Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Nhìn Lên Ban Công Vẫn Sáng đèn, tặng Mẹ yêu

Lissette
post Sep 4 2003, 11:57 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

thầm lặng mãi lặng thầm...


Nhóm: Thanh nữ làng Ven
Số bài viết: 295
Tham gia từ: 27-April 02
Đến từ: Mercury
Thành viên thứ: 82

Tiền mặt hiện có : 11.508$
Số tuần chưa đóng thuế : 0

Bình chọn :



Trưa nay, mẹ về muộn. Ăn cơm xong, mẹ lên giường nằm. Mẹ bảo :
-Tao nghỉ mười phút thôi, rồi còn đi làm. Sao trời lại bắt tội tôi phải vất vả thế này cơ chứ
Chần chừ một lúc, Nhi đến bên mẹ và rụt rè chìa ra cái gói nhỏ:
-Cái này mẹ mặc chắc vừa nhỉ...
Mẹ hơi nghiêng người, ghé mắt nhìn ra phía sau. Trên tay Nhi là một cái áo bằng vải thun trắng, chất vải mẹ rất thích. Mẹ quờ tay ra giật lấy áo từ trên tay Nhi, lật qua lật lại xem xét một hồi :
- Ôi giời ơi sao mày đoảng thế hả con ! Lại tốn tiền đi may vớ may vẩn ở đâu thế này hả ? Mày nhìn đây này, nhìn kĩ đây này - chẳng hiểu sao mẹ lại tỉnh ngủ ngay thế, và chìa cái áo ra sát mặt Nhi - đường may thì xiên xẹo, dúm dó, Có cái đường may cũng không xong. Phí cả tiền!
Nhi lúng búng :
- Nhưng mà loại vải này may dễ bị bai mà...
Chẳng đợi Nhi nói hết, cái áo đã bị quăng xuống bên thành giường. Mẹ lại quay lưng về phía Nhi, im lặng. Sự im lặng làm Nhi ngộp thở.

Từ nhỏ Nhi đã không hợp mẹ. Ông ngoại rèn cho mẹ tính tự lập từ nhỏ, vả lại mẹ sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, nên sống kham khổ quen rồi. Thế đâm ra mẹ rất khe khắt với Nhi.

Có lần mẹ bảo mẹ giống tính ông, quí thì rất quí nhưng mà chẳng bao giờ chịu thể hiện ra cả, cứ thấy nó...làm sao ấy. Thế nên mẹ chẳng bao giờ âu yếm Nhi, cũng chẳng mấy khi gọi Nhi là “con” – xưng “mẹ”. Mẹ dạy văn ở một trường cấp 2 nhỏ và không có tiếng tăm của thành phố, suốt ngày vừa dạy lại vừa phải dỗ những đứa học sinh cá biệt, bất trị, những đứa bố xe ôm, mẹ bán bún riêu ngoài chợ. Cứ về đến nhà là mẹ kêu ca. Nhi không chịu được.

Chẳng hiểu ông trời xui khiến thế nào mà Nhi lại là một đứa con gái đam mê văn chương đến tột độ và vô cùng nhạy cảm. Nhạy cảm thế, nên hồi nhỏ mỗi khi bị mẹ mắng, bị mẹ véo tai hay cốc vào đầu, Nhi chỉ biết khóc. Mà mẹ mắng ngoa lắm, mỗi lời như panh-xe-lam cứa vào Nhi, làm thành mỗi mảnh vỡ. Nhưng vỡ mãi rồi cũng thành quen, Nhi thản nhiên gọi “véo tai” là “lên dây cót đồng hồ”, gọi “cốc đầu” là “gõ mõ”, và im lặng, lì lợm mỗi khi bị mắng. Rồi tự nhiên cái giọng ngoa ngoắt, độc địa ấy nó cũng thấm vào Nhi từ bao giờ, như là một phần của tâm hồn, đối lập bên cạnh phần nhạy cảm vốn có. Lớn lên một chút, Nhi hay thắc mắc tại sao mẹ là cô giáo dạy văn mà chẳng dịu dàng như cô dạy văn ở lớp, chẳng mấy khi nói những lời ngọt ngào quan tâm Nhi cả. Có lần Nhi cũng đã thử đến bên mẹ, nhẹ nhàng choàng tay qua vai mẹ, thủ thỉ gì đó như các bạn Nhi vẫn làm khi ở bên mẹ của mình, nhưng đều bị mẹ gạt đi : “Ra chỗ khác cho tao làm việc !”. Vì thế Nhi hay so sánh. Mẹ chẳng bao giờ nhớ tên bạn bè của Nhi như mẹ của cái Lâm. Mẹ cũng không hay làm những món ăn ngon như mẹ của thằng Vĩnh. Mẹ cũng không hay chú ý chăm sóc đến quần áo của Nhi như mẹ cái Hiền, dù rằng nhà Nhi còn “giàu” hơn nhà nó. Thế nên Nhi chẳng dám đòi quần áo mới, và việc mẹ mua một cái gì đấy cho Nhi trở thành một việc xa lạ và trọng đại đến mức mỗi năm chỉ xảy ra một lần duy nhất vào dịp nghỉ hè. Mỗi lần nghĩ đến những chuyện ấy là Nhi lại buồn. Có thể vì Nhi yêu mẹ, nên muốn mẹ mình đẹp và hoàn hảo hơn tất cả mọi bà mẹ trên đời này...

Mà đúng là mẹ rất đẹp. Chắc có lẽ vì thế nên mẹ không yêu thương Nhi, bởi Nhi chẳng xinh chút nào cả. Nhi vẫn thường thấy xấu hổ mỗi khi bị mẹ gọi ra tiếp khách, bởi nhiều lần mẹ chê Nhi xấu ngay trước mặt các cô, các chú bạn mẹ, cứ như thể đấy là lỗi tại Nhi ấy. Mà càng lớn Nhi lại càng kém xinh đi, thế nên mỗi lần có khách lâu ngày đến nhà hỏi chuyện, nhìn Nhi mà lắc đầu : “Lâu rồi không gặp cháu, bây giờ lại không xinh như hồi nhỏ nhỉ?” là mẹ lại lờ đi như chiều xấu hổ. Đâm ra Nhi cũng nghĩ rằng mình không đẹp như mẹ chính là lỗi ở Nhi.

Nhi cũng là đứa tự lập vì mẹ rèn cho thế. Sống trong một gia đình thuộc vào hàng khá giả nhưng mẹ tập cho Nhi biết làm đủ mọi việc nội trợ. Hàng ngày Nhi làm việc nhà, còn mẹ thì bận bịu từ sáng đến tối mờ mịt. Bữa cơm tối là khoảng thời gian ngắn ngủi duy nhất trong một ngày mà ba thành viên trong gia đình Nhi có thể quây quần bên mâm cơm. Càng ngày Nhi càng trở thành một cô gái đảm đang hơn, nhạy cảm hơn và cũng yêu mẹ nhiều hơn. Những cuốn sách mà Nhi tìm được trên giá, sách của ông ngoại , hai dì và mẹ tích cóp lại, đã làm cho Nhi có một tâm hồn trong sáng, nhân hậu. Sách làm bạn với Nhi trong những lúc một mình, những cuốn sách cũng dạy cho Nhi biết yêu thương, nhận ra sự phải, trái. Tự lớn lên như thế, đọc nhiều như thế, Nhi cũng nhận ra sự vất vả của mẹ. Trong một vài giây phút hiếm hoi nào đấy trong cuộc sống thường ngày, Nhi cũng gạn lọc ra được tình yêu thương của mẹ dành cho Nhi. Dù hiếm hoi và kín đáo, nhưng với Nhi thế đã là quá nhiều.

Nhi đã mười tám tuổi, một cô thiếu nữ không xinh xắn, không có thân hình đẹp, hơi đậm, hơi thấp một chút. Khuôn mặt tròn, bầu bầu vô duyên với một vệt rám đậm trên má, bác sĩ bảo đấy là hiện tượng “rối loạn sắc tố dưới da” nên không chữa được. Mắt nhỏ và hơi xếch, cặp lông mày làm thành hai đường thẳng mờ mờ, làm cho khuôn mặt vốn không mấy ưa nhìn của Nhi có cái gì đấy tẻ nhạt, buồn buồn. Mẹ vẫn hay ca cẩm rằng “Nhất dáng, nhì da” mà “mày thì chả được cái gì cho ra hồn”.Còn mẹ cái Nhung thì lại khen Nhi có duyên ngầm, vì Nhi có nụ cười rất tươi, nụ cười khiến người ta có thể quên đi mệt nhọc. Nhi quí mẹ cái Nhung chính từ câu nói ấy, vì mẹ chưa bao giờ nhìn ra được điểm gì tốt ở Nhi cả. Chẳng biết là Nhi đã khóc bao nhiêu lần, đã tự ti biết bao nhiêu mỗi khi nghe mẹ ca cẩm về nhan sắc hạng trung bình yếu của mình... Tự ti đến nỗi chụp ảnh trở thành một nỗi ám ảnh của Nhi ! Nhưng mãi rồi cũng thành quen. Mãi rồi Nhi cũng tự công nhận là mẹ nói đúng.

... mày thì chả được cái gì cho ra hồn....

Nhưng Nhi vẫn yêu mẹ. Tình yêu ấy như thể là bản năng, là máu chảy trong huyết quản. Chắc bởi vì không được mẹ yêu nên Nhi muốn đem tình yêu của mình bù trừ, khoả lấp đi. Ảnh hưởng của mẹ hay sao mà Nhi cũng rất sợ biểu lộ tình cảm của mình. Những dịp lễ là những khoảng thời gian đặc biệt duy nhất của một năm mà Nhi có thể làm gì đấy để cảm thấy mình yêu mẹ hơn. Vì thế những món quà bao giờ cũng được chuẩn bị kĩ từ trước vài tuần, mặc dù Nhi kết quả sẽ lặp lại y nguyên như người ta cho chạy lại một cuộn phim đã mốc lên. Thể nào mẹ cũng sẽ nói “Kinh nhỉ, mày lại có quà cho mẹ của mày cơ đấy!” và tất nhiên những món qùa chỉ vài ngày sau sẽ nằm lăn lóc trong một xó xỉnh nào đấy của căn nhà rộng. Nhi quen rồi ! Nhưng mà năm nay mười tám tuổi, lớn rồi. Nhi tự thấy mình lớn rồi và Nhi muốn thay đổi, có thể đấy sẽ là một sự thay đổi lớn lao làm phá vỡ bức thuỷ tinh dày đặc đang ngăn giữa mối quan hệ của Nhi và mẹ.

Nhi giấu mẹ đi học may. Mà thật ra chắc cũng không cần giấu, vì mẹ có bao giờ quan tâm xem Nhi làm gì, ở đâu đâu. Ngày xưa mẹ cũng làm thợ may, nhưng từ ngày nghỉ hẳn may để dạy học, mẹ không còn động đến máy khâu mấy nữa. Mẹ cũng ít quần áo, chắc vì cái tính tiết kiệm, kham khổ nó ăn vào máu rồi. Nhi muốn mẹ đẹp hơn nữa, có thể vì đấy là điều Nhi không thể làm được. Thế nên Nhi đi học may, để có thể làm một cái gì đấy cho mẹ, trước hết là cho mẹ đã, rồi đến bản thân Nhi, rồi bố, rồi cả bạn bè. Cũng có thể Nhi muốn mọi người thấy rằng Nhi không vô dụng, Nhi cũng biết quan tâm, yêu thương...Và đấy là cái áo đầu tiên Nhi may được, theo số đo Nhi căn lại từ những chiếc áo khác của mẹ. Nhưng học chưa lâu, mà lại nóng ruột muốn được khoe với mẹ ngay, nên áo không được đẹp như ý muốn...

...mày thì chẳng được cái gì cho ra hồn....
Nhìn mẹ quay lưng về phía mình, im lặng, Nhi chỉ muốn khuỵu xuống. Lặng lẽ rời khỏi phòng mẹ, Nhi vớ lấy cái kéo trên bàn mình, phạt những nhát dài ngang thân vải rồi liệng cái mảnh giẻ rách tả tơi ấy vào góc tủ. Tiếng kéo lạch xạch, khô khốc. Trèo lên giường và giật tung rèm cửa, Nhi ngồi trong bóng tối. Nhi muốn tát mình một cái quá. Trời ơi, Nhi đã cố hết sức rồi nhưng Nhi không làm được, Nhi không làm hài lòng mẹ được. Không, mẹ không có lỗi, mẹ không biết gì cả, mẹ không biết rằng Nhi đã đi học may và cái áo ấy Nhi may cho mẹ. Ừ nếu không thì mẹ đã không làm thế.

Nhi cảm thấy mệt mỏi lắm rồi...

Thế mà năm nay Nhi đã xấp xỉ bốn mươi. Từ bỏ văn chương, học xong đại học và xin vào làm ở một công ty liên doanh, Nhi đã xây dựng sự nghiệp bằng chính đôi bàn tay tự lập của mình. Rồi chị lấy chồng muộn, một người đàn ông có gì đấy giống với bố, hơi khô khan và chỉ biết lao vào kiếm tiền. Đến tận bây giờ chị vẫn không hiểu tại sao chị lại lấy người ấy, vì chị không muốn rồi con mình sẽ lại như mình ngày xưa, hay những cảm xúc của mình sẽ lại mòn đi như mẹ đã mòn đi. Nhưng Nhi không thể không đi theo vết xe đổ của quá khứ được, vì chị cũng cần có một gia đình, một chỗ tựa nương. Người phụ nữ không có gia đình sẽ là người phụ nữ thiếu.

Con gái Nhi cũng không xinh xắn lắm. Mà càng lớn nó lại càng xấu đi. Nhưng tình yêu thương chị dành cho nó thì vô bờ bến. Chị cố gắng bù đắp cho con những gì còn thiếu trong tình cảm ngày xưa giữa hai mẹ con chị, chị cho nó tất thảy những gì mà tuổi thơ chị không có được. Vì thế bé Phương, con gái chị, chẳng thiếu thốn gì. Dường như nó đã quá quen với những cái vuốt ve, âu yếm, với những món đồ chơi dễ thương, với cả tủ quần áo đẹp, sự nuông chiều... Gần mười tuổi rồi, nó vẫn không phải động tay đến một cái gì, trong khi ngày xưa thì mẹ đã rèn cho chị biết nấu cơm, rửa bát. Chồng chị không tham gia nhiều vào việc dạy con, vả lại chị cũng không muốn nó phải tự lập sớm như chị.

Chắc vì thế mà con bé cừ thờ ơ với mọi thứ, nhận mọi tình cảm trìu mến của chị như thế nó phải có, mà không nghĩ đến chuyện đáp trả lại. Còn chị, ban đầu, cứ yêu con bằng tình yêu mê dại như thế, bản năng như thế, dù rằng trái tim nhạy cảm luôn khao khát được nhận tình yêu thương. Chị vẫn cho đi nhiều hơn nhận được, như ngày xưa...

Bây giờ Phương đã mười bốn tuổi rồi, trẻ con bây giờ lớn sớm hơn cái thời của chị. Nó phổng phao nhanh quá, chả khác gì chị cái hồi mười bảy, mười tám. Cứ nhìn con, chị lại nghĩ đến mình, đến tuổi nhỏ thiếu thốn tình yêu của chị, và chị lại yêu con nhiều hơn, chăm lo, chiều chuộng nó nhiều hơn.Còn nó thì vẫn cứ vô tâm, vẫn cứ làm chị buồn vì sự thờ ơ như vậy. Nó vụng, chị cũng thử tập cho nó thói quen tự lập, nhưng chẳng ăn thua, vì đụng đâu hỏng đấy. “...mày thì chả được cái gì cho ra hồn...” – con bé đoảng thế nhưng Nhi chưa bao giờ dám lặp lại câu nói ấy của mẹ, ngay cả trong những lúc giận nhất. Chị không muốn con bé tổn thương như chị đã bị tổn thương.

Tối nay Nhi đi làm về muộn. Ít khi chị về muộn thế này. Chồng chị đi công tác xa, nhà vắng vẻ quá. Nhìn lên ban công trông ra con đường rợp bóng xà cừ, phòng con bé vẫn sáng đèn. Ngoài phố đã thưa người, những bóng cây đổ dài lên những bóng cây, những bóng người đi trên phố thành từng nhóm cứ dẫm đạp lên nhau. Hình như trời lấm tấm hạt mưa... Nhi thấy lòng mình se lại. Sáng nay trước khi ra khỏi nhà, con gái chị nó chỉ thờ ơ hỏi : “Mẹ đỡ chưa?” rồi chẳng chờ câu trả lời mà lao ngay đi. Chị đang ốm, nhưng vẫn phải đi làm, đi làm để trốn tránh cảm giác cô đơn một mình trong căn phòng trống trải. Ngày hôm nay khi đi dạo qua những quầy sách, như thể tìm lại một thói quen cũ kĩ lắm rồi, chị bắt gặp một cuốn sách. Ở một trang nào đấy đã viết về một câu chuyện sao mà giống hệt như câu chuyện của chị ! Và bây giờ thì chị biết mình phải làm gì rồi... Chị lặng lẽ lần theo những bậc thang tối để lên nhà . “Con bé vẫn thức, chắc mai lại kiểm tra gì đây mà...” - chị mỉm cười trong bóng tối, và nghe trong mình khe khẽ nhen lên cái cảm giác hạnh phúc có một ai đấy đang thức đợi mình, dù chị biết có thể không là như thế.

Phương ngồi im bên bàn học, trông ra ban công nhỏ trước mặt. Bóng nó đổ dài trên tường. Nó đang suy nghĩ ... Hôm nay có một chuyện lạ lắm nhé. Lớp nó tiếp nhận một cô giáo dạy văn mới. Cô rất hiền, vóc người rất mảnh mai, và đặc biệt cô có một giọng nói dịu dàng rất quen, như thể nó đã nghe hàng tỉ lần rồi. Và buổi học đầu tiên cô lại không dạy bài mới như các cô giáo khác sợ “cháy giáo án” mà lại dành cả buổi học để nói về một chủ đề không có trong bài học , chủ đề “Mẹ”. Cô kể rằng mẹ cô mới mất rồi, cô sẽ coi học sinh như con của cô, và cũng muốn chúng nó sẽ yêu mẹ mình như cô đã yêu mẹ của cô. Rồi tự nhiên nó bỗng nhận ra cái giọng dịu dàng ấy rất quen vì giọng cô rất giống giọng mẹ nó ở nhà. Những lời dạy của cô rất thấm thía, và làm nó bỗng thấy xấu hổ, vì từ trước đến nay nó không hiểu thế nào là một đứa con yêu mẹ.

Thế rồi bỗng nhiên, trên đường đi học về, ngang qua nhà cái Thảo, nó thấy người ta xúm đông xúm đỏ, lại có cả xe cứu thương và các bác sĩ mặc áo blu trắng nữa. Nhìn thấy nó, cái Thảo khóc oà lên. Nó gặng hỏi mãi mới biết là mẹ cái Thảo lâm bệnh, phải đi cấp cứu, chưa biết sống chết thế nào. Nó bỗng sợ quá, nhớ lại gương mặt tái nhợt vì ốm của mẹ lúc sáng nay khi nó lao ra cửa, nó bỗng giật mình nhận ra mình quá vô tâm. Nó cũng nhận ra rằng từ trước đến nay nó chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ không có mẹ. “Nhỡ ngày mai mẹ mình cũng thế này thì sao ?” Phương chạy như bay về nhà. Mẹ vẫn chưa về. Cơm mẹ đã nấu sẵn, để trên bàn, kèm với mẩu giấy nhỏ : “Phương yêu của mẹ, mẹ về muộn. Con hâm cơm lên ăn nhé, đừng chờ mẹ.” Phương cầm mẩu giấy mà thấy run run. Lần đầu tiên nó thấy yêu mẹ đến thế, cảm thấy hạnh phúc vì nó được mẹ yêu thương đến thế. Phương chong đèn ngồi chờ mẹ, nó muốn nhìn thấy mẹ về, để nói một cái gì đấy, một cái gì đấy mà từ trước đến giờ nó chưa hề nghĩ tới.

Cửa mở. Nhi khe khẽ bước vào như thể sợ làm phá tan bầu yên tĩnh trong phòng. Chị muốn nói ngay với con, sợ rằng nếu không chị sẽ quên mất mình đang quyết tâm làm gì... Chị đến bên bàn, ôm lấy cái dáng ngồi ra vẻ trầm tư kia.
- Phương à... hôm nay mẹ muốn nói chuyện này với con. Phương à...nghe mẹ này!
Con bé quay lại, hình như mắt nó ươn ướt. Nó ôm chầm lấy mẹ, lần đầu tiên nó ôm chị chặt như thế, và nồng nàn như thế !
- Mẹ ơi, mẹ đã đỡ chưa ? Mẹ ơi con cũng có chuyện này muốn nói với mẹ. Nhưng mà trước tiên con sẽ nói với mẹ câu này nhé ! Mẹ ơi,... con yêu mẹ!
Ôi, xem kìa, chị đã nghe thấy gì ? ôi tim chị sắp vỡ ra vì sung sướng mất...
Hình như chị cũng thấy mắt mình ươn ướt...

Đêm đã khuya lắm rồi. Con bé đã ngủ trong vòng tay chị. Chị đặt nó vào giường rồi trở lại bàn. Ngoài phố những vòm xà cừ xào xạc. Chị muốn nhớ lại cái thời thơ ấu ngày xưa, tìm lại cảm giác thèm muốn tình yêu thương từ mẹ. Chị cũng nhận ra rằng chị không được bằng con gái mình, chị chưa bao giờ nói với bà câu nói ngọt ngào ấy – “con yêu mẹ”. Hôm nay là một ngày trọng đại, một ngày không thể nào quên trong cuộc đời chị. Chị không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Không, chị không muốn một chút nào. Vớ lấy cái túi xách và chìa khoá xe, Nhi lao ra khỏi nhà.

Tắt máy. Xe dừng ngay trước ngôi nhà cũ nhưng rất đẹp, có những cái ban công trông ra phố, ngôi nhà nơi chị đã sinh ra và lớn lên, nơi có người mẹ già của chị đang sống. Trời vẫn lấm tấm mưa. Nhi ngước nhìn lên. Ban công vẫn sáng đèn.

nguồn: http://www.ttvnol.com/forum/t_257305

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Lissette: Sep 4 2003, 11:59 AM


--------------------
Nỗi buồn cũng như tóc ấy, cắt đi thì không được mà để thì cứ dài ra...

user posted image



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC