Langven.com Forum

Full Version: Trên giá sách
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Pages: [<<], [<], 11, 12, 13, [14], 15, 16, 17, [>], [>>]
Tiểu Vũ
Đề nghị cụ Chánh nào biết cách chuyển những bài viết của bác x và tôi đang bàn sang chủ đề khác phù hợp trong box Văn Hoá. Hoặc PM cách chuyển cho tôi. Xin cảm ơn.
x
Hì hì bác Tieuvu, bác cần em chứng minh thì em chứng minh ngay, chuyện nhỏ như con thỏ. sp_ike.gif


Phật học có cái mâu thuẫn đầu tiên là ở chỗ- nó là một học thuyết duy tâm cực đoan, có phần còn cực đoan hơn cả Hegel. Phật học phủ nhận Brahman, nhưng lại qui mọi thứ về một thứ siêu hình, coi vạn tượng là một, tìm giải thoát ở Niết Bàn-(hoá thành vũ trụ, hoà với vạn vật). Sự qui về Một này - coi mọi vật là giả tướng- không phải là duy tâm cực đoan nguỵ biện thì là cái gì?, nếu như chúng ta công nhận là ngoài chúng ta- ngoài em và bác Tieuvu, các bác khác, còn có con chó, con mèo, hòn đá, cục đất .v.v. khác với chúng ta, không phải là chúng ta.

Nhưng cái mâu thuẫn nghiêm trọng nhất của đạo Phật là ở việc nó công nhận có sự Luân Hồi (và dạy người ta thoát khỏi kiếp Luân Hồi để lại trở thành một dạng linh hồn bất tử khác, một kiểu Brahman khác). Em đặt ra 2 câu hỏi, để tự bác và các bác khác trả lời cho nó vui nhé:

1. Giả sử có cái gọi là kiếp sau của AQ, vậy kiếp sau đó mang thân xác của AQ kiếp trước hay chỉ tinh thần của AQ kiếp trước hay mang cả thể xác lẫn tinh thần của kiếp trước?

2. Để xác định được một AQ là một AQ cần kiểm tra những điểm nào? Nói đơn giản hơn: cái gì quyết định tôi là tôi?


Sự vô lý thứ 3, sâu hơn cả, là luận lý học tính không, phủ định tuyệt đối của Long Thọ, nhưng em xin tạm tránh không nói đến phần này vì không cần thiết.
x
Còn về Khổng tử thì ý em tiếp thế này. Như em đã nói từ trước, vì Khổng tử không đặt ra được một cái nền tảng bản thể học đủ sâu để giải thích các học thuyết của mình, nên về sau Mạnh Tử và Tuân tử mới phải vá lỗ hổng bằng việc coi "nhân chi sơ tính bản thiện" hoặc "nhân chi sơ tính bản ác" để từ đó lý giải việc tại sao lại có hoặc phải có Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của Khổng tử. Tuy nhiên cả hai cái nền của Mạnh Tử và Tuân Tử cho tới thời điểm này đều sai- nhưng đó là cái sai mà em cho rằng đáng quí, vì dù sao 2 ông ấy cũng đã đưa ra được những mô hình nền móng mà qua đó Khổng học có cơ sở để đặt toà lâu đài đỏ chót của mình lên mấy ngàn năm mà không bị đổ sập. (tất nhiên nó không đỏ còn vì về sau khi Tàu thống nhất rồi nên môi trường không có cơ hội để giúp cho các luồng tư tưởng mới, khác phát triển nữa - đây cũng là bi kịch học thuật của các đế quốc tập trung quá lớn).

Ngoài ra, nếu bác coi Khổng tử thiên về việc là một nhà chính trị, xã hội chứ không phải một triết gia chuyên nghiệp như Platon, Aristoteles thì không có gì để cãi cọ tiếp cả. Có lẽ vì thế nên người ta hay gọi Khổng tử là "người thầy lớn" chứ không phải triết gia lớn.
x
Về việc Đông khác Tây em xin mạn phép kể lại một chuyện sảy ra cách đây 3 năm. Hồi đó em về VN chơi, một lần đến trường Xây Dựng (khoa kiến trúc) với thằng bạn em lúc đó đang học ở đấy. Vào lớp thì nhận ra anh giảng viên là bạn em cũng ở Đức về. Anh em gặp nhau thế là anh ấy bảo em ngồi nghe rồi nói chuyện với cả lớp về sự khác nhau giữa nước Đức với VN. Nói chuyện ba hoa một lúc thì có bạn sinh viên hỏi:

- "Có sách viết rằng, thời đại này đang là thời thịnh trị của phương Tây, nên là thời Bĩ Cực, mọi thứ xấu xa, phải đến thời phương Đông vượt lên mới là thời Thái Lai của thế giới, cậu nghĩ thế nào?" scared.gif

Em đã trả lời khá ngắn gọn thôi:
-"Theo mình thì thời đại của phương Tây hiện nay không phải là Bĩ cực, mà khi phương Đông lên cũng chắc không phải là Thái Lai. Sự khác nhau cơ bản của phương Đông và phương Tây có thể lấy ví dụ thông qua việc này: Bây giờ giả sử bố hay mẹ của bạn bị bệnh nặng, bạn thích thế nào? Bạn coi những người chỉ an ủi, động viên bạn rằng đó là lẽ tự nhiên của trời đất, bố mẹ bạn chết là giải thoát khỏi đau khổ, sẽ được sung sướng là những người tuyệt vời hơn; hay bạn thích những người tìm cách chữa trị cho bố mẹ bạn bằng các phương tiện y học hiện đại hơn?" sp_ike.gif


Đấy là sách vở VN hiện nay người ta viết ra những thứ như thế đấy, và người khởi đầu cái tâm phân biệt văn minh, coi Tây là Bĩ, con Tàu là Thái có lẽ cũng là cụ Cao Xuân Huy. Phán xét tất nhiên tuỳ vào từng người, như bác Tieuvu thích Tây hay Đông hơn em không biết. Phần em, em tự ước lượng em nghiêng 7 về Tây 3 về Ta, vì tất nhiên Tây có nhiều cái dở, nhưng nó làm, chứ không nói xuông nhắm mắt buông tay mặc kệ sự đời.
x
Thêm một chi tiết có lẽ do bác Tieuvu chưa biết: cách đây 20 năm- Thomas Kuhn- giáo sư triết học và vật lý tại đại học Princeton có viết một cuốn sách có tiêu đề là: "Cấu trúc của cách mạng khoa học". Cuốn này chỉ dày chưa đến 300 trang, nhưng ngay sau đó đã gây một cơn địa chấn trong giới học thuật, và cũng được liệt vào danh sách những cuốn sách cách mạng nhất thế kỷ. Luận thuyết mà Kuhn đưa ra có thể tóm tắt bằng một câu thôi:
- "các cuộc cách mạng khoa học đều có tính nhảy vọt, chứ không phát triển từ từ từng bước liên tục một".

Kuhn chỉ ra rằng- các cuộc cách mạng khoa học làm thay đổi diện mạo của khoa học đều không từng bước như người ta vẫn tưởng- ví dụ nhờ ông A tạo ra thuốc súng, ông B ngồi nghĩ cách sử dụng, ông C nghĩ ra cách làm báng súng, ông D nghĩ ra cách làm nòng súng .v.v. mà bụp một cái, đột ngột có một tay nào đó làm được hầu như tất cả các công đoạn đó, và khẩu súng ra đời. Tất nhiên là ví dụ này em nói cho dễ hiểu- vì bác Tieuvu có nhắc đến súng ống, chứ chuyện làm ra súng đặc biệt có ý nghĩa đối với lịch sử châu Âu chứ không đặc biệt có ý nghĩa đối với khoa học, xét theo nghĩa khoa học tự nhiên.
Từ đó, người ta hay sử dụng cái khái niệm "thay đổi góc nhìn" (Paradigmawechsel/Paradigma change) - khái niệm mà Kuhn sử dụng để mô tả sự thay đổi thế giới thông qua các cuộc cách mạng khoa học gián đoạn, nhảy vọt ấy.

----------------------

Ngoài ra em xin nói thêm về sự liên quan giữa triết học phương Tây và các ngành khoa học khác. Ngày xưa- không có sự phân biệt giữa triết học với các môn khoa học khác. Ví dụ Platon vừa là nhà triết học và là nhà toán học, chính trị học, Aristoteles cũng vậy và còn đẻ ra khoa học tự nhiên- đặc biệt là sinh học và thực vật học. Khi đó, vì các bộ môn khoa học chưa tách ra khỏi triết học mà là những phần của nó. Nguyên nhân- cũng đơn giản: vì khi đó các bộ môn khoa học chưa có một cơ sở đủ vững để tách ra khỏi triết học- như gà con chưa đủ lông đủ cách để rời gà mẹ. Cho đến khi các bộ môn khoa học đặt được một nền tảng nhất định nào đó- thì nó bắt đầu quá trình "rời tổ" này. Cho đến ngày nay, các chú gà con đã mạnh tới mức thậm chí dạy lại được gà mẹ - giống như chúng ta ngày nay biết tiếng Anh, biết Internet chứ các cụ nhà ta thì chắc chả ai biết mấy.
Phó Thường Nhân
@X,
Cái quan niệm coi những gì phải nói về bản thể học (ontologie) mới được coi là triết học, thực ra là quan niệm cũ rồi. Mà đúng là nó chật hẹp thật. Xét theo khía cạnh ấy thì ở phương đông chỉ có đạo Lão có thể được coi là triết học.
Tôi thì hiểu triết học nhu thế này, mà hình như đây cũng là cách định nghĩa triết học hiện thời. Đó là sự nghiên cứu giải thích tất cả những gì liên quan tới tư duy, lập luận, lô gíc của con người.

Như vậy đạo Nho cũng có phần triết học. Nếu nói Khổng Tử không nói tới triết học là không đúng đâu. Nó có thuyết "mệnh trời" (Thiên hà ngôn tai, tứ thời bình yên). Sau này người ta phát triển thành Lý học, rồi thành Tam Tài (Trời đất người), rồi (Thiên hạ vạn vật đồng nhất thể). Cái "Nhân chi sơ tính bản thiện" chỉ là tư duy về đạo đức trong Nho giáo. Nhưng Nho giáo không phải chỉ có thế. Đấy chỉ là đặc trưng của nó. Ở phương Tây, trước đây người ta dựa vào đó mà nói nó không phải là triết học chỉ do nghiên cứu không đủ mà thôi.

x
Ơ bác Phó, em có bảo chỉ mỗi bản thể học là triết học đâu?
Với lại, em cũng viết rõ ràng là Mạnh tử, Tuân tử tìm cách xây dựng một điểm xuất phát cho Khổng học- và điểm xuất phát của họ là đặt nhân tính là thiện và ác- tức cũng là bản thể học. Từ điểm đó, các ông ấy hợp pháp hoá Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và từ đó, mọi thuyết khác của Khổng học. Thuyết Tam tài thiên địa nhân là siêu hình học và đến thời Tống- khi Trình Di, Chu Hy thêm thuyết Âm-Dương vào để cải tiến Khổng học, thì Khổng học mới có thêm nền móng chỗ dựa mới- là siêu hình học. Nhưng giữa bản thể học Thiện ác- và siêu hình học Tam tài có một liên ứng rất chặt chẽ với nhau- nguyên nhân là hai ngành đó thật ra là 2 mặt của một vấn đề.
Em cũng công nhận Khổng tử, Lão tử, Trang tử, Phật, thậm chí Khuất Nguyên, Đào Tiềm, Trình Di, Chu Hy cũng là các triết gia cả. Cái mà em không đồng ý với nhiều người- là việc họ coi triết học của các cụ này cao siêu tột đỉnh, hoặc không có mâu thuẫn gì, hoặc là sâu sắc hơn triết học phương Tây.

Nói chung bản thể học hay siêu hình học (đến thế kỷ 20 thì trộn lại thành 1 thông qua bản thể luận nền tảng của Heidegger- phần này phức tạp, em không chắc đã hiểu thật sự nên xin phép miễn trình bày) chính là điểm tựa cho tất cả các nhánh khác của triết học- kể cả xã hội, chính trị .v.v. Nhiều người còn nhầm rằng luật lý học (logic học) cũng là một điểm tựa cho tất cả các ngành triết học, nhưng điều này không chính xác. Là vì Logic học đúng ra không phải điểm tựa của một cái gì cả mà là điểm tựa của tất cả- vì nó là những sự thật hiển nhiên: đã là người thì ai cũng nhận ra ngay một suy luận logic tam đoạn luận như: "Tất cả mọi người đều phải chết, Socrates là người => Socrates cũng phải chết" là câu đúng, chứ không cần phải học mới biết được suy luận đó là đúng (chỉ cần học để biết nó là đúng nhanh hơn, đỡ mất thời gian ngồi nghĩ thôi). Đây cũng là tính tự nhiên (thế mạnh) của logic học và đồng thời là điểm yếu của chính nó.

Ngày xưa Aristoteles nhầm tưởng rằng logic của ông sẽ là thứ mạnh nhất trong các công cụ tư duy, nhưng sự thật đúng là logic học không mạnh như thế. Ví dụ chúng ta xét câu kết luận "Socrates cũng phải chết" và mệnh đề 1: "Tất cả mọi người đều phải chết" - thì người tinh ý sẽ nhận ra là trong mệnh đề 1 đã bao hàm ý của kết luận 3 luôn rồi- tức là kết luận 3 không đem ra một cái gì mới hay ho cả. Như Wittenstein về sau có nói: Logic là một cái, mà nói thực ra, là cái Không-gì-cả (để hiểu dễ hơn: vì nó là cái mà chả nói được bất cứ cái gì mới cả). Hay Russell có nói một câu châm biếm hơn khi nói về Hegel: "Hegel đi từ lập luận logic ban đầu sai, dựng cả một hệ thống triết học khổng lồ trên sự sai đó. Nhưng điều đó cho thấy là: cái gì càng sai với logic bao nhiêu thì càng cho nhiều kết quả màu mỡ bấy nhiêu".
Phó Thường Nhân
Thực ra so sánh hơn kém giữa triết học Đông Tây cho đến tận thế kỷ XIX là khập khiễng. Vì mục đích của triết học hai bên không giống nhau.
Triết học phương Tây bắt đầu từ Hi-La bao trùm cả nhận thức về tự nhiên và xã hội. Trong đó chủ yếu nó là khoa học tự nhiên. Chỉ từ Socrate trở đi (Socrate rồi Platon) thì triết học Hi -La mới thêm vào phần xã hội, hay thái độ ứng sử đạo đức mà ở phương Đông người ta gọi là tu thân. Các triết gia Hi Lap từ Democrite, Epicure, Zenon (Stoisisme)... đều giành một phần to lớn nói về các hiện tượng tự nhiên , tức là tiền thân của Vật lý. Rồi lô gíc , tức là tiền thân của toán học.
Cho đến thế kỷ XIX khi các môn khoa học tự nhiên tồn tại độc lập với triết học, thì phần còn lại của nó chỉ là lô gic, phương pháp tư duy, lối sống...

triết học phương Đông từ cổ xưa đã nhằm vào tu thân. Vì thế nó luôn được coi là đạo. Bản thân việc coi chữ đạo trong đạo Thiên chúa chẳng hạn với chữ đạo hiểu thông thường đã trật. So chữ đạo với triết học phương Tây càng không được. Còn sở dĩ tôi nói hiện nay có thể so sánh được vì triết học phương Tây đã mât đi cái phần khoa học tự nhiên, rồi nó lại bị ảnh hưởng của phương Đông, như việc thừa nhận phenomene (hiện tượng) làm cho hai phía đi lại gần nhau hơn.

Ở phương Đông, thì chỉ có đạo Lão là có phần giải thích thế giới tự nhiên, theo quan niệm Âm -Dương. Có việc sắp xếp sự vật theo Ngũ Hành. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà tất cả những khoa học, có gì đó gắn với tự nhiên như y học, đều có cái gì đó của đạo Lão. Nhưng triết học phương đông thiếu hẳn một công cụ như toán học đối vớí các triết gia Hi lạp. Đây là phần yếu kém.
Ngược lại triết học phương Đông lại có nhiều điểm mạnh về quan hệ xã hội, tâm lý. Nhưng ở phương Tây họ bù lại bằng Thiên chúa giáo.

Không có chuyện TÂY hơn TA hay TA hơn TÂY. Đây là quan niệm của tôi. Ngày xưa các cụ tự hào là để bớt tủi thân, mặc cảm thân phận nô lệ. Cũng là để chống lại cái quan niệm "khai hoá văn minh" của thực dân, mà thực chất là đô hộ. Chứ còn bây giờ thì cứ bầy hết nó lên bàn, coi như công cụ lao động. Cần cái gì, mục đích nào thì công cụ ấy.
Cảm nhận của tôi về công cụ mục đích là thế này. Nếu là đạo đức tu thân thì lấy phần phương Đông. Nếu về truyền thống thì là phương Đông. Còn nếu nói về luật pháp,kinh tế, về lô gíc, về tư duy thì phải học triêt học phương Tây rồi. Tóm lại cái gì không có thì phải bổ xung, bằng so sánh, đối thoại, nhập khẩu .

langtubachkhoa
QUOTE(Phó Thường Nhân @ Oct 26 2005, 01:27 PM)
Cảm nhận của tôi về công cụ mục đích là thế này. Nếu là đạo đức tu thân thì lấy phần phương Đông. Nếu về truyền thống thì là phương Đông. Còn nếu nói về luật pháp,kinh tế,  về lô gíc, về tư duy thì phải học triêt học phương Tây rồi. Tóm lại cái gì không có thì phải bổ xung, bằng so sánh, đối thoại, nhập khẩu .
*


Thế lấy vợ hoặc kiếm người tình thì bên nào hả các bác? Phương Đông hay phương Tây? laugh1.gif
Phó Thường Nhân
Phương Đông
Càng Đông càng tốt.
leuleu.gif leuleu.gif
Pages: [<<], [<], 11, 12, 13, [14], 15, 16, 17, [>], [>>]
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.