Langven.com Forum

Full Version: VÕ ĐẠO QUA CẢM NHẬN NGƯỜI LÀM THƠ
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Milou
VÕ Đ O QUA CẢM NHẬN NGƯỜI LÀM TH

THANH THẢO

Người ta thường nói "võ nghệ" hay "võ thuật" với hàm ý trong võ có nghệ thuật, hay võ là một nghệ thuật đặc biệt, một nghệ thuật của thi đấu và chiến đấu. Thi đấu hay chiến đấu đều đưa cái nghệ thuật của võ hướng ngoại: nhằm chiến thắng một đối thủ hữu hình hay vô hình nào đó. Chiến đấu với đối thủ hữu hình thì rõ rồi, còn đối thủ vô hình? Ầy là khi võ thuật được trình diễn, được biễu diễn đơn phương. Nhưng, người ta còn gọi võ là "võ đạo". Đó là một sự tôn xưng, một khi võ thuật đã đạt tới cái vi diệu, cái lẽ tối thượng của nó, khi nó đã tự phát lộ được khả năng soi sáng, khả năng giác ngộ, để con người không chỉ vượt thắng đối thủ, vượt thắng ngoại giới, mà cái chính, là vượt thắng chính mình, tự hoàn thiện nhân cách, tự soi sáng tâm linh mình qua một quá trình tự rèn luyện gian khổ, qua hành trình trên con đường chông gai để đạt tới đạo. Đạo ấy của võ cũng giống như đạo của Thiền, là quá trình tự khai sáng. Sơ tổ Phật giáo Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidhrma) tương truyền vừa là người khai sáng đạo Thiền vừa là người khai sáng Thiếu Lâm võ đạo. Hành trình khai sáng ấy gồm 9 năm trời Bồ Đề Đạt Ma "diện bích" - quay mặt vào vách đá trên vách núi Tung Sơn để tham thiền nhập định, lấy cái tĩnh mở thông cái động, lấy sự tịnh tâm làm đích cho mọi hoạt động của mình sau này, dù đó là hoạt động tôn giáo hay võ thuật. Coi vậy thì con đường của võ, của võ sĩ hay võ sư cũng khá gần gũi thân mật với con đường của người làm thơ, của thi sĩ, nó đều khởi từ tâm, và qua một quá trình vận động, lại trở về tâm, theo một đường xoáy trôn ốc nào đó. Khi một kiếm sĩ Nhật Bản đến thụ giáo thầy Banzo để học môn kiếm - ở Nhật gọi là kendo (kiếm đạo) - kiếm sĩ đã nóng ruột hỏi thầy: "Nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để thành một kiếm sư". Thầy Banza đáp: "Cả quãng đời còn lại của anh". - Cả quãng đời còn lại - đó cũng là câu trả lời cho người muốn chọn thơ làm nghiệp. Cả quãng đời còn lại cũng chưa đủ cho người theo con đường kendo (kiếm đạo), cũng chưa đủ cho người theo con đường thơ. Và từ đó, canh cánh trong lòng kiếm sĩ kia là cái ý vị của lưỡi kiếm thầy Banzo, cũng như canh cánh trong lòng người làm thơ là Thơ, hiện lên với rất nhiều khuôn mặt khác nhau, ám ảnh, day dứt. Vì vậy, có người gác kiếm, gác bút đã lâu bỗng một ngày, một buổi, một thời khắc thấy bồn chồn, nghe một tiếng gọi đâu đó từ trong máu mình, và lập tức, một đường kiếm biến ảo, những dòng thơ bất chợt vụt đến. Aáy là khoảnh khắc của một quá trình chìm ẩn, của những canh cánh qua bao thời gian, đó là thời điểm phát lộ. Sáng tạo của võ đạo, của kiếm đạo càng bất chợt thì nó càng gần gũi với sáng tạo của thi sĩ. Dù nhà thơ chưa một lần cầm kiếm hay không biết gì về thuật võ, cũng như võ sư hay kiếm sĩ chưa một lần làm thơ, thì giữa họ vẫn tương đồng ở quá trình tu tập, ở mục đích hướng tâm, và ở những khoảnh khắc phát lộ của sáng tạo. Có lẽ, một người điển hình cho sự hợp nhất, hòa đồng giữa Đạo, Võ và Thơ là Lý Bạch. Là một thi hào bậc nhất, luôn đứng ở Top ten thi sĩ mọi thời, Lý Bạch cũng là một kiếm sĩ lừng danh, một đạo sĩ bí ẩn. Có thể hình dung những đường kiếm hư ảo của Lý Bạch khi đọc thơ ông:

"Quân bất kiến

Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi"

(Tương Tiến Tửu)

Một đường kiếm liền lạc, lưu chuyển như gió, như nước, dù khởi đi là "bất phục hồi" về đường nét, nhưng ý tưởng luôn trở về điểm xuất phát theo một lực hướng tâm. Kiếm sĩ Lý Bạch đang hành kiếm đạo bằng thơ, và qua thơ, người ta lại như thấy những đường kiếm tuyệt luân của ông, những con chữ đi mây về gió như hành tung bí mật của một đạo sĩ. Và cuối cùng, là để thỏa chí nguyện của mình, là để vượt thoát, là để khắc phục và nhu thuận theo bản tính của mình. Đã từng có những võ sư, những kiếm sĩ như thế giữa cõi đời này. Như những thi sĩ, mục đích của họ là tự thắng, là tự thể hiện để tự hoàn thiện mình. Cái nghệ thuật mà họ theo đuổi mang ý nghĩa nhân sinh ở chỗ nó kêu gọi, khuyến khích mỗi người can đảm và bình tâm tự thể hiện mình theo hướng thiện, để phát hiện những khả năng tiềm ẩn trong con người mình, tận sâu thẳm nội tâm mình. Và cũng để nói rằng, ở đời, tự vượt thắng mình là con đường gian khó biết bao, và con đường ấy dẫn tới "hòa nhi bất đồng" - hòa mà không đồng - là dẫn tới những cá tính nghệ thuật của nghệ sĩ, dù là kiếm sĩ hay thi sĩ. Hòa với người, hòa với Đại ngã, nhưng "bất đồng" - vẫn là mình như một cá tính sáng tạo, một cái gì không lặp lại, như những đường kiếm biến ảo, dù nó vẫn theo lực hướng tâm.
Than Kinh
Cái này hay. Từ trước đến nay, anh mới biết và thích Lý Bạch qua thơ và rượu, vẫn thấy thiếu thiếu cái gì. Đến nay mới biết Lý Bạch cũng giỏi cả kiếm nữa, hình ảnh mới trọn vẹn.
Chú nào có thông tin gì về võ thuật của Lý Bạch, làm ơn đăng lên cho vui.
janus
Úi, Lý Bạch mà không có kiếm thì còn ếch gì là Lý Bạch? Chú Thần Kinh linh tinh này trốn sang bên này tranh thủ thu thập kiến thức để về Thăng Long chiến hử?

Lý Bạch con cháu nhà Tiểu Á, Adecbaizan gì gì đó, cưỡi ngựa bắn tên múa kiếm nhoay nhoáy, làm thơ còn là sau, chú ạ
FR
[quote author=Than Kinh link=board=9;threadid=260;start=0#13358 date=1038856798]
Cái này hay. Từ trước đến nay, anh mới biết và thích Lý Bạch qua thơ và rượu, vẫn thấy thiếu thiếu cái gì. Đến nay mới biết Lý Bạch cũng giỏi cả kiếm nữa, hình ảnh mới trọn vẹn.
Chú nào có thông tin gì về võ thuật của Lý Bạch, làm ơn đăng lên cho vui.
[/quote]


Dạo này không thấy bác Thần Kinh qua đây, nhưng thôi em cứ post lên, nếu bác có ghé thì đọc.

Lý Bạch học kiếm


Lý Bạch được đời ca tụng là thi tiên vốn là một nhà thơ cực lớn đời Đường, Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã có chí lớn quyết tâm báo đền ơn nước nên đã cất công luyện võ với ý chí và nghị lực của người có thể " mài cây gậy sắt thành mũi kim khâu ". Năm hai mươi sáu tuổi bụng chứa đầy kinh luân, Lý Bạch mang kiếm từ biệt người thân lên đường đi xa lập nghiệp. Chuyến đi này quả thực có tác dụng vô cùng to lớn đối với sự nghiệp sáng tác thơ ca và võ nghệ sau này của ông.

Vỡ lòng học kiếm

Từ nhỏ Lý Bạch đã học kiếm do bố là Lý Khách dạy, tới năm Bạch mười lăm tuổi được bố đem vàng bạc đón một kiếm sĩ về dạy. Lý Bạch vốn thiên tư thông tuệ, nghị lực hơn người nên chỉ nửa năm học kiếm đã đấu ngang cơ với sư phụ. Trong thư của ông gửi Vĩ Kinh Châu có kể "mười lăm tuổi học kiếm thuật", còn trong một thư khác gửi bạn trẻ cũng nói "học kiếm thuật từ bé". Qua đó đủ thấy tố chất võ học của Lý Bạch không phải là kém và "học kiếm" là một môn học thời thượng đời Đường, cũng được ông say mê luyện tập từ thủa ấu thơ đã có kết quả như bạn ông là Nguỵ Hạo Tăng đã từng khen: "Giỏi từ bé, khối người bị hạ dưới tay Bạch". Bố Lý Bạch lại mời thầy đúc kiếm giỏi ở Thành Đô bỏ công sức ba năm rèn một thanh kiếm báu tuyệt vời đặt tên là "Nhật Nguyệt" cho con.

Học kiếm ở Khuông Sơn, Mân Sơn

Năm Khai Nguyên thứ sáu ( năm 719 sau CN, đời Đường Huyền Tôn Lý Long Cơ ), Lý Bạch 18 tuổi lên ở tại Khuông Sơn đọc sách và luyện kiếm. Khuông sơn có một ngôi chùa cổ do hoà thượng Không Linh trụ trì. Không Linh đại sư học vấn uyên thâm, tinh thông Phật học, lại giỏi võ nghệ, về kiếm thuật phải nói là siêu tuyệt. Lý Bạch thờ đại sư làm thầy, học kiếm ở chùa hai năm liền. Vì mẹ bệnh nặng nhắn về nên Lý Bạch phải rời thầy bỏ chùa mà luyến tiếc khôn nguôi.

Năm Khai Nguyên thứ tám, vừa tròn 20 tuổi, Lý Bạch lên chơi Mân sơn gặp một nhân vật nổi tiếng đương thời là Đông Nghiêm Tử. Thấy Lý Bạch múa kiếm một mình trong rừng cây khí thế khác thường, Đông Nghiêm Tử bảo: "Ta sẽ nhận cậu làm đệ tử" Thấy Đông Nghiêm Tử nói năng, tỏ vẻ tài giỏi tướng mạo thanh nhã như thần tiên, Lý Bạch theo ông ta lên Mân sơn học văn, học kiếm liền ba năm. Sau đó được sư phụ cho xuống núi cùng sư huynh Ngô Chỉ Nam để mở rộng hiểu biết và trui rèn tài năng.

Học kiếm ở Sơn Đông

Năm 36 tuổi, Lý Bạch đã rất nổi tiếng về tài làm thơ được tôn làm "nhất tuyệt". Cùng thời, Phỉ Dực cũng được tôn xưng là "thiên hạ đệ nhất kiếm". Lý Bạch viết thư cho Phỉ Dực, thư có đoạn: "Tôi tự nguyện làm môn hạ của tướng quân ..." Phỉ Dực thấy Lý Bạch thành khẩn thiết tha lại nghĩ có nhà thơ "nhất tuyệt" vào làm môn hạ khiến ông ta càng thêm vẻ vang bèn đồng ý.

Lý Bạch theo Phỉ Dực sang Sơn Đông học kiếm ba năm, dù nắng cháy, rét cắt da ông vẫn ngày đêm miệt mài luyện kiếm, kiên trì tập luyện không chút lơ là. Chính ở giai đoạn này trong thơ của Lý Bạch có những câu: "Rút kiếm lúc sương sớm, Đêm chạy kiếm quanh nhà, ..." Nhờ kiên trì luyện tập như vậy nên Kiếm thuật của Lý Bạch ngày càng điêu luyện. Khi thầy trò chia tay, Phỉ Dực đã khen trình độ kiếm thuật của Lý Bạch: "Trong hư có thực, trong mềm có cứng, tiến thoái như chớp, biến hoá khôn lường".

Nhờ thích kiếm thuật, yêu thích việc học kiếm và giỏi kiếm thuật, không ít bài thơ sau này của Lý Bạch có dính dáng đến kiếm, kiếm thuật và kiếm sĩ. Bài Hiệp Khách Hành là một trong số đó.

(Thúy Thanh - Mai Hoa Trang sưu tầm)


Hiệp khách hành

Triệu khách mạn hồ anh
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân an chiếu bạch mã
Táp nạp như lưu tinh
Thập bộ sát nhất nhân
Thiên lý bất lưu hành
Sự liễu phất y khứ
Thâm tàng thân dữ danh
Nhàn quá Tín lăng ẩm
Thất kiếm tất tiền hoành
Tương chích đạm Châu Hợi
Trì Trường khuyến Hầu Doanh
Tam bôi thổ nhiên nặc
Ngũ nhạc đảo vi khinh
Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu
Ý khí tố nghê sinh
Cứu Triệu huy kim chùy
Hàm Đan tiên chấn kinh
Thiên thu nhị tráng sĩ
Huyên hách Đại Lương thành
Túng tử hiệp cốt hương
Bất tàm thế thượng anh
Thùy năng thư các hạ
Bạch thủ Thái huyền kinh


Dịch Thơ
Bài hành hiệp khách

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Gươm Ngô câu rực rỡ tuyết sương
Long lanh yên bạc trên đường
Chập chờn như thể muôn ngàn sao bay
Trong mười bước giết người bén nhạy
Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi
Việc xong rũ áo ra đi
Xoá nhòa thân thế, kể gì tiếng tăm
Rảnh rang tới Tín Lăng uống rượu
Tuốt gươm ra, kề gối mà say
Chả kia với chén rượu này,
Đưa cho Châu Hợi, chuốc mời Hầu Doanh.
Ba chén cạn, thân mình xá kể !
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng
Bừng tai, hoa mắt chập chùng,
Mống tuôn hào khí mịt mùng trời mây
Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái,
Thành Hàm Đan run rẩy, kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương.
Thân dù thác, thơm xương nghĩa hiệp;
Thẹn chi ai hào kiệt trên đời.
Hiệu thư dưới gác nào ai ?
Thái huyền, trắng xoá đầu người chép kinh.

Bản dịch: Trần Trọng San
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.