Langven.com Forum

Full Version: Các Thống Soái
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
caqb
Các Thống Soái

Ngũ Đại Hồ

Gần đây hệ thống truyền hình công PBS ở Mỹ phát sóng chương trình Commanding Heights (tạm dịch là Các Thống Soái). Đây là một chương trình, được soạn thảo bởi hai tác giả Daniel Yergin and Joseph Stanislaw, nhằm nhìn lại những vận động kinh tế chính trị trong suốt thế kỹ XX và nêu lên những thách thức khi bước vào thế kỹ XXI. Dù đứng trên góc nhìn từ phương Tây, đúng ra là từ Mỹ, cách nhìn vấn đề xuyên suốt của hai tác giả này rất đáng được chú ý và suy ngẫm. Bài tóm lược về chương trình truyền hình này nhằm giới thiệu đến công chúng Việt Nam góc nhìn thú vị đó.

Những Thống Soái là một chương trình truyền hình dài gồm có ba phần, mỗi phần dài hai tiếng bao hàm nhiều mục nhỏ. Bài tóm lược này chỉ nhằm ghi lại những điểm chính. Tuy nhiên cấu trúc và nội dung của chương trình vẫn được theo sát và bảo toàn.

Để tham khảo chi tiết hơn, xin vui lòng đến website www.pbs.org tìm mua chương trình truyền hình nói trên.

Phần I: Trận Chiến Ý Tưởng

Nhập Đề

Khi thế kỷ XX khép lại và thế kỷ mới bắt đàu, trận chiến kinh tế thế giới gia tăng cường độ. Người thì lo ngại tiến trình toàn cầu hóa và đặt câu hỏi về lợi-hại, người thì chào đón nó. Khi những sự kiện khủng khiếp của 9/11 đảy thế giới lún sâu hơn vào suy thoái, những thắc mắc mới về những hiểm họa của nền kinh tế thế giới mới trỗi dậy. Liệu có khắc phục được suy thoái toàn cầu? Khủng bố quốc tế có phải là mặt trái của toàn cầu hóa? Bill Clinton, tổng thống Mỹ 1993-2001:’’Bạn không thể trốn tránh được một thực tế là toàn cầu hóa khiến chúng ta trở nên liên thuộc. Vì vậy sẽ không có sự lựa chọn để trút bỏ nó. Nó chỉ có thể là hoặc tốt hoặc xấu mà thôi’’.

Sau đây là câu chuyện nền kinh tế toàn cầu đã được hình thành như thế nào, một trận chiến dài cả thế kỷ liên hệ tới chính quyền hay thị trường sẽ kiẻm soát các thống soái của những nền kinh tế trên thế giới. Sau đây cũng là câu chuyện về một trận chiến trí thức trên vấn đề hệ thống kinh tế nào sẽ thực sự mang lại lợi ích cho nhân loại. Sau đây cũng là câu chuyện về những tranh đãu chính trị sôi động để cấy những ý tưởng đó vào các quốc gia trên thế giới.

Jeffrey Sachs, giáo sư đại học Havard:’’Một phần của những gì đã xảy ra là cuộc cách mạng tư bản vào cuối thế kỹ XX. Kinh tế thị trường, hệ thống tư bản trở thành kiểu mẫu duy nhất đối với đại đa số trên thế giới’’. Cuộc cách mạng này đã định hình sự thịnh vượng và số phận của nhiều quốc gia, và sẽ xác định tương lai của hành tinh này.

Nền kinh tế thế giới mới này đang được thúc đảy bởi thay đổi kỹ thuật và thay đổi chính trị, nhưng chúng sẽ không xảy ra nếu không có một cuộc cách mạng về ý tưởng. Trận chiến ý tưởng này vẫn đang tiếp tục.

Trật Tự Cũ Thất Bại

Vào năm 1940, trên nóc của King’s College ở đại học Cambridge có hai nhà kinh tế quan trọng nhất trên thế giới chia nhau nhiệm vụ phòng không trong suốt thời kỳ nước Anh bị Đức không kích. Họ vừa là bạn thân vừa là đối thủ về mặt trí thức. John Maynard Keynes giúp các chính quyền đồng minh bảo vệ tự do bằng những hoạch định kinh tế thời chiến. Friedrich von Hayek nghĩ rằng sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế là một đe dọa đối với tự do.

Cuộc tranh luận về những lực thị trường, về nền kinh tế nên được đặt trên giá cả hay trên kế hoạch hóa đã là tâm điểm của trận chiến kinh tế trong một trăm năm qua. Trong nhiều thập niên những ý tưởng của Keynes đã chế ngự các nền kinh tế phương Tây. Keynes cho rằng kinh tế thị trường có thể đi quá đà, và trong những lúc khó khăn thị trường có thể không làm việc. Vì thế chính quyền phải can dự vào. Hayek cho rằng thị trường sẽ tự điều hòa. Chỉ khi Hayek trở nên già cả thì những ý tưởng của ông mới bắt đầu phổ biến và thế giới bắt đầu thay đổi.

Khi thế kỹ XX bắt đầu, cả Hayek và Keynes đã chứng kiến kỷ nguyên đầu tiên của toàn cầu hóa. Khắp nơi đời sống thay đổi mỗi ngày. Điên tín và điện thoại cách mạng hóa truyền thông. Tàu hơi nước và xe lửa khiến thế giới nhỏ lại. Hàng chục triệu người di cư mà không cần tới giấy phép thông hành. Keynes mô tả thị trường toàn cầu này, mà trong đó dòng chảy mậu dịch hoàn toàn tự do, như sau:’’Một cư dân London có thể đặt hàng những sản phẫm khác nhau trên toàn thế giới bằng điện thoại trong khi nuốt ngụm trà sáng, và chờ đợi sự giao hàng ngay trước cửa nhà. Chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc chỉ được chú ý hơn các trò giãi trí một chút trên các nhật báo. Một thời kỳ tiến bộ kinh tế vượt bậc như vậy của nhân loại đã phải kết thúc vào tháng tám năm 1914’’. Hayek tóm tắt rõ và gọn hơn:’’Chúng ta đã không nhận biết được nền văn minh của chúng ta dễ rạn vỡ tới cỡ nào’’.

Cú ám sát một quận công Áo đã châm ngòi một cuộc thế chiến. Thế chiến thứ nhất lấy đi 20 triệu mạng sống. Một lục địa trở nên hoang tàn. Hayek thề sẽ cống hiến để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.

Thế chiến thứ nhất đã là một xúc tác. Mọi người bị mất ảo tưởng và cay đắng. Họ tìm kiếm gì đó tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dường như hứa hẹn cái thế giới tốt đẹp hơn đó. Bằng cách đánh đổ một trật tự cũ, cách mạng Nga hướng tới việc mang lại cái thế giới tốt đẹp hơn đó. Phấn chấn bởi những lý thuyết kinh tế của Karl Marx, những người Bolshevik tìmn cách nghiền nát chủ nghĩa tư bản. Lenin kêu gọi công nhân toàn thế giới đoàn kết chống lại nền kinh tế toàn cầu. Cuộc cách mạng đã biến mậu dịch, thương mại, và tư hữu thành những hoạt động tội phạm. Lenin hứa hẹn sẽ chấm dứt bóc lột kinh tế.

Kyenes lúc đó là một giáo sư đại học trẻ chói sáng ở Cambridge. Ông đã cố vấn cho chính phủ Anh tổ chức nền kinh tế thời chiến trong suốt cuộc thế chiến. Khi chiến tranh kết thúc, ông gia nhập phái đoàn Anh tại hội nghị Versailes, Pháp. Phe thắng trận muốn Đức phải trả chiến phí. Keyes cho rằng nước Đức vốn đã phá sản sẽ không chịu đựng nỗi chi phí bồi thường chiến tranh, và chuyện đó sẽ mang lại những hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội tàn khốc.

Không thuyết phục được giới chính trị thiển cận, giận dữ và gớm ghiếc, Keynes từ nhiệm trở về Anh. ’’Nếu chúng ta cho rằng nước Đức cần phải nghèo, để cho trẻ em Đừc đói khát và bịnh tật, tôi dám cá rằng sự báo thù sẽ rất dữ dội. Không gì có thể cản được một cuộc chiến mới mà sẽ hủy diệt văn minh và tiến bộ của thế hệ chúng ta’’, Keynes viết trong cuốn Những Kết Cục Kinh Tế Của Hòa Bình, xuất bản trong thời kỳ này.

Chủ Nghĩa Cộng Sản trên đỉnh cao

Chủ nghĩa xã hội dường như hứa hẹn một xã hội công bằng hơn. Hayek trở thành một người xã hội ôn hòa khi theo học tại đại học Vienna sau chiến tranh. Về sau Ông theo Lugwig von Mises, một nhà kinh tế lỗi lạc của trường phái Áo. Mises dự đoán rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu Soviet sẽ không bao giờ làm việc. Chính xác là vì chính quyền kiểm soát giá và lương. Lỗ hổng lớn của chủ nghĩa xã hội là nó không có một cơ chế giá hữu hiệu để gởi những tín hiệu tới giới tiêu dung và giới sản xuất để xác định một món hàng trị giá bao nhiêu. Giá cả là manh mối khiến một nền kinh tế hoạt động. Nó giống như tín hiệu giao thông, nếu không có nó sẽ hỗn loạn. Mises kết luận rằng thị trường tự do mang lại điều tốt nhất tại sao lại mất thì giờ với những thứ khác.

Ở nước Nga Soviet, những gì Mises dự đoán trở thành hiện thực. Với giá và lương bị cố định, nước Nga rơi vào đói, lạnh và chết chóc. Lenin nhận ra mình cần một chính sách kinh tế khác. Chính sách Kinh Tế Mới được tung ra. Nông dân có thễ sỡ hữu đất và bán sản phẫm. Doanh nghiệp nhỏ được phép hoạt động. Lenin bị đồng chí của mình công kích dữ dội vì bán đứng những nguyên tắc của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Bolshevik. Lenin phản đòn bằng cách chửi thẳng những kẻ phê phán mình là ngu, không thấy được chính quyền Bolshevik vẫn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế: than, thép, hoả xa, những ngành công nghiệp nặng - Những gì mà Lenin gọi là các thống soái của nền kinh tế.

Một năm sau, Lenin chết. Người kế tục Lenin xiết chặt hơn nữa bàn tay sắt của đảng Cộng Sản lên các thống soái của nền kinh tế. Joseph Stalin giới thiệu kế hoạch hóa trung ương. Đảng Cộng Sản lên kế hoạch và quản lý mọi khía cạnh của nền kinh tế. Chủ nghĩa cộng sản dường như tiến lên phía trước.

Tư Bản Suy Sụp

Bị ép phải bồi thường mức chiến phí không thể chịu đựng nỗi, Đức và Áo chỉ đơn giản in thêm tiền. Kết quả: lạm phát và siêu lạm phát. Giới trung lưu sạt nghiệp. Hitler và nhóm phát xít nỗi lên.

Hayek luôn coi lạm phát là một con quỷ làm xói mòn xã hội dân chủ. Cuộc chiến chống lại lạm phát là hòn đá tảng trong lý thuyết kinh tế của ông ta.

Suốt thập niên 20, trong khi Âu châu tiếp tục đau khổ vì những vết thương của cuộc thế chiến, thì ở những thành phố Mỹ là một thời kỳ bùng phát. Người Mỹ mua rất nhiều chứng khoán. Thị trường chứng khoán New York trở thành giải trí quốc gia. Giá cổ phiếu được ưa thích tăng chóng mặt. Cái bong bóng đó bể vào cuối tháng mười năm 1929. Giá cỗ phiếu rớt không cách gì ngăn chặn được. Nước Mỹ bi quan. Hàng triệu người sạch túi. Dân Mỹ đổ xô đi rút tiền ở các ngân hàng. Chính quyền thất bại trong ngăn chặn suy thoái. Trong thực tế nó còn làm cho tình hình tồi tệ thêm. 15 triệu người thất nghiệp.

Âu châu cũng vậy. Ngân hàng sụp đổ. Công nghiệp ngưng trệ. Hàng triệu người thất nghiệp. Ở Anh, giới lao động tuần hành khắp nước để thỉnh nguyện tới chính quyền cái quyền được làm việc. Ở Đức và Ý, họ tuần hành theo một nhịp trống khác. Với sự thất bại của chủ nghĩa tư bản, cái bóng của chủ nghĩa phát xít lan rộng. Keynes thấy cơn ác mộng của mình trở thành sự thật.

Ở Cambridge, Keynes bắt tay vào cứu chủ nghĩa tư bản khỏi chính nó bằng cách viết một cuốn sách về những gì gây nên Đại Khủng Hoảng và những gì cần phải làm với nó. Ông nhắm vào việc viết lại những nguyên tắc của kinh tế, nhìn nền kinh tế quốc gia như một tổng thể, như một cỗ máy có thể quản lý được. Lý thuyết kinh tế vĩ mô ra đời. Những ý tưởng chúng ta thấy rất hiển nhiên ngày nay như tổng sản lượng quốc gia, mức độ thất nghiệp, tỷ suất lạm phát là những phát minh của Keynes. Cuốn sách còn được viết nhằm cứu nền dân chủ nữa. Hitler trở thành quốc trưởng Đức vào năm 1933. Dân chủ dường như thất thế, và cùng với nó, cái hệ thống phóng khoáng. Vì thế Keynes phải tìm ra những câu trả lời cho đại suy thoái, nếu không nền dân chủ sẽ bị nuốt chửng bởi chủ nghĩa toàn trị.

Suy Thoái Toàn Cầu.

’’Tôi yêu cầu quốc hội ban cho công cụ duy nhất còn lại để đối mặt với khủng hoảng: quyền hành pháp rộng rãi’’, tân tổng thống Mỹ, F.D. Roosevelt, tuyên bố khi nhậm chức. Ông ta bắt đàu một chương trình cải tổ sâu rộng. Các chương trình trợ cấp và tạo công việc được thiếp lập. Cùng lúc, Roosevelt và các cộng sự thiết lập một chương trình điều tiết chủ nghĩa tư bản, theo một phương thức mà chưa hề được thực hiện trước đó, để bảo vệ dân chúng khỏi cái bộp chộp của thị trường không kìm chế. Cá nhân Roosevelt lo ngại hệ thống thị trường đã thất bại, vì thế ông ta tạo ra vô số các cơ quan mới để điều tiết ngân hàng, thị trường chứng khoán, công nghiệp, và chính chủ nghĩa tư bản.

Năm 1936, Keynes xuất bản cuốn Lý Thuyết Chung, một lý luận sáng chói về nên chống lại suy thoái như thế nào. Bằng cách cho các chính quyền thấy rằng nó có thể quản lý nền kinh tế của mình, Keynes trở thành nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất thời đại.

Giải pháp của Keynes đối với thất nghiệp là chính quyền phải chi tiêu để duy trì việc làm. Chính quyền phải chi tiêu ngược dòng. Khi thời tốt, chính quyền giảm chi và tích lũy thặng dư; khi thời xấu, chính quyền tăng mức chi tiêu, chấp nhận thâm hụt và tạo điều kiện cho giới lao động tiêu xài.

Ông đã cho dân chúng niềm hy vọng rằng căn bệnh thất nghiệp có thể được chữa trị mà không cần tới những trại tập trung. J.K. Galbraith, giáo sư đại học Havard, trở thành tông đồ của Keynes. Từ Havard, những ý tưởng của Keynes thấm dần xuống Wahington D.C. làm thay đổi hẳn các chính sách kinh tế.

Thế Chiến Thứ Hai.

Phải cần một cuộc thế chiến, lý thuyết Keynes mới trở thành chính sách. Khi chính phủ Mỹ mượn tiền và rót nó vào cố gắng chiến tranh, nạn thất ngghiệp chấm dứt và suy thoái biến mất. Chịu trách nhiệm kiểm soát giá lương trong thời chiến, Galbraith nhận thấy kinh tế phục hồi. Trên làn sóng radio Keynes biểu lộ hy vọng những gì đạt được trong chiến tranh có thể đạt được trong hòa bình.

Hayek lo ngại rằng những ý tưởng của Keynes là một sai lầm lớn. Từ trường kinh tế London, ông tấn công bằng cách viết cuốn Con Đường Tới Kiếp Tôi Đòi, châm biếm đề tặng tất cả những người xã hội trong mọi đảng phái. Nó là một thành công đại chúng. Thông điệp của nó rất thẳng thừng: Quá nhiều kế hoạch hóa có nghĩa là quyền lực chính quyền, và quá nhiều quyền lực chính quyền tiêu diệt tự do và khiến người ta trở thành nô lệ. Đối với Hayek, Kế hoạch hóa trung ương là bước đầu tiến tới toàn trị. Hayek nghĩ rằng tự do là tuyệt đối nên cần để hệ thống cạnh tranh tự tìm đường. Hayek luôn luôn phủ nhận kinh tế vĩ mô. Ông phủ nhận sự can thiệp của chính quyền.

Keynes tuyên bố về lâu về dài chúng ta đều chết, nếu chúng ta để mọi việc trôi đi mà không có một toa thuốc nào, chúng ta sẽ có hàng loạt Hitler, hàng loạt Stalin, và hàng đống chiến tranh. Phần lớn mọi người có vẻ đồng ý với Keynes. Hayek ở thế yếu trong trận chiến ý tưởng.

Cùng với Keynes, đại biểu khắp nơi trên thế giới gặp nhau ở New Hampshire vào năm 1944 để tổ chức nền kinh tế hậu chiến. Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) được thành lập để mang lại ổn định cho nền kinhtế thế giới và ngăn ngừa suy thoái. Keynes không sống lâu. Bệnh tật và làm việc quá sức đã lấy đi mạng sống cũa Keynes, nhưng ảnh hưởng của ông tiếp tục.

Chiến tranh kết thúc. Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng ở Postdam hoạch định hòa bình và vẽ lại bản đồ Âu châu. Những hệ thống kinh tế khác nhau đưa ra những con đường khác nhau dẫn tới thịnh vượng. Nhưng đại suy thoái tiếp tục phủ cái bóng của mình. Đó là sự mất niềm tin ở kinh tế thị trường.

Kế Hoạch Hóa Hòa Bình

Nước Anh năm 1945. Những người lính trở về nhà và đi bầu. Họ muốn xây dựng một xã hội mới. Trong những năm chiến tranh đen tối, nước Anh được cai quản bởi một liên minh giữa những người bảo thủ và xã hội. Winston Churchill, lãnh tụ thời chiến và đảng Bảo Thủ, chờ đợi một chiến thắng dễ dàng. Dẫn đầu cuộc vận động chống lại Churchill là Clement Atlee, một người thiên chúa giáo ôn hòa và lãnh tụ đảng Lao Động. Atlee lập luận là nước Anh đã kế hoạch hóa trong chiến tranh, giờ đây kế hoạch hóa sẽ giúp mang lại thắng lợi trong hòa bình. Churchill, người bị ảnh hưởng bởi Hayek, phản đối kế hoạch hóa và kiểm soát. Kết quả, Churchill thất bại. Dân chúng đã bỏ phiếu cho một nước Anh tân xã hội chủ nghĩa.

Khi đảng Lao Động nắm chính quyền, giới chủ nhân bị thúc ép bán doanh nghiệp của họ. Chính quyền Lao Động sang tạo nên một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó những ngành công nghiệp mới được quốc hữu hóa cùng tồn tại với xí nghiệp tư nhân. Giờ đây những ngành công nghiệp sở hữu bởi chính phủ như than, hỏa xa, và thép không còn dung để làm giàu cho giới chủ nhân và người giữ cổ phiếu nữa mà để phục vụ cho phúc lợi chung. Nhà nước phúc lợi (welfare state) cung cấp sự chăm sóc hoàn toàn miễn phí. Không một ai, giàu cũng như nghèo, phải lo sợ về nghèo khổ, thất học, thất nghiệp, bệnh tật, hoặc tuổi già.

Nước Nga kết thúc cuộc chiến trong vai trò của một tay khổng lồ về quân sự và công nghiệp. Với hồng quân và công an chìm, Stalin áp đặt hệ thống của mình lên một nữa Âu châu. J. Sachs:’’Kinh tế kế hoạch hóa của Lenin và Stalin đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa khoa học lên hương’’. Chủ nghĩa xã hội ở thế tiến công. Chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do lùi bước. thế giới bị ngăn cách. Chiến tranh lạnh bắt đầu.

Ngọn Núi Người Hành Hương

Hayek nhìn thấy ở chủ nghĩa xã hội và kinh tế kế hoạch hóa một sự đe dọa đối với tự do, vì thế ông tổ chức một hội nghị trên đỉnh Pelerin - đỉnh núi người hành hương, ở Thụy Sĩ vào năm 1947. 36 người, phần lớn là kinh tế gia, vài nhà sử học và nhà báo, tham dự. Đây là những người mà Hayek coi là những kẻ sống sót, những hạt giống tốt, những trí thức giỏi và am hiểu kinh tế thị trường. Một trong những đại biểu là Milton Friedman, đến từ Chicago, Mỹ. Friedman:’’Tiêu điểm của hội nghị rất rõ ràng. Hayek và những người khác cảm thấy rằng thế giới đang ngã về kế hoạch hóa, và chúng tôi phải phát triển một giòng chảy trí thức để cân bằng trào lưu đó.’’

Các cuộc tranh luận rất hào hứng và dử dội. Một lần Mises kết án những người tham dự:’’Cả đám tụi bây cũng chỉ là xã hội chũ nghĩa mà thôi’’, và bỏ ra ngoài. Nhưng Hayek cho rằng có một bài học lớn cần phải học từ những người xã hội chủ nghĩa. Đó là họ có sự dũng cảm để là người bị lý tưởng hóa, có một lý thuyết, một đồ án, một tầm nhìn, và làm việc để tạo ra nó từ hai bàn tay trắng.

Khi hội nghị kết thúc, Hayek dự đoán một cuộc chiến lâu dài, một trận chiến ý tưởng có thể kéo dài hai mươi năm hoặc hơn nữa, trước khi thế giới thay đổi suy nghĩ. Ở thời điểm đó, Hayek chỉ có thể trông thấy một tia sáng nhỏ mà thôi.

Sự Dứt Khoát Của Nước Đức

Chiến tranh khiến nước Đức hoang tàn. Nền kinh tế của nó tan rã. Thị trường ngưng trệ. Cửa hiệu trống rỗng. Người Nga đã chiếm đóng Đông Đức và ngồi chờ phần còn lại rơi vào vòng. Trong vùng chiếm đóng của Anh và Mỹ, siêu lạm phát khiến tiền tệ không còn giá trị.

Mùa đông năm 1948, quân Đồng Minh bổ nhiệm kinh tế gia Ludwig Erhard làm giám đốc kinh tế sự vụ. Là một người chống quốc xã cứng cỏi, kinh tế gia thị trường tự do Erhard chia sẻ nhiều niềm tin và ý tưởng với Hayek. Ông ta cũng tin rằng chính sách kinh tế của Đồng minh làm cho tình hình vốn đã tồi tệ, trở nên tồi tệ hơn. M. Friedman:’’nhà cầm quyền áp đặt một hệ thống kiểm soát giá và lương, có nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Nhưng chỉ kiểm soát giá và lương không bao giờ kiềm chế được lạm phát’’. Thị trường chợ đen hình thành, và thuốc lá Mỹ trở thành tiền tệ của nó. Không ai hút thuốc lá, chúng được dùng cho trao đổi nhỏ. Còn cognac thì được dùng cho những trao đổi lớn.

Quân Đồng Minh đưa ra một loại tiền tệ mới, đồng Đức Mã, để thay thế cho tiền tệ cũ không còn giá trị. Nhưng đối với Erhard điều đó không đủ. Không thông báo trước cho quân Đồng Minh, ông lên đài phát thanh phát đi một lời tuyên bố khiến mọi người nhảy dựng. Ông quyết định từ bỏ kiểm soát giá cả. Tướng Lucius Clay, người nắm quyền ở nước Đức bị chiếm đóng lúc đó, hạ lệnh cho Erhard phải cho biết ông ta đang làm cái trò gì. Clay:’’Ông dám thay đổi chính sách của quân Đồng Minh?’’. Erhard trả lời:’’Tôi không thay đổi chúng. Tôi bỏ hẳn chúng’’. Qua đêm thị trường chợ đen biến mất. Dân chúng ngừng tích trữ, và nhiều loại hang hóa không được thấy đã non mười năm giờ xuất hiện trở lại. Thị trường làm việc. Kỳ tích kinh tế Đức bắt đàu.

’’Nền kinh tế thị trường xã hội’’ của Đức kết hợp thị trường tự do với một nhà nước phúc lợi mạnh. Trong vòng vài năm, nền kinh tế thị trường xã hội vượt qua nền kinh tế được kế hoạch hóa nhiều hơn của Anh. Nhưng vào thời điểm đó, không ai muốn mô phỏng nước Đức. Phần lớn các quốc gia thích kế hoạch hóa nền kinh tế của mình.

Con Đường Ấn Độ

Mahatma Gandhi dành lại độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947. Lý tưởng kinh tế của ông đơn giản chỉ là một nước Ấn Độ tự cung tự cấp. Pandhit Nehru, vị thũ tướng đầu tiên, muốn công nghiệp hóa và kết hợp nền dân chủ nghị viện kiểu Anh với kế hoạch hóa trung ương kiểu Soviet. Nehru đặt niềm tin ở kỹ thuật, và với Nehru, kế hoạch hóa trung ương trở thành một dạng của khoa học. Nehru yêu cầu Mahalanobis, một nhà thống kê tài năng đứng đầu học viện thống kê Ấn Độ, suy nghỉ về kế hoạch hóa một nền kinh tế. Mahalanobis thành công trong việc biểu thị nền kinh tế Ấ Độ chỉ với một công thức toán học duy nhất. Dân chúng tin rằng mô hình toán học hoàn hảo này có thể áp dụng được trong một thế giới không hoàn hảo. Mô hình của Mahalanobis được tán tụng như là một mô hình toán học mở đường cho kế hoạch hóa một nền kinh tế hỗn hợp. Ấn Độ trở thành kiểu mẫu cho những quốc gia mới độc lập.

Suốt thế giới đang phát triển, chủ nghỉa xã hội, kế hoạch hóa, kiểm soát của chính quyền, điều tiết, và sở hữu quốc gia trở thành kinh nhật tụng. Trên toàn châu Phi, dâm chúng trông chờ chủ nghĩa xã hội dẫn họ ra khỏi nghèo khó. Suốt nam Mỹ, các chính quyền chọn kiểm soát nhà nước như con đường hiện đại hóa. Sự thành công thấy được của các nước cộng sản như liên bang Soviet và Trung Hoa dường như chỉ ra một con đường.

Tôi gộp hết các topic: các thống soái 1, 2, 3,...vào đây nhé! một vấn đề không nên mở quá nhiều topic như thế!
Thân ái. babyQueen.
babyQueen
Các thống soái 1:

Chicago Chống Lại Cơn Triều

Vào năm 1950, kinh tế thị trường của Hayek mất giá đến nỗi khi ông tìm kiếm một công việc giáo sư toàn phần ở Mỹ chỉ có một trường đại học nhận, Đại Học Chicago.

Chicago rất cách biệt về mặt địa lý. Nhưng ảnh hưởng trí thức của Đại Học Chicago tăng lên. Tám giáo sư và mười một nhà kinh tế từ đại học Chicago đã nhận giải Nobel. Ở đây không ai lịch sự. Người ta quan tâm tới ý tưởng và tranh luận chớ không phải tránh không làm động một cọng lông của người khác. Các bữa ăn trưa trong sân trường nổi tiếng vì cường độ của các cuộc thảo luận trí thức. Và có một người luôn chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận này. Đó là Milton Friedman. Ông trở thành người phát ngôn rỏ ràng nhất cho trường phái kinh tế Chicago. Friedman:’’Trường phái Chicago có nghĩa là một niềm tin mạnh mẽ ở chính quyền tối thiểu và nhấn mạnh thị trường tự do như một phương cách kiểm soát kinh tế’’. Những người phóng khoáng (Liberals) thời đó có lẽ không ưa trường phái Chicago, nhưng Hayek cảm thấy như ở nhà, trong một không khí trí thức tương tự như Vienna của thời trai trẻ.

Nhưng ở Washinton D.C. Keynes vẫn ngự trị. 19 năm sau khi mất, khuôn mặt của ông được in trên trang bìa của tạp chí Times. Những người theo Keynes không nhìn kinh tế như một lực của tự nhiên mà như một cỗ máy phức tạp cần được điều chỉnh bởi những kỹ thuật gia như họ. Sự tán đồng Keynes được tóm gọn trong bài diễn văn đọc khi J.F. Kenendy nhận bằng danh dự tại đại học Yale. Đối với JFK, Keynes đã thắng cuộc tranh luận, và trận chiến ý tưởng đã kết thúc. Trong ’’30 năm vinh quan’’, những nền kinh tế theo Keynes đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Âu Châu, Nhật Bản, và Mỹ chứng kiến phát triểb kinh tế ở mức cao và tiêu chuẩn sống tăng nhanh. Dân chúng thích thú sự thịnh vượng mà đã không thể mơ nỗi khi chiến tranh kết thúc.

Bóng Ma Của Trì Trệ

Khi Hayek trở về quê hương, ông bị trầm uất. Sự thành công của nền kinh tế hỗn hợp khiến cho lý thuyết thị trường tự do và bản thân ông ta trở nên không hợp thời hơn bao giờ hết. Hayek nhận thấy những ý tưỡng của mình bị giới học thuật làm ngơ. Ông sống buồn bã ở một thị trấn nhỏ. Nhưng thế giới bên ngoài bắt đầu thay đổi. Ngồi lướt qua mặt báo trong một nhà hàng quen thuộc, Hayek đọc được tin lạm phát và thất nghiệp đang tăng cùng lúc. Có một từ mới được dung để mô tả nó: stagflation. Một điều mà trong cách nhìn của Keynes thì không thể xảy ra. Sau 30 năm tăng trưởng vinh quang, nền kinh tế Mỹ gặp rắc rối. Các kinh tế gia Chicago đặt hy vọng vào tổng thống Nixon. Milton Friedman trở thành cố vấn đặc biệt và George Shultz phụ trách ngân sách. Nhưng Nixon không nghe lời. Ông ta chọn kiễm soát giá và lương. ’’Vấn đề của Nixon là ông ta hy sinh những nguyên tắc một cách dễ dàng cho những lợi thế chính trị nhất thời’’, Friedman. Cử tri thích cuộc chiến của tổng thống trên giá cả. Nixon tái đắc cử áp đảo. Nhưng kinh tế thì không. Ngay sau đó, nền kinh tế mất thăng bằng. Thiếu hụt xảy ra. Và giá cả thì cứ tăng. Dân chúng không thể trang trải nỗi chi phí. Friedman nói thẳng với Nixon:’’Tôi rủa ông’’.

Nền Kinh Tế Hỗn Hợp Vùng Vẫy

Nền kinh tế hỗn hợp kiểu Anh, vốn được bắt chước rộng rãi, cũng gặp rắc rối tương tự. Nó cũng phải đói mặt với sự kết hợp chết người giữa thất nghiệp và lạm phát. Trên lý thuyết, thủ tướng Ted Heath và nội các của mình tin tưởng ở thị trường. Trên thực tế, cũng như Nixon, họ quay ngoắt và sử dụng kiểm soát giá và lương để đói phó với trì trệ. Cuộc đình công của công nhân mỏ than và khủng hoảng dầu lửa đẩy nước Anh vào tăm tối. Dân chúng nguyền rủa Ted Heath, và đảng Bảo Thủ đổ.

Keith Joseph, một bộ trưởng, có lẽ là một trí thức lúc đó ít ai biết, nhưng sự tìm kiếm một lời giải của ông ta có lẽ đã thay đổi không chỉ ở Anh mà cả thế giới cái cách người ta nghĩ về kinh tế và xã hội. Ông ta tìm thấy câu trả lời ở Học Viện Kinh Tế Sự Vụ, một nhóm nghiên cứu độc lập hình thành vào năm 1957 theo tinh thần của Hayek và hội nghị Mount Pelerin. Với nhiệt tình của một người cải đạo, Joseph bắt đàu rao giảng những phẩm chất của thị trường tự do. Trong những chuổi tài liệu, ông ta tấn công nền kinh tế hỗn hợp và cổ võ cho tư bản chủ nghĩa trên phương diện trí thức. Joseph cho rằng để làm sống động lại nền kinh tế nước Anh cần phải chấp nhận rủi ro, có nghĩa là sẽ có thêm phá sản nhưng cũng có thêm triệu phú, ít cào bằng hơn.

Người ủng hộ đáng kể của Keith Joseph là một nhà chính trị đang lên của của đảng Bảo Thủ, Margaret Thatcher. Bạn bè than cận của Thatcher đồng ý rằng ảnh hưởng của Joseph lên bà ta thật đáng kể. Thatcher có một bản năng mạnh mẽ đối với kinh tế thị trường. Cha Margaret là một ông chủ tiệm tạp hóa. Khi còn nhỏ Margaret giúp cha ở tiệm. Chăm chỉ và chịu khó học hành, cô được nhận vào đại học Oxford, nơi cô trở nên quan tâm tới chính trị. Ở đây, cô đọc Con Đường Dẫn Tới Kiếp Tôi Đòi của Hayek. Nó tạo nên một ấn tượng lâu dài nơi cô. Nhiều năm về sau, khi trở thành người phụ nữ đàu tiên lãnh đạo đảng Bảo Thủ, cô đã một lần dằn cuốn sách xuống bàn và tuyên bố:’’Đây là những gì chúng tôi tin tưởng’’.

Năm 1974, Hayek cảm thấy thế giới bắt đầu ngã theo con đường ông vạch ra. Trong trận chiến ý tưỡng, năm 1974 là một bước ngoặt. Giải thưởng Nobel cho Hayek là một ngạc nhiên. Hayek:’’ Khi tôi còn trẻ, chỉ vài người già tin tưởng ở hệ thống thị trường tự do. Khi tôi ở tuổi trung niên, trừ tôi ra không ai tin ở nó. Giờ đây tôi cảm thấy hài lòng vì sống đủ lâu để nhìn thấy tuổi trẻ tin ở nó trở lại. Đó lá một sự thay đổi rất quan trọng’’.

Giải Điều Tiết

Kinh tế Mỹ đang trải qua một thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể tử Đại Khủng Hoảng. Công nghiệp trì trệ. Thất nghiệp tăng cao. Cấm vận dầu hỏa từ các nước Ả Rập. Và giá cả cứ tăng mỗi ngày. Những nhà kinh tế của trường phái Chicago giữ vững lập trường cho rằng những điều tiết cứng nhắc của chính quyền đã giữ giá cả ở mức cao và đổ dầu cho lạm phát. Dân chúng giờ đây bắt đàu thắc mắc không biết cạnh tranh có bẻ gãy được cái còng cổ lạm phát.

Với công nghệ hàng không, vốn đã là đối tượng của điều tiết từ thời Đại Khũng Hoảng, cởi trói bắt đàu., Stephen Breyer, giờ là thẩm phán tối cao pháp viện khi đó là giáo sư đại học Harvard, được thượng nghị sĩ Dân Chủ Ted Kennedy yêu cầu dẫn đầu cuộc điều tra của thượng viện về điều tiết hàng không. Những cuộc thẫm định bắt đàu và các viên chức từ cục hàng không dân sự được gọi tới để điều trần. Breyer:’’Nó cho thấy rằng chỉ 5% thời gian của họ được dùng để ngăn chặn giá quá cao, và tới 95% thời gian được dùng để ngăn chặn giá quá thấp. Luôn luôn có những cố gắng giữ giá cao chớ không phải giá thấp’’. Hiển nhiên là các hãng hàng không rất sung sướng với sự sắp đặt này. Điều tiết có nghĩa là những hãng như Pan Am sẽ không bao giờ phải cạnh tranh với những đối thủ mới.

Người có trách nhiệm dẹp bỏ điều tiết hàng không là Fred Kahn, giáo sư đại học Cornell. Kahn muốn có một môi trường điều tiết gọn hơn và quân bình hơn, trong đó thị trường được tự do theo đuổi lợi nhuận. Tổng thống Carter bổ nhiệm Kahn đứng đàu hội đồng hàng không dân sự. Vào thời điểm Kahn hoàn tất phận sự, hội đồng hàng không dân sự không còn gì để làm nữa ngoài việc đóng cửa. Cởi trói hàng không dẫn tới một sự xáo trộn đau đớn. Nhưng hai mươi năm sau, ngành công nghiệp này thuê gấp đôi số nhân viên và vận chuyển gấp ba lần số hành khách.

Thatcher cầm lái

Họ gọi đó Mùa Đông Bất Mãn. Dường như mọi người tham gia đình công. Với nền kinh tế bịnh hoạn hiểm nghèo thấy rõ, dân chúng bỏ phiếu cho một chính quyền Bảo Thủ đứng đầu bởi Thatcher. Cương quyết và cứng cỏi, bà ta cách mạng hóa nền kinh tế. Thatcher tiết giảm chi tiêu của chính quyền và cắt trợ cấp cho doanh nghiệp. Hàng ngàn hãng bị phá sản và theo với nó là thất nghiệp tăng cao. Nhiều người cho rằng Thatcher thất đức. Nước Anh chưa bao giờ chia cắt như vậy.

Thatcher không có thì giờ dành cho những nhà kinh tế theo Keynes, những người mà hối bà sử dụng tiền của chính phủ để giảm bớt đau khổ. Thatcher:’’Quay ngược lại nếu các người muốn. Tôi thì không’’.

Ở Anh chiến tuyến được vạch ra. Ở Mỹ trận chiến tới hồi.

Reagan Lên Yên

Tinh thần nước Mỹ xuống thấp. Tổng thống Carter đề cập tới nỗi bất an và mất tự tin ở quốc gia. Cuộc cách mạng ở Iran dẫn tới cú sốc dầu hỏa thứ hai và người Mỹ bị giữ làm con tin ở Tehran. Mặc dầu tiến trình cởi trói đã bắt đàu, lạm phát vẫn còn ở mức cao kỷ lục. Những cố gắng của Carter để theo đuổi phương thức của Keynes và tìm cách ra khỏi rắc rối đều không đi tới đâu. Vào cuối nhiệm kỳ, với lạm phát không còn kiểm soát được, Paul Volker được bổ nhiệm làm chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương. Ông ta hiểu rỏ vấn đề.

Volker thấm nhuần những ý tưỡng kinh tế của trường phái Áo. Volker tin rằng lạm phát là con quỷ tồi tệ nhất trong kinh tế. Ông ta sử dụng một vũ khí mạnh tay: Siết chặt mọi nguồn cung ứng tiền tệ. Nền kinh tế chúi nhũi. Đối mặt với cuộc bầu cử sắp đến, Carter trở nên do dự để hậu thuẫn những biện pháp mạnh như vậy.

Đối thủ của Carter là Ronald Reagan, thuộc đảng Cộng Hòa. Reagan chia sẻ cùng triết lý kinh tế với Thatcher. Trong hơn 20 năm, ông ta đã vận động chống lại chủ nghĩa chính thống Keynes và vận động cho những ý tưỡng của Hayek và Friedman về thị trường tự do và tự do.

Dân Mỹ bỏ phiếu chấp nhận thay đổi. Reagan trở thành tổng thống. Ông liền ngỏ tới Volker sự ủng hộ tinh thần trong cuộc chiến chống lạm phát. Volker siết chặt cung ứng tiền tệ. Nền kinh tế chậm lại và co rút. Thất nghiệp tăng lên tới 10%. Không ai có thể nhận thức được khó khăn sẽ đến mức nào. Khắp nước Mỹ, dân thường bị thương tổn. Nó cần tới ba năm, ba năm của giận dữ ngày một tăng cao, ba năm đầy khó khăn cho hàng triệu người Mỹ. Vào năm 1982, con quái vật lạm phát bị giết chết.

Volker:’’Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là ngăn ngừa lạm phát’’. Reagan và Volker đã đặt nước Mỹ vào một trật tự kinh tế mới. Chính sách kinh tế kiểu Reagan có bố yếu tố chính: thứ nhất là tiền tệ vững; thứ hai là giải điều tiết; thứ ba là mức thuế thấp; thứ tư lá chính quyền chi tiêu giới hạn. Những yếu tố này nghe rất quen thuộc bây giờ, nhưng khi Reagan làm tổng thống ông ta bị bêu riếu như là một kẻ cực đoan.

Cắt giảm thuế của Reagan, lớn nhất trong lịch sử, dẫn tới mức thâm thủng ngân sách khổng lồ. Nhưng nền kinh tế bắt đàu tăng trưởng vững vàng trở lại.

Chiến Tranh ở Nam Đại Tây Dương

Argentina sát nhập quần đảo Falkland. Nước Anh phải dùng tới chiến tranh để lấy lại. Trước chiến tranh, mức được lòng dân của Thatcher rất thấp. Chiến thắng ở Falkland bảo đảm sự sống sót của chính quyền Thatcher. Trận chiến Falklad đã giúp bà ta một bệ phóng để đánh trận cuối cùng cho nền kinh tế Anh. Nó có tác động trên toàn thế giới.

Các Thống Soái Bị Mang Ra Bán

Vào năm 1945, chính phủ Lao Động của Atlee đã quốc hữu hóa các thống soái cũa nền kinh tế, đem các ngành công nghiệp cốt lõi vào sở hữu quốc gia. Với những người theo Thatcher, các ngành công nghiệp này giờ đây là mục tiêu tấn công chính. Thatcher muốn kết thúc sự lệ thuộc của chúng vào trợ cấp chính quyền và trả chúng trở lại với kỷ luật thị trường.

Các mỏ than và công đoàn ngành mỏ trở thành những thách thức lớn nhất đối với Thatcher. Thợ mỏ đại diện cho cái pháo đài cuối cùng của đàu óc xả hội ở nước Anh. Một trong những sự kiện kinh tế chính trị quan trọng nhất cho hệ thống kinh tế thế giới là sự đối đầu của chính quyền Thatcher với thợ mỏ.

75% các mỏ than ở Anh bị lỗ lã. Chính quyền phải trợ cấp ba tỷ dollar một năm để giữ chúng hoạt động. Nhưng những thống kê này được nhìn như lạc đề đối với những người như Ken Capstick, một trong những người xã hội cấp tiến lãnh đạo công đoàn thợ mỏ. Các nhà lãnh đạo công đoàn thợ mõ cho là trợ cấp cũa chính quyền là tiền bạc chi tiêu hiệu quả vì nó tạo công ăn việc làm cho thợ mỏ và gia đình họ.

Đó là một trận đấu không khoan nhượng có tính cách lịch sử. Hai bên đều biết thợ mỏ đã khiến cho chính quyền Bảo Thủ của Ted Heath sụp đổ 10 năm về trước. Những người Marxist lãnh đạo công đoàn thợ mỏ quốc gia tuyên bố rằng không nên đóng cửa mỏ khi than vẫn còn.

Đó là một cuộc va chạm đày kịch tính của những giá trị mà biểu thị trận đãu lớn hơn về mặt ý tưởng: xã hội chủ nghĩa chống lại tư bản chủ nghĩa, thị trường tự do chống lại sở hữu quốc gia. Và nó là một câu hỏi về quyền lực: Ai cai quản nước Anh.

Những cuộc giăng biểu ngữ bất hợp pháp bên ngoài các mỏ than dẫn tới những vụ xô xát dữ dội với cảnh sát. Trong hơn một năm thợ mỏ giữ vững vị trí, cho tới khi rạn nứt nội bộ và mong muốn trở lại làm việc chấm dứt cuộc đình công.

Nước Anh thay đổi. Giờ đây không đày ba ngàn người làm việc trong các mỏ than. Thatcher:’’Kết cục chính trị của cuộc đính công thất bại này không thể tính toán được’’. Có lẽ tác động chính trị lớn là trên đảng Lao Động lâu nay phản đối chính sách thị trường tự do của Thatcher. Giờ họ tin rằng thị thường là quan tâm chung của xã hội.

Một trong những điều quan trọng nhất mà chính quyền Thatcher làm được là sáng tạo ra chính sách Tư Hữu Hóa, nghỉa là bán các công ty quốc doanh cho đại chúng dưới dạng cỗ phần. Chính quyền Thatcher bán đi từng thống soái một: điện, điện thoại, dầu, xăng, than, thép, xe lửa, máy bay, và ngay cả cung cấp nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai phần ba công nghiệp quốc doanh được tư hữu hóa.

Ai sẽ kiểm soát các thống soái: Chính quyền hay thị trường? Ở Anh trận chiến đã kết thúc.

Trận Chiến Đã Ngã Ngũ?

Những gì Margaret Thatcher làm được ở nước Anh và những nguyên tắc bà giới thiệu được bắt chước theo trên toàn thế giới - Á, Mỹ La Tinh, ngay cả châu Phi và phần nào Trung Đông.

Trong cuộc đời mình, Hayek chứng kiến chủ nghĩa phát xít trỗi dậy và sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản đến rồi đi, và sự hoang dại trí thức trong những năm cuối đời. Theo Newt Gingrich, Hayek là người đã thay đổi thế giới mà không cần rời khỏi trường đại học. Friedman cho rằng sự trùng hợp trong thời điểm nắm quyền của Thatcher và Reagan là yếu tố rất quan trọng để cho cả thế giới chap nhận một cách tiếp cận khác tới kinh tế và chính sách tiền tệ.

Nhìn lại thế kỷ XX, có một cái vòng khổng lồ. Chính quyền nhỏ là chính thống của đầu thế kỷ. Chính quyền lớn rõ ràng là chính thống ở giữa thế kỹ. Và hiện giờ chúng ta trở lại nơi chúng ta đã ở vào đàu thế kỷ.

Trong vòng 10 năm, chính quyền khắp nơi trên thế giới rút ra khỏi các thống soái của nền kinh tế. Trong trận chiến của ý tưởng, quả lắc đã chao từ phía chính quyền về phía thị trường, từ Keynes về Hayek. Chỉ có thời gian mới trả lời được những gì dân chúng sẽ đòi hỏi ở chính quyền khi có một cuộc suy thoái mới, một cuộc khũng hoảng mới, hay một cuộc chiến tranh.
babyQueen
Phần II: Nhức Nhối Của Cải Tổ
Các thống soái 2:

Nhập Đề

Phần lớn thế kỷ XX, người ta nguyền rủa chủ nghĩa tư bản thị trường tự do cho những căn bịnh lạm phát, suy thoái, khủng hoảng và thất nghiệp. Vì thế chính quyền khắp mọi nơi tìm cách khống chế những lực thị trường và kiềm tỏa nền kinh tế. Những người đàu tiên thay đổi phương hướng là Thatcher ở Anh và Reagan ở Mỹ. Vào thập niên 80, thị trường được giải điều tiết. Công nghiệp quốc doanh được tư hữu hóa. Nó là điểm bắt đàu của một cuộc cách mạng trên toàn thế giới.

Thế giới đã đổi cách nghĩ. Ở nước Nga Soviet và các vệ tinh của nó, ở những thị trường mới nỗi của Á châu, trong những nền kinh tế quốc doanh chiếm ưu thế của Mỹ La tinh, chính quyền khắp nơi tránh khỏi kiểm soát nhà nước và hướng tới thị trường tự do. Cuộc cách mạng thị trường tự so này đã dẫn tới một nền kinh tế toàn cầu mới. Nó kích thích nhiều người nhưng làm một số khác hoảng sợ.

Cuộc cách mạng đang xoáy mạnh.

Những Bóng Ma Của Norilsk

Phần lớn thế giới đã mô phỏng Liên Xô. Ở đây cuộc cách mạng của Lenin đã công nghiệp hóa một quốc gia lạc hậu trong vòng mộ thế hệ. Hệ thống Soviet, tàn nhẫn và kế hoạch hóa trung ương, đã sản sinh ra những phức hợp công nghệ khổng lồ như Norilsk.

Norilsk đại diện cho mọi giai đoạn của lịch sử kinh tế Soviet, từ nguyên thủy một nhà tù và sự khởi đàu của công nghiệp hóa soviet cho tới sự sụp đổ của nền kinh tế trong thập niên 90. Phần nhiều lịch sử của nó kết chặt với một thực tế là nó là một nhà tù. Ngay cả vào đàu thập niên 50, một trăm ngàn tù nhân làm việc trong các mỏ và nhà máy ở đó.

Lao động nô lệ của tù nhân trở nên một yếu tố quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Soviet. Một cựu tù nhân chính trị, Vassily Romaskin, cho biết:’’Khi họ dẩn chúng tôi đi làm, họ hô:’’Chú ý, hỡi những kẻ thù của nhân dân. Chỉ cần một bước sang trái hoặc sang phải, chúng tôi sẽ bắn mà không cần báo trước’’. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng và tôi nghĩ:’’Các ông mới là kẻ thù của nhân dân’’’’.

Hệ thống Soviet về kế hoạch hóa trung ương có nghĩa là điện Kremlin kiểm soát mọi mặt của nền kinh tế. Mục tiêu là làm cho Liên xô mạnh và tự cung tự cấp. Liên Xô trở thành một khổng lồ công nghiệp, một siêu cường quân sự và một mối đe dọa đói với phương tây.

Nhưng sự thật về nền kinh tế Liên Xô được dấu kín sau bức màn sắt.

Phía Sau Bộ Mặt Sắt

Những bãi mìn, dây kẽm gai, đèn chiếu, và tháp canh bung bít khối Soviet khỏi thế giới bên ngoài.

Trong thập niên 80, tình báo Anh tuyển được một điệp viên nhị trùng để xuyên thủng bức màn bí mật này. Nhưng tình báo Nga, KGB, bắt đàu nghi ngờ và giam lỏng ông ta. Tin tức truyền đến London cho thấy rằng điệp viên hạng nhất của họ đang bị nguy hiểm tới tính mạng. Oleg Gordievsky là một điệp viên rất giá trị bởi vì ông ta hiểu rõ hệ thống Soviet từ bên trong. Nó nhạy cảm đến nỗi Charles Powell, cố vấn chính sách đói ngoại của thủ tướng Thatcher, phải cần tới sự chấp thuận của cá nhân thủ tướng để khởi sự một kế hoạch cứu thoát.

Ở Moscow cái lưới đang thắt dần lên Gordievsky. Ông ta thoát được đám theo dõi và đến được một khu rừng sát biên giới Phần Lan. Ở đó hai điệp viên Anh dấu ông ta trong một chiếc thuyền nhỏ và kéo nó về hướng biên giới và chỉ thoát qua được các trạm kiểm soát trong đường tơ kẽ tóc. Ba ngày sau Gordievsky có mặt ở London.

Gordievsky:’’Khi tôi còn ở trong KGB, tình báo Anh không có thì giờ để hỏi tôi về nền kinh tế bởi họ quan tâm hơn đến những vấn đề chiến lược’’. Gordievsky báo cho người Anh biết rằng Liên Xô đang ở dưới một áp lực nặng nề, dùng hơn một phần ba nền kinh tế của nó để gồng cho những chi tiêu về quân sự. Gordievsky:’’Những nhà phân tích không tin bởi con số đó quá sức tưởng tượng’’. Thông tin của Gordievsky được chia sẻ với Reagan. Những nhà lãnh đạo phương tây nhận ra rằng sức mạnh quân sự của Liên Xô dựa trên một nền kinh tế đã rệu rã. Gordievsky:’’Chính quyền cộng sản luôn rêu rao rằng nền kinh tế phát triển không ngừng. Nói vậy mà không phải vậy. Nền kinh tế đã suy thoái từ lâu, và thâm hụt được che dấu bởi giá dầu. Nhờ số tiền này mà họ có thể tuyên bố thành công và đánh lừa được thế giới’’.

Những vệ tinh của Soviet quần đảo bầu trời, và tàu ngầm hạt nhân Soviet dong ruỗi khắp các đại dương. Nhưng sau 70 năm của chủ nghĩa cộng sản, thực tế của Liên Xô là những kệ hàng trống rỗng và tiêu chuẩn sống thấp đến mức tội nghiệp khi so sánh với phương tây.

Giới quản trị xí nghiệp ở Norilsk đã nhận thấy nền kinh tế không còn làm việc vì công nhân không muốn làm việc. Họ không được khuyến khích gì cả. Và cũng qua rồi cái thời Stalin dí súng vào đàu. Và đó là những gì đã xảy ra: Sự sụp đổ của một đế quốc khổng lồ.

Viên Toàn Quyền Giấy Phép

Cũng như Liên Xô, Ấn Độ đã sử dụng kế hoạch hóa trung ương để công nghiệp hóa nền kinh tế nông nghiệp của mình và để chiến thắng nghèo đói. Viên toàn quyền Anh đã ra đi, bây giờ dân chúng bị cai trị bởi ’’viên toàn quyền giấp phép’’, bởi mọi thứ đều cần tới giấy phép. Ấn Độ trở thành đồng nghĩa với quan liêu. Doanh gia nhận ra mình không thể làm gì được. Narayana Murthy, chủ tịch hãng Infosys Technologies:’’Chúng tôi cần từ 12 tới 24 tháng và 50 chuyến đi tới Dehli để nhận một giấy phép nhập khẩu một cái máy tính trị giá $1500’’.

Bởi vì không thể làm việc trực tiếp với hệ thống được, dân chúng tìm cách đi đường vòng. Hối lộ trở thành một ngôn từ quá đơn giản để chỉ tham nhũng.

Tự cung tự cấp là lý tưởng của Ấn Độ. Để bảo vệ công nghiệp sản xuất của mình, Ấn Độ cắt hẳn nhập khẩu. Trong cái thị trường đóng kín này, dân chúng Ấn phải sài những hàng hóa và dịch vụ tệ mạt với giá cắt cổ. Tinh thần doanh nghiệp bị bóp nghẹt, còn tăng trưởng thì lệch bệch.

Bảo vệ quá mức, điều hành quá mức, và kế hoạch hóa quá mức, ’’viên toàn quyền giấy phép’’ thật đúng nghĩa là một cái thắng của nền kinh tế Ấn Độ.

Tự Cường Kiểu Mỹ La Tinh

Ở Châu Mỹ La tinh những lãnh tụ khác biệt đã chia sẻ cái nghi ngờ cũa Ấn Độ đối với nền kinh tế thế giới. Trong thập niên 40 và 50, đó là Juan Peron và vợ mình, Evita, ở Argentina. Trong thập niên 60 đó là Fidel Castro của Cuba cộng sản. Và trong thập niên 70 đó là tổng thống Marxist Salvador Allende ở Chile.

Dù giàu tài nguyên thiên nhiên, Mỹ La tinh dường như không thoát được cái nghèo triền miên. Lý thuyết lệ thuộc về kinh tế dường như hứa hẹn một lối thoát. Lý thuyết này cho rằng nếu bạn muốn có tăng trưởng kinh tế cao, những gì bạn cần làm là đặt những hàng rào quan thuế để giới hạn nhập khẩu, phát triển và xây dựng công nghiệp nội đîa, và nếu bạn không làm vậy, bạn sẽ trở thành nạn nhân của mậu dịch thế giới.

Lý thuyết này quá hấp dẫn. Nó nói rằng bạn sẽ tự mình phát triển và sẽ tự lực cánh sinh. Thực tế, nếu bạn tự tách mình ra khỏi dòng chảy kỹ thuật, kỹ năng và đầu tư, thay vì đi về phía trước bạn đã thụt lùi. Moises Naim, chủ bút tạp chí Chính Sách Đối Ngoại:’’Bởi không bị đe dọa bởi cạnh tranh, các công ty trở nên lười biếng và thiếu cạnh tranh và sản xuất ra những món hàng không được tốt với giá cao. Thoạt đầu việc làm được tạo ra chỗ này chỗ kia, nhưng về lâu về dài nó tạo ra nghèo khổ nhiều hơn’’.

Đối Phó Với Cách Mạng Ở Chile

Vào đầu thập niên 70, kinh tế Mỹ La Tinh gặp rắc rối. Dân Chile bầu tổng thống Marxist Savador Allende. Giải pháp của Allende không phải là bớt đi sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế mà là can thiệp nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp bị quốc hữu hóa hoặc tịch thu. Kiểm soát giá được áp đặt. Bất ổn dân sự dâng cao khi nền kinh tế tuột khỏi kiểm soát. Ricardo Lagos, tổng thống Chile:’’Chúng tôi bị lạm phát kinh khủng. Xả hội trở nên phân hóa cực độ. Đúng là nó đã phân hóa trước khi Allende lên, nhưng trong thời Allende xã hội phân hóa cực độ’’.

Tất cả kết thúc trong một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu. Tổng thống Allende bị thiệt mạng. Chính quyền quân sự được cầm đàu bởi tướng Augusto Pinochet. Nhiều người trong giới trung lưu ở Chile coi ông ta như một người cứu độ. Nhưng Javier Vial, chủ tịch hiêp hội ngân hang Chile vào năm 1973 cho biết:’’Tôi nghỉ rằng kế hoạch của Pinochet chỉ là nhằm nắm lấy quân đội. Ông ta chả có một kế hoạch kinh tế nào cả’’. Một năm rưỡi sau đảo chánh, lạm phát vẫn còn ở mức 20% mỗi tháng. Arnold Harberger, giáo sư đại học Chicago:’’Nó sẽ vẫn còn đó nếu không có những thay đổi về cơ cấu’’.

Roberto Kelly, một trong những người tham gia đảo chánh và là kế hoạch gia kinh tế của chính quyền quân sự, đã đến mặt đối mặt với Pinochet. Ông ta kể lại:’’Tôi nói với Pinochet:’’Ông được coi là người cứu Chile, nhưng ông sẽ được đưa vô lịch sử như là kẻ chôn vùi Chile’’. Ông ta sốc mạnh khi nghe vậy, rồi nói:’’Anh có 48 tiếng để thảo ra một kế hoạch quốc gia nhằm sửa chửa nền kinh tế’’’’.

Những Chàng Trai Chicago Và Pinochet

Những chàng trai Chicago là một nhóm những nhà kinh tế của đại học thiên chúa giáo Chile, những người đã được gởi tới Chicago trong chương trình trao đổi sinh viên. Ở đó họ thấm nhuần những ý tưởng của trường phái kinh tế Chicago, và cùng với nó một niềm tin cách mạng ở thị trường tự do. Những giáo sư như Harberger và Friedman dạy sinh viên của mình không nên tin vào kế hoạch hóa quốc gia và kiểm soát của chính quyền. Khi những chàng trai Chicago trở lại Chile, họ mang theo mình những ý tưởng mà thách thức trực tiếp lý thuyết lệ thuộc. Cái nhóm nhỏ này sát cánh với nhau trong thời Allende, và họ luân chuyển một tập tài liệu để bày tỏ họ sẽ cải cách kinh tế như thế nào.

Không may, do đầu óc quân nhân, các tướng lãnh vẫn ưa thích một nền kinh tế được kiểm soát, có nghĩa là một nền kinh tế tuân lệnh. Javier Vial, vốn có nhiều ảnh hưởng với chính quyền quân sự, đã cố hướng quân đội theo thị trường tự do. Ông ta gọi và mời Friedman đến Chile. Friednan dành năm ngày để thuyết giảng về những vấn đề của Chile, đặc biệt là lạm phát và nên làm gì để đói phó với nó. Buổi nói chuyện đầu tiên của Friedman diễn ra tại đại học thiên chúa giáo Chile. Chũ đề: Mối liên hệ không trốn tránh được giữa thị trường tự do và tự do. Friedman:’’Điểm chính của bài nói chuyện đó là thị trường tự do sẽ xói mòn tập trung chính trị và kiểm soát chính trị’’. Friedman cũng được thuyết phục để viếng thăm Pinochet, ông ta khuyên Pinochet cần quyết định nhanh chóng để đánh bại lạm phát.

Chính quyền quân sự yêu cầu những chàng trai Chicago ra tay cứu giúp nền kinh tế. 500 doanh nghiệp quốc doanh được tư hữu hóa. Ngân sách chính quyền bị cắt giảm. Hàng rào quan thuế nhập khẩu bị dẹp bỏ. Thị trường được toàn quyền.

Tầng lớp nghèo khổ nhất chịu rất nhiều đau khổ. Chi phí đời sống vượt quá sức họ. Khoảng cách giàu nghèo mở rộng và không thu hẹp lại. Theo những chàng trai Chicago, cái lợi thu được đáng giá với sự đau khổ phải trải qua. Chile trở thành nền kinh tế phát triển nhất Mỹ La Tinh.

Nền kinh tế Chile hoạt động rất tốt, nhưng quan trọng hơn cả, cuối cùng chính quyền quân sự được thay thế bằng một xã hội dân chủ. Thị trường tự do đã góp phần mang lại một xã hội tự do. Tuy nhiên sự tàn khốc của Pinochet đã làm cho nhiệt tình thay đổi ở phần còn lại của châu Mỹ La Tinh vơi hẳn. Friedman bị coi như cộng tác với Pinochet và bị phản đói dữ dội khi ông ta được trao giải Nobel vào năm 1976. Công cuộc cải cách ở Chile bị vấy bẩn bởi bộ mặt chính quyền. Nó khiến những quốc gia khác trở nên đối kháng hơn với thị trường tự do thay vì ủng hộ nó.

Ngoại Giáo Ở Nga

Cải cách kinh tế ở Chile có ảnh hưởng nhỏ trên thế giới, nhưng những ý tưởng đàng sau nó tạo được xung lực. Ở Liên Xô những nhà lãnh đạo già cỗi đang chết dần và nền kinh tế thì ngắc ngoải. Dân chúng bắt đầu đặt những câu hỏi.

Vào những năm 70 và 80, với những người được thông tin tốt, rõ ràng là nền kinh tế không làm việc, nhưng họ không thể nói gì về nó một cách công khai.

Ở Leningrad, cái nôi của cách mạng Nga, một sinh viên kinh tế đang tự hỏi có phải giải pháp không ở chủ nghĩa Marx mà là ở kinh tế thị trường. Anatoly Chubais, cải tổ gia kinh tế:’’Tôi quan tâm đến những gì xảy ra trong nền kinh tế. Tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó sai lầm và bệnh hoạn. Nhưng khi tôi cố thảo luận nó với các giáo sư, tôi không nhận được vất cứ hồi đáp nào. Bạn cảm thấy rằng hoặc cả thế giới đều điên hoặc chinh bạn điên’’.

Chubais tổ chức những buổi thảo luận khuất khỏi tầm mắt của công an chìm. Một trong những người đồng mưu là một nhà kinh tế trẻ từ Moscow, Yegor Gaidar. Những ý tưởng của Hayek và Friedman là niềm hứng khởi của họ. Chubais:’’Vào thời điểm đó chúng tôi viết rằng điều này rất nguy hiểm’’. Gaidar:’’Chúng tôi đóng kín cửa khi thảo luận. Chúng tôi không tin hết mọi người nên cho một số ra rìa. Những cuộc thảo luận thì không có tính cách mạng, nhưng đi rất xa khỏi những giới hạn mà chính trị cho phép’’. Sau một ngày tranh luận họ tụ quanh đống lửa và kể chuyện vui. Chubais:’’Có một tên cho rằng có lẽ Gaidar sẽ trở thành thủ tướng, nghe hoàn toàn điên khùng vào thời đó. Cả bọn chỉ cười, và một tên khác nói Gaidar sẽ là thủ tưởng hoặc là tù nhân’’.

Nhưng vào năm 1985, không chỉ sinh viên kinh tế mới thắc mắc cái gì sai. Khi Mikail Gorbachev trở thành lãnh tụ Liên Xô, ông ta tái người trước sự băng hoại của nền kinh tế. ’’Thật bất khả và thật khó xử để làm việc trong một chính quyền như thế’’, ông ta thú nhận. Gorbachov là người mà Liên Xô đang chờ đợi - một khuôn mặt lãnh đạo mới, trẻ và năng động - người mà sẽ cải tổ hệ thống. Nhưng hệ thống đó đã được bơm hơi trong hơn một thập niên rưỡi bởi giá dầu cao, và ngay khi ông ta nhậm chức, dầu rớt giá, có nghĩa là những vấn đề kinh tế Liên Xô đang đối phó trở nên trầm trọng hơn.

Cố gắng của Gorbachov để tái cấu trúc nền kinh tế được gọi là ’’Perestroika’’. Gorbachov:’’Perestroika hướng tới những thay đổi chính trị dần dần để tạo một hạ tầng cơ sở cho kinh tế thị trường’’. Ông ta cho phép một số lượng nhất định của các xí nghiệp tư, nhưng nó lại là một quá trình rất mất cân bằng. Ông ta kết cục bãi bỏ nhiều công cụ kiểm soát của kế hoạch hóa trung ương, nhưng không thể thay thế chúng bằng một thứ gì khác.

Gorbachev cũng đối mặt với một áp lực nặng nề từ phương tây. Tổng thống Mỹ tin ở triết lý kinh tế của Friedman và trường phái Chicago. Reagan không đơn độc. Thatcher, người bạn chính trị tâm đầu ý hợp, đã khởi sự một cuộc cách mạng thị trường tự do cấp tiến ở nước Anh. Họ quyết định tiếp tục cuộc tấn công ý thức hệ. Lập luận chính trị của họ bắt đầu nóng lên. Thatcher:’’Tới thời điểm đó học thuyết kiềm chế chủ nghĩa cộng sản không đủ cho chúng tôi, và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần làm rõ với chủ nghĩa cộng sản rằng nó không thể nào chiến thắng được. Chúng tôi sẽ chiến đấu trận chiến ý tưởng giữa những gì thế giới tự do mang lại, so sánh với sự độc tài và tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản’’.

Ngay từ cuộc viếng thăm đầu tiên của Gorbachov ở nưởc Anh, Thatcher đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tranh luận với ông ta về những con quỷ và sự thiếu hiệu quả của chủ nghĩa cộng sản và hệ thống kế hoạch hóa của nó. Năm 1987, tổng thống Reagan mang cuộc chiến tranh lời lẽ đến cái phần đầy tính biểu tượng nhất của bức màn sắt: bức tường Berlin. Reagan:’’Hỡi tổng bí thư Gorbachov, nếu bạn muốn tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng cho Liên Bang Soviet và Đông Âu, nếu bạn tìm kiếm sự giải phóng năng lực, hãy mở cửa và phá bỏ bức tường này’’.

Công Đoàn Đoàn Kết

Margaret Thatcher mang thông điệp thị trường tự do tới Ba Lan vào năm 1988. Thatcher đồng ý gặp giới lãnh đạo đảng Cộng Sản với điều kiện bà có thể viếng thăm cảng Gdansk. Gần một thập niên trước, năm 1980, công nhân cảng ở đây đã đứng dậy chống lại chính quyền cộng sản. Lãnh tụ của họ là một thợ điện, Lech Walesa. Công nhân đã gây áp lực để chính quyền công nhận công đoàn đoàn kết. Walesa tuyên bố thắng lợi:’’chúng ta giờ đây có quyền đình công’’. Mười triệu dân Ba Lan gia nhập công đoàn đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Walesa, Công Đoàn Đoàn Kết trở thành lục lượng đối lập chính. Nhưng trong năm 1981, sau một năm rưỡi đình công và bất ổn, chính quyền tuyên bố thiết quân luật. Walesa bị giam lỏng.

Khi Thatcher viếng thăm Ba Lan, bà đòi chính quyền cho gặp Walesa. Công nhân hộ tống bà tới một nhà thờ. Tại đây bà gặp những lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết. Trong buổi gặp mặt lịch sử này, Thatcher thuyết giảng rằng tự do kinh tế và tự do cá nhân sóng vai nhau. Bà nhắn nhủ:’’Các bạn, Công Đoàn Đoàn Kết, các bạn phải có những ý tưởng của riêng mình và những kế hoạch khả thi. Chỉ đại chúng không thì không đủ’’. Walesa:’’Nếu không có cuộc gặp gỡ này, có lẽ không có thắng lợi. Chắc chắn vậy. Có lẽ sẽ là tiếp tục trì hoãn, khó khăn nhiều hơn và ngay cả sự hủy diệt cũa chính chúng tôi’’.

Thông điệp thị trường tự do của Thatcher dường như đã mang đến một lối thoát cho nền kinh tế Ba Lan vốn bị đè nặng bởi nợ nần và thiếu hụt.

Khi những nền kinh tế cộng sản lún sâu hơn vào khó khăn, những nhà cải tổ và những nhà kinh tế trong thế giới Soviet bắt đầu nhìn ra bên ngoài cho những giãi pháp và những con đường khác. Họ nhìn vào những nền kinh tế kỳ diệu của Á Châu, họ nhìn vào những gì đang xảy ra ỡ Mỹ và Tây Âu, họ nhìn vào cả những nơi xa xôi như Mỹ La Tinh.

Bolivia Trên Bờ Vực

Một trong những quốc gia nghèo nhất Mỹ La Tinh và với lịch sử của 189 cuộc đảo chính, Bolivia là một trong những quốc gia bất ổn nhất. Giá cả thực phẩm và quần áo tăng không ngừng. Trước khi tất cả qua đi, lạm phát ở mức trung bình 1% mỗi phút. Cội rễ của vấn đề là chính sách tài chính của chính quyền. Chính quyền chi ra 30 lần nhiều hơn những gì họ thu vô thông qua thuế.

Trên toàn lục đîa, những nền kinh tế thiếu tính cạnh tranh của Mỹ La Tinh nợ chồng chất. Trong những năm 70 giá dầu tăng vọt đã khiến cho những ngân hàng ngoại quốc tràn ngập những đồng dollar dầu hỏa mà chưa tìm ra nơi đầu tư để hưởng lãi suất. Họ phát hiện ra châu Mỹ La Tinh. Bolivia được cung cấp những số lượng tiền không lý giải nỗi. Những ngân hàng này, vốn không thông minh trong chính sách cho mượn, đã kết luận rằng một quốc gia không thể phá sản. Điều đó đúng, nhưng đôi khi không đúng.

Trong năm 1982, một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mexico mở màn một phản ứng dây chuyền mà khiến những năm 80 được biết tới như những năm mất trắng của Mỹ La Tinh. Bolivia có lẽ là trường hợp trầm trọng nhất của những sai lầm ở Mỹ La Tinh. Trong nhiều thập niên họ chỉ biết in tiền. Họ không thu được một đồng thuế nào. Mọi người cho rằng trường hợp của Bolivia thật vô vọng. Không ai buồn giúp đỡ. Ngân Hàng Thế Giới (WB) đóng cửa văn phòng của nó ở La Paz. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tề (IMF) rút đại diện cũa nó ra khỏi Bolivia, và chính quyền Mỹ cùng những quốc gia thân thiện khác không buồn trả lời điện thoại.

Vào tuổi 29, kinh tế gia Jefferey Sachs trở thành một trong những giáo sư thực thụ trẻ nhất từ trước tới giờ ở đại học Harvard. Vào năm 1985, một nhóm sinh viên trước đây hỏi Sachs có sẳn sàng gặp một nhóm người Bolivia. Những người Bolivia này tới Havard để dự một buổi thuyết giảng về cuộc lạm phát phi mã đang hoành hoành ở nước họ. Và họ mời Sachs tới La Paz. Lạm phát lúc đó khoảng 60000%. Giới chính trị Bolivia tê liệt. Chỉ một người dường như biết phải làm gì. Sachs:’’Đó là Goni, Gonzalo Sanchez de Lorada - một thiên tài’’.
babyQueen
Liệu Pháp Sốc

Đảng của Goni thắng cử. Ông ta trở thành bộ trưởng kế hoạch. Ông ta nói với tổng thống rằng Bolivia không còn nhiều thì giờ nữa. Goni:’’Có một cuộc thảo luận sôi nổi về liệu có thể chấm dứt lạm phát bằng những bước đi tuần tự. Ở đây Sachs có ảnh hưởng mạnh. Ông ta nói:’’Khi đã mất kiểm soát, bạn phải chận đứng nó như trong điều trị. Bạn phải lấy những bước quyết liệt, nếu không bệnh nhân sẽ chết’’. Để tránh rò rỉ tin tức, họ phải làm việc ở nhà. Cứ vài ngày, Goni báo cáo cho tổng thống một lần. Tháng tám năm 1985, Goni trình bày một chương trình gọi là ’’Liệu Pháp Sốc’’.

Mọi người sửng sốt.

Liệu Pháp Sốc có nghĩa là cái chết của lý thuyêt lệ thuộc. Chi tiêu của chính quyền bị cắt. Kiểm soát giá cả bị hủy bỏ. Hàng rào quan thuế bị cắt giảm. Ngân sách chính quyền được cân bằng.

Liệu Pháp Sốc cũng có nghĩa là giá cả của những nhu cầu thiết yếu tăng vọt. Cho tới khi đó người ta nghĩ rằng chỉ có một nền độc tài quân sự như Chile mới có thể áp đặt được các biện pháp gồ ghề như vậy mà không xé nát xã hội.

Bolivia chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng nó có một tác động lớn trong việc thúc đẩy cải tổ trên toàn cõi Mỹ La Tinh. Ở Brazil, một giáo sư trước đây giảng dạy lý thuyết lệ thuộc giờ tung ra một chương trình cải tổ rất giống với liệu pháp sốc. Suốt toàn cõi Mỹ La Tinh, các chính quyền ưỡn dậy và lưu ý. Goni:’’Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm Bolivia có ảnh hưởng mạnh. Chúng tôi thực hiện nó trong bối cảnh dân chủ, và chúng tôi thực hiện nó mà không bị những rối loan xã hội’’.

Những gì xảy ra ở Bolivia có tác động trực tiếp lên những nền kinh tế đông cứng ở Đông Âu.

Năm Kỳ Diệu

Sachs:’’Tôi được một viên chức chính phủ Ba Lan tiếp cận. Ông ta đã theo dõi những cuộc cải tổ ở Bolivia và trông thấy những gì tôi đã hoàn tất ở Argentina và Brazil. Cuối cùng ông ta yêu cầu tôi tới Ba Lan giúp một tay. Người Ba Lan lúc đó lo ngại rằng họ đang tuột dần vô đói khát’’. Sachs đến vào cái ngày mà những cuộc thảo luận bàn tròn đi đến đồng ý rằng sẽ có một cuộc bầu cữ tự do ở Ba Lan.

Bất cứ khi nào quyền lực Soviet bị đe dọa ở Đông Âu, phản ứng rất rõ rang. Đó là Hồng Quân và xe tăng. Berlin 1953, Budapest 1956, Prague 1968. Nhưng câu trả lời đã khác đi ở Warsaw vào năm 1989. Công Đoàn Đoàn Kết chiến thắng 99 trên 100 ghế. Lãnh tụ đảng Cộng Sản Ba Lan gọi Moscow cho phương hướng. Câu trả lời cũa Gorbachov thì đầy sửng sốt:’’Đừng làm gì hết. Chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tự do’’. Đó thực sự là cú điện thoại chấm dứt chiến tranh lạnh. Và dĩ nhiên, biểu tượng kỳ vĩ của sự cáo chung của đế quốc Soviet là sự kéo đổ bức tường Berlin. Quốc gia này theo quốc gia kia thoát ra khỏi chủ nghĩa cộng sản - Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Romania. 1989 thật sự là một năm kỳ diệu.

Ba Lan giờ đã tự do. Công Đoàn Đoàn Kết phải giãi phóng nền kinh tế Ba Lan. Cũng như Sachs, bộ trưởng tài chính mới của Công Đoàn Đoàn Kết, Laszek Balcerowicz, tin rằng sự chuyển đổi phải nhanh và mạnh. Ba Lan quyết định làm những gì Bolivia đã làm: giới thiệu liệu pháp sốc, cắt giảm chi tiêu của chính quyền, giới thiệu và thử coi hệ thống thị trường có hoạt động không.

Giá cả gần như tăng gấp đôi, và thiếu hụt vẫn không kết thúc ngay. Tất cả những gì có thể làm lúc đó là ngồi cắn móng tay và chờ cho nguyên tắc cung cầu làm việc. Sau vài ngày nông dân bắt đầu mang sản phẩm tới chợ. Nhóm phụ tá của Balcerowicz bảo ông ta chú ý tới giá trứng. Nếu trứng xuất hiện, và giá trứng rẻ đi tức là thị trường đang làm việc. Trứng xuất hiện, và giá trứng bắt đầu tuột.

Ba Lan Trong Cuộc Lột Xác

Nhưng cải tổ những ngành công nghiệp nặng quốc doanh chứng tỏ một thách thức lớn hơn nhiều. Làm cho những ngành công nghiệp quốc doanh đông đúc nhân viên trở nên hiệu quả hơn và sinh lợi có nghĩa là sa thải hàng loạt nhân viên. Công Đoàn Đoàn Kết bắt đàu bị mất ủng hộ khi công nhân cảm thấy sự đau khổ của cuộc cải tổ. Nhưng ở những lĩnh vực khác, thị trường đang bừng dậy. Hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ trỗi lên, và nền kinh tế Ba Lan bắt đàu bùng phát.



Gorbachov Thử Con Đường Trung Hoa



Tại tòa đại sứ Soviet ở Warsaw, một quan sát viên đặc biệt đã theo dõi công cuộc cải tổ kinh tế. Grigory Yavlinski:’’Tôi gởi cho Gorbachov một bản phúc trình. ’’Balcerowics đang làm điều đúng cho Ba Lan’’ - Đó là những gì tôi nói’’. Gorbachov yêu cầu Yavlinski soạn thảo một kế hoạch thay đổi kinh tế cấp tiến. Nước Mỹ bày tỏ sự ủng hộ tinh thần cho những cuộc cải cách thị trường. Nhưng Gorbachov e ngại liệu pháp sốc, và kế hoạch của Yavlinski nằm phủ bụi trên bàn của ông ta.

Gorbachov đã nhìn vào Ba Lan. Giờ ông ta đang nhìn khắp thế giới để tìm những công thức mà giúp Liên Xô thực hiện cuộc lột xác. Còn nơi nào hợp lý hơn là nuớc Trung Hoa cộng sản đang tiến theo hướng thị trường.

Năm 1989, năm bức tường Berlin sụp đổ, Gorbachov viếng thăm Bắc Kinh. Khi ông ta tới, những người biểu tình đang tập trung tại quảng trường Thiên An Môn. Ở Trung Hoa sự bám víu vào quyền lực của đảng Cộng Sản dường như không còn chắc chắn nữa. Nhưng Gorbachov nhận thấy kinh tế Trung Hoa đang thay đổi dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.

Đặng bị những nền kinh tế ở Đông Nam Á gây ấn tượng mạnh. ’’Chúng ta sẽ không theo đuổi chủ nghĩa tư bản. Chúng ta đang theo đuổi xã hội chũ nghĩa với những đặc tính Trung Hoa’’, Đặng tuyên bố. Trung Hoa quyết định giữ nguyên hệ thống chính trị cộng sản, nhưng bỏ hẳn hệ thống kinh tế cộng sản và đi về hướng thị trường. Bằng cách đó, họ vẫn giữ kiểm soát chính trị, nhưng lại được hưởng lợi lộc từ thị trường. Vào giữa những năm 80, Trung Hoa bước vào kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế cao, di chuyển hướng về hệ thống thị trường, về hướng quyện chặt với nền kinh tế thế giới.

Bên dưới Gorbachov, có những cuộc tranh luận nảy lửa về liệu con đường Trung Hoa về hướng thị trường thích hợp cho nước Nga. KGB ủng hộ con đường này. Thiên An Môn chứng tỏ đãng cộng sản sẳn sang làm bất cứ chuyện gì để giữ quyền lực. Sachs:’’Nhiều người cứ hỏi tại sao Gorbachov không làm theo kiểu Trung Hoa mà không hiểu rằng đó là những gì Gorbachov đã cố làm trong bốn năm đầu tại chức. Họ không hiểu rằng nước Nga có một nền kinh tế 80% đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong khi Trung Hoa là một nền kinh tế nông nghiệp với 80% dân chúng sống ở nông thôn. Vì thế người Nga không có lối thoát dễ dàng. Họ không giãi quyết được trọng tâm của vấn đề mà không đụng đến nền công nghiệp. Họ không có được cái con đường từ từ của Trung Hoa’’.

Gorbachov vướng vào trong cải cách kinh tế. Ông ta bắt đàu quá trễ, và những cuộc cải cách của ông ta quá ngập ngừng. Ông ta chưa bao giờ đụng đến nền tảng của nền kinh tế kế hoạch hóa.

Rơi Tự Do

Tháng tám 1991, những tay cộng sản ngoan cố thực hiện một cuộc đảo chánh. Boris Yeltsin trở thành tiếng nói của đề kháng dân chủ. Cuộc đảo chính sụp đổ. Gorbachov sống sót nhưng uy tín của ông ta bị tiêu diệt. Và nhửng ngày cuối cùng của Soviet cận kề. Cuối tháng 12 năm 1991, Gorbachov lên tivi tuyên bố Liên Xô sẽ không tồn tại trong vòng vài ngày nữa. Sau bảy thập niên, Liên Xô tan biến.

Tổng thống Nga là Boris Yeltsin. Không như Gorbachov, Yeltsin muốn đi nhanh. Ông ta chọn cải tổ gia trẻ tuổi Yegor Gaidar vào vai trò xoay chuyển nước Nga sang nền kinh tế thị trường. Đối với Gaidar, đó là một cú sốc. Không còn tiền trong ngân khố. Không còn vàng. Ngay cả không đủ lương thực để sống qua mùa đông. Ngay cả ai đang điều khiển vũ khí hạt nhân cũng không rõ ràng. Về sau Gaidar nói rằng nó giống như mình đang đi trên máy bay, bước vô phòng lái và phát hiện ra không ai điều khiển máy bay cả. Những cuộc cải cách kinh tế nữa vời của Gorbachov để lại một nền kinh tế ngắc ngứ. Mọi thứ thiết yếu đều thiếu hụt.

Gaidar giờ chịu trách nhiệm về toàn bộ nền kinh tế Nga. Ông ta chỉ mới 35 tuổi. Ông ta tập hợp một đội ngũ những cải tổ gia kinh tế thị trường trẻ tuổi, trong số đó có Anatoli Chubais, 36 tuổi. Những tay cộng sản cứng rắn gọi họ là ’’đám nhóc con’’. Sachs, lúc này 36 tuổi, được yêu cầu cố vấn cho công cuộc cải tổ kinh tế.

Sachs:’’Tôi đã có kinh nghiệm Ba Lan, nhưng nước Nga thì hoàn toàn khác’’. Nghị viện bị khống chế bởi những người cộng sản và những đảng khác vốn phản đối cải tổ. Gaidar bị tấn công dữ dội ngay từ phút đầu. Chưa tới bảy ngày, chũ tịch nghị viện đã yêu cầu chính quyền từ chức. Gaidar và đồng bạn muốn sử dụng cải cách kinh tế như một vũ khí chính trị đễ đập tan cái hệ thống cộng sản cũ kỹ trước khi nó tiêu diệt họ. Nó trở thành một chiến thuật sống còn.

Cải Tổ Trật Đường Rầy

Đêm cuối năm 1991. Sáng hôm sau giá cả sẽ được thả tự do. Cải tổ của Gaidar sẽ ảnh hưởng trược tiếp tới từng người dân. Nó cũng có nghĩa là sự kết thúc của tất cả những gì mà những người cộng sản đại diện cho. Kế tiếp, Gaidar hủy bỏ một đạo luật Soviet mà biến tư doanh thành một hoạt động tội phạm. Gaidar tin rằng một thị trường tự do hiệu quả sẽ chấm dứt thiếu hụt. Ông ta không phải chờ lâu. Thị trường có lẽ tái sinh, nhưng với những người Nga bình thường thì thị trường có nghĩa là giá cao hơn.

Giá cả cứ tăng. Những tay thủ cựu nắm giữ ngân hàng trung ương làm cho nó tồi tệ thêm. Các chính sách của họ tiếp dầu cho lạm phát. Yavlinski:’’Lạm phát lên tới 500%, 600%, rồi 700%. Tiền bạc đơn giản biến thành tro bụi. Dân chúng bị nghiền nát bởi siêu lạm phát, và điều đó làm sói mòn tất cả niềm tin ở chuyển hóa kinh tế’’.

Ấn Độ Thoát Khỏi Sụp Đổ

Sự sụp đổ của Liên Xô vang vọng khắp thế giới. Đối với Ấn Độ, đó là sự kết thúc của một kiểu mẫu. Lý tưởng về kế hoạch hóa tan vỡ.

Được kế hoạch hóa bởi thư lại và bị cắt đứt khỏi mậu dịch thế giới, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ì ạch, không hiệu quả, và ngập nợ nần. Năm 1991, Ấn Độ đói mặt với phá sản.

Trong không khí khủng hoảng, kinh tế gia Manmoha Singh nhận được một cú điện thoại khẩn cấp từ thủ tướng. Ông ta được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính. Trong sự chết điếng của đảng mính, thủ tướng Ấn bật đèn xanh cho cải tổ kinh tế thị trường tự do. ’’Viên toàn quyền giấy phép’’ của Ấn độ được chấp dứt, kiểm soát nhà nước được giảm thiểu, trợ cấp chính quyền bị cắt hẳn, hàng rào quan thuế và mậu dịch được giảm thiểu, và giấy phép điều phối bị hủy bỏ. Singh:’’Nền kinh tế xoay chuyển nhanh hơn và sâu sắc hơn tôi chờ đợi. Công nghiệp Ấn Độ bùng phát. Chúng tôi tạo được một số lượng việc làm kỷ lục. Chúng tôi kiểm soát được lạm phát, và nền kinh tế tăng trưởng 7% một năm. Những kẻ chỉ trích chúng tôi tắt tiếng’’.

Nước Nga Thử Tư Hữu Hóa

Ở nước Nga các thống soái của nền kinh tế vẫn ở trong tay nhà nước. Trong một cú đột phá đầy lý tưởng, các cải tổ gia trẻ tuổi bắt tay vào dân chủ hóa các ngành công nghiệp quốc doanh đơn giản bằng cách tống chúng đi. Chịu trách nhiệm về chương trình tư hữu hóa này là Anatoly Chubais. 70 năm độc quyền cộng sản đã đến lúc phải chấm dứt. Công dân Nga được trao những biên lai mà họ có thể dùng để mua cổ phần của các công ty được tư hữu hóa.

Có một vấn đề: chưa một công ty nào sẳn sàng để được tư hữu hóa. Họ đã phân phối 144 triệu biên lai cho dân chúng, nhưng không có một ý tưởng thực dụng nào để đưa các công ty vào quá trình tư hữu hóa. Các cải tổ gia đề nghị Boris Jordan, một trong những chủ ngân hàng ngoại quốc đầu tiên ở Moscow, tìm một công ty để tư hữu hóa. Jordan:’’Họ biết rằng nếu không phóng chương trình này trước 9/12/92, ngày nghị viện nhóm họp, những tay cộng sản trong nghị viện sẽ bóp chết tư hữu hóa’’. Các cải tổ gia đang ỡ trong một cuộc chạy đua với thời gian.

Họ thu hẹp cuộc tìm kiếm tư hữu hóa tới một công ty ở ngoại vi Moscow. Nó không chính xác là những gì mà Lenin gọi là các thống soái. Nhưng nhà máy bánh kẹo Bolsheviks làm ra những cái bánh mà mọi người Nga ưa thích.

Vào ngày đấu giá, sự giận dữ đối với cải tổ kinh tế sôi sục trong nghị viện. Các tay cộng sản cứng rắn thúc ép một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Gaidar. Đối lập cộng sản ép Yeltsin hy sinh Gaidar. Người thay thế Gaidar, Viktor Chernomyrdin, là một sản phẩm của hệ thống kế hoạch hóa trung ương cũ. Sachs:’’Sau khi Gaidar bị bứng khỏi ghế thủ tướng vào cuối năm 1992, mức độ tham nhũng tăng khủng khiếp’’. Các công ty quốc doanh bị bán đi, và sự mua bán biên lai dẫn tới một thị trường trao đổi chứng khoán ngày một trưởng thành. Một nền kinh tế thị trường đang bám trụ nhưng với một khởi đầu gian nan.

Ở Moscow, đầu cơ hoành hoành trong cái kiểu mà nhiều người gọi là ’’Phương Đông hoang dại’’.


Tài Sản Bị Ăn Trộm

Các công ty lớn nhất, các ngành công nghiệp chính vẫn bị kiểm soát bởi các quản trị viên đầy quyền lực, các ’’Apparatchik’’ hay Giám Đốc Đỏ, của Soviet trước đây. Họ phản đói kịch liệt các cải tổ gia trẻ tuổi và tư hữu hóa. Cách duy nhất để tư hữu hóa các thống soái của nền kinh tế Nga là tước đi sự kiểm soát của các tay giám đốc đỏ.
babyQueen
Chubais:’’Họ ghét cái ngôn ngữ mà chúng tôi dùng để nói chuyện, họ ghét cái khuôn mặt mà chúng tôi có, họ ghét bất cứ thứ gì mà có liên hệ đến chúng tôi. Những ông nội này là những chủ nhân ông thực sự của nước Nga’’.

Phức hợp công nghiệp khổng lồ tại Norilsk trở thành chiến trường chính giữa các giám đốc đỏ và các người Nga mới. Vladimir Potanin là một doanh nhân phiêu lưu, người từ bỏ công việc ở bộ ngoại giao và trong vòng vài năm biến một công ty thương mại nhỏ thành một trong những nhà băng hàng đầu của Nga. Cố gắng kế tiếp của Potanin dẫn một số người tới chỗ coi ông ta là một thương gia đầy hứng khởi trong khi một số người khác coi ông ta là một tay tài phiệt tham lam. Năm 1995, Potanin quyết định thực hiện một cuộc chơi với công ty kền Norilsk, nhưng giành lấy Norilsk có nghĩa là chống lại một trong các tay giám đốc đỏ đày quyền lực nhất, Anatoly Filatov. Potanin cần đồng minh. Đây là những người giàu nhất rong số các doanh gia mới. Họ được biết tới, và bị căm ghét, dưới cái tên ’’Oligarch’’. Để phá vỡ quyền lực của các giám đốc đỏ, các Oligarch cần tới hỗ trợ chính trị.

Dường như các tay cộng sản sẽ thắng trong cuộc bầu cữ tổng thống 1996 sắp tới. Yeltsin và các cải tổ gia phải tìm cách để chặn đứng họ. Chính phủ và Oligarch cần lẫn nhau, và họ cần đi nhanh. Chính phủ lo ngại các tay cộng sản sẽ trở lại. Các tay Oligarch lo ngại mất tài sản. Nhóm Oligarch tung ra một cuộc thương lượng bí mật mà sẽ cho phép họ được nắm giữ các ngành công nghiệp trọng yếu với giá rẻ mạt. Potanin đề nghị một chương trình tư hữu hóa mà vẫn còn được sử dụng hiện giờ, chương trình cho mượn nợ đổi lấy cổ phần. Trên lý thuyết, chương trình này cho phép các doanh nghiệp Nga cho chính quyền mượn nợ được giữ cổ phần trong các công ty trọng yếu. Trong thực tế, phần lớn các công ty này sẽ được bán lại cho người đã cho chính quyền mượn nợ. Tiền của các tay Oligarch sẽ giúp Yeltsin chiến đấu trong cuộc bầu cử tổng thống. Về phần mình họ muốn các thống soái.
Thỏa Hiệp

Gaidar:’’Mục tiêu của thương lượng cho mượn nợ đổi lấy cổ phần là nhằm tạo ra một lực lượng đáng kể các doanh gia nhiều ảnh hưởng và quyền lực mà quan tâm chính của họ sẽ ngăn ngừa những người cộng sản trở lại quyền lực’’. Với tiền bạc và các công ty truyền thông, các tay Oligarch hậu thuẫn cuộc vận động tái đắc cử của Yeltsin. Hò hát và khiêu vũ không ngừng nghĩ khắp nước Nga, Yeltsin trỗi lên trong các cuộc thăm dò dư luận và chiến thắng.

Potanin gia nhập nội các Yeltsin như một tiếng nói trực tiếp của giới Oligarch ở điện Kremlin. Potanin đã giành được công ty kền Norilsk, và cùng với nó 1/3 số kền của thế giới. Cho một công ty với doanh số hàng năm là 2.5 tỷ dollar, Potanin chỉ trả 170 triệu dollar.

Đối với nhiều người thương lượng cho mượn nợ đổi lấy cổ phần còn hơn cả một xì căng đan nữa: nó là một vụ trộm của thế kỷ. Nhưng đó là cái giá mà Yeltsin muốn trả để giữ những tay cộng sản ngoài vòng quyền lực. Yavlinski:’’Nhiệm vụ của chính quyền mới không phải là phân phối lại tài sản cho 10 người bạn cá nhân mà là phân phối tài sản tới hàng triệu người. Cứu cánh biện minh cho phương tiện đã là cái cách mà những người Bolshevik thực hiện cách mạng tại Nga và đó là tại sao nó là một thảm họa. Luôn luôn, khi anh sữ dụng tới cứu cánh để biện minh cho phương tiện, anh hũy diệt cứu cánh’’.

Trong nước Nga của Yeltsin, chủ nghĩa tư bản bè phái phát đạt. Đối với nhiều người cải tổ có nghĩa là tham nhũng, lạm pháp và bất công. Năm 1998, Nga mất khả năng trả nợ, và thị trường chứng khoán sụp đổ. Kỷ nguyên Yeltsin kết thúc với sự từ nhiệm giữa chừng vào tết dương lịch 2000.

Một Thập Niên Thay Đổi Toàn Diện

Vào đàu thiên niên kỹ mới, một thập niên thay đổi toàn diện đã trôi qua. Một thế giới mà không lâu trước đây trông chờ ở chủ nghĩa xã hội, kế hoạch hóa trung ương, và chủ nghĩa bảo hộ giờ đây trông về phía thị trường. Những gì đã xảy ra trong 20 năm qua thật sôi động. Dường như cả thế giới thay đổi đầu óc của mình. Khắp nơi - Ấn Độ, Trung Hoa, Á, Mỹ La Tinh, Âu, Bắc Mỹ, và trên tất cả thế giới cộng sản - các chính quyền rút ra khỏi các thống soái của nền kinh tế.

Quẳng đi chủ nghĩa cộng sãn, các quốc gia Đông Âu tiếp tục nắm bắt và tin tưởng ở thị trường tự do. Ba Lan phát triển mạnh mẽ. Những gì thúc đảy Ba Lan ngày hôm nay là 2 triệu doanh nghiệp nhỏ thuê một nữa lực lượng lao động và sản xuất 75% của đầu ra của nền kinh tế. Hàu như tất cả các doanh nghiệp này đều khởi sự sau cải tổ kinh tế.

Ở Mỹ La Tinh, kết quả của cải tổ thì hỗn hợp. Chile tiếp tục dẫn đầu. Là một nền dân chủ, nó theo đuổi chính sách thị trường tự do và là một trong bảy nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Bolivia vẫn còn nghèo, nhưng nó vẫn đang phát triển. Trong nhiều năm, Argentina có vẻ là một kiểu mẫu của cải tổ kinh tế. Nó lại cho thấy rằng những cuộc cải tổ ở đây không hoàn toàn. Quốc gia này bị hụt hơi bởi số nợ quốc tế khổng lồ, và trong năm 2002 nền kinh tế bị tan chảy.

Ở Ấn Độ, Narayana Murthy không còn cần 50 chuyến đi tới Dehli để nhận một cái giấp phép nhập khẩu cho một chiếc máy tính nữa. Thay vào đó, ông ta đã tạo lập được một trong những công ty software lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Ấn Độ đã được nới lỏng và nó đang phát triển.

Ở Nga, một cách oái oăm, vụ sụp đỗ chứng khoán và mất khả năng trả nợ hồi năm 1998 có lẽ là một bước ngoặt, một cơ hội thứ hai cho nền kinh tế thị trường vẫn còn mới mẻ đối với nước Nga. Dưới quyền tổng thống Putin, những thể chế của nền kinh tế thị trường mạnh lên và các tay Oligarch bị kiềm tỏa. Nước Nga đã thay đổi rất nhiều kể từ cái thương lượng cho mượn nợ đổi lấy cổ phần hồi giữa những năm 90. Nó có được một sự phát triển kinh tế mạnh trong nhiều năm gần đây. Các công ty được hiện đại hóa, và rất nhiều luật lệ cải tỗ mà cần được hoàn tất 6, 7 năm về trước cuối cùng đã có được hiệu lực. Sachs cho rằng ông ta giữ một thái độ lạc quan dè chừng. Ông ta cũng cho rằng thập niên 90 của nước Nga đắt một cách không cần thiết và đáng ngán ngẫm, tuy nhiên mọi sự đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng vấn nạn vẫn còn đó - từ y tế không tương xứng cho tới tham nhũng. Nhưng đó là một nền kinh tế đang thay đổi. Putin nhìn tương lai nước Nga như một phần của nến kinh tế thế giới.

Lilia Shevtsova, một nhân viên của trung tâm Carnegie ở Moscow:’’Tôi nhìn đứa con trai 19 tuổi của mình và tôi nhìn những người khác và tôi kinh ngạc. Họ rất sằn sàng để sống trong môi trường toàn cầu này. Họ là những người hoàn toàn thoát khỏi những định kiến cũ. Họ không nhớ gì về chũ nghĩa cộng sản. Có lần con trai tôi về nhà và hỏi:’’Mẹ, chủ nghĩa Marx là gì?’’. Chỉ mười năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đỗ, và con trai tôi không còn biết chủ nghĩa cộng sản và Marx là gì nữa’’.

Thế giới đã thật sự thay đổi suy nghĩ. Chủ nghĩa tư bản giờ đây hầu như là nguyên tắc ở khắp mọi nơi. Sàn diễn đã dược thiết lập cho một thị trường toàn cầu duy nhất đan kết với nhau bởi mậu dịch, kỹ thuật và đầu tư.

Toàn cầu hóa đã bắt đầu.

Phần III: Luật Chơi Mới

Nhập Đề

Thế giới liên kết chặt chẽ của chúng ta có mang được sự thịnh vượng tới cho mọi người?

Trong thập niên 90, một cuộc cách mạng tư bản khắp thế giới đã tiếp dầu cho một kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa, sự bành trướng mạnh mẽ nhất của mậu dịch trong lịch sử. Nhưng cùng với những hứa hẹn, có một cuộc tranh cãi về tác động của toàn cầu hóa.

Chúng ta đang sống qua một cuộc cách mạng. Thập niên 90 chứng kiến sự sang tạo của một nền kinh tế toàn cầu mới, một thị trường duy nhất mà trong đó mọi người đều có phần, nhưng không ai nắm được kiểm soát. Toàn cầu hóa mang lại sự giàu có chưa từng có, nhưng nó cũng mang lại các khủng hoảng và rủi ro mà chúng ta chỉ bắt đàu hiểu chút chút. Nó phát pháo cho một cuộc tranh luận toàn cầu về thịnh vượng và nghèo khó, về ’’luật chơi’’ của kỹ nguyên toàn cầu hóa mới mẻ này.

Các sử gia có lẻ cho rằng kỷ nguyên mới bắt đầu vào đầu những năm 90 với sự kết thúc của chiến tranh lạnh và khủng hoảng vùng vịnh. Đó là kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa, của thế giới được cột chặt với nhau bởi các dòng chảy đầu tư, mậu dịch, ý tưởng, văn hóa, và du lịch. Và nó đã xảy ra rất nhanh. Như thường xảy ra, thay đổi xảy ra nhanh hơn khả năng suy nghĩ để bắt kịp và hiểu biết về sự thay đổi. Nhưng để hiểu chúng ta đang ở đâu ngày hôm nay và chúng ta sẽ đi về đâu, chúng ta phải hiểu cái quá khứ cận kề mình.

Ý Niệm Toàn Cầu

Không một ý tưởng kinh tế nào định hình kỷ nguyên toàn cầu hóa sâu sắc hơn niềm tin ở một thị trường tự do và mở rộng. Mậu dịch tự do là một nguyên tắc nền tang của chủ nghĩa tư bản trong hơn 200 năm. Nhưng trong thập niên 90, thị trường toàn cầu đã tạo nên một thực tại mới, mà không một chính quyển hay một chính trị gia nào có thể lờ được nó.

Câu chuyện của chúng ta bắt đàu vào năm 1992. nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, nhưng nước Mỹ dường như bị đuối. Một cuộc suy thoái đã khiến 10 triệu người thất nghiệp. Các ngành công nghiệp khốn đốn chống lại cạnh tranh mạnh mẽ từ ngoại quốc. Âu châu đã hình thành một khối mậu dịch duy nhất. Nhât Bản trông rất mạnh. Các công ty Nhật đã mua những biểu tượng Mỹ như trung tâm Rockerfeller và Universal Studios. Trong cuộc bầu cử tổng thống 1992, thống đốc bang Arkansas, Bill Clinton, tuyên bố ông ta có thể giúp nước Mỷ phục hồi. Clinton lôi kéo được sử ủng hộ quan trọng nhất của các công đoàn và dường như hứa hẹn bảo vệ công nhân chống lại cạnh tranh toàn cầu. Nhưng tại một cuộc gặp mặt với những nhà tài chính ở Wall Street, Clinton đã thảo luận một chương trình khác, một chương trình mà một số người ủng hộ ông ta sẽ phản ứng kịch liệt. Thị trường tài chính muốn kiềm toả chi tiêu của chính quyền, cắt giảm thâm hụt ngân sách, và đón nhận mậu dịch tự do. Nếu không có những chính sách này, họ nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không hồi phục được. Suốt bữa ăn tối, Clinton cố thuyết phục Wall Street là ông ta nhìn thời cuộc cũng giống như họ.

NAFTA: Bước Đầu Tiên

Mậu dịch trở thành một chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. Tổng thống Cộng Hòa George Bush đã đàm phán một hiệp ước mà cho phép một dòng chảy không giới hạn của mậu dịch giữa Mỹ, Canada, và Mexico.

Đối với những người ủng hộ nó, mậu dịch chứa đựng một ý tưởng: các thị trường mở rộng tạo nên sự giàu có, gắn kết các quốc gia với nhau, và giúp tạo nên một thế giới thịnh vượng hơn và an ninh hơn. NAFTA đặt ý tưởng đó vào một cuộc thử thách chính trị. Ở Mỹ nó là cuộc tranh luận lớn đàu tiên về toàn cầu hóa.

Khi nhậm chức, chính sách kinh tế của Clinton hướng vào phục hồi tự tin của thị trường tài chính. Nhiệm kỳ đàu tiên của ông ta bị khống chế bởi trận chiến giảm thiểu thâm hụt ngân sách. Về mậu dịch, Clinton đổi vị trí va tuyên bố ủng hộ hết mình cho NAFTA. Với một số người ủng hộ Clinton, sự thay đổi đó không khác gì hơn một sự bán đứng. 60% dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu chống lại NAFTA. Nó chỉ được thông qua nhờ sự ủng hộ của phe Cộng Hòa.

Xuyên Qua Các Biên Giới

Khi NAFTA trở thành luật, hang ngàn công ty ngoại quốc xây dựng nhà máy ở miền bắc Mexico để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngay bên cạnh. 80% của tivi bán ở Mỹ giờ được làm ở đây. Gần một triệu công nhân tìm được việc làm mới dọc theo biên giới phía bắc Mexico. 40% dân Mexico sống trong nghèo khổ. Sự vồ vập của Mexico đối với NAFTA là một phần của một thay đổi rộng lớn hơn trong suy nghĩ ở những quốc gia đang phát triển. chính quyền ở các nước đó dần dần nhìn thấy thị trường rộng mở như chìa khóa của phát triển kinh tế.

Từ khi NAFTA có hiệu lực, khoảng 400000 công việc ở Mỹ bị ’’ảnh hưởng’’ bởi mậu dịch với Canada và Mexico, theo chính quyền Mỹ. Xuất khẩu tới những quốc gia này đã tạo nên hàng triệu việc làm mới, và trong suốt thập niên 90, mậu dịch toàn cầu tăng gấp đôi.

Thị Trường Toàn Cầu

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ mậu dịch như những sản phẩm và hàng hóa di chuyển qua lại các biên giới. Trong thực tế không ai trông thấy những giao dịch lớn nhất. Nó là tiền bạc, dòng chảy liên tục suốt 24 tiếng của chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ. Mậu dịch hàng hóa và dịch vụ: 8 ngàn tỷ dollar so sánh với mậu dịch tiền tệ: 288 ngàn tỷ dollar. Trong thập niên 90, gần như bất kỳ ai với tiết kiệm trong quỹ hưu bổng hoặc quỹ hỗ tương trở thành những nhà đầu tư trong thị trường toàn cầu.

Tiểu bang California quản lý một quỹ lương bổng lớn nhất nước Mỹ. Được biết dưới tên CalPERs, quỹ này quản lý tiết kiệm hưu bổng của hơn một triệu nhân viên tiểu bang và tổng tài sản tới 150 tỷ dollar. Trong nhiều thập niên, CalPERs đàu tư chỉ ở Mỹ, nhưng trong kỷ nguyên toàn cầu, điều đó thay đổi. Một phần tiền của nó được đàu tư ở hải ngoại. Có lúc CalPERs kiểm soát 5% của toàn bộ thị trường chứng khoán Pháp.

Các quỹ hưu trí trở thành những ngôi nhà quyền lực của nền kinh tế toàn cầu bởi vì chúng có nhiều tiền.

Săn Tìm Các Thị Trường Mới Nổi

Với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, nhiều quốc gia lần đàu tiên mở cửa thị trường cho đàu tư ngoại quốc. Các quỹ tiền tệ như CalPERs nhìn thấy những cơ hội mới và thuê các quản trị viên tiền tệ đễ dò tìm các thị trường ’’mới nổi’’, tên mới cho thế giới thứ ba.

Khi đàu tư chảy vòng quanh thế giới, chính quyền Clinton mở rộng chương trình mậu dịch mà nó thừa nhận với NAFTA. Mỹ khuyến khich các quốc gia đang phát triển tiếp tục mở rộng kinh tế tới thị trường toàn cầu.

Nhiều quốc gia đang phát triển từng là thuộc đîa của phương Tây. Dù họ muốn đàu tư ngoại quốc dài hạn, vài nước nhận thấy dòng chảy nhanh chóng của tiền tệ như một đe dọa tới nền độc lập của họ. Tuy vài nước gọi nó ’’chiến thắng của chủ nghĩa tư bản’’, trong suốt thập niên 90 nhiều quốc gia hơn bao giờ hết thừa nhận kinh tế thị trường.

Tránh Được Một Cuộc Tan Chảy Kinh Tế

Tháng 1, 1994 vào ngày NAFTA có hiệu lực, phiến quân Zapatista phóng ra một cuộc khởi loan ở miền nam Mexico. Ngay sau đó ứng cử viên tổng thống hàng đầu bị ám sát. Lo ngại về ổn định, đàu tư ngoại quốc bắt đàu bỏ chạy. Nền kinh tế toàn cầu chừng như đối mặt với một loại khủng hoảng mới. Robert Rubin, bộ trưởng tài chính Mỹ, triệu tâp một cuộc họp khẩn cấp ngay tuần nghĩ lễ giáng sinh tại bộ tài chính. Lý do: dường như Mexico mất khả năng trả nợ ngoại quốc. Ông ta hiểu rõ tác động toàn cầu của nó. Các cố vấn của tổng thống đề nghị một món nợ trọn gói 50 tỷ dollar cho chính quyền Mexico. Sự hỗ trợ thành công mỹ mãn. Mexico trả nợ sớm sủa.

Đối với một số người, sự can thiệp này tạo nên một tiền lệ nguy hiểm: bảo vệ các nhà đàu tư lớn khỏi những rủi ro mà họ tự ý chịu.

Khủng hoảng Mexico chứng tỏ kỹ thuật đã làm thay đổi thị trường tiền tệ: tiền bạc có thể vượt qua các biên giới trong vòng vài giây.
babyQueen
Ngôi Làng Toàn Cầu

Cũng vậy, trong suốt thập niên 90, kỹ thuật đã băng ngang các biên giới, lan truyền thương mại và ý tưởng. Trong hai thập niên số cú điện thoại quốc tế từ Mỹ tăng từ 200 triệu lên tới 5.2 tỷ cú. Người Mỹ được nối kết với thế giới thứ ba mà không hề biết. Khách hàng kiểm tra cân bằng tín dụng của họ có thể được nối tới Ấn Độ, nơi mà các điều hợp viên giời thiệu mình với một cái tên Mỹ. Trong một ngôi làng hẻo lánh ở Ấn Độ, nông dân mang sãn phẩm của mình lên chợ như nhiều thế hệ đã làm. Nhưng sự nối kết internet bảo đảm rằng họ được trả giá như mọi nơi khác trên thế giới theo cái giá mà được định tại thị trường trao đổi thương vụ đặt tại Chicago cách đó 8000 dặm Anh.

Thế giới không biên giới này tạo nên một loại doanh nhân mới. Doanh gia nhỏ bây giờ suy nghĩ như những công ty đa quốc gia và nhìn thế giới như một thị trường duy nhất. Narayana Murthy hiểu được điều này sớm hơn ai hết. Với chỉ 250 dollar, Murthy đã sáng lập nên một công ty software. Tổng hành dinh của ông ta ở Bangalore trở nên cơ sở software lớn thứ hai trên thế giới. Chỉ có Microsoft là lớn hơn. 30% số kỹ sư software trên thế giới đến từ Ấn Độ.

Dân chúng cũng vậy, trở nên cơ động hơn rất nhiều. Mỹ nới lỏng luật nhập cư, thu hút một lượng khỗng lồ các nhân viên kỹ thuật cao đến từ các nước đang phát triển. Hai trăm ngàn người Ấn Độ tìm được việc làm ở Silicon Valley.

Trong nhiều khía cạnh, Silicon Valley trở thành một trung tâm tinh thần của ngôi làng toàn cầu mới - không phải chỉ vì kỹ thuật của nó mà là chính cái tinh thần doanh nghiệp của nó.

Trung Hoa Và Những Con Hổ

Đầu thập niên 90, David Lee trở lại cố hương sau hơn bốn thập niên lưu lạc. Ông ta thiết lập một công ty liên doanh trong một khu mậu dịch tự do gần Thượng Hải. Lee đả trông thấy tận mắt một Trung Hoa đang trong cuộc thay đổi kinh tế sôi động. Lãnh đạo đảng cộng sản Trung Hoa đã đón nhận thị trường và chào đón hàng trăm tỉ dollars đàu tư ngoại quốc. Hàu như 1/4 dân số thế giới đang bước vào thị trường toàn cầu lần đầu.

Trong những làng mạc khắp Trung Hoa và suốt thế giới đang phát triển, dân chúng rời bỏ miền quê. Họ di chuyển tới những thành phố công nghiệp, tìm việc làm trong các nhà máy mới xây dựng để phục vụ thị trường toàn cầu. Kỹ nguyên toàn cầu hóa đã chứng kiến đợt sóng lớn nhất của di dân trong lịch sử. 80% của tăng trưởng kinh tế tương lai trên thế giới sẽ xảy ra ở đô thị thay vì ở nông thôn.

Các lãnh tụ Trung Hoa hy vọng bắt chước các ’’con hổ kinh tế’’ của Đông Nam Á, nơi mà mậu dịch và đầu tư đã lột xác các quốc gia trước đây nghèo khổ. Từ thập niên 70, các quốc gia ở Đông Nam Á đã trở thành các nhả xuất khẩu đẳng cấp thế giới, cung cấp mọi thứ từ xe hơi cho tới máy tính khắp thế giới. Người ta gọi đó là sự thần kỳ kinh tế Á Châu bởi vì thế giới chưa từng chứng kiến hiện tượng phát triển kinh tế như vậy, mà đã cứu nhiều người khỏi sự nghèo khổ và tạo lập một giới trung lưu một cách nhanh chóng chưa từng thấy bất cứ nơi đâu trên thế giới. Vào giữa thập niên 90, nhiều nền kinh tế Á Châu đang tăng trưởng ở mức sửng sốt 10% hoặc hơn mỗi năm. Một CEO của một công ty lớn trên thế giới nói vào năm 1995:’’Nếu vào ngày mai chúng ta vẫn chưa đàu tư ở Á Châu, chúng ta đã quá chậm trễ’’.

Mâu Thuẫn Nhật Bản

Tuy nhiên có một ngoại lệ lớn. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đã rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc, không được chờ đợi trước, vì thế làm mất tự tin của người Nhật. Nền kinh tế Nhật Bản một thời trông có vẻ không gì có thể ngăn cản được, vậy mà giờ đây rất ù lỳ để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của một thế giới đi nhanh và liên kết chặt chẽ. Nhật Bản, nhà xuất khẩu lớn nhất, đã bảo vệ những ngành công nghiệp nội địa của mình. Tại tâm điểm của các vấn đề kinh tế tồn tại một sai lầm. Một phần của nền kinh tế Nhật là bộ phận hướng về xuất khẩu rất năng động. Bộ phận còn lại là những nhà sản xuất nội địa khả năng cạnh tranh rất kém. Họ giữ hệ thống tư bản trong một tay, và hệ thống xã hội chủ nghĩa trong tay còn lại.

Ở Nhật các tay thư lại trong chính quyền quản lý một nền kinh tế được điều tiết cao độ. Như Masahisa Naitoh - nguyên bộ trưởng mậu dịch và công nghệ, đã học, các ý tưởng về thay đổi gặp phải sự bi quan sâu sắc. Naitoh:’’Tôi muốn cởi trói hệ thống tài chính. Thị trường toàn cầu của thập niên 90 đã tạo nên một thực tại mới. Tôi nói với họ chúng ta phải thay đổi để tiếp tục sung túc trong một nền kinh tế thế giới mới. Đồng nghiệp trong chính quyền phê phán tôi. Họ nói rằng cách tốt nhất cho Nhật Bản là tiêu diệt ý tưởng của tôi’’. Naitoh bị cất chức mà không hề được báo trước. Nhật Bản cố thủ trong cách làm việc cũ của nó, và suy sụp kinh tế quốc gia tiếp tục. Lần đầu tiên một sự kỳ diệu kinh tế Á Châu gặp rắc rối.

Lây Nhiễm Toàn Cầu Bắt Đầu

Vào đàu năm 1997, sự bung nổ kinh tế nhanh chóng của Đông Nam Á bị nung nóng quá mức.

Trong suốt thập niên 90, Thái Lan mở cửa thị trường vốn của nó. Lần đầu tiên doanh nghiệp địa phương có thể mượn tiền từ các ngân hàng ngoại quốc cung cấp vốn với lãi suất thấp hơn. Chỉ trong bốn năm, số nợ của doanh nghiệp Thái tăng gấp ba, lên tới 200 tỷ dollar. Mỹ và Âu Châu khuyến khích dòng chảy vào của tiền tệ. Có một sơ hở chìm sâu trong hệ thống mà người ta không chú ý nhiều lắm, đó là sự yếu ớt về mặt thể chế. Có nghĩa là hệ thống ngân hàng và luật lệ không được phát triển tốt. Chúng không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và sự hội nhập của nó vào nền kinh tế thế giới. Ngân hàng trung ương Thái giữ giá tiền cao một cách giả tạo, tiếp hơi cho cái bong bong đầu cơ. Quỹ tiền tệ quốc tế, vốn hoạt động như một ngân hàng cứu hộ đối với các quốc gia gặp rắc rối tái chính, bắt đầu lo ngại rằng Thái Lan đang hướng tới một cú trượt ngã.

Đồng tiền Thái, đồng Bạt, được cố định với đồng dollar Mỹ. Khi nền kinh tế Thái yếu đi, các thị trường tài chính cảm thấy rằng chính sách này sẽ không kéo dài được lâu. Người ta bắt đầu lo ngại không biết Thái Lan có đủ dollar để hoán chuyển cho đồng Bạt, và họ bắt đầu đòi dollar thay vì đồng Bạt. Đồng Bạt bị đặt dưới một áp lực thị trường mạnh mẽ. Vào tháng 7 năm 1997, chính quyền Thái bắt buộc phải phá giá đồng Bạt. Cái bong bong đã bể. Khủng hoảng kinh tế Á Châu bắt đầu.

Cú sốc kinh tế lan truyền khắp các tầng lớp xã hội Thái. Chi phí đời sống tăng lên. Mọi thứ đều tăng giá - nước, điện, ngay cả xà bông, nhưng tiền lương thì vẫn giử nguyên, hoặc giảm.

Vời nền kinh tế gần như rơi tự do, Thái Lan được nhận một món nợ cấp cứu khẩn cấp từ quỹ tiền tệ quốc tế. Khi biện pháp đó không hữu hiệu nữa, Thái Lan yêu cầu Mỹ giúp đỡ.

Không ai có thể tưởng tượng rằng một nền kinh tế nhỏ như Thái mà cũng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Lây Nhiễm Ngoạm Lấy Á Châu

Mỹ chọn không can thiệp vào Thái Lan. Lý Hiển Long của Singapore cho rằng đó là một phán đoán chiến lược sai. Thị trường toàn cầu lo ngại rằng các quốc gia Á Châu khác có lẽ cũng có những sơ hỡ tương tự Thái. Tiền bắt đầu được rút ra khỏi toàn vùng. 116 tỷ dollar chạy khỏi Đông Nam Á. Họ gọi nó sự lây nhiễm.

Truyền nhiễm lây từ Thái Lan đến các quốc gia lân cận. Nền kinh tế Mã Lai trông có vẻ ổn định, nhưng bất thình lình nó đối mặt với áp lực nặng nề từ thị trường toàn cầu. Mahathir Bin Mohamad, thủ tướng Mã Lai, cảm thấy vô vọng. Kế tiếp là Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong vùng. Chính quyền Indonesia sụp đổ, và những thành phố của nó chìm vào hổn loan.

Đây là một loại khủng hoảng tài chính mới, không giống bất ký những gì IMF đã gặp trước đây. IMF rót những món tiền nợ khỗng lồ vào Indonesia và các quốc gia Á Châu khác, với điều kiện họ cắt giảm chi tiêu chính quyền, tăng lãi suất và loại trừ tham nhũng. Đối với một số lãnh tụ trong vùng, những điều kiện của IMF có vị đắng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Các lực thị trường đơn giản là quá mạnh đối với IMF hoặc bất kỳ chính quyền nào để kiềm giữ nó. Cuối năm 1997, truyền nhiễm lan tới Đại Hàn, một trong những nền kinh tế thành công nhất trên thế giới. Đại Hàn làm thế giới lượng định sai khi tuyên bố nó có đủ tiền để chống cự lại cuộc khủng hoảng. Stanley Fisher của IMF đến Seoul để kiểm tra các tài khoản của ngân hang trung ương. Gần như tất cả tiền bạc đều đội nón ra đi. Đại Hàn dường như mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng Nhật Bản và phương Tây. Bị áp lực của các chính quyền của các nước đó, các ngân hàng đồng ý chia sẻ đau khổ: họ cho lùi các món nợ lại. Liền đó Đại Hàn được cung cấp một món tiền cấp cứu lớn nhất trong lịch sử: 55 tỷ dollar tín dụng.
babyQueen
Nước Nga Mất Khả Năng Trả Nợ

Thị trường tài chính nghĩ rằng lây nhiễm đã được chặn đứng tại Á Châu. Đầu tư lại chảy khắp nơi. Một số đến Nga nơi mà thị trường chứng khoán Moscow có mức độ trình diễn tốt nhất thế giới. Nhưng cải cách đã khựng lại và nước Nga ngập nặng nợ nần. Dù vậy giới đầu tư vẫn tin rằng họ đã tìm được một thị trường đang lên. Và họ còn có một niềm tin rằng thế giới sẽ cứu nước Nga một khi có chuyện gí xảy ra vì lo cho kho vũ khí hạt nhân của nó. Họ đã sai.

Nước Nga tuyên bố mất khả năng trả nợ. Đồng rúp tuột giá. Giới đầu tư sửng sốt. Thị trường tài chính khắp nơi đông cứng. Người ta lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp.

Khủng Hoảng Lan Tới Mỹ

Khủng hoảng giờ đây lan tới Mỹ. Một quỹ đầu tư tư nhân ít tên tuổi nhưng hùng mạnh đang trên bờ vực phá sản. LTCM (Long Term Capital Management) kiểm soát trực tiếp 100 tỷ dollar tài sản khắp toàn cầu, và gián tiếp hơn một ngàn tỷ dollar. Vào tháng 9, 1998, lỗ lã của LTCM thoát ngoài vòng kiểm soát. Lây nhiễm đã lan tới Wall Street. Không thể ngờ được, thất bại của một quỹ đầu tư riêng lẽ đe dọa toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ngân hàng trung ương triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các ngân hàng chính ỡ Mỹ và Âu Châu. Jon Corzine, khi đó ở Goldman Sachs, ở trong số họ. Corzine:’’Vấn đề thật sự của LTCM là không ai thực sự hiểu biết tất cả các tai họa. tất cả mà mọi người biết là sẽ nguy hiểm kinh khủng nếu kẹt vào đó. Và mọi người hiểu sự lo ngại của ngân hàng trung ương rằng nó có các tác đông thực sự lên nền kinh tế’’. Bời vì LTCM là một quỹ tư nhân, chính quyền không thể áp đặt các giãi pháp. Số phận của nền kinh tế toàn cầu được đặt vào tay các ngân hàng tư nhân này. Các ngân hàng đồng ý chi tiền để cứu LTCM. Wall Street đã xoay ngược được một thảm họa, nhưng khủng hoảng toàn cầu còn một chương cuối cùng nữa.

Những gì bắt đầu ở Á Châu giờ đây lan tới Brazil, nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới. Nhưng lúc này một gói nợ được trao sớm sủa. Chính phủ Brazil cắt giảm chi tiêu và thi hành cải tổ. Nó mang lại kết quả. Những vấn nạn của Brazil được kiểm soát. Thị trường toàn cầu dần dần trở lại bình thường.

Nền kinh tế thế giới đã vượt qua được cuộc khủng hoảng đầu tiên của kỹ nguyên toàn cầu hóa, nhưng hàng triệu người bình thường đã phải trả giá.

Cuộc Tranh Luận Toàn Cầu

Nền kinh tế toàn cầu tựa trên những định chế được lập ra hồi cuối thế chiến thứ hai. Cuộc khủng hoảng lây nhiễm chứng tỏ rằng kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa đòi hỏi những luât chơi mới.

Đối với nhiều người Mỹ, khủng hoảng tài chính quốc tế tạo nên một mối bất an mới về những rủi ro của kinh tế toàn cầu. Đối vời những kẻ phê phán nò, đây là một cơ hội. Cùng với các đồng minh trong các công đòan, họ bắt đầu hướng mối lo ngại chung tới thành một phong trào chống toàn cầu hóa.

Nhập Trận

Tổ chức mậ dịch thế giới, WTO, quản lý những nguyên tắc mà điều hành mậu dịch toàn cầu. Cuối năm 1999, đại biểu từ 135 quốc gia họp ở Seatle, Mỹ. Họ đặt kế hoạch phóng ra một vòng đàm phán mới mà sẽ bành trướng mậu dịch xa hơn hữa. Thay vào đó, họ trắng tay.

Như đã thấy từ cái cách mà Seatle bùng nổ, nó khiến các đại biểu tham dự hoàn toàn sửng sốt. Hội nghị WTO trở thành một đòn sấm sét đối với tất cả những ai lo ngại những khía cạnh của toàn cầu hóa, hoặc những gì mà họ thấy như toàn cầu hóa. Trong khi những người phản đối đại diện cho một chuỗi gồm những nhóm lợi ích khác nhau, đa số họ là từ các công đoàn Mỹ, mà đã dùng xe bus để chở hàng ngàn đoàn viên của mình tới Seatle. Trong thập niên 90, nền kinh tế Mỹ tạo ra 17 triệu việc làm mới, nhưng phần chia của các công đoàn lao động tuột mạnh. AFL-CIO đổ tội cho lao động rẻ ở hải ngoại.

Các quốc gia mở cửa thị trường chứng kiến của cải và tiêu chuẩn sống tăng. Tại bàn hội nghị đòi hỏi của các công đoàn gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ các quốc gia đang phát triển. Họ muốn nhiều mậu dịch hơn, chứ không phải ít đi. Các quốc gia nghèo kết án Mỹ và Âu châu bảo vệ công nghiệp không công bằng dưới áp lực của các công đoàn và các doanh nghiệp. Các quốc gia đang phát triển hợp sức lại tại thành một khối đàm phán mới nhằm khiến các thị trường phương tây rộng mở hơn.

Hội Nghị Thượng Đỉnh Thất Bại

Bill Clinton cho tới lúc đó là người ủng hộ đầu đàn của bành trướng mậu dịch, nhưng những cuộc phản đối ép ông ta vào ngõ kẹt. Cuộc vận động bầu cử tổng thống đã bắt đầu, và đảng Dân Chủ cần sự hỗ trợ của các công đoàn. Trong bài nói chuyện với các đại biểu Clinton cho thấy mình ở cùng phe với những người biểu tình ngoài đường. Clinton chỉ thị cho các đàm phán viên Mỹ phải bảo vệ các ngành công nghiệp chính của Mỹ. Cuộc họp thượng đỉnh kết thúc thất bại. Lãnh tụ các quốc gia đang phát triển thề sẽ ngăn chặn vòng đàm phán thương mại kế tiếp, trừ phi những đòi hỏi của họ được lưu ý nghiêm chỉnh.

Các quốc gia lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài như Tanzania tuyên bố rằng họ sẽ không cần viện trợ nếu họ có thể bán sản phẩm của họ cho phương Tây.

Sự nghèo khổ toàn cầu chẳng bao lâu trở thành một đầu đề gây phấn khích trong số những người phản đối toàn cầu hóa. Như một kết quả của Seatle, kiểm soát của phong trào phản đối toàn cầu hóa bắt đầu chuyển từ các công đoàn dang một mạng lưới không cân xứng của các nhà hoạt động quần chúng. Một trong những mục tiêu tiếp tục của những người phản đối là Ngân Hàng Thế Giới, một định chế mà vai trò chính là giảm thiễu nghèo khổ ở các quốc gia đang phát triển. Hành động của những người phản đối thật không thể nào hiểu được đối với James Wolfensohn, chủ tịch ngân hàng thế giới, nhưng những cuộc phản đối trở nên không thể nào có thể phớt lờ được. Bên trong ngân hàng thế giới và các định chế khác, các viên chức cố gắng để hiểu các cuộc tranh cãi ngày một lớn dần.

Chia Rẽ Toàn Cầu

Toàn cầu hóa không gây nên nghèo khổ toàn cầu, nhưng nó khiến chúng ta tỉnh thức hơn về vấn nạn nghèo khổ. Và bởi tạo nên một thị trường toàn cầu duy nhất, nó nêu lên những câu hỏi một nền kinh tế như vậy sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia nghèo khổ như thế nào.

Chúng ta đang nhìn thấy trên toàn thế giới một trào lưu hướng tới tùy thuộc và tự tin hơn vào thị trường. Nhưng để niềm tin đó tồn tại, phải cho thấy rằng thị trường là công bằng, mang lại lợi ích rộng khắp, và người ta hưởng được lợi lộc từ nó. Và nếu chúng ta không có được sự hợp pháp đó, tự tin sẽ không còn nữa và thị trường sẽ trở nên yếu ớt trước những trở ngại và có thễ bị thay thế bằng những hình thức kiểm soát khác. Vì thế mà mỗi ngày thị trường phải chứng tỏ sự hợp pháp của nó, và đó là một thử thách lớn, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển. nơi mà vấn đề số một là vấn đề nghèo khổ, và mang lại điều tốt có nghĩa là nâng dân chúng lên khỏi nghèo khổ. Và điều đó còn hơn bất cứ điều gì khác mà sẽ được căn cứ vào để đánh giá thị trường.

Định Nghĩa Lại Chủ Nghĩa Tư Bản

Hernando de Soto là một nhà kinh tế mới của thế giới thứ ba. Là cố vấn của các nước Mexico, Peru, Ai Cập, và một số quốc gia khác, ông tìm cách cắt ngang qua cuộc tranh luận cũ về giàu và nghèo và tái phát minh một chủ nghỉa tư bản nhân danh người nghèo. Soto:’’Điều quan trọng của hệ thống tư bản là nó lã một hệ thống của những đại diện ... ví thế nó đòi hỏi tất cả các đại diện - thẻ tín dụng, thông hành, căn cước, chứng nhận sở hữu, cổ phiếu, v.v - được tổ chức bởi một hệ thống luật pháp mà cho phép dân chúng có thể tin tưởng ở những gì mà họ đang sử dụng trong trao đổi’’.

Tháng 9 năm 2000, Soto xuất bản giảng giãi của mình tại sao chủ nghĩa tư bản chưa hữu hiệu cho người nghèo. Ông trực tiếp mang thông điệp của mình đến các vùng xa xôi nhất của Mỹ La Tinh. Soto cho rằng nền kinh tế tư bản chưa tỏ ra hiệu quả ở thế giới thứ ba tại vì người ở đây thiếu những yếu tố quan trọng mà người phương Tây đã có được trong thế kỹ 18 và 19, chẳng hạn như các quyền về tài sản, mà không có nó hệ thống tư bản không thể nào hoạt động được. Soto tin rằng dân chúng vốn dĩ là những nhà tư bản bẩm sinh, nhưng trong thế giới thứ ba phần đông họ bị tách khỏi hệ thống tư bản. Ở phương Tây, các quyền sở hữu được coi là đương nhiên, nhưng ở phần lớn các quốc gia khác, các công cụ quan trọng này của chủ nghĩa tư bản không được đáp ứng. Không có quyền tư hữu, người bình thường ở các quốc gia đang phát triển không có quyền mượn nợ, hoặc vay tín dụng. Họ bị giữ ngoài lề của hệ thống tư bản và thị trường toàn cầu chỉ đơn giản lướt ngang qua họ. Soto:’’Đây là thời điểm khủng hoảng cho chủ nghĩa tư bản toàn thế giới, bởi vì vào lúc này nó chỉ có nghĩa là cho những tầng lớp đặc quyền có thêm nhiều cơ hội, và không thể lan tỏa sâu xuống đa số dân chúng vốn đa phần là nghèo’’.

Đáy Sâu Của Chủ Nghĩa Toàn Cầu

Sachs:’’Nó là một vấn đề đạo đức khi phải sống với hố ngăn cách giàu nghèo. Nó cũng là một vấn đề trí thức. Đó là tất cả những gì mà các nhà phát triển kinh tế như chúng tôi dành toàn bộ thì giờ để suy nghĩ. Tại sao cái hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn? Những gì có thể làm để thu hẹp nó lại? Nó là một câu hỏi nhức đầu’’.

Soto cho rằng với phương tiện truyền thông hiện giờ người dân các nước nghèo có thể so sánh họ với các nước giàu và họ giận dữ. Hoặc là bạn chĩ cho họ con đường tư bản để đi và đón nhận họ, hoặc là họ sẽ tự mình tìm một chủ thuyết khác. Ông ta cảnh cáo rằng ngày nay không còn điện Kremlin để tổ chức các cuộc nổi loan nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là người nghèo sẽ không tìm thấy những quỹ đạo quyền lực khác.

Trong buổi nói chuyện cuối cùng về chính sách đối ngoại trước khi rời chức tổng thống, Clinton tìm cách định nghĩa những thách thức của toàn cầu hóa. Khi nhậm chức, ông ta nói rằng mậu dịch tự do sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ Châu. Khi rời chức, ông ta cho rằng nó rất thiết yếu để gìn giữ hòa bình trong cái thế giới liên kết chặt chẽ này.

Đổi Cận Vệ

Kế hoạch mậu dịch tự do của Washington chuyển không chút sửa đổi từ chính phủ Clinton sang chính phủ Bush.

Trong chuyến đi ngoại quốc đầu tiên, tổng thống Bush tới Mexico. Bạn của ông ta, Vincente Fox, muốn sử dụng thị trường toàn cầu để làm thuyên giảm căn bệnh nghèo khổ của Mexico. Hai tổng thống Bush và fox hy vọng mở rộng NAFTA ra toàn bộ tây bán cầu.
babyQueen
Trận Chiến Tái Diễn

Fox và Bush dự trù gặp lại lần nữa ở Quebec City, Canada, ở hội nghị thượng đỉnh của 34 tổng thống dân cử của cả hai lục địa Bắc và Nam Mỹ. Những người hoạt động chống toàn cầu hóa chọn hội nghị này là mục tiêu kế tiếp của họ.

Chương trình của hội nghị là mậu dịch, nghèo khó, và luật chơi mới. Các nhà tổ chức đóng kín trung tâm thành phố. Khi Bush và các lãnh tụ khác tới nơi, những người biểu tình cố vượt qua các rào cản. Họ muốn hội nghị phải mang lại những kết quã thực sự. Bên trong rào cản có Jorge Castaneda, một người cánh tả và là bộ trưởng ngoại giao của Mexico. Ông ta giờ đây là một bộ phận của cái hệ thống mà trước đây ông ta phê phán. Như Castaneda, phần lớn các đại biểu đến từ các quốc gia đang phát triển chào đón toàn cầu hóa. Castaneda muốn có nhiều trao đổi mậu dịch hơn. Ông ta cũng hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở các quốc gia đang phát triển.

Hiện giờ các cuộc biểu tình trên đường phố đã trở thành thường tình ở các cuộc họp quốc tế chủ yếu. Các tay tổ chức biểu tình dần dần trở nên thiện chiến. Họ sử dụng internet và các phương tiện khác của toàn cầu hóa để kéo đổ hệ thống. Tác động lâu dài của các phong trào phản đối thì không rỏ rang, nhưng có thể nhìn thấy được. Từ sau Seatle, chủ đề của tranh luận toàn cầu đã thay đổi. Clinton:’’Họ quan tâm tới những vấn đề rất có lý. Nhưng họ chẩn đoán sai. Chẩn đoán của họ là nền kinh tế toàn cầu sản sinh ra các tiêu cực mà họ phản đối. Mặt khác, bạn không thể có một nền kinh tế toàn cầu mà lại thiếu vắng trách nhiệm xã hội toàn cầu, thiếu vắng trách nhiệm môi trường toàn cầu, thiếu vắng trách nhiệm an ninh toàn cầu. Và đó là những thách thức lớn kế tiếp mà sẽ làm cái thế giới liên thuộc của chúng ta trở nên cân bằng với nhiều tích cực hơn là tiêu cực’’.

9/11

Trong thập niên đàu thế kỷ XX, nền kinh tế thế giới trên nhiều khía cạnh cũng hóa lẫn như chúng ta ngày nay. Kỷ nguyên toàn cầu hóa kết thúc ở Sarajevo năm 1914, khi một viên đạn bắn ra từ một tay khũng bố châm ngòi cho cuộc thế chiến I. Sau khi 9/11 xảy ra, dường như lịch sử có thể lập lại.

Cho tới 9/11, có cảm tưởng rằng dầu với những khủng hoảng và những rủi ro, trào lưu hướng về toàn cầu hóa thật sự không thể đảo ngược được. Sau 9/11 có một nhận thức rằng bạn không thể đảo ngược thời khắc, nhưng sự vật có thể đi theo một chiều hướng khác. Thị trường làm việc tốt nhất trong bối cảnh hòa bình. Và nếu bản không ở trong thời bình, mà cũng không rõ là thời gì, thì sự vật sẽ không như trước nữa và ưu tiên cũng sẽ khác đi.

Nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Khi cuộc chiến chống khủng bố tiến triển, chính phủ Bush tìm cách xây dựng lại tự tin kinh tế.

Tháng 11 năm 2001, tổ chức mậu dịch quốc tế triệu tập như dự định ở Trung Đông. Thành phố Dohar xa xôi được chọn để giữ những người phản đối ở xa, nhưng 9/11 đã làm trào lưu chống toàn cầu hóa im tiếng. Các đại biểu đạt được một thỏa hiệp mà đã tuột khỏi tầm tay họ hồi ở Seatle. Một vòng đàm phán mới được phóng ra và mối quan tâm của thế giới đang phát triển sẽ ở đầu sổ.

Nhiều tháng sau, nền kinh tế Mỹ dường như đang trên đà phục hồi. Trong khi đe dọa vẫn còn, bản thân hệ thống dường như còn mạnh mẽ hơn cái nhiều người lo ngại.

Kỷ nguyên toàn cầu hóa sẽ tiếp tục, cũng như những cuộc tranh luận về luật chơi cũa cuộc chơi toàn cầu.
babyQueen
Tôi gộp hết các topic: các thống soái 1, 2, 3,...- của bạn caqb - vào đây nhé! một vấn đề không nên mở quá nhiều topic như thế!
Thân ái. babyQueen.
Phó Thường Nhân
Chủ đề « Các thông soái » của Bác caqb rất là thú vị. Vậy mà từ mấy hôm nay không thấy có Bác nào trả lời nó. Nó thú vị vì nó phản ánh cách nhìn của người Mỹ với thế giới, với lịch sử hiện tại, trong đó vai trò của KT là quan trọng hàng đầu. Nhưng dù như vậy nó cũng gắn liền với CT. Hơn nữa, những ý tưởng của chương trình truyền hình này, mà bác caqb đã mất công dịch cho chúng ta cũng chính là hệ tư tưởng chính thống của nước Mỹ. Điều này chứng tỏ người Mỹ (đúng hơn là Chính quyền Mỹ) cũng có một hệ tư tưởng, như Liên Xô ngày xưa, chứ không đơn giản là nó chỉ bán đồ như mọi người thường nghĩ. Là một chương trình phổ cập kiến thức, công cộng cho người Mỹ nó phản ảnh những nhận thức theo tôi có lẽ không chính xác lắm. Như vậy tôi sẽ đứng trên vị trí của tôi, là thần dân của một nước thuộc thế giới thứ 3 mà phân tích nó, huặc phê phán nó. Nói phê phán không có nghĩa là tôi phủ định nó, mà chỉ muốn có một nhận thức chính xác hơn. Tôi không có tư tưởng « chống Mỹ » (antiamericanism), nhưng cũng không thích nuốt hết mọi tư tưởng mà nó nhả ra.
1.   Khái niệm các thống soái ở đây, theo như tôi hiểu là các ngành kinh tế, các tổ hợp xí nghiệp. Tựu chung là những thành phần kinh tế. Ở đây đặt vấn đề « chính quyền hay thị trường kiểm soát kinh tế » có lẽ không hoàn toàn thoả đáng. Bản thân thị trường cũng cần có pháp luật để dịnh hình nó, mà pháp luật lại được bảo đảm bởi chính quyền của một quốc gia (nếu là thị trường trong nước) , bằng hiệp định giữa các quốc gia (nếu là thị trường nước ngoài). Như vậy chính quyền vẫn cao hơn thị trường, và phải tác động vào thị trường. Còn nếu thị trường tồn tại ngoài chính quyền thì có nghĩa là KT sẽ phụ thuộc vào một chính quyền khác, của người khác. Cái người khác này sẽ là Mỹ. Như vậy thì người ta sẽ trở lại thời thực dân, hay thuộc địa kiểu mới tuỳ theo tên gọi. Thị trường chỉ là nơi trung chuyển, giao lưu. Đằng sao các “thống soái kinh tế » kia vẫn là những quyền lợI cá nhân của một ngườI, một nhóm ngườI, một cộng đồng, hay một dân tộc. Đâu đây vẫn lấp ló một chữ chủ quyền. Không nên quên điều đó. Nhưng cũng có thể hiểu rằng trong kinh tế có nên can thiệp bằng biện pháp hành chính (Kế hoạch hoá, điều khiển, kích thích, bảo hộ) hay chỉ để cho thị trường tự điều chỉnh. Để thống nhất cách gọI trong bài này, cái đầu tôi gọI là interventionism, cái thứ hai gọI là liberalism.
2.   Đầu tiên tôi cũng xin gạt bỏ ngay những nhận thức CT có lẽ không quan trọng vớI ngườI Mỹ, những lạI quan trọng vớI tôi là ngườI ở giữa.
2.1   ĐốI vớI tác giả, thì « Keynes mô tả thị trường toàn cầu này, mà trong đó dòng chảy mậu dịch hoàn toàn tự do, như sau:’’Một cư dân London có thể đặt hàng những sản phẫm khác nhau trên toàn thế giới bằng điện thoại trong khi nuốt ngụm trà sáng, và chờ đợi sự giao hàng ngay trước cửa nhà. Chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc chỉ được chú ý hơn các trò giãi trí một chút trên các nhật báo. » Nhưng khổ nỗI chỉ có ông ngườI Anh ở Luân đôn mớI được hưởng thụ như vậy thôi, còn chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc đốI vớI dân các nước thế giớI thứ 3 hoàn toàn không như thế. Nếu họ cũng được hưởng thụ như vậy thì làm gì có phong trào giảI phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Như vậy thị trường toàn cầu chỉ mang lợI nếu ngườI ta có chủ quyền.
2.2   NgườI ta cũng nói « Lao động nô lệ của tù nhân trở nên một yếu tố quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Soviet. ». Điều đó có thực sự đúng không. Tôi không phủ nhận là có lao động cưỡng bức của tù nhân, nhưng không thể nói nó là yếu tố quan trọng bậc nhất được. Nói như thế thì khác nào nói nước Mỹ giầu có vì họ diệt chủng ngườI da đỏ. Đúng là trong LS từ chính quyền Nga hoang, đến chính quyền Xô viết về sau đều dùng tù nhân để khai hoang, khẩn đất. NgườI Anh cũng làm như thế vớI Úc. Những vùng kinh tế quan trọng nhất vớI Liên Xô, ngoài Tổ hợp Norilsk ở Xi bê ri, còn có các tổ hợp khác ở Đôn bát, Lê nin gơ rát, Moskou, Volgagrad, Ural, … Bác nào đã từng ở Liên Xô chắc biết rõ hơn tôi.
2.3   NgườI ta cũng nói « Tháng 9 năm 2000, Soto xuất bản giảng giãi của mình tại sao chủ nghĩa tư bản chưa hữu hiệu cho người nghèo. Ông trực tiếp mang thông điệp của mình đến các vùng xa xôi nhất của Mỹ La Tinh. Soto cho rằng nền kinh tế tư bản chưa tỏ ra hiệu quả ở thế giới thứ ba tại vì người ở đây thiếu những yếu tố quan trọng mà người phương Tây đã có được trong thế kỹ 18 và 19, chẳng hạn như các quyền về tài sản, mà không có nó hệ thống tư bản không thể nào hoạt động được. » Tôi chưa bao giờ nghe nói rằng châu Mỹ La tin nằm trong phe XHCN trước đây cả. Chẳng nhẽ nó lại không có tư hữu. Vậy sự giải thích này có thoả đáng không hay chỉ là một sự tuyên truyền ý thức hệ ?
2.4   Trong khi nêu những dẫn chứng ở các nước Đông Âu, Tác giả đã không đề cập đến Tiêp, và Hung. Theo tôi thực ra hai nước này mớI tiến hành cảI cách kinh tế khôn ngoan nhất và thành công nhất, chính vì họ không tiến hành một chính sách liberal triệt để. Ở Ba lan và Liên Xô, cảI cách kinh tế bằng một cú sốc thực sự là một thất bại. Cái thất bạI rõ nhất là ở Liên Xô cũ. Ở cả hai nơi, kinh tế đều đi vào khủng hoảng trầm trọng. Tất nhiên đã thay đổI thì phảI trả giá. Nhưng bài học Ba lan , Liên Xô khiến ngườI ta phảI thận trọng hơn khi nghe lờI khuyên của các Bác Liberal này, không thể bệ nguyên si vào được.
(Còn tiếp)
:-X :-X
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.