Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Lão Nho Giả - Hà Thúc Sinh, Truyện ngắn của tác giả VN Hải ngoại

Cung Mi
post Feb 6 2005, 10:31 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Advanced Member


Nhóm: Trai làng Ven
Số bài viết: 398
Tham gia từ: 14-August 04
Thành viên thứ: 1.604

Tiền mặt hiện có : 178.929$
Số tuần chưa đóng thuế : 4

Bình chọn :



Lão Nho Giả


Người ta thường tán những tay cờ tướng giỏi tính trước được hàng chục nước, ba nước tính chưa tới sức nào tôi dám nghĩ mình giỏi, vì thế xưa nay tôi ít dám hầu cờ ai ngoài mấy bố con trong nhà. Đánh cờ với con có cái thú của nó. Nếu Khổng Tử không nói câu đó chắc về sau đã có một Khổng... Sinh nói vậy. Ngoài cái uy ông bố mình còn cái uy khai tâm cho chúng dù chỉ vài chữ mã nhật tượng điền xe liền pháo cách. Những cái uy ấy làm nảy vài kết quả hay hay. Thứ nhất có thua mình thua con, lòng sảng khoái. Thứ hai có thắng, đứa "có hiếu" sẽ nghĩ bụng chắc bố may; đứa "bất hiếu" dẫu nhăn nhó nhưng cầm chắc không dám hỗn, không dám để nhẹ bàn cờ lên đầu cụ thân sinh ra nó. Nhưng tôi vẫn thích xem những tay cao thủ đụng độ, thật thế, thích lắm. Ngày còn ở đất nước, cuối tuần tôi hay lê la trên lề một đại lộ giữa Sài Gòn, nơi người ta bán chim bán chuột, bói toán xem quẻ và nhất là có những người ngồi bày cờ thế thách giang hồ hảo hán đi qua ai giỏi ghé thử vài nước.
Tôi không thích cờ thế. Những ông bày cờ thế mặc nhiên đã trăm cách gài sẵn cho họ cái thế tất thắng. Thú là lâu lâu gặp hai cao thủ sau khi làm ly xây chừng, cay nhau sao đó, thoả thuận kéo tới ngồi dưới gốc me sắp cờ quyết một trận thư hùng. Từ đó tôi nghiệm ra một điều. Với những bậc kỳ vương, họ luôn có hai lúc bình cờ. Bình cờ lần đầu là khi đôi bên thoải mái sắp quân, tiếng lách cách nghe hăm hở, vui tai; lần kế là sau mươi phút dàn quân, gài thế rồi dừng tay, ngó mắt nhau, một người chìa bàn tay lễ phép nói "Xin mời!" Người chung quanh lặng lẽ háo hức. Ngay đàn sẻ trên những cành me xem ra cũng im tiếng. Lần bình cờ này là dịp cuối cùng cho đôi bên còn nhớ ra trên đời có chữ tiền lễ hậu binh. Họ bắt đầu chìm vào sự tính toán sâu lắng, trầm ngâm, nham hiểm nữa. Thế sự hứa hẹn tắm máu rồi đấy khi một bàn tay thò ra quyết định nước đi cho một quân cờ.

Đây là giây phút gay nhất. Người phải đi nước trước thường bạnh cằm như máu huyết trong người đang sôi lên, các gân bắp đang nở ra, lấy tận lực tung cú tiên hạ thủ vi cường. Nước đầu, nước căng đầu hơn cả. Ra con xe, nhích con pháo, lên con mã, thậm chí đẩy con chốt, thay thảy sẩy tay đều có thể mở một hành lang cho địch xâm nhập, hoặc gài địch vào bẫy mà chỉ ít phút nữa thôi sẽ có kẻ mất nước tan nhà. Dưới những gốc me như thế đã bao kỳ vương râu dài ngang rốn chôn vùi tên tuổi, hay một cậu thiếu niên phút chốc tạo đại danh trong chốn giang hồ. Thế nào đi nữa, tôi không đủ trình độ để hiểu vì sao tự dưng mới đi vài nước một bên chợt ngửa mặt lên trời thở dài, vùng đứng lên, thốt một câu đau đớn, "Thua!" rồi lầm lũi lủi vào đám đông mất dạng. Những lúc như thế dù cờ gà, nhưng nhìn cục diện, tôi vẫn thường ấm ức nghĩ bụng xe pháo thế kia đánh cả buổi chưa chắc phân thắng bại, sao lại có kẻ bỏ của chạy lấy người? Mãi tới lúc đi tù cộng sản, nhờ cơ may, tôi mới có chút hiểu biết thêm về cờ, về người đánh cờ.

