Langven.com Forum

Giúp đỡ - Lục lọi - Dân l ng - Lịch
Full Version: Khi nhà văn nói về nhà văn
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
tsbm
http://evan.vnexpress.net/Functions/WorkCo...=421&MaxSub=421
eVăn: Cuộc trò chuyện này được hai tác giả Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ đặt tên là "Ngẫu hứng qua mây gió". Chúng tôi đổi lại tựa đề dựa theo nội dung của cuộc trao đổi.




Bàn về Nguyễn Huy Thiệp [1/3]
Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ
Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ: Gọi "Ngẫu hứng qua mây gió", nghe õng ẹo quá, làm duyên làm dáng quá. Nhưng không. Đó lại là sự thực. Vì đây là cuộc trò chuyện qua không gian. Chúng tôi ở cách nhau gần nửa vòng trái đất. Dùng ngôn ngữ âm thanh thì không thể tới được. Chúng tôi đành nói chuyện với nhau theo cách của người câm. Nghĩa là nói bằng tay, bằng những cú nhấn phím. Cám ơn thời đại công nghệ. Với những phát triển của khoa học kỹ thuật, trái đất bỗng trở nên bé nhỏ, chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay...

Cuộc trò chuyện ngẫu hứng này, chúng tôi bàn về một con người cụ thể: Đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cả hai chúng tôi đều rất yêu mến anh, một hiện tượng của văn học đương đại. Xin bạn đọc đừng nghĩ là chúng tôi tự mâu thuẫn, vì câu trước khen, câu sau có thể lại chê. Đời văn ai chả có khúc hay, khúc dở. Không nên vì cái dở mà xoá đi cái hay. Cũng không nên vì cái hay mà lờ đi những cái dở. Hay thì khen và dở thì chê. Đấy là cái nhìn khách quan, cũng chỉ vì yêu mến Nguyễn Huy Thiệp....


Nguyễn Văn Thọ: ...
[*] Khoa ạ. Cứ ngẫm lại mà xem, văn học nước ta, giai đoạn từ 1985 tới 1996 có ai hơn Nguyễn Huy Thiệp về thể tài truyện ngắn? Ông ấy xuất hiện như vệt sét đầu thời đổi mới. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã gặp thời. Dù khi ấy nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung lại, Nguyễn Huy Thiệp lúc bấy giờ đã đẻ ra được một loạt tác phẩm giá trị. Tiếng sấm đầu là Tướng về hưu, kế đó là một loạt truyện ngắn đặc sắc. Tôi đặc biệt thích lối kể lạnh lùng của ông Thiệp ở bốn tác phẩm này, thế rồi tiếp đến là dòng chảy những tác phẩm có tính ảo, tính huyền thoại mà mở đầu là Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi rồi Con gái thuỷ thần... Đời người cầm bút với từng ấy tác phẩm cũng đủ dựng chân dung một nhà văn có cỡ rồi. Và chỉ thế cũng đã tốn biết bao giấy mực của thiên hạ. Còn nói như cái ông Nguyễn Hoàng Đức thì cũng là nói lấy được, làm gì mà ông Thiệp trước sau chỉ có Tướng về hưu - Vừa là vé vào cửa vừa là vương miện. Tướng về hưu “rằng hay thì thật là hay”, nhưng nó cũng chỉ là một tác phẩm theo dòng hiện thực mà trước đó, nhiều nhà văn đã viết nhưng không được công bố. Những tác phẩm sau Tướng về hưu của Thiệp mới thực sự mang dấu ấn riêng, làm mới mẻ bộ mặt văn chương nước nhà. Một mâm cỗ thịnh soạn đấy chứ, vì cho tới hôm nay, có ăn lại vẫn ngào ngạt hương vị. Văn chương cũng giống như món ăn. Thứ tưởng sơn hào hải vị, hôm sau thấy nhạt hoét, ấy là thứ sơn hào hải vị rởm. Tôi nghĩ, có người kính nể ông Thiệp, vì bản thân ông ấy tự làm ra một thương hiệu văn chương của thời kỳ đầu Đổi mới, giống như ở làng quê ta, ai có công gì cho dân làng, người ta làm bài vị để thờ. Nhưng chỉ làng đó thờ thôi, đằng này suốt hơn chục năm, hàng ngàn người hâm mộ Thiệp, bao nhiêu kẻ bắt chước Thiệp, tôn thờ Nguyễn Huy Thiệp. Ngay giới phê bình, cả kẻ yêu và người ghét, khối anh sau này nhìn đâu cũng thấy Nguyễn Huy Thiệp, kể cả những tác phẩm chả liên quan gì tới nhãn quan, giọng điệu Nguyễn Huy Thiệp. Thế là nhất rồi còn gì.

Trần Đăng Khoa: Tôi đồng ý với ông là từ năm 1985 đến 1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Nét đặc sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp là ông ta đã tạo được cho mình một giọng điệu riêng, riêng đến không thể trộn lẫn. Cắt tên đi, đọc văn, chỉ mươi dòng, người ta cũng nhận ra ngay Nguyễn Huy Thiệp. Điều ấy là vô hạn quan trọng. Không có giọng riêng thì không phải nhà văn. Mặc dù nghe giọng Nguyễn Huy Thiệp, người ta cứ mang máng nhớ những ông Tầu thời cổ đại, thuở Tam Quốc và Đông Chu Liệt Quốc... Đó là một lối kể lạnh và sắc, không vòng vo, không dông dài. Vì có giọng như thế, lại có cái nhìn rất khác người, nên văn Nguyễn Huy Thiệp rất hấp dẫn. Đã cầm lên là phải đọc bằng hết. Mặc dù, có cái đọc xong, thấy cũng chẳng có quái gì cả. Chẳng có gì, nhưng vẫn cứ phải đọc cho bằng hết. Nguyễn Huy Thiệp có khả năng bắt vít người đọc vào những trang giấy như có ma ám của mình. Đó thực sự là một thứ văn không phải của người thường. Nó chỉ có thể là văn của thánh thần, hoặc ma quỷ. Nhưng tôi thấy nó sục lên mùi ma quỷ nhiều hơn. Chính vì có hơi ma quỷ nên nó mới ám được người đọc. Từ khi có Nguyễn Huy Thiệp, quả là chúng ta không thể viết như trước, đọc như trước. Cái lão phù thủy quái quỷ này quả đã cho ta một liều thuốc quỷ, khiến ta thấy "kinh", thấy dị ứng trước những món tẻ nhạt, mà trước đây ta vẫn quen xơi và cứ tưởng là sơn hào hải vị. Tôi quý Nguyễn Huy Thiệp, như quý Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh.... và rất nhiều nhà văn khác.

Nguyễn Văn Thọ: Một trong cách tạo ấn tượng của Nguyễn Huy Thiệp là lối nói tung tẩy mà ta hay gặp trong truyện của ông ta. ấy là trong mỗi truyện Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng đưa đẩy những chiêm nghiệm lửng lơ kiểu như: Tình yêu đấy là một hung thần, hoặc: Người ta luôn lầm lẫn, hay: Đàn bà đứng về phía trật tự... đàn bà rất thích những ngôi nhà có cửa sổ rộng để chuồn ra ngoài... Không tin, ông cứ mở sách ra đi, bất cứ truyện nào của Nguyễn Huy Thiệp ta cũng nhặt được dăm câu đại loại như vậy. Cái đó cũng là đặc điểm Nguyễn Huy Thiệp, nhưng cũng có người cho đấy như những lời thánh phán...

Tôi thấy ban đầu Nguyễn Huy Thiệp phán thiêng lắm. Sự ẩn dụ nhiều chiều trong văn chương, lại ở trong một văn cảnh hợp lý nào đó, giúp Nguyễn Huy Thiệp buộc bạn đọc phải suy nghĩ trăn trở để tìm giải đáp cho mấy câu buông sõng ấy. Mặc dù nó nguy hiểm ở chỗ, những lời tương tự lửng lơ nếu đặt đúng chỗ có thể ám ảnh và mụ muội bàn dân thiên hạ, còn không, một là nó giả tạo cho nhân vật, hai là nhiều câu phán ấy, khi buông sõng, mơ hồ sẽ được hiểu theo nhiều chiều, hoặc những chiêm nghiệm có tính cá biệt đẩy con người tới sự hoang mang với cuộc sống thực tại. Và thật giả, đen trắng thành một khối mù mờ. Chính vì thế, đọc xong, người ta hoặc là ong ong cái đầu, hoặc là thấy lơ mơ đâu đó như có tiếng thì thào vào tai, nhiều lời có tính triết lý, nửa như tiên tri, nửa như lời ma quỷ đưa lối và tạo thành một thứ “ma từ”. Ai yếu bóng vía thì thấy sợ. Lửng lơ lúc nào cũng thấy một Nguyễn Huy Thiệp trên đầu. Nhà văn Lê Minh Hà tận Tây Đức từng vẽ “Chân dung Nguyễn Huy Thiệp từ một thế nhìn”: Ông buông bắt người đọc bằng khả năng viết không thay được một chữ; hoặc thậm chí: tôi bị khuất lụy vô điều kiện bởi Nguyễn Huy Thiệp, tới mức: thuộc lòng từng đoạn từng truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Sao lại phải tới nỗi thế? Theo tôi, đấy chỉ là một trong nhiều thủ pháp tiểu xảo của nhà văn biết cách lạ hóa. Khác lạ là ăn tiền. Tôi thấy Thiệp có chỗ khác và lạ. Đúng như ông nói, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo được cho mình một giọng điệu riêng, gửi gắm được nhiều quan niệm để trình làng một mâm cỗ kiến tạo với quan niệm thẩm mỹ của Thiệp. Theo tôi đấy là khác. Còn lối viết như tôi dẫn chứng trên, đấy là lạ. Nhưng cái lạ sẽ hỏng và thực buồn cười nếu không đúng chỗ. Cũng dần chẳng còn lạ nếu cứ lặp đi lặp lại. Ông có nhớ Thương nhớ đồng quê không? Đấy là một truyện hay sau này của Nguyễn Huy Thiệp. Ông ta ở thủ đô, đi xe máy Uớc mơ, chủ tiệm ăn Hoa Ban mơ mộng mà viết được về đồng quê Việt Nam cả một giai đoạn dài tới như vậy. Bao nhiêu người, bao nhiêu suy nghĩ và bao nhiêu chi tiết rất sinh động của làng quê một thời, được Nguyễn Huy Thiệp cô đọng, dựng nên truyện. Vẫn cái gịong khác ấy, lạnh lùng ấy, Tướng về hưu làm người ta bàng hoàng đau đớn, nhưng tới Thương nhớ đồng quê người ta bùi ngùi, vì những việc, chi tiết quen thuộc, thậm chí lẩm cẩm, vớ vẩn mà ông Thiệp nhặt nhạnh, lắp ghép, tái dựng trong trí tưởng tượng của một bàn tay tài hoa. Chỉ thế thì tài, vì nó đã mang gần như đầy đủ cái Khác! Nhưng cũng trong Thương nhớ đồng quê, Nguyễn Huy Thiệp đã sai lầm, khi ông ta chấm màu, làm đậm lên nhiều cái lạ. Cái lạ ở đây khi đã đậm đặc, lại thành những hạt sạn, làm người đọc gặp phải muốn nhè ngay ra miếng cơm dẻo đang bùi. Tôi đồ rằng, ông Thiệp viết truyện này và nhiều truyện dở khác nữa ở quán Hoa Ban…
tsbm
Trần Đăng Khoa: Truyện đã dở thì viết ở đâu cũng chẳng quan trọng. Địa điểm viết nào có ý nghĩa gì, khi cái truyện không có sức sống. Ông là người trọng lý luận, nên ông nâng thành lý luận hai đặc điểm trong những sáng tác thành công của ông Thiệp là lạ và khác. Lạ và khác thì cũng chỉ là một mà thôi, tuy ở hai cấp độ, có khác nhau tí chút. Tôi trọng thực tiễn. Tôi thấy ông Thiệp chỉ có mỗi một mẹo, và ông ta cũng chỉ sử dụng có mỗi một mẹo để làm nên sức hấp dẫn của mình. Đó là phép nói ngược. Tất cả chỉ có thế. Người đời dựng Trương Chi là một anh chàng lãng mạn, ông Thiệp đưa ra một Trương Chi bất đắc chí, cục súc và thích văng tục. Ngay khi vừa xuất hiện, Trương Chi đã tung "cứt" ra rồi. Rồi chàng vung "cứt" ra khắp các trang sách. Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp chẳng khác gì một tên du thủ du thực. Người ta luôn nghĩ các vị Thánh thường rất cao vợi và linh thiêng, ông Thiệp qua các sáng tác, đã chỉ ra rằng, Thánh cũng chỉ là người trần mắt thịt ở trong cõi vô minh ở chốn phàm trần. Thánh cũng ve gái, cũng uất ức vì không chinh phục được một cô gái ở hạng thứ cấp, mà người đời vẫn coi là mạt hạng, là xướng ca vô loài... Hầu hết các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều mang âm hưởng như thế. Và ở ngoài đời, ông Thiệp cũng sống như vậy. Nghĩa là vẫn gây ấn tượng bằng những cú nói ngược. Tôi kể ông nghe về cuộc Hội thảo của đoàn nhà văn ta với độc giả Thụy Điển chiều 28 tháng 9 năm vừa rồi giữa Hội chợ sách Bắc Âu. Cuộc hội thảo do nhà văn lớn Thụy Điển Sara Lidman điều khiển và đề dẫn. Sara Lidman rất yêu Việt Nam, từng ủng hộ cuộc chiến tranh của chúng ta những năm trước đây. Bà nói lại những ấn tượng tốt đẹp của bà về những năm tháng rất đáng ghi nhớ ấy. Nhưng đến Nguyễn Huy Thiệp thì anh xổ toẹt: “Đối với thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh ấy thật đáng lộn mửa’’. Bà Sara Lidman không hiểu ra làm sao cả. Bà lại nghĩ rằng, hình như ở Việt Nam đang có mối mâu thuẫn giữa các nhà văn đã qua chiến tranh và những thế hệ cầm bút sau chiến tranh. Thực ra, Nguyễn Huy Thiệp đâu phải thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Ông cùng thời với hàng triệu người chết trận, hàng triệu người đang sống còn mang bao nhiêu vết thương nhức nhối. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh đúng là thế hệ sau chiến tranh lại phải điều chỉnh: Nếu có chút gì gọi là mâu thuẫn, có chăng chỉ thế này thôi, là các nhà văn đã qua chiến tranh viết về chiến tranh cũng chưa được thật hay. Thế thôi. Còn cuộc chiến tranh của chúng tôi là cuộc chiến tranh giữ nhà. Tôi rất tự hào về cuộc chiến tranh ấy. Nhiều khi tôi cứ muốn xoay ngược kim đồng hồ, để được làm người tham dự cuộc chiến tranh, muốn biết thực chất cuộc chiến tranh ấy thế nào, mà hôm nay, có người tự hào vì đã đổ máu cho nó, có người lại cho việc đổ máu ấy là ngu ngốc. Cũng lối nói ngược ấy, ông Thiệp bảo, đến Hội chợ sách, tôi thấy lo sợ cho Thụy Điển, vì Thụy Điển in quá nhiều sách. Đó là một việc làm rất nguy hiểm. Mà in như thế để làm gì. Bây giờ có ai đọc sách đâu. Người ta chỉ đọc sách trước tuổi 30 thôi. Điều này có thể đúng với ông Thiệp, nhưng không đúng với các độc giả, ngay cả các độc giả Việt Nam, chứ đừng nói đến các độc giả Thụy Điển. Bây giờ ở Việt Nam cũng trên giời dưới sách. Sách được in rất nhiều và in rất đẹp. Nếu không ai đọc thì người ta in sách ra để làm gì? Và Hội chợ sách tổ chức linh đình ở Thụy Điển cũng chỉ để nhằm tôn vinh các nhà văn, các học giả và bạn đọc khả kính. Nếu không đọc, không muốn tìm sách hay thì làm sao có hàng triệu lượt người đến hội chợ sách hôm ấy. Vé cả đợt vào cửa là 352 USD mỗi người. Số tiền ấy đâu có rẻ đối với ngay cả đồng lương của người Thụy Điển. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại bảo người ta không đọc. Bà Sara Lidman kinh ngạc: “Lần đầu tiên tôi được nghe ý kiến như thế. Tại sao anh lại nói vậy? Anh căn cứ vào đâu mà nói thế? ở nước tôi, ngay cả những vùng quê hẻo lánh, người ta đọc cũng rất nhiều...’’. “Không ai đọc sách đâu. Đấy là một sự thậ.” - Ông Thiệp bảo – “Nếu có đọc sách thì người ta cũng chỉ đọc giả vờ. Ngay cả sách của bà, người ta cũng không đọc. Bản chất của con người là nhầm lẫn...”. Nói thế là liều lĩnh lắm. Suy cho cùng, Nguyễn Huy Thiệp chỉ tạo dựng sự độc đáo của mình bằng phép nói ngược mà thôi. Ông cứ bình tĩnh đọc lại toàn bộ tác phẩm của ông Thiệp thì rõ. Lối nói ngược bao giờ cũng ấn tượng, hấp dẫn. Nhưng để sử dụng được cái mẹo này, phải có vốn văn hoá sâu rộng và lại phải rất cao tay, như một vị phù thuỷ có bùa mê thuốc lú. Chỉ như thế mới mê hoặc được công chúng. Nếu không sẽ ăn đòn ngay, vì bị cho là kẻ phá đám, là thằng nghịch tặc. Nguyễn Huy Thiệp từng chịu nhiều cú đòn. Hầu hết những trận đòn ấy cũng đều bắt đầu từ chuyện nói ngược đó thôi.

Nguyễn Văn Thọ: Việc ông Thiệp phát biểu như thế, theo tôi đấy cũng là một dạng “mơ hồ Nguyễn Huy Thiệp”, để ai hiểu thế nào cũng được về hai mặt của chiến tranh. Đấy là điều nguy hiểm cho bạn đọc. Với cuộc sống thực, Nguyễn Huy Thiệp hay né tránh trách nhiệm khi phát biểu ở nước ngoài, né tránh trách nhiệm với đồng bào và bè bạn của ông. Điều đáng buồn là Nguyễn Huy Thiệp đã rất vô trách nhiệm khi phát biểu trên đất nước xét giải Nobel! Tôi tin bè bạn Thụy Điển đủ thông minh để thận trọng nhận biết khi nghe Nguyễn Huy Thiệp. Vả lại, một nhà văn ra nước ngoài, không cá nhân nào có quyền thay thế cho chúng tôi, ít ra là tôi là bè bạn tôi, phỉ báng nốt vào phần máu cuối cùng mà chúng ta đã đổ trong cuộc chiến tranh đã qua. Tôi hy vọng, nhà văn nữ Thụy Điển kia, người đã từng đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh, tỉnh táo nhận ra điều ấy. Nhận ra, ông Nguyễn Huy Thiệp chỉ là một cá thể.

Vấn đề này, phải nói là rất đau lòng. Có lẽ tôi với ông phải mở hẳn một chuyên đề hai ta thảo luận, nhìn nhận hiện tượng này cho rõ. Bởi vì vừa qua, cũng không ít nhà văn học cách nói điêu, nói dối. Họ đã đẻ ra nhiều dị dạng quái thai. Họ có trực tiếp nhìn thấy máu đâu mà biết về máu, phỉ báng máu! Sự nghe hơi nồi chõ, cưỡi ngựa xem hoa, khi rơi vào văn chương minh họa, hoặc phản tỉnh cũng đều hạn chế như thế. Nhất là lại tái hiện cuộc chiến hoặc những vấn đề của thời thế khi ngửi thấy làn gió của thời thế mới. Tôi gọi, đó là sự vô luân có thể hiểu được của vài người cầm bút. Thế hệ sau có thể không trực tiếp tham gia chiến tranh, sẽ viết hay về cuộc chiến, nếu như họ có niềm thức tỉnh minh triết và nghiên cứu thận trọng, trong câu hỏi vì sao chúng ta đã làm nên chiến thắng. Cả tuổi xanh của tôi đã chôn vùi trong chiến tranh, bây giờ nhìn lại, tôi thấy rõ chiến tranh, ở mặt trái của nó khốc liệt như thế nào mà cả dân tộc ta đã phải chịu đựng, nhưng bóp méo những gì đã xảy ra trong lịch sử chiến tranh của đồng đội tôi, những gì nhân dân và bộ đội đã một thời vì lòng tự tôn dân tộc, thực sự tin và sống chết với niềm tin của nhân dân khi ấy, tôi coi đấy là một sai lạc khó mà tha thứ. Tôi không tô hồng chiến tranh, luôn nhớ tới những mất mát không bao giờ bù đắp nổi của biết bao người, song chúng tôi khi ấy, nếu như không có sự hy vọng về ngày chiến thắng của một dân tộc, hỏi làm gì có ngày cuối cùng mà biết bao người đã đi qua cái chết tới thành phố Sài Gòn? Với lối nhìn ra vẻ phản đối chiến tranh, bịa tạc hay quá nhấn vào mặt bản năng người, bôi xóa mặt hoành tráng có thực trong đại đa số tâm hồn của người lính thời đại ấy, là lối nói nhăng cuội! Nhà văn phải dũng cảm và trung thực. Trung thực ngay với cả bản thân mình, không để bất cứ hoàn cảnh ngoại quan và điều vụ lợi lấn lướt, chi phối. Điều mà Nguyễn Huy Thiệp phát biểu trên, một lần bộc lộ tâm can hiện tại của ông ấy. Nguyễn Huy Thiệp, nếu đồng cảm với những nỗi đau có thực trước nhân dân, đẻ ra nhiều truyện ngắn hay như trước đây làm tôi tâm phục khẩu phục, thì hôm nay ông ấy sẽ phải thận trọng hơn, nhất là khi ra nước ngoài, trả lời một câu hỏi của một nhà văn từng sát cánh cùng chúng ta. Vậy là ông Thiệp mông lung, mập mờ với nhiều quan niệm của mình. Hay đó là sự mông lung của một con người nhiều ham hố. Nhà văn như vậy, dù có tư tưởng, cũng không thể lớn được.
tsbm
Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ đó cũng chỉ là trò “nói ngược” để tạo ra những cú sốc của ông Thiệp. Ngay gần đây nhất là bài “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” ông Thiệp cho in liên tiếp trên ba số tạp chí Ngày Nay. Tôi thực sự ngạc nhiên, không biết ông Thiệp “moi” ở đâu ra mà lắm nhà thơ nhà văn thế? Hiện nay, danh sách toàn bộ hội viên Hội Nhà văn mới chỉ có 798 người, trong đó chỉ có gần 300 nhà thơ, thế mà ông Thiệp bảo “Trong số hơn ngàn hội viên Hội Nhà văn”, có 80% là các nhà thơ. Ông gọi họ là “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”. Ông muốn Hội Nhà văn chỉ nên là sân chơi của những người trẻ tuổi. Yêu mến, nâng đỡ thế hệ trẻ là điều rất tốt, nhưng không phải vì quý lớp trẻ mà lại khinh miệt, phỉ báng lớp già, lại đuổi những người già ra khỏi cái sân chơi rất đỗi quen thuộc và vui vẻ có tên là Hội Nhà văn. Chúng ta rồi ai cũng đến lúc thành người già. Cả ông Thiệp cũng thế. Các cây bút cao tuổi mà còn cặm cụi lao động, còn chạy đua với lớp trẻ, vẫn kẽo kẹt kéo cày trên cánh đồng chữ đầy bất trắc và giông gió thì tốt quá chứ. Họ đáng kính trọng gấp hai lần. Vậy hà cớ gì mà lại tẩy chay những người đáng thương ở cái kiếp cầm bút chúng ta. Không nên tạo ra mối mâu thuẫn giữa các thế hệ. Các cây bút chống Mỹ, thời còn rất trẻ, họ cũng đâu có phân biệt thế hệ, khinh miệt các bậc đàn anh như thế? Và các nhà văn cao tuổi cũng vậy, họ đâu có ghét bỏ, vùi dập lớp trẻ. Việc khen chê nếu có cũng chỉ là sự thẩm định trên từng tác phẩm cụ thể. Đó là quyền của bất kỳ người đọc nào, cũng là chuyện bình thường trong sinh hoạt văn chương lành mạnh, không phải sự xung đột thế hệ. Vậy thì tại sao lại cứ phải tạo ra những hố ngăn cách giả giữa các thế hệ nhà văn như thế để làm cái gì?

Nguyễn Văn Thọ: Trở lại tác phẩm cụ thể của Nguyễn Huy Thiệp, thời ông ấy còn vang bóng, tôi tiếc cho Thương nhớ đồng quê. Giá ông Thiệp không bắt thằng trẻ trâu, cái cậu Nhâm đáng thương ấy, nhìn và cảm như một người quá từng trải. Cái chuyện bị nhoè đi, vì tác giả đưa vào những bài thơ phụ đồng bắt ếch lơ ngơ, mang tính bùa chú. Nhưng có người lại bảo, văn Nguyễn Huy Thiệp mà ông đòi tước đi mấy thứ đó thì có khác gì giết chết ông ấy! Nói như vậy, nhưng về mặt thành công, bao gồm những truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp đọng lại, tựa như tiếng sấm báo hiệu một thời kỳ mới của văn chương quê mình. Này, ông Khoa ơi, sau tiếng sấm ấy, chớp và mưa! Nhà văn Nguyễn Khải còn nói là sẽ bẻ bút(!). Đấy là sự xấu hổ có thực dẫu là bên bàn trà tiệc rượu, lề đường, nhất là khi mấy bố hứng lên.

Trần Đăng Khoa: Chết, sao ông lại tin cụ Khải. Ông già vui tính ấy hay nói đùa lắm đấy. Nói cho vui rồi quên ngay thôi. Có một nhà văn nữ tặng Nguyễn Khải cuốn sách. Ông cụ bảo: “Văn của chị là em cứ phải đội lên đầu đấy nhé!’’ Câu nói với đầy vẻ sùng kính của một nhà văn lớn lại có tiếng là sắc sảo tinh đời, khiến nữ nhà văn rúng động, run hết cả các tứ chi. Nhưng thực tình, cụ Khải có đọc đâu. Nếu đọc, tôi dám chắc cụ ấy chả dám đội lên đầu. Nhà văn Nguyễn Khải tuyên bố bẻ bút khi xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp. Tôi nghĩ đó chỉ là lời đồn nhằng của công chúng nhằm đề cao Nguyễn Huy Thiệp. Khi ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã cho đăng liên tiếp mấy truyện ngắn rồi. Ông Thiệp xuất hiện với gương mặt âm âm tối. Một gương mặt sinh ra dường như chỉ để thách thức các nhà nhiếp ảnh, và ngay cả những bác phó nháy đại tài cũng cảm thấy khó chụp, vì gương mặt ông Thiệp lúc nào cũng như thiếu sáng. Một con người lạ hoắc, lại vác một khuôn mặt âm u bí hiểm, khiến các nhà chức trách luôn thấy bứt rứt vì nghi ngờ, bạn bè đồng nghiệp thì ngỡ ngàng và không ít người khó chịu, đã nhảy phóc một cái vào ngôi đền thiêng văn chương, lại ngồi chỗm trệ trên cái chiếu Tiên chỉ, khiến cả văn đàn một thời nháo nhác. Người vỗ tay hoan hô. Người hằm hằm tức giận. Nguyễn Khải cũng vỗ tay rất náo nhiệt, nhưng ông Tiên chỉ có tiếng là khôn ngoan này cũng có “bẻ bút’’ đâu. Mà việc gì phải "bẻ bút"? Nguyễn Khải có vị thế của Nguyễn Khải. Ông cụ là bậc đại bút. Một thợ đấu lực lưỡng. Sách cụ Khải vẫn ra kìn kìn. Và cuốn nào cũng giống cuốn nào. Nghĩa là rất hấp dẫn và luôn có tính cập nhật, lại cứ đều thau tháu như đúc ra từ một cái khuôn...

Nguyễn Văn Thọ: Nhưng sự thực thì cũng có người bẻ bút thật. Trên đường đời, cách nhau một dặm là ghê, nhưng cố vẫn đuổi nhau được. Còn ở Văn chương cách nhau chỉ một bước, một phân, thậm chí một milidem... có khi cả đời lẽo đẽo làm kẻ theo sau... Đằng này, thoắt một cái, Nguyễn Huy Thiệp vươn mình, phẩy bút bỏ xa bao người! Ông ấy tiến lên phía trước, rùng mình biến tất cả những điều chỉ riêng ông ta làm ra, thành dãy thạch nhũ lấp lánh. Tôi rất lấy làm tiếc khi một số các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đáng được xét, được tặng giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989, khi tập sách đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện! Vậy mà không hề và cho tận tới hôm nay, chưa khi nào Nguyễn Huy Thiệp được nhận một giải thưởng nào cả.

Văn Nghệ Quân Đội, số 596, tháng 4/2004
tsbm
Đọc xong cuộc đối thoại giữa một nhà văn ở Đức là NV Thọ và một nhà thơ ở VN là TĐ Khoa về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi không khỏi thấy buồn. Lẫn trong những lời khen ngợi là những chỉ trích có phần thiếu công bằng, và chủ quan, và... của hai ông.

Hình như hai ông đang dùng tiểu xảo văn chương để hạ bệ một "thần tượng". Cũng phải thôi, xu hướng bây giờ là phi thần tượng hóa mà, chống sùng bái cá nhân, dù là trong văn chương.

Trong những bài viết sau tôi sẽ mổ xẻ vấn đề kĩ hơn.

Phạm Tuấn Anh
M
Trong này cũng đã có một topic về câu chuyện này rồi. Ở đây này bác:

http://www.vnequation.de/ibf/index.php?act...21&t=1778&st=60
Quán nước đầu làng Ven > Sáng Tác - Thảo Luận - Phổ biến kiến thức > Văn Học & Ngôn Ngữ
Bạn đang xem phiên bản gọn nhẹ của diễn đ n dưới dạng text, để xem các b i viết với đầy đủ mầu sắc v hình ảnh hãy nhấn v o đây !
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.