Langven.com Forum

Full Version: Nếp áo Tiểu Thừa Trên Tượng Trần Nhân Tông
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [1], 2, [>], [>>]
Phó Thường Nhân
Khai xuân nói chuyện văn hoá trước.
Trong mục tiêu điểm của Vietnamnet.com.vn phần văn hoá có bài viết với tựa đề « phát hiện vết áo tiểu thừa trên tượng vua Trần Nhân Tông ». Tiểu thừa còn được gọi là Theraveda (Phật giáo nguyên thuỷ) hay Hinayana, là phật giáo hiện tại ở phần lớn các nước ĐNA : Miến điện, Thái lan, Lào, Cam pu chia, Nam bộ (VN)...Người Kinh theo phật giáo Đại thừa (Mahayana) giống như ở TQ, Triều tiên, Nhật bản.
Hiện tại quan hệ giao lưu kinh tế văn hoá với các nước ĐNA dễ dàng qua du lịch, sách báo, Internet, cho nên người ta không khỏi liên tưởng tới những tượng phật ở các nước này khi nhìn tượng Trần Nhân Tông được đặt ở tháp Huệ quang trong chùa trên núi Yên tử (Quảng ninh). Quả thật nếp áo của bức tượng được vắt qua vai trái, hở vai phải, không khác gì những lớp quần áo mà người Thái, người Miến ,.. mặc cho các tượng phật của họ. Họ theo phật giáo Tiểu thừa, vậy tượng Trần Nhân Tông có dấu vết Tiểu thừa, cứ như thế mà suy luận ra, đúng quá còn gì ?

Thế rồi bầy đặt ra Trần Nhân Tông khất thực ở Cham pa, khi sang thăm nước này vào khoảng năm 1300. Tại sao ? Vì Trần Nhân Tông lúc đó đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, để đi tu (mặc dù ông vẫn giữ chức Thái thượng hoàng như tục lệ của nhà Trần). Đi tu lại có « dấu vết tiểu thừa » thế thì phải đi khất thực lại càng đúng nữa,vì ai chẳng liên tưởng tới hình ảnh các đoàn sư áo vàng, đi khất thực buổi sáng ở các nước ĐNA kể trên khi nghĩ tới đạo phật nguyên thuỷ.
Đáng tiếc là những điều đó không đúng. Cái sai ở đây là người ta đã không tìm hiểu phật giáo ở ĐNA vào thời nhà Trần, cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV là như thế nào, bởi vào thời điểm đó phật giáo ở ĐNA là phật giáo Đại thừa. Không phải là phật giáo Tiểu thừa. Vậy làm sao mà vua Trần Nhân Tông có thể có nếp áo Tiểu thừa được (ngoại trừ nếu giả thiết bừa là ngài được phật Thích Ca báo mộng, hay đã từng bí mật vi hành qua Ấn độ mà triều đình cũng như các nhà viết sử VN lúc đó không biết).

Đạo Phật vào ĐNA qua đường biển bắt đầu từ khoảng đầu công lịch, tức là khoảng 500 năm sau khi phatj Thích Ca nhập Niết bàn. Phật giáo theo chân các thương nhân Ấn độ trên đường đi tìm vàng và hương liệu. Các thương nhân Ấn thường theo đạo Phật, vì nếu họ theo đạo Bà la môn một cách « thuần thành » thì không được phép rời Ấn độ, còn trong đạo Phật không có điều cấm kỵ ấy. Cũng có người cho rằng phật giáo xuất dương vì chính sách truyền đạo Phật của vua Ashoka (tiếng việt vua A dục), lại có cả thuyết các đoàn truyên giáo Ấn đã từng đặt bảo tháp, hay cột kinh ở Đồ Sơn (Hải phòng). Khi đạo phật xuất dương như thế thì đó là đạo phật đương đại ở Ấn độ. Lúc đó đạo phật thịnh hành ở Ấn là đạo phật Đại thừa, thậm chí còn là dòng cuối cùng của Đại thừa là Mật tông (Tantrisme) chứ không phải là phật giáo Nguyên thuỷ (theraveda). Như vậy việc phật giáo du nhập vào ĐNA đi theo quá trình ngược lại của phát triển phật giáo ở Ấn độ. Nó bắt đầu bằng Mật tông (Tantrisme), rồi Đại thừa (Mahayana), và cuối cùng là Tiểu thừa (Theraveda). Trong khi theo lịch sử phật giáo thì Theraveda có trước, rồi tới Mahayana cuối cùng là Tantrisme.

Trong quá trình giao lưu văn hoá với các sắc dân bản địa ở ĐNA (người Môn, người Khơ me, người Mã lai, người Piu, người Chàm, người Kinh ,..) văn hoá Ấn độ thâm nhập vào vùng đất này. Ngoại trừ Giao chỉ, tức là miền Bắc và bắc trung bộ VN đã có một hệ thống hành chính kiểu TQ (lúc này là thời Bắc thuộc), các tộc người khác đều chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn độ mà lập nước. Nhà nước kiểu Ấn độ đầu tiên được thành lập ở ĐNA còn được ghi lại trong sử (qua các sử gia TQ) là nhà nước Lâm Ấp mà trung tâm của nó là tỉnh Hà tĩnh ngay nay.

Trong các nhà nước này, chính quyền được cấu thành theo kiểu vua Thần (Devaraja), xã hội có đẳng cấp, theo kiểu Bà la môn. Tông phái Bà la môn thịnh hành nhất là phái thờ thần Si va, mà biểu tưởng là cái linga, như người ta còn thấy ở di tích Mỹ sơn, ở các tháp Chàm, hay ở các di tích khác ở các nước ĐNA..Bên cạnh đó tồn tại Phật giáo Đại thừa. Ở vùng đất mà ta quan tâm vì có quan hệ mật thiết với VN là Cam pu chia, Cham pa... thì đạo phật Đại thừa hưng thịnh nhất vào thời vua Jayavarman VII thế kỷ XII. Lúc này phật giáo Đại thừa là quốc đạo ở Cam pu chia (lúc đó là Phù Nam), và cũng đồng thời là quốc đạo ở Cham pa, vì Cham pa bị nội thuộc vào Phù Nam khoảng 20 năm trong thời kỳ này. Sau khi Jayavarman mất thì ở Cam pu chia, quyền lực lại trở về với tông phái Si va của đạo Bà la môn.
Vào thời điểm vua Trần Nhân Tông sang tham Cham pa , rồi hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chàm lúc này là Chế Mân ở nước này trong cung đình thì theo đạo Bà la môn phái Si va, còn dân chúng nói chung theo đạo Phật đại thừa. Dấu vết của đạo phật đại thừa còn để lại đến ngày nay qua các bức tượng Quan Âm (Avalokitesvara) hay tượng Bát nhã ba la mật đa (Prajnaparamita). Một trong hai biểu tượng lớn nhất của phật giáo Đại thừa. Tượng Bát nhã Ba la mật đa thường là tượng có hình phụ nữ. Loại tượng này không tồn tại ở Đại Việt cũng như là ở các nước Đông Á theo phật giáo Đại thừa khác như Nhật, Triều tiên, Trung quốc. Còn tượng Quan Âm thường được tạc với hình đàn ông hay thuộc dạng , chứ không phải là « phật Bà » như ta quan niệm. Trong bảo tàng châu Á ở Paris, khách viếng thăm có thể chiêm ngưỡng những bức tượng này. Tôi không rõ trong bảo tàng Chàm ở Đà nẵng, có loại tượng này không ?. Tóm lại không có phật giáo Tiểu thừa ở Cham pa, và nói rộng ra ở ĐNA vào thời kỳ đó để vua Trần mang về Đại Việt. Có lẽ vua Trần Nhân Tông chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt văn hoá phật giáo Tiểu thừa như thế nào. Ngược lại về mặt lý thuyết kinh kệ, thì đó là điều không phải xa lạ với bất cứ một người nghiên cứu phật giáo đại thừa nào, bởi vì trong các tông phái Đại thừa (nếu tôi không nhầm thì có 9 tông), trong đó có 3 tông là Tiểu thừa. 3 tông Tiểu thừa này cũng thịnh hành ở TQ vào khoảng thế kỷ thứ IV đời nhà Tuỳ, trước khi tịnh diệt. Cho đến nay, khi người ta học theo phật giáo Đại thừa, cũng vẫn có phần nói tới 3 tông này.

Vậy cái áo trên tượng vua Trần Nhân Tông để hở vai phải có ý nghĩa gì ? Nó chỉ có ý nghĩa là y phục của tăng ni theo phật giáo Đại thừa theo kiểu ĐNA ,không chịu ảnh hưởng của y phục TQ mà thôi. Nó cũng chứng tỏ, phật giáo vào VN theo nhiều nguồn, có nguồn trực tiếp từ ĐNA lên có nguồn từ TQ xuống. Người ta cũng có thể suy rộng ra là y phục của phật giáo VN thời nhà Trần là y phục phật giáo như ở các nước ĐNA, được truyền trực tiếp từ Ấn độ qua. Trong khi kinh kệ, vì dùng chữ Nho nên lại nhập từ TQ qua. Vì thế văn hoá VN mới được gọi là IndoChine (tức là ảnh hưởng của cả Ấn độ lẫn TQ, không kể phần bản địa). Nó cũng nói lên một điều là VN và TQ có nhiều điều giống nhau, nhưng không phải vì lý do VN học TQ, mà vì cả VN lẫn TQ đều học chung từ một nguồn, thậm chí cái nguồn ấy vào VN trước rồi mới sang TQ, mà phật giáo Đại thừa là một ví dụ.
Cách để hở vai phải cũng có ở trong phật giáo TQ. Dấu vết của nó chính là cái vuông vải mầu vàng lớn, được vắt lên vai trong y phục của các hoà thượng TQ, mà người ta có thể thấy ngay cả trong những phim « mì ăn liền » về « chưởng » về « công phu » của Hồng Công . Có điều khác là họ không khoác trực tiếp lên người, có lẽ vì đó là y phục của vùng Trung Á, hay có thể vì lạnh quá mà người ta không thể mặc thế được. Nhiều khi cái khăn vắt vai này còn có mô típ ca rô, bởi vì về nguyên thuỷ, đó là một trong tam cụ của chư tăng, và nó phải là vải chắp vá từ những miếng vải hoả thiêu người chết ghép lại.

Phật giáo Tiểu thừa thì vào ĐNA khá muộn, từ thế kỷ XIV, từ miền Nam Ấn (bang tamil nadu ở Ấn độ hiện tại). Tức là lúc mà bắc Ấn độ đã bị người Hồi giáo xâm lược và thống trị một phần. Đạo Phật ở Bắc Ấn và lưu vực sông Hằng đã bị huỷ diệt. Đại học phật giáo nổi tiếng Nalanda không còn nữa.

Những nhà nước theo phật giáo Tiểu thừa đầu tiên ở ĐNA là ở Hạ lưu sông Mê nam của người Môn (đất Thái lan ngày nay), hay ở vùng đồng bằng ven biển Miến điện. Sau này người Thái xâm lược Phù nam (Cam pu chia hiện tại), làm tan rã nhà nước này, cùng đồng thời truyền phật giáo Tiểu thừa vào. Nhưng phật giáo Tiểu thừa không bao giờ ra tới Cham pa. Ở nước này, sau phật giáo Đại thừa tuyệt diệt, người Chàm đã theo hồi giáo, cũng là do thương nhân Ấn truyền đạo chứ không phải trực tiếp từ người Ả rập. Dấu vết của nó là tông Hồi giáo bani (nghĩa là hồi giáo cổ),hiện chỉ có trong tín ngưỡng của người Việt gốc chàm ở Phan rang, Phan Thiết, theo đó người ta vẫn theo mẫu hệ (dù hồi giáo là phụ hệ triệt để), và còn giữ được nhiều tín ngưỡng từ Ấn độ giáo. Ngược lại người việt gốc Chàm ở An giang hay Tây ninh, hay người Chàm ở Cam pu chia (tỉnh Công pông chàm) thì theo hồi giáo đợt sau (nhập từ Java vào), triệt để hơn.

Tóm lại về mặt lịch sử, vua Trần Nhân Tông không thể nào tiếp xúc với một văn hoá phật giáo Tiểu thừa được, mà nó chỉ là phật giáo Đại thừa không bị văn hoá Trung quốc bản địa hoá mà thôi. Tức là ngài đã được mục kích một « original indian version of buddhism Mahayana », và cái nếp áo trên tượng của ngài là một minh chứng cho việc này.
(còn tiếp)
Phó Thường Nhân
Việc một người viết báo viết nhầm cũng không phải là điều gì đặc biệt, nhất là trong trường hợp người viết có thể không phải là người có chuyên môn để có thể thẩm định một vấn đề, mà chỉ là người truyền tin lại. Nhưng ở đây nó lòi ra một vấn đề thú vị, đó là khi thấy « không giống TQ » người ta đã quy cho nó là Tiểu thừa, tức là mặc nhiên coi TQ là tiêu chuẩn là kiểu mẫu cho phật giáo Đại thừa, trong khi đó phật giáo Đại thừa ở TQ chỉ là một phiên bản bản địa hoá của phật giáo đại thừa khi nhập vào vùng đất này thôi.

Cái này cũng giống như việc khi chủ nghĩa Mác thâm nhập vào xã hội TQ thì sinh ra .. chủ nghĩa Mao. Nhưng chủ nghĩa Mao không phải là chuẩn của chủ nghĩa Mác. Hãy tưởng tượng ở VN, do một vấn đề kỹ thuật nào đó người ta sẽ dịch quyển « làm gì » hay quyển « một bước tiến hai bước lùi » của Lê nin qua bản dịch tiếng TQ ra tiếng việt, thì điều đó có đồng nghĩa với việc chủ nghĩa Mác vào Việt nam thông qua TQ và thông qua chủ nghĩa Mao không ? Hiển nhiên là không, nhưng nếu nhìn không kỹ thì người ta rất có thể lầm lẫn.
Việc phật giáo thâm nhập VN cũng vậy. Khác với hai nước cùng chịu ảnh hưởng của văn hoá TQ là Triều tiên và Nhật bản, ngoài đường TQ, đạo phật còn vào VN trực tiếp từ Ấn độ qua con đường ĐNA. Chỉ vì sau này, do không còn tiếp xúc trực tiếp với đạo phật đến từ Ấn độ (do đạo phật đã suy tàn ở đây), cũng như vì lý do kỹ thuật (ở đây là dùng chữ Nho) mà phật giáo VN có mầu sắc TQ nhiều hơn. Và điều này cũng chỉ xẩy ra từ thế kỷ XVI trở lại đến đầu thế kỷ XX.

Vậy phật giáo Đại thừa không bị trung quốc bản địa hoá, diện mạo nó thế nào ?
Theo nhận xét của tôi thì có lẽ nó khá giống phật giáo Tiểu thừa tồn tại hiện nay ở các nước ĐNA, vì trong thực tế khi phật giáo thâm nhập ĐNA nó mang theo phật giáo như một hệ tư tưởng, nhưng cũng đồng thời là một sự nhập khẩu văn hoá. Nếu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng thăng trầm thay đổi theo thời cuộc, lúc thịnh lúc suy thì ảnh hưởng văn hoá là liên tục. Ảnh hưởng của Ấn độ vào ĐNA cho tới thời cận đại dù là Phật giáo tiểu thừa, đại thừa, hay mật tông, huặc hồi giáo... nó vẫn đi kèm theo văn hoá Ấn độ. Ví dụ cái giải vải vắt qua vai trên tượng phật không phải hoàn toàn là một biểu tượng tôn giáo, mà nó cũng là cách ăn mặc của người Ấn. Hiện tại phụ nữ Ấn vẫn còn choàng cái khăn sa ri tương tự như thế. Vậy Đại thừa hay Tiểu thừa có lẽ nó không ảnh hưởng tới điều này. Nếu để ý một chút thì người ta còn thấy nhiều điều thú vị hơn. Ví dụ, các tượng phật tiểu thừa « thật sự » của người Thái chẳng hạn, như tượng phật đứng gọi là tượng phật cầu mưa, lại mặc áo dài. Ngược lại nếu là tượng trong tư thế ngồi thiền, thì lại có giải vải vắt qua vai trái. Phải chăng cái này là dấu vết của phật giáo Đại thừa ngày xưa còn sót lại ?

Một điều chung nữa giữa Đại thừa « Indian version » và tiểu thừa ngày nay, có lẽ là việc khất thực. Ngược lại việc một người bình thường có thể xuống tóc vào chùa một thời gian rồi hoàn tục như ở Cam pu chia, Thái lan, Miến điện hiện tại thì lại là tục riêng bản địa của phật giáo ở những nước này.
Như vậy nhiều điều (khất thực, kết hạ, ăn một bữa, không ăn chay, ...) có thể là nét chung của phật giáo « indian version » bất chấp nó là Đại (thừa) hay Tiểu (thừa). Còn những điều mà ta nghiễm nhiên coi là Đại thừa « chuẩn » (ăn chay, hai bữa, không khất thực, mặc kín quần áo, đốt 6 chấm hương trên đỉnh đầu ..) chỉ là một phiên bản của phật giáo Đại thừa TQ, mà do tâm lý người ta nghiễm nhiên coi nó là « standard », kiểu nhầm chủ nghĩa Mao là « chuẩn » của chủ nghĩa Mác.

Nhưng như vậy có thể coi vua Trần Nhân Tông sang thăm Chiêm thành bằng con đường « khất thực » được không ?
Sử không viết về điều này, mà chỉ nói là vua có cả một đoàn tuỳ tùng sang theo, ở Đại Việt cũng không có truyền thống sư khất thực, vì các chùa ở Đại việt đều có ruộng và nông nô làm « kinh tế », vì thế đi tu ở Đại Việt là một đặc ân. Nếu tôi nhớ không nhầm thì sử ghi chép rất nhiều những lần vua các triều đại Lý , Trần « độ dân làm sư », hay đặc ân cho những người lính già có công được làm sư. Không phải cứ tự nguyện muốn thành sư mà được. Trong lần thăm Chiêm thành này, vua Trần Nhân Tông ở tới 7 tháng, còn gặp gỡ và hứa gả con gái cho vua Chàm. Vì thế khả năng vua khất thực ở Chiêm thành khó có thể xẩy ra, vì cả vị thế, truyền thống tu hành, số lượng người đi cùng, quan hệ ngoại giao... khiến chuyện này khó có thể là hiện thực.

Tại sao vua Trần Nhân Tông lại sang thăm Cham pa được ? Điều đó xẩy ra vì thời kỳ này là một thời kỳ đặc biệt trong quan hệ giữa Đại Việt và Cham pa. Dưới thời vua Trần Nhân Tông, cả hai nước đã hợp sức kháng chiến chống quân Nguyên. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 xẩy ra, bởi vì Đại Việt không chịu cho nhà Nguyên mượn đường đánh Cham pa và nhà Nguyên đã đánh 2 nước cùng một lúc. Thoát Hoan dẫn quân vào Đại Việt, còn Toa Đô thì vượt biển đánh Cham pa. Trong sử VN, việc Toa Đô đánh Cham pa vốn được coi là chiến thuật gọng kìm để đánh Đại Việt, nhưng trong thực tế đó là một cuộc xâm lược Cham pa. Quân của Toa Đô cũng bị quân Chàm đánh không chiếm đóng nước này được. Còn cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3, có lý do là nhà Nguyên muốn trả thù lần thứ 2 bị thất bại. Hai nước hoà hảo với nhau vì những nguyên nhân đó. Nhưng việc hoà hảo này bị đổ bể sau vụ công chúa Huyền Trân, được Trần Khắc Chung cứu mạng khỏi phải bị hỏa thiêu cùng với vua Chế Mân. Bản thân sự việc này về mặt tôn giáo cũng chứng tỏ ở Cham pa, đạo Bà la môn là quốc đạo, ít ra là trong triều đình vì cái luật hoả thiêu thê thiếp theo chồng là truyền thống của đạo Bà la môn, còn tồn tại đến tận thế kỷ XIX ở Ấn độ, trước khi bị người Anh cấm.

