Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: La`ng Ở Ven Sông
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Toanli
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ
Làng bên sông

Cách có con sông, bên kia làng tôi là thành phố. Tôi đã nhiều lần sang bờ bên kia bằng đò ngang, ấy vậy mà rất lạ là cứ mỗi lần bước chân xuống đò đi tới giữa sông, tôi có cảm giác như chính nơi đó có bức tường vô hình ngăn cách, chia đôi toàn bộ không gian và dường như cả thời gian. Tất nhiên, nhìn vào thành phố đêm đêm, tôi thấy đẹp và yên tĩnh hơn, nhất là vào những buổi chiều, tôi với mẹ ra bãi làm cỏ ngô về muộn. Gió rì rào, rì rào thổi...không khí chùng xuống, nắng nhạt đi, ngai ngái hoa cỏ, khô, cong thơm dễ chịu. Bạn hãy tưởng tượng đi, về tới ven làng tôi thì tối. Từ mặt đê, cái làng chìm xuống một mầu đen, còn bên kia, tôi ngoảnh sang, lấp la lấp lánh như trăm ngàn ngôi sao tỏa sáng. Khi ấy, tôi được sống trong một vùng đất mà thủa ấu thơ, khi những ước mơ khát khao, chưa bị tuổi đời, sự nếm trải làm rạn nứt thì mọi thứ đều thanh bình và êm ả.

Có buổi, dạo ấy tôi mới chín tuổi, theo cha tôi đi bắt ếch nằm mà, ngồi chờ cha tôi dùng thuổng, móc, tìm và tận diệt, tóm từng chú ếch vàng ươm định ngủ đông, tôi chợt nghe thấy tiếng ì oằm rất lạ như có một con thú gì rất lớn kêu oằm oằm bên sông vọng lên. Tôi hoảng sợ, gọi thất thanh bố tôi và chỉ ra bờ sông. Có gì đâu, đó là tiếng sóng vỗ mạnh vào đầu một con phà đang neo. Đêm vắng quá, lặng quá, tiếng vỗ dội vào không gian một âm thanh ma quái. Chuyện ấy gây ấn tượng với tôi mãi.

Nếu tôi không nhớ lầm thì mùa hè năm ấy nắng rõ nắng. Nóng tới hơn 40 độ ngoài nắng. Tôi nhìn rõ những con cóc cụ, miệng đớp đớp trong bóng râm ở bụi tre gai. Dưới gốc gạo chỗ quành ra bãi, cạnh lò gạch thì phải, còn thấy bốn con chuồn chuồn đuôi bấu vào nhau miệng hớp nắng. Tôi ở nắng bãi. Những hàng ngô khi ấy xanh và thẳng căng. Bẹ xanh và ức vươn ra rõ óng, bóng. Đòng phơi phới ứa nhựa. Tôi nhìn thấy chú châu chấu ngô to. Tôi hò lũ trẻ đuổi theo và tóm được nó. Hai cái càng choanh chách cố đạp. Nó rẫy rụa hòng thoát khỏi ngón cái kẹp trong ngón trỏ của bàn tay búp hồng. Tôi bóp nó trong tay. Này Lý ơi! Tôi gọi đứa em gái, tới mà xem lớp phấn hồng trong bộ cánh mỏng. Những hai lớp cánh cố đập, đạp, như múa như vờn. Bãi sông gió từ sớm tới tận khuya. Tôi chạy giữa hai luống ngô. Đất bãi mịn và ướt, lối đi đầy cỏ xước mọc chơi và đám gai xấu hổ chạy xô ra đâm nát gót chân tôi, cỏ may vương đầy hai ống quần. Tôi vướng sương về muộn. Tóc bết sương như mưa, nước đọng trên đầu lá ngô rớt xuống. Tôi bị cảm.

Đêm đó, tôi sốt hầm hập và không ai biết. Mẹ tôi cũng không hay rằng sốt như thế là nguy hiểm. Tôi co giật động kinh. Tôi toát mồ hôi hột tới sáng thì đỡ. Từ đó, cứ một tháng tôi bị co giật một lần. Nhưng tôi vẫn ảo mộng với những điều chỉ tôi biết về con sông, đất bãi, cánh đồng với bờ gió quen thuộc và tiếng ì oàm mỗi khi gió cuộn lên, vỗ sóng vào cái hốc đầu con phà đang neo ngoài bến đậu.
Bãi giữa sông những đêm mưa lớn, nước duyềnh lên tận đầu bãi và đưa ngầu bọt vào tận chân đê. Bọt cũng hồng hồng khi ấy. Từng dòng cuốn, quặn lên là phù sa đỏ ngầu, tôi vớt nước vào lòng tay, cát li ti vảy chói lên lấp lánh. Tôi khi ấy mơ hồ và cả tin. Chúng tôi nghe tiếng mưa, rào rào đổ, lộp bộp gõ tầu lá chuối tơ tướp. Bà tôi già lắm, lưng gập xuống, bà nhai trầu thuốc, giã vỏ, nát toét trong cái cối nhỏ với cái xiên ba chạc chìa ra như ba cái răng. Cối bằng bạc. Ghi chú là vườn nhà tôi trồng sắn dây cho bà lấy nhai thêm độn trầu thuốc. Vị ngọt, lành. Bà tôi già quá rồi, nên cả ngày chỉ từ nhà ra vườn và từ vườn vào nhà với đủ việc lặt vặt. Cũng phải thôi, vì mắt bà kém rồi, chân tay chậm chạp. Thế nhưng vào mỗi đêm, khi bà kể những câu chuyện cũ, bà linh họat hẳn lên. Những câu chuyện thời bà con gái và cả những câu chuyện huyền hoặc không ai có thể bịa tạc ra.

Câu chuyện đêm bà kể rõ khuya làm bọn tôi rùng mình. Bên bãi đất kia là con nước chảy. Những mô đất nhoét ra, tiếng lội bì bõm. Hàng tre bên bờ sông phất phờ run rảy. Bà tôi thì thào: “Tổ cha chúng mày! Có mắt mà không thấy. Bên bãi đất ấy có hai con ếch vàng. Cứ khi mưa, chúng ra. Đứa nào trông thấy đi theo, không cho chúng nó biết, tìm thấy được một nắp hầm, dưới đó có vàng. Vàng giá trị lắm, biến nghèo thành giầu, biến đất thành ruộng, thành ao cá, nhà to cửa rộng.’’ Tôi nằm nghe. Tiếng bà tôi giầu âm vực. Thấp tha thấp thỏm gọi dậy từ bờ vực trí nhớ mỏng manh của tôi về một miền xa lắc, nơi ấy không phải là làng tôi.

Tiên sư cha cái mả cao ấy. Bố tôi chửi vọng. Ông đi suốt đêm mà ông không tóm được chú ếch nào. Mưa suốt, nặng hạt lắm và con sông rộng ra nữa. Nhìn trong đêm không biết đâu là bến là bờ. Ông lại kể khác đi, lâu rồi, xưa lắm, nơi chỗ ấy là cái gò hôm nay ấy, có một đứa ăn mày chết dụi chết dập. Ai đi qua cũng ném xuống đó một nắm đất. Đấy là mả Ông Đống. Thiêng vì người ta chết bờ chết bụi, chết bất đắc kỹ tử. Đào lên là thấy xương chứ cóc khô gì. ừ lâu rồi, mưa có xói vào đó thực và thấy nhô ra một khúc xương trắng. Tôi nhặt về, bà tôi thì thào: xương trâu, xương chó đấy, vứt quách đi. Nhưng ở chính chỗ có khúc xương trắng ấy, tôi còn nhìn thấy tòi ra lưỡi lê gỉ hoen nữa. Tôi không sao phân biệt được các lọai xương. Sao lại có lưỡi lê ở đó? Có người đồn, năm đói, cũng dài cả trăm năm và xưa lắm rồi, tây nó cứ giết người là quẳng xác xuống, tiện tay thằng tây quăng luôn lưỡi lê ngập máu.

Tháng tư rồi tháng năm, tới tháng tám nước sông trong vắt lại. Tháng bẩy người hai bên vớt cá bột. Những cái lưới ngâm trong dòng xiết. Cá li ti bằng đầu tăm thế mà dân làm cá biết đực và cái, cá chép và cá mè. Đòng đong cân cấn thì là loại không ai nuôi.

Năm ấy, tôi không nhớ là tháng mấy. Tiếng súng ầm ì xa tắp vọng về. Những chiếc máy bay lạ, mầu trắng, bay vắt qua đám mây xám và thả xuống tít tận bờ biển những tờ truyền đơn của người Mỹ.

Bố tôi đi trận lần thứ hai. Tháng tết. Mẹ tôi ra đầu ngõ, tay cầm gói bánh ướt nhũn. Mưa vẫn rào rào gõ trên những tàn lá chuối. Bấy giờ hàng duối cạnh mả Ông Đống bắt đầu khoe ra quả vàng vàng cho chúng tôi hái ăn. Có đứa làng bên dọa, trên cây quả duối có rắn. Đứa nào ăn phải quả có vết cắn, nọc độc ngấm vào là chết. Tôi không sợ rắn. Nhưng hãi nọc rắn, vì thế khi tới gần cây duối tôi thường hát hay nói thực to. Quả thực là nghe tiếng động rắn sẽ bỏ đi, có lần tôi trông thấy có con rắn hổ bò ngang.

Tôi lớn phổng không ngờ. Tôi biến thành người chèo đò ngang. Con sông từ khi ấy dường như thu nhỏ lại. Chừng hai trăm sải là sang bờ bên kia. Đêm đêm tiếng gọi đò ứa đầy mặt sông, không cho tôi ngủ yên. Đò ơi, ơi đò. Tiếng gọi tha thiết, văng vẳng như có người nhại lại. Còn tiếng mưa gào trên mặt sông bị gió ném ngược con đò chèo ngang thì tôi nghe rõ vẳng sang.

Tôi không biết mẹ tôi mất khi nào. Bấy giờ là mùa nóng. Mẹ tôi trong buồng tắm. Tắm xong đầu chưa khô, ướt nhoẹt, bà bước không qua nổi bậc lên xuống nơi cửa nhà tắm. Mẹ tôi đói lả mà đi tắm. Bà gục xuống cấm khẩu ngay. Xác bà được đứa cháu con chị tôi kéo ra. Khi đó là năm 1968. Hà Nội không có ai. Chiến tranh loang ra và sơ tán như đèn cù, khi chạy nơi này, lúc chạy chỗ kia, rồi lại quay về làng.

Chị tôi kể lại, mẹ chia gạo ra ba hũ, phần nuôi con, phần gửi cho bố, cho tiết kiệm mặt trận, phần sa sảy, rơi vãi. Nhà nợ nần, bởi nuôi chúng tôi ba phương bốn hướng sống nên bà là con nợ, vay dựt gạo khắp làng. Sau đám tang, nhiều người cho vay tới đòi nợ. Tôi ra mặt sông. Sông vắng quá. Chẳng có ai gọi đò mà qua kiếm ít bạc lẻ chạy chợ cho bà tôi đỡ bữa. Khốn nạn, bà tôi hu hu khóc. Bốn miệng ăn dỗ thì vay nợ là phải. Tứ tung thất tán. Tôi viết thư cho cha tôi. Ông ân hận lắm, viết thư về dạo ấy. Ông nói, ông chủ quan, nào biết nuôi người tốn bao nhiêu. Mẹ tôi ngậm câm chín suối. Bà bất đắc kỳ tử trong buồng tắm nên cái sọ bị nhà thương cưa đôi. Họ nghi ngờ cái chết không xác định. Mãi gần đây, sau này, khi anh tôi rời cốt bà từ Bất Bạt lên nghĩa trang Thanh Tước, anh tôi reo lên, bà đây rồi, cái sọ bổ đôi! Khốn nạn, năm trước, đưa hài cốt bà lên Bất Bạt, xe phải đưa chung hơn chục bộ cốt nữa. Anh tôi sợ bọn nhà táng phân phối đưa cốt mẹ tôi nhầm.

Tôi không biết được là khi ấy bố tôi đang lội trong con suối chảy màn màn giữa một cánh rừng đại ngàn. Nước sâm sấp. Dưới lòng suối, lá rụng chàn chạt một nửa thước chứ chả chơi. Vục mặt xuống uống thứ nước đen quánh. Hàng vạn con nòng nọc cung quăng bơi tóa ra. Tôi từ mặt sông nhìn thấy, ở trong đó, ông khuyềnh khoàng bước. Bàn tay thục xuống khỏa nước. Bàn chân ông dẫm phải cái gì cưng cứng. Ông lôi lên. Cái quai ba lô, nhấc lên theo cả rong rêu. Nhấc cao tay nữa, xương trắng lả tả rơi xuống. Những đoạn xương ống vàng xám. Cái mảnh áo mục. Ông thọc tay vào cái túi cóc, trong đó có nhét cái bật lửa Zippo. Bố tôi thử bật. Cái xác bị bắn hạ chìm lâu rồi giữa lòng suối, mục mẹ hết cả thịt, ruỗng hết da, tới vải bạt lính cũng tữa ra thế mà cái nắp bật lửa còn kín lắm và ngọn lửa Zippo bùng cháy. Lửa vàng sáng trắng cả góc rừng. Bố tôi gìn giữ nó, chiếc bật ấy như một báu vật. Ông cho nó vào túi áo, khâu giữa hai làn vải Tô Châu. ở chiến trường, cha tôi bảo, có được ngọn lửa là quý và hiếm. Một tiểu đội giờ có thêm một cái bật lửa làm ông cao hứng đọc một câu như thơ: trời xanh bỏ giữa rừng ông có lửa. Quả thực, về sau cũng phải sống trong cảnh ngủ rừng tôi mới thấm thía vì sao ông quý cái bật thế. Lửa cho ông bớt lạnh, bớt cô quạnh trong rừng già. Khốn nạn. Ngọn lửa màu vàng ệch. Khi bấy giờ ngọn lửa không có khói. Năm sau về nhà ông tra vào thứ săng lấy từ xe máy Simson. Lửa lên mà khói muội bay đen.

Lại còn kể, đêm ấy vượt qua ngọn núi, xuống thung lũng là bản. Đi chậm hai giờ mới tới chỗ có nước. Bọn anh nuôi múc nước ấy nấu cho lính toàn đại đội ăn uống. Bọt ngầu lên khi nồi nước sôi. Bọt dầy đúng nửa gang tay. Sớm hôm sau cha tôi ra bãi nước, hơn hai chục người đàn bà Lào đang rửa ráy, họ tạt nước đùn lên từ những hốc nước, bao nhiêu cái hố đào tạm không sâu lắm. Thảo nào, nước bẩn thế. Không nghi ngờ gì nữa, cha tôi nghĩ vậy, những người đàn bà Lào rửa quần, giặt váy, táp nước lên làm sạch thân thể họ cả khi họ bị kinh nguyệt. Tôi nghe lời kể của cha tôi, ngước lên, ngỡ nhìn thấy con chó ngăn ngắn liếm quẩn giữa đùi một người đàn bà. Cha tôi bảo, nghe rõ là giọng con người rên rỉ.
Toanli
Tôi lại nghe thấy tiếng chó hú. Tiếng hú của loài chó nhà trong rừng vẫn não nùng nhưng là tiếng tru mãn nguyện sung sướng. Tiếng tru dài và ai oán lắm.

Tôi hàng ngày vẫn chèo đò, kiếm đủ mua gạo, mắm, cá khô cho hai chúng tôi. Bà tôi là ba. Cô tôi là bốn có thu nhập từ đất bãi. Tôi và con Lý tạm đủ ăn và đi học. Thành phố bên kia vẫn ánh đèn đêm đêm và tôi vẫn chờ hai con ếch vàng từng đêm. Tiếng kêu cợt nhả vội vã. Đấy là giọng kể của bà tôi. Năm sau nữa, bà tôi mất. Không ai nghe được câu chuyện về đôi con ếch vàng ấy nữa.

Năm 1970 bố tôi bị thương trở về. Ông lặng lẽ nghe kể về cái chết của mẹ tôi. Người đi vội vã, biền biệt, công nợ thế mà chưa hết buông tha cái nỗi nhục của một người đàn ông. Mang về ít tiền, mua cái quạt trần, suy nghĩ một đêm, cha tôi gán nợ, tám chục bạc là giá bên kia phố. Cha tôi gọi người làng tới, bán quạt trừ hết nợ. Sớm sau, cha tôi bảo, thế là xong, tới lượt thầy, thầy nhất quyết không để các con lo mãi.
Dưới bờ đê con sông là bờ sâu. Rồi bãi cát và đến bờ, lại sông và bãi giữa. Có ai đo hết lòng sông? Tháng ấy phà qua lại nhiều. Có con phà neo ở bãi giữa đêm đêm vọng về tiếng ì oằm. Tôi dọa bọn trẻ mới lớn. Ma đấy...thủy quái đấy. Nhiều đứa tin lắm, ra mặt sông trân trân nhìn sóng, chúng có nghe thấy gì đâu. Chỉ tôi nghe thấy. Tôi nhìn thấy trên bãi giữa có ánh lửa bập bùng. Hình như mẹ tôi đang còn sống ngoài đấy. Cô tôi soi gì ngoài đấy và tháng bẩy cha tôi quyết thay vì trồng rau là khai phá đất bãi mà trồng cà. Cà tím hẳn hoi.

Thời bấy giờ người ta bắt đầu bắc con cầu nổi qua sông. Cầu phao, ghép bằng những cái phà, xích, và những tấm ván. Một đêm, buổi sớm thì đúng hơn, bên làng tôi có cái xưởng chượp sản xuất nước mắm. Chị là bác sỹ của trạm y tế coi sóc tình trạng sức khỏe hơn ba trăm nông nhàn gánh chuyển nước mắm. Hai người đêm ấy không đi đò của tôi, lần theo cầu phao, dưới ánh điện nhập nhoạng. Bọn công nhân cầu đói ăn quá ẩu, chúng dồn cầu mà chừa ra một cái hố về ăn tối. Đứa con gái mới mười ba tuổi. Chị tên là Nam. Con ơi, cái hố ấy sâu quá, giữa cầu phao biết đâu mà tìm? Sóng. Bóng đêm nuốt chửng đứa trẻ. Bóng tối sâu thẳm và gió nuốt chửng tiếng gào, theo gió làm tắt lịm. Không, tôi có nghe thấy tiếng kêu của người mẹ ấy khi tôi đang ở giữa sông. Gió xoáy hất ngược tiếng cầu cứu lên cao. Tiếng sóng vỗ vào những phao ngang làm cầu át đi tiếng kêu cứu. Tôi chèo ngược sóng. Tôi nhìn xuống dòng xoáy, gọi ma lam ma làm.

Cha tôi không tin chuyện đó. Thuê ba bốn thợ quăng lưới, thả câu, móc, xiên. Cha tôi làm việc đó không phải nghĩa cử gì đâu. Ai chịu cái chết vô trách nhiệm của người khác? Nhưng ông tìm xác cô bé để chứng tỏ ở đây có người còn có trách nhiệm với khúc sông này. Xác cô bé mười ba tuổi chìm ba ngày. Ngày thứ tư nổi lên phơi bụng trắng phớ, tóc phật phờ. Con gái nên nổi lên là nằm ngửa. Chị Nam khóc lên khóc xuống. Tháng bẩy nước con sông ngầu bọt. Mầu tươi nâu. Phù sa đấy. Tôi ngó xuống, nhìn tận đáy là nước sông tháng tám, tháng chín mùa cốm hoa vàng.
Thực ra chỉ còn tôi và bà tôi , ở trong cái ngôi nhà nhỏ bé. Khi mẹ tôi chết ấy mà. Còn khi cha tôi về, thì con Lý đã đi B được ba năm. Em tôi bỏ dở lớp 10 vào miền Nam. Nó đi. Tôi đưa qua bãi giữa. Nó bảo đi khi nào thống nhất thì về. Con Lý có giọng hát tuyệt vời. Nó vào đội quân xướng ca của tổng cục chính trị.

Tôi từ đó hàng ngày chờ nó về. Tháng bẩy nước sông Hồng năm ấy lên cao lắm. Cha tôi gầy mõ, ông đêm làm bảo vệ canh chượp, ngày vẫn xuống đồng bãi. Phù sa đỏ quyệch bám vào ống chân của ông, những sợi lông chuyển sang mầu gạch. Ông bước trên mặt đất. Đất bãi in hình bàn chân đất. Tôi chua xót nhìn. Mùa hạ, thi thoảng tôi vẫn lên kinh giật, và vẫn dội về tiếng ì oằm từ cái vực xoáy neo một con phà.

Năm 1971 thì phải, con Lý viết thư từ Tây Nguyên ra, nó bảo sốt rét bị ra. ốm tha già thải. Nó đi hết hai tám ngày đường thì tới Quảng Bình.
Tôi thường thức khuya nhận thư, đọc thư Lý. Bây giờ tôi đã lớn rồi. Tôi bắt đầu mọc ria mép. Nhìn khuôn mặt tôi thấy cũng ra dáng đàn ông. Đàn ông phải ra trận. Nhưng nhà tôi đã có con Lý ra trận, anh tôi đi thanh niên xung phong, tức là nhà có người ra trận. Nhưng tôi nhất quyết bảo, mày phải lên huyện khám. Tôi đi khám sức khỏe loại A3 vì răng lệch lạc hai hàm, lại quá nhẹ cân. Ai biết tôi dở chứng động kinh mỗi tháng? Thế là tôi vào đội quân dự bị. Đóng ở xã nhà, chèo đò và đêm đêm vác gậy đi tuần. Tuần từ điếm tới bờ sông thì dừng lại và đi ngược về làng. Cứ thế, tôi đi hết một ngàn phiên tuần tra thì bố tôi về, con Lý về.

Tôi kể tiếp về những lá thư kì lạ của em tôi. Thư con Lý nó viết.

Thư nó lem nhem viết dưới mưa thì phải. Nó kể hát trong rừng ra sao, mưa thế nào, những cánh rừng đen thẫm. Thư nó viết, trong Trường Sơn lắm người quen quá. Qua rừng nào cũng gặp không người làng, người xã, thì người bãi giữa, người huyện. Gọi nhau ơi ới. Nó đi qua mười sáu trạm. Người quen gặp ở trạm, đứa nào cũng dấu đồng đội, thương nó đàn bà, con gái, dúi cho nó một lon thịt, lương khô, cá sấy phơi. Thế là đầy sức khoẻ. Vì măng hết, nó thấy rau gì cũng hái nhét vào bụng, cho có sức mà xanh lướt vẫn hát, đi, bươn ra khỏi cánh rừng. Tổ nó, bốn đứa con gái thì phải, muỗi đốt lắm vào, sốt phù thũng. Gan cứng ra, gan chính là ổ chứa vi trùng, xác của vi trùng thải qua máu vì sốt rét, lách sa xuống quá rốn! Nó kể, đi ngoài cũng sợ muỗi cắn đít. Trời ơi, ngó xuống vo ve, vo ve, lấy lá chùi đít lại ngờ lá han, ngứa quá. Đi vào rừng tắm, phải lên đầu nguồn. Năm ấy con Lý và hai đứa nữa lên đầu nguồn tắm, quần áo để trên bờ. Một tổ lính B quay, hai thằng đực đi theo. Rình bọn nó tắm dưới suối. Con Lý bảo, có ăn nằm gì đâu. Nhưng lên bờ thấy mất hết quần áo và một trong ba cô có mang. Cái thai ra tới Bắc thì sổ. Bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết cái thảm hại của đám quân đàn bà ra trận mà dính phải tai họa là bụng to vượt mặt mà xuyên rừng, qua trạm.
Riêng cái Lý nhà tôi thì có duyên. Nó gặp một thằng cha cùng huyện. Thằng đó bây giờ là em rể tôi, hàm đại tá. Tết rồi, hai đứa vênh vang mũ áo về làng. Con Lý cười. Thấm thoát đã hai mươi nhăm năm chả ít.
Thế mà con Lý không gặp được thằng người yêu nó trên đường từ binh trạm cùng đi ra. Thằng ấy tên là ý, cũng dân bãi. Nó ở làng trên, chỗ khúc đê có cái bụng máy bay ưỡn xuống muốn dập mình vào con đê. Thằng cha ấy đi sau nó một trạm đường. Trên Boloven, nó đạp phải mìn cháy Phốt pho khi nhìn rõ giữa hàng rào giây thép bùng nhùng có quả bí đỏ. Nó đã nhìn trước nhìn sau, bàn chân nhón nhén đi giữa chỗ trống thế mà đụng, cái râu mìn chôn khéo quá, cái râu mìn phốt pho. Lửa trùm lên. Cháy lem nhem từ bẹn tới nửa mặt. Chỗ ấy cao lắm, thằng người yêu con Lý sau kể: cả tiểu đội cáng nó thay nhau uống nước cho đẫy để đái vào thân mình nó. Nước đái có chất làm phốt pho tắt. Gay go lắm, thằng ý nói, khói trắng bốc lên khắp nơi, nơi nào đái vào là tắt. Chỗ bẹn kín, khói lên nhiều, phải đái vào đó nhiều nhất. Nó điều trị trong binh trạm tám tháng thì ra bắc an dưỡng. Khi ra bắc, người nó toàn sẹo, sẹo to nhất ở bẹn. Nó cười, không cắt của quý là may. Tôi bảo, mày đuổi kịp em tao thì nước mẹ gì? Đúng rồi. Nước mẹ gì mà vẫn hy vọng. Vẫn đuổi kì cùng. Về sau hai đứa về làng, thằng đầy sẹo ấy dạy học ở Bách Khoa bẻn lẻn cười chữa ngượng. Lý ơi, thời đó cách nhau một ngày đường mà sao khó theo thế.

Tôi hình dung thấy đường Trường Sơn quanh co kỳ cục. Nước ở sông Sepon mùa khô trong vắt. Cha tôi bảo, năm ấy ông cũng ở vùng đó. Địch đánh, đơn vị ông bật sang tận đấy. Cha tôi đóng khố, ở lẫn với dân Lào. Thuyền độc mộc đánh cá dưới sông, tóc dài ngang vai, người đen như củ súng. Thế mà hai cha con không gặp nhau.
Toanli
Lại tổng động viên. Tất cả đi vào làm trận đánh cuối cùng. Lại chuyện tôi đi bộ đội. Đấy là khi con Lý về. Tôi đầu quân đợt chót. Cha tôi tiễn tôi qua bãi giữa. Ông nhét vào túi tôi cái bật lửa Zippo, dặn, nhớ giữ lấy nó! Tôi khâu nó vào hẳn túi trái. Làm vật bất li thân. Khi ở nhà làm thằng chở đò, bọn nhân sự binh trạm, tiểu đoàn xét duyệt cho tôi vào đội quân gùi thồ. Gùi thồ là một công việc hết sức nặng nhọc. Phải đèo nặng, leo dốc, cắt rừng bất kể thời tiết hay máy bay, thám báo thế nào. Tôi ở tổ chuyên vận chuyển thương bệnh binh ra Bắc. Cao điểm bốn lẻ tám. Họ chỉ tôi cái gùi có cái đầu nhô lên. Đúng phải tay thương binh cùng huyện, ở xã trên. Tôi phải đi mười hai giờ vượt trạm. Đi một lát, cái đầu trên gùi tỉnh dậy nheo nhéo hỏi, nói. Hắn hỏi, cậu có thích thơ không? Tôi bảo, có. Thế là hắn đọc tràng giang đại hải, lắm bài thơ tôi cũng chả biết của ai. Bình thường, khi đơn vị nghỉ ngơi, liên hoan, hay lúc rỗi, đọc thơ cũng thinh thích. Nhưng khi leo dốc, lên lên xuống xuống, thở gấp như chó, gùi thon thót đập đau cả lưng, giọng hắn lại the thé, lúc nào cũng léo nhéo ở gáy, thực là khó chịu. Tới gần đỉnh, dốc đá tai mèo đâm ngược. Mưa cứ lụt sụt đổ mỡ trên những vệt đi. Hắn thẽ thọt: “Em ơi, cố lên là qua trạm. Cao điểm này, anh qua hồi xưa có bốn giờ. Cẩn thận không trượt chân.’’ Tôi nghĩ, địt mẹ, ông tương một cái thì mày xuống vực. Lúc vượt sông, tôi bảo, qua sông ông anh đừng có quặc cựa gì nhé. Nhưng bụng nghĩ, bây giờ cho hắn ra, bọc trong túi ni long làm phao cho nổi, cứ léo nhéo điếc đít, ông thả trôi cho hắn một nhát, biết thế nào là lễ độ với cái thằng Utiti bắn đạn khói trên đầu.

Cúi sát xuống thấy mùi thum thủm. Mùi đéo gì mà thối thế. Cứt hay sao? Mày ỉa cả trong gùi à? Tôi cắt cái sậy con, đục, vặn làm cái ống thông khí cho hắn. Bế hắn ra khỏi gùi để làm cái bao cho hắn qua sông. Trời ơi! Chỉ là cái đầu xanh ngọ nguậy trên cái thân mình trọc lông lốc. Thảo nào hắn nhẹ thế! Cả cứt lẫn đái hơn hai chục cân. Tứ chi cụt hết.. Cái mùi khẳm, thối ở nơi chân chưa hàn mối. Nước vàng ri rỉ ra cả ngoài bông băng. Tôi trân trân nhìn, rồi bất chợt muốn quỳ xuống mà lạy. Tĩnh trí, lấy cái nilon trùm nhẹ lên, còn trông thấy hắn cười, hàm răng trắng ởn. Chúng tôi lặng lẽ qua sông. Bình thường chỗ này cạn, lội qua được, bây giờ lũ về bất ngờ nên phải trôi xuôi tới ba trăm mét mới sang bên kia bờ. Cứ bồng bềnh trên mặt sông. Mưa vẫn giăng màn màn. Hắn lại nheo nhéo ngâm: Xuân dục Đoài Đông đôi cánh lúa / Mỗi lần em tới bữa anh sang...Tới giữa sông, mưa to lắm. Giọng hắn cao hơn: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ mãi mãi là sao sáng dẫn đường. Khi ấy nước từ tóc trôi xuống, mưa táp chéo mặt, trộn ứa đầy nước mắt cả hai hốc mắt của tôi.
ướt nhượt một ngày với hắn, tới chỗ nghỉ, con người ta thèm một vùng khô rang. Tôi ước ao đặt hắn lên một vùng đất thật cao, thực khô, phơi phới gió, đựng đầy hương thơm của trời đất, rừng cỏ núi hoa. Không hỉểu sao khi đó tôi lại nghĩ vậy. Rồi nhớ quặn nắng bãi, bước chân thênh thang chạy dọc triền nước, trong mùi nắng, mùi nước, mùi đồng chiều....có cỏ mần trầu êm lắm, mọc rệ hai bờ đi ra bãi giữa. Mẹ tôi bảo, sau tháng qua xuân rau khúc mọc.

Năm 1978 tôi gặp lại cái đầu biết nói ấy bên trạm an dưỡng huyện. Bấy giờ hắn có hai chân giả, hai tay giả. Riêng cái giọng vẫn thế. Giọng thật. Tôi im lặng nghe lời hắn kể, những câu chuyện của hắn, không ai tin được là Người Lính ấy cụt hết tứ chi mà vẫn dai dẳng sống. Hắn còn cười nói, muốn về làm giáo viên cấp một ở thôn xưa. Đấy là ước mơ trước chiến tranh. Nhưng ai cho hắn làm việc nữa? Ai lại bắt một người như thế đi dạy học, nhất là bấy giờ giáo viên đầy ứ hự còn chưa có trường. Hắn tới nhà tôi vài bận, cứ tới là lũ trẻ nhỏ bâu tới. Nghe kể về những trận đánh, rừng, thú, sông, rạch miền Nam. Người ta chả ai dám nói gì. Thông cảm với mọi câu chuyện của hắn, nhưng không một ai có thể chia sẻ hết về một con người thân xác chỉ còn cái đầu ngọ nguậy vẫn ứ tràn những câu chuyện thực. Chuyện thời nay khó mà tin được! Riêng tôi biết, lời của cái đầu ấy không bịa tạc tí nào. Một trăm phần trăm sự thật. Những câu chuyện có thực không bao giờ có tư tưởng gì hết. Đã là sự thực tức là tư tưởng những câu chuyện của cái miệng ấy là không có tư tưởng.

Chiến tranh chấm dứt.

Tôi về tới làng lại làm bãi, kiêm thằng đưa đò ngang. Cha mày xưa đưa đò ngang, làm vườn làm bãi. Tới đời mày vẫn thế. Thế thì sao?
Đêm đêm, bao nhiêu năm mà tôi ra tới giữa con sông vẫn có cảm giác ở giữa dòng có một giải phân cách. Như sông có bên đục bên trong. Bờ có bên bồi và lở. Nhìn sang kia bờ, một chòm sao? Không, đó là ngàn dãy điện dài lấp la lấp lánh ngày càng nối dài thêm. Yên tĩnh thế mà sao tôi không thấy bên bờ phía làng tôi đẹp như thời xưa. Một mầu đen xanh thui thủi. Rõ tệ.

Cha tôi sống hết giai đoạn bao cấp thì ông mất. Ông có đủ thời gian đóng góp cho công việc nhà nước nên có tiền hưu. Biết bao nhiêu công nợ ông trả cho hết. Lại găm tiền khắp nơi mới chết chứ. Ông ốm tới tháng sau tết mới đi: cho đỡ khổ, con cái được ăn tết. Tôi nghe ông kể lể, rằng đêm qua cha nằm nghe mưa buồn thế. ừ! Mưa mùa đông buồn lắm! Tôi nằm nghe tiếng mưa lộp bộp gõ lên lá chuối ngoài nhà. Lại nghe tiếng ì oằm vọng về. Năm ấy là năm đầu tiên trên Hồ Gươm bắn pháo hoa. Trên phố nó bắn pháo hoa! Ông nhỏ nhẻ. Tiếng pháo chiến thắng nghe ấm hơn, nhiều mầu hơn pháo bắn mù mịt ở chiến trường. Tôi cười, khóc rõ to như thằng điên sau khi ông đi, vì lục lọi khắp nơi được hơn mươi triệu. Đúng là ông giữ lời hứa với con cháu, không để bọn tôi phải lo nợ nần, tang lễ. Anh em nhà tôi đắp mộ ông đắp to nhất làng. Chôn nơi cao, lại có hai dãy hoa bó như cái nia. Ông chết thực nhẹ. Tôi chăm ông tới phút chót và viết cho ông cái điếu văn kể rõ công tích.
Có lẽ cứ như thế thì chả có gì nói nữa. Bất chợt thời thế thay đổi. Sự đổi thay như tiền định mà không bao giờ hẹn trước.

Con sông thì vẫn chảy như thế. Có đổi dòng gì đâu. Muốn đổi dòng phải ba trăm năm. Nhưng rồi phá hết thời bao cấp, người đi buôn, đi công việc qua sông tấp nập hơn. Tôi vất vả nhưng còn có dịp kiếm thêm bát cơm manh áo.
Chuyện đời thực kỳ cục quá. Nhiều người ở làng giầu lên. Xây nhà hộp như bên Hà Nội. Nhưng khi tới giữa sông, nhìn lại thì mấy ngôi nhà có điện le lói như sao hôm, sao mai. Tôi lại nhớ chuyện kể của bà tôi về đôi ếch vàng. Tôi nằm nghe tiếng mưa nghe ếch kêu và cứ nghĩ, tưởng con ếch này gọi con ếch kia, gọi tôi đến một nắp hầm. Nó kêu: ộp, ộp! đi theo tôi, đi theo tôi! Tôi bảo, đi đâu, già rồi. Hơn bốn mươi nhăm tuổi chứ còn trẻ trai gì?

Rồi lắm sự bất ngờ thực. Có tin đồn đất làng tôi cắt vào thành phố. Lên phường.
Đất lên hương. Người ta bán ruộng công, tư để phố hiện ra. Bắt đầu từ bến phà, đầu cầu phao, sau lan mãi lan mãi, ngược dòng phố chạy tuốt, vượt qua một cái ao rộng dài, xóa nhòa chân đê. Tôi không bao giờ ngờ được là chỉ trong có vài năm mà biết bao thay đổi

Tôi đi ngược ra đầu cầu phao. Nơi con gái chị Nam mất. Nhớ sóng nuốt chửng cái thân bé mới mười ba tuổi. Nhớ con bé khi ấy, chết mà da dẻ vẫn nõn nường, da bụng có hơi trương lên nhưng không sao, vì tuy quần nó có rách toác ra, vẫn thấy chỗ ấy màu trinh trắng và đôi môi tím. Chốn ấy, có xưa là quán nước cả Ngãi. Nghe đồn, cả Cả Ngãi đi bộ đội mãi tận tới sau chiến tranh với Căm Pốt về làng. Nhà hắn ở tận xóm thượng, cắm liều một gian ra gần đầu phà, đua làm dân tứ chiếng chơi với giang hồ thảo khấu. Nhà nuôi con chó bec giê khôn lắm. Lão Ngãi bán rượu lậu, bún lòng, dắt điếm cho bọn lái xe đậu chờ phà. Tuy thế trong làng ai quá nghèo khó, túng đói có vay giật gì hắn đều giúp, thậm chí có khi hứng lên cho không vài lon gạo. Thế mà tay anh hùng ấy chết vì thằng bé bốc vác có mười bẩy tuổi. Thằng bé vừa đi tù một năm về, chẳng biết Ngãi từng tuốt gươm, mã thượng có tiếng anh hùng nơi đầu sóng ngọn gió với đời. Hai người cãi nhau vì mấy đồng nợ. Thằng bé kia cắm sổ, cứ ấm ớ chưa chịu thanh toán. Nó vòng ra sau bếp nấu nhà Ngãi. Con chó trân trân nhìn. Nó vớ cái bơm, bất ngờ giáng một cái vào đỉnh sọ Cả Ngãi. Ngãi gục xuống bát cháo ăn dở. Hộc một tiếng, máu tóe lên, bắn vọt tận đỉnh ngọn tre. Tại đây có vết máu đen chảy mãi, chảy mãi lan qua vũng cát. Nước lũ năm ấy đỏ quạch. Dân làng bảo điềm gở. Chỗ lão nghãi chết, sau vụ nước, đất hồng lên, có đào mãi xuống một mầu còn nạc thâm hơn thế. Dân gọi đó là bãi máu lão Ngãi.
Nơi bến cô gái chết tươi vì chân bước lầm vào chỗ xoáy của cây cầu phao năm ấy có tin đồn là gái trinh hiến non cho lão Bá đoạn sông Hồng này. Tôi chợt nghe năm ấy không còn tiếng ì oằm nơi đầu con phà vẫn chết neo ở bến đỗ. Nhưng nơi nào cũng thấy dấu vết của người làng tôi. Từng thước đất một.

Những câu chuyện bất ngờ về đất ruộng ở làng thì nhiều lắm. Người mạnh tay bán, người thì mua. Vài người làng sợ mất đình nên nhiều người hô hào làng không lên phố. Trong số ấy có con Lý và thằng chồng nó ở Hà Nội về cứ nhắn nhe bảo tôi đừng bán chác đất đai gì cả, vì mồ mả, ông cha, tổ tiên. Tôi bảo, lũ chúng mày ở Hà Nội, nếu còn hơi hướng nông dân về đây làm ruộng cho biết. Tôi vẫn đau người mỗi khi trở gió. Có bận ra tới giữa sông nhức hết cả xương.

Cây gạo mùa ấy, tháng ba tháng tư tháng năm gì đó, ở ngã ba ra bãi, bỗng nở ra rõ nhiều hoa đỏ rồi sau vãi bông trắng xóa, vãi mầu tơ bay dọc huyện. Nếu bà tôi sống lại, nhất quyết bà sẽ bảo đó là điềm tốt. Vâng, điềm tốt. Gốc gạo người ta băm nát, tróc lấy vỏ, nạo bằng được vỏ, về giã với nước giải trẻ con để đắp vào những chỗ đau đớn của kiếp người. ở chỗ gốc gạo ấy nhựa ứ ra sưng phù. Tôi cũng ra đó nạo một đoạn vỏ, đắp ba ngày chưa khỏi nhức.

Quả thật có quy hoạch làng tôi vào thành phố thật. Xã cho họp cả làng. Phổ biến chỗ này quy hoạch, chỗ kia đền bù. Làng nháo nhào, sôi động như vỡ đê. Nhiều ý kiến và người đông đúc tới dự hôm đó. Cái lão cụt hết tứ chi cũng thủng thẳng với xe lăn tới. Gặp tôi, lão nói, quy hoạch, tiến lên là tốt, đừng biến làng này thành đất của người hàng tổng là được. Chúng mình là những người lính, phải ủng hộ những cái làm cho xã hội tiến lên. Còn cái chỗ canh đê ấy thì không được biến thành hàng quán, để lấy chỗ cho tớ hóng mát với lại khi có lũ lụt, thiên tai, trái gió trở trời, còn có nơi mà tập hợp thanh niên. Chả ai hỏi ý kiến của tôi cả. Mà có hỏi thì cũng ai biết biết, tâm hồn người ta thế nào giữa dòng sông. Phải cả đời làm bãi và chèo đò như cha tôi và tôi, ở giữa dòng phân cách mới hiểu cho hết, khi ấy nó thui thủi thế nào.
Đầu năm, tôi gọi em tôi về, bán đứt một nửa vườn nhà. Tôi vẫn chèo đò cũng được, nhưng tôi muốn nhà tôi là một thành viên của dân thành phố, muốn không còn giải phân cách giữa con sông nữa. Làng lên thành phố, xã thành khu rồi. Sao riêng nhà tôi cưỡng lại sự đổi thay của dòng nước?
Tất nhiên tôi vẫn chưa bao giờ quên biết bao câu chuyện của làng tôi. Tôi ghi lòng tạc dạ, toàn bộ những gì đã xảy ra. Tôi chối bỏ ý kiến của con Lý, khi nó ở Hà Nội về nhứt quyết bảo là cố mà giữ lấy làng. Nó biết quái gì. Cái làng tôi này, không thể để nó lẻ loi tồn tại, khi mà công ăn việc làm sống dở chết dở. Phải sống khác đi thôi, cho là dân làng tôi quyết định giữ gìn mả Ông Đống, cái điếm canh đê, hai ngôi đền trong và ngoài bãi, để còn có cái linh thiêng tới tận thế.
Đêm ấy, tôi lấy chiếc bật lửa trên ban thờ bố tôi ra ngắm nghía. Tôi đốt đèn. Tôi lấy giấy bút ra ghi. Giấy trắng muốt, ghi lại, kể hết hình thế của làng, câu chuyện của cả nhà tôi, những bà, mẹ, con Lý, thằng ý, những đứa dân làng tôi và bến sông. Viết tới đâu để mực không bao giờ bay mầu, tôi phun nước hành giã, trộn vài giọt chanh lên tới đó (1). Tôi vừa viết vừa như bay lên qua bãi giữa. Tới giữa sông thì không thấy danh giới ngày xưa nữa. Thành phố vươn mãi ra, nhấn chìm ranh giới làng tôi. Tôi bay lên nữa thì không thấy đâu là thành phố. Cứ lên cao đi, nhìn xem, cả thành phố là một làng lớn, cao nữa thấy cả nước tôi là một làng lớn, như thời gian vượt qua biết bao lam lũ và biết bao số phận trong cái làng của chúng tôi.

Bấy giờ là năm 2009. Toàn bộ giấy tờ của tôi viết dài chín nhăm trang và cho trong một cái chai đậy kín. Tôi tới mả lão Đống. Chôn chín thước. Tôi chôn xuống cho ngày mai mọi sự chuyện của làng tôi. Câu chuyện làng không hề có trong lịch sử huyền thoại về một chốn bây giờ là nơi nổi tiếng. Tôi đã chứng tỏ cho thiên hạ biết, nơi đây, tại chỗ này đây xưa có một cuộc sống, một làng với biết bao nhiều đau đớn, hạnh phúc, có cha, mẹ, bà, con Lý, mối tình của chính nó với thằng không bao giờ là em rể của tôi... Thế mà những đủ năm mươi năm mới hãi hùng chứ. NVT
1- Để giữ giấy tờ và tranh cổ khỏi mối mục và phai mầu các cụ ta hay bảo quả bằng nuớc hành và vài giọt chanh.
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.