***

Năm 1977 tôi bị giam ở trại Suối Máu. Thời gian nằm bệnh xá tôi quen ông cụ Hoà, Nguyễn Thụy Hoà. Cụ bị lao phổi nặng, người gầy như que tăm, xanh như tầu lá, giọng thều thào như hết hơi nhưng cờ tướng thì nức tiếng như cá tính cụ. Nhưng chớ tưởng ai cụ cũng tiếp đâu đấy. Hách như gì. Bọn trẻ lúc rảnh rỗi ham cờ nằn nì thế nào cụ cũng lắc. Khi tôi nhập viện chỉ thấy được cụ đánh đâu vài ván với một cụ khác cũng lao phổi như cụ; sau ngày cụ bạn này mất, gần như tôi không thấy cụ đụng cờ với ai nữa. Mời, cụ trả lời bằng cách ngâm ư ử câu thơ cờ đang nửa cuộc không còn nước. Không ai hiểu thấu đáo cụ muốn nói gì. Cụ chê người mời cụ non, và cụ không muốn sát sinh, muốn cắt cổ gà thêm nữa; hay cụ đã âm thầm đọ thân phận vào chuyện thế sự, cho rằng đời là một cuộc cờ đã bí hoàn toàn?

Cụ là người đầu tiên bị nhốt vào conex trong đợt học tập chính trị năm 1975 bên K.5. Cụ trốn trại? Cụ cãi lệnh nấu nướng linh tinh? Cụ làm thơ văn phản động? Thưa không, cụ vào conex vì một câu phát biểu ly kỳ. Bạn đồng tù từng ở chung K.5 với cụ về sau khi kể lại vẫn tỏ ra khoái trá câu chuyện này. Ký bút hiệu Khánh Vân Cư Sĩ, chủ bút tờ Đại Từ Bi, một tờ báo của nha Tuyên Úy Phật Giáo, dịch giả truyện dài Bàn Tay Ngọc Phật, dĩ nhiên trong đợt học tập đầu tiên ban quản giáo trại phải cần xem một tên cầm bút lâu năm sẽ phát biểu thế nào về tội lỗi của hắn. Cụ bị chiếu cố. Lên phát biểu, cụ giở giọng ông đồ gàn, con cà con kê mãi rồi mới trở giọng hớn hở kể:

"Cách mạng vào thú thật tôi chỉ có mỗi một điều vui. Số là xưa ngoài Bắc, làng nào cũng có truyền thống, có tay nghề của làng đó. Có làng chuyên làm đồ gốm, có làng chuyên đan thúng đan mẹt, có làng toét mắt cả làng, có làng mù chữ cả làng, lại có làng được nức tiếng có lắm ông nghè ông cống. Làng tôi chả gì cũng có tiếng là làng trọng văn học, có trường, có thầy, có học trò nối tiếp nhiều thế hệ làm vẻ vang cho truyền thống làng. Gần làng tôi có một làng không có trường. Lắm bậc phụ mẫu muốn cho con theo đòi tí chữ nghĩa phải gửi chúng sang làng tôi học nhờ. Thủa thiếu thời tôi có thằng bạn làng bên sang học nhờ. Cùng lớp cùng trường. Tên nó là Dũng. Còn trẻ con ấy mà, thế nên chúng tôi thường ghẹo nó, gọi nó là ‘thằng Dũng làng Noi cả nòi hốt cứt!’ Cách mạng vào, ngờ đâu tôi tốt phước, có được thằng bạn là thằng bé làng Noi năm ấy, chữ nghĩa thì lem nhem, tay chân ít khi thơm tho sạch sẽ, thế mà trời ngó lại thế nào, nay nó làm tới ông đại tướng quân đội Nhân Dân, trong khi tôi giải ngũ về mang được chút hàm thiếu tá. Thật rõ là ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai."

Khẩu khí và tính khí như thế, tôi không ngạc nhiên khi cụ từ khước đóng tiền mua khẩu phần thịt, đường, kẹo bánh mỗi khi có dịp nhà nước ăn mừng kỷ niệm này kỷ niệm nọ. Cụ bảo, "Lễ chúng nó, lễ gì mình mà lại phải móc tiền túi ra mua thức ăn ăn mừng?"

***

Có một hàng rào đơn ngăn khu bệnh xá với K.4. Bên K.4 có vài ba anh tù điên, trong số có một người, nghe nói cấp trung úy, không điên, chỉ khật khùng. Anh ta chưa tới ba mươi. Suốt ngày trên người chỉ có manh quần đùi khâu bằng bao cát, da dẻ vì thế xám xịt như củ súng. Bị xếp loại khật khùng dĩ nhiên chẳng ma nào bắt anh đi lao động được. Tối ngày anh luẩn quẩn trong trại, hay đứng nơi hàng rào xin xỏ tí cháy của đám tù K.30 làm nghề mộc kiêm nấu bếp cho bệnh xá. Đám mộc không ai tiếc gì anh bạn nửa điên nửa khùng tí cháy hay tí cơm thừa canh cặn, nhưng nội quy đã cấm ngặt chuyện "liên hệ linh tinh," vì thế ít khi người xin được thoả mãn. Nhưng từ lúc biết trước khi khật khùng anh ta từng là một kỳ vương vô địch trại, đám mê cờ bên bệnh xá hay K.30 thường có kẻ liều lĩnh giấm giúi cho anh thứ này thứ nọ, nhưng đặt điều kiện sau đó phải đánh một ván cờ. Anh ta hay cười khỉnh, bảo, "Một là đánh qua hàng rào vi phạm nội quy, vệ binh nó bắn chúng mày bể gáo dừa; hai là điên cũng có tư cách thằng điên chứ, tao ăn gỏi chúng mày vinh dự gì!" Vì thế cho thì cho, không cho thì thôi, anh ta không bao giờ nhận đấu với ai cả.



Từ biết chuyện đó, cụ Hoà như lâm bệnh bồn chồn, giống chàng trai háo sắc biết sát vách nhà mình có giai nhân khó tính, và nếu long phụng không kỳ duyên một bận thác xuống tuyền đài hận ấy khó tan. Dưới mắt cụ từ nào tôi là người mê cờ dù chẳng bao giờ cụ thèm đánh với tôi. Đột ngột một sáng cụ thều thào bảo, "Ông đánh pháo được. Nhưng nhớ, từ cỗ pháo khạc ra lửa đến thằng tù ho lao khạc ra máu chỉ là nhấp nháy. Để tôi chỉ cho." Từ đó tôi lâm căn bệnh khác. Pháo đâu xe đó. Cụ thở dài, giọng bí hiểm, "Xe để tung hoành và được hưởng vinh dự cho thiên hạ ‘tùng thiết,’ xe không làm nhiệm vụ bợ đít đứa nào cả. Ông thủ như thế đời ông sẽ đầy những 30 tháng 4. Đừng giận. Ông làm quan văn lợi hơn quan võ. Ông không có tay... sát quân!" Tôi không giận cụ Hoà mà cảm kích, dù thực tế tôi không nhận ra được rõ ràng khuyết điểm của chính tôi, nhất là tôi không nhìn ra hệ quả của nước cờ tôi đi, giản dị là vì nào tôi có nhìn thấy trước được ba nước cờ cho cam.

Lần ấy tôi nhìn cụ, cười:

"Từ động viên tôi đánh mới mươi trận lớn nhỏ, sau về văn phòng."

Cụ nói nhỏ:

"May."

Tôi chẳng hiểu may là may thế nào, may cho tôi hay may cho lính, tôi cũng đáp nhỏ:

"Vâng, may."

Cụ Hoà đột ngột nhìn tôi, trở giọng nhỏ nhẹ, gần với nằn nì:

"Tính nhờ ông một chuyện."

"Gì thế cụ?"

Cụ ngẫm nghĩ, rồi gãi râu:

"Của đáng tội chẳng giấu gì ông, lúc này tôi mất ngủ quá."

"Sao cụ không xin ông Khái ít viên an thần?"

"Không, là chuyện khác..."

"Chuyện khác?"

"Nhưng chắc ông giúp tôi được."

"...?"

"Ông gạ hộ tên gì ấy nhỉ, tên gì bên K.4 ấy, hay đứng ở hàng rào xin cháy ấy, đánh với tôi một ván cờ."

Tôi nhìn cụ khá trân trân. Cụ có vẻ bối rối, bảo, "Ông đừng hiểu lầm. Hiếu thắng làm gì còn rễ con rễ cái nào trong tôi. Nhưng khó nói lắm, không đụng với hắn một ván tôi khổ sở thế nào ấy."

Tôi khoa tay:

"Hiểu, cụ đừng lo, tôi hiểu. Để tôi cố dàn xếp giúp cụ."

Khi đứng lên, nghĩ sao, cụ Hoà trao cho tôi một lon muối mè, dặn:

"Ông cứ đưa cho hắn, bảo thật với hắn đây là món quà của một lão già trên đời chưa ngán một ai."

***

Hôm ấy là ngày 2 tháng 9 năm 1977, ngày cai tù lớn nhỏ tíu tít rượu thịt với những cuộc thi đấu thể thao, đấu cờ tướng vân vân lan vào cả các trại. Hiếu, giờ tôi đã biết tên anh ta là Hiếu, vẫn trần trụi lang thang lếch thếch như ngày thường. Điều ấy có nghĩa anh không tham dự các cuộc vui, dù là cờ tướng môn sở trường của anh. Anh ra đứng nơi hàng rào, nhìn đăm đăm ống khói nhà bếp bệnh xá đang nhả khói lên trời như cái ống khói xe lửa.

Tôi hỏi:

"Hết lon muối mè chưa?"

"..."

"Hết quà người ta thì chiều người ta đi chứ!"

"..."

"Làm bậy một ván đi. Hôm nay ‘nễ nớn ăn thịt nợn,’ vệ binh không ăn thịt người, bày ván cờ ngay góc rào này nhá?"

Đến lúc ấy Hiếu mới nhìn tôi, nói cụt ngủn:

"Tao là rồng."

"Thì biết mày là rồng. Nhưng mày có biết vì sao rồng thành truyền thuyết không, vì nó láu cá, nó chẳng cho ai nhìn thấy bao giờ. Tao ngờ mày vậy đó. Chỉ vênh váo thôi. Mày dám phô hình tích mày ra không? Tao sợ rồi người ta gớm mày như gớm một con sâu lớn."

Hiếu đỏ mặt tía tai. Công hiệu rồi. Tôi nghĩ bụng. Tôi nghĩ tôi phải phịa thêm một điều gì để khích hắn. Tôi tiếp, "Trước ông cụ từng đi đấu với các kỳ vương bên Đài Bắc, Hương Cảng, Tân Gia Ba đó mày. Ông ấy lớn lối lắm. Dầu sao tụi mình cùng lứa. Mấy ngày nay ông ấy bảo mày già dái non hột, tao cũng bực."

Thế là chịu hết nổi. Hiếu sừng cồ. Anh ta nhếch mép lên như một con chó dữ, gằn giọng:

"Kêu lão ấy đem cờ ra đây. Tao sẽ cho lão biết con người giống trái cây chỗ nào. Tròn trước đâu cứ chín trước!"


***


Nắng chang chang. Giữa khi bọn vệ binh quản giáo K.4 và K.30 reo hò ngoài sân đấu bóng chuyền, và ở các trại nhà bếp sửa soạn phát thức ăn cho các khối tù, thì nơi hàng rào giữa bệnh xá và K.4 diễn ra một ván cờ. Bàn cờ đặt bên sân bệnh xá. Lũ tù mê cờ ở cả hai bên vây chặt như làm một hàng rào che chở cho cuộc tranh hùng giữa hai cao thủ họ vốn chờ đợi.

Cụ Hoà đã thay bộ quần áo lành lặn nhất của cụ từ lúc nào. Một quần ka-ki và một áo sơ-mi trắng còn khá mới. Đối thủ của cụ thì vẫn thế, vẫn trần xì một manh quần đùi bao cát. Họ thò tay qua hàng rào cùng nhau sắp cờ. Đôi bên đồng ý chỉ đánh một ván, không hai. Một anh tù nấu bếp nảy sáng kiến. Anh bưng ra một khay gỗ nhỏ, trên đựng bát canh còn bốc khói, một bát cơm và ba điếu Vàm Cỏ. Anh bảo đó là quà tặng kẻ chiến thắng trong "trận cờ thế kỷ."

Và trận chiến khởi sự sau lúc bình cờ lần thứ hai. Cụ Hoà đi nước trước. Đi qua đi lại vài nước dưới trời nắng mặt cụ sạm lại nhanh chóng. Bên kia Hiếu chỉ cười cười, vừa bí hiểm vừa lạ lùng, nhưng thật rõ ràng cái kiểu khật khùng ngày thường đã biến đâu mất. Anh ta đột ngột ăn nói linh động hẳn, dí dỏm là khác. Anh bắt đầu trổ giọng giễu, gọi cụ Hoà bằng tổng thống. "Ấy chết, sao coi khinh mạng chốt thế hở tổng thống," hoặc, "Tăng pháo về miền Tây? Ngon về đi. Muốn tự tử cho tự tử." Có lúc cụ Hoà vò đầu vò cổ, Hiếu đổi giọng nghiêm trang, bảo, "Xin tổng thống trao quyền cho tôi. A, một lữ đoàn Dù hay Thuỷ Quân Lục Chiến đủ chiếm Nam Vang. Lon Nol ôm lấy chân ta mà xin lập thế ỷ dốc." Anh nổ pháo cái đét bắt thêm con chốt đầu của cụ Hoà, giọng tỉnh khô, tiếp, "A, vồ vài đấng cố vấn làm con tin nữa chứ, viện trợ lại tái ồ ạt, dễ mà trở mặt giữa đường." Vài phút nữa Hiếu phá lẻ cặp pháo ác liệt của đối phương. Đến lúc đó anh mới cười hềnh hệch, quay hỏi đại một người, "Ông Minh, bên Không quân còn bao nhiêu C.B.U? Miền Tây đánh ba năm chưa thủng. Chỉ cần một năm sống dưới ách VC là biết mùi đời. Xanh vỏ đỏ lòng đến mấy không vùng lên trong lòng địch tạm chiếm cũng tìm đường về nhập phe ta."

Cụ Hoà thốt vùng đứng lên. Rồi như thấy rằng sự nóng giận không phải cung cách đối xử của bậc vào tuổi cha chú, cụ chắp tay nói vắn gọn với đám đông, "Tôi thua!" và thò tay qua hàng rào, nhìn sâu vào mắt Hiếu, bắt tay, nói khẽ một câu không ai hiểu nghĩa, "Chúc em may mắn!"


***

Nỗi tấm tức của tôi vẫn nguyên vẹn như nhiều năm trước mỗi khi nhớ lại cục diện ván cờ. Hôm ấy cụ Hoà không nhận khẩu phần có đủ "chất béo chất ngọt chất tanh" của ngày lễ. Cụ nằm ốm trên giường cả ngày. Có lúc tôi ghé hỏi thăm cụ chỉ thở dài, bảo, "Đời là ván cờ. Tôi hết nước. Tận tuyệt. Nhưng hắn, à, đừng nhầm nhé." Giọng cụ đột ngột nhỏ hẳn, tiếp, "Khoái Kiệt đấy. Sử dụng xa mã đến thế không là kẻ bó gối đâu. Để rồi ông xem."

Tôi không màng đến những lời bí hiểm của một ông già tôi vốn xem là yếm thế. Nhưng thật bất ngờ, khuya đó tiếng kẻng báo động vang inh ỏi và ngay sáng hôm sau ai cũng biết bên K.4 có người trốn trại. Hắn đã băng qua bãi mìn, nhảy chuyến xe lửa bốn giờ sáng và thoát. Người ấy là anh chàng Hiếu.

Năm sau ở trại Hàm Tân nghe tin cụ Hoà mất tại bệnh xá Suối Máu vào một ngày cuối năm lạnh lùng, cứ nghĩ đến cụ là một bàn cờ còn đủ xe pháo mã lại hiện lên trong trí tôi. Tôi buồn dù không biết chắc mình buồn điều gì. Nỗi buồn ấy đôi khi thấm thía như chuyện đất nước, đôi khi man mác như niềm ân hận đã đánh mất và không thuộc được bài thơ cụ từng dịch tặng tôi ngày cùng nằm khu lao trại tù Suối Máu. Đó là bài "Ông Đồ Già" của Vũ Đình Liên, cụ dịch sang Hán văn mà câu duy nhất tôi còn nhớ chỉ là cái tựa: Lão Nho Giả.

Tôi có sai không nếu bảo lão nho giả ấy có huệ nhãn, từng thị kiến được một người bạn trẻ qua một ván cờ, dù thua?


Hà Thúc Sinh



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC