Úc châu, quê hương người tiền sử ?

Truờng Giang


Một trong những vấn đề mà chúng ta thường băn khoăn tự hỏi là nguồn gốc con người từ đâu ra, từ loài khỉ tiến hoá thành người hay chúng ta là con cháu của ông Adong bà Eva. Tuỳ ở lập trường tôn giáo hay kiến thức khoa học mà mỗi người có cách trả lời riêng, mặc dù phải nói rằng không ai có đủ bằng chứng cụ thể để xác quyết quan điểm của mình về nguồn gốc con người là đúng hay sai.

Bàn về vấn đề này, dựa vào những dữ kiện nhân chủng mà các nhà khảo cổ Úc vừa thu thập được vào thời gian gần đây, Trường Giang xin dành mục Khoa Học, Công Nghiệp và Môi Sinh hôm nay để thử tìm hiểu nguồn gốc huyền bí của con người chúng ta trong quá khứ xa xôi.

Từ hằng nghìn năm qua, các bộ tộc thổ dân đã đi lang thang săn bắn hay kiếm ăn trên suốt chiều dài gần 30km dọc theo hồ Mungo, một hồ nước trong vùng ao hồ Willandra ở tây-nam tiểu bang NSW thuộc Úc châu. Khi hồ Mungo bắt đầu cạn khô cách đây khoảng 10.000 năm, gió cát sa mạc cũng chôn vùi dần dấu tích của thổ dân từng sống quanh hồ như những bộ xương người hay nhiều di vật khác. Thời gian tưởng chừng như bôi xoá tất cả dấu vết của người xưa cho đến một ngày cách đây hơn 30 năm.

Vào năm 1969, các nhà khảo cổ Úc đã khai quật được hơn 175 mảnh xương cốt trong vùng hồ cạn Mungo. Khi những mẩu xương này được đem ráp lại, trước mắt các chuyên viên Úc là bộ xương của một phụ nữ mà mọi người đặt tên là Người Phụ Nữ Hồ Mungo. Kết quả đo tuổi bằng phương pháp phóng xạ carbon cho thấy, người đàn bà qua đời trong khoảng thời gian từ cách đây 24.500 năm đến 26.500 năm.

Đến năm 1974, các nhà khảo cổ Úc lại tìm ra chỉ cách nơi chôn vùi Người Phụ Nữ Hồ Mungo khoảng 500m một bộ xương người cổ khác nữa. Jim Bowler, hiện là giảng sư trường đại học Melbourne, đã bất ngờ nhìn thấy một mẩu xương lòi lên trên mặt cát. Ông thử đào lên thì nhận ra đấy là phần trên hộp sọ của một người đàn ông đã sống cách đây ít nhất 25.000 năm. Bộ xương này được gọi là Người Đàn Ông Hồ Mungo.

Gần như ngay sau khám phá này, bộ xương Người Đàn Ông Hồ Mungo đã trở thành đề tài khiến các khoa học gia đâm ra hồ nghi, ngay cả các nhà nhân chủng học cũng bất đồng về những lý thuyết giải thích nguồn gốc con người được đưa ra trong nhiều năm qua.

Thấm thoát từ đó đến nay đã hơn 25 năm, các nhà khoa học vẫn chưa đồng ý được với nhau về thời kỳ Người Đàn Ông Hồ Mungo đã sống: người thì nói là cách đây 30.000 năm; kẻ lại cho rằng cách đây 60.000 năm. Thêm vào đó, các nhà nhân chủng cũng không nhất trí được với nhau bộ xương này là của một người đàn ông hay đàn bà, tuy rằng phần đông đều khẳng định rằng đó là hài cốt một người đàn ông.

Dù vậy, những điểm bất đồng vừa nói không đáng kể, nếu so với một vấn đề đang gây ra tranh cãi liên quan đến Người Đàn Ông Hồ Mungo. Đấy là chuyện ba khoa học gia người Úc đã kết luận rằng bộ xương là bằng chứng cho thấy quan điểm lâu nay về nguồn gốc người hiện đại đều sai bét.

Cũng cần nên biết, trong hơn 20 năm qua, vấn đề nguồn gốc người hiện đại, mà danh từ khoa học gọi là Homo sapiens, thường được các nhà nhân chủng giải thích bằng hai lý thuyết có phần đối chọi nhau. Trong hai lý thuyết này, có một lý thuyết mang tên Người Phi châu do hai giảng sư Allan Wilson và Rebecca Cann, thuộc trường đại học California tại Berkeley, đưa ra. Đây là lý thuyết được nhiều người chấp nhận hơn cả.

Theo Wilson và Cann, tổ tiên con người hiện đại tức Homo sapiens, có gốc tích ở Phi châu cách đây khoảng từ 200.000 năm đến 250.000 năm. Sau đó, giống người này mới từ từ lan ra khắp hoàn cầu. Trong quá trình di chuyển đến những châu lục khác, người Homo sapiens mới tiêu diệt hết giống Neandertals, một giống người sống ở Châu Âu vào thời đại đồ đá nay đã tuyệt chủng. Và cuối cùng, người hiện đại đã trở thành chủng loài chính. Wilson và Cann còn đưa ra lập luận, một giống người "cổ" được gọi là Homo erectus, đã rời Phi châu cách đây 2 triệu năm, và chính con cháu của giống này, kể cả giống Neandertals, đã bị người hiện đại Homo Sapiens thế chỗ.

Tuy nhiên, bên cạnh lý thuyết của hai giảng sư Allan Wilson và Rebecca Cann như vừa nói, Tiến Sĩ Alan Thorne, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, cùng Giáo Sư Milford Wolpoff thuộc Trường Đại Học Michigan, lâu nay đã đưa ra lý thuyết thứ hai để giải thích nguồn gốc con người hiện đại.

Hai khoa học gia này đồng ý rằng người "cổ" Homo erectus đã phát tích từ Phi châu cách đây khoảng 2 triệu năm. Sau đó, giống này rời Phi châu, đến sinh sống tại các châu lục khác. Thế nhưng, hai vị giảng sư này cho rằng xuất xứ của người hiện đại Homo sapiens không phải chỉ từ vùng Phi châu không thôi mà cùng một lúc, còn phát sinh từ nhiều châu lục khác như Phi châu, Âu châu và Á châu. Chính vì vậy, hai ông mới gọi lý thuyết này là lý thuyết "đa vùng".

Giáo sư Alan Thorne nhận định, "hiện thời chỉ có hai lý thuyết giải thích nguồn gốc của người hiện đại. Như thế thì chắc chắn phải có một lý thuyết sai". Trong bài nghiên cứu được đăng tải trên một tạp chí khoa học tại Mỹ, Giáo sư Thorne cùng với hai người bạn đồng nghiệp lập luận rằng, những dữ kiện rút ra từ việc phân tích bộ xương của Người Đàn Ông Hồ Mungo cho thấy lý thuyết "đa vùng" ắt phải chính xác hơn.

Thực ra từ cả mấy thế kỷ qua, con người thường tranh cãi rằng sự khác biệt giữa các chủng tộc con người có nghĩa là một số chủng tộc có những đặc tính ưu việt hơn các chủng tộc kia, và ngược lại. Theo lý thuyết "đa vùng", quá trình tiến hoá lâu dài ở từng vùng đã xác định những yếu tố "khác biệt" của người Á châu, Phi châu, Âu châu và Thổ dân ở Úc.

Thế nhưng, nếu như lý thuyết Người Phi châu được cho là đúng, điều này cho thấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoàn toàn không có một cơ sở di truyền khoa học nào hết. Lý do là vì tiền đề của lý thuyết Người Phi châu giải thích rằng quá trình tiến hoá của người hiện đại đã diễn ra trong thời gian gần đây nhất. Do đó, dù cho người Á châu, Phi châu, hay Âu châu có khác nhau về mầu da, tóc tai, tầm vóc, v.. v… Thế nhưng, tất cả mọi chủng tộc đều có cùng một nguồn gốc di truyền.

Nay thì vấn đề được đặt ra từ những đốt xương tàn của người xưa là có phải chính gene di truyền đã xác định sự khác biệt về mầu da giữa các chủng tộc hay không ?

Dù không phân tích về mặt di truyền, Tiến Sĩ Alan Thorne cho rằng những điều ghi nhận được, sau khi mổ xẻ bộ xương của Người Đàn Ông Hồ Mungo, là bằng chứng đầy đủ để xác minh lý thuyết "đa vùng" là đúng đắn. Tiến sĩ Thorne nói rằng, vấn đề nổi bật là không một thổ dân nào ở Úc trông giống như người Phi châu, vì theo lý thuyết Người Phi châu, nếu như họ rời bỏ Phi châu cách đây 100.000 năm, thổ dân Úc sẽ không thể nào có đủ thời gian để thay đổi vóc dáng trở thành những người như ngày nay.

Thế nhưng, giáo sư Peter White, thuộc phân khoa tiền sử Trường Đại Học Sydney, cho rằng Thorne đã quá phóng đại những điểm dị biệt về mặt cơ thể của người hiện đại. Như ông còn nói, bộ xương của người Phi châu, Âu châu và thổ dân Úc có những nét khác biệt rất nhỏ, xen lẫn với nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, không thể nào lựa ra một yếu tố dị biệt trên bộ xương để rồi có thể kết luận rằng thổ dân Úc khác hẳn với người Phi châu.

Cho đến nay, các nhà sinh học vẫn không ngừng tranh luận đề tài quá trình tiến hoá của các chủng loài thường diễn ra trong thời gian bao lâu ? Vì vậy, nếu như các khoa học gia có thể đồng ý với nhau rằng quá trình tiến hoá của các chủng loài thường rất ngắn ngủi, việc xác định thời kỳ Người Đàn Ông Hồ Mungo sinh sống trên trái đất này lại trở thành một yếu tố tối quan trọng.

Tiến sĩ Thorne nghĩ rằng, Người Đàn Ông Hồ Mungo sống tại Úc cách đây cũng phải tới khoảng 60.000 năm, chứ không phải ít. Điều cần lưu ý là cho đến nay, không một nhà nhân chủng nào lại tin rằng Úc châu có người sinh sống vào thời gian xa xôi đến 60.000 năm. Tuy nhiên, người tìm ra bộ xương này, nhà địa chất Jim Bowler thì ước tính tuổi của bộ xương vào khoảng gần 45.000 năm.

Theo Bowler, nhóm chuyên viên đặc trách xác định tuổi do Tiến Sĩ Thorne cầm đầu tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, đã không để ý đến những chứng cớ trên hiện trường. Qua các bằng chứng, cụ thể như những viên đất sét trong ngôi mộ được đào từ lớp đất bên trên, tức là lớp cát mới, Bowler kết luận Người Đàn Ông Hồ Mungo không thể nào sống cách đây lâu tới 60.000 năm.

Nói gì thì nói, kể ra cũng hơi vội vàng, nếu như các nhà khảo cổ Úc chỉ dựa vào có mỗi một bộ xương duy nhất để kết luận rằng lãnh thổ Úc xưa kia là quê hương của người tiền sử. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, các khoa học gia sẽ tìm thấy thêm vài bộ xương nữa quanh vùng hồ cạn Munro để chứng minh cho lập luận của mình. Có như vậy, may ra lý thuyết nguồn gốc người hiện đại sinh ra từ Úc mới đứng vững được.