Langven.com Forum

Full Version: Quốc Hội Vn Khóa Một Và Nhà Nước Pháp Quyền
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5]
Phó Thường Nhân
Ở VN đang ồn ào hai vụ “sách giáo khoa Nam Bắc” và “mua tầu TQ”. Cả hai vụ đều có những điều nên đặt câu hỏi và cách giải quyết của nó đã (hoặc sẽ) nói lên rất nhiều điều về quan lý kinh tế, chính sách xã hội, và tinh thần dân chủ. Vụ “mua tầu TQ” đã có vẻ “rơi vào dĩ vãng”, nên tôi bình vụ sách giáo khoa trước.
Có nhiều bộ sách giáo khoa không phải là điều dở. Nhưng bảo nó là tốt tuyệt đối là không phải. Thực tế nó chỉ là hai kiểu quản lý khác nhau (một nguồn hay đa nguồn), và mỗi kiểu đều có cái lợi cái hại của nó. Muốn biết lợi hay hại, thì phải xem mục đích của giáo dục phổ thông là gì. Giáo dục phổ thông phải đem được tới hai điều:
1- Cung cấp kiến thức cơ bản, bắt buộc phải có cho mỗi công dân để họ có thể phát huy được tài năng sáng tạo trong cuộc sống sau này cho chính họ, và từ đó đóng góp cho xã hội.
2- Giáo dục phổ thông cũng là cách thống nhất xã hội về mặt nhận thức tinh thần, nó cũng giống như một dạng “truyền bá tôn giáo” phổ thông.
Cái điều đầu tiên thì bất kể kiểu giáo dục trẻ con nào cũng phải đạt tới. Cái điều thứ hai liên quan tới tính chất cộng đồng, bản chất cộng đồng của giáo dục phổ thông của nhà nước. Nó chính là điểm, là lý do để nhà nước quản lý.
Tuỳ tình trạng nhà nước mạnh yếu khác nhau, mà cái điều 1 hay 2 được nhấn mạnh. Cho đến nay thì tất cả các nước trên thế giới đều có hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo cả hai điều này. Nhưng tuỳ theo quan niệm vai trò của nhà nước, điều kiện lịch sử văn hóa, mà chúng được quản ly khác nhau. Ví dụ ở Mỹ, do là một nước liên bang, nhưng văn hoá Anglo-Saxon chiếm ưu thế, thì họ có hệ thống giáo dục phổ thông mang tính địa phương (không có bộ giáo dục liên bang). Ngược lại Pháp do lịch sử của nó là nhà nước tạo nên dân tộc, giáo dục phổ thông được sử dụng để thống nhất đất nước, nên bộ giáo dục của nó tập trung, chương trình tập trung. Hình thức tập trung này đã có từ hơn 100 năm nay.
Nội dung giáo dục là do bộ giáo dục quyết định, nên việc nói là chỉ có một bộ sách giáo khoa, được nguỵ biện là chỉ do một nhóm người viết là không phải. Điều quan trọng nhất là giáo dục thế để nhằm mục đích gì. Chỉ có khi nào xác định chắc chắn được nó, thì mới có thể thấy rõ một bộ sách hay nhiều bộ sách là có tác dụng tốt hay xấu.
Bây giờ nếu giả dụ có nhiều bộ sách, việc có nhiều bộ sách giáo khoa là cách quản lý được chọn lựa, thì người ta phải thấy được cái gì. Đó cái chuẩn nó ở đâu. Chuẩn bảo gồm nội dung của sách giáo khoa phải đảm bảo được cái gì, để dù học sinh học theo bộ sách nào cũng có đủ kiến thức. Một điều quan trong không kém là cái gì phải cấm ví dụ tính chất ngôn ngữ vùng miền dị biết, địa phương chủ nghĩa, dị biệt tôn giáo, có ẩn ý kích động hằn thù địa phương, chia rẽ ..v..v..
Nếu làm được điều đó, thì có nhiều bộ sách là tốt. Nhưng việc vừa đưa ra, sự đa dạng của nó đã có đặc thù vùng miền (Nam/Bắc) thì rõ ràng là có vấn đề. Và đây chính là cái vấn đề muôn thủa của các nước đang phát triển. Đó là sự đa dạng của nó có hướng cát cứ, chứ không phải là làm giầu có đa dạng cuộc sống.
Một hướng để đa dạng hoá chương trình không nhất thiết phải có nhiều bộ sách giáo khoa, mà để hở một bộ phận chương trình cho các trường và giáo viên chọn thêm sách tham khảo (tất nhiên cũng phải có chuẩn). Một cách đa dạng hoá khác là sách giáo khoa có hướng chuyên nghành. Vì dụ, khi học sinh đã định thi khối A (văn chương) thì chương trình văn, sử phải nặng hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn. Ngược lại đòi hỏi Toán lý hoá giảm đi… ví dụ thế.
Phó Thường Nhân
Tôi viết mấy điều về cái vấn đề “trò chơi giáo dục” này, nó có vẻ xa với chủ đề, nhưng thực ra nó chính là ví dụ nhãn tiền của vấn đề làm sao “thống nhất trong đa dạng”. Nếu có thống nhất trong đa dạng được, thì xã hội mới có cơ dân chủ. Dân chủ mới mang lại tiến bộ xã hội. Còn ngược lại, nó chỉ là cái bung xung cho nước ngoài can thiệp, và sự can thiệp này sẽ dựa vào mầm mống cát cứ nẩy sinh trong nội tại xã hội. Đây chính là điều các dạng thế lực nước ngoài đều muốn dù họ có là đồng minh “chiến lược chiến thuật” hay “đối tác các kiểu” gì đi nữa. Tất nhiên cách đối phó giản dị nhất là “chỉ có nhất thống” (trong trường hợp này là chỉ có một bộ sách giáo khoa), cách đối phó ấy có lợi trong ngắn hạn, nhưng có hại trong dài hạn. Nếu làm như thế thì không khác gì các cụ nhà ta ngày xưa bế quan toả cảng. Chính vì thế mà cách sử sự bây giờ phải khác đi, để nhất thống vẫn được bảo đảm, mà cái đa dạng có lợi được phát huy, còn cái đa dạng có hại thì phải triệt phá.
Từ đó mà có nhiều sách lược khác nhau để bảo đảm điều đó. Ví dụ như tôi nói ở trên:
1- Nhất thống có thể thông qua một cái chuẩn giáo dục. Trong trường hợp này thì có thể có nhiều bộ sách. Trong chuẩn đó phải đề ra được cái gì phải đạt được cái gì không được làm.
Ví dụ . (đây là ví dụ tưởng tượng có tính tượng trưng) người ta phải biết đưa trẻ học lớp nào, thì phải đạt được chuẩn kiến thức nào, kiểu đã hết vỡ lòng thì phải thuộc được bảng chữ cái, biết đánh vần, biết đếm. Học sinh học hết trung học phổ thông thì phải có kiến thức giải phương trình bậc 2, biết được định luật niu tơn, có nhận thức lịch sử về kháng chiến chống Mỹ chống Pháp, có nhận thức về dòng văn học cách mạng..v..v.. Không ai cấm làm nặng chương trình để học sinh hiểu thêm (nhưng không phải là đối kháng với nhận thức chuẩn). Cách này chưa chắc phải là hay nhất.
2- Nhất thống có thể qua một bộ sách giáo khoa cơ bản, bắt buộc. Trong trường hợp này, thì bộ sách trở thành chuẩn. Đây là điều hiện tại đã có. Nhưng người ta có thể bổ xung nó bằng các bộ sách phụ, chuyên đề (sinh, sử, địa, văn, toán, lý, hoá) mà giáo viên, trường, hay sở giáo dục từng đơn vị hành chính có thể bổ xung. Tất nhiên sự bổ xung này cũng phải có chuẩn, để không có sự đối kháng với chuẩn giáo khoa bắt buộc. Điều này rất nhậy cảm trong các bộ môn xã hội nhân văn (sử, địa, văn..) Vì dị biệt ở VN rất lớn (vùng miền Nam Bắc, cách đánh giá với chính quyền miền Nam cũ, văn học vùng miền, lịch sử vùng miền..).
Nhận thức một con người không chỉ chịu ảnh hưởng của giáo dục phổ thông. Mà nó còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, gia đình, hoàn cảnh,trải nghiệm bản thân. Xã hội, gia đình, trải nghiệm bản thân là điều mà nhà nước không thể tác động được. Và bản thân nó gắn bó rất nhiều với vùng miền, tôn giáo, thành thị, nông thôn, rồi vấp váp của mỗi người trong cuộc sống. vì thế bản chất của nó có nhiều điều đã là cát cứ tự nhiên. Chính vì thế , nhà nước chỉ còn có cái phương tiện duy nhất để nhất thống đó là giáo dục phổ thông. Nếu cái chương trình giáo dục này cũng tan nát như cát, rồi lại chịu ảnh hưởng của vùng miền, tôn giáo, lịch sử địa phương mà tạo ra nó thì …chẳng còn gì mà nhất thống. Đây là điều mà người ta phải để ý.
Tại sao lại có đòi hỏi đa nguyên trong sách giáo khoa. Theo tôi nó có nhiều lý do.
1- Học đòi theo nước ngoài. hiện nay VN phải cải cách để nâng cấp giáo dục, và điều mang trọn gói kinh nghiệm, cách làm nước ngoài vào là cách làm dễ dãi nhất.
2- Lợi ích kinh tế nhóm.
Cái điều 1 thì rõ ràng rồi. Còn cái điều 2 thì sao. Tôi lấy ví dụ ngay nước Pháp để thấy nó là vấn đề “toàn cầu”. ở Pháp hàng năm nó vẫn xếp hạng các quyển tiểu thuyết được nhiều người mua nhất trong năm (Bestseller). Hầu như năm nào các tác phẩm của Albert Camus, rồi Saint Exubery (Hoàng tử bé) cũng đứng đầu bảng. Do đâu mà các tác phẩm này sống với độc giả lâu như thế vì chúng ra đời cách đây cả 50 năm. Trong thực tế đó là những quyển sách học sinh phổ thông bắt buộc phải đọc, vì ở Pháp nó không có sách kiểu “trích giảng văn học”. Các tác phẩm này hay cũng là một phần, một phần khác là nhà xuất bản có bản quyền đã làm lobby để chúng luôn nằm trong số tác phẩm học sinh phải đọc. Nhưng tác phẩm này trở thành lợi nhuận “căn cứ địa” của nhà xuất bản, một vốn bốn lời. Đây là tôi nói tới sách văn học, nhưng trong các môn khác, nhưng điều tương tự cũng xẩy ra.
Ở VN, tôi chắc nó cũng không ra ngoài kiểu lô gíc này. Vì nó là dấu ấn của kinh tế thị trường. Sau cái đa nguyên đa dạng ấy là lợi nhuận, là cái bầu vú sữa dựa trên một thị trường sách giáo khoa bắt buộc mà ai cũng muốn bấu véo một tí. Cái lô gíc ngầm này được che đậy bởi tất cả những lý do “khoa học” mà người ta phải bầy đặt ra.
Trong thực tế, một bộ sách giáo khoa chuẩn, không thay đổi (không cần phải thay đổi luôn xoành xoạch) thực ra là có lợi. Vì VN vẫn là một nước nghèo. Nhưng lợi dụng tâm lý xã hội của người Việt, sẵn sàng hi sinh cho con cái học hành, mà nó nẩy sinh ra cảnh này. Tâm lý như thế, thị trường hàng triệu học sinh, lại có tính chất bắt buộc, thì bảo sao mà không là miếng mỡ béo để “kiếm chuyện”. Sách giáo khoa cũng khác gì lịch đầu năm.
Nhưng vì cái quy luật bất thành văn của cơ chế thị trường là như thế, chính sách không nên ngăn cản. Mà nên chỉ ra rõ, phần nào là bắt buộc, phần nào là gia giảm (tôi muốn nói tới điều thứ 2 viết ở trên), làm như thế thì đảm bảo được vừa nhất thống vừa đa dạng mà lại tránh được cái bẫy cát cứ. Vì vì tiền người ta có thể làm bất cứ điều gì, rồi nguỵ trang nó bằng những bằng cớ cao đẹp.
Pages: [<<], [<], 2, 3, 4, [5]
Quán nước đầu làng Ven > Gặp Gỡ - Trao Đổi - Làm Quen > Thời Sự
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.