Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Buồn ơi Chào Nhé - Francoise Sagan, ... buồn ơi vĩnh biệt...

Lissette
post May 10 2003, 12:28 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Cái tên Buồn ơi chào nhé thực phù hợp với tác phẩm. Đây không phải là lời chào tạm biệt mà là chào nhau nhận có quen biết nhau và chắc rằng từ nay còn đi lại gặp gỡ nhau. Những tháng nghỉ hè chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đời những năm tới: nó cũng sẽ buồn bã bế tắc mặc dù luôn luôn hứa hẹn những quyến rũ!

Buồn ơi vĩnh biệt
Buồn ơi chào nhé
Em đượm trong đường nét trần nhà
Em đượm trong cặp mắt tôi yêu
Em đâu phải hoàn toàn là khốn khổ
Vì đôi môi dù tội nghiệp nhất cũng để lộ em
Qua một nụ cười
Buồn ơi chào nhé
Tình yêu những thân thể đáng yêu
Sức mạnh của tình yêu
Mà sự trìu mến hiện ra
Như một quái vật không mình mẩy
Có cái đầu thất vọng
Của nỗi buồn gương mặt đẹp

(P.Eluard - Cuộc đời tức khắc)

... thường xuyên nghĩ về mình cũng có nghĩa là thường xuyên phải đối mặt với đời để ít nhiều tìm cách trả lời cho những câu hỏi muôn đời: đời là gì, là tự do buông trôi đến đâu thì đến hay là đi theo những khuôn khổ đã được xã hội quy định? MÌnh có quyền gì và mình nên sống thế nào?
...


--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Lissette
post May 11 2003, 08:43 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



CHƯ NG I

Cảm giác lạ lẫm ấy, mà sự chán chường và dịu ngọt của nó luôn ám ảnh tôi, tôi lưỡng lự mãi không dám đặt cho nó một cái tên đẹp và nghiêm túc: nỗi buồn. Đó là một cảm giác trọn vẹn và ích kỷ đến mức tôi gần như xấu hổ vì nó, trong khi tôi thấy nỗi buồn bao giờ cũng có vẻ đáng kính. Tôi chưa biết nó, nỗi buồn ấy, nhưng sự chán chường, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự ân hận, thì tôi đã từng biết. Giờ đây, một cái gì đó buông trùm lên tôi như một dải lụa vừa khó chịu lại vừa mềm mại, ngăn cách tôi với những người khác.

Mùa hè năm ấy, tôi mười bảy tuổi và tôi hoàn toàn sung sướng. "Những người khác" ở đây là bố tôi và Elsa, người tình của ông. Tôi cần giải thích ngay tình huống này, kẻo nó có thể bị hiểu không đúng. Bố tôi bốn mươi tuổi, ông góa vợ đã mười lăm năm; đó là một người đàn ông trẻ trung, đầy sức sống, đầy khả năng, và khi tôi rời trường nội trú cách đây hai năm, tôi không thể không hiểu rằng ông luôn sống với một người đàn bà. Tôi cũng đã chấp nhận, không nhanh chóng như thế, rằng ông thay đổi đàn bà cứ sáu tháng một lần! Nhưng chẳng bao lâu sức quyến rũ của ông, cuộc sống mới mẻ và dễ dàng này, và khuynh hướng tự nhiên của tôi đã khiến tôi chấp nhận như vậy. Bố tôi là một người đàn ông nông nổi, khôn khéo trong công việc làm ăn, luôn luôn kiêu kỳ và chóng chán, và được phụ nữ ưa thích. Tôi không khó khăn gì trong việc yêu quý ông, yêu quý với một tình cảm dịu dàng, bởi vì ông tốt bụng, độ lượng, vui vẻ và đầy ấu yếm đối với tôi. Tôi không thể tưởng tượng lại có được một người bạn nào tốt hơn và dễ chịu hơn ông. Hồi đầu mùa hè năm ấy, ông ân cần tới mức hỏi tôi rằng nếu ông mời cả Elsa, người tình của ông hiện giờ, cùng đi nghỉ thì có làm tôi phiền lòng không. Tôi chỉ có thể khích lệ ông vì tôi biết nhu cầu về đàn bà của ông, và mặt khác, tôi biết Elsa sẽ không quấy rầy gì chúng tôi. Đó là một cô gái cao lớn, tóc hung, vừa chân chất lại vừa ăn chơi, thường sắm vai phụ trong các trường quay một bộ phim nào đó và trong các quán bar ở đại lộ Champs-Elysées. Cô ấy xinh xắn dễ ưa, khá giản dị và không quá kiêu kỳ. Vả lại, hai chúng tôi, bố tôi và tôi, đều rất sung sướng được lên đường nên chẳng để tâm lắm đến bất cứ điều gì. Bố tôi đã thuê ở Địa Trung Hải một tòa biệt thự lớn màu trắng, biệt lập, tuyệt đẹp mà chúng tôi mơ ước từ những đợt nóng bức đầu tiên của tháng sáu. Nó được xây dựng trên một dải đất nhô cao ra biển, ẩn sau một rừng thông nên ngoài đường cái không thể nhìn thấy; một lối mòn dẫn xuống một vũng nước nhỏ vàng rực, xung quanh là những tảng đá màu hung giữa sóng biển nhấp nhô.

Những ngày đầu tiên thật là choáng ngợp. Chúng tôi ra bãi biển hàng tiếng đồng hồ, tưởng như chết bẹp dưới ánh nắng nóng bỏng, người dần dần chuyển sang một màu sậm khỏe khoắn, trừ da Elsa thì đỏ lên và tróc từng mảng rất đau đớn. Bố tôi tập những động tác chân khá phức tạp để làm nhỏ bớt cái bụng đã bắt đầu phệ chẳng thích hợp chút nào với tính Don Juan của ông. Từ sáng sớm tôi đã ngâm mình trong nước, một thứ nước mát mẻ và trong suốt, tôi ngụp lặn vào đó, làm những động tác loạn xạ đến kiệt sức để giũ sạch tất cả những hình bóng, những bụi bặm của Paris. Tôi nằm dài trên cát, vốc một nắm cát vào bàn tay để cho cát chảy khỏi các ngón tay tôi thành một dòng chảy vàng vàng mềm mại; tôi tự nhủ rằng nó chảy tuột đi giống như thời gian vậy, rằng đó là một ý nghĩ dễ dãi và thật thú vị khi có những ý nghĩ dễ dãi. Bây giờ chả đang là mùa hè mà.

Tối ngày thứ sáu, tôi trông thấy Cyril lần đầu tiên. Anh đang cho con thuyền nhỏ của anh chạy dọc bờ biển và thuyền bị lật ở ngay trước vũng nước gần bên biệt thự chúng tôi. Tôi giúp anh lật lại chiếc thuyền và giữa những tiếng cười của chúng tôi, tôi biết được rằng tên anh là Cyril, anh là sinh viên khoa luật và ở đây nghỉ hè cùng với mẹ anh tại biệt thự bên cạnh. Anh có một gương mặt La Mã, nâu sẫm, rất cởi mở, với một nét gì đó điềm đạm, độ lượng, khiến tôi thấy thích. Thế mà từ trước tới nay tôi vẫn có ý tránh các sinh viên đại học, tôi vẫn nghĩ họ là những kẻ tàn nhẫn, chỉ lo lắng cho bản thân, nhất là cho tuổi trẻ của họ, tìm thấy ở đó nguyên nhân một tấn bi kịch hoặc một cái cớ gây nên nỗi phiền muộn của họ. Tôi không ưa tuổi trẻ. Tôi thích bạn bè của bố tôi hơn nhiều, đó là những người đàn ông ở lứa tuổi bốn mươi, nói năng với tôi nhã nhặn khiến tôi như mềm cả người đi, họ biểu lộ với tôi một sự dịu dàng của người cha và người tình. Nhưng Cyril thì tôi lại thấy thích. Anh cao lớn và đôi khi đẹp trai, một vẻ đẹp tạo nên lòng tin cậy. Tuy không đến nỗi ghét cay ghét đắng như bố tôi đối với sự xấu xí - do vậy chúng tôi hay đi lại chơi bời với những kẻ ngốc nghếch- nhưng khi đối mặt với những người chẳng có một nét đẹp nào, tôi vẫn thấy một cảm giác gì đó như thể ngượng nghịu hoặc không muốn quan tâm; cái thái độ bất chấp của họ, không cần làm cho người khác thích mình, tôi thấy hình như đó là một khiếm khuyết bất nhã. Bởi vì, nói cho cùng thì ta tìm kiếm gì đây, nếu không phải là tìm cách làm người khác thích ta? Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn chưa rõ sự ham thích chinh phục ấy che giấu một trạng thái dư thừa sinh lực, một ý thích chi phối kẻ khác hay là một nhu cầu ngấm ngầm muốn được yên tâm về bản than, muốn được nâng đỡ.

Lúc chia tay, Cyril đề nghị được dạy tôi cách điều khiển thuyền buồm. Tôi về nhà và trong bữa tối hôm ấy, quá mải mê nghĩ tới anh, tôi không tham gia hoặc tham gia rất ít vào câu chuyện chung; nếu có để ý đến vẻ bồn chồn của bố tôi thì cũng chỉ là tôi nhận thấy thoáng qua vậy thôi. Ăn xong, chúng tôi nằm dài ra trong mấy chiếc ghế ở ngoài sân hiên như mọi tối khác. Trên trời lấm tấm các ngôi sao. Tôi nhìn lên đó, hy vọng mơ hồ là các ngôi sao sẽ dịch chuyển nhanh hơn và sẽ bắt đầu rơi, tạo nên những vạch sáng trắng trên bầu trời. Nhưng bây giờ mới là đầu tháng bảy, nên các ngôi sao không nhúc nhích. Trong những bụi cây ở ngoài sân hiên, lũ ve sầu kêu vang. Chắc phải có tới hàng nghìn con, và chắc chúng say lắm cái nóng bức này và ánh trăng này nên mới phát ra được tiếng kêu lạ lùng đến thế suốt trong bao đêm dài. Tôi được nghe giải thích rằng đó chẳng qua chỉ là chúng cọ sát hai cánh cứng của chúng vào nhau, nhưng tôi muốn tin rằng đó là điệu hát phát ra từ cuống họng chúng, và cũng có tính chất bản năng như tiếng mèo kêu trong thời kỳ động dục. Chúng tôi cảm thấy thoải mái; chỉ có những hạt cát nhỏ xíu ở giữa làn da tôi và lớp vải áo sơ mi giúp chúng tôi chống lại những cuộc tấn công êm dịu của giấc ngủ. Chính đó là lúc bố tôi hắng giọng và ngồi nhỏm dậy trên chiếc ghế dài. “Tôi xin báo là sẽ có người nữa tới đây”, ông nói. Tôi nhắm mắt lại với cảm giác tuyệt vọng. Chúng tôi đang sống quá êm đềm, mà cái gì đã quá, thường không thể lâu dài! “Ai vậy, anh nói ngay đi”, Elsa kêu lên, cô ấy bao giờ cũng háo hức những chuyện giao du. “Anne Larsen”, bố tôi đáp, rồi ông ngoảnh mặt sang phía tôi. Tôi nhìn ông, đờ người ra không biết phản ứng ngay thế nào. “Bố bảo cô ấy hãy đến đây nếu cô ấy quá mệt mỏi về những bộ sưu tập các kiểu quần áo, và cô ấy… cô ấy sắp đến”. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này. Anne Larsen là bạn cũ của người mẹ tội nghiệp của tôi và chỉ quan hệ rất ít với bố tôi. Nhưng cách đây hai năm, khi tôi rời trường nội trú, bố tôi rất lúng túng về tôi nên đã gửi tôi đến chỗ cô. Trong có một tuần lễ, cô đã dạy tôi cách ăn mặc sao cho đẹp và dạy tôi cách sống. Tôi vô cùng cảm phục cô, nhưng cô đã khéo léo lái tình cảm ấy của tôi về phía một thanh niên thân cận với cô. Vậy là nhờ cô, tôi mới có những vẻ duyên dáng đầu tiên và những mối tình đầu tiên, cho nên tôi rất biết ơn cô. Ở tuổi bốn mươi hai, cô là người đàn bà hết sức quyến rũ, hết sức kiểu cách, với gương mặt đẹp kiêu hãnh và mệt mỏi, lãnh đạm. Vẻ lãnh đạm này là nét duy nhất người ta có thể chê trách cô. Cô vừa đáng yêu lại vừa xa vời. Tất cả mọi thứ ở cô đều phản ánh một ý chí vững vàng, một sự bình thản khiến ai cũng phải sợ. Mặc dù cô đã ly dị và đang tự do, người ta không thấy cô có tình nhân. Vả lại, chúng tôi không có những mối quan hệ giống nhau: cô giao du với những người tinh tế, thông minh, kín đáo, còn chúng tôi lại với những người ồn ào, luôn khao khát gì đó, mà bố tôi chỉ đòi hỏi họ phải đẹp mã hoặc vui nhộn. Tôi cho rằng cô hơi coi thường chúng tôi một chút, tôi và bố tôi, vì chúng tôi quá ưa thích những trò đùa vui và những chuyện tầm phơ, cũng như cô khinh miệt những gì thái quá. Gắn bó chúng tôi lại với nhau chỉ có những bữa tối có bàn chuyện làm ăn – cô may mặc các kiểu trang phục, còn nghề của bố tôi là quảng cáo – kỷ niệm về mẹ tôi và những cố gắng của tôi, bởi vì, tuy cô có làm tôi sợ nhưng tôi vẫn rất cảm phục cô. Tóm lại, việc cô tới đây đột ngột có vẻ là một sự kiện chẳng hợp lúc chút nào nều ta nghĩ tới sự hiện diện của Elsa và những quan niệm của Anne về giáo dục.

Elsa lên gác đi ngủ sau cả một lô câu hỏi về địa vị của Anne trong xã hội. Tôi ở lại với bố tôi và ra ngồi trên bậc thềm dưới chân ông. Ông cúi xuống đặt hai bàn tay lên hai vai tôi.
- Tại sao con gầy nhom thế này, con yêu của bố? Trông con giống như một con mèo hoang bé tí vậy. Bố thích bố có một đứa con gái xinh đẹp tóc vàng, hơi đẫy đà, với đôi mắt mơ màng, và...

- Con không muốn bàn chuyện ấy, tôi nói. Tại sao bố lại mời cô Anne? Và tại sao cô ấy nhận lời?

- Để tới thăm ông bố già lão của con, chắc thế. Làm sao bố biết cơ chứ.

- Bố không phải kiểu đàn ông mà cô Anne quan tâm, tôi nói. Cô ấy quá thông minh, cô ấy quá tự trọng. Và rồi còn Elsa? Bố có nghĩ đến Elsa đấy chứ? Bố tưởng tượng ra được những cuộc nói chuyện giữa Anne và Elsa đấy chứ? Con thì chịu, con không tưởng tượng nổi!

- Quả là bố chưa nghĩ tới điều đó, bố tôi thú nhận. Kể ra điều đó cũng kinh khủng thật. Cécile, con gái yêu của bố, hay chúng ta quay về Paris?
Ông cười dịu dàng và xoa xoa gáy tôi. Tôi ngoảnh mặt lại ngước nhìn ông. Đôi mắt màu sẫm của ông lấp lánh, các vết nhăn chân chim xung quanh mắt thật buồn cười, miệng ông hơi nhếch lên một chút. Trông ông như một vị thần đồng nội trong sử cổ La Tinh. Tôi bật cười cùng với ông, như mỗi lần ông gặp phải những chuyện rắc rối.

- Bao giờ con cũng là tòng phạm của bố nhỉ, bố tôi nói. Bố biết làm thế nào nếu không có con?

Giọng nói của ông nghe có vẻ tin chắc và trìu mến đến mức tôi hiểu rằng nếu không có tôi có thể ông sẽ khổ sở lắm. Hai bố con tôi trò chuyện với nhau về tình yêu, về những phức tạp của nó mãi tới khuya. Trong con mắt của bố tôi, những điều phức tạp đó đều là tưởng tượng. Ông kiên quyết không công nhận các khái niệm về chung thủy, về sự nghiêm túc, về sự cam kết. Ông giải thích cho tôi rằng những khái niệm đó chỉ là võ đoán và vô ích. Những điều ấy nếu từ miệng người khác nói chứ không phải bố tôi chắc hẳn đã làm tôi khó chịu. Nhưng tôi biết rằng trong trường hợp của ông, ông nói thế không có nghĩa ông thuộc loại bỏ tình cảm thắm thiết và sự tận tụy hết lòng là những tình cảm thường đến với ông dễ dàng hơn nhiều chính bởi vì ông biết chúng chỉ nhất thời, và ông muốn như vậy. Quan niệm ấy rất quyến rũ tôi: những mối tình mau chóng, mãnh liệt và thoáng qua. Tôi không ở lứa tuổi mà sự chung thủy có sức quyến rũ. Tôi mới chỉ biết chưa nhiều về tình yêu: những cuộc hẹn hò, những nụ hôn và những chán chường.


--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Altruist
post May 25 2003, 08:02 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Unregistered









Nếu cho tôi post Tôi sẽ chọn "mây trời Kỳ diệu" của Sagan. Mà sao bà này có cái bệnh hay lấy thơ người khác đề tựa cho sách mình thế nhỉ.Cô L. có thể giải thích một chút không nhỉ?



Go to the top of the page
+
ILtdna
post May 30 2003, 01:58 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #4

Regular Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 103
Tham gia từ: 10-January 03
Đến từ: VN
Thành viên thứ: 684

Tiền mặt hiện có : 604$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



CHƯ NG II

Ít nhất phải một tuần nữa Anne mới đến. Tôi tận dụng những ngày nghỉ hè thực sự cuối cùng này. Thời hạn chúng tôi thuê biệt thự này là hai tháng, nhưng tôi biết rằng ngay sau khi Anne tới, sẽ không còn sự thoải mái hoàn toàn nữa. Anne bao giờ cũng khuôn các sự vật vào một đường viền, cũng gán cho các từ một ý nghĩa mà bố tôi và tôi hình như thường để tuột mất. Cô luôn đặt ra các chuẩn mực về cái đẹp, về sự tế nhị và ta không thể nào không nhận thấy điều đó trong những cử chỉ bất ngờ rụt lại của cô, trong những khoảng im lặng có vẻ như vì cô bị xúc phạm, trong những thái độ cô biểu lộ ra ngoài. Những cái đó vừa làm ta hưng phấn lại vừa làm ta mệt mỏi, chung quy lại là hạ thấp ta xuống bởi vì ta cảm thấy cô có lý.

Hôm cô đến, chúng tôi quyết định là bố tôi và Elsa sẽ ra đón cô ở ga Fréjus. Tôi kiên quyết từ chối không đi. Không còn cách nào khác, bố tôi đánh hái tất cả các bông hoa lay-ơn trong vườn để tặng Anne ngay sau khi cô xuống tàu. Tôi chỉ khuyên ông một điều là đừng để Elsa cầm bó hoa ấy. Lúc ba giờ, sau khi hai người đã đi, tôi xống bãi biển. Không khí nóng hừng hực. Tôi nằm dài trên cát, đang thiu thiu ngủ thì tiếng nói của Cyril đánh thức tôi. Tôi mở mắt ra: bầu trời trắng lóa, trộn lẫn vào với cái nóng. Tôi không trả lời Cyril; tôi không muốn nói chuyện với anh, cũng như với bất cứ ai. Tôi như bị toàn bộ sức mạnh của mùa hè đóng chặt xuống cát không cựa quậy được, hai cánh tay tôi nặng chịch, miệng tôi khô khốc.

“Em chết rồi hay sao đấy? anh nói. Nhìn từ xa trông em như một vật gì đó giạt vào bờ, bị bỏ mặc…”

Tôi mỉm cười. Anh ngồi xuống cạnh tôi và trái tim tôi bắt đầu đập thình thịch liên hồi vì trong một cử động nào đó bàn tay anh vừa thoáng lướt qua vai tôi. Đã mười lần trong tuần lễ vừa rồi, tài năng lái thuyền xuất sắc của tôi đã quẳng tôi xuống tận đáy nước, chúng tôi quấn chặt lấy nhau mà tôi không mảy may cảm thấy bối rối. Nhưng hôm nay, chỉ cần không khí nóng bức này, trạng thái nửa thức nửa ngủ này, cử chỉ vụng về này của anh, là đã đủ để làm cho một cái gì đó trong tôi tách ra một cách êm dịu. Tôi quay đầu về phía anh. Anh nhìn tôi. Tôi bắt đầu biết được anh: anh điềm tĩnh và anh có vẻ coi trọng đức hạnh chứ không như những thanh niên ở lứa tuổi anh. Chắc hẳn vì vậy mà tình huống của chúng tôi – một gia đình lạnh lùng ba người – đã khiến anh thấy chướng. Anh quá tốt hoặc quá nhút nhát nên không nói gì với tôi, nhưng tôi cảm thấy điều đó qua những ánh mắt liếc xéo đầy thù oán mà anh ném về phía bố tôi. Có lẽ anh muốn tôi phải day dứt về chuyện ấy. Nhưng tôi lại không thế, và điều duy nhất khiến tôi day dứt lúc này là ánh mắt của anh và những cú đập thình thịch của trái tim tôi. Anh cúi xuống tôi. Tôi như thấy lại mấy ngày gần đây của tuần lễ này, hồi tưởng lại lòng tin cậy của tôi, tâm trạng thanh thản của tôi khi ở bên anh và tôi thấy tiếc khi miệng anh áp tới, rộng và hơi nằng nặng.

“Cyril, tôi nói, chúng mình thật là hạnh phúc…”

Anh dịu dàng hôn tôi. Tôi nhìn bầu trời; rồi tôi chỉ nhìn thấy những ánh sáng đỏ bừng lên dưới hai mí mắt nhắm chặt của tôi. Cái nóng, sự ngây ngất, hương vị của những nụ hôn đầu tiên, những hơi thở kéo dài suốt trong một lúc khá lâu. Một tiếng còi ô tô tách ngay chúng tôi ra như chúng tôi là hai tên ăn trộm. Tôi rời Cyril, không nói một lời và đi lên phía nhà mình. Sự trở về quá nhanh chóng của bố tôi khiến tôi ngạc nhiên: con tàu chở Anne đã tới làm sao được nhỉ. Nhưng tôi đã thấy cô ở trên sân hiên khi cô vừa ra khỏi chiếc xe riêng của cô.

“Đúng là ngôi nhà của Người-Đẹp-Ngủ-Trong-Rừng!”, cô nói. “Da cháu rám nắng lắm rồi đó, Cécile! Cô rất vui mừng được gặp cháu”.

“Cháu cũng vậy”, tôi nói. “Cô từ Paris tới đây ạ?”

“Cô thích đến bằng ô tô hơn, nhưng bây giờ cô đang mệt nhoài đây”.

Tôi dẫn Anne lên phòng của cô. Tôi mở cửa sổ, hy vọng sẽ trông thấy thuyền của Cyril, nhưng không thấy. Anne ngồi trên giường. Tôi để ý thấy có những quầng thâm nho nhỏ xung quanh đôi mắt cô.

“Tòa biệt thự này thật tuyệt vời”, cô buông một tiếng thở dài, “Ông chủ nhà đâu rồi?

- Bố cháu ra ga đón cô, đi cùng với Elsa”.

Tôi đặt va li của cô xuống một chiếc ghế tựa, rồi khi quay về phía cô, tôi giật mình. Mặt cô đột nhiên thất thần, môi cô run run.

“Elsa Mackenbourg? Ông ấy đã đưa Elsa Mackenbourg tới đây?”

Tôi chẳng biết trả lời thế nào. Tôi nhìn cô, sửng sốt. Gương mặt mà tôi thấy xiết bao bình tĩnh, xiết bao tự chủ kia giờ đây gây cho tôi vô vàn nỗi ngạc nhiên… Cô chằm chằm nhìn tôi qua những hình ảnh mà lời nói của tôi đã cung cấp cho cô; cuối cùng cô đã nhìn thấy tôi và cô ngoảnh đầu đi.

“Lẽ ra cô phải báo trước cho mọi người ở đây mới đúng, cô nói, nhưng cô vội đi quá, cô mệt mỏi quá…

- Bây giờ thì… tôi nói tiếp chỉ như một cái máy chứ không có ý gì cả.

- Bây giờ thì sao?” cô nói.

Ánh mắt cô dò hỏi, cao ngạo. Không có chuyện gì xảy ra cả.

“Bây giờ thì cô đã đến đây, tôi nói một cách ngớ ngẩn, hai bàn tay xoa xoa vào nhau. Cháu rất hài lòng vì cô đã tới. Cháu xuống đợi cô ở dưới nhà; nếu cô muốn uống gì đó, tủ đồ uống ở đây có đầy đủ mọi thứ”.

Tôi vừa bước ra vừa lúng túng nói như vậy rồi tôi xuống cầu thang với cả một lô những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Tại sao lại có gương mặt kia, giọng nói bối rối kia, vẻ yếu đuối kia? Tôi ngả người trong một chiếc ghế bành dài, nhắm mắt lại. Tôi cố nhớ lại tất cả những vẻ bình thường của gương mặt cứng rắn, đầy tự tin của Anne: những vẻ mặt ấy toát lên vẻ mỉa mai, sự thoải mái, quyền lực. Việc khám phá ra gương mặt dễ bị tổn thương kia khiến tôi vừa xúc động lại vừa bực bội. Cô yêu bố tôi chăng? Có thể như vậy được sao? Chẳng có điều gì ở bố tôi phù hợp với các sở thích của cô. Bố tôi yếu đuối, phóng túng, đôi khi nhu nhược. Nhưng hay là cô như vừa rồi chẳng qua chỉ vì cô mệt mỏi sau chuyến đi nên thần kinh cô mất thăng bằng? Suốt một tiếng đồng hồ, tôi đặt ra hết giả thuyết này đến giả thuyết nọ.

Mãi năm giờ, bố tôi mới về cùng với Elsa. Tôi nhìn ông xuống xe. Tôi cố tìm cách để biết xem liệu Anne có thể yêu ông được không. Ông đi về phía tôi, đầu hơi ngửa ra đằng sau, ông đi rất nhanh. Ông mỉm cười. Tôi nghĩ rằng rất có thể Anne yêu ông, bất kỳ ai cũng có thể yêu ông.

“Anne không có ở ga, bố tôi nói to lên với tôi. Bố hy vọng cô ấy không bị rơi ra ngoài cửa toa tàu.

- Anne đang ở trong phòng của cô ấy, tôi nói, cô ấy đến bằng ô tô.

- Thật à? Tuyệt! Vậy con chỉ còn một việc là đem bó hoa lên cho cô.

- Anh mua hoa cho em đấy à? Có tiếng Anne nói. Anh chu đáo quá”.

Cô bước xuống cầu thang đón bố tôi, trông cô thoải mái, tươi cười, cô mặc một tấm robe khiến như thể không phải cô vừa trải qua một chuyến đi dài. Tôi buồn rầu nghĩ rằng cô chỉ đi xuống khi nghe thấy tiếng ô tô mà không thể xuống sớm hơn một chút để nói chuyện với tôi; dù chỉ là về kỳ thi, mà hơn nữa tôi lại vừa bị trượt. Ý nghĩ này an ủi tôi ít nhiều.

Bố tôi lao đến hôn tay cô.

“Suốt mười lăm phút đồng hồ, anh đứng trên sân ga đợi em với bó hoa này trên tay và một nụ cười ngốc nghếch trên môi. n trời em đã tới! Em biết Elsa Mackenbourg chứ?”

Tôi quay mặt đi phía khác.

“Chắc bọn em đã gặp nhau ở đâu đó rồi, Anne nói với vẻ rất nhã nhặn… Căn phòng anh dành cho em tuyệt quá, Raymond, anh thật là dễ mến đã mời em đến đây. Vừa đi một chuyến dài nên em rất mệt”.

Bố tôi thở phào một tiếng rõ mạnh. Trong con mắt ông, tất cả mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp. Ông nói huênh hoang câu này câu nọ, ông bật mở các nút chai. Nhưng tôi như thể lại nhìn thấy lần lượt gương mặt đam mê của Cyril, rồi gương mặt của Anne, hai gương mặt biểu lộ sự mãnh liệt ấy, và tôi tự hỏi không biết kỳ nghỉ hè này có êm dịu như bố tôi đã nói không.

Bữa ăn tối đầu tiên này rất vui. Bố tôi và Anne nói về những mối quan hệ chung của hai người, chúng không nhiều, nhưng lại đậm đà màu sắc. Tôi đùa vui liên tục cho tới lúc Anne nói rằng người hùn vốn làm ăn với bố tôi là một kẻ thiển cận. Đó là một người đàn ông ham uống rượu, nhưng dễ mến, bố tôi và tôi đã cùng uống với ông ta, ngồi ăn những bữa tối rất đáng nhớ.

Tôi phản đối:

“Lombard nhộn lắm, cô ạ. Cháu thấy ông ta rất vui tính.

- Cháu phải công nhận rằng dù sao ông ta cũng kém cỏi, và ngay cả tính hài hước của ông ta…

- Có thể ông ta không có một kiểu trí tuệ thông thường, nhưng…”

Cô ngắt lời tôi với vẻ độ lượng:

“Cái mà cháu gọi là những kiểu trí tuệ chẳng qua là sự suy sút”.

Khía cạnh súc tích, rõ ràng trong cách diễn đạt của cô khiến tôi rất khoái. Tôi thấy một vài câu nói của cô toát lên một cái gì đó thông minh, tinh tế, chinh phục ngay được tôi, dù tôi không hiểu được thấu đáo. Riêng câu ban nãy của cô làm tôi muốn có một quyển sổ và một chiếc bút chì. Tôi nói điều đó với Anne. Bố tôi cười phá lên:

“Ít nhất con cũng không có tính thù dai.”

Tôi không thể là kẻ thù dai, vì Anne không phải người xấu bụng. Tôi chỉ cảm thấy cô lãnh đạm, chứ các ý kiến đánh giá của cô không có sự chính xác ấy, nét nhọn hoắt của thói độc ác. Nhưng do vậy mà ta lại càng khó phủ nhận được ý kiến của cô.

Buổi tối đầu tiên ấy, Anne có vẻ không để ý tới sự vô tâm chẳng biết có phải cố tình không của Elsa khi cô này vào thẳng phòng bố tôi. Anne đem cho tôi một chiếc áo chandail trong bộ sưu tập của cô nhưng không để tôi cám ơn. Lời cảm ơn luôn khiến cô chán ngắt mà tôi cảm ơn lại không bao giờ nhiệt tình lắm nên tôi chẳng hơi đâu nhọc lòng làm điều đó.

“Cô thấy Elsa rất đáng mến”, cô nói khi tôi sắp sửa bước ra ngoài.

Cô nhìn vào mắt tôi, không mỉm cười, cô tìm kiếm trong tôi một ý nghĩ mà cô cần phải diệt trừ. Tôi phải quên đi cái phản xạ ban nãy của cô.

“Vâng, vâng, đó là một cô gái đẹp… phải rồi… rất dễ thương”.

Tôi nói lúng búng. Cô bật cười và tôi đi ngủ, thần kinh khá căng thẳng. Tôi vừa ngủ thiếp đi vừa nghĩ tới Cyril, có lẽ anh đang nhảy với các cô gái ở Cannes.

Tôi hiểu rằng mình đang quên và mình bị buộc phải quên đi điều chủ yếu: biển ở ngay ngoài kia với nhịp chuyển động không ngừng của nó, và mặt trời. Tôi cũng không thể làm cách nào nhớ lại bốn cây tilleul trong sân một trường nội trú tỉnh lẻ và hương thơm của chúng, rồi nụ cười của bố tôi trên sân ga khi tôi ra khỏi nội trú cách đây ba năm, nụ cười ấy sao mà ngượng nghịu bởi vì tôi có hai bím tóc và một bộ váy áo xấu xí gần như màu đen. Rồi sự bùng nổ niềm vui của ông lúc hai bố con tôi đang ngồi trong xe, một niềm vui đột ngột, phơi phới, vì tôi có đôi mắt của ông, khuôn miệng của ông và vì tôi sắp là một thứ đồ chơi quý báu nhất, tuyệt diệu nhất của ông. Tôi chưa biết gì cả; ông sắp cho tôi thấy thành phố Paris, sự xa hoa, cuộc sống dễ dãi. Tôi tin rằng phần lớn các thú vui của tôi khi đó đều là nhờ tiền bạc, thú vui được phóng xe thật nhanh, được có một bộ váy áo mới, được mua nhiều đĩa hát, sách vở và hoa. Tôi còn chưa hổ thẹn về những thú vui dễ dãi ấy, thêm nữa, tôi chỉ có thể gọi chúng là dễ dãi vì tôi đã được nghe nói chúng là dễ dãi mà thôi. Nếu đó là những u sầu hoặc những cơn khủng hoảng thần bí thì có lẽ tôi đã dễ dàng gạt bỏ chúng hơn. Sở thích của tôi đối với cái vui, cái sướng là nét duy nhất gắn liền với tính cách tôi. Có lẽ tôi đọc sách chưa đủ? Ở trường nội trú, học sinh không đọc sách, có chăng cũng chỉ đọc những tác phẩm có tính chất giáo huấn. Về Paris, tôi không có thời gian để đọc: hết giờ học, bạn bè kéo tôi vào các rạp chiếu bóng; tôi không biết tên các diễn viên điện ảnh nên bọn chúng rất ngạc nhiên. Hoặc bọn chúng kéo tôi tới sân hiên những quán cà phê đầy nắng; tôi nhấm nháp cái thú được hòa vào đám đông, được uống, được ngồi với ai đó nhìn thẳng vào mắt ta, cầm lấy tay ta rồi sau đó dẫn ta ra xa chính cái đám đông ấy. Chúng tôi thả bộ trên các đường phố đến tận nhà. Về đến nơi, anh chàng kéo tôi vào dưới một cái cửa và hôn tôi: tôi khám phá ra cái thú vui của các nụ hôn. Tôi không đặt tên cho những kỷ niệm ấy: Jean, Hubert, Jacques… Những danh từ chung đối với tất cả các cô gái mới lớn. Buổi tối, tôi già đi, tôi cùng bố tôi đi đến các dạ hội, ở đó tôi chẳng biết làm gì, những buổi dạ hội này khá là “hỗn hợp”: tôi vui chơi và tôi cũng làm cho mọi người vui nhờ lứa tuổi của tôi. Khi trở về, bố tôi thường cho tôi xuống xe trước cửa nhà rồi ông lái xe đi tiễn một cô bạn. Sau đó tôi không nghe thấy tiếng ông về.

Tôi không muốn để cho mình nghĩ rằng ông định ít nhiều phô trương các cuộc phiêu lưu của ông. Chẳng qua chỉ là ông không giấu giếm tôi, nói chính xác hơn, ông không nói gì với tôi về chuyện đúng sai để biện bạch việc một cô bạn gái nào đó của ông hay ăn sáng ở nhà tôi hoặc có khi ở luôn nhà tôi… may sao chỉ là ở tạm! Dù sao đi nữa, tôi không thể cứ không biết mãi bản chất mối quan hệ của ông với những cô gái ông “mời” đến và chắc hẳn để giữ sự tin cậy của tôi nên ông cố tránh cho tôi không phải cố gắng tưởng tượng này nọ cho nhọc lòng. Đó là cách tính toán tuyệt hay. Khuyết điểm duy nhất của ông là có lúc ông như hướng cho tôi thấy sự vỡ mộng vô sỉ trong tình yêu, trong khi lẽ ra ở lứa tuổi non nớt và với kinh nghiệm ít ỏi của tôi, tình yêu đáng ra phải để cho vui hơn là đáng sợ. Tôi sẵn lòng tự nhắc đi nhắc lại với mình những câu nói súc tích ngắn gọn, trong đó có câu của Oscar Wilde: “Tội lỗi là nét màu sắc sống động duy nhất còn giữ nguyên được trong thế giới hiện đại”. Tôi coi câu nói trên là của tôi với một niềm tin tuyệt đối; và tôi nghĩ niềm tin ấy còn chắc chắn hơn cả khi nếu tôi đem nó ra thực hành. Tôi cho rằng cuộc đời tôi có thể “can” đúng câu nói ấy, phỏng theo nó, sinh từ nó ra như một bức hình lòe loẹt của vùng Epinal: tôi quên đi những thời gian chết, sự đứt quãng và những tình cảm tốt đẹp hàng ngày. Một cách lý tưởng, tôi hình dung cuộc sống đầy những hèn hạ và xấu xa.


--------------------
user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Lissette
post Jun 19 2003, 11:57 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #5

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



CHƯ NG III

Sáng hôm sau, tôi thức giấc bởi một tia nắng chiếu xiên rất mỏng ngập tràn giường tôi, chấm dứt những giấc mơ kỳ lạ và hơi lộn xộn trong đó tôi đang vật lộn lung tung. Ở trạng thái lơ mơ nửa thức nửa ngủ, tôi cố đưa bàn tay lên gạt cái nóng ngầy ngà ấy khỏi mặt tôi, rồi tôi chịu thua. Lúc đó là mười giờ. Vẫn trong bộ quần áo ngủ, tôi xuống sân hiên thì thấy Anne đã ngồi đó, cô đang lật giở mấy tờ báo. Tôi nhận thấy cô có trang điểm chút ít trông thật hoàn hảo. Có lẽ chưa bao giờ cô tự cho phép mình tận hưởng một kỳ nghỉ hè thực sự. Vì cô không chú ý đến tôi nên tôi lặng lẽ ngồi xuống một bậc thềm với một tách cà phê và một quả cam, rồi tôi bắt đầu thưởng thức những thú vui của buổi sáng: tôi cắn quả cam, nước cam ngọt lịm phụt ra thành tia trong miệng tôi; một ngụm cà phê đen nóng bỏng ngay tiếp đó, rồi lại đến cái tươi mát của hoa quả. Ánh nắng ban mai khiến mái tóc tôi ấm nóng, làm giãn phẳng những nếp hằn của khăn trải giường trên làn da tôi. Năm phút nữa tôi sẽ đi tắm. Tiếng nói của Anne làm tôi giật mình:
“Cécile, cháu không ăn à?
- Buổi sáng cháu chỉ thích uống thôi, bởi vì…
- Cháu phải thêm ba kilô nữa mới coi được. Má cháu thì hõm, người cháu gầy giơ cả xương sườn ra. Thôi, đi lấy bánh mì, phết bơ mà ăn đi. »
Tôi van xin cô đừng bắt tôi ăn bánh mì phết bơ và khi cô sắp chứng minh cho tôi thấy ăn bánh là cần thiết thì bố tôi xuất hiện trong bộ áo lộng lẫy có những chấm tròn, vẫn được dùng để mặc ở nhà.
« Một cảnh thật là thú vị, ông nói, hai cô bé tóc nâu ngồi trong nắng đang nói về những lát bánh mì phết bơ.
- Chỉ có một cô bé thôi, thật đáng tiếc ! Anne vừa cười vừa nói. Em bằng tuổi anh đấy, Raymond tội nghiệp của em. »
Bố tôi cúi xuống cầm lấy tay cô.
« Bao giờ em cũng cay nghiệt như vậy », ông nói âu yếm, và tôi thấy hai mi mắt Anne chớp chớp như được vuốt ve một cách bất ngờ.
Tôi lợi dụng luôn cơ hội đó để chuồn lẹ. Lên đến giữa cầu thang, tôi gặp Elsa. Rõ ràng cô vừa ra khỏi giường, hai mí mắt mòng mọng, cặp môi nhợt nhạt trên gương mặt đỏ chín vì ra nắng nhiều. Tôi toan giữ cô lại để báo cô rằng Anne đang ở dưới kia với một gương mặt được chăm sóc kỹ càng và sạch sẽ, rằng Anne cũng đi phơi nắng, nhưng sẽ có mức độ mà thôi, để khỏi hại da. Tôi toan dặn Elsa phải coi chừng. Nhưng chắc hẳn cô chẳng cần như vậy : cô mới hai mươi chín tuổi, tức là kém Anne những mười ba tuổi và đối với cô, điều này có vẻ là một con át chủ bài.
Tôi lấy áo tắm chạy ra biển. Thật kỳ lạ, Cyril đã ở đó, anh đang ngồi trên con thuyền của mình. Anh bước tới đón tôi, vẻ nghiêm trang và anh nắm lấy hai bàn tay tôi.
« Anh muốn xin lỗi em về chuyện hôm qua, anh nói.
- Đó là lỗi ở em », tôi nói.
Tôi tuyệt nhiên không cảm thấy một chút khó chịu nào cả nên thái độ trịnh trọng của anh khiến tôi ngạc nhiên.
« Anh ân hận lắm, anh nói tiếp và đẩy thuyền ra biển.
- Có gì đâu anh, tôi nói luôn.
- Có đấy ! »
Tôi đã ở trên thuyền. Anh đứng dưới, nước ngập tới nửa ống chân, anh tì hai tay lên lan can mạn thuyền như tì vào vành móng ngựa ở tòa án. Tôi hiểu rằng anh sẽ không lên thuyền chừng nào chưa nói xong và tôi nhìn anh với tất cả sự chăm chú cần thiết. Tôi biết rõ gương mặt anh, tôi như gặp lại tôi ở đó. Tôi nghĩ rằng anh hai mươi lăm tuổi, có lẽ anh cho anh là một kẻ quyến rũ và ý nghĩ ấy khiến tôi bật cười…
« Em đừng cười, anh nói. Anh ân hận về sự việc tối qua lắm. Chẳng có gì bảo vệ em cả, nếu anh làm bậy ; bố em, người đàn bà ấy, tấm gương xấu của họ… Anh sẽ là thằng đểu giả khốn nạn nhất, nào có khác gì đâu ; em có thể tin anh, rằng… »
Thái độ của anh thậm chí chẳng nực cười chút nào. Tôi cảm thấy anh rất tốt và sẵn sàng yêu tôi ; và tôi còn cảm thấy tôi cũng yêu thích anh. Tôi vòng tay quanh cổ anh, áp má vào má anh. Anh có đôi vai rộng, thân thể cứng cáp của anh áp vào người tôi.
« Anh tử tế lắm, Cyril, tôi thì thầm. Em coi anh là anh trai của em.
Anh khép hai cánh tay lại quanh người tôi, thốt ra một âm thanh nhỏ như nổi giận rồi dịu dàng bế tôi ra khỏi thuyền. Anh siết chặt lấy tôi, người tôi được anh nâng lên, đầu tôi tựa trên vai anh. Vào lúc ấy, tôi yêu anh. Trong ánh nắng ban mai, anh cũng vàng rực, cũng dễ ưa, cũng hiền lành như tôi, anh che chở tôi. Khi môi anh lần tìm môi tôi, tôi cũng run rẩy sung sướng như anh và cái hôn của chúng tôi không hề hối hận cũng không hề xấu hổ, đó chỉ là một cuộc tìm kiếm sâu kín, xen giữa là những tiếng thì thầm. Tôi vùng khỏi tay anh và bơi về phía con thuyền lúc bấy giờ đang trôi giạt. Tôi ngụp mặt tôi vào nước để nó lại tươi tắn và cho nó được mát mẻ… Nước biển xanh biếc. Tôi cảm thấy tràn trề hạnh phúc và đầu óc hoàn toàn thanh thản không vướng bận gì.
Tới mười một giờ rưỡi, Cyril rời khỏi đó và bố tôi cùng hai người đàn bà của ông xuất hiện trên lối mòn. Ông đi giữa hai người, vừa đi vừa đỡ họ, lần lượt chìa tay ra mời họ với một vẻ duyên dáng niềm nở, một thái độ tự nhiên chỉ bố tôi mới có được. Anne vẫn khoác tấm áo choàng, rồi trước những cái nhìn dò xét của chúng tôi, cô cởi nó ra và nằm duỗi dài người xuống đó. Thân hình mảnh dẻ, đôi chân hoàn hảo, cô chỉ có thoáng qua vài ba dấu vết tàn héo không đáng kể. Chắc hẳn đó là do nhiều năm cô giữ gìn và chăm sóc bản thân ; tôi bất giác hướng về phía bố tôi một ánh mắt tán thành, lông mày nhướng lên. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy bố tôi không nhìn lại tôi mà ông lại nhắm mắt lại. Elsa tội nghiệp thì rơi vào một tình thế thảm hại, người cô phủ một lớp dầu. Tôi nghĩ chỉ không đầy một tuần nữa là bố tôi sẽ… Anne quay về phía tôi :
« Cécile, tại sao ra đây cháu dậy sớm thế ? Ở Paris, cháu nằm trên giường đến tận trưa cơ mà.
- Ở Paris cháu phải làm việc cô ạ, tôi nói. Nên hai chân cháu mỏi rời.”
Anne không cười: cô chỉ cười khi nào cô muốn, chứ không bao giờ để cho ý nhị như tất cả mọi người.
“Thế kỳ thi của cháu?
- Cháu trượt rồi cô ạ! Tôi nói với vẻ hào hứng. Trượt thẳng cánh!
- Tháng mười này cháu phải đỗ, nhất định thế.
- Tại sao? Bố tôi xen vào. Tôi có bằng cấp gì đâu, chính tôi đây này. Vậy mà cuộc sống của tôi vẫn huy hoàng rực rỡ.
- Nhưng lúc ban đầu anh có một số tài sản, Anne nhắc.
- Con gái tôi bao giờ cũng tìm được những người đàn ông có thể làm nó sống sung sướng”, bố tôi nói một cách vênh vang.
Elsa bật cười nhưng cô ngừng lại ngay khi ba chúng tôi đưa mắt nhìn cô.
“Cécile phải làm việc trong kỳ nghỉ hè này” Anne vừa nói vừa nhắm mắt lại để kết thúc câu chuyện.
Tôi hướng một cái nhìn tuyệt vọng về phía bố tôi. Ông đáp lại tôi bằng một nụ cười ngượng nghịu. Tôi hình dung mình ngồi trước những trang sách của Bergson có những dòng chữ đen cứ nhảy nhảy lên mắt tôi, và tiếng cười của Cyril ở mé dưới… ý nghĩ ấy làm tôi hoảng sợ. Tôi lân la đến bên cạnh Anne, khe khẽ gọi cô. Cô mở mắt ra. Tôi cúi xuống cô một gương mặt lo âu, cầu khẩn, tôi còn cố hóp thêm hai má lại để tạo cho tôi dáng vẻ một người phải lao động trí óc quá sức.
“Cô Anne, cô đừng bắt cháu làm điều ấy, bắt cháu phải học giữa lúc thời tiết nóng bức thế này… Kỳ nghỉ hè này có thể đem lại cho cháu biết bao sung sướng…”
Cô nhìn tôi chằm chằm một lát, rồi mỉm cười bí ẩn và quay đầu đi.
“Cô phải bắt cháu làm “điều ấy”… dù thời tiết có nóng bức, như cháu nói. Cháu sẽ chỉ oán giận trong hai ngày thôi mà, cô biết tính nết cháu lắm, nhưng cháu sẽ thi đỗ.
- Có những việc người ta không thể tập cho quen được cô ạ”, tôi nói, mặt nghiêm lại.
Cô hướng về phía tôi một ánh mắt vui vẻ và ngạo mạn và tôi lại nằm xuống cát, trong lòng đầy lo sợ. Elsa nói dông dài về những cuộc hội hè ở vùng bở biển. Nhưng bố tôi không nghe cô ấy nói. Ngồi ở đỉnh của hình tam giác do thân thể họ tạo thành, ông đưa mắt nhìn hình trông nghiêng lật ngược của Anne và đôi vai cô, cái nhìn của ông hơi đăm đăm, không nao núng mà tôi đã quen thấy ở ông. Một bàn tay ông mở ra rồi lại nắm vào trên cát trong một cử chỉ hiền dịu, đều đặn, không mệt mỏi. Tôi chạy về phía biển vừa nhấn mình vào nước vừa rên rỉ tiếc cho kỳ nghỉ hè lẽ ra chúng tôi có thể có mà rồi lại chưa chắc đã có được. Chúng tôi có đủ tất cả các yếu tố của một tấn bi kịch: một người đàn ông giỏi quyến rũ phụ nữ, một người đàn bà có phần thích ăn chơi giao thiệp và một người đàn bà có nghị lực. Tôi trông thấy ở dưới đáy nước có một cái vỏ sò tuyệt đẹp, một viên đá vừa màu hồng vừa màu xanh; tôi lặn xuống để lấy nó, nâng niu giữ nó trong tay cho đến tận bữa sáng. Tôi tự nhủ rằng đây là một vật đem lại hạnh phúc, tôi sẽ không rời nó suốt mùa hè. Tôi không biết tại sao tôi không đánh mất nó, vì tôi luôn đánh mất tất cả mọi thứ. Bây giờ nó vẫn đang ở trên tay tôi, với sắc hồng ấm áp, nó làm tôi muốn khóc.


--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Lissette
post Jun 20 2003, 11:19 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #6

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



CHƯ NG IV

Những ngày tiếp đó, điều khiến tôi ngạc nhiên là thái độc cực kỳ tử tế của Anne đối với Elsa. Sau vô vàn những lời ngớ ngẩn của Elsa làm cho cách trò chuyện của Anne như nổi bật hẳn lên, Anne không bao giờ nói một trong những câu ngắn gọn của cô, mà chỉ riêng cô biết cách nói, để biến Elsa tội nghiệp thành kẻ lố bịch. Tôi thầm khen lòng kiên nhẫn của cô, tôi không hiểu được rằng ở đó, sự khéo léo được trộn lẫn vào rất tinh vi. Nếu Anne để lộ rõ ác ý, chắc hẳn bố tôi sẽ mau chóng thấy chán cái trò chơi tàn bạo ấy. Đằng này ngược lại, ông biết ơn Anne và ông không biết làm cách nào để bày tỏ lòng biết ơn của ông. Vả chăng, sự biết ơn đó chỉ là một cái cớ. Có thể thấy rõ là ông nói năng với cô như với một người phụ nữ rất đáng kính trọng, như với người mẹ thứ hai của con gái ông: vẫn dùng con bài ấy, ông như có vẻ đặt tôi dưới sự canh giữ của Anne, khiến cô phải ít nhiều trách nhiệm về tôi, như để làm cho cô trở nên gần gũi hơn, để gắn cô chặt chẽ hơn với chúng tôi. Thế nhưng đối với cô, ông lại có những ánh mắt và những cử chỉ mà người ta thường dùng đối với người đàn bà nào người ta chưa biết và người ta muốn biết – trong lạc thú. Những ánh mắt như thế đôi khi tôi bắt gặp ở Cyril, chúng tạo cho tôi ý muốn vừa muốn trốn chạy khỏi anh lại vừa muốn khiêu khích anh. Về điểm này có lẽ tôi dễ bị lung lay hơn Anne. Thái độ của cô đối với bố tôi là rất dửng dưng và tử tế một cách điềm tĩnh, làm tôi yên tâm hẳn. Tôi còn tin rằng hôm đầu tiên tôi đã nhầm, tôi không nhận thấy rằng sự tử tế không một chút lập lờ ấy đã khiến bố tôi hưng phấn quá độ. Và nhất là những khoảng im lặng… những khoảng im lặng xiết bao tự nhiên, xiết bao thanh lịch của cô. Chúng tạo nên với tiếng liến thoắng không dứt của Elsa một thứ trái ngược như ánh nắng và bóng râm. Tội nghiệp Elsa… Elsa quả thật không hề nghi ngờ gì, cô vẫn bồng bột và sôi nổi, vẫn bị ánh nắng làm mất dần vẻ tươi mát.
Tuy nhiên, một hôm, chắc cô cũng hiểu, cô đã chặn lại một ánh mắt của bố tôi; trước bữa sáng tôi thấy cô thì thầm gì đó vào tai bố tôi: lát sau, ông có vẻ phật ý, ngạc nhiên, rồi ông gật đầu và mỉm cười. Lúc uống cà phê, Elsa đứng dậy và khi ra đến cửa, cô ngoảnh về phía chúng tôi với vẻ ưu tư mơ mộng, tôi thấy hình như đó là cô bắt chước theo các phim Mỹ, và cô lồng vào giọng điệu của cô mười năm lẳng lơ kiểu Pháp.
“Anh đến chứ, Raymond?”
Bố tôi đứng dậy, gần như là đỏ mặt rồi đi theo Elsa, vừa đi vừa nói tác dụng tốt của việc ngủ trưa. Anne ngồi yên không nhúc nhích. Điếu thuốc lá của cô tỏa khói ngay đầu các ngón tay cô. Tôi cảm thấy mình phải nói một điều gì đó:
“Mọi người bảo giấc ngủ trưa làm cho ta đỡ mệt, nhưng cháu nghĩ rằng không đúng như vậy…”
Tôi ngừng lời ngay lập tức, hiểu ra tính mập mờ của câu mình vừa nói.
“Thôi đi cháu”, Anne nói khô khốc.
Cô thậm chí không coi câu nói của tôi là mập mờ. Cô thấy ngay đó là một câu bông đùa nhạt thếch. Tôi đưa mắt nhìn cô. Gương mặt cô gắng sức bình tĩnh và thoải mái khiến tôi cảm động. Có lẽ lúc này cô rất ganh tị với Elsa. Để an ủi cô, tôi đã nảy ra một ý nghĩ vô sỉ mà tôi có thể có: điều này tạo cho tôi một thứ cảm giác tự tin, một thứ cảm giác tòng phạm với bản thân mình khá là say sưa. Tôi không thể tự ngăn mình nói to lên ý nghĩ đó:
“Cô ạ, với những mảng da cháy xém vì nắng trên người Elsa, giấc ngủ trưa kiểu này chẳng ngây ngất gì lắm đâu, cả với cô ấy với cả bố cháu.”
Lẽ ra tôi im mồm thì hơn.
“Cô ghét cái lối suy nghĩ như thế, Anne nói. Ở tuổi cháu như thế còn tệ hơn cả ngớ ngẩn, như thế khó nghe lắm”.
Tôi đột nhiên tức lên:
“Cháu nói chuỵen đó để cho vui thôi mà, cháu xin lỗi. Cháu tin chắc rằng thực ra, họ đều rất hài lòng.”
Cô quay về phía tôi một gương mặt bực bội. Tôi lập tức xin lỗi cô. Cô lại nhắm mắt lại và cất tiếng nói bằng một giọng trầm trầm nhẫn nại:
“Cháu nghĩ về tình yêu hơi quá đơn giản. Tình yêu không phải là một loạt những cảm giác độc lập với nhau…”
Tôi nghĩ rằng tất cả các mối tình tôi đã nếm trải đều như thế. Một cảm xúc đột ngột trước một gương mặt, một cử chỉ, dưới một nụ hôn… Những giây phútc hân hoan, không gắn kết gì với nhau, đó là tất cả kỷ niệm của tôi về những mối tình ấy.
“Đó là một chuyện khác. Cảm giác trìu mến lâu bền, sự dịu dàng, tâm trạng trống vắng… Những điều mà cháu chưa thể hiểu được.”
Cô khoát tay tỏ ý không muốn nói tiếp nữa, rồi cầm lấy một tờ báo. Tôi chỉ thích cô nổi giận, thích cô bước ra khỏi thái độ dửng dưng cam chịu ấy trước quan niệm thiếu tình cảm của tôi. Tôi nghĩ rằng cô có lý, rằng tôi sống như một con vật, chiều theo sở thích người khác, rằng tôi nghèo nàn và yếu đuối. Tôi tự khinh mình, và điều này làm tôi khó chịu kinh khủng, bởi vì tôi không quen như thế, có thể nói là tôi không quen phán xét bản thân, dù theo hướng tốt hay hướng xấu. Tôi lên phòng mình, tôi mơ mộng. Các tấm khăn trải giường ấm áp bên dưới tôi, tôi vẫn còn nghe thấy lời Anne: “Đó là một chuyện khác, đó là một tâm trạng trống vắng”. Đã có ai làm tôi phải cảm thấy trống vắng khi nào chưa nhỉ?
Giờ đây, tôi không còn nhớ nữa những sự việc xảy ra trong mười lăm ngày ấy. Như tôi đã nói, tôi hoàn toàn không muốn thấy một điều gì rõ ràng, một điều gì đáng lo ngại. Những ngày tiếp theo của kỳ nghỉ hè ấy thì tất nhiên tôi nhớ rất chính xác, bởi vì tôi dồn vào đó toàn bộ sức chú ý của tôi, toàn bộ khả năng của tôi. Nhưng ba tuần lễ ấy, ba tuần lễ nói chung là sung sướng ấy… Hôm nào là bố tôi nhìn khuôn miệng của Anne một cách công khai, không hề giấu giếm, hôm nào ông vừa lớn tiếng chê trách thái độ dửng dưng của cô lại vừa làm ra vẻ như bông đùa về điều đó? Hôm nào ông so sánh, không hề mỉm cười, sự tế nhị của cô với sự ngẩn ngơ đần đần của Elsa? Sở dĩ tôi yên tâm vì tôi nghĩ một cách ngốc nghếch rằng bố tôi và Anne quen biết nhau đã mười lăm năm nay và nếu hai người có thể yêu nhau thì đã yêu từ lâu. “Và nếu bây giờ chuyện đó phải xảy ra, tôi tự nhủ, thì bố tôi sẽ yêu trong ba tháng và Anne sẽ giữ lại về mối tình này vài kỷ niệm sôi nổi và một chút nhục nhã.” Tuy nhiên, tôi nào biết Anne đâu phải là người đàn bà chịu để bị bỏ rơi như vậy? Nhưng Cyril đang ở đây và chỉ riêng anh cũng đã đủ cho các ý nghĩ của tôi. Buổi tối, chúng tôi thường cùng đến các hộp đêm ở Saint-Tropez, chúng tôi vừa nhảy trong tiếng kèn clarinette thổi sai nốt vừa nói với nhau những lời yêu thương mà tôi sẽ quên phắt ngày hôm sau, nhưng tối ấy nghe thì thật âu yếm. Ban ngày, chúng tôi chạy thuyền buồm ven bờ biển. Đôi khi bố tôi cùng đi với chúng tôi. Bố tôi rất thích Cyril, nhất là từ hôm anh để bố tôi thắng một cuộc thi bơi crawl… Ông gọi anh là “bé Cyril của tôi”, Cyril gọi bố tôi là “ông”, nhưng tôi tự hỏi trong hai người thì ai là người lớn.
Một buổi chiều, chúng tôi tới uống trà ở nhà mẹ Cyril. Đó là một bà già lặng lẽ và tươi tắn, bà kể với chúng tôi về những khó khăn của một phụ nữ góa chồng như bà và những khó khăn của bà trong việc làm mẹ. Bố tôi động lòng trắc ẩn, hướng về phía Anne những ánh mắt biết ơn và khen lấy khen để bà cụ. Tôi phải thú thật rằng không bao giờ ông sợ mất thời gian. Anne nhìn cảnh ấy với một nụ cười dễ thương. Trên đường về, cô tuyên bố rằng bà cụ là người rất thú vị. Tôi nổi nóng lên nguyền rủa những bà già kiểu đó. Bố tôi và Anne quay sang tôi, mìm cười một nụ cười độ lượng và vui vẻ khiến tôi phát khùng:
“Bố và cô không hiểu rằng bà ấy rất hài lòng về bản thân, tôi kêu lên. Bà ta lấy làm mãn nguyện về cuộc đời mình vì bà ta có cảm giác đã hoàn thành bổn phận, và…
- Nhưng đó là sự thật, Anne nói. Có thể nói bà ấy đã làm tròn bổn phận của một người mẹ và một người vợ và…
- Và bổn phận một con đĩ nữa chứ ? Tôi nói.
- Cô không ưa những lời thô tục, Anne nói, và lại còn mâu thuẫn nữa.
- Nhưng chuyện này không hề mâu thuẫn. Bà ta lấy chồng cũng như tất cả mọi người, vì muốn thế hoặc vì theo lẽ thường phải thế. Bà ta đã có một đứa con, bố và cô biết người ta làm cách nào để có con cái chứ ?
- Chắc hẳn biết không nhiều bằng cháu. Anne mỉa mai, nhưng cô cũng có vài khái niệm.
- Vậy là bà ta nuôi đứa con ấy. Có lẽ bà ta tránh được những lo sợ, những bối rối của việc ngoại tình. Bà ta sống một cuộc đời như hàng ngàn, hàng vạn phụ nữ khác và bà ta kiêu hãnh về cuộc đời ấy. Bà ta ở trong hoàn cảnh một người vợ trẻ, một người mẹ còn ít tuổi, hết sức tầm thường và bà ta không làm một điều gì để thoát khỏi hoàn cảnh ấy. Bà ta tự hào vì đã không làm điều này cũng như làm điều nọ, chứ không phải vì đã làm được một điều gì.
- Cái đó không có ý nghĩa gì lớn lao, bố tôi nói.
- Như thế là một trò đánh lừa, tôi kêu lên. Sau đó người ta tự nhủ : « Ta đã làm xong bổn phận của ta » bởi vì người ta không làm gì cả. Nếu bà ta trở thành một cô gái đứng đường, mặc dù sinh ra trong một hoàn cảnh khá giả, thì khi đó, bà ta mới đáng được coi trọng.
- Các ý nghĩ của cháu hợp mốt đấy, nhưng không có giá trị », Anne nói.
Có lẽ đúng như vậy. Tôi nghĩ như những gì tôi nói ra. Nhưng quả thật những điều ấy tôi đã nghe thấy ai đó nói. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi, cuộc sống của bố tôi đều dựa trên cái lý thuyết ấy, cho nên khi Anne khinh miệt nó, tôi cảm thấy rất khó chịu. Người ta có thể gắn bó với những điều tầm phơ cũng được chứ sao. Nhưng Anne không coi tôi như một sinh vật có suy nghĩ. Tôi cảm thấy phải mau chóng, ngay lập tức làm cho cô tỉnh ngộ. Tôi không nghĩ rằng cơ hội sẽ rất sớm đến với tôi, cũng không nghĩ tôi sẽ biết cách tóm được nó. Mặt khác tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận rằng trong vòng một tháng tôi sẽ thay đổi ý kiến về một chuyện nào đó, rằng những sự tin chắc của tôi không lâu bền. Làm cách nào để tôi có thể là một tâm hồn lớn được đây ?


--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Lissette
post Jun 8 2005, 06:34 PM    
Đường dẫn tới bài viết này #7

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



CHƯƠNG V

Và rồi hôm đó, sự việc đã đến hồi kết thúc. Một buổi sáng, bố tôi quyết định đến tối sẽ ra Cannes để chơi và nhảy. Tôi còn nhớ niềm vui của Elsa. Trong bầu không khí thân thuộc của các câu lạc bộ, Elsa nghĩ cô sẽ lấy lại được vai trò « người đàn bà có sắc đẹp mê hoặc » của cô đã bị mờ nhạt chút ít bởi những mảng xém nắng trên da và bởi cảnh hiu quạnh nơi chúng tôi ở.


Trái với dự đoán của tôi, Anne không phản đối những chuyện ăn chơi ấy, thậm chí cô còn có vẻ khá hài lòng. Vậy không có rắc rối gì cả. Thế là ngay sau bữa ăn, tôi lên phòng mình mặc một chiếc robe buổi tối, phải nói rằng đó là chiếc duy nhất tôi có. Chính tôi đã chọn mua nó cho tôi ; nó được may bằng loại vải tissu của một nước xa xôi nào đó, có lẽ hơi quá lạ mắt đối với tôi bởi vì bố tôi không rõ vì sở thích hay vì thói quen, sẵn lòng cho tôi ăn mặc thành « người đàn bà có sắc đẹp mê hoặc ». Khi xuống dưới nhà, tôi thấy ông đã chói lọi trong chiếc áo smoking mới, tôi liền vòng tay ôm lấy cổ ông.

« Bố là người đàn ông điển trai nhất mà con được biết ».

- Trừ Cyril, ông nói mà không tin như vậy. Còn con, con là cô gái xinh đẹp nhất mà bố được biết.

- Sau Elsa và Anne, tôi nói mà bản thân tôi cũng không tin như vậy.

- Vì họ chưa có mặt ở đây và họ tự cho phép họ bắt chúng ta phải đợi, nên con hãy khiêu vũ một chút với ông bố đã già của con và các chứng bệnh thấp khớp của ông ta nhé ».

Tôi lại tìm được sự sảng khoái tôi vẫn thường cảm thấy khi bố con tôi đi chơi đâu đó. Ông tuyệt nhiên chẳng có vẻ gì là một ông bố đã già. Trong lúc nhảy, tôi hít lấy hương thơm quen thuộc ở ông, của nước hoa, của hơi nóng từ người ông tỏa ra, của thuốc lá. Ông nhảy rất có chừng mực, hai mắt nhắm hờ, một nụ cười nhẹ đầy sung sướng, cũng không thể kìm nén như nụ cười của tôi, ở bên khóe mép.

« Con phải dạy bố điệu be-pop mới được », ông nói, quên bẵng các chứng bệnh thấp khớp.

Ông ngừng nhảy và bất giác khẽ reo lên một tiếng đầy cảm phục và tán dương khi trông thấy Elsa. Cô bước xuống các bậc thang một cách thong thả trong tấm robe xanh lá cây, một nụ cười khinh bạc trên môi, nụ cười « kiểu câu lạc bộ » của cô. Cô đã tận dụng tối đa những gì vớt vát được ở mái tóc khô khốc và làn da cháy nắng của cô, nhưng cũng chỉ đạt mức đáng khen chứ không thể nói là xuất sắc. May sao, hình như cô không biết như vậy.

« Chúng ta đi chứ ?

- Cô Anne còn chưa xuống, tôi nói.

- Con lên xem cô ấy xong chưa, bố tôi nói. Kẻo nửa đêm mới tới Cannes mất thôi ».

Tôi lên các bậc thang, vừa bước vừa bị vướng víu tấm robe, rồi tôi gõ cửa phòng Anne. Từ bên trong, cô nói to lên bảo tôi cứ vào. Tôi dừng lại trên ngưỡng cửa. Cô mặc một chiếc robe màu xám, một màu xám khác thường, gần như trắng, mà ánh sáng cứ mắc vào đó như mắc vào một vài sắc màu của biển lúc bình minh. Tối hôm nay, hình như tất cả vẻ đẹp duyên dáng quyến rũ của độ chín ở người đàn bà đều hội tụ lại nơi cô.

« Tuyệt ! tôi thốt lên. Ồ ! Cô Anne, tấm robe đẹp quá ! »
Cô mỉm cười trong gương như người ta vẫn mỉm cười với ai đó khi người ta sắp chia tay.

« Màu xám này tuyệt trần, phải không cháu, cô nói.

- Cô mới thật tuyệt trần », tôi đáp.

Cô beo tai tôi và nhìn tôi. Cô có đôi mắt màu xanh xẫm. Tôi thấy chúng long lanh và cười cười.

« Cháu là một cô bé dễ thương, mặc dù đôi khi cũng mệt với cháu đấy. »

Cô để tôi đi qua trước mặt cô ra khỏi phòng mà không nhận xét gì về tấm robe của tôi, điều này khiến tôi vừa mừng lại vừa bực. Cô xuống cầu thang trước, và tôi thấy bố tôi đi tới đón cô. Ông dừng lại dưới chân cầu thang, một chân đặt lên trên bậc thang đầu tiên, mặt ngẩng về phía cô. Tôi nhớ chính xác cảnh này : đằng trước tôi, là cái gáy vàng óng và đôi vai tuyệt hảo của Anne ; thấp hơn một chút, là gương mặt rạng rỡ đầy thán phục của bố tôi, một tay ông đưa ra, và ở xa xa là hình bóng Elsa.

« Anne, bố tôi nói, em thật phi thường. »

Cô mỉm cười với ông lúc cô đi qua và cầm lấy chiếc áo măng-tô.

« Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đó, cô nói, Cécile, cháu đi với cô chứ ? »

Cô để tôi lái xe. Ban đêm con đường rất đẹp nên tôi cho xe chạy nhẹ nhàng, Anne không nói gì. Hình như cô không để ý cả tiếng kèn trompette rú rít phát ra từ máy thu thanh. Khi xe bố tôi vượt lên ở một chỗ ngoặt, cô vẫn điềm nhiên. Tôi cảm thấy mình đã bị loại ra ngoài cuộc trước một vở diễn mà tôi không thể can thiệp vào được nữa.

Ở câu lạc bộ, do bố tôi thu xếp khôn khéo nên chúng tôi mau chóng lạc nhau. Rồi tôi lại thấy mình ở quầy bar, với Elsa và một trong những người quen biết của cô, một gã Nam Mỹ ngà ngà say. Gã làm ở ngành sân khấu, và mặc dù gã đang say, nghe gã vẫn lý thú bởi gã nói về sân khấu rất nhiệt tình. Tôi trò chuyện dễ chịu với gã gần một tiếng đồng hồ, nhưng Elsa có vẻ chán. Cô có biết một vài diễn viên kịch nổi tiếng nhưng cô không quan tâm đến kỹ thuật sâu khấu. Rồi đột nhiên cô hỏi bố tôi đâu, cứ như tôi có thể biết điều đó, và cô bỏ đi. Trong một lúc, gã Nam Mỹ có vẻ buồn nhưng một ly whisky mới lại khiến gã bốc lên. Tôi không nghĩ đến chuyện gì cả, tôi phấn chấn tham gia, vì phép lịch sự, vào cuộc nốc rượu thoải mái của gã. Sự việc còn trở nên buồn cười hơn khi gã muốn nhảy. Tôi buộc phải ôm ngang lưng gã để giữ cho gã khỏi ngã và phải cố rút bàn chân bị chân gã giẫm lên, kể cũng khá vất vả. Chúng tôi cười ngặt nghẽo thật khoái chí, đến nỗi khi Elsa vỗ vai tôi và tôi trông thấy vẻ thất thần của cô, tôi chỉ muốn tống khứ ngay cô đi cho rảnh.

« Cô không tìm thấy ông ấy », cô nói.

Mặt cô lộ vẻ đau khổ, lớp phấn thoa đã bị bợt để lộ hết làn da dưới ánh đèn, trông cô võ vàng hẳn đi. Cô thật đáng thương hại. Đột nhiên tôi cảm thấy rất tức giận bố tôi. Ông bất nhã quá chừng.

« À, em biết họ ở đâu rồi, tôi nói và mỉm cười như đây là một điều hết sức tự nhiên và Elsa có thể không phải lo ngại gì. Em sẽ quay lại ngay. »

Không có tôi làm chỗ dựa, gã Nam Mỹ ngã vào tay Elsa và hình như ở đó khá dễ chịu. Tôi buồn rầu nghĩ rằng Elsa béo tốt hơn tôi và rằng tôi không thể giận gã. Câu lạc bộ này khá rộng. Tôi đi một vòng khắp các sân hiên mà không thấy bố tôi và Anne đâu, cuối cùng, tôi nghĩ đến chiếc xe.

Phải mất một lúc tôi mới tìm được nó ở ngoài bãi xe. Hai người đang ở trong đó. Tôi đến từ sau và trông thấy họ qua tấm kính đằng sau xe. Tôi thấy hai hình trông nghiêng của họ rất gần nhau và rất nghiêm trang, đẹp một cách kỳ lạ dưới ánh sáng của một ngọn đèn đường. Họ nhìn nhau, chắc họ đang thì thầm với nhau, vì tôi thấy môi họ mấp máy. Tôi muốn bỏ đi, nhưng nghĩ tới Elsa, tôi bèn mở cửa xe.

Bàn tay bố tôi đặt trên cánh tay Anne, họ hầu như không nhìn tôi.

« Bố và cô vui chứ ạ ? tôi lễ phép hỏi.

- Có chuyện gì vậy, bố tôi nới với vẻ cáu kỉnh. Con làm gì ở đây ?

- Thế hai người ? Elsa đã đi tìm hai người khắp nơi suốt cả một tiếng đồng hồ. »

Anne quay đầu về phía tôi, thong thả, như miễn cưỡng :

« Cô và bố cháu về nhà đây. Cháu hãy bảo với cô ấy rằng cô bị mệt và bố cháu đã đưa cô về. Khi nào cháu và cô ấy vui chơi thỏa thích thì về bằng xe của cô ».

Cơn tức giận làm cả người tôi run lên, tôi không tìm ra lời để nói nữa.

« Khi nào vui chơi đã thỏa thích ! Nhưng bố và cô không hiểu gì cả ! Thật kinh tởm !

- Cái gì kinh tởm ?

- Bố đưa một cô gái tóc hung ra biển, dưới ánh nắng cô ta không chịu nổi và khi da cô ta bị tróc hết thì bố bỏ cô ta. Thật quá dễ dàng ! Con sẽ phải nói với Elsa thế nào đây ? »

Anne quay về phía bố tôi, vẻ mệt mỏi. Ông mỉm cười với cô, không nghe lời tôi nói. Tôi tức điên lên :

« Con… con sẽ nói với cô ta rằng bố tôi đã tìm được một người đàn bà khác để ngủ ngáy, còn cô ta, cô ta hãy đi mà chờ một cơ hội nào thuận tiện, thế chứ gì ạ ? »

Tiếng kêu của bố tôi và cái tát của Anne xảy ra cùng một lúc. Tôi vội vàng rụt đầu ra khỏi cửa xe. Cô tát tôi rất đau.

« Con phải xin lỗi đi », bố tôi nói.
Tôi đừng yên bên cửa xe, trong đầu quay cuồng bao ý nghĩ. Các thái độ thanh cao bao giờ cũng đến với tâm trí tôi quá muộn.

«Cháu lại đây », Anne nói.

Cô không có vẻ gì đáng ngại, tôi lại gần. Cô áp một bàn tay lên má tôi và nói với tôi dịu dàng, thong thả, như tôi hơi ngu đần :

« Đừng cay độc như thế, cô rất lấy làm tiếc cho Elsa. Nhưng cháu đủ tế nhị để thu xếp chuyện này theo cách tốt nhất. Ngày mai, chúng ta sẽ giải thích rõ với nhau. Cô làm cháu đau lắm hả ?

- Không có gì đâu ạ », tôi nói lễ phép.

Thái độ dịu dàng đột ngột ấy của Anne và cơn hung bạo vừa rồi của tôi làm tôi muốn khóc. Tôi nhìn chiếc ô tô chở hai người đi mà cảm thấy lòng mình trống rỗng. Sự an ủi duy nhất đối với tôi là ý nghĩ về sự tế nhị của chính bản thân tôi. Tôi bước chậm rãi vào câu lạc bộ, thấy Elsa vẫn ở trong đó, gã Nam Mỹ bám chặt cánh tay cô.

« Anne cảm thấy khó chịu trong người, tôi nói nhẹ nhàng. Bố em phải đưa cô ấy về. Chúng ta uống gì đó chứ ạ ? »

Cô nhìn tôi không đáp. Tôi tìm một lý lẽ có sức thuyết phục.

« Cô ấy bị những cơn buồn nôn, tôi nói, khiếp quá, chiếc robe của cô ấy bẩn hết cả. »

Chi tiết này, tôi thấy rất đắt, nhưng Elsa bật khóc, cô khóc khe khẽ, buồn rầu. Vô cùng bối rối, tôi nhìn cô.

« Cécile, cô nói, ồ, Cecile, hồi nọ chúng ta thật hạnh phúc… »

Tiếng nức nở của cô to hơn. Gã Nam Mỹ cũng bật khóc, vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại : « Hồi nọ chúng ta thật hạnh phúc, thật là hạnh phúc. » Vào lúc ấy tôi rất ghét Anne và bố tôi. Tôi có thể làm bất cứ điều gì để Elsa tội nghiệp nín khóc, để thuốc bôi lông mi của cô khỏi bị trôi, để gã Nam Mỹ kia hết nức nở.

« Cứ để xem sao đã, cô Elsa. Cô về với em đi.

- Lát nữa cô sẽ lấy vali của cô, Elsa vẫn khóc. Vĩnh biệt Cécile, chúng ta rất hiểu nhau. »

Trước nay tôi chỉ nói với cô về thời tiết hoặc về mốt, nhưng tôi có cảm giác như tôi mất một người bạn gái cũ. Tôi đột ngột quay người chạy ra xe.



--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC