Chào bác, trông cái mặt bác quen quen ( Đăng nhập | Đăng ký tạm trú )

 

· [ ] ·

 Văn Trẻ

Thị Anh
post May 20 2006, 12:05 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #1

Kẻ ngơ ngẩn như những người đần trong cổ tích.
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 3.036
Tham gia từ: 15-June 05
Thành viên thứ: 1.805

Tiền mặt hiện có : 75.874$
Số tuần chưa đóng thuế : 2

Bình chọn :



Hội nghị nhà văn trẻ - Những cảm nhận trái chiều
Hơn 100 đại biểu từ các vùng miền, tuổi từ 35 trở xuống có mặt tại Hội An từ 11/5/2006. Điểm chung duy nhất trong cảm nhận của các cây bút trẻ là sự tiếp đón nhiệt tình và nơi ăn ở khá tốt.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly nhận xét: “Khách sạn mà cả đoàn ở đây rất tuyệt. Nhiều không gian đẹp và các thực đơn ăn uống cũng dễ chịu”.

Nguyễn Vĩnh Tiến cho đến phút chót mới quyết định xuôi tàu theo đoàn về Hội An. Anh lý giải: Ân tình mười mấy năm trời với văn chương thực sự thôi thúc tôi dứt ra khỏi công việc. Một điều nữa tôi cũng nghĩ đến trách nhiệm với ban tổ chức.

Danh sách bên Hội đã lên. Ai cũng như mình thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến không khí của cuộc hội ngộ”.

Đặt chân đến Hội An, anh nhất nhất cho rằng mọi thứ đều tuyệt vời, từ không gian đến những cuộc tranh luận của văn trẻ.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cảm thấy vui vì đêm thơ trẻ bên dòng sông Hàn tối qua có rất nhiều sự góp mặt và tràng pháo tay của bà con Hội An.

Và tối 12/5 này, các nhà thơ lại có thêm một đêm tri giao cùng công chúng yêu thơ ở di sản văn hoá thế giới này.

Trái chiều

12/5, cả ngày các đại biểu xôm tụ bàn chuyện Văn Tôi và Phê Bình Tôi nói gì. Chủ tịch đoàn gồm nhà thơ Hữu Thỉnh và các gương mặt trẻ khác, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư và Ngh’ie Thanh Mai người Đắc Lắc.


Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Nhà văn Đỗ Bích Thuý và Phan Hồn Nhiên đảm nhận vai trò thư ký. Hầu như cả buổi sáng, hội thảo tập trung nhiều về nghi lễ khai mạc.

Chiều, các bản tham luận và ý kiến trái chiều bắt đầu, xuất phát từ chính cái tên Văn Tôi Và Phê Bình Tôi nói gì.

Theo nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, qua những ý kiến đóng góp dân chủ của các đại biểu, mới nhận thấy thiếu hụt của phê bình. Chúng ta thiếu những nhà phê bình, những nhà giới thiệu sách chuyên nghiệp.

Họ có chú ý đến văn trẻ thì cũng chỉ là để mắt đến những tác phẩm được coi là điểm 9, điểm 10. Còn phần đa tác phẩm ở mức điểm 6-7 chẳng ai thèm quan tâm”.

Ngay cả những lực lượng có mặt trong hội nghị nhà văn trẻ lần này, tìm ra những cây bút phê bình cũng không nhiều, lấy đâu ra những bài “phê bình tôi”.

Trái với cây bút nam như Nguyễn Vĩnh Tiến, nhà thơ Vi Thuỳ Linh thẳng thắn: “Tôi tưởng lần này sẽ có nhiều thay đổi nhưng không khí vẫn rất chán và mệt mỏi. Các nhà văn nhà thơ chưa có nhiều sự thiện cảm với nhau. Tôi tìm thấy ít ánh mắt thân thiện”.

Tác giả của tập thơ Linh cũng từ chối đọc tác phẩm trong cả hai đêm thơ chỉ với lý do: “Tôi thấy mình không hội tụ được cảm xúc”.

Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ bằng nhận xét: “Không khí tranh luận trong Văn Tôi Và Phê Bình Tôi Nói Gì hơi nhạt, không như mong muốn. Người dẫn chương trình như nhà thơ Phan Hồn Nhiên, phóng viên Hoài Nam của VTV hơi cứng nhắc và không linh hoạt”.

Tối nay, 12/5, các nhà thơ lại gặp nhau trong một đêm thơ bên dòng sông Hàn thơ mộng.

Thu Hà







-------------------------------
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần 7

Hành trang mang về: Chẳng mấy ích cho nghề

15-05-2006 02:31:31 GMT +7
Sau 4 ngày (11 đến 14-5) gặp gỡ ở phố cổ Hội An, hôm qua các đại biểu nhà văn trẻ đã lên đường trở về.

Chắc chắn trong hành lý các nhà văn trẻ mang về sau hội nghị là nhiều tấm ảnh lưu niệm, nhiều quà và nhiều sách của bạn viết trẻ tặng nhau. Nhưng chắc chắn họ chẳng mang theo gì nhiều những kinh nghiệm giúp ích cho nghề cầm bút mai sau!

Những kinh nghiệm cầm bút được các nhà văn trẻ trao đổi chủ yếu dựa vào hai cuộc hội thảo “Văn tôi và phê bình tôi nói gì?”; “Thơ tôi nói gì?” và việc đề xuất ý tưởng “Hai phút cho một ý tưởng sáng tạo trẻ”. Hai cuộc hội thảo đáng lẽ diễn ra phải thật sôi nổi, song nó lại quá sức tẻ nhạt. Các nhà văn trẻ chúng ta rất nhút nhát khi đứng trước đám đông trình bày ý tưởng của mình một cách mạch lạc. Một số nhà văn trẻ khác viện dẫn lý do: “Văn tôi, thơ tôi, phê bình tôi nói gì thì tôi đã viết ra rồi, chả lẽ bây giờ đem tác phẩm ra đọc?”. Còn khi ban tổ chức mời các nhà văn trẻ đề xuất ý tưởng sáng tạo trong 2 phút với tiêu đề rất dài dòng và mơ hồ: “Ngôn ngữ cần giải phóng ra khỏi nhà tù của chính nó” thì lại được các đại biểu trẻ đề xuất lạc đề. Xuyên suốt hội nghị lần này nhìn chung là chẳng có gì đáng quan tâm ở mặt tích cực ngoại trừ một vài hiện tượng gây “sốc” như bè nhóm, cãi cọ hay cố tình tạo xì- căng- đan hòng gây chú ý. Những người có mặt tại hội nghị dễ dàng nhận ra các phe nhóm nhà văn trẻ “chơi xỏ” nhau trên diễn đàn như thế nào. Một cây bút nữ thuộc nhóm 5 con ngựa trời vừa đọc thơ xong thì Phan Huyền Thư – một nữ nhà thơ trẻ đang gây dư luận – làm MC liền nói: “Bây giờ ngựa cái đọc xong, có con ngựa đực nào lên không?”. Xin miễn bàn về cách nói dung tục và thiếu tôn trọng đồng nghiệp lẫn hàng ngàn khán giả Hội An của nhà thơ nữ này. Rồi tiếp nữa là tuyên bố thật điên rồ sẽ tắm “như thuở hồng hoang” ở hồ bơi khách sạn Hoài Thành (nơi hội nghị diễn ra), bán vé 50 USD cho ai muốn xem, của một nhóm các nữ nhà văn trẻ.

Thời gian qua, các nhà văn trẻ thường lạm dụng sex khi đưa vào tác phẩm để câu người đọc như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu hay Dự báo phi thời tiết của nhóm 5 con ngựa trời. Những hiện tượng ấy không được nói nhiều trong hội nghị một cách nghiêm túc mà đúng ra nó phải được bàn luận thật ồn ào.

Hội nghị lần này là hội nghị của những nhà văn nữ trẻ đẹp và ăn mặc rất thời trang như diễn viên, ca sĩ. Nhưng bên cạnh đó vẫn thầm lặng một Nguyễn Ngọc Tư xuềnh xoàng, dung dị. Nhưng văn học cần tác phẩm chứ đâu cần bề nổi, đâu cần việc chửi xỏ nhau trên diễn đàn, đâu cần tuyên ngôn rờn rợn hay bóng bẩy...

Trần Hoàng Nhân

Bài viết này được sửa chữa mông má bởi Thị Anh: May 20 2006, 12:11 AM


--------------------
... những khi va vấp ưu phiền, con chỉ cần về với mẹ yêu...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Thị Anh
post May 20 2006, 12:09 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #2

Kẻ ngơ ngẩn như những người đần trong cổ tích.
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 3.036
Tham gia từ: 15-June 05
Thành viên thứ: 1.805

Tiền mặt hiện có : 75.874$
Số tuần chưa đóng thuế : 2

Bình chọn :



17.5.2006
Trần Thị Trường
Trẻ hay chưa trẻ...?

Trung bình 5 năm một lần, và thường là mở tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị Nhà văn Trẻ lần thứ 7 của Hội Nhà văn Việt Nam (Hội NVVN) lần này mở tại Hội An, thành phố di sản văn hoá. Thành phần theo quy định: Hội viên tuổi không quá 40, chưa hội viên không quá 35. Trong đó chiếm 2/3 là thế hệ 7X. Tổng số người tham gia hội nghị chính thức là 83. Một số khác do Ban Chấp hành mời. Ngoai ra có cả những người tự đến trong tư cách phóng viên, người quan sát tự do.

Hai nhà văn trong ban tổ chức là Trần Kỳ Trung và Phan Thị Vàng Anh lo tiền trạm, tổ chức, hậu cần (Trần Kỳ Trung Phó chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Nam, Phan Thị Vàng Anh uỷ viên Ban Chấp hành Hội NVVN, Trưởng ban Nhà văn Trẻ). Ban tổ chức bao gồm Trưởng ban - Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh, Phó trưởng ban - Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Trí Huân, các uỷ viên Lê Văn Thảo, Hồ Anh Thái, và văn phòng Hội NVVN.

Tôi không là khách mời, cũng không là “hội nghị viên”, tôi thích quan sát và học tập nên thấy có hội nghị thì đến.


Thơ, đèn và trăng Thu Bồn...

11/5. Không khí được hâm nóng ngay từ lúc đầu ở đêm trước khai mạc với “Giao lưu thơ trẻ trong phố cổ” bên dòng Thu Bồn, trước sân Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An. Khán giả không chỉ là các hội nghị viên mà rất đông người yêu thơ, hiếu sự lạ của phố cổ. Nhóm MC, 3 giọng thơ trẻ: Dạ Thảo Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư - ngồi đối diện với khán giả - khơi mào cho các xu thế thơ tự trình diễn. Với quy ước tự đặt ra ngay tại chỗ: người trước “diễn” xong chuyển “mích” cho người tiếp theo bất kỳ.

Nguyễn Vĩnh Tiến, một trong mười gương mặt 2006 do Truyền hình Việt Nam bầu chọn, tác giả thơ nhạc “Bà tôi” và “Giọt sương bay lên” mời Phương Lan, người trong nhóm “Năm con ngựa trời” đọc thơ. Trông rất “ngầu”, khác hẳn với chất giọng giàu sức truyền cảm, chị đọc bài thơ có câu: "Thất vọng vì không phải là giọt nước..." của mình sau khi nói một chút về nhóm của mình. Phan Huyền Thư nói thêm: “Ngựa trời là cách gọi Nam Bộ về con bọ ngựa, loài vật sau khi giao phối thì con cái cắn đứt cổ con đực. Phải chăng nhóm chọn tên ‘Ngựa trời’ với hàm ý thơ mình chinh phục hoàn toàn sức lực của người đọc thơ?”...

Phương Lan, chuyển mích cho Ðỗ Hoàng Diệu, tác giả “Bóng đè”. Theo Nguyễn Vĩnh Tiến thì Ðỗ Hoàng Diệu từng làm thơ. Ðỗ Hoàng Diệu cải chính nhưng rồi cũng đọc hai câu: “Anh hãy thả cho em một đường bay gấp, em lặn vào kẽ hở gió cuốn mây trôi”...

Cứ thế. Thi thoảng, vào những lúc người ta đùn đẩy nhau thì nhóm MC lại khơi: “Chúng tôi hy vọng có bạn nào đó lên cướp chiếc micro này”. Nhưng không có ai cướp cả. Vẫn là những đề cử. Và từ những đề cử đó: người đọc, người hát, người ngâm, người nói và người... khóc vì xúc động. Sau Nguyễn Thuý Hằng đến “lão tướng thơ” Dương Tường (trong số những người yêu thơ văn trẻ đã tự mua vé vào Hội An). Phan Huyền Thư nói trong lúc chờ đợi: “Một nền văn chương chỉ mới khi ngôn ngữ của nó có vấn đề. Và tôi nghĩ văn thơ Dương Tường là những ngôn ngữ có vấn đề”. Phạm Ngọc Tiến, trong ban tổ chức, bế bổng Dương Tường lên sân khấu trong tiếng reo hò. Các nhà thơ đầu bạc Dư Thị Hoàn, Bùi Minh Quốc (những người tự đến hội nghị) được cổ vũ đọc thơ của họ. Trước đó không hiểu sao Vi Thùy Linh có lên cầm “mích” nhưng từ chối đọc thơ, chỉ nói mấy câu ngoài lề... Ly Hoàng Ly, Bùi Thị Tuyết Mai, Nguyễn Danh Lam, Chu Thị Minh Huệ... lần lượt mỗi người đọc một bài thơ của mình. Gần cuối cùng là Nguyễn Vĩnh Tiến hát “... làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô...” trong tiếng nhộn nhịp của đêm hoa đăng phố cổ miền Trung...


Khai mạc chính thức

Tại Hội trường Thị ủy với thành phần khách mời như mọi hội nghị, có Bí thư có Chủ tịch. Trừ Chủ tịch Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Nam, còn lại là người trẻ ngồi đoàn chủ tịch và thư ký: Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tư, Nie Thanh Mai, Ly Hoàng Ly. Diễn văn khai mạc không dài như mọi lần nhưng chứa đựng những vấn đề cần đặt ra cho công tác văn học trẻ được ông Hữu Thỉnh đọc. Có vẻ như mọi tâm tư tình cảm bức xúc trẻ... đã được ông Chủ tịch nắm vững và tiên liệu trước. Trong đó có câu: “... Viết gì là quyền lựa chọn của mỗi người. Ðiều quyết định là ở tầm nhìn, ở cái tâm... Ngợi ca mà hời hợt giản đơn thì cũng không rung động một ai, phê phán mà trùm lớp, cay độc thì có khi người viết bị nhấn chìm trong bóng tối... Trước yêu cầu mới của phát triển văn học, trong nhiệm kỳ này Ban Chấp hành chủ trương đổi mới công tác nhà văn trẻ...”.

Trong tiệc chiêu đãi buổi trưa của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, câu chuyện có vẻ mở ra hơn ở các nhóm nhỏ lẻ. Nhà văn Nguyên Ngọc, niềm tự hào của Quảng Nam, bà đỡ tiên phong cho các sáng tác trẻ “có vấn đề” một thời cũng có mặt trong tư cách khách mời của lãnh đạo tỉnh.

Không khí thật nóng vào buổi chiều cùng ngày với tọa đàm có chủ đề “Văn & Phê bình tôi nói gì”. MC chuyên nghiệp của VTV, cây bút phê bình văn học trẻ Nguyễn Hoài Nam; nữ nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên và nhà văn Hồ Anh Thái “cầm trịch” sân chơi này. Sau lời mào đầu của Hồ Anh Thái là bài tham luận của Võ Hồng. Anh nói: "Vì quy ước chỉ cho phép mỗi người 5 phút, muốn nói được nhiều nên tôi phải cầm giấy đọc mới hết". Tham luận của anh đề cập nhiều vấn đề, trong đó có câu: “Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người có tác phẩm hay như ‘Ngọn đèn không tắt’ từ khi 24 tuổi và mới đây là ‘Cánh đồng bất tận’ cũng thấy nhờ có những lần đi dự hội nghị viết văn trẻ mà có thêm sức mạnh để đi tiếp con đường đầy thử thách cam go của văn học”. Sau một đoạn nữa thì có tiếng chuông rung, nhưng anh vẫn đọc nốt bản tham luận của mình.

Sôi động hẳn lên khi ý kiến: “Bạn có đọc văn người khác? Và đọc với cách nào? Thưởng hoa hay vạch tim sâu?”. Một người nói: Nên thưởng hoa chứ đừng tìm sâu. Lại có người nói cần tìm sâu để tự răn mình. Phan Hồn Nhiên lại gợi: “Nếu bị bắt sâu, làm tổn thương đến hoa thì phản ứng của bạn sẽ là gì?”... “Có nên thay đổi phong cách viết không?”. Có người nói: Nên thay đổi để luôn mới. Có người nói cả đời tìm được một phong cách đã khó, thay đổi được để hay hơn là rất khó. Lại có người bảo không nên thay đổi. Phan Hồn Nhiên nói: “Hãy tạm gác vấn đề thay đổi phong cách, ta quay lại với việc thưởng hoa, bắt sâu”. Có người nói, nên thưởng hoa không nên bắt sâu, nhất là với thái độ đánh đập, vùi dập chỉ biết có mình. Nhiều hơn cả là: “Tôi viết cho tôi, tôi không thích đọc của ai”. Vì sao? “Vì... không thấy hay”. “Thế bạn viết cho ai? Bạn có muốn người khác đọc của mình không?” “Tôi viết cho tôi trước, sau đó tôi cũng muốn là cho người khác biết và đọc.” Có ý kiến ngoài hành lang: “Thế khác gì viết nhật ký kiểu mới? Nhật ký thì không ai muốn đọc của ai là đúng thôi. Một nền văn học phải là cái tôi viết cho tôi thích và cho cả cái khác tôi cũng thích và cũng đọc”. Có ý kiến cho rằng, tôi là người viết, tôi không cần phải đọc của ai mất thì giờ, người viết chỉ cần đến độc giả trong cộng đồng, không cần đồng nghiệp. Có người nói, thơ tôi, văn tôi không phải cho đám đông, không phải cho thị dân. Lại có người: thơ văn không chia sẻ, không đồng cảm, không phổ biến, phổ cập thì thơ văn làm gì? Có người nói, tôi không thích cái ý kiến “đọc với tâm thế nào, thưởng hoa hay vạch lá tìm sâu” nêu ra. Buồn cười lắm, như vậy là áp đặt đạo đức cho một cách đọc. Tôi thích đọc một cách bình đẳng và hết sức tự do. Có người noi, đó là sự không rõ của gợi ý.v.v.


--------------------
... những khi va vấp ưu phiền, con chỉ cần về với mẹ yêu...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
Thị Anh
post May 20 2006, 12:09 AM    
Đường dẫn tới bài viết này #3

Kẻ ngơ ngẩn như những người đần trong cổ tích.
Group Icon

Nhóm: Lý trưởng
Số bài viết: 3.036
Tham gia từ: 15-June 05
Thành viên thứ: 1.805

Tiền mặt hiện có : 75.874$
Số tuần chưa đóng thuế : 2

Bình chọn :



Nóng nhất là các ý kiến nói đến sự thiếu vắng một nền phê bình chân thành với văn trẻ. Thiếu vắng những cây viết phê bình trẻ và thân thiện với trẻ. Ðó là một vấn đề không nhỏ của văn học hôm nay. Phê bình không những chỉ ra cho tác giả những suy nghĩ của một “đối tác, tương tác” chuyên nghiệp mà còn để người đọc tiếp cận sâu hơn với văn học và những vấn đề thời đại phản ánh trong văn học. Thiếu vắng phê bình và phê bình lành mạnh nên mới xảy ra những vụ kiểu “Cánh đồng bất tận” ở Cà Mau, xảy ra những vụ đình bản không rõ lý do. Mặt khác có những nhà phê bình chỉ chú trọng đến những cây bút thành danh, cũng như những biên tập viên ở các báo văn nghệ đi theo lối mòn không chịu tiếp cận các tên tuổi mới. Mot người nêu câu hỏi: “Tại sao các nhà phê bình, các biên tập viên không nói gì đến chúng tôi mà để cho người ta nói văn của thế hệ 7X, 8X giống của ông Y, ông Z, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...”. Có người thêm: Không có nhà phê bình tiên phong cho mọi sáng tác trẻ cũng là không lành mạnh. Một người nói: Là một tác giả tôi không thể đồng thời phải đi tìm một nhà phê bình rồi nhờ vả. Tại sao Hội Nhà văn không có những nhà phê bình? Lại có người bảo, Hội làm sao làm hết những việc đó. Một ý kiến cho rằng: Những giá trị sừng sững luôn ngự trị trong đời sống, đó là điều khắc nghiệt nhất của sáng tạo. Tác giả mới không vượt qua được những cái sừng sững cũ nghĩa là chưa mới, chưa thay thế được. Tự mình phải vượt mình hơn nữa đi thì mới vượt được người khác, v.v… Ý kiến của Ðỗ Hoàng Diệu, cây bút thuộc hàng nóng nhất hiện nay: “Văn chương là khu vườn đẹp nhưng không phải là khu vườn thần thánh. Ở đó có tiên nữ, có ma quỷ và người viết đừng dừng lại ở đường biên nào khi đã có cảm xúc dẫn dắt”. Có người cãi ngoài hành lang: “Chỉ dựa vào cảm xúc thì toi”. Nhưng lại có người bác: “Ðã có kiến thức lại giàu bản năng, muốn lên tới đỉnh không dựa vào dẫn dắt của cảm xúc thì dựa vào gì?”...

Hầu hết đều nói vo. Song nhiều người còn run nên nói không mạch lạc và không có vẻ hùng biện. Nói ngoài hành lang nhiều hơn là nói trong hội nghị chính. Nhiều tiếng vỗ tay nửa chừng cả khi khen hay, cả khi chê dở.


Hồi hộp chờ đến tối

Không chỉ vì hai bức phông vải lớn với chủ đề tọa đàm “Thơ tôi nói gì” và “2 phút cho một ý tưởng sáng tạo trẻ”, mà có thể còn bởi những tin nhắn rất “hot”, những gương mặt rạng ngời của cánh thanh niên, những trang phục đẹp nhiều bộc lộ và cá tính như chính văn thơ của cánh con gái. Có thể còn vì một kế hoạch tắm đêm trước các ban-công khách sạn của những chị em “mang bộ mặt cười”, coi hài hước là ngôn ngữ mạnh...

20 giờ. Bên hồ bơi màu xanh giữa tiền sảnh khách sạn (3 sao) Hoài Thành, xung quanh là Hội An lung linh phố cổ, hàng trăm chiếc ghế kê xung quanh với cử tọa ngồi vòng tròn, “2 bàn, 2 chủ đề, 1 sân chơi”, với những MC: Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hoài Nam, Vũ Hồng cầm trịch ở sân chơi này. Hầu hết “hội nghị viên” và ban tổ chức đều có mặt. Lần này Vi Thùy Linh đã đọc một bài thơ cực trẻ với một cách trình bày và giọng đọc rất gây ấn tượng. Sau và trước Vi Thùy Linh là những: Từ Nữ Triệu Vương, Vân Anh, Bình Nguyên Trang, Trần Hoàng Thiên Kim, Ðinh Thị Như Thúy, Dương Dương Hảo, Tằng A Tài, Lê Thiếu Nhơn... Người hỏi, người đối, người đáp. Có một câu hỏi rất “nóng” của Từ Nữ Triệu Vương: “Lúc trước nhà thơ, Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đã nói, chưa có câu hỏi nào dành cho chúng tôi, nay tôi muốn hỏi thế nào là văn học ngoài luồng, trong luồng? Những Linh, những Dự báo phi thời tiết, Bóng đè... có phải là ngoài luồng không? Phải chăng cứ được đăng trên Văn Nghệ Trẻ thì được gọi là trong luồng? Vậy Văn Nghệ Trẻ đã đăng bao nhiêu Trẻ? Và nếu Văn Nghệ Trẻ không đăng hết sáng tác trẻ, buộc Trẻ phải tìm các “phương tiện thông tin, thông báo” khác thì bị gọi là ngoài luồng sao?” Dương Dương Hảo, phóng viên, nhà thơ trẻ làm việc tại Văn nghệ Trẻ lên tiếng: “Văn Nghệ Trẻ đã từng đăng của Vi Thuỳ Linh, của Dạ Thảo Phương, của... nhiều người trẻ.”

Còn hai lần nữa câu hỏi và trả lời về tờ Văn Nghệ Trẻ được nêu ra nhưng có ý kiến cho rằng nên dừng lại ở đây bởi vì mỗi tờ báo có tiêu chí riêng của mình. Trên hiên, vọng xuống nho nhỏ: Thế tiêu chí của Văn Nghệ Trẻ là gì? (Bạn đọc có thể xem tham luận về đổi mới - cải cách Văn Nghệ Trẻ của Lê Thiếu Nhơn- talawas).

Sau một hồi, nhờ sự điều khiển của MC Nguyễn Vĩnh Tiến những câu hỏi - trả lời nóng đã được xếp lại. Ðinh Thị Như Thuý ở Ðăk-Lắc đọc bài “Rơi, rơi, rơi và vỡ ” của mình sau khi đưa ra câu hỏi: “Tại sao thời đại này mà Hội Nhà văn lại chưa tổ chức website văn học?”

Sân chơi giảm nhiệt dần. Mọi người có dịp thưởng ngoạn cảnh 100 chiếc đèn (có hình mũ ông sư, thắp nến) thả bập bềnh trên mặt hồ. 22 giờ kết thúc.


Thành công về mặt tổ chức

Có thể khẳng định Hội nghị Nhà văn Trẻ đầu tiên có hình thức, không gian, địa điểm khác tất cả những lần Hội nghị đàn anh của nó. Trên 30 phỏng vấn nhỏ: Phạm Hải Anh, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thuý Hằng, Phương Lan, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Ðỗ Hoàng Diệu, Ðỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc Tư..., trong đó có những người đã dự 4 hội nghị Trẻ, có người chưa dự lần nào, cho thấy người dự đều hài lòng với địa điểm và cách tổ chức này. Tất nhiên, cũng trong số đó cho rằng vẫn chưa thoả mãn, chưa được thổ lộ đầy đủ, vẫn còn bị cắt ngang, và nhiều câu hỏi chưa được trả lời.


Người viết đã Trẻ?

Nếu chỉ viết mà không hội nghị, ta thấy lớp nhà văn Vũ Trọng Phụng thành danh lớn từ khi ở tuổi U30. Có hội nghị, ta thấy trong lớp nhà văn đi trước có những tham luận mang đến hay người nói vo đều hết sức chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Nói trước đám đông đành rằng không dễ và tài năng không song hành với viết trên giấy, song nếu người trẻ đặt ra vấn đề “thơ-văn-phê bình của tôi cũng là một hàng hóa tôi muốn và sẽ tiếp thị bằng mọi cách” thì nói trước đám đông là một năng lực không thể thiếu. 5 phút nói không hay thì phải rời xuống, đòi hỏi tư duy phải mạnh và đó là điều căn bản nhất của trẻ. Trẻ là chịu áp lực của cạnh tranh của mọi cái Tôi. Không nói khi người ta tạo cho cơ hội để nói là một thất bại, nếu không muốn nói đến bại-thắng thì đấy cũng là một chưa trẻ.

Cho rằng chưa đủ không khí để nói, khi nói còn bị một áp lực vô hình chi phối, còn bị MC rẽ ngang sang ngả khác, không được tiếp tục thì còn nói làm gì? Thế cũng là chưa Trẻ. Trẻ là tìm mọi cách vượt qua áp lực. Là phải trả giá khi có thể bị áp lực... thiêu cháy. (Nếu có sẵn con đường vinh quang cho nhà văn thì có khi trăm phần trăm công dân sẽ cầm bút... sáng tác. Và lúc đó nguyên chỉ đọc của mình đã bội thực rồi.)

Nói như nhà thơ Thanh Thảo, đại ý rằng: “Ba mươi năm trước là một thời đại khác, một cuộc sống khác với những cái chết khác, những hy vọng khác, lo âu khác...”. Những cái trẻ thời đó, sau đó cũng đã làm nên một Trẻ với cả một thời đại đọc văn thơ của họ. Những Trẻ ấy giờ đã già. Người trẻ bây giờ phải tìm con đường văn học riêng cho mình là một tất yếu. Người trẻ là người phải vượt qua mọi trở lực và không vượt qua được thì còn gì là trẻ nữa?

Một người yêu văn học, trọng người trẻ và những sáng tác của họ, nói bên tai tôi rằng bao giờ người ta tự bỏ tiền ra để đến với nhau, nghe nhau, Hội Nhà văn chỉ là người tổ chức địa điểm và cấp kinh phí cho tác giả nghèo thì lúc đó hội nghị mới thực là của người trẻ. Tự bỏ tiền, bỏ thời gian ra để gặp gỡ, người ta sẽ chuẩn bị kỹ hơn bao giờ hết cái nội dung: gặp nhau để làm gì.

Ðược lo lắng và chu cấp đến như Hội nghị Nhà văn Trẻ 7 mà không khí chưa trẻ, vấn đề đưa ra của mỗi người viết chưa thực bứt phá như sức trẻ đang có, như tầm cộng đồng mong đợi, như công sức bỏ ra của ban tổ chức và như công lao của mỗi hội nghị viên vượt bao quãng đường đến hội thì... đành phải chờ đến... kỳ Trẻ sau vậy thôi.

Ghi tại Hội An 13/5, khi các “hội nghị viên” đi thăm khu kinh tế mở Chu Lai.

© 2006 talawas


--------------------
... những khi va vấp ưu phiền, con chỉ cần về với mẹ yêu...



User is offlineProfile Card
Go to the top of the page
+
« Bài viết cũ hơn · Văn Học & Ngôn Ngữ · Bài mới tiếp theo »
 

Topic Options
1 người đang chống cằm trầm tư ngâm cứu chủ đề này (1 khách vãng lai và 0 thầy mo tàng hình)
0 Thành viên:
 

Xem diễn đàn ở dạng TEXT - PDA - Pocket PC