Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Những đứa Trẻ Bị Nhốt

Hoang Yen
post Dec 6 2004, 04:38 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Irreplaceable Member


Nhóm: Dân làng Ven
Số bài viết: 3.531
Tham gia từ: 5-August 03
Thành viên thứ: 1.187

Tiền mặt hiện có : 510.305$
Số tuần chưa đóng thuế : 10

Bình chọn :



Tuyết bay nhè nhẹ, vài bông va vào mặt kính bịn rịn như muốn tan. Tôi ngồi trong phòng máy tính ngắm tuyết qua cửa sổ và xem đoạn thư em gửi cho tôi hôm trước.

"...Em đã có một ngày bình thường. Có những niềm thất vọng. Có cả những niềm vui chợt đến. Có những người lâu ngày mình không nói chuyện. Hôm nay đứng lại nói đôi ba lời, thấy người ta khác hơn là mình vẫn nghĩ. Cuộc sống đúng là chẳng bao giờ đóan trước được.
Có lúc nghĩ lại, mình tự hỏi, có phải mình thật ra là kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ nhiều cho riêng mình. Nghĩ ngợi và lại thấy bâng khuâng, chị ạ. Có lẽ em ích kỷ thật. Em biết mình ích kỷ từ lâu rồi. Có lẽ tại hồi bé em bị nhốt trong nhà nhiều quá. Ích kỷ thành bản tính. Mình cố che đậy tinh vi đến mức có lúc chính mình cũng không biết. Chỉ có thể thở dài. Chứ biết làm thế nào được."

Em làm tôi nhớ đến những chuyện đã qua từ lâu. Em là vậy, những câu nói hay viết của em thường gợi nhắc một điều gì đó ngủ yên trong tôi. Em đánh thức chúng dậy và bắt tôi phải đối thoại với chúng. Tôi như kẻ lười biếng miễn cưỡng lần lại từ đầu mối chỉ trong cuộn chỉ ký ức rối beng đã bỏ vạ vật từ lâu.

Ở Canada, trẻ con dưới 13 tuổi luôn phải có người lớn ở bên. Con trai tôi đi học có xe School Bus mỗi sáng đến đón ở dưới đường ngay phía ngoài building, nó đã 9 tuổi và thừa sức tự đi từ trên tầng xuống tiền sảnh để đi ra đường nhưng vì là luật rồi nên hôm nào tôi hoặc chồng tôi cũng đưa xuống. Dắt tay đến tận cửa xe giao cho lái xe rồi mới về. Chiều 3h50 lại ra điểm đỗ để đón con đưa vào. Không có mặt người lớn thì lái xe tìm cách gọi điện liên lạc chứ không bao giờ để các cháu tự đi. Cháu ở nhà phải có người lớn trông. Luật thế rồi.

Tôi đã không nói với em, tôi cũng là một đứa trẻ bị nhốt. Có khi tôi còn bị nhốt nhiều hơn em. Dãy nhà tập thể ngày xưa tôi ở có 11 gian thì 9 gian có trẻ nhốt trong nhà. Hai gia đình còn lại có bà ở nhà nên mấy đứa trẻ tung tăng. Bố mẹ đi làm, để con cái mở cửa trông nhà thì cũng không yên tâm cả con lẫn nhà, thôi thì cứ khóa cửa, dặn dò cấm nghịch cái nọ cái kia rồi tất bật đi cho kịp giờ vào ca.
Năm tuổi, tôi hay đứng trên chiếc giường một cạnh cửa sổ ngóng ra vườn, qua vườn là đến đường cái có ô tô chạy qua. Một ngày có rất nhiều ô tô. Chúng chở cát, gạch và than, có những chiếc phủ bạt kín thì không biết chở gì. Không có ai để tôi hỏi về chúng, chúng đi đâu, có xa không? Chúng sẽ đến những nơi có khác nơi này không?

Có những hôm trời mưa rất to, tôi phải đóng cửa sổ để gió khỏi hắt mưa vào nhà. Tôi đặt các chậu nhôm vào đúng chỗ mẹ dặn để hứng nước dột từ trên mái xuống, sau đó thì leo vào giường to trong buồng chùm chăn kín đầu để trốn những tiếng sấm sét. Vùng tôi ở nhiều sét, mưa hơi ngớt là chớp nháy nhoàng nhoàng và sấm đinh tai nhức óc. Bố tôi bảo dãy nhà này có cột thu lôi chống sét rồi nên không sợ. Tôi nghĩ mình không sợ, nhưng cái tiếng gầm từ trên trời vọng xuống ấy làm cho tôi thấy mình trở nên bé tẹo, bé như con mèo Xôm nhà cô Bằng mới bắt nuôi trong cái mủng lót vải vụn. Ai khẽ động vào cũng run lẩy bẩy. Lúc ấy tôi nghĩ giá có ai cùng chùm chăn nghe sấm với tôi thì chắc không sợ nữa.

Mẹ bảo bốn rưỡi mẹ về, bố thì muộn hơn vì ở nhà máy rất nhiều việc, thường phải sáu giờ, hôm nào có sự cố thì bố về muộn lắm.
Khoảng bốn giờ là tôi cảm thấy nao nức chân tay. Bóng mẹ từ xa tôi đã nhận ra, đầu tiên là cái nón bạc nắng nhấp nhô rặng cúc tần. Lần nào tôi cũng đoán đúng, cho dù có cô Tâm, cô Hạnh, cô Bằng cũng đội nón và những chiếc nón cũng nhấp nhô.
Mẹ mở cửa lách cách trong tiếng reo của tôi, bao giờ mẹ cũng hỏi: "Hôm nay ở nhà có vui không con? Cơm mẹ ủ có ăn hết không?"
Tôi thì ôm chầm lấy mẹ, "Vui mẹ ạ, hết mẹ ạ!" mặc dù sự tình là chẳng bao giờ "hết" và "vui". Giờ nghĩ lại thấy hóa ra tôi đã biết nói dối từ hồi ấy, năm tuổi, rất sớm. Nói dối để mẹ tôi còn yên tâm đi làm "lấy tiền đong gạo".
Để sáng nào cũng tự nguyện đứng sẵn trên chiếc giường tay nắm chặt thanh song sắt cửa sổ dặn với: "Chiều nay mẹ về sớm mẹ nhé!"

Không biết những ngày trong nhà hồi bé của em, em hay nhìn thấy gì, nghĩ đến điều gì. Nhìn lũ kiến bò men cửa sổ như cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh, hay ngồi đếm và mân mê những hòn bi đất nhúng sơn đỏ sơn vàng một hào hai chục viên? Một ống bơ cát có chú dế rí rách bên trong hay một cái lồng chim và con chim sáo mỏ vàng làm em vui?
Không đoán được, đợi em kể về những niềm vui nho nhỏ giúp em quên thời gian chờ đợi. Nhưng có một điều thể nào em cũng làm, đó là nhìn trời, cái khoảng xanh xanh hé ra trước khung cửa sổ bé nhỏ lúc thì trong vắt nắng lúc mù mịt mây. Tôi chắc chắn vậy vì đấy là điều tôi hay làm nhất, nhìn trời xanh thẳm, những cụm mây trắng bồng bềnh, thử tưởng tượng mình là một con chim đang bay, cái gì xa mãi xa sau những quầng mây kia?

Thư tiếp của em:

" Khỏang 5 tuổi bắt đầu bị nhốt. Nhà mới dọn đến, trống trải, khoảng 20m2, nhưng đối với mình đã là to rồi. Bố mẹ em bận lắm. Em ở nhà chẳng có gì mà chơi đâu. Chỉ ngồi thần ra nghĩ ngợi. Khi buồn cũng chẳng biết là mình buồn nữa. Xóm ngọai ô Hà Nội vắng người. Mà khi có người cũng chẳng vui mấy. Nhà nào cũng bất ổn, tẻ nhạt, và rầu rĩ. Không gian u ám cả những khi trời hửng nắng. Luôn cảm thấy thế, dù mình chỉ là đứa bé con non dại. Sau này đọc Không Có Vua của Nguyênc Huy Thiệp là nhớ lại ấn tượng đã in sâu trong tâm trí về những ngày ấy.
Ở nhà một mình. Không bao giờ quen được. Luôn có những nỗi sợ. Sợ bọn quái vật vô hình phảng phất trên những bức tường. Sợ bố mẹ vì lý do nào đó không về nữa. Sợ khi buổi chiều nắng tàn chập chọang. Hàng xóm đã sáng lên mờ mờ ánh điện vàng vọt. Mà nhà mình vẫn tối om, lặng lẽ chờ bóng tối đến xâm chiếm hòan tòan. Bây giờ nghĩ lại vẫn không nhớ vì sao mình không bật điện lên. Có lẽ vì ở nông thôn từ bé nên không có thói quen. Có lẽ cái công tắc ở cao quá. Cũng có thể mình cứ ngồi lặng yên không quan tâm. Bố mẹ đi không có giờ giấc nhất định để quay về. Có khi mệt quá lăn ra ngủ. Tỉnh dậy ánh sao lạnh lẽo ngòai cửa sổ. Vẫn là một mình. Lại là mình đơn độc đối chọi với chính lòng mình..."

Tội em, ngày xưa ở trong nhà đâu có nhiều trò vui cho trẻ con như bây giờ. Một đứa trẻ năm tuổi lúc đêm xuống có ý nghĩ gì khác ngoài nỗi sợ. Có vẻ tôi may mắn hơn em. Tôi hiểu hơn vì sao em hay sợ những chiều tà.

Tại sao em lại mường tượng được mối quan hệ giữa sự ích kỷ và những ngày một mình thui thủi? Có phải chính cái cảm giác cô đơn đã cho em ý nghĩ mình là duy nhất, mình là trung tâm, mọi điều khác không còn quan trọng nếu so với việc thỏa mãn cái mà mình đang mong chờ, ước muốn?

Không biết rồi một ngày nào đó trong cuộc đời tôi có ngồi suy tư như em và tự lẩm bẩm rằng hình như cái khuyết này tật nọ của tôi có xuất phát điểm từ những ngày bám thanh cửa sổ nhìn trời ấy? Phải chăng đó chính là sự cam phận? Là sự bằng lòng chấp nhận một ranh giới không bao giờ bước qua? Yên tâm thỏa hiệp với những gì tù túng quen thuộc và chỉ liếc ra ánh sáng bên ngoài với một chút tiếc nuối?

Em tự hỏi, tự trả lời hay em cần tôi trả lời giúp em, biết đâu em cần tôi một lời phủ định. Rằng không phải đâu em, em có gì đâu mà nghĩ mình ích kỷ, ai cũng cần phải lo cho bản thân. Cái việc nhốt trong nhà từ thủa bé tẹo ấy thì ảnh hưởng gì? Cái lứa tuổi chị nhiều đứa vậy, có vấn đề gì đâu? Hay em cần tôi một lời hưởng ứng, để tôi kể lại em nghe, rồi chúng ta có cớ để thốt những phản đối ngấm ngầm cách đây hàng mấy chục năm ấy ra bằng lời, như một sự trách móc oán hận?

"Chỉ có thể thở dài. Chứ biết làm thế nào được."

Em đâu cần tôi phủ nhận giùm em để giữ cảm giác yên tâm giả dối, em cũng không thiết tôi hưởng ứng, chúng ta đâu muốn một lần nữa là những đứa trẻ, phải không em?

Có một nhà văn nữ để viết một tham luận về "Trạng thái tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam trong và sau chiến tranh." đã phải đọc đến 10.000 trang tài liệu. Không biết có số liệu thống kê nào có mặt trong những tài liệu đó về những đứa trẻ bị nhốt và cuộc đời sau này của chúng. Có lẽ chưa ai làm công việc ấy. Bao nhiêu đứa trẻ trở thành người tài giỏi hoàn thiện tâm hồn trí tuệ và bao nhiêu đứa què quặt hai thứ? Tỷ lệ sẽ thế nào nếu so với những đứa trẻ khác? Cũng khó khăn để so sánh vì những điều kiện khác tham gia.

Xem cô công chúa nhạc Pop Britney Spears hai mấy tuổi phàn nàn vì vòng tay của cha mẹ vẫn ấp ủ nhiều thấy cô ta sao quá hạnh phúc. Hạnh phúc đến mức một cuộc hôn nhân vội vàng như trò đùa của thanh niên cũng được gỡ nhanh sau hai ngày không mảy may ảnh hưởng đến nụ cười của cô.

Đọc thư em, nhớ lại chuyện xưa chia sẻ với em chỉ để thương thôi, nỡ nào oán trách những gì đã thuộc về máu thịt đời mình, làm thế lòng mình càng đau hơn.
Thương và mong những cha mẹ đừng bỏ con một mình. Đừng làm vậy vì đã có những đứa trẻ năm tuổi và những tiếng thở dài sau vài chục năm. Có khi suốt cuộc đời.

Ngoài kia tuyết vẫn rơi, Chắc còn rơi đến tối.


7-11-2004
Hoàng Yến

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Hoang Yen: Dec 8 2004, 01:42 AM



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC