Langven.com Forum

Full Version: Bạn và cuộc đời
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
nguyenducquyzen
1. H NH PHÚC SÁNG T O


Đô thị nằm trên con sông tráng lệ có những bực cấp dài rộng dẫn xuống bờ nước. Cả thiên hạ dường như đều tới sống trên những bậc cấp ấy. Từ sáng sớm đến tối mịt, những bậc cấp luôn luôn đông đúc ồn ào. Trên những bậc cấp nhô ra gần ngang với mặt nước có những người đang ngồi đắm chìm trong những niềm hi vọng, khát khao của họ, trong những thánh linh và bài thánh ca. Những hồi chuông đang rung lên, người phụ việc giáo đường đang gọi; có tiếng ai hát, và một đám đông đã tụ tập, lắng nghe với niềm im lặng tán thưởng.

ở khúc quanh của con sông, về phía thượng lưu, có những toà nhà cao chồng chất, với những đại lộ, những hàng cây và những con đường rộng rãi dài nhiều dặm vào nội địa. Dọc con sông, qua một con đường nhỏ hẹp dơ dáy, ta đi vào khu vực của học thức nằm rải rác. Rất nhiều sinh viên từ khắp xứ tụ tập ở đó, hăng say, hoạt động và ồn ào. Những giáo sư thì bệ vệ, lo kiếm địa vị và lương bổng cao hơn. Dường như không ai quan tâm nhiều tới cái gì sẽ xảy đến cho sinh viên sau khi chúng ra trường. Những giáo sư truyền dạy một số kiến thức và kỹ thuật mà những sinh viên nhanh trí dễ dàng thu thập để tốt nghiệp là xong. Giáo sư có những công việc làm ăn bảo đảm, có gia đình và sự an toàn, nhưng khi những sinh viên rời trường, chúng phải đối phó với hỗn tạp và bất an của đời sống. Có những toà nhà, những giáo sư, và những sinh viên như vậy khắp xứ. Một vài sinh viên đạt thành danh vọng địa vị trong đời, trong khi những kẻ khác chỉ sống qua ngày, phấn đấu rồi chết. Quốc gia cần những thợ máy, kỹ thuật gia, nhà hành chính để lãnh đạo và thống trị; và luôn luôn phải có quân đội, nhà thờ và thương nghiệp. Khắp thế giới đều như thế cả.

Chính là để học một kỹ thuật, có một việc làm, một nghề nghiệp, mà chúng ta phải trải qua cái tiến trình nhồi sọ tâm trí mình với những dữ kiện và kiến thức phải không? Dĩ nhiên trong thế giới ngày nay, một chuyên gia kỹ thuật dễ kiếm sống hơn người khác, nhưng rồi sao nữa? Một kỹ thuật gia có dễ dàng đối phó với vấn đề phức tạp của đời sống hơn một người không phải kỹ thuật gia chăng? Nghề nghiệp chỉ là một phần đời sống, còn có những phần khác sâu kín, tế nhị và nhiệm màu. Đặt nặng phần này để phủ nhận, lơ là phần khác đương nhiên phải đưa tới tình trạng hành động so le phân hoá. Đấy chính là điều đang xảy ra trong thế giới hiện nay, với những xung đột, hỗn loạn và thống khổ càng ngày càng trầm trọng. Dĩ nhiên có một vài ngoại lệ, có những con người sáng tạo, những con người hạnh phúc không dính tới những gì nhân tạo và không lệ thuộc vào những tạo tác của tâm thức.

Bạn và tôi tự bản chất đều có khả năng để đạt hạnh phúc, để sáng tạo, để giao cảm với cái gì vượt ra ngoài nanh vuốt thời gian. Hạnh phúc sáng tạo không phải là của cải thiên phú chỉ dành cho một số ít, nhưng tại sao đại đa số người ta không hề biết tới hạnh phúc đó? Tại sao có người dường như giao cảm được với phần sâu xa mặc dù gặp những hoàn cảnh rắc rối và tai nạn, trong khi những người khác bị ngoại cảnh làm cho điêu đứng, đảo điên. Tại sao có người mềm dẻo dễ uốn, trong khi người khác vẫn cang cường và phải chết? Mặc dù có kiến thức, một số người mở rộng cửa đón nhận những gì mà không người nào, sách nào có thể đem lại, trong khi những người khác thì giam hãm mình trong kỹ thuật và thẩm quyền. Tại sao? Có phải rõ ràng là tâm thức muốn được an ổn trong vài hoạt động, không cần tới những chuyện sâu xa, vì nó đang ở trên mảnh đất bảo đảm; bởi thế giáo dục, những luyện tập và những hoạt động của tâm thức ấy được duy trì trong phạm vi bảo đảm, tâm thức cố tìm những cớ để khỏi đi xa ra ngoài phạm vi ấy.

Trước khi ô nhiễm bởi cái gọi là giáo dục đó, nhiều đứa trẻ đã giao cảm được với cái không tên, chúng chứng tỏ điều ấy bằng nhiều cách. Nhưng chẳng bao lâu hoàn cảnh bắt đầu bao vây chúng, và sau một tuổi nào đó, chúng mất hết ánh sáng kia, cái vẻ đẹp không tìm đâu thấy trong sách vở hay trường học. Tại sao? Đừng bảo rằng cuộc đời quá nặng đối với chúng, rằng chúng phải đối phó với những sự thật phũ phàng, rằng đó là cái nghiệp của chúng, rằng đó là tội lỗi tổ tông. Tất cả giải thích đó vô nghĩa. Hạnh phúc sáng tạo là dành cho tất cả, không phải cho một số ít mà thôi. Bạn có thể diễn đạt hạnh phúc ấy một cách khác với tôi, song nó là dành cho tất cả. Hạnh phúc sáng tạo không giá trị trên thị trường, nó không phải một món hàng bán đấu giá, mà là một vật duy nhất có thể dành cho tất cả mọi người.

Hạnh phúc sáng tạo có thể thực hiện được không? Nghĩa là tâm thức có thể giao cảm với nó - suối nguồn của tất cả hạnh phúc không? Với tất cả kiến thức, kỹ thuật, với tất cả nền giáo dục và sự xô bồ của cuộc sống, có thể nào vẫn giữ được thái độ phải mở đối với nguồn mạch ấy không? Có thể, song chỉ khi nào nhà giáo dục cũng được giáo dục cho thấy được thực tại đó, chỉ khi nào chính người dạy cũng giao cảm với nguồn mạch của hạnh phúc sáng tạo ấy. Bởi thế vấn đề của chúng ta không phải là đứa trẻ, học trò mà là nhà giáo và cha mẹ. Giáo dục trở thành một vòng luẩn quẩn chỉ khi chúng ta không thấy được tầm quan trọng, sự khẩn thiết cốt yếu trên tất cả, của cái hạnh phúc tối thượng này. Tóm lại, mở lòng ra đón nhận suối nguồn của tất cả hạnh phúc, hạnh phúc sáng tạo - đó là nền tôn giáo cao nhất; nhưng nếu trực nhận được hạnh phúc này, bạn phải có sự chú ý đúng mức đối với nó, cũng như bạn chú ý với công việc. Nghề nghiệp thầy giáo không phải chỉ là một công việc theo thói quen nhàm chán, mà là biểu hiện của vẻ đẹp và niềm vui, những cái không thể đo lường theo tiêu chuẩn thành công và sự nghiệp.

(Kỳ sau: HOÀN CẢNH GIỚI H N sp_ike.gif)
nguyenducquyzen
3. HOÀN CẢNH GIỚI H N


Ông ta rất quan tâm với việc giúp đỡ nhân loại, làm việc từ thiện, và rất tích cực trong những tổ chức an sinh xã hội. Ông nói là ông gần như chưa hề nghỉ ngơi, từ khi ra trường đến nay ông làm việc luôn luôn để cải thiện con người. Dĩ nhiên ông không nhận một món tiền thù lao nào cho công việc ông đang làm. Công việc của ông đối với ông luôn luôn quan trọng, và ông rất bận tâm với những gì ông làm. Ông đã trở thành một người phụng sự xã hội hạng nhất, và ông thích điều đó. Nhưng trong một buổi nói chuyện ông đã nghe về những lối thoát khác nhau giam giữ tâm thức, vì vậy ông đến đây để thảo luận điểm đó.

"Ngài nghĩ rằng làm một người phụng sự xã hội là giam giữ tâm thức: Có phải nó chỉ gây thêm xung đột?"

Chúng ta hãy tìm xem giam giữ nghĩa là gì. Khi nào thì chúng ta ý thức rằng chúng ta bị giam giữ, bị trói buộc? Có bao giờ chúng ta ý thức điều đó không? bạn có ý thức rằng bạn bị trói buộc bởi hoàn cảnh, hay bạn chỉ ý thức đến xung đột, phấn đấu diễn ra trên nhiều phương diện khác nhau của con người bạn? Dĩ nhiên, chúng ta không ý thức tới tình trạng bị trói buộc của chúng ta, mà chỉ ý thức tới những mâu thuẫn, tới những lạc thú và đau khổ.

" Ngài nói mâu thuẫn là gì?"

Mọi thứ xung đột: xung đột giữa quốc gia với quốc gia, giữa những đoàn nhóm xã hội với nhau, giữa những cá nhân, và xung đột ngay trong chính mình. Có phải mâu thuẫn, xung đột là không thể tránh khỏi, bao lâu còn có sự phân biệt giữa người làm và hành động, giữa thách thức và chống trả? Xung đột, mâu thuẫn là vấn đề của chúng ta, phải chăng? Không phải là một mâu thuẫn xung đột đặc biệt nào, mà tất cả đều mâu thuẫn xung đột: sự đấu tranh tư tưởng, tín ngưỡng, ý thức hệ, đấu tranh giữa những phe đối nghịch... Nếu không có mâu thuẫn thì đã không có vấn đề.

"Có phải Ngài đề nghị tất cả chúng ta nên tìm một lối sống biệt lập tư duy?"

Tư duy là chuyện gay go, đó là một trong những điều khó hiểu nhất. Sự biệt lập, mặc dù mỗi người đều đang tìm kiếm một cách hữu thức hoặc vô thức, theo cách riêng của mình, đều không giải quyết được những vấn đề, trái lại nó càng làm tăng thêm vấn đề. Chúng ta đang cố tìm hiểu đâu là những yếu tố trói buộc chúng ta gây thêm mâu thuẫn. Chúng ta chỉ ý thức đến mâu thuẫn, đến khổ và lạc, mà không ý thức tới hoàn cảnh "bị trói buộc" của chúng ta. Cái gì tạo nên sự trói buộc?

"Những ảnh hưởng của xã hội và hoàn cảnh xã hội trong đó ta sinh ra, nền văn hóa trong đó ta lớn lên, những áp lực kinh tế và chính tri, v.v..."

Đúng thế, nhưng có phải chỉ có thế mà thôi? Những ảnh hưởng ấy là do chính chúng ta tạo nên, phải không? Xã hội là hậu quả tương giao giữa người với người, điều ấy quá rõ. Tương giao này là một tương giao của sự sử dụng, của nhu cầu, của tiện nghi, của sự thỏa mãn, nó tạo ra những ảnh hưởng, những giá trị trói buộc chúng ta. Sự trói buộc bởi những tư tưởng và hành động của chúng ta, song chúng ta không ý thức mình bị trói buộc, chúng ta chỉ ý thức tới lạc thú và đau khổ do sự trói buộc đó đem lại. Chúng ta dường như không bao giờ đi xa hơn điều đó, nếu có, thì chỉ để đi đến những xung đột khác nữa. Chúng ta không ý thức hoàn cảnh giới hạn của chúng ta, đến khi ý thức được, thì chúng ta lại gây thêm mâu thuẫn và rối loạn.

"Làm sao chúng ta có thể ý thức được hoàn cảnh giới hạn của chúng ta?"

Chỉ có thể bằng cách tìm hiểu một quá trình khác, quá trình của sự bám víu. Nếu chúng ta hiểu được tại sao chúng ta bám víu, thì có lẽ chúng ta ý thức được sự giới hạn của chúng ta.

"Há chẳng phải đó là một con đường khá xa để đạt tới một câu hỏi trực tiếp".

Bạn cho là xa sao? Hãy thử ý thức giới hạn của bạn xem. Bạn chỉ có thể ý thức nó một cách gián tiếp, trong tương quan với một cái khác. Bạn không thể ý thức giới hạn của bạn một cách trừu tượng, vì đây chỉ có tính cách ngôn từ, không nghĩa lý gì. Chúng ta chỉ ý thức được sự xung đột. Xung đột hiện hữu khi không có sự thống nhất giữa thách thức và phản ứng. Xung đột ấy là kết quả của hoàn cảnh giới hạn của chúng ta. Giới hạn là sự ràng buộc, bám víu: bám vào công việc, truyền thống, tài sản, người, ý tưởng, v.v... Nếu không có bám víu, thì có bị giới hạn hay không?

"Dĩ nhiên không."

Thế thì tại sao ta bám víu! Tôi bám vào Tổ quốc tôi - vì qua sự đồng hóa tôi với tổ quốc, tôi trở thành một người nào. Tôi tự đồng hóa với công việc - nên công việc trở thành quan trọng. Tôi là gia đình tôi, tài sản tôi - tôi bám víu vào chúng... Đối tượng bám víu đem lại cho tôi một phương tiện thoát ly khỏi cái trỗng rỗng của tôi. Bám víu là thoát ly, và chính việc muốn thoát ly là sự ràng buộc thêm trầm trọng. Nếu tôi bám víu vào bạn - là vì bạn là phương tiện để tôi thoát khỏi chính tôi, bởi thế bạn trở thành rất quan trọng đối với tôi, tôi phải có bạn, phải đeo theo bạn. Bạn trở thành yếu tố giới hạn - và lối thoát chính là sự giới hạn đó. Nếu chúng ta chỉ ý thức về những lối thoát của chúng ta, thì khi ấy chúng ta có thể nhận ra những yếu tố, những ảnh hưởng tạo ra sự giới hạn, ràng buộc.

"Có phải tôi đang thoát ly chính tôi qua công tác xã hội?"

Bạn có bám víu vào nó, ràng buộc với nó không? Bạn có cảm thấy trống rỗng, lạc loài, chán nản, nếu bạn không làm xã hội?

"Tôi chắc chắn tôi sẽ cảm thấy như vậy".

Chính sự bám víu vào công việc đó là lối thoát của bạn. Có những lối thoát thiên hình vạn trạng nơi con người của chúng ta. Bạn thoát ly qua công việc, người khác qua rượu và lễ lạc tôn giáo, qua kiến thức, qua Thượng đế, và qua những cuộc vui chơi. Mọi lối thoát đều giống nhau, không có cao thấp. Thượng đế và rượu cũng giống nhau - khi đó là những lối thoát khỏi tình huống hiện tại của chúng ta. Chỉ khi ý thức được rằng chúng ta đang tìm lối thoát, thì chúng ta mới biết được chúng ta bị ràng buộc, bị giới hạn.

"Tôi sẽ làm gì nếu tôi không còn tìm lối thoát qua công việc xã hội? Tôi có thể làm cái gì mà không phải là lối thoát? Há không phải mọi hoạt động của tôi đều là hình thức để thoát khỏi chính tôi?"

Câu hỏi ấy chỉ hỏi bằng lời, hay nó phản chiếu một thực tại, một sự thật chính bạn đang trải qua? Nếu bạn không tìm lối thoát, cái gì sẽ xảy đến? Có bao giờ bạn thử điều đó chưa?

"Những gì Ngài dạy thật quá tiêu cực. Ngài không đề ra một cái gì thay thế cho công việc cả?"

Chẳng phải mọi thay thế đều là một hình thức thoát ly khác? Khi một hoạt động đặc biệt nào đó không làm ta thỏa mãn, gây thêm xung đột, ta quay sang một hoạt động khác. Thay một hoạt động này bằng một hoạt động khác mà không hiểu rõ "lối thoát" thật là vô ích, phải không? chính những lối thoát và sự bám víu của chúng ta vào chúng đã tạo ra giới hạn. Sự giới hạn đẻ ra những vấn đề, mâu thuẫn. Chính sự giới hạn ngăn cản ta hiểu rõ những thử thách; khi đã bị giới hạn thì phản ứng của chúng ta đương nhiên phải tạo ra xung đột.

"Làm sao người ta có thể thoát ra khỏi giới hạn?"

Chỉ bằng cách hiểu rõ, ý thức đến những lối thoát của chúng ta. Sự bám víu của chúng ta với một người nào, một công việc, một ý thức hệ, chính là yếu tố tạo nên giới hạn, đấy là một điều chúng ta phải hiểu rõ, chứ không phải tìm một lối thoát tốt hơn, thông minh hơn. Mọi lối thoát đều thiếu sáng suốt, vì chúng đều tất yếu đưa tới xung đột. Đào luyện sự giải thoát là một hình thức thoát ly khác, một cách tự cô lập khác: đó là bám víu vào một cái trừu tượng, một lý tưởng gọi là sự giải thoát. Lý tưởng là trừu tượng, do ngã chấp tạo nên. Trở thành cái lý tưởng chính là một lối thoát ra khỏi cái hiện hữu, cái đang là. Chỉ có sự hiểu rõ về cái đang là - và một hành động tương xứng với hiểu biết ấy - khi đó tâm thức không còn cố đi tìm lối thoát. Chính ý tưởng về cái đang là cũng là một lối thoát ra khỏi thực tại. Suy nghĩ về vấn đề là một cách chạy thoát ra khỏi vấn đề; bởi vì chính sự suy nghĩ là vấn đề, đó là vấn đề duy nhất, ngoài ra không có vấn đề nào khác(1) Vì tâm thức không muốn là cái nó đang là, vì nó sợ hãi về cái đang là, nên nó đi tìm những lối thoát; và con đường thoát đó là tư duy. Còn tư duy là còn lối thoát - còn bám víu - còn những cái thắt chặt thêm dây trói cho mình.

Giải thoát khỏi trói buộc là giải thoát khỏi tư duy. Chỉ khi tâm hoàn toàn vắng lặng, thực tại mới có cơ hội hiển bầy.

(Kỳ sau: NỖI SỢ HÃI CÔ Đ N)
nguyenducquyzen
3. NỖI SỢ HÃI CÔ Đ N


Thật vô cùng cần thiết phải chết đi mỗi ngày; chết đi mỗi phút đối với mọi sự, đối với vô số những "ngày hôm qua", và thời khắc vừa trôi qua! Nếu không có sự "chết đi" thì không có sự "sống lại", không có chết thì không có sáng tạo. Gánh nặng của quá khứ phát sinh sự tương tục tiếp nối của chính nó, mối lo nghĩ hôm qua làm sống lại mối lo nghĩ hôm nay. Hôm qua sống tới ngày nay, và ngày mai vẫn còn là hôm qua. Không có sự dừng nghỉ khỏi cái tiếp nối ngoại trừ trong cái chết. Trong chết có nơiềm vui. Buổi mai mới mẻ này, tươi mới trong sáng, không còn ánh sáng và bóng tối của hôm qua. Tiếng chim hót nghe như mới nghe lần đầu, tiếng ồn của bọn trẻ kia cũng không phải là tiếng ồn của hôm trước. Chúng ta kéo lê ký ức của những ngày hôm qua, nên nó làm cho đời ta u ám. Khi tâm thức còn là cái máy nhớ, thì nó không thể nghỉ ngơi, không có sự an bình, tĩnh lặng. Nó luôn luôn làm cho chính nó mệt mỏi hao mòn. Cái gì tịch mịch có thể được làm cho tái sinh, nhưng một cái luôn luôn hoạt động không ngừng thì phải mỏi mòn và trở thành vô dụng.

Cô ta cho biết đã học nhiều năm với một nhà tâm lý nổi danh, đã được ông ta phân tích, cuộc phân tâm chiếm khá nhiều thời gian. Mặc dù cô đã lớn lên trong bối cảnh kitô giáo, là một tín đồ kitô, và đã nghiên cứu cả triết học ấn và những bậc thầy của nền học vấn ấy, cô chưa bao giờ gia nhập một nhóm nào đặc biệt, hay liên kết với một hệ thống tư tưởng nào. Tự hồi nào đến giờ, cô vẫn luôn luôn bất mãn, và đã bỏ luôn cả việc phân tích tâm lý, bây giờ thì cô đang tham gia một loại công tác an sinh xã hội. Cô đã lập gia đình, đã nếm trải tất cả nỗi bất hạnh của đời sống gia đình cũng như những nơiềm vui của nó. Cô đã tìm trú ẩn bằng nhiều cách: uy tín xã hội, công việc, tiền bạc và phoảng cảnh hữu tình của xứ sở này bên bờ biển xanh. Những nỗi đau khổ càng ngày càng tăng bội, cô cũng chịu đựng được; nhưng không bao giờ có thể vượt qua một chiều sâu nào đó, và nó cũng không sâu lắm nữa.

Hầu hết mọi sự đều nông cạn, và chấm dứt mau lẹ, chỉ để bắt đầu trở lại cũng cái nông cạn khác. Cái nguồn mạch bất tận không thể tìm thấy bằng hoạt động tâm thức.

"Tôi đã đi từ hoạt động này tới hoạt động khác, luôn luôn bị thúc đẩy đi tới, luôn luôn theo đuổi một cái gì. Bây giờ tôi đã tới đích cuối cùng của một cái đà thúc đẩy, và trước khi tôi đi theo một cái đà đẩy khác sẽ mang tôi đi chừng vài năm, tôi đã hoạt động với một động lực mạnh mẽ hơn. Và bây giờ tôi tới đây. Tôi có một đời sống lương thiện, vui nhộn, giàu có. Tôi đã thích thú về nhiều chuyện và đã học hỏi vài vấn đề khá sâu; nhưng sau bao năm nay. tôi vẫn dường như còn ở ngoài lề mọi sự, chưa thể đi sâu vào quá một giới hạn nào đó; tôi muốn đi sâu hơn, nhưng tôi không thể làm được. Người ta bảo tôi làm rất giỏi những việc tôi đang làm, và chính lòng tử tế đó đã trói buộc tôi. Cái giới hạn ràng buộc tôi thuộc loại lợi lạc: Tôi thích làm việc thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, tính tình rộng rãi với mọi người v.v... nhưng chuyện đó cũng có mối ràng buộc nào đó. Vấn đề của tôi là làm sao giải thảoát không những ra khỏi sự ràng buộc, vượt ra ngoài mọi sự. Điều này đã trở thành một nhu cầu khẩn cấp, không những chỉ vì nghe Ngài nói chuyện, mà chính sự quan sát và kinh nghiệm bản thân đã làm cho tôi thấy rõ điều đó. Bây giờ tôi đã bỏ làm công tác xã hội, không biết tôi có tiếp tục nữa hay không, điều đó sẽ được quyết định sau".

Tại sao bạn không tự hỏi trước lý do vì sao bạn làm tất cả những hoạt động đó?

"Trước đây tôi chưa bao giờ có ý nghĩ tự hỏi mình tại sao làm công tác xã hội. Tôi luôn luôn muốn giúp đỡ, muốn hành thiện, điều đó không phải chỉ là do tính đa cảm rỗng tuếch đâu. Tôi đã thấy những người tôi đang sống với không phải là có thực, họ chỉ là những chiếc mặt nạ; chỉ có những người cần sự giúp đỡ mới là thực. Sống với những cái mặt nạ thật là chán chường ngu xuẩn, nhưng với những người khác thì có đấu tranh, đau khổ".

Tại sao bạn tham gia vào công tác xã hội hay bất cứ việc gì khác?

"Tôi nghĩ tôi chỉ làm vậy để tiếp tục sống. Chúng ta phải sống và hoạt động, và giới hạn của tôi là phải hoạt động càng lương thiện càng tốt. Tôi không bao giờ tự hỏi vì sao tôi làm những việc ấy, bây giờ tôi phải tìm ra. Nhưng trước khi đi xa hơn, tôi xin nói tôi là một người cô đơn, mặc dù tôi tiếp xúc với nhiều người, tôi luôn luôn một mình và tôi thích vậy. Có cái gì rất thú vị khi ở một mình."

Một mình, trong nghĩa cao nhất của nó là điều cốt yếu. Nhưng sự "một mình" trong nghĩa rút lui, tách biệt, làm ta cảm thấy mình có quyền năng, sức mạnh, không thể bị thương tổn. Sự "một mình" như thế là cô lập, là cách thảoát ly, chỗ trú ẩn. phải chăng thật quan trọng để tìm hiểu tại sao bạn không bao giờ tự hỏi lý do của những hoạt động gọi là hành thiện của bạn? Bạn không cố tìm hiểu sâu vào chuyện đó sao?

"Vâng, vậy ta hãy tìm hiểu xem. Tôi nghĩ chính vì sợ hãi nỗi cô đơn bên trong nên tôi mới làm những việc ấy".

Tại sao bạn sử dụng danh từ "sợ hãi" khi nói đến cô độc nội tâm? Bên ngoài, bạn không ngại ở một mình, nhưng đối với sự cô độc nội tâm thì bạn xa lánh. Tại sao? Sợ hãi không phải là một ý tưởng trừu tượng, nó chỉ hiện hữu tương quan với một cái gì. Sợ hãi không hiện hữu một mình; có danh từ sợ hãi, nhưng sự sợ hãi chỉ được cảm thức khi có tiếp xúc với một cái gì khác. Cái gì làm bạn sợ hãi?

"Sợ nỗi cô độc bên trong ấy"

Chỉ có nỗi sợ hãi cô độc bên trong khi nó tương quan với một cái khác. Thật ra bạn không thể sợ hãi cô độc bên trong, vì bạn chưa bao giờ nhìn thẳng vào nó, bạn chỉ đang đo lường nó với những gì bạn đã biết rồi. Bạn biết giá trị của bạn là một người làm xã hội, một người mẹ, một người có tài, nhiều hiệu năng, v.v... bạn biết giá trị của cái "một mình" đó ở bên ngoài. Chính tương quan với tất cả cái đó mà bạn đo nỗi cô đơn bên trong; bạn biết cái đã là mà không biết cái hiện đang là. Cái đã biết khi nhìn cái không biết phát sinh ra sợ hãi; chính hoạt động này là nguyên nhân sợ hãi.

"Vâng, đúng như vậy. Tôi so sánh nỗi cô độc bên trong với những gì tôi đã biết qua kinh nghiệm. Chính những kinh nghiệm này gây ra nỗi sợ hãi một cái gì tôi chưa bao giờ thực sự trải qua"

Vậy điều bạn sợ không phải thật là sợ cái cô độc bên trong, mà chính là quá khứ đang sợ một cái gì nó chưa biết, chưa kinh nghiệm. Cái quá khứ muốn thâu nhận cái mới, làm cái đó biến thành kinh nghiệm. Nhưng có thể nào quá khứ - mà là chính bạn - có thể cảm nghiệm được cái mới, cái chưa biết. Cái đã biết chỉ có thể cảm nghiệm một cái gì đồng thể với nó, nó không bao giờ có thể cảm nghiệm cái mới, cái không biết. Bằng cách đặt cho cái không biết một cái tên, gọi nó là nỗi cô độc nội tâm, bạn chỉ mới nhận diện nó trên ngôn từ, và danh từ ấy đang thay thế cho kinh nghiệm thực, vì danh từ là tấm bình phoảng của nỗi sợ hãi. Danh từ "cô độc nội tâm" che khuất sự kiện, cái đang là, và chính danh từ ấy tạo ra sự sợ hãi.

"Nhưng dường như tôi không thể nhìn thẳng vào nỗi sợ ấy".

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu tại sao chúng ta không thể nhìn thẳng vào một sự kiện, cái gì ngăn cản ta ngắm nhìn nó một cách thụ động bàng quan. Đừng cố nhìn bây giờ, nhưng xin hãy nghe kỹ.

Cái đã biết - kinh nghiệm quá khứ, đang cố thâu nhận cái mà nó gọi là cô độc nội tâm, song nó không thể kinh nghiệm được điều đó, vì nó không biết điều đó ra làm sao, nó chỉ biết danh từ mà không biết cái gì ở đằng sau danh từ - nội dung của danh từ. Cái không biết thì không thể kinh nghiệm được. Bạn có thể suy nghĩ, trầm tư về cái không biết, hay sợ hãi nó. Nhưng tư tưởng là hậu qủa của cái đã biết, của kinh nghiệm. Vì tư tưởng không thể biết cái không biết, nên nó đâm ra sợ hãi cái đó. Có sợ hãi khi nào tư tưởng mong muốn kinh nghiệm, mong muốn biết không biết.

"Rồi sao?"

Xin bạn chịu khó lắng nghe. Nếu bạn nghe cho đúng, thì bạn sẽ thấy sự thật về tất cả điều này, và chân lý sẽ là hành động duy nhất. Cái mà tư tưởng làm đối với nỗi cô độc nội tâm - bất cứ cái gì - chỉ là một lối thảoát, một sự tránh xa cái hiện là. Khi tránh xa cái hiện hữu, tư tưởng tạo ra một giới hạn cho riêng nó, ngăn chặn kinh nghiệm đối với cái mới mẻ, cái không biết, tư tưởng có thể gọi cái không biết ấy bằng những tên gọi khác nhau, song vẫn là sợ hãi. Hãy thấy rõ là tư tưởng không thể tác động trên cái không biết, trên cái ở đằng sau danh từ "cô độc nội tâm." Chỉ khi ấy, cái hiện tiền mới hiển lộ, nó là cái gì bất tận, khôn dò.

Bây giờ xin đề nghị bạn hãy để yên cho nó, bạn đã lắng nghe, và hãy để cho điều đó tự hoạt động. Sau khi xới đất, gieo hạt giống xong thì hãy cứ ngồi yên cho cây.

(Kỳ sau: CON ĐƯỜNG THÙ HẬN)
nguyenducquyzen
4. CON ĐƯỜNG THÙ HẬN



Cô ta đã từng làm cô giáo; sự tử tế dễ thương đã trở thành một thói quen. Cô bảo cô đã đi dạy trên 25 năm và rất sung sướng trong nghề giáo; nhưng vào chặng cuối cô muốn bỏ tất cả, và nhất định bỏ. Mới đây cô bắt đầu nhận ra cái gì được chôn kín trong người cô. Bỗng nhiên, cô khám phá ra điều đó trong một cuộc thảo luận, và nó đã thực sự làm cô kinh ngạc choáng váng. Nó ở đấy, không phải cô tự gán tội cho mình, và khi cô nhìn lại những năm qua, cô có thể thấy rằng nó vẫn luôn luôn ở đấy. Cô thực tình đã sống trong sự thù ghét, không phải thù ghét đặc biệt một người nào, mà một cảm thức thù ghét chung, một sự chống đối bị ức chế, chống lại mọi người, mọi sự. Khi cô khám phá ra điều ấy lần đầu, cô tưởng đó là một cái gì rất cạn cợt có thể dễ dàng quên đi, bỏ qua đi; nhưng càng ngày cô càng nhận ra đấy không phải một chuyện tầm thường, mà là một mối thù ghét ăn sâu gốc rễ đã tiếp diễn suốt đời cô. Điều làm cô kinh ngạc là, thế mà lâu nay cô cứ tưởng rằng mình rất dễ thương, tử tế.

Tình yêu là một chuyện kỳ lạ, khi tư duy được thêu dệt quanh một tình cảm, thì đó không phải tình yêu. Khi bạn nghĩ về một người bạn yêu, người ấy trở thành biểu tượng của những cảm giác, ký ức, hình ảnh êm dịu; nhưng đó không phải tình yêu. ý tưởng là cảm giác, mà cảm giác không phải tình yêu. Chính cái quá trình tư duy là sự chối bỏ tình yêu. Tình yêu là ngọn lửa rực rỡ không có làn khói của tư duy, của ganh tị, của sự chống đối, của lạm dụng... những tạo tác của tâm thức. Khi trái tim nặng trĩu những tạo tác này, thì phải có sự thù ghét, vì tâm thức là chỗ ở của thù ghét, chống đối, xung đột. Tư tưởng là phản ứng, mà phản ứng luôn luôn là nguồn gốc của thù nghịch cách này hay cách khác. Tư tưởng là sự chống đối, ghét thù, tư tưởng luôn luôn trong tình trạng tranh chấp, luôn luôn tìm một cứu cánh, sự thành công; thỏa ý là khoái lạc, trái ý là thù ghét. Xung đột là khi tư tưởng bị tóm trong tình trạng lưỡng nguyên chống chọi lẫn nhau; và tổng thể của hai cái chống đối vẫn còn trong phạm vi của thù nghịch, đối đãi.

"Tôi luôn luôn tưởng là tôi yêu bọn trẻ, cả đến khi chúng lớn lên, chúng vẫn thường đến thăm tôi, tìm nguồn an ủi khi chúng gặp chuyện buồn. Tôi cứ cho như chuyện dĩ nhiên là tôi mến chúng, nhất là những đứa học trò cưng khi xa trường. Song bây giờ tôi thấy thì ra vẫn luôn luôn có một dòng nước ngầm của sự thù ghét chống đối ăn sâu trong tôi. Tôi phải làm sao với sự khám phá này? Ngài không thể biết tôi đã bị "dội ngược" tới mức nào bởi chuyện đó, mặc dù Ngài dạy chúng ta không nên lên án".

Bạn có đồng thời tìm ra được cái quá trình thù ghét ấy không? Thấy rõ nguyên nhân - biết tại sao bạn ghét - là chuyện tương đối dễ, nhưng bạn có biết những đường lối của sự thù ghét? Bạn có quan sát nó như bạn quan sát một con vật mới lạ không?

"Chuyện đó quá mới mẻ đối với tôi, và tôi chưa bao giờ xem xét quá trình của sự thù hận".

Bây giờ ta hãy làm việc ấy và xem cái gì xảy ra. Ta hãy thụ động xem xét sự thù ghét khi nó xuất đầu lộ diện. Đừng kinh ngạc, đừng kết án hay tìm cớ; chỉ ngắm xem một cách thụ động. Thù ghét là một hình thức bất mãn, phải không? Thỏa mãn và bất mãn luôn luôn đi đôi với nhau.
Cái gì làm bạn thích nhất, không phải chuyên nghiệp, mà thích một cách sâu xa!

"Tôi luôn luôn thích vẽ".

Tại sao bạn không vẽ?

"Cha tôi thường nhấn mạnh tôi không được làm bất cứ cái gì không đem lại tiền bạc. Ông là người rất nóng nảy, và đối với ông, tiền là cứu cánh của mọi sự, ông không bao giờ làm cái gì nếu không có tiền trong ấy, hoặc nếu nó không đem lại cho ông thêm uy tín quyền lực. "Có thêm" là thần tượng của ông, và chúng tôi đều là con ông. Mặc dù tôi thích ông, tôi chống đối ông nhiều điểm. Cái ý tưởng về sự quan trọng tiền bạc được khắc sâu trong tôi; và tôi thích dạy, có lẽ vì nó đem lại cho tôi một cả hội cai trị. Vào những ngày nghỉ, tôi thường vẽ, nhưng thật bất mãn, vì khi tôi muốn hiến trọn đời cho việc đó thì tôi chỉ có thể dành ra vài tháng trong một năm. Cuối cùng tôi ngưng vẽ, nhưng điều ấy đốt cháy tâm can tôi. Bây giờ tôi thấy rõ tại sao nó đã nuôi lớn ngọn lửa chống đối ngấm ngầm".

Bạn có từng lập gia đình chưa? Có con riêng không?

"Tôi yêu một người có vợ, và chúng tôi sống với nhau một cách lén lút. Tôi ghen tuông dữ dội với vợ và con anh ta, và tôi rất sợ có những đứa con, mặc dù tôi mong có chúng. Tất cả những chuyện tự nhiên, tình bạn hàng ngày, v.v... tôi đều không được hưởng, và ghen tuông trở thành một cơn giận ngấu nghiến. Anh ta phải dời nhà đến một thành phố khác, nhưng cơn ghen của tôi không bao giờ tắt. Thật là một chuyện không thể chịu đựng nổi. Muốn quên hết mọi sự, tôi lao đầu vào công việc dạy dỗ một cách hăng say hơn. Nhưng bây giờ, tôi thấy tôi vẫn còn ghen, không phải với anh ta, vì anh ta đã chết, mà với những người hạnh phúc, với những người có vợ có chồng, với những người thành công, với hầu hết mọi người. Những gì đáng lẽ chúng tôi có thể cùng hưởng, chúng tôi đã không được hưởng.

Ghen tuông là thù ghét, phải không? Nếu người ta thực sự yêu, thì không có chỗ cho bất cứ gì khác. Nhưng chúng ta không thực yêu; khói tỏa ngộp cả đời ta, nên ngọn lửa phải tắt.

"Bây giờ tôi có thể thấy rằng ở trường, với những chị em bạn có gia đình, và trong hầu hết mọi tương giao của tôi, luôn luôn có chiến tranh tiếp diễn, song được che đậy kỹ lưỡng. Tôi phải trở thành cô giáo lý tưởng, đó là mục đích của tôi; và tôi được mọi người công nhận là lý tưởng".

Lý tưởng càng mạnh, sự ức chế càng sâu, và càng sâu mối tranh chấp.

"Vâng, bây giờ tôi thấy rõ điều đó; và lạ thay khi tôi nhìn, tôi không ngại gì thấy rõ con người thật của tôi như vậy".

Bạn không ngại vì có một sự nhận chân tàn bạo, phải không? Chính sự nhận chân này đem lại một lạc thú; nó cho bạn sức sống, một cảm thức tự tín khi biết rõ mình, cái năng lực của hiểu biết. Cũng như sự ghen tuông, mặc dù là đau khổ, vẫn có thể đem lại một khoái cảm, bây giờ cái biết rõ đối với quá khứ của bạn đem lại cho bạn một cảm thức "làm chủ" cũng khoái cảm như vậy. Bây giờ bạn đã tìm ra một danh từ mới thay thế cho ghen tuông, thất vọng, bị bỏ rơi: đó là sự thù ghét và sự biết rõ về nó. Có niềm kiêu hãnh trong sự hiểu biết, mà cũng là hình thức khác của xung đột mâu thuẫn. Chúng ta di chuyển từ một vật thay thế này tới một vật thay thế khác; nhưng tựu trung, mọi thay thế đều giống nhau, mặc dù trên danh từ có khác. Bạn bị vướng vào mạng lưới của chính tư tưởng bạn, phải không?

"Vâng, nhưng chúng ta có thể làm gì khác hơn".

Đừng hỏi, mà chỉ nhìn cái tiến trình của tư duy nơi bạn. Nó lanh lợi, lừa dối làm sao. Nó hứa hẹn sự giải thoát, nhưng chỉ có phát sinh thêm khủng hoảng, xung đột. Hãy chỉ nhìn ngắm một cách thụ động điều đó, và để cho sự thật về nó tự hiển bày.

"Có thể có sự giải thoát khỏi ghen tuông, thù ghét, khỏi cái trận chiến dai dẳng bị đè nén này không?"

Khi bạn hy vọng được một cái gì, hay bỏ đi một cái gì, khi tâm bạn ước muốn cái gì, bạn sẽ được cái đó do tâm bạn chiếu ra, nhưng đó cũng chỉ là một sự thay thế khác, và cứ thế trận chiến vẫn còn tiếp diễn. Ước muốn đạt được cái gì hoặc tránh né cái gì thì vẫn còn ở trong phạm vi của sự đối đãi, phải không? Hãy nhìn cái sai là cái sai, thì tự nhiên cái đúng thật sẽ xuất hiện. Bạn không cần phải đi tìm nó. Cái gì bạn đi tìm thì bạn sẽ gặp, nhưng nó sẽ không phải là sự thật, chân lý. Nó cũng như một người đa nghi tìm ra cái mà anh ta nghĩ, điều đó khá dễ dàng và ngu ngốc. Hãy ý thức một cách thụ động về toàn thể tiến trình tư duy này, cũng như về ước muốn được thoát ra khỏi nó.

"Tất cả điều này thật là một khám phá kỳ diệu đối với tôi, và tôi bắt đầu thấy sự thật của những điều Ngài nói. Tôi hy vọng không mất nhiều năm để qua khỏi sự xung đột này. Nhưng đấy, tôi lại hy vọng! Thôi, tôi sẽ lặng lẽ ngắm nhìn xem những gì xẽ xảy đến".

(Kỳ sau: TIẾN BỘ VÀ CÁCH M NG)
NVT2002
Sáng nay em thấy bác Quyzen đang gõ bài trả lời ở chủ đề này, sao cuối cùng lại không thấy có bài viết nhỉ?
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > CLB Văn Hoá - Lịch sử
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.