có dương, và đồng thời lịch là tuần hoàn. Sự đổi lịch rất quan trọng và có ý nghĩa tâm linh « renew » rất lớn.Có « renew » bởi có lô gics tuần hoàn, quy luật tuần hoàn, còn nếu nó cứ tuồn tuột như dương lịch thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Chính vì thế mà ngày tết âm lịch không đơn giản là một ngày lễ đầu năm, mà nó có ý nghĩa tâm linh như một lễ hội tôn giáo tự nhiên.
Điều mà các nền văn hóa khác, từ đạo Hồi, đạo Thiên chúa, thậm chí đạo Phật Nam tông .. không có như tôi nói ở trên.

biendep
QUOTE(root @ Feb 19 2021, 08:43 AM)
Có một điều mà có thể bác Phó không biết, đó là âm lịch vẫn được dùng rất phổ biến ở VN. Tại các thành phố lớn, thì người ta dùng dương lịch, vì ngày nào cũng đi làm, đi học,... theo các thứ trong tuần. Khi nghỉ ngơi, sắp xếp đi du lịch thì cũng để ý đến thứ bảy, chủ nhật... hoặc các ngày lễ quốc gia. Tuy nhiên, ở nông thôn thì ngược lại, tất cả các sinh hoạt đều làm theo lịch âm, do nó thuận tiện cho việc gieo cấy, làm nông nghiệp. Nhân dân ở đó không để ý hôm nay là thứ mấy, muốn biêt thì lại hỏi bọn trẻ con, vì chúng nó đi học theo lịch dương.

Mấy bà giúp việc ra thành phố, thường hay kêu là: tính tiền công cho tôi theo lịch âm, để còn dễ theo dõi sp_ike.gif

Tóm lại là lịch âm ảnh hưởng rất lớn đến đông đảo nhân dân VN, những thói quen sinh hoạt đến tận hôm nay vẫn không thay đổi. Vì vậy, các lễ hội, kể cả tết ta, vẫn sẽ diễn ra theo lịch âm thôi!
*


Đúng đấy, nhưng có vẻ miền bắc dùng lịch âm nhiều hơn miền nam. Mình ở trong nam tới lớn ít nghe mọi người nói tới lịch âm trừ dịp giỗ tết cưới hỏi. Nhưng khi mình ra bắc, ngay cả lứa bạn bè bằng tuổi cũng dùng lịch âm, đầu tháng họ nói tới là đầu tháng âm lịch.
Bác Phó viết gì cũng dài nhở nhưng em cũng đọc hết mấy post Tết pirate.gif leuleu.gif
Phó Thường Nhân
@biendep,
À, viết dài chắc vì tôi không biết viết ngắn gọn. Nói thêm một chút về lịch âm. Trước đây thời bao cấp, thì ở ngoài Bắc, ở thành phố cũng không mấy khi dùng lịch âm, đặc biệt trong giới cán bộ, viên chức.Bản thân tôi cũng không dùng lịch âm, mà chỉ dùng dương lịch. Vì đi học thì học kỳ tính theo dương lịch, còn những phần cúng giỗ, lễ lạt thì đã có người lớn, mình chỉ ăn theo, chỉ đâu đánh đấy.
Về sau này, đặc biệt từ khi đổi mới, 1986, thì nhu cầu tâm linh cầu cúng nhiều hơn, trở thành phổ biến ở thành thị. Mà đã cầu cúng, thì phải biết ngày rằm, ngày đầu tháng để làm lễ. Tự nhiên lịch âm quay trở lại, và người trẻ tuổi cũng dùng nó.Vì không ai cúng theo ngày dương.
Từ năm 1986 lại đây, ở ngoài Bắc đã dần dần phụ hồi lại hầu hết các nghi thức truyền thống. Điều mà trước đây do chiến tranh, rồi quan niệm quản lý nhà nước, ngăn cản. Đây cũng là điều làm lịch âm phổ cập hơn, do tín ngưỡng truyền thống phát triển.
Mặc dù là phục hồi, nhưng phải nói đúng hơn là tái tạo lại. Có nghĩa là hiện tại có rất nhiều thứ được gọi là truyền thống, nhưng thực ra nó là mới tinh, do người đương thời bầy vẽ ra. Sự bầy vẽ này do nhu cầu tâm linh cũng có, thương mại cũng có, và có thể coi nó là sự « tưởng tượng về truyền thống » thì đúng hơn là truyền thống thật.
Ở trong Nam thì tôi không rõ. Muốn biết điều này thì chắc phải làm được một cái khảo cứu điền dã, tìm hiểu. Và kết quả của nó chắc chắn sẽ rất thú vị. Tại sao thì tôi nói ở đây.
Ở ngoài Bắc, đặc biệt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nó là một tiểu vùng văn hóa Đông Á, có truyền thống sâu sắc. Kiểu đặc trưng văn hóa này người ta chỉ tìm thấy ở như cái nôi văn hóa như ở vùng Nam Kinh (TQ), hay vùng Kyoto-Tokyo (Nhật). Đặc biệt nó có rất nhiều điều tương đồng với Nhật bản, có lẽ còn nhiều tương đồng hơn với cả văn hóa TQ, vốn là điểm original nhập khẩu, giao lưu văn hóa của cả Nhật và VN. Tôi nói ở đây là dựa trên tín ngưỡng văn hóa, chứ không phải vì thấy người sang bắt quàng làm họ. Điều khác biệt cơ bản, đó là Nhật bản không có chế độ thuộc địa, họ tự cải cách và phát triển sớm, nên đền chùa miếu mạo được tân trang, truyền thống được bảo tồn, dù họ tự « tây hóa » nó cũng không thể tàn phá văn hóa truyền thống bằng bị áp đặt từ bên ngoài. Cũng như chiến tranh khốc liệt cũng ngăn cản, và làm biến hóa nhận thức văn hóa. Cái khó bó cái khôn.
Kiểu văn hóa Đông Á này khi vào tới miền Trung, thì nó chỉ còn lại ở một số chỗ nhỏ. Ví dụ ở Hoàng hóa (Thanh hóa), ở vùng Quảng Nam – Đà nẵng, Huế, mà dần nổi trội lên văn hóa Đông Nam Á khi càng đi sâu vào Nam.
Vùng đồng bằng Nam Bộ chính là điển hình của loại hình văn hóa này (ĐNA). Ở đây có ảnh hưởng văn hóa Nam Á (Ấn độ) rất lớn, cũng là nơi Pháp chiếm đóng rất sớm (từ năm 1872). Như vậy văn hóa Đông Á (tức là ảnh hưởng Nho giáo, rồi TQ) du nhập vào đây lúc nào, thế nào. Trong thực tế, nó được mang vào bởi người Hoa rất muộn. Có hai dạng, hoặc là người Minh Hương, tức là các lực lượng trung thành với nhà Minh, khi nhà Thanh ở TQ lên, thì họ sang VN (thế kỷ XVI). Dạng thứ hai là người TQ từ các nhượng địa của Pháp ở TQ sang VN vào thời thuộc địa.(thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Họ sang VN được vì với chính sách chia để trị của Pháp, Pháp phải nâng đỡ các tầng lớp người nhập cư, thiểu số để ngăn cản nhóm người đa số là người Việt nắm quyền kinh tế. Người Hoa đáp ứng đủ nhu cầu này. Họ vừa giỏi làm ăn, đồng thời hiểu người Việt, gần người Việt, nhưng họ không thể theo người Việt giành độc lập. Vì thế chuyện « Người Tình » nóng bỏng của Magerite Duras, là tình yêu của một cô thực dân nghèo Pháp với một anh giai giầu người Hoa, chứ không phải là người Việt.
Như vậy có điều rất buồn cười là, ở miền Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa TQ gần hơn ở ngoài Bắc, cập nhật với văn hóa TQ hơn ngoài Bắc. Và nó được đi trực tiếp từ TQ. Còn ở ngoài Bắc, nhập khẩu của văn hóa TQ đã định hình từ sớm rồi dừng lại, vào giai đoạn ông cha ta dành độc lập vào thế kỷ thứ 9. Ảnh hưởng lớn cuối cùng có lẽ vào thời nhà Tống, khi triều đại này bị nhà Nguyên đánh bại, và một bộ phận thần dân của nhà Tống chạy sang VN (thế kỷ XIII). Sau đó văn hóa Đại Việt phát triển độc lập, chứ không chịu ảnh hưởng văn hóa TQ, chỉ có điều hai bên đều dùng chữ Nho, khiến người ta lầm lẫn.
Thời nhà Minh, mặc dù có việc Nhà Minh chiếm Đại Việt hơn mười năm. Nhưng ảnh hưởng văn hóa của nó không lớn. Và vì thế, khi nhà Lê lên, thì mặc dù theo Nho giáo, đây lại là Tống Nho, chứ không phải Minh Nho.
Khi tôi tìm hiểu đạo Cao đài, đặc biệt của giáo chủ Ngô Văn Chiêu, thì điều đập vào mặt tôi đầu tiên là sao nó có nhiều điểm giống đạo Lão ở TQ thế. Và điều này được giải thích là các ông thầy của giáo chủ, thực ra là người Hoa theo đạo Minh Hương, tức là đạo Lão. Như vậy nếu ở Vn có đạo Lão, thì nó được thể hiện qua đạo Cao đài nhiều hơn cả. Còn đạo mà ở Vn thường quy vào đạo Lão, là đạo Mẫu, thì đạo này thực ra là thần đạo. Nhưng bởi trong thờ cúng có ban công đồng, có thờ ngọc hoàng, nên làm người ta nhầm lẫn.
Nhưng câu chuyện dài dòng tôi viết ở đây liên quan gì tới điều thú vị về lịch âm ở trong Nam mà tôi nói ở trên.
Cái bí ẩn của nó là. Khi vào đến Nam bộ, thì người Việt không thể canh tác dựa vào âm lịch như ở Bắc bộ nữa, vì ở đây chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Và hiển nhiên những ngày có tác động chủ chốt cho thời vụ như : lập đông, lập xuân, hoàng đạo, …v..v.. ở ngoài Bắc đâu còn sử dụng được. Muốn trồng lúa thì phải học theo người Khơ Me, là những người đã làm nông nghiệp trước ở đây. Người Khơ Me theo đạo Phật, và theo lịch Phật, tôi cũng không rõ là lịch Phật có điểm khác gì với âm lịch. Không kể, do nhập khẩu văn hóa TQ muộn như nói ở trên, âm lịch có tác động như thế nào.
Nếu tính tới cả việc Pháp chiếm đóng vùng này sớm, thì dương lịch có tác động thế nào vào quan niệm thời gian ở đây.
Tóm lại Nam bộ là nơi giao lưu của 3 loại lịch, tương đương với 3 loại văn minh khác nhau : Âm lịch, Ấn độ-Phật giáo, Dương lịch vậy tương tác của chúng như thế nào trong đời sống bình thường. Tìm hiểu chúng được sử dụng ra sao, cũng nói lên phần nào ảnh hưởng văn hóa của các nền văn minh trên.
ở Nam bộ, có những điều ta tưởng là truyền thống, thực ra là ảnh hưởng văn hóa. Ví dụ cách người Nam bộ gọi mọi người trong gia đình theo số : Anh Hai, Anh Ba, chị Tư, chị Năm, ..v..v.. là cách gọi của người Khơ Me.
Khăn rằn, hiện tại như là biểu tượng của nông dân Nam bộ, cũng như cua du kích, quân giải phóng miền Nam cũng có nguyên bản từ người Khơ me.
Pages: [1], 2, 3, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.