Việc Trần Nhân Tông mặc dù đã đi tu, nhưng vẫn góp phần làm tăng cường quan hệ quốc tế Cham pa – Đại Việt, có phải là chứng tỏ « tính Nho giáo » của ngài như trong bài báo ngầm có ý nói tới không ?
Không phải. Hiểu như thế là đã đánh giá quá cao vai trò của Nho giáo vào thời nhà Trần. Điều này cũng không đúng. Vai trò của nho giáo lúc này chẳng những ở Đại Việt mà ngay cả ở TQ cũng không cao. Lúc này ở TQ là thời nhà Nguyên. Quốc đạo của nhà Nguyên là Mật tông dòng Tây tạng. Các vua nhà Nguyên, ngược với các vua nhà Thanh sau này, không ai là Nho gia cả. Nho giáo chỉ được dùng để kiểm soát hệ thống quan lại người Hán dưới quyền người Mông cổ mà thôi.
Phải đến lúc Chu nguyên Dương lập ra nhà Minh, thì đạo Nho ở TQ mới được coi là quốc đạo và lên hương khởi sắc trở lại. Lúc đó ở VN tương đương với cuối đời Trần Anh Tông.
Ở VN thời Trần cũng có nho gia, ví dụ như các vị Chu văn An, Trương Hán Siêu, Đàm Dĩ Mông, hay Trần Nguyên Hãn (ông ngoại của Nguyễn Trãi) ..nhưng nếu để ý thì người ta có thể thấy họ đều là người ngoại tộc với nhà Trần. Thời nhà Trần, các chức vụ trong triều đình đều được phân bổ theo dòng máu, hoàng tộc, còn thừa chỗ mới đến lượt nho gia. Nho gia thời nhà Trần chỉ làm công việc kiểu « chuyên gia » trong bộ máy hành chính,vì biết viết chữ, không phải là những người có thực quyền. Vai trò của nho giáo như vậy là khiêm tốn.
Bản thân Trần Nhân Tông cũng để lại các trước tác về phật giáo, còn được ghi lại trong « Tam tổ thực lục », ví dụ bài « Cư trần lạc đạo ». Không có tác phẩm nào của ngài nói về nho giáo. Còn nếu bảo vì ngài biết chữ Nho đọc được các sách của Bách gia chư tử thì là nhà nho, thì khác nào bảo ai biết đọc tiếng Anh cũng là người Mỹ. Người ta chỉ có thể được coi là Nho gia, nếu luân lý của nó trở thành một niềm tin, một lẽ sống, một cách thức sinh hoạt... Điều này không đúng với Trần Nhân Tông.

Còn nếu nói « là nhà Nho vì biết lo cho nước » thì lại càng sai lầm, vì người khai sinh ra Đại Việt, Ngô Quyền chẳng có tí Nho nào cả. Đinh bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, có khi còn mù chữ Nho (tức là không biết chữ). Lý công Uẩn lập ra nhà Lý, học vấn là do nhà chùa dậy. Đâu phải cứ là Nho gia mới biết lo việc nước.

Tóm lại hoàn toàn không có chuyện « tam giáo đồng nguyên » theo kiểu người viết bài báo nói trong thái độ hành xử của Trần Nhân Tông. Cũng phải nói thêm là câu « Tam giáo đồng nguyên » được dùng để chỉ đạo Lão, đạo Phật, đạo Nho, chứ không phải để nói Tiểu thừa, đại thừa, Nho giáo.
summoner131
Ông ngoại của Nguyễn Trái là Trần Nguyên Đán bác ạ, Trần Nguyên Hãn là cháu nội Trần Nguyên Đán
Phó Thường Nhân
Giải mã tượng Trần Nhân Tông.
Rất đáng tiếc là tôi chưa được mục kích tận mắt bức tượng này, vì chưa có dịp lên Yên tử, cho nên những nhận xét chỉ theo ảnh chụp tôi được xem. Bức ảnh đăng kèm trong bài báo của vietnamnet quá nhỏ để có thể nhìn rõ. Tôi có một cái ảnh khác to hơn, rõ ràng hơn là minh hoạ trong quyển việt nam phật giáo sử lược của Nguyễn Lang(còn được biết dưới cái tên thiền sư Thích Nhất Hạnh).

Một bức tượng, đặc biệt là tượng phật giáo thường có ý nghĩa. Để phân biệt tượng nào là tượng nào, vì khác với tượng hiện đại hay theo truyền thống phương Tây là tượng truyền thần, các tượng phật giáo đều na ná giống nhau. Không thể theo nét mặt mà đoán ra là ai. Không kể do tư duy luân hồi, mỗi nhân vật có thể có nhiều kiếp khác nhau, khiến hình dạng khác nhau. Kết quả cùng một tượng, ví dụ tượng Quan Âm, người ta có thể tìm thấy vô số các mẫu tượng khác nhau. Nếu không biết có thể nhầm nó với tượng Shiva, Vishnu, Brâhman...Để biết đó là tượng quan âm thì tượng thường phải có thêm một tượng phật A di đà được tạc ở trong búi tóc. Điều này cũng có thể vẫn đúng với tượng đã chịu ảnh hưởng văn hoá TQ. Ví dụ, tượng phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Phật tích, trên cùng trong búi tóc của bà vẫn có tượng phật A di đà.

Ý nghĩa của các tượng phật giáo nằm ở trong thế tượng và dáng bàn tay. Trong đó có lẽ dáng bàn tay là quan trọng nhất. Các dáng bàn tay này không phải vô cớ tuỳ tiện mà có, mà nó có chuẩn,mỗi dáng có một tên gọi và một ý nghĩa. Tuỳ theo ý nghĩa này mà người ta có thể hiểu người làm tượng, và người đặt tượng muốn nói gì, cũng như là thể hiện vị thần vị phật nào. Mọi người có thể tìm thấy những dáng cơ bản này trong google, tìm từ Mudra.

Dáng tay là một dấu ấn của văn hoá Ấn độ. Khác với văn hoá Trung quốc truyền bá chủ yếu qua văn tự là chữ Nho, văn hoá Ấn độ truyền bá qua vũ điệu, nghi lễ tôn giáo, nhạc, một dạng multimedias cổ điển. Chính vì thế mà văn hoá Ấn độ không cần đồng hoá, mà chỉ thâm nhập thẩm thấu vào văn hoá bản địa. Với một người Kinh vốn quen với văn hoá Trung hoa hơn, tức là tiếp nhận bằng văn tự, nhận thức được cái dạng multi medias Ấn độ này cũng không dễ. Tôi còn nhớ hồi nhỏ được bố mẹ cho đi xem múa cung đình Cam pu chia, bao gôm những trích đoạn của « Riêm kê », tức là tên Cam pu chia của bản trường ca Ấn Ramayana. Lúc đó tôi đã ngủ gật, vì chẳng hiểu gì cả. Muốn hiểu thì phải hiểu thế tay dáng chân, cách đưa mắt...rồi phải thuộc cả tích trước. Xem múa Riêm kê không khác gì người đi nghe nhạc giao hưởng. Càng về sau, càng tìm hiểu nguồn văn hoá này (vì nó ảnh hưởng tới văn hoá VN, đặc biệt là phật giáo, rồi lịch sử VN như lịch sử chàm, phù nam, Tây nguyên,.. nhưng do người ta cứ cắm mặt nhìn văn hoá Trung quốc nên quên đi, rất là phí của), tôi càng cảm nhận được nó nhiều hơn.

Những ngôn ngữ hình thế (body langage) này được đưa vào phật giáo rõ ràng nhất là từ mật tông (Tantrisme), tức là là dòng phật giáo đầu tiên du nhập vào ĐNA và Đông Á. Ở Nhật người ta gọi là chính tông (tông ở đây là ngôn ngữ, không phải là tông phái) bởi tantrisme cần 3 biểu tượng: dáng tay (mudra) được gọi là thủ ấn, mantra được gọi là thần chú. Mandala là hình ảnh để « trụ tư duy ». Hiện tại trong bất cứ một kinh phật nào vẫn có thần chú. Ví dụ câu thần chú đọc ở cuối cùng trong tâm kinh chẳng hạn. Trong Kinh Pháp Hoa, những phẩm cuối của kinh, phẩm nào cũng kết thúc bằng thần chú cả. Đó là những câu chỉ cần đọc mà không cần hiểu, nhưng nó có tác dụng « trợ lực », linh thiêng. Đấy chính là dấu vết mantra của mật tông (hay chính tông).

Không những chỉ mật tông, mà yoga cũng cần dáng tay, và hình thể nói chung. Dáng ngồi Thiền mà người ta hay thấy trong những tượng phật, chính là một trong những dáng yoga này.

Nếu giả thiết là tượng Trần Nhân Tông là một tượng làm theo chuẩn của Đại thừa « Indian Version », thì có nghĩa là người làm tượng phải biết các chuẩn của văn hoá Ấn độ tôi đề cập ở trên. Vậy cái « mudra » (thế tay) tượng Trần Nhân Tông nói lên điều gì ?

1- Thứ nhất, tượng này không phải là tượng ngồi thiền. Vì nếu là tượng ngồi thiền, thì thế tay phải để trước bụng, hay lòng bàn tay phải ngửa lên trên và hai ngón cái phải chạm nhau. Ngay cả việc tượng « mở mắt » cũng chứng tỏ nó không phải là tư thế ngồi thiền. Như vậy tượng Trần Nhân Tông được tạc với ý nghĩa một vị thánh.

2- Chính xác cái thế tay kia, ý nghĩa nó là gì. Rất đáng tiếc là tôi không tìm được chính xác. Nhìn trên ảnh thì thấy hai bàn tay của ngài để trên gối, lòng bàn tay úp xuống đất. Nhưng chỉ có 2 ngón chỉ xuống đất còn hai ngón út và giáp út thì cụp lại. Tôi không rõ đó là vì hay ngón tay này bị gẫy, hay tượng được tạc như thế.
Cách đây rất lâu, khi tôi tò mò tìm hiểu những điều này thì tôi nhớ là thế tay kiểu này là thế tay « trị vì » (souverainty), kiểu như một vị vua. Dường như là ý nói « sở hữu đất này ». Nhân đọc cái bài viết trên vietnamnet, làm tôi nhớ lại. Nhưng đáng tiếc là tôi không tìm được chứng cứ. Tức là không tìm lại được cái mudra của tượng nữa. Vì thế ai có thể có tư liệu về cái mudra này thì poste lên cho mọi người cùng tham khảo.

Vì không tìm lại được cái thế mudra chính xác, tôi đành nhận xét ở đây theo kiểu suy luận, tức là chập các mudra có hình thức hao hao như thế để đoán. Có hai hình mudra có vẻ gần gũi nhất với thế tay tượng này đó là thế tay phật lấy đất làm chứng cho mình đã giác ngộ. Thế đó một tay để trên đầu gối, lòng bàn tay quay xuống dưới, nhưng cả 5 ngón tay đều chỉ xuống đất. Còn tay kia thì để vào giữa lòng, khum lại, ngửa lòng bàn tay lên trên như là thế thiền. So với thế tay tượng Trần Nhân Tông thì nó giống việc tay chỉ đất úp xuống dưới, nhưng tượng úp cả hai tay. Chứ không phải một.

Nếu hai ngón tay không bị gẫy, mà người ta tạc như thế, thì thế tay hai ngón chỏ giơ ra được gọi là thế Bát nhã (Prajana) tức là đã ngộ , ngộ Bát nhã ba la mật đa (Prajana paramita).
Ở trên tôi có nói tới trong Đại thừa « indian version » có các loại tượng Prajana paramita, nhưng tôi cũng nói thêm là nó là tượng nữ. Cũng phải nói thêm nữa, là cái tượng Prajana paramita mà tôi thấy ở bảo tàng châu Á ở Paris, về hình thức là tượng mẹ của vua Chàm. Có nghĩa là nó còn được dùng như thờ cúng tổ tiên. Cái này thì cũng hiểu được « lô gíc » của nó, vì người mất được coi như đã đi qua bờ bên kia, cũng là ý nghĩa của từ parammita.

Vậy tượng của Trần Nhân Tông có thể coi là loại tượng này không ? Tôi chịu. Vì thế cứ để ngỏ nó như thế này cho mọi người suy ngẫm tìm hiểu.

@Sum,
Cám ơn Sum. Đúng vậy, Trần Nguyên Hãn là tướng của nhà Lê, bị Lê Lợi giết về sau. Còn ông của Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán.
cheers.gif
Skywalker
Ồ, nhà em cũng có ý nghĩ rằng tác giả bài báo trên VietnamNet đã nhầm lẫn giữa Đại thừa nói chung với Thiền tông Trung Hoa (tông Lâm Tế). Giáo lý của Trúc Lâm là nhập thế cứu đời, kiểu lý tưởng Bồ Tát Đại thừa chứ không chuyên về tu hạnh xuất gia như Phật giáo Nguyên thủy mà em biết. Còn chuyện body language thì quả là thú vị, nhưng hình như pho tượng trong tháp Huệ Quang bị kẻ nào đó bẻ gẫy 2 ngón tay 4, 5 bên phải chứ không phải nguyên tác 2 ngón cụp lại đâu. Em có nhìn tận mắt pho tượng một lần song vì tối quá nên không rõ vết gãy vỡ, chỉ nghe người đi đường nói chuyện, trải hàng trăm năm, hẵn là có những kẻ thù ghét hoặc tham lam, mê tín ... dám ra tay hủy hoại. Hy vọng chuyện ngón tay sẽ sớm được kiểm chứng bằng kỹ thuật địa chất để xác định thực hư.

Về tượng ngồi thiền hay không? em nghĩ rằng bác Phó hơi hẹp trong nhận định thế nào là ngồi thiền! laugh.gif sp_ike.gif Chuyện này làng Ven có bác Quý rành hơn, ví dụ như bác ấy ngồi thiền mở mắt, thậm chí ngồi thiền type bài nữa không chừng ...! laugh.gif

Phó Thường Nhân
@Skywalker,
Thiền đúng là có nhiều loại, vì thực ra nội dung của nó là "tư duy" hay "phi tư duy", hay "vừa tư duy vừa không tư duy".
Nhưng trong những thế chuẩn của tượng phật giáo thì cái tượng của vua Trần Nhân Tông không phải là tượng ngồi Thiền. Còn nếu vua có đang Thiền không thì chỉ có vua mới biết. scared.gif

Tôi chỉ được nhìn ảnh, chưa được chiêm ngưỡng ngài tận mắt nhưng cũng có cảm tưởng là hai ngón tay trên bàn tay bị đục bỏ. Chỉ có điều hình như cả hai bàn tay đều bị như thế.

Nếu đúng là hai bên bàn tay đều gẫy như nhau, tức là người ta (ai không biết) cố tình phá chứ không phải gãy tự nhiên, thì rõ ràng đó là tượng Mật Tông. Vì chỉ có trong Mật Tông, thì người ta mới tin tưởng là bản thân cái tượng, ý nghĩa cái tượng có một sức mạnh linh thiêng vô hình. Phá cái thế của nó, tức là phá đi cái nội lực linh thiêng ấy. Có nghĩa là người tạc tượng, người đặt làm tượng, và cả người ..phá tượng đều theo Mật Tông.

Cái lô gíc "đập phá" này, tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, và thường xẩy ra khi có sự thay đổi chế độ. Lúc tôi sang Ai cập, vào những đền đài còn sót lại của Pharaon, thấy có rất nhiều phù điêu bị đục mặt, phá thế. Lúc đó tôi đã thầm nghĩ "đúng là bọn Hồi giáo cuồng tín mới làm thế", nhưng thực ra khi tìm hiểu mới biết là không phải, vì phần lớn chúng bị đời Pharaon ngay sau đó phá.

Nếu có chủ tâm phá tượng thì có lẽ hoặc là vào lúc nhà Minh đang đô hộ Đại Việt, nhưng cũng có thể là vào thời kỳ đầu nhà Lê, lúc Lê Lợi sát hại các công thần của mình có liên quan tới nhà Trần (ví dụ Trần Nguyên Hãn). (Đây là một giả thiết của tôi đặt ra, cần phải chứng minh).





Chitto
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Feb 18 2008, 06:09 PM)

Nếu đúng là hai bên bàn tay đều gẫy như nhau, tức là người ta (ai không biết) cố tình phá chứ không phải gãy tự nhiên, thì rõ ràng đó là tượng Mật Tông.

Nếu có chủ tâm phá tượng thì có lẽ hoặc là vào lúc nhà Minh đang đô hộ Đại Việt, nhưng cũng có thể là vào thời kỳ đầu nhà Lê, lúc Lê Lợi sát hại các công thần của mình có liên quan tới nhà Trần (ví dụ Trần Nguyên Hãn). (Đây là một giả thiết của tôi đặt ra, cần phải chứng minh).
*



Cái này em nghĩ bác suy luận hơn quá xa.

Theo như nhiều nhà nghiên cứu, thì tháp Huệ Quang mà mọi người đang thấy thì chỉ có phần đế dưới chân là từ đời Trần, còn phần trên là đời Lê, thậm chí là đời Mạc dựng lên.

Cái chân đế có chạm hoa sen to hơn hẳn so với cái tháp hiện tại, cho thấy thời Trần đã từng có một tháp lớn hơn hiện tại rất nhiều. Tháp hiện nay được dựng lại sớm nhất là đầu đời Lê, với tâm sức bỏ ra cũng không lớn, do đó hình dáng tháp không được làm cẩn thận.

Em từng đến đó mấy lần, tuy không còn ảnh, nhưng vẫn nhớ rõ là các phiến đá chân tháp thì rất đẹp, khít, đều, hoàn thiện, giống chân tháp Phổ Minh. Nhưng tháp chính là bằng những tấm đá to nhỏ không đều, trái phải không đối xứng, tảng trên tảng dưới cao thấp cho nhau chứ không được làm cẩn thận. Và trên tầng 1 (có tượng) thì lập tức không phải là tháp theo đúng nghĩa nữa, mà thóp lại luôn, chỉ là những khối để chồng lên nhau.

Theo như chân tháp, có thể đoán rằng tháp thời Trần qui mô to lớn hơn nhiều, hình dáng có lẽ giống tháp Phổ Minh, hoặc tháp chùa Dâu, hoặc tháp Bình Sơn, là các tháp tiêu biểu Lý - Trần.

Nếu tháp cũ đã bị phá, liệu tượng trong tháp có còn không? Hơn nữa, tượng hiện nay rất nhỏ, vừa với tháp nhỏ hiện nay, chứ không vừa với tháp cũ lớn hơn. Có tài liệu khẳng định là cả tháp và tượng đều là tác phẩm đời Mạc.


Phó Thường Nhân
@Chitto,

Những điều chitto viết rất thú vị. Về mặt lô gíc thì tôi không thể nói được nó sai hay đúng, vì chỉ có xét nghiệm khoa học thì mới có thể đánh giá được chính xác, còn dùng phương pháp tiếp cận kiểu « văn hoá lịch sử » thì sẽ bị hạn chế,dù sao tôi chỉ đưa ra mấy nghi ngờ thôi:

1- Việc so sánh ngôi tháp Huê quang này với những ngôi tháp khác thời Lý – Trần , đặc biệt là tháp Phổ Minh là một cách phân tích thú vị. Nhưng cũng phải biết hai ngôi tháp có cùng chức năng không ? Trong phật giáo có hai loại tháp. Một loại được sử dụng cho tín ngưỡng, đó là các tháp chứa xá lợi của Phật (ví dụ răng phật, tóc phật,...), khi hành lễ người ta đi xung quanh nó theo chiều kim đồng hồ. Loại tháp này tồn tại trong mọi loại kiến trúc phật giáo từ phật giáo Nguyên thuỷ, đến phật giáo Đại thừa. Một loại tháp thứ hai là tháp tổ, tức là mộ của những vị sư trụ trì trong chùa. Hiện tại, ở VN từ khi có phong trào cải cách phật giáo từ những năm 1920, thì người ta còn thêm vào một cái tháp nữa, đó là tháp xá lợi để vong nhưng người mang người thân lên chùa để cúng. Kiểu tháp này xuất hiện trong các chùa mới ở miền Nam. Tôi không rõ là chùa miền Bắc có không ?
Tháp để « bảo bối » của phật thì thường to cao, vì nó là một bộ phận của chùa. Tháp tổ thì thường là bé nhỏ. Ở Hà nội người ta có thể mục kích những tháp tổ kiểu này rất đẹp ở chùa Trấn Quốc, Nhưng hầu như ở chùa nào cũng có. Tháp Huệ quang là tháp tổ, như vậy khả năng nó làm 'khiêm tốn » là có thể. Còn những tháp còn lại, như tháp Phổ Minh, Bình sơn, ...thì tôi không rõ chức năng của nó là gì.
Tôi có thể đồng ý với việc là tháp được dựng lại về sau, vì đúng là nó có sự lệch lạc về kiến trúc giữa phần trên và dưới. Nhưng mường tượng nó cũng « huy hoàng » như tháp Phổ Minh, thì tôi không chắc. Và có thể có cả khả năng là tháp đổ vỡ, người đương thời nhặt ngay những khối đá còn sót lại để dựng lại tháp. Khả năng đó có thể xẩy ra.

2- Nếu tháp được làm lại, thì làm vào thời kỳ nào ? Hiển nhiên về mặt « đời thường » thì nó có thể được xây lại bất cứ lúc nào, nếu chùa liên tục có sư tăng trông nom. Điều mà bây giờ khó có thể biết, vì chùa VN không giữ lại « sổ hộ khẩu » . Nếu có phân tích thì chỉ có thể phân tích vào thời đại nào, khả năng trùng tu tháp có xác xuất lớn nhất. Tôi thì nghĩ là nếu có thì vào đời Hậu Lê (tức là nhà Trịnh) chứ khó có thể vào thời Lê sơ (vua thái tổ, Thánh tông..được). Còn vào đời nhà Mạc thì càng khó. Nếu chitto còn nhớ luận điểm của họ sau lại xác định vào thời nhà Mạc hay thời Lê sơ, thì tôi rất tò mò xem họ phân tích dẫn giải thế nào, bằng cớ ở đâu.

Cái lý của tôi thế này. Đời Lê Sơ là thời đại Nho giáo độc tôn. Vậy khả năng người ta nghĩ tới truyện trùng tu chùa Phật khó có thể xẩy ra. Thời kỳ này, phật giáo chỉ tồn tại như tín ngưỡng dân gian. Một khả năng nữa khiến việc trùng tu ở Yên Tử rất khó, là bởi nó liên quan tới triều đại ngay trước nhà Lê, nên mọi hành động có thể bị đánh giá là tìm cách khôi phục nhà Trần. Khi kháng chiến chống quân Minh thành công, các công thần có ít nhiều liên quan tới nhà Trần cũ (Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi..) đều bị sát hại hay truất khỏi các chức vụ quan trọng. Hiện tại nói tới triều Lê sơ, lịch sử VN đánh giá cao Nguyễn Trãi vì đúng là ông là một nhà tư tưởng xuất sắc, để lại nhiều trước tác. Nhưng về mặt chức vụ, Nguyễn Trãi « không có thực lực ». Nếu so sánh một cách khập khiễng, thì có thể nói là người ta tôn vinh ông Tố Hữu, vì ông ấy làm nhiều thơ cách mạng. Nhưng vai trò của Tố Hữu trong thực tế lịch sử cách mạng VN không lớn. Vai trò của Nguyễn Trãi thực ra chỉ là vai trò « người cầm cờ » ở trong một hoàn cảnh tương tự.

Thời Lê sơ, sinh hoạt phật giáo thế nào ? Chịu. Nhưng trong văn học VN còn lại bài cúng cô hồn của vua Lê Thánh Tông, tức là bài văn tế được đọc vào ngày « xá tội vong nhân » vào ngày mồng 7/7. Bản thân việc ngày lễ phật giáo này được đề cao, chứng tỏ Nho giáo cường thịnh. Vì sao ? Vì cái lễ này là điểm duy nhất trùng nhau giữa quan niệm Nho và Phật. Đó là chữ HIẾU. Vì nguyên bản của nó là truyện Mục kiện Liên phá ngục cứu mẹ. Với cái nhìn nhà Phật thì đó là việc cứu oan hồn người, khuyến thiện trừng ác. Nhưng với nhà Nho thì đó là biểu hiện của chữ HIẾU (con cứu mẹ). Nhưng điều này người ta cũng có thể chứng kiến những sự kiện tương tự trong lịch sử VN hiện đại. Thời cực thịnh của chủ nghĩa Mác, thì người ta tìm cách thanh lọc những tập tục mà theo người ta là không văn hoá, chỉ giữ lại những gì compactible với « quốc đạo », kiểu thờ Trần Hưng Đạo thì được (vì là anh hùng dân tộc) nhưng thờ đức thánh Trần (vẫn là ông) nhưng để cầu con cái, lên đền ngủ cầu con thì không vì là mê tín.
Chính vì thế với tôi xác xuất trùng tu chùa trên núi Yên Tử khó xẩy ra.

Thời Nhà Mạc càng khó hơn. Vì đó là thời loạn lạc. Tín ngưỡng thời Mạc có lẽ gần với đạo Lão hơn Phật. Trên Cao Bằng không có dấu tích chùa do nhà Mạc xây, ngược lại ở đây có các đền kiểu « Tam Thanh », « Nhị thanh »... tức là đạo Lão. Vùng đất xuất xứ của nhà Mạc cũng là nơi xuất phát đạo Mẫu.
Tóm lại không có một nét văn hoá nào của nhà Mạc, có dấu vết « phật giáo » cả. Nguyễn bỉnh Khiêm, có thể được coi là thuỷ tổ của Nho giáo « mystic » nguyên là tể tướng đời nhà Mạc. Về vườn, ở ẩn ông ấy cũng không theo Phật mà lại là Lý học (Nho giáo « Mystic »).

Chỉ có thời Hậu Lê, tức đời nhà Trịnh thì khả năng « trùng tu » mới cao. Những gì còn là truyền thống của Phật giáo VN ở miền Bắc, cũng là từ đời này. Cũng từ thời này, từ đời chúa Trịnh Tráng, thì trên núi Yên tử mới có sư được ghi vào sử. Đó là thiền sư Chân Nguyên, người phục hưng lại truyền thống Thiền Trúc Lâm Yên Tử ở ngoài Bắc. Chùa Hương, lễ hội chùa hương cũng bắt đầu từ thời kỳ này. Trên trần cửa động Hương Tích, vẫn còn lại bút tích của chúa Trịnh Sâm « Nam sơn đệ nhất động » viết thảo.
Vậy nếu có chuyện trùng tu tháp như bây giờ, xét về mặt văn hoá lịch sử mà nói, thì xác xuất của nó vào đời nhà Trịnh là chính xác nhất.

Ngược lại tôi lại tin tượng Trần Nhân Tông là tượng thật nguyên bản. Nhưng để viết tiếp sau.

Chitto
Người đưa ra ý kiến thân tháp Huệ Quang hiện tại là của thời Mạc là ông Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu và phục hồi di tích hiện nay. Em không rõ lập luận cụ thể của ông thế nào.

(@click here)

Thực ra em cũng nhầm. Đế tháp tuy lớn, nhưng có một tầng bệ (tầng đệm) không lớn lắm, bằng đúng tầng 1 tháp hiện nay. Như vậy qui mô tháp nguyên bản đời Trần về các cạnh đáy cũng không lớn hơn so với bây giờ.


Về tượng Trần Nhân Tông, thì site chính thức của Bộ Văn Hóa Thông tin (và Du lịch) cho biết hai ngón tay ở mỗi bàn tay của tượng không phải bị bẻ mất, mà là gập vào trong, tức là ở thế Thủ ấn. Bác có thể xem tại link sau, có ảnh trong đó. (Hiện giờ có đi Yên Tử cũng không thể chụp được rõ, vì người ta bày đồ cúng, hương hoa che kín phần bên dưới rồi).

http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/mythuat/hoi...chuong2/2.5.htm
Phó Thường Nhân
Nếu vẫn giả thiết là tháp được xây lại khiêm tốn hơn (khiêm tốn tới mức nào thì không thể biết), thì có thể đồng suy ra là tượng cũng được làm lại không. Theo tôi thì không, mà đây là tượng nguyên bản. Tại sao lại thế bởi vì tôi căn cứ vào dáng tượng và chất liệu làm tượng. Thế là thế nào ?

Nếu so sanh tượng vua Trần Nhân Tông với các tượng phật cổ nổi tiếng khác (thập bát la hán chùa Tây phương, Tuyết sơn hành giả, Quan Âm nghin mắt nghìn tay, ..) thì người ta có thể thấy tượng này không giống bất cứ một tượng cổ nào. Ngoại trừ tượng đá chùa phật tích có từ đời Lý. Nó khác cái gì :

1- thân tượng rất mảnh dẻ, giống như thân một tượng vũ nữ nhẩy múa Apsara, có eo. Tượng kiểu có eo này rất thịnh hành trong văn hoá Cham pa, Phù Nam. Nhưng trong tượng của người Kinh thì hoàn toàn không có. Chỉ có một bước tượng nữa « có eo » như thế là tượng phật bằng đá chùa Phật tích.

2- Cách ăn mặc của tượng, mà người ta nhầm là Tiểu thừa như tôi đề cập ở trên (trong khi thực tế vẫn là Đại thừa, chỉ có không phải là phong cách văn hóa TQ)

3- Hai tay « thủ ấn ». Cái dáng tay này cũng không tìm thấy trong các thế tay của các tượng phật khác. « Thủ Ấn » không phải là tên một thế ấn, mà nó là từ chỉ chung các thế tay này (mudra). Còn thế ấn của tay vua (vì bây giờ biết chắc ngón tay không bị bẻ gẫy) thì nó có nhiều phần là thế Bát nhã + Làm chứng ngộ đạo như tôi giả thiết ở trên. Tức là tượng này thuộc loại tượng Bát nhã (Prajna Paramita) vẫn được các nước có truyền thống phật giáo Đại thừa « phi TQ » dùng để dựng tượng tổ tiên sau khi người thân mất.

Ba điều nói trên này người ta có thể tìm thấy trong những pho tượng Phật trong truyền thống đại thừa phương Nam (mà ở trên tôi gọi là Indian Version). Những điều « kỳ dị » với tượng vua Trần Nhân Tông, cũng đúng với tượng Phật đá chùa Phật tích.

Một điều nữa cũng nên để ý là chất liệu làm tượng là bằng đá cứng. Một điều đặc biệt trong số các tượng cổ của người Kinh, ,nhưng lại không đặc biệt với văn hoá Chàm, Phù Nam..

Bây giờ hãy tạm dừng ở đây để xét cái gọi là « tượng cổ VN », tức là những bức tuợng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, Tuyết sơn hành giả, Thập bát la hán chùa Tây phương, Huyền Vũ đền Quan thánh được làm từ thời nào. Thực ra nó rất « mới », mới từ thế kỷ XVII, cùng lắm là cuối XVI trở lại đây.
Tại sao các tượng cổ rất đẹp ấy đều bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI ? Bởi vì đây là thời điểm hồi sinh của phật giáo VN. Cuối thế kỷ XVI tức là vào thời chúa Trịnh ở ngoài Bắc và chúa Nguyễn ở trong Nam. Vì ở đây nói tới tượng Trần Nhân Tông, nên tôi chỉ nói tới đạo Phật ngoài Bắc, nhưng sự phát triển của phật giáo trong Nam cũng gần tương đồng.

Sự hồi sinh của phật giáo này (một sự hồi sinh tương đối, vì phật giáo vẫn là một bộ phận của văn hoá dân gian VN, nên nó chỉ « hồi sinh » một phần nào đó tăng đoàn, tông phái, ...chứ không phải là toàn bộ phật giáo) bắt đầu bằng các thiền sư ..Trung Hoa. Theo như quyển sử phật giáo của thiền sư Thích Nhất Hạnh, thì dòng thiền Lâm Tế lại được truyền lại vào VN qua thiền sư Chuyết Chuyết người Quảng Đông, đến đời thứ hai là Thiền sư Minh Hành (vẫn là người Trung hoa), đến người thứ ba là thiền sư Chân Nguyên, người có công phục hồi lại thiền Trúc Lâm – Yên tử, là người Việt. Không phải chỉ có Thiền, mà phật giáo phổ thông dân gian cũng có một thay đổi mới, đó là việc thịnh hành của Tịnh độ Tông, mà tổ đình của nó là chùa Liên Phái, còn tổ sư của phái này là nhà sư Hải Trừng, đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên. Thiền VN từ lúc này vì thế phần nhiều là « Tịnh Thiền song hành », và câu nói cửa miệng của phật tử VN « Nam mô A di đà phật » (in the name of buddha Amitaus ) bắt nguồn từ đây.

Do Phật giáo được « trung hưng » lại từ nguồn Trung Hoa, mà các tượng bắt đầu từ thời kỳ này mang phong cách Trung Hoa (quần áo, các biểu tượng trong tay, thế ngồi, ...). Một phần lớn các tượng đều làm bằng gỗ mít, phết sơn ta, đúng như kỹ thuật tượng phật giáo ở TQ, Triều Tiên, Nhật bản, ..Ngay cả khuôn mặt, nếu không phải là tượng một thiền sư hay một nhà sư nhất định, thì chúng cũng được tạc theo Standard « Đông Á » này.

Sở dĩ như thế vì cái nguồn phật giáo « phương Nam » đã bị cắt. Do tình trạng Đàng Trong / Đàng Ngoài. Nhưng đó chỉ là một phần, bởi vì ĐNA lúc bấy giờ cũng chuyển sang Hồi giáo. Vì thế Phật giáo « hồi sinh » ở Đàng Trong cũng có nguồn từ Trung Hoa.

Tại sao các nhà sư Trung Hoa lại sang Đại Việt (Đàng trong , Đàng ngoài) làm gì ? Bởi vì lúc đó tình hình TQ biến động, nhà Thanh thay nhà Minh. Các nhà sư TQ không hẳn là đi truyền đạo, mà có khi còn là « tị nạn ». Từ nhà Thanh, phật giáo TQ « chính thống » cũng là Lạt ma giáo (tức là phật giáo Tây Tạng).

Do ảnh hưởng của phật giáo TQ lớn lên, mà các tượng làm đều có dáng văn hoá Trung hoa (tôi gọi là Đông Á, vì các tượng Triều Tiên, Nhật cũng theo một cái thẩm mỹ như thế), vậy nếu tượng Trần Nhân Tông được làm lại ..thì nó không thể có các đặc trưng « Indian Version » như ta thấy hiện thời được.

Không kể các tượng về sau chủ yếu làm bằng gỗ, hạn hữu được đúc bằng đồng. Không có tượng đá.

Tóm lại tượng được làm vào đời nào, sẽ mang dấu ấn văn hoá của thời ấy, quan niệm văn hoá của thời ấy. Chính dựa vào đó mà người ta phân loại tượng thời nào theo phương pháp "văn hoá". Một ví dụ « nhãn tiền » ngay trước mắt, trong cái link mà chitto đưa cho tôi xem ở trên, có cái link dẫn tới bài báo nói về việc dựng tượng Trần Nhân Tông trên núi Yên tử. Cả 7 cái tượng này có tượng nào để ý tới việc Trần Nhân Tông thời đó mặc áo quần ra sao, hay họ (các tạc tượng gia) tượng tượng ông mặc giống như thiền sư Trung quốc, trong khi dưới núi tượng nguyên bản của Trần Nhân Tông có « mặc quần áo » như thế đâu.
Pages: [1], 2, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.