Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Pháp Sư Điện Kremlin, thời sự văn học Pháp

Phó Thường Nhân
post Mar 2 2023, 06:01 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Pháp sư Kremlin (le mage de Kremlin)
Đây là tên cuốn tiểu thuyết được viết và in bằng tiếng Pháp, nhưng người viết nó lại là một người Pháp gốc Ý và Thụy sĩ thuộc loại trí thức nhà giầu. Hiện nó được bán rộng rãi ở Pháp, và cũng đã được báo VN giới thiệu, được coi như một cách hiểu có thiện cảm với nước Nga và tổng thống Putin. Vì thế trên bài bình luận của báo VN, còn nói rằng cuốn tiểu thuyết có thể thay đổi cách nhìn của Pháp với Nga.
Tôi dẫn cái link ở đây
Cuốn tiểu thuyết có thể làm thay đổi nước Pháp - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)
Do tò mò, tôi cũng mua cuốn sách này để đọc, «đóng góp làm giầu cho tác giả và nhà xuất bản » một cách khiêm tốn kiểu « giọt dầu », để rồi thấy thất vọng vì trong thực tế cuốn sách chỉ là sự nhai lại nhưng thông tin tuyên truyền về nước Nga và tổng thống Putin vẫn có nhan nhản trên báo chí Pháp.
Vì thế nói rằng cuốn sách này thay đổi thái độ của Pháp với Nga là truyền cười Trạng Quỳnh, nên hiểu chính cái nhìn chung của giới Elite Pháp đã là cái phông của cuốn sách thì đúng hơn. Có thể cái nhìn của media Pháp với Nga khác với cái nhìn của media Mỹ và Anh, có tính chất mềm mỏng hơn. Cách nhìn này có dấu ấn của quan hệ lịch sử văn hóa Pháp-Nga. Sự khác biệt của Pháp với Mỹ-Anh,vốn là những nước có thể coi có độc quyền tuyên truyền đểu về Nga trên thế giới, là định kiến của nó mềm hơn, nhưng nói cuốn sách ủng hộ Nga, hiểu Nga thì cũng là chuyện tiếu lâm rừng cười.
Tác giả đã dựng câu chuyện như sau. Nhân vật chính là một người Pháp sinh họat ở thủ đô Nga, và thông qua trao đổi trên mạng xã hội đã được tiếp xúc với một người Nga từng làm cố vấn cho tổng thống Putin nhưng đã giải nghệ, do cả hai đều đọc và trích dẫn một nhà văn Nga cuối thế kỷ XIX (Zemiatine) nên « hợp cạ » nhau. Rồi ông ta được mời tới nhà nghỉ của nhân vật cố vấn kia. Chính trong ngôi nhà nghỉ của mình, mà ông ta đã kể lại quá trình làm việc trong điện Kremlin với tổng thống Putin, như một thứ hồi ký tự sự.
Tác giả đã rất tinh khôn dựng chuyện rằng, mặc dù là cố vấn, nhưng ông ta đã thôi việc, vì không muốn bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực, và vì thế tác giả có thể bú mớm vào mồm ông này những lời mà phương Tây nhận xét, quan sát, định kiến về nước Nga, về Putin như một dạng phê phán của người Nga, mà nó vẫn hài hòa, nếu không thì câu chuyện sẽ quá fake. Có thể vì thế mà cuốn tiểu thuyết được coi là « thân thiện với Nga », đồng thời còn tạo ra cảm giác cuốn sách có một chiều sâu triết học về nhận thức quyền lực của một người về ở ẩn, nhất là những trang cuối khi để cho nhân vật cố vấn này trình bầy việc « rũ tay buông kiếm » trong sự hiện diện của cô con gái nhỏ, trong một dạng tình cảm bố con, gia đình đã nói nhiều tới tâm lý tiểu tư sản của người viết cuốn sách hơn là nhân vật đích thực. Một tâm lý tiểu tư sản, mà giới tư sản hiện tại ở Pháp cũng không còn giữ được.
Câu chuyện cũng dẫn tới quan hệ của ông cố vấn này với hai tài phiệt Nga đã bị đánh đổ đó là Berezovski và Khodorovski.
Nội dung cuốn sách có thể cấu trúc theo 3 định hướng :
1- Giải thích quan hệ xung khắc của Nga với phương Tây như một dạng mặc cảm tâm lý tự ti của tổng thống Nga Putin do ông không được tôn trọng.
2- Giải thích các hành động của Nga trên trường quốc tế như mộ thứ « chính sách gây rối » (politique du chaos)
3- Đánh giá sinh hoạt chính trị văn hóa phương Tây như một dạng xuy thoái, thoái hóa (décadence), ngược với tính cách Nga vững chắc.
Tất nhiên trong cuốn tiểu thuyết có rất nhiều nhận định, những câu nói kiểu định kiến, được viết dưới mầu sắc Nga nhưng thực ra nội dung là định kiến phương Tây với nước này.
Tất cả ba điều được cuốn sách nói tới ở trên, thực ra đều là Fake, là các vấn đề râu ria. Chính xác mà nói mâu thuẫn Nga-phương Tây bắt nguồn từ sự đối đầu về cấu trúc quyền lợi kinh tế, chính trị mà ra, như tôi đã nói rất nhiều lần trong chủ đề thời sự ở đây.Do Nga có đủ các khả năng về trình độ kỹ thuật tương đồng với phương Tây, nhưng trong quá trình toàn cầu hóa, sau khi Liên Xô sụp độ Nga bị ép vào vị thế một nước Ả rập Sa u đít mới, đóng vai trò cung cấp dầu khí cho họ. Như vậy, hành động của Nga trên không gian quốc tế không phải là để gây lộn xộn, mà là cách họ bảo vệ quyền lợi của mình
Dẫn giải xung đột Nga-Phương Tây qua lý do tâm lý, cuốn sách đã lờ tịt đi lý do có tính cấu trúc nói trên, và như thế đồng thời rũ sạch vai trò của phương Tây có một đóng góp chính tạo ra xung đột này. Việc diễn giải mọi sự kiện bằng tính chất tâm lý, cũng góp phần tăng cường định kiến của phương Tây với nhà nước Nga, coi một nhà nước chỉ đóng khung trong tâm lý của một ông đứng đầu thì khác gì nói nước này là một dạng man rợ, xã hội không có cấu trúc, tổ chức nào cả, và từ đó càng dễ gán tính độc tài cho nước Nga hơn.
Việc coi những hành động của Nga như một sự gây rối, đã nói lên rằng phương Tây rất có ý thức về vị trí thượng phong của mình (domination), vì nếu quan niệm những hành động đáp trả của Nga có một lý do lợi ích đằng sau, thì có nghĩa là coi Nga ngang hành với họ, và tất nhiên họ phải làm cái gì đó sai, Nga mới đáp trả. Gán ghép hành động của nước Nga như một thứ gây rối (politique du chaos), đã có tác dụng đổ mọi tội lỗi cho Nga như một dạng chí Phèo, mà không thây vai trò .. ông địa chủ.
Nhưng bất cứ một nhà nước nào, nó cũng có lô gic hành động vì quyền lợi của nó, mà người đứng đầu là nhân vật thể hiện, nhưng không phải ông ta muốn làm gì thì làm.
Như vậy, ý tưởng của cuốn tiểu thuyết là một sự gán ghép cố ý cho Nga. Sự gán ghép này được lồng vào việc nhân vật cố vấn gặp Putin như thế nào, và cố vấn cho Putin từ vị trí đứng đầu cục tình báo Nga thành thủ tướng rồi tổng thống.
Câu chuyện này được dẫn dắt theo đúng những gì mà các phim tài liệu phương Tây nói về chuyện này, đó là các tài phiệt Nga đứng đầu là Berezovski muốn đưa một người mà họ có thể điều khiển được lên làm tổng thống, vì Elsine không còn đủ sức khỏe cũng như hết nhiệm kỳ để làm. Chỉ có điều khác là trong các phim tài liệu, thì Berezovski được coi là kiến trúc sư cho việc Putin lên nắm quyền, còn trong cuốn tiểu thuyết thì lại nói là Putin đã từ chối mọi sự giúp đỡ tài chính của tài phiệt này, và do bị gạt ra ngoài, Berozovski đã « cắn lại » Putin, bằng cách sử dụng kênh truyền hình tư nhân của mình buộc tội Putin trong vụ tai nạn tầu ngầm Koursk, khiến thủy thủ đoàn bị thiệt mạng. Từ đó dẫn tới việc Putin loại bỏ tài phiệt này. Hai tuyến nhân vật Putin và Berezovski được kéo song song với nhau cho tới cuối cuốn sách, kết thúc bằng việc Berezovski treo cổ tự tử.
Trong câu chuyện Putin – Khodorovski, thì tiểu thuyết cũng không nói tới việc trước khi bị bắt, Khodorovsky đã định bán hết cổ phần của mình cho Exxon Mobil, và nếu chuyện đó xẩy ra thì Nga mất hẳn tài nguyên thiên nhiên. Ngược lại tiểu thuyết lại cài cắm mối tình của người yêu ông cố vấn này với Khodorovski, cuối cùng khi Khodorovski bị bắt, thì sau một thời gian hai người lại quay lại với nhau. Một dạng câu chuyện « tình yêu vượt trên tiền bạc, trọc phú »..
Tất nhiên một cuốn tiểu thuyết có phần hư cấu, và nó không thể nói hết sự thật như một phim tài liệu (và tất nhiên phim tài liệu cũng có thể không hoàn toàn đúng). Thường trong một tiểu thuyết hư cấu (dù có cả nhân vật thật như Putin, Khodorovski, Berezovski), thì phần thú vị của nó có thể là những ý tưởng được cài cắm, nhưng trích đoạn có tính triết lý, vượt ra ngoài yếu tố văn chương đơn thuần. Ví dụ ta có thể thấy điều này trong một số truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng trong tác phẩm này thì không có. Hoặc có thể có, nhưng với tôi nó không đặc sắc, gây chú ý.
Như vậy như tôi đã nói ngay từ trên đầu, cuốn tiểu thuyết này không vượt được ra ngoài những điều mà giới Elite Pháp định kiến với Nga, nó chỉ khác thể loại (là tiểu thuyết) đối lại với phim tài liệu.
Về giá trị văn học nói chung, thì đây là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, không có điều gì khiến người ta trăn trở suy nghĩ. Nó cũng có ưu điểm của các loại tiểu thuyết được chọn tranh giải, đó là cấu trúc truyện gọn gàng, không có chi tiết thừa « to much », điều mà các cuốn tiểu thuyết đầu tay hay mắc phải, khi tác giả cố nhồi nhét quá nhiều vào tác phẩm của mình.
Thoe như bài báo VN, cũng như giới thiệu trang cuối của cuốn sách, cuốn tiểu thuyết này chỉ thiếu 1 phiếu (trong 14 phiếu) để được giải gông cua (goncourt), giải văn học được coi là có tiếng nhất của Pháp, giống như kiểu giải thưởng hội nhà văn VN. Sự so sánh của tôi không phải là vô tình, mà bởi vì cũng như bất cứ một thứ giải nào, hội đồng giám khảo tức là một nhóm các nhà văn có máu mặt, cũng đều có tác động của lợi ích nhóm. Thường thành viên của hội đồng là một nhà văn có gắn bó với một nhà xuất bản, vì thế nhà xuất bản mà nhà văn được giải có hợp đồng, sẽ là kẻ chiến thắng và có lợi ích về in ấn, về số lượng bản in, cũng như tiếng tăm, vì giải gông cua là một hình ảnh marketing cực tốt.
Các thành viên ban giám khảo cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình thời sự quốc tế hay trong nước. Và rất có thể, việc cuốn sách này không được giải, vì trong khi media phương Tây đang sôi động chống Nga, như một thứ tuyên truyền nhồi sọ cực đoan mà tuyên truyền của Vn thời kháng chiến còn phải gọi bằng cụ, thì một cái nhìn dù sai lệch nhưng bớt hung hăng hơn vẫn là một thứ lạc điệu mà giới Elite dân chủ Pháp không thể vượt qua.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Sep 5 2023, 05:18 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Gần đây tình cờ xem một bộ phim của Pháp dựng về một người lính Nhật tiếp tục chiến đấu ở trong rừng từ khi đại chiến II kết thúc tới năm 1974 mới chịu ra hồi hương ở Philipine, tôi mới đi tìm cuốn sách của chính người lính này viết ra, rất may mắn được dịch ra tiếng Pháp. Còn sở dĩ tôi làm thế, vì tôi không tin cái phim Pháp diễn đạt được đúng ý nghĩa câu chuyện, bởi vì cũng giống như bất cứ một nhà làm phim phương Tây nào, nó cũng sẽ đá gà đá vịt, gán ghép nhận thức của nó. Ở đây là vấn đề có thể gọi là « đồng tình luyến ái » giữa những người lính trong rừng, tất nhiên đây không phải là một bộ phim sex, nhưng cái tư duy phương Tây là thế không tránh được.
Khi đi kiếm cuốn này, tình cờ tôi lại thấy cuốn sách với tựa đề « Tôi,Marat, chỉ huy cũ của Wagner », nên cũng mua luôn, vì cuốn sách này có nhiều điều thú vị, vì đây là một nhân chứng về tổ chức quân sự này. Điều thú vị của nó là cuốn sách được in ở Nga, do người Nga viết, chứ không phải là loại sách phương Tây viết về Nga. Tất nhiên khi phương Tây chọn sách Nga để xuất bản, thì nó sẽ chọn các thể loại mà nó có thể khai thác được, chứ không phải để thể hiện dòng chảy chính của văn hóa xã hội Nga như một người Nga bình thường cảm nhận. Nhưng thôi dù sao « méo mó có hơn không ».
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi, một trong những động lực lý do khiến tôi mua, đó là tên tác giả. Marat GABIDULLIN, với cái họ này người viết không phải là người sắc tộc Nga, và quả thật ông ta gốc người U dơ bếch trở thành Nga, nói chính xác hơn đây là một người Liên Xô (homo sovieticus). Như tôi đã từng nhận xét trong một chủ đề khác, Liên Xô đã lỡ một cơ hội xây dựng một nhà nước dân tộc dựa trên con người xô viết, mặc dù họ tồn tại thực sự, và tác giả này có thể coi là một ví dụ.
Do cuốn sách có nguồn gốc Nga, nên khi in ở Pháp nó đã được nhà xuất bản cẩn thận phân tích, đánh động đọc giả định hướng cho người ta trước rằng cuốn sách không có sự trăn trở tâm lý kiểu phương Tây, « dân chủ dân chẽo », điều này đã nói lên rất nhiều định kiến của phương Tây, đồng thời cũng nói lên bản chất « tự do ngôn luận » của nó, như tôi đã từng nói, đó là « đa dạng nhưng có chiều », có hệ quy chiếu của phương Tây (mà không phải là hệ quy chiếu của các nước khác, dân tộc khác).
Gọi là một tác phẩm văn học thì không phải, cuốn sách chỉ có thể coi như một dạng hồi ký, nhưng nó vẫn có tính chất văn học do người viết muốn học theo Léon Tolstoi khi viết « những mẩu chuyện về Sebatopol » (les recits de Sebastopol). Nhà văn, đồng thời là quý tộc Nga Tolstoi, người viết cuốn tiểu thuyết lịch sử « chiến tranh và hòa bình » là sĩ quan quân đội Nga hoàng, và vì thế ông đã có những truyện kể về chiến tranh ở vùng Caucase hay ở Crimea dưới dạng tự sự hay truyện ngắn mà những mẩu chuyện về Sebastopol là một trong số những truyện đó.
Nhưng khác với trước đây, do ảnh hưởng của văn hóa mạng, facebook, nhiều sách xuất bản hiện tại là tập hợp cũng những mẩu chuyện con con, cuốn sách này của Marat cũng ở vào dạng như vậy, dù tôi không rõ ông ta có viết trên mạng trước khi tập hợp thành sách không.
Những mẩu chuyện trong cuốn sách được tập hợp lại theo lối biên niên (chronolo-gique), theo dòng thời gian, chủ yếu nói về giai đoạn tác giả tham chiến như một chỉ huy chiến trường của Wagner ở Syria, một chỉ huy chiến trường ở mức độ trung đội, đại đội lục quân.
Điều ngạc nhiên với tôi, là cuộc chiến tranh ở cấp bậc cận chiến này, không khác nhiều lắm với các truyện người lính trong kháng chiến chống Mỹ của nhà văn Chu Lai, và người ta còn thấy nó ở trong cuộc chiến UK-Nga hiện nay.
Đặc trưng của nó là sử dụng các nhóm vũ trang nhỏ (cỡ tiểu đội) sử dụng hỏa lực chủ yếu là súng phóng lựu (kiểu M72 của Mỹ), súng chống tăng (B40,41), tiểu liên, ..và một điều quan trọng đó là họ chỉ điểm cho hỏa lực của pháo binh chiến trường trong đó bao gồm cả súng phòng không kiểu 12,7m nhưng được dùng tiêu diệt mục tiêu mặt đất.
Tác giả cũng chỉ ra cách đánh của các lực lượng hồi giáo, đó là việc sử dụng súng máy gắn trên xe toyota để cơ động, pháo binh, và các loại xe cảm tử.
Tất nhiên ở đây tôi tóm gọn lại những yếu tố kỹ thuật, chứ còn tác giả viết chúng dưới hình thức văn chương hơn.
Trong cuộc chiến ở Syria, lực lượng Wagner đã giáp chiến với các lực lượng hồi giáo(IS) cũng như các lực lượng được Thổ nhi kỳ yểm trợ và tổ chức ví dụ « quân đội Syria tự do », cũng như phối hợp với quân đội Nga và quân đội Syria.
Theo như tác giả thì sức chiến đấu của quân đội Syria rất kém, và các chiến thắng chủ yếu là do quân Wagner tạo ra, nhưng đây thực ra chỉ là cái nhìn địa phương, chứ tác giả không có cái nhìn tổng quát toàn bộ chiến trường.
Một điều đặc biệt nữa đó là những mâu thuẫn giữa quân đội Nga và Wagner cũng đã có mầm mống từ đây, điều mà sau này ở trên chiến trường UK, Prigojine thể hiện trên media nhiều hơn.
Điều thú vị nữa, là mặc dù là quân đội tư nhân, một người lính đánh thuê vẫn cần có một nhận thức ngoài chiến đấu vì tiền. Và ở đây tác giả có nói tới niềm tin vào nước Nga, vào một nhận thức được coi như tiền thiên chúa giáo, được gọi là rodno verie, Verie tiếng Nga là niềm tin, rodno là cội nguồn, một thứ chủ nghĩa yêu nước tự nhiên gắn liền với một lãnh thổ, đất nước.
Tác giả cũng nói tới các câu chuyện như mua quan bán tước trong quân đội.
Cuốn sách được viết vào năm 2021, tức là trước khi có cuộc chiến tranh ở UK. Mục đích của nó có lẽ là nói lên sự hoạt động của Wagner ở Syria. Từ chiến trường Syria tới chiến trường UK, vai trò của Wagner có lẽ không thay đổi mấy (đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến) đó là một lực lượng xung kích trên bộ, thực hiện các « hợp đồng gia công » cho quân đội. Và ở mức độ này, đây là lực lượng có kinh nghiệm tác chiến nhất về mặt bộ binh trong các lực lượng vũ trang Nga (tính tổng hợp nhà nước tư nhân) cho tới thời điểm bùng nổ cuộc chiến UK-Nga.



--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
root
post Sep 6 2023, 01:21 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Một người gắn bó và đang xây dựng VENOnline ngày một tốt đẹp hơn
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 1.935
Tham gia từ: 12-August 02
Thành viên thứ: 140

Tiền mặt hiện có : 52.125$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bác Phó có thể đọc "Hồi ước chiến trường K" để xem bộ đội VN đánh nhau ở Cambodia thế nào.
Trong tay VN lúc đó có rất nhiều vũ khí mạnh, nhưng chủ lực vẫn là bộ binh đánh với du kích Khơ me đỏ.
Rất vất vả, rất khó khăn... Một cuộc chiến tốn quá nhiều xương máu. Một cuộc chiến giành đất thì lực lượng chủ lực luôn là bộ binh. Các vũ khí hiện đại, tầm xa đều là vô dụng!


--------------------
Cuộc đời không có phím undo!



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Hôm qua, 05:50 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Liên minh sai lầm : Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt nam.
Đây là tên cuốn sách của nhà sử học người Mỹ Edward Miller, viết về quan hệ Mỹ và chính quyền miền Nam thời Ngô Đình Diệm. Tôi chưa đọc cuốn sách này, nên chỉ biết có bài báo trên báo VN giới thiệu tường thuật buổi gặp gỡ của tác giả với bạn đọc ở TP Hồ chí Minh. Theo như bài báo hì cuốn sách đưa ra cách nhìn mới, cách tiếp cận mới.
Khi vào mạng , lên site có cái tên bắt đầu bằng chữ A để tìm thử cuốn sách (nguyên bản bằng tiếng Anh), thì thấy nó giới thiệu thêm là Diệm không phải là tay sai của Mỹ, mà là người muốn xây dựng một dân tộc VN kiểu khác.
Tất nhiên phải đọc quyển sách mới biết thực ra tác giả muốn nói gì, ở đây tôi chỉ phân tích tên cuốn sách, vì bản thân trong tên của nó đã có nội hàm như một ý tưởng mà tác giả sẽ tìm cách chứng minh dẫn chứng.
Cach phân tích này của tôi là phan tích kiểu .. Phật giáo. Bởi trong phật giáo, khi nghiên cứu một quyển kinh theo truyền thống đại thừa, thì việc đầu tiên nhiều khi cơ bản đó là phân tích tên cuốn kinh, bởi theo truyền thống phật giáo đại thừa, thì tên cuốn kinh đã nói lên một phần (chính xác hơn là đại ý là cái tinh túy của nó). Ví dụ để nói tới kinh diệu pháp liên hoa, thì việc chỉ niệm tên nó cũng có tác dụng tu tập, vì cái tên đã nói được nội dung của cả bộ kinh.
Vậy hãy thử áp dụng cách phân tích này vào phân tích cuốn sách xem sao. Tất nhiên tôi cũng phải nói luôn là phải đọc cuốn sách thì mới hiểu chính xác, nhưng nhìn cái concept được thể hiện qua cái tên, thì người ta có thể hiểu tác giả muốn nói điều gì.
Điều làm tôi chú ý và ngạc nhiên là ngay trong bốn chữ đầu tên cuốn sách : LIÊN MINH SAI LẦM, ở đây nó có hai concept: Liên minh và sai lầm. Cụm từ dịch này làm rõ nghĩa nguyên bản vốn là một từ tiếng Anh Misalliance hơn, vì thế tôi sẽ theo tên dịch để tìm hiểu hai cái concep này.
1- Liên minh. Ở đây tác giả muốn nói tới liên minh nào. Đó là liên minh giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và Mỹ. Cái concept này có đúng không ? với tôi là KHÔNG. Quan hệ giữa chính quyền Ngô Đình Diệm, thường được gọi là chế độ cộng hòa thứ nhất(1954-1963) với Mỹ không phải là quan hệ liên minh. Một quan hệ liên minh là quan hệ thế nào ? đó là quan hệ của hai nhà nước độc lập, có chủ quyền, và là chủ quyền thật sự, chứ không phải là chủ quyền ảo, cùng góp gạo thổi cơm chung. Ví dụ khi Mỹ tham chiến trong đại chiến I, II thì Anh, Pháp, Mỹ và cả Liên Xô trong đại chiến II là Liên Minh. Hiện tại, nước Vn theo chính sách 4 không, nhưng nếu không theo chính sách đó mà có hiệp ước với Mỹ thì cũng gọi là Liên Minh. Quan hệ của nước VN dân chủ cộng hòa với Liên Xô, TQ là liên minh. Nhưng quan hệ của Mỹ với chính quyền miền Nam với cả hai chế độ cộng hòa I (thời Ngô Đình Diệm), cộng hòa hai (thời Nguyễn văn Thiệu) không phải là quan hệ liên minh, đó là quan hệ “sai bảo”, mà từ xấu hơn là tay sai.
Như vậy ngay khi đặt vấn đề, tác giả đã hiểu sai bản chất, thì phần còn lại của cuốn sách chỉ là bao biện nó thế nào cho chuẩn, cho nó có “phong cách khoa học khách quan” mà thôi.
Tôi có thể hiểu tại sao tác giả có quan niệm như thế được không ? hoàn toàn hiểu. Tác giả là người Mỹ, ông ta không thể nào có cái nhìn Mỹ là xấu, là can thiệp được. Đây là hệ quy chiếu bất thành văn, vì thế tôi cảm thông với tác giả
2- Sai lầm. Mỹ có sai lầm ở VN khi ủng hộ chính quyền miền Nam cũ không ? câu trả lời của tôi . KHÔNG. Sai lầm gì đâu, Mỹ đã dựng Ngô định Diệm lên, thì việc Mỹ ủng hộ sai bảo là điều bình thường, tại sao lại bảo việc ủng hộ này là sai lầm. Điều thú vị hơn nữa, là Mỹ luôn sai lầm. Sau VN, Mỹ còn sai lầm ở I rắc, rồi ở Apganistan, và chắc chắn còn sai lầm ở nhiều nơi khác nữa trong tương lai. Hi vọng rằng ông Miller sẽ tiếp tục học tiếng Patoun (của người Apganistan), rồi tiếng Ả rập (của người I rắc) để rồi tham khảo tài liệu và ồ lên một tiếng là hóa ra ở hai nơi này Mỹ cũng có liên minh sai lầm như ở VN để làm thêm hai cuốn sử cho nó đủ thành 3 tập. Với tôi, điều thú vị là làm sao Mỹ lại luôn hành động sai lầm, và nếu đã luôn hành động sai lầm, thì có nghĩa là đây không còn là sai lầm mà là bản chất.Điều quan trọng là tìm ra cái động cơ khiến Mỹ luôn sai lầm này, luôn có liên minh sai lầm này mới quan trọng, và có tác dụng nhận thức.
Tôi chắc chắn là tác giả sẽ tìm ra vài điều vớ vẩn gì đó, để nói rằng Diệm độc lập, Diệm cứng đầu, và từ đó nói rằng quan hệ Ngô Đình Diệm với Mỹ là quan hệ liên minh. Nhưng thực ra những điều này là tiểu sảo, bằng cách dàn dựng thổi phồng các mâu thuẫn giữa chủ và tớ, cho nó một ý nghĩa quan trọng hơn. Người ta có thể thấy điều này bằng một ví dụ đời thường rất đơn giản. Ví dụ trong quan hệ management một ê kíp bé tí xíu, chỉ khoảng 2, 3 người thôi cũng có thể có chuyện “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”, hay “thủ kho to hơn thủ trưởng”, .. nhưng không phải vì như thế mà người ta nói rằng tất cả những thành viên của ê kíp là cá đối bằng đầu như nhau, nếu chuyện xẩy ra thì chứng tỏ ông manager tồi. Việc Mỹ dựng lên một chính quyền tay sai, thì việc tay sai có thể cự nự lại qua vài chuyện râu ria là bình thường, nhưng đấy không phải là bằng chứng của một quan hệ liên minh, là thể hiện chủ quyền. Cũng như thủ kho, nếu ăn trộm thì bị đuổi đi, chứ không thể nói là đấy là bằng chứng thủ kho và thủ trưởng băng vai phải lứa là .. liên minh.

Theo như bài báo giới thiệu cuộc gặp gỡ của tác giả với bạn đọc, thì sự ra đời của cuốn sách như là một hình thức tiếp cận mới, với tôi là không có gì khủng khiếp như vậy, có thể tác giả chỉ sử dụng dẫn chứng một cách hời hợt mà thôi. Lấy ví dụ thực tế, hiện tại có vụ khủng bố ở Nga, và theo tin của phương Tây thì Mỹ có cảnh báo Nga trước. Vài chục năm sau, có ông sử gia đọc được tiếng Anh, lôi nó ra, ồ lên thán phục nói rằng .. à hóa ra Nga và Mỹ vẫn cánh hẩu với nhau mặc dù đánh nhau, rồi từ đó bù lu bù loa bịa đặt mọi thứ chuyện quanh tình hữu nghị ấy thì có chuẩn xác không. Chắc chắn là không.
Hiện tại ở Pháp cũng có cách tiếp cận kiểu này với cuộc xâm lược của Pháp ở VN. Gần đây nhất tức là cách đây vài ba tuần, trong một chương trình của kênh quốc hội Pháp,(kênh 13) họ đã chiều một phim tài liệu nói về lịch sử VN hiện đại thời kháng chiến chống Mỹ, trong đó nó đã trình bầy cuộc chiến tranh như một cuộc nội chiến, giữa người VN với nhau. Và để làm điều đó, nó phải lờ đi tất cả những yếu tố can thiệp bên ngoài, gốc gác tới từ Pháp, Mỹ, .. Điều thú vị hơn nữa, là chương trình này sau khi chiếu phim sẽ có một cuộc tọa đàm giữa các sử gia với nhau về bộ phim vừa chiếu, với bộ phim này có 3 nhà sử học, có hai người là sử gia giảng viên dậy sử đại học chuyên về ĐNA hay VN (dạng giống như Edward Miller), còn một người đã từng là phóng viên báo nhân đạo của đảng Cộng sản Pháp đã từng ở VN. Khi được hỏi là tại sao lại có hiệp định Giơ ne vơ chia vN làm 2 miền, thì hai nhà sử gia kia bằng mọi cách cố sống cố chết nói mập lờ rằng vì VN có 2 dân tộc, rằng dân tộc Vn rất lỏng lẻo (fragile), và từ đó tìm cách biến hiệp định này thành một dạng khẳng định biên giới dân tộc. Nhân vật nhà báo kia nói không lại, và thực ra ông ta cũng không nhận thức được, vì ông ta không phải là chuyên gia sử, chỉ là phóng viên chiến trường, là người Pháp giống như hzi bác sử gia kia. Như vậy với một sự hiện diện dường như rất công bằng, bộ phim và sử gia “đểu” (tôi muốn nói là đểu giả) đã gieo vào cho người xem, nếu họ quan tâm và ngây thơ tin vào nó, rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ không phải là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà là một dạng nội chiến. Và như vậy yếu tố nước ngoài, xâm lược, là lý do chính bị bỏ qua phủi tay.
Như vậy tiếp cận của Miller không phải là mới, mà là luận điệu lịch sử mới ở phương Tây về sự can thiệp của họ ở VN. Cách tiếp cận này của họ rất có lợi vì:
1- Nó đã phủi tay hoàn toàn sự can thiệp của họ.
2- Phá hủy đi sự thật lịch sử, để mập mờ sự chính danh của nhà nước VN
3- Tạo ra cơ chế, lô gic để khoét sâu vào mâu thuẫn trong xã hội VN, đặt con bài lâu dài về sau.
Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm là một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc VN. Câu trả lời của tôi là KHÔNG. Sự ra đời và lên hương của cả gia đình ông ta gắn liền với chủ nghĩa thực dân Pháp ở VN. Không có thực dân Pháp thì họ của ông ta chẳng là cái gì cả. Ông ta có yêu nước thì cũng như dạng Phạm Quỳnh, Hoàng Cao Khải. Vấn đề là có mâu thuẫn giữa Ngô Định Diệm và chính quyền thực dân Pháp, nhưng mâu thuẫn này không phải là mâu thuẫn dân tộc mà là mâu thuẫn tôn giáo. Ngô Đình Diệm là linh mục công giáo, là tôn giáo Pháp đã lợi dụng nó (thông qua lợi dụng giáo dân) để xâm lược VN, nhưng khi xâm lược xong rồi, thì Pháp không thể để thế lực giáo hội Thiên chúa dù là theo Pháp lũng đoạn được, nó là chủ cơ mà. Ở Đông Dương, các toàn quyền Pháp lúc thì chịu ảnh hưởng của Cơ đốc giáo (dù nước Pháp tư sản chống thiên chúa giáo), lúc thì theo hội tam điểm, thường có quan điểm chống tôn giáo. Cùng theo một tôn giáo, nhưng ở thân phận không bình đẳng với thực dân da trắng khiến Ngô Đình Diệm bất mãn, chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa.
Chính quyền Ngô Đình Diệm, thật sự là một chính quyền thực dân Pháp không có người da trắng Pháp, nó ra đời được vì có sự lớn mạnh và thắng lợi của cách mạng VN do Việt Minh lãnh đạo, khiến Pháp phải đặt ra chính phủ bù nhìn, chính phủ bù nhìn này nhờ có cách mạng mà càng ngày càng .. độc lập, do chủ của nó bỏ đi. Vì thế chính quyền miền Nam độc lập thật sự vào năm .. 1973, khi hiệp định Paris được ký kết và Mỹ rút khỏi miền Nam.
Còn tại sao tôi lại nói chính quyền Diệm là chính quyền thực dân Pháp, bởi vì nó dựa vào giai cấp phong kiến địa chủ, không phải phong kiến địa chủ thời nhà Nguyễn còn sót lại, mà là thứ phong kiến địa chủ thuộc địa do Pháp tạo ra.
Sự phản ứng của giai cấp địa chủ này với cách mạng, với Việt Minh là có thật, nhưng không thể coi đó là một dạng .. dân tộc khác. Sự việc này cũng giống như khi có cách mạng Pháp, thì quý tộc phong kiến Pháp bị đánh đổ, rồi họ chạy sang Anh. Nhưng nó không thể là một .. dân tộc Pháp mới được.
Như vậy, hiện tại xu hướng ngụy biện lịch sử của phương Tây người ta phải hiểu rõ, đừng có vì họ hiện tại đều là “đối tác chiến lược toàn diện” rồi ngây thơ để cho họ cấy vào, đừng vì hi vọng vào hợp tác tương lai chấp nhận chối bỏ quá khứ thì sẽ mất cả quá khứ và tương lai.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
2 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (2 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC