Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Ngụ ngôn
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
yuyu
NGỤ NGÔN HOA HỒNG



Êmly là một nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần . Điều đó thì ai cũng biết, dù cho có người chưa bao giờ nhìn thấy nàng . Vì công chúa sống ở trong cung cấm , kín cổng cao tường, mấy ai có diễm phúc được nhìn thấy nàng ? Nhưng họ nghĩ : " Đã là công chúa thì tất nhiên là phải đẹp " .
Tuy vậy có một điều không ai biết : đó là nàng rất nhạy cảm . Ngay cả vua và hoàng hậu cũng không biết là cô công chúa yêu của họ lại có thể nhạy cảm đến mức độ ấy .
Mãi đến năm công chúa 16 tuổi ...
Đêm ấy, công chúa không sao ngủ được vì nàng cảm thấy có cái gì " cồm cộm " ở dưới đệm ? Nàng cho gọi các bà nhũ mẫu vào dọn dẹp chăn, gối để tìm cho ra cái vật ấy . Các bà hì hục mãi mà cũng không thấy gì . Sau cùng, có một bà tìm thấy dưới lớp nệm thứ ...16 có một... hạt đậu bé tí xíu ! Thì ra là như thế !
Rồi lễ Sinh Nhật thứ 16 của công chúa Êmly tới ...Một buổi tiệc mừng vô cùng lộng lẫy được tổ chức trong hoàng cung . Tất nhiên là có không biết bao nhiêu vương tôn, hoàng tử trên khắp thế gian về dự hoặc " ước mơ " được về dự lễ Sinh Nhật thứ 16 của nàng ...Điều đó thì ai cũng biết .
Nhưng có một chuyện bất ngờ không ai nghĩ tới .
Ấy là , trước đó nhà vua có truyền lệnh cho các thị nữ phải ra vườn thượng uyển lựa lấy 16 bông Hồng thật đẹp để làm một lẵng hoa tuyệt vời nhất , mừng tuổi Trăng Tròn của công chúa Êmly .
Khi buổi tiệc đang diễn ra vui vẻ thì người ta mới dâng lẵng hoa lên .
Khỏi phải nói, ai cũng trầm trồ khen ngợi về một lẵng hoa đẹp chưa từng có trên đời này ... Êmly vô cùng thích thú . Nàng đưa tay vuốt ve một bông Hồng đẹp nhất ...
Nhưng bỗng nhiên Êmly khóc thét lên !
Cả hoàng cung sững sờ trong giây lát, rồi mọi người nhốn nháo ...Các bà thị nữ, các quan thái giám, thái y ...tíu tít, cuống quít chạy lên cứu công chúa đang ...chết ngất đi !
Thì ra có một cái ...gai đâm vào tay công chúa !
Ôi thật là " bà chúa phải gai " ! Một ngón tay xinh xinh, trắng muốt như ngọc ngà của công chúa bị gai đâm vào , nhỏ ra một giọt máu cũng xinh xinh, đỏ thắm, lung linh như một viên hồng ngọc, trông thật là thương quá mà cũng đẹp biết bao !
Nhà vua lập tức cho gọi viên quan trông coi vườn thượng uyển vào, và ra lệnh phải phá hết vườn Hồng và tìm một loại hoa Hồng Không Có Gai để trồng thế vào !
Viên quan phủ phục, tâu lên :
- Muôn tâu bệ hạ ! Phá vườn Hồng thì thần có thể làm được , nhưng tìm Hoa Hồng Không Gai thì thần không thể nào làm đươc. Trên thế gian này làm gì có thứ hoa " Lý Tưởng " ấy, Hồng Nào Mà Chẳng Có Gai ? Cúi xin bệ hạ xét lại ?
Nhưng nhà vua vì quá thương yêu công chúa vẫn nhất định bắt viên quan khốn khổ kia phải tìm cho ra Hoa Hồng Không Gai trong vòng một tháng, nếu không sẽ chém đầu !
Thế là buổi tiệc đang vui, bỗng bị ngưng lại đột ngột ...
Người ta đành phải đưa công chúa đang thiêm thiếp vào cung để " điều trị " tiếp.
Mọi người buồn bã ra về ....
Các quan thái ý khuyên vua và hoàng hậu yên tâm , cứ để công chúa thanh thản ngủ một đêm, sáng mai sẽ " bình phục " ngay thôi ...
Đêm ấy rất tĩnh mịch ... chỉ có ánh trăng rón rén vào mơn trớn bên cửa sổ phòng ngủ của công chúa mà thôi ...
Bỗng nhiên công chúa thức dậy vì cảm thấy có mùi hương ngào ngạt quanh đâu đây ...Rồi trong đêm xanh trong suốt như pha lê, nàng thấy có một bà tiên tóc bạc phơ , mặc một tấm áo choàng lóng lánh xanh biếc như lưu ly ...
Bà đến gần công chúa và nói :
- Ta là Chúa các loài Hoa . Nếu con muốn có Hoa Hồng Không Gai thì ta sẽ đưa con đến " Xứ Hạnh Phúc " .
Ở đó, con tha hồ mà hái những bông Hồng tuyệt đẹp và " Lý Tưởng " , không bao giờ có gai ...
Công chúa mừng quá liền theo bà Tiên phúc hậu lên một chiếc xe song mã trắng muốt , thơm ngào ngạt, có hai con ngựa kéo cũng trắng muốt nhưng bờm lại đỏ au, mượt như nhung ....
Xe đi ra khỏi hoàng cung êm như ru ... Mà lạ thay, các cánh cửa đều mở , còn lính canh thì ngủ say tít cung mây ...?
Ra đến phố cũng vậy, chẳng có một ai , mọi nhà đều thiêm thiếp giấc nồng ...
Nhưng khi đi qua một cây cầu , công chúa bỗng nhìn thấy một chiếc hộp ..." Cạc tông " , rồi không phải chỉ có một mà la liệt dưới gầm cầu, cơ man nào là hộp , là bao, túi nilon ...
Rồi bỗng công chúa nhìn thấy một người nằm co quắp trong một chiếc ...mền rách tả tơi, bẩn thỉu đến mức nàng chưa bao giờ có thể hình dung nổi, dù là một chiếc rẻ lau !
Mà thực ra, cả đời nàng cũng chưa nhìn thấy cái rẻ lau bao giờ vì xung quanh nàng chỉ toàn là ngọc ngà châu báu và vàng son lộng lẫy thôi ...
Nàng liền hỏi bà Tiên :
- Bà ơi ! Ai nằm ngủ dưới kia ?
Bà Tiên trả lời :
- Đấy là những người " Sans domicile fixe " !
Nàng vẫn không hiểu lại hỏi :
- Thế nghĩa là gì ?
- Trong tiếng Pháp nghĩa là " không có nơi ở cố định " , nghĩa là " homeless " !
- Ôi ! Cháu không biết tiếng Pháp, nhưng bà nói " homeless" thì cháu cũng không hiểu !
Mà sao nguoi Pháp họ thích dùng " mỹ tự " thế nhỉ ? " Không có nơi ở cố định " nghĩa là " Không nhà " phải không ?...
-Mà tại sao lại " Không nhà " ?
Nàng toan hỏi thêm câu đó thì xe đã đi qua khỏi cầu và nàng nhìn thấy xa xa có một vườn hoa rực rỡ sắc mầu trong ánh nắng bình minh đang hé rạng ở chân trời ...Vui quá vì tưởng đã tới " Vườn Hoa Lý Tưởng " nàng quên ngay câu hỏi buồn bã kia .
Nhưng khi tới nơi thì nàng thấy có rất nhiều người đang .... khóc !
Nàng vội hỏi :
- Bà ơi ! Sao người ta lại khóc trong vườn hoa thế này ?
- Không phải vườn hoa đâu ! Đó là Nghĩa Địa đấy !
Ôi ! Từ này thì nàng quả thực chưa nghe thấy bao giờ !
Bà Tiên giải thích :
- Nghĩa Địa là nơi để chôn cất những người chết .
Người ta ai cũng phải chết . Người ta chết vì già hay vì bệnh tật vv....
Có hàng trăm ngàn lý do phải chết . Ai cũng sợ chết , nhưng không ai tránh được, vì thế khi có người chết thì người ta than khóc ... Nhưng dù sao chết như vậy cũng còn may mắn hơn những người chết trong các tai nạn thảm khốc ... mà nhiều khi không còn toàn vẹn hoặc không tìm thấy thi thể để mai táng ....
Đến đây thì nàng hiểu rõ rồi .... Nàng không muốn nghe những câu chuyện đau buồn như thế nữa . Nàng giục bà Tiên đi nhanh hơn để chóng tớ i " Xứ hạnh Phúc ".
Xe đi như bay trên mây ... Chẳng mấy chốc đã qua khỏi các cánh đồng bao la, xanh ngắt , rồi đến các cánh rừng bạt ngàn, hun hút , cây cối chằng chit...Xẹ bắt đầu đi chậm lại vì phải len lỏi qua các gốc cây cổ thụ to mấy người ôm không xuể .... Rồi cuối cùng không còn đường nữa .... Cả hai bà cháu phải xuống xe , rẽ cây cối rậm rạp mà đi ...Rồi cây cũng hết ...
Hai bà cháu đi đến một bãi sa mạc mênh mông, mù mịt chỉ toàn các cây Xương Rồng cằn cỗi đầy gai nhọn . Gió thổi ù ù , bầu trời xám xịt trông rất thê lương . Nàng công chúa sợ quá , nắm chặt tay bà Tiên và luôn miệng hỏi đã sắp tới " Xứ Hạnh Phúc " chưa ? Bà không trả lời mà cứ lôi nàng đi miết ...Thỉnh thoảng nàng đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy Một Rừng Gai Mênh Mông , tua tủa , nhọn hoắt đến tận chân trời ....Gai đâm vào tay, vào mặt nàng, gai cào rách áo nàng, máu chảy thấm đỏ chiếc áo ngủ trắng muốt, tinh khiết nàng mặc trên người ...Nhưng kỳ lạ thay, nàng không khóc nữa, nàng cố cắn răng chịu đựng để mong sao chóng đến " Xứ Hạnh Phúc " ...
Bỗng nhiên nàng nhìn thấy giữa rừng gai xám xịt, từ xa xa một quầng sáng rạng rỡ ...Nàng liền hăm hở bước tới ... Càng gần thì quầng sáng càng rực rỡ hơn ...Khi đến tận nơi thì hoá ra là một ... bông Hồng đỏ thắm đang run rẩy trong cơn bão cát phũ phàng của sa mạc đầy gai nhọn hung dữ ...Quá vui mừng vì Hạnh Phúc Bất Ngờ , công chúa Êmly quì xuống thảm gai nhọn, ôm lấy Bông Hồng Bé Nhỏ vào ngực mà hôn hít và ...oà lên khóc nức nở ....Nàng gọi bà Tiên, nhưng không thấy bà đâu nữa ...Nàng sợ quá giật mình, tỉnh dậy .... Hoá ra là một giấc mơ ?....
Bên cửa sổ, một tia nắng tinh nghịch của chàng Hoàng Tử Bình Minh, đã lẻn vào phòng từ lúc nào và đang nhẹ nhàng đặt một nụ hôn nồng thắm lên môi nàng ...
Ngoài vườn thượng uyển, người ta đang rục rịch thi hành mệnh lệnh " Phá bỏ vườn Hồng " của nhà vua ban ra hôm qua .
Như chợt hiểu ra , lập tức nàng tung chăn và cứ thế chân đất chạy sang bên phòng vua cha vừa khóc, vừa rối rít tâu lên :
- Xin phụ vương ra lệnh ngưng ngay việc phá vườn Hồng lại !
- Ủa ! Con gái yêu quí của ta , sao có chuyện gì lạ vậy ? Những Bông Hồng Có Gai chẳng đã làm con đau tay hay sao ?
- Cha ơi ! Cuộc Đời Này Là Một Rừng Gai !
Nếu con Chỉ Có Một Bông Hồng cũng đã là Hạnh Phúc lắm rồi , huống chi con có cả một Vườn Hồng ?
Từ nay con sẽ không còn than vãn Hoa Hồng tuy đẹp nhưng mà có Gai nữa, trái lại con sẽ mỉm cười Đời thật Hạnh Phúc làm sao khi Trong Gai Còn Có Hoa Hồng !
Nhà vua cũng tỉnh ngộ liền hạ lệnh , lập tức ngưng ngay việc phá vườn Hồng ...
Chỉ còn mấy bông Hồng đã chót bị cắt lúc sáng sớm , nằm run run nghe chim hót véo von trong ánh nắng rực rỡ, chan hoà của một ngày đẹp vô cùng ....
yuyu
SỰ TÍCH CỎ MAY

Thủa ấy, Trái đất mới hình thành muôn vật còn mờ mịt hỗn độn , chưa có tên gọi rõ ràng nên hay bị nhầm lẫn . Trời thương tình bèn làm lễ Đặt Tên cho muôn loài .
Tất nhiên là loài Người được đặt tên trước rồi đến loài vật , sau mới đến các loài cây cỏ .
Khi đặt tên loài cây cỏ thì TrờI đã mệt nên xảy ra tình trạng lộn xộn chen lấn rất mất trật tự . Mấy anh chàng to khoẻ nhất dĩ nhiên là chen lên hàng đầu nên được đặt những cái tên rất hay hoặc rất đẹp như cây Bao Bap, cây Thuỳ Dương , cây Sồi, cây Phong, cây Tùng , cây Bách hay cây Đa, cây Đề v.v…
Xếp cuối hàng là mấy chị rau bé nhỏ nhưng rất đỏng đảnh làm dáng , diện tuyề n những bộ đồ mầu bích ngọc nom rất mát mắt …
Chúng xếp hàng vào để nghe Trời đặt tên , như :
-Mày thì là Muống !
-Mày thì là Cải !
-Mày thì là Tía Tô
-Mày thì là... Húng….
Cứ thế ...
Đến cuối hàng thì có một chị rau bé tí nhưng rất đỏng đảnh và ….hăng ( vì chuyên môn được dùng để nấu với cá )
Trời lúc ấy đã xế chiều, nên Trời cũng bí vì đã hết cả tên đặt nên cứ lúng túng :
-Mày thì là … thì là ….
Cô bé rau nhanh nhẩu đoảng lại tưởng là Trời đặt tên cho mình như thế , chạy biến đi ngay , quên cả cám ơn, nên từ đấy mang tên là rau Thì Là .

******

Nhưng vẫn chưa hết.
Khi Trời sai Thiên Lôi ra đóng cửa thì lại có một chú bé nhỏ thó, gầy nhom và ăn mặc rách như xơ mướp xin vào để Trời đặt tên .
Trời lúc ấy vừa mệt lại vừa đói nên nghĩ mãi không ra cứ lẩm bẩm :
- À , Còn mày ….còn mày ……
Cu cậu nghe thấy thế cũng tưởng là tên mình liền tạ ơn rồi phi ngay xuống hạ giới, nên
từ đấy mọi người quen gọi cậu là Còn Mày, nói chại dần đi thành Cỏ Mày rồi cuối cùng thành Cỏ May.
Vì sao lại gọi là Cỏ May ?
Ấy có thể là bởi câu chuyện sau :
Mùa xuân năm ấy, các cây cối mở hội ăn mừng lớn lắm , nhưng chẳng được bao lâu thì sinh ra bất hoà vì sự tranh chấp đất đai , ấy cũng là bởi vì khi đã có Danh rồi thì sinh ra Lợị
Các cây đại thụ , cậy có sức mạnh và « thâm niên » chiếm hết các khoảng đất màu mỡ ở giũa rừng, các cây nhỏ hơn bị đẩy ra xung quanh .
Bọn rau xanh thì cậy có người nhà « nhất thân nhì thế »nên đứa nào cũng được vào vườn ở cùng v ới người được chăm nom kỹ càng , hớn hở ra mặt .
Rút cục chỉ còn có Cỏ May là « không may » bị hất ra ngoài bìa rừng cằn cỗi , đã gầy yếu lại càng xơ xác tội nghiệp hơn . Đã thế lại bị bọn « cây Đa, cây Đề » bắt nạt , chèn ép không cho chen vào rừng để kiếm ăn ..
Tuy thế Cỏ May vẫn không than vãn vì cảnh khổ, cũng không tranh chấp ì xèo vì miếng ăn giữa rừng và tí đất hương hoả của Trời cho. Cỏ May nhẫn nhục chịu đựng và vui vẻ ca hát đùa nghịch mỗi khi chị Gió về mơn trớn..
Những kẻ xấu miệng thì bảo chắc chúng thì thào âm mưu điều gì phản nghịch ?

Rồi mùa Xuân qua đi, mùa hè tới, hoa nở khắp cánh rừng bạt ngàn, chim chóc ríu rít về làm tổ trên những thân cây Sồi lực lưỡng hoặc những cây Tùng cao vút hiên ngang .
Từ trên cao, các « cụ » Cây quí tộc, nhìn xuống đám cỏ hạ lưu , nhỏ nhen dưới chân mình một cách khinh bỉ .
Thế rồi bắt đầu có những trận mưa mùa hè .
Ôi sướng làm sao , mưa xuống, cây cối hớn hở , nở mặt nở mày , vùng vẫy tắm táp thoả sức .
Nhưng bỗng có một hôm trời nóng như thiêu như đốt không khí oi bức đến nghẹ thở .
Đêm xuống, gió bắt đầu nổi lên.
Thoạt đầu còn nhẹ , và thưa thớt . Về sau, gió về mỗi lúc một nhiều, lồng lộn gầm rít, như điên cuồng …rồi mưa như xối, nước chảy ào ào ….sấm nổ ầm vang, chớp nhằng nhịt xé rách bầu trời , cả lũ cây rũ rượi đầu tóc, vặn mình răng rắc , đất rung chuyển từng đợt ….

Đến tảng sáng thì cơn bão đi qua , yên tĩnh dần trở lại với khu rừng …
Nhưng ….đâu ?
Làm gì còn « khu rừng » nào nữa ? Nói đúng hơn thì khu rừng cũ đã bị bão san bằng , quang cảnh thê lương như một bãi chiến trường , ngổn ngang xác chết . Cây Tùng , cây Bách anh hùng là thế, cây Đa cây Đề vũng chãi là thế , mà nay còn gì nữa đâu . Bão đã bẻ gãy tất cả các anh hùng hào kiệt của Sơn Lâm .
Nhưng đâu phải là hết ?
Kìa ! bạn nhìn xem ! Những cây Cỏ May đang rung rinh trong gió , mấy giọt mưa đêm còn đọng lại trên thân lóng lánh như những viên ngọc lưu ly dưới ánh nắng rực rỡ của một ngày mới .
Qua cơn hồng thuỷ hãi hùng đêm qua , Cỏ May đã sống sót và vẫn ung dung như ngày nào , không kiêu căng cũng chẳng nản lòng . Có lẽ vì thế mà từ đấy người ta gọi nó là Cỏ May. Nhưng sự sống sót đó có phải thực sự là do may mắn không ?
yuyu
CON NGỰA BẤT KHAM


Có một võ sư danh nổi như cồn trên chốn võ lâm. Võ đường của ông lúc nào cũng đông học trò. Ông thường dạy chúng rằng trong võ thuật có 10 phần tinh diệu thì chỉ có 3 phần là võ còn 7 phần là thuật...
Trong đám võ sinh này có nhiều người còn trẻ tuổi mà đã rất giỏi ...trong đó có một cậu, có vẻ là suất sắc nhất, duy có điều đáng tiếc là cậu này bị mắc căn bệnh của tuổi trẻ là tính nóng vội và kiêu căng . Cậu ta đã học đến 10 năm mà thầy vẫn chưa truyền dạy cho 7 phần thuật kia nên rất lấy làm....bức xúc và bắt đầu có thái độ nghi ngờ ông thầy.....
Một hôm bọn võ sinh đang luyện tập miệt mài dưới thung lũng thì bỗng nhiên có một con ngựa rất đẹp từ đâu lạc đến . Cả bọn liền hè nhau ra bắt con ngựa. Hiềm một nỗi con ngựa này rất hung hăng nên không ai đến gần được. Tha hồ cho bọn trẻ quây lại đánh hội đồng, con ngựa vẫn không bỏ chạy mà còn đá cho chú nào chú nấy, dù võ nghệ cao cường, cũng không tránh khỏi biêu đầu sứt trán, kể cả chú võ sinh được coi là cao thủ nhất.
Vừa tức vừa xấu hổ với lũ bạn vì không chinh phục được con ngựa bất kham, chú võ sinh nọ liền nảy ra một ý xấu : Nó nghĩ là nếu nó còn trẻ khoẻ thế mà không địch nổi con ngựa thì sư phụ đã già yếu rồi, chắc gì địch nổi ? Nay nếu ta nhờ thầy xuống núi bắt ngựa , nếu thày bắt được thì càng tốt, nếu nhược bằng thầy quị trước con quái mã thì lại ....càng tốt nữa !
Nghĩ vậy nó liền lên sơn trại thuật lại với thầy đầu đuôi câu chuyện và ngỏ ý muốn nhờ thầy xuống giúp. Ông thầy đang tuới hoa nghe chú học trò cưng kể lại câu chuyện, mỉm cười nhân hậu và vui vẻ xuống núi.
Tới nơi cả bọn quây thành vòng tròn đứng nhìn từ xa, hồi hộp chờ xem thầy xuất chiêu thế nào để hàng phục con tuấn mã bất trị...
Nhưng lạ làm sao không thấy ông thầy động thủ như mọi ngày, trái lại ông chỉ đứng nhìn chằm chặp vào con ngựa như thôi miên và con ngựa cũng trân trân đứng ngó ông như trời trồng , rồi ông từ tốn tiến lại gần, vuốt ve mái bờm óng mựợt của nó, hái cỏ và lá cây cho nó ăn một cách ngon lành và thân thiết như thể ông đã thuần dưỡng nó từ bao giờ ....Sau cùng, ông nhẹ nhàng dắt nó lên sơn trại trước bao con mắt ngạc nhiên pha lẫn thán phục của đám học trò, kể cả anh chàng ngỗ ngược nhất.
Lên đến sơn trại, yên vị xong đấu đấy, vị võ sư mới ôn tồn giảng giải :
« Các con thấy đấy, đánh thắng người đã là giỏi, làm cho người không đánh mình lại càng giỏi hơn.
Nhưng làm cho mọi người không đánh nhau nữa mới là chiêu thức cao nhất của võ thuật » ...
yuyu
BẬC Đ I CAO THỦ



“ Mục đích của việc học phương pháp là để hành xử như không có phương pháp”

( Lộc Sài Thị )

Xưa ở thành Hàm Đan , kinh đô nước Triệu thời Chiến Quốc, có một chàng trai tên là Chí Thượng, nuôi một ước vọng cháy bỏng là đạt đến tuyệt kỹ về nghề cung tiễn.
Sau một thời gian mầy mò, tầm sư, chàng đã tìm được một bậc thầy cung nỏ có tài “ bách bộ xuyên dương”. Chàng liền đến xin thọ giáo.
Ông thầy khuyên Chí Thượng hãy tập xong về mắt rồi hãy sờ đến cung tên. Từ đó chàng bắt đầu luyện tập theo lời chỉ dẫn của thầy.
Về nhà chàng đã tập nằm dưới khung cửi của vợ để nhìn chiếc bàn đạp di chuyển đến mức chạm cả vào lông mi mà mắt vẫn không hề chớp…Sau đó theo lời thầy, chàng bắt đầu tập nhìn vật nhỏ hoá ra lớn. Chàng lấy tóc buộc vào một con rệp, treo nó lên cửa sổ, lùi ra xa và bắt đầu nhìn trân trân vào nó để hình dung nó lớn dần lên ….Sau ba tuần liền, chàng thấy nó lớn bằng con cánh cam, sau ba tháng liền không chú ý gì đến thời tiết bên ngoài, chỉ chú tâm nhìn vào con rệp chàng bỗng thấy nó lớn như một con …trâu ! Chàng vội nhảy ra ngoài thì thấy thế giới dường như đã thay đổi cả rồi . Nhìn vật gì cũng thấy to lừng lững và rõ từng chi tiết ….Chàng thử lấy cung tên, nhắm vào con rệp bắn một phát. Mũi tên bay vút đi, mang theo cả con rệp mà không hề làm động sợi tóc ! Chí Thượng liền đến gặp thầy để báo cáo kết quả rèn luyện . Ông thầy rất hài lòng, khen : “ Tuyệt” !
Những năm tháng sau đó, chàng bắt đầu học bắn cung với thầy. Lúc đầu là tập để bắn sao cho 100 mũi tên đều xuyên qua một nhành non mà không làm gẫy cành cây. Sau chàng nâng lên mức cao hơn, vừa dùng chiếc cung to hơn, vừa để trên cùi chỏ tay phải một chén nước rồi dương cung bắn, để thử độ thăng bằng : Không một giọt nước nào tràn ra ngoài, trong khi cả trăm mũi tên đều xuyên qua cùng một lỗ trên một chiếc lá liễu !
Mải mê luyện tập, tiến bộ không ngừng, chàng đã trở thành một xạ thủ tuyệt vời. Ông thầy khen ngợi hết lời ….
Nhưng khi chàng vui mừng trở về thăm nhà thì vợ chàng trách móc không nguôi rằng chàng đã đi xa nhà quá lâu ngày, không ngó ngàng gì đến vợ con và chỉ làm những chuyện vô bổ ….Để thử tài xạ tiễn và cũng để thuyết phục vợ cho bớt mồm miệng, chàng đã lắp tên , dương cung, tác xạ …và đã làm rụng …3 chiếc lông mi của vợ mà cô ta thậm chí không hề biết nên vẫn mở máy đều đặn !
Chán nản, chàng lại quay đến tìm gặp sư phụ để xin học tiếp. Nhưng ông thầy nói rằng không còn gì để dạy cho chàng nữa …Năn nỉ mãi, ông thầy mới nói rằng : Nếu con vẫn còn tham vọng đạt đến mức độ siêu phàm của nghề cung tiễn thì chỉ còn cách ta giới thiệu con đến với tôn sư Tử Dương mới có thể hướng dẫn thêm cho con ít nghề mà thôi. So với Người, sự khéo léo của chúng ta đạt được còn quá ngây ngô và nhỏ bé …
Chí Thượng liền lập tức lên đường, băng rừng vượt suối, trực chỉ hướng Tây. Qua bao núi đồi hiểm trở và sa mạc hoang vắng, đôi giày đã rách bươm và bàn chân rướm máu, trèo qua biết bao vách đá hiểm trở dựng đứng , vựợt qua bao thác gềnh gầm gào , tung bọt trắng xoá và những vực thẳm sâu hút rợn người ….nửa năm sau chàng cũng lên được đỉnh ngọn Hoa Sơn mịt mù sương khói, nơi ẩn dật của tôn sư Tử Dương. Đó là một ông lão lưng còng, râu tóc bạc phơ kéo dài lê thê quét đất và đôi mắt hiền lành như con cừu non …Cho rằng cụ già nghễnh ngãng, Chí Thượng có vẻ không phục, nói như hét : “ Chào sư phụ ! Tôi muốn biết tôi có đủ tài cung tiễn để trở thành đệ nhất cao thủ võ lâm hay không ?”. Nói rồi không đợi ông lão trả lời, chàng lắp tên dương cung, nhắm vào một đàn chim đang bay tít trên trời cao, phóng một mũi ….5 con chim bị xuyên táo rơi ngay xuống ….
- Đấy vẫn chỉ là cung tên ! Ông lão thản nhiên đáp. Ngươi có muốn biết cách không cần dùng đến phương tiện không ? Hãy theo ta !
Chí Thượng ngạc nhiên trước câu nói của tôn sư, lặng lặng đi theo ông đến một mép vực sâu đến ba ngàn sải ….Mắt tinh như chàng mà cũng chỉ nhìn thấy tít dưới xa một con thác tung bọt mờ mờ …Chàng thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày và bước chân bỗng sụn xuống bên bờ dốc thoải…Trong lúc đó lão sư phụ đi như lướt trên sườn dốc.
- Ta sẽ cho ngươi biết thế nào là nghệ thuật bắn cung ! - Cụ già nói.
Chí Thượng ngạc nhiên hỏi :
- Vậy, cung tên của thầy đâu ?
Cụ già cười vang động không gian làm đá sỏi và cát bụi rơi ào ào xuống vực sâu :
- Cung tên ư ? Chừng nào còn phải nhờ vào cung tên thì người xạ thủ vẫn chỉ là kẻ chập chững vào nghề ! Một bậc đại cao thủ thì không cần gì những thứ ấy !
Trên cao bấy giớ đang có con mãnh cầm bay lượn ...Đôi mắt tinh luyện của Chí Thượng cũng chỉ nhìn thấy nó lớn hơn hạt vừng. Cụ già làm một động tác kỳ quặc như là đang xử một chiếc cung vô hình và chỉ nghe thấy tiếng rít ghê hồn trong không khí ....Con mãnh cầm sã cánh, xoay tròn trên không trung rồi rớt xuống trước con mắt kinh ngạc đến sững sờ của Chí Thượng !
Sau buổi diện kiến đầy ấn tượng ấy. Chí Thượng đã ở lại trên núi 10 năm để tu luyện cùng với tôn sư Tử Dương.
Ngày hạ sơn, nét kiêu hùng trên khuôn mặt của chàng Chí Thượng năm xưa đã biến mất hết ...Thay vào đó là một vẻ mặt bình thản, thanh tịnh như mặt hồ không chút gợn sóng ....
Nghe lời đồn đại đã từ lâu, dân chúng thành Hàm Đan nồng nhiệt đón chào chàng và mong chờ chàng biểu diễn tài năng siêu phàm của mình ...Nhưng chàng thờ ơ không đáp lại những mối nhiệt tâm đó . Chàng bỏ về quê với 2 bàn tay không, bỏ lại cả cây cung quí nhất mà chàng luôn mang theo bên mình ...
Mọi người ngạc nhiên hỏi lý do. Chàng nói :
- Mức độ cao nhất của động là tĩnh. Mức độ cao nhất của hùng biện là im lặng. Đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật cung tiễn là không dùng đến nó nữa ...
Điều này càng làm Chí Thượng nổi danh. Thiên hạ đồn đại xôn xao về một bậc thần tiễn. Nhà hàng xóm còn kể lại rằng có đêm anh ta thấy Chí Thượng cưỡi mây bay lên so tài với các danh tiễn thủa xưa như Hứa Y và Dưỡng Do Cơ …Những mũi tên nhắm vào các chòm sao Khuê, sao Lang, mất hút trên nền trời sâu thẳm, chỉ để lại những vệt sáng xanh rực rỡ …
Một tên trộm kể lại rằng, khi hắn vừa nậy được cửa nhà Chí Thượng thì một luồng ám khí mãnh liệt phóng ra làm hắn ngã bổ chửng ….Từ đấy không kẻ ăn sương nào dám lai vãng quanh nhà . Đến ngay cả lũ mãnh diều cũng không dám bay qua nóc nhà chàng …
Chí Thượng già dần đi theo năm tháng ...Giờ đây, ngoại giới không còn tác động vào tinh thần của ông nữa. Người ta rất ít khi nghe thấy tiếng ông nói ...Thể xác ông khô dần đi, hoà nhập cùng thiên nhiên, các giác quan có thể thay cho nhau ...
40 năm sau ngày xuống núi, Chí Thượng lặng lẽ từ bỏ cuộc sống như một làn khói tan nhẹ trong không khí ....Trong suốt 40 năm đó ông không hề nhắc đến cung tên chứ đừng nói gì là sờ đến chúng.
Có người kể lại rằng, lúc còn khoẻ, có một hôm ông đến thăm một người bạn, nhìn thấy một vật gì quen quen treo trên vách , nhưng ông không thể nào nhớ được tên nó là gì và dùng nó để làm gì, đến nỗi phải hỏi lại chủ nhân .
Ông bạn bật cười vì tưởng ông đùa, liền hỏi lại, và đến lần thứ 3 thì chủ nhà tái mặt vì biết rõ ông không đùa mà cũng chẳng phải lú lẫn, liền khấu đầu, nghẹn ngào :
- Ôi ! Tôn sư ơi ! Người là bậc cao thủ nhất trong các bậc thầy của muôn đời , vậy mà người đã quên cả cây cung và chức năng của nó rồi hay sao ?
Nghe nói sau đó ở thành Hàm Đan, các học trò bẻ bút, các nhạc công dứt đứt hết dây đàn, còn các thợ mộc vứt thước đi và trốn lánh để khỏi bị mọi người nhìn thấy ...

Phóng tác theo Nakashima Ton
yuyu
SỰ TÍCH CÁI Ô

Chuyện rằng, sau khi cứu sống nàng Bạch Tuyết, hoàng tử liền đưa nàng về hoàng cung, cưới làm vợ.
Ít lâu sau, hoàng tử lên nối ngôi vua cha.
Tân Vương phong Bạch Tuyết làm Hoàng Hậu. Nhà vua vô cùng sủng ái hoàng hậu nên không muốn để nàng ra nắng gió sợ làm rám mất nước da trắng muốt như tuyết của nàng.
Khắp sân, vườn trong hoàng cung, chỗ nào nhà vua cũng sai lợp mái, để hoàng hậu mỗi khi ra ngoài khỏi bị nắng, mưa .
Mùa hè năm ấy, nhà vua quyết định đi săn ở miền Nam.
Vì muốn đưa Hoàng Hậu đi cùng, nên ngài bèn ra lệnh làm một Hành Lang có mái che khổng lồ, trải suốt con đường từ hoàng cung tới khu rừng quốc gia , dài hàng ngàn dặm.
Buổi chầu hôm đấy, khi lệnh được ban xuống, các quan còn đương (hỉ hả ) bàn tán xem gọi thầu ở đâu, giải toả , đền bù đất đai thế nào... để thực hiện "dự án vĩ đại tầm cỡ quốc gia" đó, vì nghe đâu duyệt chi ngân sách đến mấy trăm tỷ, thì bỗng có một viên ngự lâm còn trẻ, đang đứng hầu, ra tâu :
- Muôn tâu bệ hạ . Thần xin mạn phép góp ý, nếu có gì không phải, mong bệ hạ tha tội.
Thần trộm nghĩ, nếu chỉ nhắm mục đích cho Hoàng Hậu khỏi bị mưa nắng trong chuyến kinh lý ngàn dặm, hà tất bệ hạ phải khổ công làm một Hành Lang có mái che khổng lồ, vừa tốn công quĩ, vừa khổ dân, lại tạo cơ hội cho quan tham, lại nhũng ?
Cứ như ngu ý của hạ thần thì chỉ cần làm một cái Ô là đủ để che cho Hoàng Hậu ở mọi nơi, như thế có phải hay hơn không ạ ?

Nhà vua giật mình, nhìn lại, rồi cười ha hả :
- Ờ....ờ, đúng lắm ! Nhà ngươi nói chí phải ! ý kiến thật thông minh.
Thế mà tại sao ta không nghĩ ra nhỉ ? Cả cái đám quan lại của ta kia nữa, sao cũng không có ai nghĩ ra việc gì tiết kiệm thiết thực như vậy ?
Vậy, bãi bỏ dự án Hành Lang khổng lồ. Hãy tìm ngay cho ta một người thợ thật lành nghề, sai làm cho ta một cái Ô thật đẹp và hữu ích, để che mưa, nắng cho Hoàng Hậu !
Nói rồi, nhà vua liền ban thưởng hậu hĩnh cho người sĩ quan hầu cận và truyền bãi triều .
Các quan buồn bã ra về....
Thế là từ đó nghề làm ô dù ra đời.
Nhưng nghe nói ít lâu sau, người sĩ quan hầu cận nhà vua cũng bị dèm pha thế nào mà phải giáng xuống làm thứ dân, bị đuổi về quê , rồi chết trong nghèo đói.....
Người đời thương anh là nguời có sáng kiến làm ô che cho đời, nhưng cuối đời lại chẳng có ô che cho mình ! Cũng từ đó trong dân gian còn sinh ra một loại ô dù không phải để che mưa nắng mà để che ....chắn.
Thế mới biết ở đời có nhiều việc đơn giản nhưng người ta cứ làm phức tạp lên, lại có nhiều việc phức tạp, người ta cứ tưởng đơn giản .
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.