Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

3 Trang < 1 2 3 

· [ ] ·

 Truyện Thơ Cổ Tích

Phó Thường Nhân
post Feb 23 2017, 12:03 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #21

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Hôm qua sau lúc truy lùng quyển sách trên mạng không được , và đó là điều đáng mừng cho tác giả, vì sách ở VN rất hay bị tẩu tán coi thường bản quyền, nên dù không kiếm được nó để « đọc lậu », tôi cũng không thấy buồn. Nhưng trong lúc truy lùng, nhìn cái bìa sách, khiến tôi ngờ ngợ vì cái bản mặt nó hình như mình đã thấy ở đâu. Kết quả là cuộc truy lùng đã khiến tôi tìm thấy nó, trong đống sách mình có mà chưa đọc. Cũng có thể đã lướt qua, nhưng có thể lúc đó chưa có cảm giác mạnh để đọc nó trước. Là một người đọc bình thường, tức là đọc cho chính mình, người ta sẽ đọc cái gì mà tự mình cảm thấy bắt mắt trước, theo cảm hứng
Kết quả, cuối cùng cũng tìm được nó để đọc, theo lời khuyên của Hoàng Yến. Nói về đọc sách, nhiều khi nó cũng là sự tình cờ. Và từ giữa sự tình cờ, đến lúc đọc nhiều khi cả mấy năm đã trôi qua, vì tôi là người đọc sách theo kiểu « khảo cổ ». Đối với tôi không có sách thời thượng, cũng không có sách « à la mode ». Ngược lại thời gian nhiều khi lại là ông giảm khảo nghiêm khắc, để xem thực tế giá trị quyển sách. Sách cổ không nhất thiết phải nói tới một giá trị bất biến, không thay đổi theo thời gian, mà có thể nó rất thời sự vào giai đoạn viết ra, nhưng giờ thành quá đát, theo quan niệm « thời thượng » đương đại, có nghĩa là nó là mốt vào thời điểm ấy, nhưng điều đó chưa chắc là đúng. Sự đúng sai ở đây chỉ là theo mốt mà thôi. Cách đánh giá sách vở như thế là theo kiểu « duy vật lịch sử », nếu theo chủ nghĩa Mác. Người ta cũng có thể coi nó như nhân duyên(vạn pháp tuỳ duyên), nếu theo Phật. Vì tôi theo cả Phật cả Mác, nên cái cảm nhận của tôi về điều đó càng rõ rệt và bổ xung cho nhau. Nhân duyên nhà phật giúp tôi định vị quển sách, tư duy duy vật lịch sử hướng tôi vào quan niệm ảnh hưởng xã hội. Ví dụ, hiện tại tôi vẫn kiếm sách viết về Liên Xô, không phải là sách mà người ta viết bây giờ, mà vào thời điểm những năm 1970,1980 khi Liên Xô còn tồn tại và hùng mạnh bậc nhất. Đọc nó rất thú vị, vì sách viết bây giờ, « tiên tri quá khứ », ông nào chẳng nói hay như ..nhà tiên tri. Nhưng vào cái thời điểm đó, tại sao người ta lại không thấy thế. Đó mới là điều thú vị.
Nói đến sự tình cờ, ở trên tôi có nói tới nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ông viết không nhiều, tôi chỉ được đọc « Xung kích » (viết khoảng năm 50, trong kháng chiến chống Pháp), « Vỡ Bờ » (Tiểu thuyết mà tôi chỉ được đọc tập I, và cũng không hiểu nó có tập II không), rồi « Mặt trận trên cao » (viết khoảng năm 1965). Quyển « mặt trận trên cao » tôi với được nó cũng ly kỳ. Tên của cuốn sách tôi biết từ lâu, nhưng không được đọc. Một lần rất tình cờ, tôi tìm được nó bằng ..tiếng Pháp. Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên. Sau đó một thời gian khá lâu, tôi mới tìm được cuốn sách này bằng tiếng việt.
Hiện nay, trong phần văn học thế giới, phần văn học VN ở Pháp người ta chỉ tìm thấy sách của Dương Thu Hương, hiện sống ở đây. Nhưng thực ra bà ta không còn là nhà văn VN nữa theo đánh giá của tôi, mà là nhà văn Pháp, viết bằng tiếng Việt, rồi có người dịch ra tiếng Pháp để in. Nếu giả dụ ngày xưa, khi bà ấy không bị lằng nhằng vì cuốn tiểu thuyết « những thiên đường mù », thì có lẽ sách của bà cũng không được Pháp xếp vào «sách nhà văn VN ». Người gốc VN ở các trường đại học Pháp, dậy về văn khoa cũng không phải không có. Nhưng nếu giới thiệu sách văn học VN, thì nhất định nó phải thuộc loại văn học chống phá. Hiện nay do VN có quan hệ bình thường với thế giới, nhưng chuyện này cũng không vì thế mà hết. Vì sao ? vì nó được tuyển chọn theo gu của người Pháp, đồng thời được những người dịch, dù là gốc Vn đầu óc cũng bị formatted bởi người Pháp. Chính vì thế tôi không bao giờ đi tìm sách văn học VN bằng tiếng Pháp, và cũng không tin rằng cái ở Pháp gọi là văn học VN đích thực là văn học VN. Tất nhiên với tiếng Việt, tôi không cần sách tiếng Pháp. Nhưng điều này sẽ trở nên rầy rà hơn, nếu tôi muốn tìm hiểu văn học Cu ba, hay bất cứ một nền văn học của thế giới thứ 3 đương đại, ngay cả Ấn độ, TQ bằng tiếng Pháp. Vì tôi chỉ tiếp xúc được với « tinh hoa » ngoại lai của những nền văn hoá này thôi.
Chính vì thế gặp quyển « mặt trận trên cao » bằng tiếng Pháp, tôi không khỏi ngạc nhiên, vì nó không phải là loại sách được dịch. Tìm hiểu ra thì mới thấy một điều là. Quyển sách này, cùng với quyển « Hòn đất » là một trong cố gắng của nhà xuất bản « Thế giới », tức là nhà xuất bản ngoại văn ở VN. Quyền Hòn đất là do nhà xuất bản này dịch (có thể là do cụ Nguyễn Khắc Viện), ngược lại quyển « mặt trận trên cao » thì được một nhà xuất bản cánh tả ở Pháp dịch, và người dịch là người Pháp.
Khi đọc quyển « mặt trận trên cao » cả bằng tiếng Pháp hay tiếng Việt, nó đều gợi lại cho tôi thời thơ ấu, lúc đó tôi rất nhỏ, nhưng cảnh quan thời sơ tán chống Mỹ, mà nhà văn Nguyễn Đình Thi nói thì tôi vẫn cảm được. Nó là một quyển sách hay. Cuốn sách nói về những phi công của sư đoàn không quân Sao đỏ, sư đoàn không quân đầu tiên của VN. Tất nhiên nhân vật đã được cách điệu hoá lãng mạng, ngược lại với xu thế « thú vật hoá » « khả ố hoá » các nhân vật của « tinh hoa sành điệu » VN hiện tại.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, sau khi viết quyển « Xung kích », mà nhân vật là chiến sĩ bộ binh trong chiến dịch Biên giới (1950), dù quyển sách được giải, cũng bị phê bình là « tâm hồn tiểu tư sản ». Mười mấy năm sau, khi ông viết quyển « mặt trận trên cao », nhân vật chiến sĩ phi công vẫn có những cái lãng mạng ấy. Điều đó không khỏi khiến tôi mỉm cười, vì cái lãng mạng của nhân vật chính trong truyện Xung kích hay cái lãng mạng trong truyện Mặt trận trên cao thực ra chính là Nguyễn Đình Thi mà thôi. Đó là tâm hồn của một cậu bé với sự mộng mơ của người học sinh lýt xê (lycee) đi theo cách mạng.
Với tôi, Nguyễn Đình Thi là bậc thầy về về truyện vừa. Cấu trúc câu chuyện của « mặt trận trên cao » rất chặt, các chi tiết đều có ý tứ, không có chuyện thừa. Mà giọng văn thì lãng mạng như Thạch Lam. Có thể so nó như truyện « ông già và biển cả » của Hê minh uây, tất nhiên nội dung không giống nhau


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 23 2017, 07:06 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #22

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Vừa đọc xong quyển « Mình và Họ » theo lời khuyên của Hoàng Yến. Chắc sẽ có hai nhà văn có thể mừng theo khi quyển sách này được giải. Đó là ông Bảo Ninh và ông Nguyễn Huy Thiệp. Vì cấu trúc câu chuyện, nội dung nó muốn chuyển tải giống như « nỗi buồn chiến tranh » của Bảo ninh, dù lý do khác nhau. Còn giọng văn thì là của Nguyễn Huy Thiệp,như trong « Tướng về hưu », hay « kiếm sắc ».Như vậy là hai ông đã có hậu duệ đệ tử. Tất nhiên đây là nhận xét của người đọc. Chứ tác giả thì vẫn có quyền chối đây đẩy.
Tại sao tôi lại nói cấu trúc câu chuyện giống « nỗi buồn chiến tranh ». Ở đây tôi không thể làm một cái bảng so sánh với hai cột , mỗi cột một quyển sách, thì người ta nhìn thấy rõ ràng ngay, nên đánh phải nói lần lượt. Cả hai câu chuyện đều có cấu trúc « road move » (tức là chuyện kể trên đường), một bên thì đi tìm mộ đồng đội, một bên đi lên nơi cũ của anh trai. Thậm chí có chi tiết nhỏ hơn cũng giống. Nhân vật bộ đội của Bảo Ninh có một nhân vật nữ (người yêu đi cùng bị hãm hiếp ở trên tầu hoả) để đến lúc trở về thì người đó đã đi với người khác, thì ở đây cũng vậy, nhân vật người anh cũng có một số phận tương tự (vợ bỏ, con chết). Thậm chí nhân vật của Bảo Ninh cuối cùng gần như bị kiểu vietnamese Syndrome của lính Mỹ, và để tả điều đó, Bảo Ninh đã có những trang tâm sự tâm lý rất hay, điều này thì Bình Phương không có, nhưng nhân vật cũng bị điên. Và cái cảm giác tự cô lập mình (trong cuối chuyện của Bảo Ninh), lại được dành cho nhân vật « mình » (Hiếu) đối lập lại với tất cả là HỌ. Có điều trong Bảo ninh thì đó là tâm trạng một người, thì ở Bình Phương nó là hai (bao gồm người anh được kể thông qua tâm sự của « mình »).
Trái với lời giới thiệu của nhà xuất bản Trẻ ở đầu câu chuyện. Tôi không nghĩ rằng HỌ ở đây là người Trung quốc. Chính xác hơn TQ chỉ là một phần của cái HỌ. Họ ở đây bao trùm tất cả, ngoại trừ nhân vật xưng là mình và người anh trai của « mình », vì nó là dạng một nhân vật được tách làm đôi. Có hiểu như thế thì mới hiểu tại sao người lại thành ma, « không để bị bắt » dù người bắt là công an hay lính TQ. Và câu chuyện là về tội ác, chủ điểm là tội ác, trong đó chiến tranh chỉ là bộ phận.
Ở đây Bình Sơn cũng giống Bảo Ninh, tức là chán ghét chiến tranh một cách chung chung, không phân biệt. Ta thù hoàn toàn giống nhau. Vì thế mới có chuyện một cái thung lũng TQ giết người « mình » thì sau đó người « mình » cũng chết vì pháo « mình » bắn vào đúng chỗ đó. Nhưng có điều trong chuyện của Bảo Ninh, thì cái gì làm người lính đứng được là một dạng lương tri, thể hiện qua mẩu chuyện bắt thám báo Nguỵ đã giết hại những cô gái thanh niên xung phong và sao đó là một niềm hi vọng của tình yêu, với người bạn gái đã bị chiến tranh bị phá trinh một lần trên tầu (trong lần máy bay đánh phá), sự tìm kiếm vô vọng, và cuối cùng lúc trở về thấy người đó đã đi với người khác.
Với Bình Phương thì động lực của nó lại là tội ác, cái ác. Vì thế mới có chuyện người dân tộc, giữ một cái chốt khiến cả đại đoàn quân TQ không qua được nhưng không phải vì họ anh hùng (và tác giả cũng nói là họ không được phong anh hùng) mà vì bản chất tội ác (cắt đầu chất vào hang), nhưng người dân tộc bản chất cũng là phỉ, bản chất là phỉ, tức là tội ác. Động lực của « sự anh hùng » là tội ác, là ăn thịt người. Và người nào trải qua điều đó, thì sẽ thành điên.. như người anh trở về của « mình ».
Cái nhìn về chiến tranh của Bảo Ninh đã ảm đạm, nhưng còn le lói một chút gì nhân bản, thì trong cái nhìn của Bình Phương hoàn toàn không. Nó là bài ca tội ác.
Sự phát triển của văn học « tinh hoa » VN nếu nói về mặt nghệ thuật, thì rõ ràng có phát triển hơn, và cách viết của nó, ví dụ như Bình Phương hoàn toàn không thua kém gì văn học thế giới. Văn cũng hay, cách miêu tả bằng hình thức « so sánh thường trực » (tức là để tả một điều, thì đem so sánh nó với một điều khác, làm nẩy một ý khác, chứ không tả chân phương) rất là thú vị. Nhưng cái phần « ĐẠO » thì xuống dốc.
Văn học hiện thực phê phán thời năm 30 đã tạo ra nhiều nhân vật thị dân thú vị (Xuân Tóc đỏ Vũ trọng phụng hay ông giáo trong sống mòn của Nam cao..v..v..), văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thì dựng được những nhân vật điển hình, như một hình mẫu đạo đức. Còn văn học thời đổ vỡ bây giờ thì chỉ dựng được hình tượng « Lưu manh trí thức ». Đấy chính là điều là tôi muốn nói khi tôi nói rằng văn học đi vào ngõ cụt.
(còn tiếp).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 24 2017, 12:32 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #23

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Thế nào là « lưu manh trí thức », tức là dựng những nhân vật có đời sống là lưu manh, « thú vật hoá », nhưng đồng thời lại gán vào mồm người ta tất cả những gì có thể gọi là trí thức, mà thực ra là nhận thức của tác giả. Nếu so sánh các nhân vật kiểu này, với một những nhân vật tương tự, ví dụ như « anh chị » trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, thì người ta sẽ nhận thấy sự khác biệt ghê gớm. Nhân vật anh chị của Nguyên Hồng không thể hiện « trí thức », vì vào thời điểm đó theo quan niệm văn học cổ điển, kiểu như các tác phẩm của Ban dắc, mà trí thức VN thời đó chịu ảnh hưởng nhiều, người ta muốn xây dựng các nhân vật hiện thực, mà sau trở thành nhân vật điển hình của văn học hiện thực XHCN. Anh chị của Nguyên Hồng không thể hiện trí thức, nhưng nó thể hiện tình người.
Dạng nhân vật « lưu manh trí thức », nếu nhìn về mặt thủ thuật viết văn thì rất tiện lợi cho nhà văn. Vì cái dải quang phổ ý tưởng có thể nhét vào miệng các nhân vật kiểu này rất rộng, từ chuyện tục tĩu nhơ nhớp mang từ vỉa hè quán chợ vào, cho đến những cái cóp nhặt tinh hoa lượm lặt đây đó đều được. Những nhân vật kiểu này chỉ là người nộm, để tác giả nhét trực tiếp ý tưởng của mình thôi, nó tiện hơn nhiều, so với phải xây dựng cho đúng chất người. Ở trên Hoàng Yến có nói là tại sao các nhân vật lại nói tới nhạc Trịnh làm nó lệch pha. Thực ra nói cái gì chẳng được. Ngày mai mà các ông ấy nhét vào một cậu bé bán vé số nói chuyện vật lý lượng tử như Anh xơ tanh, thì đâu có sao. (mở ngoặc là tôi không có ý định chê bai hay định kiến gì một nghành nghề nào). Cái chủ yếu của nó là gây sốc, bởi vì mỹ cảm hiện đại chấp nhận tất cả, từ nôn, mửa, ỉa , đái .. miễn là gây sốc.
Vì thế cho nên tôi đang chờ hội nhà văn VN trong tương lai sẽ trao giải thưởng cho tác phẩm nào nhiều thú tính nhất, loạn luân nhất.. kiểu bầy người nguyên thuỷ « tưởng tượng » (tôi nói tưởng tượng vì thực ra người nguyên thuỷ họ cũng có tính người chứ không như thế). Mà cái kiểu ấy cũng đã có rồi mà. Nếu tôi không nhầm thì nó là một cái phim loạn luân kiểu này được mang đi thi quốc tế.
Ở trên tôi có nhận xét là giọng văn của tác giả giống kiểu Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng văn ông Thiệp thô ráp hơn, trần trụi hơn (trong những chuyện tôi dẫn ở trên). Nhưng cái kỹ thuật thì giống nhau, đó là tự sự bằng một chuỗi liên tưởng, và các liên tưởng phải tương đối bất ngờ, để người đọc không chán. Và về điểm nay thì Bình Phương khác Bảo ninh. Vì tính tự sự tâm lý (tôi vẫn luôn nói tới cuốn « nỗi buồn chiến tranh ») của Bảo Ninh cao hơn, sâu sắc hơn. Để tính tự sự liên chuỗi này hoạt động được, thì phải gắn đối thoại vào tự sự như một bộ phận của tự sự. Tự sự là dây nối câu chuyện. Ông Thiệp thì sử dụng cách cho đối thoại vào nguặc kép, để mạch văn nó liền như văn bình luận. Bình Phương cũng dùng kỹ thuật này, nhưng giữ gạch đầu dòng. Cái phát hiện này là công cuả Nguyễn Huy Thiệp, và nó làm thay đổi cách viết văn xuôi VN đi.
Bình Phương cũng khai thác được một thủ thuật thú vị, mà chỉ có tiếng Việt mới có, không biết mọi người có để ý không. Đó là các đại từ chỉ ngôi : mình, hắn. Đưa những đại từ chỉ ngôi này thành nhân vật không tên. Để hiểu cái điều này thì phải so sánh tiếng việt với một tiếng phương Tây ví dụ Anh, Pháp, Nga… thì mới thấy. Các thứ tiếng nước ngoài này ngôi thứ rất rõ ràng , ví dụ I, we, you, và rất hạn chế ..Nhưng trong tiếng việt cổ điển, có nguồn gốc từ chữ Nho, thì cái ngôi này rất lờ mờ. Và văn thường không có ngôi, hay ngôi chung chung. Ví dụ kiểu « nhân vô thập toàn » (tức là con người không ai hoàn hảo cả). Cách viết này có thể do ảnh hưởng trực tiếp từ tư duy Nho giáo, Phật giáo..coi không có cái tôi, không có sự sở hữu. Tô Hoài, trong tự sự của ông nói về đời viết văn của mình, có nói lúc ông âý bắt đầu viết văn bằng chữ quốc ngữ, ông ấy không biết dùng đại từ nào để dịch ngôi « Je » (tiếng Pháp giống như I tiếng Anh), và cuối cùng ông ấy dùng từ « Ta ». Nhưng để cùng một ngôi « Je » này, tiếng việt có rất nhiều từ : Ta, mình, tôi, tớ..v..v..và có những từ như mình, ta thì người ta không biết nó là nhiều hay ít vì nó có thể là I hay we (tiếng Anh). Không kể những từ này tuỳ cách xưng thế nào mà trạng thái tình cảm khác nhau. Hãy tưởng tưởng mang quyển này ra dịch tiếng Anh, thì chữ mình dịch làm sao. Chắc là I thôi, nhưng nó không còn là mình nữa.
Lúc bắt đầu đọc quyển sách tôi còn lầm « Hắn » và « mình » là một người. Vì « mình » là kể chuyện ở ngôi tự sự, còn « hắn » là là « voice off » của tác giả chỉ « mình », phải xem một đoạn mới hiểu ra đấy là một nhân vật độc lập.
(còn tiếp).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 24 2017, 06:48 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #24

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Ở trên tôi có nói tới thủ thuật « so sánh thường trực ». Để minh hoạ tôi sẽ viết mấy dòng theo hai kiểu khác nhau, để nói rõ cái thủ thuật này hơn.
Kiểu chân phương, cổ điển : « Hai bông hồng bạch chạm vào nhau rung rinh trước gió. Những giọt sương long lanh đọng trên đỉnh đoá hoa nặng trĩu khiến chúng ngả xuống hôn nhau. Hai nụ hồng chúm chím, run rẩy,cảm động chia sẻ sự mát lành yên tĩnh của buổi sáng ban mai ».
Kiểu « so sánh thường trực » : « Hai bông hồng ngả ngốn vào nhau, giọt sương đọng như chẩy dãi trên đầu « thằng tiểu yêu ». Nụ hồng chúm chím như cái núm vú mây mẩy của con Lài lúc anh Cu đang đè ra, trắng nhễ nhại như hai con lợn bạch đang chim nhau ».
Tất nhiên ví dụ của tôi viết là ví dụ « chuối », vì tôi không phải là nhà văn. Nhưng có thể thấy là cách viết cổ điển cần nhiều sự gọt dũa từ ngữ, tỉ mỉ, tinh tế. Nhưng nó dừng lại trong một chủ điểm (hai bông hồng). Ngược lại với kiểu « so sánh thường trực », sự chọn lọc miêu tả này được thay bằng sự so sánh (tôi nhấn mạnh nó bằng gạch đít), và mỗi sự so sánh nó lại nẩy ra một thứ bất ngờ, đa chủ điểm. Sự so sánh giúp liên kết các sự kiện rất khác nhau với nhau, mà mở rộng « giải quang phổ từ ngữ » cho nhà văn. Đây cũng là kiểu viết trong « Mình và Họ ».
Khi đọc quyển truyện, tôi cũng bị một bóng ma ám ảnh. Không phải là bóng ma trong truyện mà là hình ảnh còn lưu lại trong óc tôi khi đến thăm thành cổ quảng trị và nghĩa trang Trường sơn. Quảng Trị là một địa danh đặc biệt có rất nhiều những di tích mà ý nghĩa trái ngược nhau, nhưng chúng chỉ cách nhau mấy chục cây số. Một sự đậm đặc của lịch sử VN hiện đại. Tôi đến thăm quần thể nhà thờ La vang, một di tích đồng thời là Thánh địa, gắn nhiều với bi kịch của người công giáo VN, đằng sau nhà thờ có tấm biển đồng , kỷ niệm 72 vị « thánh tử vì đạo », được Va ti căng phong thánh. Cách La vang không xa, là thành cổ Quảng Trị, mà cái đài kỷ niệm được làm với hình dáng của ngôi mộ khổng lồ, một ngôi mộ tượng trưng cho những người đã ngã xuống ở đó, mà bom đạn đã xoá đi hình hài, không tìm lại được. Trong nhà tưởng niệm còn những tấm ảnh được phóng to, do phóng viên QDND chụp vào thời điểm đó. Điều làm tôi cảm động là những nụ cười chiến sĩ được ghi lại. Và điều đó lưu lại trong tôi. Lúc tới nghĩa trang Trường sơn, với con mắt « sử gia vườn », nhìn thời điểm hi sinh của họ, thấy gần như trùng với những giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến, rất là ngậm ngùi. Đặc biệt lần đầu tiên tôi thấy, người ta không chỉ cắm hương, mà rải rác đâu đó là những mẩu thuốc lá được sử dụng như là hương. Dường như đó là của đồng đội cũ của họ khi đến thăm để lại. Tôi thấy người ta châm thuốc, hút mấy hơi dài để cho thuốc lá đỏ lên, rồi cắm xuống, như một sự chia xẻ. Lúc đó tôi rất muốn ra bắt chuyện hỏi họ là ai, nhưng làm như thế có vẻ tò mò quá đáng, nên không dám, vì thế tôi mới nói rằng, dường như đó là đồng đội cũ của họ. Những ấn tượng đó, khiến lúc tôi đọc tôi có cảm giác họ bị chết tới lần thứ 3. Lần thứ nhất là hi sinh. Lần thứ hai là với người trở về đối mặt với cuộc sống khó khăn đời thường. Và lần thứ ba, chính là những sự gán ghép sai lệch. Chẳng nhẽ động cơ chiến đấu chỉ là cái ÁC mà không phải là niềm tin và tính người.
Tất nhiên tôi cũng chẳng ngây thơ đến mức chiến tranh không có sự độc ác và chỉ là một sự lãng mạng, và hậu quả của nó thì khủng khiếp. Vì thế tôi không khoái cái tâm lý kích động, « anh hùng bàn phím » hiện tại. Trong Phật giáo có chuyện « xẩm sờ voi », ngụ ý là không ai có thể nhìn thấy tổng thể sự vật. Hãy tưởng tượng đề tài chiến tranh ở Vn là con voi, thì vị trí « ông xẩm » Bình Phương là ở sau đít con voi. Bình thường thì tôi có thể nói là sờ cái chân, nhưng vì tư duy « thẩm mỹ » hiện tại là nôn mửa, ỉa đái, nên để nó ra sau đít con voi thì đúng hơn. Ở đít con voi thì chỉ sờ được phân của nó, ngửi được phân của nó, rồi để nó quạt cái đuôi ngắn ngủn quết ruồi nhặng vào mặt mình. Con voi nhất định nó phải ỉa, không thì nó cũng chướng bụng mà chết. nhưng nếu đánh đồng con voi với đống phân coi nó chỉ là đống phân, thì lại không ổn. Thậm chí không chỉ được đó là con voi. Vì sao ? vì con nào chẳng ỉa. Đứng sau con bò, con lợn, con ngựa ..thì nó cũng thế. Vậy « đặc trưng của con voi » không phải là cứt nó, cái này thì nó chung với các loài động vật khác. Đặc trưng của nó là cái ngà, cái vòi, cái tai..
Chính vì muốn sờ cái vòi, cái tai, cái ngà.. của con voi, mà sau khi đọc quyển sách của nhà văn Bình Phương. Tôi phải mang cuốn « nắng đồng bằng » của nhà văn Chu Lai ra đọc để « cân bằng sinh thái ».
(còn tiếp).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 24 2017, 11:19 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #25

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Bây giờ tôi sẽ nhìn tác phẩm với cái nhìn xã hội học một chút. Một tác phẩm được hoan nghênh thì không phải chỉ vì tác giả giỏi, mà còn vì nó đáp ứng được một phần tâm lý của người đọc.Hoặc nó « chỉ đường » cho độc giả, hoặc nó đánh trúng tâm lý người ta. Trong trường hợp thứ hai, nhà văn là « con đồng », là « cái lưỡi » của tâm lý xã hội vào một thời điểm. Tác phẩm « Mình và Họ » , tôi xếp vào loại này. Còn loại tác phẩm « chỉ đường » cho độc giả, thì rất hiếm có. Tất nhiên, không nên nghĩ rằng nhà văn nhất định phải viết cái gì đó để đời, và giả dụ họ muốn cũng không được. Vì điều này phụ thuộc vào sự gặp gỡ giữa tác phẩm và bạn đọc. Nó không hoàn toàn nằm trong tay tác giả. Họ có thể dùng thủ thuật, ví dụ như trong điện ảnh, người ta vẫn hay làm những bộ phim để đi thi, tức là đón đầu cái gu của hội đồng giám khảo, nhưng phần lớn những phim này đều chết không ai muốn xem.
Trong tác phẩm của Bình Phương, nó có hai điều lôi kéo được độc giả.
1- Đánh trúng tâm lý của xã hội VN với TQ.
2- Đánh trúng thị hiếu, tầm nhìn của người Thị dân đồng bằng với miền núi.
Nhưng với tôi thì cả hai điều này đều có vấn đề, và tôi không thích cách nhận thức của tác giả.
Vì nó chạy theo người ta, chạy theo thị hiếu. Cái nhìn với miền núi (cụ thể ở đây với vùng cao nguyên đá Hà Giang) chỉ khai thác khía cạnh hiếu kỳ, giật gân, xa lạ. Nó cũng từa tựa như các chuyện của nhà văn Thế Lữ viết về miền núi thời những năm 1920, 30. Rất tiếc là tôi đọc đã lâu nên không nhớ những tên truyện (chủ yếu là truyện ngắn) của Thế Lữ để mọi người tìm đọc so sánh, nhưng nhờ chú gúc, thì mọi người có thể tìm lại rất dễ những đầu truyện của nhà văn nếu muốn tham khảo.
Có lẽ bởi vì tôi ảnh hưởng đạo Phật, vốn quan niệm ai cũng có phật tính bình đẳng như nhau, cũng như sinh sống ở nước ngoài, phải thường xuyên cọ sát với người bản địa, tôi dễ nhập vai và thông cảm với người thiểu số hơn, hiểu họ phải ứng phó thích nghi thế nào với môi trường xa lạ với họ. cũng giống như tôi phải thích nghi với môi trường nước ngoài. Cũng bởi vì tôi ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, có quan niệm thế giới đại đồng. Vì thế tôi khó đồng cảm với nhận thức « nhìn ai cũng thấy lỳ lỳ, nhìn ai cũng tưởng là phỉ ». Tất nhiên tác giả có đỡ lại được nó qua một số cặp vợ chống miền xuôi miền ngược, và chủ đích của tác giả có lẽ là nhằm tạo nên một sự xa lạ, để phân tách « mình » và « họ » (hiểu theo kiểu của tôi, còn nếu họ chỉ là TQ thôi, thì những điều mà nhà văn viết về miền núi lại càng thể hiện cái dở hơn vì nó chỉ là tâm lý hiếu kỳ).
Ở VN đã có rất nhiều nhà văn viết về miền núi mà độ sâu lớn hơn nhiều (dù họ có bị ảnh hưởng của « đấu tranh giai cấp »), ví dụ như Mạc Phi với « rừng động », Tô Hoài với « Vợ chồng A phủ », rồi Nguyên Ngọc với « đất nước đứng lên ». Thủa bé tôi còn đọc quyển « Người quản tượng và con voi chiến sĩ », ấn tượng đến mức sau này khi sang Lào chơi, tôi rất muốn được cảm nhận rừng Lào vào mùa khô, rồi ăn lạp (tức là thịt nghiền với rau rừng) thế nào, ..vì cuốn truyện nói về thuần dưỡng voi ở Hạ Lào và qua đó cũng nói lên sinh hoạt của người Lào. Nếu bây giờ quan niệm miền núi như một sự hiếu kỳ, xa lạ, man rợ.. thì đó đúng là đi giật lùi.
(còn tiếp).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 27 2017, 05:48 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #26

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Về tâm lý VN – TQ, điểm sáng của tác giả là đã ít nhiều mô tả được cuộc chiến, và ở đây tác giả đã tạo được hai chiều : chiều chiến tranh và chiều trở về (chiến tranh là ký ức « mình » được người anh kể hay ghi nhật ký lại cho, trở về là người anh bị tâm thần). Thông qua người anh bị tâm thần, do chiến tranh, tác giả đã đánh trúng tâm lý người Việt, khi qua mồm ông này nói đi nói lại nhiều lần « Khựa thì không thể chơi được », Điểm này lại được nâng cao lên, khi tác giả hé lộ chuyện ông ta nổi cơn điên khi nhìn thấy quan hệ bình thường (có thể hiểu trên vô tuyến) giữa hai nước. Cũng như tiếng gào lên của ông chú khi nói « không dùng đồ tầu thì lấy gì mà dùng ». Tác giả cũng từ chối sự tha thứ, một động lực rất lớn giúp người ta vượt qua được hận thù chiến tranh, giải toả tâm lý, như việc gạt tượng phật, đánh tượng phật..v..v..
Đây cũng là điều mà tôi không đồng ý với tác giả. Bởi quan hệ Vn-TQ hiểu như thế trở thành một dạng « mối thù truyền kiếp », không thể nào giải quyết được. Như đã nói, tôi là người sưu tập những tác phẩm văn học thời bao cấp (ở mức độ hạn chế, a ma tơ), trong đó có rất nhiều tác phẩm về chiến tranh. Bất chấp sự khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ, hình ảnh người Mỹ không bao giờ được tạo dựng dưới hình thức « kẻ thù truyền kiếp ». Tất nhiên người Mỹ có lợi thế hơn người TQ về vấn đề tâm lý này, vì lịch sử VN có thể hiểu dưới một khía cạnh nào đó (tôi nhấn mạnh là một khía cạnh nào đó) là sự khẳng định mình khác với TQ, còn người Mỹ thì chỉ tới thời hiện đại mới gặp. Nhưng cũng có một điều nữa không thể quên, đó là quan niệm « chống Mỹ », ở đây đã có nhận thức rõ ràng rằng, chiến tranh là đánh lại đế quốc Mỹ, chứ không phải là người dân Mỹ, đặc biệt là người dân tiến bộ Mỹ. Như vậy cái quan niệm kiểu « kẻ thù truyền kiếp » này.. cũng là một sự đi giật lùi, kiểu « yêu em yêu cả dáng đi, ghét em ghét cả tông ti họ hàng ». Nếu đọc lịch sử VN, do tổ tiên để lại từ « Đại Việt sử ký » (viết cho tới thời nhà Trần) tới « Đại Nam thực lục » (tác phẩm sử học cuối cùng thời nhà Nguyễn trước khi Vn bị Pháp biến thành thuộc địa), người ta hoàn toàn không thấy tâm lý « mối thù truyền kiếp này »,mà chỉ thấy sự tự hào nhận thức dân tộc rõ nét. TQ khi xâm lược là kẻ thù. Còn không thì là một nguồn để trao đổi kinh tế văn hoá. Giống như quan hệ Vn-Mỹ hiện nay (nhìn từ nhận thức VN)
Còn tại sao tác giả quan niệm thế, thì bởi vì tác giả đã rất nhất quán trong sự đánh giá, đó là coi Họ (ở đây chỉ TQ) và mình (tất cả còn lại, ngoại trừ tác giả, nhân vật « mình ») là giống nhau, là một. Vì sự nhất quán đánh giá ấy, mà chiến tranh VN-TQ chỉ được nhìn nhận dưới động lực tội ác. Thậm chí để biện hộ cho việc, quân đội TQ vào đất VN, tàn sát người VN vô tội..VN là nạn nhân , tác giả đã đưa ra một dẫn chứng lịch sử để cân bằng biện hộ, đó là việc Lý Thường Kiệt đưa quân vào đất Tống, đánh thành Ung Châu « chặt đầu cả vạn người ».. cách đây cả ngàn năm. Còn sự anh dũng của dân quân tự vệ, thì lại được so sánh giống như là Phỉ chống lại chính quyền VN, cùng với động cơ « man rợ, dã man » tôi nói ở trên.
Tác giả chọn lọc sự kiện dưới dạng rất có biểu tượng. Ở đây không có sự tình cờ. Ví dụ. Nhân vật Trang, là người « mình » ngủ nghê với, đồng thời cũng là người « nuôi » « mình », vì mình phải ngửa tay xin tiền sống nhờ như một dạng gigolo (đĩ đực), khi đốt « tình địch », Trang vẫn có thể trả lời trong điện thoại thản nhiên là « đang ở quán vịt Bắc kinh », và dường như sợ đọc giả hiểu lầm là đây chỉ là một sự tình cờ, tác giả đã cho nhân vật này trả lời nhiều lần như thế, giống như một dạng phản xạ vô thức. Tại sao lại là « vịt quay Bắc kinh » mà không phải là một món nào khác, vì nó là món ăn « biểu tượng » của người TQ, như phở, bún bò với người Việt. Và dường như sợ người đọc không hiểu, kết thúc câu chuyện là câu hỏi vô tình mà hữu ý « mình và họ khác nhau cái gì ».
Vì thế thật là dễ hiểu là tác phẩm với nội dung kiểu này, sẽ được lề trái tung hô, thần tượng, vì từ cái diễn giải sai lệch mình họ này, sẽ dẫn đến kết luận là « chống TQ cũng chính là chống VN », chính xác hơn, phải chống VN trước vì nó giống TQ. Đây chính là cái lô gíc mà trong chủ đề « chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc » tôi nói tới. Cái lô gíc đó là nếu « yêu nước » (tôi để trong nguặc kép) chống TQ thì phải lật đổ chính quyền VN. Và để biện hộ cho cái lô gíc này, thì phải thấy quan hệ Vn-TQ là dạng « kẻ thù truyền kiếp », mang nặng mầu sắc tâm lý, đánh vào cảm tính, chứ không phân tích đánh giá nó bằng lô gíc, khách quan, tìm hiểu tương quan lực lượng các bên trên bàn cờ thế giới, để có cái nhìn chính xác.
Tất nhiên, theo tôi hiểu, cái nhìn này không chỉ của lề trái, mà nó còn phản ánh một phần nào các lợi ích nhóm ở VN, vì việc sử dụng « tâm lý kẻ thù truyền kiếp » này có thể làm cho người ta chính danh một cách rẻ tiền.
Còn thái độ của tôi, nhận thức của tôi với TQ rất đơn giản. Tôi chỉ chống TQ nếu nó bành trướng, xâm lược. Và việc chống lại này có rất nhiều hình thức, phải tuỳ cơ ứng biến, nó bao gồm tất cả các biện pháp : từ chính trị, quân sự, tới ngoại giao, vận động hành lang, phát động quần chúng..Nhưng trong mọi điều kiện phải nhìn rõ bằng lý trí.. đánh giá chuẩn xác tương quan lực lượng, hoàn cảnh để có sự ứng phó thích hợp.
Muốn việc này có hiệu quả, thì phải có chính nghĩa. Chính nghĩa ở đây có thể hiểu như luân lý, nhưng cũng có thể hiểu là lợi ích khách quan VN có được với các nước có cùng lợi ích ấy.Nếu xét như thế thì phải xem cái lợi ích khách quan này nó đi tới đâu, điều kiện nào làm nó còn, điều kiện nào làm nó mất..Cái này thì vượt quá đà tư duy một nhà văn, vì nó là chính trị thực tiễn.

(còn tiếp).


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Phó Thường Nhân
post Feb 28 2017, 12:12 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #27

Tả Thiên Thanh
Group Icon

Nhóm: Chánh tổng
Số bài viết: 7.007
Tham gia từ: 11-August 02
Thành viên thứ: 133

Tiền mặt hiện có : 48.886$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Mặc dù nội dung của cuốn tiểu thuyết với tôi là không hợp lý, việc nhà văn được giải cũng là một điều tốt, vì về nghệ thuật nó cũng có cái gì nổi trội hơn. Nhưng cũng có những quyển khác cũng có sự tìm tòi về nghệ thuật như thế, ví dụ cuốn « cơ hội của Chúa » của Nguyễn Việt Hà. Nhưng quyển này có từ lâu rồi. Còn về nội dung thì tôi coi nó như dạng tiêm chủng. Khi tiêm chủng, người ta đã tiêm vào người mình một số lượng nhỏ vi trùng, để tạo sức kháng thể cho cơ thể, bởi nếu không lúc bị vi trùng thâm nhập thật thì cơ thể không được rèn luyện để tạo ra chất kháng sinh chống lại chúng. Xã hội dân sự ở một nước cũng vậy, người dân cũng cần được rèn luyện để tự bảo vệ mình, nhất là trong một nền kinh tế thị trường, tự thân vận động. Xã hội Vn ngày nay cũng đa dạng, người dân cũng tự cập nhật thông tin nhiều chiều, và cũng có nhiều media khác nhau. Văn học chỉ là một bộ phận nhỏ, nhà văn cũng chỉ là anh thợ chữ bán ngòi bút kiếm ăn, chứ không còn là « thầy thiên hạ » như thời trước. Sự tồn tại của dòng văn học đổ vỡ này không đáng ngại bằng sau hơn 30 năm, từ khi có cuộc cởi trói văn nghệ sĩ, người ta vẫn không thoát khỏi dòng văn học đổ vỡ. Đấy chính là sự bế tắc.


--------------------
Tả Thiên Thanh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

3 Trang < 1 2 3
Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC