Langven.com Forum

Full Version: Có Thật Không Cuốn Sách "những Lời Trăn Trối"?
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, 6, 7, [>], [>>]
NVT2002
Cái quyển giáo trình đó được tái bản nhiều lần đơn giản là vì sinh viên bị ép học từ năm này qua năm khác thôi, chứ không phải vì nó ăn khách đâu bác Phó ạ. Bác không học đại học trong nước, nên đâu biết được cuộc đời đen bạc của sinh viên!
Phó Thường Nhân
Khi tôi tìm hiểu triết học phương Tây, trong một quá trình hobby tìm hiểu văn hóa, vì tôi sống ở Pháp, nên chỉ cần mở cửa ra khỏi nhà là đã “nghiên cứu văn hóa” được rồi, thì tôi không hiểu họ muốn nói cái gì cả, tất cả các điều họ đề cập, từ xuất phát điểm tới kết quả đều xa lạ với tôi. Sau đấy tôi mới ngộ ra rằng, nếu muốn tìm hiểu triết học phương Tây thì phải nghiên cứu .. Thiên chúa giáo. Điều này tôi đã từng nói trong diễn đàn này. Tại sao ? bởi các chủ điểm của triết học phương Tây, xuất phát điểm từ Thiên chúa giáo. Sau khi tìm hiểu một hồi nữa đã khiến nó dẫn tôi tới một nhận định chính xác hơn, đó là Triết học phương Tây trong thực chất là trình bầy lại Thiên chúa giáo, với một tập hợp ngôn ngữ khác, siêu hình hơn, mơ hồ hơn, trìu tượng hơn.
Phương Tây vẫn tự hào là chỉ có họ mới có triết học, thật vậy, nếu đi vào một tiệm sách ở một nước phương Tây, thì người ta sẽ thấy phật giáo, Nho giáo (nếu có) được đặt vào phần tôn giáo, và được coi là “sagesse” (tiêng pháp nghĩa là sự thông thái). Nhưng toàn thế giới không có triết học, bởi vì triết học là một bộ phận của tôn giáo. Cái mà phương Tây gọi là “sagesses” trong các nền văn hóa khác thực ra là triết học.
Còn cái họ tự coi là triết học, thực ra là một sự biện luận thiên chúa giáo theo một cách khác. Chính vì thế tôi phân đoạn triết học phương Tây như thế này:
Khởi điểm đó là triết học Hi lạp. Đây là thời điểm mà nhận thức luận của phương Tây cũng đa dạng như bách gia chư tử ở TQ, hay vào thời khởi điểm của phật giáo Ấn độ, khi mà Phật Thích Ca lịch sử tranh luận với các trường phái triết học tôn giáo khác, mà nó được ghi lại trong tam tạng phật giáo nguyên thủy. Ở phương Tây, thời đại này bắt đầu với văn minh Hi lạp, qua văn minh La Mã, cho tới thế kỷ thứ 3, khi đế quốc La Ma coi Thiên chúa giáo là tôn giáo duy nhất của mình. Vào thời đại này (Hi -La), tín ngưỡng, nhận thức xã hội của Hi lạp – La Mã cũng giống như ở TQ, VN, Nhật bản đến tận ngày nay. Vì thế, nhận thức tín ngưỡng hay xã hội của Hi lạp hay La Mã, chúng giống quan niệm của người VN, TQ, Nhật bản hiện tại, hơn là văn hóa phương Tây hiện tại, vì gốc của nó là đa thần giáo. Triết học (philosophia) là do người Hi lạp đặt ra để chỉ khái niệm biện luận lô gic, tức là cũng tương đương với bách gia chư tử ở TQ, hay ở Ấn độ cổ đại.
Chuyện gì đã xẩy ra ở phương Tây vào thế kỷ thứ 3. Đó là khi đế quốc La Mã đã áp đặt Thiên chúa, loại bỏ triết học Hi lạp. Họ chỉ còn giữ lại một học thuyết của Platon. Triết học của Platon lẫn lộn với quan niệm Thiên chúa giáo, được Thiên chúa giáo sử dụng như một sự trìu tượng hóa Thiên chúa. Đây là thời kỳ mà người ta gọi là scolatic, kéo dài suốt thời Trung cổ cho tới .. thế kỷ XIX.
Triết học Hút Xen mà bác Thảo nghiên cứu, vẫn có thể coi là dòng này, mặc dù nó đã ở vào đầu thế kỷ XX.
Phó Thường Nhân
Bây giờ ta hãy xem Thiên chúa giáo quan niệm nhận thức thế nào, và xem “triết học phương Tây” từ sau thế kỷ thứ 3 trình bầy nó thế nào.
Theo thiên chúa giáo. Thế giới là do một ông thần duy nhất tạo ra, được gọi là thượng đế trong tiếng việt. Trong thực tế việc dịch này không chính xác, vì tiếng phương Tây nó là creator, chính vì thế Bác Hồ dùng từ chuẩn nhất, khi bác đã phiên dịch Creator thành “Tạo Hóa”, như khi bác trích dẫn tuyên ngôn độc lập Mỹ trong tuyên ngôn độc lập 2/9. Với người VN thông thường, thượng đế giống như Ngọc Hoàng thượng đế chỉ là một loại “manager”, điều này thấp hơn rất nhiều quan niệm Tạo Hóa (Creator) trong nguyên bản. Tôi không rõ một người theo đạo Thiên chúa VN quan niệm thế nào khi họ đọc chữ Thượng Đế, nhưng ngữ nghĩa nguyên bản của nó có những hệ quả khủng khiếp như sau:
1- Điều thứ nhất. Đó là giữa loài người và chúng sinh với Creator có một biên giới không thể vượt qua được. Nói một cách khác, chúng sinh không có cùng tính chất với Creator. Creator nằm ngoài tất cả khả năng cảm nhận của con người.
2- Điều thứ hai , chúng sinh là do Creator tạo ra, nhưng không phải là một quá trình sinh đẻ, sinh vật, mà là một dạng công nghệ giống như người thợ làm đồ gốm làm ra cái bát cái đĩa. Và vì chúng sinh được tạo ra như vậy, nên nguồn gốc của chúng sinh là “ý tưởng” (Idea), ý tưởng của ai? của ông Creator. Giống như người thợ đồ gốm làm cái đĩa, thì ông ấy phải có “ý tưởng” làm cái đĩa thế nào. Từ điều này mới có khái niệm idealisme được dịch là duy tâm (bắt nguồn từ chữ Idea có nghĩa là ý tưởng, mà nhiều khi ta dịch là lý tưởng) .
Cách dịch này, cũng giống như dịch Creator thành Thượng đế cũng .. sai. Vì nó không chỉ rõ được bản chất của vấn đề. Không kể khái niệm TÂM hoàn toàn không liên quan gì tới cái lô gic “tạo hóa” này của phương Tây.
Nếu bác nào đã đến thủ đô Rôm ma của Ý, rồi vào thăm “Chapelle Sixtine”, tức là đi thăm một công trình kiến trúc nổi tiếng thời phục hưng do Mi ken lăng giơ thực hiện, thì sẽ .. thấy được điều tôi nói ở trên đây. Trên trần nhà của công trình này, Mi ken lăng giơ đã thể hiện qua hội họa bằng một hình tượng cực chuẩn điều 1 tôi nói ở trên, đó là Thượng đế (Creator) và con người không cùng bản chất, khi ông ấy biểu hiện bằng hai hình người giơ hai tay ra mà hai ngón tay không thể chạm vào nhau. (một người là thượng đế Dieu/God một người là con người humanité/humanity)
Nhưng nếu Chúa và con người không thể “lưu thông” được với nhau, thì đạo Thiên chúa làm thế nào. Sự lưu thông của con người với Chúa Trời/Thượng đế/Creator thông qua chúa Giê Xu. Là người được coi đã lấy bửu huyết (máu của mình) rửa tội cho loài người. Lời chúa Giê Xu nói ra được gọi là tin lành (Evangile). Do vai trò của chúa Giê Xu rất quan trọng trong Thiên chúa nên bản chất chúa Giê Xu là gì rất quan trong với đạo Thiên chúa: chúa Giê Xu là con trời ?, là con trời lẫn con người ?, là con người có linh hồn của chúa ?, .. v..v.. mỗi một quan niệm này đều gây nên tranh cãi, ly khai,chiến tranh .. trong tôn giáo này.
Phó Thường Nhân
Triết học phương Tây, từ sau thế kỷ thứ 3 đã trìu tượng hóa những khái niệm thiên chúa này thế nào. Một trong những chủ điểm muôn thủa của triết học phương Tây bàn luận là etre, Etre, essence, trancendantal, ..
Một lần tôi về VN, khi qua Phát Diệm thăm nhà thờ đá, xung quanh đó bây giờ rất khang trang, có cả dạng khách sạn cho người hanh hương, có tiệm sách về tôn giáo (thiên chúa giáo) rất lớn. Tôi vào đó, với mục đích thử xem có sách về triết học tôn giáo nào, do các linh mục viết có thể giúp tôi dịch ra tiếng việt những khái niệm trên không. Nhưng tôi không tìm thấy, dù mua được mấy quyển của các học giả theo thiên chúa giáo VN (là các chức sắc VN trong tôn giáo này viết), nhưng họ chủ yếu viết về thờ cúng tín ngưỡng.
Thực sự mà nói, nếu họ được đào tạo qua Va ti căng, nhưng không mở rộng tầm nhìn, mà chỉ quanh quẩn với các loại thần học của Saint Augustin, Thomas d’arquin, thì họ cũng không dịch cho chuẩn được, nhưng dù sao họ cũng là những người có khả năng chuyển tải những khái niệm trên rõ ràng nhất.
Thời miền Nam cũ, cũng có một số học giả là trí thức Thiên chúa giáo. Nhưng nếu không lao vào “chống cộng”, thì sách vở của họ lại xoay ra tranh ăn với .. TQ, kiểu lý luận vô căn cứ, tự hào dân tộc rởm, đòi Hà đồ, âm dương ngũ hành là của người việt cổ, bị TQ chiếm mất.. v..v..Trong khi nếu họ quan tâm tới phiên dịch, dịch thuật giới thiệu triết học phương Tây thì có phải tốt hơn bao nhiêu không.
Mỗi một khi một hệ thống nhận thức triết học được nhập khẩu, ví dụ đạo Nho, đạo Phật, chủ nghĩa Mác, .. thì từ vựng dân tộc lại giầu có lên bởi các khái niệm mới đến tới từ những nhận thức này. Thiên chúa giáo cũng là một hệ thống nhận thức, nó rất “ruột rà” với triết học phương Tây, vậy mà trí thức của đạo này không khai thác nó thì thật là phí của.
Tất nhiên giữa thần học (theologie) mà họ được đào tạo so với triết học (philosophie) không hoàn toàn giống nhau, nhưng họ có thể bắc cầu sang dễ dàng, vì họ đã có (được học) lô gics phương Tây.
Sau khi lạc đề một chút như trên, tôi sẽ giải thích các khái niệm trên theo nhận thức của tôi.
etre (to be tiếng Anh) viết với chữ “e” nhỏ tôi dịch là tồn tại (existence), là một cách nói khác về chúng sinh.
Etre với chữ E viết hoa, tôi dịch là bản nguyên (có ý nghĩa như ban đầu, toàn vẹn). Khái niệm này tương đương với khái niệm “tạo hóa” Creator.
Nói cách khác khi triết học phương Tây luận bàn quanh hai chữ etre/Etre này có nghĩa là nó tìm cách biện luận cho quan hệ giữa chúa trời Creator với loài người, nhưng ở mức độ trìu tượng, rắc rối hơn.
Còn quan hệ tính chất giữa Etre và etre này được gọi là transcendental. Khái niệm này tôi không tìm được một từ cụ thể mà bắt buộc phải phiên dịch theo kiểu tính chất. Tôi dịch từ transcendental bằng một cụm từ “tính chất bản nguyên cách biệt bao trùm”. Tại sao Transcendental lại là tính chất vì nó nói lên quan hệ giữa bản nguyên và tồn tại (nôm na là giữa chúa và con người), nó cách biệt bởi giữa Etre và etre không giống nhau, còn bao trùm vì nó thâm nhập vào con người “theo ý chúa”. Nó thâm nhập vào con người theo đường nào. Thường nó được biểu tượng bằng con chim bồ câu trắng, là ngôi thứ 3 trong quan niệm Thiên chúa giáo dịch tiếng việt là : Cha , con, Thánh thần. Tiếng Pháp/Anh sẽ là (Dieu/God, Jésus-Christ/Jesus-Christ, Esprit/spirite)
Sự thâm nhập của Bản nguyên (Être) vào con người tạo ra .. linh hồn (hiểu theo nghĩa thiên chúa giáo, chứ không phải như hồn của ta).
Còn essence mà tôi dịch là bản thể hay tinh chất, thì cũng là một kiểu trìu tượng hóa khái niệm Esprit/Spirit nhưng nó không chỉ dùng cho con người mà cho tất cả sự vật.
Quan hệ Bản nguyên(Être, E viết hoa) với tồn tại (être, e viết nhỏ) thông qua một mối liên quan transcendental này là mấu chốt, là chủ điểm chính của triết học phương Tây. Chính vì thế, mới có câu nói nổi tiếng như trong kịch Hamlet : “to be or not to be” hay như câu nói mà người ta gán cho Dostoievsky, viết trong quyển « anh em nhà ka ra ma dốp » : Si Dieu n’existe pas, tout est permis (tiếng Việt dịch thoáng theo nghĩa: nếu Tạo hóa không tồn tại, thì không còn luật lệ gì cả)
Phó Thường Nhân
Bắt đầu từ thế kỷ XV, khi ở các thành thị Ý xuất hiện phong trào phục hưng, do sự phát triển của kinh tế hàng hóa, thì Thiên chúa giáo như một tôn giáo, kết hợp với triết học « biện luận cho thiên chúa » này bắt đầu bị rạn vỡ, vì người ta thấy rằng chúng sinh đời thường không theo quy luật « chúa trời » này. Nhưng nó thực sự rõ rệt với các cuộc cách mạng tư sản Hà lan, Anh. Vì thế vào thế kỷ XVII, xuất hiện các triết gia như Lép nít (Lepnitz) Đề Các(Decartes), Spinoza, họ vẫn tìm cách kết nối Thiên chúa và triết học, sử dụng triết học biện hộ cho Thiên chúa, nhưng nó đã trở thành một hình thức « nhị nguyên » (dualisme), mà phần chúng sinh đời thường không gắn được hay suy ra từ Thiên chúa được nữa. Ví dụ Đề Các, phương pháp luận của Đề Các để tìm hiểu thế giới là lô gics toán học, cái lô gics này đã dẫn tới việc Đề Các coi thế giới hiện thực như một cỗ máy cơ khí khổng lồ. Hiển nhiên, trong trường hợp này, thì người ta không thấy Creator « tạo hóa » ra thế giới thế nào cả, vì một bộ máy cơ khí thì không cần linh hồn, nó chạy automatic. Mặc dù thế, Đề Các đã kết nối Thiên chúa và thế giới hiện thực bằng chủ thể suy nghĩ, tức là con người thông qua khái niệm « tôi tư duy tức tôi tồn tại ».
Một triết gia khác, với tôi rất quan trọng, tại sao thì tôi nói sau, đó là Spinoza. Ông này cũng lập luận như kiểu Đề Các, tức là dùng Lô gics toán. Mà tiêu biểu nhất là tác phẩm « Ethique » của ông. Trong đó ông ấy đã đặt ra tiên đề, quy luật, chứng minh, .. như người ta làm toán.
Nhưng với lô gic toán học, người ta lập thức nhận thấy tính chất hình thức của lô gic này. Đó là nó không thể giải thích được việc tạo ra cái mới, thậm chí nó còn thu hẹp nhận thức. Tôi sẽ lấy ví dụ để chỉ ra cái lô gic hình thức này (logic formal).
Một đứa trẻ đi học phổ thông ở Vn, vào thời tôi, hệ mười năm, đến lớp 8, sẽ được học đại số, va sẽ biết được tính bắc cầu, tính tương đương của thuật toán.
Tính bắc cầu là gì đó chính là A=B, B=C suy ra A=C
Tính tương đương là gì đó là khi A=B thì cũng có nghĩa B=A
Với lô gic « tính bắc cầu », người ta nhận thấy ngay có điều không ổn. Đó là A, B, C là những thực thể khác nhau, vì thế chúng mới có tên là A, B, C. Như vậy nếu chúng bằng nhau, thì cái gì thể hiện A, cái gì thể hiện B, cái gì thể hiện C. Phải chăng chúng hoàn toàn giống nhau. Mà đã giống nhau (chỉ khác tên gọi), thì có nghĩa là « dậm chân tại chỗ ». Lô gic này không tạo cho ta được cái mới, hoặc nó có cái mới thì không thể dùng lô gic này suy ra được. Vì thế người ta mới gọi là lô gic hình thức. Tức là không nói được nội dung.
Nhưng với lô gic « tính tương đương », thì không những nó không suy được cái mới mà lại « đơn giản hóa » nó đi. Thế là thế nào ?
Vì tôi thích ăn uống nên tôi sẽ gán cho A giá trị pizza. B giá trị thức ăn
Khi A=B có nghĩa là pizza = thức ăn (diễn giải theo ngôn ngữ là « Pizza là thức ăn », nên để ý chữ « là » của tiếng việt tương đương với être/To Be của tiếng Pháp/Anh).
Vậy khi B=A nó sẽ là thức ăn = Pizza (diễn giải theo ngôn ngữ « thức ăn là Pizza »)
Trong trường hợp Pizza là thức ăn. Đúng. Trường hợp thức ăn là Pizza. Sai. Vì sao ? vì Pizza là một loại đồ ăn, nên nó thuộc vào thức ăn. Ngược lại. thức ăn KHÔNG CHỈ LÀ PIZZA. Như vậy khi suy ra B=A người ta đã “đơn giản hóa” khái niệm ban đầu, nó không còn chính xác nữa.
Cái sai của lô gic hình thức này, không phải chỉ có phương Tây tìm ra. Thời Bách gia chư tử ở TQ, có học thuyết của Công Tôn Khương “Ngựa Trắng không phải là Ngựa” cũng chính là nó. Nếu ta lấy giá trị A= Ngựa Trắng, B= Ngựa thay bằng Pizza và thức ăn như tôi dùng, thì nó cũng tương đương như vậy.
Phó Thường Nhân
Để giải quyết vấn đề phản ánh được nội dung sự vật, mà ra đời phép biện chứng của Hê ghen. Ở đây Hê ghen đã không sử dụng các suy luận lô gics hình thức kiểu toán học, mà coi mỗi sự vật đều có một sự vận động tự nó ở trong lòng. nghien cuu sự vận động này là biện chứng (dialectique). Chính vì sự vật biến đổi, nên chúng từ một sự vật(object) trở thành hiện tượng (phenomene)
Bây giờ ta sẽ tiến tới phép BIỆN CHỨNG khi nói tới Hê ghen. Xuất phát điểm của Hê ghen là nghiên cứu các « sự vật phi vật chất » ví dụ như lịch sử, luật pháp, nhà nước.. mà ông ấy cho là gốc của nó là Idea (tức là tư tưởng). Cũng chính vì thế mà Hê ghen nói tới « phenomene » ta gọi là hiện tượng. Cách nhìn này của Hê ghen, đã giúp ông ấy nhận thấy rằng trong mỗi hiện tượng đều có sự vận động nội tai làm thay đổi nội dung. Vậy cái nội tại ấy vận động thế nào. Hê ghen nhận thấy rằng một hien tuong đều phát triển theo một lô gics tam đoạn luận : đó là chủ đề dẫn tới phản đề, mâu thuẫn chủ đề/phản đề sẽ đưa tới việc tích hợp một chủ đề mới, rồi cái chủ đề mới này lại tách ra phản đề, rồi quan hệ chủ đề/phản đề này lại tích hợp ra một chủ đề mới nữa.. và hiện tượng cứ phát triển như thế. Vậy nó phát triển tới đâu ? cho tới sự hoàn thiện, sự hoàn thiện này là Idea (tư tưởng). Quan hệ tương tác giữa chủ đề và phản đề được gọi là MÂU THUẪN (contradiction).
Như vậy thực ra cách giải thích của Hê ghen cũng là một biện luận cho Thiên chúa giáo. Thật vậy. Nếu nhà nước, luật pháp, lịch sử .. là các hiện tượng thể hiện từ một gốc của là sự toàn thiện, toàn năng, « hiện hình, thể hiện ra trên đời» thì sự toàn thiện toàn năng này là ông Tạo Hóa nói một kiểu khác mầu mè hơn. Hê ghen có câu nói nổi tiếng « tous ce qui existent sont logic » (tất cả mọi điều tồn tại đều có lý) bởi cái phông (fundation) của nó là ông Tạo Hóa nên lô gic. Lòng vòng một hồi thì Hê ghen cũng không thể đi xa hơn được câu nói của Dostoievsky. (nếu chúa không tồn tại thì trên đời không còn luân lý gì cả) mà tôi nói ở trên, vì sự tồn tại duy lý của nhà nước, luật pháp, lịch sử.. là ý chúa tạo ra.
Như vậy phương pháp luận của Hê ghen là biện chứng duy tâm. Duy tâm bởi sau tất cả sự vận động nội tại của các hiện tượng, vạn vật vẫn lấp ló ông Tạo Hóa ngồi ở sau hậu trường giật giây.
Trước khi nói tới thế nào là duy vật biện chứng, tôi cũng lưu ý rằng, trong các loại triết học phương Tây, do quan niệm thế giới được tạo thành bởi hiện tượng (phenomene) mà không phải là sự vật (object), nên triết học Hê ghen gần với .. đạo Phật. Bởi đạo Phật về triết học là một triết học hiện tưởng tổng thể, toàn diện, lô gic nhất.
Phó Thường Nhân
Vậy duy vật biện chứng là ra sao ? đó là người ta vẫn giữ nguyên lý tam đoạn luận với chủ đề, phản để, giải quyết mâu thuẫn nói trên, nhưng không gắn cái đế của nó, nguyên nhân của nó là ông tạo hóa, là một ý tưởng toàn năng nằm ngoài xã hội loài người điểu khiển, tạo ra như Hê ghen nói, mà là do điều kiện sinh sống của chính xã hội tạo ra.
Người đầu tiên nói tới điều này là nhà triết học Đức Feuerbach (đọc là Phoi ơ bách). Ông ấy đã nói rằng đạo thiên chúa thật ra là một « ảo ảnh », một « ước mơ » của con người tạo ra. Như một dạng cái gương phản ánh xã hội hiện thực nhưng được lý tưởng hóa theo ước mơ của con người. Cũng chính vì thế mà sau này, chủ nghĩa Mác có lập luận « tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân ».
Đây là điểm khởi đầu để Mác và Ăng ghen khi phân tích phê bình Feuerbach đưa ra biện chứng duy vật. Mác và Ăng ghen phê phán thế nào ? trong cuốn « tư tưởng Đức » (Ideologie Allemande), Mác nói điều mà Phoi ơ bách phát hiện ra về tôn giáo đúng những không đủ ,không khác gì một người bị bệnh ảo tưởng là đang chết đuối, nhưng vẫn đứng trên đất liền. Nhưng đứng trên đất liền thế nào thì lại không tìm hiểu, giải thích được. Vì sao ? vì ngay khi da biết đây là bệnh tưởng, điều này vẫn không chỉ ra được, điều kiện tồn tại thực sự của người này ra sao.Phân tích điều kiện tồn tại thực tế, dùng nó để giải thích sự vận động nội tại của các hiện tượng xã hội, theo lý thuyết tam đoạn luận ở trên là duy vật biện chứng.
Cũng chính vì thế Ăng ghen hay nói rằng duy vật biện chứng là phép biện chứng của Hê ghen, nhưng đi bằng chân (dựa vào phân tích thực tế xã hội) thay bằng đi bằng đầu (ám chỉ lấy tư duy có xuất phát điểm là « tạo hóa thiên chúa » mông lung làm cơ sở). Cũng để ý rằng Ăng ghen không phủ nhận nhận thức, ý chí, tư duy của con người, mà chỉ phản đối rằng việc coi gốc của nó là một thứ siêu hình không cơ sở. Chính vì thế mà duy vật biện chứng không phải là « đếm cua trong lỗ » như Thiên lang tưởng tượng ở trên.
Trong xã hội loài người, Mác và Ăng ghen nhận định mâu thuẫn xuất phát từ sự phân biệt giai cấp. Giai cấp là những cộng đồng người được định nghĩa theo quan hệ sản xuất (tức là vai trò vị trí của họ trong quá trình sản xuất), cũng như chủ sở hữu công cụ sản xuất. Ví dụ giai cấp tư sản được đánh giá bởi sự sở hữu công cụ sản xuất. Ngược lại tiểu tử sản lại được đánh giá bằng vai trò của họ trong quy trình này, vì khác với công nhân, họ kiếm sống bằng « bán chất xám », trong khi nông dân vừa liên quan tới một phương thức sản xuất (nông nghiệp), đồng thời lại làm chủ sở hữu (sở hữu nhỏ về ruộng đất). Cùng làm nông nghiệp mà không sở hữu ruộng đất thì là .. bần nông nếu quan hệ sản xuất trong nông nghiệp là quan hệ sản xuất phong kiến, ngược lại cũng ở vị thế ấy mà nông nghiệp là hình thức tư bản chủ nghĩa thì họ không phải là bần nông mà là tá điền, hay công nhân nông nghiệp.
Thời thuộc Pháp, ở Nam bộ, quan hệ sản xuất trong nông nghiệp đã được tư bản hóa, cho nên người làm ruộng không ruộng đất ở đây là tá điền. Ngược lại ở miền Trung, miền Bắc. Do giai cấp địa chủ được thực dân Pháp giữ lại làm chỗ dựa, nên nông dân không ruộng đất ở đây là bần nông. Giai cấp địa chủ này chỉ bị xóa bỏ với cách mạng tháng 8, và phải tới năm 1975 mới bị xóa xổ hẳn.
Tất nhiên, các định nghĩa này có thể kêt hợp với nhau. Do xã hội có giai cấp, quan hệ giai cấp tạo mâu thuẫn, cho nên dẫn tới đấu tranh giai cấp, nếu ta chập nó vào với lô gic « tam đoạn luận » của Hê ghen, thì sẽ suy ra được rằng .. đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội. Sự áp dụng của duy vật biện chứng này vào nghiên cứu xã hội sẽ tạo ra .. duy vật lịch sử.
Nếu dừng lại ở lý thuyết thì thật ra rất khó hiểu, cho nên tôi sẽ sử dụng phương pháp duy vật biện chứng này để giải trình lịch sử phật giáo VN, đó là lịch sử Thiền Tông ở VN, thì các bác sẽ nhìn thấy phương pháp này rõ hơn.
Phó Thường Nhân
Khi tôi nghiên cứu phật giáo VN, cụ thể là Thiền Tông, tôi có hai quyển sách của phật giáo VN để lại. Đó là quyền « Thiền uyển tập anh » nói về thiền tông thời Lý trần, và quyển Thiển uyển kế đăng lục ra đời vào cỡ thế kỷ XVI.
Khi đọc hai tập tài liệu lịch sử này thì điều đập ngay vào mắt người ta đó là chúng không liên quan gì tới nhau. Quyển Thiền uyển tập anh nói tới 3 dòng thiền từ thời nhà Lý bao gôm dòng Tì ni đà lưu chi, dòng Vô ngôn thông, dòng Thảo đường (dòng này thì sơ lược). Từ dòng Vô ngôn thông sinh ra dòng Trúc Lâm.
Quyển Thiền uyển kế đăng lục nói về hai dòng thiền Tào đông và Lâm Tế. Chúng xuất phát từ Phật Thích Ca, qua các tổ TQ, rồi tới các tổ VN ở ngoài Bắc vào thế kỷ XVI. Một điều đặc biệt nữa đó tổ chùa Liên Phái (Hà nội) vốn là chùa theo tịnh độ, nhưng ngài vẫn được xếp vào dạng Thiên Sư.
Vậy giải thích điều này như thế nào ?
Để tìm hiểu điều này, tôi mới tìm hiểu thử, nếu một người không dùng duy vật biện chứng để tìm hiểu phân tích lịch sử phật giáo VN, thì họ sẽ luận giải ra sao. Ở đây tôi lấy cuốn lịch sử phật giáo VN ba tập của Nguyễn Lang (tức là ông Thích Nhất Hạnh) để tìm hiểu. Điều quan tâm của tôi, là khi dẫn giải phật giáo từ thời Lý Trần sang thời Lê ông ấy giải thích thế nào.
Cuốn lịch sử phật giáo này rất hay và có giá trị. Nếu tôi không thích ông Thích Nhất Hạnh như là một Thiền sư, vì thiền của ông ấy fake chỉ dùng để bịp người nước ngoài, thì tôi công nhận ông học giả Nguyễn Lang. Cũng như các học giả phật giáo khác, người ta có cảm tưởng lịch sử VN với các học giải phật giáo kết thúc vào đời nhà Trần. Quả thật tập I của cuốn sách viết về thời Lý , Trần rất hào hứng, dầy hơn hai tập còn lại. Lịch sử phật giáo từ thời Lê được trình bầy sơ lược hơn. Còn về giai đoạn hiện đại (tập 3), thì vì nó gần cận quá, nên có thể châm chước nếu nó sơ lược.
Tôi rất chú ý xem tác giả giải thích sự suy thoái của phật giáo vào cuối Trần như thế nào. Nhưng Nguyễn Lang chỉ nói được một câu nhạt thếch đó là « thịnh quá hóa xuy ». Nói thế thì ai chẳng nói được.
Tôi cũng không thấy tác giả am hiểu Lý học (tức là Tống Nho được phát triển bởi Chu Hy), nhưng điều này có thể hiểu được vì ông chỉ là nhà sư. Còn tại sao tôi quan tâm ? vì Lý học có ảnh hưởng của Thiền. Ở đây có một sự giao lưu, chuyển giao văn hóa giữa Phật và Nho, mà các nhà sư không hiểu. Từ thế kỷ XVI, ta thường thấy có hiện tượng, nếu nhập thế thì một trí thức VN sẽ là nhà Nho, nếu xuất thế không phục vụ triều đình nữa thì họ thành sư. Điển hình như Thiền Sư Hương Hải, vào thế kỷ XVII. Nhưng do các nhà sư VN hiện tại chỉ quan tâm tới Phật giáo, nên họ không nhìn thấy điều này, khiến cái nhìn của họ với văn hóa dân tộc bị thu hẹp lại.
Nhưng với phương pháp duy vật lịch sử, người ta có thể phân tích rất dễ dàng cái vấn đề « thịnh quá hóa suy » ra làm sao.
Người ta chỉ có thể giải thích sự cập kênh của phật giáo thời Lý, Trần và giai đoạn về sau, bằng điều kiện hoàn cảnh lịch sử của xã hội Vn vào cuối thời Trần. Vào cuối thời nhà Trần, hình thái quan hệ sản xuất kiểu nông nô tan rã, nhưng hình thái địa chủ ruộng đất chưa ra đời. Mâu thuẫn giữa hệ thống quản lý nhà nước thông qua quý tộc, dựa trên nông nô này mâu thuẫn với sự phát triển kinh tế. Cấu trúc quản lý phật giáo thời Lý, Trần gắn với hình thục kinh tế nông nô. Vì thế khi nhà Trần sụp đổ thì phật giáo nhà Trần cũng đổ theo.
Ở VN hiện tại, không hiểu sao nhà Hồ được đánh giá cao về « cải cách ». Trong khi trong thực tế, các cải cách này thất bại, vì nó không cứu được cả nhà Trần lẫn nhà Hồ, dẫn tới việc nhà Minh xâm lược VN.
Người ta cũng hay đánh giá nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (7 năm), trong khi Hồ Quý Ly nắm quyền lực thực tế 20 năm dưới thời Trần, thêm 7 năm dưới thời nhà Hồ do ông lập ra. Thời gian năm quyền của Hồ Quý Ly còn dài hơn thời kỳ nắm quyền của Staline hay .. Putin. Staline công nghiệp hóa được Liên Xô, Putin ngăn Nga tan rã. Còn Hồ Quý Ly, sau thời gian nắm quyền tổng hợp dưới hai triều đại (mạt Trần và nhà Hồ) thì đưa đất nước vào vòng lệ thuộc.
Cách cải cách của Hồ Quý Ly thế nào. Đó là Hồ quý Ly đã bằng các biện pháp hạn chế quyền lực quý tộc nhà Trần, hạn chế sở hữu nông nô, nhưng không tìm ra được một cơ chế quản lý sản xuất mới, để chuyển đổi vai trò của quý tộc sang địa chủ. Và vì thế càng cải cách thì kinh tế nhà nước càng rối loạn, tan rã. Cái câu đố với Hồ quý Ly là thế này : nếu cứ để quý tộc nhà Trần mở rộng sở hữu nông nô, chiếm đoạt đất đai nhà nước, .. thì sẽ dẫn tới cát cứ, nhà nước trung ương sụp đổ. Ngược lại làm như nhà Hồ, hạn chế sản xuất, do giới hạn nông nô, thì lại dẫn đến .. khủng hoảng kinh tế. Ở đây thiếu một mối quan hệ sản xuất, sở hữu mới. Điều mà chỉ thành hình ở Đại Việt vào đời nhà Lê về sau.
Ở VN hay khen Hồ Quý Ly về mục sử dụng tiền giấy, vì phải tới thời thực dân, ở Vn mới có tiền giấy thực sự. Việc dùng tiền giấy này đã được coi như một cải cách « vượt tầm thời gian ». Trong thực tế, ở TQ đã có cải cách dùng tiền giấy từ đời nhà Tống, trước đó 200 năm, và thất bại, tương tự như thất bại của cải cách nhà Hồ. Điều kiện kỹ thuật (in tiền), điều kiện quản lý, không cho phép dùng tiền giấy vào lúc đó. Như vậy cải cách này là sai lầm, không có gì là tiến bộ cả, và cũng không phải là mới.
Việc Hồ Quý Ly chỉ trích đạo Nho, cho ra quyển sách chỉ sai lầm của Không tử, thực ra là những điều nhỏ nhặt, ví dụ chuyện nghi ngờ Khổng tử có « quan hệ thân mật » với nàng Nam Tử, điều không phải là mới, vì các nhà Nho TQ thời nhà Hán đã nói, ngược lại việc « chấp nhặt » này đã cho thấy ông ấy đã không biết dùng Nho giáo để nhất thống quyền lực vào tay nhà vua, từ đó hạn chế được quyền lực quý tộc về chính trị, tạo ra địa chủ, và từ đó có thể củng cố sức mạnh nhà nước thông qua một quan hệ sản xuất mới.
Câu chuyện Hồ Quý Ly với đạo Nho này, lại được học giả VN ngày nay cho là « có tính độc lập với TQ » là một đánh giá sai lầm, theo nhận xét của tôi.
Thời Lý, Trần các chùa phật giáo cũng là các chủ nông nô lớn. Vì thế khi nhà Trần sụp đổ, thì phật giáo nhà Trần cũng đổ theo.
Khi nhà Lê đánh đuổi được quân Minh xong, phật giáo VN lúc ấy vẫn còn ở trạng thái tan rã. Thời Lê Thái Tông (tức là thời Lê lợi), phật giáo vẫn không gượng dậy được không những vì bị mất cái đế kinh tế của triều đại trước, mà còn do sự độc tôn của đạo Nho. Không kể, Lê Lợi khi nắm quyền rất lo sợ thế lực của nhà Trần còn lại, vì thế, phật giáo không khôi phục lại được.
Phật giáo chỉ khôi phục lại chủ yếu từ thế kỷ XVI. Và sự khôi phục này không phải vực dậy từ đống tro tàn, mà là nhập khẩu trực tiếp từ TQ. Chính vì thế phật giáo từ thời nhà Lê, chủ yếu là tông tịnh độ. Trong khi phật giáo thời Lý trần, theo sách vở để lại thì lại là Thiền.
Cái đế của phật giáo từ thời Lê không còn là ruộng đất của nhà nước cấp, nhà chùa cũng không còn là chủ nông nô, mà lại chủ yếu là do làng xã đóng góp, trong đó ruộng đất của những người không có con kế thừa tại địa phương « cúng dường »,là một nguồn quan trọng. Từ thế kỷ XVI, sở hữu ruộng đất của chùa là theo quan hệ địa chủ, không còn là nông nô. Vì thế mới có câu « đất vua, chùa làng ». Câu này nói lên rất chuẩn quan hệ sản xuất ở thời phong kiến tập quyền VN. Để tập quyền, một phần lớn đất đai là của vua (tương đương với chủ sở hữu nhà nước bây giờ), một phần của công xã( tức là của làng, theo định kỳ chia, khoán cho nông dân, tương đương với hợp tác xã), và của địa chủ, nông dân tự do (tương đương với « đại gia » Vn ngày nay, « tiểu thương » ngày nay).
Từ thời thực dân Pháp tới nay, thì cái đế vật chất của phật giáo trong « kinh tế thị trường » lại đổi lần nữa theo hướng phục vụ « dịch vụ tâm linh » trong một quá trình đô thị hóa. Quả thực hiện nay, phật giáo cũng có những cái mới. Ví dụ chùa chiền khang trang hơn, to hơn , « lớn nhất ĐNA ». Ngoài tịnh độ truyền thống còn có sự nhập khẩu của mật tông rất mạnh, mà gốc tới từ vùng văn hóa Tây tạng…v.. v..
Chính vì thế mà tôi ủng hộ nhà chùa làm dịch vụ, bởi không có dịch vụ tâm linh, thì sẽ không còn phật giáo. Có điều phải là dịch vụ tâm linh có chất lượng : CHÂN, THIỆN, MỸ, chứ đừng xa vào mê tín dị đoan. Nếu đi vào mê tín dị đoan, thì sẽ « thịnh quá hóa xuy » thật.
Với phân tích duy vật biện chứng như vậy, người ta có thể hiểu nguyên do, tại sao hai quyển sách về Thiền VN hoàn toàn không ăn nhập gì với nhau. Vì chúng không có sự kế thừa tiếp nối.
Bây giờ nếu tìm cách dẫn giải sự việc này, không gắn bó nó với hoàn cảnh lịch sử xã hội hiện thực, thì chẳng còn cách nào khác là nói như ông Nguyễn Lang : « Thịnh quá hóa suy », và như vậy thì không mang lại cho người ta nhận thức gì cả.
Phó Thường Nhân
Khi chủ nghĩa Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX, thì tiếng vang và « phản ứng ngược » từ « upper class » phương Tây rất lớn. Do nó không thể chấp nhận được là không có một « đấng toàn năng tạo ra và điều khiển thế giới ». Vào thời điểm này, thì cách mạng tư sản Anh, Hà lan, Pháp đã xẩy ra, nhưng ngay ở những nước này, quan niệm « duy vật » vẫn chỉ được trình bầy như một phần phụ, cách giải thích đơn giản nhất là coi sự tồn tại của con người được định nghĩa bởi tư duy. Và tư duy này tồn tại độc lập với vật chất. Từ đó chỉ có cách kéo tư duy về .. hướng chúa, vì tới một lúc nào đó, thì cái lý lẽ tận cùng sẽ không thể tìm ra. Không kể, ngoại trừ Pháp, cách mạng tư sản ở tất cả các nước từ Anh, Mỹ, Hà lan, .. đều có dạng cải cách tôn giáo. Nó chỉ « bóp » đạo Thiên chúa, cải cách với những nhận thức mới phù hợp với cách sản xuất và quan hệ sản xuất tư sản thôi.
Một điều nữa có ảnh hưởng không kém, đó là ảnh hưởng của triết học Hi lạp, coi một vật thể là bất biến, tồn tại tự nó. Ví dụ cái xe là cái xe, sự tồn tại của nó không chịu ảnh hưởng của môi trường hay không gian, thời gian. Trong khi đó, theo đạo Phật, cái xe .. không tồn tại, vì nhận thức rằng cái xe là do bánh xe, càng xe, .. tạo nên. Cái nhìn của đạo phật là cái nhìn hiện tượng(phenomene). Còn cái nhìn của triết học Hi lạp là cái nhìn vật thể (object).
Duy vật biện chứng chỉ hình thành đầy đủ sau khi công trình của Mác về tư bản (bộ tư bản luận 3 tập, trong đó tập 3 là do Ăng ghen tập hợp lại in ra sau khi Mác mất). Với bộ tư bản luận, người ta có thể nhìn thấy đầy đủ tác động của quan hệ sản xuất, sở hữu tư liệu sản xuất .. tác động thế nào trong lịch sử loài người.
Nhưng với các nền văn hóa khác, người ta không có những « định kiến » văn hóa kiểu này. Chính vì thế, ở nơi nào văn hóa truyền thống không có những vật cản như trên, thì chủ nghĩa Mác thâm nhập dễ dàng và trở thành .. sự tiếp nói truyền thống văn hóa ở đây. Đây là những gì đã xẩy ra ở TQ, VN
Người VN thực ra chỉ tiếp cận với chủ nghĩa Mác sau cách mạng tháng 10, với một trường hợp đặc biệt đó là Bác Hồ. Do bác đã tham gia và có quan hệ với phái tả của Pháp, từ khi bác dừng chân ở Pháp . Nhưng ngay trong trường hợp này, bác cũng không hiểu được rõ ràng chủ nghĩa Mác mà đảng xã hội ở Pháp theo. Câu tham luận của bác trong đại hội thành lập đảng CS Pháp ở Tours (đọc là Tua) nói lên điều này. Bác nói « tôi không hiểu các đồng chí tranh luận về cái gì, khi đồng bào tôi ở Đông dương đang trong cảnh cùng khổ », với bác chủ nghĩa Mác chỉ có tác dụng khi nó giải quyết được các vấn đề bất công cụ thể ở thuộc địa, trong khi các đồng chí người Pháp thì bàn luận về các điều kiện tham dự quốc tế cộng sản mà Lê nin đưa ra. Họ nói về phong trào công nhân, bác nói về giải phóng dân tộc.
Các trí thức khác thì tiếp cận qua các sách vở của Pháp, TQ, thâm chí qua các sách vở Troskisme. Một bộ phận nữa, rất nhỏ thì được đào tạo qua các khóa học ở Liên Xô.
Kết quả tất cả các trí thức VN tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, đều mang trong mình văn hóa của dân tộc, và với nền văn hóa ấy, họ hiểu và giác ngộ chủ nghĩa Mác. Ở trên, tôi đã trình bầy dài dòng nguồn gốc của phép biện chứng đến từ đâu, để chỉ ra rằng nó liên quan tới Thiên chúa giáo. Nếu biên chứng duy tâm là một cách trình bầy kiểu khác đạo Thiên chúa, thì biện chứng duy vật phản biện nó.
Với một trí thức VN, biện chứng duy vật được được tiếp cận một cách hết sức tự nhiên, như một sự hiển nhiên. Vì trong văn hóa VN không có chủ nghĩa duy tâm (idealisme) hiểu theo kiểu phương Tây.
Ở VN, từ khi có khái niệm duy vật, duy tâm nhập khẩu vào. Các nhận thức truyền thống của đạo Phật, đạo Nho được quy là duy tâm. Nhưng điều này là sai. Trong văn hóa VN không có truyền thống duy tâm. Duy tâm, hiểu chính xác theo nghĩa từ Idealisme từ phương Tây, phải có cái đế là một ông tạo hóa tạo lập ra thế giới, phải có quan hệ con người và thần linh theo tính chất transcendance.
Sự quy chụp đạo Nho , đạo Phật là duy tâm, không khác gì việc coi Đảng ở VN và Đảng ở phương Tây là cùng tính chất, trong khi chúng chỉ chung nhau cái tên. Cả đạo Phật và đạo Nho, không có đạo nào theo chủ nghĩa duy tâm
Thật vây, với đạo Phật, các hiện tượng xã hội xẩy ra là theo nhân duyên. Làm gì có ông tạo hóa nào « chế tạo » ra. Trong đạo Nho, mặc dù có khái niệm Thiên( tức là ông trời), đây không phải là một nhân vật, mà là một tổng hợp các quy luật.
Phó Thường Nhân
Một điều thú vị hơn nữa, phép biện chứng của Hê ghen cũng không có gì là khó hiểu khủng khiếp, vì trong truyền thống ta cũng có các phép biện chứng tương tự như vậy.
Thật vậy, trong tam đoạn luận của Hê ghen, sự đối kháng tương tác của chủ đề và phản đề thì khác gì quan niệm trong sự vật có DƯƠNG và ÂM, mà ta thấy trong cái quả cầu của đạo Lão (thường được biểu hiện bằng một quả cầu tròn, chia làm hai nửa âm nửa dương, và trong phần âm lại có một cái chấm dương, cũng như trong phần dương có cái chấm âm)
Trong đạo đức kinh cũng nói « nhất sinh nhị, nhị sinh ba, ba sinh tứ tượng ». Ở đây nhất sinh nhị chính là chỉ sự phân đôi ban đầu thành âm và dương. Âm dương phối hợp với nhau mà sinh ra điều thứ 3, một khi có 3 rồi thì chúng tự giao lưu nhân duyên với nhau mà tạo ra thế giới vạn vật (tứ tượng).
Trong kinh dịch, chỉ có hai quẻ âm dương mà tạo ra thế giới, theo quy luật tương sinh hay tương khắc.
Ở đây ta không thấy có một ông tạo hóa nào là gốc cả, vì thể biện chứng của kinh dịch, của phật giáo, của đạo lão là .. duy vật (nếu ta cứ bám vào quan niệm của phương Tây).
Phép biện chứng của hê ghen còn thô sơ hơn những gì nói trong kinh dịch và đạo đức kinh về biện chứng

Tương tự như vậy nếu so với triết học phật giáo, thì coi sự vật là hiện tưởng của Hê ghen không triệt để bằng, vì quan niệm phương tây không thể bỏ khái niệm essence (tính chất), trong khi với một người theo đạo phật, thì mọi hiện tượng làm gì có essence, mà chỉ có hư vô (VÔ), nhưng cái VÔ này không phải là không có gì, mà là tiềm năng. Quan niệm tiềm năng này có một nhà triết học phương Tây tìm .. gần ra, đó là quan niệm chúa trời nằm trong tất cả sự vật, thiên nhiên, đó là Spinoza. Nhưng trong trường hợp này thì Spinoza bị coi là duy vật (materialisme)
Tóm lại, không có một điều gì ngăn cản về nhận thức, khiến một trí thức VN « dị ứng » với duy vật biện chứng, vì cả hai điều : công nhận có một ông thần chế tạo và điều khiển ta, cũng như quan niệm sự vật bất biến đều không tồn tại trong văn hóa truyền thống. và cũng chính vì thế, họ đã áp dụng phép biện chứng của đạo Phật, đạo Nho vào chủ nghĩa Mác để tạo thành chủ nghĩa Mác-Lê nin Nho giáo mà tôi nói tới.

Pages: [<<], [<], 1, 2, 3, [4], 5, 6, 7, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.